Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 11/2022/TT-NHNN bảo lãnh ngân hàng

Số hiệu: 11/2022/TT-NHNN Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Người ký: Đào Minh Tú
Ngày ban hành: 30/09/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Thời hạn hiệu lực hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 11/2022/TT-NHNN ngày 30/9/2022 quy định về bảo lãnh ngân hàng.

Theo đó, thời hạn hiệu lực và nội dung của hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai (gọi tắt là Hợp đồng) như sau:

Hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm ký cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh của toàn bộ các thư bảo lãnh cho bên mua hết hiệu lực theo Điều 23 Thông tư 11/2022/TT-NHNN .

Đồng thời, mọi nghĩa vụ của chủ đầu tư (CĐT) đối với ngân hàng thương mại (NHTM) theo Hợp đồng đã hoàn thành;

Ngoài các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư 11/2022/TT-NHNN (trừ nội dung tại điểm h và điểm i trong trường hợp bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối ứng), Hợp đồng còn phải có các nội dung sau:

- NHTM có nghĩa vụ phát hành thư bảo lãnh cho bên mua khi nhận được hợp đồng mua, thuê mua nhà ở do CĐT gửi đến trước thời hạn giao, nhận nhà theo cam kết quy định tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở;

- NHTM và CĐT thỏa thuận cụ thể về việc NHTM hoặc CĐT có nghĩa vụ gửi thư bảo lãnh cho bên mua sau khi NHTM phát hành thư bảo lãnh;

- Nghĩa vụ tài chính của CĐT;

- Hồ sơ bên mua gửi cho NHTM yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh phải kèm theo thư bảo lãnh do NHTM phát hành cho bên mua.

Thông tư 11/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/4/2023, thay thế Thông tư 07/2015/TT-NHNN ngày 25/6/2015 và Thông tư 13/2017/TT-NHNN ngày 29/9/2017.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2022/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2022

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ BẢO LÃNH NGÂN HÀNG

Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Kinh doanh bất động sản ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Pháp lệnh Ngoại hối ngày 13 tháng 12 năm 2005; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối ngày 18 tháng 3 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về bảo lãnh ngân hàng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức tín dụng bao gồm: ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã và công ty tài chính (trừ công ty tài chính chuyên ngành).

2. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

3. Cá nhân và tổ chức có liên quan đến nghiệp vụ bảo lãnh bao gồm cá nhân và tổ chức là người cư trú và người không cư trú.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên bảo lãnh là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh; bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh theo thỏa thuận đã ký.

2. Bảo lãnh đối ứng là một hình thức bảo lãnh ngân hàng, theo đó bên bảo lãnh đối ứng cam kết với bên bảo lãnh về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với bên bảo lãnh trong trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh; bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh đối ứng theo thỏa thuận đã ký.

3. Xác nhận bảo lãnh là một hình thức bảo lãnh ngân hàng, theo đó bên xác nhận bảo lãnh cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc bảo đảm khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh. Bên xác nhận bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên bảo lãnh nếu bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh; bên bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên xác nhận bảo lãnh, đồng thời bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh theo thỏa thuận đã ký.

4. Bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai (sau đây gọi là bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai) là bảo lãnh ngân hàng, theo đó bên bảo lãnh là ngân hàng thương mại cam kết với bên nhận bảo lãnh là bên mua, bên thuê mua (sau đây gọi là bên mua) về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh là chủ đầu tư khi đến thời hạn giao, nhận nhà ở đã cam kết nhưng chủ đầu tư không bàn giao nhà ở cho bên mua mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng mua, thuê mua nhà ở đã ký kết; chủ đầu tư phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh theo thỏa thuận đã ký. Trường hợp ngân hàng thương mại bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối ứng, bên bảo lãnh đối ứng cam kết với ngân hàng thương mại về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với ngân hàng thương mại khi ngân hàng thương mại phải thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho chủ đầu tư; chủ đầu tư phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh đối ứng theo thỏa thuận đã ký.

5. Đồng bảo lãnh là hình thức cấp tín dụng hợp vốn, theo đó có từ 02 (hai) tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trở lên cùng thực hiện bảo lãnh; hoặc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức tín dụng ở nước ngoài cùng thực hiện bảo lãnh.

6. Bên bảo lãnh là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện bảo lãnh cho bên được bảo lãnh. Trong trường hợp đồng bảo lãnh, bảo lãnh đối ứng và xác nhận bảo lãnh thì bên bảo lãnh bao gồm cả tổ chức tín dụng ở nước ngoài.

7. Bên được bảo lãnh là tổ chức (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng ở nước ngoài) hoặc cá nhân được bảo lãnh bởi bên bảo lãnh hoặc bên bảo lãnh đối ứng.

8. Bên nhận bảo lãnh là tổ chức (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng ở nước ngoài) hoặc cá nhân có quyền thụ hưởng bảo lãnh do bên bảo lãnh hoặc bên xác nhận bảo lãnh phát hành.

9. Bên bảo lãnh đối ứng là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc tổ chức tín dụng ở nước ngoài thực hiện bảo lãnh đối ứng cho bên được bảo lãnh.

10. Bên xác nhận bảo lãnh là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc tổ chức tín dụng ở nước ngoài thực hiện xác nhận bảo lãnh cho bên bảo lãnh.

11. Khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là khách hàng) là tổ chức (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng ở nước ngoài) hoặc cá nhân, cụ thể như sau:

a) Trong bảo lãnh ngân hàng (trừ bảo lãnh đối ứng, xác nhận bảo lãnh), khách hàng của bên bảo lãnh là bên được bảo lãnh;

b) Trong bảo lãnh đối ứng, khách hàng của bên bảo lãnh là bên bảo lãnh đối ứng, khách hàng của bên bảo lãnh đối ứng là bên được bảo lãnh;

c) Trong xác nhận bảo lãnh, khách hàng của bên bảo lãnh là bên được bảo lãnh, khách hàng của bên xác nhận bảo lãnh là bên bảo lãnh.

12. Thỏa thuận cấp bảo lãnh là thỏa thuận giữa bên bảo lãnh hoặc bên bảo lãnh đối ứng hoặc bên xác nhận bảo lãnh với khách hàng và các bên liên quan khác (nếu có) về việc phát hành bảo lãnh ngân hàng, bảo lãnh đối ứng, xác nhận bảo lãnh cho khách hàng.

13. Hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là thỏa thuận cấp bảo lãnh giữa ngân hàng thương mại với chủ đầu tư và các bên liên quan khác (nếu có) về việc ngân hàng thương mại chấp thuận bảo lãnh cho chủ đầu tư trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

14. Cam kết bảo lãnh là cam kết do bên bảo lãnh hoặc bên bảo lãnh đối ứng hoặc bên xác nhận bảo lãnh phát hành theo một trong các hình thức sau:

a) Thư bảo lãnh là cam kết của bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh về việc bên bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh.

Trường hợp bảo lãnh đối ứng và xác nhận bảo lãnh thì thư bảo lãnh bao gồm cả cam kết của bên bảo lãnh đối ứng với bên bảo lãnh và bên xác nhận bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh;

b) Hợp đồng bảo lãnh là thỏa thuận giữa bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh và các bên có liên quan (nếu có) về việc bên bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh.

Trường hợp bảo lãnh đối ứng, xác nhận bảo lãnh thì hợp đồng bảo lãnh bao gồm cả thỏa thuận giữa bên bảo lãnh đối ứng với bên bảo lãnh và các bên liên quan khác (nếu có), giữa bên xác nhận bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh và các bên liên quan khác (nếu có).

Riêng đối với bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai chỉ phát hành theo hình thức thư bảo lãnh.

15. Nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với bên mua trong bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai (sau đây gọi là nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư) là số tiền chủ đầu tư đã nhận ứng trước từ bên mua kể từ thời điểm thư bảo lãnh có hiệu lực và các khoản tiền khác (nếu có) theo thỏa thuận tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở đã ký mà chủ đầu tư có nghĩa vụ phải trả cho bên mua khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở đúng thời hạn đã cam kết.

Điều 4. Quy định về quản lý ngoại hối trong bảo lãnh

1. Việc phát hành bảo lãnh bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải phù hợp với phạm vi hoạt động ngoại hối trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế được quy định tại giấy phép hoạt động của từng loại hình tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ thực hiện bảo lãnh bằng ngoại tệ cho khách hàng đối với nghĩa vụ tài chính hợp pháp bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Những trường hợp không được bảo lãnh, hạn chế bảo lãnh và thực hiện giới hạn cấp tín dụng

Khi thực hiện bảo lãnh, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) về những trường hợp không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng, giới hạn cấp tín dụng.

Điều 6. Xác định số dư bảo lãnh

1. Số dư bảo lãnh đối với một khách hàng hoặc một khách hàng và người có liên quan bao gồm số dư phát hành cam kết bảo lãnh, số dư phát hành cam kết bảo lãnh đối ứng, số dư phát hành cam kết xác nhận bảo lãnh cho khách hàng đó, khách hàng đó và người có liên quan.

2. Số dư bảo lãnh đối với một khách hàng hoặc một khách hàng và người có liên quan được tính từ ngày phát hành cam kết bảo lãnh.

3. Số dư bảo lãnh trong bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai được xác định theo quy định tại khoản 8 Điều 13 Thông tư này.

Điều 7. Sử dụng ngôn ngữ

1. Thỏa thuận cấp bảo lãnh, cam kết bảo lãnh phải được lập bằng tiếng Việt, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thỏa thuận với các bên liên quan sử dụng tiếng nước ngoài trong các trường hợp sau:

a) Giao dịch bảo lãnh thuộc các trường hợp quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định tại Bộ luật Dân sự;

b) Nghĩa vụ được bảo lãnh phát sinh khi thực hiện các dự án được tài trợ vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế. Danh sách tổ chức tài chính quốc tế được quy định tại quy định của Ngân hàng Nhà nước về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

c) Nghĩa vụ được bảo lãnh phát sinh khi tham gia gói thầu quốc tế.

3. Trường hợp sử dụng tiếng nước ngoài, khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, các văn bản hoặc thông điệp dữ liệu phải được dịch sang tiếng Việt có xác nhận của người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc phải được công chứng hoặc chứng thực đính kèm bản tiếng nước ngoài.

Điều 8. Áp dụng tập quán và lựa chọn giải quyết tranh chấp

1. Các bên tham gia bảo lãnh ngân hàng, bảo lãnh đối ứng, xác nhận bảo lãnh, đồng bảo lãnh được thỏa thuận áp dụng tập quán thương mại theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Các tổ chức tín dụng.

2. Việc xử lý tranh chấp phát sinh trong giao dịch bảo lãnh thực hiện theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật. Trường hợp bảo lãnh có yếu tố nước ngoài, các bên có thể thỏa thuận pháp luật áp dụng, cơ quan giải quyết tranh chấp (bao gồm cả tòa án hoặc trọng tài thương mại nước ngoài) để giải quyết tranh chấp về giao dịch bảo lãnh.

Điều 9. Hoạt động bảo lãnh điện tử

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng được lựa chọn thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng qua việc sử dụng các phương tiện điện tử (sau đây gọi là hoạt động bảo lãnh điện tử).

Việc thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử phải đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu và bảo mật thông tin phù hợp với quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền, giao dịch điện tử, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử đối với toàn bộ hoặc từng khâu trong quy trình bảo lãnh, tự chịu rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau:

a) Có giải pháp, công nghệ kỹ thuật đảm bảo tính chính xác, bảo mật, an toàn trong quá trình thu thập, sử dụng, kiểm tra thông tin, dữ liệu;

b) Có biện pháp kiểm tra, đối chiếu, cập nhật, xác minh thông tin, dữ liệu; có biện pháp ngăn chặn các hành vi giả mạo, can thiệp, chỉnh sửa làm sai lệch thông tin, dữ liệu;

c) Có biện pháp đánh giá, quản lý, kiểm soát rủi ro; phân công trách nhiệm cụ thể của từng bộ phận, cá nhân có liên quan trong hoạt động bảo lãnh điện tử và trong việc quản lý, giám sát rủi ro.

