BỘ
THƯƠNG NGHIỆP-NGÂN HÀNG QUỐC GIA
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
07-TD/TCN
|
Hà
Nội, ngày 28 tháng 02 năm 1958
|
THÔNG TƯ
GIẢI THÍCH VỀ VIỆC THI HÀNH CHỈ THỊ SỐ 014-TTG NGÀY
07-01-1958 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH TẠM THỜI NGUYÊN TẮC VỀ VIỆC NGÂN
HÀNG QUỐC GIA CHO MẬU DỊCH QUỐC DOANH VAY TIỀN THU MUA NÔNG, LÂM, THỔ, HẢI SẢN
VÀ HÀNG HÓA
Mục 1:
MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA VIỆC THU
MUA
Vấn đề thu mua là một vấn đề rất
cần thiết và quan trọng, vì có thực hiện được kế hoạch thu mua thì Nhà nước mới
nắm được vật tư, để có lực lượng bình ổn vật giá, cải tạo xã hội chủ nghĩa
thương nghiệp tư bản tư doanh, đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy quốc doanh
và các xưởng thủ công, tiếp tế thực phẩm cho bộ đội, cán bộ, công nhân, nhân
dân thành thị, để có hàng xuất khẩu, hàng dự trữ cho Nhà nước và để giúp nông
dân phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao dần đời sống vật chất và văn hóa.
Trong các năm qua, Nhà nước đã bỏ
ra một số tiền lớn để thu mua các loại nông, lâm, thổ, hải sản và các loại hàng
gia công. Số tiền mặt Ngân hàng quốc gia bỏ ra cho Mâu dịch vay để thu mua, đã
giúp vào việc thực hiện kế hoạch khôi phục và phát triển nông nghiệp, đảm bảo kế
hoạch công nghiệp (cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho nhà máy) và kế hoạch
thương nghiệp (Mậu dịch có lực lượng bình ổn thị trường và để xuất khẩu) cũng
như kế hoạch dự trữ của Nhà nước. Tiền mặt tung ra thị trường đã có hàng hóa
trong tay Nhà nước đảm bảo.
Nhưng trong việc thu mua của Mậu
dịch cũng như việc cho vay của Ngân hàng còn nhiều thiếu sót; mạng lưới thu mua
chưa được tổ chức rộng rãi, cán bộ thu mua thiếu, kho tàng chuẩn bị chưa đầy đủ.
Việc thu mua tiến hành ở các địa phương, trái lại việc cho vay của Ngân hàng lại
làm ở Trung ương cho các Tổng Công ty và các Tổng Công ty phân phối lại cho các
Công ty địa phương do đó việc cung cấp phương tiện tiền tệ thường bị động và chậm,
không sát yêu cầu. Ngân hàng Trung ương không thực hiện được việc kiểm tra sử dụng
vốn, không nắm được tình hình thực hiện kế hoạch thu mua để chuẩn bị vốn kịp thời
và vận dụng vốn cho linh hoạt. Các Chi nhánh Ngân hàng địa phương không tham
gia vào việc kiểm tra, theo dõi việc sử dụng tiền vay vào thu mua. Các cấp
chính quyền, đoàn thể địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến việc giúp đỡ,
đôn đốc, kiểm soát thu mua.
Trong lúc chờ Mậu dịch quốc
doanh phân cấp quản lý và Ngân hàng Trung ương giao cho các tổ chức Ngân hàng địa
phương trực tiếp cho vay, để sửa chữa tình trạng trên, ngày 07-01-1958, Thủ tướng
Chính phủ đã ra Chỉ thị số 014-TTg quy định một số nguyên tắc tạm thời Ngân
hàng cho Mậu dịch quốc doanh vay để thu mua. Trong tình trạng hiện nay Ngân
hàng trung ương trực tiếp cho các Tổng Công ty vay tiền và chuyển tiền vay của
các Tổng Công ty về cho các Công ty địa phương. Các chi nhánh Ngân hàng tỉnh
thay mặt Ngân hàng trung ương có trách nhiệm cùng các Ty Công thương kiểm soát
việc sử dụng các số tiền vay. Việc thu nợ cũng tạm thời do Ngân hàng trung ương
làm.
