Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 86/2007/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang Người ký: Thân Văn Mưu
Ngày ban hành: 08/10/2007 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

UỶ BAN NHÂN DÂN  
TỈNH BẮC GIANG
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 86/2007/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 08 tháng 10 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “MỞ RỘNG TÍN DỤNG NGÂN HÀNG PHỤC VỤ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI CỦA TỈNH ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2015”

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND  ngày 26/11/2003;
Xét đề nghị của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tại Tờ trình số 557/NHNN-BGI2 ngày 13/9/2007 về việc đề nghị phê duyệt Đề án “Mở rộng tín dụng ngân hàng phục vụ Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015”

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Mở rộng tín dụng ngân hàng phục vụ Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015” của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh (có Đề án kèm theo).       

Điều 2. Giao Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra thực hiện Đề án. Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Đề án lên UBND tỉnh trước ngày 30 tháng 01 năm sau.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Chi nhánh NHNN tỉnh, Sở TN&MT, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Cục Thuế, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn thanh niên, Hội Nông dân tỉnh, Báo Bắc Giang, Đài PTTH tỉnh, các Chi nhánh NH thương mại tỉnh, Chi nhánh NH CSXH tỉnh, Chủ tịch UBND huyện , thành phố  và các đơn vị, cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thi hành ./.

 

 

Nơi nhận :
- Như Điều 3;
- NH Nhà nước Việt Nam;
- TT tỉnh uỷ, TT HĐND tỉnh;
- Các đ/c thành viên UBND tỉnh;
- Ban Kinh tế NS HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Chuyên viên UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TPKT. 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH 
CHỦ TỊCH




Thân Văn Mưu

 

ĐỀ ÁN

MỞ RỘNG TÍN DỤNG NGÂN HÀNG PHỤC VỤ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI CỦA TỈNH ĐẾN NĂM 2010VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2015

Phần 1:

TÍN DỤNG NGÂN HÀNG PHỤC VỤ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA TỈNH TRONG THỜI GIAN QUA (2001-2006)

Trong những năm qua, ngành ngân hàng trên địa bàn đã có nhiều cố gắng, nỗ lực đẩy mạnh công tác huy động vốn, không ngừng mở rộng cho vay phát triển kinh tế của tỉnh, nhất là đáp ứng nhu cầu vốn vay phục vụ các chương trình kinh tế xã hội lớn của tỉnh. Cụ thể:

I. CÔNG TÁC HUY ĐỘNG VỐN

Theo yêu cầu đề ra, để có đủ vốn đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, ngành ngân hàng đặt ra chỉ tiêu phấn đấu mức tăng trưởng huy động vốn bình quân hàng năm là 30%. Để đạt mục tiêu trên trong những năm qua hệ thống ngân hàng đã thực hiện nhiều các giải pháp đồng bộ, có hiệu quả đảm bảo thuận lợi, hấp dẫn cho người gửi tiền. Các hình thức huy động ngày càng đa dạng, phong phú. Bên cạnh các hình thức huy động vốn truyền thống, các ngân hàng đã mở thêm các hình thức huy động vốn mới như phát hành kỳ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn, dài hạn, huy động tiền gửi tiết kiệm trúng thưởng và tặng quà khuyến mại cho khách hàng… lãi suất huy động vốn được điều chỉnh phù hợp với cung cầu thị trường tiền tệ, màng lưới huy động của các ngân hàng được mở rộng. Công tác thông tin tuyên truyền, quảng cáo được coi trọng cùng với việc nâng cao chất lượng phục vụ, cải cách lề lối làm việc, phong cách giao dịch của đội ngũ cán bộ. Kết quả là công tác huy động vốn đạt kết quả tốt, nguồn vốn hàng năm tăng trưởng nhanh. Đến 31/12/2006, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 3.688 tỷ đồng, tăng 293% so với 31/12/2001, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 31,8%. (chi tiết cụ thể theo phụ lục 1. Tình hình và cơ cấu huy động vốn, cho vay của các TCTD tỉnh Bắc Giang).

-Xét về cơ cấu nguồn vốn:

+Phân theo thời hạn gửi: Nguồn tiền gửi ngắn hạn tiếp tục tăng. Đến 31/12/2006, nguồn tiền gửi ngắn hạn đạt 2.082 tỷ đồng, tăng 212% so với 31/12/2001, chiếm tỷ trọng 55% so với tổng nguồn vốn, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 27,2%. Nguồn tiền gửi trung, dài hạn có tốc độ tăng trưởng nhanh. Đến 31/12/2006, nguồn tiền gửi trung và dài hạn đạt 1.606 tỷ đồng, tăng 493% so với 31/12/2001, chiếm tỷ trọng 45% trong tổng nguồn vốn, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 45,5%.

+Phân theo đối tượng gửi: Nguồn tiền gửi dân cư thông qua các hình thức gửi tiền tiết kiệm, tiết kiệm dự thưởng, mua kỳ phiếu, trái phiếu… liên tục tăng trưởng. Đến 31/12/2006, nguồn tiền gửi dân cư đạt 2.485 tỷ đồng, tăng 261% so với 31/12/2001, chiếm tỷ trọng 67% trong tổng nguồn vốn, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 29,7%. Nguồn tiền gửi các tổ chức kinh tế thông qua mở tài khoản tiền gửi, tiền gửi thanh toán có tốc độ tăng trưởng cao. Đến 31/12/2006, nguồn tiền gửi này đạt 1.203 tỷ đồng, tăng 381% so với 31/12/2001 chiếm tỷ trọng 33% so với tổng nguồn vốn, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 38,2%.

+Cùng với việc đẩy mạnh huy động vốn tại địa phương, để có đủ vốn đáp ứng cho nhu cầu vốn vay phát triển kinh tế địa phương, các ngân hàng còn tranh thủ các nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại cấp trên, từ các tổ chức tài chính tiền tệ trong và ngoài nước. Đến 31/12/2006, nguồn vốn này đạt 1.193 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 29% so với tổng dư nợ.

 

II. TÌNH HÌNH CHO VAY PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA TỈNH, TRỌNG TÂM LÀ CHO VAY THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH KINH TẾ XÃ HỘI LỚN

Xác định nhiệm vụ cho vay đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, trong những năm qua để mở rộng cho vay phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh ngành ngân hàng đã tập trung làm tốt các nhiệm vụ chính sau:

1. Chấp hành và vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách của ngành để mở rộng cho vay

Trên cơ sở các quy định của ngành và hướng dẫn của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng chính sách xã hội cấp trên, các ngân hàng trên địa bàn đã có các giải pháp linh hoạt  phù hợp với đặc thù sản xuất kinh doanh của từng lĩnh vực ngành nghề, thành phần kinh tế để đảm bảo quy chế hiện hành nhưng vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh về các mặt: điều kiện vay vốn, hồ sơ vay vốn, thực hiện quy trình thẩm định, quyết định cho vay, chọn phương thức cho vay phù hợp theo yêu cầu của khách hàng…

2. Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của khách hàng để mở rộng cho vay

Để mở rộng cho vay phát triển kinh tế của tỉnh, các ngân hàng đã tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của khách hàng: Chú trọng tìm kiếm khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, có khả năng trả nợ ngân hàng, chủ động tổ chức các hội nghị với câu lạc bộ doanh nghiệp, trung tâm tư vấn doanh nghiệp…. thực hiện phân công cán bộ thường xuyên thường trực sẵn sàng tư vấn cho khách hàng, phối hợp và hỗ trợ khách hàng làm các thủ tục công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm. Đối với các khách hàng có dự án khả thi, các ngân hàng tập trung tháo gỡ khó khăn về điều kiện vay vốn, tài sản bảo đảm

-Các Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, thực hiện, củng cố, mở rộng cho vay qua tổ.