3. Trường hợp thực hiện nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng qua phương tiện điện tử khi khách hàng lần đầu thiết lập mối quan hệ với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ các trường hợp quy định tại điểm b và d khoản 4 Điều này), tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có giải pháp, công nghệ kỹ thuật để thu thập, kiểm tra và đối chiếu thông tin, đảm bảo tối thiểu các yêu cầu sau:

a) Đối với khách hàng là cá nhân: Đảm bảo sự khớp đúng giữa thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học của khách hàng (là các yếu tố, đặc điểm sinh học gắn liền với khách hàng thực hiện định danh, khó làm giả, có tỷ lệ trùng nhau thấp như vân tay, khuôn mặt, mống mắt, giọng nói và các yếu tố sinh trắc học khác) với các thông tin, yếu tố sinh trắc học tương ứng trên giấy tờ cần thiết nhằm nhận biết khách hàng theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, theo yêu cầu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc với dữ liệu định danh cá nhân được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bởi tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử;

b) Đối với khách hàng là tổ chức:

(i) Thông tin về tổ chức: Đảm bảo sự khớp đúng giữa thông tin nhận biết khách hàng tổ chức theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền và tình trạng pháp lý của tổ chức (được thành lập hợp pháp, đang còn hoạt động theo quy định của pháp luật) với thông tin, dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hoặc với thông tin, dữ liệu được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bởi tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử;

(ii) Thông tin về cá nhân đại diện hợp pháp của tổ chức thực hiện giao dịch: Thực hiện nhận biết và xác minh thông tin của cá nhân thực hiện giao dịch theo quy định về nhận biết và xác minh khách hàng cá nhân tại điểm a Khoản này đảm bảo khớp đúng với thông tin người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của tổ chức căn cứ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và văn bản ủy quyền (trong trường hợp được ủy quyền).

4. Trường hợp thực hiện nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng qua phương tiện điện tử thì giá trị của mỗi cam kết bảo lãnh phát hành cho khách hàng cá nhân không được vượt quá 4.000.000.000 (bốn tỷ) đồng Việt Nam và cho khách hàng tổ chức không được vượt quá 45.000.000.000 (bốn mươi lăm tỷ) đồng Việt Nam, trừ các trường hợp sau:

a) Thông tin nhận biết khách hàng được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được xác thực điện tử thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử;

b) Khách hàng gửi đề nghị cấp bảo lãnh bằng điện xác thực thông qua hệ thống SWIFT;

c) Thông tin khách hàng và nghĩa vụ được bảo lãnh được đối chiếu khớp đúng thông qua Cổng thanh toán điện tử hải quan hoặc hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;

d) Khách hàng sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật khi đề nghị cấp bảo lãnh hoặc ký thỏa thuận cấp bảo lãnh với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

đ) Khách hàng là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

5. Hệ thống thông tin thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử phải tuân thủ theo quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên theo quy định của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và quy định của Ngân hàng Nhà nước về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng.

6. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lưu trữ, bảo quản thông tin, dữ liệu bảo lãnh điện tử theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn, bảo mật và được sao lưu dự phòng đảm bảo tính đầy đủ, toàn vẹn của hồ sơ cho phép truy cập, sử dụng khi cần thiết hoặc để phục vụ công tác kiểm tra, đối chiếu, giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 10. Phạm vi bảo lãnh

Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ tài chính mà bên được bảo lãnh có nghĩa vụ thực hiện với bên nhận bảo lãnh.

Điều 11. Yêu cầu đối với khách hàng

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét, quyết định cấp bảo lãnh, bảo lãnh đối ứng, xác nhận bảo lãnh cho khách hàng khi khách hàng đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;

b) Nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ tài chính hợp pháp;

c) Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp bảo lãnh đánh giá có khả năng hoàn trả lại số tiền mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải trả thay khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được bảo lãnh cho nghĩa vụ thanh toán trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành với mục đích: cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp kháctăng quy mô vốn hoạt động.

Điều 12. Bảo lãnh đối với khách hàng là người không cư trú

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được bảo lãnh cho khách hàng tổ chức là người không cư trú và phải đáp ứng một trong những yêu cầu sau (khách hàng là tổ chức tín dụng ở nước ngoài không phải đáp ứng yêu cầu này):

a) Khách hàng là doanh nghiệp thành lập và hoạt động tại nước ngoài có vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam dưới hình thức đầu tư quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư hoặc dưới hình thức đầu tư khác quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư;

b) Khách hàng ký quỹ đủ 100% giá trị bảo lãnh hoặc có bảo đảm đủ 100% giá trị bảo lãnh bằng tài sản của khách hàng gồm số dư tiền gửi tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh và chứng chỉ tiền gửi của chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh;

c) Bên nhận bảo lãnh là người cư trú.

2. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được bảo lãnh bằng ngoại tệ đối với khách hàng tổ chức là người không cư trú, trừ trường hợp bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối ứng của tổ chức tín dụng ở nước ngoài hoặc xác nhận bảo lãnh cho nghĩa vụ bảo lãnh của tổ chức tín dụng ở nước ngoài mà bên nhận bảo lãnh là người cư trú.

3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi thực hiện bảo lãnh bằng ngoại tệ cho khách hàng là người không cư trú phải:

a) Tuân thủ quy định pháp luật về hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc cho vay ra nước ngoài và thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú;

b) Có quy trình đánh giá, quản lý rủi ro tín dụng, trong đó có rủi ro trong bảo lãnh đối với người không cư trú.

4. Ngoài các quy định tại Điều này, các nội dung khác về việc bảo lãnh đối với khách hàng là người không cư trú phải thực hiện theo quy định tương ứng tại Thông tư này.

Điều 13. Bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai

1. Ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai khi:

a) Trong giấy phép thành lập và hoạt động hoặc tại văn bản sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại có quy định nội dung hoạt động bảo lãnh ngân hàng;

b) Không bị cấm, hạn chế, đình chỉ, tạm đình chỉ thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

2. Ngân hàng Nhà nước công bố công khai danh sách ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong từng thời kỳ trên Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước.

3. Ngân hàng thương mại xem xét, quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư khi:

a) Chủ đầu tư đáp ứng đủ các yêu cầu quy định tại Điều 11 Thông tư này (trừ trường hợp ngân hàng thương mại bảo lãnh cho chủ đầu tư trên cơ sở bảo lãnh đối ứng);

b) Dự án của chủ đầu tư đáp ứng đủ các điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản và quy định của pháp luật có liên quan.

4. Trình tự thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai:

a) Căn cứ đề nghị của chủ đầu tư hoặc bên bảo lãnh đối ứng, ngân hàng thương mại xem xét, thẩm định và quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư;

b) Ngân hàng thương mại và chủ đầu tư ký hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản quy định tại khoản 13 Điều 3, Điều 15 Thông tư này;

c) Sau khi ký hợp đồng mua, thuê mua nhà ở, trong đó có quy định nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư, chủ đầu tư gửi hợp đồng mua, thuê mua nhà ở cho ngân hàng thương mại để đề nghị ngân hàng thương mại phát hành thư bảo lãnh cho bên mua;

d) Ngân hàng thương mại căn cứ hợp đồng mua, thuê mua nhà ở và hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai để phát hành thư bảo lãnh và gửi cho từng bên mua hoặc gửi chủ đầu tư để cung cấp thư bảo lãnh cho bên mua theo thỏa thuận.

5. Thời hạn hiệu lực và nội dung của hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai:

a) Hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai có hiệu lực kể từ thời điểm ký cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh của toàn bộ các thư bảo lãnh cho bên mua hết hiệu lực theo quy định tại Điều 23 Thông tư này và mọi nghĩa vụ của chủ đầu tư đối với ngân hàng thương mại theo hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai đã hoàn thành;

b) Ngoài các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư này (trừ nội dung tại điểm h và điểm i trong trường hợp bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối ứng), hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai còn phải có các nội dung sau:

(i) Ngân hàng thương mại có nghĩa vụ phát hành thư bảo lãnh cho bên mua khi nhận được hợp đồng mua, thuê mua nhà ở do chủ đầu tư gửi đến trước thời hạn giao, nhận nhà theo cam kết quy định tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở;

(ii) Ngân hàng thương mại và chủ đầu tư thỏa thuận cụ thể về việc ngân hàng thương mại hoặc chủ đầu tư có nghĩa vụ gửi thư bảo lãnh cho bên mua sau khi ngân hàng thương mại phát hành thư bảo lãnh;

(iii) Nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư;

(iv) Hồ sơ bên mua gửi cho ngân hàng thương mại yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh phải kèm theo thư bảo lãnh do ngân hàng thương mại phát hành cho bên mua.

6. Thời hạn hiệu lực và nội dung của thư bảo lãnh:

a) Thư bảo lãnh có hiệu lực kể từ thời điểm phát hành cho đến thời điểm ít nhất sau 30 ngày kể từ thời hạn giao, nhận nhà theo cam kết tại hợp đồng mua, thuê mua nhà , trừ trường hợp nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt theo quy định tại Điều 23 Thông tư này. Trường hợp ngân hàng thương mại và chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trước thời hạn, các thư bảo lãnh đã phát hành cho các bên mua trước đó vẫn có hiệu lực cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt;

b) Ngoài các nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư này, thư bảo lãnh còn phải có nội dung nêu rõ nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư được ngân hàng thương mại bảo lãnh.

7. Số tiền bảo lãnh cho một dự án nhà ở hình thành trong tương lai tối đa bng tổng số tiền chủ đầu tư được phép nhận ứng trước của bên mua theo quy định tại Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản và các khoản tiền khác (nếu có) theo hợp đồng mua, thuê mua nhà ở.

8. Số dư bảo lãnh trong bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai:

a) Số dư bảo lãnh đối với chủ đầu tư hoặc bên bảo lãnh đối ứng được xác định chính bằng số tiền thuộc nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư. Số dư bảo lãnh giảm dần khi nghĩa vụ bảo lãnh đối với bên mua chấm dứt theo quy định tại Điều 23 Thông tư này;

b) Thời điểm ghi nhận số dư bảo lãnh là thời điểm chủ đầu tư thông báo với ngân hàng thương mại số tiền đã nhận ứng trước của các bên mua kể từ thời điểm thư bảo lãnh có hiệu lực quy định tại điểm c Khoản này;

c) Ngân hàng thương mại và chủ đầu tư thỏa thuận về thời gian thông báo và cập nhật số tiền đã nhận ứng trước của các bên mua từ thời điểm thư bảo lãnh có hiệu lực trong tháng nhưng không muộn hơn ngày làm việc cuối cùng của tháng để làm cơ sở xác định số dư bảo lãnh. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông báo chính xác số tiền và thời điểm đã nhận ứng trước của các bên mua cho ngân hàng thương mại.

9. Ngân hàng thương mại có quyền và nghĩa vụ sau:

a) Ngân hàng thương mại có quyền:

(i) Từ chối phát hành thư bảo lãnh cho bên mua nếu hợp đồng mua, thuê mua nhà ở chưa phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan hoặc sau khi đã chấm dứt hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai với chủ đầu tư;

(ii) Từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với số tiền không thuộc nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư hoặc số tiền bên mua nộp vượt quá tỷ lệ quy định tại Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản hoặc bên mua không xuất trình được thư bảo lãnh mà ngân hàng thương mại đã phát hành cho người thụ hưởng là bên mua.

b) Ngân hàng thương mại có nghĩa vụ:

(i) Phát hành thư bảo lãnh và gửi cho chủ đầu tư hoặc bên mua (theo thỏa thuận) khi nhận được hợp đồng mua, thuê mua nhà ở hợp lệ trước thời hạn giao, nhận nhà dự kiến quy định tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở;

(ii) Trường hợp ngân hàng thương mại và chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trước thời hạn, chậm nhất vào ngày làm việc tiếp theo, ngân hàng thương mại phải thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của ngân hàng thương mại và thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh thuộc địa bàn nơi có dự án nhà ở của chủ đầu tư, trong đó nêu rõ nội dung ngân hàng thương mại không tiếp tục phát hành thư bảo lãnh cho bên mua ký hợp đồng mua, thuê mua nhà ở với chủ đầu tư sau thời điểm ngân hàng thương mại chấm dứt hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai với chủ đầu tư. Đối với các thư bảo lãnh đã phát hành cho bên mua trước đó, ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện cam kết cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt;

(iii) Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với số tiền trả thay tương ứng với nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư được xác định căn cứ theo hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh do bên mua cung cấp phù hợp với điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh quy định tại thư bảo lãnh.

