BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
12/2004/TT-BGTVT
|
Hà
Nội, ngày 01 tháng 07 năm 2004
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THANH TRA GIAO THÔNG THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ
01/2004/CT- TTg CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHẤN CHỈNH HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI KHÁCH
LIÊN TỈNH BẰNG ÔTÔ
Thực hiện mục 1 điểm c Chỉ thị số 01/2004/CT-
TTg ngày 02 tháng 01 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động
vân tải khách liên tỉnh bằng ô tô; Để lực lượng Thanh tra giao thông thực hiện
nhiệm vụ theo đúng thẩm quyền và hoạt động hiệu quả, góp phần chấn chỉnh hoạt động
vận tải khách liên tỉnh bằng ô tô, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc thực hiện
như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn Thanh tra giao thông thực
hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về hoạt động vận tải khách
liên tỉnh bằng ô tô tại bến xe, trạm nghỉ xe khách, điểm đón, trả khách (bao gồm
cả bến xe bất hợp pháp, các điểm đón, trả khách không đúng quy định) và kiểm
tra đột xuất tại các Trạm thu phí cầu, đường bộ.
2. Đối tượng chịu sự thanh
tra, kiểm tra
2.1. Tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân
(sau đây gọi chung là doanh nghiệp) hoạt động kinh doanh vận tải khách liên tỉnh
bằng ô tô bao gồm cả doanh nghiệp khai thác bến xe, trạm nghỉ xe;
2.2. Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe ô tô
khách liên tỉnh.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của
Thanh tra giao thông
Thanh tra giao thông thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn
thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về hoạt động vận tải đường bộ
theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 136/2004/NĐ-CP ngày 16
tháng 6 năm 2004 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra giao thông
vận tải, Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 2 năm 2003 của Chính phủ quy
định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ; có quyền kiến nghị áp dụng
các hình thức xử lý vi phạm theo quy định về trách nhiệm và hình thức xử lý đối
với tổ chức, cá nhân khi vi phạm trong quản lý điều hành và hoạt động kinh
doanh vận tải khách bằng ô tô ban hành kèm theo Quyết định số
3633/2003/QĐ-BGTVT ngày 02/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Ngoài nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên, Thanh tra
giao thông Sở Giao thông vận tải (Sở GTVT), Sở Giao thông công chính ( Sở GTCC)
còn thực hiện các nhiệm vụ khác do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương quy định.
4. Hoạt động thanh tra, kiểm
tra của Thanh tra giao thông
4.1. Khi tiến hành thanh tra, kiểm tra thường
xuyên tại bến xe, trạm nghỉ xe, điểm đón, trả khách. Thanh tra giao thông phải
tuân theo quy định sau:
a) Phải tổ chức thành tổ, nhóm thanh tra, kiểm
tra theo địa bàn quản lý vận tải được phân công.
b) Tổ, nhóm thanh tra giao thông thực hiện việc
xử lý vi phạm theo thẩm quyền; trường hợp vượt quá thẩm quyền phải chuyển hồ sơ
lên cấp trên hoặc cơ quan khác có thẩm quyền để xử lý và tổng hợp báo cáo kết
quả lên cấp trên theo quy định.
c) Cá nhân thanh tra viên không được tự ý tiến
hành việc thanh tra, kiểm tra. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm, thanh
tra viên phải có trách nhiệm thông báo ngay cho người lãnh đạo trực tiếp hoặc
cơ quan có thẩm quyền.
4.2. Khi tiến hành thanh tra, kiểm tra định kỳ
hoặc đột xuất đối với doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh vận tải khách
liên tỉnh bằng ô tô thì phải thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra theo quyết định
của cơ quan có thẩm quyền như sau:
a) Đoàn thanh tra, kiểm tra định kỳ đối với doanh
nghiệp được thành lập theo quyết định của Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (Cục
ĐBVN) hoặc Giám đốc Sở GTVT, Sở GTCC hoạt động trong phạm vi quản lý vận tải
khách liên tỉnh được phân công và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về
thanh tra, kiểm tra;
b) Đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với
doanh nghiệp được thành lập theo quyết định của: Trưởng ban Thanh tra giao
thông Sở GTVT, Sở GTCC hoạt động trong phạm vi địa phương; Chánh Thanh tra giao
thông Khu QLĐB hoạt động trong phạm vi được phân công và phải phối hợp với
thanh tra giao thông Sở GTVT, Sở GTCC. Việc thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với
doanh nghiệp được thực hiện trong những trường hợp sau:
- Khi phát hiện doanh nghiệp thường xuyên có dấu
hiệu vi phạm các quy định về hoạt động vận tải khách liên tỉnh bằng ô tô như:
Đưa xe không đủ điều kiện vào kinh doanh vận tải khách, kẻ chữ, treo biển trên
xe ôtô không đúng tuyến đăng ký, để lái xe chạy không đúng tuyến, không có sổ
nhật trình chạy xe; lập bến xe bất hợp pháp, để lái xe đón, trả khách không
đúng nơi quy định, lèn khách, bán khách...
- Khi có chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước có
thẩm quyền yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động vận tải
khách liên tỉnh bằng ô tô.
