BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 3941/TB-BNN-VP
|
Hà Nội, ngày 21
tháng 05 năm 2015
|
THÔNG BÁO
Ý
KIẾN KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG CAO ĐỨC PHÁT VỀ HỘI NGHỊ “BÀN GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ
KHĂN CHO CÁC DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT, KINH DOANH TRONG CHĂN NUÔI”
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội
nghị “Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của
các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư phát triển chăn nuôi” tại TP Hồ Chí Minh
ngày 14 tháng 5 và tại Hà Nội ngày 15 tháng 5 năm 2015.
Tham dự Hội nghị có đại diện 36 doanh nghiệp xuất,
nhập khẩu và sản xuất giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi (miền Bắc 18 doanh nghiệp
và miền Nam 18 doanh nghiệp); lãnh đạo và chuyên viên một số đơn vị có liên
quan thuộc Bộ (các Cục: Chăn nuôi, Thú y, Bảo vệ thực vật, Quản lý chất lượng
nông lâm sản và thủy sản; các Vụ: Quản lý doanh nghiệp, Khoa học Công nghệ và
Môi trường, Hợp tác Quốc tế; Trung tâm Khuyên nông Quốc gia; Viện Chăn nuôi); một
số cơ quan thông tin, báo chí.
Sau khi nghe đại diện các doanh nghiệp báo cáo những
khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh và ý kiến tham gia của
các đại biểu dự họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát kết luận và chỉ đạo:
1. Các nội dung cần ưu tiên
tháo gỡ trong thời điểm hiện nay:
a) Về nhập khẩu
- Giảm thiểu thời gian lưu hàng tại cảng và chi phí
không cần thiết cho sản phẩm nhập khẩu làm thức ăn chăn nuôi (TĂCN);
- Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân
nhập nhanh các giống vật nuôi có chất lượng tốt, năng suất cao đáp ứng nhu cầu
phát triển sản xuất trong nước.
b) Về sản xuất và kinh doanh
- Khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc trong các quy
định về môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung.
- Giảm tới mức thấp nhất tần suất kiểm dịch thú y
và các phí liên quan đối với các sản phẩm chăn nuôi trong quá trình lưu thông.
- Giảm thiểu các quy định trong việc đăng ký và công
nhận chất lượng sản phẩm thức ăn chăn nuôi vào danh mục, trong đó cần tăng cường
trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong việc công bố
tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
- Kiểm soát tốt việc sử dụng các chất cấm trong
chăn nuôi, tìm kiếm giải pháp phù hợp cho việc thay thế các chất tạo nạc mà người
chăn nuôi đang lạm dụng trong sản xuất gây mất an toàn các sản phẩm chăn nuôi
trong nước.
- Khẩn trương công nhận các giống vật nuôi, nhất là
các giống gà có nguồn gốc địa phương đã có đủ điều kiện để đưa nhanh vào sản xuất
kinh doanh.
- Tìm các giải pháp phù hợp thúc đẩy công tác quản
lý nâng cao chất lượng và phát triển sản xuất chăn nuôi ong mật phục vụ xuất khẩu
và tiêu dùng trong nước.
c) Về xuất khẩu
Tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ xuất khẩu, nhất
là công tác kiểm dịch và xúc tiến thương mại mở rộng thị trường cho xuất khẩu
các sản phẩm chăn nuôi có lợi thế: mật ong, trứng vịt muối, thức ăn chăn nuôi…
2. Giao nhiệm vụ cho các đơn vị:
a) Đối với Cục Chăn nuôi:
- Chỉ đạo các đơn vị được chỉ định kiểm tra chất lượng
TĂCN, tìm mọi biện pháp nhằm giảm thời gian kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất,
nhập khẩu xuống khoảng 50% so với hiện nay.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan, khẩn trương thẩm
định trình Bộ các sản phẩm TĂCN đủ điều kiện đưa vào danh mục. Nghiên cứu đề xuất
Bộ nội dung áp dụng quy định về việc yêu cầu khảo nghiệm đối với các loại TĂCN
hỗn hợp hoàn chỉnh. Xây dựng ngay quy chuẩn kỹ thuật và các biện pháp tăng cường
quản lý chất lượng TĂCN ong mật.
- Tổ chức hội thảo chuyên gia về khả năng có thể
cho phép sử dụng có kiểm soát Ractopamine trong chăn nuôi và lộ trình cắt giảm
sử dụng kháng sinh trong TĂCN trước năm 2020.
- Chủ động khảo sát, đánh giá và hướng dẫn các
doanh nghiệp xây dựng hồ sơ công nhận nhanh các giống vật nuôi đưa vào sản xuất,
nhất là các giống gà có nguồn gốc địa phương. Thống nhất với cơ quan chức năng
liên quan trong việc bãi bỏ yêu cầu giấy phép nhập khẩu đối với các loại giống
vật nuôi đã có trong Danh mục giống được phép lưu hành tại Việt Nam.
