NGÂN
HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 198/TB-NHNN
|
Hà Nội, ngày 09 tháng 07 năm 2012
|
THÔNG BÁO
Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC TẠI HỘI NGHỊ
SƠ KẾT HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NGÂN HÀNG 6
THÁNG CUỐI NĂM 2012
Ngày 7/2012, tại Hà Nội,
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt
động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ ngân hàng 6 tháng cuối
năm 2012 dưới sự chủ trì của Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Phó Thủ tướng Chính phủ
Vũ Văn Ninh đã đến dự và phát biểu chỉ đạo đối với hoạt động của ngành ngân
hàng. Hội nghị cũng vinh dự được đồng chí Lê Hồng Anh, ủy viên Bộ Chính trị,
Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư gửi thư và lẵng hoa
chúc mừng. Tham dự Hội nghị có: Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (Phó Thống đốc
Trần Minh Tuấn không tham dự vì được phân công chủ trì Hội nghị với các doanh
nghiệp do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức), đại diện một số Bộ,
Ban, Ngành và các cơ quan của Đảng, Chính phủ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Ngân
hàng Nhà nước, doanh nghiệp trực thuộc Ngân hàng Nhà nước; đại diện Đảng uỷ,
các tổ chức đoàn thể trong ngành Ngân hàng; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng
giám đốc (giám đốc) các tổ chức tín dụng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Hiệp hội
ngân hàng, Hiệp hội cho thuê tài chính, Hiệp hội quỹ tín dụng nhân dân.
Hội nghị đã nghe và
thảo luận Báo cáo về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6
tháng đầu năm, giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2012. Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng
Chính phủ Vũ Văn Ninh và các đại biểu đã có ý kiến nhất
trí cao về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng
trong 6 tháng đầu năm 2012 là đúng hướng, quyết liệt và kịp thời, phù hợp với chủ trương của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định
kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều hành
chính sách tiền tệ đã chủ động, dẫn dắt thị trường, tăng niềm tin vào hệ thống
ngân hàng; cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung
vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; thanh khoản của toàn hệ
thống ngân hàng được đảm bảo và có xu hướng cải thiện, mặt bằng lãi suất huy động
và cho vay giảm mạnh; thị trường ngoại tệ, vàng và tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại
hối nhà nước tăng cao; chương trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng được triển
khai quyết liệt, an toàn, rủi ro hệ thống từng bước được kiểm soát; hoạt động của
các tổ chức tín dụng về cơ bản an toàn, trật tự kỷ cương được khôi phục và tiếp
tục duy trì ổn định.
Tuy nhiên, hoạt động
ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2012 còn nổi lên một số vấn đề cần tập trung xử
lý trong 6 tháng cuối năm 2012, như: Tín dụng tăng thấp, mặt bằng lãi suất cho
vay bằng đồng Việt Nam còn cao so với khả năng hấp thụ của nền kinh tế; nợ xấu
có xu hướng gia tăng; quá trình cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém gặp một số khó
khăn nhất định làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai; một số
văn bản quy phạm pháp luật chưa được ban hành theo kế hoạch ảnh hưởng tới yêu cầu
quản lý hoạt động ngân hàng trong tình hình mới.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo
của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, ý kiến phát biểu thể hiện sự quyết tâm
của các đại biểu tham dự Hội nghị và để tiếp tục triển
khai có hiệu quả các giải pháp về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 6 tháng
cuối năm 2012, phù hợp với chủ trương của Chính phủ về kiểm
soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô,
tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh
doanh nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý tại Nghị quyết số 01/NQ-CP
ngày 3/1/2012 và Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà
nước chỉ đạo:
1. Các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng) tiếp tục triển
khai mạnh mẽ và tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp điều hành chính
sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
trong 6 tháng đầu năm 2012. Điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ
đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, lãi suất
và tỷ giá ở mức phù hợp với các cân đối vĩ mô, tổng phương
tiện thanh toán tăng khoảng 14-16%, phấn đấu đạt mức tăng trưởng tín dụng năm
2012 từ 8-10%, nhằm góp phần kiềm chế lạm phát ở mức 7-8%, tăng trưởng kinh tế ở
mức hợp lý (5,2-5,7%), hạn chế áp lực lạm phát cho năm 2013 và các năm tiếp
theo, tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế bền vững.
