Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: Khongso Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Công thương Người ký: Nguyễn Hồng Diên
Ngày ban hành: 27/10/2022 Ngày hiệu lực:
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: / /TT-BCT

DỰ THẢO 03
Ngày 27/10/20
22

Hà Nội, ngày tháng năm

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CÁCH XÁC ĐỊNH HÀNG HOÁ SẢN XUẤT TẠI VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa;

Căn cứ Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa;

Thực hiện Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ về việc rút nhiệm vụ xây dựng Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam”;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu;

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước.

2. Thông tư này không áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu. Việc xác định xuất xứ hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu thực hiện theo quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu hoặc quy định của nước nhập khẩu về xác định xuất xứ hàng hóa.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam và cơ quan, tổ chức có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. “Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam” bao gồm: hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa chế tạo tại Việt Nam, hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, hàng hóa sản xuất bởi Việt Nam, hàng hóa là sản phẩm của Việt Nam và hàng hóa do Việt Nam sản xuất.

2. “Sản xuất” là các phương thức để tạo ra hàng hoá bao gồm trồng trọt, khai thác, thu hoạch, chăn nuôi, gây giống, chiết xuất, thu lượm, thu nhặt, săn bắt, đánh bắt, đánh bẫy, săn bắn, chế tạo, chế biến, gia công hay lắp ráp.

3. “Công đoạn gia công, chế biến hàng hóa” là quá trình sản xuất được thực hiện để tạo ra hàng hoá, bao gồm cả công đoạn gia công, chế biến chính tạo ra đặc điểm cơ bản của hàng hoá và công đoạn gia công, chế biến đơn giản không làm thay đổi đặc điểm cơ bản của hàng hóa.

4. “Đơn giản” là hoạt động không cần sử dụng các kỹ năng đặc biệt, máy móc, dây chuyền hoặc các thiết bị chuyên dụng và không làm thay đổi bản chất của hàng hoá.

5. “Mã số hàng hoá” là mã số của từng loại hàng hoá được quy định cụ thể trong Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành.

6. “Nguyên liệu” là vật liệu hay chất liệu được sử dụng trong quá trình sản xuất ra hàng hóa, hoặc kết hợp để tạo thành một hàng hóa khác, hoặc tham gia vào quy trình sản xuất ra một hàng hóa khác.

7. “Chuyển đổi mã số hàng hóa” là sự thay đổi về mã số hàng hoá của nguyên liệu so với mã số hàng hóa của hàng hóa được tạo ra ở Việt Nam trong quá trình sản xuất từ nguyên liệu không phải là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

8. “Hàm lượng giá trị Việt Nam” là tỷ lệ phần giá trị gia tăng tại Việt Nam của hàng hóa để làm cơ sở xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Chương II

XÁC ĐỊNH HÀNG HOÁ SẢN XUẤT TẠI VIỆT NAM

Điều 4. Nguyên tắc xác định và thể hiện hàng hoá sản xuất tại Việt Nam

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tự xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và tự chịu trách nhiệm về việc xác định của mình theo quy định tại Thông tư này.

2. Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam theo quy định tại Thông tư này không mặc nhiên được coi là hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam theo các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa. Việc xác định xuất xứ hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu thực hiện theo quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu hoặc quy định của nước nhập khẩu về xác định xuất xứ hàng hóa.

3. Hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” được thể hiện hoặc ghi trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

4. Tổ chức, cá nhân thể hiện hoặc ghi hàng hóa sản xuất tại Việt Nam bằng tiếng Việt. Trường hợp thể hiện hoặc ghi thêm bằng tiếng nước ngoài thì phải sử dụng cụm từ tương đương.

5. Trường hợp không xác định được hàng hóa là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam theo quy định tại Thông tư này thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa và thể hiện bằng một trong các cụm từ hoặc kết hợp các cụm từ sau: “lắp ráp tại Việt Nam”; “đóng chai tại Việt Nam”; “phối trộn tại Việt Nam”; “hoàn tất tại Việt Nam”; “đóng gói tại Việt Nam”; “dán nhãn tại Việt Nam” hoặc theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

Điều 5. Cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam

Hàng hoá được xác định là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam bao gồm:

1. Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam.

2. Động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại Việt Nam.

3. Sản phẩm từ động vật sống nêu tại khoản 2 Điều này.

4. Sản phẩm thu được từ săn bắn, đặt bẫy, đánh bắt, nuôi trồng, thu lượm hoặc săn bắt tại Việt Nam.

5. Khoáng sản và chất sản sinh tự nhiên, không được liệt kê từ khoản 1 đến khoản 4 Điều này, được chiết xuất hoặc lấy ra từ đất, nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển của Việt Nam.

