NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5.
Những trường hợp Quỹ tín dụng nhân dân được đặt vào tình
trạng kiểm soát đặc biệt.
Quỹ tín dụng nhân dân có thể được
đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt trong những trường hợp sau đây:
1. Có nguy cơ mất khả năng chi
trả: Trong 1 tháng có 03 lần không đảm bảo tỷ lệ về khả năng chi trả theo quy định
của Ngân hàng Nhà nước; không có khả năng huy động vốn và thu hồi nợ để thanh
toán những khoản nợ đến hạn.
2. Có nguy cơ mất khả năng thanh
toán: các khoản nợ cho vay đã xác định không có khả năng thu hồi và các khoản nợ
quá hạn từ 12 tháng trở lên chiếm trên 10% tổng dư nợ cho vay.
3. Số lỗ luỹ kế lớn hơn 50% vốn
tự có.
Điều 6.
Báo cáo khó khăn về khả năng chi trả, khả năng thanh toán
và nguy cơ rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
1. Khi có nguy cơ lâm vào một
trong những trường hợp nêu tại Điều 5 Quy chế này, Quỹ tín dụng nhân dân khu vực,
Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở phải báo cáo ngay Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh,
Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương phải báo cáo ngay Ngân hàng Nhà nước biết về
thực trạng tài chính, nguyên nhân và các biện pháp đã áp dụng hoặc dự kiến áp dụng
để khắc phục.
2. Quỹ tín dụng nhân dân hoàn
toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có nguy cơ lâm vào một trong những
trường hợp nêu tại Điều 5 Quy chế này mà không kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà
nước để xảy ra tình trạng mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán.
3. Căn cứ báo cáo và khả năng tự
chấn chỉnh của Quỹ tín dụng nhân dân; căn cứ kết quả thanh tra, giám sát của
Ngân hàng Nhà nước, nếu phát hiện Quỹ tín dụng nhân dân lâm vào những trường hợp
nêu tại Điều 5 Quy chế này thì Ngân hàng Nhà nước xem xét và quyết định đặt Quỹ
tín dụng nhân dân vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Điều 7.
Nội dung quyết định kiểm soát đặc biệt:
1. Tên Quỹ tín dụng nhân dân được
kiểm soát đặc biệt;
2. Lý do kiểm soát đặc biệt;
3. Họ, tên thành viên và nhiệm vụ
cụ thể của Ban kiểm soát đặc biệt;
4. Thời hạn kiểm soát đặc biệt.
Điều 8.
Ban kiểm soát đặc biệt
1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
quyết định thành lập Ban kiểm soát đặc biệt và chỉ định Trưởng Ban kiểm soát đặc
biệt là Lãnh đạo Thanh tra Ngân hàng Nhà nước khi Quỹ tín dụng nhân dân Trung
ương được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Giám đốc chi nhánh ngân hàng Nhà
nước tỉnh quyết định thành lập Ban kiểm soát đặc biệt và chỉ định Trưởng ban kiểm
soát đặc biệt là Lãnh đạo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh khi Quỹ tín dụng
nhân dân khu vực, Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở trên địa bàn được đặt vào tình trạng
kiểm soát đặc biệt.
2. Trưởng Ban kiểm soát đặc biệt
có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho các thành viên của Ban trong phạm vi quyền
hạn của mình; xử lý các vấn đề liên quan trong quá trình kiểm soát đặc biệt; chịu
trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoặc Giám đốc chi nhánh Ngân
hàng Nhà nước tỉnh về việc điều hành hoạt động của Ban và các quyết định có
liên quan đến kiểm soát đặc biệt đối với Quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc
biệt.
3. Thành viên Ban kiểm soát đặc
biệt
a) Thành viên Ban kiểm soát đặc
biệt Quỹ tín dụng nhân dân khu vực, Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở gồm đại diện
Thanh tra chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và cán bộ các phòng có liên quan của chi
nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh.
b) Thành viên Ban kiểm soát đặc
biệt Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương gồm:
- Đại diện Thanh tra Ngân hàng
Nhà nước;
- Đại diện Vụ các tổ chức tín dụng
hợp tác;
- Đại diện các Vụ liên quan thuộc
Ngân hàng Nhà nước (nếu cần thiết).
c) Ban kiểm soát đặc biệt tối
thiểu phải có 3 thành viên, thành viên Ban kiểm soát đặc biệt có đủ các tiêu
chuẩn sau:
- Có trình độ, kinh nghiệm về
công tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và có thời gian làm việc trong
ngành ngân hàng ít nhất là 3 năm;
- Không phải là bố, mẹ, vợ, chồng,
con hoặc anh, chị em ruột của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm
soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) Quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt.
d) Các thành viên Ban kiểm soát
đặc biệt thực hiện các công việc theo sự phân công của Trưởng Ban; chịu trách
nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoặc Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà
nước tỉnh, và Trưởng Ban về việc thực thi nhiệm vụ của mình.
