ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số:
10/TT-UB
|
TP.
Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 4 năm 1978
|
THÔNG TRI
VỀ
VIỆC SẮP XẾP TIỂU THƯƠNG BA NGÀNH HÀNG VẬT TƯ – VẢI SỢI – ĐIỆN MÁY
Từ hơn ba tuần qua, đồng thời
với các tỉnh miền Nam, thành phố chúng ta đã và đang triển khai cuộc vận động
nhằm xóa bỏ thương nghiệp tư bản chủ nghĩa, xây dựng thương nghiệp xã hội chủ
nghĩa và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất và chế độ làm chủ tập thể của nhân
dân lao động.
Tiểu thương cũng là những người
hoạt động trong cơ cấu lưu thông phân phối tư bản chủ nghĩa, nhưng lại là người
lao động, chính sách của Đảng đối với họ về căn bản khác với những nhà tư sản
thương nghiệp, do đó trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nói trên, chúng ta cần
nắm vững chính sách của Đảng và Nhà nước đối với những người buôn bán nhỏ.
Ngoài những chỉ thị, nghị quyết của Đảng đã có từ trước, gần đây, Thủ tướng
Chính phủ đã ra nhiều quyết định, thông tư như quyết định số 115-TTg ngày
16-2-1978, quyết định số 202-TTg ngày 31-3-1978 và thông tư số 216-TTg ngày
11-4-1978, v.v… để ban hành thêm những chính sách cụ thể đối với tiểu thương.
Chấp hành chỉ thị, nghị quyết
của Đảng và Nhà nước, vận dụng cụ thể vào tình hình thành phố, Ủy ban Nhân dân
thành phố lưu ý các cấp, các ngành trong khi thực hiện công tác cải tạo và quản
lý thị trường nói chung, cũng như công tác sắp xếp tiểu thương ba ngành hàng vật
tư – vải sợi – điện máy nói riêng, cần quán triệt mấy vấn đề chủ yếu sau đây:
1) Do hậu quả chiến tranh và
chính sách thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ, số người làm nghề buôn bán nhỏ ở
thành phố chúng ta rất đông; họ là lớp người đông đảo nhất trong thành phố và
xuất thân từ nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Họ kinh doanh nhiều ngành, nhiều
nghề, nhiều mặt hàng, phục vụ nhiều nhu cầu, thị hiếu khác nhau trong đời sống
xã hội. Họ có phương thức kinh doanh linh hoạt, phục vụ tiện lợi cho người tiêu
dùng.
Dưới thời Mỹ - Ngụy, họ bị đế
quốc, phong kiến áp bức, bóc lột và bị tư sản chèn ép. Trừ một số ít người khá,
nói chung là chỉ đủ sống qua ngày, nhiều người làm ăn chật vật, thiếu thốn. Họ
là bạn đồng minh của giai cấp công nhân trong cách mạng dân tộc dân chủ, đông
đảo bà con tiểu thương đã từng tham gia phong trào đấu tranh chống Mỹ - Ngụy,
nhiều gia đình là cơ sở cách mạng đã từng che dấu, nuôi dưỡng cán bộ trong thời
kỳ hoạt động bí mật. Sau ngày giải phóng, nhiều người hăng hái chấp hành chính
sách của Đảng ta và Nhà nước, tham gia đấu tranh xóa bỏ tư sản mại bản, gian
thương lớn, cho con em đi tham gia quân đội, thanh niên xung phong hay cơ quan,
xí nghiệp Nhà nước. Trong phong trào cải tạo thương nghiệp gần đây, họ cũng là
lực lượng tham gia cải tạo thương nghiệp tư bản tư doanh.
Nhưng mặt khác, hoạt động trong
cơ cấu thương nghiệp tư sản chủ nghĩa, tiểu thương cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc
của lề lối kinh doanh tư bản chủ nghĩa: chạy theo lời nhiều, tranh mua tranh
bán, trốn thuế, lậu thuế, mua rẻ bán đắt, bắt chẹt cả người sản xuất và người
tiêu dùng. Một số người đã tiếp tay cho tư sản tẩu tán hàng hóa, phá rối thị
trường, buôn bán hàng lậu, tiêu thụ hàng giả, chứa chấp và kinh doanh hàng ăn
cắp của Nhà nước và nhân dân.
