BỘ CÔNG THƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 07/VBHN-BCT
|
Hà Nội, ngày 21
tháng 6 năm 2016
|
THÔNG
TƯ
QUY
ĐỊNH CỤ THỂ VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU VỀ PHÂN BÓN VÔ CƠ, HƯỚNG DẪN VIỆC
CẤP PHÉP SẢN XUẤT PHÂN BÓN VÔ CƠ ĐỒNG THỜI SẢN XUẤT PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN
KHÁC TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 202/2013/NĐ-CP NGÀY 27 THÁNG 11 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ
QUẢN LÝ PHÂN BÓN
Thông tư số 29/2014/TT-BCT ngày 30
tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương Quy định cụ thể và hướng dẫn thực
hiện một số điều về phân bón vô cơ, hướng dẫn việc cấp phép sản xuất phân bón
vô cơ đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác tại Nghị định số
202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón, có
hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 11 năm 2014, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư số 04/2016/TT-BCT ngày 06
tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số Thông tư
của Bộ trưởng Bộ Công Thương về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện
tử, hóa chất, sản xuất kinh doanh rượu, nhượng quyền thương mại, hoạt động mua
bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa, năng lượng, an toàn thực phẩm và điện lực,
có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 7 năm 2016.
Căn cứ Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày
27 tháng 11 năm 2013 của Chính
phủ về quản lý
phân
bón;
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày
12 tháng 11 năm 2012 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Công Thương;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hóa chất;
Bộ trưởng Bộ Công
Thương ban hành Thông tư quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số điều về phân
bón vô cơ; hướng dẫn về cấp phép sản xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân
bón hữu cơ và phân bón khác tại Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính
phủ về quản lý phân bón.1
Chương
I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
1. Thông tư này hướng
dẫn thực hiện và quy định cụ thể:
a) Hướng dẫn thực
hiện điều kiện sản xuất phân bón vô cơ; hướng dẫn việc cấp phép phân bón vô cơ,
cấp phép sản xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón
khác; điều kiện kinh doanh phân bón vô cơ; giấy tờ, tài liệu xuất khẩu, nhập
khẩu phân bón vô cơ;
b) Quy định cụ thể
mẫu đơn, giấy tờ, tài liệu đáp ứng đủ điều kiện sản xuất phân bón vô cơ; mẫu
đơn và mẫu Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ đề nghị cấp lại hoặc điều chỉnh;
công bố hợp quy đối với phân bón vô cơ sản xuất, nhập khẩu, tổng hợp và công bố
danh sách phân bón vô cơ đã công bố hợp quy; chỉ định, quản lý hoạt động của
các phòng thử nghiệm, chứng nhận, giám định phân bón vô cơ; trách nhiệm quản
lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và chất lượng
phân bón vô cơ.
2. Các hoạt động quá
cảnh, kinh doanh chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập phân bón vô
cơ thực hiện theo quy định của Luật Thương mại và các văn bản pháp luật quy
định chi tiết thi hành Luật Thương mại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông
tư này.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng
đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, thử
nghiệm, chứng nhận, giám định chất lượng phân bón vô cơ; tổ chức, cá nhân sản
xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác; các tổ
chức, cá nhân khác có hoạt động liên quan đến lĩnh vực phân bón tại Việt Nam.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
Trong Thông tư này
các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Phân bón rễ
là loại phân bón được bón trực tiếp vào đất hoặc vào nước để cung cấp chất dinh
dưỡng cho cây trồng thông
qua bộ rễ.
2. Phân bón lá
là loại phân bón dùng để tưới hoặc phun trực tiếp vào lá, thân cây trồng.
3. Các chất dinh
dưỡng đa lượng là các chất ở dạng cây trồng có thể dễ dàng hấp thu được:
Đạm ký hiệu là N (tính bằng N tổng số); lân ký hiệu là P (tính bằng P2O5
hữu hiệu) và kali ký hiệu là K (tính bằng K2O hữu hiệu).
4. Các chất dinh
dưỡng trung lượng là các chất ở dạng cây trồng có thể dễ dàng hấp thu được:
Can xi (được tính bằng Ca hoặc CaO), magiê (được tính bằng Mg hoặc MgO), lưu
huỳnh (được tính bằng S) và silic (được tính bằng Si hoặc SiO2).
5. Các chất dinh
dưỡng vi lượng là các chất ở dạng cây trồng có thể dễ dàng hấp thu được: Bo
(được tính bằng B), co ban (được tính bằng Co), đồng (được tính bằng Cu hoặc
CuO), sắt (được tính bằng Fe), mangan (được tính bằng Mn hoặc MnO), molip đen
(được tính bằng Mo) và kẽm (được tính bằng Zn hoặc ZnO).
6. Lô phân bón
là tập hợp phân bón có số lượng xác định, có cùng tên gọi, mác, nhãn hiệu, bao
bì giống nhau, đặc tính kỹ thuật như nhau do cùng một cơ sở sản xuất và thuộc
cùng một bộ hồ sơ xuất khẩu hoặc nhập khẩu.
7. Hoạt động phân
bón vô cơ là việc thực hiện một trong số các hoạt động sản xuất phân bón vô
cơ, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón vô cơ; sản xuất phân bón vô cơ
đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác.
8. Bản sao là
bản có chứng thực hoặc đóng dấu xác nhận của tổ chức, cá nhân (đối với trường
hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện), bản chụp kèm theo bản chính để đối chiếu
(đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp), bản scan từ bản gốc (đối với trường
hợp nộp hồ sơ qua mạng điện tử).
Điều
4. Các loại phân bón vô cơ
1. Phân bón đơn đa
lượng hay còn gọi là phân khoáng đơn, gồm:
a) Phân đạm: Trong
thành phần chính chỉ chứa một chất dinh dưỡng đa lượng là đạm. Các loại phân
đạm bao gồm phân urê, nitrat amon, sunphat amoni, clorua amoni, các muối vô cơ
dạng nitrat, xianamit và hợp chất chứa nitơ có bổ sung hoặc không bổ sung chất
giữ ẩm, chất tăng hiệu suất sử dụng, chất điều hòa sinh trưởng, chất làm tăng
khả năng miễn dịch cây trồng, chất chống vón cục;
b) Phân lân: Trong
thành phần chính chỉ chứa một chất dinh dưỡng đa lượng là lân. Các loại phân
lân bao gồm phân lân nung chảy, supephosphat đơn, supephosphat kép, supe
phosphat giàu, canxi phosphat và các hợp chất có chứa phospho có bổ sung hoặc
không bổ sung chất giữ ẩm, chất tăng hiệu suất sử dụng, chất điều hòa sinh
trưởng, chất làm tăng khả năng miễn dịch cây trồng, chất chống vón cục;
c) Phân kali: Trong
thành phần chính chỉ chứa một chất dinh dưỡng đa lượng là kali. Các loại phân
kali bao gồm phân kali clorua, kali sulphat, kali clorat và các hợp chất chứa
kali có bổ sung hoặc không bổ sung chất giữ ẩm, chất tăng hiệu suất sử dụng,
chất điều hòa sinh trưởng, chất làm tăng khả năng miễn dịch cây trồng, chất
chống vón cục.