3. Tình hình cho vay của các ngân hàng

Trong những năm qua bám sát các chủ trương, định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã không ngừng mỏ rộng cho vay phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh. Dư nợ tín dụng trên địa bàn hàng năm tăng trưởng với tốc độ cao. Đến 31/12/2006, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 4.051 tỷ đồng, tăng 193% so với 31/12/2001, bình quân tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 24,12%. (Chi tiết cụ thể theo phụ lục 1. Tình hình và cơ cấu huy động vốn, cho vay của các TCTD tỉnh Bắc Giang).

- Xét về cơ cấu cho vay:

+ Phân theo thể loại cho vay: Dư nợ cho vay ngắn  hạn tăng nhanh và chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ. Đến 31/12/2006, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 2.217 tỷ đồng, tăng 229% so với 31/12/2001, chiếm tỷ trọng 55% trong tổng dư nợ, bình quân hàng năm tăng trưởng 27%. Vốn tín dụng cho vay ngắn hạn chủ yếu là đáp ứng các nhu cầu về chi phí vật tư, thuốc trừ sâu, phân bón, giống cây và con cho các hộ sản xuất và kinh tế trang trại và vốn lưu động cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Dư nợ tín dụng trung và dài hạn tiếp tục tăng nhưng tốc độ tăng chậm hơn so với tốc độ tăng tín dụng ngắn hạn. Đến 31/12/2006, dư nợ cho vay trung, dài hạn đạt 1.834 tỷ đồng, tăng 159% so với 31/12/2001, chiếm tỷ trọng 45% so với tổng dư nợ, bình quân tăng trưởng hàng năm là 21%. Vốn tín dụng cho vay trung và dài hạn chủ yếu tập trung cho các hộ sản xuất, kinh tế trang trại đầu tư ruộng đất, xây dựng chuồng trại, đào ao nuôi trồng thủy sản và các doanh nghiệp đầu tư đối với dây truyền sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh…

+ Phân theo khu vực kinh tế: Dư nợ kinh tế Nhà nước giảm. Đến 31/12/2006, dư nợ khu vực này đạt 279 tỷ đồng, giảm 22% so với 31/12/2001, chỉ còn chiếm tỷ trọng 7% so với tổng dư nợ. Dư nợ doanh nghiệp tư nhân, kinh tế hỗn hợp tăng nhanh. Đến 31/12/2006, dư nợ hai thành phần kinh tế này đạt 914 tỷ đồng, tăng 53 lần so với 31/12/2001. Dư nợ kinh tế cá thể tăng nhanh và chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ. Đến 31/12/2006, dư nợ thành phần kinh tế này đạt 2.851 tỷ đồng, tăng 184% so với 31/12/2001, tốc độ tăng bình quân hàng năm là 23,3%. Dư nợ kinh tế tập thể còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ. Đến 31/12/2006 chỉ đạt 7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,17% so với tổng dư nợ.

+ Dư nợ tín dụng đầu tư cho các chương trình kinh tế xã hội của tỉnh. Dư nợ tín dụng ngành công nghiệp tăng nhưng chậm. Đến 31/12/2006, dư nợ cho vay ngành công nghiệp đạt 271 tỷ đồng, tăng 51% so với 31/12/2001, chiếm tỷ trọng 7% so với tổng dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,5%. Trong lĩnh vực công nghiệp mặc dù dư nợ tín dụng tăng chậm nhưng vốn tín dụng cũng đã đủ đáp ứng cho các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, đổi mới dây truyền sản xuất, mở rộng kinh doanh nâng cao sức cạnh tranh. Đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn vẫn là lĩnh vực chủ yếu các ngân hàng và QTDND cơ sở tăng dư nợ cho vay. Đến 31/12/2006, dư nợ cho vay lĩnh vực này đạt 1.817 tỷ đồng, tăng 119% so với 31/12/2001, chiếm tỷ trọng 45% so với tổng dư nợ, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 17%. Trong lĩnh vực nông nghiệp, vốn tín dụng chủ yếu tập trung cho các hộ kinh tế gia dình, kinh tế trang trại mua phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây và con phục vụ sản xuất, gieo cấy các vụ trong năm, phát triển kinh tế vườn đồi, trang trại, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa.

- Cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách xã hội được quan tâm mở rộng cho vay. Đến 31/12/2006, dư nợ cho vay lĩnh vực này đạt 446 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11% so với tổng dư nợ. Vốn tín dụng đã tập trung cho cho các hộ nghèo phát triển sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả… và đã giúp hộ nghèo và đối tượng chính sách từng bước ổn định đời sống, xóa đói, giảm nghèo.

- Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về đẩy mạnh xuất khẩu lao động, các ngân hàng nhất là Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã tích cực mở rộng cho vay đối tượng xuất khẩu lao động. Đến 30/6/2007, dư nợ cho vay đạt 76 tỷ đồng.

4. Về chất lượng tín dụng

Cùng với việc mở rộng cho vay, các ngân hàng và QTDND cơ sở đã quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn hàng năm đảm bảo tỷ lệ cho phép. Đến 31/12/2006, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn là 2,8%, tăng 0,4% so với tỷ lệ nợ quá hạn năm 2001.

III. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG NGÂN HÀNG TRÊN ĐỊA BÀN ĐỐI VỚI VIỆC PHỤC VỤ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA TỈNH

1. Kết quả và nguyên nhân  đạt được

1.1. Kết quả đạt được

Trong những năm qua, hoạt động tín dụng trên địa bàn đã đạt được kết quả tốt. Trong công tác huy động vốn, các ngân hàng đã có nhiều các giải pháp huy động vốn tại chỗ cũng như tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các Ngân hàng thương mại cấp trên, từ các tổ chức tài chính tiền tệ trong và ngoài nước. Nguồn vốn trên địa bàn tăng trưởng nhanh đã đủ đáp ứng được nhu cầu vay vốn của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Công tác cho vay được mở rộng, cơ cấu tín dụng được chuyển dịch theo định hướng phát triển kinh tế của tỉnh. Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, cho vay hộ nghèo, đối tượng chính sách xã hội, cho vay xuất khẩu lao động tăng nhanh.

- Các ngân hàng đã vận dụng linh hoạt các cơ chế nghiệp vụ của ngành, tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để mở rộng cho vay đối với nền kinh tế. Các thủ tục vay vốn được công khai hóa, công tác thẩm định và quyết định cho vay được phân rõ chức năng nhiệm vụ cho từng cá nhân, phòng ban mang tính độc lập, khách quan tạo thuận lợi cho khách hàng, các phương thức cho vay khá đa dạng và phong phú, các vướng mắc về tài sản bảo đảm tiền vay được quan tâm giải quyết, lãi suất cho vay linh hoạt phù hợp với cung cầu thị trường tiền tệ.