Tóm lại, tiểu thương tuy có những
mặt tiêu cực phải cải tạo, nhưng căn bản vẫn là người thuộc tầng lớp nhân dân
lao động. Chính sách của Đảng và Nhà nước là luôn luôn quan tâm giúp đỡ họ sắp
xếp hợp lý công ăn việc làm để ổn định đời sống và phát huy khả năng góp phần
xây dựng đất nước, đồng thời giáo dục thuyết phục họ khắc phục những biểu hiện
tiêu cực đang gây trở ngại cho công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Mọi việc về cải tạo và quản lý thị trường có liên quan đến bà con tiểu thương
đều cần tiến hành theo tinh thần bàn bạc, thực sự cùng họ chăm lo, giúp cho họ
thông suốt chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng đối với họ, thông qua đó
mà giúp họ có đủ cơ sở chống lại bọn phao tin xuyên tạc để phá rối thị trường
và làm hại công việc làm ăn của họ.
2) Số tiểu thương hiện đang kinh
doanh ba ngành hàng vật tư, vải sợi, điện máy trong toàn thành phố có khoảng
5.230 hộ, trong bước này ta cải tạo trên 2.100 hộ có những mặt hàng thuộc diện
Nhà nước quản lý trong ba ngành hàng trên đây. Nhìn số tiểu thương kinh doanh
ba ngành hàng này, cả về đời sống và vốn liếng có khá hơn số tiểu thương ở
ngành hàng khác.
Ba mặt hàng này nằm trong danh
mục nhóm hàng Nhà nước thống nhất quản lý từ khâu sản xuất đến khâu phân phối
cho người tiêu dùng (thông qua mạng lưới thương nghiệp quốc doanh, thương
nghiệp hợp tác xã hay đại lý kinh tiêu), không có một tư nhân nào được tự do
kinh doanh – vì đó là những mặt hàng có vị trí quan trọng đối với sản xuất và
đời sống nhân dân. Nguyên liệu sản xuất từ nay về sau, Nhà nước phải nhập của
nước ngoài mới có, việc sản xuất và phân phối có đi vào kế hoạch và nguồn này
có tập trung thống nhất vào Nhà nước thì mới bảo đảm cân đối theo một chính
sách tiêu dùng hợp lý. Ngay từ khâu sản xuất phải tổ chức sắp xếp lại cho cân
đối giữa nhu cầu và khả năng nguyên liệu, máy móc; loại trừ những cơ sở sản
xuất hàng giả. Trong khâu lưu thông phân phối cũng phải điều chỉnh và sắp xếp
lại số lượng người buôn bán quá đông cho phù hợp với khối lượng hàng hóa sẽ bán
ra thị trường, không để kéo dài tình trạng chuyền tay nhau mua đi bán lại một
số hàng có hạn, làm cho giá cả không thể ổn định được. Do vậy, Nhà nước phải
phụ trách trước nhân dân về những mặt hàng này cả trên lãnh vực sản xuất và lưu
thông phân phối. Chẳng những phải chấm dứt kinh doanh của các nhà tư sản thương
nghiệp và xóa các hoạt động phi pháp của các chợ trời mà đối với các tiểu
thương hiện nay đang kinh doanh ba mặt hàng này cũng phải điều chỉnh, sắp xếp
để đưa toàn bộ cơ cấu lưu thông phân phối của những mặt hàng ấy đi vào chỗ có
tổ chức, có kế hoạch.
Việc cải tạo sắp xếp tiểu thương
kinh doanh ba mặt hàng này phải làm sớm, ngay sau khi chấm dứt kinh doanh của
các nhà tư sản thương nghiệp và xóa bỏ các chợ trời để đảm báo cho Nhà nước
thống nhất quản lý theo ngành trên toàn bộ thị trường, từ khâu sản xuất đến
khâu lưu thông phân phối. Thực tế tình hình thị trường này nói chung, cũng như
tình hình tiểu thương ba ngành hàng này nói riêng, cho phép chúng ta có điều
kiện làm sớm việc ấy được.
