Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 07/VBHN-NHNN Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Người ký: Đoàn Thái Sơn
Ngày ban hành: 28/01/2022 Ngày hợp nhất: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/VBHN-NHNN

Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 2022

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC TIỀN TỆ VÀ NGÂN HÀNG

Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2019, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Nghị định số 143/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010,

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Bảo hiểm tiền gửi ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Phòng, chống rửa tiền ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Phòng, chống khủng bố ngày 12 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật Các công cụ chuyển nhượng ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Pháp lệnh Ngoại hối ngày 13 tháng 12 năm 2005, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối ngày 18 tháng 3 năm 2013;

Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng1.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng bao gồm:

a) Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng giấy phép;

b) Vi phạm quy định về tổ chức, quản trị, điều hành;

c) Vi phạm quy định về cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp;

d) Vi phạm quy định về huy động vốn và phí cung ứng dịch vụ;

đ) Vi phạm quy định về cấp tín dụng, nhận ủy thác, ủy thác và hoạt động liên ngân hàng;

e) Vi phạm quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng;

g) Vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng;

h) Vi phạm quy định về thanh toán, quản lý tiền tệ và kho quỹ;

i) Vi phạm quy định về mua, đầu tư vào tài sản cố định và kinh doanh bất động sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

k) Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

l) Vi phạm quy định về bảo hiểm tiền gửi;

m)2 Vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền; phòng, chống tài trợ khủng bố; phòng, chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;

n) Vi phạm quy định về chế độ thông tin, báo cáo;

o) Vi phạm quy định về cản trở việc thanh tra, không thực hiện yêu cầu của người có thẩm quyền;

p) Vi phạm quy định về mua, bán và xử lý nợ;

q) Vi phạm quy định về an toàn công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng.

Điều 2. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính

1. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

2. Tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này gồm:

a) Tổ chức tín dụng; đơn vị phụ thuộc của tổ chức tín dụng (chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài); chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng;

b) Doanh nghiệp; đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện);

c) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; đơn vị trực thuộc của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (chi nhánh, văn phòng đại diện);

d) Các tổ chức khác được thành lập, hoạt động tại Việt Nam.

Điều 2a. Vi phạm hành chính nhiều lần3

Tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ các hành vi vi phạm hành chính nhiều lần là tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 5; Điều 9; Điều 10; Điều 11; Điều 12; Điều 13; Điều 14; Điều 14a; Điều 15; Điều 16; Điều 17; Điều 18; Điều 19; Điều 20; Điều 21; Điều 22; các khoản 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 23; các khoản 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 24; Điều 25; Điều 26; Điều 27; Điều 28; Điều 28a; Điều 29; Điều 30; Điều 31; Điều 32; Điều 33; khoản 1 Điều 34; Điều 35; Điều 36; Điều 37; Điều 38; Điều 39; Điều 40; Điều 41; Điều 42; Điều 43; Điều 44; Điều 44a; Điều 45; Điều 45a; Điều 46; Điều 47; Điều 50; Điều 51 Nghị định này.

Điều 2b. Thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm hành chính4

Thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để tính thời hiệu xử phạt đối với một số hành vi vi phạm tại Chương II Nghị định này được quy định như sau:

1. Đối với hành vi vi phạm quy định về nhận tiền gửi, cấp tín dụng, nhận ủy thác và ủy thác, mua trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động liên ngân hàng tại điểm a khoản 2 Điều 12; điểm b khoản 3, điểm a, b, đ, g khoản 5, điểm b khoản 6, khoản 8 Điều 14; điểm a khoản 1 Điều 15; khoản 3, điểm a, d, đ khoản 4 Điều 16; khoản 5, khoản 6 Điều 17 Nghị định này, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để tính thời hiệu xử phạt là ngày các bên hoàn thành nghĩa vụ theo thỏa thuận, hợp đồng liên quan đến hành vi vi phạm hành chính.

2. Đối với hành vi vi phạm quy định về công bố, niêm yết công khai thông tin, cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo tại khoản 1 Điều 8; điểm a khoản 1 Điều 12; điểm a khoản 1 Điều 13; điểm c khoản 1 Điều 14; điểm c khoản 4 Điều 17; điểm d khoản 2 Điều 21; điểm a, c khoản 3 Điều 23; điểm a khoản 3 Điều 24; điểm a khoản 1 Điều 30; điểm a khoản 1 Điều 38; điểm a, b, d khoản 1, khoản 2, điểm a, b, c khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 47 Nghị định này, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để tính thời hiệu xử phạt là ngày thực hiện công bố, niêm yết công khai, cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo, sửa đổi, bổ sung thông tin, tài liệu, báo cáo.

3. Đối với hành vi vi phạm quy định về đăng ký, thông báo, thực hiện thủ tục hành chính, gửi, ban hành quy định nội bộ, nội quy, phương án tại Điều 7; điểm b khoản 2 Điều 8; khoản d, đ, e, g khoản 3 Điều 23; điểm a khoản 2 Điều 28; điểm a, b, c khoản 3 Điều 30; điểm a khoản 1 Điều 40 Nghị định này, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để tính thời hiệu xử phạt là ngày thực hiện đăng ký, thông báo, thực hiện thủ tục hành chính, gửi, ban hành, sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ, nội quy, phương án.

4. Đối với hành vi vi phạm quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn, phân loại tài sản có, cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tại Điều 35; điểm a, b, c khoản 1 Điều 36 Nghị định này, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để tính thời hiệu xử phạt là ngày thực hiện đúng tỷ lệ bảo đảm an toàn, phân loại tài sản có, cam kết ngoại bảng, trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo quy định của pháp luật.

5. Đối với hành vi vi phạm quy định về những thay đổi phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản tại Điều 5 Nghị định này, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để tính thời hiệu xử phạt là ngày Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

Điều 3. Hình thức xử phạt, mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả

1. Hình thức xử phạt chính:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn đối với: giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng; giấy phép thu, chi ngoại tệ và hoạt động ngoại hối khác đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, hoạt động kinh doanh casino trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng; giấy phép thành lập bàn đổi ngoại tệ cá nhân trong thời hạn từ 01 tháng đến 06 tháng; giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng;

b) Đình chỉ có thời hạn đối với: hoạt động ngoại hối trong thời hạn 03 tháng đến 06 tháng, nghiệp vụ ủy thác trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng, hoạt động mua, bán nợ trong thời hạn 03 tháng đến 06 tháng, việc thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng, việc sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin của bên thứ ba trong thời hạn 01 tháng đến 03 tháng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính5, tịch thu ngoại tệ, đồng Việt Nam, tịch thu vàng.

3. Mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền:

a) Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đối với tổ chức vi phạm là 2.000.000.000 đồng và đối với cá nhân vi phạm là 1.000.000.000 đồng;

b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân;

c) Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm của cá nhân là người làm việc tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô bằng 10% mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này; mức phạt tiền đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, đơn vị phụ thuộc của các tổ chức này bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân là người làm việc tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô;

d) Thẩm quyền phạt tiền của từng chức danh quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền áp dụng đối với cá nhân. Thẩm quyền phạt tiền áp dụng đối với tổ chức bằng 02 lần thẩm quyền phạt tiền áp dụng đối với cá nhân.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau đây theo quy định cụ thể tại Chương II Nghị định này:

a)6 Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc hoàn trả các loại phí đã thu sai cho tổ chức, cá nhân nộp phí; buộc hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt cho khách hàng; buộc thu hồi nợ; buộc thu hồi số vốn sử dụng không đúng quy định; buộc thu hồi phần số dư cấp tín dụng vượt mức hạn chế, giới hạn; buộc nộp lại giấy phép đã bị tẩy xóa, sửa chữa;

b) Buộc thoái vốn tại công ty con, công ty liên kết; buộc bán số cổ phần vượt tỷ lệ theo quy định; buộc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp; buộc khôi phục lại số cổ phần đã chuyển nhượng;

c) Buộc trích lập các quỹ đúng quy định của pháp luật; buộc thực hiện đúng tỷ lệ bảo đảm an toàn trong thời hạn tối đa 06 tháng; buộc phân loại tài sản có, trích lập dự phòng rủi ro; buộc hoàn nhập số tiền dự phòng rủi ro đã sử dụng không đúng quy định, chuyển khoản nợ đã xử lý bằng dự phòng rủi ro hạch toán nội bảng theo quy định của pháp luật; buộc hủy bỏ ngay quy định nội bộ không đúng quy định của pháp luật; buộc thực hiện đúng quy định của pháp luật về an toàn công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng; buộc duy trì đủ các điều kiện để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng;

d) Buộc hoàn trả/thu hồi tài sản ủy thác cho bên ủy thác; buộc hoàn trả ngay số phí bảo hiểm đã thu, thu hồi ngay số tiền bảo hiểm đã trả; buộc khôi phục nguyên trạng khoản nợ về trước thời điểm thực hiện hoạt động mua, bán nợ;

đ) Buộc thực hiện ngay việc đính chính thông tin sai lệch; buộc gửi lại báo cáo đầy đủ, chính xác; buộc nộp ngay số phí bảo hiểm bị thiếu;

e) Buộc đóng dấu, bấm lỗ tiền giả;

g) Buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm;

h) Buộc duy trì tỷ lệ giá trị tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động so với vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, vốn được cấp theo đúng quy định;

i) Buộc niêm yết công khai ngay bản sao chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi; buộc thực hiện thủ tục chấp thuận niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài hoặc dừng hoạt động niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài đối với hành vi vi phạm;

k) Không cho mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động trong thời gian chưa khắc phục xong vi phạm;

l) Chưa cho chia cổ tức đối với hành vi vi phạm;

m)7 Không được ký hợp đồng thanh toán thẻ với các tổ chức thanh toán thẻ khác; không được ký hợp đồng đại lý thanh toán với các bên giao đại lý thanh toán khác;

n)8 Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp: thu hồi giấy phép; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ; thu hồi giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài; thu hồi giấy phép thành lập bàn đổi ngoại tệ cá nhân; thu hồi giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; thu hồi văn bản chấp thuận hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng; thu hồi giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm, yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

o) Thay thế các đối tượng được bầu, bổ nhiệm hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định miễn nhiệm các đối tượng được bầu, bổ nhiệm vi phạm quy định.

p)9 Buộc chấm dứt hoạt động đại lý thanh toán; buộc tách biệt tài khoản thanh toán chỉ sử dụng cho hoạt động đại lý thanh toán;

q)10 Buộc thực hiện các quy định về nhận biết, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng; buộc ban hành quy định nội bộ đúng quy định pháp luật; buộc thực hiện đúng quy định pháp luật về quan hệ ngân hàng đại lý, các giao dịch liên quan tới công nghệ mới, giám sát đặc biệt một số giao dịch, đánh giá rủi ro.

Điều 3a. Thi hành biện pháp khắc phục hậu quả11

Việc thi hành một số biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng như sau:

1. Đối với biện pháp khắc phục hậu quả là đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp: thu hồi giấy phép; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ; thu hồi giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài; thu hồi giấy phép thành lập bàn đổi ngoại tệ cá nhân; thu hồi giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; thu hồi văn bản chấp thuận hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng; thu hồi giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả này.

2. Đối với biện pháp khắc phục hậu quả là đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp: đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả này.

3. Đối với biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại giấy phép bị tẩy xóa, sửa chữa: căn cứ quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm nộp lại giấy phép bị tẩy xóa, sửa chữa tới cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.

Chương II

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ MỨC PHẠT TIỀN

Mục 1. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG GIẤY PHÉP

Điều 4. Vi phạm quy định về giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tên tổ chức ghi trên các tài liệu, giấy tờ trong hoạt động không đúng tên tổ chức ghi trong giấy phép.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không đảm bảo đủ các điều kiện quy định về điều kiện khai trương hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Các tổ chức tín dụng.

3. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cho mượn, cho thuê, mua, bán, chuyển nhượng giấy phép;

b) Tẩy xóa, sửa chữa giấy phép làm thay đổi nội dung giấy phép mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 27 Nghị định này.

4. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Gian lận12 các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để được cấp giấy phép trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 4 Điều 27 Nghị định này;

b) Hoạt động không đúng nội dung ghi trong giấy phép, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 17, điểm o khoản 4, điểm c khoản 8 Điều 23, điểm c khoản 5, khoản 6 Điều 24, điểm c khoản 4 Điều 27 Nghị định này.

5. Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với hành vi vẫn tiếp tục hoạt động sau khi đã bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp hạn chế, đình chỉ, tạm đình chỉ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 59 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

6.13 Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Hoạt động không có giấy phép trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 8 Điều 23, khoản 8 Điều 24, khoản 5 Điều 27 Nghị định này;

b) Vi phạm quy định về sử dụng thuật ngữ liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định tại Điều 5 Luật Các tổ chức tín dụng.

7.14 (được bãi bỏ)

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 3, 4, 5 và 6 Điều này;

b) Đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép đối với hành vi vi phạm tại khoản 4 và khoản 5 Điều này;

c) Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 3, 4, 5 và 6 Điều này.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

d)15 Buộc nộp lại giấy phép bị tẩy xóa, sửa chữa đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

Điều 5. Vi phạm quy định về những thay đổi phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản

1.16 (được bãi bỏ)

2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với việc thực hiện một trong các hành vi sau đây khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản:

a) Thay đổi tên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

b) Tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ 05 ngày làm việc trở lên, trừ trường hợp tạm ngừng hoạt động do sự kiện bất khả kháng;

c)17 Thành lập chi nhánh, phòng giao dịch ở trong nước; thành lập văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài của tổ chức tín dụng; khai trương hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch ở trong nước, phòng giao dịch bưu điện.

3. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp của chủ sở hữu; mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên góp vốn; mua bán, chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn; mua bán, chuyển nhượng cổ phần dẫn đến cổ đông lớn trở thành cổ đông thường và ngược lại khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

4. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi thay đổi mức vốn điều lệ, mức vốn được cấp khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

5. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với việc thực hiện một trong các hành vi sau đây khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản:

a) Thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, chi nhánh của tổ chức tín dụng, địa điểm đặt trụ sở của chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

b) Niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.

c)18 Thay đổi chi nhánh quản lý phòng giao dịch của tổ chức tín dụng;

d)19 Tự nguyện chấm dứt hoạt động của chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng;

đ)20 Thực hiện nội dung hoạt động, hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.

6. Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với việc thực hiện một trong các hành vi sau đây khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản:

a) Thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 103 và khoản 3 Điều 110 Luật Các tổ chức tín dụng;

b) Góp vốn, mua cổ phần, chuyển nhượng phần vốn góp, mua lại phần vốn góp của tổ chức tín dụng theo quy định tại Điều 71, điểm b khoản 4 Điều 103 Luật Các tổ chức tín dụng;

c) Tham gia hệ thống thanh toán quốc tế;

d) Mua lại cổ phần của cổ đông mà sau khi thanh toán hết số cổ phần mua lại dẫn đến việc giảm vốn điều lệ theo quy định tại Điều 57 Luật Các tổ chức tín dụng.

đ)21 Cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt không qua tài khoản thanh toán của khách hàng.

7. Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với hành vi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức pháp lý tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Chưa cho chia cổ tức đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 6 Điều này cho đến khi khôi phục lại vốn điều lệ;

b) Buộc thoái vốn tại công ty con, công ty liên kết đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b khoản 6 Điều này;

c) Buộc thực hiện thủ tục chấp thuận niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc dừng hoạt động niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5 Điều này;

d) Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, khoản 5, các điểm b, d khoản 6 Điều này.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Mục 2. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC, QUẢN TRỊ, ĐIỀU HÀNH

Điều 6. Vi phạm quy định về tổ chức, quản trị, điều hành

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Vi phạm quy định về Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát quy định tại Điều 43, Điều 44, Điều 62, khoản 1 Điều 70, Điều 81, Điều 84 Luật Các tổ chức tín dụng;

b) Không duy trì việc đảm bảo đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn đối với thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng;

c) Không tổ chức hoặc tổ chức Đại hội đồng cổ đông, Đại hội thành viên không đúng quy định.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi bầu, bổ nhiệm những người không được cùng đảm nhiệm chức vụ quy định tại Điều 34 và khoản 3 Điều 83 Luật Các tổ chức tín dụng.

3. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bầu, bổ nhiệm những người không được đảm nhiệm chức vụ quy định tại các khoản 2, 3 Điều 33 Luật Các tổ chức tín dụng;

b) Bầu, bổ nhiệm những chức danh quy định tại khoản 5 Điều 50, khoản 2 Điều 75 Luật Các tổ chức tín dụng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật.

4. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi bầu, bổ nhiệm những chức danh không đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 50 Luật Các tổ chức tín dụng.

5. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bầu, bổ nhiệm những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Các tổ chức tín dụng;

b) Bầu, bổ nhiệm nhân sự không thuộc danh sách nhân sự dự kiến đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Thay thế các đối tượng được bầu, bổ nhiệm hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định miễn nhiệm các đối tượng được bầu, bổ nhiệm vi phạm quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này.

Điều 7. Vi phạm quy định về ban hành điều lệ, quy định nội bộ

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không gửi Ngân hàng Nhà nước một hoặc một số các văn bản quy định nội bộ theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điều 40 Nghị định này;

b) Không gửi Ngân hàng Nhà nước điều lệ, điều lệ được sửa đổi, bổ sung của tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Các tổ chức tín dụng;

c) Ban hành quy định nội bộ có nội dung không đầy đủ theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không ban hành một hoặc một số các quy định nội bộ theo quy định của pháp luật;

b) Ban hành quy định nội bộ có nội dung không đúng quy định của pháp luật.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc hủy bỏ ngay quy định nội bộ không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Điều 8. Vi phạm quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán độc lập

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo kết quả kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập, báo cáo về hệ thống kiểm soát nội bộ theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Các tổ chức tín dụng;

b) Không thông báo cho Ngân hàng Nhà nước về tổ chức kiểm toán độc lập được lựa chọn trong thời hạn 30 ngày theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Các tổ chức tín dụng.

3. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kiểm toán nội bộ không thực hiện những nội dung quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định pháp luật;

b) Không thực hiện kiểm toán độc lập theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Các tổ chức tín dụng và quy định pháp luật, không thực hiện kiểm toán độc lập lại trong trường hợp báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ của tổ chức kiểm toán độc lập theo quy định tại khoản 3 Điều 42 Luật Các tổ chức tín dụng và quy định của pháp luật;

c) Không thực hiện giám sát của quản lý cấp cao, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, đánh giá nội bộ về mức đủ vốn theo quy định của pháp luật.

4. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi không thành lập kiểm toán nội bộ chuyên trách thuộc Ban kiểm soát.

5. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 40 Luật Các tổ chức tín dụng.

Mục 3. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ CỔ PHẦN, CỔ PHIẾU, PHẦN VỐN GÓP

Điều 9. Vi phạm quy định về cổ phần, cổ phiếu và giới hạn góp vốn, chuyển nhượng, hoàn trả phần vốn góp

1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không phát hành cổ phiếu đối với trường hợp cổ phiếu được phát hành dưới hình thức chứng chỉ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày khai trương hoạt động đối với tổ chức tín dụng thành lập mới hoặc trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cổ đông thanh toán đủ cổ phần cam kết mua đối với tổ chức tín dụng tăng vốn điều lệ;

b) Cổ đông sáng lập không nắm giữ số cổ phần tối thiểu về tỷ lệ và thời gian quy định tại khoản 5 Điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng;

c) Vi phạm quy định về giới hạn góp vốn, tỷ lệ sở hữu vốn góp, chuyển nhượng, hoàn trả phần vốn góp của thành viên góp vốn theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng;

b) Mua lại cổ phần của cổ đông mà sau khi thanh toán hết số cổ phần mua lại không đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng quy định tại khoản 1 Điều 130 Luật Các tổ chức tín dụng;

c) Chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định tại khoản 4 Điều 56 Luật Các tổ chức tín dụng.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc bán số cổ phần vượt tỷ lệ theo quy định trong thời hạn tối đa 06 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Buộc thực hiện đúng tỷ lệ bảo đảm an toàn trong thời hạn tối đa 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

c) Chưa cho chia cổ tức đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này cho đến khi khắc phục xong vi phạm;

d) Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

đ) Buộc chuyển nhượng cổ phần đúng quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

Điều 10. Vi phạm quy định về góp vốn, mua cổ phần

1. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi dùng nguồn vốn khác ngoài vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vốn, mua cổ phần không đúng quy định tại khoản 1 Điều 103, khoản 1 Điều 110 Luật Các tổ chức tín dụng.

2. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện hoạt động kinh doanh quy định tại khoản 2 Điều 103 Luật Các tổ chức tín dụng nhưng không thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết.

3.22 Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác không đúng điều kiện và vượt giới hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước;

b) Góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của tổ chức tín dụng không đúng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 54 Luật Các tổ chức tín dụng.

4. Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Vi phạm về giới hạn góp vốn, mua cổ phần quy định tại Điều 129 Luật Các tổ chức tín dụng;

b) Vi phạm quy định về góp vốn, mua cổ phần quy định tại Điều 135 Luật Các tổ chức tín dụng.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi số vốn sử dụng không đúng quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần không đúng quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này;

c) Chưa cho chia cổ tức đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này cho đến khi khắc phục xong vi phạm;

d) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này;

đ) Không cho mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động trong thời gian chưa khắc phục xong vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

e) Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 11. Vi phạm quy định về chào bán, chuyển nhượng cổ phần

1. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi chuyển nhượng cổ phần trong thời gian đảm nhiệm chức vụ quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Các tổ chức tín dụng.

2. Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi chuyển nhượng cổ phần trong thời gian xử lý hậu quả theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông hoặc theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước do trách nhiệm cá nhân thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) trừ một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 56 Luật Các tổ chức tín dụng.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại số cổ phần đã chuyển nhượng quy định tại Điều này trong thời gian tối đa 06 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực;

b) Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Mục 4. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ HUY ĐỘNG VỐN VÀ PHÍ CUNG ỨNG DỊCH VỤ

Điều 12. Vi phạm quy định về nhận tiền gửi

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không công bố hoặc không niêm yết công khai các nội dung phải công bố hoặc niêm yết công khai về nhận tiền gửi và phát hành giấy tờ có giá theo quy định của pháp luật;

b) Thực hiện nhận tiền gửi hoặc phát hành giấy tờ có giá không đúng với nội dung đã công bố hoặc niêm yết công khai;

c) Nhận tiền gửi, chi trả tiền gửi không đúng thủ tục theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Nhận tiền gửi, phát hành giấy tờ có giá không đúng đối tượng được gửi tiền, đối tượng mua giấy tờ có giá theo quy định của pháp luật;

b) Nhận tiền gửi, phát hành giấy tờ có giá không đúng quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều này.

Điều 13. Vi phạm quy định về lãi suất huy động vốn, phí cung ứng dịch vụ, kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không niêm yết công khai lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ theo quy định;

b) Niêm yết lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng;

c) Thu các loại phí cung ứng dịch vụ không đúng quy định pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 4 Điều 14, điểm m khoản 4 Điều 23 Nghị định này.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi áp dụng lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ cao hơn mức đã niêm yết.

3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về lãi suất huy động vốn; kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh về lãi suất, tiền tệ, giá cả hàng hóa và tài sản tài chính khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và điểm a khoản 8 Điều 23 Nghị định này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm mức phí cung ứng dịch vụ quy định tại Điều này;

b) Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Mục 5. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ CẤP TÍN DỤNG, NHẬN ỦY THÁC, ỦY THÁC VÀ HOẠT ĐỘNG LIÊN NGÂN HÀNG

Điều 14. Vi phạm quy định về cấp tín dụng

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Lưu giữ hồ sơ cấp tín dụng không đúng quy định của pháp luật;

b) Phát hành cam kết bảo lãnh không theo hình thức mẫu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thiết kế;

c) Không niêm yết công khai thông tin, không cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu cho khách hàng theo quy định của pháp luật.

d)23 Hành vi tiếp nhận và xử lý khiếu nại của khách hàng không đúng quy định của pháp luật về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính;

đ)24 Không tổ chức tập huấn, đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên theo quy định của pháp luật về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính;

e)25 Vi phạm quy định về mức cho vay tiêu dùng tối đa theo quy định của pháp luật về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính;

g)26 Không ban hành khung lãi suất cho vay tiêu dùng trong từng thời kỳ hoặc ban hành khung lãi suất cho vay tiêu dùng không đầy đủ các nội dung theo quy định pháp luật về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

2.27 Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng theo quy định của pháp luật;

b) Vi phạm quy định về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Lập hợp đồng, thỏa thuận cấp tín dụng không đủ các nội dung theo quy định của pháp luật;

b)28 Miễn, giảm lãi suất cấp tín dụng khi chưa ban hành quy định nội bộ;

c) Chuyển nợ quá hạn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ không đúng quy định của pháp luật;

d) Áp dụng lãi suất cấp tín dụng không đúng quy định của pháp luật;

đ) Thu lãi nợ quá hạn không đúng quy định của pháp luật;

e) Thu nợ khoản vay bị quá hạn trả nợ không đúng quy định của pháp luật.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thu không đúng quy định của pháp luật các loại phí liên quan đến hoạt động cấp tín dụng;

b) Sử dụng phương thức giải ngân không đúng quy định, trừ trường hợp quy định tại điểm g khoản 4 Điều 23 Nghị định này.