10. Chủ đầu tư có quyền và nghĩa vụ sau:

a) Chủ đầu tư có quyền:

Đề nghị ngân hàng thương mại phát hành thư bảo lãnh cho tất cả bên mua thuộc dự án nhà ở hình thành trong tương lai được ngân hàng bảo lãnh trong thời hạn hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai có hiệu lực.

b) Chủ đầu tư có nghĩa vụ:

(i) Gửi thư bảo lãnh do ngân hàng thương mại phát hành cho bên mua sau khi nhận được từ ngân hàng thương mại (theo thỏa thuận);

(ii) Trường hợp ngân hàng thương mại và chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trước thời hạn, chậm nhất vào ngày làm việc tiếp theo, chủ đầu tư phải thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của chủ đầu tư (nếu có) và thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh thuộc địa bàn nơi có dự án nhà ở của chủ đầu tư;

(iii) Thông báo chính xác cho ngân hàng thương mại số tiền đã nhận ứng trước của từng bên mua kể từ thời điểm thư bảo lãnh có hiệu lực.

11. Bên mua có quyền:

a) Được nhận thư bảo lãnh do ngân hàng thương mại phát hành từ ngân hàng thương mại hoặc chủ đầu tư gửi đến trong thời hạn hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai có hiệu lực và trước thời hạn giao, nhận nhà dự kiến quy định tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở;

b) Yêu cầu ngân hàng thương mại thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư trên cơ sở xuất trình thư bảo lãnh kèm theo hồ sơ phù hợp với thư bảo lãnh (nếu có).

12. Ngoài các quy định tại Điều này, các nội dung khác về việc bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai thực hiện theo quy định tương ứng tại Thông tư này.

Điều 14. Hồ sơ đề nghị bảo lãnh

1. Hồ sơ đề nghị bảo lãnh bao gồm các tài liệu chủ yếu sau:

a) Đề nghị bảo lãnh;

b) Tài liệu về khách hàng;

c) Tài liệu về nghĩa vụ được bảo lãnh;

d) Tài liệu về biện pháp bảo đảm (nếu có);

đ) Tài liệu về các bên liên quan khác (nếu có).

2. Căn cứ tình hình thực tế nghiệp vụ bảo lãnh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và đặc điểm cụ thể của từng nhóm khách hàng, từng phương thức thực hiện hoạt động bảo lãnh (bằng phương thức truyền thống hoặc phương tiện điện tử), tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hướng dẫn cụ thể về yêu cầu hồ sơ cần gửi tới tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để thẩm định, xem xét cấp bảo lãnh.

Điều 15. Thỏa thuận cấp bảo lãnh

1. Để cấp bảo lãnh cho khách hàng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng lập thỏa thuận cấp bảo lãnh. Trường hợp phát hành bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối ứng thì bên bảo lãnh không bắt buộc phải lập thỏa thuận cấp bảo lãnh với bên bảo lãnh đối ứng.

2. Thỏa thuận cấp bảo lãnh phải có các nội dung sau:

a) Pháp luật áp dụng. Trường hợp không quy định cụ thể pháp luật áp dụng thì được hiểu các bên thỏa thuận áp dụng theo pháp luật Việt Nam;

b) Thông tin về các bên trong quan hệ bảo lãnh;

c) Nghĩa vụ được bảo lãnh;

d) Số tiền bảo lãnh, đồng tiền bảo lãnh;

đ) Hình thức phát hành cam kết bảo lãnh;

e) Điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;

g) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

h) Phí bảo lãnh;

i) Thỏa thuận về bắt buộc nhận nợ trả thay, lãi suất áp dụng đối với số tiền trả thay và nghĩa vụ hoàn trả nợ khi phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;

k) Số hiệu, ngày ký, hiệu lực của thỏa thuận cấp bảo lãnh;

l) Giải quyết tranh chấp phát sinh;

m) Các nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.

3. Việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ nội dung thỏa thuận cấp bảo lãnh do các bên liên quan thỏa thuận, quyết định trên cơ sở đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.

Điều 16. Cam kết bảo lãnh

1. Căn cứ thỏa thuận cấp bảo lãnh, bên bảo lãnh hoặc bên xác nhận bảo lãnh phát hành cam kết bảo lãnh cho bên nhận bảo lãnh với các nội dung sau:

a) Pháp luật áp dụng. Trường hợp không quy định cụ thể pháp luật áp dụng thì được hiểu các bên thỏa thuận áp dụng theo pháp luật Việt Nam;

b) Số hiệu của cam kết bảo lãnh;

c) Thông tin về các bên trong quan hệ bảo lãnh;

d) Ngày phát hành bảo lãnh, ngày bắt đầu có hiệu lực của bảo lãnh và/hoặc trường hợp bắt đầu có hiệu lực của bảo lãnh;

đ) Ngày hết hiệu lực và/hoặc trường hợp hết hiệu lực của bảo lãnh;

e) Số tiền bảo lãnh, đồng tiền bảo lãnh;

g) Nghĩa vụ bảo lãnh;

h) Điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;

i) Hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (gồm yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh kèm danh mục chứng từ, tài liệu cần phải cung cấp);

k) Cách thức để bên nhận bảo lãnh kiểm tra tính xác thực của cam kết bảo lãnh;

l) Các nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.

2. Việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ nội dung cam kết bảo lãnh do các bên liên quan thỏa thuận phù hợp với thỏa thuận cấp bảo lãnh và tuân thủ quy định pháp luật.

3. Đối với các cam kết bảo lãnh phát hành thông qua mạng thông tin liên lạc quốc tế thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo nội dung và quy trình phát hành cam kết bảo lãnh của mạng thông tin liên lạc quốc tế. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có quy trình giám sát, quản lý hoạt động phát hành bảo lãnh đối với các trường hợp này bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Điều 17. Thẩm quyền ký thỏa thuận cấp bảo lãnh và cam kết bảo lãnh

1. Thỏa thuận cấp bảo lãnh và cam kết bảo lãnh phải được ký bởi người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phù hợp với quy định của pháp luật và quy chế nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Việc sử dụng chữ ký điện tử và việc ủy quyền ký thỏa thuận cấp bảo lãnh và cam kết bảo lãnh thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của khách hàng

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận với các bên có liên quan về việc áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm đối với nghĩa vụ hoàn trả số tiền trả thay khi phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định nguyên tắc và yêu cầu cụ thể của việc áp dụng từng biện pháp bảo đảm hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về nghiệp vụ bảo lãnh, giao dịch bảo đảm và theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 19. Phí bảo lãnh

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận mức phí bảo lãnh đối với khách hàng và các bên liên quan (nếu có). Trong trường hợp bảo lãnh đối ứng hoặc xác nhận bảo lãnh, mức phí bảo lãnh do các bên thỏa thuận.

2. Trường hợp thực hiện đồng bảo lãnh, các bên tham gia đồng bảo lãnh thỏa thuận mức phí bảo lãnh cho mỗi bên đồng bảo lãnh.

3. Trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh cho một nghĩa vụ liên đới thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận với từng khách hàng về mức phí phải trả trên cơ sở nghĩa vụ liên đới tương ứng của mỗi khách hàng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp đồng tiền bảo lãnh là ngoại tệ, các bên thỏa thuận thu phí bảo lãnh bằng ngoại tệ hoặc quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá bán của bên bảo lãnh tại thời điểm thu phí hoặc tại thời điểm thông báo thu phí.

5. Các bên có thể thỏa thuận điều chỉnh mức phí bảo lãnh.

Điều 20. Thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh, thỏa thuận cấp bảo lãnh

1. Thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh được xác định từ thời điểm phát hành cam kết bảo lãnh hoặc sau thời điểm phát hành cam kết bảo lãnh theo thỏa thuận của các bên liên quan cho đến thời điểm hết hiệu lực của nghĩa vụ bảo lãnh quy định tại Điều 23 Thông tư này.

2. Thời hạn hiệu lực của thỏa thuận cấp bảo lãnh do các bên thỏa thuận nhưng tối thiểu phải bằng thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh.

3. Trường hợp ngày hết hiệu lực của cam kết bảo lãnh, thỏa thuận cấp bảo lãnh trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ, tết thì ngày hết hiệu lực được chuyển sang ngày làm việc tiếp theo.

4. Việc gia hạn thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh, thỏa thuận cấp bảo lãnh do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định pháp luật liên quan.

Điều 21. Miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

1. Trong trường hợp bên nhận bảo lãnh miễn thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh hoặc bên xác nhận bảo lãnh thì bên được bảo lãnh vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đã cam kết đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc thực hiện nghĩa vụ liên đới theo quy định của pháp luật.

2. Trong trường hợp một hoặc một số thành viên đồng bảo lãnh được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình theo thỏa thuận của các bên liên quan thì các thành viên khác vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình theo cam kết bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Điều 22. Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

1. Để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh phải gửi hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định tại điểm i Khoản 1 Điều 16 Thông tư này cho bên bảo lãnh. Bên bảo lãnh kiểm tra hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh được xuất trình, đối chiếu với các điều khoản và điều kiện quy định trong cam kết bảo lãnh để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định tại khoản 3 Điều này nếu hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh hợp lệ. Trường hợp hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh không hợp lệ, bên bảo lãnh từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định tại khoản 4 Điều này.

2. Hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh hợp lệ khi:

a) Bên bảo lãnh nhận được đủ hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh, cụ thể:

(i) Trường hợp gửi trực tiếp bằng văn bản thì phải trong thời gian làm việc của bên bảo lãnh;

(ii) Trường hợp gửi dưới hình thức thư bảo đảm qua dịch vụ bưu chính thì ngày bên bảo lãnh nhận được yêu cầu là ngày ký nhận thư bảo đảm;

(iii) Trường hợp gửi bằng phương tiện điện tử thì tính theo thời điểm bên bảo lãnh nhận được thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

b) Đáp ứng đầy đủ các điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh quy định trong cam kết bảo lãnh.

3. Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh:

a) Trường hợp bảo lãnh ngân hàng (trừ trường hợp bảo lãnh đối ứng, xác nhận bảo lãnh):

Trong vòng 5 ngày làm việc tiếp theo sau ngày bên bảo lãnh nhận được hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều này, bên bảo lãnh có trách nhiệm thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết đối với bên nhận bảo lãnh, đồng thời hạch toán ghi nợ vào tài khoản cho vay bắt buộc số tiền đã trả thay cho bên được bảo lãnh và thông báo cho bên được bảo lãnh biết. Bên được bảo lãnh có nghĩa vụ hoàn trả đầy đủ số tiền bên bảo lãnh đã trả thay và số tiền lãi theo quy định tại khoản 5 Điều này;

b) Trường hợp bảo lãnh đối ứng:

Trong vòng 5 ngày làm việc tiếp theo sau ngày bên bảo lãnh nhận được hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều này, bên bảo lãnh yêu cầu bên bảo lãnh đối ứng thực hiện trả thay cho bên được bảo lãnh.