2. Phân trung lượng:
Trong thành phần chính chứa một hoặc nhiều chất dinh dưỡng trung lượng có bổ
sung hoặc không bổ sung chất giữ ẩm, chất tăng hiệu suất sử dụng, chất điều hòa
sinh trưởng, chất làm tăng khả năng miễn dịch cây trồng, chất chống vón cục.
3. Phân vi lượng:
Trong thành phần chính chứa một hoặc nhiều chất dinh dưỡng vi lượng có bổ sung
hoặc không bổ sung chất giữ ẩm, chất tăng hiệu suất sử dụng, chất điều hòa sinh
trưởng, chất làm tăng khả năng miễn dịch cây trồng, chất chống vón cục.
4. Phân phức hợp:
Trong thành phần có chứa ít nhất 2 (hai) chất dinh dưỡng đa lượng liên kết bằng
liên kết hóa học (Phân diamoni phosphat (DAP), monoamoni phosphat (MAP),
sunlhat kali magie, kali nitrat, amoni polyphosphat (APP), nitro phosphat, kali
dihydrophosphat…) có bổ sung hoặc không bổ sung chất giữ ẩm, chất tăng hiệu
suất sử dụng, chất điều hòa sinh trưởng, chất làm tăng khả năng miễn dịch cây
trồng, chất chống vón cục.
5. Phân hỗn hợp: Được
sản xuất bằng cách trộn từ hai loại phân bón vô cơ quy định tại Khoản 1, 2, 3,
4 Điều này trở lên có bổ sung hoặc không bổ sung chất giữ ẩm, chất tăng hiệu
suất sử dụng, chất điều hòa sinh trưởng, chất làm tăng khả năng miễn dịch cây
trồng, chất chống vón cục.
6. Phân bón quy định
từ Khoản 1 đến Khoản 5 Điều này có chứa thành phần phân bón hữu cơ nhỏ hơn 5%
là phân bón vô cơ.
Chương
II
SẢN XUẤT, KINH DOANH, XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU PHÂN BÓN VÔ CƠ
Mục 1. SẢN
XUẤT PHÂN BÓN VÔ CƠ
Điều 5. Hướng
dẫn thực hiện điều kiện sản xuất phân bón vô cơ
Các điều kiện sản
xuất phân bón vô cơ quy định tại các Điểm a, b, c, d Khoản 2 Điều 8 Nghị định
số 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý
phân bón (sau đây gọi tắt là Nghị định số 202/2013/NĐ-CP) được hướng dẫn thực
hiện như sau:
1. Diện tích mặt
bằng, nhà xưởng, kho chứa nguyên liệu, kho chứa thành phẩm phân bón phải phù
hợp với công suất sản xuất. Công suất tối thiểu của cơ sở sản xuất phân bón vô
cơ được quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư
này.
2. Dây chuyền sản
xuất phải đáp ứng công suất sản xuất, được cơ giới hóa và phải bảo đảm được
chất lượng loại phân bón sản xuất. Máy móc, thiết bị để sản xuất phân bón phải
có nguồn gốc rõ ràng và hợp pháp. Máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về
an toàn và thiết bị đo lường thử nghiệm phải được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu
chỉnh theo quy định.
3. Quy trình công
nghệ sản xuất đối với từng loại phân bón phải phù hợp với máy móc thiết bị và
công suất sản xuất.
4. Phòng thử nghiệm
của cơ sở sản xuất phân bón phải có khả năng phân tích được các chỉ tiêu chất
lượng quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm đầu ra và các
chỉ tiêu chất lượng quy định tại tiêu chuẩn áp dụng đối với nguyên liệu đầu vào
để kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Cơ sở sản xuất phân
bón vô cơ không có phòng thử nghiệm hoặc có phòng thử nghiệm nhưng không thử
nghiệm được hết các chỉ tiêu chất lượng quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia thì phải có hợp đồng với phòng thử nghiệm được chỉ định hoặc được công nhận
để kiểm soát chất lượng phân bón sản phẩm.
5.2 (Được bãi bỏ)
6. Tổ chức, cá nhân
thuê tổ chức, cá nhân khác sản xuất phân bón vô cơ phải có hợp đồng lập thành
văn bản và phải đáp ứng các điều kiện về chủ thể theo quy định tại Khoản 1 Điều
8 Nghị định số 202/2013/NĐ-CP. Tổ chức, cá nhân nhận thuê sản xuất phân bón vô
cơ phải đáp ứng các điều kiện về chủ thể quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định
số 202/2013/NĐ-CP và yêu cầu về cơ sở vật chất kỹ thuật, tài liệu kỹ thuật quy
định từ Khoản 1 đến Khoản 5 Điều này. Tổ chức, cá nhân thuê tổ chức, cá nhân
khác sản xuất phân bón vô cơ lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất phân bón
vô cơ theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.
Điều 6. Thủ
tục cấp Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ
1. Hồ sơ đề nghị cấp
phép
a) Đơn đề nghị cấp
Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ theo mẫu quy định tại Phụ
lục 2 kèm theo Thông tư này;
b) Bản sao Giấy chứng
nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng
ký kinh doanh;
c) Bản thuyết minh về
quy trình sản xuất, cơ sở vật chất kỹ thuật (nhà xưởng, kho), máy móc thiết bị
(bản kê danh mục và công suất máy móc, thiết bị phù hợp với các công đoạn và
quy mô sản xuất của cơ sở; thiết bị đo lường, kiểm tra chất lượng phân bón).
