NGÂN
HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1604/QĐ-NHNN
|
Hà
Nội, ngày 07 tháng 8
năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGÂN HÀNG XANH TẠI VIỆT NAM
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước
ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng
ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm
2017;
Căn cứ Quyết định số
403/2014/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020;
Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày
24/3/2015 về thúc đẩy tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội
trong hoạt động cấp tín dụng;
Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày
06/8/2015 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về
tăng trưởng xanh đến năm 2020;
Xét đề nghị của Viện trưởng Viện
Chiến lược ngân hàng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Đề án phát triển ngân hàng
xanh tại Việt Nam” với những nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU TỔNG
QUÁT VÀ CÁC CHỈ TIÊU CỤ THỂ
1. Mục tiêu tổng quát
Tăng cường nhận thức và trách nhiệm
xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi
khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc
tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và
năng lượng tái tạo; góp phần tích
cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và
phát triển bền vững.
2. Các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể
a) Từng bước tăng tỷ trọng vốn tín dụng
cho các ngành, lĩnh vực xanh cần
ưu tiên hỗ trợ trong Danh mục dự án xanh do NHNN ban hành.
b) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đi
cùng với xây dựng thói quen thân thiện với môi trường cho khách hàng trong
khuôn khổ các hoạt động ngân hàng; phát triển mạnh các kênh giao dịch điện tử, các dịch vụ, phương thức thanh toán mới trên
nền tảng công nghệ hiện đại.
c) Phấn đấu đến năm 2025:
- 100% ngân hàng xây dựng được quy định
nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
- 100% các ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động
cấp tín dụng; Áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng
cấp vốn vay; Kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi
ro tín dụng của ngân hàng.
- Ít nhất 10-12 ngân hàng có đơn vị/bộ
phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội.
- 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn
xanh và triển khai cho vay các dự
án tín dụng xanh.
II. GIẢI PHÁP PHÁT
TRIỂN NGÂN HÀNG XANH Ở VIỆT NAM
1. Nhóm giải pháp đối với NHNN
a) Xây dựng và ban hành hướng dẫn để
định hướng phát triển ngân hàng xanh cho các TCTD
- Ban hành hướng dẫn về hoạt động
ngân hàng xanh, tín dụng xanh trong đó nêu rõ định nghĩa của hoạt động tín dụng
xanh, ngân hàng xanh; các tiêu chí đánh giá ngân hàng xanh trong đó bao gồm:
(i) Hệ thống các quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và
xã hội; (iii) Mô hình tổ chức để triển khai các hoạt động quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình cấp tín dụng; (iii) Tỷ trọng
vốn tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh cần ưu tiên hỗ trợ trong danh mục dự
án xanh do NHNN ban hành; (iv) Chất lượng đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nhằm
nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ ngân hàng nói chung và cán bộ tín dụng
nói riêng trong phát triển bền vững, tín dụng xanh, ngân hàng xanh.
- Ban hành hướng dẫn xây dựng báo cáo
về ngân hàng xanh/tín dụng xanh trong đó chi tiết các chỉ tiêu và yêu cầu báo
cáo bảo đảm những nội dung sau: (i) Quản trị và cơ cấu tổ chức; (ii) Hệ thống
chính sách và năng lực tài chính; (iii) Quản lý quy trình; (iv) Kiểm soát nội bộ
và công bố thông tin.
- Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Sổ
tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho 11 các ngành kinh tế còn
lại trong tổng số 21 nhóm ngành
chưa có hướng dẫn trong hoạt động
cấp tín dụng của TCTD.
- Định kỳ cập nhật Danh mục dự án
xanh.
b) Xây dựng và ban hành các chính
sách ưu đãi, cơ chế hỗ trợ cho các TCTD để khuyến khích phát triển ngân hàng
xanh
Nghiên cứu các cơ chế và công cụ ưu
đãi, hỗ trợ áp dụng cho các ngân hàng để khuyến khích phát triển ngân hàng
xanh/tín dụng xanh, như:
- Xem xét ưu tiên nguồn vốn cho phát
triển tín dụng xanh thông qua chính sách tái cấp vốn/tái chiết khấu trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng đến
việc điều hành chính sách tiền tệ và mục tiêu lạm phát trong từng thời kỳ.
