Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 893/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 11/06/2014 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 893/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 06 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH BÌNH DƯƠNG ĐẾN NĂM 2020, BỔ SUNG QUY HOẠCH ĐẾN NĂM 2025

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển:

Quan điểm tổng quát: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và phát triển bền vững trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh khu vực dịch vụ, phát triển đô thị hóa, phát triển công nghệ cao; gắn kết nhanh với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN); giữ vững an ninh chính trị trật tự xã hội, quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái có hiệu quả.

Quan điểm phát triển bền vững và tạo đột phá:

- Trong 10 - 15 năm tới, kinh tế vẫn tiếp tục phát triển các ngành có ưu thế, có giá trị gia tăng cao để phục vụ nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; đồng thời nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp chủ lực theo hướng đầu tư ra ngoài tỉnh và ra nước ngoài.

- Đi trước, đón đầu Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và cộng đồng chung ASEAN trong tương lai gần để có cơ chế, chính sách khai thác có hiệu quả sớm nhất thời cơ và lợi thế trong kỳ quy hoạch.

- Tiếp tục chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Chú trọng vai trò của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế là phục vụ cho công nghiệp hóa, đô thị hóa với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao.

- Tập trung nguồn lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với hiện đại hóa và công nghiệp hóa tạo đột phá cho phát triển.

- Ưu tiên phát triển một số công trình quan trọng phục vụ con người về giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe tạo ra sự chuyển biến lớn về an sinh xã hội trên địa bàn.

- Phát triển kinh tế đồng bộ với phát triển xã hội; gắn với quốc phòng - an ninh để đảm bảo quá trình phát triển được ổn định và bền vững.

2. Điều chỉnh mục tiêu phát triển;

Mục tiêu tổng quát; Xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, trở thành một trong những đô thị phát triển kinh tế - xã hội của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, có sức lan tỏa lớn, có tác động mạnh đến các tỉnh lân cận và vùng xung quanh; Bình Dương trở thành một đô thị trực thuộc Trung ương trước năm 2020; công nghiệp phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tỷ lệ nội địa cao, ít thâm dụng lao động; cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ hiện đại; du lịch phát triển theo hướng đa dạng loại hình dịch vụ; Sinh thái, lịch sử, văn hóa, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học... gắn chặt với đô thị xanh, văn minh, hiện đại; nông nghiệp đô thị gắn với công nghệ sinh học cao và chuyển giao công nghệ sinh học.

Mục tiêu cụ thể:

a) Thời kỳ 2011- 2015: Thực hiện theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2015 (KH11-15).

Mục tiêu kinh tế:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế thời kỳ 2011-2015 sẽ điều chỉnh từ 14,9%/năm theo QH2007 xuống 13,5%/năm theo KH11-15. Trong đó, Công nghiệp - Xây dựng (CN-XD) điều chỉnh từ 14,5%/năm (theo QH2007) xuống 9,0%/năm (theo KH11-15); khu vực Dịch vụ (DV) điều chỉnh từ 16,5%/năm (theo QH2007) tăng lên 22,0%/năm (theo KH11-15); khu vực Nông - Lâm nghiệp (NLN) điều chỉnh từ 3,4%/năm (theo QH2007) xuống 2,0%/năm theo KH11-15.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng của các ngành dịch vụ; điều chỉnh tỷ trọng các ngành DV từ 30,0% (theo QH2007) tăng lên 38,0% (theo KH11-15). Khu vực CN - XD điều chỉnh từ 62,9% (theo QH2007) xuống 59,0% (theo KH11-15). Các ngành khu vực nông - lâm nghiệp (NLN) điều chỉnh từ 3,4% (theo QH2007) xuống 3,0% (theo KH11-15).

Tổng dân số năm 2015 đạt 2,043 triệu (QH2007 là 1,6 triệu người). Tốc độ tăng trưởng dân số bình quân sẽ điều chỉnh từ 5,9%/năm (theo QH2007) xuống 4,8%/năm (theo KH11-15).

Kim ngạch xuất - nhập khẩu: Điều chỉnh kim ngạch xuất khẩu tăng từ 14,0 tỷ USD (theo QH2007) lên 23,55 tỷ USD (theo KH11-15). Điều chỉnh kim ngạch nhập khẩu tăng từ 10,0 tỷ USD (theo QH2007) lên 16,05 tỷ USD (theo KH11-15).

Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đạt nền tảng của đô thị loại I: Tập trung xây dựng đường trục giao thông huyết mạch hướng tâm, xuyên tâm và đối ngoại: Hoàn thiện một số trục kết nối với các trung tâm kinh tế, cảng nước sâu, sân bay quốc tế trong vùng ĐNB; KTTĐPN và TP. Hồ Chí Minh.

Mục tiêu xã hội:

Tỷ lệ đô thị hóa điều chỉnh tăng từ 50,0% (của QH2007) lên 70,0%.

Điều chỉnh GDP bình quân đầu người điều chỉnh từ 52,0 triệu đồng/người (theo QH2007) lên 63,2 triệu đồng/người (tương đương 3.000 USD/người).

Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm theo tiêu chí của Tỉnh còn dưới 1% vào năm 2015[1]

Số lao động được giải quyết việc làm: 44,0 nghìn lao động.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 70,0% lực lượng lao động.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi cân nặng theo tuổi: Dưới 11,0%.

Giảm tỷ lệ trẻ em chết dưới 1 tuổi dưới 8 ‰.

Tỷ lệ giáo viên các cấp đạt trên chuẩn: 45,0%.

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: 65,0%.

Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đạt trên 90%.

Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có bác sĩ phục vụ đạt 100,0%.

Số cán bộ y tế/vạn dân: 41 cán bộ y tế/vạn dân.

Số bác sĩ/vạn dân: 8 bác sĩ/vạn dân.

Tỷ lệ giường bệnh/vạn dân: 27giường/vạn dân.

Tỷ lệ xã phường có thiết chế văn hóa đạt 60,0%; huyện, thị xã: Đạt 100,0%.

Số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới: 40% số xã.

Số thuê bao điện thoại trên 100 dân: 35 thuê bao/100 dân.

Có 100% số xã, ấp, khu phố có đường truyền internet và đường truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước.

Tỷ lệ người luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên: Đạt 33,0%.

Tỷ lệ hộ gia đình luyện tập thể dục, thể thao: Đạt 23,5%.

Diện tích nhà ở bình quân đầu người: 24,0 m2/người.

Tỷ lệ hộ sử dụng điện: 99,86%.

Tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch: 99,0%.

Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh: 98,0%.

Mục tiêu môi trường:

Tỷ lệ che phủ xanh, cây lâm nghiệp và cây công nghiệp lâu năm: 57,0%.

Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý: 90,0%.

Chất thải rắn y tế sẽ được thu gom và được xử lý: 100,0%.

100% các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường.

b) Thời kỳ 2016 - 2020: Bình Dương sẽ trở thành đô thị trực thuộc Trung ương

Mục tiêu kinh tế:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế chung giữ như QH2007 là bình quân tăng 13,0%/năm; Nhưng trong từng khu vực kinh tế có sự điều chỉnh, khu vực CN - XD điều chỉnh giảm từ 12,3%/năm (theo QH2007) xuống 10,0%/năm; khu vực DV điều chỉnh tăng từ 16,1% (theo QH2007) lên 16,63%/năm; khu vực NLN điều chỉnh giảm từ 3,6% (theo QH2007) xuống 2,3%/năm.

Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp, nhưng có sự điều chỉnh cơ cấu kinh tế của QH2007. Các ngành khu vực CN - XD tiếp tục giảm tỷ trọng, điều chỉnh giảm từ 59,0% (theo QH2007) xuống 50,44%; các ngành dịch vụ điều chỉnh tăng từ 42,2% (theo QH2007) lên 47,59%. Các ngành khu vực NLN điều chỉnh giảm từ 2,3%/năm (theo QH2007) xuống 1,97%.

Điều chỉnh tăng tổng dân số tăng từ 2,0 triệu người (theo QH2007) lên 2,5 triệu người. Tốc độ tăng trưởng dân số bình quân sẽ điều chỉnh giảm từ 4,6%, (theo QH2007) xuống 4,12%/năm.

Xuất - nhập khẩu: Điều chỉnh kim ngạch xuất khẩu tăng từ 25,0 tỷ USD (theo QH2007) lên 68,95 tỷ USD. Điều chỉnh kim ngạch nhập khẩu tăng từ 10,0 tỷ USD (QH2007) lên 32,3 tỷ USD.

Cơ bản hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đạt tiêu chuẩn đô thị trực thuộc Trung ương.

Mục tiêu xã hội:

Điều chỉnh tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 75,0% (theo QH2007) lên 80,0%.

Điều chỉnh GDP bình quân đầu người tăng từ 89,6 triệu đồng (theo QH2007) lên 135,8 triệu đồng (tương đương 6.170 USD/người).

Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm theo tiêu chí của tỉnh còn dưới 0,8%.

Số lao động được giải quyết việc làm: 40,0 nghìn lao động.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 80,0% lực lượng lao động.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi theo cân nặng theo tuổi: Dưới 8,0%.

Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đạt trên 90%;

Giảm tỷ lệ trẻ em chết dưới 1 tuổi dưới 6 phần nghìn.

Số cán bộ y tế/vạn dân vào năm 2020: 52 cán bộ y tế/vạn dân.

Số bác sĩ/vạn dân: 9 bác sĩ/vạn dân.

Tỷ lệ giường bệnh/vạn dân: 30 giường/vạn dân.

Tỷ lệ giáo viên đạt trên chuẩn: đạt 65,0%.

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: 75,0%.

Số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí nông thôn mới: 100% số xã.

Tỷ lệ số thuê bao điện thoại trên 100 dân: 55 thuê bao/100 dân.

Tỷ lệ luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên: 40,0%.

Tỷ lệ hộ gia đình luyện tập thể dục, thể thao: 35,0%.

Diện tích nhà ở bình quân đầu người: 30,0 m2/người.

Tỷ lệ hộ sử dụng điện: 99,9%.

Tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch: 100,0%.

Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh: 99,5%.

Mục tiêu môi trường:

Tỷ lệ che phủ xanh: Cây lâm nghiệp và cây lâu năm: Đạt 60,0%.

Tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu công nghiệp và đô thị đảm bảo.

100% các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường.

c) Bổ sung thời kỳ 2021 - 2025: Bình Dương là một đô thị công nghiệp, dịch vụ phát triển, nông nghiệp đô thị bền vững.

Tăng trưởng kinh tế thời kỳ 20 năm 2006 - 2025 bình quân 13,7%/năm; trong đó, thời kỳ 2021 - 2025 bình quân 13,6%/năm. Theo đó, CN - XD tăng bình quân 10,81%/năm; khu vực DV tăng bình quân 15,61%/năm; khu vực NLN tăng bình quân 2,5%/năm.

Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp. Khu vực CN - XD chiếm 49,03%; khu vực DV chiếm 49,00% và khu vực NLN chiếm 1,97%.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 186,0 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 63,0 tỷ USD.

Tổng quy mô dân số: 3,0 triệu người.

GDP bình quân đầu người đạt 264 triệu đồng/người (tương đương 12.000 USD/người).

Tỷ lệ đô thị hóa đạt 83,0 - 85,0%.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.

Xã hội văn minh, đô thị hiện đại, tiên tiến, nông thôn phát triển bền vững.

3. Điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế

Điều chỉnh tốc độ tăng trưởng: Tốc độ tăng trưởng cao để tăng quy mô kinh tế; tăng thu nhập bình quân đầu người là một những điều kiện quan trọng để nâng cao mức sống và tái đầu tư.

Thời kỳ 2016 - 2020: Tốc độ tăng trưởng chung của Phương án chọn tương tự như QH2007; là tăng 13,0%/năm. Tuy nhiên, trong từng nhóm ngành có khác với QH2007, cụ thể là: Khu vực CN - XD sẽ tăng 10,0%/năm (QH2007: 12,3%/năm); khu vực NLN tăng 2,3%/năm (QH2007: 3,6%/năm); Riêng khu vực DV tương tự QH2007, tăng 16,10%/năm (QH2007: 16,20%/năm).

Thời kỳ 2021 - 2025: Tốc độ tăng trưởng chung cao hơn thời kỳ 2016 - 2020, tăng 13,6%/năm; trong đó, khu vực CN - XD tăng bình quân: 10,56%/năm; DV tăng bình quân 16,0%/năm; NLN tăng bình quân 2,5%/năm.

Điều chỉnh quy mô kinh tế: Sau 10 năm, quy mô kinh tế (năm 2020 so với năm 2010) sẽ tăng khoảng 2,4 lần và năm 2025 so với năm 2015 tăng khoảng 2,5 lần. Điều chỉnh GDP bình quân đầu người đến năm 2020 từ 89,6 (QH2007) lên 135,8 triệu đồng (tương đương 6.170 USD/người); đến năm 2025, sẽ đạt 264 triệu đồng/người (tương đương 12.000 USD/người).