Trong quá trình kiểm soát đặc biệt,
việc thay thế thành viên Ban kiểm soát đặc biệt do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
(trong trường hợp kiểm soát đặc biệt đối với Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương)
hoặc Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh (trong trường hợp kiểm soát đặc
biệt đối với Quỹ tín dụng nhân dân khu vực, Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở) quyết
định theo đề nghị của Trưởng Ban kiểm soát đặc biệt.
Điều 9.
Nguyên tắc làm việc của Ban kiểm soát đặc biệt.
1. Ban kiểm soát đặc biệt làm việc
tại Quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt.
2. Ban kiểm soát đặc biệt sử dụng
con dấu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (trong trường hợp kiểm soát đặc biệt đối
với Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương), sử dụng con dấu của chi nhánh Ngân hàng
Nhà nước tỉnh (trong trường hợp kiểm soát đặc biệt đối với Quỹ tín dụng nhân
dân khu vực, Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở) trong các văn bản, báo cáo do Trưởng
Ban ký.
3. Ban kiểm soát đặc biệt phải
giữ bí mật thực trạng tổ chức, hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân, trừ trường
hợp có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Ban kiểm soát đặc biệt kết
thúc nhiệm vụ khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoặc Giám đốc chi nhánh Ngân
hàng Nhà nước tỉnh quyết định chấm dứt việc kiểm soát đặc biệt đối với Quỹ tín
dụng nhân dân.
Điều 10.
Nhiệm vụ của Ban kiểm soát đặc biệt
1. Chỉ đạo Hội đồng quản trị,
Ban kiểm soát, Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân được đặt vào tình trạng kiểm soát
đặc biệt xây dựng phương án củng cố tổ chức và hoạt động. Phương án bao gồm những
nội dung sau:
a) Thực trạng tổ chức và hoạt động
của Quỹ tín dụng nhân dân;
b) Các nguyên nhân dẫn đến nguy
cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán;
c) Các biện pháp đã áp dụng nhằm
khắc phục nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán;
d) Phương án khắc phục, thời
gian thực hiện phương án.
2. Chỉ đạo và giám sát việc triển
khai các giải pháp nêu trong phương án củng cố tổ chức và hoạt động Quỹ tín dụng
nhân dân đã được Ban kiểm soát đặc biệt thông qua. Để chỉ đạo triển khai thực
hiện phương án một cách có hiệu quả, Ban kiểm soát đặc biệt yêu cầu Quỹ tín dụng
nhân dân phải:
a) Cung cấp các tài liệu, thông
tin liên quan đến tổ chức nhân sự, tình hình hoạt động của Quỹ tín dụng nhân
dân;
b) Kiểm tra, kiểm kê toàn bộ tài
sản hiện có để xác định chính xác thực trạng tài chính của Quỹ tín dụng nhân
dân, bao gồm:
- Kiểm kê tồn quỹ tiền mặt (nội
tệ, ngoại tệ), kim loại quý, đá quý, các ấn chỉ quan trọng (số tiền gửi,
séc...) và các loại ấn chỉ khác chưa sử dụng.
- Đối chiếu công khai toàn bộ
các khoản tiền gửi, tiền vay và dư nợ cho vay của Quỹ tín dụng nhân dân để xác
định khả năng thu nợ và chi trả, cụ thể:
+ Đối với tiền gửi của khách
hàng: Sao kê chi tiết và đối chiếu đến từng khách hàng, xác định số tiền (gốc,
lãi).
+ Đối với dư nợ cho vay: Sao kê
chi tiết và tổ chức đối chiếu với từng khách hàng vay. Trên cơ sở đó phân tích
thực trạng các khoản nợ, xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan và quy trách
nhiệm đối với những khoản tổn thất, rủi ro để xử lý theo quy định của pháp luật
và điều lệ Quỹ tín dụng nhân dân.