- Chất lượng, hiệu quả tín dụng cho vay đối với nền kinh tế được nâng lên, tỷ lệ nợ qúa hạn đảm bảo ở mức cho phép. Khả năng thẩm định và quyết định cho vay của các ngân hàng được nâng lên.

1.2. Nguyên nhân đạt được kết quả

Kết quả đạt được trong hoạt động tín dụng những năm qua là do các nguyên nhân:

- Về mặt chủ quan:

+ Trong công tác chỉ đạo điều hành hoạt động ngân hàng đã có nhiều cố gắng. Ban cán sự Đảng ngân hàng đã có nhiều năng động, thường xuyên nắm bắt thực tiễn để điều hành hoạt động ngân hàng. Các ngân hàng đã bám sát các chủ trương, định hướng phát triển kinh tế địa phương, chủ động điều chỉnh kế hoạch tín dụng phù hợp với yêu cầu phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

+ Công tác thanh tra của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, công tác kiểm soát nội bộ của các ngân hàng được tăng cường, đã chú trọng kiểm tra, kiểm soát các khâu trong quy trình nghiệp vụ cho vay. Qua công tác kiểm soát nội bộ đã kịp thời phát hiện những sai sót, lệch lạc, những biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà trong công tác cho vay của cán bộ tín dụng, kịp thời có các biện pháp chấn chỉnh khắc phục tồn tại.

+ Công tác đào tạo, bố trí cán bộ làm công tác tín dụng được quan tâm. Các ngân hàng đã thực hiện rà soát, bố trí lại đội ngũ cán bộ làm công tác tín dụng, đảm bảo những cán bộ làm công tác tín dụng vừa có năng lực chuyên môn, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Mặt khác trong xu thế cạnh tranh ngày càng có nhiều tổ chức tín dụng trên địa bàn nên các ngân hàng luôn phải đổi mới, cải tiến quy trình thủ tục cho vay, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

- Về mặt khách quan:

+ Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển và có mức tăng trưởng khá. Hoạt động ngân hàng luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối kết hợp tạo điều kiện của các cấp, các ngành có liên quan.

2. Những tồn tại và nguyên nhân

2.1. Những tồn tại

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động tín dụng của ngân hàng còn bộc lộ một số mặt tồn tại hạn chế là:

- Mặc dù dư nợ tăng trưởng nhanh nhưng so với yêu cầu phát triển kinh tế của tỉnh, mức tăng trưởng dư nợ chưa đáp ứng được, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo định hướng phát triển kinh tế của tỉnh còn chậm. Tỷ trọng vốn cho vay đối với ngành công nghiệp, kinh tế hợp tác xã còn thấp so với tổng dư nợ. Đến 31/12/2006, dư nợ cho vay ngành công nghiệp đạt 271 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7% so với tổng dư nợ, dư nợ cho vay kinh tế hợp tác đạt 7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,17% so với tổng dư nợ. Dư nợ tín dụng trung, dài hạn tăng nhưng tốc độ còn chậm, vốn tín dụng chưa đầu tư được cho các dự án lớn có tính chất quyết định trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. So với nhu cầu cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khả năng đáp ứng vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh còn hạn chế.

- Việc chấp hành cơ chế nghiệp vụ của các ngân hàng vẫn còn sai sót, tồn tại. Tốc độ cạnh tranh giữa các ngân hàng chưa cao và không đồng đều trên toàn tỉnh đã tạo đồ ỳ, đặc biệt là ở các huyện hoạt động tín dụng còn mang tính độc quyền. Các ngân hàng tuy đã có cải cách hành chính, công khai hóa các thủ tục, điều kiện cho vay nhưng thực tế việc vay vốn của khách hàng vẫn còn hiện tượng phiền hà, khách hàng phải chờ đợi lâu, có khi mất cơ hội kinh doanh.

- Trong điều kiện nền kinh tế của tỉnh có điểm xuất phát thấp, khả năng sản xuất kinh doanh, cạnh tranh của các doanh nghiệp chưa cao, thì mức lãi suất của các ngân hàng nhìn chung còn cao so với tỷ suất lợi nhuận của khách hàng, nhất là các khách hàng là những hộ kinh tế gia đình, kinh tế trang trại trên địa bàn nông thôn.

2.2. Nguyên nhân của tồn tại

Những tồn tại trên là do những nguyên nhân chủ yếu sau:

- Về mặt chủ quan của nội bộ ngành ngân hàng:

+ Trong công tác quản trị điều hành của các ngân hàng tuy đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn hạn chế. Việc xây dựng chiến lược kinh doanh, điều hành công tác cho vay chưa đáp ứng được theo yêu cầu định hướng phát triển kinh tế của tỉnh như việc triển khai thực hiện các dự án, thực hiện các chương trình kinh tế xã hội lớn của tỉnh, các chủ trương về xuất khẩu lao động… chưa được các ngân hàng nắm bắt và triển khai cho vay phục vụ kịp thời.

+ Việc chấp hành và vận dụng các cơ chế và chính sách của ngành và ngân hàng cấp trên tuy đã có linh hoạt nhưng so với yêu cầu thực tế chưa đáp ứng được theo yêu cầu và nguyện vọng của khách hàng như về điều kiện vay vẫn còn nhiều khách hàng vướng mắc trong việc thế chấp tài sản, định giá tài sản thế chấp bảo đảm tiền vay, thời hạn cho khách hàng vay chưa phù hợp với đối tượng vay, lãi suất cho vay còn cao, quy trình thẩm định, xét duyệt cho vay còn lâu…

+ Màng lưới của các ngân hàng tuy có đa dạng phong phú hơn với sự xuất hiện của các ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, Techcombank, VPbank nhưng so với yêu cầu cạnh tranh và cung ứng vốn cho nền kinh tế thì vẫn còn hạn chế. Hiện tại các ngân hàng mới chủ yếu là tập trung tại thành phố còn địa bàn các huyện vẫn chủ yếu là do Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cho vay dẫn đến sức cạnh tranh không cao. Mặt khác màng lưới của hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng chỉ tập trung ở khu vực trung tâm huyện và khu đông dân cư nên tại địa bàn các xã xa trung tâm người dân vay vốn vẫn còn phải đi lại rất xa, không thuận lợi, vay vốn vẫn phải chờ đợi lâu, chưa kịp thời.

+ Mặc dù các ngân hàng đã quan tâm đến công tác cán bộ và đào tạo cán bộ, bố trí các cán bộ có đủ năng lực trình độ, có phẩm chất đạo đức làm công tác tín dụng. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều cán bộ năng lực còn hạn chế, phẩm chất chưa tốt dẫn đến khả năng thẩm định các dự án cho vay chưa chính xác, thời gian thẩm định kéo dài, hướng dẫn, tư vấn cho khách hàng không chu đáo, dẫn đến chậm trễ, ách tắc cho khách hàng vay vốn. Mặt khác, công tác hiện đại hóa hoạt động ngân hàng, vi tính các hồ sơ thủ tục của khách hàng đã có nhiều tiến bộ nhưng so với yêu cầu thực tế chưa đáp ứng được như việc phân tích các chỉ tiều tài chính đối với các dự án, phương án sản xuất kinh doanh vẫn còn thủ công, chưa có chương trình phầm mềm hỗ trợ việc phân tích, thẩm định dự án.