Bản kê diện tích, mặt bằng nhà xưởng, kho tàng, văn phòng làm việc và các công
trình phụ trợ;
d) Bản sao Quyết định
phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận đăng ký cam
kết bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp;
đ) Bản sao Giấy chứng
nhận thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy hoặc Bản sao quyết định phê duyệt
phương án chữa cháy do cơ quan có thẩm quyền cấp;
e) Danh sách đội ngũ
quản lý, kỹ thuật, điều hành sản xuất. Bảng thống kê tổng số lao động và số
lượng các ngành nghề của lao động trực tiếp sản xuất phân bón theo mẫu quy định
tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này; Bản sao Giấy
phép lao động đối với người lao động nước ngoài (nếu có);
g) Bản sao hợp đồng
thử nghiệm với tổ chức thử nghiệm được chỉ định (nếu có);
h) Bản sao bản công
bố tiêu chuẩn áp dụng cho các loại nguyên liệu chính, phụ gia đầu vào tương ứng
với từng loại phân bón sản xuất (nếu có);
i) Bản sao chứng chỉ
hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 hoặc tương đương
(nếu có);
k)3 (Được bãi bỏ)
2. Trình tự cấp phép
a) Tổ chức, cá nhân
sản xuất phân bón vô cơ lập 1 (một) bộ hồ sơ gồm các giấy tờ, tài liệu như quy
định tại Khoản 1 Điều này gửi Cục Hóa chất qua đường bưu điện hoặc gửi trực
tiếp;
b) Trong thời hạn
không quá 3 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Hóa chất phải
thông báo cho tổ chức, cá nhân về tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ và yêu cầu tổ
chức, cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ. Thời gian thông báo và thời gian hoàn chỉnh hồ
sơ không được tính vào thời gian cấp phép quy định tại Điểm c Khoản này;
c) Trong thời hạn
không quá 20 (hai mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Hóa
chất có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, kiểm tra điều kiện thực tế và cấp Giấy
phép sản xuất phân bón vô cơ theo mẫu quy định tại Phụ
lục 4 kèm theo Thông tư này cho các tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ điều kiện.
Trường hợp không cấp Giấy phép, Cục Hóa chất phải có văn bản trả lời và nêu rõ
lý do.
Điều 7. Thủ
tục cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ
1. Đối với trường hợp
Giấy phép bị mất
a) Tổ chức, cá nhân
có Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ khi phát hiện Giấy phép bị mất phải thông
báo ngay đến cơ quan cấp phép;
b) Cục Hóa chất đăng
thông báo về việc mất Giấy phép trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương
trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc;
c) Tổ chức, cá nhân
làm đơn đề nghị cấp lại Giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 kèm theo Thông tư này và gửi Cục Hóa chất
qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp;
d) Trong thời gian 10
(mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Hóa chất kiểm tra,
thẩm định để cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này. Trường hợp
không cấp, Cục Hóa chất phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
2. Đối với trường hợp
Giấy phép bị sai sót hoặc bị hư hỏng
a) Tổ chức có Giấy
phép sản xuất phân bón vô cơ khi phát hiện Giấy phép bị sai sót hoặc hư hỏng
phải lập 1 (một) bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép và gửi Cục Hóa chất qua
đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp;
b) Hồ sơ đề nghị cấp
lại Giấy phép gồm đơn đề nghị cấp lại Giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 kèm theo Thông tư này và bản chính Giấy
phép sản xuất phân bón vô cơ đã được cấp bị sai sót hoặc phần bản chính còn lại
có thể nhận dạng được của Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ bị hư hỏng;
c) Trong thời gian 10
(mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Hóa chất kiểm tra,
thẩm định để cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này. Trường hợp
không cấp, Cục Hóa chất phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Điều 8. Thủ
tục điều chỉnh Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ
1. Hồ sơ đề nghị điều
chỉnh Giấy phép
a) Đơn đề nghị điều
chỉnh Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 kèm theo Thông tư này;
b) Bản chính Giấy
phép sản xuất phân bón vô cơ đã được cấp;
c) Giấy tờ, tài liệu
chứng minh việc điều chỉnh nội dung sản xuất phải đáp ứng được điều kiện sản
xuất phân bón vô cơ.
2. Trình tự điều
chỉnh Giấy phép
a) Tổ chức, cá nhân
sản xuất phân bón vô cơ lập 1 (một) bộ hồ sơ gồm các giấy tờ, tài liệu theo quy
định tại Khoản 1 Điều này gửi Cục Hóa chất qua đường bưu điện hoặc gửi trực
tiếp;
b) Trong thời hạn
không quá 3 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Hóa chất phải
thông báo cho tổ chức, cá nhân về tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ và yêu cầu tổ
chức, cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ. Thời gian thông báo và thời gian hoàn chỉnh hồ
sơ không được tính vào thời gian cấp phép quy định tại Điểm c Khoản này;
c) Trong thời gian 10
(mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Hóa chất có trách
nhiệm thẩm định hồ sơ, kiểm tra điều kiện thực tế và điều chỉnh Giấy phép sản
xuất phân bón vô cơ cho các tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ điều kiện theo mẫu quy
định tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư này. Trường
hợp không điều chỉnh Giấy phép, Cục Hóa chất phải có văn bản trả lời và nêu rõ
lý do.
Điều 9. Thủ
tục cấp phép sản xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân
bón khác
1. Hồ sơ đề nghị cấp
phép
a) Đơn đề nghị cấp
phép sản xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón
khác theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 kèm theo Thông
tư này;
b) Giấy tờ, tài liệu
đảm bảo điều kiện sản xuất phân bón vô cơ theo quy định tại Khoản
1 Điều 6 Thông tư này;
c) Giấy tờ, tài liệu
đảm bảo điều kiện sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác thực hiện theo quy
định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Trình tự cấp Giấy
phép
a) Tổ chức, cá nhân
sản xuất phân bón vô cơ lập 1 (một) bộ hồ sơ gồm các giấy tờ, tài liệu như quy
định tại Khoản 1 Điều này gửi Bộ Công Thương qua đường bưu điện hoặc gửi trực
tiếp;
b) Trong thời hạn
không quá 3 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy
phép, Bộ Công Thương phải thông báo cho tổ chức, cá nhân về tính đầy đủ và hợp
lệ của hồ sơ và yêu cầu tổ chức, cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ. Thời gian thông báo
và thời gian hoàn chỉnh hồ sơ không được tính vào thời gian cấp phép quy định
tại Điểm c Khoản này;
c) Thời gian cấp Giấy
phép là 20 (hai mươi) ngày làm việc, cụ thể: Bộ Công Thương lấy ý kiến của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hồ sơ cấp Giấy phép trong thời hạn 7
(bảy) ngày làm việc. Kể từ ngày nhận được ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Bộ Công Thương có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, kiểm tra điều
kiện thực tế để cấp Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân
bón hữu cơ và phân bón khác theo mẫu quy định tại Phụ
lục 9 kèm theo Thông tư này. Trường hợp không cấp Giấy phép, Bộ Công Thương
phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
3. Tổ chức, cá nhân
đã được cấp Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ, trong quá trình hoạt động cần bổ
sung sản xuất phân hữu cơ, phân bón khác thì phải lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy
phép sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón khác theo quy định của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn và được sử dụng Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ, Giấy
phép sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón khác, không phải có Giấy phép sản xuất
phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón
khác. Quy định này cũng được áp dụng đối với trường hợp khi tổ chức, cá nhân đã
được cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón khác có nhu cầu sản xuất
thêm phân bón vô cơ.