Liên bộ Thương nghiệp và Ngân
hàng quốc gia Việt Nam quy định những chi tiết thi hành Chỉ thị trên như sau:
Mục 2:
VIỆC CHO VAY THU MUA VÀ THU
HỒI NỢ CỦA NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG :
a) Đối tượng
cho vay:
Điều 1.
– Ngân hàng quốc gia cho Mậu dịch quốc doanh vay để thu mua các loại lương thực,
thực phẩm, lâm thổ sản, nông hải sản, cụ thể là: thóc, gạo, ngô, đỗ, vừng, lạc,
khoai, sắn, thịt, đường, chè, bông, thuốc lá, đay, gai, cói, thầu dầu, sa nhân,
hoa hồi,v.v… và các hàng gia công đặt trước như bát đĩa, đồ gia đình, giày vải,
maillot, bít tất, v.v… được Nhà nước chuẩn y cho thu mua.
b) Mức tiền
cho vay:
Điều 2.
– Căn cứ vào kế hoạch thu mua từng vụ, từng thời kỳ đã được Nhà nước duyệt y,
Ngân hàng quốc gia tính toán mức tiền cho vay theo giá mua kế hoạch cộng thêm
tiền cước phí vận chuyển và thuế hàng hóa (trong trường hợp Mậu dịch quốc doanh
phải trả thuế ấy). Còn những phương tiện khác để thực hiện thu mua thì do vốn
lưu động riêng của Mậu dịch quốc doanh thỏa mãn.
Điều 3.
– Ngân hàng quốc gia cho vay tiền cần thiết dần dần theo mức thực hiện kế hoạch
thu mua đã được Nhà nước duyệt y với các điều kiện.
1) Toàn bộ hệ thống Mậu dịch quốc
doanh phải bảo đảm được các chỉ tiêu thu mua và bán ra để đảm bảo ổn định vật
giá và tiền tệ.
2) Mậu dịch quốc doanh phải nộp
tất cả các khoản tiền bán hàng và các khoản thu khác vào Ngân hàng, trừ số tiền
đã quy định được giữ lại tại quỹ để trả lương, chi tiêu vặt, v.v… Trong quá
trình tung tiền ra thu mua, Mậu dịch quốc doanh cần cố gắng tăng cường các khoản
thu, đảm bảo kế hoạch thu chi tiền mặt của hệ thống thương nghiệp quốc doanh đã
được Nhà nước duyệt y cho từng quý, có chia từng tháng để đề phòng tình trạng
thị trường không ổn định có thể xẩy ra.
Điều 4.
- Trường hợp cần thu mua vượt mức kế hoạch đã được Nhà nước duyệt y,
Mậu dịch quốc doanh phải báo cáo lên Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Thủ tướng
Chính phủ phê chuẩn. Sau khi được Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Thủ tướng Chính
phủ đồng ý, Mậu dịch quốc doanh sẽ được tiếp tục vay thêm tiền dần dần để thực
hiện phần vượt mức kế hoạch để được duyệt y.
c) Thời gian
cho vay
Điều 5. -
Thời hạn cho vay căn cứ vào thời gian thu mua dài hay ngắn của từng loại sản phẩm
đã định trong kế hoạch được Nhà nước duyệt y. Nhưng nói chung thời hạn cho vay
thu mua đối với bất cứ loại sản phẩm nào cũng không được quá 3 tháng.
Điều 6. –
Trong quá trình thu mua, các vật tư được phân phối, và sử dụng đi chừng nào, Mậu
dịch quốc doanh phải trả bớt nợ cho Ngân hàng chừng ấy. Sau khi hoàn thành kế
hoạch thu mua, nếu Mậu dịch chưa trả hết nợ, Ngân hàng sẽ cho vay một khoản mới
về dự trữ tồn kho để trả hết các khoản nợ vay về thu mua. Mức tiền cho vay về tồn
kho tính theo giá trị hàng tồn kho theo kế hoạch được Bộ Thương nghiệp và Thủ
tướng Chính phủ duyệt y, trừ đi số vốn lưu động tự có của Mậu dịch.
Điều 7.
