VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 134/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 02
tháng 4 năm 2024
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THƯỜNG TRỰC
CHÍNH PHỦ TẠI CUỘC HỌP VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI QUÝ I NĂM 2024; TÌNH HÌNH
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-CP NĂM 2024, GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG VÀ TRIỂN
KHAI CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA; CÁC BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ BỔ SUNG KẾT QUẢ
THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2023,
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ
NƯỚC NĂM 2024
Ngày 01 tháng 4 năm 2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về
tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2024; tình hình thực hiện Nghị quyết số
01/NQ-CP năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các Chương trình mục
tiêu quốc gia; các Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Tham dự cuộc họp có Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công
an; Quốc phòng; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Xây dựng; Văn hóa,
Thể thao và Du lịch; Y tế; Ngoại giao; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn; Lao động - Thương binh và Xã hội; Tài nguyên và Môi trường;
Giáo dục và Đào tạo; Thông tin và Truyền thông; Nội vụ; Tư pháp; Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam; Ủy ban Dân tộc; Văn phòng Chính phủ; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước
tại doanh nghiệp; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Thông tấn
xã Việt Nam; Tổng cục Thống kê.
Sau khi nghe báo cáo của các Bộ: Kế hoạch và Đầu
tư, Tài chính, ý kiến của các đại biểu dự họp, Thường trực Chính phủ thống nhất
như sau:
1. Đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính
và các Bộ, cơ quan liên quan đã xây dựng các dự thảo Báo cáo, tài liệu phục vụ
cuộc họp; các đại biểu dự họp đã phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, sâu sắc,
sát thực tiễn.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tiếp thu đầy đủ
các ý kiến xác đáng tại cuộc họp để hoàn thiện các Tờ trình, Báo cáo, tài liệu
phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến của
Chính phủ với địa phương, cơ bản đồng ý về kết cấu, nhưng phải có điểm nhấn và
tính chiến đấu cao hơn nữa, trong đó lưu ý một số nội dung sau:
a) Đánh giá khái quát chung kết quả đạt được về tổng
thể và trong từng lĩnh vực trong Quý I với nhận định rõ ràng kèm theo số liệu
chứng minh cụ thể, trong đó nhấn mạnh về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; làm rõ những vấn
đề mà các bộ, cơ quan, địa phương đã làm tốt và những vấn đề cần lưu ý tiếp tục
tập trung tháo gỡ, khắc phục trong thời gian tới; bổ sung các số liệu của địa
phương về tăng trưởng GRDP, thu ngân sách, giải ngân đầu tư công...
b) Tiếp tục rà soát kỹ, nhấn mạnh bài học kinh nghiệm
trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nhất là cần bám sát tình hình, xác định
đúng, trúng nhiệm vụ để có phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, thực hiện
quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; tăng cường
phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan
để xử lý các vấn đề phát sinh; kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né
tránh trách nhiệm, sợ sai, gây phiền hà ở các cấp làm giảm hiệu quả đóng góp
cho nền kinh tế của người dân, doanh nghiệp.
c) Phân tích, đánh giá sâu sắc hơn kết quả đã đạt được
trong quý, những hạn chế yếu kém cần khắc phục, tình hình xử lý các vấn đề tồn
đọng, các vấn đề mới cần tập trung chỉ đạo điều hành, nhất là việc thực hiện chế
độ tiền lương mới, việc kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính và đơn vị sự
nghiệp công lập; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn
2023-2030; nhấn mạnh thêm những kết quả đạt được trong phát triển văn hóa, du lịch.
d) Trên cơ sở phân tích, đánh giá cụ thể tình hình
trên các lĩnh vực, nhấn mạnh kết quả nổi bật đạt được trong phát triển kinh tế
- xã hội Quý I là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng
trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nợ công, nợ
Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước trong giới hạn
cho phép. Chú trọng tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu
tư, xuất khẩu, tiêu dùng), đồng thời tích cực thúc đẩy các động lực tăng trưởng
mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Thu hút đầu tư nước ngoài,
thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán, du lịch phục hồi tích cực. Giải
ngân đầu tư công, thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia có nhiều tiến bộ.
Đẩy mạnh thực hiện 03 đột phá chiến lược, nhất là trong xây dựng, hoàn thiện thể
chế, phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đời sống vật chất, tinh thần
của Nhân dân được nâng lên, công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm nhất
là trong dịp tết và thời kỳ giáp hạt, và là điểm sáng. Quốc phòng an ninh được
tăng cường, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trật tự an toàn xã hội được
bảo đảm; công tác phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm
tin trong Nhân dân.
