Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông báo 59/TB-VPCP 2023 kết luận Thủ tướng tại buổi làm việc với lãnh đạo Bình Định

Số hiệu: 59/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Nguyễn Sỹ Hiệp
Ngày ban hành: 28/02/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 59/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2023

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH BÌNH ĐỊNH

Trong các ngày 04 và 05 tháng 02 năm 2023, tại tỉnh Bình Định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng; dự Lễ khánh thành tuyến đường ven biển đoạn Cát Tiến - Mỹ Thành, dự án Hồ chứa nước Đồng Mít và thăm hỏi, động viên các hộ dân khu tái định cư Hồ chứa nước Đồng Mít tại xã An Dũng, huyện An Lão; khảo sát một số công trình, dự án, cơ sở trên địa bàn và chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 02 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ Tỉnh; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Cùng dự các hoạt động và buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Dân tộc và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Bình Định, phát biểu của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Bình Định là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ với diện tích tự nhiên khá lớn (6.071 km2); có vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm của trục Bắc - Nam; có hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, trong đó sân bay Phù Cát và Cảng biển quốc tế Quy Nhơn đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng; là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất của các tỉnh Tây Nguyên (Việt Nam), Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan. Tỉnh Bình Định có lịch sử lâu đời, là vùng đất kinh đô của một số triều đại, có nền văn hóa đặc sắc, cổ xưa (Sa Huỳnh, Champa) với hệ thống di tích văn hóa có giá trị (02 di tích Quốc gia đặc biệt, 34 di tích Quốc gia, 106 di tích cấp tỉnh) và giao thoa văn hóa các dân tộc với nhiều lễ hội, nghệ thuật, ẩm thực phong phú; là miền “đất võ, trời văn” sinh ra nhiều anh hùng dân tộc, danh tướng và nhiều nhà thơ lớn, danh nhân văn hóa. Tỉnh Bình Định có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế biển với 134 km bờ biển, vùng lãnh hải rộng 36.000 km2, cảng biển quốc tế Quy Nhơn có thể tiếp nhận tàu hàng đến 70 nghìn tấn ra vào; có tiềm năng trở thành trung tâm phát triển dịch vụ về vận tải, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa, cảng biển, logictics. Bình Định có tiềm năng lớn về du lịch biển đảo, văn hóa, lịch sử với hệ thống đảo, bán đảo, mũi đá, cảnh quan đẹp, bãi tắm nổi tiếng; có nhiều tài nguyên khoáng sản quý và tiềm năng phát triển năng lượng (thủy điện, điện gió); đất đai phì nhiêu, đa dạng về sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp... Đồng thời, Bình Định còn có nguồn nhân lực khá dồi dào với dân số khoảng 1,5 triệu người, với khoảng 60% trong độ tuổi lao động; người Bình Định có tinh thần đoàn kết, yêu nước, cần cù, sáng tạo, có khát vọng vươn lên. Với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, nguồn lực phong phú là điều kiện, tiền đề để Bình Định bước vào thời kỳ phát triển mới, tạo sự bứt phá vươn lên trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Bình Định và tiếp tục phát huy "tinh thần Tây Sơn", "hào khí Tây Sơn", Tỉnh đã đạt và vượt 19/19 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. GRDP ước tăng 8,57% (cao nhất từ trước tới nay); GRDP bình quân đầu người ước đạt gần 70,7 triệu đồng, tăng 11,59%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,05%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 94,9 nghìn tỷ đồng (tăng 19,2%). Thu ngân sách đạt trên 15,6 nghìn tỷ đồng (tăng 7,5%). Xuất khẩu đạt 1,55 tỷ USD (tăng 16,3%), xuất siêu hơn 1,08 tỷ USD. Du lịch phục hồi tích cực, đón trên 4,12 triệu lượt khách, tăng hơn 2,8 lần. Tổng mức thực hiện vốn đầu tư phát triển hơn 46,9 nghìn tỷ đồng (tăng 10,8%). Giải ngân vốn đầu tư công đạt 90,97% kế hoạch. Có 87/113 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 133 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. An sinh xã hội được quan tâm, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 96%; làm tốt công tác chăm lo đời sống nhân dân dịp Tết Quý Mão. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, bồi dưỡng nghề đạt trên 58%. Cải cách hành chính được đẩy mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh; chỉ số PCI xếp thứ 11/63, đứng thứ 3 vùng duyên hải miền Trung; chỉ số SIPAS xếp thứ 23/63, tăng 6 bậc. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực và những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Định đã đạt được trong thời gian qua; đặc biệt là tinh thần tự lực, tự cường và có cách làm hay, hiệu quả trong phát triển hạ tầng (trong đó có đầu tư xây dựng và quy hoạch phát triển hai bên tuyến đường ven biển), phát triển mô hình hợp tác công tư tại bệnh viện tỉnh Bình Định và phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp. Đây là điểm sáng cần được tiếp tục thúc đẩy, phát huy và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, nhân rộng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Bình Định còn một số tồn tại, hạn chế như: Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; chưa tự cân đối được chi thường xuyên. Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi còn hạn chế, quy mô nhỏ. Phát triển du lịch, dịch vụ chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng chưa cao. Kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ triển khai một số công trình trọng điểm còn chậm. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính có mặt còn hạn chế (chỉ số PAPI xếp thứ 37/63; chỉ số PAR Index xếp thứ 30/63), chưa thu hút được dự án lớn; thu hút vốn FDI hạn chế (năm 2022 có 01 dự án, vốn đăng ký 4 triệu USD). Tình trạng cháy rừng, phá rừng, khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản còn xảy ra. Giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn cao (9,04%), nhất là 03 huyện miền núi. An ninh quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội một số nơi tiềm ẩn yếu tố phức tạp.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH VÀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Về quan điểm chỉ đạo, điều hành:

a) Quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 03 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XX; Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ; Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 27 tháng 01 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ. Bám sát chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

b) Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; chú trọng sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm hiệu quả để tiếp tục phát huy, nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao, đồng thời khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế, yếu kém.

c) Là địa phương có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, có lợi thế so sánh về phát triển kinh tế, Bình Định cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính, không trông chờ, ỷ lại, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình; quyết tâm vươn lên bằng sức mạnh nội sinh, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng toàn diện, thực chất và hiệu quả.

d) Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, phân bổ nguồn lực và nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ; thúc đẩy và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp.

đ) Đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học - công nghệ. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh liên kết vùng để khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh, tạo không gian và nguồn lực cho phát triển.

e) Chú trọng công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, liêm chính, tận tụy, có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín.

2. Về một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới:

a) Chú trọng công tác quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, trọng điểm của Tỉnh; quy hoạch phải đi trước một bước với tầm nhìn dài hạn, chiến lược và tư duy đổi mới; vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh, vừa hóa giải được các điểm nghẽn, nút thắt, khó khăn, thách thức, hạn chế. Khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong Quý II năm 2023; nghiên cứu quy hoạch phát triển khu vực Bắc Phú Yên - Nam Bình Định.

b) Tiếp tục triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng tập trung, không dàn trải; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh khác.

c) Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, nhất là các ngành ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, kinh tế biển; khai thác lợi thế so sánh, nâng cao sức cạnh tranh. Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ và phát triển thương hiệu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa đáp ứng yêu cầu thị trường. Thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển xanh, bền vững, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao.

d) Phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế then chốt, khuyến khích các ngành công nghệ cao, công nghiệp xanh, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, công nghiệp - đô thị ven biển... Xây dựng hạ tầng đồng bộ, kết nối và nâng cao hiệu quả hoạt động của Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nông, lâm, thủy sản địa phương.

đ) Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và phát triển các sản phẩm OCOP. Phát triển ngành thủy sản hiện đại, hiệu quả, bền vững, trọng tâm là nuôi tôm công nghệ cao và khai thác cá ngừ đại dương; hỗ trợ ngư dân bám biển, khai thác xa bờ, ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

e) Đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại có tiềm năng, thế mạnh (vận tải biển, logictics, kho bãi, tài chính, ngân hàng, bưu chính, viễn thông...). Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch, dịch vụ; phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo gắn với truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên; hình thành các tuyến, cụm du lịch.

g) Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào các công trình trọng điểm, chiến lược làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

h) Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có thế mạnh của địa phương. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo dạy nghề, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

i) Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên nền tảng chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến; cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh.

k) Bảo tồn, phát huy mạnh mẽ bản sắc, giá trị di sản văn hóa, truyền thống lịch sử và con người Bình Định; đẩy mạnh số hóa di sản văn hóa; triển khai xây dựng đề án phát triển thành phố Quy Nhơn trở thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng. Bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo người có công, đối tượng yếu thế; thực hiện tốt hơn công tác giảm nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

l) Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm các sai phạm.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH

1. Về Cảng hàng không Phù Cát:

a) Về nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát: Đồng ý về nguyên tắc; Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xử lý kiến nghị của tỉnh Bình Định liên quan đến quy hoạch đường cất hạ cánh thứ 2 và mở rộng nhà ga, sân đỗ trong quá trình lập quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định.

b) Về việc sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương hằng năm để đầu tư đường cất hạ cánh thứ 2: Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền và quy định.

c) Về chủ trương xã hội hóa đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà ga, sân đỗ sân bay và việc bổ sung Cảng hàng không Phù Cát vào Quy hoạch các Cảng hàng không quốc tế: Đồng ý về nguyên tắc; giao Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn tỉnh thực hiện theo quy định.

