Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 160/2006/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Ngoại hối

Số hiệu: 160/2006/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 28/12/2006 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – tự do – Hạnh phúc

Số 160/2006/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2006

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH NGOẠI HỐI

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 12 tháng 12 năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 17 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Ngoại hối ngày 13 tháng 12 năm 2005;
Xét đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối về các hoạt động ngoại hối của người cư trú, người không cư trú trong giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, sử dụng ngoại hối, hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối, thị trường ngoại tệ và tỷ giá hối đoái, quản lý xuất nhập khẩu vàng tại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước được thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.

3. Xử lý vi phạm về ngoại hối và hoạt động ngoại hối được thực hiện theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân là người cư trú, người không cư trú có hoạt động ngoại hối tại Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân là người cư trú liên quan đến hoạt động ngoại hối trong việc quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Ngoại hối bao gồm:

a) Đồng tiền của quốc gia, lãnh thổ khác, đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (sau đây gọi là ngoại tệ);

b) Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ, gồm séc, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, chứng chỉ tiền gửi và các phương tiện thanh toán khác;

c) Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác;

d) Vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;

đ) Đồng tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế.

2. Người cư trú là tổ chức, cá nhân thuộc các đối tượng sau đây:

a) Tổ chức tín dụng được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam (sau đây gọi là tổ chức tín dụng);

b) Tổ chức kinh tế được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trừ đối tượng quy định tại điểm a khoản này (sau đây gọi là tổ chức kinh tế);

c) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam hoạt động tại Việt Nam;

d) Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam tại nước ngoài;

đ) Văn phòng đại diện tại nước ngoài của các tổ chức quy định tại các điểm a, b và c khoản này;

e) Công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam; công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thời hạn dưới 12 tháng; công dân Việt Nam làm việc tại các tổ chức quy định tại điểm d và điểm đ khoản này và cá nhân đi theo họ;

g) Công dân Việt Nam đi du lịch, học tập, chữa bệnh và thăm viếng ở nước ngoài;

h) Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có thời hạn từ 12 tháng trở lên, trừ các trường hợp người nước ngoài học tập, chữa bệnh, du lịch hoặc làm việc cho cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.

3. Người không cư trú là các đối tượng không quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Giao dịch vốn là giao dịch chuyển vốn giữa người cư trú với người không cư trú trong các lĩnh vực sau đây:

a) Đầu tư trực tiếp;

b) Đầu tư vào các giấy tờ có giá;

c) Vay và trả nợ nước ngoài;

d) Cho vay và thu hồi nợ nước ngoài;

đ) Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

5. Giao dịch vãng lai là giao dịch giữa người cư trú với người không cư trú không vì mục đích chuyển vốn.

6. Thanh toán và chuyển tiền đối với các giao dịch vãng lai bao gồm:

a) Các khoản thanh toán và chuyển tiền liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ;

b) Các khoản vay tín dụng thương mại và ngân hàng ngắn hạn;

c) Các khoản thu nhập từ đầu tư trực tiếp và gián tiếp;

d) Các khoản chuyển tiền khi được phép giảm vốn đầu tư trực tiếp;

đ) Các khoản thanh toán tiền lãi và trả dần nợ gốc của khoản vay nước ngoài;

e) Các khoản chuyển tiền một chiều cho mục đích tiêu dùng;

g) Các giao dịch tương tự khác.

7. Chuyển tiền một chiều là các giao dịch chuyển tiền từ nước ngoài vào Việt Nam hay từ Việt Nam ra nước ngoài qua ngân hàng, qua bưu điện mang tính chất tài trợ, viện trợ hoặc giúp đỡ thân nhân gia đình, sử dụng chi tiêu cá nhân không liên quan đến việc thanh toán xuất khẩu, nhập khẩu về hàng hoá và dịch vụ.

8. Hoạt động ngoại hối là hoạt động của người cư trú, người không cư trú trong giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối và các giao dịch khác liên quan đến ngoại hối.

9. Cung ứng dịch vụ ngoại hối là việc tổ chức tín dụng và tổ chức khác cung ứng các dịch vụ có liên quan đến hoạt động ngoại hối để đáp ứng nhu cầu của khách hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

10. Tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam là giá của một đơn vị tiền tệ nước ngoài tính bằng đơn vị tiền tệ của Việt Nam.

11. Ngoại tệ tiền mặt bao gồm tiền giấy, tiền kim loại.

12. Tổ chức tín dụng được phép là các ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng được hoạt động ngoại hối và cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định tại Nghị định này.

13. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là việc người không cư trú chuyển vốn vào Việt Nam để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên cơ sở thành lập và tham gia quản lý các doanh nghiệp hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

14. Đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam là việc người không cư trú mua bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác và góp vốn, mua cổ phần dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật Việt Nam mà không trực tiếp tham gia quản lý.

15. Đầu tư ra nước ngoài là việc người cư trú chuyển vốn ra nước ngoài để đầu tư dưới các hình thức theo quy định của pháp luật.

16. Vay và trả nợ nước ngoài là việc người cư trú vay và trả nợ đối với người không cư trú dưới các hình thức theo quy định của pháp luật.

17. Cho vay và thu hồi nợ nước ngoài là việc người cư trú cho vay và thu hồi nợ đối với người không cư trú dưới các hình thức theo quy định của pháp luật.

18. Cán cân thanh toán quốc tế là bảng cân đối tổng hợp thống kê một cách có hệ thống toàn bộ các giao dịch kinh tế được thể hiện bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi giữa Việt Nam và các nước khác trong một thời kỳ nhất định.

19. Thị trường ngoại tệ là nơi diễn ra hoạt động mua bán các loại ngoại tệ. Thị trường ngoại tệ của Việt Nam bao gồm thị trường ngoại tệ liên ngân hàng và thị trường ngoại tệ giữa ngân hàng với khách hàng.

Điều 4. Áp dụng pháp luật về ngoại hối, điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế

1. Hoạt động ngoại hối phải tuân theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

3. Trường hợp hoạt động ngoại hối mà pháp luật Việt Nam chưa có quy định thì các bên có thể thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế nếu việc áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế đó không trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Chương 2:

GIAO DỊCH VÃNG LAI

Điều 5. Tự do hoá đối với giao dịch vãng lai

Trên lãnh thổ Việt Nam, tất cả các giao dịch thanh toán và chuyển tiền đối với giao dịch vãng lai của người cư trú và người không cư trú được tự do thực hiện phù hợp với các quy định tại Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan theo các nguyên tắc sau:

1. Người cư trú, người không cư trú được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ các nhu cầu thanh toán và chuyển tiền đối với giao dịch vãng lai;

2. Người cư trú, người không cư trú có trách nhiệm xuất trình các chứng từ theo quy định của tổ chức tín dụng khi mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ các giao dịch vãng lai và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ đã xuất trình cho tổ chức tín dụng được phép.

3. Khi mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ các giao dịch vãng lai, người cư trú, người không cư trú không phải xuất trình các chứng từ liên quan đến việc xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước Việt Nam.

Điều 6. Thanh toán và chuyển tiền liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ

1. Người cư trú có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ hoặc từ các nguồn thu vãng lai khác ở nước ngoài phải chuyển vào tài khoản ngoại tệ mở tại tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam phù hợp với thời hạn thanh toán của hợp đồng hoặc các chứng từ thanh toán.

2. Người cư trú có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ ở nước ngoài có nhu cầu giữ lại một phần hay toàn bộ ở nước ngoài phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép và phải chuyển vào tài khoản được phép mở tại ngân hàng ở nước ngoài. Số ngoại tệ còn lại phải chuyển về nước.

3. Mọi giao dịch thanh toán và chuyển tiền liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ phải thực hiện bằng hình thức chuyển khoản thông qua tổ chức tín dụng được phép, trừ một số trường hợp thanh toán bằng tiền mặt được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chấp thuận.

Điều 7. Chuyển tiền một chiều từ nước ngoài vào Việt Nam

1. Người cư trú là tổ chức có ngoại tệ thu được từ các khoản chuyển tiền một chiều phải chuyển vào tài khoản ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép hoặc bán cho tổ chức tín dụng được phép.

2. Người cư trú là cá nhân có ngoại tệ thu được từ các khoản chuyển tiền một chiều được gửi vào tài khoản ngoại tệ, gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ, rút tiền mặt để cất giữ, mang theo người, bán cho tổ chức tín dụng được phép lấy đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ khác, sử dụng cho các mục đích theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 8. Chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài

1. Người cư trú là tổ chức được thực hiện chuyển tiền một chiều ra nước ngoài để phục vụ mục đích tài trợ, viện trợ hoặc các mục đích khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Người cư trú là công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài thông qua tổ chức tín dụng được phép cho các mục đích dưới đây:

a) Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài;

b) Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài;

c) Trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài;

d) Trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài;

đ) Chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài;

e) Chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài;

g) Các mục đích chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác.

3. Người không cư trú, người cư trú là người nước ngoài có ngoại tệ trên tài khoản hoặc các nguồn thu ngoại tệ hợp pháp được chuyển, mang ra nước ngoài; trường hợp có nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam thì được mua ngoại tệ để chuyển, mang ra nước ngoài.

4. Tổ chức tín dụng được phép có trách nhiệm xem xét các chứng từ, giấy tờ do người cư trú, người không cư trú xuất trình để bán, chuyển, xác nhận nguồn ngoại tệ tự có hoặc mua từ tổ chức tín dụng được phép để mang ra nước ngoài căn cứ vào yêu cầu thực tế, hợp lý của từng giao dịch chuyển tiền.

Điều 9. Mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt và vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh

Căn cứ vào tình hình thực tế từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể việc người cư trú, người không cư trú mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt và vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh đối với các nội dung sau:

1. Mức ngoại tệ, đồng Việt Nam bằng tiền mặt và vàng mang theo người phải khai báo với Hải quan cửa khẩu khi xuất cảnh, nhập cảnh;

2. Các giấy tờ cần xuất trình trong trường hợp xuất cảnh mang ngoại tệ, đồng Việt Nam bằng tiền mặt và vàng trên mức phải khai báo Hải quan;

3. Các đối tượng có thẩm quyền xác nhận các giấy tờ quy định tại điểm 2 nói trên.

Điều 10. Đồng tiền sử dụng trong thanh toán vãng lai

1. Người cư trú được lựa chọn đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi và các đồng tiền khác mà tổ chức tín dụng được phép chấp nhận làm đồng tiền thanh toán trong giao dịch vãng lai.