5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cấp tín dụng không có hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản;

b) Cấp tín dụng đối với tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;

c) Cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật Các tổ chức tín dụng;

d) Vi phạm quy định về cấp tín dụng tại khoản 3 Điều 127 Luật Các tổ chức tín dụng;

đ) Cho vay để đáp ứng nhu cầu vốn không được cho vay theo quy định của pháp luật;

e) Ký thỏa thuận cấp bảo lãnh, cam kết bảo lãnh không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

g) Bao thanh toán đối với một hoặc một số trường hợp không được bao thanh toán theo quy định của pháp luật.

6. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Vi phạm giới hạn cấp tín dụng quy định tại các khoản 2, 4 Điều 127, các khoản 1, 2 và 8 Điều 128 Luật Các tổ chức tín dụng;

b) Cấp tín dụng dưới hình thức khác khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận;

c) Vi phạm quy định về mức cho vay tối đa của tổ chức tín dụng khi cho vay để đầu tư ra nước ngoài.

7. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về giới hạn và điều kiện cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, giới hạn và điều kiện cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

8. Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi cấp tín dụng đối với tổ chức, cá nhân quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng.

9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi phần số dư cấp tín dụng vượt mức hạn chế, giới hạn trong thời hạn tối đa 06 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 6, khoản 7 Điều này;

b) Buộc thu hồi nợ trong thời hạn tối đa 06 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, đ khoản 5, điểm b khoản 6, khoản 8 Điều này;

c) Buộc cổ đông lớn, cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần, vốn góp theo quy định của pháp luật trong thời hạn tối đa 06 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c, d khoản 5, điểm a khoản 6 Điều này;

d) Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, điểm a khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều này.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền, của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 14a. Vi phạm quy định về điểm giới thiệu dịch vụ29

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

1. Không ký kết hợp đồng về việc mở điểm giới thiệu dịch vụ.

2. Hợp đồng về việc mở điểm giới thiệu dịch vụ không quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các bên liên quan và thời hạn hiệu lực hợp đồng.

3. Thực hiện các hoạt động tại điểm giới thiệu dịch vụ ngoài phạm vi được phép theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Vi phạm quy định về nhận ủy thác và ủy thác

1. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Nhận ủy thác, ủy thác không đúng đối tượng, phạm vi theo quy định của pháp luật;

b) Lập hợp đồng ủy thác không đúng theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi nhận ủy thác, ủy thác không tuân thủ các nguyên tắc ủy thác theo quy định của pháp luật.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ nghiệp vụ ủy thác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc hoàn trả/thu hồi tài sản ủy thác cho bên ủy thác đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

b) Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 16. Vi phạm quy định về mua trái phiếu doanh nghiệp

1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không giám sát việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi lập hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp không đủ các nội dung theo quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi mua trái phiếu doanh nghiệp không có hợp đồng.

4. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thẩm định, kiểm tra phương án và các điều kiện phát hành trái phiếu của doanh nghiệp để xem xét quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp khi chưa có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật;

b) Không thẩm định, kiểm tra phương án và các điều kiện phát hành trái phiếu của doanh nghiệp;

c) Vi phạm quy định về mua trái phiếu doanh nghiệp chuyển đổi;

d) Mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành nhằm mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp.

đ)30 Chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu chuyển đổi.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi nợ trong thời hạn tối đa 01 năm kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này;

b) Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, Điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh, ngân hàng nước ngoài.

Điều 17. Vi phạm quy định trong hoạt động liên ngân hàng

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cập nhật và lưu giữ thông tin giao dịch cho vay, đi vay; mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá không đúng quy định của pháp luật;

b) Không xác nhận thực hiện giao dịch theo quy định;

c) Lập hợp đồng cho vay, mua lại giấy tờ có giá không đúng hình thức, nội dung theo quy định của pháp luật.

d)31 Thực hiện giao dịch mua, bán giấy tờ có giá bằng đồng tiền không phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thực hiện đúng quy định về thời hạn cho vay, đi vay, gửi tiền, nhận tiền gửi và mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá;

b) Không thực hiện thanh toán các giao dịch cho vay, đi vay; gửi tiền, nhận tiền gửi; mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá bằng đồng Việt Nam qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng theo quy định của pháp luật;

c) Không thực hiện đúng quy trình mua bán giấy tờ có giá theo quy định;

d) Thực hiện giao dịch cho vay, đi vay, gửi tiền, nhận tiền gửi ngoài phạm vi được ủy quyền.

đ)32 Mua kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi có thời hạn còn lại không đúng quy định của pháp luật.

3, Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện giao dịch cho vay, đi vay ngoài trụ sở của chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thực hiện đúng quy định về nguyên tắc chung khi thực hiện giao dịch cho vay, đi vay; mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; gửi tiền tại tổ chức tín dụng khác không đúng quy định của pháp luật;

b) Không xem xét, đánh giá lại khách hàng theo quy định để xác định lại hạn mức tín dụng đối với từng khách hàng;

c) Không thực hiện đúng quy định về cung cấp thông tin cho bên cho vay để phục vụ cho việc đánh giá khách hàng và xác định hạn mức giao dịch.

5.33 Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như sau:

a) Mua, bán có kỳ hạn các loại giấy tờ có giá không được phép mua, bán;

b) Mua, bán giấy tờ có giá của công ty tài chính hoặc công ty cho thuê tài chính phát hành không đúng quy định pháp luật.

6. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện việc đi vay, cho vay, mua, bán giấy tờ có giá bằng ngoại tệ không đúng phạm vi hoạt động ngoại hối được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 5, khoản 6 Điều này.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Mục 6. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG CUNG ỨNG DỊCH VỤ THÔNG TIN TÍN DỤNG

Điều 18. Vi phạm quy định về nguyên tắc, điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không đảm bảo duy trì đủ một trong các điều kiện để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng;

b) Các thỏa thuận, cam kết trong hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng không được lập đúng hình thức theo quy định của pháp luật;

c) Không công bố thông tin theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gian lận34 các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 3 Điều này;

b) Đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 3 Điều này;

c) Buộc duy trì đủ các điều kiện để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

Điều 19. Vi phạm quy định về thu thập, xử lý thông tin tín dụng

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thu thập thông tin tín dụng không thuộc phạm vi theo quy định của pháp luật;

b) Thu thập thông tin tín dụng của khách hàng vay khi chưa được sự đồng ý của khách hàng vay, trừ trường hợp thu thập thông tin theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Sử dụng thông tin tiêu cực về khách hàng vay để tạo lập sản phẩm thông tin tín dụng không đúng quy định của pháp luật;

d) Cản trở hoạt động thu thập thông tin tín dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi cố ý làm sai lệch nội dung thông tin tín dụng.

3. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi thu thập trái phép các thông tin thuộc phạm vi, danh mục bí mật của Nhà nước.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Đình chỉ việc thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện ngay việc đính chính thông tin sai lệch đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 20. Vi phạm quy định về an toàn, lưu giữ thông tin tín dụng

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

1. Không thực hiện quy định, quy trình bảo mật, an toàn công nghệ thông tin trong hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng;

2. Không lưu giữ thông tin tín dụng về khách hàng vay trong thời hạn tối thiểu 05 năm kể từ ngày tổ chức hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng tiếp nhận được;

3. Không thực hiện rà soát, đánh giá quy định nội bộ định kỳ hàng năm về tính thích hợp, tuân thủ quy định của pháp luật.

Điều 21. Vi phạm quy định về khai thác, sử dụng sản phẩm, dịch vụ và trao đổi, cung cấp thông tin tín dụng

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cung cấp, sao chép sản phẩm thông tin tín dụng để cung cấp cho bên thứ ba không đúng quy định của pháp luật;

b) Không khuyến cáo cho người sử dụng về nguyên tắc, phạm vi sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sửa đổi sản phẩm thông tin tín dụng để cung cấp cho bên thứ ba không đúng quy định của pháp luật;

b) Cung cấp, trao đổi thông tin tín dụng, cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng khi chưa được sự đồng ý tại thỏa thuận với khách hàng vay, không đúng quy định của pháp luật;

c) Cản trở hoạt động sử dụng thông tin tín dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

d) Không niêm yết công khai mức giá cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng theo quy định của pháp luật.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ việc thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 22. Vi phạm quy định về điều chỉnh sai sót đối với thông tin tín dụng của khách hàng vay

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

1. Không trả lời văn bản đề nghị điều chỉnh sai sót hoặc không thông báo kết quả việc điều chỉnh sai sót theo quy định của pháp luật;

2. Không thực hiện điều chỉnh sai sót hoặc phối hợp điều chỉnh sai sót đối với thông tin tín dụng của khách hàng vay theo quy định của pháp luật.

Mục 7. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG NGOẠI HỐI VÀ KINH DOANH VÀNG

Điều 23. Vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối

1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

b) Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

c) Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;

b) Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;

c) Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không niêm yết tỷ giá mua, bán ngoại tệ tại địa điểm giao dịch theo quy định của pháp luật;

b) Niêm yết tỷ giá mua, bán ngoại tệ nhưng hình thức, nội dung niêm yết tỷ giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng;

c) Không niêm yết, thông báo công khai tỷ giá quy đổi giữa đồng Việt Nam, ngoại tệ với đồng tiền quy ước trong hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, hoạt động kinh doanh casino; niêm yết, thông báo công khai tỷ giá quy đổi giữa mệnh giá đồng tiền quy ước với đồng Việt Nam, ngoại tệ trong hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, hoạt động kinh doanh casino không đúng quy định của pháp luật;

d) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc đăng ký, thông báo với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố đối với các trường hợp thay đổi liên quan đến hoạt động đại lý đổi ngoại tệ;

đ) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc thông báo, làm thủ tục đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đối với các trường hợp thay đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ;

e) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc làm thủ tục đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung giấy phép thu, chi ngoại tệ và hoạt động ngoại hối khác, đối với trường hợp thay đổi tên doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, tên doanh nghiệp kinh doanh casino, tên gọi của tổ chức mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài;

g) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về thủ tục hành chính đối với: thủ tục chấp nhận chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước đầu tư; việc đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài, khoản phát hành trái phiếu quốc tế; đăng ký, đăng ký thay đổi khoản cho vay ra nước ngoài, khoản thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú; đăng ký, đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài; đăng ký chương trình cổ phiếu thưởng phát hành ở nước ngoài; đăng ký hạn mức tự doanh; đăng ký hạn mức tự doanh tạm thời; đăng ký hạn mức nhận ủy thác; đăng ký hạn mức nhận ủy thác tạm thời và các thủ tục hành chính khác liên quan đến giao dịch vốn khác; thủ tục hành chính đối với trường hợp đầu tư gián tiếp ra nước ngoài khác;

h) Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 đôla Mỹ đến dưới 100.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

i) Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 đôla Mỹ đến dưới 100.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

k) Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 10.000 đôla Mỹ đến dưới 100.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật;

l) Mua, bán ngoại tệ không đúng tỷ giá quy định của Ngân hàng Nhà nước, trừ trường hợp quy định tại điểm đ và điểm m khoản 4 Điều này; thu phí giao dịch ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Ký hợp đồng đại lý đổi ngoại tệ với tổ chức không đủ điều kiện làm đại lý đổi ngoại tệ; không hướng dẫn, kiểm tra đại lý đổi ngoại tệ theo quy định của pháp luật;

b) Không thực hiện đúng trách nhiệm của đại lý đổi ngoại tệ theo quy định của pháp luật; làm đại lý đổi ngoại tệ đồng thời cho hai tổ chức tín dụng trở lên không đúng quy định của pháp luật;

c) Thanh toán công cụ chuyển nhượng bằng ngoại tệ không đúng quy định về hoạt động ngoại hối quy định tại Điều 9 Luật Các công cụ chuyển nhượng và các quy định pháp luật có liên quan;

d) Không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc mở, đóng, sử dụng tài khoản tại Việt Nam để thực hiện một trong các hoạt động: Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; vay, trả nợ nước ngoài; cho vay, thu hồi nợ nước ngoài, phát hành chứng khoán ở nước ngoài của người cư trú là tổ chức; phát hành chứng khoán tại Việt Nam của người không cư trú là tổ chức và các giao dịch vốn khác;

đ) Quy định tỷ giá, các khoản chi hoa hồng, môi giới bằng tiền, hiện vật và các hình thức chi khuyến mại trong hoạt động mua, bán ngoại tệ dưới bất kỳ hình thức nào dẫn đến tỷ giá mua, bán, quy đổi thực tế vượt biên độ tỷ giá theo quy định của pháp luật;

e) Làm đại lý chi trả ngoại tệ đồng thời cho hai tổ chức kinh tế trở lên không đúng quy định của pháp luật;

g)35 Thực hiện việc rút vốn, trả nợ đối với các khoản vay nước ngoài; giải ngân, thu hồi nợ đối với các khoản cho vay ra nước ngoài; thực hiện thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú; thực hiện chuyển tiền phục vụ hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài không đúng quy định của pháp luật, trừ trường hợp hành vi vi phạm này là hậu quả của hành vi vi phạm tại điểm d khoản 4 Điều này;

h) Chuyển, mang ngoại tệ, đồng Việt Nam ra nước ngoài, vào Việt Nam không đúng quy định của pháp luật, trừ các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan;

i) Ủy quyền, ủy quyền lại cho tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng làm đại lý chi, trả ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật;

k) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc mở, đóng, sử dụng tài khoản chuyên dùng ngoại tệ trong hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ;

l) Không thực hiện đúng trách nhiệm của tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế làm đại lý chi, trả ngoại tệ, tổ chức kinh tế trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ trong việc cập nhật sổ sách kế toán, lưu giữ chứng từ phù hợp với quy định của pháp luật;

m) Không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc thu phí, áp dụng tỷ giá chi trả trong hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ;

n) Giao dịch, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận, niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật;

o) Không thực hiện đúng các nội dung quy định trong Giấy phép thành lập bàn đổi ngoại tệ cá nhân.

5. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Mở, đóng, sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài không đúng quy định của pháp luật;

b) Cung ứng dịch vụ thanh toán, chuyển tiền đối với các giao dịch liên quan đến khoản vay nước ngoài, khoản cho vay, thu hồi nợ nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài và các giao dịch vốn khác không đúng quy định của pháp luật;

c) Quy đổi mệnh giá đồng tiền quy ước không đúng quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, doanh nghiệp kinh doanh casino;

d) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc mở, đóng, sử dụng tài khoản chuyên dùng ngoại tệ trong hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, hoạt động kinh doanh casino;

đ) Không nộp số ngoại tệ tiền mặt vượt mức tồn quỹ vào tài khoản chuyên dùng ngoại tệ mở tại ngân hàng được phép trong trường hợp có nguồn thu ngoại tệ tiền mặt từ hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, hoạt động kinh doanh casino vượt mức tồn quỹ theo quy định của pháp luật;

e) Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

g) Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

h) Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.

i)36 Không thực hiện đúng trách nhiệm của đại lý đổi ngoại tệ theo quy định của pháp luật trong trường hợp tái phạm; làm đại lý đổi ngoại tệ đồng thời cho hai tổ chức tín dụng trở lên không đúng quy định của pháp luật trong trường hợp tái phạm.

6. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cấp tín dụng hoặc trả nợ trong nước bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điều 14 Nghị định này;

b) Không bán ngoại tệ thu được cho tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 5 Điều này.

c)37 Mở, đóng, sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài không đúng quy định của pháp luật trong trường hợp tái phạm.

7. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không chấp hành các quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài; cho vay, thu hồi nợ nước ngoài; bảo lãnh cho người không cư trú và các giao dịch vốn khác, trừ trường hợp quy định tại các điểm g khoản 3, điểm d, g khoản 4 và điểm b khoản 5 Điều này;

b) Thực hiện giao dịch ngoại tệ giữa tổ chức tín dụng với nhau, giữa tổ chức tín dụng với khách hàng không đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 8 Điều này;

c) Không tuân thủ trạng thái ngoại tệ theo quy định của pháp luật.

8. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh tỷ giá, ngoại hối không đúng quy định của pháp luật;

b) Xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt không đúng quy định của pháp luật;

c) Hoạt động ngoại hối khi không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị tước hoặc không đúng nội dung đã quy định trong giấy phép, trừ trường hợp quy định tại các điểm d, o khoản 4, các điểm a, d khoản 5 Điều này.

9. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, các điểm h, i, k khoản 3, điểm h khoản 4, các điểm e, g, h khoản 5, điểm b khoản 6 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép thu, chi ngoại tệ và hoạt động ngoại hối khác đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, hoạt động kinh doanh casino trong thời hạn từ 03 đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d, đ khoản 4 Điều này (đối với nội dung không thực hiện việc điều chỉnh giấy phép);

d) Tước quyền sử dụng giấy phép thành lập bàn đổi ngoại tệ cá nhân trong thời hạn 01 đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm o khoản 4 Điều này;

đ) Đình chỉ hoạt động ngoại hối trong thời hạn 03 tháng đến 06 tháng đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 8 Điều này.

10.38 Biện pháp khắc phục hậu quả:

Đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ, giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài, giấy phép thành lập bàn đổi ngoại tệ cá nhân đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm i khoản 5, điểm c khoản 6 Điều này.

Điều 24. Vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vàng

1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng;

b) Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;

b) Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng miếng tại địa điểm giao dịch theo quy định của pháp luật;

b) Vi phạm trách nhiệm của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng khi có thay đổi về mạng lưới chi nhánh, địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng theo quy định của pháp luật.

4. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh mua, bán vàng miếng không đúng quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 8 Điều này;

b) Mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh không đúng quy định của pháp luật, trừ các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

5. Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thực hiện kinh doanh mua, bán vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm;

b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về trạng thái vàng;

c) Xuất khẩu, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ; vàng nguyên liệu dưới dạng bột, dung dịch, vẩy hàn, muối vàng và các loại vàng trang sức dưới dạng bán thành phẩm mà không đúng theo nội dung ngành nghề đã đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

6.39 Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sử dụng vàng nguyên liệu nhập khẩu không đúng theo giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ;

b) Thực hiện kinh doanh mua, bán vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm trong trường hợp tái phạm.

7. Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động sản xuất vàng miếng không đúng quy định của pháp luật.

8. Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng;

b) Thực hiện xuất khẩu hoặc nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật;

c) Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định của pháp luật.

9. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu số vàng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, c khoản 8 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều này.

10.40 Biện pháp khắc phục hậu quả:

Đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 6 Điều này.

Mục 8. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ THANH TOÁN, QUẢN LÝ TIỀN TỆ VÀ KHO QUỸ

Điều 25. Vi phạm quy định về thanh toán liên ngân hàng

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không chấp hành đúng quy định về tổ chức thanh toán bù trừ, thanh toán bù trừ, thanh toán liên ngân hàng;

b) Không trả lại các bộ chứng từ thanh toán bị sai trong ngày làm việc, trừ trường hợp bất khả kháng;

c) Trả tiền vào tài khoản người nhận sau thời gian quy định;

d) Gửi chứng từ ký quỹ không đúng quy định về thời gian.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không trả lại ngay Lệnh chuyển Có đã bị từ chối hợp lệ; từ chối Lệnh chuyển Nợ có ủy quyền hợp lệ;

b) Giao cho người không được ủy quyền khởi tạo, truyền các giao dịch qua hệ thống thanh toán bù trừ, thanh toán liên ngân hàng.

3. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cản trở việc vận hành hệ thống thanh toán bù trừ, thanh toán liên ngân hàng;

b) Để lộ hoặc tiết lộ ra ngoài các thông tin không được phép tiết lộ liên quan đến hệ thống thanh toán liên ngân hàng.

Điều 26. Vi phạm quy định về hoạt động thanh toán

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa không đúng quy định trên các phương tiện thanh toán, chứng từ thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Tiếp nhận, xử lý tra soát, khiếu nại của khách hàng không đúng quy định của pháp luật;

b)41 Cung cấp không trung thực thông tin có liên quan đến việc sử dụng dịch vụ thanh toán.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về thời gian trong thanh toán, chuyển tiền, trừ các trường hợp thanh toán giữa tổ chức tín dụng với Ngân hàng Nhà nước;

b) Vi phạm quy định về thông báo, niêm yết biểu phí dịch vụ thanh toán, biểu phí dịch vụ thẻ.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a)42 Cung cấp không trung thực thông tin có liên quan đến việc cung ứng dịch vụ thanh toán;

b) Ký duyệt lệnh thanh toán không đúng thẩm quyền hoặc sử dụng chữ ký điện tử của người khác;

c) Mở, sử dụng và ủy quyền sử dụng tài khoản thanh toán không đúng quy định của pháp luật trong quá trình sử dụng dịch vụ thanh toán.

5.43 Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Làm giả chứng từ thanh toán khi cung ứng, sử dụng dịch vụ thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

6.44 Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Mở tài khoản thanh toán cho khách hàng, cho phép khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán không đúng quy định của pháp luật trong quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán;

b) Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Làm giả phương tiện thanh toán, lưu giữ, lưu hành, chuyển nhượng, sử dụng phương tiện thanh toán giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

đ) Hoạt động không đúng nội dung chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước về việc cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng.

7.45 Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, đánh cắp dữ liệu, phá hoại, làm thay đổi trái phép chương trình phần mềm, dữ liệu điện tử sử dụng trong thanh toán; lợi dụng lỗi hệ thống mạng máy tính để trục lợi mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh;

c) Thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện thực hiện các hành vi: sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán, phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gian lận, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác;

d) Lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

8.46 Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm sau đây:

a) Vi phạm quy định thanh toán bằng tiền mặt;

b) Thực hiện cung ứng dịch vụ thanh toán mà không phải là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

9. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, điểm b khoản 5 và điểm c, d khoản 6 Điều này.

10.47 Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều này;

b) Không cho mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động trong thời gian chưa khắc phục xong vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, c, d khoản 6, điểm c khoản 7 và điểm a khoản 8 Điều này;

c) Đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi văn bản chấp thuận hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng đối với hành vi vi phạm tại điểm đ khoản 6 Điều này.

Điều 27. Vi phạm quy định về trung gian thanh toán

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a)48 Cung cấp không trung thực thông tin có liên quan đến việc cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán;

b) Tiếp nhận, xử lý tra soát, khiếu nại của khách hàng không đúng quy định của pháp luật;

c) Vi phạm quy định về công cụ để Ngân hàng Nhà nước giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ ví điện tử.

2.49 Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng ví điện tử, trả lãi trên số dư ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm gia tăng giá trị tiền tệ trên ví điện tử so với giá trị tiền khách hàng nạp vào ví điện tử;

b) Vi phạm quy định về thực hiện việc nạp tiền vào ví điện tử, rút tiền ra khỏi ví điện tử.

3.50 Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Tiết lộ, cung cấp thông tin khách hàng, thông tin về số dư ví điện tử và các giao dịch thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không đúng quy định của pháp luật;

b) Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử hoặc mua, bán thông tin ví điện tử từ 01 ví điện tử đến dưới 10 ví điện tử;

c) Vi phạm quy định về tài khoản đảm bảo thanh toán.

4.51 Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Gian lận các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Tẩy xóa, thay đổi nội dung ghi trong giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; ủy thác, giao đại lý cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoạt động được phép theo giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;

c) Hoạt động không đúng nội dung quy định trong giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;

d) Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử hoặc mua, bán thông tin ví điện tử từ 10 ví điện tử trở lên;

đ) Làm giả chứng từ khi cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

e) Thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện thực hiện các hành vi: sử dụng, lợi dụng dịch vụ trung gian thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gian lận, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác;

g) Vi phạm quy định về hạn mức giao dịch qua ví điện tử;

h) Báo cáo không trung thực số dư, số lượng ví điện tử theo quy định của pháp luật;

i) Mở hoặc duy trì ví điện tử nặc danh, mạo danh;

k) Lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin ví điện tử;

l) Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện cung ứng dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ, dịch vụ ví điện tử, dịch vụ cổng thanh toán điện tử khi chưa có thỏa thuận hợp tác, hợp đồng cung ứng dịch vụ với ngân hàng, các tổ chức khác phù hợp với nội dung Giấy phép và quy định của pháp luật;

m) Không yêu cầu khách hàng hoàn thành việc liên kết ví điện tử với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng mở tại ngân hàng liên kết trước khi khách hàng sử dụng ví điện tử.

4a.52 Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi báo cáo không trung thực số dư, số lượng ví điện tử theo quy định của pháp luật trong trường hợp tái phạm.

5. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không có giấy phép.

6.53 Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 4 Điều này.

7.54 Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, điểm b, c khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều này;

b) Đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đối với hành vi vi phạm tại các điểm a, b, c, e khoản 4; khoản 4a Điều này;

c) Buộc nộp lại giấy phép bị tẩy xóa, sửa chữa đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều này.