- Sao kê đối chiếu các khoản phải
thu, phải trả khác.
- Kiểm kê, đánh giá lại giá trị
thực tế các tài sản cố định, công cụ lao động.
- Kiểm tra, đối chiếu danh sách
thành viên góp vốn, số vốn góp.
Trong quá trình kiểm kê, đối chiếu
từng trường hợp có chênh lệch giữa sổ sách với thực tế phải lập biên bản xác định
nguyên nhân để xử lý.
c) Lập kế hoạch và tiến hành thu
hồi các khoản nợ cho vay đến hạn, quá hạn (cả gốc và lãi) và các khoản phải thu
khác; áp dụng mọi biện pháp tận thu như phát mại tài sản thế chấp, cầm cố hoặc
đưa ra cơ quan pháp luật xử lý những đối tượng cố ý không trả nợ hoặc có hành
vi vi phạm pháp luật.
3. Hàng tháng, Ban Kiểm soát đặc
biệt phải báo cáo tình hình hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân và kết quả thực
hiện phương án củng cố tổ chức và hoạt động Quỹ tín dụng nhân dân với Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước hoặc Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh.
4. Trường hợp thành viên Hội đồng
Quản trị, thành viên Ban Kiểm soát, Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân bị tạm đình
chỉnh quyền quản trị, kiểm soát, điều hành:
a) Trường hợp Giám đốc Quỹ tín dụng
nhân dân bị tạm đình chỉ quyền điều hành thì Ban kiểm soát đặc biệt yêu cầu Hội
đồng quản trị chỉ định Giám đốc lâm thời tiếp tục điều hành Quỹ tín dụng nhân
dân và phải được sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước bằng văn bản, đối với Quỹ tín
dụng nhân dân cơ sở phải có ý kiến của Uỷ ban nhân dân xã, phường.
Trường hợp toàn bộ thành viên Hội
đồng quản trị bị tạm đình chỉ quyền quản trị, Ban kiểm soát đặc biệt phải báo
cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (đối với Quỹ tín dụng nhân dân khu vực, Quỹ
tín dụng nhân dân Trung ương) hoặc báo cáo Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước
tỉnh để phối hợp với Uỷ ban nhân dân xã, phường (đối với Quỹ tín dụng nhân dân
cơ sở) chỉ định Giám đốc lâm thời để tiếp tục điều hành Quỹ tín dụng nhân dân.
b) Trường hợp số lượng thành
viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát còn lại không đủ để quản trị,
kiểm soát Quỹ tín dụng nhân dân một cách an toàn, hiệu quả thì Ban kiểm soát đặc
biệt báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (đối với Quỹ tín dụng nhân dân khu vực,
Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương) hoặc báo cáo Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà
nước tỉnh để phối hợp với Uỷ ban nhân dân xã, phường (đối với Quỹ tín dụng nhân
dân cơ sở) chỉ định thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát lâm
thời tiếp tục quản trị, kiểm soát Quỹ tín dụng nhân dân.
c) Trong thời hạn 3 tháng, nếu
thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Giám đốc bị tạm đình chỉ
quyền quản trị, kiểm soát, điều hành không có đủ điều kiện trở lại quản trị, kiểm
soát, điều hành Quỹ tín dụng nhân dân thì Ban kiểm soát đặc biệt phải chỉ đạo
Quỹ tín dụng nhân dân tổ chức Đại hội thành viên để bầu bổ sung.
Điều 11.
Quyền hạn của Ban kiểm soát đặc biệt
1. Được quyền đình chỉ những hoạt
động không phù hợp với phương án củng cố tổ chức và hoạt động đã được thông
qua, các quy định về an toàn trong hoạt động kinh doanh có thể gây phương hại đến
lợi ích của người gửi tiền và sự an toàn của chính Quỹ tín dụng nhân dân đó và
của cả hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân. Trong thời gian tối đa 3 ngày làm việc,
kể từ ngày đình chỉ, Ban kiểm soát đặc biệt phải báo cáo Thống đốc Ngân hàng
Nhà nước hoặc Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh về quyết định đình chỉ;
2. Yêu cầu Hội đồng quản trị,
Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân miễn nhiệm, đình chỉ công tác đối với những người
làm việc tại Quỹ tín dụng nhân dân có hành vi vi phạm pháp luật, không chấp
hành phương án củng cố tổ chức và hoạt động đã được thông qua.
