Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 30/2006/QĐ-NHNN Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước Người ký: Nguyễn Đồng Tiến
Ngày ban hành: 11/07/2006 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 30/2006/QĐ-NHNN

Hà Nội, ngày 11 tháng 07 năm 2006 

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY  CHẾ CUNG ỨNG VÀ SỬ DỤNG SÉC

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2003.
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2004;
Căn cứ Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 52/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003  của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Trưởng Ban Thanh toán,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế cung ứng và sử dụng séc”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Thông tư số 05/2004/TT – NHNN ngày 15/9/2004 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 159/2003/NĐ – CP ngày 10/12/2003 về cung ứng và sử dụng séc hết hiệu lực thi hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Trưởng Ban Thanh toán, Thủ trưởng đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) các Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, các tổ chức, cá nhân sử dụng séc và liên quan đến việc sử dụng séc chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:                                
- Như Điều 3;
- VPCP (2 bản);
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- Lưu VP, PC, BTT.
                       

KT.THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Nguyễn Đồng Tiến

 

QUY CHẾ

CUNG ỨNG VÀ SỬ DỤNG SÉC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 30/2006/QĐ-NHNN ngày 11 tháng  7 năm 2006  của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng :

1 Phạm vi điều chỉnh:

Quy chế này quy định một số nội dung về hoạt động cung ứng và sử dụng séc và về thủ tục cung ứng, kiểm soát, luân chuyển xử lý chứng từ và hạch toán kế toán liên quan đến việc thanh toán séc qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Đối tượng áp dụng:

a. Các tổ chức cung ứng séc và tham gia vào quá trình thanh toán, thu hộ séc, bao gồm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; kho bạc nhà nước; ngân hàng thương mại, ngân hàng phát triển, ngân hàng đầu tư, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác và các loại hình ngân hàng khác; quỹ tín dụng nhân dân; tổ chức khác không phải là tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép cung ứng, thanh toán hoặc thu hộ séc.

b. Các tổ chức, cá nhân sử dụng séc và liên quan đến việc sử dụng séc, bao gồm: người ký phát, người chuyển nhượng, người được chuyển nhượng, người bảo lãnh, người được bảo lãnh, người thụ hưởng, người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của những người trên và những người khác có liên quan đến sử dụng séc.

Điều 2. Ký phát, thanh toán séc ghi số tiền bằng ngoại tệ

1. Ký phát séc bằng ngoại tệ:

Séc được ký phát với số tiền ghi trả bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

2. Thanh toán séc bằng ngoại tệ:

a. Séc ghi trả bằng ngoại tệ theo quy định của Khoản 1 Điều này được thanh toán số tiền ghi trên séc bằng ngoại tệ khi người thụ hưởng cuối cùng được phép thu ngoại tệ theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

b. Séc ghi trả bằng ngoại tệ nhưng người thụ hưởng cuối cùng là người không được phép thu ngoại tệ theo quy định của  pháp luật về quản lý ngoại hối thì số tiền ghi trên séc được thanh toán bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thanh toán hoặc theo tỷ giá kinh doanh ngoại tệ của ngân hàng thực hiện việc thanh toán công bố tại thời điểm thanh toán (nếu ngân hàng thực hiện việc thanh toán).

Điều 3. Nghĩa vụ của người ký phát

1. Bảo đảm có đủ khả năng thanh toán để chi trả toàn bộ số tiền ghi trên séc cho người thụ hưởng tại thời điểm séc được xuất trình để thanh toán trong thời hạn xuất trình. Khả năng thanh toán có thể là số dư trên tài khoản thanh toán mà người ký phát có quyền sử dụng; hoặc số dư trên tài khoản thanh toán cộng với hạn mức thấu chi mà người ký phát được phép sử dụng theo thoả thuận với người bị ký phát.

2. Ký phát séc theo đúng quy định tại Điều 10 của Quy chế này. Trường hợp tờ séc được lập không đúng quy định do lỗi của người ký phát khiến người thụ hưởng bị từ chối thanh toán, người thụ hưởng có quyền yêu cầu người ký phát lập tờ séc khác thay thế. Người ký phát có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu này của người thụ hưởng ngay trong ngày được yêu cầu hoặc ngày làm việc tiếp theo sau ngày được yêu cầu đó.

3. Trường hợp tờ séc bị từ chối thanh toán do séc đó không đủ khả năng thanh toán, người ký phát phải hoàn trả không điều kiện số tiền bị truy đòi trên séc.

Điều 4. Truy đòi do séc không được thanh toán

1.Trong trường hợp séc bị từ chối thanh toán toàn bộ hay một phần số tiền ghi trên séc theo quy định của Quy chế này, người thụ hưởng có quyền truy đòi số tiền mình được hưởng hợp pháp. Đối tượng, số tiền, cách thức và thủ tục truy đòi áp dụng tương tự theo quy định từ Điều 48 đến Điều 52 của Luật Các công cụ chuyển nhượng.

2. Người chuyển nhượng đã trả tiền cho người thụ hưởng được quyền truy đòi đối với người ký phát hoặc người chuyển nhượng trước mình.

Chương 2:

CUNG ỨNG SÉC

 Điều 5. Mẫu séc trắng

 Tổ chức cung ứng séc tự quyết định về thiết kế mẫu séc trắng do mình cung ứng, trên cơ sở tham khảo mẫu séc trắng tại Phụ lục 1.

Để bảo đảm cho tờ séc có thể thanh toán qua Trung tâm Thanh toán Bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép hoạt động, thì giấy in séc, kích thước séc, yếu tố và vị trí các yếu tố trên séc trắng phải được thiết kế theo các điều kiện quy định tại Phụ lục 1 của Quy chế này và những tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể khác của Trung tâm (nếu có).

 Điều 6. Đăng ký mẫu séc trắng

1. Tổ chức cung ứng séc, trước khi in séc trắng theo mẫu mới, phải tiến hành đăng ký mẫu séc trắng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ban Thanh toán). Hồ sơ đăng ký mẫu séc trắng bao gồm:

- Giấy đề nghị đăng ký mẫu séc trắng kèm thiết kế kích thước, mầu sắc, các yếu tố chi tiết của tờ séc trắng;

- Bản sao giấy phép hoạt động của tổ chức cung ứng séc đã được Công chứng xác nhận (trường hợp đăng ký lần đầu).

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ban Thanh toán) có trách nhiệm xem xét và trả lời tổ chức cung ứng séc về mẫu séc trắng trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký mẫu séc trắng của tổ chức cung ứng séc.

Điều 7. In séc trắng và thông báo mẫu séc trắng

1. Sau khi mẫu séc trắng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp nhận, tổ chức cung ứng séc tiến hành in séc trắng. Trước khi cung ứng séc trắng cho người sử dụng séc, tổ chức cung ứng séc phải gửi mẫu séc trắng đã in để lưu mẫu tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ban Thanh toán).

2. Tổ chức cung ứng séc được lựa chọn nơi in để ký hợp đồng in séc trắng trên cơ sở tự chịu trách nhiệm về việc bảo đảm những yếu tố kỹ thuật và yếu tố chống giả của séc trắng do mình cung ứng.

3. Tổ chức cung ứng séc chịu trách nhiệm thông báo cho các bên liên quan (bao gồm các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tham gia dịch vụ thu hộ séc, Trung tâm Thanh toán Bù trừ và người sử dụng dịch vụ thanh toán) về mẫu séc trắng của mình.

4. Tổ chức cung ứng séc chịu trách nhiệm về việc quy định và thoả thuận đối với người sử dụng séc về điều kiện và điều khoản sử dụng séc do mình cung ứng như:

a. Cung ứng số lượng séc trắng cho khách hàng, trên cơ sở bảo đảm phù hợp với nhu cầu và độ tin cậy trong thanh toán của từng đối tượng cụ thể.

b. Xây dựng quy trình, thủ tục bảo đảm an toàn và phân định trách nhiệm của các bên liên quan trong lưu trữ, bảo quản, luân chuyển séc trắng và séc trong quá trình xử lý thanh toán trong nội bộ tổ chức cung ứng séc;

c. Quy định, hướng dẫn và phổ biến về trách nhiệm trong việc bảo quản séc trắng và những yêu cầu trong việc sử dụng séc đối với người được cung ứng séc trắng.

Điều 8. Thủ tục cung ứng séc trắng

1. Khi có nhu cầu sử dụng séc, chủ tài khoản hoặc người được chủ tài khoản uỷ quyền lập giấy đề nghị cung ứng séc nộp cho tổ chức cung ứng séc.

2. Khi nhận được giấy đề nghị cung ứng séc, tổ chức cung ứng séc có trách nhiệm kiểm tra điều kiện của người đề nghị cung ứng séc.

3. Trước khi giao séc cho khách hàng, tổ chức cung ứng séc trắng phải chịu trách nhiệm in, dập chữ hoặc ghi sẵn nội dung của các yếu tố: Số séc, tên người bị ký phát, tên người ký phát séc; các yếu tố trên giải từ MICR (nếu có). Trường hợp tổ chức cung ứng séc có quy định cụ thể về địa điểm thanh toán thì cần in, dập chữ hoặc ghi sẵn địa điểm thanh toán trên mẫu séc trắng.

Tổ chức cung ứng séc có quyền in, dập chữ hoặc ghi thêm các nội dung khác trên tờ séc trắng nếu thấy cần thiết và để thuận tiện cho người sử dụng séc.

4. Tổ chức cung ứng séc phải mở sổ theo dõi tên, địa chỉ, số hiệu tài khoản của người được cung ứng séc, số lượng và ký hiệu (số xê-ry, số séc) của các tờ séc cung ứng cho người được cung ứng séc và yêu cầu người được cung ứng séc phải ký nhận vào sổ theo dõi.

Điều 9. Trách nhiệm của người được cung ứng séc trắng

 1. Người được cung ứng séc phải kiểm đếm số lượng tờ séc, tính chính xác của các yếu tố trên tờ séc trắng được cung ứng. Nếu có sai sót phải báo ngay cho tổ chức cung ứng séc để đổi lấy tờ séc khác.

2. Sau khi đã nhận séc trắng từ tổ chức cung ứng séc, nếu xảy ra sai sót hoặc để séc bị lợi dụng thì chủ tài khoản phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về các thiệt hại xảy ra.

Chương 3:

CÁC YẾU TỐ CỦA SÉC VÀ KÝ PHÁT SÉC

Điều 10. Nội dung trên séc và ký phát séc

1. Tờ séc phải được lập trên mẫu séc trắng do người bị ký phát cung ứng; nếu séc được lập trên tờ séc trắng không phải do người bị ký phát cung ứng, thì người bị ký phát có quyền từ chối thanh toán tờ séc đó.

2. Những yếu tố trên tờ séc phải được in hoặc ghi rõ ràng bằng bút mực hoặc bút bi, không viết bằng bút chì hoặc các loại mực đỏ, không sửa chữa, tẩy xoá. Chữ viết trên séc là tiếng Việt. Trường hợp séc có yếu tố nước ngoài thì séc có thể sử dụng tiếng nước ngoài theo thoả thuận của các bên.

3. Chỉ định về người thụ hưởng được ghi theo một trong ba cách thức quy định tại Khoản 1 Điều 60 của Luật Các công cụ chuyển nhượng.