- Thời hạn cho vay về dự trù tồn kho sẽ căn cứ vào thời gian phân phối và sử dụng
đã định theo kế hoạch tồn kho của vật tư thu mua được.
Điều 8.-
Khi vay về dự trữ tồn kho, Mậu dịch quốc doanh phải có kế hoạch trả dần bớt nợ
và trả hết nợ đưa cho Ngân hàng. Việc trả bớt nợ có thể tiến hành mỗi tháng 2
hoặc 3 kỳ tùy theo sự thỏa thuận giữa đôi bên. Ngân hàng sẽ căn cứ vào kế hoạch
đó mà thu hồi nợ về. Mậu dịch phải có trách nhiệm đảm bảo kế hoạch trả nợ của
mình đối với ngân hàng.
Điều 9.
– Khi hết thời hạn vay về dự trữ tồn kho, nếu vì nguyên nhân khách quan mà các
vật tư chưa được phân phối và sử dụng hết, Mậu dịch quốc doanh có thể trình bày
lý do xin gia thêm thời hạn. Nhưng nếu do nguyên nhân chủ quan gây nên, Mậu dịch
quốc doanh phải trả hết nợ cho Ngân hàng. Trường hợp không trả được hết nợ,
Ngân hàng sẽ chuyển qua “nợ quá hạn” và tăng lợi suất 1 gấp rưỡi đối với số tiền
nợ quá hạn trong những ngày quá hạn. Đơn vị Mậu dịch phải thanh toán xong số nợ
quá hạn rồi mới được xin vay khoản khác.
Những nguyên nhân khách quan và
chủ quan có thể là:
Khách quan:
- Trường hợp phải thu mua lâm thổ
sản của nông dân vượt kế hoạch, sau khi được cấp trên duyệt y.
- Phương tiện vận tải thiếu làm
cho việc vận chuyển chậm, khiến các vật tư không sử dụng kịp thời, bị ứ đọng
trong một thời gian lâu, sau khi xuất trình giấy tờ chứng minh không phải do tổ
chức Mậu dịch không có kế hoạch trước.
- Bao bì thiếu do lỗi của người
cung cấp bao bì, khiến việc đóng gói gửi hàng hóa đi bị chậm, v.v…
- Việc chuyển tiền của các Công
ty Mậu dịch nộp về Tổng Công ty làm chậm, do nhầm lẫn, thiếu sót trong thủ tục
chuyển tiền của cán bộ Ngân hàng làm cho Tổng Công ty không bảo đảm được kế hoạch
thanh toán nợ đối với Ngân hàng.
Chủ quan:
- Do việc bảo đảm kém, các vật
tư bị hư hỏng, hoặc phẩm chất bị giảm nên bán chậm, hoặc không bán được.
- Việc phân phối không hợp lý,
nơi thừa nơi thiếu mà không có sự điều chỉnh lại kịp thời để các vật tư bị đọng
lâu, v.v…
d) Thủ tục
giấy tờ xin vay:
Điều 10.
– Sau khi kế hoạch thu mua đã được Nhà nước duyệt y, Tổng Công ty xin vay vốn cử
đại diện có thẩm quyền trực tiếp đến Ngân hàng họp bàn kế hoạch vay, trả, kế hoạch
phân phối và chuyển tiền về các Công ty địa phương, v.v… Nếu Ngân hàng trung
ương đồng ý cho vay, Tổng Công ty vay tiền phải gửi tới Ngân hàng:
- Một đơn xin vay,
- Ba bản khế ước đã ký nhận nợ,
- Một bản kế hoạch vay trả,
- Một bản phân phối số tiền vay
về các địa phương nào, bao nhiêu, để thu mua gì, khối lượng bao nhiêu và trong
thời gian bao lâu?
- Một bản tình hình tồn kho gần
nhất về những mặt hàng thu mua. Nếu có thể thì trình xuất Ngân hàng quốc gia bản
cân đối tài sản mới nhất.
- Kèm theo một bản kế hoạch thu
mua đã được Nhà nước duyệt y.
Ngân hàng trung ương cho vay,
ghi ngày vào tài khoản của Tổng Công ty, rồi trích chuyển gấp cho các Công ty địa
phương căn cứ vào bản phân phối của Tổng Công ty đã được Ngân hàng đồng ý.