Điều chỉnh cơ cấu kinh tế để phát triển bền vững: Điều chỉnh khu vực CN - XD, chiếm 50,44% vào năm 2020 (QH2007: 55,5%); Khu vực DV chiếm 47,59% (QH2007: 42,2%); Khu vực NLN chiếm 1,97% (QH2007: 2,3%). Đến năm 2025, khu vực DV xấp xỉ với khu vực CN - XD (DV: 49,00% và CN - XD: 49,03%). Sự chuyển dịch cơ cấu CN - XD giảm và tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ thể hiện quá trình chuyển đổi mang tính ổn định và bền vững của nền kinh tế, để đến sau 2025, nền kinh tế Bình Dương sẽ chuyển sang Dịch vụ - Công nghiệp và Nông nghiệp một cách vững chắc hơn.

4. Điều chỉnh những giải pháp định hướng quan trọng để đạt mục tiêu

a) Phát triển ngành công nghiệp:

Đến năm 2020, Bình Dương sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn trong vùng; GTSX công nghiệp tăng 16,1%/năm thời kỳ 2016 - 2020 tốc độ tăng bình quân 20,0%/năm. Nỗ lực chuyển đổi công năng của một số KCN ở phía Nam và đầu tư phát triển mạnh công nghệ cao ở phía Bắc; chú trọng phát triển công nghệ có hàm lượng nội địa cao; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu, từng bước nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chế biến trên thị trường quốc tế. Phát triển công nghiệp gắn chặt với đô thị hóa. Phát triển mạng lưới công nghiệp - dịch vụ đô thị theo hướng hiện đại - văn minh và hiệu quả. Hình thành và tổ chức sắp xếp các cụm công nghiệp theo hướng kết hợp chặt chẽ khuyến khích hoạt động có hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phát triển công nghiệp gắn chặt với bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng trong lĩnh vực công nghiệp. Thu hút lao động có chất lượng cao; hạn chế tối đa ngành công nghiệp thâm dụng nhiều lao động một cách hợp lý.

Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp xuất khẩu như: Công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu; công nghiệp dệt - may xuất khẩu; công nghiệp da giày; công nghiệp chế biến cao su; công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống; công nghiệp cơ khí; thủ công mỹ nghệ; công nghiệp vật liệu xây dựng và gốm sứ.

Phát triển các khu, cụm công nghiệp (KCN, CCN). Phấn đấu nâng tỷ trọng các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch, điện, điện tử, công nghiệp chế biến... các khu, cụm công nghiệp chiếm 30-32,0% GTSX công nghiệp toàn tỉnh. Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trong và ngoài KCN.

Các khu công nghiệp: Đến năm 2020, dự kiến toàn tỉnh có 35 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 13.764,8 ha. Thu hút và lấp đầy 16 KCN ở TX. Dĩ An; TX. Thuận An và TP. Thủ Dầu Một. Tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh CSHT và thu hút đầu tư vào các KCN ở phía Bắc.

Các cụm công nghiệp: Đến năm 2025 sẽ hình thành và đi vào hoạt động 18 cụm công nghiệp, tổng diện tích các CCN đến 2025 khoảng 1.190,2 ha; trong đó: Tân Uyên khoảng 830,6 ha; Phú Giáo khoảng 184,6 ha và Dầu Tiếng khoảng 175 ha. Thời kỳ 2011- 2015 sẽ đưa vào xây dựng khoảng 647,2 ha; Thời kỳ 2016-2020 khoảng 275,0 ha và thời kỳ 2021-2025 khoảng 268 ha.

b) Phát triển ngành dịch vụ:

Trước hết tập trung nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp; đồng thời, thúc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu tại chỗ; trên cơ sở nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng nhanh công nghiệp hỗ trợ cho các sản phẩm công ty nước ngoài xuất khẩu và dịch vụ tại chỗ cho người nước ngoài...

Phát triển dịch vụ vận tải, logistic phù hợp với quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm phát huy hệ thống cơ sở hạ tầng đã phát triển mạnh trong thời gian qua.

Phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng đáp ứng nhu cầu của phát triển.

Phát triển dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh và vùng ĐNB, KTTĐPN; từng bước đào tạo nhân lực cho ngoài vùng và xuất khẩu.

Khai thác có hiệu quả cao các dịch vụ về nhà ở theo 4 loại hình: Nhà ở đô thị cao cấp, với loại nhà ở biệt thự, nhà ở sinh thái văn hóa từng quốc gia; nhà ở đô thị cho người có thu nhập khá ở các đô thị lớn về ở tại Bình Dương, với loại hình nhà ở cao cấp; nhà ở cho người thu nhập trung bình và cho người thu nhập thấp, với các loại hình nhà ở chung cư cao tầng, nhà cho thuê; nhà ở xã hội cho những người thu nhập thấp.