3. Đề nghị Thống đốc Ngân hàng
Nhà nước hoặc Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh quyết định tạm đình chỉ
quyền quản trị, kiểm soát, điều hành của thành viên Hội đồng quản trị, thành
viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó tổng giám đốc (Phó giám đốc)
Quỹ tín dụng nhân dân khi cần thiết;
4. Kiến nghị Thống đốc Ngân hàng
Nhà nước hoặc Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh gia hạn hoặc chấm dứt
thời hạn kiểm soát đặc biệt;
5. Kiến nghị Thống đốc Ngân hàng
Nhà nước hoặc Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh quyết định những vấn đề
phát sinh trong quá trình kiểm soát đặc biệt nằm ngoài phương án củng cố tổ chức
và hoạt động;
6. Kiến nghị Thống đốc Ngân hàng
Nhà nước về khoản cho vay đặc biệt đối với Quỹ tín dụng nhân dân.
Điều 12.
Trách nhiệm của Ban kiểm soát đặc biệt
Ban kiểm soát đặc biệt chịu
trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoặc Giám đốc Chi nhánh Ngân
hàng Nhà nước tỉnh về các quyết định của Ban trong quá trình thực hiện việc kiểm
soát đặc biệt.
Điều 13.
Trách nhiệm của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc
Quỹ tín dụng nhân dân được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt
1. Xây dựng phương án củng cố tổ
chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân trình Ban kiểm soát đặc biệt thông
qua và tổ chức triển khai thực hiện phương án đó;
2. Tiếp tục quản trị, kiểm soát,
điều hành hoạt động, bảo đảm an toàn tài sản của Quỹ tín dụng nhân dân theo
đúng quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 11 Quy chế
này;
3. Làm việc thường xuyên tại Quỹ
tín dụng nhân dân để triển khai thực hiện phương án củng cố tổ chức và hoạt động;
Báo cáo về tình hình triển khai và kết quả thực hiện các biện pháp củng cố tổ
chức và hoạt động theo yêu cầu của Ban kiểm soát đặc biệt;
4. Chịu trách nhiệm về các vấn đề
liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân trước, trong và
sau giai đoạn kiểm soát đặc biệt;
5. Hạn chế tối đa các khoản chi
tiêu nhằm giảm bớt tổn thất về tài chính;
6. Chấp hành các yêu cầu của Ban
kiểm soát đặc biệt liên quan đến tổ chức, quản trị, kiểm soát, điều hành Quỹ
tín dụng nhân dân;
7. Tạo thuận lợi về điều kiện,
phương tiện làm việc cho Ban kiểm soát đặc biệt.
Điều 14.
Những hạn chế đối với Quỹ tín dụng nhân dân trong thời
gian kiểm soát đặc biệt
Trong thời gian được kiểm soát đặc
biệt, Quỹ tín dụng nhân dân không được thực hiện các công việc sau, nếu chưa được
sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước:
1. Cho thành viên rút hoặc chuyển
nhượng vốn góp;
2. Chia lãi vốn góp;
3. Cất giấu, phân tán tài sản và
các tài liệu, hồ sơ liên quan;
4. Cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng
tài sản;
5. Từ chối giải quyết các quyền,
nghĩa vụ và trách nhiệm đối với người gửi tiền, người vay vốn.
Điều 15.
Khoản cho vay đặc biệt
Để bảo đảm khả năng chi trả cho
khách hàng gửi tiền, trong trường hợp cấp bách, Quỹ tín dụng nhân dân có thể được
các tổ chức tín dụng khác hoặc Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt theo đề nghị
của Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng nhân dân và Ban kiểm soát đặc biệt. Thủ tục
xin vay và việc sử dụng khoản cho vay này phải đảm bảo theo đúng các quy định
hiện hành. Khoản vay đặc biệt sẽ được hoàn trả trước các khoản nợ khác của Quỹ
tín dụng nhân dân.
Điều 16.