Điều 10. Thủ
tục cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân bón hữu
cơ và phân bón khác
1. Đối với trường hợp
Giấy phép bị mất
a) Tổ chức, cá nhân
có Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ
và phân bón khác khi phát hiện Giấy phép bị mất phải thông báo ngay đến cơ quan
cấp phép;
b) Bộ Công Thương
thông báo với cơ quan đầu mối cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân
bón khác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đăng thông báo về việc
mất Giấy phép trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương trong thời gian 10
(mười) ngày làm việc;
c) Tổ chức, cá nhân
làm đơn đề nghị cấp lại Giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 kèm theo Thông tư này và gửi Bộ Công
Thương qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp;
d) Bộ Công Thương lấy
ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy
phép trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc;
đ) Trong thời gian 5
(năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển Nông thôn, Bộ Công Thương kiểm tra, thẩm định để cấp lại Giấy phép theo
mẫu quy định tại Phụ lục 9 kèm theo Thông tư này.
Trường hợp không cấp, Bộ Công Thương phải có văn bản trả lời cho tổ chức, cá
nhân đề nghị cấp và nêu rõ lý do.
2. Đối với trường hợp
Giấy phép bị sai sót hoặc bị hư hỏng
a) Tổ chức có Giấy
phép sản xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân
bón khác khi phát hiện Giấy phép bị sai sót hoặc hư hỏng phải lập 1 (một) bộ hồ
sơ đề nghị cấp lại Giấy phép và gửi Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) qua đường bưu
điện hoặc gửi trực tiếp;
b) Hồ sơ đề nghị cấp
lại Giấy phép gồm đơn đề nghị cấp lại Giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 kèm theo Thông tư này và bản chính Giấy
phép đã được cấp bị sai sót hoặc phần bản chính còn lại có thể nhận dạng được
của Giấy phép bị hư hỏng;
c) Bộ Công Thương lấy
ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy
phép trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc;
d) Trong thời gian 5
(năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển Nông thôn, Bộ Công Thương kiểm tra, thẩm định để cấp lại Giấy phép theo
mẫu quy định tại Phụ lục 9 kèm theo Thông tư này.
Trường hợp không cấp, Bộ Công Thương phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Điều 11. Thủ
tục điều chỉnh Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân bón
hữu cơ và phân bón khác
1. Hồ sơ đề nghị điều
chỉnh Giấy phép
a) Đơn đề nghị điều
chỉnh Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân bón hữu
cơ và phân bón khác theo mẫu quy định tại Phụ lục 11
kèm theo Thông tư này;
b) Bản chính Giấy
phép sản xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân
bón khác đã được cấp;
c) Các giấy tờ xác
nhận nội dung thay đổi và tài liệu chứng minh việc thay đổi, điều chỉnh đáp ứng
đủ điều kiện quy định tại Điểm b, c Khoản 1 Điều 9 Thông tư này.
2. Trình tự điều
chỉnh Giấy phép
a) Tổ chức, cá nhân
sản xuất phân bón vô cơ lập 1 (một) bộ hồ sơ gồm các giấy tờ, tài liệu như quy
định tại Khoản 1 Điều này gửi Bộ Công Thương qua đường bưu điện hoặc gửi trực
tiếp;
b) Trong thời hạn
không quá 3 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương phải
thông báo cho tổ chức, cá nhân về tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ và yêu cầu tổ
chức, cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ. Thời gian thông báo và thời gian hoàn chỉnh hồ
sơ không được tính vào thời gian cấp phép quy định tại Điểm c Khoản này;
c) Bộ Công Thương lấy
ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hồ sơ cấp Giấy phép trong
thời hạn 5 (năm) ngày làm việc;
d) Trong thời gian 10
(mười) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển Nông thôn, Bộ Công Thương có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, kiểm tra điều
kiện thực tế và điều chỉnh Giấy phép cho các tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ điều
kiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 12 kèm theo Thông
tư này. Trường hợp không điều chỉnh Giấy phép, Bộ Công Thương phải có văn bản
trả lời và nêu rõ lý do.
Điều 12. Công
bố danh sách cấp phép
Trong thời gian 3
(ba) ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy phép, Bộ Công Thương tổng hợp, công bố
trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ và gửi các Sở Công Thương nơi tổ chức, cá
nhân đăng ký hoạt động danh sách tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép. Danh sách
cấp Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ
và phân bón khác được gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để công bố
trên Cổng Thông tin điện tử của mình.
Mục 2. KINH
DOANH, XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU PHÂN BÓN VÔ CƠ
Điều 13.
Hướng dẫn thực hiện điều kiện kinh doanh phân bón vô cơ
Các điều kiện kinh
doanh phân bón vô cơ quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5 Điều 15 Nghị định số
202/2013/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau:
1. Cửa hàng hoặc địa
điểm kinh doanh, nơi bày bán phân bón vô cơ phải có biển hiệu, có bảng giá bán
công khai từng loại phân bón, niêm yết tại nơi dễ thấy, dễ đọc. Phân bón bày
bán phải được xếp đặt riêng, không để lẫn với các loại hàng hóa khác, phải được
bảo quản ở nơi khô ráo, đảm bảo giữ được chất lượng phân bón và điều kiện vệ
sinh môi trường.
2. Bao bì, các dụng
cụ, thiết bị chứa đựng, lưu giữ, vận chuyển phải bảo đảm được chất lượng phân
bón, bảo đảm vệ sinh môi trường, không rò rỉ, phát tán phân bón ra ngoài ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Phải
có biện pháp xử lý bao bì, vỏ chai, lọ và phân bón đã quá hạn sử dụng.