Bên bảo lãnh đối ứng thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh đối ứng đã cam kết với bên bảo lãnh, đồng thời hạch toán ghi nợ vào tài khoản cho vay bắt buộc số tiền đã trả thay cho bên được bảo lãnh và thông báo cho bên được bảo lãnh biết. Bên được bảo lãnh có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ số tiền bên bảo lãnh đối ứng đã trả thay và số tiền lãi theo quy định tại khoản 5 Điều này.

Trường hợp bên bảo lãnh đối ứng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên bảo lãnh thì bên bảo lãnh thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết với bên nhận bảo lãnh, đồng thời bên bảo lãnh hạch toán ghi nợ vào tài khoản cho vay bắt buộc số tiền đã trả thay và thông báo cho bên bảo lãnh đối ứng biết. Bên bảo lãnh đối ứng có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ số tiền bên bảo lãnh đã trả thay và số tiền lãi theo quy định tại khoản 5 Điều này;

c) Trường hợp xác nhận bảo lãnh:

Trong vòng 5 ngày làm việc tiếp theo sau ngày bên bảo lãnh nhận được hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều này, bên bảo lãnh thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết với bên nhận bảo lãnh, đồng thời hạch toán ghi nợ vào tài khoản cho vay bắt buộc số tiền đã trả thay cho bên được bảo lãnh và thông báo cho bên được bảo lãnh biết. Bên được bảo lãnh có nghĩa vụ hoàn trả đầy đủ số tiền bên bảo lãnh đã trả thay và số tiền lãi theo quy định tại khoản 5 Điều này.

Trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết với bên nhận bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh gửi hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo thỏa thuận tại cam kết bảo lãnh cho bên xác nhận bảo lãnh. Trong vòng 5 ngày làm việc tiếp theo sau ngày bên xác nhận bảo lãnh nhận được hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều này, bên xác nhận bảo lãnh thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết đối với bên nhận bảo lãnh, đồng thời hạch toán ghi nợ vào tài khoản cho vay bắt buộc số tiền đã trả thay cho bên bảo lãnh và thông báo cho bên bảo lãnh biết. Bên bảo lãnh có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ số tiền bên xác nhận bảo lãnh đã trả thay và số tiền lãi theo quy định tại khoản 5 Điều này, đồng thời yêu cầu bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh.

4. Trường hợp từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trong vòng 5 ngày làm việc tiếp theo sau ngày nhận được yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, bên từ chối phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do từ chối.

5. Bên trả thay (bên bảo lãnh, bên bảo lãnh đối ứng hoặc bên xác nhận bảo lãnh) áp dụng lãi suất đối với số tiền trả thay phù hợp với thỏa thuận cấp bảo lãnh nhưng không vượt quá lãi suất cho vay quá hạn cao nhất đang áp dụng tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.

6. Trường hợp trả thay bằng ngoại tệ, bên trả thay hạch toán cho vay bắt buộc bằng loại ngoại tệ đã trả thay. Trường hợp trả thay bằng đồng Việt Nam thì bên trả thay hạch toán cho vay bắt buộc bằng đồng Việt Nam.

Điều 23. Chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh

Nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt trong các trường hợp sau:

1. Nghĩa vụ của bên được bảo lãnh chấm dứt.

2. Nghĩa vụ bảo lãnh đã được thực hiện theo đúng cam kết bảo lãnh.

3. Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác theo thỏa thuận của bên nhận bảo lãnh và bên bảo lãnh, các bên liên quan khác (nếu có).

4. Cam kết bảo lãnh đã hết hiệu lực.

5. Bên nhận bảo lãnh miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho bên bảo lãnh.

6. Theo thỏa thuận của các bên.

7. Nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 24. Đồng bảo lãnh

1. Nguyên tắc, điều kiện, quy trình tổ chức thực hiện đồng bảo lãnh được thực hiện theo quy định tại Thông tư này, quy định của Ngân hàng Nhà nước về cấp tín dụng hợp vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng và quy định pháp luật có liên quan.

2. Các bên tham gia đồng bảo lãnh cùng chịu trách nhiệm liên đới trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, nếu không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập. Trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đầu mối phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì các bên tham gia có trách nhiệm hoàn trả cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đầu mối số tiền tương ứng theo tỷ lệ tham gia đồng bảo lãnh mà các bên đã thỏa thuận.

Điều 25. Bảo lãnh cho một nghĩa vụ liên đới

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh cho một nghĩa vụ liên đới phải thực hiện trên cơ sở hợp đồng liên đới quyền và nghĩa vụ giữa các bên.

Điều 26. Quy định nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về bảo lãnh

1. Căn cứ quy định tại Thông tư này và các quy định pháp luật liên quan, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ban hành quy định nội bộ về nghiệp vụ bảo lãnh đối với khách hàng (bao gồm cả nội dung quy định về bảo lãnh điện tử (nếu có), bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai (nếu có), bảo lãnh đối với khách hàng là người không cư trú) phù hợp với quy định về cấp tín dụng, trong đó phải phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và xét duyệt cấp bảo lãnh.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi 01 (một) bản quy định nội bộ về nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng cho Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố) theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 27. Quyền của bên bảo lãnh

1. Chấp nhận hoặc từ chối đề nghị cấp bảo lãnh.

2. Đề nghị bên xác nhận bảo lãnh thực hiện xác nhận bảo lãnh đối với khoản bảo lãnh của mình cho bên được bảo lãnh.

3. Yêu cầu bên được bảo lãnh hoặc bên bảo lãnh đối ứng và các bên liên quan cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến việc thẩm định bảo lãnh và tài sản bảo đảm (nếu có).

4. Yêu cầu bên được bảo lãnh hoặc bên bảo lãnh đối ứng có các biện pháp bảo đảm cho nghĩa vụ được bảo lãnh (nếu cần).

5. Thực hiện kiểm tra, giám sát tình hình tài chính của khách hàng trong thời hạn hiệu lực của bảo lãnh.

6. Thu phí bảo lãnh, điều chỉnh phí bảo lãnh; áp dụng, điều chỉnh lãi suất, lãi suất phạt.

7. Từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh không hợp lệ hoặc có bằng chứng chứng minh chứng từ, tài liệu xuất trình là giả mạo.

8. Yêu cầu bên bảo lãnh đối ứng thực hiện nghĩa vụ đã cam kết.

9. Hạch toán ghi nợ đối với số tiền trả thay cho bên được bảo lãnh (trong trường hợp bảo lãnh ngân hàng) ngay khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; hoặc bên bảo lãnh đối ứng (trong trường hợp bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối ứng) ngay khi bên bảo lãnh đối ứng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết; yêu cầu bên được bảo lãnh hoặc bên bảo lãnh đối ứng hoàn trả số tiền mà bên bảo lãnh đã trả thay theo cam kết.

10. Yêu cầu thành viên đồng bảo lãnh khác hoàn trả số tiền đã trả thay cho bên được bảo lãnh tương ứng theo tỷ lệ tham gia đồng bảo lãnh mà các bên đã thỏa thuận trong trường hợp thành viên làm đầu mối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong đồng bảo lãnh.

11. Xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận và quy định của pháp luật.

12. Chuyển nhượng quyền, nghĩa vụ của mình cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác theo thỏa thuận của các bên liên quan phù hợp với quy định của pháp luật.

13. Khởi kiện theo quy định của pháp luật khi bên được bảo lãnh, bên bảo lãnh đối ứng vi phạm nghĩa vụ đã cam kết.

14. Các quyền khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 28. Quyền của bên bảo lãnh đối ứng

1. Chấp nhận hoặc từ chối đề nghị phát hành bảo lãnh đối ứng.

2. Đề nghị bên bảo lãnh phát hành bảo lãnh cho nghĩa vụ của khách hàng của mình đối với bên nhận bảo lãnh.

3. Yêu cầu khách hàng cung cấp các tài liệu, thông tin có liên quan đến việc thẩm định bảo lãnh đối ứng và tài sản đảm bảo (nếu có).

4. Yêu cầu khách hàng có các biện pháp bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh (nếu cần).

5. Thực hiện kiểm tra, giám sát tình hình tài chính của khách hàng trong thời hạn hiệu lực của bảo lãnh.

6. Thu phí bảo lãnh, điều chỉnh phí bảo lãnh; áp dụng, điều chỉnh lãi suất, lãi suất phạt.

7. Từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối ứng khi hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh không hợp lệ hoặc có bằng chứng chứng minh chứng từ, tài liệu xuất trình là giả mạo.

8. Hạch toán ghi nợ đối với số tiền trả thay cho bên được bảo lãnh ngay khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối ứng cho bên bảo lãnh theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu bên được bảo lãnh hoàn trả số tiền mà bên bảo lãnh đối ứng đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối ứng cho bên bảo lãnh theo cam kết.

9. Xử lý tài sản bảo đảm của bên được bảo lãnh theo thỏa thuận và quy định của pháp luật.

10. Khởi kiện theo quy định của pháp luật khi bên được bảo lãnh, bên bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ đã cam kết.

11. Chuyển nhượng quyền, nghĩa vụ của mình cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác theo thỏa thuận của các bên liên quan phù hợp với quy định của pháp luật.

12. Các quyền khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 29. Quyền của bên xác nhận bảo lãnh

1. Chấp thuận hoặc từ chối đề nghị xác nhận bảo lãnh.

2. Yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến việc thẩm định bảo lãnh và tài sản bảo đảm (nếu có).

3. Yêu cầu khách hàng có các biện pháp bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh (nếu cần).

4. Thu phí bảo lãnh, điều chỉnh phí bảo lãnh; áp dụng, điều chỉnh lãi suất, lãi suất phạt.

5. Thực hiện kiểm tra, giám sát tình hình tài chính của khách hàng trong thời hạn hiệu lực của bảo lãnh.

6. Hạch toán ghi nợ đối với số tiền trả thay cho bên bảo lãnh ngay khi thực hiện nghĩa vụ xác nhận bảo lãnh theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu bên bảo lãnh hoàn trả số tiền mà bên xác nhận bảo lãnh đã trả thay theo cam kết.

7. Xử lý tài sản bảo đảm của bên bảo lãnh hoặc bên được bảo lãnh theo thỏa thuận và quy định của pháp luật.

8. Khởi kiện theo quy định của pháp luật khi bên bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ đã cam kết.

9. Chuyển nhượng quyền, nghĩa vụ của mình cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác theo thỏa thuận của các bên liên quan phù hợp với quy định của pháp luật.

10. Từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh không hợp lệ hoặc có bằng chứng chứng minh chứng từ, tài liệu xuất trình là giả mạo.

11. Các quyền khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 30. Nghĩa vụ của bên bảo lãnh, bên bảo lãnh đối ứng và bên xác nhận bảo lãnh

1. Có trách nhiệm cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến thẩm quyền phát hành cam kết bảo lãnh cho các bên có liên quan; thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi nhận được yêu cầu phù hợp với quy định tại cam kết bảo lãnh.

2. Thực hiện đầy đủ và đúng nghĩa vụ bảo lãnh quy định tại Điều 22 Thông tư này.

3. Thực hiện kiểm tra, giám sát tình hình tài chính của khách hàng trong thời hạn hiệu lực của thỏa thuận cấp bảo lãnh.

4. Hoàn trả đầy đủ tài sản bảo đảm (nếu có) và các giấy tờ có liên quan cho bên bảo đảm khi thanh lý thỏa thuận cấp bảo lãnh, nếu không có thỏa thuận khác.

5. Trong vòng 05 ngày làm việc tiếp theo sau ngày nhận được văn bản khiếu nại của bên nhận bảo lãnh về lý do từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, phải có văn bản trả lời bên khiếu nại.