Tuy vậy, do khả năng thay thế
của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa chưa thể vươn lên đảm trách được ngay tất cả
các mặt hàng, cũng như khả năng sắp xếp công ăn việc làm của tiểu thương còn có
hạn, cho nên việc sắp xếp tiểu thương ba ngành hàng này đều phải tiến hành từng
bước, nếu làm vội thì gây khó khăn về đời sống cho tiểu thương, làm tăng thêm
số người thất nghiệp, mà điều quan trọng hơn là hàng vạn người tiêu dùng sẽ có
ý kiến, vì việc mua bán, sinh hoạt hàng ngày bị đảo lộn do mạng lưới doanh
nghiệp xã hội chủ nghĩa chưa thể giải đáp được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân
cùng một lúc.
Chính từ cách đặt vấn đề đó, mà
ngay trong đợt này, trên ba ngành hàng vật tư – vải sợi – điện máy, chúng ta
cũng chỉ làm tới mức độ những mặt hàng chính đã được Thường vụ Thành ủy duyệt
trong danh mục đã gởi các quận, huyện.
Về biện pháp tiến hành, cần
thiết và có thể phổ biến công khai chủ trương sắp xếp trên đây cho tiểu thương
thông suốt lý lẽ để họ nhận rõ lợi ích chung trong đó có lợi ích riêng của gia
đình họ mà chấp hành, tuyệt đối không nên và không cần phải tiến hành theo
phương pháp như đối với tư sản, chợ trời hay các đối tượng khác. Sau khi họ
thông suốt vì sao không để tư nhân kinh doanh những mặt hàng này, vì sao Nhà
nước phải đảm trách từ khâu sản xuất đến khâu lưu thông phân phối ba ngành này,
vấn đề lập tức phải đặt ra là phải bàn việc sắp xếp công ăn việc làm cho bà con
như thế nào để vừa thực hiện được yêu cầu thống nhất quản lý của Nhà nước, tạo
điều kiện tổ chức hợp lý và có kế hoạch việc lưu thông phân phối ba ngành này,
vừa thu xếp được thỏa đáng đời sống của từng người tiểu thương.
Do đó, tốt nhất là nên lấy danh
nghĩa Hội Liên hiệp phụ nữ đứng ra tập hợp, giáo dục chị em tiểu thương ở từng
chợ, từng phường dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy phường, sau đó cùng với cơ quan
chủ quản ngành hàng bàn với chị em về phương hướng sắp xếp từng người tiểu
thương trong ngành hàng đó, vì chỉ có ngành hàng mới có điều kiện xác định rõ
nhu cầu và khả năng sắp xếp số người cần thiết và có thể sử dụng được trong
khâu lưu thông ở ngành hàng đó hay điều chỉnh đi sang các ngành nghề khác.
Việc sắp xếp tiểu thương
ngành hàng này tốt hay xấu có ảnh hưởng trực tiếp đến việc cải tạo hàng chục
vạn tiểu thương khác còn lại. Do vậy, trong đợt này, chúng ta phải cố gắng làm
tốt để tranh thủ được kết quả chính trị cao.
Phải tùy tình hình cụ thể của
từng người mà tiến hành sắp xếp theo những hướng chính sau đây:
a) Từng ngành hàng căn cứ vào
yêu cầu tổ chức hợp lý và có kế hoạch việc lưu thông phân phối trên cơ sở chỉ
tiêu mua vào, bán ra trong những năm sắp tới của ngành hàng đó mà đề xuất số
tiểu thương có thể duy trì trong khâu lưu thông. Phương hướng chung là lúc đầu
có thể tập hợp họ vào các tổ đại lý cho thương nghiệp quốc doanh ở từng chợ hay
đường phố. Có thể giao cho tổ đó vừa làm nhiệm vụ đại lý bán lẻ cho thương
nghiệp quốc doanh, vừa làm thêm những việc khác trong khâu lưu thông (như vừa
bán vải, vừa học nghề vá may quần áo…) và làm nhiệm vụ kiểm tra, giáo dục, giúp
đỡ nhau trong việc chấp hành chính sách của Nhà nước. Tuy tập hợp trong một tổ
nhưng thu nhập của tổ viên vẫn hưởng hoa hồng riêng trên cơ sở năng suất của
từng người.