Điều 28. Vi phạm quy định về hoạt động thẻ ngân hàng

1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thực hiện việc kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng máy giao dịch tự động;

b) Không cập nhật thông tin về việc triển khai lắp đặt, thay đổi địa điểm, thay đổi thời gian hoạt động, chấm dứt hoạt động máy giao dịch tự động trên hệ thống quản lý máy giao dịch tự động và trang thông tin điện tử chính thức của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thông báo việc triển khai lắp đặt, thay đổi địa điểm, thay đổi thời gian hoạt động, chấm dứt hoạt động của máy giao dịch tự động theo quy định của pháp luật;

b) Không đảm bảo thời gian phục vụ khách hàng của hệ thống máy giao dịch tự động theo quy định của pháp luật;

c) Không duy trì hoạt động của bộ phận hỗ trợ khách hàng để khách hàng liên hệ được bất cứ lúc nào;

d) Không giám sát mức tồn quỹ tại máy giao dịch tự động, không đảm bảo máy giao dịch tự động phải có tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng theo quy định; không đảm bảo yêu cầu về hạn mức cho một lần rút tiền tại máy giao dịch tự động theo quy định của pháp luật;

đ) Không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về phần mềm, đường truyền cho máy giao dịch tự động theo quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đảm bảo yêu cầu về nhật ký giao dịch của máy giao dịch tự động theo quy định của pháp luật.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, bảo mật hoạt động của máy giao dịch tự động.

5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Vi phạm đồng tiền thanh toán trên thẻ;

b) Thu phụ phí hoặc phân biệt giá khi chủ thẻ thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ;

c) Thuê, cho thuê, mua, bán thẻ hoặc thông tin thẻ, mở hộ thẻ (trừ trường hợp thẻ trả trước vô danh) với số lượng từ 01 thẻ đến dưới 10 thẻ;

d)55 Lập hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ không đúng theo quy định pháp luật.

6.56 Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thuê, cho thuê, mua, bán thẻ hoặc thông tin thẻ, mở hộ thẻ (trừ trường hợp thẻ trả trước vô danh) với số lượng từ 10 thẻ trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Phát hành thẻ, thanh toán thẻ không đúng quy định của pháp luật;

c) Không từ chối thanh toán thẻ trong các trường hợp sử dụng thẻ để thực hiện các giao dịch thẻ bị cấm theo quy định của pháp luật, thẻ đã được chủ thẻ thông báo bị mất, thẻ hết hạn sử dụng, thẻ bị khóa, sử dụng thẻ không đúng phạm vi đã thỏa thuận tại hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về phát hành và sử dụng thẻ.

7.57 Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện thực hiện việc sử dụng thẻ trả trước vô danh trên môi trường Internet, chương trình ứng dụng trên thiết bị di động hoặc rút tiền mặt;

b) Chuyển mạch thẻ, bù trừ giao dịch thẻ, quyết toán giao dịch thẻ không đúng theo quy định pháp luật về hoạt động thẻ ngân hàng;

c) Chuyển thiết bị chấp nhận thẻ, QR Code cho bên khác sử dụng; chấp nhận thanh toán thẻ mà không có hợp đồng thanh toán thẻ; sử dụng trái phép các thiết bị chấp nhận thẻ, QR Code;

d) Thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện để người khác thực hiện các hành vi giao dịch thẻ gian lận, giả mạo; giao dịch thanh toán khống tại đơn vị chấp nhận thẻ (không phát sinh việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ);

đ) Lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin thẻ mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện các hành vi quy định tại điểm c khoản 5, điểm a khoản 6, các điểm a, c và d khoản 7 Điều này.

9.58 Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b, c khoản 5; điểm a, c khoản 6 và khoản 7 Điều này;

b) Không được ký hợp đồng thanh toán thẻ với các tổ chức thanh toán thẻ khác trong thời gian chưa khắc phục xong vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5, điểm a, c, d khoản 7 Điều này.

Điều 28a. Vi phạm quy định về hoạt động đại lý thanh toán59

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cung cấp không trung thực thông tin có liên quan đến việc cung ứng hoặc sử dụng hoạt động đại lý thanh toán;

b) Tiếp nhận, xử lý tra soát, khiếu nại của khách hàng không đúng quy định của pháp luật;

c) Thu các loại phí ngoài biểu phí do bên giao đại lý quy định và công bố;

d) Không tách biệt tài khoản thanh toán chỉ sử dụng cho hoạt động đại lý thanh toán theo quy định của pháp luật;

đ) Không công bố công khai danh sách các bên đại lý thanh toán đã ký kết hợp đồng trên trang thông tin điện tử và ứng dụng của bên giao đại lý.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Lợi dụng việc làm đại lý thanh toán để thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân khác thực hiện các hành vi giao dịch gian lận, giả mạo, chiếm đoạt tiền của khách hàng, hành vi giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và các hành vi vi phạm pháp luật khác;

b) Thực hiện các nghiệp vụ đại lý thanh toán không được bên giao đại lý ký kết trong hợp đồng đại lý thanh toán giữa bên giao đại lý và bên đại lý thanh toán.

3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thực hiện hoạt động giao đại lý, làm đại lý thanh toán không phù hợp với nội dung ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép thành lập hoặc Quyết định quy định về tổ chức và hoạt động của cấp có thẩm quyền quyết định và văn bản sửa đổi, bổ sung Giấy phép (nếu có);

b) Bên giao đại lý vi phạm quy định về số lượng điểm đại lý thanh toán, hạn mức giao dịch đối với một điểm đại lý thanh toán;

c) Bên đại lý thanh toán là tổ chức không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện giao đại lý lại cho bên thứ ba;

d) Thực hiện hoạt động đại lý thanh toán khi chưa ký kết hợp đồng về hoạt động đại lý thanh toán với bên giao đại lý thanh toán;

đ) Bên giao đại lý ký hợp đồng hoạt động đại lý thanh toán với bên đại lý thanh toán không phải là doanh nghiệp thành lập hợp pháp và có dư nợ bị tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân loại vào nhóm nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;

e) Giả mạo, mạo danh bên đại lý thanh toán.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2, khoản 3 Điều này;

b) Buộc chấm dứt hoạt động đại lý thanh toán đối với các chủ thể vi phạm hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;

c) Buộc tách biệt tài khoản thanh toán chỉ sử dụng cho hoạt động đại lý thanh toán đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;

d) Không được ký hợp đồng đại lý thanh toán với các bên giao đại lý thanh toán khác trong thời gian chưa khắc phục xong vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d khoản 1 Điều này;

đ) Buộc hoàn trả các loại phí đã thu sai cho tổ chức, cá nhân nộp phí, trường hợp không xác định được đối tượng được hoàn trả thì nộp vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

e) Buộc hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt cho khách hàng đối với hành vi được thực hiện nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

Điều 29. Vi phạm quy định về công cụ chuyển nhượng

1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi ký vào công cụ chuyển nhượng không đúng thẩm quyền.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thực hiện không đúng quy định về nghĩa vụ của người chấp nhận quy định tại Điều 22 Luật Các công cụ chuyển nhượng;

b) Nhờ thu qua người thu hộ không đúng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 39 Luật Các công cụ chuyển nhượng.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Chuyển nhượng công cụ chuyển nhượng khi đã biết công cụ chuyển nhượng này quá hạn thanh toán hoặc đã bị từ chối chấp nhận, bị từ chối thanh toán hoặc đã được thông báo bị mất quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật Các công cụ chuyển nhượng;

b) Ký phát séc khi không đủ khả năng thanh toán.

4. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Giả mạo chữ ký trên công cụ chuyển nhượng;

b) Không thực hiện đúng quy định về in, giao nhận và quản lý séc trắng quy định tại các khoản 2, 3 Điều 64 Luật Các công cụ chuyển nhượng.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 và khoản 4 Điều này.

Điều 30. Vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ

1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a)60 Không niêm yết công khai tại nơi giao dịch mẫu tiêu biểu và quy định thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông của Ngân hàng Nhà nước;

b) Đối tượng được cấp làm mất tiền mẫu; không thực hiện cấp cho các đối tượng được cấp tiền mẫu; không thu hồi tiền mẫu khi có thông báo đình chỉ lưu hành hoặc khi có yêu cầu;

c) Không mở, không ghi chép đầy đủ các loại sổ sách liên quan đến hoạt động an toàn kho quỹ theo quy định của pháp luật.

2.61 Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định về phân loại, đóng gói, giao nhận kim khí quý, đá quý; đóng gói, niêm phong, giao nhận, bảo quản, vận chuyển, kiểm kê tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 và các điểm b, c, d, đ khoản 5 Điều này.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không ban hành, niêm yết nội quy vào, ra kho tiền, quầy giao dịch tiền mặt; không ban hành quy trình giao dịch tiền mặt nội bộ và giao dịch tiền mặt đối với khách hàng;

b) Không có phương án canh gác, bảo vệ kho tiền;

c) Không có nội quy, phương án phòng cháy, chữa cháy đối với kho tiền;

d) Không thực hiện việc tuyển chọn, phân loại tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.

đ)62 Từ chối đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho khách hàng không đúng quy định của pháp luật.

4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không lắp đặt các thiết bị an toàn kho tiền, phòng cháy, chữa cháy đối với kho tiền theo quy định của pháp luật.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật;

b) Không bảo quản tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá trong thời gian nghỉ buổi trưa theo quy định của pháp luật;

c) Sử dụng và bảo quản chìa khóa cửa kho tiền, gian kho, két sắt, chìa khóa thùng đựng tiền trên xe chuyên dùng không theo quy định của pháp luật;

d) Vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá không sử dụng xe chuyên dùng nhưng không có văn bản quy định về quy trình vận chuyển, bảo vệ, các biện pháp đảm bảo an toàn tài sản của cấp có thẩm quyền;

đ) Không quy định bằng văn bản điều kiện, quy trình nhận, giao trả tài sản cho khách hàng, trách nhiệm của các bộ phận có liên quan trong việc đảm bảo an toàn tài sản khi làm dịch vụ quản lý, bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn và các dịch vụ ngân quỹ khác.

6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sử dụng kho tiền không đúng kết cấu và tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật;

b) Sử dụng cửa kho tiền không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam

1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện tiền giả loại mới;

b) Không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện có dấu hiệu tàng trữ, lưu hành, vận chuyển tiền giả;

c)63 Bố trí người làm công tác thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả chưa qua tập huấn về kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả hoặc chưa qua bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tiền;

d) Không giao nộp tiền giả theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Phát hiện tiền giả nhưng không thu giữ;

b) Phát hiện tiền nghi giả nhưng không tạm giữ;

c) Không lập biên bản hoặc thu giữ tiền giả, không đóng dấu, bấm lỗ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về xử lý tiền giả, tiền nghi giả khi thu giữ tiền giả hoặc tạm giữ tiền nghi giả.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này, giao cơ quan có thẩm quyền xử lý.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc đóng dấu, bấm lỗ tiền giả theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước về xử lý tiền giả, tiền nghi giả đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

b) Buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này;

c) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.

Mục 9. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ MUA, ĐẦU TƯ VÀO TÀI SẢN CỐ ĐỊNH VÀ KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI

Điều 32. Vi phạm quy định về mua, đầu tư vào tài sản cố định

1. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về mua, đầu tư vào tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ đối với tổ chức tín dụng hoặc quá 50% vốn được cấp và quỹ dự trữ bổ sung vốn được cấp đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc duy trì tỷ lệ giá trị tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động so với vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, vốn được cấp theo đúng quy định tại Điều 140 Luật Các tổ chức tín dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong thời hạn tối đa 06 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực;

b) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 33. Vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản

1. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh bất động sản, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 132 Luật Các tổ chức tín dụng.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Mục 10. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ BẢO ĐẢM AN TOÀN HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI

Điều 34. Vi phạm quy định về duy trì dự trữ bắt buộc, mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bắt buộc

1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không duy trì đủ dự trữ bắt buộc theo quy định của pháp luật;

b) Không tuân thủ quy định mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bắt buộc.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không duy trì đủ dự trữ bắt buộc theo quy định của pháp luật trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 35. Vi phạm quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn

1. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật về một trong các tỷ lệ bảo đảm an toàn sau:

a) Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn;

b) Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi;

c) Tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

2. Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật về tỷ lệ khả năng chi trả.

3. Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện đúng tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định trong thời hạn tối đa 06 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này;

b) Không cho mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động và bổ sung nghiệp vụ kinh doanh mới trong thời gian chưa khắc phục xong vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này;

c) Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 3 Điều này.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 36. Vi phạm quy định về phân loại tài sản có, cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro

1. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thực hiện phân loại tài sản có, cam kết ngoại bảng không đúng quy định của pháp luật;

b) Trích lập dự phòng rủi ro không đúng quy định của pháp luật, trừ trường hợp việc trích lập dự phòng rủi ro không đúng quy định của pháp luật là hậu quả của hành vi vi phạm tại điểm a khoản 1 Điều này;

c) Sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro không đúng quy định của pháp luật;

d) Không có biện pháp thu hồi nợ đầy đủ, triệt để đối với khoản nợ đã được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc phân loại tài sản có, trích lập dự phòng rủi ro; hoàn nhập số tiền dự phòng rủi ro đã sử dụng không đúng quy định, chuyển khoản nợ đã xử lý bằng dự phòng rủi ro hạch toán nội bảng theo quy định của pháp luật trong thời hạn tối đa 01 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này;

b) Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 37. Vi phạm quy định về trích lập và sử dụng các quỹ

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi trích lập hoặc sử dụng các quỹ không đúng quy định của pháp luật.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc trích lập các quỹ đúng quy định của pháp luật trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này.

Mục 11. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ BẢO HIỂM TIỀN GỬI

Điều 38. Vi phạm quy định về bảo hiểm tiền gửi

1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không niêm yết công khai bản sao chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi tại tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi;

b) Nộp phí bảo hiểm tiền gửi không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật;

c) Vi phạm thời hạn nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Bảo hiểm tiền gửi.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không nộp phí bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi không đúng thời hạn quy định tại Điều 23 Luật Bảo hiểm tiền gửi.

4. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Nhận bảo hiểm đối với tiền gửi không được bảo hiểm quy định tại Điều 19 Luật Bảo hiểm tiền gửi;

b) Gian lận, giả mạo hồ sơ, tài liệu, giấy tờ về bảo hiểm tiền gửi mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền bảo hiểm;

b) Cản trở, gây khó khăn, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, người được bảo hiểm tiền gửi và cơ quan, tổ chức có liên quan đến bảo hiểm tiền gửi;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc niêm yết công khai ngay bản sao chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi đối với hành vi vi phạm được quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Buộc nộp ngay số phí bảo hiểm bị thiếu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và phải chịu phạt mỗi ngày nộp chậm bằng 0,05% số tiền nộp chậm theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Bảo hiểm tiền gửi;

c) Buộc hoàn trả ngay số phí bảo hiểm đã thu, thu hồi ngay số tiền bảo hiểm đã trả do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này;

d) Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 và các điểm a, c khoản 5 Điều này.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Mục 12. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN; PHÒNG, CHỐNG TÀI TRỢ KHỦNG BỐ; PHÒNG, CHỐNG TÀI TRỢ PHỔ BIẾN VŨ KHÍ HỦY DIỆT HÀNG LOẠT64

Điều 39. Vi phạm quy định về nhận biết, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng65

1. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Hành vi không nhận biết khách hàng; không cập nhật; không xác minh thông tin nhận biết khách hàng hoặc nhận biết khách hàng; cập nhật; xác minh thông tin nhận biết khách hàng không đúng quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11 Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Phòng, chống khủng bố;

b) Hành vi không cập nhật danh sách tổ chức, cá nhân có liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; tổ chức, cá nhân bị chỉ định tham gia vào việc phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

2. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm bí mật thông tin, tài liệu báo cáo quy định tại Điều 29 Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Phòng, chống khủng bố.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện các quy định về nhận biết; cập nhật; xác minh thông tin nhận biết khách hàng theo quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11 Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Phòng, chống khủng bố đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 40. Vi phạm quy định về quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt66

1. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không ban hành quy định nội bộ hoặc ban hành quy định nội bộ không đúng quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố, phòng, chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;

b) Không phân công hoặc không đăng ký phân công hoặc phân công cán bộ, bộ phận chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố không đúng quy định của pháp luật;

c) Không thực hiện kiểm toán nội bộ hoặc thực hiện kiểm toán nội bộ không đúng quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố;

d) Không đào tạo, bồi dưỡng hoặc đào tạo, bồi dưỡng về phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố không đúng quy định của pháp luật.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả

Buộc ban hành quy định nội bộ đúng quy định pháp luật hoặc hủy bỏ ngay quy định nội bộ có nội dung không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

Điều 41. Vi phạm quy định về phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro67

Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro hoặc phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro không đúng quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 12 Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Phòng, chống khủng bố và pháp luật về phòng, chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Điều 42. Vi phạm quy định về việc xác định khách hàng nước ngoài là cá nhân có ảnh hưởng chính trị68

Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không có hệ thống quản lý rủi ro để xác định khách hàng nước ngoài là cá nhân có ảnh hưởng chính trị theo quy định tại các khoản 2, 3 Điều 13 Luật Phòng, chống rửa tiền.

Điều 43. Vi phạm quy định về quan hệ ngân hàng đại lý, giao dịch liên quan tới công nghệ mới, giám sát đặc biệt giao dịch69

1. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không áp dụng các biện pháp quy định tại Điều 14 Luật Phòng, chống rửa tiền khi thiết lập quan hệ ngân hàng đại lý với ngân hàng đối tác nước ngoài;

b) Không ban hành quy trình theo quy định tại Điều 15 Luật Phòng, chống rửa tiền.

2. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi không giám sát đặc biệt đối với một số giao dịch theo quy định tại Điều 16 Luật Phòng, chống rửa tiền.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện các biện pháp quy định tại Điều 14 Luật Phòng, chống rửa tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Buộc ban hành quy trình theo quy định tại Điều 15 Luật Phòng, chống rửa tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

c) Buộc giám sát đặc biệt đối với một số giao dịch theo quy định tại Điều 16 Luật Phòng, chống rửa tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

d) Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 44. Vi phạm quy định về báo cáo giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền điện tử, báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố, báo cáo hành vi tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt70

1. Phạt tiền 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố.

2. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không báo cáo các giao dịch có giá trị lớn;

b) Không báo cáo các giao dịch đáng ngờ liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;

c) Không báo cáo các giao dịch chuyển tiền điện tử;

d) Không báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố quy định tại Điều 30 Luật Phòng, chống rửa tiền, không báo cáo khi có nghi ngờ khách hàng hoặc giao dịch của khách hàng liên quan đến tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc khách hàng nằm trong danh sách đen, danh sách bị chỉ định theo quy định của Luật Phòng, chống khủng bố, pháp luật về phòng, chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc phải gửi lại báo cáo đầy đủ, chính xác đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

b) Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 44a. Vi phạm quy định về cung cấp thông tin71

1. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin, cung cấp thông tin sai lệch hoặc thông tin không đúng quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền, pháp luật về phòng, chống tài trợ khủng bố, pháp luật về phòng, chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc thực hiện ngay việc đính chính thông tin sai lệch đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

b) Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 45. Vi phạm quy định về trì hoãn giao dịch, phong tỏa tài khoản; niêm phong hoặc tạm giữ tài sản72

1. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không báo cáo việc trì hoãn giao dịch khi các bên liên quan tới giao dịch thuộc danh sách đen hoặc có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật Phòng, chống rửa tiền;

b) Không báo cáo việc thực hiện phong tỏa tài khoản, niêm phong, tạm giữ tài sản khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 34 Luật Phòng, chống rửa tiền;

c) Không báo cáo ngay khi thực hiện việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa tiền, tài sản liên quan đến tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch khi các bên liên quan tới giao dịch thuộc danh sách đen hoặc có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Phòng, chống rửa tiền;

b) Không phong tỏa tài khoản, không áp dụng biện pháp niêm phong hoặc tạm giữ tài sản khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 34 Luật Phòng, chống rửa tiền;

c) Không thực hiện ngay việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của pháp luật.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc phải gửi lại báo cáo đầy đủ, chính xác đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 45a. Vi phạm quy định về đánh giá rủi ro73

1. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thực hiện đánh giá, không cập nhật kết quả đánh giá rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền;

b) Không ban hành, không cập nhật các chính sách, quy trình quản lý rủi ro được phát hiện từ báo cáo đánh giá rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền;

c) Không gửi, không phổ biến, không công khai kết quả đánh giá hoặc cập nhật rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện quy định về đánh giá rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 46. Vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố74

1. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố.

2. Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả;

b) Cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng tại một địa điểm khác.

3. Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Tổ chức hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Thiết lập và duy trì quan hệ kinh doanh với ngân hàng được thành lập tại một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nhưng không có sự hiện diện hữu hình tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó và không chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý có thẩm quyền;

c) Không tố giác hành vi tài trợ khủng bố mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Lợi dụng việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến tài trợ khủng bố để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

đ) Trực tiếp hoặc gián tiếp cung cấp tiền, tài sản, nguồn tài chính, nguồn lực kinh tế, dịch vụ tài chính hoặc dịch vụ khác cho tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, khoản 3 Điều này.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Mục 13. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO

Điều 47. Vi phạm quy định về chế độ báo cáo, quản lý và cung cấp thông tin

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Vi phạm quy định về thời hạn, yêu cầu đầy đủ, chính xác từ lần thứ hai trở lên trong năm tài chính của các báo cáo thống kê có định kỳ dưới 01 tháng;

b) Gửi báo cáo không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này, điểm a, điểm c khoản 5 Điều này và khoản 1 Điều 44 Nghị định này;

c) Không lưu giữ, bảo quản hồ sơ, tài liệu đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 Nghị định này;

d) Số liệu báo cáo gửi không chính xác từ 02 lần trở lên trong năm tài chính, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 5 Điều này.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không gửi đủ báo cáo hoặc báo cáo không đủ nội dung theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 44, khoản 1 Điều 45 Nghị định này.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những thay đổi theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 29 Luật Các tổ chức tín dụng;

b) Không công bố nội dung thay đổi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 29 Luật Các tổ chức tín dụng trên các phương tiện thông tin của Ngân hàng Nhà nước và một tờ báo viết hàng ngày trong 03 số liên tiếp hoặc báo điện tử của Việt Nam trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a)75 Báo cáo không trung thực, trừ trường hợp quy định tại điểm h khoản 4 Điều 27 Nghị định này;

b) Cung cấp những thông tin có liên quan đến hoạt động của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đúng quy định của pháp luật;

c) Không cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật;

d) Làm lộ, sử dụng thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đúng mục đích theo quy định của pháp luật.

5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Gửi báo cáo về các chỉ tiêu thông tin tín dụng không đúng thời hạn cho Ngân hàng Nhà nước;

b) Báo cáo các chỉ tiêu thông tin tín dụng không chính xác, không kịp thời, không đầy đủ hoặc không đúng yêu cầu kỹ thuật cho Ngân hàng Nhà nước;

c) Không báo cáo thông tin tín dụng cho Ngân hàng Nhà nước theo quy định về hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước;

d) Không báo cáo thống kê các giao dịch chuyển tiền thanh toán quốc tế ra, vào theo quy định của pháp luật.

6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không báo cáo ngay cấp có thẩm quyền về nguy cơ mất khả năng chi trả;

b) Không thực hiện cung cấp thông tin theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 18 Luật Phòng, chống rửa tiền.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc phải gửi lại báo cáo đầy đủ, chính xác đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, d khoản 1, khoản 2 và khoản 5 Điều này;

b)76 Không cho mở rộng phạm vi, quy mô, địa bàn hoạt động và bổ sung nghiệp vụ kinh doanh mới trong thời gian chưa khắc phục xong vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, d khoản 1; khoản 2 và khoản 5 Điều này;

c) Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 6 Điều này.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Mục 14. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ CẢN TRỞ VIỆC THANH TRA, KHÔNG THỰC HIỆN YÊU CẦU CỦA NGƯỜI CÓ THẨM QUYỀN

Điều 48. Vi phạm quy định về cản trở việc thanh tra, không thực hiện yêu cầu của người có thẩm quyền

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cản trở, gây khó khăn việc thanh tra, kiểm tra của người có thẩm quyền.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra của người có thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi từ chối cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu điện tử cho Đoàn thanh tra, kiểm tra hoặc người có thẩm quyền.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không cung cấp đủ tài liệu, chứng từ, số liệu theo yêu cầu của Đoàn thanh tra;

b) Tự ý tháo bỏ, di chuyển hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng niêm phong gồm: Kho, quỹ, két bạc, sổ sách, chứng từ kế toán, hồ sơ cấp tín dụng hoặc các tang vật đang bị niêm phong, tạm giữ;

c) Không phong tỏa tài khoản, không hủy bỏ phong tỏa tài khoản theo yêu cầu của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a)77 Cung cấp thông tin, tài liệu thiếu trung thực;

b) Can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý của cấp có thẩm quyền và Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng;

c) Che giấu, sửa chữa chứng từ, sổ sách hoặc thay đổi tang vật trong khi đang bị thanh tra.

