BỘ
THƯƠNG MẠI
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
09/2001/TT-BTM
|
Hà
Nội, ngày 13 tháng 4 năm 2001
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 09/2001/TT-BTM NGÀY 13 THÁNG 04 NĂM
2001 HƯỚNG DẪN VỀ TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA LỰC LƯỢNG QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG
Ở ĐỊA PHƯƠNG
Căn cứ Luật Thương mại ngày
10 tháng 5 năm 1997;
Căn cứ Nghị định số 10/CP ngày 23 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ về tổ chức,
nhiệm vụ và quyền hạn của Quản lý thị trường;
Căn cứ Nghị định 15/CP ngày 02/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn
và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 696/CP-KTTH ngày 02
tháng 8 năm 2000 và Quyết định số 1211/QĐ-BTM ngày 28 tháng 8 năm 2000 của Bộ
Thương mại về việc giao chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra chuyên ngành thương mại
cho lực lượng quản lý thị trường;
Sau khi có ý kiến thống nhất của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ tại Văn bản
số 76/BTCCBCP ngày 09 tháng 4 năm 2001;
Bộ Thương mại hướng dẫn cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng
quản lý thị trường ở địa phương như sau:
I- NHỮNG QUI
ĐỊNH CHUNG
1- Lực lượng quản lý thị trường
thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn qui định tại Nghị định số 10/CP ngày
23 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ về kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh
chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại và thực hiện chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra chuyên ngành thương mại theo Luật Thương mại;
2- Lực lượng quản lý thị trường
được xây dựng theo hướng chính qui, tổ chức chặt chẽ (theo Điểm
7, Mục III, Phần thứ hai, Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/01/1996 của Bộ
Chính trị); bảo đảm sự quản lý và chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến địa
phương;
3- Hoạt động của lực lượng quản
lý thị trường nhằm mục đích thiết lập trật tự kỷ cương, lành mạnh hoá thị trường
và bảo đảm cho các hoạt động kinh doanh trên thị trường đúng theo pháp luật của
Nhà nước;
4- Lực lượng quản lý thị trường
hoạt động độc lập theo quy định của pháp luật, tuân theo pháp luật và chịu
trách nhiệm trước pháp luật và trước cơ quan cấp trên về các quyết định xử lý của
mình;
5- Khi thi hành công vụ, Kiểm
soát viên thị trường phải thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được giao; bảo đảm
kiểm tra và xử lý vi phạm đúng pháp luật công minh, khách quan, chính xác, kịp
thời.
II- NHIỆM VỤ,
QUYỀN HẠN CỦA QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG ĐỊA PHƯƠNG
Căn cứ Điều 5 Nghị
định số 10/CP và Điều 250, 257 Luật Thương mại, nhiệm vụ
chủ yếu của lực lượng quản lý thị trường địa phương như sau:
1. Nhiêm vu của
Chi cục Quản lý thị trường
Chi cục Quản lý thị trường là tổ
chức trực thuộc Sở Thương mại hoặc Sở có chức năng quản lý Nhà nước về thương mại
(sau đây gọi tắt là Sở). Chi cục có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu
tranh chống các hành vi buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả lưu thông
trên thị trường; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thương mại đối với
các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh hoặc thành phố trực
thuộc trung ương. Cụ thể là:
1.1 - Chỉ đạo các Đội Quản lý thị
trường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường; phát hiện hàng nhập lậu,
hàng cấm, hàng giả lưu thông trên thị trường và các hành vi kinh doanh trái
phép khác.