b) Mặt khác, dựa vào đoàn thể
chọn lựa ngay một số người tốt, có công với cách mạng, có nghiệp vụ giỏi để mở
mạng lưới thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã, đưa vào làm
việc trong các khâu: bán lẻ, chọn hàng thu mua, gia công, chế biến, bao gói,
vận chuyển, v.v… lúc đầu sử dụng dưới hình thức hợp đồng tạm tuyển, sau này,
nếu thấy tốt, đủ tiêu chuẩn thì sẽ tuyển vào biên chế chính thức. Phải ưu tiên
lựa chọn tiểu thương là người trong gia đình cán bộ, công nhân viên chức, bộ
đội để giúp họ sớm chấm dứt nghề buôn bán.
c) Số người nào có thể chuyển
sang các ngành sản xuất nông nghiệp như trồng lúc, trồng rau, nuôi cá, nuôi
heo, gà, vịt, v.v… và các nghề công nghiệp chế biến như đan lát, làm hàng thủ
công dưới mọi hình thức như kết hợp với cơ sở sẵn có hay tạo dựng cơ sở mới đều
được khuyến khích, giúp đỡ. Người nào có thể trở về sản xuất ở quê hương bản
quán thì càng được chiếu cố hơn.
d) Người nào có điều kiện ở nhà
làm nội trợ, trông nom con cháu vẫn không có gì khó khăn lắm cho gia đình thì
nên vận động nghỉ buôn bán.
e) Cá biệt có người nào không
thể xếp vào những hướng trên, vẫn còn phải dựa vào nguồn thu nhập bằng nghề
buôn bán nhỏ thì có thể tạm thời sắp xếp sang những mặt hàng còn được Nhà nước
cho phép tư nhân kinh doanh.
g) Phải hết sức chú ý đến những
người nhiều tuổi, sức khỏe kém, không nơi nương tựa hay gia đình con cháu cũng
đang khó khăn, thiếu thốn. Phải sắp xếp họ vào những việc nhẹ như chế biến rau,
dưa, tương, chao, v.v… hay bố trí trông nom nhà trẻ, thu nhặt phế liệu, phế
phẩm; nếu vẫn còn khó khăn thì phải dùng cứu tế xã hội mà giải quyết. Phường,
xã phải chăm lo giải quyết tốt việc này. Nếu có các cháu học sinh, thiếu niên
đang tham gia buôn bán những mặt hàng này thì bàn bạc với phường, xã thu xếp
cho một việc làm khác để cháu có thể vừa học, vừa làm không buôn bán nữa. Tinh
thần chung là trong đợt này hết sức cố gắng sắp xếp để mọi người đều có công ăn
việc làm tương đối thích hợp. Người nào có điều kiện thuận tiện chuyển ngay
sang sản xuất hay do quan hệ bà con quen biết mà tự nguyện đi về nơi đó sản
xuất thì khuyến khích, giúp đỡ chị em. Như vậy là trong một ngành hàng, không
để một người nào sót không có sự sắp xếp thỏa đáng và khi một ngành hàng đã
được sắp xếp như trên thì Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ ra thông báo cấm không
cho một tư nhân nào được tự do kinh doanh trong ngành hàng đó. Việc buôn bán
trái phép dưới bất cứ hình thức nào cũng đều bị coi là phạm pháp.
Khi bà con tiểu thương đã thông
suốt vì sao phải chấm dứt kinh doanh tư nhân ở ngành hàng này, và sau khi đã
bàn bạc việc sắp xếp theo những hướng trên đây thì đưa vấn đề hàng tồn kho của
họ ra bàn để họ thông suốt và tự làm bảng kê khai (không kê khai tư liệu sinh
hoạt).
Cần vận động thuyết phục bà con
bán lại hàng tồn kho cho Nhà nước, nếu có trường hợp còn một ít hàng, bà con
kiến nghị cho tự tiêu thụ trong một thời gian nhất định rồi nghỉ buôn thì cũng
có thể xét chấp nhận.
Khi tiểu thương bán lại hàng tồn
kho cho Nhà nước thì cơ quan ngành hàng đến cùng bà con kiểm kê số hàng đó rồi
lập biên bản có chữ ký hợp lệ của chủ hộ, tổ công tác, tổ thu mua và đại diện
chính quyền phường, xã; không cần phải dùng bản quyết định thu mua của Ủy ban
Nhân dân quận, huyện. Biên bản đó phải làm 6 bản: 1 bản gởi chủ hộ giữ, 1 bản
gởi cho Công ty Thu mua, 1 bản gởi cơ quan chủ quản ngành hàng trên thành, 1
bản gởi Ủy ban Vật giá, 1 bản gởi Ban chỉ đạo quận, huyện (do Phòng Thống kê
giữ), 1 bản gởi Chi cục Thống kê thành phố.