6. Thực hiện lưu giữ hồ sơ bảo lãnh theo quy định của pháp luật.

7. Hướng dẫn bên nhận bảo lãnh về việc kiểm tra và xác nhận tính xác thực của cam kết bảo lãnh được phát hành.

8. Các nghĩa vụ khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 31. Quyền và nghĩa vụ của bên được bảo lãnh

1. Bên được bảo lãnh có các quyền sau đây:

a) Từ chối các yêu cầu của bên bảo lãnh, bên bảo lãnh đối ứng không đúng với các thỏa thuận trong thỏa thuận cấp bảo lãnh hoặc cam kết bảo lãnh;

b) Đề nghị bên bảo lãnh, bên bảo lãnh đối ứng thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm theo cam kết;

c) Khởi kiện theo quy định của pháp luật khi bên bảo lãnh, bên bảo lãnh đối ứng vi phạm nghĩa vụ đã cam kết;

d) Chuyển nhượng quyền, nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận của các bên liên quan phù hợp với quy định của pháp luật. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật khi các bên liên quan thực hiện chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ bảo lãnh của các bên đối với khoản bảo lãnh;

đ) Kiểm tra tính xác thực của cam kết bảo lãnh;

e) Các quyền khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Bên được bảo lãnh có các nghĩa vụ sau đây:

a) Cung cấp đầy đủ, chính xác và trung thực các thông tin, tài liệu liên quan đến khoản bảo lãnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của các thông tin, tài liệu đã cung cấp;

b) Thực hiện đầy đủ và đúng hạn nghĩa vụ, trách nhiệm đã cam kết tại thỏa thuận cấp bảo lãnh;

c) Hoàn trả cho bên bảo lãnh, bên bảo lãnh đối ứng số tiền bên bảo lãnh, bên bảo lãnh đối ứng đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo thỏa thuận cấp bảo lãnh hoặc cam kết giữa các bên và các chi phí phát sinh từ việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;

d) Chịu sự kiểm tra, giám sát của bên bảo lãnh, bên bảo lãnh đối ứng về quá trình thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh. Có nghĩa vụ báo cáo tình hình hoạt động có liên quan đến giao dịch bảo lãnh cho bên bảo lãnh, bên bảo lãnh đối ứng;

đ) Phối hợp với bên bảo lãnh, bên bảo lãnh đối ứng và các bên liên quan trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm (nếu có);

e) Các nghĩa vụ khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 32. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh

1. Quyền của bên nhận bảo lãnh:

a) Yêu cầu bên bảo lãnh, bên xác nhận bảo lãnh thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm theo cam kết bảo lãnh;

b) Khiếu nại bên bảo lãnh, bên xác nhận bảo lãnh trong vòng 05 ngày làm việc tiếp theo sau ngày nhận được thông báo từ chối của bên bảo lãnh, bên xác nhận bảo lãnh nếu lý do từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của các bên không phù hợp với điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh tại cam kết bảo lãnh;

c) Khởi kiện theo quy định của pháp luật khi bên bảo lãnh, bên xác nhận bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ đã cam kết;

d) Kiểm tra tính xác thực của cam kết bảo lãnh;

đ) Chuyển nhượng quyền, nghĩa vụ của mình cho tổ chức, cá nhân khác theo thỏa thuận của các bên liên quan phù hợp với quy định của pháp luật;

e) Miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho bên bảo lãnh, bên xác nhận bảo lãnh;

g) Các quyền khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh:

a) Thực hiện đầy đủ và đúng nghĩa vụ trong các hợp đồng liên quan đến nghĩa vụ bảo lãnh; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ được quy định trong cam kết bảo lãnh (nếu có);

b) Thông báo kịp thời cho bên bảo lãnh, bên xác nhận bảo lãnh và các bên liên quan dấu hiệu vi phạm, hành vi vi phạm của bên được bảo lãnh;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, đầy đủ, hợp lệ, hợp pháp của các chứng từ, tài liệu xuất trình theo cam kết bảo lãnh và các nội dung tuyên bố trong hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của bên nhận bảo lãnh;

d) Các nghĩa vụ khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.

Chương III

BÁO CÁO, TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 33. Hạch toán kế toán, thông tin báo cáo

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện hạch toán kế toán, theo dõi tất cả các khoản bảo lãnh phát sinh theo quy định.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện báo cáo tình hình thực hiện bảo lãnh theo quy định về chế độ báo cáo thống kê của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 34. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước

1. Trách nhiệm của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế:

a) Theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

b) Phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng công bố danh sách ngân hàng thương mại theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

c) Đầu mối xử lý các vướng mắc phát sinh liên quan đến nghiệp vụ bảo lãnh.

2. Trách nhiệm của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng:

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát nghiệp vụ bảo lãnh của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và xử lý các vi phạm phát sinh theo thẩm quyền;

b) Đầu mối tổng hợp, xem xét trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định công bố danh sách ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này và điều chỉnh danh sách ngân hàng thương mại khi có thay đổi.

3. Vụ Tài chính - Kế toán có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện chế độ hạch toán kế toán đối với các giao dịch liên quan đến nghiệp vụ bảo lãnh theo quy định tại Thông tư này.

4. Vụ Quản lý ngoại hối có trách nhiệm hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

5. Cục Công nghệ thông tin có trách nhiệm phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng kiểm tra việc tuân thủ các quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin triển khai nghiệp vụ bảo lãnh bằng phương tiện điện tử của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

6. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc chấp hành Thông tư này theo thẩm quyền.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 35. Điều khoản chuyển tiếp

1. Các thỏa thuận cấp bảo lãnh, cam kết bảo lãnh ký kết và có hiệu lực trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận, cam kết đã ký cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt. Việc sửa đổi, bổ sung các thỏa thuận cấp bảo lãnh, cam kết bảo lãnh nêu trên chỉ được thực hiện nếu nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định tại Thông tư này.

2. Các ngân hàng thương mại bị ngừng thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai do không còn đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư này vẫn phải tiếp tục thực hiện các thỏa thuận, cam kết đã ký cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt. Việc sửa đổi, bổ sung các thỏa thuận cấp bảo lãnh, cam kết bảo lãnh đã ký chỉ được thực hiện nếu nội dung sửa đổi, bổ sung không làm thay đổi quyền lợi thụ hưởng bảo lãnh của bên mua và phù hợp với quy định tại Thông tư này.

Điều 36. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2023.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 07/2015/TT-NHNN ngày 25/6/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về bảo lãnh ngân hàng và Thông tư số 13/2017/TT-NHNN ngày 29/9/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2015/TT-NHNN ngày 25/6/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về bảo lãnh ngân hàng.

Điều 37. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 37;
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử NHNN;
- Lưu: VP, Vụ PC, Vụ TD (10).

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Đào Minh Tú

THE STATE BANK OF VIETNAM
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No.: 11/2022/TT-NHNN

Hanoi, September 30, 2022

 

CIRCULAR

PRESCRIBING BANK GUARANTEE

Pursuant to the Civil Code dated November 24, 2015;

Pursuant to the Law on the State Bank of Vietnam dated June 16, 2010;

Pursuant to the Law on Credit Institutions dated June 16, 2010 and the Law dated November 20, 2017 on amendments to the Law on Credit Institutions;

Pursuant to the Law on Real Estate Business dated November 25, 2014;

Pursuant to the Ordinance on Foreign Exchange dated December 13, 2005 and the Ordinance on amendments to the Ordinance on Foreign Exchange dated March 18, 2013;

Pursuant to the Government's Decree No. 16/2017/ND-CP dated February 17, 2017 prescribing functions, tasks, powers and organizational structure of the State Bank of Vietnam;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The Governor of the State Bank of Vietnam promulgates a Circular prescribing the bank guarantee.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Circular provides regulations on the bank guarantee operations performed by credit institutions or foreign bank branches with their customers.

Article 2. Regulated entities

1. Credit institutions, including: commercial banks, cooperative banks and finance companies (except specialized finance companies).

2. Foreign bank branches (FBBs).

3. Organizations and individuals engaged in guarantee transactions, including those are residents and non-residents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



For the purposes of this Circular, the terms below shall be construed as follows:

1. “bank guarantee” means a form of credit extension whereby the guarantor that is a credit institution or FBB undertakes to act on behalf of the obligor to fulfill their financial obligations to the obligee in the event the obligor fails to fulfill or insufficiently fulfills their obligations as agreed upon with the obligee; the obligor shall have the obligation to repay the debt to the guarantor.

2. “counter guarantee” means a type of bank guarantee under which the counter-guarantor undertakes to fulfill financial obligations to the guarantor in the event that the guarantor is obliged to fulfill financial obligations on behalf of the obligor; the obligor shall have the obligation to repay the debt to the counter-guarantor under the signed agreement.

3. “guarantee confirmation” means a type of bank guarantee under which the confirmation giver undertakes to ensure the guarantor’s capacity to fulfill their obligations to the obligee. The guarantee-confirmation giver shall fulfill financial obligations on behalf of the guarantor in the event that the guarantor fails to fulfill or insufficiently fulfills their obligations to the obligee; the guarantor shall have the obligation to repay the debt to the guarantee-confirmation giver. Meanwhile, the obligor shall have the obligation to repay the debt to the guarantor under the signed agreement.

4. “guarantee for sale or lease-purchase of off-plan housing” (hereinafter referred to as “off-plan housing guarantee”) means a type of bank guarantee whereby the guarantor that is a commercial bank undertakes to act on behalf of the obligor that is the investor to fulfill their financial obligations to the obligee that is the buyer or the tenant-buyer (hereinafter referred to as the buyer) in the event the investor fails to transfer the house to the buyer on the agreed-upon schedule and fails to fulfill or insufficiently fulfills their financial obligations under the signed purchase contract or lease-purchase contract; the investor shall have the obligation to repay the debt to the guarantor under the signed agreement. In case the commercial bank enters into a counter-guarantee, the counter-guarantor shall fulfill financial obligations to the commercial bank when it is obliged to fulfill financial obligations on behalf of the investor; the investor shall have the obligation to repay the debt to the counter-guarantor under the signed agreement.

5. “co-guarantee” means a loan syndication under which 02 (two) or more credit institutions/FBBs work together to provide the guarantee; or a credit institution/FBB and a foreign credit institution work together to provide the guarantee.

6. “guarantor” means a credit institution or FBB that provides the guarantee for the obligor. In case of co-guarantee, counter-guarantee and guarantee confirmation, the guarantor shall also include foreign credit institutions.

7. “obligor” means an organization (including credit institution, FBB and foreign credit institution) or individual whose obligations are guaranteed by the guarantor or counter-guarantor.

8. “obligee” means an organization (including credit institution, FBB and foreign credit institution) or individual that is the beneficiary of the guarantee issued by the guarantor or guarantee confirmation giver.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



10. “guarantee-confirmation giver” means a credit institution, FBB or foreign credit institution that gives a guarantee confirmation to the guarantor.

11. “customer” means an organization (including credit institutions, FBBs and foreign credit institutions) or individual defined as follows:

a) Under the bank guarantee (except counter-guarantee and guarantee confirmation), customer of the guarantor is the obligor;

b) Under the counter-guarantee, customer of the guarantor is the counter-guarantor, and customer of the counter-guarantor will be the obligor;

c) Under the guarantee confirmation, customer of the guarantor is the obligor, and customer of the guarantee-confirmation giver is the guarantor.

12. “guarantee issuance agreement” means a written agreement made between the guarantor or the counter-guarantor or the guarantee-confirmation giver and their customer as well as other related parties (if any) to issue the bank guarantee, counter guarantee or guarantee confirmation to the customer.

13. “contract for off-plan housing guarantee" means a guarantee issuance agreement made between a commercial bank and an investor as well as other related parties (if any) to state that the commercial bank agrees to act as the guarantor of the investor during the investor’s selling or lease purchase of off-plan housing.

14. “guarantee commitment” means a commitment issued by the guarantor or counter-guarantor or guarantee-confirmation giver in one of the following forms:

a) “letter of guarantee” means a written commitment between the guarantor and the obligee to the guarantor’s fulfillment of financial obligations on behalf of the obligor in the event the obligor fails to fulfill or insufficiently fulfills their obligations as agreed upon with the obligee.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) “guarantee contract” means a written agreement made between the guarantor and the obligee as well as other related parties (if any) to ensure that the guarantor shall fulfill financial obligations on behalf of the obligor in the event the obligor fails to fulfill or insufficiently fulfills their obligations as agreed upon with the obligee.