Thời hạn kiểm soát đặc biệt.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoặc
Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh quyết định thời hạn kiểm soát đặc biệt
đối với từng Quỹ tín dụng nhân dân. Trong trường hợp cần thiết và có văn bản đề
nghị của Quỹ tín dụng nhân dân, của Ban kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước
có thể quyết định Quỹ tín dụng nhân dân đó được gia hạn thời gian kiểm soát đặc
biệt, nhưng thời gian kiểm soát đặc biệt, kể cả thời gian được gia hạn không vượt
quá 2 năm.
Điều 17.
Kết thúc kiểm soát đặc biệt.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoặc
Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh quyết định kết thúc việc kiểm soát đặc
biệt đối với Quỹ tín dụng nhân dân trong các trường hợp sau đây:
1. Quỹ tín dụng nhân dân đã khắc
phục được các nguyên nhân gây nên tình trạng kiểm soát đặc biệt và trở lại hoạt
động bình thường.
2. Hết hạn kiểm soát đặc biệt mà
không được gia hạn hoặc Quỹ tín dụng nhân dân không thể giải quyết được những
nguyên nhân dẫn đến tình trạng kiểm soát đặc biệt và Ngân hàng Nhà nước quyết định
thu hồi giấy phép hoạt động.
3. Quỹ tín dụng nhân dân được
sáp nhập hoặc hợp nhất với một Quỹ tín dụng nhân dân khác hoặc tổ chức tín dụng
khác theo quy định của pháp luật.
4. Quỹ tín dụng nhân dân lâm vào
tình trạng phá sản và bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên bố phá sản theo
quy định của pháp luật.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 18.
Đối với các Vụ, Cục thuộc Ngân hàng Nhà nước
1. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước:
a) Có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm
định hồ sơ, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định đặt Quỹ tín dụng nhân
dân Trung ương vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, thời gian kiểm soát đặc biệt,
gia hạn thời gian kiểm soát đặc biệt, kết thúc kiểm soát đặc biệt;
b) Chỉ đạo Ban kiểm soát đặc biệt
Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm
được quy định trong Quy chế này;
c) Theo dõi, tổng hợp tình hình,
kết quả kiểm soát đặc biệt Quỹ tín dụng nhân dân khu vực, Quỹ tín dụng nhân dân
cơ sở tại các tỉnh, thành phố để báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
2. Vụ Các tổ chức tín dụng hợp
tác:
a) Có trách nhiệm phối hợp với
Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đánh giá thực trạng hoạt động của Quỹ tín dụng
nhân dân Trung ương để trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định đặt Quỹ
tín dụng nhân dân Trung ương vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, thời gian kiểm
soát đặc biệt, gia hạn thời gian kiểm soát đặc biệt, kết thúc kiểm soát đặc biệt;
b) Trình Thống đốc Ngân hàng Nhà
nước phương án xử lý cụ thể đối với Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương trong và
sau giai đoạn kiểm soát đặc biệt;
c) Đề xuất, trình Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Quy chế
này.
3. Các Vụ, Cục có liên quan thuộc
Ngân hàng Nhà nước căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn
xử lý các vấn đề có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân
dân được kiểm soát đặc biệt.
Điều 19.
Đối với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh
1. Có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm
định hồ sơ, quyết định đặt Quỹ tín dụng nhân dân khu vực, Quỹ tín dụng nhân dân
cơ sở vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, thời gian kiểm soát đặc biệt, gia hạn
thời gian kiểm soát đặc biệt, kết thúc kiểm soát đặc biệt;
2. Quyết định phương án xử lý cụ
thể đối với Quỹ tín dụng nhân dân khu vực, Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở trong và
sau giai đoạn kiểm soát đặc biệt;
3. Cử cán bộ có đủ điều kiện và
tiêu chuẩn tham gia Ban kiểm soát đặc biệt;
4. Là đầu mối quan hệ với các cơ
quan chức năng tại địa phương để xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình kiểm
soát đặc biệt;
5. Chỉ đạo Ban kiểm soát đặc biệt
Quỹ tín dụng nhân dân khu vực, Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở thực hiện nhiệm vụ,
quyền hạn và trách nhiệm được quy định trong Quy chế này;
6. Báo cáo Thống đốc Ngân hàng
Nhà nước về tình hình, kết quả kiểm soát đặc biệt Quỹ tín dụng nhân dân khu vực,
Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
về việc quyết định và chỉ đạo thực hiện kiểm soát đặc biệt đối với Quỹ tín dụng
nhân dân khu vực, Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở trên địa bàn.