VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 10065/BC-VPCP
|
Hà Nội, ngày 25
tháng 12 năm 2023
|
BÁO CÁO
VỀ
VIỆC HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI)
Kính gửi:
Chính phủ.
Ngày 21/12/2023, Ngân hàng Nhà nước có Tờ trình số
166/TTr-NHNN về việc hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Thống
đốc ngân hàng Nhà nước đã trình bày Tờ trình tóm tắt tại Phiên họp chuyên đề
xây dựng pháp luật. VPCP xin báo cáo Chính phủ như sau:
I. VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC
1. Ngày 12/12/2023, NHNN đã có Tờ trình số
160/TTr-NHNN trình Chính phủ về việc hoàn thiện dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi).
2. Ngày 14/12/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã
chủ trì cuộc họp với NHNN và một số bộ ngành liên quan về việc hoàn thiện dự thảo
Luật các TCTD (sửa đổi)[1].
Trên cơ sở ý kiến của Phó Thủ tướng và ý kiến của các bộ, ngành, NHNN đã rà
soát hoàn thiện dự thảo Luật Các TCTD và có Tờ trình số 166/TTr-NHNN báo cáo
Chính phủ.
Hiện nay, NHNN cùng các cơ quan của Chính phủ đang
phối hợp làm việc với các cơ quan của Quốc hội, nghiên cứu tiếp thu ý kiến Đại
biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Theo quy định của Luật Ban
hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến của Chính
phủ về dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Đối với những vấn đề
Chính phủ có ý kiến khác thì đề xuất phương án để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc
hội. VPCP nhận thấy Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đúng quy định của Luật Ban
hành văn bản quy phạm pháp luật, thể hiện rõ tại Tờ trình số 166/TTr-NHNN và dự
thảo văn bản ý kiến của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
II. NỘI DUNG GIẢI TRÌNH, TIẾP
THU, CHỈNH LÝ
NHNN báo cáo Chính phủ 16 nhóm vấn đề
được giải trình, tiếp thu chỉnh lý2. VPCP nhận thấy
có 06 vấn đề NHNN chưa thống nhất với các cơ quan của Quốc hội và
01 vấn đề về thẩm quyền của Thủ tướng quyết định cho vay đặc biệt có lãi
suất 0%3 cần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ xem xét, cụ thể là:
1. Về điều kiện, tiêu chí can
thiệp sớm:
UBKT của Quốc hội đề xuất 02 phương án đối với tiêu
chí can thiệp sớm lỗ lũy kế và rút tiền hàng loạt:
a) Về tiêu chí lỗ lũy kế:
(i) Phương án 1: chỉ có tiêu chí lỗ lũy kế lớn hơn
15% vốn điều lệ, vốn được cấp và các quỹ dự trữ;
(ii) Phương án 2: gồm tiêu chí lỗ lũy kế lớn hơn
15% vốn điều lệ, vốn được cấp và các quỹ dự trữ và không vi phạm tỷ lệ an toàn
vốn tối thiểu.
- UBKT của Quốc hội chọn Phương án 1.
- NHNN đề xuất chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định
loại trừ TCTD đã thực hiện các biện pháp khắc phục nguyên nhân dẫn đến can thiệp
sớm và tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Theo đó, các TCTD có lỗ lũy kế lớn
hơn 15% vốn điều lệ, vốn được cấp và các quỹ dự trữ sẽ bị áp dụng cơ chế can
thiệp sớm, trừ trường hợp: (i) TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã thực hiện
các biện pháp khắc phục để khắc phục được những tồn tại, yếu kém là nguyên nhân
gây ra lỗ lũy kế; và (ii) TCTD đó tuân thủ quy định về an toàn vốn tối thiểu.
VPCP thống nhất với Ngân hàng Nhà nước về nội dung này.
b) Về tiêu chí rút tiền hàng loạt:
(i) Phương án 1: không quy định rút tiền hàng loạt
là tiêu chí đặt can thiệp sớm mà đặt vào kiểm soát đặc biệt;
(ii) Phương án 2: quy định tiêu chí can thiệp sớm
là TCTD bị rút tiền hàng loạt và có báo cáo NHNN.
- UBKT lựa chọn phương án 1.
- NHNN thấy rằng cần ghi nhận việc rút tiền hàng loạt
là một trong những dấu hiệu để xem xét, áp dụng cơ chế can thiệp sớm TCTD. VPCP
thống nhất với Ngân hàng Nhà nước về nội dung này.