Phải thực hiện đúng quy trình
kiểm kê, thu mua, đưa hàng về kho như đã quy định trước đây để đảm bảo cho việc
thu mua nhanh, chặt chẽ và đúng chính sách. Phải hết sức lưu ý vận động chủ hộ
trực tiếp ghi cụ thể quy cách, phẩm chất mặt hàng khi làm bản tự khai hàng tồn
kho, vì chỉ có chủ hộ trực tiếp ghi với sự xác nhận của tổ công tác hay tổ thu
mua thì mới dễ tránh sai sót và mới có cơ sở xác định giá mua được nhanh và
chính xác. Chỉ cần chủ hộ ghi rõ quy cách, phẩm chất mặt hàng, số lượng hàng,
đơn giá mua vào là có thể ký biên bản giao nhận như trên. Hàng hóa có thể đưa
ngay về kho (nếu là hàng quý) rồi tính giá sau, khi nào nhận hàng về kho mới ký
biên bản giao nhận.
Tuy vậy, việc tính giá theo từng
hộ cũng phải tiến hành nhanh để có cơ sở thanh toán một phần tiền mặt cho chủ
hộ theo chế độ đã quy định trước đây. Tiểu thương là người có vốn liếng ít, nếu
để chậm thanh toán thì sẽ ảnh hưởng đến công việc làm ăn của tiểu thương. Về
giá mua hàng tồn khi của tiểu thương có thể thống nhất áp dụng giá Nhà nước
đang bán lẻ cho nhân dân trứ chiết khấu thương nghiệp, lấy đó làm giá mua đối
với tiểu thương. Riêng đối với một số mặt hàng vừa qua Nhà nước chủ động đưa
giá lẻ lên để điều tiết tiêu dùng thì còn phải trừ thêm các khoản thu cho Nhà
nước (như tủ lạnh, ti vi, v.v… Xem bảng hướng dẫn về việc làm giá mua và giá
bán hàng trưng mua của Ủy ban Vật giá và Sở Thương nghiệp).
Sau khi làm giá từng hộ xong,
phải phân loại hàng hóa theo ngành để giao cho ngành hàng tiếp nhận về bán
(hàng vải sợi do cửa hàng vải sợi nhận, hàng điện máy có cửa hàng điện máy
nhận…). Khi giao nhận phải lập biên bản có đủ chữ ký hợp lệ của thủ kho, hay tổ
trưng mua, của đại diện ngành hàng. Hàng hóa đưa vào kho phải có thẻ kho và ghi
chép vào sổ sách cho minh bạch, việc xuất nhập kho phải tuân theo đúng các chế
độ của Nhà nước đã quy định.
Phải phát triển mạnh mẽ thương
nghiệp xã hội chủ nghĩa để đủ sức quản lý số tiểu thương được sử dụng làm đại
lý và thay thế bộ phận tiểu thương được chuyển sang sản xuất. Phải tiến hành
điều chỉnh, phân bổ lại mạng lưới của từng ngành hàng cho hợp lý, bảo đảm phục
vụ thuận tiện cho nhu cầu của các đối tượng tiêu dùng. Phải có phương thức phân
phối và giá cả thích hợp với từng mặt hàng, chẳng những không làm phiền hà
khách hàng mà còn bảo đảm sự quản lý chặt chẽ nhân viên bán hàng và các tổ đại
lý.
Ba mặt hàng vật tư – vải sợi –
điện máy là những hàng phải phân phối theo kế hoạch, không thể bán bình thường
ở các quầy hàng với giá chính thức của Nhà nước, vì với giá cả và phương thức
bán ấy, tiểu thương sẽ sắp hàng mua vét hết, đến khi người tiêu dùng thực sự có
nhu cầu cần mua thì phải mua lại của tiểu thương với giá đắt. Nhìn chung, những
mặt hàng này có thể phân phối tại các cửa hàng qua sổ mua hàng ngày của từng
gia đình có đối chiếu xác minh với sổ hộ khẩu như bán vải, không nên bán qua
căng tin hay qua hợp tác xã tiêu thụ như trước nữa. Theo tiêu chuẩn được công
bố từng thời kỳ, người tiêu dùng có thể đem sổ mua hàng đến cửa hàng chọn mặt
hàng và mua vào lúc nào thích hợp với điều kiện của mình, không bị dồn thúc như
những kỳ bán vải qua căng tin hay qua hợp tác xã tiêu thụ như những lần trước
đây.