đ) Bên cạnh các kết quả đạt được, còn một số vấn đề
cần tiếp tục được quan tâm, tập trung tháo gỡ trong thời gian tới, nhất là:
tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với mục tiêu đề ra; tiếp cận tín dụng còn khó
khăn; công tác điều hành tỷ giá, quản lý thị trường vàng còn lúng túng, bất cập,
cần tiếp tục được hoàn thiện; giá cả hàng hóa, nông sản biến động, có xu hướng
tăng, đòi hỏi cần có định hướng thúc đẩy sản xuất hiệu quả, bền vững; công tác
bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch, bệnh cần quan tâm hơn nữa...
e) Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới:
- Nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục chú trọng theo
dõi, bám sát tình hình, có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả với
các vấn đề phát sinh; tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định
kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy
mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo việc
làm, sinh kế cho người dân.
- Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt,
kịp thời, hiệu quả hơn, kết hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa, hợp lý, thúc đẩy lẫn
nhau với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; điều hành hợp lý giữa
tỷ giá và lãi suất phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và
mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục có chính sách đột phá tháo gỡ khó khăn
trong tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp và người dân.
- Trước ngày 10 tháng 4 năm 2024, thực hiện công
khai mặt bằng lãi suất cho vay của tất cả các ngân hàng, tổ chức nào không thực
hiện thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý theo quy định của pháp luật,
việc triển khai các gói tín dụng, hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân
hàng thương mại. Tiếp tục chủ động thực hiện các giải pháp, công cụ điều hành,
quản lý thị trường vàng nhanh hơn, kịp thời và hiệu quả hơn, phù hợp với diễn
biến thị trường nhằm bình ổn giá vàng, phát triển thị trường vàng ổn định, lành
mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững.
- Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao hiệu
quả thu ngân sách nhà nước, mở rộng cơ sở thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp
thời và chống thất thu thuế; nhất là thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống,
nhà hàng, triển khai tích cực việc thanh toán hóa đơn điện tử gắn với triển
khai Đề án 06. Tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, nhất là chi thường
xuyên, rà soát, mạnh tay cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết. Đẩy
mạnh ứng dụng chuyển đổi số, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý thu,
chi ngân sách nhà nước.
- Thực hiện hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ
phí đã được cấp có thẩm quyền ban hành; khẩn trương tổng kết, đánh giá kết quả
thực hiện giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng để báo cáo Quốc hội trước ngày
15 tháng 4 năm 2024 để kịp thời xem xét, thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2024;
chủ động nghiên cứu, kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các
chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất... để tiếp tục tháo
gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
- Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06 và công tác
cải cách thủ tục hành chính; tập trung cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản
hóa thủ tục hành chính, tạo sự chuyển biến thực chất trong việc cung cấp dịch vụ
công, giảm phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường
phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực thực thi, giải quyết thủ tục hành
chính; chấn chỉnh, khắc phục triệt để việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm sợ
sai, sợ vi phạm trong thực thi công vụ.
- Khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai hiệu
quả Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, Đề án Phát
triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm
2045.
- Thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông kịp
thời, sâu rộng, khách quan về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và kết quả
phát triển kinh tế - xã hội, tạo khí thế, niềm tin, động lực mới truyền cảm hứng
tích cực cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
- Khẩn trương trình, ban hành trong tháng 4 năm
2024 các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật, Nghị quyết đã
được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, nhất là Luật
các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động
sản, Luật Nhà ở...bảo đảm chất lượng, tiến độ hướng dẫn thi hành khi Luật có hiệu
lực. Tập trung xây dựng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án thuộc Chương
trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, chuẩn bị kỹ lưỡng, kịp thời, chất lượng
các nội dung phục vụ Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổng hợp, tiếp
thu, giải trình đầy đủ các ý kiến góp ý của các Bộ, cơ quan để hoàn thiện các
Báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã
hội, đầu tư công năm 2023, tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế -
xã hội, đầu tư công năm 2024, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP , tình
hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, báo cáo Chính phủ tại phiên
họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với
địa phương.
4. Bộ Tài chính tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, chính
xác cập nhật số liệu, hoàn thiện Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện
ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách
nhà nước năm 2024, báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3
năm 2024 và Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương.
5. Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến tại
phiên họp, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trong đó xác định các nhiệm vụ, giải
pháp phân công cho từng Bộ, cơ quan, địa phương gắn với thời hạn hoàn thành cụ
thể để gửi xin ý kiến các thành viên Chính phủ tại phiên họp.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên
quan biết, thực hiện.
Nơi nhận:
- TTgCP, các PTTg;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp;
- Đài Truyền hình Việt Nam;
- Đài Tiếng nói Việt Nam;
- Thông tấn xã Việt Nam;
- Tổng cục Thống kê;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cục: TH, TKBT, ĐMDN, NN, CN, KGVX, QHĐP, NC,
PL, QHQT, KSTT;
- Lưu: VT, KTTH (3).
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Đỗ Ngọc Huỳnh
|