HỘI
ĐỒNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
114
|
Hà
Nội, ngày 14 tháng 3 năm 1979
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH
PHỦ SỐ 114 NGÀY 14 THÁNG 3 NĂM 1979 VỀ VIỆC XỬ LÝ HỆ THỐNG NGÂN HÀNG CỦA CHẾ ĐỘ
CŨ Ở MIỀN NAM
Hệ thống Ngân hàng dưới chế độ Mỹ
ngụy ở niềm Nam là công cụ của chủ nghĩa thực dân kiểu mới, của bè lũ tay sai
và của giai cấp tư sản phục vụ chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, lũng đoạn nền
kinh tế miền Nam nước ta, là công cụ để bóc lột, làm giàu trên xương máu của
nhân dân ta.
Từ đầu năm 1975, trước nguy cơ sụp
đổ của đế quốc Mỹ - ngụy, bọn tư sản Ngân hàng đã ra sức rút vốn Ngân hàng phục
vụ chính sách di tản, vơ vét tiền của ở Ngân hàng, để chạy ra nước ngoài, do đó
các Ngân hàng này đều ở trong tình trạng nợ nhiều hơn có, thậm chí có Ngân hàng
gần như phá sản hoàn toàn.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải
phóng, để phát huy tác dụng của Ngân hàng Nhà nước góp phần ổn định tình hình,
phục vụ sản xuất, giải quyết khó khăn về đời sống của nhân dân, đồng thời chấm
dứt hoạt động của Ngân hàng và tổ chức tín dụng tư nhân, giao cho Ngân hàng quốc
gia Việt Nam tổ chức việc thanh lý tài sản của các Ngân hàng và tổ chức tín dụng
tư nhân.
Để kiểm tra lại toàn bộ việc
thanh toán và thanh lý các Ngân hàng dưới chế độ cũ, nghiên cứu và đề nghị với
Chính phủ các chính sách, chủ trương, biện pháp nhằm kết thúc hoạt động của các
Ngân hàng ấy, ngày 20/5/1979 Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã quyết định thành lập
Ban chỉ đạo xử lý các Ngân hàng của chế độ cũ gồm đại diện của Bộ Tài chính,
Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nội vụ và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao...
Sau hơn một năm làm việc, Ban chỉ
đạo xử lý các Ngân hàng của chế độ cũ đã báo cáo tình hình và kết quả kiểm tra
lại việc thanh toán và thanh lý đã tiến hành từ ngày 30/4/1975.
Sau khi nghe báo cáo của Ban chỉ
đạo xử lý các Ngân hàng của chế độ cũ và nghe các ngành có trách nhiệm phát biểu
ý kiến, Hội đồng Chính phủ quyết định:
1. Quốc hữu hoá
toàn bộ hệ thống Ngân hàng của chế độ cũ; tất cả tài sản của hệ thống Ngân hàng
cũ là tài sản của Ngân hàng Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ tài chính và
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiẹm kiểm ke toàn bộ tài sản, kiểm tra lại sổ
sách, xác định rõ tài sản được quốc hữu hoá, trình Chính phủ biện pháp quản lý
và sử dụng.
Đối với các Ngân hàng nước ngoài
về nguyên tắc, cũng phải quốc hữu hoá; sau này tuỳ theo mối quan hệ chính trị,
kinh tế, văn hoá... giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với từng nước sẽ giải
quyết cụ thể việc có bồi thường hoặc không bồi thường số tài sản cũ của các Ngân
hàng đó.
2. Đối với các
khoản mà khách hàng nợ các Ngân hàng cũ thì người vay phải trả đủ vốn và lãi.
Khách nợ ở nơi nào thì Ngân hàng nơi ấy thu nợ.
Để chiếu cố những người có công
với cách mạng, những người thuộc thành phần nhân dân lao động (trừ những người
làm tay sai cho địch, chống phá cách mạng), đời sống hiện nay có khó khăn, Nhà
nước xét tặng giảm hoặc miễn nợ. Việc giảm nợ, miễn nợ do cơ quan Ngân hàng Nhà
nước cấp huyện, quận phối hợp với cơ quan tài chính cung cấp xét và đề nghị Uỷ
ban nhân dân cấp huyện, quận quyết định.
Nếu bên vay là xí nghiệp hoặc
Công ty nay đã trở thành xí nghiệp công tư hợp doanh thì khoản nợ Ngân hàng cũ
coi như vốn Nhà nước đầu tư; nếu đã trở thành xí nghiệp quốc doanh thì khoản nợ
Ngân hàng cũ coi như vốn Nhà nước cấp.
3. Đối với các
loại tiền gửi Ngân hàng, bao gồm tiền gửi có kỳ hạn, không kỳ hạn (ký thác định
kỳ, hoạt kỳ) và tiền gửi tiết kiệm ở tất cả các Ngân hàng cũ (kể cả Ngân hàng
công), từ nay đình chỉ việc chi trả.
Để chiếu cố những người có công
với cách mạng, những người thuộc thành phần nhân dân lao động (trừ những người
làm tay sai cho địch, chống phá cách mạng), nếu có tiền gửi tiết kiệm và chúng
được chi trả trong các đợt thanh lý trước đây, Nhà nước xét cho rút bằng tiền mặt
hoặc chuyển thành tiền gửi tiết kiệm một khoản tiền nhiều nhất không quá 500 đồng.
