BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 926/QĐ-BTTTT
|
Hà Nội, ngày 10
tháng 06 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN LIÊN NGÀNH PHÒNG, CHỐNG IN
LẬU TRUNG ƯƠNG
BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Căn cứ Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng
10 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Căn cứ Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19 tháng
6 năm 2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 16/2009/TTLT-BTTTT-BCA
ngày 12 tháng 5 năm 2009 giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an về phối
hợp phòng, chống in lậu;
Xét đề nghị của Trưởng Đoàn liên ngành,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Tổ chức và hoạt động
của Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng các Vụ: Tổ chức cán bộ, Pháp chế,
Kế hoạch Tài chính; Chánh Thanh tra; Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành;
Trưởng Đoàn liên ngành và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Thứ trưởng Bộ TTTT (để biết);
- Bộ Công an (để biết);
- Bộ Công thương (để biết);
- Bộ Tài chính (để biết);
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (để biết);
- Tổng cục An ninh (để phối hợp);
- Tổng cục Cảnh sát (để phối hợp);
- Cục Quản lý thị trường (để phối hợp);
- Tổng cục Hải quan (để phối hợp);
- Sở TTTT các tỉnh, TP trực thuộc TW (để phối hợp);
- Lưu: VT, CXBIPH, ĐLN, PTT(95).
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Bắc Son
|
QUY CHẾ
TỔ
CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN LIÊN NGÀNH PHÒNG, CHỐNG IN LẬU TRUNG ƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 926/QĐ-BTTTT, ngày 10 tháng 6 năm 2015 của
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về tổ chức và
hoạt động của Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương, được thành lập
theo Quyết định số 1776/QĐ-BTTTT ngày 27/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và
Truyền thông về việc thành lập Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương (sau
đây gọi tắt là Đoàn liên ngành).
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với thành
viên Đoàn liên ngành và các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Điều 3.
Nguyên tắc hoạt động của Đoàn liên ngành
1. Bảo đảm thống nhất việc tổ chức
thực hiện và phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về phòng, chống in lậu từ
Trung ương đến địa phương.
2. Bảo đảm tính kỷ luật, kỷ cương,
trách nhiệm trong các hoạt động của Đoàn liên ngành và của các thành viên.
3. Thành viên của Đoàn liên ngành
được cấp thẻ công tác và chỉ được sử dụng thẻ trong các nhiệm vụ liên quan.
Chương II
TỔ CHỨC VÀ HOẠT
ĐỘNG CỦA ĐOÀN LIÊN NGÀNH
Điều 4. Tổ chức
của Đoàn liên ngành
1. Cơ quan Thường trực của Đoàn
liên ngành là Cục Xuất bản, In và Phát hành.
2. Đoàn liên ngành có Trưởng đoàn,
các Phó Trưởng đoàn và các thành viên.
3. Đoàn liên ngành có Tổ Thường trực
giúp việc.
4. Đoàn liên ngành và Tổ thường trực
có trụ sở đặt tại Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông,
số 10 Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.
5. Các thành viên của Đoàn liên
ngành và Tổ thường trực làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm trước
Trưởng đoàn về nhiệm vụ được phân công và đảm bảo sự phối hợp với các thành
viên khác trong mọi hoạt động liên quan.
6. Đoàn liên ngành được sử dụng
con dấu của Cục Xuất bản, In và Phát hành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Điều 5. Nhiệm
vụ, quyền hạn của Đoàn liên ngành
1. Nhiệm vụ của Đoàn liên ngành
a) Hằng năm, xây dựng chương trình
kế hoạch thanh tra, kiểm tra; tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra theo chương
trình kế hoạch hoặc đột xuất và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động in trên
phạm vi toàn quốc;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn Đội liên
ngành địa phương tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra các vi phạm pháp
luật về hoạt động in để đấu tranh phòng, chống in lậu tại địa phương;
c) Xây dựng kế hoạch, tổ chức hướng
dẫn, tuyên truyền, học tập, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về in và công tác
phòng, chống in lậu;
d) Thực hiện các hoạt động phối hợp
với các Đội liên ngành địa phương triển khai công tác phòng, chống in lậu;
đ) Tham mưu cho lãnh đạo Bộ các giải
pháp tăng cường công tác quản lý hoạt động in để phòng, chống in lậu;
e) Sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm
về công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động in
trên phạm vi toàn quốc; đề nghị khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích
trong công tác phòng, chống in lậu.
2. Quyền hạn của Đoàn liên ngành
a) Được sử dụng cộng tác viên
chuyên môn cho từng đợt công tác hoặc nhiệm vụ cụ thể theo yêu cầu công việc;
b) Thực hiện các hoạt động phối hợp,
kiểm tra các Đội liên ngành địa phương trong công tác phòng, chống in lậu;
c) Được tiếp cận thông tin, tài liệu
về phòng, chống in lậu và các thông tin liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm
vụ;
d) Được đào tạo, tập huấn nâng cao
trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về phòng, chống in lậu;
đ) Tham gia, phối hợp, tổ chức các
chương trình, dự án về phòng, chống in lậu;
e) Được đảm bảo các điều kiện làm
việc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
3. Nhiệm vụ của Tổ thường trực
a) Làm đầu mối giúp việc Đoàn liên
ngành trong các hoạt động của Đoàn;
b) Tiếp nhận các thông tin liên
quan đến công tác phòng, chống in lậu trên phạm vi toàn quốc; tham mưu, đề xuất
Đoàn liên ngành thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất,
xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hoạt động in trên phạm vi
toàn quốc; tham mưu, đề xuất Đoàn liên ngành tổ chức công tác tuyên truyền, chỉ
đạo, đôn đốc, kiểm tra các Đội liên ngành địa phương.
c) Tổng hợp báo cáo kết quả hoạt động
phòng, chống in lậu trên phạm vi toàn quốc; tham mưu Đoàn liên ngành công tác tổng
kết rút kinh nghiệm, khen thưởng và kế hoạch thực hiện năm tiếp theo.
