NGÂN HÀNG NHÀ
NƯỚC
VIỆT NAM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 13/2019/TT-NHNN
|
Hà Nội, ngày 21 tháng 8 năm 2019
|
THÔNG TƯ
SỮA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA CÁC THÔNG TƯ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC CẤP
GIẤY PHÉP, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC
NGOÀI
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày
16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức
tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 26/2014/NĐ-CP
ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về tổ chức
và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân
hàng;
Căn cứ Nghị định số 43/2019/NĐ-CP
ngày 17 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ
sung một số điều của Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám
sát ngành Ngân hàng;
Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP
ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;
Thống
đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư có liên quan đến việc
cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Điều 1. Sửa đổi,
bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2018/TT-NHNN ngày 23 tháng 02 năm 2018 của
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cấp giấy phép, tổ chức và hoạt
động của tổ chức tài chính vi mô
1. Khoản 2 Điều 36 được sửa đổi,
bổ sung như sau:
“2. Thanh tra, giám sát, xử lý đối với
các hành vi vi phạm của tổ chức tài chính vi mô trong việc thực hiện các quy định
tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.”.
2. Khoản 1 Điều 37 được sửa đổi,
bổ sung như sau:
“1. Thanh tra, giám sát, xử lý đối với
các hành vi vi phạm của đơn vị trực thuộc của tổ chức tài
chính vi mô trên địa bàn theo quy định của pháp luật.”.
Điều 2. Sửa đổi,
bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2018/TT-NHNN ngày 05 tháng 9 năm 2018 của
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ chấp thuận
danh sách dự kiến nhân sự của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân
hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là Thông tư số
22/2018/TT-NHNN)
1. Khoản 3 Điều 3 được sửa đổi,
bổ sung như sau:
“3. Hồ sơ đính kèm danh mục hồ sơ của
tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi bằng
đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước hoặc Ngân hàng Nhà nước
chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà
nước chi nhánh) theo thẩm quyền quy định tại Điều 4 Thông tư này.”.
2. Điều 4 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
“Điều 4. Thẩm quyền chấp thuận
danh sách dự kiến nhân sự của tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài
1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem
xét, chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân
hàng nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi
nhánh xem xét, chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự của chi nhánh ngân hàng nước
ngoài có trụ sở trên địa bàn, thuộc đối tượng thanh tra, giám sát an toàn vi mô
của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh.”.
3. Điểm b khoản 1 Điều 6 được
sửa đổi, bổ sung như sau:
“b) Danh sách dự kiến nhân sự, trong
đó nêu rõ: họ và tên, chức danh, đơn vị công tác hiện tại; chức danh dự kiến được
bầu, bổ nhiệm tại tổ chức tín dụng; tên cá nhân, tổ chức đề cử; tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp mà nhân sự dự kiến làm người đại
diện theo ủy quyền của tổ chức đề cử (nếu có);”.
4. Bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 6 như sau:
“đ) Cam kết chịu trách nhiệm trước
pháp luật về việc nhân sự dự kiến bầu, bổ nhiệm không thuộc trường hợp không được
đảm nhiệm chức vụ theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng.”.
5. Khoản 4 Điều 6 được sửa đổi,
bổ sung như sau:
“4. Phiếu lý lịch tư pháp của nhân sự
dự kiến bầu, bổ nhiệm:
a) Đối với nhân sự dự kiến có quốc tịch
Việt Nam: Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư
pháp cấp, trong đó phải có đầy đủ thông tin về tình trạng
án tích (bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa) và thông tin về
việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã;
b) Đối với nhân sự dự kiến không có
quốc tịch Việt Nam: Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản có
giá trị tương đương (có đầy đủ thông tin về tình trạng án tích; thông tin về việc
cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã) phải được
cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc
cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp theo quy định. Trường hợp phiếu lý lịch
tư pháp hoặc văn bản có giá trị tương đương do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài
cấp không có thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh
nghiệp, hợp tác xã thì chủ sở hữu (đối với tổ chức tín dụng là công ty trách
nhiệm hữu hạn một thành viên), thành viên góp vốn (đối với tổ chức tín dụng là
công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên), cổ đông, nhóm cổ đông, Hội
đồng quản trị, Ban kiểm soát (đối với tổ chức tín dụng là công ty cổ phần) đề cử
nhân sự dự kiến phải có văn bản giải trình về việc không có cơ quan có thẩm quyền
của nước cấp lý lịch tư pháp hoặc văn bản có giá trị tương đương cung cấp thông
tin này và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc nhân sự dự kiến
không thuộc các trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ theo quy định tại Luật
các tổ chức tín dụng;
c) Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản
có giá trị tương đương quy định tại điểm a, điểm b khoản này phải được cơ quan
có thẩm quyền cấp
trước thời điểm tổ chức tín dụng nộp hồ sơ đề nghị chấp
thuận danh sách dự kiến nhân sự không quá 06 tháng.”.