4. Số tiền được ghi bằng chữ số và bằng chữ viết phải khớp đúng.

Số tiền bằng số trên séc là chữ số Ả-Rập: 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9; sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ phải đặt dấu chấm (.); khi còn ghi chữ số sau  chữ số hàng đơn vị phải đặt dấu phẩy (,)  sau chữ số hàng đơn vị.

Số tiền bằng chữ phải viết rõ nghĩa, chữ đầu của số tiền bằng chữ phải viết hoa và sát đầu dòng đầu tiên, không được viết cách dòng, cách quãng giữa các chữ, không được viết thêm chữ (khác dòng) vào giữa hai chữ viết liền nhau trên séc.

5. Tên người bị ký phát là tên tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc tên chi nhánh ngân hàng hoặc tổ chức làm dịch vụ thanh toán có trách nhiệm thanh toán số tiền ghi trên séc theo lệnh người ký phát.

6. Địa điểm thanh toán là nơi mà tờ séc được thanh toán và do người bị ký phát quy định. Nếu trên tờ séc không ghi địa điểm thanh toán thì tờ séc được hiểu là được xuất trình để thanh toán tại địa điểm kinh doanh của người bị ký phát.

7. Ngày ký phát là ngày mà người ký phát ghi trên tờ séc.

8. Chữ ký của người ký phát phải là chữ ký bằng tay trực tiếp trên tờ séc bằng bút mực hoặc bút bi theo chữ ký mẫu đã đăng ký tại người bị ký phát, kèm theo họ tên của người ký và dấu (đối với những séc do người đại diện của tổ chức ký).

9. Để chỉ định số tiền trên tờ séc không được thanh toán bằng tiền mặt mà phải thanh toán bằng chuyển khoản vào tài khoản của người thụ hưởng, người ký phát hoặc người chuyển nhượng ghi hoặc đóng dấu thêm cụm từ “trả vào tài khoản” ở mặt trước của tờ séc ngay dưới chữ “Séc”. Cụm từ này có hiệu lực với bất kỳ người nào thụ hưởng tờ séc.

Trường hợp séc không ghi cụm từ “trả vào tài khoản” thì người bị ký phát thanh toán séc cho người thụ hưởng bằng tiền mặt nếu người thụ hưởng yêu cầu.

10. Để chỉ định số tiền trên séc chỉ được thanh toán cho ngân hàng hoặc cho người thụ hưởng có tài khoản tại ngân hàng bị ký phát; người ký phát hoặc người chuyển nhượng gạch trên séc hai gạch chéo song song.

11. Để chỉ định số tiền ghi trên séc chỉ được thanh toán cho một ngân hàng cụ thể hoặc cho người thụ hưởng có tài khoản tại ngân hàng đó, người ký phát hoặc người chuyển nhượng séc gạch trên séc hai gạch chéo song song và ghi tên ngân hàng được chỉ định giữa hai gạch chéo. Séc có ghi tên hai ngân hàng giữa hai gạch chéo không có giá trị thanh toán trừ trường hợp một trong hai ngân hàng có tên giữa hai gạch chéo đó là ngân hàng thu hộ.

12. Trường hợp người ký phát séc là người được chủ tài khoản uỷ quyền thì chủ tài khoản phải làm đầy đủ thủ tục thông báo, đăng ký chữ ký mẫu, quy định hạn mức với người bị ký phát.

Chương 4:

CHUYỂN NHƯỢNG, NHỜ THU SÉC

Điều 11. Chuyển nhượng séc

1. Tờ séc được ký chuyển nhượng thì tính liên tục của dãy chữ ký chuyển nhượng thể hiện như sau: trong giao dịch chuyển nhượng thứ nhất của tờ séc, người đứng tên chuyển nhượng phải là tên của người thụ hưởng đã ghi trên mặt trước tờ séc; trong giao dịch chuyển nhượng thứ hai của tờ séc, người đứng tên chuyển nhượng phải là tên của người đã được chuyển nhượng trong giao dịch chuyển nhượng thứ nhất; và tiếp tục như vậy cho tới giao dịch chuyển nhượng cuối cùng.

2. Trường hợp người đứng tên chuyển nhượng trong bất kỳ một giao dịch chuyển nhượng nào mà không phải là tên của người đã được chuyển nhượng trong giao dịch chuyển nhượng liền trước, thì dãy chữ ký chuyển nhượng đó là không liên tục.

3. Người thụ hưởng tờ séc đã qua ký chuyển nhượng là người cuối cùng được chuyển nhượng trong dãy chữ ký chuyển nhượng liên tục như quy định tại Khoản 1 Điều này.

Người bị ký phát, khi thanh toán tờ séc đã qua chuyển nhượng bằng ký chuyển nhượng, có trách nhiệm kiểm tra tính liên tục của dãy chữ ký chuyển nhượng để bảo đảm số tiền trên séc được chi trả đúng người thụ hưởng.

Điều 12. Nhờ thu séc

1. Để được thanh toán số tiền trên séc, người thụ hưởng séc có thể chuyển giao séc để nhờ thu bằng ký chuyển nhượng để nhờ thu tờ séc đó cho một tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (người thu hộ) để nhờ thu theo thoả thuận giữa hai bên. Người thu hộ được quyền quyết định việc chi trả ngay cho người ký chuyển nhượng để nhờ thu, hoặc chi trả sau khi có kết quả thanh toán của tờ séc từ người bị ký phát, trên cơ sở tự chịu trách nhiệm về khả năng thanh toán của tờ séc và khả năng truy đòi số tiền trên séc trong trường hợp séc không được thanh toán.

2. Trong trường hợp không thể trực tiếp xuất trình tại địa điểm thanh toán theo quy định, người thu hộ có quyền chuyển giao tiếp séc đó cho người thu hộ khác là một tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán mà mình có quan hệ đại lý theo thoả thuận giữa hai bên để người thu hộ này xuất trình tờ séc.

Chương 5:

BẢO ĐẢM THANH TOÁN SÉC

Điều 13. Bảo chi séc

1. Để thực hiện bảo chi, tờ séc phải đáp ứng đủ những điều kiện sau:

a. Được điền đầy đủ, rõ ràng các yếu tố theo quy định tại Điều 10 của Quy chế này;

b. Người ký phát có đủ tiền trên tài khoản để đảm bảo khả năng thanh toán cho tờ séc, hoặc nếu không đủ tiền trên tài khoản nhưng được người bị ký phát chấp thuận cho người ký phát thấu chi đến một hạn mức nhất định để bảo đảm khả năng thanh toán cho số tiền ghi trên tờ séc;

c. Người ký phát yêu cầu được bảo chi tờ séc đó.

2. Người bị ký phát được từ chối bảo chi séc nếu tờ séc không đáp ứng một trong những điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Thủ tục bảo chi séc:

a. Trường hợp sử dụng tài khoản tiền gửi để bảo đảm thanh toán séc:

Người ký phát séc lập và nộp vào người bị ký phát “Uỷ nhiệm chi (số liên Uỷ nhiệm chi do người bị ký phát quy định nhưng phải đảm bảo đủ số liên để hạch toán thanh toán và lưu trữ) và tờ séc đã ghi đầy đủ các yếu tố có đủ chữ ký và dấu (nếu có) ở mặt trước của tờ séc.

Người bị ký phát kiểm soát đối chiếu và kiểm tra các điều kiện để thực hiện bảo chi tờ séc theo quy định tại Khoản 1 Điều này, nếu đủ điều kiện thì xử lý:

- Ghi ngày, tháng, năm và ký tên đóng dấu của người bị ký phát, kèm cụm từ “Bảo chi” lên mặt trước của tờ séc.

- Giao tờ séc đã làm xong thủ tục bảo chi cho khách hàng.

Xử lý các liên uỷ nhiệm chi như sau:

- 1 Liên uỷ nhiệm chi làm chứng từ ghi Nợ Tài khoản tiền gửi thanh toán của người ký phát, đồng thời ghi Có Tài khoản tiền gửi để đảm bảo thanh toán séc của người ký phát.

- 1 liên uỷ nhiệm chi làm Giấy báo Nợ giao cho người ký phát séc.

b. Trường hợp phong toả số tiền trên tài khoản tiền gửi thanh toán:

Nếu điều kiện kỹ thuật cho phép, người bị ký phát có thể phong toả số dư tài khoản tiền gửi thanh toán của người ký phát theo thoả thuận bằng văn bản, số tiền bị phong toả đúng bằng số tiền bảo đảm thanh toán séc có tính tới hạn  mức thấu chi (nếu có).

4. Khi đã bảo chi séc, người bị ký phát chỉ chịu trách nhiệm bảo đảm khả năng thanh toán số tiền ghi trên séc đến hết thời hạn xuất trình của tờ séc.

5. Sau thời hạn xuất trình mà tờ séc đó vẫn chưa được xuất trình đòi thanh toán, người ký phát có quyền yêu cầu người bị ký phát chấm dứt việc tạm giữ  hoặc phong toả số tiền dùng để bảo đảm khả năng thanh toán cho tờ séc đó.

Điều 14. Bảo lãnh séc

Bảo lãnh séc là việc người thứ 3 (sau đây gọi là người bảo lãnh) cam kết với người nhận bảo lãnh sẽ thanh toán toàn bộ hay một phần số tiền ghi trên séc khi người được bảo lãnh không thanh toán hoặc không thanh toán đầy đủ tờ séc.

 Để bảo lãnh cho tờ séc, người bảo lãnh ghi cụm từ “bảo lãnh”, số tiền bảo lãnh, tên, địa chỉ, chữ ký của người bảo lãnh và tên người được bảo lãnh trên mặt trước tờ séc hoặc trên văn bản đính kèm. Trường hợp bảo lãnh không ghi tên người được bảo lãnh thì việc bảo lãnh được coi là bảo lãnh cho người ký phát.

Người bảo lãnh sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh được tiếp nhận quyền của người được bảo lãnh đối với những người có liên quan đến séc, xử lý tài sản đảm bảo của người được bảo lãnh và có quyền yêu cầu người được bảo lãnh, người ký phát và những người có trách nhiệm với người được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thanh toán số tiền bảo lãnh đã thanh toán.

Chương 6:

XUẤT TRÌNH VÀ THANH TOÁN SÉC

Điều 15. Xuất trình séc

 Tờ séc được coi là “xuất trình” nếu tờ séc dưới dạng chứng từ giấy (trường hợp xử lý thanh toán bằng chứng từ) hoặc dữ liệu điện tử của tờ séc (trường hợp xử lý thanh toán bằng điện tử) tới địa điểm xuất trình quy định tại Điều 16 Quy chế này.

1. Tờ séc được xuất trình trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký phát (không tính thời gian diễn ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan) và người ký phát có đủ khả năng thanh toán để chi trả số tiền ghi trên séc, thì người bị ký phát có trách nhiệm thanh toán cho người thụ hưởng hoặc người được người thụ hưởng uỷ quyền ngay trong ngày xuất trình hoặc ngày làm việc tiếp theo sau ngày xuất trình đó.

2. Tờ séc được xuất trình sau thời hạn xuất trình để thanh toán nhưng chưa quá 06 tháng kể từ ngày ký phát thì người bị ký phát vẫn có thể thanh toán nếu người bị ký phát không nhận được thông báo đình chỉ thanh toán đối với tờ séc đó và người ký phát có đủ khả năng để thanh toán.