Chú ý đến quy hoạch quỹ đất dọc sông Sài Gòn, duy trì vườn trái cây Lái Thiêu làm nền cho thu hút du lịch, nghỉ dưỡng, hội nghị hội thảo. Nhà ở khu vực này theo kiểu cao tầng xen kẽ sinh thái, nhà truyền thống nhằm thu hút khách về tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng để tăng giá trị xuất khẩu tại chỗ của thương hiệu Lái Thiêu. Giai đoạn đầu 2016 - 2020 phát triển từ Phú Thọ, Chánh Nghĩa, khu vực cảng Bà Lụa, An Sơn, Tân An, An Tây; giai đoạn sau 2021 - 2025 tiếp tục phát triển đến Hồ Dầu Tiếng.

Dịch vụ thương mại: Xây dựng trung tâm thương mại cấp liên khu vực tại TP. Thủ Dầu Một và trung tâm thương mại cấp khu vực tại khu đô thị Nam Bình Dương: TX. Thuận An; TX. Dĩ An. Xây dựng các trung tâm thương mại khu vực đô thị Nam Bến Cát; Nam Tân Uyên theo hướng hiện đại. Xây dựng các trung tâm thương mại cấp huyện ở Dầu Tiếng, Phú Giáo đạt tiêu chuẩn đô thị vùng. Hình thành và phát triển các siêu thị phục vụ các KCN; mở thêm các hợp tác xã mua bán tại khu vực nông thôn.

Hoạt động xuất - nhập khẩu: Tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất - nhập khẩu thời kỳ 2016 - 2020 tăng bình quân 20,7%/năm; trong đó, xuất khẩu tăng bình quân 24,0%/năm; tốc độ tăng trưởng nhập khẩu bình quân 15,0%/năm. Dự báo thời kỳ 2021 - 2025, vẫn ở mức cao, nhưng thấp hơn thời kỳ trước.

Điều chỉnh tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đến năm 2015, dự kiến đạt 39,6 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 23,55 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 16,05 tỷ USD. Điều chỉnh tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đến 2020 đạt 101,25 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 68,95 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 32,3 tỷ USD. Dự báo đến 2025, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 249,0 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 186,0 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 123,0 tỷ USD.

Xu hướng chung là đẩy mạnh xuất khẩu các loại sản phẩm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu, chiếm trên 80 - 85,0% giá trị xuất khẩu. Từng bước nâng cao tỷ trọng của xuất khẩu tại chỗ trong các dịch vụ nhà ở, chăm sóc sức khỏe, tài chính, ngân hàng và du lịch,...

Phát triển dịch vụ du lịch: Doanh thu du lịch được điều chỉnh, tăng bình quân khoảng 20,0%/năm thời kỳ 2016 - 2020 và dự báo tăng 25,0%/năm thời kỳ 2021 - 2025. Chú trọng khai thác những lợi thế và nâng cao hiệu quả những tiềm năng, trước hết cần bảo tồn những quỹ đất có thể khai thác du lịch sinh thái đặc thù của Bình Dương. Hướng tới thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành dịch vụ cao cấp.

Ngành du lịch Bình Dương phải thực sự liên kết chặt chẽ với ngành du lịch các tỉnh vùng ĐNB và vùng KTTĐPN và hội nhập với các nước vùng Đông Nam Á, tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng đạt tiêu chuẩn quốc tế mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch, đặc biệt là nguồn vốn FDL Đào tạo đội ngũ cán bộ du lịch có trình độ hiểu biết văn hóa - lịch sử, ngoại ngữ, văn minh, lịch sự.

Các loại hình du lịch: Loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện (MICE); du lịch mua sắm; du lịch sinh thái; du lịch thể thao cao cấp; du lịch văn hóa truyền thống.

Hình thành các cụm du lịch tiêu biểu: Phía Nam, gồm TP. Thủ Dầu Một; TX. Thuận An; TX. Dĩ An và một phần Nam Bến Cát. Sản phẩm: Du lịch miệt vườn; tham quan làng nghề, vui chơi giải trí; di tích lịch sử, văn hóa...

Phía Tây Bắc: Núi Cậu; hàng lang sông Sài Gòn (Bến Cát, Dầu Tiếng).