2. Đối với các đơn vị tại trụ sở chính Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam:
- Theo dõi sát tình
hình tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống và của từng tổ chức tín dụng, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nếu tổ
chức tín dụng có đề nghị, đảm bảo tăng trưởng tín dụng đi đôi với an toàn hệ thống,
tập trung vốn cho vay các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh
nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ.
- Đánh giá tình hình
hoạt động tín dụng đối với từng ngành, lĩnh vực kinh tế để đề xuất kịp thời các
giải pháp về tiền tệ, tín dụng phù hợp với chủ trương và định
hướng của Chính phủ. Chủ động làm việc với các bộ, ngành, các hiệp hội ngành
nghề, các địa phương mà chủ yếu là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để
phối hợp tìm các giải pháp khơi thông nguồn vốn tín dụng,
xử lý hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy
mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, xử lý nợ xấu của doanh nghiệp và ngân hàng
tạo thêm thanh khoản cho nền kinh tế.
- Tiếp tục theo dõi
sát diễn biến thị trường, tình hình thanh khoản ngoại tệ để chủ động điều hành
tỷ giá linh hoạt phù hợp với các cân đối vĩ mô, đảm bảo ổn định tỷ giá với mức
biến động không quá 2-3% trong năm 2012; tiếp tục triển khai các giải pháp khắc
phục căn bản tình trạng đô la hóa, tập trung nguồn ngoại tệ vào hệ thống các tổ
chức tín dụng để tạo điều kiện đáp ứng tốt nhu cầu ngoại tệ hợp pháp, hợp lý của
nền kinh tế. Khẩn trương hoàn thiện và triển khai đề án
bình ổn thị trường vàng thông qua sử dụng nguồn lực trong nước.
- Tiếp tục thanh tra,
kiểm tra, giám sát việc chấp hành Nghị quyết số 01/NQ-CP , Nghị quyết số
13/NQ-CP và Chỉ thị số 01/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 12/3/2012,
trong đó tập trung thanh tra chất lượng tín dụng, việc chấp hành quy định về
lãi suất, việc thực hiện các tỷ lệ bảo đảm an toàn của các tổ chức tín dụng, hoạt động kinh doanh ngoại tệ và vàng, chấp hành các quy
định về việc góp vốn, cổ đông, cổ phần,
năng lực quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng. Xử lý nghiêm các trường
hợp vi phạm quy định và thực hiện không đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam. Tiếp tục triển khai phương án tái cơ cấu các ngân hàng thương mại yếu kém
theo đúng Đề án Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại đã được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 254/QĐ-TTg ngay 1/3/2012.
- Khẩn trương hoàn thành việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo chương
trình năm 2012, trong đó có việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chỉ tiêu đảm bảo
an toàn để đánh giá chính xác về khả năng hoạt động, đặc
biệt về khả năng thanh khoản của tổ chức tín dụng.
- Tiếp tục tăng cường
công tác thống kê, phân tích, dự báo kinh tế vĩ mô tiền tệ để phục vụ có hiệu
quả công tác chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tiếp tục triển
khai có hiệu quả theo kế hoạch Đề án đẩy mạnh thanh toán
không dùng tiền mặt giai đoạn 2011-2015. Chủ động và kịp thời thông tin, tuyên
truyền chủ trương và giải pháp điều hành chính sách tiền tệ để định hướng dư luận,
tạo sự đồng thuận, ủng hộ đối với hoạt động ngân hàng. Đẩy mạnh công tác cải
cách hành chính, đặc biệt là thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính trong xây dựng,
ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
3. Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương:
- Chủ động nghiên cứu,
hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp tiền tệ,
tín dụng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ
thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; kịp thời
báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét xử lý các khó khăn, vướng mắc vượt
thẩm quyền.
