VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
86/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 06 tháng 3 năm 2018
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ
TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2017 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2018 CỦA NGÀNH CÔNG
THƯƠNG
Ngày 15 tháng 01 năm 2018, tại Hà Nội
(Trung tâm Hội nghị quốc tế), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu
chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018
của ngành Công Thương. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo, ý kiến
phát biểu của các đại biểu tham dự Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết
luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ
CHUNG
1. Năm 2017 vừa qua, thực hiện nhiệm
vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có không ít khó khăn thách thức,
đặc biệt là thiên tai, bão, lũ diễn ra khốc liệt, gia tăng tại nhiều địa phương
gây thiệt hại lớn và ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội. Tuy
nhiên, với sự nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các
ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự
kiên định, trách nhiệm, quyết tâm cao, đoàn kết và nhất trí của Chính phủ, tình
hình kinh tế - xã hội nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện, tạo
động lực mới cho phát triển.
Lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng
ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra;
tăng trưởng GDP đạt 6,81%, cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây và là mức cao so
với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định,
lạm phát được kiểm soát ở mức 3,53%; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được
bảo đảm; tiếp tục thực hiện tốt việc tái cấu trúc nền kinh tế; tổng kim ngạch
xuất - nhập khẩu đạt 425 tỉ đô la Mỹ, cao nhất từ trước đến nay; sản xuất, kinh
doanh tiếp tục phục hồi và phát triển toàn diện trên cả 3 lĩnh vực công nghiệp,
nông nghiệp và dịch vụ; số doanh nghiệp được thành lập mới đạt gần 127 nghìn
doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung đạt 3,16 triệu tỷ đồng; vốn
đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đăng ký mới và bổ sung đạt gần 30 tỷ USD,
tăng 44,2%, vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% v.v...
2. Thay mặt Chính phủ, biểu dương
và đánh giá cao những kết quả toàn diện và xuất sắc mà ngành Công Thương đã đạt
được trong năm 2017, đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung, ổn định kinh
tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất
kinh doanh, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, người dân, tạo tiền đề quan trọng
để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, cụ thể là:
- Về sản xuất công nghiệp: Công
nghiệp đã đóng góp quan trọng giúp nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 6,81%, đặc
biệt là công nghiệp chế biến chế tạo tăng 14,4% cao nhất trong 7 năm gần đây.
Mô hình tăng trưởng công nghiệp đã có sự chuyển đổi rõ nét và tích cực dựa trên
tăng trưởng của các ngành chế biến chế tạo và giảm dần phụ thuộc vào nguồn nhập
khẩu, trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã tiếp tục thể hiện vai trò
trụ cột, động lực quan trọng cho phát triển của toàn ngành công nghiệp.
Nhiều sản phẩm công nghiệp cấp II
có chỉ số sản xuất tăng cao như các ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi
tính và sản phẩm (32,7%), ti vi (30,5%), sắt thép thô (31,6%), thép cán
(17,5%), sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (14,4%), sản xuất sản phẩm từ
kim loại đúc sẵn (13,5%), vải dệt từ sợi tự nhiên (12,6%), phân u rê (11,4%)
v.v...
Nhiều tập đoàn, tổng công ty và các
doanh nghiệp trong ngành công nghiệp đã rất cố gắng, nỗ lực vượt qua các khó
khăn thách thức để hoàn thành tốt các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong năm
2017, trong đó có các tập đoàn kinh tế nhà nước (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập
đoàn Dầu Khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập
đoàn Dệt May Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) và đặc biệt là sự tham gia
tích cực của thành phần kinh tế tư nhân trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, nhất
là lĩnh vực ô tô. Nhiều địa phương đã có những đóng góp rất tích cực trong phát
triển công nghiệp với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao, điển hình là: Bắc
Ninh (37,2%); Hải Phòng (21,6%); Thái Nguyên (18,1%); Bình Dương (11%); Vĩnh
Phúc (10,9%); Hải Dương (10,5%); Đà Nẵng (9,5%); Đồng Nai (8,7%); Quảng Nam
(8,1%); thành phố Hồ Chí Minh (7,9%), Cần Thơ (7,3%); Hà Nội (7,1%) v.v...
- Ngành thương mại đã làm tốt nhiệm
vụ trên nhiều lĩnh vực, trong đó: Bảo đảm cân đối cung cầu thiết yếu và hàng
tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng cao (10,9%). Tổng
kim ngạch xuất nhập khẩu tăng rất cao và tạo ra được thặng dư thương mại, xuất
siêu 2,67 tỷ USD, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán. Lần đầu
tiên xuất khẩu nước ta vượt mốc 200 tỷ USD với mức tăng 21% so với cùng kỳ năm
2016, đã có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; đây là một trong
những điểm sáng nhất của ngành Công Thương trong năm 2017.
