BỘ CÔNG
THƯƠNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 963/QĐ-BCT
|
Hà Nội, ngày
08 tháng 02 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA
CỤC XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18
tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12
tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Công Thương;
Theo đề nghị của Cục Trưởng Cục Xúc tiến
thương mại và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
Cục Xúc tiến thương mại là tổ chức trực thuộc Bộ
Công Thương, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ
chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến
đầu tư phát triển ngành Công Thương và thương hiệu theo quy định của pháp luật.
Cục Xúc tiến thương mại có tư cách pháp nhân,
con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật; kinh phí hoạt động do
ngân sách nhà nước cấp và từ các nguồn khác theo quy định của Nhà nước.
Cục Xúc tiến thương mại có tên giao dịch quốc tế
bằng tiếng Anh: VIETNAM TRADE PROMOTION AGENCY;
Viết tắt : VIETRADE.
Trụ sở chính đặt tại: Số 20, Phố Lý Thường Kiệt,
Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành hoặc
trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành chương trình, dự án, đề
án, chiến lược, kế hoạch, các văn bản phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định
mức - kinh tế kỹ thuật, quy chế quản lý về hoạt động xúc tiến thương mại, xúc
tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương và thương hiệu.
2. Ban hành các văn bản cá biệt, văn bản thuộc
chuyên ngành của Cục và một số văn bản liên quan đến quản lý nhà nước về xúc tiến
thương mại, xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương và thương hiệu theo
quy định của pháp luật.
3. Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực
hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, dự án, đề án về
xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương và thương hiệu
theo quy định của pháp luật.
4. Về xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư
phát triển ngành Công Thương:
a) Tham mưu giúp Bộ trưởng xây dựng và ban hành
Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, chiến lược, chính sách xúc tiến
thương mại và xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương trong phạm vi quản
lý nhà nước của Bộ;
b) Giúp Bộ trưởng chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức,
kiểm tra, tổng hợp, đánh giá việc thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc
gia; chỉ đạo, điều phối, phối hợp, hỗ trợ các tổ chức xúc tiến thương mại Chính
phủ, phi Chính phủ hoạt động xúc tiến thương mại theo quy định của pháp luật;
c) Trình Bộ trưởng quy định nội dung, điều kiện
hoạt động về quảng cáo thương mại, hội chợ, triển lãm thương mại, khuyến mại,
trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ ở trong và ngoài nước theo quy định của
pháp luật;
d) Hướng dẫn, kiểm tra về nội dung, điều kiện hoạt
động về quảng cáo thương mại, hội chợ, triển lãm thương mại, khuyến mại, trưng
bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ ở trong và ngoài nước theo quy định của pháp
luật;
đ) Quản lý nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm
cho các hoạt động xúc tiến thương mại trên phạm vi toàn quốc;
e) Chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Công Thương về công
tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư
phát triển ngành Công Thương theo quy định của pháp luật;
g) Phối hợp với bộ phận làm công tác kinh tế,
thương mại tại các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong hoạt động
xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương.
h) Nghiên cứu thị trường nhằm hoạch định chính
sách xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương và hỗ trợ
doanh nghiệp; thu thập, tổng hợp, xử lý thông tin thị trường phục vụ các cơ
quan, doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế;
i) Tổ chức và thực hiện các hoạt động xúc tiến
thương mại, xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương; tổ chức hoạt động giới
thiệu sản phẩm ở nước ngoài; quản lý các Trung tâm giới thiệu sản phẩm, Trung
tâm thương mại, Trung tâm xúc tiến thương mại của Việt Nam ở nước ngoài.
5. Xây dựng, quản lý Chương trình Truyền hình
Công Thương để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư
phát triển ngành Công Thương, và thương hiệu.
6. Về quản lý hoạt động Văn phòng đại diện các tổ
chức xúc tiến thương mại nước ngoài và các tổ chức khác tiến hành các hoạt động
liên quan đến xúc tiến thương mại tại Việt Nam:
a) Tham mưu giúp Bộ trưởng xây dựng và ban hành
quy định về quản lý hoạt động của Văn phòng đại diện các tổ chức xúc tiến
thương mại nước ngoài và các tổ chức khác tiến hành các hoạt động liên quan đến
xúc tiến thương mại tại Việt Nam;
b) Giúp Bộ trưởng hướng dẫn và tổ chức thực hiện
việc cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy phép của Văn phòng đại
diện các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài và các tổ chức khác tiến hành
các hoạt động liên quan đến xúc tiến thương mại tại Việt Nam theo quy định của
pháp luật
7. Về thương hiệu:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên
quan và tham mưu giúp Bộ trưởng xây dựng và thực hiện Chương trình Thương hiệu
Quốc gia theo quy định của pháp luật;
b) Xây dựng kế hoạch và tổ chức hướng dẫn, thực
hiện chương trình thương hiệu quốc gia; quảng bá hình ảnh đất nước, hình ảnh
doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và ngoài nước; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt
Nam xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu.