6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Chuyển vốn, tài sản ra nước ngoài sau khi đã bị phong tỏa;

b) Không thực hiện gửi vốn, tài sản vào Ngân hàng Nhà nước hoặc tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước yêu cầu sau khi đã bị phong tỏa;

c) Không thực hiện phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 49. Vi phạm quy định về nghĩa vụ của đối tượng thanh tra, giám sát ngân hàng

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước;

b) Không thực hiện khuyến nghị, cảnh báo rủi ro và an toàn hoạt động của Ngân hàng Nhà nước;

c) Không báo cáo, giải trình đối với khuyến nghị, cảnh báo rủi ro và an toàn hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Mục 15. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ MUA, BÁN VÀ XỬ LÝ NỢ

Điều 50. Vi phạm quy định về mua, bán nợ của tổ chức tín dụng

1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi không thành lập Hội đồng mua, bán nợ khi thực hiện mua, bán nợ.

2. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Bán khoản nợ đã được sử dụng để bảo đảm nghĩa vụ dân sự khác, trừ trường hợp bên nhận bảo đảm đồng ý bằng văn bản về việc bán nợ;

b) Bên bán nợ mua lại các khoản nợ đã bán, trừ trường hợp quy định tại Điều 148đ Luật Các tổ chức tín dụng đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động mua, bán nợ trong thời hạn 03 tháng đến 06 tháng đối với vi phạm tại khoản 1 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục nguyên trạng khoản nợ về trước thời điểm thực hiện hoạt động mua, bán nợ đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 51. Vi phạm quy định về mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của tổ chức tín dụng Việt Nam

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Quản lý khoản nợ xấu đã mua và kiểm tra, giám sát tài sản bảo đảm có liên quan đến khoản nợ xấu không đúng quy định của pháp luật;

b) Ủy quyền cho tổ chức tín dụng và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động được ủy quyền không đúng quy định của pháp luật;

c) Thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ, hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay không đúng quy định của pháp luật;

d) Góp vốn, mua cổ phần không đúng quy định của pháp luật;

đ) Trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ xấu đã mua theo giá trị thị trường không đúng quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Mua, bán nợ xấu không đúng quy định của pháp luật;

b) Xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đã mua không đúng quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thực hiện các hoạt động được Công ty Quản lý tài sản của tổ chức tín dụng Việt Nam ủy quyền sau khi bán nợ không đúng quy định của pháp luật.

Mục 16. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ AN TOÀN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG

Điều 52. Vi phạm quy định về an toàn công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không đánh giá rủi ro công nghệ thông tin, rủi ro hoạt động trước khi sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin của bên thứ ba theo đúng quy định của pháp luật;

b) Không thực hiện đánh giá an ninh bảo mật hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến cho khách hàng trước khi đưa vào vận hành chính thức.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không phổ biến, cập nhật các quy định về an toàn thông tin của tổ chức cho tất cả cá nhân trong tổ chức tối thiểu mỗi năm một lần;

b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc sao lưu dự phòng bảo đảm an toàn dữ liệu theo quy định của pháp luật;

c) Không triển khai các giải pháp an ninh mạng để kiểm soát các kết nối mạng, phát hiện phòng chống tấn công xâm nhập mạng cho các hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến cho khách hàng;

d) Không thực hiện xác thực khách hàng truy cập dịch vụ khi cung ứng dịch vụ ngân hàng trên Internet theo đúng quy định của pháp luật;

đ) Không hướng dẫn khách hàng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin khi sử dụng dịch vụ ngân hàng trên Internet;

e) Không lưu trữ nhật ký về hoạt động của hệ thống thông tin và người sử dụng, các lỗi phát sinh, các sự cố an toàn thông tin theo quy định của pháp luật.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ việc sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin của bên thứ ba trong thời hạn 01 tháng đến 03 tháng đối với các vi phạm tại điểm a khoản 1 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện đúng quy định của pháp luật về an toàn công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng.

Chương III

THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ THẨM QUYỀN LẬP BIÊN BẢN VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 53. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng78

1. Thanh tra viên ngân hàng đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng;

c)79 Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 1.000.000 đồng;

2. Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

c)80 Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 100.000.000 đồng;

d) Áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 3 Nghị định này.

3. Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 250.000.000 đồng;

c)81 Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 500.000.000 đồng;

d) Áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 3 Nghị định này.

4. Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng;

c) Áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 3 Nghị định này.

5. Trưởng đoàn thanh tra do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng ra quyết định có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Trưởng đoàn thanh tra do Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng, Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh ra quyết định có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 54. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp82

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 10.000.000 đồng.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định này.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định này.

Điều 54a. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân83

1. Chiến sỹ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.

2. Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động cấp đại đội, Trưởng trạm, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.500.000 đồng.

3. Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng Trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn cảnh sát cơ động, Thủy đội trưởng có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 2.500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 5.000.000 đồng.

4. Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh chính trị nội bộ; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng phòng cảnh sát giao thông đường bộ, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát cơ động, Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ, Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Trưởng phòng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Thủy đoàn trưởng có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng;

d) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại điểm e khoản 4 Điều 3 Nghị định này.

5. Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại các điểm a, e, g, k, n, p khoản 4 Điều 3 Nghị định này.

6. Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Tư lệnh Cảnh sát cơ động có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại các điểm a, e, g, k, n, p khoản 4 Điều 3 Nghị định này.

Điều 54b. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Bộ đội biên phòng84

1. Chiến sĩ Bộ đội biên phòng đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.

2. Trạm trưởng, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 2.500.000 đồng.

3. Đội trưởng Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 20.000.000 đồng.

4. Đồn trưởng Đồn biên phòng, Hải đội trưởng Hải đội biên phòng, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng.

5. Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 200.000.000 đồng.

6. Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh; Hải đoàn trưởng Hải đoàn biên phòng, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Điều 54c. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Cảnh sát biển85

1. Cảnh sát viên Cảnh sát biển đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.500.000 đồng.

2. Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng.

3. Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển, Trạm trưởng trạm Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

4. Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng.

5. Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn trinh sát, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 100.000.000 đồng.

6. Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

7. Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Điều 54d. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Quản lý thị trường86

1. Kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.

2. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng.

3. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

d) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.

4. Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

d) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.

Điều 54đ. Thẩm quyền của Thanh tra chuyên ngành du lịch87

1. Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.

2. Chánh Thanh tra Sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Sở có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 100.000.000 đồng;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm n khoản 4 Điều 3 Nghị định này.

3. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Bộ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 250.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 500.000.000 đồng;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm n khoản 4 Điều 3 Nghị định này.

4. Chánh Thanh tra cấp Bộ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm n khoản 4 Điều 3 Nghị định này.

Điều 54e. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Hải quan88

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có quyền phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng.

Điều 54g. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia89

Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có quyền:

1. Phạt cảnh cáo.

2. Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng.

3. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.

4. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

5. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm n khoản 4 Điều 3 Nghị định này.

Điều 55. Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng90

1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II Nghị định này theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Quản lý thị trường

Người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Quản lý thị trường xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1, khoản 2, các điểm a, b, h, i, k, l khoản 3, các điểm n, o khoản 4, các điểm e, g, h khoản 5, điểm c khoản 8 Điều 23; khoản 1, khoản 2, điểm a khoản 3, điểm a khoản 4, điểm a khoản 6, khoản 7, các điểm a, c khoản 8 Điều 24 Nghị định này.

3. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Bộ đội biên phòng

Người có thẩm quyền xử phạt của lực lượng Bộ đội biên phòng xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1, khoản 2, các điểm h, i, k khoản 3, điểm h khoản 4, các điểm e, g, h khoản 5 Điều 23; khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều 24; điểm c khoản 4 Điều 47; khoản 3 Điều 48, điểm a khoản 5 Điều 48 Nghị định này.

4. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Cảnh sát biển

Người có thẩm quyền xử phạt của lực lượng Cảnh sát biển xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1, khoản 2, các điểm h, i, k khoản 3, điểm h khoản 4, các điểm e, g, h khoản 5, điểm b khoản 8 Điều 23; khoản 1, khoản 2, các điểm a, b khoản 4, điểm c khoản 5, điểm a khoản 6, các điểm a, b khoản 8 Điều 24 Nghị định này.

5. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân

Người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Công an nhân dân xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 4; khoản 1, khoản 2, các điểm a, b, c, h, i, k, l khoản 3, các điểm h, n, o khoản 4, các điểm c, e, g, h khoản 5, điểm c khoản 8 Điều 23; khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, các điểm a, c khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8 Điều 24; điểm b khoản 2, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 26; điểm a khoản 1, các điểm a, b khoản 3, các điểm a, b, c, d, đ, e, i, k khoản 4, khoản 5 Điều 27; các điểm c, d khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 28; điểm a khoản 1, các điểm a khoản 2, điểm e khoản 3 Điều 28a; điểm c khoản 3, khoản 4 Điều 30; Điều 31; khoản 2 Điều 39; Điều 44; Điều 45; Điều 46; điểm c khoản 4 Điều 47; Điều 48; điểm b khoản 1, điểm c khoản 2 Điều 52 Nghị định này.

6. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra chuyên ngành du lịch

Người có thẩm quyền xử phạt của Thanh tra chuyên ngành du lịch xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1, khoản 2, các điểm a, b, c, h, i, k, l khoản 3, điểm b, n, o khoản 4, các điểm e, g, h khoản 5 Điều 23 Nghị định này.

7. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Hải quan

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm b khoản 8 Điều 23, điểm c khoản 5, điểm b khoản 8 Điều 24 Nghị định này.

8. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1, khoản 2, các điểm h, i, k khoản 3, các điểm e, g, h khoản 5 Điều 23; khoản 1 Điều 24 Nghị định này.

9. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng

Người có thẩm quyền xử phạt của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II Nghị định này theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Điều 56.Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính

Những người sau đây có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính:

1.91 Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 53, Điều 54, Điều 54a, Điều 54b, Điều 54c, Điều 54d, Điều 54đ, Điều 54e, Điều 54g Nghị định này.

2.92 Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân trong các cơ quan được quy định tại Nghị định này đang thi hành công vụ, nhiệm vụ theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành; người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu và những người được chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu giao nhiệm vụ lập biên bản.

3. Công chức ngành Ngân hàng đang thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao tại văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH93

Điều 57. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 31 tháng 12 năm 2019 và thay thế Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Điều 58. Điều khoản chuyển tiếp

1. Đối với hành vi vi phạm hành chính về tiền tệ và ngân hàng xảy ra trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện nhưng còn thời hiệu xử phạt hoặc đang trong quá trình xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho tổ chức, cá nhân vi phạm.

2. Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành, mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng để giải quyết.

Điều 59. Trách nhiệm thi hành

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nơi nhận:
- Ban lãnh đạo NHNN,
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo),
- Cổng thông tin điện tử NHNN
- Lưu VP, PC3.

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Đoàn Thái Sơn



1 Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019,

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020,

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010,

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017,

Căn cứ Luật Phòng, chống rửa tiền ngày 18 tháng 6 năm 2012,

Căn cứ Luật Phòng, chống khủng bố ngày 12 tháng 6 năm 2013,

Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.”

2 Điểm này được sửa đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

3 Điều này được bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

4 Điều này được bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022

5 Cụm từ “tịch thu giấy phép đã bị tẩy xóa, sửa chữa” được bãi bỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

6 Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

7 Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

8 Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

9 Điểm này được bổ sung theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

10 Điểm này được bổ sung theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

11 Điều này được bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

12 Cụm từ “giả mạo” được bãi bỏ theo quy định tại khoản 3 Điều 2 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

13 Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

14 Khoản này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

15 Điểm này được bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

16 Khoản này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022

17 Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

18 Điểm này được bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

19 Điểm này được bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

20 Điểm này được bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

21 Điểm này được bổ sung theo quy định tại điểm c khoản 7 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

22 Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 8 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

23 Điểm này được bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

24 Điểm này được bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

25 Điểm này được bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

26 Điểm này được bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

27 Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm b khoản 9 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

28 Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm c khoản 9 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

29 Điều này được bổ sung theo quy định tại khoản 10 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

30 Điểm này được bổ sung theo quy định tại khoản 11 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

31 Điểm này được bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 12 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

32 Điểm này được bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 12 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

33 Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm c khoản 12 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

34 Cụm từ “giả mạo” được bãi bỏ theo quy định tại khoản 3 Điều 2 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

35 Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm a khoản 13 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

36 Điểm này được bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 13 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

37 Điểm này được bổ sung theo quy định tại điểm c khoản 13 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

38 Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm d khoản 13 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

39 Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm a khoản 14 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

40 Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm b khoản 14 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022

41 Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm a khoản 15 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

42 Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm b khoản 15 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

43 Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm c khoản 15 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

44 Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm d khoản 15 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

45 Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm đ khoản 15 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

46 Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm e khoản 15 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

47 Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm g khoản 15 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022

48 Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm a khoản 16 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

49 Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm b khoản 16 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022

50 Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm c khoản 16 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

51 Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm d khoản 16 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

52 Khoản này được bổ sung theo quy định tại điểm đ khoản 16 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

53 Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm e khoản 16 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

54 Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm g khoản 16 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

55 Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm a khoản 17 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

56 Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm b khoản 17 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

57 Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm c khoản 17 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

58 Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm d khoản 17 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

59 Điều này được bổ sung theo quy định tại khoản 18 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

60 Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm a khoản 19 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

61 Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm b khoản 19 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

62 Điểm này được bổ sung theo quy định tại điểm c khoản 19 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

63 Điểm này được sửa đổi theo quy định tại khoản 20 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

64 Tên mục này được sửa đổi theo quy định tại khoản 21 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

65 Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 22 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

66 Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 23 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

67 Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 24 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022

68 Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 25 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

69 Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 26 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

70 Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 27 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022

71 Điều này được bổ sung theo quy định tại khoản 28 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

72 Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 29 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022

73 Điều này được bổ sung theo quy định tại khoản 30 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

74 Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 31 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

75 Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm a khoản 32 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

76 Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm b khoản 32 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

77 Điểm này được sửa đổi theo quy định tại khoản 33 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

78 Tên của Điều này được sửa đổi theo quy định tại điểm a khoản 34 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

79 Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm b khoản 34 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

80 Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm c khoản 34 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

81 Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm d khoản 34 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

82 Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 35 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

83 Điều này được bổ sung theo quy định tại khoản 36 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

84 Điều này được bổ sung theo quy định tại khoản 37 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

85 Điều này được bổ sung theo quy định tại khoản 38 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

86 Điều này được bổ sung theo quy định tại khoản 39 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

87 Điều này được bổ sung theo quy định tại khoản 40 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

88 Điều này được bổ sung theo quy định tại khoản 41 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022

89 Điều này được bổ sung theo quy định tại khoản 42 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

90 Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 43 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

91 Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 44 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

92 Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 44 Điều 1 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

93 Điều 3 và Điều 4 của Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 quy định như sau:

“Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này

Điều 4. Điều khoản thi hành

1 Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022

2. Điều khoản chuyển tiếp

a) Đối với hành vi vi phạm xảy ra và đã kết thúc trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực mà bị phát hiện hoặc đang xem xét ra quyết định xử phạt khi Nghị định này đã có hiệu lực thì áp dụng quy định của Nghị định này nếu Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn,

b) Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành, mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng để giải quyết”

THE STATE BANK OF VIETNAM
---------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
---------------

No.: 07/VBHN-NHNN

Hanoi, January 28, 2022

 

DECREE

PENALTIES FOR ADMINISTRATIVE VIOLATIONS IN MONETARY AND BANKING SECTOR

The Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from December 31, 2019, is amended by:

The Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP dated December 31, 2021 providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

Pursuant to the Law on Organization of the Government dated June 19, 2015;

Pursuant to the Law on penalties for administrative violations dated June 20, 2012;

Pursuant to the Law on State Bank of Vietnam dated June 16, 2010;

Pursuant to the Law on Credit Institutions dated June 16, 2010, and the Law on amendments to the Law on Credit Institutions dated November 20, 2017;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Pursuant to the Law on Anti-money Laundering dated June 18, 2012;

Pursuant to the Law on Anti-terrorism dated June 12, 2013;

Pursuant to the Law on Negotiable Instruments dated November 29, 2005;

Pursuant to the Ordinance on Foreign Exchange dated December 13, 2005 and the Ordinance on amendments to the Ordinance on Foreign Exchange dated March 18, 2013;

At the request of the Governor of the State Bank of Vietnam (“SBV”);

The Government promulgates a Decree prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector 1.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Administrative violations in monetary and banking sector include:

a) Violations against regulations on management and use of licenses;

b) Violations against regulations on organization and management;

c) Violations against regulations on shares, share certificates and stakes;

d) Violations against regulations on capital mobilization and service charges;

dd) Violations against regulations on credit extension, offer and acceptance of trusteeship, and interbank operations;

e) Violations against regulations on provision of credit information services;

g) Violations against regulations on foreign exchange operations and gold trading;

h) Violations against regulations on payment, cash and vault management;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



k) Violations against regulations on guarantee of safe operation of credit institutions and FBBs;

l) Violations against regulations on deposit insurance;

m) 2 Violations against regulations on anti-money laundering; anti-terrorism financing; counter to financing of proliferation of weapons of mass destruction;

n) Violations against regulations on provision of information and reporting;

o) Violations against regulations on obstruction of inspection and failure to comply with request of competent officials;

p) Violations against regulations on debt trading and settlement;

q) Violations against regulations on information system security for banking operations.

Article 2. Entities incurring administrative penalties

1. This Decree applies to any organizations or individuals that commit administrative violations in the monetary and banking sector.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Credit institutions and their affiliates (including domestic branches, transaction offices, representative offices and administrative units, overseas branches and representative offices, and their wholly owned banks in foreign countries), FBBs, representative offices of foreign credit institutions and other foreign organizations performing banking operations;

b) Enterprises and their affiliates (including branches and representative offices);

c) Co-operatives, cooperative unions, and their affiliates (including branches and representative offices);

d) Other organizations duly established and operating in Vietnam.

Article 2a. Repeated administrative violations3

Any organization or individual that repeatedly commits an administrative violation shall incur penalties for each violation, except repeated administrative violations which are considered as aggravating circumstances as prescribed in Article 5; Article 9; Article 10; Article 11; Article 12; Article 13; Article 14; Article 14a; Article 15; Article 16; Article 17; Article 18; Article 19; Article 20; Article 21; Article 22; Clauses 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Article 23; Clauses 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Article 24; Article 25; Article 26; Article 27; Article 28; Article 28a; Article 29; Article 30; Article 31; Article 32; Article 33; Clause 1 Article 34; Article 35; Article 36; Article 37; Article 38; Article 39; Article 40; Article 41; Article 42; Article 43; Article 44; Article 44a; Article 45; Article 45a; Article 46; Article 47; Article 50; Article 51 of this Decree.

Article 2b. Time of completion of administrative violations 4

Ending dates of some violations in Chapter II hereof, which are used for determining the running of prescriptive periods of such violations, shall be determined as follows:

1. Regarding administrative violations against regulations on receipt of deposit, credit extension, offer and acceptance of trusteeship, purchase of corporate bonds or interbank operations specified in Point a Clause 2 Article 12; Point a Clause 3, Points a, b, dd, g Clause 5, Point b Clause 6, Clause 8 Article 14; Point a Clause 1 Article 15; Clause 3, Points a, d, dd Clause 4 Article 16; Clause 5, Clause 6 Article 17 of this Decree, the ending date of the violation shall be the date on which relevant parties complete their obligations under an agreement or contract involving that violation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Regarding administrative violations against regulations on registration, notification, following of administrative procedures, submission and promulgation of internal regulations, rules and plans specified in Article 7; Point b Clause 2 Article 8; Clause d, dd, e, g Clause 3 Article 23; Point a Clause 2 Article 28; Point a, b, c Clause 3 Article 30; Point a Clause 1 Article 40 of this Decree, the ending date of the violation shall be the date of registration, notification, following of administrative procedures, submission, promulgation or modification of such internal regulations, rules or plans.

4. Regarding administrative violations against regulations on prudential ratios, classification of assets, off-balance-sheet (OBS) items, creation and use of provisions for losses specified in Article 35; Points a, b, c Clause 1 Article 36 of this Decree, the ending date of the violation shall be the date on which regulations on prudential ratios, classification of assets, off-balance-sheet (OBS) items, creation and use of provisions for losses are strictly observed.

5. Regarding violations against regulations on changes requiring written approval from SBV specified in Article 5 of this Decree, the ending date of the violation shall be the date on which the written approval is given by SBV.

Article 3. Penalties, fines, power to impose penalties and remedial measures

1. Primary penalties:

a) Warnings;

b) Fines.

2. Additional penalties:

a) Suspension of licenses for a fixed period. To be specific: the certificate of registration of currency exchange agent shall be suspended for 01 – 03 months; the license for foreign currency receipt and payment and other foreign currency transactions in the business of providing prize-winning electronic games for foreigners and in the casino business shall be suspended for 03 – 06 months; the license for an individual currency exchange counter shall be suspended for 01 - 06 months; the license for gold bullion trading shall be suspended for 06 – 09 months;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Confiscation of the exhibits and instrumentalities used for committing administrative violations5, confiscation of foreign currencies, Vietnamese Dong and gold.

3. Fines and power to impose fines:

a) The maximum fine for an administrative violation in the monetary and banking sector imposed on an organization is VND 2.000.000.000 and that imposed on an individual is VND 1.000.000.000;

b) The fine for every administrative violation prescribed in Chapter II hereof is imposed on an individual. The fine imposed on an organization is twice as much as the one imposed on an individual for committing the same administrative violation;

c) The fine imposed for an administrative violation committed by a person working at a people’s credit fund or a microfinance institution shall be 10% of the corresponding fine prescribed in Chapter II hereof; The fine imposed on the people’s credit fund or the microfinance institution or their affiliate shall be twice as much as the fine imposed on the person working there;

d) The fines imposed by each competent person prescribed in Chapter III hereof are incurred by individuals. The fine that such a competent person may impose upon an organization is twice as much as the one he/she imposes upon an individual.

4. Remedial measures:

Depending on the nature and severity of each administrative violation in the monetary and banking sector, the violating entity may be liable to one or some of the following remedial measures as prescribed in Chapter II hereof:

a) 6 Enforced transfer of profits illegally obtained from the administrative violation to state budget; enforced return of fees improperly collected to payers; enforced return of appropriated amounts to customers; enforced debt recovery; enforced recovery of improperly used funds; enforced recovery of the amount of credit extended in excess of the credit limit; enforced return of erased or altered licenses;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Enforced establishment of funds in accordance with law regulations; enforced maintenance of prudential ratios within a maximum period of 06 months; enforced classification of assets and creation of provisions for losses; enforced reversal of the improperly used provision, and recording of debts settled with provisions for losses on the balance sheet as prescribed; enforced validation of internal regulations which are issued inconsistently with law regulations; enforced compliance with law regulations on information system security for banking operations; enforced maintenance of the fulfillment of requirements to be issued with the certificate of eligibility to provide credit information services;

d) Enforced return/recovery of trust assets for trustors; enforced reimbursement of collected insurance premiums, and recovery of delivered insurance payouts; enforced reversal of the sale of debts;

dd) Enforced correction of false information; enforced submission of adequate and accurate reports; enforced full payment of insurance premiums;

e) Enforced sealing and punching of counterfeit money;

g) Enforced destruction of the exhibits and instrumentalities used for committing administrative violations;

h) Enforced maintenance of prescribed ratios of the value of fixed assets directly used to serve operations to sum of the charter capital or assigned capital and the fund for charter capital increase or the fund for assigned capital increase in accordance with regulations;

i) Enforced posting of the copy of certificate of deposit insurance; enforced completion of procedures for approval for listing of shares on a foreign securities market or suspension of the listing of shares on a foreign securities market;

k) Prohibition of expansion of operating scope, scale and regions until remedial measures against the violation have been successfully implemented;

l) Suspension of division of dividends;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



n) 8 Proposed revocation of license, certificate of currency exchange agent, license to open and use an offshore foreign-currency account, license for individual currency exchange counter, or license for gold bullion trading, written approval for provision of payment services without customers’ checking accounts, licenses for provision of intermediary payment services; proposed suspension, dismissal or prohibition of violating entities and/or persons responsible for the violation from holding management and supervision positions at credit institutions or FBBs; proposed dismissal and implementation of other appropriate measures against violating entities under the competence of credit institutions or FBBs;

o) Replacement or proposed dismissal of elected or appointed persons who commit administrative violations.

p) 9 Enforced termination of operations of paying agents; enforced use of separate checking accounts for operations of paying agents;

q) 10 Enforced implementation of regulations on identification, updating, and verification of identification information of customers; enforced issuance of internal regulations in accordance with the law; enforced implementation of regulations of the law on correspondent banking relationship, transactions related to new technologies, special supervision of some transactions, and assessment of risks.

Article 3a. Implementation of remedial measures11

The implementation of certain remedial measures against violations in monetary and banking sector is subject to the following provisions:

1. Regarding the remedial measure that is proposed revocation of license, certificate of currency exchange agent, license to open and use an offshore foreign-currency account, license for individual currency exchange counter, license for gold bullion trading, written approval for provision of payment services without customers’ checking accounts, licenses for provision of intermediary payment services

Within 03 working days from the issue date of the penalty imposition decision, the person issuing that decision shall send a written request to a competent authority for application of this remedial measure.

2. Regarding the remedial measure that is proposed suspension, dismissal or prohibition of violating entities and/or persons responsible for the violation from holding management and supervision positions at credit institutions or FBBs

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Regarding the remedial measure that is enforced return of erased or altered license: pursuant to the penalty imposition decision, the violating entity shall return the erased or altered license to the licensing authority.