Công tác quản lý thị trường được tổ
chức triển khai bài bản và hiệu quả hơn; công tác chống buôn lậu, gian lận
thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất
lượng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện quyết liệt ở nhiều địa
bàn và đạt được những kết quả tích cực. Tình trạng bán hàng đa cấp bất chính đã
bị đẩy lùi, nhận thức của người dân đã được nâng cao, những bức xúc trong dư luận
về vấn đề này đã giảm hẳn so với trước đây.
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ quyền
lợi người tiêu dùng và tăng cường môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện
cho các doanh nghiệp trong nước phát triển được thực hiện ngày càng hiệu quả;
các hoạt động của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp
tục có những đóng góp tích cực cho phát triển thị trường nội địa.
- Công tác hội nhập kinh tế quốc tế
được triển khai thực hiện một cách chủ động, sáng tạo, góp phần vào thành công
nổi bật của Việt Nam trong tổ chức các sự kiện tại Hội nghị APEC 2017 với tư
cách là nước chủ nhà. Bộ Công Thương đã tham gia chủ trì nhiều sự kiện quan trọng,
dẫn dắt các chủ đề thảo luận lớn của năm APEC 2017, xử lý vấn đề về Hiệp định đối
tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được các nước đánh giá
cao.
- Việc tái cơ cấu, cổ phần hóa các
doanh nghiệp nhà nước đã được Bộ tập trung xử lý và đạt được những kết quả cụ
thể, điển hình như việc thoái vốn rất thành công tại Tổng công ty cổ phần Bia -
Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn đem về nguồn thu rất lớn cho Nhà nước.
- Bộ Công Thương đã tích cực gạt bỏ
lợi ích cục bộ, tiên phong trong việc cắt giảm đầu mối thuộc Bộ để đảm bảo bộ
máy gọn, nhẹ và hoạt động có hiệu quả; thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục
hành chính; chủ động nghiên cứu, đề xuất cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh
doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ để gỡ bỏ những rào cản không phù hợp, thúc đẩy
sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đề xuất của Bộ Công Thương, trong
ngày 15 tháng 01 năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP sửa
đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản
lý nhà nước của Bộ Công Thương; theo đó, rất nhiều điều kiện về đầu tư, kinh
doanh đã được bãi bỏ hoặc sửa đổi theo hướng đơn giản hóa.
- Sự phối hợp giữa Bộ Công Thương với
các Bộ, cơ quan có liên quan đã được cải thiện và đạt hiệu quả cao; uy tín của
Bộ Công Thương đã được nâng cao và góp phần quan trọng giúp Chính phủ thực hiện
các nhiệm vụ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân.
3. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả
đạt được, ngành Công Thương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:
- Một số chiến lược, quy hoạch
trong ngành Công Thương vẫn còn chậm bổ sung, sửa đổi bảo đảm tính khoa học,
phù hợp với bối cảnh mới của đất nước và gắn với nền kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa ở nước ta; chưa khắc phục triệt để những bất cập; tính minh bạch
và hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với một số quy hoạch vẫn còn chưa thực sự
cao, vẫn còn tiềm ẩn tình trạng “xin - cho”.
- Định hướng chiến lược trong phát
triển ngành công nghiệp nước ta theo hướng giảm phụ thuộc vào lợi thế cạnh
tranh không bền vững (từ dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, than
đá, quặng... chuyển dịch sang dựa trên nền tảng sáng tạo, cạnh tranh, lấy khoa
học công nghệ làm động lực) vẫn chưa được chỉ đạo triển khai rõ nét; tính chủ động
trong nghiên cứu và triển khai thực hiện phát triển công nghiệp theo hướng cuộc
cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vẫn còn hạn chế.
- Trong các lĩnh vực sản xuất, công
tác thị trường và dự báo cung cầu còn yếu, thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả, chưa
gây dựng được những hạt nhân dẫn dắt và cơ chế liên kết sản xuất với thị trường
để giảm rủi ro. Các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến vẫn chậm
phát triển; mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn còn chưa thực sự cao; một
số sản phẩm công nghiệp khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, gặp khó khăn về
giá cả, chất lượng hàng hóa. Sản xuất và xuất khẩu vẫn chủ yếu tập trung ở khu
vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất chủ
yếu vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu.