3. Người thụ hưởng có thể xuất trình séc để thanh toán theo hình thức thư bảo đảm qua mạng bưu chính công cộng. Việc xác định thời điểm xuất trình séc để thanh toán được tính theo ngày trên dấu bưu điện nơi gửi.

Điều 16.  Địa điểm xuất trình

Người thụ hưởng hoặc người được người thụ hưởng uỷ quyền, người thu hộ xuất trình séc tại những địa điểm sau:

1. Địa điểm thanh toán ghi trên tờ séc;

2. Nếu tờ séc không ghi địa điểm thanh toán, thì xuất trình séc tại địa điểm kinh doanh của người bị ký phát;

3. Trường hợp người xuất trình tờ séc là một tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, thì ngoài những địa điểm xuất trình nói trên, tổ chức đó được xuất trình tờ séc tại Trung tâm Thanh toán Bù trừ, nếu tổ chức đó là thành viên trực tiếp của Trung tâm Thanh toán Bù trừ.

Điều 17. Thanh toán séc tại người bị ký phát

1. Việc tiếp nhận và kiểm tra séc tại người bị ký phát thực hiện như sau:

a. Khi nhận được các liên bảng kê nộp séc cùng với các tờ séc do người thụ hưởng hoặc người thu hộ nộp vào, người bị ký phát phải kiểm tra các yếu tố trên tờ séc để bảo đảm:

- Người yêu cầu được thanh toán là người thụ hưởng hợp pháp của tờ séc đó theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 của Luật Các công cụ chuyển nhượng (trường hợp người thụ hưởng trực tiếp xuất trình séc);

- Tờ séc được lập trên mẫu séc trắng do mình cung ứng và được điền đầy đủ các yếu tố theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 của Luật Các công cụ chuyển nhượng;

- Tờ séc còn trong thời hạn xuất trình để thanh toán. Nếu tờ séc được xuất trình sau thời hạn xuất trình để thanh toán nhưng chưa quá 06 tháng kể từ ngày ký phát người bị ký phát vẫn có thể thanh toán nếu không nhận được thông báo đình chỉ thanh toán đối với tờ séc đó và người ký phát có đủ tiền trên tài khoản;

- Chữ ký và dấu (nếu có) của người ký phát séc hoặc người được uỷ quyền ký phát séc khớp đúng với mẫu đã đăng ký tại người bị ký phát;

- Không ký phát séc vượt quá thẩm quyền quy định tại văn bản đại diện ký phát séc;

- Tính liên tục của dãy chữ ký chuyển nhượng (nếu séc đã qua chuyển nhượng) trên tờ séc;

- Đối chiếu đảm bảo khớp đúng số séc, số tiền trên tờ séc với số tiền được kê trên bảng kê nộp séc;

- Cộng lại tổng số tiền trên bảng kê nộp séc, số tiền bằng chữ phải khớp đúng với số tiền bằng số;

- Các yếu tố khác theo quy định có liên quan.

Khi phát hiện bảng kê nộp séc có sai sót hoặc séc thiếu một trong các điều kiện nêu trên thì người bị ký phát phải trả lại tờ séc đó cho người nộp séc và yêu cầu lập lại bảng kê nộp séc khác thay thế phù hợp với các tờ séc đủ điều kiện; Nếu không có gì sai sót thì người bị ký phát ký xác nhận về việc nhận séc theo yêu cầu của người thu hộ hoặc người thụ hưởng;

b. Trường hợp tờ séc không ghi cụm từ “trả vào tài khoản” thì người bị ký phát có thể thanh toán bằng tiền mặt theo đề nghị của người thụ hưởng tại các địa điểm xuất trình nêu tại Điều 16 Quy chế này.

Người lĩnh tiền mặt phải ghi rõ họ tên, số chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu, giấy chứng minh quân nhân, công nhân và nhân viên quốc phòng hoặc giấy tờ tuỳ thân khác có dán ảnh và đóng dấu giáp lai) của mình vào phần quy định dùng cho lĩnh tiền mặt ở mặt sau tờ séc.

c. Trường hợp vi phạm quy định về việc kiểm soát séc gây ra lợi dụng, thất thoát tài sản thì người vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi hoàn.

2. Đối với tờ séc đã qua kiểm tra theo quy định tại Khoản 1 Điều này, thì người bị ký phát kiểm tra khả năng thanh toán của tờ séc và xử lý chính xác, an toàn; sử dụng tài khoản kế toán để hạch toán các giao dịch thanh toán và giữ bí mật về số dư trên tài khoản thanh toán của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật, và xử lý theo quy trình, thủ tục quy định từ Khoản 3 đến Khoản 5 Điều này.

3. Nếu số dư trên tài khoản  tiền gửi thanh toán của người ký phát séc, hoặc số dư cộng với hạn mức thấu chi trên tài khoản tiền gửi thanh toán của người ký phát séc (trường hợp người ký phát được phép thấu chi) đủ để thanh toán toàn bộ số tiền ghi trên séc, thì người bị ký phát ghi ngày, tháng năm thanh toán, ký tên trên các tờ séc và các liên bảng kê rồi xử lý:

a. Các tờ séc làm chứng từ ghi Nợ Tài khoản tiền gửi thanh toán của người ký phát, hoặc Tài khoản tiền gửi để bảo đảm thanh toán séc.

b. Các liên Bảng kê séc dùng làm chứng từ ghi Có Tài khoản thích hợp như: Tài khoản tiền gửi thanh toán của người thụ hưởng (trường hợp người thụ hưởng mở tài khoản tại người bị ký phát); Tiền mặt (trường hợp người thụ hưởng lĩnh tiền mặt); Thanh toán bù trừ, Tiền gửi Ngân hàng Nhà nước (trường hợp thanh toán bù trừ hoặc thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước); Tài khoản của người thu hộ (trường hợp thanh toán theo thoả thuận đại lý)… Đồng thời lập chứng từ thanh toán thích hợp để chuyển đi bù trừ (nếu người thu hộ có tham gia thanh toán bù trừ) hoặc lập chứng từ chuyển tiền cho người thu hộ để ghi Có tài khoản người thụ hưởng.

c. Thủ tục thanh toán, luân chuyển chứng từ trong trường hợp người ký phát và người thụ hưởng mở tài khoản tại cùng một đơn vị chi nhánh ngân hàng, hoặc hai đơn vị chi nhánh thuộc cùng hệ thống tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và tổ chức đó có hệ thống thanh toán trực tuyến do Tổng Giám đốc (Giám Đốc) của đơn vị hoặc tổ chức đó chịu trách nhiệm quy định và hướng dẫn phù hợp với quy định của Quy chế này.

4. Xử lý séc không đủ khả năng thanh toán

a. Trường hợp khoản tiền mà người ký phát được sử dụng tại người bị ký phát không đủ để chi trả cho toàn bộ số tiền ghi trên séc, người bị ký phát thông báo cho người ký phát về việc tờ séc không đủ khả năng thanh toán. Thông báo này nêu rõ số séc, ngày ký phát, số tiền ghi trên séc, số tiền thiếu khả năng thanh toán, người thụ hưởng của tờ séc ngay trong ngày xuất trình hoặc ngày làm việc tiếp theo sau ngày xuất trình tờ séc đó. Việc thông báo này có thể bằng điện thoại, điện tín hoặc một phương tiện thông tin thích hợp khác. Người bị ký phát có quyền thu phí dịch vụ này đối với người ký phát.

Đồng thời, thông báo về việc tờ séc không đủ khả năng thanh toán cho người xuất trình séc (bao gồm người thụ hưởng hoặc người thu hộ) ngay trong ngày xuất trình hoặc ngày làm việc tiếp theo sau ngày xuất trình tờ séc đó bằng phương thức thông tin theo thoả thuận giữa hai bên.

b. Người thụ hưởng có quyền yêu cầu hoặc thông qua người thu hộ yêu cầu người bị ký phát tiến hành một trong hai phương thức sau:

- Lập giấy xác nhận từ chối thanh toán đối với toàn bộ số tiền ghi trên séc và trả lại tờ séc cho mình;

- Thanh toán một phần số tiền ghi trên tờ séc tối đa bằng khoản tiền người ký phát được sử dụng tại người bị ký phát và lập giấy xác nhận từ chối thanh toán đối với phần tiền còn lại chưa được thanh toán trên séc (Trong trường hợp này người thụ hưởng lập Lệnh thu mẫu Phụ lục số 03);

c. Khi nhận được Lệnh thu yêu cầu được thanh toán một phần số tiền ghi trên séc của người thụ hưởng thì người bị ký phát tiến hành xử lý:

- Kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của Lệnh thu.

- Căn cứ vào Lệnh thu và khả năng thanh toán hiện có của người ký phát tại thời điểm nhận được yêu cầu, người bị ký phát tiến hành ghi:

Nợ Tài khoản thanh toán của người ký phát séc;

Có Tài khoản thích hợp (Tài khoản thanh toán của người thụ hưởng; Tiền mặt; Tài khoản bù trừ; Tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước, Tài khoản của người thu hộ…)

Và lập chứng từ thanh toán bù trừ (nếu người thu hộ có tham gia thanh toán bù trừ) hoặc lập chứng từ chuyển tiền cho người thu hộ để ghi Có tài khoản người thụ hưởng đồng thời:

+ Lập giấy xác nhận từ chối thanh toán (phụ lục số 5) đối với số tiền chưa được thanh toán của tờ séc, và ghi cụm từ “đã thanh toán...(số tiền)...”, từ chối...(số tiền)..., ngày thanh toán…” trên mặt trước tờ séc, chuyển Giấy xác nhận từ chối thanh toán kèm tờ séc và các chứng từ thanh toán khác cho người thụ hưởng hoặc người thu hộ;

+ Lập thông báo về việc tờ séc bị từ chối thanh toán, nêu rõ số séc, ngày ký phát séc, tên, địa chỉ người thụ hưởng tờ séc, số tiền ghi trên tờ séc, số tiền bị từ chối thanh toán gửi cho người ký phát để yêu cầu người đó thực hiện nghĩa vụ trả tiền đối với số tiền bị từ chối thanh toán của tờ séc, kèm theo lời thông báo về những hậu quả có thể xảy ra nếu người đó không thực hiện nghĩa vụ trả tiền đối với số tiền bị từ chối thanh toán đó.

Người bị ký phát phải mở sổ theo dõi các tờ séc được thanh toán một phần.

Các thông tin liên quan đến người ký phát tờ séc không đủ khả năng thanh toán phải được xử lý theo quy định tại Điều 22 Quy chế này.

- Khi thanh toán một phần số tiền ghi trên séc, người bị ký phát yêu cầu người thụ hưởng (trường hợp thanh toán vào tài khoản thanh toán của người thụ hưởng mở tại người bị ký phát hoặc thanh toán tiền mặt) hoặc người thu hộ (trường hợp thanh toán thông qua người thu hộ) làm giấy biên nhận (theo mẫu Phụ lục số 04) để lưu chứng từ.

5. Trường hợp có nhiều tờ séc nộp vào cùng một thời điểm để đòi tiền từ một người ký phát mà khả năng chi trả của người ký phát không đủ để thanh toán tất cả các tờ séc đó thì thứ tự thanh toán séc được xác định theo ngày ký phát và theo thứ tự số séc đã được ký phát, tờ séc có ngày ký phát trước sẽ được thanh toán trước và nếu các tờ séc có cùng ngày ký phát, thì tờ séc có số thứ tự nhỏ sẽ được thanh toán trước.