Chapter II

ADMINISTRATIVE VIOLATIONS, PENALTIES AND FINES

Section 1. VIOLATIONS AGAINST REGULATIONS ON MANAGEMENT AND USE OF LICENSES

Article 4. Violations against regulations on licenses granted by SBV

1. A fine ranging from VND 20.000.000 to VND 40.000.000 shall be imposed for using documents containing an organization’s name different from the one specified in its license during its operation.

2. A fine ranging from VND 40.000.000 to VND 50.000.000 shall be imposed for failure to meet conditions for inauguration laid down in Clause 2 Article 26 of the Law on Credit Institutions.

3. A fine ranging from VND 100.000.000 to VND 150.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) Lending, leasing, trading or transferring the license;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. A fine ranging from VND 150.000.000 to VND 200.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) Falsifying12 documents proving the satisfaction of eligibility requirements enclosed with the application for the license, if not liable to criminal prosecution, except for the case prescribed in Clause 2 Article 18, Point a Clause 4 Article 27 hereof;

b) Conducting operations against the license, except for the cases prescribed in Clause 6 Article 17, Point o Clause 4, Point c Clause 8 Article 23, Point c Clause 5, Clause 6 Article 24, and Point c Clause 4 Article 27 hereof.

5. A fine ranging from VND 300.000.000 to VND 400.000.000 shall be imposed for continuing operations after a competent authority has issued a decision on restriction, suspension or termination of operations according to Point c Clause 2 Article 59 of the Law on the State Bank of Vietnam.

6. 13 A fine ranging from VND 400.000.000 to VND 500.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) Conducting operations without a license, except for the cases prescribed in Point c Clause 8 Article 23, Clause 8 Article 24, Clause 5 Article 27 hereof;

b) Committing violations against regulations on use of terms relating to banking operations as prescribed in Article 5 of the Law on Credit Institutions.

7. 14 (abrogated)

8. Remedial measures:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Proposed revocation of the license if the violation prescribed in Clause 4 or Clause 5 of this Article is committed;

c) Proposed suspension of violating entities and/or persons responsible for the violation from holding the management or supervision position for 01 – 03 months, proposed dismissal or prohibition from holding the management or supervision position at a credit institution or FBB if the violation prescribed in Clause 3, 4, 5 or 6 of this Article is committed.

Proposed dismissal and implementation of other appropriate measures against violating entities within the competence of a credit institution or FBB.

c) 15 Enforced return of the erased or altered license if the violation in Point b Clause 3 of this Article is committed.

Article 5. Violations against regulations on changes requiring written approval by SBV

1. 16 (abrogated)

2. A fine ranging from VND 50.000.000 to VND 100.000.000 shall be imposed for failure to obtain written approval from SBV when:

a) changing name of a credit institution or FBB;

b) suspending business for 05 business days or more, except for the business suspension due to force majeure events; or

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. A fine ranging from VND 100.000.000 to VND 150.000.000 shall be imposed for failure to obtain the written approval from SBV when trading or transferring the stake of the owner or a capital-contributing member, trading or transferring shares of a majority shareholder, or carrying out the trading or transfer of shares which turns a majority shareholder into a minority shareholder and vice versa.

4. A fine ranging from VND 150.000.000 to VND 200.000.000 shall be imposed for failure to obtain the written approval from SBV when changing the charter capital or assigned capital.

5. A fine ranging from VND 200.000.000 to VND 250.000.000 shall be imposed for failure to obtain the written approval from SBV when:

a) relocating the headquarters or branch of a credit institution, or relocating the FBB;

b) listing shares on a foreign securities market;

c) 18 changing the governing branch of a transaction office of a credit institution;

d) 19 voluntarily shutting down a branch or transaction office of a credit institution; or

dd) 20 performing banking operations.

6. A fine ranging from VND 250.000.000 to VND 300.000.000 shall be imposed for failure to obtain the written approval from SBV when:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) making capital contribution, buying shares, transferring or purchasing stakes of a credit institution according to Article 71, Point b Clause 4 Article 103 of the Law on Credit Institutions;

c) participating in the international payment system;

d) carrying out the repurchase of shares resulting in reduction of charter capital as prescribed in Article 57 of the Law on Credit Institutions; or

dd) 21 providing non-cash payment services without customers’ checking accounts.

7. A fine ranging from VND 400.000.000 to VND 500.000.000 shall be imposed for failure to obtain the written approval from a competent authority when carrying out full or partial division, consolidation, merger or conversion of a credit institution or FBB.

8. Remedial measures:

a) Suspension of distribution of dividends until the registered charter capital requirement is met if the violation prescribed in Point d Clause 6 of this Article is committed;

b) Enforced divestment of the subsidiary or associate company if the violation prescribed in Point a or b Clause 6 of this Article is committed;

c) Enforced obtainment of an approval for listing of shares on the foreign securities market within a maximum duration of 01 - 03 months or enforced suspension of such listing of shares on the foreign securities market if the violation prescribed in Point b Clause 5 of this Article is committed;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Proposed dismissal and implementation of other appropriate measures against violating entities within the competence of a credit institution or FBB.

Section 2. VIOLATIONS AGAINST REGULATIONS ON ORGANIZATION AND MANAGEMENT

Article 6. Violations against regulations on organization and management

1. A fine ranging from VND 20.000.000 to VND 30.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) committing violations against regulations on Board of Directors, Board of Members or Board of Controllers as prescribed in Article 43, Article 44, Article 62, Clause 1 Article 70, Article 81 and Article 84 of the Law on Credit Institutions;

b) failing to maintain the fulfillment of eligibility requirements or standards by member of the Board of Directors, the Board of Controllers, or General Director (or Director) in accordance with the Law on Credit Institutions; or

c) failing to convene or convening General Meeting of Shareholders or General Meeting of Members against regulations.

2. A fine ranging from VND 30.000.000 to VND 50.000.000 shall be imposed for electing or appointing persons who are not allowed to concurrently hold more than one position as prescribed in Article 34 and Clause 3 Article 83 of the Law on Credit Institutions.

3. A fine ranging from VND 100.000.000 to VND 150.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) electing or appointing unqualified persons to hold the positions prescribed in Clause 5 Article 50 or Clause 2 Article 75 of the Law on Credit Institutions.

4. A fine ranging from VND 150.000.000 to VND 200.000.000 shall be imposed for electing or appointing unqualified persons to hold the positions prescribed in Clauses 1, 2, 3 and 4 Article 50 of the Law on Credit Institutions.

5. A fine ranging from VND 200.000.000 to VND 250.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) electing or appointing persons who are prohibited from holding positions as prescribed in Clause 1 Article 33 of the Law on Credit Institutions; or

b) electing or appointing persons whose names are not specified in the list of planned personnel approved by SBV.

6. Remedial measures:

Replacement or proposed dismissal of elected or appointed persons if the violation prescribed in Clause 2, 3, 4 or 5 of this Article is committed.

Article 7. Violations against regulations on promulgation of charter/internal regulations

1. A fine ranging from VND 10.000.000 to VND 20.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) failing to submit the charter or amended charter of the credit institution to SBV as prescribed in Clause 3 Article 31 of the Law on Credit Institutions;

c) failing to promulgate sufficient internal rules in accordance with law regulations.

2. A fine ranging from VND 40.000.000 to VND 80.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) failing to promulgate one or some of internal rules as prescribed by law;

b) promulgating internal rules inconsistently with law regulations.

3. Remedial measures:

Enforced invalidation of internal rules that are not consistent with law regulations if the violation prescribed in Point b Clause 2 of this Article.

Article 8. Violations against regulations on internal control system and independent audit

1. A fine ranging from VND 20.000.000 to VND 30.000.000 shall be imposed for failing to submit reports on internal or independent audit results or reports on internal control system as prescribed by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) failing to select independent audit organization as prescribed in Clause 1 Article 42 of the Law on Credit Institutions;

b) failing to notify the SBV of the selected independent audit organization within 30 days as prescribed in Clause 2 Article 42 of the Law on Credit Institutions.

3. A fine ranging from VND 80.000.000 to VND 100.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) The internal audit department fails to fulfill its duties defined in Clause 2 Article 41 of the Law on Credit Institutions and relevant laws;

b) Failing to carry out the independent audit as prescribed in Clause 1 Article 42 of the Law on Credit Institutions and relevant laws or failing to re-carry out the independent audit in case the audit report contains qualified opinions given by the independent audit organization as prescribed in Clause 3 Article 42 of the Law on Credit Institutions and relevant laws;

c) Failing to carry out senior management oversight, internal control, risk management and internal capital adequacy assessment as prescribed by law.

4. A fine ranging from VND 100.000.000 to VND 150.000.000 shall be imposed for failing to establish an internal audit department affiliated to the Board of Controllers.

5. A fine ranging from VND 200.000.000 to VND 250.000.000 shall be imposed for failing to build an internal control system as prescribed in Clause 1 and Clause 2 Article 40 of the Law on Credit Institutions.

Section 3. VIOLATIONS AGAINST REGULATIONS ON SHARES, SHARE CERTIFICATES AND STAKES

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. A fine ranging from VND 50.000.000 to VND 100.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) failing to issue physical share certificates within 30 days from the date of inauguration of a new credit institution or within 30 days from the date on which the shareholder makes full payment for subscribed shares in case a credit institution increases its charter capital;

b) failing to meet the requirement on the percentage and duration for holding shares by founding shareholders as prescribed in Clause 5 Article 55 of the Law on Credit Institutions;

c) committing violations against law regulations on limit on capital contribution, capital contribution percentage, transfer and return of stakes to capital-contributing members.

2. A fine ranging from VND 100.000.000 to VND 150.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) owning shares in excess of the limits prescribed in Clauses 1, 2 and 3 Article 55 of the Law on Credit Institutions;

b) carrying out the repurchase of shares from shareholders resulting in failure to achieve the prudential ratios for banks as prescribed in Clause 1 Article 130 of the Law on Credit Institutions;

c) transferring shares inconsistently with Clause 4 Article 56 of the Law on Credit Institutions.

3. Remedial measures:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Enforced maintenance of prudential ratios within a maximum duration of 06 months if the violation prescribed in Point b Clause 2 of this Article is committed;

c) Suspension of distribution of dividends until remedial measures against the violation are completed if the violation prescribed in Clause 2 of this Article is committed;

d) Proposed suspension of violating entities and/or persons responsible for the violation from holding the management or supervision position for 01 – 03 months, proposed dismissal or prohibition from holding the management or supervision position at a credit institution or FBB if the violation prescribed in Clause 2 of this Article is committed.

Proposed dismissal and implementation of other appropriate measures against violating entities within the competence of a credit institution or FBB;

dd) Enforced transfer of shares in accordance with regulations of law if the violation prescribed in Point c Clause 2 of this Article is committed.

Article 10. Violations against regulations on capital contribution and purchase of shares

1. A fine ranging from VND 100.000.000 to VND 150.000.000 shall be imposed for making capital contribution or purchasing shares with funds other than the charter capital and reserve fund, which is inconsistent with Clause 1 Article 103 and Clause 1 Article 110 of the Law on Credit Institutions.

2. A fine ranging from VND 150.000.000 to VND 200.000.000 shall be imposed for failing to establish or acquire a subsidiary or associate company when conducting business operations prescribed in Clause 2 Article 103 of the Law on Credit Institutions.

3. 22A fine ranging from VND 200.000.000 to VND 250.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) making capital contribution, buying or receiving transfer of shares from a credit institution against provisions of Point c Clause 1 Article 54 of the Law on Credit Institutions;

4. A fine ranging from VND 250.000.000 to VND 300.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) committing violations against regulations on limits on capital contribution and share purchase in Article 129 of the Law on Credit Institutions;

b) committing violations against regulations on limits on capital contribution and share purchase in Article 135 of the Law on Credit Institutions.

5. Remedial measures:

a) Enforced recovery of improperly used funds if the violation prescribed in Clause 1 of this Article is committed;

b) Enforced transfer of stakes or shares acquired inconsistently with law regulations if the violation prescribed in Clause 4 of this Article is committed;

c) Suspension of division of dividends until remedial measures against the violation are completed if any of the violations prescribed in this Article is committed;

d) Enforced transfer of benefits illegally obtained from the administrative violation prescribed in Clause 1, 2 or 3 of this Article to state budget;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Proposed suspension of violating entities and/or persons responsible for the violation from holding the management or supervision position for 01 – 03 months, proposed dismissal or prohibition from holding the management or supervision position at a credit institution or FBB if the violation prescribed in Clause 1, 2, 3 or 4 of this Article is committed.

Proposed dismissal and implementation of other appropriate measures against violating entities within the competence of a credit institution or FBB.

Article 11. Violations against regulations on offering and transfer of shares

1. A fine ranging from VND 150.000.000 to VND 200.000.000 shall be imposed for transferring shares while holding a position as prescribed in Clause 1 Article 56 of the Law on Credit Institutions.

2. A fine ranging from VND 250.000.000 to VND 300.000.000 shall be imposed for transferring shares while implementing remedial measures according to a resolution of the General Meeting of Shareholders or SBV's decision due to personal responsibility of a member of Board of Directors or Board of Controllers, or General Director (Director), except the cases prescribed in Points a, b and c Clause 2 Article 56 of the Law on Credit Institutions.

3. Remedial measures:

a) Enforced retrieval of shares transferred as prescribed in this Article within a maximum duration of 06 months from the effective date of the decision on administrative penalty imposition;

b) Proposed suspension of violating entities and/or persons responsible for the violation from holding the management or supervision position for 01 – 03 months, proposed dismissal or prohibition from holding the management or supervision position at a credit institution or FBB if any of the violations prescribed in this Article is committed.

Proposed dismissal and implementation of other appropriate measures against violating entities within the competence of a credit institution or FBB.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 12. Violations against regulations on taking of deposits

1. A fine ranging from VND 20.000.000 to VND 40.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) failing to publish or post information about taking of deposits and issuance of financial instruments, which must be published or posted as prescribed by law;

b) taking deposits or issuing financial instruments against openly published or posted information;

c) failing to follow procedures for taking and paying out deposits.

2. A fine ranging from VND 100.000.000 to VND 150.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) taking deposits from or issuing financial instruments to entities that do not meet relevant eligibility requirements set by law;

b) taking deposits or issuing financial instruments against law regulations, except for the cases prescribed in Clause 1, Point a Clause 2 of this Article.

Article 13. Violations against regulations on deposit interest rates, service charges, trading and provision of derivatives

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) failing to openly post deposit interest rates and/or service charges as prescribed;

b) posting deposit interest rates and/or service charges which are unclear and mislead customers;

c) collecting service charges against law regulations, except for the cases prescribed in Point a Clause 4 Article 14, Point m Clause 4 Article 23 hereof.

2. A fine ranging from VND 20.000.000 to VND 40.000.000 shall be imposed for applying deposit interest rates and/or service charges higher than the posted ones.

3. A fine ranging from VND 50.000.000 to VND 100.000.000 shall be imposed for committing any violations against regulations on deposit interest rates or regulations on trading and provision of interest-rate derivatives, currency derivatives, commodity derivatives and other derivatives, except for the cases prescribed in Clause 1 or Clause 2 of this Article and Point a Clause 8 Article 23 hereof.

4. Remedial measures:

a) Enforced transfer of benefits illegally obtained from the violation relating to service charges as prescribed in this Article to state budget;

b) Proposed suspension of violating entities and/or persons responsible for the violation from holding the management or supervision position for 01 – 03 months, proposed dismissal from the management or supervision position, or prohibition from holding the management or supervision position at a credit institution or FBB if the violation prescribed in Clause 3 of this Article is committed.

Proposed dismissal and implementation of other appropriate measures against violating entities within the competence of a credit institution or FBB.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 14. Violations against regulations on credit extension

1. A fine ranging from VND 10.000.000 to VND 15.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) failing to comply with regulations on retention of credit extension-related documents;

b) failing to issue guarantee commitments according to the form designed by the credit institution or FBB; or

c) failing to publish or provide adequate information and documents to customers as prescribed by law.

d) 23 receiving and settling complaints of customers against regulations of law on grant of consumer loans by finance companies;

dd) 24 failing to provide professional training for employees in accordance with regulations of law on grant of consumer loans by finance companies;

e) 25 failing to ensure maximum rates of consumer loans according to regulations of law on grant of consumer loans by finance companies;

g) 26 failing to issue a bracket of interest rates on consumer loans for each period or issuing such a bracket without sufficient contents according to regulations of law on grant of consumer loans by finance companies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) failing to inspect the use of borrowed capital and debt repayment by customs in accordance with regulations of law;

b) failing to comply with regulations on measures to expedite and recover debts laid down in law on grant of consumer loans by finance companies.

3. A fine ranging from VND 20.000.000 to VND 30.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) making a credit extension agreement or contract which does not have adequate contents required by law;

b) 28 granting exemption or reduction of interest rates on credit extensions before promulgating internal regulations;

c) approving debt rescheduling or delinquency against law regulations;

d) imposing interests on extensions of credit against law regulations;

dd) collecting interests on delinquent debts against law regulations; or

e) collecting overdue loan debts against law regulations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) collecting extension of credit-related fees against law regulations; or

b) employing disbursement methods against law regulations, except for the case prescribed in Point g Clause 4 Article 23 hereof.

5. A fine ranging from VND 40.000.000 to VND 50.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) extending credit without entering into a written agreement or contract;

b) extending credits to entities ineligible for credit extension as prescribed by law;

c) extending credits without guarantee or extending credits with preferential conditions to entities prescribed in Clause 1 Article 127 of the Law on Credit Institutions;

d) committing any violations against regulations on credit extension in Clause 3 Article 127 of the Law on Credit Institutions;

dd) granting loans to meet loan demands which must be rejected as prescribed by law;

e) signing agreements or commitments on issuance of guarantee beyond the power prescribed by law; or

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. A fine ranging from VND 80.000.000 to VND 120.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) committing violations against regulations on limits of credit in Clauses 2, 4 Article 127, Clauses 1, 2 and 8 Article 128 of the Law on Credit Institutions;

b) extending credits in other forms without obtaining the written approval from SBV; or

c) committing violations against regulations on maximum loan amounts granted by credit institutions for outward investment.

7. A fine ranging from VND 120.000.000 to VND 180.000.000 shall be imposed for committing violations against limits on and conditions for extension of credits for investment or trading in shares or corporate bonds by credit institutions and FBBs.

8. A fine ranging from VND 250.000.000 to VND 300.000.000 shall be imposed for extending credits to the entities prescribed in Clauses 1, 3, 4, 5 and 6 Article 126 of the Law on Credit Institutions.

9. Remedial measures:

a) Enforced recovery of the amounts of credit extended beyond the prescribed limits within a maximum duration of 06 months from the effective date of the decision on administrative penalty imposition if the violation prescribed in Point a Clause 6, Clause 7 of this Article is committed;

b) Enforced recovery of debts within a maximum duration of 06 months from the effective date of the decision on administrative penalty imposition if the violation prescribed in Points b, dd Clause 5, Point b Clause 6, Clause 8 of this Article is committed;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Proposed suspension of violating entities and/or persons responsible for the violation from holding the management or supervision position for 01 – 03 months, proposed dismissal or prohibition from holding the management or supervision position at a credit institution or FBB if any of the violations prescribed in Clause 5, Point a Clause 6, Clause 7 and Clause 8 of this Article is committed.

Proposed dismissal and implementation of other appropriate measures against violating entities within the competence of a credit institution or FBB.

Article 14a. Violations against regulations on service introduction points 29

A fine ranging from VND 20.000.000 to VND 40.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

1. Failing to enter into contracts for establishment of service introduction points.

2. Entering into a contract for establishment of a service introduction point which does not clearly state responsibilities and rights of contractual parties and the validity period of the contract.

3. Performing operations other than those permitted by laws at service introduction points.

Article 15. Violations against regulations on offer and acceptance of trusteeship

1. A fine ranging from VND 80.000.000 to VND 100.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) entering into trust agreements which are made inconsistently with law regulations.

2. A fine ranging from VND 100.000.000 to VND 150.000.000 shall be imposed for failing to comply with trust principles when offering or accepting trusteeship.

3. Additional penalties:

Trust operations of the violating credit institution or FBB shall be suspended for 01 – 03 months if the violation prescribed in this Article is committed.

4. Remedial measures:

a) Enforced return/recovery of trust assets for trustors if the violation prescribed in this Article is committed;

b) Proposed suspension of violating entities and/or persons responsible for the violation from holding the management or supervision position for 01 – 03 months, proposed dismissal or prohibition from holding the management or supervision position at a credit institution or FBB if any of the violations prescribed in this Article is committed.

Proposed dismissal and implementation of other appropriate measures against violating entities within the competence of a credit institution or FBB.

Article 16. Violations against regulations on purchase of corporate bonds

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. A fine ranging from VND 30.000.000 to VND 40.000.000 shall be imposed for making a corporate bond purchase agreement which does not contain sufficient information as required by law.

3. A fine ranging from VND 40.000.000 to VND 50.000.000 shall be imposed for purchasing corporate bonds without entering into a bond purchase agreement as prescribed.

4. A fine ranging from VND 100.000.000 to VND 150.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) failing to meet requirements laid down in laws when conducting appraisal of the plan and fulfillment of conditions for bond issuance by the enterprise;

b) failing to conduct appraisal of the plan and fulfillment of conditions for bond issuance by the enterprise;

c) committing violations against regulations on purchase of convertible corporate bonds;

d) purchasing bonds issued by an enterprise for the purpose of restructuring its debts.

dd) 30 purchase of convertible bonds by a FBB.

5. Remedial measures:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Proposed suspension of violating entities and/or persons responsible for the violation from holding the management or supervision position for 01 – 03 months, proposed dismissal or prohibition from holding the management or supervision position at a credit institution or FBB if the violation prescribed in Clause 4 of this Article is committed.

Proposed dismissal and implementation of other appropriate measures against violating entities within the competence of a credit institution or FBB.

Article 17. Violations against regulations on interbank operations

1. A fine ranging from VND 10.000.000 to VND 20.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) updating and keeping information relating to lending/borrowing transactions, and buying/selling forward of financial instruments against law regulations;

b) failing to confirm transactions as prescribed;

c) failing to follow the prescribed format/contents of lending agreements or agreements for repurchase of financial instruments.

d) 31 buying/selling financial instruments in currencies which are inconsistent with law regulations.

2. A fine ranging from VND 20.000.000 to VND 30.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) failing to make payment for lending/borrowing transactions; making/taking of deposits; buying/selling forward of financial instruments in VND via the interbank electronic payment system as prescribed by law;

c) failing to comply with procedures for buying/selling of financial instruments as prescribed;

d) lending, borrowing, making or taking deposits beyond the authorized scope.

dd) 32 purchasing promissory notes, treasury bills or deposit certificates whose remaining term to maturity is not conformable with regulations of law.

3. A fine ranging from VND 30.000.000 to VND 40.000.000 shall be imposed for conducting lending/borrowing transactions outside the office of a FBB in Vietnam.

4. A fine ranging from VND 40.000.000 to VND 50.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) failing to comply with general rules for conducting lending/borrowing transactions; buying/selling forward of financial instruments between credit institutions/FBBs; making deposits at other credit institutions inconsistently with law regulations;

b) failing to carry out re-assessment of customers for re-determining credit limit for each customer as prescribed by law;

c) failing to comply with regulations on provision of information for borrowers to serve their re-assessment of customers and determination of transaction limits.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) carrying out buying/selling forward of financial instruments which are banned from trading;

b) buying/selling financial instruments which are issued by finance companies or finance lease companies against regulations of law.

6. A fine ranging from VND 150.000.000 to VND 200.000.000 shall be imposed for lending, borrowing or trading foreign-currency financial instruments beyond the scope of foreign exchange operations licensed by SBV.

7. Remedial measures:

Proposed suspension of violating entities and/or persons responsible for the violation from holding the management or supervision position for 01 – 03 months, proposed dismissal or prohibition from holding the management or supervision position at a credit institution or FBB if the violation prescribed in Clause 5 or Clause 6 of this Article is committed.

Proposed dismissal and implementation of other appropriate measures against violating entities within the competence of a credit institution or FBB.

Section 6. VIOLATIONS AGAINST REGULATIONS ON PROVISION OF CREDIT INFORMATION SERVICES

Article 18. Violations against principles and conditions for provision of credit information services

1. A fine ranging from VND 20.000.000 to VND 40.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) entering into agreements or commitments on provision of credit information services in the form other than the one prescribed by law; or

c) failing to publish information as prescribed by law.

2. A fine ranging from VND 40.000.000 to VND 60.000.000 shall be imposed for falsifying 34 documentary evidences of eligibility enclosed with the application for Certificate of eligibility to provide credit information services, if not liable to criminal prosecution.

3. A fine ranging from VND 200.000.000 to VND 250.000.000 shall be imposed for providing credit information services without obtaining a Certificate of eligibility to provide credit information services from SBV.

4. Remedial measures:

a) Enforced transfer of benefits illegally obtained from the administrative violation prescribed in Clause 2 or 3 of this Article to state budget;

b) Proposed revocation of Certificate of eligibility to provide credit information services if the violation prescribed in Clause 2 or 3 of this Article is committed;

c) Enforced maintenance of the fulfillment of eligibility requirements for Certificate of eligibility to provide credit information services if the violation prescribed in Point a Clause 1 of this Article is committed.