2. Trường hợp sử dụng đồng Việt Nam trong thanh toán vãng lai, người cư trú và người không cư trú được chuyển khoản thông qua tài khoản đồng Việt Nam mở tại tổ chức tín dụng được phép.

Chương 3:

CÁC GIAO DỊCH VỐN

MỤC 1: ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM

Điều 11. Mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ

Người cư trú là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ tại một tổ chức tín dụng được phép để thực hiện các giao dịch thu, chi sau đây:

1. Thu tiền góp vốn điều lệ, vốn thực hiện đầu tư trực tiếp và vốn vay nước ngoài trung và dài hạn;

2. Thu ngoại tệ từ tài khoản tiền gửi ngoại tệ của người cư trú là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh;

3. Chi ngoại tệ chuyển vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ của người cư trú là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh;

4. Chi trả tiền gốc, lãi, chi phí của các khoản vay nước ngoài trung và dài hạn ra khỏi Việt Nam;

5. Chi chuyển vốn, lợi nhuận và các khoản thu nhập hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi Việt Nam;

6. Các giao dịch thu, chi khác liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp.

Điều 12. Chuyển vốn để đầu tư trực tiếp

Các khoản chuyển vốn để đầu tư trực tiếp vào Việt Nam phải thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ mở tại một tổ chức tín dụng được phép.

Điều 13. Chuyển vốn ra nước ngoài

1. Người cư trú là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh được chuyển ra nước ngoài vốn điều lệ, vốn thực hiện đầu tư trực tiếp, vốn vay, lãi, chi phí vay nước ngoài và các nguồn thu hợp pháp có liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ.

2. Người cư trú là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh được sử dụng các nguồn thu bằng đồng Việt Nam từ hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam để mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép và chuyển ra nước ngoài trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày mua được ngoại tệ.

MỤC 2: ĐẦU TƯ GIÁN TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM

Điều 14. Mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam

1. Người không cư trú là nhà đầu tư nước ngoài phải mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam tại tổ chức tín dụng được phép để thực hiện đầu tư gián tiếp tại Việt Nam. Vốn đầu tư bằng ngoại tệ phải bán lấy đồng Việt Nam để đầu tư gián tiếp tại Việt Nam. Mọi giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp phải thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam.

2. Tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam được sử dụng để thực hiện các giao dịch thu, chi sau đây:

a) Thu từ bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng được phép;

b) Thu từ tiền lương, thưởng và các khoản thu nhập hợp pháp của người không cư trú là Nhà đầu tư nước ngoài;

c) Thu từ việc chuyển nhượng vốn góp, cổ phần, bán chứng khoán, nhận cổ tức và các khoản thu khác phát sinh từ hoạt động đầu tư gián tiếp;

d) Chi góp vốn, mua cổ phần, mua chứng khoán và các khoản chi khác liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp;

đ) Chi mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép để chuyển ra nước ngoài;

e) Chi thanh toán các khoản chi phí phát sinh tại Việt Nam;

g) Các giao dịch thu, chi khác liên quan đến đầu tư gián tiếp tại Việt Nam.

Điều 15. Chuyển vốn ra nước ngoài

Người không cư trú là nhà đầu tư nước ngoài được sử dụng đồng Việt Nam trên tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam để mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép và chuyển ra nước ngoài.

MỤC 3 : ĐẦU TƯ CỦA VIỆT NAM RA NƯỚC NGOÀI

Điều 16. Thẩm quyền cho phép đầu tư ra nước ngoài

1. Người cư trú là tổ chức, cá nhân được đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức đầu tư trực tiếp khi được phép của cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

2. Người cư trú là tổ chức, cá nhân được đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức đầu tư gián tiếp nếu đáp ứng đủ điều kiện do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể điều kiện, trình tự, thủ tục và việc sử dụng ngoại hối để đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Điều 17. Nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài bằng ngoại tệ

Người cư trú là tổ chức, cá nhân được sử dụng nguồn vốn ngoại tệ tự có trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ, ngoại tệ mua từ tổ chức tín dụng được phép, ngoại tệ từ vốn vay để đầu tư ra nước ngoài.

Điều 18. Chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài

1. Đối với người cư trú là tổ chức tín dụng: người cư trú là tổ chức tín dụng được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Đối với người cư trú là tổ chức, cá nhân:

a) Người cư trú là tổ chức, cá nhân được phép đầu tư ra nước ngoài phải mở một tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài bằng ngoại tệ tại một tổ chức tín dụng được phép. Mọi giao dịch chuyển ngoại tệ ra nước ngoài và vào Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải thực hiện thông qua tài khoản này;

b) Người cư trú là tổ chức, cá nhân được phép đầu tư ra nước ngoài phải đăng ký tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài bằng ngoại tệ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận trước khi chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký và xác nhận tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài bằng ngoại tệ.

3. Tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài bằng ngoại tệ được sử dụng để thực hiện các giao dịch thu, chi sau đây:

a) Chi chuyển ngoại tệ tự có, ngoại tệ mua từ tổ chức tín dụng được phép, ngoại tệ từ nguồn vốn vay để đầu tư ra nước ngoài;

b) Chi chuyển ngoại tệ vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ của người cư trú là tổ chức, cá nhân được phép đầu tư ra nước ngoài;

c) Chi bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng được phép;

d) Thu lợi nhuận, doanh thu và các khoản thu nhập hợp pháp khác từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài;

đ) Thu vốn bằng ngoại tệ đã đầu tư về Việt Nam khi chấm dứt, thanh lý hay kết thúc hoạt động đầu tư;

e) Thu ngoại tệ từ việc mua, vay tại các tổ chức tín dụng được phép hoặc thu từ tài khoản tiền gửi ngoại tệ của người cư trú là tổ chức, cá nhân được phép đầu tư ra nước ngoài;

g) Các giao dịch thu, chi khác liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Điều 19. Chuyển vốn, lợi nhuận về Việt Nam

1. Vốn đầu tư, lợi nhuận và các nguồn thu từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải được chuyển về Việt Nam thông qua tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài bằng ngoại tệ đã mở tại tổ chức tín dụng được phép.

2. Trường hợp đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức đầu tư trực tiếp, vốn gốc, lợi nhuận và các nguồn thu phát sinh từ dự án ở nước ngoài phải được chuyển về nước theo quy định của pháp luật về đầu tư ra nước ngoài.

3. Trường hợp đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức đầu tư gián tiếp, lợi nhuận và các nguồn thu từ hình thức đầu tư gián tiếp phải chuyển về nước chậm nhất không quá 60 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính của nước tiếp nhận đầu tư.

4. Việc sử dụng lợi nhuận và các nguồn thu có liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài để tái đầu tư phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép và được đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

MỤC 4: VAY, TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI

Điều 20. Vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ

Việc vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý vay và trả nợ nước ngoài.

Điều 21. Vay, trả nợ nước ngoài của người cư trú là tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng

1. Người cư trú là tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng được trực tiếp vay, trả nợ nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ và sử dụng vốn vay đúng mục đích, phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Người cư trú là tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng vay và trả nợ nước ngoài phải đáp ứng điều kiện vay, trả nợ nước ngoài, đăng ký khoản vay, mở và sử dụng tài khoản vốn vay, trả nợ nước ngoài, rút vốn và chuyển tiền trả nợ, báo cáo tình hình thực hiện khoản vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3. Các khoản vay nước ngoài của người cư trú là tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận đăng ký. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận đăng ký khoản vay trong phạm vi tổng hạn mức vay vốn nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm.

Điều 22. Vay, trả nợ nước ngoài của người cư trú là cá nhân

1. Người cư trú là cá nhân chỉ được thực hiện vay, trả nợ nước ngoài khi đáp ứng được các điều kiện về vay, trả nợ nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép.

2. Người cư trú là cá nhân phải thực hiện đăng ký khoản vay, mở và sử dụng Tài khoản vốn vay, trả nợ nước ngoài, rút vốn và trả nợ nước ngoài, báo cáo tình hình thực hiện khoản vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 23. Mua ngoại tệ trả nợ nước ngoài

Người cư trú được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép để thanh toán nợ gốc, lãi và phí có liên quan của khoản vay nước ngoài trên cơ sở xuất trình chứng từ hợp lệ.

Mục 5: CHO VAY, THU HỒI NỢ NƯỚC NGOÀI

Điều 24. Cho vay, thu hồi nợ nước ngoài của Chính phủ

1. Chính phủ quyết định việc cho vay, thu hồi nợ nước ngoài của Nhà nước, Chính phủ và các tổ chức được Nhà nước, Chính phủ ủy quyền trên cơ sở cân đối vĩ mô về nguồn vốn nhà nước.

2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức cho vay, nguồn vốn cho vay, hình thức cho vay, đối tượng cho vay, cơ chế quản lý cho vay và thu hồi nợ nước ngoài của Chính phủ.

3. Hàng năm, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổng hợp tình hình cho vay, thu hồi nợ nước ngoài của Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 25. Cho vay thu hồi nợ nước ngoài của người cư trú là tổ chức tín dụng

1. Người cư trú là tổ chức tín dụng được cho vay, thu hồi nợ nước ngoài dưới hình thức tín dụng tài chính và tín dụng thương mại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định điều kiện cho vay, đối tượng cho vay, hình thức cho vay và cơ chế quản lý cho vay, thu hồi nợ nước ngoài đối với người cư trú là tổ chức tín dụng.

Điều 26. Cho vay, thu hồi nợ nước ngoài của người cư trú là tổ chức kinh tế

1. Người cư trú là tổ chức kinh tế chỉ được cho vay, thu hồi nợ nước ngoài khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định điều kiện, thủ tục, quy trình cấp phép và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép người cư trú là tổ chức kinh tế cho vay, thu hồi nợ nước ngoài.

2. Khi được phép cho vay, thu hồi nợ nước ngoài bằng ngoại tệ, người cư trú là tổ chức kinh tế phải mở một tài khoản cho vay, thu hồi nợ nước ngoài bằng ngoại tệ tại một tổ chức tín dụng được phép, thực hiện chuyển vốn cho vay, thu hồi vốn gốc, lãi và các khoản phí có liên quan thông qua tài khoản này theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

MỤC 6: PHÁT HÀNH CHỨNG KHOÁN TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC

Điều 27. Người cư trú là tổ chức phát hành chứng khoán ở nước ngoài

1. Khi đuợc phép phát hành chứng khoán ở nước ngoài bằng ngoại tệ dưới hình thức phát hành trái phiếu, người cư trú là tổ chức phải thực hiện các quy định về vay, trả nợ nước ngoài áp dụng cho người cư trú là tổ chức tại Nghị định này và các quy định có liên quan của pháp luật.