Phía Đông: Dọc sông Đồng Nai, sông Bé, gồm Tân Uyên, Phú Giáo, sản phẩm du lịch sinh thái; tham quan di tích lịch sử.

Phát triển dịch vụ vận tải: Tốc độ tăng trưởng về vận tải hàng hóa đến 2015 khoảng 39,1%/năm; từ năm 2020 - 2030 tăng khoảng 36,3%/năm. Tốc độ vận chuyển hành khách tăng khoảng 35 - 40,0%/năm (thời kỳ 2016 - 2025). Phát triển vận tải hành khách công cộng (xe buýt nhanh, metro...) theo hướng hiện đại, phù hợp, hiệu quả cao; cải tiến xe buýt thông thường với dịch vụ văn minh; đáp ứng trên 35,0% nhu cầu đi lại vào năm 2020 và đến năm 2030 khoảng trên 40,0%. Đồng bộ hóa và kết nối các phương thức vận tải, như hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy, xe buýt nhanh. Phát triển nhanh các loại vận tải đường sắt, đường sông và logistic.

Phát huy các thành phần kinh tế đầu tư để phát triển vận tải. Thành phần kinh tế tư nhân sẽ tăng đầu tư vào vận chuyển hàng hóa và hành khách. Giảm dần các loại xe cũ, thiếu an toàn; thay thế các xe đời mới tránh gây ô nhiễm môi trường và an toàn hơn.

c) Phát triển các ngành nông, lâm, ngư nghiệp:

Phát triển nông nghiệp bền vững, năng suất cao. Áp dụng công nghệ sinh học, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao. Đầu tư phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày như cao su; cây ăn trái, rau đậu, cây kiểng và chăn nuôi đại gia súc và gia cầm. Phát triển lâm nghiệp theo hướng khoanh nuôi, bảo vệ rừng; trồng cây phân tán và đa dạng sinh học. Phát triển thủy sản theo hướng quy hoạch các vùng nuôi trồng, kết hợp chặt chẽ nuôi, bảo quản, chế biến và bảo vệ môi trường.

Ngành Nông nghiệp: Chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp. Tỷ trọng ngành trồng trọt giảm còn 66,0% vào năm 2015 và 60,0% vào năm 2020; đến năm 2025 còn 53,0%. Tương ứng, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 31,5% vào năm 2015 và 36,0% năm 2020 và đến năm 2025 tăng lên 42,0%. Tỷ trọng dịch vụ nông nghiệp cũng tăng lên tương ứng, chiếm 2,5% năm 2015; 4,0% năm 2020 và đến năm 2025 chiếm 5,0% GTSX ngành nông nghiệp.

Chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha, với mục tiêu đạt giá trị sản xuất khoảng 50,0 - 70,0 triệu đồng/ha/năm (năm 2015) và 80 - 100 triệu đồng/ha vào năm 2020, chủ yếu là từ cây công nghiệp, cây ăn trái, rau sạch an toàn, hoa, cây kiểng và chăn nuôi heo, bò sữa, gia cầm.

Tổ chức, bố trí lại cây trồng, vật nuôi và các hình thức sản xuất nông nghiệp phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, theo từng điều kiện sinh thái từng tiểu vùng. Phát triển cây ăn quả đặc sản ven sông Đồng Nai, sông Sài Gòn gắn với du lịch sinh thái. Vùng cây ăn quả tập trung ở các huyện phía Bắc, gắn với công nghiệp chế biến; ở Thuận An gắn với du lịch sinh thái. Phát triển mạnh hơn chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Xây dựng đồng bộ nhà máy giết mổ, chế biến hiện đại, đảm bảo vệ sinh thực phẩm đáp ứng xuất khẩu. Hình thành cơ sở chế biến nông nghiệp công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, tạo thương hiệu nông nghiệp của tỉnh, trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn và hiệu quả giữa các nhà khoa học - nhà nông - doanh nghiệp nhằm tạo ra thương hiệu nông nghiệp Bình Dương.

d) Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên:

Thực hiện nghiêm túc Chương trình bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2015 và đến năm 2020. Chú trọng lồng ghép BVMT vào các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển trong từng ngành, địa phương; trong các KCN, CCN. Trong công nghiệp phải ưu tiên thu hút các ngành công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường; phát triển hạ tầng kỹ thuật trong đó, gắn với hệ thống thu gom, xử lý chất thải, nước thải. Cải thiện chất lượng môi trường trên cơ sở xử lý triệt để những cơ sở gây ô nhiễm môi trường; từng bước di dời những cơ sở gây ô nhiễm đan xen trong các khu dân cư; khuyến khích chuyển đổi công năng sang làm dịch vụ; cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật trong các CCN đã xây dựng. Xây dựng mới các CCN đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án thoát nước, xử lý nước thải ở các khu đô thị, cụm dân cư, KCN, các cơ sở y tế tập trung ở Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát, Thủ Dầu Một. Bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, cây phân tán nhằm đảm bảo đô thị xanh. Xây dựng các khu vui chơi, công viên xanh theo hình thức bảo tồn đa dạng sinh học đặc thù của mỗi vùng sinh thái.