Article 19. Violations against regulations on credit information collection and processing

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) collecting credit information beyond the authorized scope as prescribed by law;

b) collecting credit information on borrowers without their consent, unless such credit information is collected at the request of a competent authority;

c) using negative information on borrowers to create credit information products against law regulations;

d) obstructing the lawful collection of credit information.

2. A fine ranging from VND 40.000.000 to VND 80.000.000 shall be imposed for deliberately falsifying credit information.

3. A fine ranging from VND 80.000.000 to VND 100.000.000 shall be imposed for illegally collecting information classified as state secrets.

4. Additional penalties:

a) The instrumentalities for committing the violation prescribed in Clause 3 of this Article shall be confiscated;

b) The provision of credit information services shall be suspended for 01 – 03 months if the violation prescribed in Clause 2 or 3 of this Article is committed.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Enforced correction of false information if the violation prescribed in Clause 2 of this Article is committed.

Article 20. Violations against regulations on credit information security and retention

A fine ranging from VND 20.000.000 to VND 40.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

1. Failing to comply with regulations on or procedures for information confidentiality and information technology security when providing credit information services;

2. Failing to retain credit information on borrowers for at least 05 years from the date on which the provider of credit information services receives such information;

3. Failing to carry out annual review and assessment of the conformity and compliance of internal rules with law regulations.

Article 21. Violations against regulations on use of credit information products/services and sharing/provision of credit information

1. A fine ranging from VND 10.000.000 to VND 20.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) providing or duplicating and providing credit information products for a third party inconsistently with law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. A fine ranging from VND 20.000.000 to VND 40.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) modifying/changing credit information products and providing them for a third party inconsistently with law;

b) providing or sharing credit information or providing credit information products without the borrower’s written consent or inconsistently with law regulations;

c) obstructing the lawful use of credit information;

d) failing to openly post the prices of credit information products as prescribed by law.

3. Additional penalties:

The provision of credit information services shall be suspended for 01 – 03 months if the violation prescribed in Clause 2 of this Article is committed.

4. Remedial measures:

Enforced transfer of benefits illegally obtained from the administrative violation prescribed in Point a Clause 1 or Clause 2 of this Article to state budget.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A fine ranging from VND 10.000.000 to VND 15.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

1. Failing to give written response to a request for correction of false information or failing to notify information correction results as prescribed by law;

2. Failing to make correction or cooperate in correcting false information on borrowers as prescribed by law.

Section 7. VIOLATIONS AGAINST REGULATIONS ON FOREIGN EXCHANGE OPERATIONS AND GOLD TRADING

Article 23. Violations against regulations on foreign exchange operations

1. A warning shall be issued for committing one of the following violations:

a) selling/buying foreign currency between individuals if the value of foreign currency sold or bought is less than USD 1.000 (or equivalent value in another foreign currency);

b) selling or buying foreign currency at unlicensed currency exchange entities if the value of foreign currency sold or bought is less than USD 1.000 (or equivalent value in another foreign currency);

c) failing to comply with law regulations when making payment for goods or services in foreign currency with total payment of less than USD 1.000 (or equivalent value in another foreign currency).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) selling/buying foreign currency between individuals if the value of foreign currency sold or bought is from USD 1.000 to under USD 10.000 (or equivalent value in another foreign currency); selling/buying foreign currency between individuals if the value of foreign currency sold or bought is less than USD 1.000 to (or equivalent value in another foreign currency) in case of recommitted or repeated violation;

b) selling/buying foreign currency at an unlicensed currency exchange entity if the value of foreign currency sold or bought is from USD 1.000 to under USD 10.000 (or equivalent value in another foreign currency); selling/buying foreign currency at an unlicensed currency exchange entity if the value of foreign currency sold or bought is less than USD 1.000 to (or equivalent value in another foreign currency) in case of recommitted or repeated violation;

c) failing to comply with law regulations when making payment for goods or services in foreign currency with total payment of less than USD 1.000 (or equivalent value in another foreign currency) in case of recommitted or repeated violation; failing to comply with law regulations when making payment for goods or services in foreign currency with total payment of from USD 1.000 to under USD 10.000 (or equivalent value in another foreign currency).

3. A fine ranging from VND 20.000.000 to VND 30.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) failing to post buying/selling rates at transaction offices as prescribed by law;

b) posting buying/selling rates in an unclear manner which causes misleading to customers;

c) failing to openly post or publish the exchange rate between VND or foreign currency and token used in prize-winning electronic games for foreigners or casino business; posting or publishing the exchange rate between token and VND or foreign currency used in prize-winning electronic games for foreigners or casino business against law regulations;

d) failing to comply with law regulations on registration and notification of the relevant provincial branch of SBV in case of changes relating to a currency exchange agent;

dd) failing to comply with law regulations on notification and application for SBV’s approval for modification or termination of contract for provision of foreign currency receipt and payment services;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) failing to comply with law regulations on administrative procedures for pre-investment transfer of foreign currency abroad; registration or registration of changes in foreign loans or international bond issues; registration or registration of changes in offshore loans and collection of guaranteed debts for non-residents; registration or registration of changes in foreign exchange transactions in respect of outward investment; registration of program for issuance of bonus shares abroad; registration of proprietary trading limit; registration of temporary proprietary trading limit; registration of trust limit; registration of temporary trust limit and other administrative procedures for other funding transactions; administrative procedures for other cases of outward portfolio investment;

h) selling and buying foreign currency between individuals if the value of foreign currency sold or bought is from USD 10.000 to under USD 100.000 (or equivalent value in another foreign currency);

i) selling or buying foreign currency at an unlicensed currency exchange entity if the value of foreign currency sold or bought is from USD 10.000 to under USD 100.000 (or equivalent value in another foreign currency);

k) failing to comply with law regulations when making payment for goods or services in foreign currency with total payment of from USD 10.000 to under USD 100.000 (or equivalent value in another foreign currency);

l) failing to comply with buying/selling rates announced by SBV, except for the cases prescribed in Point dd and Point m Clause 4 of this Article; collecting foreign currency transaction fees against law regulations.

4. A fine ranging from VND 30.000.000 to VND 50.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) entering into a currency exchange agent contract with an ineligible entity; failing to provide instructions for or inspect the currency exchange agent as prescribed by law;

b) failing to fulfill responsibilities of a currency exchange agent as prescribed by law; concurrently acting as a currency exchange agent for two or more credit institutions;

c) making payment for negotiable instruments in foreign currency against regulations on foreign exchange operations in Article 9 of the Law on negotiable instruments and relevant laws;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) making the actual buying, selling or exchange rate exceed the prescribed exchange rate margin by means of setting exchange rates, commissions or brokerage fees in cash or in kinds and other promotions for buying/selling foreign currency in any forms;

e) concurrently acting as a foreign currency paying agent for two or more business entities inconsistently with law regulations;

g) 35 carrying out fund withdrawal or repayment of foreign debts; carrying out reimbursement or recovery of offshore loans; recovering guaranteed debts for non-residents; carrying out transfer of funds serving foreign investments in Vietnam or Vietnam’s outward investments against law regulations, unless this violation is a result of the commission of the violation in Point d Clause 4 of this Article;

h) transferring or carrying foreign currency or VND abroad or into Vietnam against law regulations, except for administrative violations in customs sector;

i) authorizing or re-authorizing a business entity or credit institution to act as a foreign currency paying agent against law regulations;

k) failing to comply with law regulations on opening, closing and use of foreign currency accounts dedicated to foreign currency receipt and payment services;

l) failing to fulfill the responsibility of the credit institution or the business entity acting as a foreign currency paying agent, or the business entity directly receiving and making payments in foreign currency, to make updates to accounting records and archive documents in accordance with law regulations;

m) failing to comply with law regulations on service charges or exchange rates applied when providing foreign currency receipt and payment services;

n) carrying out transaction, quotation or determination of contract prices, or posting or publishing prices of goods, services or land use rights, or performing other similar acts (including converting or adjusting prices of goods or services or contract prices) in foreign currency inconsistently with law regulations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. A fine ranging from VND 80.000.000 to VND 100.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) opening, closing or using an offshore foreign-currency account against law regulations;

b) providing payment or money transfer transactions relating to foreign loans, offshore loans, offshore debt recovery, recovery of guaranteed debts for non-residents, foreign investments in Vietnam, Vietnam’s outward investments and other funding transactions against law regulations;

c) failing to comply with law regulations on exchange of tokens by providers of prize-winning electronic games for foreigners or casino enterprises;

d) failing to comply with law regulations on opening, closing and using of foreign currency accounts dedicated to prize-winning electronic games for foreigners and casino business;

dd) failing to transfer the foreign currency amounts exceeding the prescribed limit of foreign currency cash on hand into the foreign currency account opened at a licensed bank in case the revenue in foreign currency cash earned from the provision of prize-winning electronic games for foreigners or casino business exceeds the limit of foreign currency cash on hand prescribed by law;

e) selling and buying foreign currency between individuals if the value of foreign currency sold or bought is equal to or greater than USD 100.000 (or equivalent value in another foreign currency);

g) selling or buying foreign currency at an unlicensed currency exchange entity if the value of foreign currency sold or bought is equal to or greater than USD 100.000 (or equivalent value in another foreign currency);

h) failing to comply with law regulations when making payment for goods or services in foreign currency with total payment of USD 100.000 or greater (or equivalent value in another foreign currency).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. A fine ranging from VND 100.000.000 to VND 150.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) extending credit or making domestic debt repayments in foreign currency against law regulations, except for the cases prescribed in Article 14 hereof;

b) failing to sell earned foreign currency to credit institutions as prescribed by law, except for the case prescribed in Point b Clause 5 of this Article.

c) 37 opening, closing or using an offshore foreign-currency account against law regulations in case of a recommitted violation.

7. A fine ranging from VND 150.000.000 to VND 200.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) failing to comply with law regulations on foreign borrowing and foreign debt repayment; offshore lending and offshore debt recovery; recovery of guaranteed debts for non-residents and other funding transactions, except for the cases prescribed in Point g Clause 3, Points d, g Clause 4 and Point b Clause 5 of this Article;

b) failing to comply with SBV’s regulations when carrying out foreign currency transactions between credit institutions, or between credit institutions and their customers, except for the case prescribed in Point a Clause 8 of this Article;

c) failing to maintain foreign currency positions as prescribed by law.

8. A fine ranging from VND 200.000.000 to VND 250.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) exporting or importing foreign currency or VND cash against law regulations;

c) carrying out foreign exchange operations without a license granted by a competent authority, or with an expired or after the license is revoked, or against the license, except for the cases prescribed in Points d, o Clause 4, Points a, d Clause 5 of this Article.

9. Additional penalties:

a) Foreign currency or VND cash shall be confiscated if any of the violations prescribed in Clause 2, Points h, i, k Clause 3, Point h Clause 4, Points e, g, h Clause 5, Point b Clause 6 of this Article is committed;

b) The certificate of currency exchange agent shall be suspended for 01 - 03 months if the violation prescribed in Point b Clause 4 of this Article is committed;

c) The license for foreign currency receipt and payment and other foreign currency transactions relating to the provision of prize-winning electronic games for foreigners or casino business shall be suspended for 03 – 06 months if the violation prescribed in Point d or Point dd Clause 4 of this Article is committed (failure to apply for modification of the license);

d) The license for an individual currency exchange agent shall be suspended for 01 - 06 months if the violation prescribed in Point o Clause 4 of this Article is committed;

dd) Foreign exchange operations of the credit institution or FBB that commits the violation prescribed in Point c Clause 8 of this Article shall be suspended for 03 – 06 months.

10. 38 Remedial measures:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 24. Violations against regulations on gold trading

1. A warning shall be issued for committing one of the following violations:

a) trading gold bullion with a credit institution or enterprise that does not hold a valid license for gold bullion trading;

b) using gold as a method of payment.

2. A fine ranging from VND 10.000.000 to VND 20.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) trading gold bullion with a credit institution or enterprise that does not hold a valid license for gold bullion trading in case of a recommitted or repeated violation;

b) using gold as a method of payment in case of a recommitted or repeated violation.

3. A fine ranging from VND 30.000.000 to VND 50.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) failing to post gold bullion buying and selling prices at transaction offices as prescribed by law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. A fine ranging from VND 80.000.000 to VND 100.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) trading in gold bullion against law regulations, except for the case prescribed in Point a Clause 8 of this Article;

b) carrying gold when exiting or entering Vietnam against law regulations, except for administrative violations in customs sector.

5. A fine ranging from VND 140.000.000 to VND 180.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) trading gold bullion through authorized agents;

b) failing to comply with law regulations on gold positions;

c) importing or exporting gold jewelry or goldsmiths’ wares; gold materials in the form of powder, solution, solder or salt, and semi-finished gold jewelry products which are different from registered business lines as prescribed by law.

6. 39 A fine ranging from VND 200.000.000 to VND 250.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) using imported gold materials against the license to import gold materials for production of gold jewelry and goldsmiths’ wares;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. A fine ranging from VND 250.000.000 to VND 300.000.000 shall be imposed for producing gold bullion against law regulations.

8. A fine ranging from VND 300.000.000 to VND 400.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) trading gold bullion without obtaining a license for gold bullion trading as prescribed;

b) importing or exporting gold materials without obtaining a license from a competent authority as prescribed by law;

c) carrying out other gold trading transactions without obtaining license from a competent authority as prescribed by law.

9. Additional penalties:

a) Gold shall be confiscated if the violation prescribed in Point a or c Clause 8 of this Article is committed;

b) The license for gold bullion trading shall be suspended for 06 - 09 months if the violation prescribed in Point a Clause 5 of this Article is committed.

10. 40Remedial measures:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 8. VIOLATIONS AGAINST REGULATIONS ON PAYMENT, CASH AND VAULT MANAGEMENT

Article 25. Violations against regulations on interbank payment

1. A fine ranging from VND 10.000.000 to VND 20.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) failing to comply with regulations on organization of clearing houses, clearing payments, and interbank payments;

b) failing to return false payment documents within the business day, except for force majeure events;

c) transferring money to beneficiaries’ accounts after prescribed time-limits;

d) failing to provide deposit-related documents within the prescribed time limit.

2. A fine ranging from VND 20.000.000 to VND 40.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) failing to immediately return the Credit order when it is legally rejected; rejecting a Debit order with lawful authorization;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. A fine ranging from VND 100.000.000 to VND 150.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) obstructing the operation of a clearing house or interbank payment system;

b) deliberately or accidentally revealing any confidential information relating to the interbank payment system.

Article 26. Violations against regulations on payments

1. A fine ranging from VND 3.000.000 to VND 5.000.000 shall be imposed for making erasures or alterations on payment instruments or payment documents against law regulations, if not liable to criminal prosecution.

2. A fine ranging from VND 5.000.000 to VND 10.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) receiving and processing customers’ requests for information check or complaints against law regulations;

b) 41 providing untruthful information concerning the use of payment services.

3. A fine ranging from VND 10.000.000 to VND 15.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) committing any violations against regulations on announcement or posting of schedules of payment service charges and card service charges.

4. A fine ranging from VND 20.000.000 to VND 30.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

b) 42 providing untruthful information concerning the provision of payment services;

b) signing payment orders ultra vires or using electronic signatures of others;

c) opening, using or granting authorization to use checking accounts against law regulations during the use of payment services.

5. 43 A fine ranging from VND 40.000.000 to VND 50.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) renting, hiring, borrowing or lending, or trading information on, from 01 to under 10 checking accounts, if not liable to criminal prosecution;

b) forging payment documents when rendering or using payment services, if not liable to criminal prosecution.

6. 44 A fine ranging from VND 50.000.000 to VND 100.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) renting, hiring, borrowing or lending, or trading information on, 10 checking accounts or more, if not liable to criminal prosecution;

c) forging payment instruments or keeping, distributing, transferring or using forged payment instruments, if not liable to criminal prosecution;

d) issuing, providing or using illegal payment instruments, if not liable to criminal prosecution;

dd) Operating against SBV’s approval for provision of payment services without customers’ checking accounts.

7. 45 A fine ranging from VND 100.000.000 to VND 150.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) infiltrating or attempting to infiltrate or steal data, destroying or making illegal changes to software programs or database used in payment system; taking advantage of computer network errors for profiteering purposes, if not liable to criminal prosecution;

b) opening or maintaining anonymous or impersonation checking accounts;

c) performing, organizing or facilitating the performance of the following acts: using or taking advantage of checking accounts, payment instruments or payment services to gamble, organize gambling, rig, and conduct illegal business or other illegal acts;

d) stealing or colluding to steal information on checking accounts, if not liable to criminal prosecution.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) committing violations against regulations on cash payment;

b) provision of payment services by an entity which is not a licensed payment service provider.

9. Additional penalties:

The exhibits and instrumentalities used for committing the administrative violation prescribed in Clause 1, or Point b Clause 5 or Point c or d Clause 6 of this Article shall be confiscated.

10. 47 Remedial measures:

a) Enforced transfer of benefits illegally obtained from any of the administrative violations prescribed in Clauses 1, 4, 5, 6, 7 and 8 of this Article to state budget;

b) Prohibition of expansion of operating scope, scale and regions until remedial measures against the violation are completed if any of the violations prescribed in Points a, c, d Clause 6, Point c Clause 7 and Point a Clause 8 of this Article is committed;

c) Proposed revocation of approval for provision of payment services without customers’ checking accounts if the violation in Point dd Clause 6 of this Article is committed.

Article 27. Violations against regulations on intermediary payment services

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) 48 providing untruthful information concerning the provision or use of intermediary payment services;

b) receiving and processing customers’ requests for information check or complaints against law regulations;

c) committing violations against regulations on tools serving SBV’s oversight of e-wallet services.

2. 49 A fine ranging from VND 15.000.000 to VND 20.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) extending credits to e-wallet users, adding interests to an e-wallet balance or performing any acts to increase the balance on an e-wallet compared to the amount of money deposited to e-wallet by the customer;

b) committing violations against regulations on deposit or withdrawal of money into or from e-wallet accounts.

3. 50 A fine ranging from VND 20.000.000 to VND 30.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) providing or revealing information on customers, their e-wallet account balances, or their payment transactions at intermediary payment service providers against law regulations;

b) renting, hiring, borrowing or lending, or trading information on, from 01 to under 10 e-wallets;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. 51 A fine ranging from VND 40.000.000 to VND 50.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) falsifying documentary evidences of eligibility enclosed with the application for license to provide intermediary payment services, if not liable to criminal prosecution;

b) erasing or altering contents of the license to provide intermediary payment service; trading, transferring, lending or leasing the license to provide intermediary payment services; entrusting or authorizing other entities to provide licensed intermediary payment services;

c) operating against the license to provide intermediary payment services;

d) renting, hiring, borrowing or lending, or trading information on, 10 e-wallets or more;

dd) forging documents when providing intermediary payment services, if not liable to criminal prosecution;

e) performing, organizing or facilitating the performance of the following acts: using or taking advantage of intermediary payment services to gamble, organize gambling, rig, and conduct illegal business or other illegal acts;

g) violating regulations on transaction limits of e-wallets;

h) failing to honestly report on balance and quantity of e-wallets as prescribed by law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



k) stealing or colluding to steal information of e-wallet accounts;

l) an intermediary payment service provider’s provision of authorized cash payment and collection services, e-wallet services, electronic payment gateway services without entering into cooperation agreements or service provision contracts with banks or other organizations in conformity with its license and regulations of the law;

m) failing to request customers to complete connection of e-wallets to their checking accounts or debit cards opened at affiliate banks before they start using e-wallets.

4a. 52 A fine ranging from VND 50.000.000 to VND 60.000.000 shall be imposed for failing to honestly report on balance and quantity of e-wallets as prescribed by law in case of a recommitted violation.

5. A fine ranging from VND 150.000.000 to VND 250.000.000 shall be imposed for providing intermediary payment services without a valid license.

6. 53 Additional penalties:

The exhibits and instrumentalities used for committing the violation prescribed in Point dd Clause 4 of this Article shall be confiscated.

7. 54 Remedial measures:

a) Enforced transfer of benefits illegally obtained from any of the administrative violations prescribed in Clause 2, Point b, c Clause 3, Clause 4, and Clause 5 of this Article to state budget;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Enforced return of the erased or altered license if the violation in Point b Clause 4 of this Article is committed.

Article 28. Violations against regulations on bank card operations

1. A warning shall be issued for committing one of the following violations:

a) failing to carry out inspection and maintenance of automated teller machines (ATMs);

b) failing to update the installation, relocation, retiming and shutdown of ATMs on the ATM management system and official website of the payment service provider.

2. A fine ranging from VND 10.000.000 to VND 15.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) failing to give notification of the installation, relocation, retiming and shutdown of ATMs as prescribed by law;

b) failing to ensure the availability of ATM system as prescribed by law;

c) failing to maintain 24/7 operation of customer service department;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) failing to meet technical requirements regarding ATMs’ software and connection lines as prescribed by law.

3. A fine ranging from VND 15.000.000 to VND 20.000.000 shall be imposed for failing to meet requirements on ATMs’ transaction logs as prescribed by law.

4. A fine ranging from VND 20.000.000 to VND 30.000.000 shall be imposed for failing to adopt measures for ensuring safe operation and confidentiality of ATMs.

5. A fine ranging from VND 30.000.000 to VND 50.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) committing violations against regulations on currency of payment with cards;

b) collecting card surcharges or practicing price discrimination against payments for goods/services with cards;

c) leasing, lending, buying or selling cards or card-related information or opening cards on behalf of another person (except anonymous prepaid cards) if the violation involves from 01 to under 10 cards;

d) 55 entering into contracts for issuance and use of cards against regulations of law.

6. 56 A fine ranging from VND 50.000.000 to VND 100.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) issuing cards or processing card payment against law regulations;

c) failing to reject card payment in case the card is used for conducting card transactions prohibited by law, or the card is lost as informed by the cardholder, or the card is expired or locked, or the card is used beyond the scope agreed upon in the contract or written agreement on issuance and use of card.

7. 57 A fine ranging from VND 100.000.000 to VND 150.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) using, organizing or facilitating the use of anonymous prepaid cards on the Internet or mobile applications or for cash withdrawal purposes;

b) switching or conducting clearing and settlement for card transactions against regulations of law on bank card operations;

c) transferring point-of-sale (POS) terminals or QR Codes to other users; accepting card payment without entering into a merchant service agreement; illegally using POS terminals or QR Codes;

d) Directly conducting, organizing or facilitating the conduct of forged or fraudulent card transactions or fictitious transactions at merchants (no occurrence of any sale of goods and provision of services);

dd) stealing or colluding to steal card information, if not liable to criminal prosecution.

8. Additional penalties:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



9. 58 Remedial measures:

a) Enforced transfer of benefits illegally obtained from any of the administrative violations prescribed in Points c, dd Clause 5, Points a, b Clause 6 and Clause 7 of this Article to state budget;

b) Prohibition of conclusion of merchant service agreements with other acquirers until remedial measures against violation are completed if the violation prescribed in Point b Clause 5 or Point a, c or d Clause 7 of this Article is committed.

Article 28a. Violations against regulations on paying agents 59

1. A fine ranging from VND 5.000.000 to VND 10.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) providing untruthful information concerning the provision or use of paying agent services;

b) receiving and processing customers’ requests for information check or complaints against law regulations;

c) collecting fees other than those specified in the fee schedule established and announced by the principal;

d) failing to use a separate checking account for paying agent operations as prescribed by law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. A fine ranging from VND 40.000.000 to VND 50.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) taking advantage of the role of a paying agent to perform, organize, or facilitate forged or fraudulent transactions, appropriation of customers’ money, transactions for the purposes of money laundering, terrorism financing, financing of proliferation of weapons of mass destruction, and other violations against laws;

b) performing operations beyond the scope of the paying agent agreement signed by and between the paying agent and the principal.

3. A fine ranging from VND 50.000.000 to VND 100.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) assigning or acting as a paying agent against the license for establishment and operation, or establishment license or decision prescribing organization and operation issued by a competent authority and any amendments to the license (if any).

b) a principal's failure to comply with regulations on quantity of paying agents and transaction limit for each paying agent;

c) assignment of agent operations to a third party by a paying agent that is not a credit institution or FBB;

d) performing professional operations before entering into a paying agent agreement with the principal;

dd) entering into a paying agent agreement with a paying agent that is not a lawfully established enterprise and has outstanding debts classified as bad debts by a credit institution or FBB in accordance with SBV’s regulations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Remedial measures:

a) Enforced transfer of benefits illegally obtained from the administrative violation prescribed in Point b Clause 2 or Clause 3 of this Article to state budget;

b) Enforced termination of paying agent operations performed by the entities committing the violation in Clause 2 or Clause 3 of this Article;

c) Enforced use of separate checking accounts for paying agent operations if the violation in Point d Clause 1 of this Article is committed;

d) Prohibition of conclusion of paying agent agreements with other principals until remedial measures against violation are completed if the violation prescribed in Point c or d Clause 1 of this Article is committed;

dd) Enforced return of improperly collected fees to payers or to state budget (in case of unknown payers) if the violation in Point c Clause 1 of this Article is committed;

e) Enforced return of appropriated amounts of money to customers if the violation in Point a Clause 2 of this Article is committed.