+ Trong công tác kiểm soát nội bộ của các ngân hàng vẫn còn hạn chế, chưa kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những sai sót tồn tại. Do vậy dẫn đến trong thực tế còn những quy trình thẩm định chưa đúng gây phiền hà, chậm trễ cho khách hàng vay, như việc thẩm định và đánh giá tài sản đảm bảo tiền vay, xác định thời hạn cho vay… chưa đúng nhưng chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.

+ Khả năng về nguồn vốn cho vay, nhất là nguồn vốn cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách còn hạn chế. Cơ cấu nguồn vốn trung và dài hạn chưa đáp ứng được yêu cầu.

- Về mặt khách quan:

+ Tuy nền kinh tế của tỉnh đã có bước phát triển nhưng khả năng hấp thụ vốn chưa cao, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp. Hiện tại các doanh nghiệp tại các khu cụm công nghiệp vẫn trong giai đoạn đầu tư hạ tầng nên nhu cầu vốn tín dụng chưa tăng. Mặt khác, một số doanh nghiệp khả năng tài chính còn yếu, sản phẩm của các doanh nghiệp chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp chưa đủ độ tin cậy để ngân hàng có thể  cho vay.

+ Đối với kinh tế hợp tác xã tuy số lượng nhiều, nhưng khả năng cạnh tranh, mở rộng sản xuất kinh doanh, năng lực tài chính của thành phần kinh tế này vẫn còn hạn chế. Hiện tại rất ít HTX sản xuất kinh doanh có lãi và có khả năng cạnh tranh trên thị trường

+ Trong hồ sơ vay vốn của khách hàng còn có các thủ tục liên quan đến các cấp các ngành. Như việc xác nhận của UBND xã, phường trên giấy đề nghị vay vốn, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm khi khách hàng thế chấp vay vốn ngân hàng, thủ tục công chứng, chứng thực… Tuy nhiên, trên thực tế khách hàng vẫn còn gặp phải những bất cập như: thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vẫn phải chờ đợi lâu, mất thời gian; việc thu phí xác nhận trên giấy đề nghị vay vốn còn cao, chưa đúng quy định (theo quy định việc xác nhận của UBND cấp xã trực tiếp vào giấy đề nghị vay vốn của công dân có nhu cầu vay vốn tại các TCTD trên địa bàn, áp dụng mức thu lệ phí chứng thực chữ ký cá nhân là 10.000 đồng/trường hợp và khi thu phải cấp biên lai thu phí, lệ phí cho đối tượng nộp tiền phí, lệ phí nhưng trên thực tế có nơi thu theo số tiền khách hàng vay, trị giá tài sản thế chấp đảm bảo tiền vay cao hơn nhiều so với quy định và nhiều nơi thu nhưng không có biên lai)…

Phần 2:

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP MỞ RỘNG TÍN DỤNG NGÂN HÀNG PHỤC VỤ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA TỈNH  NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2015

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu đến năm 2010

- Tổng nguồn vốn huy động đến 2010 đạt 10.500 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 30%.

- Tổng dư nợ đến 2010 đạt 11.000 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 28%. Trong đó:

+ Dư nợ ngành công nghiệp đạt 1.450 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 62%/năm.

+ Dư nợ ngành nông nghiệp đạt 5.150 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 32%/năm.

+ Cho vay hộ nghèo, đối tượng chính sách 1.235 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 29%/năm.

+ Cho vay xuất khẩu lao động đạt 595 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 70%/năm.

2. Định hướng đến năm 2015

- Tổng nguồn vốn huy động đạt 33.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 26%

- Tổng dư nợ đạt 31.800 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 24%.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Để đạt được các mục tiêu trên, hệ thống ngân hàng trên địa bàn phải tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ  và giải pháp chủ yếu sau:

1. Về công tác huy động vốn

Tập trung huy động tối đa các nguồn vốn tại chỗ, tranh thủ nguồn vốn điều hoà từ các ngân hàng thương mại cấp trên, từ các tổ chức tài chính tiền tệ trong và ngoài nước. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn huy động theo hướng tăng trưởng nhanh nguồn vốn trung, dài hạn để có đủ vốn đáp ứng nhu cầu cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, nhất là nhu cầu đầu tư mới. Muốn vậy, cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp:

- Các NHTM tiếp tục đa dạng hoá các hình thức huy động vốn. Đối với huy động vốn ngắn hạn: Ngoài việc hoàn thiện các hình thức huy động vốn truyền thống như tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn, tiền gửi tổ chức kinh tế, kỳ phiếu ngắn hạn, mở tài khoản tiền gửi cá nhân, mở thẻ ATM… tiếp tục hoàn thiện và mở rộng các hình thức huy động vốn dài hạn, đặc biệt chú trọng các hình thức huy động vốn dài hạn có mục đích, thực hiện chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi tiết kiệm. Tạo điều kiện cho người gửi tiền được thuận lợi, góp phần hình thành thị trường vốn ở địa phương.

- Chính sách lãi suất: Để huy động được khối lượng vốn lớn và kết cấu vốn hợp lý, các ngân hàng căn cứ vào chính sách của Nhà nước, Ngân hàng nhà nước, tình hình thực tế cung cầu thị trường tiền tệ để có mức lãi suất huy động vốn phù hợp.

- Mở rộng màng lưới huy động vốn xuống các phường, vùng dân cư có điều kiện kinh tế phát triển, các khu chợ, tụ điểm dân cư đông đúc để nhận tiền gửi của dân, nhất là các vùng có tiềm lực kinh tế phát triển.

- Giải quyết tốt công tác thanh toán trên cơ sở hiện đại hoá công nghệ đảm bảo thanh toán nhanh, an toàn và thuận tiện cho khách hàng. Tích cực tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân lựa chọn các hình thức gửi tiền vào ngân hàng sao cho phù hợp, thuận tiện, tăng cường tặng quà, khuyến mại và các hình thức quay số trúng thưởng khuyến khích người dân gửi tiền.

2. Về mở rộng cho vay và nâng cao chất lượng tín dụng

- Cung cấp đầy đủ kịp thời các nhu cầu vốn vay cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đảm bảo tất cả các dự án, khách hàng có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn đều được vay vốn ngân hàng. Trong đó cần tập trung ưu tiên cho vay các chương trình kinh tế xã hội trọng tâm của tỉnh. Cụ thể:

+ Đối với lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Tập trung đáp ứng đủ nhu cầu vốn vay cho các doanh nghiệp có đủ vốn lưu động sản xuất kinh doanh ổn định và các dự án đổi mới dây chuyền sản xuất, đầu tư chiều sâu nâng cao năng lực sản xuất, các nhu cầu đầu tư mới, trong đó chú trọng cho vay công nghiệp công nghệ cao như chế tạo máy gia công kim loại, sản xuất thiết bị kỹ thuật tiên tiến, điện, điện tử, vật liệu mới thay thế nhập khẩu …

+ Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn: Tiếp tục mở rộng cho vay các hộ sản xuất kinh tế trang trại phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá. Đáp ứng kịp thời đầy đủ nhu cầu vốn vay về vật tư, phân bón, giống, thuốc trừ sâu…để các hộ sản xuất hàng hoá, kinh tế trang trại phát triển trồng cây ăn quả, cây lương thực, cây thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày và chăn nuôi lợn, bò và phát triển lâm nghiệp, thuỷ sản. Ưu tiên cho các doanh nghiệp kinh doanh vật tư, phân bón, xuất khẩu phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

+ Đối với cho vay xoá đói giảm nghèo: Tiếp tục quan tâm mở rộng cho vay các hộ nghèo, đối tượng chính sách có vốn để sản xuất, kinh doanh góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo.