Điều 18. Thanh toán séc thông qua người thu hộ séc

1. Người thu hộ séc có quyền quy định mức phí dịch vụ thu hộ séc đối với người thụ hưởng. Trong trường hợp tờ séc bị từ chối thanh toán không do lỗi của người thu hộ, người thu hộ không có nghĩa vụ phải hoàn trả phí thu hộ cho người thụ hưởng.

2. Trường hợp tờ séc bị từ chối do lỗi của người thu hộ, người thu hộ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người thụ hưởng theo thoả thuận giữa hai bên. Trường hợp không thoả thuận được thì xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Thủ tục giao, nhận và kiểm tra séc tại người thu hộ như sau:

a. Căn cứ vào các tờ séc, người thụ hưởng lập Bảng kê nộp séc (mẫu phụ lục số 2 - Số liên bảng kê nộp séc do người bị ký phát quy định nhưng phải đảm bảo đủ số liên để hạch toán, thanh toán và lưu trữ). Bảng kê nộp séc được lập theo từng người bị ký phát kèm theo các tờ séc giao cho người thu hộ. Các yếu tố quy định trên bảng kê nộp séc phải ghi đầy đủ, rõ ràng, không được sửa chữa hoặc tẩy xoá.

b. Khi nhận được các liên bảng kê nộp séc cùng với các tờ séc được nộp vào, người thu hộ phải kiểm tra các yếu tố thể hiện trên tờ séc để đảm bảo:

- Người yêu cầu được thanh toán séc là người thụ hưởng hợp pháp tờ séc đó theo quy định tại Khoản 8  Điều 4 của Luật Các công cụ chuyển nhượng;

- Tờ séc được điền đầy đủ các yếu tố bắt buộc theo quy định tại  Khoản 1 Điều 58 của Luật Các công cụ chuyển nhượng;

- Tờ séc còn trong thời hạn xuất trình để thanh toán. Nếu tờ séc được xuất trình sau thời hạn xuất trình để thanh toán nhưng chưa quá 06 tháng kể từ ngày ký phát người thu hộ vẫn có quyền thu hộ séc cho người thụ hưởng với thoả thuận sẽ không chịu trách nhiệm nếu tờ séc đó đã bị từ chối thanh toán;

- Tính liên tục của dãy chữ ký chuyển nhượng (nếu có) trên tờ séc;

- Đối chiếu đảm bảo khớp đúng số séc, số tiền trên tờ séc với số tiền được kê trên bảng kê nộp séc;

- Cộng lại tổng số tiền trên bảng kê nộp séc, số tiền bằng chữ phải khớp đúng với số tiền bằng số.

c. Khi phát hiện bảng kê nộp séc có sai sót hoặc các tờ séc không có đầy đủ các điều kiện nêu trên thì người thu hộ phải trả lại séc cho người nộp séc và yêu cầu lập lại bảng kê nộp séc khác thay thế phù hợp với các tờ séc đủ điều kiện;

d. Nếu không có gì sai sót thì người thu hộ ký xác nhận về việc nhận nhờ thu theo yêu cầu của người thụ hưởng, ghi vào sổ theo dõi séc gửi đi (dùng làm cơ sở để tra cứu xử lý các trường hợp gửi séc bị thất lạc, chậm trễ) và gửi các tờ séc và bảng kê séc tới địa điểm xuất trình trong thời gian, phương thức thoả thuận với người thụ hưởng và phù hợp với các quy định hiện hành của người bị ký phát.

4. Việc giao nhận séc trực tiếp giữa người thu hộ và người bị ký phát phải ghi sổ theo dõi giao nhận chứng từ và có ký nhận. Trường hợp người thu hộ và người bị ký phát không giao nhận séc trực tiếp được cho nhau thì có thể áp dụng các biện pháp giao nhận khác nhưng phải đảm bảo séc được giao cho người bị ký phát một cách nhanh chóng, đầy đủ, chính xác và an toàn.

 5. Thủ tục hạch toán tại người thu hộ séc

a. Trường hợp thanh toán toàn bộ số tiền ghi trên séc.

Khi nhận được chứng từ thanh toán séc do người bị ký phát gửi đến, thì người thu hộ sử dụng các chứng từ đó để hạch toán:

Nợ Tài khoản thích hợp (Thanh toán bù trừ, Tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước, Tiền gửi của người bị ký phát…),

Có Tài khoản tiền gửi thanh toán của người thụ hưởng.

Và gửi Giấy báo Có cho người thụ hưởng

b. Trường hợp tờ séc được thanh toán một phần theo thông báo của người bị ký phát.

Căn cứ vào số tiền đã được thanh toán, người thu hộ sử dụng các chứng từ thanh toán một phần tờ séc do người bị ký phát  gửi đến để hạch toán:

Nợ tài khoản thích hợp (Thanh toán bù trừ, Tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước, Tài khoản thanh toán của người bị ký phát….

Có tài khoản thích hợp (Tài khoản chờ thanh toán khác…)

Người thụ hưởng hoặc người thu hộ (với tư cách là người được người thụ hưởng uỷ quyền) phải lập Giấy biên nhận (theo mẫu Phụ lục số 04) để giao cho người bị ký phát.

Khi người thu hộ nhận được Giấy biên nhận của người thụ hưởng nộp vào, căn cứ vào Giấy biên nhận, người thu hộ tiến hành lập phiếu chuyển khoản, hạch toán:

Nợ Tài khoản các khoản chờ thanh toán khác - mở tài khoản chi tiết cho từng người thụ hưởng séc.

Có Tài khoản thích hợp (tài khoản tiền gửi thanh toán của người thụ hưởng; tiền mặt).

Và gửi một liên Giấy biên nhận tới người bị ký phát

c. Trường hợp sau 05 ngày làm việc kể từ ngày người thu hộ gửi Giấy báo Có về việc thanh toán một phần số tiền ghi trên séc, mà người thu hộ không nhận được Giấy biên nhận của người thụ hưởng, thì người thu hộ phải chuyển trả lại số tiền của tờ séc đã được thanh toán một phần cho người bị ký phát, hạch toán:

Nợ Tài khoản các khoản chờ thanh toán khác - mở tài khoản chi tiết cho từng người thụ hưởng séc.

Có Tài khoản thích hợp (Thanh toán bù trừ, Tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước, Tiền gửi của người bị ký phát…)

Điều 19. Tổ chức thanh toán séc

1. Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chịu trách nhiệm quy định và hướng dẫn về việc thanh toán séc giữa các chi nhánh, đơn vị trực thuộc của tổ chức đó và phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật, đồng thời thông báo và phổ biến cho khách hàng của mình thực hiện;

2. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có quyền thoả thuận với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khác trên cùng địa bàn, hoặc khác địa bàn tỉnh thành phố về việc tổ chức thanh toán séc cho các khách hàng của hai bên, quy định về quy trình nghiệp vụ, thẩm quyền và trách nhiệm của các bên liên quan trên cơ sở tự chịu trách nhiệm về việc bảo đảm an toàn trong quá trình thanh toán séc, đồng thời thông báo và phổ biến cho khách hàng của mình thực hiện;

3. Séc thanh toán qua Trung tâm Thanh toán Bù trừ thực hiện như sau:

a. Đối với các Trung tâm Thanh toán Bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam việc thanh toán séc qua Trung tâm Thanh toán Bù trừ được áp dụng quy trình thanh toán bù trừ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định.

b. Đối với Trung tâm Thanh toán Bù trừ là Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép hoạt động, séc thanh toán qua trung tâm giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thành viên thực hiện theo thoả thuận giữa trung tâm đó và các thành viên.

Chương 7:

 KIỂM SOÁT, XỬ LÝ SÉC MẤT, HƯ HỎNG

Điều 20. Mất séc.

1. Trường hợp làm mất séc, thì xử lý như sau:

a. Nếu người ký phát làm mất tờ séc trắng thì người làm mất séc thông báo ngay bằng văn bản hoặc các hình thức khác theo thoả thuận cho người bị ký phát;

b. Nếu người làm mất séc là người thụ hưởng, thì người làm mất séc thông báo ngay bằng văn bản hoặc các hình thức khác theo thoả thuận cho người bị ký phát, đồng thời trực tiếp hoặc thông qua những người chuyển nhượng séc trước mình thông báo cho người ký phát để yêu cầu người ký phát ra thông báo đình chỉ thanh toán đối với tờ séc đã mất cho người bị ký phát.

c. Trường hợp người bị mất séc không phải là người thụ hưởng thì phải thông báo ngay cho người thụ hưởng để người thụ hưởng làm các thủ tục đã quy định ở trên.

2. Người làm mất séc sau khi làm thông báo mất séc có quyền yêu cầu người ký phát ký phát lại tờ séc có cùng nội dung với tờ séc đã mất với cam kết bằng văn bản sẽ trả thay cho người bị ký phát hoặc người ký phát nếu tờ séc đã được thông báo mất lại được người thụ hưởng hợp pháp xuất trình để yêu cầu thanh toán.

Người ký phát có nghĩa vụ ký phát tờ séc mới có cùng nội dung với tờ séc đã bị mất theo yêu cầu của người thụ hưởng bị mất séc.       

3. Người bị ký phát khi nhận được thông báo về việc tờ séc bị mất, phải kiểm tra ngay các thông tin về tờ séc bị mất, vào sổ theo dõi séc đã được thông báo mất.

Người bị ký phát không được thanh toán tờ séc đã được báo mất. Khi tờ séc đã được báo mất được xuất trình đòi thanh toán, người ký phát có trách nhiệm lập biên bản giữ lại tờ séc đó và thông báo cho người ra thông báo mất séc đến giải quyết.

4. Người bị ký phát không chịu trách nhiệm về các thiệt hại do việc lợi dụng tờ séc bị mất gây ra, nếu trước khi nhận được thông báo mất séc, tờ séc đó đã được xuất trình và thanh toán đúng quy định của pháp luật.

Nếu sau khi có thông báo mất séc mà người bị ký phát vẫn thanh toán cho tờ séc đó thì người bị ký phát chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người thụ hưởng.

5. Người bị ký phát có trách nhiệm lưu  giữ thông tin về séc bị báo mất và thông báo bằng văn bản cho Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 21. Hư hỏng séc.

1.  Khi tờ séc bị hư hỏng người thụ hưởng có quyền yêu cầu người ký phát ký phát lại tờ séc có cùng nội dung để thay thế.

2. Người ký phát séc có nghĩa vụ ký phát lại tờ séc sau khi nhận được tờ séc bị hư hỏng nếu tờ séc còn đủ thông tin hoặc có bằng chứng xác định người có tờ séc bị hư hỏng là người thụ hưởng hợp pháp tờ séc bị hư hỏng.