1.2- Chỉ đạo các Đội Quản lý thị
trường kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm quy định về thương nhân và hoạt
động thương mại theo Luật Thương mại, như:
+ Kinh doanh không có giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy chứng nhận
đăng ký kinh doanh;
+ Hoạt động thương mại khi đã bị
đình chỉ hoặc bị tước quyền;
+ Không có trụ sở hoặc cửa hàng,
cửa hiệu thương mại; không có biển hiệu hoặc biển hiệu trái với nội dung được
ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
+ Đặt Văn phòng đại diện, Chi
nhánh không có giấy phép hoặc Văn phòng đại diện, Chi nhánh hoạt động trái với
nội dung được ghi trong giấy phép;
+ Kinh doanh hàng hoá, cung ứng
dịch vụ thương mại mà pháp luật cấm kinh doanh;
+ Vi phạm về điều kiện kinh
doanh đối với những hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện theo quy định của
pháp luật;
+ Vi phạm các qui định của Nhà
nước về thực hiện khung giá, mức giá; niêm yết giá hàng hoá, giá dịch vụ thương
mại;
+ Không thông tin đầy đủ về tính
năng và công dụng của hàng hoá, gây thiệt hại đến lợi ích của người tiêu dùng;
+ Vi phạm các qui định về ghi
nhãn hàng hoá;
+ Vi phạm các qui định của Nhà
nước về khuyến mại, quảng cáo, trưng bày giới thiệu hàng hoá, hội chợ, triển
lãm thương mại;
+ Vi phạm các qui định về thực
hiện chế độ hoá đơn, chứng từ trong mua - bán và lưu thông hàng hoá;
+ Các hành vi gian lận, lừa dối
khách hàng trong mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thương mại ;
+ Vi phạm các qui định của Nhà
nước về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá;
+ Các hành vi cạnh tranh bất hợp
pháp;
+ Các hành vi khác vi phạm pháp
luật về thương mại;
+ Các hành vi chống Kiểm soát
viên thị trường đang thi hành công vụ.
1.3- Xây dựng chương trình, kế
hoạch kiểm tra kiểm soát thị trường từng thời kỳ báo cáo Sở quyết định; tổ chức
thực hiện kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật thương mại đối với các tổ
chức, cá nhân kinh doanh; áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý các vi phạm
hành chính thuộc thẩm quyền của Chi cục, các vụ việc do các Đội quản lý thị trường
chuyển lên, chịu trách nhiệm về các quyết định đó.
Đối với các vụ việc ngoài thẩm
quyền thì Chi cục trưởng báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương hoặc Cục trưởng Cục Quản lý thị trường xử lý.
1.4- Trực tiếp điều hành, chỉ đạo,
hướng dẫn, kiểm tra hoạt động, kiểm tra việc chấp hành quy chế công tác quản lý
thị trường của các Đội Quản lý thị trường và Kiểm soát viên thị trường.
1.5- Tuyên truyền phổ biến chính
sách, pháp luật thương mại; kiến nghị với Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc thành phố
trực thuộc trung ương các biện pháp bảo đảm việc thi hành pháp luật thương mại
và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật; kiến nghị với các cơ quan có thẩm
quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên
quan đến công tác quản lý thị trường.
1.6- Làm chức năng thường trực
giúp Giám đốc Sở chủ trì tổ chức sự phối hợp hoạt động giữa các ngành, các cấp ở
địa phương chống buôn lậu, chống sản xuất - buôn bán hàng giả, hàng cấm và các
hoạt động kinh doanh trái phép khác diễn ra ở địa phương.
1.7- Tiếp nhận và giải quyết
theo thẩm quyền các đơn thư khiếu nại, tố cáo về hoạt động kiểm tra và xử lý vi
phạm hành chính của các Đội Quản lý thị trường và các hành vi vi phạm pháp luật
của Kiểm soát viên thị trường.
1.8- Tổng hợp tình hình thực thi
pháp luật trên thị trường và hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường tại địa
phương và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
1.9- Quản lý và thực hiện các chế
độ chính sách đối với công chức của Chi cục theo sự phân cấp quản lý cán bộ; tổ
chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho kiểm soát viên; quản lý tài chính, tài
sản, ấn chỉ được giao theo quy định; xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm các điều
kiện làm việc cần thiết cho hoạt động của toàn Chi cục và quản lý quĩ chống các
hành vi kinh doanh trái pháp luật của lực lượng quản lý thị trường địa phương.
2- Nhiệm vụ của
Đội Quản lý thị trường
Đội Quản lý thị trường là đơn vị
trực thuộc Chi cục Quản lý thị trường. Đội thực hiện các nhiệm vụ sau:
2.1- Phát hiện, kiểm tra hàng nhập
lậu, hàng cấm, hàng giả lưu thông trên thị trường; kiểm tra việc thực hiện đăng
ký kinh doanh và chấp hành nội dung đã đăng ký; kiểm tra việc chấp hành các qui
định về thương nhân và hoạt động thương mại; phát hiện các hành vi khác vi phạm
pháp luật thương mại trên địa bàn theo sự phân công, phân cấp của Chi cục Quản
lý thị trường qui định cụ thể tại các Khoản 1.1, 1.2, Điểm 1, Mục II của Thông
tư này.