+ Đối với cho vay xuất khẩu lao động: Công tác xuất khẩu lao động được coi là một nhiệm vụ chính trị quan trọng tại địa phương, do vậy giải quyết cho vay đối tượng đi xuất khẩu lao động nhất là hộ nghèo và đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động là nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh.

+ Đối với đối tượng học sinh, sinh viên: Thực hiện quan tâm cho vay đối với đối tượng là học sinh, sinh viên. Đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đáp ứng đủ nhu cầu vốn vay để sinh viên có thể trang trải các khoản chi phí học tập, sinh hoạt theo chế độ quy định của Nhà nước.

- Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ nợ quá hạn dưới mức qui định.

Các giải pháp cần triển khai thực hiện:

- Về định hướng cho vay và dịch chuyển cơ cấu tín dụng.

Các ngân hàng thường xuyên bám sát vào các chủ trương, định hướng lớn của tỉnh, tăng cường công tác tiếp thị để có kế hoạch điều chỉnh và mở rộng tín dụng như thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai đầu tư của các dự án tại các khu, cụm công nghiệp, về chủ trương, định hướng xuất khẩu lao động, tình hình thực hiện các chương trình kinh tế xã hội lớn của tỉnh như chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá… để chủ động mở rộng cho vay.

- Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng thuận lợi.

- Về điều kiện vay vốn: Đối với tài sản thế chấp đây là biện pháp bảo đảm vốn vay phòng ngừa rủi ro khi dự án sản xuất kinh doanh gặp khó khăn phát sinh rủi ro ngoài dự kiến hoạt động không có hiệu quả. Tuy nhiên, trong thực tế đây là khó khăn vướng mắc các ngân hàng cần phải tập trung tháo gỡ cho khách hàng vay vốn để đảm bảo tất cả các khách hàng sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có dự án khả thi đều được vay vốn sản xuất kinh doanh. Vì vậy, các ngân hàng cần phải  nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm để cho khách hàng vay vốn bằng cách bảo đảm bằng kho hàng hoá, bằng tài sản hình thành từ vốn vay và đối với khách hàng có uy tín, có khả năng trả nợ có thể cho vay không có bảo đảm bằng tài sản.

- Điều chỉnh giảm lãi suất: lãi suất cho vay chính là giá cả của vốn vay. Lãi suất cho vay cao hay thấp có ảnh hưởng trực tiếp tới việc mở rộng cho vay của ngân hàng. Trong điều kiện các doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh của Bắc Giang hiện nay nhìn chung là tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khả năng cạnh tranh không cao, tỷ suất lợi nhận còn thấp. Do vậy, trong điều kiện hiện tại, các ngân hàng trên địa bàn, phải đổi mới về mọi mặt cả về tổ chức nghiệp vụ, sắp xếp bộ máy sao cho gọn nhẹ hoạt động có hiệu quả để ngày càng giảm chi phí, tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất tiền vay, nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đang là một trong những ngân hàng lớn chủ yếu cung cấp vốn tín dụng cho kinh tế hộ sản xuất, kinh tế trang trại trên địa bàn nông thôn nhưng đang phải chịu mức lãi suất vay cao hơn so với các địa bàn khác.

- Về thời hạn cho vay: Điều chỉnh thời hạn cho vay một cách linh hoạt phù hợp với đặc điểm kinh doanh, chu kỳ sản xuất kinh doanh đối với khách hàng cần tính toán cụ thể thời gian sinh trưởng và thu hoạch của từng loại cây, con chu kỳ, đặc điểm kinh doanh, sản xuất của từng loại hình doanh nghiệp, thời hạn thu hồi vốn của các dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh từ đó xác định thời hạn cho vay và thu nợ cho phù hợp. Đối với các khách hàng là hộ sản xuất kinh doanh có các loại cây, con có chu kỳ sinh trưởng và thu hoạch dài, hoặc các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư đổi mới dây truyền, mở rộng kinh doanh, cần phải cho vay vốn trung và dài hạn, các ngân hàng phải có sự ưu tiên dành nguồn vốn huy động dài hạn, lãi suất ổn định để cho vay.

- Về phương thức cho vay: Áp dụng phương thức cho vay linh hoạt phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Trong thực tế việc lựa chọn phương thức cho vay phù hợp vừa phát huy được hiệu quả tiền vay, vừa giảm thiểu được rủi ro. Để tạo điều kiện cho khách hàng, các ngân hàng cần linh hoạt áp dụng các phương thức cho vay cụ thể sau:

+ Phương thức cho vay từng lần: Áp dụng đối với các khách hàng sản xuất hàng hoá nhỏ, vốn tự có cao nhu cầu vốn vay ngân hàng thấp, chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn sử dụng.

+ Phương thức cho vay theo hạn mức tín dụng: phương thức này là hình thức ưu đãi về vốn và thủ tục vay vốn. Đối với những khách hàng kinh doanh ổn định, tỷ trọng vốn tự có trong tổng vốn luân chuyển thấp, có nhu cầu vay vốn ngân hàng liên tục, thường xuyên. Đối với các khách hàng có tín nhiệm, các ngân hàng cần áp dụng phương thức cho vay này.

+ Phương thức cho vay theo dự án: Đây là phương thức cho vay để thực hiện một dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Phương thức cho vay này phù hợp với các khách hàng là các doanh nghiệp, các chủ trang trại lập được các dự án sản xuất kinh doanh ngân hàng áp dụng phương thức cho vay này.

+ Bên cạnh các phương thức cho vay trên, các ngân hàng cần áp dụng các phương thức cho vay khác như cho vay trả góp, cho vay  qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng, cho vay để mở LC thanh toán xuất nhập khẩu…cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của khách hàng.

- Về quy trình thẩm định và xét duyệt cho vay: Các ngân hàng xây dựng một quy trình thẩm định và xét duyệt cho vay cụ thể, đảm bảo các thủ tục đơn giản, gọn nhẹ và cụ thể về thời gian từ khi khách hàng nộp đơn xin vay đến khi giải quyết cho vay. Trong đó chú ý các quy định cụ thể: Việc xác định, đánh giá tài sản thế chấp bảo đảm tiền vay, trách nhiệm cụ thể của cán bộ tín dụng và ngân hàng giải quyết cho vay, trách nhiệm của khách hàng vay, thời hạn cụ thể đối với việc giải quyết từng món vay, việc trả lời khách hàng được vay hay không được vay.