6. Sản phẩm lấy từ nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải, nơi Việt Nam có quyền khai thác đối với vùng nước, đáy biển và dưới đáy biển theo luật pháp quốc tế.

7. Sản phẩm đánh bắt và hải sản khác đánh bắt từ vùng biển quốc tế bằng tàu được đăng ký ở Việt Nam hoặc được phép treo cờ của Việt Nam.

8. Sản phẩm được chế biến hoặc được sản xuất từ các sản phẩm nêu tại khoản 7 Điều này ngay trên tàu được đăng ký ở Việt Nam hoặc được phép treo cờ của Việt Nam.

9. Vật phẩm thu được trong quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng ở Việt Nam hiện không còn thực hiện được chức năng ban đầu, không thể sửa chữa hay khôi phục được và chỉ có thể vứt bỏ hoặc dùng làm các nguyên liệu, vật liệu thô, hoặc sử dụng vào mục đích tái chế.

10. Hàng hoá thu được hoặc được gia công, chế biến tại Việt Nam từ các sản phẩm nêu từ khoản 1 đến khoản 9 Điều này.

11. Trường hợp hàng hóa trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam nhưng không thuộc các trường hợp xác định từ khoản 1 đến khoản 10 Điều này thì áp dụng các phương pháp xác định tại Điều 6, Điều 7 và chi tiết quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam bằng phương pháp chuyển đổi mã số hàng hóa

1. Việc xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam bằng phương pháp chuyển đổi mã số hàng hóa (sau đây gọi là chuyển đổi mã số hàng hóa) được thực hiện bằng một trong những cách sau:

a) Chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp độ Chương (2 số) hay được viết tắt là “CC”: nếu quá trình sản xuất hàng hóa tại Việt Nam sử dụng các nguyên liệu quy định tại khoản 2 Điều này, mã số hàng hóa của các nguyên liệu đó phải có sự thay đổi ở cấp độ Chương (2 số) so với mã số hàng hóa của hàng hóa được sản xuất ra.

b) Chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp độ Nhóm (4 số) hay được viết tắt là “CTH”: nếu quá trình sản xuất hàng hóa tại Việt Nam sử dụng các nguyên liệu quy định tại khoản 2 Điều này, mã số hàng hóa của các nguyên liệu đó phải có sự thay đổi ở cấp độ Nhóm (4 số) so với mã số hàng hóa của hàng hóa được sản xuất ra.

c) Chuyển đổi mã hàng ở cấp độ Phân nhóm (6 số) hay được viết tắt là “CTSH”: nếu quá trình sản xuất hàng hóa tại Việt Nam sử dụng các nguyên liệu quy định tại khoản 2 Điều này, mã số hàng hóa của các nguyên liệu đó phải có sự thay đổi ở cấp độ Phân nhóm (6 số) so với mã số hàng hóa của hàng hóa được sản xuất ra.

d) Chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp độ Nhóm ngoại trừ mã số hàng hóa cụ thể: bên cạnh việc thực hiện chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp độ Nhóm theo quy định tại điểm b) khoản 1 Điều này, quá trình sản xuất hàng hóa tại Việt Nam không được phép sử dụng các nguyên liệu quy định tại khoản 2 Điều này mà có mã số hàng hóa bị ngoại trừ.

2. Các nguyên liệu sau đây khi sử dụng trong quá trình sản xuất phải có sự chuyển đổi mã số hàng hóa theo quy định tại khoản 1 Điều này:

a) Nguyên liệu nhập khẩu;

b) Nguyên liệu mua trong nước nhưng không phải là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam khi xác định theo quy định tại Thông tư này.

3. Trường hợp các nguyên liệu nêu tại khoản 2 Điều này không có sự chuyển đổi mã số hàng hóa theo quy định tại khoản 1 Điều này, các nguyên liệu này vẫn có thể được sử dụng trong quá trình sản xuất để hàng hoá được xác định là hàng hoá sản xuất tại Việt Nam với điều kiện:

a) Trị giá của tất cả các nguyên liệu này không được vượt quá 10% giá thành sản xuất hàng hóa đối với hàng hóa có mã số hàng hoá không thuộc từ Chương 50 đến Chương 63;

b) Trọng lượng hoặc trị giá của tất cả nguyên liệu này không được vượt quá 10% tổng trọng lượng hoặc giá thành sản xuất hàng hóa đối với hàng hóa có mã số hàng hoá thuộc từ Chương 50 đến Chương 63.

c) Hàng hóa nêu tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều này đáp ứng tất cả các quy định khác tại Thông tư này.