3. Kho chứa phải đảm
bảo các yêu cầu về vị trí xây dựng, yêu cầu về thiết kế phù hợp với phân bón
đang kinh doanh, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, về phòng chống cháy
nổ. Trong kho chứa, phân bón phải được xếp đặt riêng rẽ, không để lẫn với các
loại hàng hóa khác.
4. Phân bón nhập khẩu
phải có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ theo quy định của pháp luật, thông báo kết
quả kiểm tra nhà nước chất lượng nhập khẩu phân bón đối với lô hàng nhập khẩu
trước khi lưu thông. Phân bón trong nước phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp
chứng minh rõ nguồn gốc nơi sản xuất, nơi nhập khẩu hoặc nơi cung cấp loại phân
bón kinh doanh.
5. Đối với các cửa
hàng bán lẻ phân bón vô cơ, trường hợp không có kho chứa thì các công cụ, thiết
bị chứa đựng phân bón phải đảm bảo được chất lượng phân bón, vệ sinh môi trường
và phòng, chống cháy nổ.
Điều 14. Giấy
tờ, tài liệu xuất khẩu phân bón vô cơ
Ngoài
các giấy tờ, tài liệu theo quy định của pháp luật về xuất khẩu hàng hóa, tổ
chức, cá nhân xuất khẩu phân bón vô cơ phải xuất trình Cơ quan Hải quan giấy
tờ, tài liệu sau:
1. Bản sao Giấy chứng
nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng
ký kinh doanh, trong đó có ngành nghề về kinh doanh phân bón do cơ quan có thẩm
quyền cấp, chỉ xuất trình khi xuất khẩu lần đầu.
2. Trường hợp có yêu
cầu kiểm tra chất lượng của tổ chức, cá nhân nước nhập khẩu thì phải nộp phiếu
kết quả thử nghiệm chất lượng lô phân bón xuất khẩu phù hợp với quy định của
hợp đồng xuất khẩu do Phòng thử nghiệm phân bón được chỉ định cấp hoặc Phiếu
kết quả thử nghiệm/Giấy chứng nhận do một tổ chức thử nghiệm hoặc tổ chức chứng
nhận phân bón của nước ký kết Hiệp định/Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (Mutual
Recognition Arrangements/ Agreements-MRA) với Việt Nam cấp.
Điều 15. Giấy
tờ, tài liệu nhập khẩu phân bón vô cơ
Ngoài
các giấy tờ, tài liệu theo quy định của pháp luật về nhập khẩu hàng hóa, tổ
chức, cá nhân nhập khẩu phân bón vô cơ phải xuất trình cho Cơ quan Hải quan
giấy tờ, tài liệu sau:
1. Trường hợp nhập
khẩu để sản xuất, kinh doanh phân bón
a) Bản sao Giấy chứng
nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng
ký kinh doanh, trong đó có ngành nghề về kinh doanh phân bón do cơ quan có thẩm
quyền cấp, chỉ xuất trình khi nhập khẩu lần đầu;
b) Bản sao Giấy chứng
nhận hợp quy lô phân bón nhập khẩu do tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp.
2. Trường hợp khác
Trường hợp phân bón
ngoài Danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam thì thực
hiện theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013
của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng
hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với
nước ngoài.
Chương
III
QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG PHÂN BÓN VÔ CƠ
Mục 1. TỔ
CHỨC ĐÁNH GIÁ SỰ PHÙ HỢP, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CHỈ ĐỊNH TỔ CHỨC ĐÁNH GIÁ SỰ PHÙ
HỢP PHÂN BÓN VÔ CƠ
Điều 16. Tổ
chức đánh giá sự phù hợp phân bón vô cơ
1. Việc thử nghiệm,
giám định, chứng nhận chất lượng phân bón vô cơ phải do tổ chức được Bộ Công
Thương chỉ định thực hiện.
2. Tổ chức thử nghiệm
phân bón vô cơ được chỉ định phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 11
Thông tư số 48/2011/TT-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công
Thương quy định quản lý chất lượng các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc phạm vi
quản lý của Bộ Công Thương (sau đây gọi tắt là Thông tư số 48/2011/TT-BCT).
3. Tổ chức giám định
phân bón vô cơ được chỉ định phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 12
Thông tư số 48/2011/TT-BCT .
4. Tổ chức chứng nhận
phân bón vô cơ được chỉ định phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 14 của
Thông tư số 48/2011/TT-BCT .
Điều 17.
Trình tự, thủ tục chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp phân bón vô cơ
Hồ sơ đăng ký, trình
tự, thủ tục chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp phân bón vô cơ được thực hiện
theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 48/2011/TT-BCT .
Điều 18. Quản
lý hoạt động của tổ chức đánh giá sự phù hợp phân bón vô cơ được chỉ định
1. Vụ Khoa học và
Công nghệ công bố danh sách các tổ chức chứng nhận, thử nghiệm, giám định kèm
theo các phép thử đã được chỉ định trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công
Thương và có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các tổ chức đánh giá sự phù hợp
phân bón vô cơ đã được chỉ định.
2. Trong thời hạn 10
(mười) ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Vụ Khoa học và Công nghệ
thông báo kết quả kiểm tra bằng văn bản tới tổ chức đánh giá sự phù hợp trong
đó nêu rõ các nội dung không phù hợp và thời hạn khắc phục hoặc ban hành quyết
định đình chỉ hoặc hủy bỏ quyết định chỉ định trong trường hợp tổ chức đánh giá
sự phù hợp vi phạm các nội dung quy định tại Khoản 2, 3, 4 Điều
16 Thông tư này.
Điều 19. Đình
chỉ hoặc hủy bỏ Quyết định chỉ định
1. Quyết định chỉ
định tổ chức đánh giá sự phù hợp phân bón vô cơ bị đình chỉ trong các trường
hợp sau:
a) Kết quả kiểm tra
của Bộ Công Thương cho thấy tổ chức đánh giá sự phù hợp không đáp ứng các điều
kiện để được chỉ định hoặc chưa khắc phục các nội dung không phù hợp tại lần
kiểm tra trước;
b) Tổ chức đánh giá
sự phù hợp không tuân thủ các yêu cầu về kiểm tra, giám sát theo yêu cầu của Bộ
Công Thương quy định;
c) Tổ chức đánh giá
sự phù hợp không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định;
d) Tùy theo tính
chất, mức độ vi phạm quy định tại Điểm a, b, c Khoản này, tổ chức đánh giá sự
phù hợp sẽ bị cảnh cáo, tạm đình chỉ hiệu lực của Quyết định chỉ định theo quy
định tại Điểm 2.1 Khoản 2 Phần III của Thông tư số
09/2009/TT-BKHCN ngày 08 tháng 4 năm 2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ
hướng dẫn về yêu cầu, trình tự, thủ tục chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp.