Có mặt hàng khan hiếm như một số
phụ tùng xe máy, xe đạp, có thể phải sử dụng cả 2 hình thức, vừa phân phối qua
sổ mua hàng của gia đình, vừa có thể thông qua các cửa hàng phục vụ sửa chữa mà
thay thế cho khách hàng đến sửa như piston, segment xe máy, linh kiện tivi, tủ
lạnh, v.v… Còn những mặt hàng phụ tùng linh tinh khác, khả năng sản xuất có thể
bảo đảm bình thường thì có thể bán rộng rãi qua các cửa hàng thuộc mạng lưới
của thương nghiệp quốc doanh, thương nghiệp hợp tác xã, các tổ tiểu thương đại
lý, v.v…
Phải có quy chế quản lý chặt chẽ
cả với nhân viên thương nghiệp quốc doanh, thương nghiệp hợp tác xã và nhất là
với tổ tiểu thương đại lý bằng các hình thức: tập thể tự quản lý nhau, có sự
kiểm tra giám sát của ngành chuyên môn, có sự kiểm tra giám sát của Đảng, chính
quyền địa phương và quần chúng tiêu dùng tại chỗ với hình thức đại lý, nếu ta
có bộ máy quản lý chặt chẽ và có chế độ hoa hồng thỏa đáng thì có thể phát huy
tác dụng tích cực phục vụ tiện lợi cho người tiêu dùng: họ ở sát dân cư, có thể
mở cửa phục vụ liên tục không kể giờ giấc như cửa hàng thương nghiệp quốc
doanh, và họ lại có nghiệp vụ chuyên môn biết đón nhu cầu khách hàng từng nơi,
từng thời vụ mà phục vụ cho thích hợp. Song nếu không có chế độ kiểm tra chặt
chẽ thì họ cũng dễ chuồn hàng của Nhà nước ra ngoài lấy lời nhiều hay sửa cho
khách hàng bộ phận này thì lại lấy cắp hay tráo đổi bộ phận khác, họ cũng có
thể lén lút bán giá cao hơn giá chỉ đạo. Do đó, để bảo đảm quản lý các tổ đại
lý, phải niêm yết công khai cho nhân dân biết giá cả, mặt hàng, công thức để
nhân dân có cơ sở kiểm tra, đấu tranh tại chỗ với những hành động gian dối của
tổ tiểu thương đại lý. Phải thực hành chế độ đại lý nộp tiền ký quỹ với Nhà
nước để đề cao trách nhiệm của họ đối với hàng hóa, tài sản của Nhà nước ủy
nhiệm cho họ bán ra phục vụ nhân dân. Hàng tháng phải tiến hành thanh lý sổ
sách, đối chiếu chứng từ, lệnh xuất hàng với số hàng thực tế đã bán ra. Hàng
ngày, phải buộc đại lý cập nhật sổ sách và nộp tiền bán hàng về công ty, không
được tự ý giữ tiền bán hàng lại.
Các tổ đại lý cho thương nghiệp
quốc doanh phải có giấy chứng nhận của cơ quan chủ quản ngành hàng kèm theo
danh sách tổ viên ở từng đường phố.
Đối với những tiểu thương buôn
bán một số mặt hàng thuộc 3 ngành hàng này như hàng may sẵn, dệt kim, hàng lót
trong ngành vải sợi, phụ tùng xe đạp trong ngành điện máy, v.v… chúng ta sẽ báo
cho họ làm đơn xin cấp giấy phép hành nghề cùng với những người tiểu thương
hiện đang kinh doanh các mặt hàng công nghệ tiêu dùng khác. Trên cơ sở đó, sẽ
xét cấp giấy phép hành nghề theo những quy tắc sau đây:
a) Phải là người có hộ khẩu
chính thức ở thành phố, từ 18 tuổi trở lên, không bị bệnh tâm thần.
b) Là người trực tiếp kinh doanh
hoặc có tay nghề (nếu là nghề phục vụ sửa chữa), có cửa hàng, tiệm, sạp trong
chợ hay một nơi nào được cơ quan công trình công cộng cho phép.
c) Chấp hành đúng chính sách
thuế của Nhà nước.
d) Cư trú ở phường nào thì đăng
ký tại phường, quận đó.