Article 29. Violations against regulations on negotiable instruments

1. A fine ranging from VND 15.000.000 to VND 20.000.000 shall be imposed for signing any negotiable instruments ultra vires.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) failing to fulfill acceptor's duties as defined in Article 22 of the Law on negotiable instruments;

b) sending collection orders to collectors against regulations in Clauses 1, 2 and 3 Article 39 of the Law on negotiable instruments.

3. A fine ranging from VND 30.000.000 to VND 50.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) transferring a negotiable instrument whose prescribed time limit for presentment has expired, or which has not been accepted or has been rejected for payment or has been lost as informed by its holder as prescribed in Clause 4 Article 15 of the Law on negotiable instruments;

b) drawing cheques in case of insolvency.

4. A fine ranging from VND 60.000.000 to VND 120.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) forging signatures affixed to negotiable instruments;

b) failing to comply with regulations on printing, delivery and management of blank cheques in Clauses 2, 3 Article 64 of the Law on negotiable instruments.

5. Additional penalties:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Remedial measures:

Enforced transfer of benefits illegally obtained from the administrative violation prescribed in Point b Clause 3 or Clause 4 of this Article to state budget.

Article 30. Violations against regulations on cash and vault management

1. A warning shall be issued for committing one of the following violations:

a) 60 failing to publicly post typical examples and SBV’s regulations on receipt and exchange of cash unfit for circulation at transaction locations;

b) making loss of provided specimen cash; failing to provide specimen cash to eligible entities; failing to collect specimen cash upon notification of suspension of circulation thereof or at the request of a competent authority;

c) failing to open or sufficiently keep records of vault safety-related activities in accordance with law regulations.

2. 61 A fine ranging from VND 5.000.000 to VND 10.000.000 shall be imposed for failing to comply with regulations on classification, packing and delivery of precious metals and precious stones; packing, sealing, delivery, preservation, transport and inventory of cash, precious assets and financial instruments, except the cases prescribed in Point a Clause 3 and Points b, c, d and dd Clause 5 of this Article.

3. A fine ranging from VND 10.000.000 to VND 15.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) failing to develop vault protection and security plans;

c) failing to promulgate internal rules or plans for fire safety for the vault;

d) failing to classify cash unfit for circulation.

dd) 62 rejecting customers’ requests for exchange of cash unfit for circulation against regulations of law.

4. A fine ranging from VND 15.000.000 to VND 20.000.000 shall be imposed for failing to install security equipment or fire protection equipment for the vault as prescribed by law.

5. A fine ranging from VND 20.000.000 to VND 40.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) performing cash exchange transactions against law;

b) failing to manage cash, precious assets and financial instruments during lunch break as prescribed by law;

c) using and managing keys of the vault lock, its inner compartments, safe or cash boxes used in specialized vehicles against law regulations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) failing to document conditions and procedures for receipt and return of assets to customers, responsibility of relevant departments to ensure asset safety while rendering asset custody/management services, leasing safe deposit boxes and other cash-related services.

6. A fine ranging from VND 40.000.000 to VND 50.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) using a vault that does not meet design requirements and technical standards regulated by law;

b) using a vault with its door failing to meet technical standards regulated by law.

Article 31. Violations against regulations on protection of Vietnam’s cash

1. A warning shall be issued for committing one of the following violations:

a) failing to promptly notify a competent authority when detecting counterfeit money of a new type;

b) failing to promptly notify a competent authority when detecting any signs of storing, using and/or transporting counterfeit money;

c) 63 arranging persons who have not yet undergone training in skills of distinguishing between the real and counterfeit money to seize counterfeit money or take suspected counterfeit money into custody;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. A fine ranging from VND 5.000.000 to VND 10.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) failing to seize counterfeit money upon detection;

b) failing to take money which is suspected of being counterfeit money into custody;

c) failing to make records or failing to collect, seal and punch counterfeit money according to SBV’s regulations on handling of counterfeit money and suspected counterfeit money when seizing counterfeit money or taking suspected counterfeit money into custody.

3. A fine ranging from VND 10.000.000 to VND 15.000.000 shall be imposed for sabotaging or destroying Vietnam's cash against law regulations.

4. A fine ranging from VND 40.000.000 to VND 50.000.000 shall be imposed for photocopying, printing or using design, a part of or all images, elements or patterns on Vietnam's cash against law regulations.

5. Additional penalties:

All exhibits and instrumentalities used for committing any of the administrative violations prescribed in Clauses 2, 3 and 4 of this Article shall be confiscated and handed over to competent authorities.

6. Remedial measures:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Enforced destruction of all exhibits and instrumentalities used for committing any of the violations prescribed in Clause 4 of this Article;

c) Enforced transfer of benefits illegally obtained from any of the violations prescribed in Clause 4 of this Article to state budget.

Section 9. VIOLATIONS AGAINST REGULATIONS ON PURCHASE AND INVESTMENT IN FIXED ASSETS AND TRADING IN REAL ESTATE BY CREDIT INSTITUTIONS AND FOREIGN BANK BRANCHES (FBBs)

Article 32. Violations against regulations on purchase of and investment in fixed assets

1. A fine ranging from VND 100.000.000 to VND 150.000.000 shall be imposed for purchasing or making investment in fixed assets directly used to serve operations resulting in the value of such assets exceeding 50% of the charter capital and fund for charter capital increase of a credit institution or 50% of the assigned capital and fund for assigned capital increase of a FBB.

2. Remedial measures:

a) Enforced maintenance of the ratio of the value of fixed assets directly used to serve operations to sum of the charter capital or assigned capital and fund for charter capital increase or the fund for assigned capital increase as prescribed in Article 140 of the Law on credit institutions for a maximum period of 06 months from the effective date of the penalty imposition decision if the violation prescribed in Clause 1 of this Article is committed;

b) Enforced transfer of benefits illegally obtained from the violation prescribed in Clause 1 of this Article to state budget.

Article 33. Violations against regulations on real estate trading

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Remedial measures:

Enforced transfer of benefits illegally obtained from the violation prescribed in Clause 1 of this Article to state budget.

Section 10. VIOLATIONS AGAINST REGULATIONS ON GUARANTEE OF SAFE OPERATION OF CREDIT INSTITUTIONS AND FOREIGN BANK BRANCHES

Article 34. Violations against regulations on reserve requirements and compulsory purchase of SBV bills

1. A warning shall be issued for committing one of the following violations:

a) failing to maintain the required reserve as prescribed by law;

b) failing to comply with regulations on compulsory purchase of SBV bills.

2. A fine ranging from VND 10.000.000 to VND 20.000.000 shall be imposed for failing to maintain the required reserve as prescribed by law in case of a recommitted or repeated violation.

3. Remedial measures:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Proposed dismissal and implementation of other appropriate measures against violating entities within the competence of a credit institution or FBB.

Article 35. Violations against regulations on prudential ratios

1. A fine ranging from VND 200.000.000 to VND 220.000.000 shall be imposed for committing violations against law regulations on one of the following prudential ratios:

a) Maximum ratio of short-term capital used for provision of medium-term and long-term loans;

b) Loan-to-deposit ratio;

c) Ratio of purchase or investment in Government bonds and government-guaranteed bonds.

2. A fine ranging from VND 250.000.000 to VND 300.000.000 shall be imposed for committing violations against law regulations on solvency ratio.

3. A fine ranging from VND 300.000.000 to VND 350.000.000 shall be imposed for committing violations against law regulations on capital adequacy ratio.

4. Remedial measures:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Prohibition of expansion of operating scope, scale and regions or addition of business lines until remedial measures against the violation are completed if any of the violations prescribed in Point d Clauses 1, 2 and 3 of this Article is committed;

c) Proposed suspension of violating entities and/or persons responsible for the violation from holding the management or supervision position for 01 – 03 months, or proposed dismissal or prohibition of them from holding the management or supervision position at a credit institution or FBB if the violation prescribed in Clause 2 or Clause 3 of this Article is committed.

Proposed dismissal and implementation of other appropriate measures against violating entities within the competence of a credit institution or FBB.

Article 36. Violations against regulations on classification of assets, off-balance-sheet (OBS) items, creation and use of provisions for losses

1. A fine ranging from VND 150.000.000 to VND 200.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) classifying assets and OBS items against law regulations;

b) setting aside provisions for losses against law regulations, unless the creation of provisions for losses against law regulations is the consequence of the violation prescribed in Point a Clause 1 of this Article;

c) using provisions for handling losses against law regulations;

d) failing to have measures for fully recovering debts which have been settled using provisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Enforced classification of assets and creation of provisions for losses; enforced reversal of improperly used provisions for losses, and recording of debts settled using provisions for losses on the balance sheet as prescribed within a maximum duration of 01 month from the effective date of the penalty imposition decision if any of the violations prescribed in Clause 1 of this Article is committed;

b) Proposed suspension of violating entities and/or persons responsible for the violation from holding the management or supervision position for 01 – 03 months, or proposed dismissal or prohibition of them from holding the management or supervision position at a credit institution or FBB if the violation prescribed in Clause 1 of this Article is committed.

Proposed dismissal and implementation of other appropriate measures against violating entities within the competence of a credit institution or FBB.

Article 37. Violations against regulations on setting aside and use of funds

1. A fine ranging from VND 20.000.000 to VND 40.000.000 shall be imposed for setting aside or using funds against law regulations.

2. Remedial measures:

Enforced setting aside of funds as prescribed by law within 15 days from the effective date of the penalty imposition decision if the violation prescribed in Clause 1 of this Article is committed.

Section 11. VIOLATIONS AGAINST REGULATIONS ON DEPOSIT INSURANCE

Article 38. Violations against regulations on deposit insurance

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) failing to publicly post the copy of the certificate of deposit insurance at all transaction locations that take deposits;

b) making insufficient or late payment of deposit insurance premiums;

c) failing to comply with the time limit for application for certificate of deposit insurance as prescribed in Clause 1 Article 14 of the Law on deposit insurance.

2. A fine ranging from VND 30.000.000 to VND 40.000.000 shall be imposed for failing to pay deposit insurance premiums as prescribed by law.

3. A fine ranging from VND 40.000.000 to VND 60.000.000 shall be imposed for failing to make deposit insurance payout to insured depositors within the time limit prescribed in Article 23 of the Law on deposit insurance.

4. A fine ranging from VND 60.000.000 to VND 80.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) offering insurance for uninsured deposits prescribed in Article 19 of the Law on deposit insurance;

b) forging documents concerning deposit insurance if not liable to criminal prosecution.

5. A fine ranging from VND 100.000.000 to VND 150.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) obstructing, hindering or damaging legitimate rights and benefits of deposit insurers, deposit insurance policyholders, insured depositors and other authorities and organizations involved in the deposit insurance;

c) abusing positions and powers to act against regulations of the Law on deposit insurance.

6. Remedial measures:

a) Enforced posting of the copy of certificate of deposit insurance if the violation prescribed in Point a Clause 1 of this Article is committed;

b) Enforced payment of insurance premiums in full if the violation prescribed in Point b Clause 1 of this Article is committed and payment of late payment interest that is equal to 0.05% of the unpaid premiums for each day of late payment as prescribed in Clause 1 Article 21 of the Law on deposit insurance;

c) Enforced reimbursement of collected insurance premiums or recovery of delivered insurance payouts if any of the violations prescribed in Clause 4 of this Article is committed;

d) Proposed suspension of violating entities and/or persons responsible for the violation from holding the management or supervision position for 01 – 03 months, or proposed dismissal or prohibition of them from holding the management or supervision position at a credit institution or FBB if any of the violations prescribed in Point b Clause 4 and Points a, c Clause 5 of this Article is committed.

Proposed dismissal and implementation of other appropriate measures against violating entities within the competence of a credit institution or FBB.

Section 12. VIOLATIONS AGAINST REGULATIONS ON ANTI-MONEY LAUNDERING; ANTI-TERRORISM FINANCING; COUNTER TO FINANCING OF PROLIFERATION OF WEAPONS OF MASS DESTRUCTION64

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. A fine ranging from VND 100.000.000 to VND 150.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) failing to identify customers; failing to update or verify customer identification information or customer identity; updating or verifying customer identification information against the provisions of Articles 8, 9, 10, 11 of the Law on Anti-money Laundering and Law on Anti-terrorism;

b) Failing to update the list of organizations or individuals involved in acts of terrorism or terrorism financing or the list of organizations or individuals charged with being involved in proliferation and financing of proliferation of weapons of mass destruction.

2. A fine ranging from VND 150.000.000 to VND 250.000.000 shall be imposed for failing to ensure confidentiality of information, documents and reports as prescribed in Article 29 of the Law on Anti-money Laundering and Law on Anti-terrorism.

3. Remedial measures:

a) Enforced implementation of regulations on identification, updating and verification of customer identification information as prescribed in Articles 8, 9, 10 and 11 of the Law on Anti-money Laundering and the Law on Anti-terrorism if the violation in Point a Clause 1 of this Article is committed;

b) Proposed prohibition of violating entities and/or persons responsible for the violation from holding the management or supervision position at a credit institution or FBB if any of the violations prescribed in Clauses 1, 2 of this Article is committed.

Proposed dismissal and implementation of other appropriate measures against violating entities within the competence of a credit institution or FBB.

Article 40. Violations against internal regulations on anti-money laundering, anti-terrorism financing, counter to financing of proliferation of weapons of mass destruction 66

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) failing to promulgate internal regulations on anti-money laundering, anti-terrorism financing, counter to financing of proliferation of weapons of mass destruction or promulgating such internal regulations against regulations of law;

b) failing to assign or register the assignment of officials/departments in charge of anti-money laundering and anti-terrorism financing tasks, or carrying out such assignment tasks against regulations of law;

c) failing to conduct internal audits or conducting such internal audits against regulations of laws on anti-money laundering and anti-terrorism financing;

d) failing to provide training/refresher training courses in anti-money laundering and anti-terrorism financing or providing such courses against regulations of law.

2. Remedial measures

Enforced promulgation of internal regulations as prescribed by law or enforced invalidation of internal regulations that have contents inconsistent with regulations of law if the violation in Point a Clause 1 of this Article is committed.

Article 41. Violations against regulations on risk-based customer classification67

A fine ranging from VND 150.000.000 to VND 200.000.000 shall be imposed for failing to carry out risk-based customer classification or carrying out such risk-based customer classification tasks against regulations of Clauses 2, 3, 4 Article 12 of the Law on anti-money laundering, the Law on anti-terrorism financing and regulations of law on counter to financing of proliferation of weapons of mass destruction.

Article 42. Violations against regulations on identification of foreign customers that are politically exposed persons (PEPs) 68

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 43. Violations against regulations on correspondent banking relationship, transactions using new technologies, special supervision of transactions69

1. A fine ranging from VND 150.000.000 to VND 200.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) failing to adopt the measures in Article 14 of the Law on anti-money laundering when establishing a correspondent banking relationship with a foreign bank;

b) failing to promulgate procedures as prescribed in Article 15 of the Law on anti-money laundering.

2. A fine ranging from VND 200.000.000 to VND 300.000.000 shall be imposed for failing to carry out special supervision of certain transactions as prescribed in Article 16 of the Law on anti-money laundering.

3. Remedial measures:

a) Enforced implementation of the measures in Article 14 of the Law on anti-money laundering if the violation in Point a Clause 1 of this Article is committed;

b) Enforced promulgation of procedures as prescribed in Article 15 of the Law on anti-money laundering if the violation in Point b Clause 1 of this Article is committed;

c) Enforced special supervision of certain transactions as prescribed in Article 16 of the Law on anti-money laundering if the violation in Point c Clause 1 of this Article is committed;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Proposed dismissal and implementation of other appropriate measures against violating entities within the competence of a credit institution or FBB.

Article 44. Violations against regulations on reporting on high-value transactions, suspicious transactions, electronic money transfer, money laundering for terrorism financing purposes, financing terrorism, and financing of proliferation of weapons of mass destruction 70

1. A fine ranging from VND 80.000.000 to VND 120.000.000 shall be imposed for failing to submit reports on schedule as prescribed in the Law on anti-money laundering and the Law on anti-terrorism financing.

2. A fine ranging from VND 150.000.000 to VND 250.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) failing to submit reports on high-value transactions;

b) failing to submit reports on suspicious transactions involving money laundering, financing terrorism or financing of proliferation of weapons of mass destruction;

c) failing to submit reports on electronic funds transfer transactions;

d) failing to submit reports on money laundering activities for terrorism financing purpose as prescribed in Article 30 of the Law on anti-money laundering, failing to submit reports on customers or their transactions suspected of being related to terrorism financing and/or financing of proliferation of weapons of mass destruction, or on customers suspected of being on the blacklist or the list of organizations or individuals charged with being involved in proliferation and financing of proliferation of weapons of mass destruction as prescribed in the Law on anti-terrorism financing and regulations of law on counter to financing of proliferation of weapons of mass destruction.

3. Remedial measures

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Proposed suspension or dismissal of violating entities and/or persons responsible for the violation from holding the management or supervision position; or proposed prohibition of them from holding the management or supervision position at a credit institution or FBB if any of the violations in this Article is committed.

Proposed dismissal and implementation of other appropriate measures against violating entities within the competence of a credit institution or FBB.

Article 44a. Violations against regulations on information provision71

1. A fine ranging from VND 150.000.000 to VND 250.000.000 shall be imposed for failing to provide information, providing false information or providing information against regulations of the Law on anti-money laundering, the Law on anti-terrorism financing and regulations of law on counter to financing of proliferation of weapons of mass destruction, if not liable to criminal prosecution.

2. Remedial measures

a) Enforced correction of false information if the violation in this Article is committed;

b) Proposed suspension or dismissal of violating entities and/or persons responsible for the violation from holding the management or supervision position; or proposed prohibition of them from holding the management or supervision position at a credit institution or FBB if the violation in this Article is committed.

Proposed dismissal and implementation of other appropriate measures against violating entities within the competence of a credit institution or FBB.

Article 45. Violations against regulations on transaction delay, account freezing, and asset sealing or impoundment 72

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) failing to submit reports on delay of transaction of which related parties are on the blacklist or when having reasonable grounds to suspect that the transaction is related to an offence as prescribed in Clause 3 Article 33 of the Law on anti-money laundering;

b) failing to submit reports on account freezing, sealing or impoundment of assets according to a decision issued by a competent authority as prescribed in Article 34 of the Law on anti-money laundering;

c) failing to immediately submit reports on the suspension of circulation or freezing of all money and assets related to the terrorism financing or financing of proliferation of weapons of mass destruction as prescribed by law.

2. A fine ranging from VND 250.000.000 to VND 350.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) failing to delay the transaction of which the related parties are on the blacklist or when having reasonable grounds to suspect that the transaction is related to an offence as prescribed in Clause 1 Article 33 of the Law on anti-money laundering;

b) failing to freeze accounts, seal or impound assets according to a decision issued by a competent authority as prescribed in Article 34 of the Law on anti-money laundering;

c) failing to immediately suspend the circulation or freeze all money and assets related to the terrorism financing or financing of proliferation of weapons of mass destruction as prescribed by law.

3. Remedial measures:

a) Enforced submission of adequate and accurate reports if any of the violations in Clause 1 of this Article is committed;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Proposed dismissal and implementation of other appropriate measures against violating entities within the competence of a credit institution or FBB.

Article 45a. Violations against regulations on risk assessment73

1. A fine ranging from VND 150.000.000 to VND 250.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) failing to carry out money laundering and terrorism financing risk assessment or update assessment results in accordance with regulations of the Law on anti-money laundering;

b) failing to promulgate or update policies/procedures for management of risks detected and defined in money laundering/terrorism financing risk assessment reports in accordance with the Law on anti-money laundering;

c) failing to submit, disseminate or publish assessment results or failing to update money laundering/terrorism financing risks in accordance with regulations of the Law on anti-money laundering.

2. Remedial measures:

a) Enforced implementation of regulations on money laundering/terrorism financing risk assessment laid down in the Law on anti-money laundering if the violation in Clause 1 of this Article is committed;

b) Proposed suspension or dismissal of violating entities and/or persons responsible for the violation from holding the management or supervision position; or proposed prohibition of them from holding the management or supervision position at a credit institution or FBB if the violation in this Article is committed.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 46. Violations against regulations on prohibited acts in anti-money laundering and anti-terrorism financing74

1. A fine ranging from VND 150.000.000 to VND 250.000.000 shall be imposed for obstructing the provision of information serving the performance of anti-money laundering and anti-terrorism financing tasks.

2. A fine ranging from VND 300.000.000 to VND 400.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) creating or maintaining anonymous accounts or accounts with fake names;

b) illegally providing services of receipt of cash, cheques, other monetary instruments or stores of value and making payments to beneficiaries at another location.

3. A fine ranging from VND 400.000.000 to VND 500.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) organizing or facilitating money laundering activities, if not liable to criminal prosecution;

b) establishing and maintaining business relationship with a bank that is established in a country or territory but neither exists in that country or territory nor bears the management or supervision of any competent authority;

c) failing to denounce terrorism financing activities, if not liable to criminal prosecution;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) directly or indirectly providing money, assets, financial resources, economic resources, financial services, or other services for entities related to terrorism or terrorism financing.

4. Remedial measures:

Proposed suspension or dismissal of violating entities and/or persons responsible for the violation from holding the management or supervision position; or proposed prohibition of them from holding the management or supervision position at a credit institution or FBB if any of the violations in Clauses 2, 3 of this Article is committed.

Proposed dismissal and implementation of other appropriate measures against violating entities within the competence of a credit institution or FBB.

Section 13. VIOLATIONS AGAINST REGULATIONS ON PROVISION OF INFORMATION AND REPORTING

Article 47. Violations against regulations on reporting, and information management and provision

1. A fine ranging from VND 5.000.000 to VND 10.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) failing to meet deadlines and documentation requirements for statistical reports covering a period of less than 01 month if the violation is repeated within a fiscal year;

b) failing to submit required reports within the time limits prescribed by law, except the cases prescribed in Point a of this Clause, Points a, c Clause 5 of this Clause and Clause 1 Article 44 hereof;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) submitting reports containing inaccurate figures if the violation is repeated within a fiscal year, except the case prescribed in Point b Clause 5 of this Article.

2. A fine ranging from VND 10.000.000 to VND 15.000.000 shall be imposed for failing to submit all required reports or submitting a report which does not contain adequate contents as prescribed by law, except the cases prescribed in Clauses 2, 3 Article 44, Clause 1 Article 45 hereof.

3. A fine ranging from VND 20.000.000 to VND 30.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) failing to carry out registration of changes with competent authorities as prescribed in Point b Clause 4 Article 29 of the Law on Credit Institutions;

b) failing to publish the changes prescribed in Points a, b, c and d Clause 1 Article 29 of the Law on Credit Institutions on SBV’s means of mass media and 03 consecutive issues of a daily printed newspaper or an online newspaper of Vietnam within 07 business days from the date on which the SBV gives approval for such changes.

4. A fine ranging from VND 30.000.000 to VND 40.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) 75 reporting in a dishonest manner, except the case in Point h Clause 4 Article 27 hereof;

b) providing information about operations of the SBV, credit institutions or FBBs or information about their customers against law regulations;

c) failing to provide information and/or documents as prescribed by law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. A fine ranging from VND 40.000.000 to VND 50.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) failing to send reports on credit information to the SBV within the prescribed time limit;

b) sending credit information reports which contain inaccurate or insufficient information or do not meet technical requirements or failing to submit such reports on a timely manner to the SBV;

c) failing to submit reports on credit information to the SBV in accordance with SBV’s regulations on credit information services;

d) failing to submit statistical reports on inbound/outbound money transfer serving international payments as prescribed by law.

6. A fine ranging from VND 50.000.000 to VND 100.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) failing to immediately submit reports on insolvency risk to competent authorities;

b) failing to provide information at the request of the SBV and competent authorities as prescribed in Clause 4 Article 18 of the Law on anti-money laundering.

7. Remedial measures:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) 76 Prohibition of expansion of operating scope, scale and regions or addition of business lines until remedial measures against the violation are completed if any of the violations prescribed in Points a, b, d Clause 1, Clause 2 and Clause 5 of this Article is committed;

c) Proposed suspension of violating entities and/or persons responsible for the violation from holding the management or supervision position for 01 – 03 months, or proposed dismissal or prohibition of them from holding the management or supervision position at a credit institution or FBB if the violation prescribed in Point a Clause 6 of this Article is committed.

Proposed dismissal and implementation of other appropriate measures against violating entities within the competence of a credit institution or FBB.

Section 14. OBSTRUCTION OF INVESTIGATION AND FAILURE TO COMPLY WITH REQUESTS OF COMPETENT OFFICIALS

Article 48. Obstruction of investigation and failure to comply with requests of competent officials

1. A fine ranging from VND 2.000.000 to VND 3.000.000 shall be imposed for obstructing or hindering competent officials from carrying out inspections.

2. A fine ranging from VND 5.000.000 to VND 10.000.000 shall be imposed for evading the inspection by competent officials.

3. A fine ranging from VND 10.000.000 to VND 20.000.000 shall be imposed for refusing to provide information, documents and/or electronic data to inspection teams or competent officials.

