NGÂN HÀNG NHÀ
NƯỚC
VIỆT NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
31/2014/TT-NHNN
|
Hà Nội, ngày 11
tháng 11 năm 2014
|
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 35/2013/TT-NHNN NGÀY 31 THÁNG
12 NĂM 2013 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật phòng, chống rửa tiền
số 07/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật phòng, chống khủng bố
số 28/2013/QH13 ngày 12 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 116/2013/NĐ-CP
ngày 04 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật phòng, chống rửa tiền;
Căn cứ Nghị định số 156/2013/NĐ-CP
ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra,
giám sát ngân hàng;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
35/2013/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định về
phòng, chống rửa tiền (sau đây gọi tắt là Thông tư 35/2013/TT-NHNN).
Điều 1. Sửa đổi,
bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2013/TT-NHNN như sau:
1. Khoản 2, 3, 4 Điều 3 được sửa đổi
như sau:
“2. Thu thập bổ sung các thông tin
sau:
a) Đối với khách hàng là cá nhân:
- Mức thu nhập trung bình hàng
tháng trong vòng ít nhất 3 (ba) tháng gần nhất của khách hàng;
- Tên, địa chỉ, số điện thoại liên
lạc của cơ quan, tổ chức hoặc chủ cơ sở nơi làm việc hoặc có thu nhập chính.
b) Đối với khách hàng là tổ chức:
- Ngành, nghề sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ tạo doanh thu chính;
- Tổng doanh thu trong 2 (hai) năm
gần nhất;
- Danh sách (họ tên, địa chỉ thường
trú) thành viên Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên, thành viên Ban điều
hành, Kế toán trưởng hoặc tương đương;
- Tên, địa chỉ, người đại diện
theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của công ty mẹ (nếu khách hàng là công ty
con) hoặc danh sách tên, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy
quyền của chi nhánh, công ty con, văn phòng đại diện (nếu khách hàng là công ty
mẹ).
3. Giám sát các giao dịch của
khách hàng để đảm bảo giao dịch của khách hàng phù hợp với bản chất, mục đích
thiết lập mối quan hệ và hoạt động của khách hàng; kịp thời phát hiện các giao
dịch bất thường và xem xét báo cáo giao dịch đáng ngờ khi có đủ cơ sở hợp lý
theo quy định của pháp luật.
4. Cập nhật thông tin định kỳ ít
nhất 1 (một) năm một lần hoặc khi đối tượng báo cáo biết thông tin về khách
hàng đã có sự thay đổi”.
2. Điều 4 được sửa đổi như sau:
“Điều 4. Danh sách cá nhân nước
ngoài có ảnh hưởng chính trị
1. Danh sách cá nhân nước ngoài có
ảnh hưởng chính trị theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật
phòng, chống rửa tiền được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp cho đối tượng
báo cáo bằng tệp dữ liệu điện tử.
2. Đối tượng báo cáo phải đăng ký
bằng văn bản với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (qua Cục Phòng, chống rửa
tiền) thông tin về người tiếp nhận Danh sách cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng
chính trị, gồm: họ tên, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, chức
vụ, địa chỉ nơi làm việc, số điện thoại và hòm thư điện tử.
3. Đối tượng báo cáo không được
cung cấp Danh sách này cho bên thứ ba nếu không được sự đồng ý bằng văn bản của
Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng”.
3. Khoản 1 Điều 7 được sửa đổi như
sau:
“1. Trách nhiệm báo cáo:
a) Trừ những giao dịch chuyển tiền
điện tử tại điểm b khoản này, tổ chức tài chính được phép thực hiện dịch vụ
thanh toán trong nước, quốc tế phải báo cáo Cục Phòng, chống rửa tiền từng giao
dịch chuyển tiền điện tử trong nước có mức giá trị từ 500.000.000 (năm trăm triệu)
đồng trở lên hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương và giao dịch chuyển tiền điện
tử quốc tế ra vào Việt Nam có mức giá trị từ 1.000 (một nghìn) đô la Mỹ trở lên
hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương;
b) Các giao dịch chuyển tiền điện
tử không phải báo cáo bao gồm:
- Giao dịch chuyển tiền bắt nguồn
từ giao dịch sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hoặc thẻ trả trước để thanh toán
tiền hàng hóa, dịch vụ;
- Giao dịch chuyển tiền và thanh
toán giữa các tổ chức tài chính mà người khởi tạo và người thụ hưởng đều là các
tổ chức tài chính.
c) Đối với các giao dịch chuyển tiền
điện tử trong nước thì tổ chức tài chính phát lệnh chuyển tiền phải báo cáo và
có trách nhiệm thu thập đầy đủ thông tin về cá nhân, tổ chức phát lệnh chuyển
tiền. Tổ chức tài chính phục vụ người thụ hưởng có trách nhiệm thu thập đầy đủ
thông tin về cá nhân, tổ chức thụ hưởng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều
này và báo cáo Cục Phòng, chống rửa tiền khi được yêu cầu. Tổ chức tài chính có
trách nhiệm báo cáo Cục Phòng, chống rửa tiền bằng tệp dữ liệu điện tử theo quy
định tại Điều 10 Thông tư này”,
4. Bổ sung Điều
10a như sau:
“Điều 10a. Phân công, kiểm toán
và đào tạo, bồi dưỡng về phòng, chống rửa tiền
1. Phân công cán bộ, bộ phận chịu
trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền
a) Tổ chức tài chính, tổ chức kinh
doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải phân công một thành viên Ban
lãnh đạo hoặc người được Ban lãnh đạo ủy quyền chịu trách nhiệm về tổ chức, chỉ
đạo, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền tại
đơn vị (sau đây gọi là người phụ trách phòng, chống rửa tiền) và đăng ký với Cục
Phòng, chống rửa tiền kèm các thông tin chi tiết như họ tên, địa chỉ nơi làm việc,
số điện thoại, số fax, địa chỉ hòm thư điện tử (email) để liên lạc khi cần thiết.