2. Quyết định chỉ
định tổ chức đánh giá sự phù hợp phân bón vô cơ bị hủy bỏ trong các trường hợp
sau:
a) Tổ chức đánh giá
sự phù hợp vi phạm về phạm vi được chỉ định;
b) Tổ chức đánh giá
sự phù hợp đã bị đình chỉ Quyết định chỉ định nhưng bị phát hiện vẫn tiến hành
hoạt động thử nghiệm, chứng nhận, giám định;
c) Tổ chức đánh giá
sự phù hợp giả mạo, sửa chữa nội dung Quyết định chỉ định;
d) Tổ chức đánh giá
sự phù hợp giải thể hoặc không còn hoạt động trong lĩnh vực được đánh giá và
chỉ định;
đ) Tổ chức đánh giá
sự phù hợp không tuân thủ các hoạt động đánh giá giám sát, kiểm tra, giám sát,
chế độ báo cáo khi đã bị đình chỉ Quyết định chỉ định trong thời hạn 06 tháng.
3. Trường hợp Quyết
định chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp bị hủy bỏ, các kết quả đánh giá sự
phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp trong khoảng thời gian kể từ lần kiểm
tra trước đến thời điểm hủy bỏ quyết định chỉ định sẽ không còn giá trị.
4. Bộ Công Thương
phải thông báo cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về tổ chức đánh
giá sự phù hợp bị đình chỉ hoặc hủy bỏ hiệu lực quyết định chỉ định ngay sau
khi ban hành Quyết định đình chỉ hoặc hủy bỏ.
Mục 2. THỬ
NGHIỆM, CHỨNG NHẬN, CÔNG BỐ HỢP QUY KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG PHÂN BÓN VÔ CƠ
Điều 20. Thử
nghiệm, chứng nhận hợp quy phân bón vô cơ
1. Hoạt động thử
nghiệm, chứng nhận hợp quy phân bón vô cơ thực hiện theo các chỉ tiêu kỹ thuật,
phương pháp thử quy định tại Phụ lục 13 kèm theo Thông
tư này. Khi các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được ban hành và có hiệu lực, việc
thử nghiệm, chứng nhận phân bón vô cơ thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia tương ứng.
2.
Dung
sai được chấp nhận khi so sánh kết quả phân tích giữa các phòng thử nghiệm trên
cùng một mẫu phân tích đối với cùng một chỉ tiêu khi sử dụng cùng một phương
pháp thử hoặc các phương pháp thử tương đương; hàm lượng được chấp nhận giữa kết quả
phân tích của phòng thử nghiệm so với hàm lượng của từng chỉ tiêu chất
lượng công bố áp dụng hoặc theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối
với phân bón vô
cơ thực hiện theo quy định tại Phụ lục 14 kèm theo Thông
tư này.
3. Việc giải quyết
khiếu nại về kết quả thử nghiệm phân bón vô cơ thực hiện theo quy định tại Điểm
d Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN .
Điều 21. Công
bố hợp quy, công bố tiêu chuẩn áp dụng
1. Trước khi đưa phân
bón vô cơ lưu thông trên thị trường, tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu
phải thực hiện công bố hợp quy.
2. Hình dạng,
kích thước dấu hợp quy và sử dụng dấu hợp quy được quy định tại Khoản 2 Điều 4
Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa
học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức
đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
3. Phương thức đánh
giá hợp quy áp dụng cho từng loại phân bón vô cơ được quy định tại quy chuẩn kỹ
thuật tương ứng. Các phương thức đánh giá hợp quy, nội dung, trình tự và nguyên
tắc sử dụng các phương thức đánh giá hợp quy được quy định tại Điều 5 Thông tư
số 28/2012/TT-BKHCN .
4. Công bố tiêu chuẩn
áp dụng, công bố hợp chuẩn đối với phân bón vô cơ
a)
Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phân bón để kinh doanh tự công bố tiêu
chuẩn áp dụng đối với loại phân bón do mình sản xuất, nhập khẩu theo quy định
về hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu
vực và tiêu chuẩn nước ngoài ở Việt Nam hoặc hướng dẫn xây dựng và công bố tiêu
chuẩn cơ sở tại Thông tư số 21/2007/TT-BKHCN ngày 28 tháng 8 năm 2007 của Bộ
Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn;
b)
Nội
dung tiêu chuẩn công bố áp dụng bao gồm tất cả các chỉ tiêu chất lượng quy định
tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng với cùng một đơn vị tính, các chỉ
tiêu chất lượng, đặc tính kỹ thuật khác của phân bón do tổ chức, cá nhân có
phân bón tự công bố và không được trái với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia. Khi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa được ban hành thì thực hiện theo quy
định tại Phụ lục 13 kèm theo Thông tư này.
c) Tổ chức, cá nhân
sản xuất phân bón vô cơ, nhập khẩu phân bón vô cơ để kinh doanh thực hiện công
bố hợp chuẩn theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN .
Điều
22. Hồ sơ công bố hợp quy phân bón vô cơ
1. Bản công bố hợp
quy theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Thông tư số 48/2011/TT-BCT .
2. Bản sao Chứng chỉ
chứng nhận sự phù hợp của phân bón vô cơ với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do tổ
chức chứng nhận được chỉ định cấp.
3. Bản mô tả chung về
sản phẩm phân bón vô cơ gồm đặc điểm, tính năng, công dụng.
4. Các tiêu chuẩn
liên quan trực tiếp đến phân bón (Tiêu chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn cơ sở hoặc áp
dụng Tiêu chuẩn nước ngoài) hoặc các quy định kỹ thuật khác.
Điều 23. Thủ
tục công bố hợp quy
1. Tổ chức, cá nhân
công bố hợp quy nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 1 (một) bộ hồ sơ theo quy
định tại Điều 22 Thông tư này đến Sở Công Thương tại địa
phương nơi tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh để đăng ký.
2.