Mục 3:
VIỆC CHUYỂN TIỀN VAY CỦA TỔNG
CÔNG TY CHO CÁC CÔNG TY ĐỊA PHƯƠNG
Điều 11.
– Việc chuyển tiền vay của Tổng Công ty cho các Công ty Mậu dịch địa phương làm
theo thể lệ chung về chuyển tiền của Ngân hàng quốc gia Việt Nam. Dưới đây chỉ
nêu mấy điểm cần thiết:
a) Tùy theo tổng số tiền cho vay
nhiều, ít để thực hiện kế hoạch thu mua, Ngân hàng trung ương chuyển về các địa
phương làm một kỳ hay nhiều kỳ để tránh tình trạng phát hành tập trung một lúc,
không có lợi cho việc ổn định thị trường.
b) Việc chuyển tiền về các địa
phương làm mấy lần, vào những ngày nào cần được thỏa thuận trước với Tổng Công
ty và ghi vào bản phân phối số tiền vay của Tổng Công ty để Tổng Công ty báo
cho các Công ty địa phương biết trước.
c) Sau khi nhận được giấy chuyển
tiền của Ngân hàng trung ương gửi về, Chi nhánh Ngân hàng tỉnh ghi vào tài khoản
của Công ty được phân phối, rồi kịp thời báo cáo ngay cho Công ty đó biết, đồng
thời thúc đẩy họ làm kế hoạch sử dụng số tiền đó và kế hoạch thu mua giao cho
Ngân hàng.
Mục 4:
VIỆC SỬ DỤNG TIỀN VAY CỦA
CÁC CÔNG TY ĐỊA PHƯƠNG
Điều 12.
– Khi Công ty Mậu dịch địa phương nhận được giấy báo có chuyển tiền của Chi
nhánh Ngân hàng tỉnh, phải lập ngay kế hoạch thu mua và kế hoạch xin rút số tiền
đó đưa cho Chi nhánh Ngân hàng. Trong kế hoạch xin rút tiền, Công ty Mậu dịch cần
ghi rõ: sẽ rút số tiền được phân phối về làm mấy kỳ, vào những ngày nào, mang
đi thu mua gì, ở đâu, để tiện cho việc kiểm tra sử dụng tiền vay của Chi nhánh
Ngân hàng.
Điều 13.
– Công ty Mậu dịch chỉ được sử dụng số tiền phân phối về vào việc thu mua (kể cả
tiền vận tải và thuế hàng hóa nếu có) theo đúng kế hoạch đã đưa cho Chi nhánh,
không được đem chi ngoài kế hoạch như trả lương, nộp thuế (trừ thuế hàng hóa mà
tổ chức Mậu dịch phải nộp).
Điều 14.
– Trong trường hợp có xu hướng thừa vốn không thu mua hết, Công ty Mậu dịch phải
kịp thời đề nghị Chi nhánh Ngân hàng trích tài khoản chuyển trả cho Tổng Công
ty để Tổng Công ty báo cáo Bộ Thương nghiệp và Ngân hàng trung ương có kế hoạch
phân phối cho nơi khác, hoặc để Tổng Công ty trả lại cho Ngân hàng Trung ương,
tránh tình trạng để đọng vốn.
Điều 15.
– Ngoài mức quy định được giữ tại quỹ đã được thỏa thuận với Ngân hàng, các
Công ty Mậu dịch phải nộp hết tất cả các khoản tiền bán hàng và các khoản thu
khác vào Chi nhánh Ngân hàng địa phương và khi cần lại được rút ra sử dụng chứ
không được giữ lại quỹ để tọa chi mà không qua Ngân hàng.
Điều 16.
– Đối với các cửa hàng Mậu dịch ở cách xa Chi nhánh Ngân hàng (đặc biệt ở các tỉnh
miền núi) vừa làm nhiệm vụ mua và bán, Ủy ban hành chính tỉnh, Ty Công thương,
Chi nhánh Ngân hàng và các Công ty Mậu dịch sẽ căn cứ vào khả năng thu mua nhiều
ít của từng thời gian tại những nơi đó mà quy định mức tiền được giữ lại quỹ để
tọa chi trong từng thời gian nhưng tất cả các khoản thu, chi đều phải thể hiện
qua tài khoản trong Ngân hàng.