Under the counter guarantee or guarantee confirmation, the guarantee contract shall include the written agreement between the counter-guarantor and the guarantor as well as other related parties (if any), or between the guarantee-confirmation giver and the obligee as well as other related parties (if any).

The off-plan housing guarantee shall be only issued in the form of letter of guarantee.

15. “investor's financial obligation” means the sum of advanced payment made by the buyer to the investor from the effective date of the letter of guarantee and any other amounts paid as agreed upon in the signed purchase contract or lease-purchase contract that the investor is required to repay the buyer if the investor fails to transfer the house on the agreed-upon schedule.

Article 4. Foreign exchange management in guarantee transactions

1. Issuance of guarantees in foreign currency by a credit institution or FBB must be relevant to the scope of foreign exchange operations on the domestic and international markets specified in operating license of that credit institution or FBB.

2. Credit institutions and FBBs shall only be allowed to issue guarantees in foreign currency to their customs in respect of lawful financial obligations in foreign currency as prescribed by law.

Article 5. Cases in which guarantee is not given, restricted and credit limit is determined

When issuing guarantees, credit institutions and FBBs must comply with regulations of the Law on Credit Institutions and guidelines given by the State Bank of Vietnam (hereinafter referred to as “SBV”) on cases in which credit extension is not made, restricted and credit limits are determined.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The balance of guarantee given to a customer or a customer and related persons is the balance arising from the issuance of guarantee commitment, counter guarantee commitment and guarantee-confirmation commitment to that customer or that customer and related persons.

2. The balance of guarantee given to a customer or a customer and related persons is determined from the issue date of the guarantee commitment.

3. The balance of off-plan housing guarantee shall be determined according to the provisions of Clause 8 Article 13 of this Circular.

Article 7. Language use

1. Guarantee issuance agreement and guarantee commitment must be written in Vietnamese, except the cases in Clause 2 of this Article.

2. Credit institutions/FBBs are allowed to reach agreement with relevant parties on use of foreign language in the following cases:

a) Guarantee transaction is considered a civil relation involving foreign elements as defined in the Civil Code;

b) Guaranteed obligations arise from the execution of projects funded by international finance organizations. The list of international finance organizations is enclosed with the SBV’s regulations on prudential limits and ratios for operations of credit institutions and FBBs;

c) Guaranteed obligations arise from performance of international contract packages.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 8. Applied practices and dispute settlement

1. Parties involved in a bank guarantee, counter guarantee, guarantee confirmation, or co-guarantee, shall be allowed to reach agreement on application of commercial practices in accordance with the provisions of Clause 4 Article 3 of the Law on Credit Institutions.

2. All disputes arising from a guarantee transaction shall be settled under agreement between the parties in accordance with regulations of law. If a guarantee involves foreign elements, the parties may reach agreement on applicable laws and dispute-settling authority (including foreign commercial arbitration or court) to settle any disputes concerning the guarantee transaction.

Article 9. Electronic guarantee

1. Credit institutions, FBBs and customers shall be allowed to conduct bank guarantee transactions using electronic means (hereinafter referred to as “e-guarantee”).

When issuing e-guarantee, security, safety and protection of messages as well as confidentiality of information must be ensured in accordance with regulations of law on anti-money laundering, electronic transactions, SBV’s guidelines on management of risks associated with e-banking operations and other relevant legislative documents.

2. Each credit institutions or FBB shall decide methods, forms and technologies employed to provide e-guarantee in respect of the entire or each stage of the guarantee process, incur all risks and meet the following requirements:

a) It has adopted solutions and technologies for ensuring the accuracy, confidentiality and safety during the collection, use and verification of information and data;

b) It has adopted measures for examining, checking, updating and verifying information and data; measures for preventing acts of forging, intervening and falsifying information and data;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. If customer identification and verification are made electronically when the customer establishes the relationship with the credit institution or FBB (except the cases specified in Points b and d Clause 4 of this Article) for the first time, the credit institution or FBB shall be required to adopt solutions and technologies for collecting, examining and checking information, and meet the following requirements:

a) In case the customer is an individual: the customer’s identity and biometric data (including biological factor/characteristics that are specifically used to identify a person, cannot be forged, and are rarely matched with those of another person such as fingerprints, face, iris, voice and other biometric factors) must match corresponding information and biometric data on documents necessary to identify the customer in accordance with regulations of law on anti-money laundering and as requested by the credit institution or FBB, or personal identity data certified by competent authorities or electronic certification service providers in accordance with regulations of law on electronic certification and identification;

b) In case the customer is an organization:

 (i) Information about the organization: Information used for identifying the organization as defined in the law on anti-money laundering and the organization’s legal status (lawfully established and operating as prescribed by law) must match the information/data on the National Enterprise Registration Database or the information/data certified by competent authorities or electronic certification service providers in accordance with regulations of law on electronic certification and identification;

(ii) Information about legal representative of the organization: Information about the individual conducting the transaction shall be identified and verified in accordance with regulations on identification and verification of individual customers laid down in Point a of this Clause to ensure that it matches the information about the legal representative or authorized representative of the organization provided in the enterprise registration certificate and the power of attorney (in case of authorized representative).

4. In case customer identification and verification are made electronically, the value of each guarantee commitment issued to an individual shall not exceed VND 4.000.000.000 (four billion), and the value of each guarantee commitment issued to an organization shall not exceed VND 45.000.000.000 (forty five), except the following cases:

a) Customer identification information is certified by competent authorities or electronically certified by electronic certification service providers in accordance with regulations of law on electronic certification and identification;

b) The customer sends a request for issuance of e-guarantee through SWIFT system;

c) Customer information and guaranteed obligations are verified and certified to be true through the customs e-payment portal or the national bidding system;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) The customer is a credit institution or FBB.

5. The information system used for issuing e-guarantee must comply with regulations on security of information systems of class 3 or higher laid down in the Government’s regulations on security of information systems by classification and SBV’s regulations on safety of information systems in banking operations.

6. Credit institutions and FBBs shall keep and retain information and documents on e-guarantee in accordance with regulations of law, ensure safety and confidentiality of such information and documents which must be also backed up to ensure their adequacy and integrity so as to facilitate access or use, where necessary, or to serve the inspection, settlement of trace requests, complaints and disputes, and to be provided at the request of competent authorities.

Chapter II

SPECIFIC PROVISIONS

Article 10. Scope of guarantee

The guarantor can give guarantee to fulfill partial or entire financial obligations to the obligee in favor of the obligor.

Article 11. Requirements to be satisfied by customers

1. Credit institutions and FBBs shall consider and decide issuance of the guarantee, counter guarantee or guarantee confirmation to customers as long as customers meet the following requirements:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The guaranteed financial obligations must be lawful;

c) The customer has been assessed by the credit institution or FBB issuing the guarantee to be capable of repaying sums that the credit institution or FBB has paid to fulfill the guaranteed obligations in favor of them.

2. Credit institutions and FBBs shall not issue guarantee to fulfill payment obligations for bonds issued for the purposes of restructuring of the issuer’s debts, contribution of capital to or purchase of shares of another enterprise, or increase of working capital.

Article 12. Guarantee issued to customers that are non-residents

1. Credit institutions and FBBs may only provide guarantee for organizations that are non-residents and must meet one of the following requirements (the customer that is a foreign credit institution shall not be required to meet these requirements):

a) The customer is an enterprise that is established and operating in a foreign country with capital contributed from Vietnamese enterprises in the form of investments prescribed in Points a, c Clause 1 Article 52 of the Investment Law or in other investment form prescribed in Point dd Clause 1 Article 52 of the Investment Law;

b) The customer has fully made a deposit equivalent to 100% of the guarantee value or has ensured 100% of the guarantee value by the customer’s assets, including the customer’s deposits at the credit institution or FBB issuing the guarantee, and deposit certificates issued by the same;

c) The obligee is a resident.

2. FBBs shall not be allowed to provide guarantee in foreign currency for organizations that are non-residents, unless the guarantee is provided on the basis of the counter guarantee of a foreign credit institution or guarantee confirmation in respect of guaranteed obligations of a foreign credit institution to the obligee that is a resident.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) comply with regulations of law regarding guidelines for foreign exchange management in overseas lending and collection of debts from provision of guarantee to non-residents;

b) has established procedures for credit risk assessment and management, including risks from provision of guarantee to non-residents.

4. In addition to the provisions of this Article, other contents about the provision of guarantee for customers that are non-residents shall comply with relevant provisions of this Circular.

Article 13. Off-plan housing guarantee

1. A commercial bank is considered to be capable of giving off-plan housing guarantee if:

a) Its license for establishment and operation, or the document stating amendments to this license includes bank guarantee operations;

b) It is not prohibited, restricted, or suspended from provision of off-plan housing guarantee.

2. The SBV shall publish the list of commercial banks capable of giving off-plan housing guarantee in each period on its web portal.

3. The commercial bank shall consider giving guarantee to the investor if:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The investor's project has satisfied all of requirements for off-plan property to be put on the market as prescribed in Article 55 of the Law on Real Estate Business and relevant laws.

4. Procedures for issuing off-plan housing guarantee:

a) Based on the request of the investor or the counter-guarantor, the commercial bank shall consider, appraise and decide to issue guarantee to the investor;

b) The commercial bank and the investor shall conclude a contract for off-plan housing guarantee in accordance with the provisions of Article 56 of the Law on Real Estate Business and Clause 13 Article 3, Article 15 of this Circular;

c) The investor shall send the signed purchase contract or lease-purchase contract in which the investor's financial obligations are specified to the commercial bank and request it to issue the letter of guarantee to the buyer;

d) The commercial bank shall, based on the received purchase contract or lease-purchase contract and the contract for off-plan housing guarantee, issue the letter of guarantee and send it to each buyer or to the investor that shall then provide it for the buyer as agreed.

5. Validity and contents of a contract for off-plan housing guarantee:

a) The contract for off-plan housing guarantee becomes effective from the day on which it is signed until all letters of guarantee given to the buyer cease to have effect as prescribed in Article 23 of this Circular and the investor has fulfilled all obligations to the commercial bank under the contract for off-plan housing guarantee;

b) In addition to the contents specified in Clause 2 Article 15 of this Circular (excluding the contents in Points h and i which are applied in case the guarantee is issued on the basis of a counter guarantee), the contract for off-plan housing guarantee shall also include the following contents:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(ii) The commercial bank and the investor shall reach a specific agreement on the responsibility to send the letter of guarantee to the buyer after it is issued by the commercial bank;

(iii) The investor’s financial obligations;

(iv) Documents submitted to request the commercial bank to fulfill guarantee obligations must be accompanied by the letter of guarantee issued by the commercial bank to the buyer.

6. Validity and contents of a letter of guarantee:

a) A letter of guarantee becomes effective from its date of issue until at least 30 days after the date of the house being transferred to the buyer as agreed upon in the purchase contract or lease-purchase contract, unless guarantee obligations are terminated as prescribed in Article 23 of this Circular. In case the commercial bank and the investor have agreed to terminate the contract for off-plan housing guarantee before its expiry date, the letters of guarantee issued to the buyer shall still remain valid until guarantee obligations are terminated;

b) In addition to the contents specified in Clause 1 Article 16 of this Circular, the letter of guarantee must also indicate the investor’s financial obligations which are guaranteed by the commercial bank.

7. The maximum guarantee sum for an off-plan housing project shall not exceed the sum of amounts which the investor is allowed to receive in advance from the buyer in accordance with regulations in Article 57 of the Law on Real Estate Business and any other amounts paid under the purchase contract or lease-purchase contract.

8. Balance of off-plan housing guarantee:

a) The balance of guarantee for the investor or the counter-guarantor is the sum equivalent to the investor’s financial obligation. The balance of guarantee decreases gradually when the guarantee obligations to the buyer are terminated as prescribed in Article 23 of this Circular;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) The commercial bank and the investor shall reach an agreement on time of announcing and updating total amount of payments received from buyers from the effective date of the letter of guarantee in the month provided that it shall not be later than the last working day of the month for use as the basis for determination of guarantee balance. The investor shall assume legal responsibility to inform the commercial bank of the accurate amount and time of receipt of payments from buyers.