2. Khi được phép phát hành chứng khoán bằng ngoại tệ ở nước ngoài dưới hình thức phát hành cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư và các loại chứng khoán khác, người cư trú là tổ chức phải mở một tài khoản vốn phát hành chứng khoán bằng ngoại tệ tại một tổ chức tín dụng được phép, thực hiện thu, chi ngoại tệ có liên quan đến việc phát hành chứng khoán thông qua tài khoản này theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 28. Người không cư trú là tổ chức phát hành chứng khoán tại Việt Nam

1. Người không cư trú là tổ chức chỉ được phát hành chứng khoán bằng đồng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Khi được phép phát hành chứng khoán tại Việt Nam, người không cư trú là tổ chức phải mở một tài khoản vốn phát hành chứng khoán bằng đồng Việt Nam tại một tổ chức tín dụng được phép, thực hiện thu, chi đồng Việt Nam có liên quan đến việc phát hành chứng khoán thông qua tài khoản này theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3. Nguồn thu bằng đồng Việt Nam từ việc phát hành chứng khoán trên lãnh thổ Việt Nam được sử dụng để mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép để chuyển ra nước ngoài.

Chương 4:

SỬ DỤNG NGOẠI HỐI TRÊN LÃNH THỔ VIỆT NAM

Điều 29. Quy định hạn chế sử dụng ngoại hối

Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối trừ các trường hợp sau:

1. Các giao dịch với tổ chức tín dụng và tổ chức khác được phép cung ứng dịch vụ ngoại hối;

2. Người cư trú là tổ chức được điều chuyển vốn nội bộ bằng ngoại tệ chuyển khoản (giữa đơn vị có tư cách pháp nhân với đơn vị hạch toán phụ thuộc và ngược lại);

3. Người cư trú được góp vốn bằng ngoại tệ để thực hiện dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

4. Người cư trú được nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản theo hợp đồng uỷ thác xuất, nhập khẩu;

5. Người cư trú là nhà thầu trong nước, nhà thầu nước ngoài được nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản từ chủ đầu tư, nhà thầu chính để thanh toán, chi trả và chuyển ra nước ngoài;

6. Người cư trú là tổ chức kinh doanh dịch vụ bảo hiểm được nhận ngoại tệ chuyển khoản của người mua bảo hiểm đối với các loại hàng hoá và dịch vụ phải mua tái bảo hiểm ở nước ngoài;

7. Người cư trú là tổ chức kinh doanh hàng miễn thuế, tổ chức cung ứng dịch vụ ở khu cách ly tại các cửa khẩu quốc tế, tổ chức kinh doanh kho ngoại quan được nhận thanh toán bằng ngoại tệ và đồng Việt Nam từ việc cung cấp hàng hoá và cung ứng dịch vụ;

8. Người cư trú là cơ quan hải quan, công an cửa khẩu tại các cửa khẩu quốc tế và kho ngoại quan được nhận ngoại tệ từ người không cư trú đối với các loại thuế, phí thị thực xuất nhập cảnh hoặc phí cung ứng dịch vụ;

9. Người không cư trú là cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự được thu phí thị thực xuất nhập cảnh và các loại phí, lệ phí khác bằng ngoại tệ;

10. Người không cư trú và người cư trú là người nước ngoài được nhận lương, thưởng và phụ cấp bằng ngoại tệ từ người cư trú, người không cư trú là tổ chức;

11. Người không cư trú được chuyển khoản bằng ngoại tệ cho người không cư trú khác hoặc thanh toán cho người cư trú tiền xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ;

12. Các trường hợp khác được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chấp thuận.

Điều 30. Tài khoản tiền gửi ngoại tệ ở trong nước

1. Người cư trú, người không cư trú là tổ chức được mở và sử dụng tài khoản tiền gửi ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép để thực hiện các giao dịch thu, chi sau:

a) Thu ngoại tệ từ nước ngoài chuyển vào;

b) Thu ngoại tệ từ các nguồn thu được phép trong nước;

c) Thu ngoại tệ tiền mặt từ nước ngoài vào theo quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam;

d) Chi bán cho tổ chức tín dụng được phép;

đ) Chi chuyển tiền, thanh toán cho các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, các giao dịch được phép thanh toán trong nước bằng ngoại tệ;

e) Chi chuyển đổi ra các loại ngoại tệ khác hoặc các công cụ thanh toán khác bằng ngoại tệ;

g) Chi rút ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân làm việc cho tổ chức đó khi được cử ra nước ngoài công tác;

h) Chi chuyển khoản hoặc rút ngoại tệ tiền mặt để trả lương, thưởng, phụ cấp cho người không cư trú, người cư trú là người nước ngoài;

i) Chỉ chuyển ra nước ngoài hoặc chuyển sang tài khoản tiền gửi ngoại tệ của người không cư trú khác hoặc thanh toán cho người cư trú tiền hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu (đối với trường hợp người không cư trú là tổ chức).

2. Người cư trú, người không cư trú là cá nhân được mở và sử dụng tài khoản tiền gửi ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép để thực hiện các giao dịch thu, chi sau đây:

a) Thu ngoại tệ chuyển khoản từ nước ngoài chuyển vào;

b) Thu ngoại tệ tiền mặt từ nước ngoài mang vào theo quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam;

c) Thu ngoại tệ từ các nguồn thu hợp pháp khác;

d) Chi bán cho tổ chức tín dụng được phép;

đ) Chi chuyển tiền, thanh toán cho các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn và các giao dịch được phép thanh toán trong nước bằng ngoại tệ;

e) Chi chuyển đổi ra các loại ngoại tệ khác hoặc các công cụ thanh toán khác bằng ngoại tệ;

g) Chi cho, tặng, thừa kế theo quy định của pháp luật;

h) Chi rút ngoại tệ tiền mặt;

i) Chi chuyển ra nước ngoài hoặc chuyển sang tài khoản tiền gửi ngoại tệ của người không cư trú khác (đối với trường hợp người không cư trú là cá nhân);

k) Chi chuyển sang gửi tiết kiệm ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép (đối với trường hợp người cư trú là cá nhân).

3. Tổ chức tín dụng được phép có trách nhiệm theo dõi và kiểm soát các hoạt động thu, chi trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ để đảm bảo việc thanh toán, chuyển tiền được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với các quy định của Nghị định này.

Điều 31. Tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài của người cư trú

1. Người cư trú là tổ chức, cá nhân được mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài theo quy định dưới đây:

a) Người cư trú là tổ chức tín dụng được phép được mở và sử dụng tài khoản ở nước ngoài để thực hiện các hoạt động ngoại hối ở nước ngoài;

b) Người cư trú là tổ chức kinh tế có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài hoặc có nhu cầu mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để tiếp nhận vốn vay nước ngoài, để thực hiện cam kết, hợp đồng với bên nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, cấp giấy phép mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài;

c) Người cư trú là cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự, lực lượng vũ trang và đại diện các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam ở nước ngoài được mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài;

d) Công dân Việt Nam trong thời gian ở nước ngoài được mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài theo quy định pháp luật của nước sở tại.

Khi chấm dứt hoặc hết thời hạn ở nước ngoài, các tổ chức và cá nhân nêu tại điểm c và d ở trên phải đóng tài khoản và chuyển toàn bộ số dư về nước.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp và thu hồi giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài đối với các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Điều 32. Sử dụng ngoại tệ tiền mặt của cá nhân

1. Người cư trú, người không cư trú là cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, cho, tặng, thừa kế, bán cho tổ chức tín dụng được phép, chuyển, mang ra nước ngoài phục vụ cho các mục đích hợp pháp và thanh toán cho các đối tượng được thu ngoại tệ theo các quy định tại Nghị định này.

2. Người cư trú là cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được gửi tiết kiệm ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép, được rút tiền gốc, lãi bằng ngoại tệ tiền mặt theo quy định của pháp luật về gửi tiết kiệm ngoại tệ.

Điều 33. Sử dụng đồng Việt Nam của người không cư trú

Người không cư trú là tổ chức, cá nhân được mở và sử dụng tài khoản đồng Việt Nam tại tổ chức tín dụng được phép để thực hiện các giao dịch thu, chi sau đây:

1. Thu từ việc bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng được phép;

2. Thu từ các nguồn thu hợp pháp tại Việt Nam;

3. Chi thanh toán hoặc rút tiền mặt để chi tiêu tại Việt Nam;

4. Chi thanh toán cho các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn theo quy định tại Nghị định này;

5. Chi cho tặng, thừa kế theo quy định của pháp luật;

6. Chi mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép để chuyển ra nước ngoài;

7. Chi cho các mục đích khác được pháp luật cho phép.

Điều 34. Sử dụng đồng Việt Nam của người cư trú là cá nhân nước ngoài

1. Người cư trú là cá nhân nước ngoài được mở và sử dụng tài khoản đồng Việt Nam tại tổ chức tín dụng được phép để thực hiện các giao dịch thu, chi theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.

2. Người cư trú là cá nhân nước ngoài được mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam tại tổ chức tín dụng được phép để thực hiện các giao dịch đầu tư gián tiếp theo quy định tại Điều 14 Nghị định này.

Điều 35. Sử dụng tiền của nước có chung biên giới với Việt Nam

1. Người cư trú là tổ chức, cá nhân có nguồn thu hợp pháp bằng đồng tiền của nước có chung biên giới với Việt Nam từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ hoặc có nguồn thu hợp pháp khác được mở tài khoản bằng đồng tiền đó tại tổ chức tín dụng được phép và thực hiện các giao dịch thu, chi sau đây:

a) Thu từ bán hàng hoá và dịch vụ;

b) Thu từ việc mua đồng tiền của nước có chung biên giới tại tổ chức tín dụng được phép;

c) Thu từ các nguồn thu hợp pháp tại Việt Nam;

d) Chi thanh toán nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ;

đ) Chi bán cho tổ chức tín dụng được phép hoặc bàn đổi tiền;

e) Chi rút tiền mặt để chi lương, thưởng, phụ cấp cho người nước ngoài làm việc cho tổ chức hoặc chi tiêu tại nước có chung biên giới;

g) Chi cho các mục đích khác được pháp luật cho phép.