Điều 17.
– Căn cứ vào kế hoạch xin rút tiền và kế hoạch thu mua đã được duyệt, Chi nhánh
Ngân hàng địa phương có trách nhiệm đảm bảo đủ số tiền cho các Công ty vay. Thời
hạn phát tiền cho các Công ty có thể kéo dài rút ngắn, và mức tiền phát mỗi lần
có thể tăng thêm hay giảm bớt, tùy theo địa điểm thu mua xa, gần và mức độ thực
hiện thực sự của kế hoạch nhiều, ít, của các Công ty. Nhưng, điều cốt yếu là
chi nhánh Ngân hàng địa phương phải đảm bảo phát tiền kịp thời cho các Công ty
thu mua, tránh tình trạng phát triển chậm, hoặc thiếu tiền ảnh hưởng đến kế hoạch
thu mua, đồng thời cũng tránh tình trạng cấp phát thừa, làm vốn bị đọng, để
phát sinh ra lãng phí tham ô.
Mục 5:
VIỆC KIỂM TRA CỦA CHI NHÁNH
NGÂN HÀNG TỈNH ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TY MẬU DỊCH ĐỊA PHƯƠNG
a) Kiểm
tra sử dụng vốn vay:
Điều 18.
– Chi nhánh Ngân hàng địa phương có quyền kiểm tra
việc sử dụng các số tiền vay của các Công ty Mậu dịch vào việc thu mua theo
đúng kế hoạch. Sau khi kế hoạch thu mua đã hoàn thành, nếu tiền còn thừa, chi
nhánh Ngân hàng có nhiệm vụ can thiệp, làm cho các Công ty địa phương phải kịp
thời chuyển trả cho Tổng Công ty. Tuyệt đối không để xẩy ra tình trạng sử dụng
tiền thu mua (kể cả tiền thu mua thừa) vào các việc khác, hoặc chuyển tiền thu
mua của Công ty này qua việc thu mua của Công ty khác. Thí dụ: Công ty lương thực
không được chuyển tiền thu mua của mình qua việc thu mua của Công ty lâm thổ sản.
Việc sử dụng tiền thu mua mặt hàng này sang mặt hàng khác trong phạm vi kế hoạch
của một Công ty cũng hết sức tránh. Thí dụ: Tránh sử dụng tiền thuộc phạm vi kế
hoạch thu mua ngô vào kế hoạch thu mua thóc, v.v… Trong trường hợp muốn sử dụng số tiền vay cho đối tượng
này qua đối tượng khác, phải có sự đồng ý của Ngân hàng và của Ty Công thương,
đại diện cho Bộ Thương nghiệp và Ủy ban Hành chính địa phương, nhưng không được
vượt quá kế hoạch thu mua của từng đối tượng đã phân phối về cho địa phương.
Điều 19.
– Trong quá trình thực hiện kế hoạch thu mua, nếu các Công ty sử dụng tiền
vay không đúng mục đích đã định trước trong kế hoạch, Chi nhánh Ngân hàng địa
phương có quyền đình chỉ phát tiền ra và báo cáo lên Ngân hàng trung ương và Bộ
Thương nghiệp giải quyết.
Điều 20.
– Sau khi hoàn thành kế hoạch, nếu tiền còn thừa, Công ty xin rút ra, Chi nhánh
Ngân hàng nhất thiết không được phát tiền, đồng thời trích chuyển trả số tiền
còn lại cho Tổng Công ty.
b) Kiểm
soát việc phân phối và điều động vật tư đã thu mua được:
Điều 21.
– Việc phân phối và điều động các vật tư thu mua được do Bộ Thương nghiệp và Tổng
Công ty quyết định, rồi báo cáo cho Ngân hàng Trung ương biết để theo dõi.
Điều 22.