Điều 7. Cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam bằng phương pháp tính hàm lượng giá trị Việt Nam

1. Hàm lượng giá trị Việt Nam, hay được viết tắt là “VVC (XX)%” nghĩa là hàng hóa phải đạt hàm lượng giá trị Việt Nam không thấp hơn XX phần trăm (%) theo công thức tính quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Hàm lượng giá trị Việt Nam được tính theo một trong hai công thức sau:

a) Công thức trực tiếp:

VVC =

Trị giá đầu vào sản xuất tại Việt Nam

x 100%

Giá xuất xưởng của hàng hóa

b) Công thức gián tiếp:

VVC =

Giá xuất xưởng của hàng hóa

-

Trị giá nguyên liệu đầu vào không là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam

x 100%

Giá xuất xưởng của hàng hóa

3. Các cấu phần của công thức tính Hàm lượng giá trị Việt Nam nêu tại khoản 2 Điều này được xác định cụ thể như sau:

a) “Trị giá đầu vào sản xuất tại Việt Nam” bao gồm trị giá của nguyên liệu do nhà sản xuất trong nước sản xuất hoặc do tổ chức, cá nhân tự sản xuất được dùng trong quá trình sản xuất ra hàng hóa; chi phí nhân công trực tiếp, chi phí phân bổ trực tiếp, các chi phí khác và lợi nhuận.

- “Các chi phí khác”: là các chi phí phát sinh trong việc đưa nguyên liệu vào quá trình sản xuất hàng hóa, bao gồm nhưng không giới hạn bởi chi phí vận tải nội địa, chi phí lưu kho, phí hoa hồng, phí dịch vụ và các phí có liên quan.

b) “Trị giá nguyên liệu đầu vào không là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam” là giá CIF của nguyên liệu nhập khẩu trực tiếp; hoặc giá mua đầu tiên tại thời điểm mua vào ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng đối với nguyên liệu mua trong nước không xác định được là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam được dùng trong quá trình sản xuất ra hàng hóa.

- “Giá CIF” của nguyên liệu nhập khẩu bao gồm giá hàng hóa, phí bảo hiểm và giá cước vận tải đến cảng hoặc cửa khẩu Việt Nam. Giá CIF được tính theo quy định tại Điều VII Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) 1994 và Hiệp định về Trị giá Hải quan.

c) “Giá xuất xưởng của hàng hóa” = Chi phí nguyên liệu + Chi phí nhân công trực tiếp + Chi phí phân bổ trực tiếp + Lợi nhuận của nhà sản xuất.

- “Chi phí nguyên liệu” bao gồm chi phí mua nguyên liệu, chi phí vận tải và bảo hiểm đối với nguyên liệu đó;

- “Chi phí nhân công trực tiếp” bao gồm lương, các khoản thưởng và những khoản phúc lợi khác có liên quan đến quá trình sản xuất;

- “Chi phí phân bổ trực tiếp” bao gồm: Chi phí nhà xưởng có liên quan đến quá trình sản xuất (bảo hiểm nhà xưởng, chi phí thuê và thuê mua nhà máy, khấu hao nhà xưởng, sửa chữa, bảo trì, thuế, lãi cầm cố); các khoản thuê mua và trả lãi của nhà máy và thiết bị; an ninh nhà máy; bảo hiểm (nhà máy, thiết bị và vật tư sử dụng trong quá trình sản xuất hàng hóa); các nhu yếu phẩm cho quá trình sản xuất (năng lượng, điện và các nhu yếu phẩm khác đóng góp trực tiếp sử dụng trong quá trình sản xuất); nghiên cứu, phát triển, thiết kế và chế tạo; khuôn dập, khuôn đúc, việc trang bị dụng cụ và khấu hao, bảo trì và sửa chữa của nhà máy và thiết bị; tiền bản quyền sáng chế (có liên quan đến những máy móc có bản quyền hoặc quá trình sử dụng trong việc sản xuất hàng hoá hoặc quyền sản xuất hàng hoá); kiểm tra và thử nghiệm nguyên liệu và hàng hóa; lưu trữ trong nhà máy; xử lý các chất thải; các nhân tố chi phí trong việc tính toán giá trị của nguyên liệu như chi phí cảng và chi phí giải phóng hàng và thuế nhập khẩu đối với các thành phần phải chịu thuế.