2. Về các cơ chế hỗ trợ áp dụng
đối với TCTD can thiệp sớm
- UBKT có ý kiến về việc hoàn thiện nội dung về can
thiệp sớm trên cơ sở các biện pháp tự thân của TCTD, không sử dụng nguồn lực của
Nhà nước, không có sự tham gia hỗ trợ từ các TCTD khác để tránh tác động lan
truyền. Trường hợp cần thiết, cần phân định mức độ và chuyển tiếp của từng giai
đoạn để có biện pháp phù hợp.
- NHNN thống nhất bỏ các biện pháp hỗ trợ về tài
chính như cho vay đặc biệt, không phải thực hiện dự trữ bắt buộc, không phải
đóng phí BHTG... Tuy nhiên, NHNN đề xuất vẫn cần áp dụng can thiệp sớm
vì trong một số trường hợp nếu chỉ áp dụng biện pháp tự thân từ TCTD mà không
có biện pháp hỗ trợ khác thì phương án khắc phục TCTD khó khả thi, không đem lại
hiệu quả phục hồi TCTD, có thể dẫn đến rủi ro lớn hơn. VPCP thống nhất với Ngân
hàng Nhà nước về nội dung này.
3. Về kiểm soát đặc biệt
- UBKT đề xuất hai phương án đối với trường hợp đặt
TCTD vào kiểm soát đặc biệt.
- Về nội dung này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có
ý kiến: “Về kiểm soát đặc biệt, NHNN cần đưa ra giải pháp xử lý phù hợp từ sớm,
phải có phương án xử lý đối với trường hợp can thiệp sớm mà không có hiệu quả
thì phải đưa vào kiểm soát đặc biệt.” và nghiên cứu tiếp thu, giải trình rõ,
thuyết phục “Việc chuyển tiếp giữa giai đoạn can thiệp sớm và kiểm soát đặc biệt,
trách nhiệm của NHNN”4. NHNN đã có ý kiến giải
trình, phân tích kỹ từng trường hợp đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt tại Tờ
trình số 166/TTr-NHNN. VPCP thống nhất với Ngân hàng Nhà nước.
4. Về việc hạch toán giảm Quỹ bảo
đảm an toàn hệ thống QTDND
- UBKT có ý kiến: Không quy định Ngân hàng HTX được
hạch toán giảm Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND để xử lý số tiền cho vay đặc
biệt không thu hồi được.
- NHNN đề xuất giữ nguyên nội dung Chính phủ trình
Quốc hội, cụ thể bổ sung khoản 3 vào Điều 184 về nguyên tắc xử lý khoản vay đặc
biệt, cụ thể như sau: “3. Ngân hàng hợp tác xã được hạch toán giảm Quỹ bảo đảm
an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân để xử lý số tiền cho vay đặc biệt không
thu hồi được.” VPCP thống nhất với Ngân hàng Nhà nước về nội dung này.
5. Về việc cho vay không có tài
sản bảo đảm:
- UBTVQH, UBKT có ý kiến: Việc cho vay đặc biệt phải
có tài sản bảo đảm.
- NHNN cho rằng: Trên thực tế, tài sản của TCTD được
kiểm soát đặc biệt rất hạn chế, không đáp ứng yêu cầu tài sản bảo đảm khoản vay
đặc biệt và trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, đảm bảo an ninh,
trật tự, tránh tình trạng rút tiền lan truyền hệ thống TCTD, hậu quả nghiêm trọng
hơn, NHNN vẫn phải cho vay đặc biệt đối với TCTD mà không có TSBĐ. Từ lý do nêu
trên, NHNN đề xuất bổ sung dự thảo Luật như sau: “Khoản vay đặc biệt phải có
tài sản bảo đảm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp cấp thiết để bảo
đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, việc cho vay đặc biệt không có tài sản bảo
đảm thực hiện theo quy định của Ngân hàng nhà nước.” VPCP thống nhất với
Ngân hàng Nhà nước về nội dung này.
6. Về thẩm quyền của Chính phủ
về giới hạn cấp tín dụng
- Khoản 2 Điều 203 dự thảo Luật được chỉnh lý bổ
sung quy định: “Chính phủ quy định cụ thể tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối
với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan của ngân hàng thương mại,
ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ
chức tài chính vi mô từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành đến trước ngày
01 tháng 7 năm 2028”.
- NHNN: đề xuất giữ nguyên nội dung Chính phủ đã
báo cáo UBTVQH, theo đó quy định lộ trình cụ thể trong Luật này về Giới hạn cấp
tín dụng5.
- VPCP đề nghị Chính phủ xem xét, thảo luận nội
dung này. Việc ấn định lộ trình cụ thể trong Luật sẽ không bảo đảm tính linh hoạt
của Chính phủ trong điều hành; đề nghị cân nhắc theo Phương án do UBTVQH, UBKT
đề xuất.