6. Bổ sung khoản
2a vào sau khoản 2 Điều 7 như sau:
“2a. Phiếu lý lịch tư pháp của nhân sự
dự kiến bổ nhiệm:
a) Đối với nhân sự dự kiến có quốc tịch
Việt Nam: Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư
pháp cấp, trong đó phải có đầy đủ thông tin về tình trạng án tích (bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa) và thông tin về việc cấm
đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã;
b) Đối với nhân sự dự kiến không có
quốc tịch Việt Nam: Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản có giá trị tương đương
(có đầy đủ thông tin về tình trạng án tích; thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức
vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã) phải được cơ quan có thẩm quyền
của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp
theo quy định. Trường hợp phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản có giá trị tương
đương do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp không có thông tin về việc cấm đảm
nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã thì ngân hàng nước
ngoài phải có văn bản giải trình về việc không có cơ quan có thẩm quyền của nước
cấp lý lịch tư pháp hoặc văn bản có giá trị tương đương cung cấp thông tin này
và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc nhân sự dự kiến không thuộc
các trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ theo quy định tại Luật các tổ chức
tín dụng;
c) Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản
có giá trị tương đương quy định tại điểm a, điểm b khoản này phải được cơ quan
có thẩm quyền cấp trước thời điểm chi nhánh ngân hàng nước ngoài nộp hồ sơ đề
nghị chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự không quá 06 tháng.”.
7. Khoản 3 Điều 7 được sửa đổi,
bổ sung như sau:
“3. Các hồ sơ, tài liệu quy định tại
khoản 3, 5, 6, 8 Điều 6 Thông tư này.”.
8. Điều 8 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
“Điều 8. Thủ tục chấp thuận danh
sách dự kiến nhân sự của tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân
hàng nước ngoài lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Thông tư này gửi
Ngân hàng Nhà nước đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh
đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này. Trường hợp hồ sơ
chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ
sơ, Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) hoặc Ngân hàng
Nhà nước chi nhánh có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài bổ sung hồ sơ.
2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân
hàng nước ngoài bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước
(Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trong
thời hạn tối đa 45 ngày làm việc kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh
tra, giám sát ngân hàng) hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có văn bản yêu cầu bổ
sung hồ sơ. Quá thời hạn này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
phải nộp lại bộ hồ sơ theo quy định tại Thông tư này để Ngân hàng Nhà nước hoặc
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh xem xét, chấp thuận.
3. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể
từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Thông tư này, Ngân
hàng Nhà nước hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có văn bản chấp thuận hoặc
không chấp thuận dự kiến nhân sự của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài. Trường hợp không chấp thuận, văn bản trả lời tổ chức tín dụng, chi nhánh
ngân hàng nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh
phải nêu rõ lý do.”.
9. Điều 11 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
“Điều 11. Thực hiện chế độ thông báo, báo cáo
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng
nước ngoài kịp thời thông báo bằng văn bản cho Ngân hàng Nhà nước về những thay
đổi liên quan đến việc đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của nhân sự dự kiến được bầu,
bổ nhiệm phát sinh trong quá trình Ngân hàng Nhà nước xem xét hồ sơ đề nghị chấp
thuận danh sách dự kiến nhân sự hoặc kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản
chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự cho đến khi nhân sự được bầu, bổ nhiệm
theo quy định sau đây:
a) Đối với tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này: gửi Cơ
quan Thanh tra, giám sát ngân hàng;
b) Đối với chi
nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này: gửi Ngân
hàng Nhà nước chi nhánh nơi chi nhánh ngân hàng nước ngoài đặt trụ sở.
2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể
từ ngày bầu, bổ nhiệm các chức danh Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị,
Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Trưởng Ban và thành viên Ban kiểm
soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài phải có văn bản thông báo cho Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại điểm
a, b khoản 1 Điều này về danh sách những người được bầu, bổ nhiệm theo mẫu Phụ lục số 03 đính kèm Thông tư này.”.
10. Khoản 1 Điều 12 được sửa
đổi, bổ sung như sau:
“1. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân
hàng có trách nhiệm là đầu mối đánh giá việc đáp ứng hồ sơ, tiêu chuẩn, điều kiện
của nhân sự dự kiến của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc
đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này theo quy định tại Luật các tổ
chức tín dụng và Thông tư này; lấy ý kiến các đơn vị liên
quan; tổng hợp và trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, có văn bản chấp
thuận hoặc không chấp thuận dự kiến nhân sự của tổ chức tín dụng, chi nhánh
ngân hàng nước ngoài.”.
11. Khoản 3 Điều 12 được sửa
đổi, bổ sung như sau:
“3. Tiếp nhận, rà soát thông báo của
tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 11
Thông tư này. Trường hợp phát hiện sai sót, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân
hàng yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xử lý hoặc đề xuất
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước biện pháp xử lý.”.