Trong thời gian 5 (năm) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ công bố hợp quy
nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ theo quy định, Sở Công Thương gửi Thông báo xác nhận
công bố hợp quy cho tổ chức, cá nhân công bố hợp quy và gửi Bộ Công Thương (Cục
Hóa chất). Mẫu Thông báo xác nhận công bố hợp quy quy định tại Phụ lục II của Thông tư số
48/2011/TT-BCT .
Trường hợp hồ sơ
không đáp ứng yêu cầu theo quy định, trong thời gian 5 (năm) ngày làm việc, Sở
Công Thương thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân công bố về những điểm,
nội dung chưa phù hợp để hoàn thiện hồ sơ.
3. Hàng quý, Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) tổng hợp và
công bố danh sách phân bón vô cơ đã công bố hợp quy trên Cổng Thông tin điện tử
của Bộ.
Điều
24. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân công bố hợp quy
1. Chịu trách nhiệm
về sự phù hợp của phân bón vô cơ đã công bố hợp quy; duy trì việc kiểm soát
chất lượng, kiểm nghiệm và giám sát định kỳ tại doanh nghiệp.
2. Sử dụng dấu hợp
quy đối với phân bón vô cơ đã được công bố hợp quy theo quy định tại Điều 21 Thông tư này trước khi đưa vào lưu thông trên thị
trường.
3. Khi phát hiện sự
không phù hợp của phân bón vô cơ đã công bố hợp quy với quy chuẩn kỹ thuật
tương ứng trong quá trình sản xuất, lưu thông, vận hành, sử dụng phải:
a)
Kịp thời thông báo với các cơ quan quản lý về sự không phù hợp;
b) Tiến hành các biện
pháp khắc phục sự không phù hợp. Khi cần thiết, tạm ngừng việc sản xuất kinh
doanh và tiến hành hủy bỏ phân bón vô cơ không phù hợp đang lưu thông trên thị
trường;
c) Thông báo cho các
cơ quan quản lý về kết quả khắc phục sự không phù hợp trước khi tiếp tục sản
xuất kinh doanh.
4. Lưu giữ hồ sơ công
bố hợp quy làm cơ sở cho việc kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước.
5. Thực hiện việc
công bố lại khi có bất kỳ sự thay đổi nào về nội dung của bản công bố hợp quy
đã đăng ký.
Điều 25. Kiểm
tra chất lượng phân bón vô cơ
Việc kiểm tra chất
lượng phân bón vô cơ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 48/2011/TT-BCT .
Chương
IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 26. Chế
độ báo cáo
1. Báo cáo của tổ
chức, cá nhân
a) Trước ngày 15
tháng 6 và trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, tổ chức, cá nhân hoạt động phân bón
vô cơ có trách nhiệm báo cáo tình hình hoạt động theo mẫu quy định tại Phụ lục 15 kèm theo Thông tư này gửi Cục Hóa chất
đồng thời gửi Sở Công Thương nơi tiến hành hoạt động phân bón vô cơ để phối
hợp, theo dõi;
b) Khi có yêu cầu của
cơ quan có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân hoạt động phân bón vô cơ có trách nhiệm
báo cáo đột xuất tình hình hoạt động phân bón vô cơ theo mẫu quy định tại Phụ lục 15 kèm theo Thông tư này đồng thời gửi báo
cáo về Cục Hóa chất để theo dõi.
2. Báo cáo của cơ
quan quản lý nhà nước
a) Trước ngày 30
tháng 6 và trước ngày 31 tháng 12 hàng năm, Sở Công Thương có trách nhiệm báo
cáo tổng hợp tình hình hoạt động của các tổ chức, cá nhân thuộc địa bàn quản lý
theo quy định tại Điều 13 và Điều 23 Thông tư này. Mẫu báo
cáo quy định tại Phụ lục 16 kèm theo Thông tư này;
b) Cục Hóa chất làm
đầu mối tổng hợp tình hình hoạt động phân bón vô cơ trình Lãnh đạo Bộ để Lãnh
đạo Bộ báo cáo Chính phủ khi được yêu cầu.
Điều 27. Kiểm
tra hoạt động phân bón vô cơ
1. Việc kiểm tra tình
hình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón vô cơ theo quy định
tại Thông tư này được thực hiện theo kế hoạch hàng năm.
2. Trường hợp phát
hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm các quy định tại Thông tư này hoặc
các quy định pháp luật có liên quan thì thực hiện kiểm tra đột xuất.
3. Nội dung kiểm tra
gồm
a) Tư cách pháp nhân
và việc thực hiện các điều kiện sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân
bón vô cơ;
b) Việc tuân thủ các
quy định về quản lý chất lượng phân bón;
c) Chế độ ghi chép,
chứng từ;
d) Việc quản lý Giấy
phép sản xuất phân bón vô cơ, Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ đồng thời sản
xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác;
đ) Chế độ báo cáo và
trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động phân bón vô cơ.
Điều 28.
Trách nhiệm của các Vụ, Cục chức năng thuộc Bộ Công Thương
1.
Cục Hóa chất là cơ quan đầu mối phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan
chịu trách nhiệm:
a) Chủ trì phối hợp
với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về
quản lý phân bón, các chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, chính sách
phát triển phân bón; xây dựng trình Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền các văn
bản quy phạm pháp luật về quản lý phân bón vô cơ, các quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia về chất lượng phân bón vô cơ;
b) Tổ chức hướng dẫn
các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón vô cơ; công bố
hợp quy đối với phân bón vô cơ sản xuất trong nước và nhập khẩu; tổng hợp và
công bố danh sách tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ,
Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân
bón khác; tổng hợp và công bố danh mục phân bón vô cơ công bố phù hợp quy chuẩn
kỹ thuật quốc gia trong phạm vi toàn quốc trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ
Công Thương;
c) Chủ trì tiếp nhận,
thẩm định hồ sơ, điều kiện để cấp mới, cấp lại, điều chỉnh và thu hồi Giấy phép
sản xuất phân bón vô cơ. Làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ, phối hợp với cơ quan, đơn
vị có liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy phép sản
xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác;
d) Chủ trì, phối hợp
với các cơ quan, đơn vị có liên quan lập kế hoạch kiểm tra hàng năm chất lượng
phân bón vô cơ trong sản xuất, xuất khẩu theo quy định tại Thông tư số
48/2011/TT-BCT và Thông tư này;
đ) Quản lý việc đặt
tên phân bón vô cơ; tiếp nhận và có ý kiến đối với nội dung về quảng cáo phân
bón vô cơ theo quy định của pháp luật;
e) Chủ trì phối hợp
với các cơ quan, đơn vị có liên quan thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra các
cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón vô cơ theo
quy định tại Thông tư này. Làm đầu mối phối hợp với cơ quan, đơn vị chức năng
của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị có liên quan
thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân bón
hữu cơ và phân bón khác;
g) Phối hợp với các
Cục, Vụ liên quan tổng hợp tình hình về quản lý, sản xuất, kinh doanh, xuất
khẩu, nhập khẩu, chất lượng phân bón vô cơ báo cáo Lãnh đạo Bộ theo quy định.