9. The commercial bank shall have the following rights and obligations:

a) The commercial bank is entitled to:

(i) refuse to issue the letter of guarantee to the buyer if the purchase contract or lease-purchase contract is not conformable with regulations of law or after the contract for off-plan housing guarantee signed with the investor has been terminated;

(ii) refuse to fulfill guarantee obligations in respect of any sums which are not included in the investor’s financial obligation or amounts paid by the buyer in excess of the ratio specified in Article 57 of the Law on Real Estate Business or when the buyer fails to present the letter of guarantee issued by the commercial bank.

b) The commercial bank is obliged to:

(i) issue and send the letter of guarantee to the investor or buyer (as agreed) upon receipt of a valid purchase contract or lease-purchase contract before the planned house transfer date specified in the purchase contract or lease-purchase contract;

(ii) In case the commercial bank and the investor have agreed to terminate the contract for off-plan housing guarantee before its expiry date, within the following working day, the commercial bank shall post a notice on its website and send a written notice to the housing authority of province where the investor’s housing project is located. Such notice must clearly indicate that the commercial bank will no longer issue letter of guarantee to any buyer that enters into purchase contract or lease-purchase contract with the investor after the contract for off-plan housing guarantee has been terminated. The commercial bank shall still fulfill its obligations under letters of guarantee which have been issued to buyers until guarantee obligations are terminated;

(iii) Fulfill guarantee obligations in respect of the sum paid in proportion to the investor’s financial obligation which is determined according to the application for fulfillment of guarantee obligations submitted by the buyer in conformity with the conditions for fulfillment of guarantee obligations set out in the letter of guarantee.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The investor is entitled to:

Request the commercial bank to issue the letter of guarantee to all buyers of the off-plan housing project guaranteed by the bank during the validity period of the contract for off-plan housing guarantee.

b) The investor is obliged to:

(i) send the letter of guarantee issued by the commercial bank to the buyers after receiving it from the commercial bank (as agreed);

(ii) In case the commercial bank and the investor have agreed to terminate the contract for off-plan housing guarantee before its expiry date, within the following working day, the investor shall post a notice on its website (if available) and send a written notice to the housing authority of province where the investor’s housing project is located;

(iii) inform the commercial bank of the accurate amount received from each buyer from the effective date of the letter of guarantee.

11. A buyer is entitled to:

a) receive the letter of guarantee issued by the commercial bank directly from the commercial bank or the investor within the validity period of the contract for off-plan housing guarantee and before the planned house transfer date specified in the purchase contract or lease-purchase contract;

b) request the commercial bank to fulfill guarantee obligations in respect of the investor’s financial obligation by submitting the letter of guarantee and relevant documents (if any).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 14. Application for issuance of guarantee

1. An application for issuance of guarantee shall, inter alia, include the following primary documents:

a) The application form;

b) Documents about customers;

c) Documents on guaranteed obligations;

d) Documents on security (if any);

dd) Documents about other related parties (if any).

2. Based on the actual status of guarantee operations of each credit institution or FBB and specific characteristics of each customer group, each method of issuing guarantee (traditional method or e-guarantee method), the credit institution or FBB shall provide specific guidelines on documents to be submitted to the credit institution or FBB for their consideration and issuance of guarantee.

Article 15. Guarantee issuance agreement

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. A guarantee issuance agreement shall have the following contents:

a) Applicable laws. Where no applicable laws is specified, this means that the parties have agreed to apply the law of Vietnam;

b) Information about the parties of the guarantee relationship;

c) Guaranteed obligations;

d) Guarantee sum and currency;

dd) Form of guarantee commitment issuance;

e) Conditions for fulfillment of guarantee obligations;

g) Rights and obligations of the parties;

h) Guarantee service fee;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



k) Reference number, signing date and validity period of the guarantee issuance agreement;

l) Dispute settlement;

m) Other contents which must not be contrary to regulations of law.

3. Any modification or annulment of contents of the guarantee issuance agreement shall be agreed upon and decided by relevant parties in compliance with regulations of law.

Article 16. Guarantee commitment

1. Based on the guarantee issuance agreement, the guarantor or guarantee-confirmation giver shall issue the guarantee commitment to the obligee. Such guarantee commitment shall include the following contents:

a) Applicable laws. Where no applicable laws is specified, this means that the parties have agreed to apply the law of Vietnam;

b) Reference number of the guarantee commitment;

c) Information about the parties of the guarantee relationship;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Expiry date and/or cases in which the guarantee validity is terminated;

e) Guarantee sum and currency;

g) Guarantee obligations;

h) Conditions for fulfillment of guarantee obligations;

i) Application for fulfillment of guarantee obligations (including the application form and required documents);

k) Method for checking the authenticity of the guarantee commitment;

l) Other contents which must not be contrary to regulations of law.

2. Any modification or annulment of contents of the guarantee commitment shall be subjected to the agreement between relevant parties in conformity with the guarantee issuance agreement, and must comply with regulations of law.

3. With regard to guarantee commitments issued through the international communication network, credit institutions and FBBs shall comply with contents and procedures for issuance of guarantee commitment of the international communication network. Credit institutions and FBBs shall adopt procedures for monitoring and management of guarantee issuance operations in these cases in order to ensure safety and efficiency.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The guarantee issuance agreement and the guarantee commitment must be signed by the lawful representative of the relevant credit institution or FBB in conformity with regulations of law and internal regulations of that credit institution or FBB.

2. Use of electronic signatures and authorization to sign guarantee issuance agreements and guarantee commitments shall comply with regulations of law.

Article 18. Customer's performance security

1. Credit institutions and FBBs shall reach agreement with relevant parties on whether a security for obligations to repay the sum paid is needed if they are required to fulfill guarantee obligations.

2. Credit institutions and FBBs shall stipulate specific rules and conditions under which a security is applied or not in conformity with regulations of law on guarantee operations and secured transactions, and internal regulations of the relevant credit institution or FBB.

Article 19. Guarantee service fee

1. Credit institutions and FBBs shall reach agreement on guarantee service fees with customers and relevant parties (if any). In case of counter guarantee or guarantee confirmation, the guarantee service fee shall be agreed upon by the parties.

2. In case of co-guarantee, the parties involved in the co-guarantee shall reach an agreement on the guarantee service fee paid to each party.

3. If a guarantee is issued for a joint obligation, the credit institution or FBB shall reach agreement with each customer on the fee amount paid on the basis of the equivalent joint obligation of each customer, unless otherwise agreed upon by the parties.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Parties may reach an agreement on adjustment of the guarantee service fee.

Article 20. Validity period of guarantee commitment and guarantee issuance agreement

1. The validity period of a guarantee commitment shall last from or after the issue date of the guarantee commitment as agreed upon between the parties until the guarantee obligations are terminated as prescribed in Article 23 of this Circular.

2. The validity period of a guarantee issuance agreement shall be agreed upon by the parties but shall not be shorter than that of the guarantee commitment.

3. If the expiry date of a guarantee commitment or guarantee issuance agreement falls on weekly days-off or public holidays, it shall be extended to the following working day.

4. The extension of the validity period of a guarantee commitment or guarantee issuance agreement shall be agreed upon by the parties in conformity with regulations of law.

Article 21. Exemption from fulfillment of guarantee obligations

1. Where the obligee grants exemption from fulfillment of guarantee obligations to the guarantor or the guarantee-confirmation giver, the obligor shall still fulfill the agreed-upon obligations to the obligee, unless otherwise agreed upon between the parties or joint obligations are fulfilled in accordance with regulations of law.

2. If one or some co-guarantors are granted exemption from fulfillment of their guarantee obligations as agreed upon with relevant parties, other co-guarantors shall still fulfill their guarantee obligations according to the guarantee commitment, unless otherwise agreed upon between the parties.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. In order to request fulfillment of guarantee obligations, the obligee shall submit an application for fulfillment of guarantee obligations which is made according to Point i Clause 1 Article 16 of this Circular to the guarantor. The guarantor shall check the received application for fulfillment of guarantee obligations, compare it with terms and conditions of the guarantee commitment for fulfilling guarantee obligations as prescribed in Clause 3 of this Article if the application is valid. If the application for fulfillment of guarantee obligations is invalid, the guarantor refuses to fulfill guarantee obligations as prescribed in Clause 4 of this Article.

2. An application for fulfillment of guarantee obligations is considered valid if:

a) The guarantor has received the application comprising adequate documents as required within the validity period of the guarantee commitment. To be specific:

(i) In case of direct submission, the application must be received within working hours of the guarantor;

(ii) In case the application is submitted in the form of a registered mail by post, the application receipt date is the date on which the receipt of that registered mail is confirmed;

(iii) In case the application is submitted electronically, the application receipt date is the date on which the guarantor receives messages in accordance with regulations of law on electronic transactions.

b) Conditions for fulfillment of guarantee obligations specified in the guarantee commitment have been satisfied.

3. Fulfillment of guarantee obligations:

a) In case of bank guarantee (except counter guarantee and guarantee confirmation):

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) In case of counter guarantee:

Within 5 working days after the guarantor receives a valid application for fulfillment of guarantee obligations as prescribed in Clause 2 of this Article, the guarantor shall request the counter-guarantor to make payment on behalf of the obligor.

The counter-guarantor shall correctly and sufficiently fulfill the guarantee obligations as agreed upon with the guarantor and record the amount paid on behalf of the obligor to the mandatory loan account as well as notify the obligor of this action. The obligor is obliged to fully repay the amount paid by the counter-guarantor on its behalf and interests thereon as prescribed in Clause 5 of this Article.

If the counter-guarantor fails to fulfill or insufficiently fulfills obligations as agreed upon with the guarantor, the guarantor shall correctly and sufficiently fulfill the guarantee obligations as agreed upon with the obligee and record the amount paid to the mandatory loan account as well as notify the counter-guarantor of this action. The counter-guarantor is obliged to fully repay the amount paid by the guarantor on its behalf and interests thereon as prescribed in Clause 5 of this Article;

c) In case of guarantee confirmation:

Within 5 working days after the guarantor receives a valid application for fulfillment of guarantee obligations as prescribed in Clause 2 of this Article, the guarantor shall correctly and sufficiently fulfill the agreed-upon guarantee obligations to the obligee, and record the amount paid on behalf of the obligor to the mandatory loan account as well as notify the obligor of this action. The obligor is obliged to fully repay the amount paid by the guarantor on its behalf and interests thereon as prescribed in Clause 5 of this Article.

If the guarantor fails to fulfill or insufficiently fulfills the agreed-upon guarantee obligations to the obligee, the obligee shall submit the application for fulfillment of guarantee obligations as agreed upon in the guarantee commitment to the guarantee-confirmation giver. Within 5 working days after the guarantee-confirmation giver receives a valid application for fulfillment of guarantee obligations as prescribed in Clause 2 of this Article, the guarantee-confirmation giver shall correctly and sufficiently fulfill the agreed-upon guarantee obligations to the obligee, and record the amount paid on behalf of the guarantor to the mandatory loan account as well as notify the guarantor of this action. The guarantor is obliged to fully repay the amount paid by the guarantee-confirmation giver on its behalf and interests thereon as prescribed in Clause 5 of this Article, and request the obligor to repay the debt to the guarantor.

4. In case of refusal to fulfill guarantee obligations, within 5 working days from the receipt of the application for fulfillment of guarantee obligations, the refusing party shall provide reasons for such refusal in writing.

5. The guarantor, counter-guarantor or guarantee-confirmation giver) shall charge the interest rate on the amount paid in conformity with the guarantee issuance agreement provided that it shall not be higher than the highest lending interest rate on overdue amount applied by the credit institution or FBB.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 23. Termination of guarantee obligations

Guarantee obligations shall be terminated in the following cases:

1. The obligor’s obligations are terminated.

2. Guarantee obligations have been fulfilled according to the guarantee commitment.

3. The guarantee is cancelled or replaced by other security measures as agreed upon between the obligee and guarantor, other relevant parties (if any).