2.2- Áp dụng các biện pháp ngăn
chặn và xử lý các vi phạm pháp luật thương mại theo thẩm quyền. Trong trường hợp
vượt thẩm quyền của Đội thì báo cáo Chi cục trưởng xử lý.
2.3- Phối hợp với các cơ quan hữu
quan trên địa bàn được phân công để kiểm tra và xử lý các vi phạm hành chính
liên quan đến nhiều lĩnh vực.
2.4- Đề xuất với Chi cục để kiến
nghị với các cơ quan có thẩm quyền các biện pháp quản lý thị trường, ngăn ngừa
các vi phạm pháp luật thương mại trên địa bàn; những bất cập về cơ chế, chính
sách, pháp luật thương mại cần được sửa đổi, bổ sung.
2.5- Tổng hợp tình hình thị trường
trên địa bàn và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
2.6 - Kiểm tra hoạt động của Kiểm
soát viên về thực hiện qui chế công tác và chấp hành các qui định của pháp luật
về hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường.
2.7- Quản lý và thực hiện chế độ,
chính sách đối công chức của Đội theo sự phân cấp quản lý; quản lý tài chính,
tài sản, phương tiện hoạt động, ấn chỉ, lưu trữ hồ sơ vụ việc theo quy định.
3- Quyền hạn và
trách nhiêm của lực lượng Quản lý thị trường.
Căn cứ Điều 6 Nghị
định số 10/CP và Điều 252, 253 Luật Thương mại, khi tiến
hành kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật thương mại, lực lượng quản lý
thị trường có quyền hạn và trách nhiệm như sau:
3.1- Quyền hạn
- Được quyền yêu cầu các tổ chức,
cá nhân kinh doanh thương mại cung cấp tình hình, số liệu, tài liệu, chứng cứ
và trả lời những vấn đề cần thiết liên quan trực tiếp đến việc kiểm tra; được
quyền kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thương mại tại hiện
trường nơi sản xuất, cất giấu hàng hoá, tang vật, phương tiện vi phạm, sổ sách,
chứng từ, hoá đơn, hợp đồng và các giấy tờ có liên quan khác;
- Được quan hệ với các tổ chức,
cá nhân có liên quan để xác minh, thu thập tình hình, số liệu, chứng cứ phục vụ
cho công tác kiểm tra;
- Yêu cầu các cơ quan chức năng
giám định tang vật vi phạm trong trường hợp cần thiết;
- Lập biên bản kiểm tra và kiến
nghị các biện pháp giải quyết;
- Được áp dụng các biện pháp
ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền và theo các quy định của
pháp luật.
3.2- Trách nhiệm
- Tuân thủ pháp luật, quy chế
công tác và chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trước pháp
luật về mọi hành vi và quyết định của mình;
- Khi tiến hành việc kiểm tra phải
xuất trình thẻ kiểm tra thị trường; Trong trường hợp pháp luật quy định việc
thanh tra, kiểm tra phải có quyết định kiểm tra của cấp có thẩm quyền thì đồng
thời với việc xuất trình thẻ kiểm tra phải xuất trình quyết định kiểm tra;
- Thực hiện đúng thủ tục thanh
tra, kiểm tra, không gây phiền hà sách nhiễu, cản trở hoạt động thương mại bình
thường và gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của thương nhân;
Báo cáo với cơ quan có thẩm quyền
kết quả thanh tra, kiểm tra và kiến nghị biện pháp giải quyết.
III- TỔ CHỨC
BIÊN CHẾ CỦA LỰC LƯỢNG QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG ĐỊA PHƯƠNG
1- Chi cục Quản
lý thị trường là cơ quan trực thuộc Sở.
Chi cục Quản lý thị trường do
Chi cục trưởng với chức danh Phó Giám đốc Sở phụ trách và một số Phó Chi cục
trưởng giúp việc.
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chi cục
trưởng Chi cục Quản lý thị trường do Giám đốc Sở đề nghị, theo tiêu chuẩn do Bộ
Thương mại qui định, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc thành phố trực thuộc
Trung ương ra quyết định.
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó Chi
cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường do Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường
đề nghị, theo tiêu chuẩn do Bộ Thương mại qui định, Giám đốc Sở ra quyết định
sau khi đã trao đổi thống nhất với Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh.
2- Cơ cấu tổ
chức của Chi cục Quản lý thị trường gồm:
a- Các phòng tham mưu giúp việc
cho Chi cục trưởng.
Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ công
tác, qui mô tổ chức Quản lý thị trường và việc phân cấp về tổ chức và cán bộ ở
địa phương..., Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường xây dựng phương án tổ
chức các Phòng của Chi cục báo cáo Giám đốc Sở quyết định, sau khi có ý kiến
thoả thuận bằng văn bản của Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh.
Chức năng, nhiệm vụ của các
Phòng thuộc Chi Cục do Giám đốc Sở quy định theo đề nghị của Chi cục trưởng Chi
Cục Quản lý thị trường.
b- Các Đội Quản lý thị trường trực
thuộc Chi cục:
b.1- Căn cứ quy mô phát triển thị
trường của từng khu vực tại địa phương và yêu cầu công tác kiểm tra, kiểm soát,
Chi cục trưởng đề nghị Giám đốc Sở trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc
thành phố trực thuộc trung ương quyết định việc thành lập các Đội Quản lý thị
trường theo các nguyên tắc dưới đây:
- Các Đội trực thuộc Chi cục để
giải quyết các vụ việc trong phạm vi toàn tỉnh, thành phố;
- Các Đội trực thuộc Chi cục
đóng tại địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là
huyện) nơi có thị trường tương đối phát triển, nơi tập trung các đầu mối giao
lưu hàng hoá;
- Các Đội Quản lý thị trường
liên huyện;
- Đội Quản lý thị trường không tổ
chức bộ máy giúp việc riêng: tuỳ theo quy mô tổ chức của Đội, Chi cục trưởng
quyết định việc bố trí công chức chuyên trách hoặc kiêm nhiệm; việc kiêm nhiệm
không được vi phạm quy chế tổ chức như : lãnh đạo Đội kiêm kế toán, thủ quỹ hoặc
kế toán kiêm thủ quỹ.
b.2- Mỗi Đội có một Đội trưởng
phụ trách và một số Phó Đội trưởng giúp việc.
b.3- Tên gọi của các Đội Quản lý
thị trường thống nhất đặt theo số hiệu 1, 2, 3...
b.4- Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Đội
trưởng, Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường do Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý
thị trường đề nghị, Giám đốc Sở ra quyết định trên cơ sở tiêu chuẩn do Bộ
Thương mại qui định.
3- Biên chế của
Chi cục Quản lý thị trường nằm trong tổng số biên chế quản lý Nhà nước của tỉnh
giao cho Sở.
IV- VỀ ĐIỀU
KIỆN LÀM VIỆC
1 - Chi Cục Quản lý thị trường
và Đội Quản lý thị trường có trụ sở làm việc, con dấu, được trang bị phương tiện
làm việc theo qui định và được ngân sách nhà nước cấp kinh phí phù hợp với đặc
thù hoạt động của Quản lý thị trường; được mở tài khoản giao dịch tại Kho Bạc
nhà nước, trong đó:
+ Chi Cục được tổ chức thành đơn
vị dự toán ngân sách, được mở các tài khoản giao dịch, tài khoản tạm giữ tại
Kho Bạc nhà nước và trích lập quĩ chống các hành vi kinh doanh trái phép theo
hướng dẫn của Bộ Tài chính;
+ Đội không phải là đơn vị dự
toán, song được mở tài khoản để nhận lương và tạm ứng chi phí cần thiết bảo đảm
hoạt động của Đội và thanh toán kinh phí với Chi Cục.
2- Chi cục Quản lý thị trường được
trích lập Quỹ chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật và được khen thưởng từ
nguồn thu do xử lý các vi phạm theo qui định của Chính phủ.
3- Công chức Quản lý thị trường
có tiêu chuẩn nghiệp vụ công chức theo qui định, hưởng lương theo thang bảng
lương của Nhà nước quy định cho Quản lý thị trường; được trang bị đồng phục,
phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu thống nhất trong toàn lực lượng theo hướng dẫn của
Bộ Thương mại và Bộ Tài chính. Những công chức đủ điều kiện làm nhiệm vụ kiểm
tra, kiểm soát được Bộ Thương mại (Cục Quản lý thị trường) cấp thẻ kiểm tra để
thi hành nhiệm vụ.
V- QUAN HỆ
CÔNG TÁC
Mối quan hệ giữa Bộ Thương mại với
Uỷ ban nhân dân các cấp và tổ chức Quản lý thị trường địa phương như sau:
1. Bộ Thương mại chỉ đạo, hướng
dẫn, quản lý thống nhất lực lượng Quản lý thị trường cả nước về: nghiệp vụ kiểm
tra; tiêu chuẩn công chức; bồi dưỡng nghiệp vụ; chế độ trang bị đối với lực lượng
quản lý thị trường.