Điều 6. Nhiệm
vụ của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn, thành viên Đoàn liên ngành
1. Nhiệm vụ của Trưởng đoàn
a) Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng
về hoạt động của Đoàn liên ngành;
b) Chỉ đạo Đoàn liên ngành, Tổ thường
trực hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại Quy chế này;
c) Triệu tập và chủ trì các cuộc họp
của Đoàn liên ngành;
d) Thay mặt Đoàn liên ngành ký các
văn bản gửi các tổ chức, cá nhân;
đ) Chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ
khác của Đoàn liên ngành theo quy định của pháp luật.
2. Nhiệm vụ của Phó Trưởng đoàn
a) Giúp Trưởng đoàn trong việc điều
hành hoạt động của Đoàn liên ngành và chịu trách nhiệm trước Trưởng đoàn về phần
việc được phân công;
b) Thay mặt Trưởng đoàn điều hành
và giải quyết công việc khi được ủy quyền.
3. Nhiệm vụ của các thành viên
a) Thực hiện các nhiệm vụ của Đoàn
liên ngành khi được phân công;
b) Tham gia đầy đủ các cuộc họp của
Đoàn liên ngành;
c) Tham gia các đoàn thanh tra, kiểm
tra khi được yêu cầu.
Điều 7. Thay đổi,
bổ sung thành viên Đoàn liên ngành
1. Việc thay đổi Trưởng đoàn, Phó
Trưởng đoàn và các thành viên Đoàn liên ngành do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền
thông quyết định.
2. Việc thay đổi, bổ sung thành
viên Đoàn liên ngành do Trưởng Đoàn liên ngành đề nghị bằng văn bản.
Điều 8. Chế độ
hội họp
1. Định kỳ 3 tháng 1 lần, Đoàn
liên ngành họp giao ban để đánh giá kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch và
đề ra phương hướng nhiệm vụ thời gian tới; báo cáo đề xuất cơ quan quản lý nhà
nước, Lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông để có những chỉ đạo kịp thời phù hợp với
tình hình thực tế.
2. Định kỳ 6 tháng và hàng năm tổ
chức sơ kết, tổng kết hoạt động của Đoàn liên ngành.
3. Trường hợp đột xuất do yêu cầu
công tác, Trưởng Đoàn liên ngành sẽ triệu tập họp bất thường để giải quyết.
Điều 9. Quản
lý hồ sơ, tài liệu
1. Tổ thường trực có trách nhiệm
lưu trữ các tài liệu liên quan đến hoạt động của Đoàn liên ngành.
2. Hồ sơ các cuộc thanh tra, kiểm
tra được lưu trữ theo quy định của pháp luật về thanh tra.
3. Việc khai thác, tra cứu tài liệu
được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Kinh
phí hoạt động
1. Kinh phí hoạt động của Đoàn
liên ngành được đảm bảo từ ngân sách hằng năm của Bộ Thông tin và Truyền thông
(cấp qua Cục Xuất bản, In và Phát hành) và các nguồn hợp pháp khác.
2. Việc dự toán kinh phí hoạt động
và thanh, quyết toán của Đoàn liên ngành thực hiện theo các quy định của pháp
luật.
Điều 11. Chế
độ công tác phí, phụ cấp, phương tiện hoạt động
1. Đoàn liên ngành được hưởng tiền
công tác phí và các khoản phụ cấp theo quy định.
2. Phương tiện công tác
a) Đoàn liên ngành được sử dụng
phương tiện ô tô, máy tính, máy ảnh, máy ghi âm, máy quay phim, điện thoại di động;
được thanh toán cước thông tin di động, tiền vé máy bay, tàu thủy và dịch vụ vận
chuyển khác theo chế độ hiện hành của nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ;
b) Đoàn liên ngành được trang bị
thiết bị văn phòng và phí sử dụng hằng tháng theo quy định: Bàn, ghế làm việc,
máy vi tính, điện thoại cố định, fax, đường truyền kết nối internet, văn phòng
phẩm khác;
3. Đoàn liên ngành được sử dụng
kinh phí của Đoàn để thanh toán cho cộng tác viên theo quy định tài chính hiện
hành.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Điều 12.
Trách nhiệm thực hiện
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị
liên quan có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện về phương tiện, trang thiết bị
và các điều kiện cần thiết khác để Đoàn liên ngành hoàn thành nhiệm vụ.
2. Trưởng Đoàn liên ngành, Cục trưởng
Cục Xuất bản, In và Phát hành, Chánh Văn phòng, Vụ trưởng các Vụ: Tổ chức cán bộ,
Pháp chế, Kế hoạch Tài chính có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện Quy
chế này.
3. Quá trình thực hiện Quy chế nếu
phát sinh vướng mắc, Trưởng Đoàn liên ngành báo cáo Bộ trưởng Bộ Thông tin và
Truyền thông để xem xét, quyết định./.