Thường xuyên sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn. Đẩy mạnh các biện pháp phòng chống, hạn chế tác động xấu của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng.

đ) Quốc phòng - An ninh:

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, chính quyền các cấp trong thực hiện liên kết củng cố quốc phòng an ninh với phát triển kinh tế - xã hội; phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo nền tảng vững chắc để kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Bố trí các công trình quốc phòng, an ninh phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành. Thường xuyên điều chỉnh, bổ sung phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và trong từng dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng cao nhận thức, kiến thức về quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội là 2 mặt kết gắn hữu cơ đối với cán bộ và nhân dân thông qua những đợt học tập, tuyên truyền và giáo dục thường xuyên.

Thường xuyên củng cố và kiện toàn vai trò tham mưu của các cơ quan chuyên trách quốc phòng an ninh cho lãnh đạo các cấp.

e) Điều chỉnh phát triển nguồn nhân lực:

Điều chỉnh dân số và dân cư đô thị: Điều chỉnh dân số đến năm 2015 có 2.043.000 người; đến năm 2020 có 2.500.000 người và đến năm 2025 có 3.000.000 người. Trong đó, điều chỉnh dân cư đô thị đến năm 2015, là 1.430.000 người (thay vì 800.000 người theo QH2007; và 1.226.000 người theo KH2015), chiếm tỷ trọng 70,0% dân số. Điều chỉnh đến năm 2020, dân cư đô thị tăng lên 2.000.000 người, chiếm 80,0% dân số (thay vì 1.500.000 người theo QH2007). Dự báo đến năm 2025, Bình Dương sẽ có 2.500.000 người sống ở đô thị, chiếm 83,3% tổng dân số.

Điều chỉnh lao động: Dự báo đến nám 2015 cung lao động có 1.281.000 người; nhưng cầu lao động cần đến khoảng 1.264.000 người. Cân đối nhu cầu và cung lao động theo kế hoạch 2015 còn dư khoảng 17.000 người. Đến năm 2020, cung lao động khoảng 1.541.000 người; nhu cầu lao động khoảng 1.529.000 người; lực lượng cần giải quyết việc làm khoảng 12.000 người. Tương tự như vậy, dự báo đến năm 2025, cung lao động có khoảng 1.912.000 người, cầu lao động cần khoảng 1.900.000 người, số lượng lao động phải giải quyết việc làm khoảng 12.000 người trong điều kiện sử dụng lao động tối ưu.

Giải quyết việc làm: Từ nay đến 2015, phải giải quyết thêm việc làm cho khoảng 17.000 người mỗi năm; từ 2020 đến năm 2025, hàng năm phải giải quyết thêm việc làm cho khoảng 12.000 người. Trước hết cần có chính sách ưu tiên việc sử dụng lao động tại chỗ, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động đang làm việc tại Bình Dương; (1) chú trọng đến đào tạo nghề cho lực lượng lao động này; (2) có chính sách ưu tiên thu hút lực lượng có đào tạo trình độ tay nghề cao đến Bình Dương làm việc; (3) quản lý chặt chẽ lực lượng lao động phổ thông từ các nơi chuyển về nếu không đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định; đồng thời kết hợp với quản lý hành chính nghiêm ngặt.

Chuyển dịch cơ cấu lao động: Trong khu vực nông nghiệp, điều chỉnh lao động năm 2020 còn 10,0% (thay vì QH2007: còn 8,0%) và dự báo năm 2025 còn 6,4%. Tỷ trọng lao động công nghiệp điều chỉnh 2020 còn 56,9% (thay vì QH2007: 45,0%) và bổ sung đến 2025 còn 54,4%. Trong khu vực dịch vụ, tỷ trọng lao động điều chỉnh đến năm 2020 chiếm 35,0% (thay vì QH2007: 45,0%) và dự báo đến 2025 là 39,2%.