2. Việc sử dụng đồng tiền của nước có chung biên giới trong mua bán hàng hoá ở khu vực biên giới và khu vực kinh tế cửa khẩu thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 36. Phát hành và sử dụng thẻ thanh toán

1. Trên lãnh thổ Việt Nam, người cư trú, người không cư trú là cá nhân có thẻ quốc tế được sử dụng thanh toán tại tổ chức tín dụng được phép và các đơn vị chấp nhận thẻ.

2. Các đơn vị chấp nhận thẻ chỉ được nhận thanh toán bằng đồng Việt Nam từ ngân hàng thanh toán thẻ.

3. Căn cứ vào tình hình thực tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc phát hành, sử dụng thẻ phù hợp với mục tiêu quản lý ngoại hối.

Chương 5:

THỊ TRƯỜNG NGOẠI TỆ, CƠ CHẾ TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI VÀ QUẢN LÝ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VÀNG

Điều 37. Thị trường ngoại tệ của Việt Nam

1. Thị trường ngoại tệ là nơi diễn ra hoạt động mua bán các loại ngoại tệ. Đối tượng tham gia thị trường ngoại tệ bao gồm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng được phép, bàn đổi ngoại tệ và các tổ chức, cá nhân là người cư trú, người không cư trú tại Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định điều kiện, phương thức, các loại hình nghiệp vụ giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ.

2. Thị trường ngoại tệ liên ngân hàng là thị trường cho các giao dịch giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với các tổ chức tín dụng được phép và giữa các tổ chức tín dụng được phép với nhau. Các thành viên tham gia thị trường ngoại tệ liên ngân hàng thực hiện mua bán ngoại tệ theo các phương thức, loại hình nghiệp vụ giao dịch trên cơ sở các thoả thuận, cam kết giữa các bên theo thông lệ quốc tế và phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3. Trong trường hợp tham gia thị trường ngoại tệ liên ngân hàng tập trung do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức, điều hành, các tổ chức tín dụng được phép phải chấp hành quy chế tổ chức và hoạt động của thị trường này do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định.

Điều 38. Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên thị trường ngoại tệ

Căn cứ biến động tỷ giá trên thị trường ngoại tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng và thực hiện phương án can thiệp mua hoặc bán ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ trong nước.

Điều 39. Cơ chế tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam

1. Tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện điều tiết tỷ giá hối đoái thông qua việc sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ và thực hiện phương án mua bán trên thị trường ngoại tệ.

2. Cơ chế tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam là cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định trên cơ sở rổ tiền tệ của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư với Việt Nam phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ.

Điều 40. Quản lý xuất khẩu, nhập khẩu vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng

Tổ chức tín dụng và các tổ chức được phép hoạt động kinh doanh vàng được xuất khẩu, nhập khẩu vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Chương 6 :

HOẠT ĐỘNG CUNG ỨNG DỊCH VỤ NGOẠI HỐICỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG VÀ CÁC TỔ CHỨC KHÁC

MỤC 1 : CUNG ỨNG DỊCH VỤ NGOẠI HỐI TRÊN THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC

Điều 41. Phạm vi, điều kiện cung ứng dịch vụ ngoại hối của các ngân hàng

1. Khi đáp ứng đủ các điều kiện do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép các ngân hàng được cung ứng các dịch vụ ngoại hối trong phạm vi dưới đây:

a) Cung cấp các giao dịch hối đoái dưới hình thức giao dịch giao ngay, kỳ hạn, hoán đổi, quyền lựa chọn, hợp đồng tương lai và các giao dịch hối đoái khác theo thông lệ quốc tế;

b) Huy động vốn, cho vay và bảo lãnh bằng ngoại tệ dưới các hình thức theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

c) Phát hành, đại lý phát hành thẻ thanh toán quốc tế;

d) Cung cấp các dịch vụ chuyển tiền và thanh toán (trong nước và quốc tế) cho các đối tượng quy định tại Nghị định này; nhận và chi, trả ngoại tệ;

đ) Chiết khấu, tái chiết khấu giấy tờ có giá bằng ngoại tệ;

e) Ủy nhiệm cho tổ chức tín dụng khác và tổ chức kinh tế làm đại lý cung ứng một số dịch vụ ngoại hối, bao gồm dịch vụ đổi ngoại tệ, dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ và các dịch vụ khác theo quy định tại Nghị định này;

g) Cung cấp các dịch vụ ủy thác và quản lý tài sản bằng ngoại hối;

h) Cung cấp các dịch vụ ngân hàng đầu tư bằng ngoại hối (mua, bán, sát nhập, bảo lãnh và làm đại lý phát hành chứng khoán bằng ngoại tệ...);

i) Cung ứng các dịch vụ tư vấn cho khách hàng về ngoại hối;

k) Thực hiện các hoạt động ngoại hối khác theo thông lệ quốc tế và phù hợp với pháp luật Việt Nam.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể điều kiện, hồ sơ, thủ tục và xác nhận đủ điều kiện cung ứng dịch vụ ngoại hối của các ngân hàng.

Điều 42. Cung ứng dịch vụ ngoại hối của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Các tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải đăng ký hoạt động với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thực hiện một số hoặc toàn bộ các nội dung cung ứng dịch vụ ngoại hối dưới đây:

1. Đối với Công ty tài chính:

a) Cung cấp các giao dịch hối đoái dưới hình thức giao dịch giao ngay, kỳ hạn, hoán đổi, quyền lựa chọn và các giao dịch hối đoái khác phù hợp với thông lệ quốc tế;

b) Nhận tiền gửi có kỳ hạn từ một năm trở lên bằng ngoại tệ, phát hành trái phiếu, giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, vay vốn bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước;

c) Cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn bằng ngoại tệ, chiết khấu, tái chiết khấu, cầm cố các giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, bảo lãnh tín dụng bằng ngoại tệ;

d) Cung cấp các dịch vụ uỷ thác và quản lý tài sản bằng ngoại hối;

đ) Nhận và chi, trả ngoại tệ; ủy nhiệm cho các tổ chức kinh tế làm đại lý đổi ngoại tệ, đại lý chi, trả ngoại tệ;

e) Cung ứng các dịch vụ tư vấn cho khách hàng về ngoại hối.

2. Đối với Công ty cho thuê tài chính:

a) Nhận tiền gửi có kỳ hạn từ một năm trở lên bằng ngoại tệ, phát hành trái phiếu, giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, vay vốn bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước;

b) Cho thuê tài chính bằng ngoại tệ ;

c) Bảo lãnh tín dụng bằng ngoại tệ;

d) Thực hiện các dịch vụ ủy thác và quản lý tài sản bằng ngoại tệ;

đ) Cung ứng các dịch vụ tư vấn cho khách hàng về ngoại hối.

3. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác được thực hiện một số nội dung cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể điều kiện, hồ sơ, thủ tục đăng ký hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Điều 43. Cung ứng dịch vụ ngoại hối của các tổ chức khác

1. Dịch vụ đại lý đổi ngoại tệ cho tổ chức tín dụng

Tổ chức kinh tế được làm đại lý đổi ngoại tệ cho tổ chức tín dụng được phép khi được uỷ nhiệm. Việc uỷ nhiệm đổi ngoại tệ phải được thực hiện trên cơ sở ký kết hợp đồng đại lý đổi ngoại tệ giữa tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế được uỷ nhiệm và phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ

a) Tổ chức kinh tế làm đại lý cung ứng dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ cho tổ chức tín dụng phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tổ chức kinh tế trực tiếp cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép;

b) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục đăng ký, cấp giấy phép cho tổ chức kinh tế cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ.

3. Cung ứng dịch vụ ngoại hối khác:

Các tổ chức kinh tế chỉ được thực hiện cung ứng dịch vụ ngoại hối ngoài các nội dung quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép.

MỤC 2 : CUNG ỨNG DỊCH VỤ NGOẠI HỐI TRÊN THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ

Điều 44. Phạm vi, điều kiện cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường quốc tế

1. Các tổ chức tín dụng và tổ chức khác được cung ứng các dịch vụ ngoại hối trên thị trường quốc tế trong phạm vi dưới đây:

a) Đối với các ngân hàng:

- Cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế;

- Thực hiện các giao dịch mua, bán ngoại hối và vàng trên thị trường nước ngoài;

- Tham gia các thị trường tiền tệ, thị trường phái sinh ở nước ngoài;

- Cung cấp các dịch vụ quản lý tài sản tài chính của khách hàng ở nước ngoài;

- Cung cấp các dịch vụ ngân hàng đầu tư (tư vấn tài chính, mua, bán, sát nhập, bảo lãnh, đồng tài trợ...) trên thị trường quốc tế.

b) Đối với công ty tài chính:

- Thực hiện các giao dịch mua, bán ngoại hối và vàng trên thị trường nước ngoài;

- Tham gia các thị trường tiền tệ, thị trường phái sinh ngoại hối ở nước ngoài;

- Cung cấp các dịch vụ quản lý tài sản tài chính của khách hàng ở nước ngoài.

c) Đối với các tổ chức khác:

Trong từng trường hợp cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép các tổ chức khác được thực hiện một số nội dung cung ứng dịch vụ ngoại hối nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể điều kiện, hồ sơ, thủ tục đăng ký hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối của các tổ chức tín dụng và tổ chức khác trên thị trường quốc tế.

MỤC 3 : TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG VÀ CÁC TỔ CHỨC KHÁC KHI THỰC HIỆN CUNG ỨNG DỊCH VỤ NGOẠI HỐI

Điều 45. Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối

Khi thực hiện các hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối, các tổ chức tín dụng và các tổ chức khác được phép hoạt động ngoại hối có trách nhiệm:

1. Thực hiện các hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối theo đúng phạm vi hoạt động ghi trong giấy phép, giấy xác nhận đăng ký hoạt động ngoại hối, các quy định của Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật;

2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các nội dung cung ứng dịch vụ ngoại hối ủy nhiệm cho tổ chức tín dụng khác và tổ chức kinh tế;

3. Chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

4. Chấp hành nghiêm túc và hướng dẫn khách hàng thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý ngoại hối và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Điều 46. Kiểm tra chứng từ

Tổ chức tín dụng và các tổ chức khác được phép hoạt động ngoại hối khi thực hiện các giao dịch ngoại hối cho khách hàng có trách nhiệm xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ và các chứng từ phù hợp với các giao dịch thực tế để đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 47. Đáp ứng nhu cầu ngoại tệ để thanh toán vãng lai

Trong phạm vi khả năng ngoại tệ hiện có, tổ chức tín dụng và các tổ chức khác được phép hoạt động ngoại hối có trách nhiệm đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ của người cư trú, người không cư trú để thanh toán vãng lai căn cứ theo nhu cầu thực tế và hợp lý của từng giao dịch.