- Xem xét ưu tiên tiếp cận nguồn vốn
vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển thông qua NHNN cho
các NHTM có tỷ trọng cho vay tín dụng xanh cao.
c) Đẩy mạnh công tác đào tạo và truyền thông
- Tiếp tục triển khai và mở rộng chương trình đào tạo về tín dụng
xanh, ngân hàng xanh cho cán bộ NHNN và cán bộ tín dụng của các TCTD.
- Định kỳ tổ chức các diễn đàn, hội
thảo về chủ đề tín dụng xanh, ngân hàng xanh cũng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
- Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận
thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững nói
chung và về phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh nói riêng.
- Bổ sung trong báo cáo thường niên của
NHNN nội dung về hoạt động của ngành Ngân hàng hướng tới phát triển bền vững, góp phần hướng tới
kinh tế xanh và tăng trưởng xanh.
d) Nghiên cứu triển khai một số giải
pháp khuyến khích về lợi ích kinh tế (kết hợp với biện pháp hành chính) nhằm
phát triển thanh toán không dùng
tiền mặt trên cơ sở tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ 4.0 để xanh hóa hoạt động ngân hàng.
2. Đối với các TCTD
a) Tập trung xây dựng khung chiến lược
về ngân hàng xanh
Tùy thuộc vào định hướng kinh doanh,
phân khúc thị trường, sản phẩm và khách hàng mục tiêu, cùng năng lực và thế mạnh
của mình, từng TCTD xây dựng khung chiến lược và lộ trình hướng tới phát triển
ngân hàng xanh theo cấp độ phù hợp trên cơ sở tham chiếu 5 cấp độ như sau:
Cấp
độ 1: Thực hiện các hoạt động bổ trợ, tài trợ cho các sự kiện “xanh” và tham gia các hoạt động công cộng.
Cấp độ 2: Tách bạch phát triển các dự án và hoạt
động kinh doanh, trong đó ngân hàng phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ xanh
riêng biệt bổ sung vào danh mục sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Cấp độ 3: Hoạt động kinh doanh có hệ thống, trong
đó hầu hết quy trình, sản phẩm dịch
vụ ngân hàng tuân thủ nguyên tắc
xanh, cơ cấu tổ chức của ngân hàng được thiết kế để hỗ trợ
tác động “xanh” trên các giác độ: mục tiêu hoạt động, nguyên tắc hoạt động,
nhân sự và cơ cấu tổ chức, quy trình hoạt động.
Cấp độ 4:
Sáng kiến cân bằng sinh thái tầm chiến lược. Hoạt động ngân hàng xanh không chỉ giới hạn ở phạm vi các nghiệp vụ đơn lẻ mà được mở rộng thành mạng lưới, liên
minh, đối thoại cộng đồng hay toàn
thể hệ sinh thái nhằm đạt được tính bền vững của các yếu tố xã hội, môi trường
và tài chính.
Cấp
độ 5: Sáng kiến cân bằng sinh thái chủ động, trong đó
các hoạt động ngân hàng xanh tương tự như cấp độ 4, những được thực hiện một
cách có mục đích, không chỉ là các hoạt động ứng phó với thay đổi bên ngoài như
cấp độ 4.
b) Xây dựng và thiết lập hệ thống quản
lý rủi ro môi trường và xã hội một cách toàn diện, trong đó bao gồm: Các hướng dẫn nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt
động cấp tín dụng; Bộ máy tổ chức để thực hiện việc quản lý, đánh giá rủi ro
môi trường và xã hội; phân công, phân cấp, phân bổ và sử dụng các nguồn lực để triển khai hệ thống; Hệ thống
báo cáo về hoạt động quản lý rủi ro môi trường và xã hội; Các chương trình nâng
cao năng lực thể chế của ngân hàng
về quản lý rủi ro môi trường và xã hội.
c) Thực hiện theo hướng dẫn của NHNN
về đánh giá rủi ro môi trường và
xã hội; Kết hợp đánh giá rủi ro
môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng. Đưa việc
đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hướng dẫn về kiểm toán nội bộ và
trong các báo cáo chung của ngân hàng; Phát triển kế hoạch quản lý rủi ro môi
trường và xã hội sau khi đánh giá và giám sát các dự án và các khoản vay đã triển
khai.
d) Nghiên cứu thành lập đơn vị/bộ phận
chịu trách nhiệm về việc triển
khai quản lý rủi ro môi trường và xã hội và quản lý, giám sát việc triển khai
ngân hàng xanh, tín dụng xanh tại ngân hàng.