Trường hợp cư trú ở quận này lại
kinh doanh ở quận khác thì phường nơi cư trú xét duyệt đề nghị quận nơi kinh
doanh cấp giấy phép.
Sau khi cho đăng ký xong, phải
tập hợp tổ chức theo ngành hàng ở từng chợ, từng phường để quản lý chặt chẽ về
mặt hàng kinh doanh, phạm vi kinh doanh, giá mua, giá bán, thu nhập hàng tháng
và thái độ chấp hành các chính sách quản lý của Nhà nước.
Mặt khác, thương nghiệp xã hội
chủ nghĩa phải vươn lên mở rộng kinh doanh, từng bước chiếm lĩnh thị trường,
vươn lên đến đâu thì thu hút, sử dụng người tốt, có nghiệp vụ vào mạng lưới của
mình đến đó, số còn lại trong ngành hàng thì thu xếp cho họ đi sản xuất hay làm
việc khác. Phải có biện pháp ngăn chặn số người mới ra buôn bán trong các ngành
hàng công nghệ tiêu dùng sau khi đã tiến hành xét cấp đăng ký hành nghề, phải
xử lý nghiêm đối với những người không được cấp giấy phép hành nghề mà vẫn kinh
doanh trái phép.
Các ngành hàng nông sản thực
phẩm, dịch vụ ăn uống công cộng sẽ tiến hành sắp xếp và đăng ký hành nghề sau.
Phải có sự phân biệt rành mạch
giữa việc đấu tranh xóa bỏ hoạt động kinh doanh phi pháp của chợ trời với việc
sắp xếp cải tạo tiểu thương ở trong các chợ trời cũng như ở các chợ khác.
Chợ trời là nơi tiếp tay cho
gian thương tiêu thụ hàng lậu, hàng gian, hàng giả, là nơi tập trung và ẩn náu
của bọn chuyên chạy áp phe, bọn lưu manh, bọn thanh niên du đãng, bất lương tìm
cách lừa gạt nhân dân, quấy rối thị trường. Đó là bọn cần phải được tập trung
đi cải tạo bằng lao động ở xa thành phố. Song lại phải phân biệt trong chợ trời
có một số bà con tiểu thương vì kế sinh nhai mà phải làm ăn buôn bán ở trong
đó, chúng ta cần hướng dẫn sắp xếp cho bà con chuyển sang sản xuất hay có nơi
buôn bán những ngành hàng còn được phép kinh doanh. Nếu ở chợ trời cũng có số
tiểu thương ba ngành hàng vật tư, vải sợi, điện máy thì cũng phải tiến hành sắp
xếp và mua lại hàng tồn kho như đã nói ở phần trên.
Ngày 16-4-1978 vừa qua, Ủy ban
Nhân dân thành phố đã ra lịnh xóa bỏ các chợ trời ở các quận theo tinh thần đó,
việc này đã được quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ, nhờ đó mà đã thu được
kết quả tốt đẹp bước đầu. Song trong điều kiện kinh tế và xã hội của một thành
phố mới được giải phóng mấy năm, phải thấy chợ trời vẫn còn là vấn đề phải giải
quyết lâu dài. Vì vậy, từ nay các quận, huyện cần tiếp tục kiên quyết và triệt
để dẹp các chợ trời ngay từ khi xuất hiện những dấu hiệu nhóm họp ban đầu và
phải quan tâm sắp xếp chu đáo việc làm ăn buôn bán của những người buôn bán
nhỏ.
Được Trung ương Đảng và Chính
phủ luôn luôn quan tâm và ân cần nhắc nhở, chúng ta trước sau như một xem bà
con tiểu thương là một lực lượng cách mạng trong công cuộc cải tạo và xây dựng
chủ nghĩa xã hội. Trong cao trào cải tạo thương nghiệp hiện nay cũng như từ nay
về sau, chắc rằng các cấp, các ngành sẽ quán triệt ngày càng sâu sắc đường lối
giai cấp của Đảng, phát huy hơn nữa các nhân tố tích cực trong tầng lớp tiểu
thương, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với
thương nghiệp ở thành phố chúng ta.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thành Thơ
|