Điều 48. Thanh tra, kiểm soát và báo cáo

1. Tổ chức tín dụng và các tổ chức khác được phép hoạt động ngoại hối phải chịu sự thanh tra, kiểm soát và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Trách nhiệm về thông tin báo cáo của các tổ chức tín dụng được phép. Tổ chức tín dụng được phép có trách nhiệm báo cáo các thông tin liên quan đến hoạt động ngoại hối theo quy định sau:

a) Báo cáo các thông tin, số liệu cần thiết liên quan đến ngoại hối và hoạt động ngoại hối theo đúng thời hạn quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động ngoại hối;

b) Được phép yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin nhằm phục vụ việc thu thập số liệu, thông tin liên quan đến ngoại hối và hoạt động ngoại hối;

c) Được thực hiện cung cấp thông tin, tư vấn về chính sách ngoại hối và hoạt động ngoại hối cho tổ chức và cá nhân phù hợp với các quy định của pháp luật;

d) Có nghĩa vụ giữ bí mật và chịu trách nhiệm về các thông tin thuộc danh mục bí mật của ngành ngân hàng.

3. Trách nhiệm về thông tin báo cáo của tổ chức và cá nhân:

a) Tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động ngoại hối có nghĩa vụ cung cấp các thông tin, số liệu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng được phép theo đúng thời hạn quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động ngoại hối;

b) Tổ chức và cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp các thông tin hướng dẫn để thực hiện đúng các chính sách về quản lý ngoại hối.

Chương 7 :

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG NGOẠI HỐI

Điều 49. Quản lý nhà nước về hoạt động ngoại hối

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động ngoại hối :

a) Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động ngoại hối;

b) Xây dựng và soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật về ngoại hối thuộc thẩm quyền.

2. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

a) Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động ngoại hối;

b) Chủ trì xây dựng và soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật về ngoại hối thuộc thẩm quyền;

c) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khi xây dựng các văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến ngoại hối;

d) Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ngoại hối;

đ) Cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động ngoại hối;

e) Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các hoạt động ngoại hối quy định tại Nghị định này và việc chấp hành chế độ chứng từ và thông tin báo cáo;

g) Xử lý các hành vi vi phạm về ngoại hối thuộc thẩm quyền.

3. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Hướng dẫn thực hiện Nghị định này theo chức năng và nhiệm vụ của mình;

b) Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc xây dựng các văn bản pháp quy có liên quan về ngoại hối, hoạt động ngoại hối;

c) Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc thông tin, tuyên truyền các quy định và thực thi các quy định về quản lý ngoại hối;

d) Phát hiện, xử lý các vi phạm về ngoại hối, hoạt động ngoại hối thuộc thẩm quyền.

Điều 50. Chế độ thông tin báo cáo

1. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

a) Ban hành chế độ thông tin báo cáo, phân tích, dự báo và công bố thông tin về hoạt động ngoại hối;

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành thu thập thông tin, số liệu nhằm phục vụ công tác quản lý ngoại hối của Nhà nước và lập cán cân thanh toán quốc tế.

2. Trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm báo cáo thông tin, số liệu về hoạt động ngoại hối cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm phục vụ công tác quản lý ngoại hối của Nhà nước và lập cán cân thanh toán quốc tế.

Chương 8:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 51. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế các văn bản: Nghị định số 63/1998/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ về quản lý ngoại hối; các Nghị định số 05/2001/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2001 và số 131/2005/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2005 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 63/1998/NĐ-CP của Chính phủ;

2. Bãi bỏ các quy định tại các Nghị định, Quyết định, Thông tư trái với nội dung Nghị định này.

Điều 52. Hướng dẫn thi hành

1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- BQL KKTCKQT Bờ Y;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính Quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN,
Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

THE GOVERNMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No: 160/2006/ND-CP

Hanoi, December 28, 2006

 

DECREE

DETAILING THE IMPLEMENTATION OF THE ORDINANCE ON FOREIGN EXCHANGE

THE GOVERNMENT

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the December 12, 1997 Law on the State Bank of Vietnam and the June 17, 2003 Law Amending and Supplementing a Number of Articles of the Law on the State Bank of Vietnam;
Pursuant to the December 13, 2005 Ordinance on Foreign Exchange;
At the proposal of the Governor of the State Bank of Vietnam,

DECREES:

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1.- Scope of regulation

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The management of state foreign exchange reserves shall comply with the Government's separate regulations.

3. The handling of violations related to foreign exchange and foreign exchange activities shall comply with the Government's regulations on sanctioning administrative violations in the monetary and banking domain.

Article 2.- Subjects of application

1. Organizations and individuals being residents or nonresidents conducting foreign exchange activities in Vietnam.

2. Organizations and individuals being residents involved in foreign exchange activities in terms of management, inspection and handling of violations.

Article 3.- Interpretation of terms

In this Decree, the terms below are construed as follows:

1. Foreign exchange includes:

a/ Currencies of other countries or territories, the common European currency and other common currencies used in international and regional payment (hereinafter referred to as foreign currencies);

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Valuable papers denominated in foreign currencies, including government bonds, corporate bonds, time bonds, shares and valuable papers of other types;

d/ Gold belonging to the state foreign exchange reserves, in overseas accounts of residents; gold in bullions, bars, granules or pieces which is brought into or out of the Vietnamese territory;

e/ The currency of the Socialist Republic of Vietnam, in case it is transferred into or out of the Vietnamese territory or used in international payment.

2. Residents mean organizations or individuals being the following subjects:

a/ Credit institutions established and doing business in Vietnam (hereafter called credit institutions);

b/ Economic organizations established and doing business in Vietnam, excluding subjects defined at Point a of this Clause (hereafter called economic organizations);

c/ Vietnamese state agencies, people's armed forces units, political organizations, socio-political organizations, socio-political-professional organizations, social organizations, socio-professional organizations, social funds and charity funds operating in Vietnam;

d/ Foreign-based Vietnamese diplomatic missions and consulates;

e/ Foreign-based representative offices of organizations defined at Points a, b and c of this Clause;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



g/ Vietnamese citizens going abroad for tourism, study, medical treatment or visit;

h/ Foreigners residing in Vietnam for 12 months or more, except those coming to Vietnam for study, medical treatment, tourism or work for Vietnam-based foreign diplomatic missions, consulates or representative offices of foreign organizations.

3. Nonresidents mean subjects other than those defined in Clause 2 of this Article.

4. Capital transactions mean capital transfer transactions between residents and nonresidents in the following domains:

a/ Direct investment;

b/ Investment in valuable papers;

c/ Borrowing of foreign loans and payment of foreign debts;

d/ Provision and recovery of foreign loans;

e/ Other forms of investment under the provisions of Vietnamese law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. Payment and money transfer for current transactions shall cover:

a/ Payments and money transfers related to import or export of goods or services;

b/ Short-term commercial credit loans and bank loans;

c/ Earnings generated from direct or indirect investments;

d/ Money transfers when the decrease of direct investment capital is allowed;

e/ Payments of interests on, and installment payments of principals of, foreign loans;

f/ One-way money transfers for consumption purposes;

g/ Other similar transactions.

7. One-way money transfer means transactions of money transfer from overseas into Vietnam or vice versa via banks or by post to provide financial supports, aids or assistance to ones relatives or for individual spending purposes, irrelevant to payment for import or export of goods and services.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



9. Provision of foreign exchange services means provision by credit institutions and other organizations of services related to foreign exchange activities in order to meet the customers demands in accordance with regulations of the State Bank of Vietnam.

10. Vietnam dong exchange rate means the price of a foreign monetary unit calculated in the Vietnamese monetary unit.

11. Foreign currency cash includes bank notes and coins.

12. Licensed credit institutions mean banks and non-bank credit institutions allowed to conduct foreign exchange activities and provide foreign exchange services under the provisions of this Decree.

13. Foreign direct investment in Vietnam means transfer by nonresidents of their capital into Vietnam to conduct investment and business activities by setting up and participating in management of enterprises, or in other forms under the provisions of Vietnamese law.

14. Foreign indirect investment in Vietnam means purchase or sale of securities or other valuable papers or contribution of capital or purchase of shares by nonresidents in any form under the provisions of Vietnamese law without directly participating in the management work.

15. Offshore investment means transfer by residents of their capital abroad for investment in the forms provided for by law.

16. Borrowing of foreign capital and payment of foreign debts mean borrowing of loans from, and payment of debts to, nonresidents by residents in the forms provided for by law.

17. Provision and recovery of foreign loans mean provision of loans to, and recovery of debts from, nonresidents by residents in the forms provided for by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



19. Foreign currency market means the place where foreign currency sale and purchase activities take place. Vietnam's foreign currency markets include the inter-bank foreign currency market and the foreign currency market between banks and their customers.

Article 4.- Application of laws on foreign exchange, treaties, foreign laws and international practice

1. Foreign exchange activities must comply with the provisions of this Decree and relevant provisions of law.

2. When a treaty to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party contains provisions different from those of this Decree, the provisions of that treaty prevail.

3. Where a foreign exchange activity has not yet been provided for by Vietnamese law, the involved parties may reach agreement on the application of a foreign law or international practice if the application of that law or practice does not contravene the basic principles of Vietnamese law.

Chapter II

CURRENT TRANSACTIONS

Article 5.- Liberalization of current transactions

In the Vietnamese territory, all payment transactions and money transfers for current transactions between residents and nonresidents are conducted freely in accordance with the provisions of this Decree and relevant provisions of law on the following principles:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Residents and nonresidents shall produce vouchers under regulations of credit institutions upon the purchase, transfer or carrying abroad of foreign currencies in service of current transactions and take responsibility before law for the truthfulness of papers and vouchers produced to licensed credit institutions.

3. When buying, transferring or carrying abroad foreign currencies in service of current transactions, residents and nonresidents need not produce vouchers relating to the certification of the fulfillment of their tax obligations towards the Vietnamese State.

Article 6.- Payment and transfer of money related to the import or export of goods and services

1. Residents having foreign currency incomes from the export of goods or services or other current income sources overseas must transfer such incomes into their foreign currency accounts opened at licensed credit institutions in Vietnam according to the payment time limits of contracts or payment vouchers.