Chương 8:

VI PHẠM VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 22. Vi phạm ký phát séc không đủ khả năng thanh toán

1. Vi phạm lần thứ nhất

a. Trường hợp tờ séc được xuất trình trong thời hạn thanh toán, nhưng khoản tiền mà người ký phát được sử dụng để ký phát séc tại người bị ký phát không đủ để chi trả toàn bộ số tiền trên tờ séc thì sau khi lập giấy xác nhận từ chối thanh toán theo quy định, người bị ký phát có trách nhiệm gửi thông báo tới người ký phát để yêu cầu người đó thực hiện nghĩa vụ trả số tiền ghi trên séc;

b. Sau khi trực tiếp trả tiền cho người thụ hưởng, người ký phát thông báo cho người bị ký phát về việc đã thực hiện nghĩa vụ trả tiền, đồng thời gửi kèm theo tờ séc đã được thanh toán.

c. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày gửi thông báo từ chối thanh toán tới người ký phát, nếu người bị ký phát không nhận được thông báo về việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền kèm tờ séc đã được thanh toán như quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này của người ký phát, thì người bị ký phát có trách nhiệm đình chỉ ngay và vĩnh viễn quyền ký phát séc của người vi phạm, đồng thời thông báo cho Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về người vi phạm và hình thức xử lý theo các nội dung ở Phụ lục số 6 Quy chế này.

Tuỳ từng mức độ vi phạm người ký phát sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Người bị ký phát có trách nhiệm lưu giữ thông tin về người ký phát séc không đủ khả năng thanh toán vào hồ sơ lưu của mình.

2. Vi phạm lần thứ hai

Người ký phát tái phạm cách lần thứ nhất dưới 12 tháng, nếu trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của người bị ký phát, người ký phát thanh toán ngay cho người thụ hưởng và gửi thông báo cho người bị ký phát về việc đã thực hiện nghĩa vụ trả tiền kèm tờ séc đã được thanh toán thì người bị ký phát tạm thời đình chỉ thanh toán séc trong vòng 6 tháng, đồng thời thông báo cho Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về người vi phạm theo những nội dung quy định tại Phụ lục 6 Quy chế này.

Nếu trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày gửi thông báo từ chối thanh toán đến người ký phát, người bị ký phát không nhận được thông báo thanh toán tờ séc ký phát không đủ khả năng thanh toán kèm tờ séc đã thanh toán của người ký phát thì người bị ký phát đình chỉ ngay và vĩnh viễn quyền ký phát séc của người vi phạm và xử lý theo các biện pháp quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này.

3. Vi phạm lần thứ ba

Trong 12 tháng nếu người ký phát vi phạm 3 lần, thì người bị ký phát đình chỉ ngay và vĩnh viễn quyền ký phát séc của người vi phạm và xử lý theo các biện pháp quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này.

4. Các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có trách nhiệm tra cứu thông tin về người đề nghị được cung ứng séc trắng lần đầu trước khi quyết định cung ứng séc trắng cho người đó. Trung tâm Thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm cung cấp những thông tin đã lưu trữ nói trên cho các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán ngay trong ngày nhận được yêu cầu hoặc trong ngày làm việc tiếp theo sau ngày đó.

Điều 23. Lãi suất phạt

 Lãi suất phạt chậm trả séc bằng 200% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm áp dụng. Số tiền phạt chậm trả được trả cho người thụ hưởng tờ séc.

Chương 9:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Hướng dẫn thực hiện

1. Tổng giám đốc (giám đốc) các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán căn cứ vào các quy định tại quy chế này ban hành  quy trình nghiệp vụ về cung ứng và sử dụng séc trong đơn vị mình phù hợp với đặc thù hoạt động, đồng thời phổ biến cho khách hàng thực hiện và chịu trách nhiệm theo dõi, tổ chức kiểm tra việc thực hiện trong đơn vị mình.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, thì các tổ chức, cá nhân sử dụng séc và liên quan đến việc sử dụng séc phản ánh với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phục vụ mình để xử lý; các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nếu có vướng mắc không xử lý được thì phản ánh với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cùng địa bàn để xử lý; trường hợp không xử lý được thì phản ánh với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để nghiên cứu, giải quyết.

 

Phụ lục 01a

MẪU SÉC TRẮNG THANH TOÁN QUA TRUNG TÂM
THANH TOÁN BÙ TRỪ 

18 cm

 
(Mặt trước)

 


(Cuống séc)

Số séc

Số tiền được ký phát séc…................

Số tiền trên séc…...

Người thụ hưởng:

...............................

Ký phát ngày:    /    /

 

9cm

 
 

 

 

 


Biểu tượng và tên Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán của người bị ký phát

Người bị ký phát                                                                                  Số séc

(Địa chỉ người bị ký phát)                      Séc

(Địa điểm thanh toán)                                            Ngày ký phát:

Trả                                                                                   

Ng Ng T T N N

 
 


(Bằng số):

(Ký hiệu tiền tệ)..............................

 
Số tiền                                                      

(Bằng chữ)

 

 

 

Người ký phát (hoặc tên của tổ chức ký phát séc)                        

                                                                                    ký (có ghi rõ họ tên)

Phần dành cho tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán

1.5cm

 
Số séc

NH của người bị ký phát

Số tài khoản ký phát séc

Mã chứng từ

 

5cm

 

 

 

 

            Phụ lục 01b

MẪU SÉC TRẮNG THANH TOÁN QUA TRUNG TÂM THANH
TOÁN BÙ TRỪ 

(tiếp theo)

(Mặt sau)

Thanh toán vào tài khoản số………………

 
 

 


Phần dành cho việc chuyển nhượng:

Trả bằng tiền mặt:

Loại tiền VND

Số lượng

Thành tiền

500.000

 

 

100.000

 

 

50.000

 

 

20.000

 

 

10.000

 

 

5.000

 

 

2.000

 

 

1.000

 

 

500

 

 

200

 

 

100

 

 

Cộng

 

 

Người nhận tiền:

(ký và ghi rõ họ tên):…………

CMT số         cấp tại          ngày

(Cuống séc)

 

 

Những lưu ý về các tiêu chuẩn mẫu séc:

1. Tiêu chuẩn giấy và kích thước phần thân séc:

- Trọng lượng: 90 đến 105 gram/m2 (khoảng 24 - 28 pound).

- Chiều dài: 180mm;

- Chiều rộng: 90mm;

- Vân giấy: Chiều dọc;

- Độ dày: 0.075 đến 0.190mm (từ 0.003 đến 0.0075 inch)

Mặt trước:

2. Giải từ tính MICR:

- Phải tuân thủ theo chuẩn E13B

- Trình tự thể hiện ở mã số: “Số séc” “Mã số của người bị ký phát (chi nhánh hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán) “Số tài khoản ký phát séc”…

- Vị trí giải từ tính MICR: Máy in giải từ phải in theo tiêu chuẩn như sau:

. Tuân theo tiêu chuẩn in giải từ MICR.ANSI X9.27-1988

. Mực từ dùng để in phải theo chuẩn ISO 1004 - 1977

3. Ngày ký phát: Đóng khung cho mỗi ô số (ngày, tháng, năm) để dễ dàng nhận dạng.

4. Số tiền:

- Số tiền bằng chữ cần để hai dòng; Mỗi dòng dài tối thiểu 100mm (4.1 inch);

Khoảng cách giữa mỗi dòng 10mm (0.7 inch).

- Số tiền bằng số cần được đóng khung để dễ dàng nhận dạng hình ảnh…

Mặt sau:

5. Tiêu chuẩn của phần dành cho việc chuyển nhượng:

- Đủ rộng để bảo đảm: Chứa được ít nhất 04 hàng chữ theo kích cỡ chuẩn;

- Chứa được ít nhất 02 hàng chữ theo kích cỡ mở rộng.

- Đủ rộng cho con dấu của tổ chức, cá nhân chuyển nhượng séc.

6. Thiết kế nội dung phần cuống séc và mặt sau của tờ séc có tính tham khảo.

 

Phụ lục 02

Phần dành cho khách hàng lập

                                                                                      

Số bảng kê:

Ngày……/……/……

Tên người thụ hưởng: ……………………………………………………………………

Số hiệu TK: ……………………………………………………………………………

Tại: ………………………………………………………………………………………

Số TT

Số Séc

Ngày ký phát

Tên người ký phát séc

Số TK người ký phát séc

Người bị ký phát

 Mã NH:

Số Tiền

1

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Số tiền bằng số:

 

Số tiền bằng chữ:………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………

 

Kế toán trưởng                        Chủ tài khoản

     (Nếu có)

 

Phần dành cho người thu hộ:

Đã nhận đủ…………….. tờ séc của………...

……………………………………………….

Số tài khoản………………………………….

(tại) ………………………………….………

                Ngày…. tháng….. năm……

Kế toán                   Kiểm soát

                        (Ký tên, đóng dấu)

Phần dành cho người bị ký phát

Thanh toán ngày

Số tiền thanh toán (bằng số)

Bằng chữ

      Toàn bộ số séc

     Trả lại tờ séc số………………………

Ngày…. tháng….. năm……

Kế toán                   Kiểm soát

                        (Ký tên, đóng dấu)


Người bị ký phát                                                                                                     Phụ lục số 03

(ngân hàng)…

Phần dành cho khách hàng lập

…….., ngày……/……/……

Căn cứ thông báo của Quý ngân hàng về việc tờ séc số: ………………………………..

ngày ký phát: ……/……/…….. người ký phát ……………… không đủ

khả năng thanh toán,

Tôi……………………………….. (tên người thụ hưởng).

Địa chỉ: ………………..………………..

Số CMND (trường hợp cá nhân thụ hưởng) ………………..………………..

Tài khoản số: ………………..………………..

Tại ngân hàng: ………………..………………..

 Đề nghị ngân hàng thanh toán cho tôi một phần số tiền của tờ séc trên theo khả năng chi trả hiện có trên tài khoản của người ký phát tại thời điểm nhận được Lệnh thu này và từ chối thanh toán số tiền còn lại.

Người thụ hưởng

Kế toán trưởng                        Chủ tài khoản

       (nếu có)                     (Ký tên, đóng dấu (nếu có)

 

 

 

Phần dành cho người bị ký phát lập

Nhận được vào hồi……………………… Ngày……/……/………

Thanh toán ngày………………/

Số tiền thanh toán (Bằng số) ………………..………………..

(Bằng chữ)………………..………………………………..

Số tiền từ chối thanh toán (Bằng số) ……………….………………

(Bằng chữ)…………………………………………………………

                                                Kế toán                           Kiểm soát (ký tên, đóng dấu)

 

 

 

 

 

 

Phụ lục 04

GIẤY BIÊN NHẬN

………ngày……/……/……

Kính gửi: ………(Ngân hàng thanh toán séc)………………………

Tôi: ……………… (người thụ hưởng hoặc người thu hộ) ………………..……………

Địa chỉ: ………………..………………..………………..………………..……………

Số CMT (trường hợp người thụ hưởng là cá nhân) ………..………………..…………

Viết giấy này biên nhận về việc tờ séc số…………………………..…ngày ký phát……/……/……người ký phát……………………………..…… số tiền ghi trên séc là (bằng số)…………………………………. Do séc không đủ khả năng thanh toán và theo đề nghị của tôi, Ngân hàng)…………. (tên ngân hàng)…………. đã thu cho tôi một phần số tiền ghi trên séc là:

Số tiền (bằng số) ……………..………………..………………..………………..…………

Số tiền (bằng chữ)…………..………………..………………..………………..……………

…………..………………..………………..………………..…………………..……………

…………..………………..………………..………………..…………………..……………

Người lập giấy ký vào một trong hai ô thích hợp dưới đây

Người thụ hưởng

Kế toán trưởng               Chủ tài khoản

      (nếu có)                  (ký tên, đóng dấu (nếu có)

Người thu hộ

(người được người thụ hưởng uỷ quyền)

          Kế toán                         Kiểm soát

                                           Ký tên, đóng dấu

 

 

 

Phần dành cho người bị ký phát

Nhận được ngày……/……/……

                                                                   Kế toán                            Kiểm soát

                                                                                                      (Ký tên, đóng dấu)

 

 

 

 

 


Phụ lục 05

Người bị ký phát                                              CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
………(ngân hàng)……..                                              Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

..............…, ngày ...…/…../……

GIẤY XÁC NHẬN TỪ CHỐI THANH TOÁN SÉC

Kính gửi: (người thụ hưởng séc………………………)

Chúng tôi lấy làm tiếc khi thông báo với Quý khách là tờ séc:

Số séc:………………………………            Ngày ký phát:……/………/………………

Ngày ký phát………………………………………………………………………..