– Làm đảm bảo cho các số tiền vay là các vật tư đã thu mua được. Giá trị các vật
tư đó (bao gồm giá mua thực sự, chi phí vận tải và thuế hàng hóa, nếu tổ chức Mậu
dịch quốc doanh đã nộp cho Thuế vụ) phải tương đương với các số tiền đã vay để
thu mua. Chi nhánh Ngân hàng có nhiệm vụ kiểm soát các vật tư đó về phương diện
phân phối hay điều động để giúp Ngân hàng trung ương thu rút nợ về.
Điều 23.
- Mỗi lần số lượng các vật tư bị giảm đi chừng nào do việc phân phối hay điều động,
các Công ty phải xuất trình Chi nhánh Ngân hàng các giấy tờ chứng minh việc
phân phối hay điều động đó, đồng thời báo cáo lên Tổng Công ty để Tổng
Công ty báo cáo với Bộ Thương nghiệp và Ngân hàng trung ương. Chi nhánh Ngân
hàng địa phương cũng ghi vào báo cáo tuần kỳ 10 ngày gửi về Ngân hàng trung
ương.
Điều 24.
– Chi nhánh Ngân hàng địa phương phải có kế hoạch tiến hành đều đặn việc kiểm
soát các vật tư cho đến khi các vật tư được phân phối hay điều động hết mới
thôi.
Điều 25.
– Ngoài hai việc kiểm tra sử dụng vốn và phân phối hay điều động vật tư, Chi
nhánh Ngân hàng địa phương còn có nhiệm vụ đôn đốc các Công ty Mậu dịch nộp tất
cả các khoản tiền bán hàng và các khoản thu khác vào Ngân hàng, đồng thời kiểm
soát không để các Công ty sử dụng các khoản tiền đó vào việc thu mua.
Điều 26.
- Để việc theo dõi kiểm tra được chu đáo, Chi nhánh Ngân hàng địa phương có quyền
kiểm tra các sổ sách (sổ kho, sổ thu mua, v.v… ) và hàng hóa của các Công ty,
đòi hỏi các Công ty cung cấp các giấy tờ, số liệu cần thiết cho việc theo dõi kế
hoạch thu mua và sử dụng tiền, đồng thời cử cán bộ trực tiếp đi kiểm tra tại chỗ
các trạm thu mua để nắm được chắc tình hình thu mua mà chủ động phát triển cho
sát và kịp thời.
Việc kiểm tra này phải tiến hành
có kế hoạch và phối hợp với các Ty Công thương.
Điều 27.
– Cán bộ Ngân hàng phải tuyệt đối giữ gìn bí mật Nhà nước về việc thu mua cũng
như về các hoạt động khác của Mậu dịch quốc doanh.
Mục 6:
VIỆC BÁO CÁO CỦA CHI NHÁNH
NGÂN HÀNG VÀ CÔNG TY MẬU DỊCH ĐỊA PHƯƠNG
Điều 28.
– Hàng tháng và cuối tuần kỳ 10 ngày một lần, Chi nhánh Ngân hàng và Công ty Mậu
dịch địa phương làm báo cáo gửi về Ngân hàng trung ương và Tổng Công ty theo
các điểm dưới đây:
Báo cáo tuần kỳ 10 ngày (bằng
điện báo):
a) Kết quả thu mua (bao nhiêu tấn)
từ khi bắt đầu thu mua đến ngày báo cáo - kết quả thu mua trong tuần kỳ.
b) Tổng số tiền đã bỏ ra thu mua
bao nhiêu và trong tuần kỳ bao nhiêu.
c) Tổng số tiền trung ương chuyển
về cho địa phương dùng để thu mua còn thừa bao nhiêu?
d) Tổng số các vật tư thu mua đã
được phân phối và sử dụng bao nhiêu – trong tuần kỳ bao nhiêu?