7. Về thẩm quyền cho vay đặc biệt
- UBTVQH, UBKT có ý kiến phân định rõ thẩm quyền
cho vay đặc biệt, trong đó Thủ tướng Chính phủ quyết định khoản vay đặc biệt có
lãi suất là 0%/năm.
- NHNN đề xuất tiếp thu, chỉnh lý quy định về thẩm quyền
cho vay đặc biệt như sau: Thủ tướng Chính phủ quyết định cho vay đặc biệt có
lãi suất 0% theo phương án cơ cấu lại; NHNN quyết định cho vay đặc biệt đối với
các trường hợp còn lại. VPCP đề nghị Chính phủ thảo luận nội dung này.
- VPCP kiến nghị theo hướng Thống đốc NHNN quyết định
khoản vay đặc biệt có lãi suất là 0%/năm trong tất cả các trường hợp.
III. KIẾN NGHỊ CỦA VPCP
- Đề nghị NHNN báo cáo rõ các nội dung giải trình,
tiếp thu, nhất là các vấn đề còn ý kiến khác nhau và việc bổ sung quy định về thẩm
quyền của Thủ tướng quyết định khoản vay đặc biệt có lãi suất là 0%/năm theo
phương án cơ cấu lại; tiếp thu ý kiến của Thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự
thảo văn bản ý kiến của Chính phủ về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật;
- Do đã quá thời hạn Chính phủ gửi ý kiến theo đề
nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, VPCP kiến nghị Thủ tướng giao Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký văn bản ý kiến
của Chính phủ, gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
- NHNN cùng với Bộ Tư pháp, cơ quan liên quan tiếp
tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo
Luật, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Ban hành
văn bản quy phạm pháp luật.
Trên đây là ý kiến của VPCP về việc tiếp thu, chỉnh
lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), VPCP kính báo cáo Chính phủ xem
xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- VPCP: BTCN, các PCN;
- Lưu: VT, PL (3).
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ
NHIỆM
Trần Văn Sơn
|
[1] Ngày 15/12/2023, Văn phòng Chính phủ có
Thông báo số 524/TB-VPCP thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh
Khái về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
2 Bao gồm: (1) Điều
kiện, tiêu chí can thiệp sớm; (2) Cơ chế hỗ trợ áp dụng đối với TCTD can thiệp
sớm; (3) Kiểm soát đặc biệt; (4) Thẩm quyền cho vay đặc biệt; (5) Các trường hợp
cho vay đặc biệt; (6) Hạch toán giảm Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND; (7) Việc
cho vay không có tài sản bảo đảm; (8) Chức năng thanh tra, giám sát; (9) Điều
khoản chuyển tiếp liên quan đến phương án xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động
sản; (10) Thẩm quyền quy định phân loại nhóm nợ, xử lý rủi ro; (11) Thẩm quyền
của Chính phủ về giới hạn cấp tín dụng; (12) Quyền, nghĩa vụ của người quản lý,
người điều hành TCTD; (13) Yêu cầu, biện pháp khác thuộc thẩm quyền NHNN khi thực
hiện can thiệp sớm; (14) Trách nhiệm của NHNN trong quá trình can thiệp sớm và
kiểm soát đặc biệt; (15) Việc thiết kế công cụ rõ ràng mang tính phòng ngừa từ
xa, mục đích tín dụng cho vay, sử dụng vốn trên cơ sở giám sát, thanh tra phát
hiện sớm để xử lý kịp thời; (16) Cung cấp các số liệu liên quan các trường hợp
TCTD được can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt.
3 Theo phương án
cơ cấu lại.
4 Thông báo Kết luận
số 524/TB-VPCP
5 “1. Tổng mức dư
nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan của
ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ
tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô không được vượt quá tỷ lệ sau:
a) Từ ngày 01/7/2024 đến trước ngày 01/7/2025:
14% vốn tự có đối với một khách hàng; 23% vốn tự có đối với khách hàng và người
có liên quan;
b) Từ ngày 01/7/2025 đến trước ngày 01/07/2026;
13% vốn tự có đối với một khách hàng; 21% vốn tự có đối với khách hàng và người
có liên quan;
c) Từ ngày 01/7/2026 đến trước ngày 01/07/2027:
12% vốn tự có đối với một khách hàng; 19% vốn tự có đối với khách hàng và người
có liên quan.
d) Từ ngày 01/07/2027 đến trước ngày 01/07/2028:
11% vốn tự có đối với một khách hàng; 17% vốn tự có đối với khách hàng và người
có liên quan.
đ) Từ ngày 01/7/2028: 10% vốn tự có đối với một
khách hàng; 15% vốn tự có đối với khách hàng và người có liên quan”.