đ) Từng bước chuyển đổi các quy trình
quản trị nội bộ, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin theo hướng hỗ
trợ tốt hơn cho việc giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường; cung cấp các
dịch vụ tín dụng và thanh toán trong các lĩnh vực thân thiện với môi trường; Chủ
động xây dựng hướng dẫn nội bộ về môi trường làm việc xanh hướng tới thực hiện
các biện pháp tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nước, giấy in, điện, nhiên liệu...
tại từng chi nhánh và phòng giao dịch trên toàn hệ thống của ngân hàng.
e) Xây dựng chính sách cho vay cụ thể đối với các lĩnh vực
môi trường nhạy cảm như nông nghiệp, đồ da, năng lượng tái tạo, dệt may; Theo
dõi chặt chẽ và có biện pháp giảm dần việc cho vay đối với các hoạt động gây hại
môi trường.
g) Phối hợp với đơn vị chức năng của
NHNN trong việc xây dựng, triển khai, đánh giá và báo cáo về việc thực hiện chiến
lược, kế hoạch hành động ngân hàng xanh/tín dụng xanh của đơn vị.
h) Tổ chức các khóa đào tạo và tăng
cường nhận thức cho nhân viên về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, tín dụng
xanh, ngân hàng xanh, hiểu được tầm quan trọng về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; tổ chức tuyên truyền tổ chức
sự kiện cho khách hàng hiểu hơn về sản phẩm, dịch vụ ngân hàng xanh; giới thiệu
các sản phẩm thân thiện với môi trường hoặc không gây tác động xấu đến môi trường.
Phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng của NHNN trong việc đánh giá nhu cầu, xây dựng
chương trình đào tạo và bồi dưỡng
để triển khai tại đơn vị và/hoặc triển khai trong ngành ngân hàng.
i) Phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng của NHNN và ngành môi trường để tiến
tới xây dựng và hình thành hệ thống dữ liệu về tình hình tuân thủ, vi phạm yêu
cầu về môi trường của doanh nghiệp,
tạo cơ sở cho các NHTM trong việc thẩm định, xác định mức độ rủi ro môi trường
khi đánh giá khách hàng vay, từ đó hạn chế/giảm cấp các khoản vay cho hoạt động
gây hại môi trường.
III. LỘ TRÌNH THỰC
HIỆN
1. Giai đoạn 1 (2018-2020):
a) NHNN:
- Ban hành hướng dẫn về hoạt động
ngân hàng xanh, tín dụng xanh.
- Ban hành hướng dẫn xây dựng báo cáo
về ngân hàng xanh, tín dụng xanh.
- Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Sổ
tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường
và xã hội cho 11 các ngành kinh tế còn lại trong tổng số 21 nhóm ngành chưa có hướng dẫn trong hoạt động cấp tín dụng
của TCTD.
- Định kỳ cập nhật Danh mục dự án
xanh.
- Xem xét ưu tiên nguồn vốn cho phát
triển tín dụng xanh thông qua chính sách tái cấp vốn/tái chiết khấu.
- Xem xét ưu tiên tiếp cận nguồn vốn
vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển thông qua NHNN cho
các NHTM có tỷ trọng cho vay tín dụng xanh cao.
- Nghiên cứu triển khai một số giải pháp khuyến khích về lợi ích kinh tế (kết
hợp với biện pháp hành chính) nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên cơ sở tận dụng các thành tựu khoa học công
nghệ 4.0 để xanh hóa hoạt động
ngân hàng.
- Tiếp tục triển khai và mở rộng chương
trình đào tạo về tín dụng xanh, ngân hàng xanh cho cán bộ NHNN và cán bộ tín dụng
của các TCTD.
- Định kỳ tổ chức các diễn đàn, hội
thảo về chủ đề ngân hàng xanh, tín dụng xanh, tăng trưởng xanh và phát triển bền
vững.
- Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận
thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng về tăng
trưởng xanh và phát triển bền vững nói chung và về phát triển tín dụng xanh,
ngân hàng xanh nói riêng.
b) Các TCTD:
- Xây dựng khung chiến lược và lộ
trình thực hiện hướng tới phát triển ngân hàng xanh.