Khi thay đổi người phụ trách phòng, chống rửa tiền hoặc thông tin liên quan đến
người này, tổ chức tài chính, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có
liên quan phải thông báo kịp thời bằng văn bản cho Cục Phòng, chống rửa tiền;
b) Tùy theo quy mô, phạm vi và đặc
thù hoạt động, tổ chức tài chính, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính
có liên quan phải thành lập bộ phận chuyên trách (tổ, phòng, ban) hoặc chỉ định
một bộ phận tại trụ sở chính chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền; tại sở
giao dịch, chi nhánh (nếu có) phải phân công một hoặc một số cán bộ hoặc bộ phận
chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền.
2. Kiểm toán nội bộ về phòng, chống
rửa tiền
a) Hàng năm, tổ chức tài chính, tổ
chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải tiến hành kiểm toán
nội bộ về phòng, chống rửa tiền. Việc kiểm toán nội bộ về phòng, chống rửa tiền
có thể được tiến hành độc lập hoặc kết hợp với các nội dung khác. Nội dung kiểm
toán nội bộ bao gồm: kiểm tra rà soát, đánh giá một cách độc lập, khách quan hệ
thống kiểm soát nội bộ, việc tuân thủ quy chế nội bộ và kiến nghị, đề xuất các
biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác phòng, chống rửa tiền;
b) Mọi vi phạm được phát hiện
trong quá trình kiểm toán nội bộ phải được báo cáo cho người phụ trách phòng,
chống rửa tiền và người đứng đầu của đối tượng báo cáo để xử lý;
c) Chậm nhất sau 60 (sáu mươi)
ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, tổ chức tài chính, tổ chức kinh doanh
ngành nghề phi tài chính có liên quan phải gửi báo cáo kiểm toán nội bộ về
phòng, chống rửa tiền cho Cục Phòng, chống rửa tiền.
3. Đào tạo, bồi dưỡng về phòng, chống
rửa tiền
a) Hàng năm, tổ chức tài chính, tổ
chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ, nhân viên chuyên trách hoặc bán chuyên trách phòng, chống rửa tiền và
cán bộ, nhân viên được giao nhiệm vụ liên quan đến giao dịch tiền, tài sản với
khách hàng về nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền;
b) Tổ chức tài chính, tổ chức kinh
doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải đào tạo nhân viên mới tuyển dụng
dự kiến đảm trách nhiệm vụ phòng chống rửa tiền và các nhiệm vụ khác liên quan
đến giao dịch tiền, tài sản với khách hàng kiến thức, nghiệp vụ phòng, chống rửa
tiền trong vòng 6 (sáu) tháng kể từ ngày được tuyển dụng;
c) Nội dung đào tạo, bồi dưỡng
nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền tối thiểu phải bao gồm: quy định của pháp luật
và quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền- trách nhiệm pháp lý khi không thực
hiện các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền; phương thức, thủ đoạn
rửa tiền; rủi ro rửa tiền liên quan đến sản phẩm, dịch vụ, nhiệm vụ mà cán bộ,
nhân viên được giao thực hiện".
5. Bổ sung Điều
10b như sau:
“Điều 10b. Phòng, chống tài trợ
khủng bố
1. Đối tượng báo cáo phải áp dụng
các biện pháp phòng, chống tài trợ khủng bố theo các quy định nêu tại Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 10, Điều 13,
Điều 14 Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền.
2. Khi có nghi ngờ tổ chức, cá
nhân thực hiện hành vi có liên quan đến tài trợ khủng bố, đối tượng báo cáo có
trách nhiệm báo cáo giao dịch đáng ngờ cho Cục Phòng, chống rửa tiền bằng văn bản
hoặc bằng tệp dữ liệu điện tử theo quy định tại Điều 10 Thông tư này.
3. Nội dung báo cáo được thực hiện
theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 8 Thông tư này”.
Điều 2. Điều
khoản thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành
kể từ ngày 26 tháng 12 năm 2014.
Điều 3. Trách
nhiệm tổ chức thực hiện
1. Thủ trưởng cơ quan nhà nước có
thẩm quyền theo quy định của Luật phòng, chống rửa tiền và đối tượng báo cáo
theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 35/2013/TT-NHNN chịu
trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu
có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc, đối tượng báo cáo phản ánh về
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (qua Cục Phòng, chống rửa tiền) để được hướng dẫn kịp
thời.
Nơi nhận:
- Như khoản 1 Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- Công báo (2 bản);
- Lưu: VP, TTGSNH7, PC.
|
KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC
Nguyễn Phước Thanh
|