2. Residents having foreign currency incomes from the export of goods or services overseas that wish to retain part or whole of their incomes in foreign countries must acquire permission of the State Bank of Vietnam and remit those incomes into their accounts opened at foreign banks. The remaining foreign currency amounts must be transferred to the home country.

3. All payment and money transfer transactions related to the import or export of goods or services must be conducted by account transfer via licensed credit institutions, except for some cases of cash payment, which shall be considered and approved by the State Bank of Vietnam.

Article 7.- One-way transfer of money from overseas into Vietnam

1. Residents being organizations which earn foreign currencies from one-way money transfers must transfer such foreign currencies into their foreign currency accounts opened at licensed credit institutions or sell such amounts to licensed credit institutions.

2. Residents being individuals who earn foreign currencies from one-way money transfers may remit such foreign currencies into their foreign currency accounts, deposit such foreign currencies as savings or withdraw them in cash to store, carry along or sell to licensed credit institutions for Vietnam dong or other foreign currencies or use them for other purposes in accordance with the provisions of this Decree and relevant provisions of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Residents being organizations may conduct one-way money transfer abroad for the purpose of providing financial supports, aids or other purposes in accordance with regulations of the State Bank of Vietnam.

2. Residents being Vietnamese citizens may purchase, transfer or carry foreign currencies abroad via licensed credit institutions for the following purposes:

a/ Study or medical treatment in foreign countries;

b/ Working trips, tours or visits to foreign countries;

c/ Payment of charges or fees to foreign countries;

d/ Provision of subsidies to their relatives in foreign countries;

e/ Transfer of inheritance money to their heirs in foreign countries;

f/ One-way money transfer in case of permanent residence in foreign countries;

g/ Other purposes to meet other lawful needs.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Licensed credit institutions shall, based on the actual and reasonable requirements of each money transfer transaction, examine vouchers and papers presented by residents or nonresidents for sale or transfer of foreign currencies, and certify sources of foreign currencies which may be self-procured or bought from licensed credit institutions for carrying abroad.

Article 9.- Carrying of foreign currency cash, Vietnam dong cash and gold on entry or exit

Based on the actual situation in each period, the State Bank of Vietnam shall specify the following contents regarding the carrying of foreign currency cash, Vietnam dong cash or gold by residents or non-residents on entry or exit:

1. The limits of foreign currency cash, Vietnam dong cash and gold carried along on entry or exit, which must be declared with the border-gate customs;

2. Papers which must be presented in case of carrying along foreign currency cash, Vietnam dong cash or gold on exit, which exceeds the limits subject to customs declaration;

3. Subjects competent to certify papers defined at Point 2 above.

Article 10.- Currencies used in current transactions

1. Residents may use either Vietnam dong, freely convertible foreign currencies or other currencies accepted by licensed credit institutions as payment currencies in current transactions.

2. In case of using Vietnam dong for payment in current transactions, residents and non-residents may conduct account transfer via Vietnam dong accounts opened at licensed credit institutions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



CAPITAL TRANSACTIONS

Section 1. FOREIGN DIRECT INVESTMENT IN VIETNAM

Article 11.- Opening and use of foreign currency-direct investment accounts

Residents being foreign-invested enterprises and foreign parties to business cooperation contracts must each open a foreign-currency direct investment account at a licensed credit institution in order to conduct the following collection and spending transactions:

1. Collecting money contributed to charter capital, capital for direct investment and medium- and long-term foreign loans.

2. Collecting foreign currencies from foreign currency deposit accounts of residents being foreign-invested enterprises and foreign parties to business cooperation contracts.

3. Spending on transfer of foreign currencies into foreign currency accounts of residents being foreign-invested enterprises and foreign parties to business cooperation contracts.

4. Spending on payment of principals, interests and charges of medium- and long-term foreign loans out of Vietnam.

5. Spending on transfer of capital, profits and other lawful incomes of foreign investors out of Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 12.- Transfer of capital for direct investment

Capital transfers for direct investment into Vietnam must be effected via foreign currency-direct investment accounts opened at licensed credit institutions.

Article 13.- Transfer of capital abroad

1. Residents being foreign-invested enterprises and foreign parties to business cooperation contracts may transfer abroad charter capital, capital for direct investment, loan capital, interests and charges of foreign loans as well as lawful earnings related to their direct investment activities in Vietnam via foreign currency-direct investment accounts.

2. Residents being foreign-invested enterprises and foreign parties to business cooperation contracts may use their Vietnam dong earnings from direct investment activities in Vietnam to buy foreign currencies at licensed credit institutions and transfer them abroad within 30 days after buying foreign currencies.

Section 2. FOREIGN INDIRECT INVESTMENT IN VIETNAM

Article 14.- Opening and use of Vietnam-dong indirect investment accounts

1. Nonresidents being foreign investors must open Vietnam-dong indirect investment accounts at licensed credit institutions in order to conduct indirect investment activities in Vietnam. Investment capital in foreign currencies must be sold for Vietnam dong for indirect investment in Vietnam. All transactions related to indirect investment activities must be effected via Vietnam-dong indirect investment accounts.

2. Vietnam dong-indirect investment accounts shall be used to conduct the following collection and spending transactions:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Collection from wages, bonuses and lawful incomes of nonresidents being foreign investors;

c/ Collection from the transfer of contributed capital or equities, sale of securities, receipt of dividends and other earnings generated from indirect investment activities;

d/ Spending on capital contribution, purchase of equities or securities and other spendings related to indirect investment activities;

e/ Spending on the purchase of foreign currencies from licensed credit institutions for transfer abroad;

f/ Spending on payment of costs arising in Vietnam;

g/ Other collection and spending transactions related to indirect investment in Vietnam.

Article 15.- Transfer of capital abroad

Nonresidents being foreign investors may use Vietnam dong in their Vietnam dong-indirect investment accounts to buy foreign currencies at licensed credit institutions and transfer them abroad.

Section 3. VIETNAM'S OFFSHORE INVESTMENT

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Residents being organizations or individuals may make offshore investment in the form of direct investment when so permitted by investment certificate-granting agencies under the provisions of law on offshore direct investment.

2. Residents being organizations or individuals may make offshore investment in the form of indirect investment if meeting all the conditions set by the State Bank of Vietnam. The Governor of the State Bank of Vietnam shall specify the conditions, order, procedures and the use of foreign exchange for offshore indirect investment.

Article 17.- Sources of foreign currency capital for offshore investment

Residents being organizations or individuals may use their own foreign currency capital on their foreign currency savings accounts, foreign currencies purchased from licensed credit institutions or foreign currency loans for offshore investment.

Article 18.- Transfer of investment capital abroad

1. For residents being credit institutions: They may transfer investment capital abroad in accordance with regulations of the State Bank of Vietnam.

2. For residents being organizations and individuals:

a/ Residents being organizations or individuals permitted to make offshore investment must open foreign-currency offshore investment accounts at licensed credit institutions. All transactions of transferring foreign currencies abroad or into Vietnam related to offshore investment must be conducted via these accounts;

b/ Residents being organizations or individuals permitted to make offshore investment must register their foreign-currency offshore investment accounts with the State Bank of Vietnam and get its certification before transferring investment capital abroad. The State Bank of Vietnam shall specify the order, procedures and dossiers for registration and certification of foreign-currency offshore investment accounts.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Spending on the transfer of self-procured foreign currencies, foreign currencies purchased from licensed credit institutions and foreign currency loans for offshore investment;

b/ Spending on the transfer of foreign currencies into foreign currency savings accounts of residents being organizations or individuals permitted to make offshore investment;

c/ Spending on the sale of foreign currencies to licensed credit institutions;

d/ Collection of profits, revenues and other lawful earnings from offshore investment activities;

e/ Collection of foreign currency capital already invested back in Vietnam upon the termination, liquidation or completion of investment activities;

f/ Collection of foreign currencies from purchase or borrowing from licensed credit institutions or from foreign currency savings accounts of residents being organizations or individuals permitted to make offshore investment.

g/ Other collection and spending transactions related to offshore investment activities.

Article 19.- Transfer of capital and profits back to Vietnam

1. Capital, profits and earnings from offshore investment must be transferred back to Vietnam via foreign currency accounts opened at licensed credit institutions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. For offshore indirect investment, the profits and earnings from indirect investment activities must be transferred back to the home country within 60 days after the end of a fiscal year of the investment-receiving country.

4. The use of profits and earnings from offshore investment for reinvestment must be permitted by competent agencies and registered with the State Bank of Vietnam.

Section 4. BORROWING OF FOREIGN LOANS AND PAYMENT OF FOREIGN DEBTS

Article 20.- Borrowing of foreign loans and payment of foreign debts by the Government

The borrowing of foreign loans and payment of foreign debts by the Government shall comply with the current provisions of law on management of borrowing of foreign loans and payment of foreign debts.

Article 21.- Borrowing of foreign loans and payment of foreign debts by residents being economic organizations or credit institutions

1. Residents being economic organizations or credit institutions may directly borrow foreign loans and pay foreign debts on the principle of self-borrowing, self-paying and using borrowed capital for proper purposes in accordance with law.

2. Residents being economic organizations or credit institutions that borrow foreign loans and pay foreign debts must satisfy the conditions on borrowing of foreign loans and payment of foreign debts, register their loans, open and use accounts for borrowing of foreign loans and payment of foreign debts, withdraw and transfer money to pay debts as well as report on the use of borrowed capital in accordance with regulations of the State Bank of Vietnam.

3. Foreign loans of residents being economic organizations or credit institutions must be registered with and certified by the State Bank of Vietnam. The State Bank of Vietnam shall certify the registration of loans within the total foreign capital-borrowing limit approved annually by the Prime Minister.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Residents being individuals may borrow loans and pay foreign debts only when satisfying the relevant conditions set by the State Bank of Vietnam and permitted by the Governor of the State Bank of Vietnam.

2. Residents being individuals must register their loans, open and use accounts for borrowing of foreign loans and payment of foreign debts, withdraw capital and pay foreign debts as well as report on the use of their loans in accordance with regulations of the State Bank of Vietnam.

Article 23.- Purchase of foreign currencies to pay foreign debts

Residents may purchase foreign currencies from licensed credit institutions for the payment of foreign loan principals, interests and charges on the basis of presentation of valid vouchers.

Section 5. PROVISION AND RECOVERY OF FOREIGN LOANS

Article 24.- Provision and recovery of foreign loans by the Government

1. The Government shall decide on the provision and recovery of foreign loans of the State, the Government and their authorized organizations on the basis of macro balances of the state capital sources.