- Xây dựng và thiết lập hệ thống quản
lý rủi ro môi trường và xã hội một cách toàn diện; trong đó xây dựng được các
hướng dẫn nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Hệ thống báo cáo
về hoạt động quản lý rủi ro môi trường và xã hội; Các chương trình nâng cao
năng lực thể chế của ngân hàng về quản lý rủi ro môi trường và xã hội.
- Tuân theo hướng dẫn của NHNN về
đánh giá rủi ro môi trường và xã hội; Kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một
phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng. Đưa việc đánh giá rủi ro môi
trường và xã hội trong hướng dẫn về kiểm toán nội bộ và trong các báo cáo chung của ngân hàng; Phát triển kế hoạch quản lý rủi ro môi trường và xã hội
sau khi đánh giá và giám sát các dự án và các khoản vay đã triển khai.
- Xây dựng hướng dẫn nội bộ về môi
trường làm việc xanh.
- Xây dựng chính sách cho vay cụ thể
đối với các lĩnh vực môi trường nhạy cảm.
- Tổ chức các khóa đào tạo, tăng cường
năng lực quản lý rủi ro môi trường và xã hội, tăng cường nhận thức cho nhân
viên về phát triển bền vững, tăng
trưởng xanh, tín dụng xanh, ngân hàng xanh; tổ chức tuyên truyền tổ chức sự kiện
cho khách hàng hiểu hơn về sản phẩm, dịch vụ ngân hàng xanh; giới thiệu các sản
phẩm thân thiện với môi trường hoặc không gây tác động xấu đến môi trường.
2. Giai đoạn 2 (2021-2025):
a) NHNN:
- Căn cứ kết quả bước đầu về tỷ trọng
tín dụng xanh trong danh mục đầu tư và kết quả xây dựng khung chiến lược phát
triển ngân hàng xanh của ngân hàng
giai đoạn 1, NHNN công bố mục tiêu tỷ trọng tín dụng xanh trong danh mục đầu tư
của ngân hàng cho giai đoạn 2021-2025.
- Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Sổ
tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường và xã hội.
- Tiếp tục hoàn thiện Danh mục dự án
xanh.
- Bổ sung trong báo cáo thường niên của
NHNN nội dung về hoạt động của ngành Ngân hàng hướng tới phát triển bền vững,
góp phần hướng tới kinh tế xanh và
tăng trưởng xanh.
b) Các TCTD:
- Báo cáo về tiến độ thực hiện tỷ trọng
tín dụng xanh trong danh mục đầu tư của ngân hàng giai đoạn 1; đề xuất mục tiêu
thực hiện cho giai đoạn 2 (2021-2025).
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản
lý rủi ro môi trường và xã hội một cách toàn diện; trong đó hình thành được một
bộ máy tổ chức để thực hiện việc
quản lý, đánh giá rủi ro môi trường và xã hội, giám sát thực hiện hoạt động ngân
hàng xanh, tín dụng xanh tại ngân hàng.
- Phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức
năng của NHNN và ngành môi trường
xây dựng và hình thành hệ thống dữ
liệu về tình hình tuân thủ, vi phạm yêu cầu về môi trường của doanh nghiệp, tạo
cơ sở cho các TCTD trong việc thẩm
định, xác định mức độ rủi ro môi trường khi đánh giá khách hàng vay, từ đó hạn
chế/giảm cấp các khoản vay cho hoạt động gây hại môi trường.
- Tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo,
tăng cường năng lực quản lý rủi ro môi trường và xã hội, tăng cường nhận thức
cho nhân viên về phát triển bền vững,
tăng trưởng xanh, tín dụng xanh, ngân hàng xanh.
- Xây dựng và hình thành hệ thống dữ
liệu về tình hình tuân thủ, vi phạm yêu cầu về môi trường của doanh nghiệp.