- Về hồ sơ, thủ tục cho vay: Để giảm các thủ tục phiền hà cho khách hàng vay vốn, các ngân hàng trên địa bàn trên cơ sở các quy định về hồ sơ pháp lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng cấp trên cần nghiên cứu đơn giản thủ tục, giấy tờ, giảm các giấy tờ có tính trùng lắp… cho khách hàng. Mặt khác, cần xem xét để thực hiện “cơ chế giao dịch một cửa” trong công tác cho vay. Theo đó khách hàng vay chỉ cần giao dịch với một người, một bộ phận đó là cán bộ tín dụng, hoặc bộ phận dịch vụ khách hàng. Các khâu xử lý khác thuộc nội bộ của NHTM như thẩm định, đánh giá tài sản bảo đảm tiền vay, đăng ký giao dịch bảo đảm…

- Thực hiện cho vay liên kết bốn nhà, đảm bảo liên hoàn từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và thanh toán. Chú trọng cho vay áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, mang lại hiệu quả cao. Trong quá trình cho vay phải tăng cường kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay của khách hàng, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay của các nhà.

3. Tiếp tục đa dạng hoá các loại hình tổ chức tín dụng và tổ chức lại màng lưới giao dịch của các chi nhánh NHTM trên địa bàn, nhất là màng lưới giao dịch của chi nhánh NHNo&PTNT tỉnh

- Để tạo môi trường cạnh tranh thúc đẩy quá trình cải cách hành chính và khả năng cung ứng vốn cho vay phát triển kinh tế của tỉnh, việc đa dạng hoá các tổ chức tín dụng là  một yêu cầu quan trọng. Hiện tại trên địa bàn đã có bốn (04) NHTM Nhà nước là NHCT, NHNo&PTNT, NHĐT&PT, Ngân hàng ngoại thương (Vietcombank); hai (02) NHTMCP là Ngân hàng thương mại cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VP bank) và Ngân hàng thương mại cổ phần kỹ thương (Techcombank); một (01) NHCSXH và 16 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) cơ sở. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bắc Giang sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, kêu gọi và  tạo điều kiện  cho nhiều ngân hàng như Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội, Ngân hàng thương mại cổ phần nhà đồng bằng Sông Cửu Long…về mở chi nhánh và hoạt động cung ứng vốn vay cho phát triển kinh tế của tỉnh. Tiếp tục thành lập các QTDND cơ sở tại các nơi có nhu cầu và đủ điều kiện thành lập.

- Mặt khác, vấn đề nổi lên hiện nay là mặc dù các tổ chức tín dụng trên địa bàn khá đa dạng và phòng phú nhưng mới chủ yếu tập trung ở thành phố, còn tại các huyện, việc cho vay chủ yếu vẫn do NHNo&PTNT tỉnh đảm nhận. Mặt khác, NHNo&PTNT mới chủ yếu có chi nhánh cấp II tại huyện do vậy người dân muốn được vay vốn phải đi lại rất xa, chi phí tốn kém. Trong thời gian tới, để tháo gỡ khó khăn này, các NHTM nhất  là NHNo&PTNT tỉnh cần phải mở rộng các điểm giao dịch tại các xã, cụm xã để thu hút vốn và cung cấp tín dụng. Việc mở các Phòng Giao dịch sẽ tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn, nhất là các hộ không phải đi lại xa, mất nhiều thời gian. Đồng thời, nhờ hoạt động tại các điểm giao dịch, công tác thẩm định, giám sát sử dụng vốn của các ngân hàng sẽ thuận lợi và chính xác hơn. Việc cho vay, thu nợ gốc và lãi được kịp thời, an toàn, các khách hàng không phải qua khâu trung gian. Tuy nhiên, việc lựa chọn mở các điểm giao dịch cần phải đảm bảo là mở tại các trung tâm cụm dân cư, trung tâm xã thuận tiện cho khách hàng đến giao dịch. Nơi đặt điểm giao dịch phải có phòng làm việc riêng biệt với các phòng làm việc khác, phải có diện tích đảm bảo, thoáng mát, đảm bảo an  ninh và trật tự an toàn xã hội. Phải bố trí đủ cán  bộ tại mỗi điểm giao dịch, tối thiểu bốn (04) cán bộ bao gồm: Cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn, cán bộ kế toán, cán bộ kiểm ngân, lái xe kiêm bảo vệ. Các điểm giao dịch thực hiện tiếp nhận hồ sơ vay vốn, hướng dẫn khách hàng hoàn chỉnh hồ sơ vay vốn theo quy định, phát tiền vay trực tiếp đến người vay vốn, thu nợ gốc, lãi đến hạn và nhận tiền gửi của khách hàng.

4. Tiếp tục hiện đại hoá công nghệ ngân hàng và đổi mới công tác đào tạo, bố trí cán bộ phù hợp yêu cầu nhiệm vụ được giao

Để hoạt động ngân hàng ngày càng có hiệu quả, mở rộng cho vay phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế của tỉnh thì việc hiện đại hoá công nghệ ngân hàng và đào tạo cán bộ có một vị trí quan trọng, ngân hàng chỉ có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng trên cơ sở hiện đại hoá công nghệ ngân hàng và đào tạo, sắp xếp, bố trí cán  bộ phù hợp với yêu cầu thực tế. Muốn vậy, các ngân hàng sẽ tập trung giải quyết một số công việc sau:

- Vi tính toàn bộ hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện cho khách hàng mở tài khoản tiền gửi, rút tiền, phục vụ khách hàng thanh toán thuận lợi, nhanh chóng. Đặc biệt trong công tác tín dụng phải thực hiện quản lý hồ sơ, theo dõi khách hàng vay, trả nợ vay bằng vi tính. Thực hiện thẩm định hồ sơ, phân tích hiệu quả của dự án sản xuất, kinh doanh thông qua chương trình tin học.

- Thường xuyên đào tạo nâng cao trình độ về mọi mặt cho cán bộ tín dụng, nhất là các kỹ năng thẩm định, quyết định cho vay như khả năng thẩm định hồ sơ pháp lý, đánh giá năng lực tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng, tính hiệu quả và khả thi của dự án xin vay, vấn đề định giá tài sản thế chấp…Cùng với việc đào tạo cán bộ, các ngân hàng cần tập trung sắp xếp, bố trí cán bộ làm công tác tín dụng cho hợp lý, đảm bảo cán bộ làm công tác cho vay phải có năng lực, trình độ và nhiệt tình trong  công việc, có khả năng hướng dẫn, tư vấn cho khách hàng vay vốn. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ có biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà cho khách hàng vay.

5. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, công tác kiểm soát nội bộ của các ngân hàng và đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng trong ngành ngân hàng

Công tác thanh tra kiểm soát nội bộ có vai trò quan trọng. Thông qua công tác thanh tra kiểm soát nội bộ sẽ kịp thời phát hiện xử lý những quy trình, thủ tục chưa đúng và giám sát các hành vi, biểu hiện tiêu cực của cán bộ tín dụng. Do vậy, các ngân hàng cần tập trung củng cố, nâng cao chất lượng công tác kiểm soát nội bộ, coi đây là một trong giải pháp quan trọng để  góp phần mở rộng cho vay phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng trong ngành.

6. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là thông tin tuyên truyền về hội nhập của ngành ngân hàng

Để tạo điều kiện cho người dân gửi tiền và vay vốn ngân hàng thuận lợi. Việc nắm bắt, hiểu biết các thông tin có liên quan đến hoạt động ngân hàng, nhất là việc nắm bắt các thủ tục điều kiện vay vốn là cần thiết với người dân. Do vậy, ngành ngân hàng cần phối hợp với các cơ quan thông tin tuyên truyền như báo, đài tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân có thể hiểu và tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng, nhất là các thông tin có liên quan đến hội nhập của ngành ngân hàng.

7. Các giải pháp hỗ trợ

Với mức dư nợ và tăng trưởng dư nợ hàng năm như trên, vấn đề đặt ra là phải có sự tăng trưởng và chuyển dịch mạnh mẽ trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất công nghiệp, nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và phát triển các thành phần kinh tế. Muốn vậy, phải tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể sau:

+ Đối với sản xuất công nghiệp: Cần tạo sự chuyển biến tích cực về thu hút đầu tư phát triển. Tập trung cao cho phát triển các khu, cụm công nghiệp ở các địa phương có lợi thế, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư trên địa bàn. Ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao như: Chế tạo máy và gia công kim loại, sản xuất thiết bị kỹ thuật tiên tiến, điện, điện tử…Chú trọng phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Phát triển nhanh số lượng doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế, đa dạng về quy mô, hình thức sở hữu. Ưu tiên thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn, công nghệ cao đồng thời khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 26 - 28%/năm, đến 2010 giá trị sản xuất công nghiệp là 4.370 tỷ đồng.

+ Đối với sản xuất nông nghiệp: Xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững, hiệu quả, thực hiện chuyển đổi một số cây trồng, vật nuôi hàng hóa có thế mạnh của tỉnh. Đầu tư phát triển các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa với những sản phẩm có ưu thế phù hợp với điều kiện kinh tê của tỉnh như: Vùng chuyên canh cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày, cây thực phẩm, lúa chất lượng cao; vùng chăn nuôi thủy sản tập trung, với hình thức chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp, bán công nghiệp… để tăng khả năng cạnh tranh. Phấn đấu đến năm 2010 sản lượng cây ăn quả đạt 180 – 220 ngàn tấn, tổng sản lượng lương thực có hạt 620 ngàn tấn, sản lượng cây thực phẩm đạt 286 ngàn tấn. Về chăn nuôi, đến năm 2010, sản lượng thịt lợn hơi đạt 105 ngàn tấn, tổng đàn bò đạt 135 ngàn con, diện tích nuôi trồng thủy sản 11 ngàn ha, sản lượng 20 ngàn tấn.

+ Thực hiện đẩy mạnh bán cổ phần Nhà nước trong các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, tăng tỷ trọng vốn các thành viên ngoài doanh nghiệp, tạo bình đẳng, công bằng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, phát huy mạnh mẽ tính năng động, chủ động nâng cao hiệu quả kinh doanh, sức cạnh tranh, khả năng hội nhập của doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã, động viên mọi người dân tham gia sản xuất kinh doanh. Quan tâm phát triển đa dạng và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã. Tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại và phát triển các mô hình tổ chức kinh tế đan xen, hỗn hợp nhiều hình thức sở hữu; các mô hình hợp tác, liên kết giữa các thành phần kinh tế, giữa công nghiệp - nông nghiệp - thương mại - dịch vụ cùng phát triển sản xuất hàng hóa. Các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc chế độ thống kê, kế toán, minh bạch và công khai báo cáo tài chính theo quy định.

Phần 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đối với UBND tỉnh

- Có chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh, nhất là việc chỉ đạo các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư nhanh chóng triển khai thực hiện đầu tư để ngân hàng có môi trường mở rộng cho vay trong lĩnh vực công nghiệp. Đối với kinh tế HTX cần có các giải pháp chính sách khuyến khích phát triển. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp kịp thời.

- UBND tỉnh cân đối bố trí nguồn ngân sách địa phương hàng năm cao hơn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi chuyển sang Ngân hàng chính sách để cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách, nhất là đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động.

2. Đối với hệ thống ngân hàng

Ban cán sự Đảng Ngân hàng tỉnh Bắc Giang thực hiện triển khai, quán triệt  và tổ  chức thực hiện. Thành lập ban chỉ đạo thực hiện đề án do đồng chí Bí thư Ban cán sự Đảng Ngân hàng tỉnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh làm Trưởng Ban và các đồng chí  Giám đốc NHTM, NHCSXH trên địa bàn tỉnh làm thành viên. Thực hiện phân công cụ thể trách nhiệm cho từng ngân hàng:

2.1. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh

Thực hiện chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện của các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội và các QTDND cơ sở trên địa bàn. Cụ thể: thực hiện phổ biến kịp thời các chủ trương, định hướng phát triển kinh tế của tỉnh đến các TCTD. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm trong công tác tín dụng. Đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng trong ngành ngân hàng. Tuyên truyền và tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại mở chi nhánh trên địa bàn tỉnh và cấp phép thành lập QTDND cơ sở theo quy định. Hàng năm tổng hợp tình hình thực hiện đề án báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31/1 hàng năm. Nêu các đề xuất kiến nghị và điều chỉnh bổ sung đề án cho phù hợp với thực tế triển khai.

2.2. Ngân hàng thương mại, Ngân hàng chính sách xã hội và các QTDND cơ sở trên địa bàn

Có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của đề án đề ra, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu được giao trong đề án. Cụ thể: triển khai thực hiện có kết quả các giải pháp về huy động vốn, về mở rộng cho vay. Tiếp tục hiện đại hoá công nghệ ngân hàng, mở rộng màng lưới kinh doanh, nâng cao năng lực kiểm soát nội bộ. Thực hiên tuyên truyền và công khai các thủ tục hành chính liên quan đến việc vay vốn của khách hàng. Hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Giang trước ngày 10/1 hàng năm.

3. Đối với UBND huyện

- Thực hiện kiểm tra, xử lý  và chấn chỉnh việc thu lệ phí xác nhận giấy đề nghị vay vốn của khách hàng dối với UBND xã, phường, thị trấn trên  phạm vi địa bàn quản lý theo đúng quy định của Nhà nước.

- Chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện, thành phố tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn ngân hàng thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm  tiền vay nhanh, thuận lợi, thường  xuyên kiểm tra  và có biện pháp chấn chỉnh công tác đăng ký giao dịch bảo đảm tiền vay.

4. Đối với các Sở, Ban, ngành có liên quan

- Sở Tài nguyên - Môi trường chỉ đạo các Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở và Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện, thành phố làm tốt việc đăng  ký giao dịch bảo đảm cho các khách hàng vay vốn được nhanh và thuận lợi.

- Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Cục thuế tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, chấn chỉnh ngay việc thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí xác nhận giấy đề nghị vay vốn của khách hàng tới các ngành, các cấp và các đơn vị có liên quan theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

- Sở Tư pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi công chứng cho các khách hàng là các doanh nghiệp đến công chứng tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng.