2. The Finance Ministry shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the State Bank of Vietnam, the Ministry of Planning and Investment and concerned ministries and branches in submitting to the Prime Minister for decision the lending levels, loan capital sources, lending forms, borrowers and mechanisms for management of the provision and recovery of foreign loans by the Government.

3. Annually, the Finance Ministry shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the concerned ministries and branches in, summing up the situation of the provision and recovery of foreign loans by the Government and report it to the Prime Minister.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Residents being credit institutions may provide and recover foreign loans in form of financial or commercial credit in accordance with regulations of the State Bank of Vietnam.

2. The State Bank of Vietnam shall specify lending conditions, borrowers, lending forms and mechanisms for management of foreign-loan provision and recovery by residents being credit institutions.

Article 26.- Foreign-loan provision and recovery by residents being economic organizations

1. Residents being economic organizations may provide and recover foreign loans only when so permitted by the Prime Minister. The State Bank of Vietnam shall specify licensing conditions, procedures and order and submit them to the Prime Minister for decision to permit residents being economic organizations to provide and recover foreign loans.

2. When permitted to provide and recover foreign loans in foreign currencies, residents being economic organizations must open foreign currency accounts for the provision and recovery of foreign loans at licensed credit institutions, transfer loan capital, recover loan principals, interests and relevant charges via these accounts in accordance with regulations of the State Bank of Vietnam.

Section 6. ISSUANCE OF SECURITIES AT HOME AND ABROAD

Article 27.- Residents being organizations which issue securities abroad

1. When licensed to issue securities in form of bonds in foreign currencies abroad, residents being organizations must comply with this Decree's provisions on borrowing of foreign loans and payment of foreign debts, which are applicable to residents being organizations, as well as relevant provisions of law.

2. When licensed to issue securities in form of shares, investment fund certificates or other securities in foreign currencies abroad, residents being organizations must open capital accounts for issuance of securities in foreign currencies at licensed credit institutions and conduct foreign currency collection and spending related to the issuance of securities via such accounts in accordance with regulations of the State Bank of Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Nonresidents being organizations may only issue securities in Vietnam dong in the Vietnamese territory.

2. When licensed to issue securities in Vietnam, nonresidents being organizations must open capital accounts for issuance of securities in Vietnam dong at licensed credit institutions, and conduct Vietnam-dong collection and spending transactions related to the issuance of securities via such accounts in accordance with regulations of the State Bank of Vietnam.

3. Vietnam dong earnings from the issuance of securities in the Vietnamese territory shall be used to buy foreign currencies from licensed credit institutions for transfer abroad.

Chapter IV

USE OF FOREIGN EXCHANGE IN THE VIETNAMESE TERRITORY

Article 29.- Provisions on restricted use of foreign exchange

In the Vietnamese territory, all transactions, payments, listings and advertisements of residents and nonresidents must not be effected in foreign exchange, except for the following cases:

1. Transactions with credit institutions and other organizations licensed to provide foreign exchange services.

2. Residents being organizations may internally transfer capital in foreign currencies via bank accounts (between units with the legal person status and dependent cost-accounting units or vice versa).

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Residents may accept payments in foreign currencies, which are made through account transfer under entrusted import or export contracts.

5. Residents being domestic or foreign contractors may accept payments in foreign currencies, which are made through account transfer by investors or principal contractors for payment and transfer abroad.

6. Residents being insurance business organizations may receive foreign currencies transferred via bank accounts by insurance buyers for goods and services for which re-insurance must be purchased overseas.

7. Residents being organizations dealing in duty-free goods, organizations providing services in isolated areas of international border-gates or organizations dealing in bonded warehouses may accept payments in foreign currencies and Vietnam dong from the supply of goods and provision of services.

8. Residents being border-gate customs offices, police at international border gates and bonded warehouses may receive foreign currencies from nonresidents with regard to entry and exit taxes and visa fees or service charges.

9. Nonresidents being diplomatic missions or consulates may collect entry and exit visa fees and other charges and fees in foreign currencies.

10. Nonresidents and residents being foreigners may receive wages, bonuses and allowances in foreign currencies from residents or nonresidents being organizations.

11. Nonresidents may make account transfers in foreign currencies to other nonresidents or pay residents money for export of goods and services.

12. Other cases to be considered and approved by the Governor of the State Bank of Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Residents and nonresidents being organizations may open and use foreign currency deposit accounts at licensed credit institutions in order to conduct the following collection and spending transactions:

a/ Collecting foreign currencies transferred from abroad;

b/ Collecting foreign currencies from lawful revenue sources in the country;

c/ Collecting foreign currencies in cash from overseas under regulations of the State Bank of Vietnam;

d/ Spending on the sale of foreign currencies to licensed credit institutions;

e/ Spending on money transfer or payment for current transactions, capital transactions and transactions in which payment in foreign currencies is allowed in the country;

f/ Spending on the conversion into other foreign currencies or payment instruments in foreign currencies;

g/ Spending on the withdrawal of foreign currency cash for individuals working in such organizations when they are sent to work abroad;

h/ Spending on account transfer or withdrawal of foreign currency cash to pay wages, bonuses or allowances to nonresidents or residents being foreigners;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Residents and nonresidents being individuals may open and use foreign currency deposit accounts at licensed credit institutions to conduct the following collection and spending transactions:

a/ Collecting foreign currencies transferred via bank accounts from overseas;

b/ Collecting foreign currency cash brought from overseas under regulations of the State Bank of Vietnam;

c/ Collecting foreign currencies from other lawful revenue sources;

d/ Spending on the sale of foreign currencies to licensed credit institutions;

e/ Spending on money transfer or payment for current transactions, capital transactions and transactions in which payment in foreign currencies is allowed in the country;

f/ Spending on the conversion into other foreign currencies or payment instruments in foreign currencies;

g/ Spending on donation, presentation or inheritance in accordance with law;

h/ Spending on the withdrawal of foreign currency cash;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



j/ Spending on the transfer to foreign currency savings at licensed credit institutions (for residents being individuals).

3. Licensed credit institutions shall oversee and control collections and spendings effected via foreign currency deposit accounts in order to ensure that payments and money transfers are conducted for proper purposes and in accordance with this Decree.

Article 31.- Foreign currency accounts of residents in foreign countries

1. Residents being organizations or individuals may open and use foreign currency accounts in foreign countries according to the following regulations:

a/ Residents being credit institutions may open and use accounts in foreign countries in order to conduct foreign exchange activities overseas;

b/ Residents being economic organizations that have branches or representative offices in foreign countries or wish to open foreign currency accounts in foreign countries in order to receive foreign loan capital, implement commitments or perform contracts with foreign parties may be considered and granted permits by the State Bank of Vietnam to open foreign currency accounts overseas;

c/ Residents being Vietnamese diplomatic missions, consulates, armed forces units and representatives of political organizations, socio-political organizations, social organizations, socio-professional organizations, social funds or charity funds based in foreign countries may open and use foreign currency accounts overseas;

d/ During their stays overseas, Vietnamese citizens may open and use foreign currency accounts overseas in accordance with the laws of host countries.

Upon the termination or expiration of their stays overseas, organizations and individuals mentioned at Points c and d above must close their accounts and transfer all account balances back to the home country.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 32.- Use of foreign currency cash by individuals

1. Residents and nonresidents being individuals that have foreign currencies in cash may store, carry along, donate, present, bequeath or sell them to licensed credit institutions, transfer or carry abroad such foreign currencies for lawful purposes and payment to subjects which are entitled to collect foreign currencies in accordance with the provisions of this Decree.

2. Residents being individuals that have foreign currencies in cash may deposit such foreign currencies as savings at licensed credit institutions, withdraw principals and interests in foreign currency cash in accordance with the provisions of law on foreign currency savings.

Article 33.- Use of Vietnam dong by nonresidents

Nonresidents being organizations or individuals may open and use Vietnam dong at licensed credit institutions in order to conduct the following collection and spending transactions:

1. Collection from the sale of foreign currencies to licensed credit institutions.

2. Collection from lawful revenue sources in Vietnam.

3. Spending on payment or withdrawal of cash for spending in Vietnam.

4. Spending on payment for current transactions or capital transactions under the provisions of this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. Spending on the purchase of foreign currencies from licensed credit institutions for transfer abroad.

7. Spending for other purposes permitted by law.

Article 34.- Use of Vietnam dong by residents being foreign individuals

1. Residents being foreign individuals may open and use Vietnam dong accounts at licensed credit institutions in order to conduct collection and spending transactions under the provisions of Article 33 of this Decree.

2. Residents being foreign individuals may open and use Vietnam dong-indirect investment accounts opened at licensed credit institutions to conduct indirect investment transactions according to the provisions of Article 14 of this Decree.

Article 35.- Use of currencies of the countries bordering on Vietnam

Residents being organizations or individuals that have lawful revenue sources in currencies of the countries bordering on Vietnam from the import or export of goods or services or other lawful revenue sources may open accounts in such currencies at licensed credit institutions and conduct the following collection and spending transactions:

a/ Collection from the sale of goods and services;

b/ Collection from the purchase of currencies of the bordering countries at licensed credit institutions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Spending on payment for import of goods and services;

e/ Spending on the sale of foreign currencies to licensed credit institutions or to foreign exchange counters.

f/ Spending on withdrawal of cash for payment of salaries, bonuses and allowances to foreigners working for the organizations or spendings in bordering countries;

g/ Spending for other purposes permitted by law.

2. The use of currencies of bordering countries in the sale and purchase of goods in border areas and border-gate economic zones shall comply with regulations of the State Bank of Vietnam.

Article 36.- Issuance and use of payment cards

1. In the Vietnamese territory, residents and nonresidents being individuals with international cards may use such cards for payment at licensed credit institutions and units accepting them.

2. Units accepting cards may only accept payment in Vietnam dong made by the card payment banks.

3. Based on the practical situation, the State Bank of Vietnam shall provide for the issuance and use of cards according to the objectives of foreign exchange management.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



FOREIGN CURRENCY MARKET, EXCHANGE RATE MECHANISM AND MANAGEMENT OF GOLD IMPORT AND EXPORT

Article 37.- Vietnam's foreign currency market

1. Foreign currency market means the place where foreign currency sale and purchase take place. Participants in foreign currency market include the State Bank of Vietnam, licensed credit institutions, foreign exchange counters as well as organizations and individuals being residents and nonresidents in Vietnam.