- Khi nhận được yêu cầu, phản ánh của cơ quan thông
tin đại chúng hoặc đơn, thư kiến nghị của khách đi xe, của tổ chức, cá nhân có
liên quan.
c) Việc thanh tra, kiểm tra đột xuất tại trạm
thu phí được thực hiện theo quyết định của Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam.
d) Sau khi tiến hành thanh tra, kiểm tra định kỳ
hoặc đột xuất đối với doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh vận tải khách
liên tỉnh bằng ô tô, đoàn thanh tra, kiểm tra phải báo cáo kết quả thanh tra,
kiểm tra và kiến nghị biện pháp xử lý, khắc phục với cơ quan ra quyết định
thanh tra, kiểm tra.
5. Nội dung thanh tra, kiểm
tra
Thanh tra giao thông tiến hành việc thanh tra,
kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về hoạt động vận tải khách liên tỉnh
bằng ô tô theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Thông tư này, tập trung
vào những nội dung sau:
5.1. Đối với bến xe hợp pháp, trạm nghỉ xe
khách, điểm đón trả khách, trạm thu phí cầu, đường bộ, thanh tra giao thông tập
trung kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm sau:
a) Xe không đủ điều kiện vào hoạt động trên tuyến;
b) Xe chạy không đúng tuyến, lịch trình, hành
trình vận tải, không có sổ nhật trình chạy xe;
c) Lái xe không chấp hành các quy định về an
toàn vận tải khách;
d) Xe vận chuyển khách theo phương thức hợp đồng
mà không có hợp đồng với khách, không có phù hiệu xe hợp đồng;
đ) Thu tiền của khách cao hơn giá vé đã đăng ký,
tự ý thu thêm tiền của khách.
5.2. Đối với bến xe bất hợp pháp, điểm đón, trả
khách không đúng quy định, thanh tra giao thông tập trung vào các hoạt động
sau:
a) Ngăn chặn và đình chỉ ngay hành vi vi phạm
hành chính; lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với
lái xe, doanh nghiệp vi phạm.
b) Thường xuyên theo dõi, nắm tình hình hoạt động
vận tải khách liên tỉnh trên địa bàn quản lý để phát hiện bến xe bất hợp pháp,
điểm đón, trả khách không đúng quy định; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền và
phối hợp với các lực lượng chức năng để xoá bỏ "bến cóc", "xe
dù".
6. Tổ chức thực hiện
6.1. Cục Đường bộ Việt Nam:
a) Chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông trực
thuộc thực hiện thanh tra, kiểm tra theo hướng dẫn của Thông tư này.
b) Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng
Thanh tra giao thông của Cục ĐBVN và các Sở GTVT, Sở GTCC.
c) Chỉ đạo, hướng dẫn Thanh tra giao thông các
Khu Quản lý đường bộ đóng trên địa bàn các tỉnh phối hợp với Thanh tra giao
thông các Sở GTVT, Sở GTCC thống nhất kế hoạch thanh tra, kiểm tra các tuyến vận
tải khách liên tỉnh được phân công quản lý; chỉ đạo việc kiểm tra đột xuất tại
các trạm thu phí cầu, đường bộ.
d) Giải quyết những kiến nghị, đề xuất của Thanh
tra giao thông các Sở GTVT, Sở GTCC theo thẩm quyền hoặc tổng hợp báo cáo Bộ
Giao thông vận tải.
6.2. Các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông
công chính:
a) Chỉ đạo Thanh tra giao thông thuộc Sở GTVT, Sở
GTCC thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra trên các tuyến vận tải khách liên tỉnh
qua địa phương.
b) Chỉ đạo Thanh tra giao thông thuộc Sở GTVT, Sở
GTCC tham gia đội kiểm tra liên ngành theo chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương để kiểm tra, phát hiện và xử lý các điểm
"cơm tù", "xe dù", "bến cóc" tại địa phương.
c) Có trách nhiệm xem xét và giải quyết những kiến
nghị của Thanh tra giao thông thuộc Sở hoặc Thanh tra giao thông các Khu Quản
lý đường bộ khi được yêu cầu.
7. Phối hợp hoạt động
7.1. Cục Đường bộ Việt Nam trong phạm vi chức
năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình, căn cứ Quy chế phối hợp hoạt động giữa Cục
Đường bộ Việt Nam và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, chủ động
xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp hoạt động giữa hai Cục.
7.2. Các Sở GTVT, Sở GTCC nghiên cứu và xây dựng
quy chế phối hợp với Công an cùng cấp để tăng cường trao đổi thông tin nghiệp vụ
và phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành trong việc xoá bỏ "xe dù",
"bến cóc" ở địa phương.
8. Xử lý vi phạm
Thanh tra giao thông trong khi thi hành nhiệm vụ
mà có hành vi tiêu cực, thiếu trách nhiệm, nhận hối lộ thì bị xử lý theo quy định
tại Quyết định số 1467/2003/QĐ-BGTVT ngày 22/5/2003 của Bộ Giao thông vận tải
quy định tạm thời trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và hình thức xử lý vi phạm đối
với cá nhân trong hoạt động thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ,
đường sắt, đường thuỷ nội địa.
9. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày
đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Cục ĐBVN, các Sở
GTVT, Sở GTCC báo cáo kịp thời về Bộ Giao thông vận tải những vướng mắc phát
sinh để xem xét bổ sung, sửa đổi./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ,
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
- UBND các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương,
- Các Vụ: Pháp chế, TCCB,
- Cục Đường bộ Việt Nam,
- Cục ĐKVN, ĐSVN,
- Các Sở GTVT, GTCC,
- Tổng Cục CSND (C13, C26),
- Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam,
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL Bộ TPháp,
- Công báo,
- Lưu VP, VT(2).
|
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Đào Đình Bình
|