12. Điều 13 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
“Điều 13. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh
1. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể
từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc đối tượng
quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có trách
nhiệm đánh giá việc đáp ứng hồ sơ, tiêu chuẩn, điều kiện của nhân sự dự kiến của
chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và
Thông tư này; lấy ý kiến các đơn vị liên quan; có văn bản chấp thuận hoặc không
chấp thuận dự kiến nhân sự của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có
trách nhiệm tham gia ý kiến bằng văn bản theo đề nghị của Cơ quan Thanh tra,
giám sát ngân hàng trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản
đề nghị.
3. Tiếp nhận thông báo của chi nhánh
ngân hàng nước ngoài quy định tại khoản
1 Điều 11 Thông tư này; xem xét việc đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của nhân sự
dự kiến hoặc biện pháp xử lý.
4. Tiếp nhận, rà soát thông báo của
chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư này. Trường
hợp phát hiện sai sót, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh yêu cầu chi nhánh ngân hàng
nước ngoài xử lý hoặc đề xuất Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
biện pháp xử lý nếu vượt thẩm quyền.”.
13. Bổ sung điểm
4a vào sau điểm 4 Phụ lục số 01 như sau:
“4a. Thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã (đối với trường hợp phiếu lý lịch tư pháp hoặc
văn bản có giá trị tương đương do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp không có
thông tin này).”.
Điều 3. Sửa đổi,
bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2018/TT-NHNN ngày 14 tháng 9 năm 2018 của
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về tổ chức lại, thu hồi giấy
phép và thanh lý tài sản của quỹ tín dụng nhân dân
1. Bãi bỏ điểm c (iii) khoản 1 Điều 13.
2. Điểm d khoản 1 Điều 13 được
sửa đổi, bổ sung như sau:
“d) Trong thời hạn
15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, Ủy ban nhân dân cấp xã có văn
bản tham gia ý kiến về các nội dung được đề nghị;”.
3. Điểm c, d khoản 1 Điều 17 được
sửa đổi, bổ sung như sau:
“c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày
nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có văn bản lấy ý kiến
của:
(i) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quỹ tín dụng nhân dân đặt trụ sở chính về việc giải thể,
thu hồi Giấy phép; ảnh hưởng của việc giải thể, thu hồi Giấy phép đối với sự ổn
định chính trị, kinh tế - xã hội trên địa bàn;
(ii) Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam về
ảnh hưởng của việc giải thể, thu hồi Giấy phép;
d) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày
nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, các đơn vị được lấy ý kiến
quy định tại điểm c khoản này có văn bản tham gia ý kiến về các nội dung được đề
nghị;”.
4. Khoản 2 Điều 27 được sửa
đổi, bổ sung như sau:
“2. Tổ giám sát thanh lý có tối thiểu
03 thành viên bao gồm đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Ngân hàng Hợp tác
xã Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (trong trường hợp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho quỹ tín dụng nhân dân vay đặc biệt).”.
5. Điểm d khoản 1 Điều 31 được
sửa đổi, bổ sung như sau:
“d) Thanh tra các quỹ tín dụng nhân
dân trên địa bàn trong việc thực hiện tổ chức lại theo đúng các quy định của
Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.”.
6. Điều 32 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
“Điều 32. Trách nhiệm của Cơ quan
Thanh tra, giám sát ngân hàng
1. Đầu mối tiếp nhận báo cáo của Ngân
hàng Nhà nước chi nhánh về tình hình chấp thuận tổ chức lại, thu hồi Giấy phép và
thanh lý tài sản của quỹ tín dụng nhân dân quy định tại khoản 3 Điều 31 Thông
tư này.
2. Đầu mối tham mưu, trình Thống đốc
quyết định việc sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan đến tổ chức lại, thu hồi
Giấy phép và thanh lý tài sản quỹ tín dụng nhân dân.
3. Đầu mối tham mưu, trình Thống đốc
trong việc xem xét, trình Chính phủ quyết định chủ trương giải thể quỹ tín dụng
nhân dân được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Thông tư
này.”.
Điều 4. Bãi bỏ một
số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong
hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Bãi bỏ điểm c khoản
1, khoản 5 Điều 29.
Điều 5. Điều khoản
chuyển tiếp
Đối với các hồ sơ đề nghị chấp thuận
danh sách dự kiến nhân sự của chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được Cơ quan
Thanh tra, giám sát ngân hàng tiếp nhận trước ngày 26
tháng 8 năm 2019, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tiếp
tục xử lý, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận theo quy định
tại Thông tư số 22/2018/TT-NHNN được sửa đổi, bổ sung theo
Điều 2 Thông tư này.
Điều 6. Trách nhiệm
tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra,
giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch
và các thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Trưởng ban và các
thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng, Tổng
Giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm tổ chức thực
hiện Thông tư này.
Điều 7. Điều khoản
thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành
kể từ ngày 05 tháng 10 năm 2019, trừ
quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Điều 2 Thông tư này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 26 tháng 8 năm
2019./.
Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Công báo;
- Lưu: VP, TTGSNH6, PC.
|
KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC
Đoàn Thái Sơn
|