Điều 2. Tổ chức
thực hiện
1. Triển khai thực hiện
a) Viện Chiến lược ngân hàng làm đầu
mối, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các diễn đàn, hội thảo về chủ đề
ngân hàng xanh, tín dụng xanh, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; tổ chức
điều tra, khảo sát, thu thập số liệu
của các TCTD phục vụ cho việc đánh giá hoạt động ngân hàng xanh, tín dụng xanh.
b) Vụ Tín dụng các ngành kinh tế chủ
trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, xây dựng và ban hành hướng dẫn
để định hướng phát triển ngân hàng xanh cho các TCTD bao gồm: ban hành hướng dẫn
về hoạt động ngân hàng xanh, tín dụng xanh; ban hành hướng dẫn xây dựng báo cáo
về ngân hàng xanh, tín dụng xanh; nghiên cứu, hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn đánh
giá rủi ro môi trường và xã hội cho 11 các ngành kinh tế còn lại trong tổng số
21 nhóm ngành chưa có hướng dẫn trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD.
c) Vụ Chính sách tiền tệ nghiên cứu,
tham mưu về việc hỗ trợ nguồn vốn thông qua các công cụ chính sách tiền tệ đối với ngân hàng xanh, tín dụng
xanh theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ từng thời kỳ;
Bổ sung trong báo cáo thường niên của NHNN nội dung về hoạt động của ngành ngân hàng hướng tới kinh tế xanh, tăng
trưởng xanh và phát triển bền vững.
d) Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc NHNN, kết
hợp với nguồn hỗ trợ kỹ thuật quốc tế, xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn
nhân lực, nâng cao nhận thức của các ngân hàng, tăng cường năng lực cho cán bộ
trong ngành Ngân hàng để thúc đẩy
phát triển ngân hàng xanh.
đ) Cơ quan Thanh tra giám sát ngân
hàng nghiên cứu, tham mưu bổ sung cơ chế thanh tra, giám sát rủi ro môi trường
và xã hội của các ngân hàng, TCTD; bổ sung, lồng ghép quy định về quản lý rủi
ro môi trường và xã hội vào các quy định quản trị nội bộ của các TCTD.
e) Vụ Thanh toán chủ trì phối hợp với
Cục Công nghệ tin học tham mưu xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng
khoa học và công nghệ vào sản phẩm dịch vụ ngân hàng, phát triển mạng lưới
thanh toán điện tử, thanh toán qua điện thoại di động, ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường; Nghiên cứu
triển khai một số giải pháp khuyến khích về lợi ích kinh tế (kết hợp với biện pháp hành chính) nhằm phát triển thanh toán trên cơ sở tận dụng
các thành tựu khoa học công nghệ 4.0 để xanh hóa hoạt động ngân hàng.
g) Ban Quản lý các dự án ODA đầu mối,
phối hợp với các đơn vị có liên quan định kỳ cập nhật Danh mục dự án xanh; xem
xét ưu tiên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế, các đối tác
phát triển thông qua NHNN cho các NHTM có tỷ trọng cho vay tín dụng xanh cao.
h) Vụ Truyền thông, Văn phòng NHNN tổ
chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người
lao động ngành Ngân hàng về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững nói chung
và về phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh nói riêng.
i) Vụ Tài chính kế toán cân đối, bố
trí nguồn lực tài chính phù hợp để
xây dựng và triển khai hoạt động ngân hàng xanh, tín dụng xanh.
k) Các TCTD chủ động xây dựng khung chiến
lược phát triển ngân hàng xanh báo cáo NHNN và thực hiện các nhiệm vụ theo lộ
trình tại Mục III của Đề án này.
2. Giám sát, đánh giá kết quả thực
hiện
a) Việc đánh giá được tiến hành hàng
năm.
b) Các đơn vị thuộc NHNN, các TCTD,
theo nhiệm vụ được phân công, có trách nhiệm gửi báo cáo về tình hình thực hiện
nhiệm vụ, các kiến nghị, đề xuất để
gửi đơn vị đầu mối (Viện CLNH) tổng hợp; đồng thời gửi Vụ Tín dụng các ngành kinh tế với các nhiệm vụ có nội dung tương đồng với nhiệm vụ tại Quyết định số 1552/QĐ-NHNN
ngày 6/8/2015 của Thống đốc NHNN ban hành kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc
gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020; Thời hạn gửi báo cáo trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.
c) Viện CLNH làm đầu mối, tổng hợp và
xây dựng báo cáo tổng hợp đánh giá
kết quả thực hiện Đề án, trình Thống đốc NHNN trước ngày 31 tháng
01 hàng năm.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng, Viện trưởng Viện CLNH, Thủ trưởng các đơn vị
thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch hội đồng quản trị, Chủ tịch hội đồng
thành viên và Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Thống đốc và các Phó Thống đốc;
- Lưu: VP NHNN, Viện CLNH.
|
KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC
Nguyễn Kim Anh
|