4. The validity of the guarantee commitment has expired.

5. The obligee has granted exemption from fulfillment of guarantee obligations to the guarantor.

6. Guarantee obligations are terminated as agreed upon between the parties.

7. Guarantee obligations are terminated in other cases as prescribed by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Co-guarantee principles, conditions and procedures shall comply with the provisions of this Circular, SBV’s regulations on syndicated loans granted by credit institutions and FBBs to their customers, and relevant laws.

2. Parties involved in the co-guarantee shall assume the joint responsibility to fulfill guarantee obligations, unless otherwise agreed or independent fulfillment of obligations is prescribed by law. Where the leading credit institution or FBB is required to fulfill guarantee obligations, the parties involved in the co-guarantee shall make corresponding payments to this leading credit institution or FBB according to the co-guarantee contribution ratio agreed upon by the parties.

Article 25. Guarantee for a joint obligation

A credit institution or FBB shall issue guarantee for a joint obligation on the basis of a contract containing joint rights and obligations of the parties.

Article 26. Internal regulations on guarantee of credit institutions and FBBs

1. Pursuant to the provisions of this Circular and relevant laws, credit institutions and FBBs shall promulgate their own internal regulations on guarantee operations (including regulations on e-guarantee and off-plan housing guarantee (if any), guarantee for customers that are non-residents) in conformity with regulations on credit extension, in which the responsibility to appraise and approve applications for guarantee must be clearly defined.

2. The credit institution or FBB shall send 01 copy of its internal regulations on guarantee to the SBV (via the SBV Banking Supervision Agency or SBV’s provincial branch) in accordance with regulations of relevant laws.

Article 27. Rights of a guarantor

1. Approve or refuse applications for guarantee issuance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Request the obligor or the counter-guarantor and relevant parties to provide information and documents concerning the appraisal of guarantee and collateral (if any).

4. Request the obligor or the counter-guarantor to provide security for the guaranteed obligations (if needed).

5. Examine and monitor the financial status of customers during the validity period of the guarantee.

6. Collect and adjust guarantee service fee; impose and adjust interest rates or penalty interest rates.

7. Refuse to fulfill guarantee obligations when the application for fulfillment of guarantee obligations is invalid or there are reasonable grounds to believe that the submitted documents are forged.

8. Request the counter-guarantor to fulfill the agreed-upon guarantee obligations.

9. Record to account the amount paid on behalf of the obligor (in case of bank guarantee) immediately after fulfilling guarantee obligations in accordance with SBV's regulations; or on behalf of the counter-guarantor (in case the guarantee is issued on the basis of a counter guarantee) immediately when the counter-guarantor fails to fulfill or insufficiently fulfills the agreed-upon guarantee obligations; request the obligor or counter-guarantor to repay the amount paid by the guarantor on their behalf.

10. Request other co-guarantors to repay amounts paid by the guarantor to the obligor on their behalf according to the co-guarantee contribution ratio as agreed upon by the parties in case the guarantor acts as the leading guarantor in fulfilling obligations of a co-guarantee relationship.

11. Dispose of collateral as agreed and in accordance with regulations of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



13. File a lawsuit in accordance with regulations of law when the obligor or counter-guarantor is in breach of their agreed-upon obligations.

14. Perform other rights as agreed upon between the parties in conformity with regulations of law.

Article 28. Rights of a counter-guarantor

1. Approve or refuse applications for issuance of counter-guarantee.

2. Request the guarantor to issue guarantee for their customer’s obligations to the obligee.

3. Request customers to provide information and documents concerning the appraisal of counter guarantee and collateral (if any).

4. Request customers to provide security for guaranteed obligations (if needed).

5. Examine and monitor the financial status of customers during the validity period of the guarantee.

6. Collect and adjust guarantee service fee; impose and adjust interest rates or penalty interest rates.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



8. Record to the amount paid on behalf of the obligor to account immediately after fulfilling counter-guarantee obligations to the guarantor in accordance with SBV's regulations; request the obligor to repay the amount paid by the counter-guarantor to fulfill counter-guarantee obligations on behalf of the guarantor as agreed.

9. Dispose of the obligor’s collateral as agreed and in accordance with regulations of law.

10. File a lawsuit in accordance with regulations of law when the obligor or guarantor is in breach of their agreed-upon obligations.

11. Transfer their rights and obligations to another credit institution or FBB as agreed upon with relevant parties in conformity with regulations of law.

12. Perform other rights as agreed upon between the parties in conformity with regulations of law.

Article 29. Rights of a guarantee-confirmation giver

1. Approve or refuse applications for guarantee confirmation.

2. Request customers to provide information and documents concerning the appraisal of guarantee and collateral (if any).

3. Request customers to provide security for guaranteed obligations (if needed).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Examine and monitor the financial status of customers during the validity period of the guarantee.

6. Record to the amount paid on behalf of the guarantor to account immediately after fulfilling obligations under the guarantee confirmation in accordance with SBV's regulations; request the guarantor to repay the amount paid by the guarantee-confirmation giver on their behalf.

7. Dispose of collateral of the guarantor or obligor as agreed and in accordance with regulations of law.

8. File a lawsuit in accordance with regulations of law when the guarantor is in breach of their agreed-upon obligations.

9. Transfer their rights and obligations to another credit institution or FBB as agreed upon with relevant parties in conformity with regulations of law.

10. Refuse to fulfill guarantee obligations when the application for fulfillment of guarantee obligations is invalid or there are reasonable grounds to believe that the submitted documents are forged.

11. Perform other rights as agreed upon between the parties in conformity with regulations of law.

Article 30. Obligations of guarantors, counter-guarantors and guarantee-confirmation givers

1. Provide information and documents on the authority to issue guarantee commitment to relevant parties; fulfill guarantee obligations upon receipt of requests in conformity with the provisions of the guarantee commitment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Examine and monitor the financial status of customers during the validity period of the guarantee issuance agreement.

4. Fully return collateral (if any) and relevant documents to the guarantor upon liquidation of the guarantee issuance agreement, unless otherwise agreed.

5. Within 05 working days from the receipt of the obligee’s complaint about refusal to fulfill guarantee obligations, give written response to such complaint.

6. Retain guarantee documents in accordance with regulations of law.

7. Instruct the obligee to check and confirm the authenticity of the issued guarantee commitment.

8. Discharge other obligations as agreed upon between the parties in conformity with regulations of law.

Article 31. Rights and obligations of an obligor

1. An obligor is entitled to:

a) refuse requests of the guarantor or counter-guarantor which are not conformable with the agreements specified in the guarantee issuance agreement or guarantee commitment;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) File a lawsuit in accordance with regulations of law when the guarantor or counter-guarantor is in breach of their agreed-upon obligations;

d) Transfer their rights and obligations as agreed upon with relevant parties in conformity with regulations of law. Perform their rights and obligations in accordance with regulations of law when relevant parties transfer their guarantee rights and obligations in respect of the guaranteed amount;

dd) Check the authenticity of the guarantee commitment;

e) Perform other rights as agreed upon between the parties in conformity with regulations of law.

2. An obligor is obliged to:

a) provide adequate, accurate and truthful information and documents concerning the guarantee and assume legal responsibility for the accuracy, truthfulness and adequacy of their provided information and documents;

b) perform obligations and responsibilities as agreed upon in the guarantee issuance agreement in a sufficient and timely manner;

c) repay the amounts paid by the guarantor or counter-guarantor to fulfill guarantee obligations as agreed upon in the guarantee issuance agreement or guarantee commitment, and incur any costs associated with the fulfillment of guarantee obligations;

d) bear the inspection of the guarantor or counter-guarantor during fulfillment of guaranteed obligations; submit reports on operations concerning the guarantee transaction to the guarantor or counter-guarantor;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) discharge other obligations as agreed upon between the parties in conformity with regulations of law.

Article 32. Rights and obligations of an obligee

1. An obligee is entitled to:

a) request the guarantor or guarantee-confirmation giver to perform their obligations and responsibilities under the guarantee commitment;

b) make complaint against the guarantor or guarantee-confirmation giver within 05 working days from the receipt of notice of refusal if reasons for refusal to fulfill guarantee obligations are found not conformable with conditions for fulfillment of guarantee obligations specified in the guarantee commitment.

c) file a lawsuit in accordance with regulations of law when the guarantor or guarantee-confirmation giver is in breach of their agreed-upon obligations;

d) check the authenticity of the guarantee commitment;

dd) transfer their rights and obligations to another organization or individual as agreed upon with relevant parties in conformity with regulations of law;

e) grant exemption from fulfillment of guarantee obligations to the guarantor or guarantee-confirmation giver;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. An obligee is obliged to:

a) fully and correctly perform the obligations under contracts concerning the guarantee obligations; correctly perform the obligations under the guarantee commitment (if any);

b) inform the guarantor, the guarantee-confirmation giver and relevant parties of any sign or act of violation committed by the obligor;

c) assume legal responsibility for the accuracy, adequacy, legitimacy and validity of documents submitted under the guarantee commitment and information provided in the application for fulfillment of guarantee obligations of the obligee;

d) discharge other obligations as agreed upon between the parties in conformity with regulations of law.

Chapter III

REPORTING AND IMPLEMENTATION ORGANIZATION

Article 33. Accounting and reporting information

1. Credit institutions and FBBs shall do accounting works and keep track of all guarantee items arising as prescribed by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 34. Responsibilities of SBV’s affiliated units

1. The Credit Department for Economic Sectors shall:

a) monitor and consolidate information on guarantee operations of credit institutions and FBBs;

b) cooperate with SBV Banking Supervision Agency to announce the list of eligible commercial banks as prescribed in Point b Clause 2 of this Article;

c) act as the contact point in charge of settling any difficulties concerning guarantee operations.

2. SBV Banking Supervision Agency shall:

a) play the leading role and cooperate with relevant regulatory authorities in conducting inspection of guarantee operations of credit institutions and FBBs, and taking actions against violations within their competence;

b) act as the contact point in consolidating and requesting the SBV’s Governor to issue decision on announcement of the list of commercial banks capable of giving off-plan housing guarantee in accordance with the provisions of Clause 2 Article 13 of this Circular as well as modify the list upon occurrence of changes.

3. The Department of Finance and Accounting shall instruct credit institutions and FBBs to comply with regulations on accounting in respect of guarantee transactions as prescribed in this Circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. The Information Technology Department shall cooperate with the SBV Banking Supervision Agency in inspecting the compliance with regulations on management of risks from application of information technology to provision of e-guarantee by credit institutions and FBBs.

6. SBV’s provincial branches shall inspect the compliance with provisions of this Circular by credit institutions and FBBs within their competence.

Chapter IV

IMPLEMENTATION

Article 35. Transition

1. Guarantee issuance agreements and guarantee commitments signed and taking effect before the effective date of this Circular shall remain valid until guarantee obligations under such documents are terminated. Any amendment or modification to these documents must comply with the provisions of this Circular.

2. Commercial banks that are suspended from provision of off-plan housing guarantee due to their failure to maintain the satisfaction of the requirements laid down in Clause 1 Article 13 of this Circular shall still continue performing the signed agreements or commitments until guarantee obligations are terminated. Any amendments or modifications to the signed agreements or commitments shall be allowed only if they do not affect benefits of buyers and comply with the provisions of this Circular.

Article 36. Effect

1. This Circular comes into force from April 01, 2023.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 37. Implementation organization

The Chief of Office, the Director of the Credit Department for Economic Sectors, heads of SBV’s affiliated units, credit institutions and FBBs shall organize the implementation of this Circular./.

 

 

PP. GOVERNOR
DEPUTY GOVERNOR




Dao Minh Tu

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 11/2022/TT-NHNN ngày 30/09/2022 quy định về bảo lãnh ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


137.552

DMCA.com Protection Status
IP: 18.97.14.89
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!