Địa chỉ: ……………………………………………………………………………..

Số CMND (trường hợp người ký phát séc là cá nhân): ……………………………..

Tài khoản: …………………………………………………………………………..

Tại Ngân hàng: ……………………………………………………………………..

Số tiền viết trên séc (bằng số) ………………………………………………………

Bằng chữ:……………………………………………………………………………...

Số tiền từ chối thanh toán (bằng số) …………………………………………………

Bằng chữ:……………………………………………………………………………...

Lý do từ chối: …………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………

 

    KẾ TOÁN                                 KẾ TOÁN TRƯỞNG                                    GIÁM ĐỐC

  (ký tên, đóng dấu)


 Phụ lục 06

Mẫu số:S01/CIC

Người bị ký phát                                     THÔNG TIN SÉC KHÔNG ĐỦ KHẢ NĂNG THANH TOÁN

(ngân hàng)……………                                                  BỊ TỪ CHỐI THANH TOÁN

Số hiệu:………………….

 

Kính gửi: Trung tâm Thông tin tín dụng - Ngân hàng Nhà nước

(45 Lý Thường Kiệt - Hà Nội)

Số séc……………………………     Ngày xuất trình séc……/……/……………..

Người ký phát séc (tổ chức hoặc cá nhân) ……………………………………………

Địa chỉ: ………………………………………………………………………………..

Số CMND (trường hợp cá nhân ký phát séc): ……ngày cấp…/……/……Nơi cấp……

Người thụ hưởng séc:………………………………………………………………….

Người ký chuyển nhượng cuối cùng:……………………………………………..

Địa chỉ người thụ hưởng ……………………………………………………………….

Số tiền bằng số:………………………(ký hiệu tiền tệ)…………………………….….

Số tiền bằng chữ:………………………………………………………………………...

………………………………………………………………………...………………...

do: Không đủ khả năng thanh toán                   Số tiền không đủ khả năng thanh toán:…

            Vi phạm các quy định khác

Vi phạm lần 1:                               Từ ngày:…/…/…… đến ngày:…/…/……

Vi phạm lần 2: Đình chỉ 6 tháng    Từ ngày:…/…/…… đến ngày:…/…/……

Vi phạm lần 3: Đình chỉ vĩnh viễn  Từ ngày:…/…/……

Ngày từ chối thanh toán séc: …/…/……    Ngày gửi CIC:……/……/………

…………., ngày ….. tháng ….. năm ……..

Kế toán                                    Kiểm soát

                                          (ký tên, đóng dấu)

 

Địa chỉ Trung tâm Thông tin tín dụng - Ngân hàng Nhà nước (CIC):

1. Địa chỉ trụ sở làm việc: 45 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

2. Địa chỉ Web site:http://www.creditinfo.org.vn trang thanh toán séc.

3. Địa chỉ Email: sec@creditinfo.org.vn

4. Fax: 04 8248715, điện thoại: 04 9360157, 04 9342318

Cung cấp và khai thác thông tin theo 1 trong các phương thức sau:

1. Gửi file số liệu định dạng text theo mẫu vào địa chỉ Email

2. Nhập theo Form trực tiếp trên Web site CIC.

3. Gửi qua Fax (04 8248715)/thư bưu điện/cầm tay (với số ít)

4. Tra cứu trực tiếp trên WEB site CIC.

5. Gửi yêu cầu đến CIC qua FAX hoặc Email.

(Mọi thông tin chi tiết xem trên WEB site CIC địa chỉ http://www.creditinfo.org.vn hoặc điện thoại số 04 9342318)

 

THE STATE BANK
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No: 30/2006/QD-NHNN

Hanoi, July 11, 2006

 

DECISION

PROMULGATING THE REGULATION ON SUPPLY AND USE OF CHECKS

THE STATE BANK GOVERNOR

Pursuant to the 1997 State Bank Law and the 2003 Law Amending and Supplementing a Number of Articles of the State Bank Law;
Pursuant to the 1997 Law on Credit Institutions and the 2004 Law Amending and Supplementing a Number of Articles of the Law on Credit Institutions;
Pursuant to the 2005 Law on Negotiable Instruments;
Pursuant to the Government's Decree No. 52/2003/ND-CP of May 19, 2003, defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the State Bank of Vietnam;
At the proposal of the head of the Settlement Board,

DECIDES:

Article 1.- To promulgate together with this Decision the Regulation on supply and use of checks.

Article 2.- This Decision takes effect 15 days after its publication in "CONG BAO." Vietnam State Bank's Circular No. 05/2004/TT-NHNN of September 15, 2004, guiding the implementation of a number of contents of Decree No. 159/2003/ND-CP of December 10, 2003, on supply and use of checks, shall hereby cease to be effective.

Article 3.- The director of the Office, the head of the Settlement Board, heads of units of the State Bank, directors of provincial/municipal branches of the State Bank; management board chairmen and general directors (directors) of payment service-providing organizations, and organizations and individuals that use checks and are involved in the use of checks shall have to implement this Decision.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

FOR THE STATE BANK GOVERNOR
DEPUTY GOVERNOR




Nguyen Dong Tien

 

REGULATION

ON SUPPLY AND USE OF CHECKS
(Promulgated together with the State Bank Governor's Decision No. 30/2006/QD-NHNN of July 11, 2006)

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1.- Governing scope and subjects of application

1. Governing scope:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Subjects of application:

a/ Organizations supplying checks and participating in check payment and collection include the State Bank of Vietnam (SBV); the State Treasury; commercial banks, development banks, investment banks, policy banks, cooperation banks and banks of other types; people's credit funds; organizations other than credit institutions licensed by the SBV to supply, pay or collect checks.

b/ Organizations and individuals that use checks and are involved in the use of checks include: drawers, transferors, transferees, guarantors, guarantees, beneficiaries, at-law or authorized representatives of aforesaid persons, and other persons involved in the use of checks.

Article 2.- Drawing and payment of checks written with foreign-currency sums

1. Drawing of checks in foreign currencies:

Checks written with sums to be paid in foreign currencies shall be drawn according to the provisions of law on foreign exchange management.

2. Payment of checks in foreign currencies:

a/ Checks for foreign-currency payment defined in Clause 1 of this Article shall be paid with sums written in foreign currencies when their ultimate beneficiaries are allowed to receive foreign currencies according to the provisions of law on foreign exchange management.

b/ For checks written with sums to be paid in foreign currencies, of which ultimate beneficiaries are not allowed to receive foreign currencies according to the provisions of law on foreign exchange management, such sums shall be paid in Vietnam dong at the exchange rates announced by the SBV at the time of payment or at the foreign-currency trading rates announced by banks which carry out the payment at the time of payment (in case banks carry out the payment).

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To secure their sufficient solvency to pay the whole sums written on checks to beneficiaries at the time such checks are presented for payment within the presentation time limit. The solvency may be either the balance on the payment account which the drawer is entitled to use or the balance on the payment account plus the overdraft limit which the drawer is entitled to use under the agreement with the drawee.

2. Checks shall be drawn in strict compliance with the provisions of Article 10 of this Regulation. In case where a check's beneficiary is refused for payment because such check is made improperly due to the drawer's fault, the beneficiary may request the drawer to make another check for replacement. The drawer is obliged to satisfy that request of the beneficiary right on the day of request or the working day following that day.

3. Where the check payment is rejected for the reason that the check is not fully payable, its drawer shall unconditionally refund the recoursed sum on the check.

Article 4.- Recourse of checks refused for payment

1. In case where a check is refused for payment of the whole or part of the sum written on a check is rejected according to the provisions of this Regulation, the beneficiary may recourse the sum which he/she should have enjoyed lawfully. Subjects, sums of money, modes and procedures of recourse shall comply with the provisions of Articles 48 thru 52 of the Law on Negotiable Instruments.

2. Transferors who have paid sums of money to beneficiaries may recourse such sums from drawers or previous transferors.

Chapter II

SUPPLY OF CHECKS

Article 5.- Blank check forms

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



To ensure that checks can be paid via the SBV's Clearing Payment Center or clearing payment centers licensed for operation by the SBV, check-printing paper, size and elements of and positions of elements on blank checks must be designed under the conditions specified in Appendix 1 of this Regulation and in conformity with other specific technical standards of the centers (if any).

Article 6.- Registration of blank check forms

1. Check-supplying organizations shall, before printing blank checks according to new forms, register such blank check forms with the SBV (the Settlement Board). A dossier for registration of a blank check form comprises:

- A written request for blank check form registration, enclosed with the design of the size, color and elements of the blank check;

- A notarized copy of the check-supplying organization's operation license (for first-time registration).

2. The SBV (the Settlement Board) shall have to consider blank check forms and reply to check-supplying organizations within five working days after receiving the latter's blank check form registration dossiers.

Article 7.- Printing of blank checks and notification of blank check forms

1. After their blank check forms are approved by the SBV, check-supplying organizations shall print blank checks. Before supplying blank checks to check users, check-supplying organizations shall have to send printed blank check forms to the SBV (the Settlement Board) for archive.

2. Check-supplying organizations may select printing houses to sign contracts on printing of blank checks, taking self-responsibility for assurance of technical elements and anti-counterfeit elements of blank checks they supply.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Check-supplying organizations shall have to set forth and agree with check users on the following conditions and terms for use of checks they supply:

a/ Supply of a specified quantity of blank checks to customers in suitability with the demand and payment reliability of each subject.

b/ Elaboration of the process and procedures for ensuring safety and defining responsibilities of concerned parties for storage, preservation and circulation of blank checks and checks in the course of settlement within check-supplying organizations;

c/ Definition, guidance and dissemination of the responsibility for preservation of blank checks and the check use requirements for persons supplied with blank checks.

Article 8.- Procedures for supply of blank checks

1. When wishing to use checks, account holders or persons authorized by account holders shall make and send written requests for supply of checks to check-supplying organizations.

2. Upon receiving written requests for supply of checks, check-supplying organizations shall have to examine conditions of check supply requesters.

3. Before delivering checks to customers, blank check-supplying organizations shall have to print or impress words or write the following elements: serial number, name of drawee and name of drawer; and elements on MICR magnetized strip (if any). In case where check-supplying organizations indicate specific places of payment, they must print, impress or write such places of payment on blank check forms.

When deeming it necessary and for check users' convenience, check-supplying organizations may print, impress or write other contents on blank checks.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 9.- Responsibilities of persons supplied with blank checks

1. Persons supplied with checks must count the supplied blank checks and examine the accuracy of elements thereof. Any error or omission in supplied checks should be promptly notified to check-supplying organizations for exchange for new checks.

2. After receiving blank checks from check-supplying organizations, if account holders let errors occur or let such checks be abused, they shall be fully responsible for damage.