8. Hướng dẫn và kiểm tra hoạt động của các hội
ngành nghề trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phát triển ngành
Công Thương và thương hiệu theo phân cấp của Bộ và quy định của pháp luật.
9. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hoạt động xúc
tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương và thương hiệu
theo phân công của Bộ.
10. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi
dưỡng, hướng dẫn về các văn bản quy phạm pháp luật và nghiệp vụ, chuyên môn về
xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương và thương hiệu.
11. Tổ chức nghiên cứu và triển khai nhiệm vụ
khoa học công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin về
xúc tiến thương mại, thương hiệu, xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương.
12. Kiểm tra giải quyết khiếu nại, tố cáo,
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thuộc
phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ.
13. Tổng hợp, lập báo cáo định kỳ, báo cáo đột
xuất, đánh giá tình hình hoạt động về xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phát
triển ngành Công Thương và thương hiệu.
14. Xây dựng và thực hiện chương trình cải cách
hành chính của Cục theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính của
Bộ.
15. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ,
công chức, thực hiện chế độ tiền lương và các chính sách, chế độ đãi ngộ về thi
đua, khen thưởng, kỷ luật, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ,
công chức thuộc Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ.
16. Quản lý tài chính, tài sản được giao, tổ chức
thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật.
17. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ
trưởng giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
1. Bộ máy giúp việc Cục trưởng:
a) Văn phòng;
b) Phòng Kế hoạch - Tài chính;
c) Phòng Quản lý Xúc tiến thương mại;
d) Phòng Nghiên cứu phát triển thị trường;
đ) Phòng Chính sách phát triển xuất khẩu;
e) Phòng Thông tin truyền thông và Phát triển
thương hiệu;
g) Phòng Hợp tác quốc tế;
h) Văn phòng đại diện Cục Xúc tiến thương mại tại
Thành phố Hồ Chí Minh;
i) Văn phòng đại diện Cục Xúc tiến thương mại tại
Thành phố Đà Nẵng.
2. Các đơn vị sự nghiệp:
a) Truyền hình Công Thương;
b) Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu;
c) Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển Công
Thương;
d) Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến
thương mại;
đ) Trung tâm Giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại
New York;
e) Các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại
nước ngoài.
Việc thành lập, giải thể các đơn vị thuộc Cục do
Bộ trưởng xem xét và quyết định theo đề nghị của Cục trưởng.
Điều 4. Lãnh đạo Cục
1. Cục Xúc tiến thương mại có Cục trưởng và các
Phó Cục trưởng.
2. Cục trưởng và các Phó Cục trưởng do Bộ trưởng
Bộ Công Thương bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật
theo quy định của pháp luật.
3. Cục trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Cục, ban hành Quy chế tổ chức và hoạt
động của Cục theo phân cấp quản lý của Bộ.
4. Cục trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động,
luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ cấp phòng hoặc tương đương thuộc Cục.
5. Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng
và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục; Phó Cục trưởng chịu trách nhiệm
trước Cục trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.
Điều 5. Hiệu lực và trách
nhiệm thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày ký và thay thế Quyết định số 0800/QĐ-BCT ngày 30 tháng 1 năm 2008 của Bộ
Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục
Xúc tiến thương mại.
2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ
trưởng, Tổng Cục trưởng, Cục trưởng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Các Đ/c Thứ trưởng;
- Đảng ủy Bộ Công Thương;
- Công đoàn, đoàn TNCS HCM
Cơ quan Bộ Công Thương;
- Công đoàn Công Thương Việt Nam;
- Đảng ủy Khối công nghiệp TP. Ha Nội;
- Đảng ủy Khối công nghiệp TP. Hồ Chí Minh;
- Đảng ủy Khối thương mại TP. Hồ Chí Minh;
- Các cơ quan có liên quan;
- Lưu: VT, TCCB.
|
BỘ TRƯỞNG
Vũ Huy Hoàng
|