Điều 8. Công đoạn gia công, chế biến đơn giản

Không xét tới quy định tại Điều 5 Thông tư này, hàng hóa không được xác định là sản xuất tại Việt Nam nếu chỉ trải qua một hoặc kết hợp nhiều công đoạn gia công, chế biến sau đây:

1. Các công việc bảo quản hàng hoá trong quá trình vận chuyển và lưu kho (thông gió, trải ra, sấy khô, làm lạnh, đông lạnh, ngâm trong muối, xông lưu huỳnh hoặc thêm các phụ gia khác, loại bỏ các bộ phận bị hư hỏng và các công việc tương tự).

2. Các công việc như lau bụi, sàng lọc, chọn lựa, phân loại (bao gồm cả việc xếp thành bộ) lau chùi, sơn, chia cắt ra từng phần.

3. Thay đổi bao bì đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng; đóng chai, lọ, đóng gói, bao, hộp và các công việc đóng gói bao bì đơn giản khác.

4. Dán lên sản phẩm hoặc bao gói của sản phẩm các nhãn hiệu, nhãn, mác hay các dấu hiệu phân biệt tương tự.

5. Trộn đơn giản các sản phẩm, dù cùng loại hay khác loại.

6. Lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh.

7. Giết, mổ động vật.

Điều 9. Bao bì, phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ

1. Trường hợp hàng hóa áp dụng tiêu chí “Chuyển đổi mã số hàng hóa”, vật liệu đóng gói và bao gói chứa đựng hàng hóa dùng để bán lẻ, khi được phân loại cùng hàng hóa đó, không được tính là các nguyên liệu không có xuất xứ Việt Nam sử dụng trong việc sản xuất ra hàng hóa.

2. Trường hợp hàng hóa áp dụng tiêu chí “Hàm lượng giá trị Việt Nam”, trị giá của vật liệu đóng gói và bao bì chứa đựng hàng hóa dùng để bán lẻ được coi là một phần cấu thành của hàng hóa và được tính đến khi xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

3. Vật liệu đóng gói và bao gói dùng để chuyên chở và vận chuyển hàng hóa sẽ không được tính đến khi xác định hàng hoá sản xuất tại Việt Nam.

4. Tài liệu giới thiệu, hướng dẫn sử dụng hàng hoá; phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ đi kèm hàng hoá với chủng loại số lượng phù hợp được coi là sản xuất tại Việt Nam với hàng hoá đó.

Điều 10. Các yếu tố gián tiếp

Các yếu tố gián tiếp được sử dụng trong quá trình sản xuất, kiểm tra, hoặc thử nghiệm hàng hóa nhưng không cấu thành hàng hóa đó, hoặc các yếu tố được sử dụng trong việc bảo dưỡng nhà xưởng, hoặc vận hành thiết bị có liên quan tới việc sản xuất hàng hóa sau đây không cần xét đến khi xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam:

1. Nhiên liệu và năng lượng.

2. Dụng cụ, khuôn rập và khuôn đúc.

3. Phụ tùng, vật liệu dùng để bảo dưỡng thiết bị và nhà xưởng.

4. Dầu nhờn, chất bôi trơn, hợp chất và các nguyên liệu khác dùng trong sản xuất hoặc dùng để vận hành thiết bị và nhà xưởng.

5. Găng tay, kính, giày dép, quần áo và các thiết bị an toàn.

6. Các thiết bị, dụng cụ và máy móc dùng để thử nghiệm hoặc kiểm tra hàng hoá.

7. Chất xúc tác và dung môi.

8. Bất kỳ nguyên liệu nào khác không cấu thành hàng hoá nhưng việc sử dụng chúng phải chứng minh được là cần thiết trong quá trình sản xuất ra hàng hoá đó.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1. Vụ Thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai, theo dõi và đánh giá việc thực thi Thông tư này.

2. Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với Vụ Thị trường trong nước theo dõi, đánh giá việc thực thi Thông tư này.

Điều 12. Điều khoản chuyển tiếp

1. Hàng hóa đã sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu hoặc lưu thông tại Việt Nam được xác định, thể hiện và ghi trên nhãn là hàng hoá sản xuất tại Việt Nam trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành tiếp tục được lưu thông, sử dụng đến hết hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa.