- Quản lý thị trường trong nước và
thương mại biên giới tuy có những tiến bộ song vẫn còn nhiều mặt bất cập. Buôn
lậu, gian lận thương mại, đảm bảo an toàn thực phẩm chưa được khắc phục triệt để;
tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng còn chưa được xử lý dứt điểm,
nhất là sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất.
- Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà
nước đã có bước tiến so với 2016 song nhìn chung còn chậm và vẫn chưa đạt hiệu
quả như mong muốn.
- Việc khuyến khích khu vực kinh tế
tư nhân tham gia tích cực vào thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước vẫn chưa được chú trọng và quan tâm đúng mức.
II. MỤC TIÊU,
NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Một số định hướng
đối với ngành Công Thương
- Phát triển sản xuất công nghiệp,
xuất nhập khẩu và thương mại nội địa theo chiều sâu; thúc đẩy tái cơ cấu ngành
công nghiệp; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phục
vụ nông nghiệp; công nghiệp hỗ trợ gắn với các Tập đoàn đa quốc gia; đổi mới
công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất lao động
trong công nghiệp; ưu tiên thu hút đầu tư dự án công nghệ cao, có tính cạnh
tranh, thân thiện môi trường; thúc đẩy xuất khẩu; giữ vững thị trường trong nước,
đặc biệt là kênh phân phối hàng hóa.
- Chủ động, sáng tạo trong việc tìm
những giá trị gia tăng mới trong ngành Công Thương,
- Xác định lực lượng sản xuất mới của
ngành Công Thương không chỉ là các doanh nghiệp nhà nước mà cần phải đẩy mạnh sự
tham gia của khu vực kinh tế tư nhân, hợp tác xã nhằm khơi dậy những tiềm năng
đổi mới sáng tạo, tăng cường tính cạnh tranh trong ngành và của nền kinh tế,
- Đổi mới phát triển công nghiệp,
thương mại trong điều kiện thu xếp vốn còn nhiều khó khăn hiện nay, hướng vào
nông nghiệp,nông thôn để tăng năng suất lao động của ngành Công Thương và của nền
kinh tế nước ta.
- Phát triển mạnh mẽ thương mại điện
tử kể cả ở các khu vực miền núi, xa xôi hẻo lánh.
- Ngành Công Thương phải có một tầm
nhìn mới, một quyết tâm mới và một chương trình hành động sống động, gắn với thực
tiễn và xu thế phát triển để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra, tạo nền tảng vững
chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
2. Nghị quyết số
01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước
năm 2018 đã giao các nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Công Thương cũng như các mục tiêu đối
với sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại, cụ thể, phấn đấu tốc độ tăng
trưởng GDP của khu vực công nghiệp và xây dựng đạt khoảng 7,7%, trong đó công
nghiệp khoảng 7,3%, xây dựng khoảng 9,2%; bảo đảm cân đối xuất nhập khẩu, phấn
đấu đạt tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu từ 8% đến 10% so với năm 2017, kiểm
soát nhập siêu dưới 3% so với tổng kim ngạch xuất khẩu.
Để góp phần thực hiện thắng lợi các
nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các mục tiêu nêu trên đối với ngành
Công Thương, cơ bản thống nhất với nhiệm vụ và giải pháp ngành Công Thương đã đề
cho năm 2018, trong đó, cần chú trọng thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu:
- Tiếp tục quán triệt, phát huy
tinh thần vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và các địa phương trong chỉ đạo
điều hành phát triển sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trong năm
2018 cũng như các năm tiếp theo. Bộ Công Thương phải đi đầu và có chương trình
hành động cụ thể đến các cơ quan, đơn vị trực thuộc; xác định phương châm hành
động xuyên suốt trong công tác chỉ đạo, điều hành chung của Bộ.
- Đổi mới tư duy, xác định tầm nhìn
dài hạn, vượt qua chính mình, vượt qua tư duy nhiệm kỳ, tư duy e ngại khó khăn
hoặc không dám đối mặt với các thách thức để tận dụng cơ hội, vượt qua lợi ích
cục bộ của ngành hướng tới mục tiêu cao hơn của nền kinh tế. Lãnh đạo các cấp,
các ngành phải đi trước, làm gương trong quá trình thực hiện.
- Tiếp tục thực hiện tốt công tác
xây dựng, hoàn thiện thể chế trong ngành Công Thương; khẩn trương hoàn thiện và
triển khai mạnh mẽ Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020,
xét đến năm 2025 theo các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ
và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Yêu cầu phải có tầm nhìn dài hạn, kiên quyết
tạo chuyển biến rõ nét trong cơ cấu lại ngành công nghiệp gắn với đổi mới mô
hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng suất
lao động và sức cạnh tranh; phải phát huy tinh thần cầu thị, học tập kinh nghiệm
của các nước công nghiệp phát triển đi trước để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ
công nghiệp nước ta trong bối cảnh mới.