Cơ quan Ngân hàng Nhà nước cấp huyện, quận phối hợp với cơ quan tài chính cùng
cấp xét và đề nghị Uỷ ban nhân dana huyện, quận quyết định những trường hợp cần
được chiếu cố.
Đối với các trường hợp khác, nếu
xét cần có sự chiếu cố đặc biệt thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc thành phố
xét và quyết định với sự thoả thuận của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước.
4. Đối với tài
sản gửi trong các tủ sắt Ngân hàng cũ của bọn tư sản mại bản, tư sản gian thương,
bọn cầm đầu các đảng phái phản động, bọn ngụy quân, ngụy quyền có nhiều tội ác,
của những người chạy ra nước ngoài, của kiều dân các nước đến nay vẫn chưa có
quan hệ ngoại giao với nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì tịch thu
toàn bộ.
Đối với tài sản của các đối tượng
khác gửi trong các tủ sắt Ngân hàng cũ thì xử lý như sau:
- Nếu là hàng quốc cấm, các loại
ngoại tệ, các loại chứng từ có giá trị bằng ngoại tệ không kê khai... thì tịch
thu.
- Nếu là vàng, bạc, bạch kim,
kim cương thì áp dụng chính sách thống nhất quản lý theo các thể lệ hiện hành của
Nhà nước.
- Nếu là hàng hoá hoặc vật dụng
khác như đồng hồ, bút máy, đồ quý chạm trổ v.v... có số lượng lớn, giá trị cao
thuộc vốn kinh doanh sản xuất thì tuỳ đối tượng mà tịch thu, trưng thu hay mua lại.
Nếu số lượng ít, dùng rồi, có tính chất đồ dùng cá nhân hay vật kỷ niệm thì có
thể cho lấy về.
- Nếu là giấy tờ sổ sách thì
giao cho Bộ Nội vụ khai thác và quản lý. Đối với các loại giấy tờ thông thường
như giấy tờ hộ tịch, giấy chứng nhận sở hữu nhà đất, chứng từ kế toán... nếu
người thuê tư yêu cầu thì có thể cho nhận phóng ảnh nếu xét cần thiét.
Việc xử lý cụ thể các tài sản của
những người không thuộc đối tượng phải tịch thu toàn bộ, hiện còn gửi trong tủ
sắt Ngân hàng cũ do các cơ quan tài chính, Ngân hàng và công an phối hợp xem
xét và đề nghị, Uỷ ban nhân dân thành phố hoặc tỉnh ra văn bản quyết định.
5. Đối với hàng
thế chấp, tín chấp do các chủ hàng tư nhân đã lấy ra, Ngân hàng Nhà nước phối hợp
với các cơ quan tài chính và công an xem xét việc sử dụng và thanh toán nợ Ngân
hàng, thu hồi số nợ còn thiếu, xử lý theo pháp luật các vụ sử dụng hàng trái với
chủ trương, chính sách của Nhà nước; trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì truy tố
trước Toà án.
Trường hợp người vay đã dùng đất,
nhà cửa để thế chấp khi vay nợ Ngân hàng cũ, thì xử lý theo chính sách cải tạo
xã hội chủ nghĩa. Cơ quan Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố có trách nhiệm phối
hợp với Ban cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh tỉnh, thành phố để xử lý
các trường hợp này.
Các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước,
các đơn vị lực lượng vũ trang và công an nhân dân ở miền Nam có trách nhiệm báo
cáo cụ thể tình hình tài sản, vật tư, hàng hoá đã tiếp nhận từ ngày miền Nam được
giải phóng hoàn toàn đến nay, bao gồm cả tài sản, vật tư hàng hoá được rút ra từ
các kho thế chấp, tín chấp. Mặt khác phải báo cáo rõ các khoản nợ ở Ngân hàng
cũ.
Bộ Tài chính phối hợp với Ngân
hàng Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc kiểm tra tài sản và tình
hình nợ nói trên.
6. Đối với những
vụ vi phạm nghiêm trọng chính sách, chủ trương của Nhà nước, lợi dụng, tham ô
xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa trong việc chi trả tiền gửi, thu nợ Ngân hàng
cũ, xử lý tài sản gửi trong các tủ sắt Ngân hàng cũ, sử dụng hàng thế chấp, tín
chấp phải được xác minh và xử lý thích đáng. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng
thì truy tố trước Toà án.
7. Đối với công nhân, viên chức
của hệ thống Ngân hàng cũ, Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào chính sách đối với
công nhân, viên chức trong bộ máy ngụy quyền cũ mà tuyển dụng vào bộ máy Nhà nước
nhưng người có đủ điều kiện về chính trị và nghiệp vụ, sắp xếp công việc thích
hợp theo yêu cầu công tác.
*
*
*
Ban chỉ đạo xử lý các Ngân hàng
cũ, đồng chí Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang
Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố từ
Bình Trị Thiên trở vào có trách nhiệm thực hiện quyết định này.
|
T/M
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K/T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
Phạm Hùng
|