Chapter III

ELEMENTS OF CHECKS AND CHECK DRAWING

Article 10.- Contents of checks and check drawing

1. A check must be made on the blank check form supplied by a drawee. In case where a check is made on a blank check not supplied by the drawee, the drawee may refuse to settle such check.

2. Elements on checks must be clearly printed or written with fountain or ball-point pens. They must neither be written with pencils nor in red inks, neither be modified nor erased. Checks must be written in Vietnamese. For checks involving foreign elements, foreign languages may be used as agreed upon by the involved parties.

3. The indication of beneficiaries shall be written by one of the three modes defined in Clause 1, Article 60 of the Law on Negotiable Instruments.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Checks' sums of money in figures must be written in Arabic numerals: 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 and 9. A point (.) must be put right following thousands, millions, billions, trillions, million billions and billion billions. Where any numerals are written following units, a decimal point (,) must be put right following such units.

Sums of money in words must be clearly written with the first words' initials being capital letters and closed to the first line. There must be neither double line spacing nor too-large spacing between words. It is forbidden to insert words (on the different line) between two successive words in checks.

5. Name of drawee shall be filled with the name of the payment service-providing organization or the branch of the bank or the payment service-providing organization which shall have to pay the sum of money written on the check to the order of the drawer.

6. Place of payment means place where the check is to be paid and is indicated by the drawer. If no place of payment is indicated in the check, it can be understood that such check shall be presented for payment at the drawee's place of business.

7. Drawing date shall be the date stated by the drawer in the check.

8. The signature of the drawer must be hand-written directly on the check by the drawer using fountain pens or ball-point pens and the same as the specimen signature already registered with the drawee, accompanied with the full name of the signee and the stamp (for checks signed by representatives of organizations).

9. To indicate that the sum on the check shall not be paid in cash but must be paid by account transfer to the beneficiary's account, the drawer or the transferor shall write or affix a stamp inscribed with the phrase "pay into account" on the front side of the check below the word "Check." This phrase shall be valid for any person benefiting from the check.

In case where the check is not written with the phrase "pay into account," the drawee shall pay the check in cash to the beneficiary if the beneficiary so requests.

10. To indicate that the sum on the check shall only be paid to a bank or a beneficiary having an account at a bank being the drawee, the drawer or the transferor shall cross the check with two parallel lines.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



12. In case where a check drawer is a person authorized by the account holder, the account holder shall have to complete procedures for notification on, registration of, his/her specimen signature and set a limit with the drawee.

Chapter IV

TRANSFER AND COLLECTION OF CHECKS

Article 11.- Transfer of checks

1. For a check signed for transfer, the continuity of the row of transfer signatures shall be expressed as follows: In the first transfer of the check, the person named as the transferor must be the beneficiary whose name has been written on the front side of the check; in the second transfer of the check, the person named as the transferor must be the transferee in the first transfer; and so on until the last transfer.

2. Where the person named as the transferor in any transfer is not the transferee named in the preceding transfer, the row of transfer signatures shall be considered discontinuous.

3. The beneficiary of a check which has been signed for transfer shall be the last transferee with his/her signature in the continuous row of transfer signatures as provided for in Clause 1 of this Article.

The drawee, when paying a check already transferred through transfer signing, shall have to examine the continuity of the row of transfer signatures in order to ensure that the sum written on the check shall be paid to the right beneficiary.

Article 12.- Collection of checks

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Where a check cannot be presented directly at the indicated place of payment, the collector may further transfer it to another collector being a payment service-providing organization for which it acts as an agent under an agreement between two parties. Such transferred collector shall present the check.

Chapter V

CHECK PAYMENT SECURITY

Article 13.- Check warrant

1. To be warranted, a check must fully satisfy the following conditions:

a/ Being fully and clearly filled with the elements specified in Article 10 of this Regulation;

b/ Its drawer has sufficient money in his/her account to secure its solvency. In case where its drawer has insufficient money in his/her account, its drawee's consent to overdraft to a certain limit is required to secure the sum on the check be paid;

c/ Its drawer requests a warrant.

2. The drawee may refuse to warrant the check if it fails to satisfy one of the conditions specified in Clause 1 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ In case of using deposit accounts to warrant the check payment:

The check drawer shall make and remit to the drawee an "accreditative expenditure" voucher (the number of originals of accreditative expenditure voucher shall be specified by the drawee but must be sufficient for accounting, settlement and archive) and the check fully filled with required elements, signatures and stamps (if any) on its front side.

The drawee shall control, compare and examine the conditions for a check to be warranted according to the provisions of Clause 1 of this Article. When the conditions are fully satisfied, it shall:

- Write the date (day, month and year), give its signature and affix its stamp and the word "Warrant" on the front side of the check.

- Hand the check for which the warrant procedures have been completed to the customer.

Originals of an accreditative expenditure voucher shall be handled as follows:

- One original shall be used as a voucher for debiting the drawer's payment deposit account and concurrently crediting the drawer's deposit account as security for check payment.

- One original shall be handed as a debit advice to the check drawer.

b/ In case of blockade of money amounts in payment deposit accounts:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. For a warranted check, the drawee shall only be responsible for securing the payment of the sum written on the check until the expiration of the check presentation time limit.

5. Past the presentation time limit, if a check is still not presented for payment, the drawer may request the drawee to terminate the custody or blockade of the amount used as the security for payment of such check.

Article 14.- Check guaranty

Check guaranty means a commitment made by a third party (hereinafter called the guarantor) with the guarantee to pay the whole or part of the sum written on the check in case the guarantee fails to pay or fully pay the check.

To guarantee a check, the guarantor shall write the word "guaranteed," the guaranty amount, its name, address and signature and the name of the guarantee on the front side of the check or in an enclosed document. Where the name of the guarantee is not stated, the guaranty shall be considered made for the drawer.

The guarantor, after fulfilling the guaranty obligation, may take up the rights of the guarantee to persons related to the check, handle security assets of the guarantee and request the guarantee, the drawer and persons responsible for the guarantee to perform the obligation to pay the guaranty amount it has paid.

Chapter VI

CHECK PRESENTATION AND PAYMENT

Article 15.- Check presentation

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Where a check is presented within 30 days after the drawing date (excluding the time when possible force majeure circumstances or contingencies occur) and the drawer has an adequate solvency for payment of the sum written on the check, the drawee shall have to pay to the beneficiary or the person authorized by the beneficiary right on the day of presentation or on the working day following that day.

2. Where a check is presented beyond the time limit for presentation for payment but within 6 months after the drawing date, the drawee may still make the payment if it receives no "payment stopped" notice regarding such check and the drawer remains solvent.

3. The beneficiary may present the check for payment by way of registered mail via the public postal network. The date of check presentation for payment shall be calculated according to the date indicated in the sending postage.

Article 16.- Place of presentation

The beneficiary or the person authorized by the beneficiary or the collector may present the check at the following places:

1. The place of payment indicated in the check;

2. Where no place of payment is indicated in the check, the check may be presented at the drawee's place of business;

3. Where the check presenter is a payment service-providing organization, apart from the aforesaid places of presentation, such organization may present the check at the Clearing Payment Center of which it is a direct member.

Article 17.- Payment of checks at drawees

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Upon receiving originals of the list of presented checks together with the check remitted by the beneficiary or the collector, the drawee shall inspect the elements on the check to ensure:

- The payment requester is the lawful beneficiary of such check according to the provisions of Clause 8, Article 4 of the Law on Negotiable Instruments (in case the beneficiary directly presents the check);

- The check is made on the blank check form supplied by the drawee and fully filled with the elements specified in Clause 1, Article 58 of the Law on Negotiable Instruments;

- The check is presented within the time limit for presentation for payment. Where the check is presented beyond the presentation time limit but within six months after the drawing date, the drawee may still make payment if it receives no "payment stopped" notice regarding such check and the drawer has an enough amount of money in his/her account.

- The signature and stamp (if any) of the check drawer or the person authorized to draw the check are the same as the specimen signature and stamp registered with the drawee;

- The check is not drawn beyond the powers defined in the power of attorney for check drawing;

- The continuity of the row of transfer signatures on the check (for transferred checks);

- The consistency between the check number and sum and the sum stated in the list of presented checks;

- The aggregated sum on the list of presented checks in words is consistent with that in figures;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



When detecting errors in the list of presented checks or the check lacks one of the aforesaid conditions, the drawee shall return such check to the presenter and request another list of presented checks to be made for checks satisfying the conditions. If no error is detected, the drawee shall sign for certification of the check receipt at the request of the collector or the beneficiary;

b/ Where the check is not written with the phrase "pay into account," the drawee may pay the check in cash to the beneficiary at the latter's request at places of presentation defined in Article 16 of this Regulation.

The cash payee must clearly state his/her full name and number of his/her identity card (or passport, soldier's or defense worker's identity card or other personal identity papers stuck with his/her photo and affixed with certification seal) in the section for cash payment on the check's back side.

c/ For violations of regulations on check control, causing abuse of checks or property loss, violators shall have to pay compensations therefor.

2. For checks which have undergone the inspection under the provisions of Clause 1 of this Article, the drawee shall inspect their solvency and handle them in an accurate and safe manner; use bookkeeping accounts to account payment transactions and keep secret balances on customers' payment accounts in strict compliance with the provisions of law; and handle them in accordance with the process and procedures specified in Clauses 3, 4 and 5 of this Article.

3. If the balance on the check drawer's payment deposit account or the balance plus the overdraft limit on the check drawer's payment deposit account (in case the drawer is allowed to overdraft) is sufficient for payment of the whole sum written on the checks, the drawee shall write the date (day, month and year) of payment and give its signature on the checks and originals of the list, then handle them as follows:

a/ Checks shall be used as vouchers debiting the drawer's payment deposit account or the deposit account to secure the check payment.

b/ Originals of the list of checks shall be used as vouchers crediting such appropriate accounts as the beneficiary's payment deposit account (in case the beneficiary opens an account at the drawee); cash (in case the beneficiary is paid in cash); clearing account or deposit account at the SBV (in case of clearing payment or payment via the SBV); the collector's account (in case of payment under agency agreements), etc., and at the same time, appropriate payment vouchers for clearing (if the collector takes part in clearing payment) or vouchers for transferring money to the collector for crediting the beneficiary's account shall be made.

c/ Procedures for payment and circulation of vouchers in case the drawer and the beneficiary open their accounts at the same bank branch or at two branches of the same payment service-providing organization which has an online payment system shall be specified and guided by the general director (director) of such branch or organization in accordance with the provisions of this Regulation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Where the money amount which the drawer is entitled to use at the drawee is insufficient to pay the whole sum written on the check, the drawee shall notify the drawer of the insufficient solvency of the check. Such a notification shall clearly state the number of the check, the drawing date, the sum written on the check, deficit amount and the check beneficiary right on the day of presentation or on the working day following that day. The notification may be made by telephone, telegraph or otherwise. The drawee may collect service charge from the drawer.

The drawee shall concurrently notify the check's insufficient solvency to the check presenter (the beneficiary or the collector) right on the day of presentation or on the working day following that day by an information mode agreed upon between them.

b/ The beneficiary may, directly or through the collector, request the drawee to carry out either of the following modes:

- Making a written certification of refusal to pay the whole sum written on the check and returning the check to him/her/it;

- Paying part of the sum written on the check, which is at most equal to the money amount the drawer is entitled to use at the drawee, and compiling a written confirmation of refusal to pay the unpaid part of the check's sum (in this case, the beneficiary shall make a collection order according to a set form, not printed herein).

c/ Upon receiving the beneficiary's collection order requesting the payment of part of the sum written on the check, the drawee shall:

- Examine the legality and validity of the collection order.