- Triển khai nghiên cứu, xây dựng
chính sách công nghiệp quốc gia trong giai đoạn tới, tạo khuôn khổ chính sách đồng
bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới, sáng tạo và đột phá hướng vào tăng năng
suất, chất lượng, hiệu quả, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ; lấy doanh
nghiệp là trọng tâm của sự đổi mới và phát triển, tạo môi trường đầu tư kinh
doanh ổn định, bền vững, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao v.v...
- Đẩy mạnh hơn nữa sản xuất - kinh
doanh, đảm bảo cân đối cung - cầu trong nước; đảm bảo các cân đối vĩ mô trong
trung và dài hạn, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, không để tình trạng thiếu
điện trong giai đoạn 2019 - 2025, không để thiếu hàng hóa; sản phẩm hàng hóa
ngày càng được nâng cao hơn nữa, có nhiều hàng hóa trở thành những thương hiệu
mạnh nhằm đáp ứng được mọi nhu cầu tầng lớp nhân dân.
- Tăng cường ứng dụng khoa học công
nghệ trong ngành Công Thương, nhất là trong hoạt động sản xuất công nghiệp để
nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Các cơ quan, đơn vị
cần có chương trình hành động cụ thể, gắn việc ứng dụng khoa học công nghệ với
phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bắt kịp làn sóng cách mạng công nghiệp
lần thứ 4.
- Tiếp tục tập trung phát triển mạnh
thị trường trong nước, hệ thống bán lẻ gắn với tiêu thụ hàng nội địa; tổ chức tốt
hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ, trước mắt là các đô thị lớn và các vùng trung
tâm; có các biện pháp hữu hiệu và tích cực quản lý mạng lưới phân phối trong nước
trước xu thế mua bán và sáp nhập của thế giới; tiếp tục triển khai thực hiện
các biện pháp để đưa Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt
Nam" thực sự đi vào cuộc sống, được sự ủng hộ của nhân dân gắn với thúc đẩy
sản xuất và phát triển thị trường nội địa; tích cực ngăn ngừa buôn lậu, gian lận
thương mại, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; xử lý nghiêm và công bố
công khai các hành vi gian lận thương mại, vi phạm các quy định về chất lượng,
cạnh tranh không lành mạnh làm mất uy tín sản phẩm của Việt Nam. Chủ động triển
khai những giải pháp tăng cường quản lý, kiểm soát hàng rào kỹ thuật, bảo đảm
nhu cầu và bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước theo đúng quy định của pháp luật
và phù hợp với cam kết quốc tế. Như vậy, công tác phát triển thị trường cả
ngoài nước và trong nước là nhiệm vụ quan trọng, phải dồn sức tìm thị trường nhất
là những thị trường mới mà sản phẩm của Việt Nam có thể tiêu thụ được.
Khẩn trương triển khai việc tổ chức
lực lượng quản lý thị trường theo mô hình mới gắn với thay đổi phương thức hoạt
động và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường.
- Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương
mại, phát triển thị trường xuất khẩu để thúc đẩy hơn nữa kim ngạch xuất khẩu.
Thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả thực thi, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt
và tận dụng tốt các cơ hội mới đem lại từ các Hiệp định thương mại tự do. Ứng dụng
mạnh mẽ và rộng rãi thương mại điện tử, nhất là cho các sản phẩm nông nghiệp
công nghệ cao.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành
chính, tăng cường phòng chống tham nhũng chống lãng phí; các sở, ban, ngành tại
các địa phương phải tích cực vào cuộc, kiên quyết khắc phục tình trạng “trên
nóng, dưới lạnh” còn tồn tại hiện nay.
- Tiếp tục rà soát tinh giản bộ
máy, biên chế; đổi mới và nâng cao hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc
ngành Công Thương theo tinh thần Nghị quyết Trung ương VI, Khóa XII.
3. Về các đề xuất,
kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo
cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Ngoài ra, theo thẩm quyền, Bộ Công
Thương chủ động giải quyết, xử lý các đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị,
doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, không để trường hợp có
kiến nghị không được giải quyết.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ
Công Thương và các cơ quan liên quan biết và thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ: CT, KHĐT, TC, NNPTNT, KHCN;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Sở Công Thương các tỉnh, Tp trực thuộc trung ương;
- Các Tập đoàn, TCT thuộc Bộ Công Thương
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT, KTTH, NN;
- Lưu: VT, CN (2). nvq
|
BỘ
TRƯỞNG
Mai Tiến Dũng
|