5. Các tổ chức hội, đoàn thể

Tăng cường phối hợp với các ngân hàng thương mại, nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh để củng cố, mở rộng cho vay qua tổ, đáp ứng nhu cầu vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

6. Các cơ quan báo, đài

Tăng cường phối hợp với các ngân hàng để đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu và có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng, nhất là dịch vụ tín dụng./.

 

 

GIÁM ĐỐC




Tô Thị Hậu

 

PHỤ LỤC 1

TÌNH HÌNH VÀ CƠ CẤU HUY ĐỘNG VỐN, CHO VAY CỦA CÁC TCTD TỈNH BẮC GIANG  TỪ 2001-2006 

Bảng 1: Tổng huy động vốn và cho vay chia theo các TCTD

    Đơn vị: Tỷ đồng

TCTD

2001

2002

2003

2004

2005

2006

So sánh (+,)%2006 với 2001

Tốc độ tăng bình quân 2001-2006

1.Tổng huy động

939

1.238

1.502

1.815

2.657

3.688

+293%

31,8%

NHCT

206

262

263

349

584

825

+300%

33.8%

NHNo&PTNT

536

746

981

1146

1695

2349

+338%

34.8%

NHĐT&PT

185

216

235

287

332

405

+119%

17.1%

NHCSXH

3

2

6

9

10

10

+233%

45.6%

VPbank

 

 

 

 

 

45

 

 

QTDND

9

12

17

24

36

53

+489%

42.7%

2.Tổng dư nợ

1.382

1.663

2.080

2.521

3.011

4.051

+193%

24,12%

NHCT

149

150

173

228

249

395

+165%

23.%

NHNo&PTNT

733

967

1454

1540

1866

2428

+231%

27.9%

NHĐT&PT

304

320

368

413

508

631

+108%

15.9%

NHCSXH

182

206

56

300

333

445

+145%

84%

VPbank

 

 

 

 

 

62

 

 

QTDND

13

20

29

40

55

89

+585%

47.2%

 

Bảng 2: Tổng huy động vốn và cho vay chia theo các thời hạn và ngành kinh tế

Đơn vị: Tỷ đồng

Chỉ tiêu

2001

2002

2003

2004

2005

2006

So sánh  (+,-)% 2006 với 2001

Tốc độ tăng bình quân 2001-2006

I.Vốn huy động

939

1.238

1.502

1.815

2.657

3.688

+293%

31,8%

Phân theo thời hạn:

 

 

 

 

 

 

 

 

-TG ngắn hạn

668

713

946

967

1.459

2.082

+212%

27,0%

-TG trung, dài hạn

271

525

556

848

1.198

1.606

+493%

45,5%

Phân theo nội, ngoại tệ:

 

 

 

 

 

 

 

 

-TG nội tệ

772

1.027

1.297

1.559

2.313

3.215

+316%

33,4%

-TG ngoại tệ

167

211

205

256

344

473

+183%

24,1%

Phân theo loại tiền gửi:

 

 

 

 

 

 

 

 

-TG dân cư

689

946

1.161

1.295

1.814

2.485

+261%

29,7%

-TG tổ chức KT

250

292

341

520

843

1.203

+381%

38,2%

II.Dư nợ cho vay

1.382

1.663

2.080

2.521

3.011

4.051

+193%

24,12%

-Phân theo thời hạn

 

 

 

 

 

 

 

 

+Ngắn hạn

674

788

995

1.252

1.621

2.217

+229%

27,05%

+Trung, dài hạn

708

875

1.085

1.269

1.390

1.834

+159%

21,20%

-Phân theo ngành KT

 

 

 

 

 

 

 

 

+Nông, lâm nghiệp

831

1.056

1.297

1.541

1.647

1.817

+119%

17,18%

+Công nghiệp

179

170

154

242

306

271

+51%

11,54%

+Thương nghiệp

133

156

190

288

546

835

+528%

46,64%

+Xây dựng

106

106

109

89

120

267

+152%

28,36%

+Khác

133

175

330

361

392

861

+547%

51,55%

-Phân theo khu vực KT

 

 

 

 

 

 

 

 

+Nhà nước

359

358

334

349

350

279

-22%

-4,50%

+Tư nhân

5

6

12

105

267

399

+6980%

219,74%

+Tập thể

2

2

3

3

27

7

+250%

155,19%

+Cá thể

1.004

1.272

1.649

1.902

2.205

2.851

+184%

23,38%

+Hỗn hợp

12

25

82

162

162

515

+3292%

130,36%

III.Nợ xấu

 

 

 

 

 

 

 

 

-Dư nợ

33

42

33

26

132

113

+242%

 

-Tỷ trọng/TDN

2,4%

2,5%

1,6%

1%

4,4%

2,8%

+0,4%

 

 

PHỤ LỤC 2

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN MỘT SỐ CHỈ TIÊU CỦA CÁC TCTD TỈNH BẮC GIANG TỪ 2007-2015

Kế hoạch chi tiết của toàn hệ thống TCTD trên địa bàn

Đơn vị: Tỷ đồng

Chỉ tiêu

2007

2008

2009

2010

2015

Tốc độ tăng trưởng BQ  2006-2010

Tốc độ tăng trưởng BQ 2010-2015

1.Vốn huy động

4.720

6.150

8.050

10.500

33.000

30%

26%

Phân theo các TCTD

 

 

 

 

 

 

 

NHCT

1000

1200

1500

1800

5800

22%

26%

NHNo&PTNT

3000

3750

4500

5400

16500

22%

25%

NHĐT&PT

460

600

850

1180

3720

37%

26%

NHCSXH

10

12

15

20

30

26%

10%

VPbank

80

140

240

410

1550

72%

30%

Techcombank

50

120

210

370

1400

97%

31%

Vietcombank

25

73

200

350

1400

147%

32%

QTDND

95

145

205

270

600

42%

18%

Dự kiến thành lập TCTD mới

 

110

330

650

2000

148%

25%

2.Dư nợ

5.260

6.777

8.560

11.000

31.800

28%

24%

-Ngành CN

340

545

930

1.450

6.900

62%

38%

-Ngành Nông nghiệp

2.250

3.000

3.900

5.150

15.500

32%

25%

-CV hộ nghèo, đ.tượng CS

590

797

1.010

1.235

3.400

29%

25%

-Cho vay XKLĐ

121

218

352

595

3.100

70%

40%

Phân theo các TCTD

 

 

 

 

 

 

 

NHCT

480

650

850

1200

3.500

36%

24%

NHNo&PTNT

3020

3650

4220

4900

14000

18%

24%

NHĐT&PT

800

950

1160

1320

4000

18%

25%

NHCSXH

590

797

1010

1235

3400

28%

22%

VPbank

160

210

290

400

1400

36%

28%

Techcombank

50

110

230

350

1000

94%

24%

Vietcombank

30

80

210

300

1000

124%

27%

QTDND

130

180

240

295

700

32%

19%

Dự kiến thành lập TCTD mới

 

150

350

1000

2800

160%

23%

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 86/2007/QĐ-UBND ngày 08/10/2007 phê duyệt Đề án “Mở rộng tín dụng ngân hàng phục vụ Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015” do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.408

DMCA.com Protection Status
IP: 18.219.12.88
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!