BỘ TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh
phúc
********
|
Số:
40/2005/TT-BTC
|
Hà Nội,
ngày 25 tháng 5 năm 2005
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 40/2005/TT-BTC NGÀY 25
THÁNG 05 NĂM 2005 HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ TÀI CHÍNH ÁP DỤNG ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN CẤP NƯỚC
SẠCH SỬ DỤNG NGUỒN VỐN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC (ODA)
Căn cứ Nghị định số
90/1998/NĐ-CP ngày 7/11/1998 của Chính phủ ban hành Qui chế vay và trả nợ nước
ngoài;
Căn cứ Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 4/5/2001 của Chính phủ ban hành Qui chế
quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ Qui định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Công văn số 1250/VPCP-QHQT ngày 15/3/2005 của Chính phủ phê duyệt nguyên
tắc điều chỉnh cơ chế tài chính thống nhất cho các dự án cấp nước sử dụng nguồn
vốn ODA;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện như sau:
I.
QUI ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi áp dụng: Thông tư này
áp dụng cho tất cả các dự án cấp nước sạch sử dụng nguồn vốn Hỗ trợ phát triển
chính thức (ODA), bao gồm cả các dự án cung cấp nước sạch cho các đô thị, các cụm
dân cư nông thôn và miền núi.
Các dự án cấp nước sạch sử dụng
nguồn vốn ODA đã và đang thực hiện trước khi Thông tư này có hiệu lực được điều
chỉnh lại cơ chế cho vay lại theo hướng dẫn tại Thông tư này.
2. Cơ chế tài chính áp dụng:
- Đối với các dự án cung cấp nước
sạch cho các cụm dân cư nông thôn và miền núi: Thực hiện chế độ cấp phát toàn bộ
vốn ODA (gồm cả vốn viện trợ không hoàn lại và vốn vay) theo Nghị định số
90/1998/NĐ-CP ngày 7/11/1998 của Chính phủ. Vốn đối ứng cho các dự án này do chủ
dự án tự bố trí, nếu thiếu do Ngân sách các địa phương bố trí hỗ trợ.
- Đối với các dự án cấp nước cho
các đô thị: Thực hiện việc cho vay lại toàn bộ nguồn vốn ODA (gồm cả vốn viện
trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi). Vốn đối ứng cho các dự án này do chủ dự
án tự bố trí. Điều kiện cho vay lại đối với các dự án này được quy định cụ thể
tại Mục II dưới đây.
II. QUY
ĐỊNH CỤ THỂ
1. Điều kiện
cho vay lại:
1.1 Đối với các dự án cấp nước sạch
cho các đô thị loại 5 theo cách phân loại tại Nghị định số 72/2001/NĐ-CP ngày
5/10/2001 (các thị trấn thuộc huyện) sử dụng nguồn vốn vay ODA (kể cả vay và viện
trợ không hoàn lại): Thực hiện chế độ Ngân sách nhà nước cho vay lại bằng đồng
Việt Nam toàn bộ vốn ODA không lãi suất (Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất
và phí vay nước ngoài). Thời gian cho vay lại và ân hạn áp dụng theo quy định tại
điểm 1.2 a) dưới đây. Chủ dự án chỉ phải trả phí cho vay lại theo quy định hiện
hành.
1.2 Đối với các dự án cấp nước sạch
cho các đô thị từ loại 4 trở lên (theo cách phân loại tại Nghị định số
72/2001/NĐ-CP ngày 5/10/2001); các dự án cấp nước cho các khu công nghiệp, khu
chế xuất sử dụng nguồn vốn ODA (kể cả nguồn vay và viện trợ không hoàn lại): Thực
hiện chế độ Ngân sách cho vay lại đối với nguồn vốn ODA theo điều kiện cho vay
lại như sau:
a. Thời gian cho vay lại: theo đề
nghị của Chủ dự án nhưng không quá 25 năm, trong đó có 8 năm ân hạn, tính từ
ngày ký Hiệp định vay.
Các điều kiện về thời gian cho
vay lại, thời gian ân hạn trên không phụ thuộc vào điều kiện cho vay gốc của
nhà tài trợ nước ngoài.
b. Đồng tiền cho vay lại: Các chủ
dự án được lựa chọn vay lại bằng đồng Việt Nam hoặc vay lại bằng đồng ngoại tệ.
Trường hợp vay lại bằng ngoại tệ Bộ Tài chính áp dụng thống nhất cho mọi dự án
theo đồng tiền cho vay lại là đô la Mỹ (USD). Nếu dự án sử dụng vốn vay ngoại tệ
khác thì thực hiện chuyển đổi sang USD theo tỷ giá hạch toán bằng ngoại tệ do Bộ
Tài chính quy định hàng tháng vào thời điểm chuyển đổi.
c. Lãi suất cho vay lại:
- Nếu vay lại bằng đồng Việt
Nam: Lãi suất cho vay lại được áp dụng thống nhất cho mọi dự án theo mức 5%
/năm (đã bao gồm cả phí cho vay lại trong nước). Trong trường hợp các căn cứ
tính toán mức lãi suất trên có sự thay đổi lớn, Bộ Tài chính sẽ xem xét và
trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại mức lãi suất vay nói trên.