- Phối hợp với các đơn vị trong Bộ khẩn trương làm
việc thống nhất với các cơ quan chức năng của Bộ Tài nguyên Môi trường điều chỉnh
các quy định về nước thải chăn nuôi phù hợp với yêu cầu về môi trường và điều
kiện cụ thể của chăn nuôi trong nước. Nếu khó khăn yêu cầu báo cáo Bộ bằng văn
bản.
- Phối hợp với Cục Trồng trọt và các cơ quan nghiên
cứu, tìm giải pháp chính sách, công nghệ khuyến khích việc sử dụng các chất thải
chăn nuôi làm phân bón tăng nguồn hữu cơ cho cây trồng và giảm thiểu ô nhiễm
môi trường.
- Phối hợp Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức
các buổi tọa đàm về lợi ích của việc nuôi ong đối với cây trồng và xây dựng các
tài liệu để thông tin, tuyên truyền cho người dân qua các phương tiện thông tin
đại chúng.
b) Đối với Cục Thú y:
- Kiểm tra việc thu phí kiểm dịch thú
y trong quá trình vận chuyển sản phẩm chăn nuôi tại các tỉnh. Kiểm điểm nghiêm
túc và buộc dừng ngay các trường hợp thu phí kiểm dịch một sản phẩm chăn nuôi tại
nhiều tỉnh trong quá trình vận chuyển.
- Điều chỉnh thời hạn cấp Giấy chứng
nhận kiểm dịch cho các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu theo thông lệ quốc tế.
- Thực hiện chức năng nhiệm vụ quản
lý Nhà nước, chủ động đàm phán ký Nghị định thư hoặc các thỏa thuận về kiểm dịch
với các đối tác để mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi,
trước mắt là với Hồng Kông, Malaysia về sản phẩm trứng vịt muối của Việt Nam và
thịt lợn với Liên bang Nga.
c) Đối với Cục Bảo vệ thực vật:
Xem xét lại các quy định về kiểm dịch
thực vật phù hợp theo thông lệ quốc tế và các nước có điều kiện tương đồng nhằm
giảm thiểu chủng loại, thời gian và chi phí kiểm dịch với các loại nguyên liệu
TĂCN nhập khẩu, trong đó lưu ý đối với mặt hàng DDGS.
d) Các đơn vị khác thuộc Bộ (Cục Quản
lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; các vụ: Quản lý doanh nghiệp, Khoa học
Công nghệ và Môi trường, Hợp tác Quốc tế; Trung tâm Khuyên nông Quốc gia; Viện
Chăn nuôi):
- Trong chức năng nhiệm vụ của mình
phối hợp với Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Cục Bảo vệ Thực vật triển khai kịp thời
và hiệu quả các nhiệm vụ cụ thể nêu trên.
- Vụ Khoa học Công nghệ sớm tìm giải
pháp tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chăn nuôi có thể tham gia được
nhiều nhất vào hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ,
- Vụ Hợp tác quốc tế chủ động thông
tin kịp thời về nội dung đàm phán và tiến trình hội nhập quốc tế có liên quan đến
thị trường, hàng rào kỹ thuật các sản phẩm chăn nuôi để các doanh nghiệp biết
và chủ động có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp.
đ) Đối với các doanh nghiệp:
- Thực hiện nghiêm túc các quy định về
quản lý nâng cao chất lượng và an toàn sản phẩm chăn nuôi. Chủ động xây dựng
các chuỗi liên kết trong sản xuất thực phẩm và chăn nuôi nhằm nâng cao sức cạnh
tranh của các sản phẩm chăn nuôi trong nước và việc làm, thu nhập cho người
chăn nuôi.
- Tăng cường liên kết với các cơ quan
nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi để đưa nhanh các tiến bộ
kỹ thuật mới vào sản xuất. Chủ động tìm kiếm và định hướng mở rộng thị trường
cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước và xuất khẩu.
- Tăng cường trao đổi và hợp tác với
các cơ quan quản lý để hoàn thiện hệ thống chính sách, các văn bản pháp quy và
giải pháp quản lý phù hợp tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh
của các doanh nghiệp và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi trong hội
nhập, phát triển.
3. Tăng cường
trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp:
- Ngoài những trường hợp đột xuất, định
kỳ từ 3 đến 6 tháng, Bộ Nông nghiệp & PTNT sẽ tổ chức họp đối thoại với các
doanh nghiệp 1 lần.
- Các Cục, Vụ có liên quan trực tiếp
đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cần chủ động tổ chức
thường xuyên các cuộc họp đối thoại với các doanh nghiệp để bàn, tìm giải pháp
tháo gỡ kịp thời các khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất chăn nuôi.
Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn thông báo để các đơn vị liên quan biết và triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- TTr. Vũ Văn Tám (để b/c);
- Các đơn vị thuộc Bộ (để th/h);
- Các doanh nghiệp (để th/h);
- Lưu: VT, CN.
|
TL. BỘ TRƯỞNG
KT. CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ VĂN PHÒNG PHỤ TRÁCH
Trần Quốc Tuấn
|