2. Hàng hóa đã sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu hoặc lưu thông tại Việt Nam được xác định, thể hiện và ghi trên nhãn là hàng hoá sản xuất tại Việt Nam trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành mà không bắt buộc phải ghi hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa được tiếp tục lưu thông, sử dụng.

Điều 13. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm .


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;
- Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội,
Văn phòng TƯ và các Ban của Đảng;
- Viện KSND tối cao, Toà án ND tối cao;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật);
- Công báo;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương;
- Sở Công Thương các tỉnh, thành phố;
- Bộ Công Thương: Bộ trưởng; các Thứ trưởng;
các Tổng Cục, Cục, Vụ thuộc Bộ;
- Lưu: VT, XNK (10).vannthi.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Hồng Diên

PHỤ LỤC

DANH MỤC HÀNG HÓA ĐƯỢC XÁC ĐỊNH THEO PHƯƠNG PHÁP CỤ THỂ
(ban hành kèm theo Thông tư số / /TT-BCT ngày tháng năm của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cách xác định hàng hoá sản xuất tại Việt Nam)

Chú giải 1. Cấu trúc Danh mục tại Phụ lục

1. Danh mục hàng hóa được xác định là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam theo phương pháp cụ thể tại Phụ lục này bao gồm ba cột.

- Cột thứ nhất (1): thể hiện số hàng hoá ở cấp độ Chương (2 số), Nhóm (4 số) hoặc Phân nhóm (6 số) của hàng hóa.

- Cột thứ hai (2): thể hiện mô tả hàng hóa tương ứng với mã số hàng hoá tại cột thứ nhất (1).

- Cột thứ ba (3): thể hiện phương pháp cụ thể dùng để xác định hàng hoá sản xuất tại Việt Nam tương ứng với hàng hóa được mô tả tại hai cột đầu tiên.

2. Mã số hàng hoá tại Danh mục này là mã số hàng hoá căn cứ tại Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành. Trường hợp có bất kỳ sự khác biệt nào giữa phần mô tả tại Danh mục này với phần mô tả tại văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, phần mô tả tại văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính được áp dụng.

Chú giải 2. Cách áp dụng phương pháp xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam tại Danh mục

1. Trường hợp cột (3) thể hiện phương pháp xác định tương ứng với mã số hàng hoá ở cấp độ Chương (2 số), Nhóm (4 số) hoặc Phân nhóm (6 số) tại cột (1), phương pháp xác định đó được áp dụng cho hàng hoá thuộc Chương, Nhóm hoặc Phân nhóm tương ứng.

Ví dụ:

- Chương 5 (Sản phẩm gốc động vật, chưa được chi tiết hoặc ghi ở các nơi khác) áp dụng phương pháp xác định tương ứng là “VVC 30% hoặc CC”.

- Nhóm 72.15 (Sắt hoặc thép không hợp kim ở dạng thanh và que khác) áp dụng phương pháp xác định tương ứng là “CTH”.

- Phân nhóm 1302.20 (Chất pectic, muối của axit pectinic và muối của axit pectic) áp dụng phương pháp xác định tương ứng là “VVC 30% hoặc CC”.

2. Trường hợp cột (3) thể hiện phương pháp xác định tương ứng với một nhóm mã số hàng hoá tại cột (1), phương pháp xác định đó được áp dụng cho hàng hoá thuộc nhóm mã số hàng hoá tương ứng.

Ví dụ: Nhóm 55.06 đến 55.07 có phương pháp xác định tương ứng là “VVC 30% hoặc CC”.

3. Khi một mã số hàng hoá cụ thể quy định việc áp dụng phương pháp xác định lựa chọn, hàng hóa được xác định là sản xuất tại Việt Nam bằng một trong các phương pháp đó.

Ví dụ: Mã số hàng hoá 75.02 (Niken chưa gia công) có phương pháp xác định tương ứng là “VVC 30% hoặc CTH”. Việc sử dụng một trong hai phương pháp “VVC 30%” hoặc “CTH” đều giúp xác định hàng hoá sản xuất tại Việt Nam.

4. Công đoạn gia công hoặc chế biến được thực hiện phải vượt quá công đoạn gia công, chế biến quy định tại Điều 8 Thông tư này. Trường hợp không đáp ứng quy định tại Điều 8 Thông tư này, hàng hoá không đủ điều kiện để được xác định là hàng hoá sản xuất tại Việt Nam theo các phương pháp tương ứng.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Dự thảo Thông tư quy định cách xác định hàng hoá sản xuất tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.224

DMCA.com Protection Status
IP: 18.227.228.95
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!