- Base itself on the collection order and the drawer's solvency at the time of receipt of the order to:

Debit the check drawer's payment account;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Make clearing payment vouchers (if the collector takes part in clearing payment) or vouchers for transferring money to the collector for crediting the beneficiary's account, and at the same time:

+ Make a written certification of refusal to pay the check's unpaid sum (according to a set form, not printed herein), writing the phrase "payment of ...(sum of money)..., refusal to pay ...(sum of money)..., date of payment..." on the front side of the check, then hand such written confirmation enclosed with the check and other payment vouchers to the beneficiary or the collector;

+ Make and send to the drawer a notice on refusal to pay the check, clearly stating the number of the check, the drawing date, the name and address of the check beneficiary, the sum written on the check and the sum refused to be paid, requesting the drawer to perform the obligation to pay the check's sum refused to be paid, in conjunction with an announcement of possible consequences in case the drawer fails to fulfill such obligation.

The drawee shall open a book for monitoring partially paid checks. Information on drawers of checks with insufficient solvency must be processed according to the provisions of Article 22 of this Regulation.

- When paying part of the sum written on the check, the drawee shall request the beneficiary (in case of payment into the beneficiary's payment account opened at the drawee or payment in cash) or the collector (in case of payment through the collector) to issue a receipt (according to a set form, not printed herein) for archive.

5. Where many checks are presented at the same time to get paid by the same drawer whose solvency is insufficient to fully pay them, the check payment priority order shall be determined according to their drawing dates and ordinal numbers of the drawn checks. Checks with earlier drawing dates shall be paid first. Among checks of the same drawing date, those with smaller ordinal numbers shall be paid first.

Article 18.- Payment of checks through check collectors

1. The check collector may impose the check collection service charge rate on the beneficiary. In case the check is refused for payment not due to the collector's fault, the collector shall not be obliged to refund the collection service charge to the beneficiary.

2. In case the check is refused for payment due to the collector's fault, the collector shall be obliged to pay damages to the beneficiary under the agreement between the two parties. Where there is no agreement, the case shall be handled according to the provisions of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ The beneficiary shall draw up a list of presented checks (according to a set form, not printed herein ' originals of the list of presented checks shall be required by the drawee, ensuring that the number of such originals is sufficient for accounting, settlement and archive). The list of presented checks shall be made for each drawee and enclosed with checks to be handed over to the collector. The elements specified in the list of presented checks must be fully and clearly filled without modification or erasure.

b/ Upon receiving originals of the list of presented checks together with the presented checks, the collector shall have to examine the elements shown on the check to ensure:

- The check payment requester is the lawful beneficiary of such check as defined in Clause 8, Article 4 of the Law on Negotiable Instruments;

- The check's compulsory elements specified in Clause 1, Article 58 of the Law on Negotiable Instruments are fully filled.

- The check is presented within the presentation time limit. Where the check is presented after the presentation time limit but still within six months after the drawing date, the collector may still collect for the beneficiary with the agreement that it shall not be responsible in case the check is refused for payment.

- The continuity of the row of transfer signatures (if any) on the check;

- The consistency between the check number and sum and the sum stated in the list of presented checks;

- The aggregated sum on the list of presented checks in words is consistent with that in figures.

c/ When detecting errors in the list of presented checks or the check lacks one of the aforesaid conditions, the collector shall return such check to the presenter and request another list of presented checks to be made for checks satisfying the conditions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The direct forwarding and receipt of checks between the collector and the drawee must be recorded in the book for monitoring handover and receipt of vouchers with signatures of certification. Where the collector and the drawee do not directly forward and receive checks, they may apply other modes of forwarding and receipt but must ensure that the checks shall be fully forwarded to the drawee in a quick, accurate and safe manner.

5. Procedures for accounting at the check collector

a/ In case the sum written on the check is wholly paid

Upon receiving the check payment vouchers sent by the drawee, the collector shall use such vouchers for accounting:

Debit of an appropriate account (clearing payment account, deposit account at the SBV, deposit account of the drawee, etc.)

Credit of the beneficiary's payment deposit account.

And send a credit advice to the beneficiary.

b/ In case the check is partially paid according to the drawee's notice

Basing itself on the paid amount, the collector shall use vouchers for partial payment of the check sent by the drawee for accounting:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Credit of an appropriate account (account of other expected payments, ...),

The beneficiary or the collector (in the capacity as the person authorized by the beneficiary) shall have to issue a receipt (according to a set form, not printed herein) and hand it to the drawee.

When the collector gets the receipt from the beneficiary, it shall base itself on such receipt to make an account transfer bill, accounting:

Debit of the account of other expected payments ' with a detail account opened for each check beneficiary.

Credit of an appropriate account (the beneficiary's payment deposit account; or cash).

And send one original of the receipt to the drawee.

c/ In case where the collector, past five working days after sending the credit advice on the partial payment of the sum written on the check, receives no receipt from the beneficiary, it shall have to refund the check's sum, which has been partially paid, to the drawee, accounting:

Debit of the account of other expected payments ' with a detail account opened for each check beneficiary.

Credit of an appropriate account (clearing payment account, payment account at the SBV, payment account of the drawee, etc.)

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The general director (director) of a payment service-providing organization shall have to stipulate and guide the check payment among its branches and attached units in accordance with the current provisions of law, and concurrently notify and publicize such to their customers for implementation;

2. A payment service-providing organization may agree with another payment service-providing organization in the same province or city or in different provinces or cities on organization of check payment for their customers, provide for professional procedures, powers and responsibilities of the involved parties on the principle that such parties shall bear their own responsibility for assuring security of the check payment, and concurrently notify and publicize such to their customers for implementation.

3. Payment of checks via the Clearing Payment Center shall be conducted as follows:

a/ For the payment of checks via the Clearing Payment Centers of the SBV, the clearing payment procedures specified by the SBV may apply.

b/ The payment of checks via clearing payment centers being payment service-providing organizations licensed by the SBV among member payment service-providing organizations shall be conducted under agreements between such centers and their members.

Chapter VII

CONTROL AND HANDLING OF LOST OR DAMAGED CHECKS

Article 20.- Check loss

1. Cases of check loss shall be handled as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Where a check loser is a beneficiary, he/she shall promptly notify the loss in writing or by other modes as agreed upon to the drawee, and at the same time notify such, directly or through previous check transferors, to the drawer, requesting the latter to send a notice on stop of payment regarding the lost check to the drawee.

c/ Where a check loser is not a beneficiary, such loss must be promptly notified to the beneficiary for carrying out of the above procedures.

2. The check loser, after notifying the check loss, may request the drawer to draw another check having the same content as the lost one, and commit in writing to pay on behalf of the drawee or the drawer in case the check already notified lost is presented by the lawful beneficiary for payment.

The drawer is obliged to draw a new check with the same content as the lost one at the request of the beneficiary whose check is lost.

3. The drawee, upon receiving the check loss notification, shall have to promptly verify information on the lost check and record it in the monitoring book.

The drawee must not pay checks already notified lost. Where a check already notified lost is presented for payment, the drawer shall have to make a written record on retention of such check and notify such to the person who has notified the check loss for handling.

4. The drawee shall not bear responsibility for damage caused by the abuse of the lost check if such check is, before its loss is notified, presented and paid according to the provisions of law.

If after the check loss is notified, the drawee still pay such check, it shall have to pay damages to the beneficiary.

5. The drawee is responsible for archiving information on notified lost checks and notify them in writing to the SBV's Credit Information Center.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. When a check is damaged, the beneficiary may request the drawer to draw another check with the same content for replacement.

2. The check drawer is obliged to draw another check after receiving back the damaged one, provided that such check still shows sufficient information or there exists evidence that the person holding the damaged check is its lawful beneficiary.

Chapter VIII

VIOLATIONS AND HANDLING THEREOF

Article 22.- Drawing of checks beyond drawers' solvency

1. For first-time violations

a/ In case a check is presented within the payment time limit, but the sum of money which the drawer is entitled to use at the drawee to draw the check is insufficient to pay the whole sum written on the check, the drawee shall, after making a written certification of refusal to pay the check as stipulated, have to notify such in writing to the drawer, requesting the latter to perform the obligation of paying the sum written on the check;

b/ After directly paying the sum of money to the beneficiary, the drawer shall send to the drawee a notice on fulfillment of the payment obligation, and enclose therewith the already paid check.

c/ Within five working days after sending the payment refusal notice to the drawer, if the drawee receives no notice on fulfillment of payment obligation enclosed with the paid check according the provisions of Point b, Clause 1 of this Article from the drawer, the drawee shall have to stop immediately and perpetually the check drawing right of the violator, and concurrently notify the SBV's Credit Information Center of the violator and remedies according to Appendix 6 to this Regulation (not printed herein).

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Drawees shall have to archive information on check drawers with insufficient solvency.

2. For second-time violations:

If the drawer, who relapses into violation within 12 months after his/her first violation, pay the check's sum to the beneficiary and send a notice on fulfillment of payment obligation enclosed with the paid check to the drawee within five working days after receiving the drawee's notice, the drawee shall suspend the check payment for six months and concurrently notify the SBV's Credit Information Center of the violator according to Appendix 6 to this Regulation (not printed herein).

Within five working days after sending the payment refusal notice to the drawer, if the drawee receives no notice on payment of the check drawn beyond the drawer's solvency enclosed with the paid check from the drawer, the drawee shall stop immediately and perpetually the check drawing right of the violator, and apply the remedies mentioned at Point c, Clause 1 of this Article.

3. For third-time violations:

If the drawer commits the violation three times within 12 months, the drawee shall stop immediately and perpetually the check drawing right of the violator and handle the case with the remedies mentioned at Point c, Clause 1 of this Article.

4. Payment service-providing organizations shall have to search for information on first-time blank check supply requesters before deciding to supply blank checks to such persons. The SBV's Credit Information Center shall have to supply the above-said archived information to payment service-providing organizations right on the day of receipt of the latter's request or on the working day following that day.

Article 23.- Fining interest rate

The interest rate of fines for late check payment shall be equal to 200% of the base interest rate announced by the State Bank at the time of application. Fines on late check payment shall be paid to check beneficiaries.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 24.- Implementation guidance

1. General directors (directors) of payment service-providing organizations shall base themselves on the provisions of this Regulation to promulgate professional procedures for supply and use of checks for application within their units in compatibility with the latter's operation characteristics, and concurrently publicize such procedures to customers for implementation, and monitor and inspect the implementation thereof within their units.

2. Problems arising in the course of implementation should be reported by organizations and individuals using checks or involved in the use of checks to payment service-providing organizations which serve them for solution. Payment service-providing organizations which encounter unsolvable problems shall report them to the SBV branches in the same province or centrally-run city for solution. Problems which cannot be solved by SBV branches shall be reported to the SBV for study and solution.

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 30/2006/QĐ-NHNN ngày 11/07/2006 ban hành Quy chế cung ứng và sử dụng séc do Thống đốc Ngân hàng nhà nước ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


16.697

DMCA.com Protection Status
IP: 3.239.90.61
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!