The State Bank of Vietnam shall specify conditions, modes and types of foreign currency transactions in the foreign currency market.

2. Inter-bank foreign currency market means a market for transactions between the State Bank of Vietnam and licensed credit institutions and among licensed credit institutions. Members of the inter-bank foreign currency market may buy and sell foreign currencies by the modes and forms of professional transactions, based on the agreements and commitments between concerned parties in accordance with international practice and regulations of the State Bank of Vietnam.

3. When participating in the concentrated inter-bank foreign currency market organized and administered by the State Bank of Vietnam, licensed credit institutions must abide by the regulation on organization and operation of this market, issued by the State Bank of Vietnam.

Article 38.- Operations of the State Bank of Vietnam in the foreign currency market

Based on the exchange rate fluctuations in the foreign currency market and objectives of the monetary policy in each period, the State Bank of Vietnam shall formulate and implement a scheme of intervention by purchasing or selling foreign currencies in the domestic foreign currency market.

Article 39.- Exchange rate mechanism applicable to Vietnam dong

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The exchange rate mechanism applicable to Vietnam dong is a floating exchange rate mechanism administered by the State Bank of Vietnam on the basis of the monetary baskets of the countries having trade, borrowing, debt-payment and investment relations with Vietnam according to specific macro-economic objectives in each period.

Article 40.- Management of the import and export of gold in bullions, bars, granules or pieces

Credit institutions and organizations licensed to trade in gold may import and export gold in bullions, bars, granules and pieces in accordance with regulations of the State Bank of Vietnam.

Chapter VI

PROVISION OF FOREIGN EXCHANGE SERVICES BY CREDIT INSTITUTIONS AND OTHER ORGANIZATIONS

Section 1. PROVISION OF FOREIGN EXCHANGE SERVICES IN THE DOMESTIC MARKET

Article 41.- Scope of, and conditions for, the provision of foreign exchange services by banks

1. When satisfying the conditions set by the State Bank of Vietnam, banks may be permitted by the State Bank of Vietnam to provide foreign exchange services within the following scope:

a/ Providing foreign exchange transactions in form of spot, forward or swap transactions, option, future contracts and other foreign exchange transactions in accordance with international practice;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Issuing, acting as agents to issue international payment cards;

d/ Providing money transfer and payment services (domestically and internationally) to subjects defined in this Decree; receiving and paying foreign currencies;

e/ Discounting, rediscounting valuable papers in foreign currencies;

f/ Authorizing other credit institutions and economic organizations acting as agents to provide a number of foreign exchange services, including currency exchange, foreign currency receipt and payment and other services as provided for by this Decree;

g/ Providing entrusting services and services of managing assets in foreign exchange;

h/ Providing banking services of investment in foreign exchange (foreign currency securities purchase, sale, merger, underwriting and issuance agency...);

i/ Providing foreign exchange consultancy services to customers;

j/ Conducting other foreign exchange activities in accordance with international practice and Vietnamese law.

2. The State Bank of Vietnam shall specify conditions, dossiers and procedures for and certify the qualifications of banks to provide foreign exchange services.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Non-bank credit institutions must register with the State Bank of Vietnam their operations to provide a number or all of the following foreign exchange services:

1. For financial companies:

a/ Providing foreign exchange transactions in form of spot, forward or swap transactions, option and other foreign exchange transactions in accordance with international practice;

b/ Receiving time deposits in foreign currencies for a term of one year or longer, issuing bonds and valuable papers in foreign currencies, borrowing capital in foreign currencies from domestic and foreign credit institutions;

c/ Providing short-, medium- and long-term loans in foreign currencies, discount, rediscount and pledge of valuable papers in foreign currencies, providing credit guarantees in foreign currencies;

d/ Providing entrusting services and services of managing assets in foreign exchange;

e/ Receiving and paying foreign currencies; authorizing economic organizations to act as foreign exchange agents or payment agents;

f/ Providing foreign exchange consultancy services to customers.

2. For financial leasing companies:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Conducting financial leasing in foreign currencies;

c/ Providing credit guarantees in foreign currencies;

d/ Providing entrusting services and services of managing assets in foreign currencies;

e/ Providing foreign exchange consultancy services to customers.

3. Other non-bank credit institutions may provide a number of foreign exchange services under regulations of the State Bank of Vietnam.

4. The State Bank of Vietnam shall specify the conditions, dossiers and procedures for registration of the provision of foreign exchange services by non-bank credit institutions.

Article 43.- Provision of foreign exchange services by other organizations

1. Economic organizations may act as currency exchange agents for licensed credit institutions when so authorized. The authorization of currency exchange must be effected on the basis of currency exchange agency contracts between credit institutions and authorized economic organizations and registered with the State Bank of Vietnam.

2. Foreign currency reception and payment services

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ The State Bank of Vietnam shall specify the conditions, dossiers and procedures for registration and licensing of economic organizations which provide foreign currency reception and payment services.

3. Provision of other foreign exchange services

Economic organizations may provide foreign exchange services besides those prescribed in Clauses 1 and 2 of this Article only after they are licensed by the State Bank of Vietnam.

Section 2. PROVISION OF FOREIGN EXCHANGE SERVICES ON INTERNATIONAL MARKET

Article 44.- Scope of, and conditions for, the provision of foreign exchange services on international market

1. Credit institutions and other organizations may provide foreign exchange services on international market within the following scope:

a/ For banks

- Providing international payment services;

- Conducting foreign exchange and gold sale and purchase transactions on foreign markets;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Providing services of managing financial assets of customers overseas;

- Providing investment banking services (financial consultancy, sale, purchase, merger, guarantee, co-financing...) on international market.

b/ For financial companies:

- Conducting foreign exchange and gold sale and purchase transactions on foreign markets;

- Participating in foreign monetary and foreign exchange derivative markets;

- Providing services of managing financial assets of customers overseas;

c/ For other organizations:

The State Bank of Vietnam may, on a case-by-case basis, permit other organizations to provide a number of foreign exchange services mentioned in Clauses 1 and 2 of this Article.

2. The State Bank of Vietnam shall specify the conditions, dossiers and procedures for registration of foreign exchange service provision by credit institutions and other organizations on international market.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 45.- Observance of law on foreign exchange management

When providing foreign exchange services, credit institutions and other organizations licensed to conduct foreign exchange activities shall:

1. Provide foreign exchange services within the scope of operation stated in their licenses, certificates of registration of foreign exchange activities, the provisions of this Decree and relevant provisions of law.

2. Take responsibility before law for contents of foreign exchange services entrusted to credit institutions and economic organizations.

3. Observe regulations on assurance of safety in accordance with regulations of the State Bank of Vietnam.

4. Strictly observe and guide their customers to strictly observe regulations on foreign exchange management and relevant provisions of law.

Article 46.- Checking of vouchers

When conducting foreign exchange transactions for customers, credit institutions and other organizations licensed to conduct foreign exchange activities shall examine, check and keep papers and vouchers in compatibility with actual transactions in order to ensure that foreign exchange services are provided for proper purposes and in accordance with the provisions of law.

Article 47.- Satisfaction of foreign currency demands for payment in current transactions

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 48.- Inspection, control and reporting

1. Credit institutions and other organizations licensed to conduct foreign exchange activities are subject to inspection, control and reporting regime provided for by the State Bank of Vietnam.

2. Responsibilities for information reported by licensed credit institutions

Licensed credit institutions shall report information on foreign exchange activities according to the following regulations:

a/ Reporting necessary information and data on foreign exchange and foreign exchange activities according to the time limits provided for in current legal documents on foreign exchange activities;

b/ Requesting customers to supply information for the gathering of data and information on foreign exchange and foreign exchange activities;

c/ Supplying information and advice on foreign exchange policies and activities for organizations and individuals in accordance with the provisions of law;

d/ Keeping secret and taking responsibility for information on the list of classified information of the banking industry.

3. Responsibilities for information reported by organizations and individuals

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Organizations and individuals may request credit institutions to supply information guiding the proper implementation of policies on foreign exchange management.

Chapter VII

STATE MANAGEMENT OF FOREIGN EXCHANGE ACTIVITIES

Article 49- State management of foreign exchange activities

1. The Government shall perform the unified state management of foreign exchange activities:

a/ To take responsibility for performing the state management of foreign exchange activities;

b/ To elaborate and draft legal documents on foreign exchange which fall under its competence.

2. Responsibilities of the State Bank of Vietnam:

a/ To take responsibility before the Government and the Prime Minister for performing the state management of foreign exchange activities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ To coordinate with concerned ministries and branches in drafting legal documents related to foreign exchange;

d/ To take responsibility before the Government and the Prime Minister for international cooperation in the domain of foreign exchange;

e/ To grant and withdraw foreign exchange activity permits;

f/ To inspect and examine foreign exchange activities prescribed in this Decree and the observance of voucher and reporting regimes;

g/ To handle acts of violation on foreign exchange according to its competence.

3. Responsibilities of ministries, government-attached agencies and provincial/municipal People's Committees.

a/ To guide the implementation of this Decree according to their functions and tasks;

b/ To coordinate with the State Bank of Vietnam in drafting relevant legal documents on foreign exchange and foreign exchange activities;

c/ To coordinate with the State Bank of Vietnam in supplying information, propagating regulations and implementing regulations on foreign exchange management;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 50.- Information and reporting regime

1. Responsibilities of the State Bank of Vietnam:

a/ To promulgate the information and reporting regime, analyze, forecast and announce information on foreign exchange activities.

b/ To assume the prime responsibility for, and coordinate with ministries and branches in, gathering information and data for the state management of foreign exchange and formulating international payment balance.

2. Responsibilities of ministries, ministerial-level agencies, government-attached agencies and provincial/municipal People's Committees

Ministries, ministerial-level agencies, government-attached agencies and provincial/municipal People's Committees shall, within the ambit of their tasks and powers, report information and data on foreign exchange activities to the State Bank of Vietnam in service of the state management of foreign exchange and formulation of international payment balance.

Chapter VIII

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 51.- Implementation effect

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To annul the provisions of decrees, decisions and circulars which are contrary to the provisions of this Decree.

Article 52.- Implementation guidance

1. The Governor of the State Bank of Vietnam shall guide and organize the implementation of this Decree.

2. Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government-attached agencies and presidents of provincial/municipal People's Committees shall organize the implementation of this Decree.

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 Hướng dẫn Pháp lệnh Ngoại hối

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


243.697

DMCA.com Protection Status
IP: 2a06:98c0:3600::103
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!