- Nếu vay lại bằng đồng ngoại tệ:
Lãi suất cho vay lại áp dụng thống nhất cho mọi dự án là 2%/năm (đã bao gồm cả
phí cho vay lại trong nước). Trường hợp lãi suất Chính phủ đi vay nước ngoài
cao hơn 2%/năm thì áp dụng bằng mức Chính phủ vay của nước ngoài.
d. Ngoài lãi suất nói trên, các
chủ dự án ODA cấp nước phải trả các loại phí vay nước ngoài như phí bảo hiểm
tín dụng, phí cam kết, phí quản lý... (trừ các dự án thuộc diện quy định tại điểm
1.1 Phần II trên).
2. Hướng dẫn áp
dụng và điều chỉnh điều kiện cho vay lại:
2.1 Đối với các dự án thực hiện
từ ngày Thông tư này có hiệu lực trở đi được áp dụng theo các điều kiện cho vay
lại nêu ở điểm 1 Mục II của Thông tư này.
2.2 Điều chỉnh điều kiện cho vay
lại đối với các dự án đã và đang thực hiện:
a. Các dự án đã và đang thực hiện
trước ngày Thông tư này có hiệu lực được điều chỉnh các điều kiện cho vay lại
theo các điều kiện mới tính đến thời điểm chuyển đổi. Không thực hiện hồi tố đối
với các khoản đã trả nợ tính tới thời điểm này.
b. Các dự án đã rút vốn có yêu cầu
được chuyển cơ chế vay lại bằng ngoại tệ sang vay lại bằng đồng Việt Nam phải
chuyển đổi toàn bộ dư nợ (gốc, lãi, phí, lãi chậm trả nếu có...) tính đến thời
điểm chuyển đổi sang đồng Việt Nam theo tỷ giá hạch toán do Bộ Tài chính quy định
hàng tháng vào ngày chuyển đổi.
Các khoản rút vốn bằng ngoại tệ
sau ngày chuyển đổi số dư nợ được chuyển sang tiền Việt Nam theo tỷ giá hạch toán
do Bộ Tài chính quy định hàng tháng vào các ngày rút vốn thực tế.
c. Các dự án có yêu cầu được
chuyển nợ vay lại từ vay ngoại tệ khác sang vay bằng đồng USD phải chuyển đổi
toàn bộ dư nợ (gốc, lãi, phí, lãi chậm trả nếu có...) tính đến ngày chuyển đổi
sang đồng USD theo tỷ giá thống kê quy đổi giữa đô la Mỹ và các ngoại tệ khác
do Bộ Tài chính quy định vào ngày chuyển đổi.
Các khoản rút vốn bằng ngoại tệ
sau ngày chuyển đổi số dư nợ được chuyển sang đồng USD theo tỷ giá thống kê quy
đổi giữa đô la Mỹ và các ngoại tệ khác do Bộ Tài chính quy định hàng tháng vào
các ngày rút vốn thực tế.
d. Để điều chỉnh điều kiện cho
vay lại theo các điều kiện mới nêu trên, Chủ dự án làm công văn gửi Bộ Tài
chính và Cơ quan cho vay lại, trong đó có đề nghị cụ thể các điều kiện cho vay
lại căn cứ vào hướng dẫn tại điểm 1 Mục II Thông tư này, kèm theo phương án vay
trả theo các điều kiện cho vay lại này. Các đề nghị điều chỉnh này cần được gửi
trước ngày 30/11/2005. Sau thời hạn này, nếu Chủ dự án không có đề nghị điều chỉnh
thì Cơ quan cho vay lại vẫn thực hiện theo cơ chế đã phê duyệt và thực hiện trước
đó.
e. Căn cứ vào đề xuất của Chủ dự
án, Cơ quan cho vay lại tiến hành đối chiếu số liệu vay nợ, thoả thuận các điều
kiện cụ thể về điều chỉnh điều kiện cho vay lại theo quy định tại Thông tư này,
trên cơ sở đó ký kết Hợp đồng hoặc phụ lục điều chỉnh Hợp đồng cho vay lại với
Chủ dự án. Sau khi ký kết, Cơ quan cho vay lại có công văn báo cáo gửi cho Bộ
Tài chính kèm theo các Hợp đồng hoặc Phụ lục điều chỉnh nói trên làm cơ sở điều
chỉnh lại các Hợp đồng uỷ quyền cho vay lại vốn vay nước ngoài đã ký kết giữa Bộ
Tài chính và Cơ quan cho vay lại.
2.3. Đối với các dự án nếu đã được
Chính phủ cho áp dụng các điều kiện cho vay lại vay ưu đãi hơn các điều kiện mới
nói trên vẫn được tiếp tục thực hiện theo các điều kiện ưu đãi đó.
2.4. Trường hợp trong các Điều ước
quốc tế về ODA ký với nhà tài trợ có thỏa thuận về cơ chế tài chính trong nước
áp dụng đối với dự án cấp nước sử dụng vốn ODA khác với các qui định tại Thông
tư này thì áp dụng theo các thỏa thuận trong các Điều ước quốc tế về ODA đã ký
kết với nhà tài trợ.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
Thông tư này có hiệu lực sau 15
ngày kể từ ngày đăng Công báo.
Các Bộ, UBND địa phương chủ quản
dự án có trách nhiệm thông báo cho các Chủ dự án cấp nước sử dụng vốn ODA thuộc
địa phương mình biết và phối hợp với Bộ Tài chính để chỉ đạo thực hiện theo hướng
dẫn tại Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện Thông
tư này, nếu có vướng mắc đề nghị các Bộ, UBND địa phương chủ quản và các Chủ dự
án phản ánh ngay cho Bộ Tài chính và Cơ quan cho vay lại để xem xét giải quyết.