Cục Quản lý thị trường có trách
nhiệm giúp Bộ Thương mại thống nhất chỉ đạo theo ngành đối với các Chi cục Quản
lý thị trường trong cả nước về: phương hướng hoạt động của lực lượng quản lý thị
trường trong từng thời kỳ; hướng dẫn, xây dựng lực lượng, chế độ chính sách,
tiêu chuẩn nghiệp vụ công chức (kể cả tiêu chuẩn cán bộ Lãnh đạo Chi cục, Đội
Quản lý thị trường), nghiệp vụ kiểm tra và xử lý vi phạm, tập huấn và bồi dưỡng
nghiệp vụ kiểm tra; kiểm tra hoạt động của các Chi cục, Đội Quản lý thị trường
và Kiểm soát viên thị trường; tạo các điều kiện làm việc cần thiết (trang phục
đồng phục, vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ, thống nhất phát hành ấn chỉ quản lý
thị trường, cấp và thu hồi thẻ kiểm tra, biển hiệu, phù hiệu, cấp hiệu quản lý
thị trường) cho lực lượng quản lý thị trường cả nước.
2- Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc
thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ về công tác quản
lý thị trường ở địa phương và quản lý lực lượng quản lý thị trường tại địa
phương theo quy định của pháp luật.
- Giám đốc Sở giúp Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương quản lý, chỉ đạo và kiểm
tra hoạt động của Chi cục Quản lý thị trường về chương trình, kế hoạch hoạt động
của Chi cục; về tổ chức, biên chế và thực hiện các chế độ chính sách đối với
công chức của Chi cục theo phân cấp quản lý cán bộ.
Chi Cục trưởng chịu trách nhiệm:
+ Giúp Giám đốc Sở chỉ đạo công
tác quản lý thị trường và được Giám đốc Sở uỷ quyền chủ trì tổ chức việc phối hợp
giữa lực lượng quản lý thị trường với các lực lượng kiểm tra kiểm soát khác
trên địa bàn; có chương rình, kế hoạch phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện giám
sát hoạt động của các Đội Quản lý thị trường và tạo điều kiện cần thiết cho Đội
hoạt động.
+ Căn cứ chỉ tiêu biên chế được
giao, Chi cục trưởng báo cáo Giám đốc Sở đề nghị cấp có thẩm quyền tổ chức thi
- tuyển dụng mới công chức; bố trí lực lượng làm công tác quản lý thị trường,
chống buôn lậu, chống hàng giả trên địa bàn,
+ Điều động công tác Đội trưởng,
Phó đội trưởng, Trưởng, phó phòng và cán bộ công chức trong nội bộ Chi Cục theo
yêu cáu nhiệm vụ khi cần thiết, sau khi đã báo cáo Giám đốc Sở;
+ Nâng lương theo chế độ, khen
thưởng, kỷ luật đối với công chức của Chi cục theo phân cấp quản lý.
3- Đội trưởng Đội Quản lý thị
trường hoạt động trên địa bàn huyện hoặc liên huyện, chịu trách nhiệm thực hiện
nhiệm vụ theo qui định tại Điểm 2, Mục II Thông tư này và các nhiệm vụ khác được
Chi cục Quản lý thị trường và Uỷ ban nhân dân huyện giao; báo cáo và tranh thủ
sự chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện sở tại (nơi Đội hoạt động) về
chương trình kế hoạch kiểm tra và kết quả hoạt động của Đội trong từng thời kỳ.
VI- TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1- Giám đốc Sở căn cứ Thông tư
này chỉ đạo các Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường xây dựng Phương án tổ
chức, biên chế của Chi cục Quản lý thị trường để trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân
tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương quyết định. Việc củng cố kiện toàn tổ
chức cần được tiến hành khẩn trương nhưng phải tuân thủ nguyên tắc tổ chức, chấp
hành các quy định của pháp luật và không làm ảnh hưởng đến hoạt động kiểm tra của
lực lượng quản lý thị trường.
2- Thông tư này có hiệu lực thi
hành sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Thông tư số 10/TM-QLTT ngày
19 tháng 4 năm 1995 của Bộ Thương mại về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Quản
lý thị trường địa phương. Các quy định trước đây do Bộ Thương mại ban hành trái
với Thông tư này đều bãi bỏ.