2. Về việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn (Bình Định) - Pleiku (Gia Lai):

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 173/TB-VPCP ngày 15 tháng 6 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ; đồng thời, chủ động làm việc với các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan để được hướng dẫn các nội dung liên quan đến phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn (Bình Định) - Pleiku (Gia Lai), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2023.

3. Về đưa Dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE vào Quy hoạch điện VIII và cho phép triển khai tại tỉnh Bình Định:

Giao Bộ Công Thương xem xét, xử lý theo thẩm quyền và quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các nội dung vượt thẩm quyền.

4. Về Dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn:

Giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định hoàn tất các thủ tục đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt các báo cáo: đánh giá tác động môi trường, công nghệ, thiết kế kỹ thuật, chuyển mục đích sử dụng rừng … của Dự án theo đúng thẩm quyền và quy định. Tỉnh Bình Định báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2023.

5. Về hỗ trợ kinh phí xây dựng tuyến đường nối từ Quốc lộ 19 đến Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định kết nối với Cảng Quy Nhơn:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, đề xuất phương án ngân sách trung ương hỗ trợ tỉnh, trong đó có tính đến nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.

6. Về dự án “Phát triển tích hợp thích ứng - tỉnh Bình Định” vay vốn Ngân hàng Thế giới:

Giao Bộ Tài chính chủ trì làm việc với Ngân hàng Thế giới để thống nhất phương án đẩy nhanh tiến độ đàm phán, sớm ký Hiệp định, phù hợp với quy định trong nước và chính sách của Nhà tài trợ; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

7. Về chủ trương vay từ nguồn vốn ODA để nâng cấp hạ tầng 02 thị xã An Nhơn và Hoài Nhơn:

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định lập Đề xuất dự án theo quy định tại Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.

8. Về Dự án Nhà máy điện gió Nhơn Hội:

Giao Bộ Công Thương hướng dẫn các bên liên quan (chủ đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam,...) khẩn trương đàm phán theo quy định của pháp luật để giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến Dự án nói riêng và các vướng mắc tương tự ở các địa phương khác.

9. Về nâng cấp hồ Định Bình để tăng khả năng phòng lũ, giảm ngập cho hạ du và tạo nguồn chuyển nước, cấp nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội:

Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì nghiên cứu, xử lý kiến nghị của Tỉnh theo thẩm quyền và quy định, báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2023.

10. Về miễn tiền thuê đất đối với Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành:

Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và các cơ quan liên quan đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2023 trên cơ sở kinh nghiệm xử lý vấn đề tương tự thời gian vừa qua.

11. Về bảo tồn và phát huy giá trị của các công trình văn hóa, lịch sử trên địa bàn Tỉnh:

a) Tỉnh Bình Định chủ động cân đối, sử dụng ngân sách địa phương, huy động tài trợ và thực hiện hình thức xã hội hóa để thực hiện việc tu bổ, tôn tạo các công trình văn hóa, lịch sử trên địa bàn. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc ngân sách trung ương hỗ trợ tỉnh thực hiện, trong đó có nguồn nguồn vốn của Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025 trên tinh thần xác định thứ tự ưu tiên và có trọng tâm, trọng điểm.

b) Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Võ cổ truyền Bình Định gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong Quý I năm 2023 để xin ý kiến Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia trước khi trình Thủ tướng Chính phủ cho phép gửi UNESCO đề nghị ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo đúng quy trình, thủ tục và quy định.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan: KHĐT, TC, CT, GTVT,
TNMT, NNPTNT, XD, VHTTDL, KHCN, UBDT;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Định;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý, Thư ký TTgCP,
Thư ký các Phó TTgCP, Cổng TTĐTCP,
các Vụ, Cục: KTTH, CN, NN, NC, KGVX, TKBT, TH, KSTTHC;
- Lưu: VT, QHĐP (3) Đ.Minh

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Sỹ Hiệp

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông báo 59/TB-VPCP ngày 28/02/2023 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định do Văn phòng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.846

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.224.116
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!