2. Vụ Khoa học và
Công nghệ
a) Tổ chức đánh giá,
chỉ định và quản lý hoạt động của các phòng thử nghiệm, chứng nhận, giám định
phân bón vô cơ, giải quyết khiếu nại về kết quả thử nghiệm phân bón vô cơ;
b) Chủ trì, phối hợp
với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra chất lượng phân bón vô cơ nhập
khẩu theo quy định tại Thông tư số 48/2011/TT-BCT và Thông tư này;
c) Chủ trì, phối hợp
với các cơ quan có liên quan tổ chức nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ
tiên tiến vào các hoạt động có liên quan đến phân bón vô cơ.
3. Cục Xuất nhập khẩu
chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi tình hình xuất
khẩu, nhập khẩu phân bón vô cơ; đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan đến
xuất khẩu, nhập khẩu phân bón vô cơ.
4. Vụ Thương mại biên
giới và Miền núi chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi
tình hình xuất khẩu, nhập khẩu phân bón vô cơ qua đường biên mậu; đề xuất các
cơ chế, chính sách liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu phân bón vô cơ qua đường
biên mậu.
5. Cục Quản lý thị
trường chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường thanh
tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và chất lượng
phân bón theo quy định. Chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm
quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực sản
xuất, kinh doanh và chất lượng phân bón thuộc trách nhiệm quản lý của ngành
Công Thương và xử lý vi phạm pháp luật theo quy định.
Điều 29.
Trách nhiệm của Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Trình Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh phân bón vô cơ
thuộc địa bàn quản lý.
2. Tiếp nhận bản công
bố hợp quy phân bón vô cơ, lập danh sách các tổ chức, cá nhân đã đăng ký
công bố hợp quy và gửi Thông báo xác nhận công bố hợp quy chất lượng phân
bón vô cơ về Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) theo quy định tại Điều
21 Thông tư này.
3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ
chức tuyên truyền, phổ biến và tổ chức hướng dẫn pháp luật, cung cấp thông tin
về chất lượng phân bón vô cơ cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người
tiêu dùng. Tiếp nhận đề nghị của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân
bón vô cơ để tổ chức hội thảo, giới thiệu mô hình phân bón vô cơ theo quy định
của pháp luật.
4. Thanh tra, kiểm
tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón vô cơ thuộc địa bàn quản
lý theo quy định của pháp luật. Định kỳ kiểm tra hoạt động kinh doanh phân bón
thuộc địa bàn quản lý theo quy định tại Điều 13 Thông tư này.
Tham gia phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
trong kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm hoạt động
sản xuất, kinh doanh phân bón vô cơ thuộc địa bàn quản lý.
5.
Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều
26 Thông tư này.
Điều 30.
Trách nhiệm của cơ quan Quản lý thị trường địa phương
Chi cục Quản lý thị
trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chủ trì, phối
hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp
luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chất lượng phân bón theo chỉ đạo của
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Quản lý thị trường,
Sở Công Thương trên địa bàn được giao quản lý và xử lý vi phạm hành chính theo
quy định của pháp luật.
Điều 31.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu
phân bón vô cơ
1.
Thực hiện trách nhiệm về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu quy định
tại Điều 5 Nghị định số 202/2013/NĐ-CP , các quy định tại Thông tư này, thực hiện trách nhiệm đảm bảo chất lượng sản
phẩm, hàng hóa nhóm 2 theo quy định tại Thông tư số 48/2011/TT-BCT .
2. Tổ chức, cá nhân
sản xuất phân bón vô cơ thực hiện ghi và lưu
nhật ký quá trình sản xuất; lưu hồ sơ kết quả kiểm nghiệm và lưu mẫu sản
phẩm xuất xưởng; bảo quản các mẫu lưu quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 5 Nghị
định số 202/2013/NĐ-CP. Không áp dụng việc lưu mẫu nguyên liệu là khí tự nhiên,
khí đồng hành và nguyên liệu phụ trợ.
3. Thực hiện chế độ
báo cáo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 5 Nghị
định số 202/2013/NĐ-CP và Khoản 1 Điều 26 Thông tư này.
4. Có trách nhiệm tổ
chức hoặc thông qua đơn vị có chức năng huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức về phân
bón cho người lao động trực tiếp sản xuất phân bón vô cơ theo quy định tại Điểm
b Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 202/2013/NĐ-CP .
5. Tổ chức, cá nhân
đầu tư sản xuất phân bón vô cơ; sản xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân
bón hữu cơ và phân bón khác sau ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành phải lập
hồ sơ đề nghị cấp phép sau khi hoàn thành công trình xây dựng và phải có Giấy
phép mới được chính thức đi vào hoạt động.
Điều 32. Quy
định chuyển tiếp
Tổ chức, cá nhân đã
sản xuất phân bón vô cơ; sản xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân bón
hữu cơ và phân bón khác trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành phải bổ
sung hồ sơ, điều kiện trong thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định số
202/2013/NĐ-CP và làm các thủ tục cấp giấy phép theo quy định tại Thông tư này.
Điều 33. Hiệu lực thi hành4
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 27 tháng 11 năm 2014.
2. Khi các văn bản quy phạm pháp luật,
tài liệu được viện dẫn trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì
áp dụng theo quy định tại văn bản mới.
3. Thông tư này thay thế:
a) Thông tư số 05/2005/TT-BCN
ngày 31 tháng 10 năm 2005 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn
thực hiện Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về
quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón;
b) Thông tư số 02/2007/TT-BCN
ngày 22 tháng 3 năm 2007 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) bổ sung Khoản
2 Mục II Thông tư số 05/2005/TT-BCN .
4. Trong quá trình thực hiện, nếu
có vướng mắc hoặc vấn đề phát sinh, các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ
Công Thương để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.