Báo cáo hàng tháng:
a) Tình hình chung về thu mua của
địa phương trong tháng.
b) Kết quả thu mua (bao nhiêu tấn),
chất lượng vật tư thu mua v.v… từ khi bắt đầu thu mua đến ngày báo cáo - kết quả
thu mua trong tháng.
c) Tổng số tiền đã bỏ ra thu mua
từ ngày bắt đầu thu mua đến ngày báo cáo - số tiền bỏ ra thu mua trong tháng.
d) Tổng số tiền trung ương chuyển
về cho địa phương dùng để thu mua được bao nhiêu, sử dụng hết bao nhiêu, còn
bao nhiêu (kể từ ngày bắt đầu thu mua đến ngày báo cáo).
e) Tình hình phân phối và sử dụng
vật tư thu mua được từ ngày bắt đầu thu mua đến ngày báo cáo – Tình hình phân
phối sử dụng trong tháng.
g) Tình hình bán hàng ra và nộp
tiền vào Ngân hàng của các Công ty Mậu dịch địa phương trong tháng.
h) Kế hoạch phát tiền thu mua của
chi nhánh Ngân hàng cho các Công ty địa phương tiến hành như thế nào? Có ưu
khuyết điểm gì? Quan hệ giữa chi nhánh Ngân hàng và Công ty Mậu dịch như thế
nào?
i) Triển vọng thu mua (vượt mức,
không đạt kế hoạch …) dư luận của nông dân và dân chúng về việc thu mua phát tiền
thu mua, hoạt động của tư thương.
k) Sự lãnh đạo và giúp đỡ các cấp
chỉ đạo địa phương trong việc thu mua.
l) Ý kiến nhận xét về đề nghị của
Chi nhánh Ngân hàng hay của Công ty Mậu dịch.
Riêng trong báo cáo của Chi
nhánh Ngân hàng cần thêm một điểm:
Kế hoạch theo dõi, kiểm tra việc
sử dụng vốn và việc phân phối điều động vật tư ra sao? Gặp trở ngại khó khăn
gì? Và đề nghị hướng giải quyết .
Cuối hàng tháng, Chi nhánh Ngân
hàng và Công ty Mậu dịch cùng Ty Công thương họp để kiểm điểm theo những điểm
trên, lập biên bản làm năm bản: một bản gửi cho ngân hàng Trung ương, một bản gửi
cho Tổng Công ty, còn ba bản lưu ở chi nhánh Ngân hàng, Công ty Mậu dịch và Ty
Công Thương. Tổng Công ty tập hợp làm báo cáo gửi Bộ Thương nghiệp và Ngân hàng
trung ương.
Mục 7:
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP
LÃNH ĐẠO
Điều 29.
– Các Ủy ban Hành chính địa phương có nhiệm vụ:
a) Kiểm soát và đôn đốc việc thực
hiện kế hoạch thu mua ở địa phương.
b) Kiểm soát và đôn đốc các Công
ty Mậu dịch đẩy mạnh bán hàng ra, thu tiền về cho ăn khớp với việc tung tiền ra
thu mua, nhằm tránh tình trạng giá cả đột biến, làm cho thị trường được ổn định.
c) Kiểm soát việc bảo quản các
kho tàng và sử dụng vật tư thu mua được.
d) Lãnh đạo chặt chẽ cho các
Công ty Mậu dịch và Chi nhánh Ngân hàng địa phương đặt kế hoạch thi hành nghiêm
chỉnh thông tư này.
e) Ủy ban Hành chính tỉnh tuyệt
đối không được tự động Chỉ thị cho các Công ty Mậu dịch địa phương thu mua
ngoài kế hoạch. Trong trường hợp cần thiết phải thu mua ngoài kế hoạch, Ủy ban
Hành chính các cấp khu, tỉnh có trách nhiệm báo cáo lên Bộ Thương nghiệp và Thủ
tướng Chính phủ quyết định.
Điều 30.
– Các Tổng Công ty Mậu dịch có trách nhiệm kiểm tra tận nơi, đôn đốc và hướng dẫn
cụ thể cho các Công ty trực thuộc thi hành chu đáo thông tư này.
Điều 31.
- Bộ Thương nghiệp và Ngân hàng quốc gia Việt Nam chịu trách nhiệm theo dõi và
kiểm soát các Tổng Công ty, các Công ty và các Chi nhánh Ngân hàng địa phương
trong việc thi hành thông tư này và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.
K.T.
BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG NGHIỆP
THỨ TRƯỞNG
Đặng Viết Châu
|
TỔNG
GIÁM ĐỐC
NGÂN HÀNG QUỐC GIA VIỆT NAM
Lê Viết Lượng
|