4. A fine ranging from VND 20.000.000 to VND 30.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) intentionally removing or moving or performing other acts to change the existing status of the seals on vaults, safe, accounting books/vouchers, credit extension dossiers or other exhibits which are sealed and impounded;

c) failing to freeze accounts or remove freezing of accounts at the request of a competent official as prescribed by law.

5. A fine ranging from VND 30.000.000 to VND 50.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) 77 providing untruthful information and/or documents;

b) making unlawful intervention in actions taken by competent authorities and banking supervision agencies;

c) hiding or altering documents/records or changing exhibits during the inspection period.

6. A fine ranging from VND 50.000.000 to VND 100.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) transferring funds or assets abroad after they are frozen;

b) failing to deposit funds or assets to the SBV or a credit institution at the request of the SBV after they are frozen;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 49. Violations against regulations on obligations of entities subject to banking inspection

1. A fine ranging from VND 5.000.000 to VND 10.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) failing to provide sufficient and accurate information and/or documents in a timely manner at the request of the SBV;

b) failing to comply with the SBV’s risk warnings and recommendations for safe operations;

c) failing to provide reports or explanations about the SBV’s risk warnings and recommendations for safe operations.

2. A fine ranging from VND 40.000.000 to VND 50.000.000 shall be imposed for failing to comply with conclusions, recommendations or decisions on inspection.

3. Remedial measures:

Proposed suspension of violating entities and/or persons responsible for the violation from holding the management or supervision position for 01 – 03 months, proposed dismissal or prohibition of them from holding the management or supervision position at a credit institution or FBB if the violation prescribed in Clause 2 of this Article is committed.

Proposed dismissal and implementation of other appropriate measures against violating entities within the competence of a credit institution or FBB.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 50. Violations against regulations on debt trading by credit institutions

1. A fine ranging from VND 50.000.000 to VND 80.000.000 shall be imposed for failing to establish a debt trading council when buying and selling debts.

2. A fine ranging from VND 80.000.000 to VND 100.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) selling a debt which is used as a guarantee for other civil obligations, unless the obligee gives a written consent to the debt sale;

b) the debt seller repurchases the debt it has sold, except the case prescribed in Article 148dd of the Law on Credit Institutions as amended in 2017.

3. Additional penalties:

The debt trading operations shall be suspended for 03 – 06 months if the violation prescribed in Clause 1 of this Article is committed.

4. Remedial measures:

Enforced reversal of the sale of debts if the violation prescribed in Clause 2 of this Article is committed.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. A fine ranging from VND 5.000.000 to VND 10.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) managing purchased bad debts and inspecting collaterals for such bad debts against law regulations;

b) authorizing credit institutions and inspecting their performance of authorized contents against law regulations;

c) implementing measures for debt restructuring and giving financial support to borrowers against law regulations;

d) making capital contributions or purchasing shares against law regulations;

dd) setting aside and using provisions for risks to the bad debts purchased at the market value against law regulations.

2. A fine ranging from VND 10.000.000 to VND 15.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) buying and selling bad debts against law regulations;

b) settling collaterals for purchased bad debts against law regulations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 16. VIOLATIONS AGAINST REGULATIONS ON INFORMATION SYSTEM SECURITY FOR BANKING OPERATIONS

Article 52. Violations against regulations on information system security for banking operations

1. A fine ranging from VND 10.000.000 to VND 20.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) failing to carry out assessment of information technology (IT) risks and operational risks before using IT services rendered by a third party as prescribed by law;

b) failing to carry out assessment of security level of the information system employed for providing online transaction services for customers before it is put into official operation.

2. A fine ranging from VND 20.000.000 to VND 30.000.000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) failing to disseminate or provide updated regulations on information security to all staff members at least once every year;

b) failing to take data backup or insufficiently backing up data to ensure data security as prescribed by law;

c) failing to implement network security solutions for controlling network connection as well as detecting and preventing attacks and illegal access to information systems employed for providing online transaction services for customers;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) failing to provide instructions to customers on measures for ensuring security and confidentiality of information when using banking services on the Internet;

e) failing to keep logbooks of operations of information systems and users, errors and information security incidents as prescribed by law.

3. Additional penalties:

The use of IT services rendered by a third party shall be suspended for 01 – 03 months if the violation prescribed in Point a Clause 1 of this Article is committed.

4. Remedial measures:

Enforced compliance with regulations on information system security in banking operations.

Chapter III

POWER TO IMPOSE PENALTIES AND RECORD ADMINISTRATIVE VIOLATIONS

Article 53. Power to impose penalties of banking supervision forces78

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 500.000;

c) 79 Confiscate the exhibits and instrumentalities used for committing administrative violations worth up to VND 1.000.000;

2. Chief inspectors of SBV's provincial branches shall have the power to:

a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 50.000.000;

c) 80 Confiscate the exhibits and instrumentalities used for committing administrative violations worth up to VND 100.000.000;

d) Impose additional penalties and remedial measures specified in Clause 2 and Clause 4 Article 3 hereof.

3. Directors of Branches of SBV Banking Supervision Agency shall have the power to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Impose a fine up to VND 250.000.000;

c) 81 Confiscate the exhibits and instrumentalities for used for committing administrative violations worth up to VND 500.000.000;

d) Impose the additional penalties and remedial measures specified in Clause 2 and Clause 4 Article 3 hereof.

4. The Head of SBV Banking Supervision Agency shall have the power to:

a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 1.000.000.000;

c) Impose the additional penalties and remedial measures specified in Clause 2 and Clause 4 Article 3 hereof.

5. Heads of inspection teams established according to decisions of the SBV’s Governor or the Head of SBV Banking Supervision Agency shall have the power to impose administrative penalties as prescribed in Clause 3 of this Article.

Heads of inspection teams established according to decisions of Directors of SBV’s provincial branches, Directors of Branches of SBV Banking Supervision Agency or Chief Inspectors of SBV’s provincial branches shall have the power to impose administrative penalties as prescribed in Clause 2 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Chairpersons of communal-level People’s Committees shall have the power to:

a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 5.000.000;

c) Confiscate the exhibits and instrumentalities used for committing administrative violations worth up to VND 10.000.000.

2. Chairpersons of District-level People’s Committees shall have the power to:

a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 100.000.000;

c) Suspend licenses/practicing certificates or operations for a fixed period;

d) Confiscate the exhibits and instrumentalities used for committing administrative violations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Chairpersons of Provincial People’s Committees shall have the power to:

a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 1.000.000.000;

c) Suspend licenses/practicing certificates or operations for a fixed period;

d) Confiscate the exhibits and instrumentalities used for committing administrative violations;

dd) Impose the remedial measures mentioned in Clause 4 Article 3 hereof.

Article 54a. Power to impose administrative penalties of People’s Public Security Forces83

1. On-duty soldiers of People’s Public Security Forces shall have the power to:

a) Issue warning;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Heads of company-level Mobile Police Units, heads of police stations and team leaders in charge of managing the soldiers mentioned in Clause 1 of this Article shall have the power to:

a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 1.500.000.

3. Communal-level Police Chiefs, Heads of Police Posts, Heads of Police Stations at border gates, export processing zones, Heads of International Airport Police Offices, Majors of Mobile Police Battalions, and Captains of Squadrons shall have the power to:

a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 2.500.000;

c) Confiscate the exhibits and instrumentalities used for committing administrative violations worth up to VND 5.000.000.

4. Heads of district-level police agencies, heads of professional divisions of the following authorities, including the Internal Political Security Department, the Police Department for Administration of Social Order, the Traffic Police Department, the Department of Fire Prevention, Fighting and Rescue, the Department of Cybersecurity, Hi-Tech Crime Prevention and Control, and the Immigration Department, and heads of provincial-level police departments, including: Internal Political Security Divisions, Police Divisions for Social Order Administration, Police Departments for Social Order Crimes, Investigation Police Divisions for Corruption, Economic and Smuggling Crimes, Investigation Police Divisions for Drug Crimes, Traffic Police Divisions, Road and Railway Traffic Police Divisions, Road Traffic Police Divisions, Waterway Police Divisions, Mobile Police Divisions, Criminal Judgment Execution and Judicial Assistance Divisions, Police Divisions for Prevention and Control of Environmental Crimes, Firefighting, Prevention and Rescue Police Divisions, Cyber​security, Hi-Tech Crime Prevention and Control Divisions, Immigration Divisions, Economic Security Divisions, and External Security Divisions, Colonels of Mobile Police Regiments, and Captains of Squadrons, shall have the power to:

a) Issue warning;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Confiscate the exhibits and instrumentalities used for committing administrative violations worth up to VND 50.000.000;

d) Suspend licenses/practicing certificates or suspend operations for fixed periods;

dd) Impose the remedial measures mentioned in Point e Clause 4 Article 3 hereof.

5. Directors of Provincial-level Police Departments shall have the power to:

a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 100.000.000;

c) Suspend licenses/practicing certificates or operations for a fixed period;

d) Confiscate the exhibits and instrumentalities used for committing administrative violations;

dd) Impose the remedial measures mentioned in Points a, e, g, k, n, p Clause 4 Article 3 hereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 1.000.000.000;

c) Suspend licenses/practicing certificates or operations for a fixed period;

d) Confiscate the exhibits and instrumentalities used for committing administrative violations;

dd) Impose the remedial measures mentioned in Points a, e, g, k, n, p Clause 4 Article 3 hereof.

Article 54b. Power to impose administrative penalties of border guard forces84

1. On-duty soldiers of border guard forces shall have the power to:

a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 500.000.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 2.500.000.

3. Leaders of Task Force Teams for drug and crime prevention and control which are put under the control of Task Force Commissions for drug and crime prevention and control shall have the power to:

a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 10.000.000;

c) Confiscate the exhibits and instrumentalities used for committing administrative violations worth up to VND 20.000.000.

4. Heads of border-guard posts, commanders of border-guard flotillas and commanders of port border guards shall have the power to:

a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 25.000.000;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Leaders of Task Force Teams for drug and crime prevention and control affiliated to the Department of Drug and Crime Prevention and Control under the control of the Command of Border Guards shall have the power to:

a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 100.000.000;

c) Confiscate the exhibits and instrumentalities used for committing administrative violations worth up to VND 200.000.000.

6. Commanders of Provincial-level Border Guard Forces, Captains of Naval Border Guard Squadrons, and Director of Department of Drug and Crime Prevention and Control affiliated to the Border Guard High Command shall have the power to:

a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 1.000.000.000;

c) Suspend licenses/practicing certificates or operations for a fixed period;

d) Confiscate the exhibits and instrumentalities used for committing administrative violations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. On-duty coast guard officers shall have the power to:

a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 1.500.000.

2. Coastguard team leaders shall have the power to:

a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 5.000.000.

3. Coastguard squad leaders and captains of coastguard stations shall have the power to:

a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 10.000.000;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 25.000.000;

c) Confiscate the exhibits and instrumentalities used for committing administrative violations worth up to VND 50.000.000.

5. Captains of Naval Border Guard Squadrons; Heads of Reconnaissance Commissions; Heads of Task Force Commissions for Drug Crime Prevention and Control under the control of the Command of Coast Guard of Vietnam shall have the power to:

a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 50.000.000;

c) Confiscate the exhibits and instrumentalities used for committing administrative violations worth up to VND 100.000.000.

6. Regional Commands of Coast Guard and Director of the Department of Operations and Legislation under the control of the Command of Coast Guard of Vietnam shall have the power to:

a) Issue warning;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Suspend license/practicing certificate for a fixed period;

d) Confiscate the exhibits and instrumentalities used for committing administrative violations.

7. The Commander of Vietnam Coast Guard shall have the power to:

a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 1.000.000.000;

c) Suspend licenses/practicing certificates or operations for a fixed period;

d) Confiscate the exhibits and instrumentalities used for committing administrative violations.

Article 54d. Power to impose administrative penalties of market surveillance forces 86

1. Market controllers on duty shall have the power to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Impose a fine up to VND 500.000.

2. Leaders of Market Surveillance Teams and Heads of Professional Divisions under the control of the Departments of Market Surveillance Operations shall have the power to:

a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 25.000.000;

c) Confiscate the exhibits and instrumentalities used for committing administrative violations worth up to VND 50.000.000.

3. Directors of Provincial Market Surveillance Departments and Director of Market Surveillance Operations Department affiliated to Vietnam Directorate of Market Surveillance shall have the power to:

a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 50.000.000;

c) Confiscate the exhibits and instrumentalities for committing administrative violations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The Director General of Vietnam Directorate of Market Surveillance shall have the power to:

a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 1.000.000.000;

c) Confiscate the exhibits and instrumentalities for committing administrative violations;

d) Suspend licenses/practicing certificates or suspend operations for fixed periods.

Article 54dd. Power to impose administrative penalties of tourism inspection forces 87

1. On-duty inspectors and persons assigned to carry out specialized inspections shall have the power to:

a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 500.000.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 50.000.000;

c) Suspend licenses/practicing certificates or operations for a fixed period;

d) Confiscate the exhibits and instrumentalities for committing administrative violations worth up to VND 100.000.000;

dd) Impose the remedial measures mentioned in Point n Clause 4 Article 3 hereof.

3. Heads of specialized inspection teams established by Ministries shall have the power to:

a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 250.000.000;

c) Suspend licenses/practicing certificates or operations for a fixed period;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Impose the remedial measures mentioned in Point n Clause 4 Article 3 hereof.

4. Chief Inspectors of Ministries shall have the power to:

a) Issue warning;

b) Impose a fine up to VND 1.000.000.000;

c) Suspend licenses/practicing certificates or operations for a fixed period;

d) Confiscate the exhibits and instrumentalities used for committing administrative violations;

dd) Impose the remedial measures mentioned in Point n Clause 4 Article 3 hereof.

Article 54e. Power to impose administrative penalties of customs authorities88

The Director General of General Department of Customs shall have the power to impose a fine up to VND 1.000.000.000.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chairperson of Vietnam Competition Commission shall have the power to:

1. Issue warning.

2. Impose a fine up to VND 1.000.000.000.

3. Suspend licenses/practicing certificates or operations for a fixed period.

4. Confiscate the exhibits and instrumentalities used for committing administrative violations.

5. Impose the remedial measures mentioned in Point n Clause 4 Article 3 hereof.

Article 55. Determination of power to impose penalties for administrative violations in monetary and banking sector90

1. Power to impose administrative penalties of Chairpersons of people’s committees at all levels

Chairpersons of People’s Committees at all levels have the power to impose penalties for the administrative violations specified in Chapter II of this Decree within the ambit of their assigned functions, tasks and powers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Persons competent to impose penalties of market surveillance forces have the power to impose penalties for the administrative violations in Clause 1, Clause 2, Points a, b, h, i, k, l Clause 3, Points n, o Clause 4, Points e, g, h Clause 5, Point c Clause 8 Article 23; Clause 1, Clause 2, Point a Clause 3, Point a Clause 4, Point a Clause 6, Clause 7, Points a, c Clause 8 Article 24 of this Decree.

3. Power to impose administrative penalties of border guard forces

Persons competent to impose penalties of border guard forces have the power to impose penalties for the administrative violations in Clause 1, Clause 2, Points h, i, k Clause 3, Point h Clause 4, Points e, g, h Clause 5 Article 23; Clause 1, Clause 2, Clause 4 Article 24; Point c Clause 4 Article 47; Clause 3 Article 48; Point a Clause 5 Article 48 of this Decree.

4. Power to impose administrative penalties of coast guard forces

Persons competent to impose penalties of coast guard forces have the power to impose penalties for the administrative violations in Clause 1, Clause 2, Points h, i, k Clause 3, Point h Clause 4, Points e, g, h Clause 5, Point b Clause 8 Article 23; Clause 1, Clause 2, Points a, b Clause 4, Point c Clause 5, Point a Clause 6, Points a, b Clause 8 Article 24 of this Decree.

5. Power to impose administrative penalties of People’s Public Security Forces

Persons competent to impose penalties of People’s Public Security Forces have the power to impose penalties for the administrative violations in Clauses 3, 4, and 5 Article 4; Clause 1, Clause 2, Points a, b, c, h, i, k, l Clause 3, Points h, n, o Clause 4, Points c, e, g, h Clause 5, Point c Clause 8 Article 23; Clause 1, Clause 2, Clause 3, Clause 4, Points a, c Clause 5, Clause 6, Clause 7, Clause 8 Article 24; Point b Clause 2, Clause 5, Clause 6, Clause 7 Article 26; Point a Clause 1, Points a, b Clause 3, Points a, b, c, d, dd, e, i, k Clause 4, Clause 5 Article 27; Points c, d Clause 5, Clause 6, Clause 7 Article 28; Point a Clause 1, Point a Clause 2, Point e Clause 3 Article 28a; Point c Clause 3, Clause 4 Article 30; Article 31; Clause 2 Article 39; Article 44; Article 45; Article 46; Point c Clause 4 Article 47; Article 48; Point b Clause 1, Point c Clause 2 Article 52 of this Decree.

6. Power to impose administrative penalties of tourism inspection forces

Persons competent to impose penalties of tourism inspection forces have the power to impose penalties for the administrative violations in Clause 1, Clause 2, Points a, b, c, h, i, k, l Clause 3, Points b, n, o Clause 4, Points e, g, h Clause 5 Article 23 of this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The Director General of General Department of Customs has the power to impose penalties for the administrative violations specified in Point b Clause 8 Article 23, Point c Clause 5, Point b Clause 8 Article 24 of this Decree.

8. Power to impose administrative penalties of Chairperson of Vietnam Competition Commission

The Chairperson of Vietnam Competition Commission has the power to impose penalties for the administrative violations in Clause 1, Clause 2, Points h, i, k Clause 3, Points e, g, h Clause 5 Article 23; Clause 1 Article 24 of this Decree..

9. Power to impose administrative penalties of banking supervision agencies

Persons competent to impose penalties of banking supervision agencies have the power to impose penalties for, and apply remedial measures against, the administrative violations in Chapter II of this Decree within the ambit of their assigned functions, tasks and powers.

Article 56. Power to record administrative violations

The following persons shall have the power to record administrative violations:

1. 91 The persons who have the power to impose penalties prescribed in Articles 53, 54, 54a, 54b, 54c, 54d, 54dd, 54e, and 54g of this Decree.

2. 92 Persons of People’s Army or People’s Public Security Forces that are performing their duties at the authorities prescribed in this Decree according to legislative documents or administrative documents promulgated by competent authorities or officers; pilots in command, ship captains, train masters and persons that they assign to record violations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter IV

IMPLEMENTATION 93

Article 57. Effect

This Decree comes into force from December 31, 2019 and supersedes the Government’s Decree No. 96/2014/ND-CP dated October 17, 2014.

Article 58. Transition

1. Administrative violations in monetary and banking sector committed before this Decree comes into force and discovered afterwards but before the expiration of their prescriptive periods or currently taken into consideration shall be handled in accordance with regulations that are advantageous to the violating entities.

2. In case there is a complaint filed against a decision on imposition of administrative penalty in monetary and banking sector which has been issued or implemented before this Decree comes into force, the complaint shall be solved in accordance with the Government’s Decree No. 96/2014/ND-CP dated October 17, 2014.

Article 59. Responsibility for implementation

The SBV’s Governor, Ministers, heads of ministerial agencies, heads of Governmental agencies, Chairpersons of People’s Committees of provinces and central-affiliated cities shall be responsible for the implementation of this Decree./.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

CERTIFIED BY

PP. GOVERNOR
DEPUTY GOVERNOR




Doan Thai Son

 

1 The Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector is promulgated pursuant to:

 “The Law on Government Organization dated June 19, 2015, the Law on amendments to the Law on Government Organization and the Law on Organization of Local Governments dated November 22, 2019;

The Law on penalties for administrative violations dated June 20, 2012, and the Law on amendments to the Law on penalties for administrative violations dated November 13, 2020;

Pursuant to the Law on the State Bank of Vietnam dated June 16, 2010;

Pursuant to the Law on Credit Institutions dated June 16, 2010, and the Law on amendments to the Law on Credit Institutions dated November 20, 2017;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Pursuant to the Law on Anti-terrorism dated June 12, 2013;

And at the request of the Governor of the State bank of Vietnam (“SBV”);”

2 This Point is amended according to Clause 1 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

3 This Article is amended according to Clause 2 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

4 This Article is added according to Clause 3 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

5 The phrase “tịch thu giấy phép đã bị tẩy xóa, sửa chữa” (“confiscation of erased and altered licenses”) is annulled according to Clause 1 Article 2 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

6 This Point is amended according to Point a Clause 4 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

7 This Point is amended according to Point b Clause 4 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

8 This Point is amended according to Point b Clause 4 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



10 This Point is added according to Point c Clause 4 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

11 This Article is added according to Clause 5 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

12 The phrase “giả mạo” (“forging”) is annulled according to Clause 3 Article 2 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

13 This Clause is amended according to Point a Clause 6 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

14 This Clause is abrogated according to Clause 2 Article 2 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

15 This Point is added according to Point b Clause 6 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

16 This Clause is abrogated according to Clause 2 Article 2 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

17 This Point is amended according to Point a Clause 7 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

18 This Point is added according to Point b Clause 7 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



20 This Point is added according to Point b Clause 7 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

21 This Point is added according to Point c Clause 7 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

22 This Clause is amended according to Clause 8 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

23 This Point is added according to Point a Clause 9 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

24 This Point is added according to Point a Clause 9 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

25 This Point is added according to Point a Clause 9 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

26 This Point is added according to Point a Clause 9 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

27 This Clause is amended according to Point b Clause 9 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

28 This Point is amended according to Point c Clause 9 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



30 This Point is added according to Clause 11 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

31 This Point is added according to Point a Clause 12 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

32 This Point is added according to Point b Clause 12 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

33 This Clause is amended according to Point c Clause 12 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

34 The phrase “giả mạo” (“forging”) is annulled according to Clause 3 Article 2 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

35 This Point is amended according to Point a Clause 13 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

36 This Point is added according to Point b Clause 13 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

37 This Point is added according to Point c Clause 13 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

38 This Clause is amended according to Point d Clause 13 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



40 This Clause is amended according to Point b Clause 14 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

41 This Point is amended according to Point a Clause 15 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

42 This Point is amended according to Point b Clause 15 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

43 This Point is amended according to Point c Clause 15 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

44 This Clause is amended according to Point d Clause 15 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

45 This Clause is amended according to Point dd Clause 15 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

46 This Clause is amended according to Point e Clause 15 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

47 This Clause is amended according to Point g Clause 15 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

48 This Point is amended according to Point a Clause 16 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



50 This Clause is amended according to Point c Clause 16 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

51 This Clause is amended according to Point d Clause 16 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

52 This Clause is added according to Point dd Clause 16 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

53 This Clause is amended according to Point e Clause 16 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

54 This Clause is amended according to Point g Clause 16 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

55 This Point is amended according to Point a Clause 17 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

56 This Clause is amended according to Point b Clause 17 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

57 This Clause is amended according to Point c Clause 17 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

58 This Clause is amended according to Point d Clause 17 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



60 This Point is amended according to Point a Clause 19 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

61 This Clause is amended according to Point b Clause 19 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

62 This Point is added according to Point c Clause 19 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

63 This Point is amended according to Clause 20 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

64 Heading of this Section is amended according to Clause 21 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

65 This Article is amended according to Clause 22 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

66 This Article is amended according to Clause 23 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

67 This Article is amended according to Clause 24 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

68 This Article is amended according to Clause 25 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



70 This Article is amended according to Clause 27 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

71This Article is added according to Clause 28 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

72 This Article is amended according to Clause 29 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

73 This Article is added according to Clause 30 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

74 This Article is amended according to Clause 31 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

75 This Point is amended according to Point a Clause 32 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

76 This Point is amended according to Point b Clause 32 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

77 This Point is amended according to Clause 33 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

78 Heading of this Article is amended according to Point a Clause 34 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



80 This Point is amended according to Point c Clause 34 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

81 This Point is amended according to Point d Clause 34 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

82 This Article is amended according to Clause 35 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

83 This Article is added according to Clause 36 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

84 This Article is added according to Clause 37 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

85 This Article is added according to Clause 38 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

86 This Article is added according to Clause 39 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

87 This Article is added according to Clause 40 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

88 This Article is added according to Clause 41 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



90 This Article is amended according to Clause 43 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

91 This Clause is amended according to Clause 44 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

92 This Clause is amended according to Clause 44 Article 1 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022.

93 Articles 3 and 4 of the Government’s Decree No. 143/2021/ND-CP, providing amendments to the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019 prescribing penalties for administrative violations in monetary and banking sector, coming into force from January 01, 2022, set down the following regulations:

 “Article 3. Responsibility for implementation

The SBV’s Governor, Ministers, heads of ministerial agencies, heads of Governmental agencies, Chairpersons of People’s Committees of provinces and central-affiliated cities, and relevant agencies shall be responsible for the implementation of this Decree.

Article 4. Implementation

1. This Decree comes into force from January 01, 2022.

2. Transition

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) In case there is a complaint filed against a decision on imposition of administrative penalty in monetary and banking sector which has been issued or implemented before this Decree comes into force, the complaint shall be solved in accordance with the Government’s Decree No. 88/2019/ND-CP dated November 14, 2019.”

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Integrated document No. 07/VBHN-NHNN dated January 28, 2022 Decree on penalties for administrative violations in monetary and banking sector

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


308

DMCA.com Protection Status
IP: 18.221.31.166
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!