- Chậm nhất từ ngày
15/7/2012, làm việc với các tổ chức tín dụng (chi nhánh tổ chức tín dụng) trên
địa bàn để kiểm tra và đôn đốc việc tổ chức thực hiện các giải pháp về tín dụng
(cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vốn vay...), áp dụng lãi suất huy động,
lãi suất cho vay ở mức hợp lý và theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đánh giá, rà soát dư nợ các khoản cho
vay cũ, trên cơ sở khả năng tài chính, xem xét điều chỉnh giảm lãi suất về mức
tối đa là 15%/năm để chia sẻ khó khăn đối với các doanh nghiệp và hộ dân.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh và các tổ chức tín dụng tổ chức hội nghị đối thoại
với doanh nghiệp trên địa bàn (chủ yếu là địa bàn Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ
Chí Minh và các tỉnh, thành phố có thị phần tín dụng lớn) nhằm đánh giá sát những
khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng ngân hàng, từ
đó có biện pháp tháo gỡ phù hợp.
- Giám sát chặt chẽ đối
với từng tổ chức tín dụng trong việc thực hiện các quy định của Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam về trần lãi suất tiền gửi tối đa bằng đồng Việt Nam.
- Nắm chắc tình hình
kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng trên địa bàn để báo cáo và đề xuất với
cấp ủy, chính quyền địa phương và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về biện pháp quản
lý hoạt động và mạng lưới tổ chức tín dụng, sửa đổi các cơ chế và chính sách
phù hợp với điều kiện thực tế; tăng cường sự phối hợp trao đổi thông tin với
các đơn vị tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
4. Đối với các tổ chức tín dụng:
- Đánh giá tình hình
thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm, xây dựng kế hoạch
tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước
15/7/2012; tiếp tục thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo thông báo của
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ đầu năm 2012; trường hợp có kế hoạch tăng trưởng
tín dụng vượt chỉ tiêu, báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xem xét.
- Thực hiện nghiêm
túc quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất tiền gửi tối đa bằng đồng
Việt Nam và lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu,
doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ; áp dụng mức
lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động, mức độ rủi ro của khoản
vay, tiết kiệm chi phí và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và hộ dân.
- Tích cực và chủ động
hơn nữa trong việc phối hợp với khách hàng vay để rà soát, đánh giá khả năng trả
nợ của khách hàng, từ đó thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn,
giảm lãi vốn vay, cho vay mới trả nợ cũ không nhằm che giấu nợ xấu. Đánh giá,
rà soát dư nợ các khoản cho vay cũ, trên cơ sở khả năng tài chính, xem xét điều
chỉnh giảm lãi suất về mức tối đa là 15%/năm để giúp các doanh nghiệp và hộ dân
vượt qua khó khăn, duy trì ổn định và từng bước phát triển sản xuất kinh doanh.
- Chậm nhất đến ngày
15/7/2012, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các giải pháp về tiền
tệ, tín dụng và lãi suất trong 6 tháng cuối năm 2012 theo chủ trương của Chính
phủ và chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; phối hợp chặt chẽ với Ngân
hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện quyết liệt các giải
pháp này.
Thừa lệnh Thống đốc,
Văn phòng Ngân hàng Nhà nước thông báo để các đơn vị liên quan quán triệt và
triển khai thực hiện.
Nơi nhận:
- Ban lãnh đạo NHNN (để b/c);
- Các đơn vị thuộc NHNN;
- Các TCTD;
- Bảo hiểm tiền gửi VN;
- Các Hiệp hội trong ngành NH;
- Lưu VP.
|
TL.
THỐNG ĐỐC
CHÁNH VĂN PHÒNG
Nghiêm Xuân Thành
|