Để đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển: Bình Dương phấn đấu đạt mục tiêu của vùng ĐNB đến năm 2020 phải có 90,0% lao động đào tạo và vùng KTTĐPN phải có 85,0% lực lượng lao động có đào tạo.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho quản lý đô thị có chất lượng cao; có trình độ quản lý đô thị hiện đại văn minh vào năm 2020 đáp ứng theo tiến trình phát triển đô thị Bình Dương trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương.

g) Phát triển giáo dục - đào tạo:

Phát triển giáo dục - đào tạo trên cơ sở đẩy mạnh công tác quy hoạch và xây dựng lộ trình, trình kế hoạch phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo hướng đạt chuẩn quốc gia, mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên; đa dạng hóa các loại hình trường học, ưu tiên quỹ đất để nâng cấp, xây dựng mới các cơ sở giáo dục đại học...

Phát triển sự nghiệp giáo dục: Phát triển giáo dục đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, nhân tài. Xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho mọi người dân có điều kiện học tập nâng cao trình độ học vấn và kiến thức nghề nghiệp. Xây dựng cơ sở vật chất trường học để đảm bảo tất cả các trường đạt chuẩn quốc gia theo từng thời điểm. Đảm bảo thực hiện tốt chương trình hành động về giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ. Tất cả các trường xây dựng mới được đầu tư đồng bộ theo chuẩn quốc gia.

Phát triển sự nghiệp đào tạo: Tăng quy mô đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, mở rộng quy mô đào tạo cao đẳng và đại học một cách hợp lý nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu nhân lực phát triển kinh tế - xã hội.

Đào tạo có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học trở lên sẽ đạt 31,0% tổng lao động qua đào tạo năm 2015 và đến năm 2020 đạt 45,1% tổng lực lượng qua đào tạo trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Để đạt được mục tiêu cần phát triển đồng bộ mạng lưới đào tạo dạy nghề. Thời kỳ 2011 - 2015: Đến năm 2015 có 67 cơ sở dạy nghề đạt chuẩn quy định, gồm: 09 trường cao đẳng, 13 trường trung cấp và 45 cơ sở dạy nghề sơ cấp và bồi dưỡng nghiệp vụ. Trong đó, xây dựng 02 trường dạy nghề đạt chuẩn quốc tế; 10 trường dạy nghề đạt chất lượng cao; các trường dạy nghề còn lại đảm bảo đạt chuẩn quy định. Thời kỳ 2016 - 2020: Phấn đấu toàn tỉnh có 82 cơ sở dạy nghề; gồm: 12 trường cao đẳng (ngoài công lập 05 trường), 20 trường trung cấp (ngoài công lập 10 trường) và 50 cơ sở dạy nghề sơ cấp và bồi dưỡng nghiệp vụ (ngoài công lập 40 cơ sở). Trong đó, xây dựng 03 trường dạy nghề đạt chuẩn quốc tế; 20 trường dạy nghề đạt chất lượng cao. Tập trung phát triển các trường đại học có chất lượng cao như: Đại học Thủ Dầu Một, đại học Việt - Đức, đại học quốc tế Miền Đông;

- Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng khu đô thị đại học Cổng Xanh để thu hút các trường đại học có uy tín trong nước và quốc tế đến đầu tư phát triển;

- Tập trung hình thành và phát triển từ 2 - 3 trung tâm đào tạo nghề có quy mô lớn, chất lượng đạt chuẩn; đáp ứng nhu cầu trong Tỉnh và vùng ĐNB, vùng KTTĐPN...

h) Phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe:

Củng cố các cơ sở y tế dự phòng trên nguyên tắc cải cách hành chính, thu gọn đầu mối. Từng bước lồng ghép các trung tâm, đơn vị thực hiện chức năng y tế dự phòng tuyến tỉnh, sau 2016 sẽ thành lập cơ quan kiểm soát dịch, bệnh viện tuyến tỉnh trên cơ sở sáp nhập các đơn vị cùng chức năng chuyên môn y tế dự phòng tuyến tỉnh.

Mở rộng quy mô và xây dựng mới thêm các bệnh viện, đáp ứng nhu cầu của tỉnh. Thành lập bệnh viện quốc tế hiện đại đáp ứng nhu cầu khu vực và giảm chi phí đi nước ngoài điều trị.

Phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe trên cơ sở phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng y tế ở các cấp, trong các KCN, các khu đô thị mới và cải tạo nâng cấp hệ thống hạ tầng y tế đã xây dựng. Nâng cấp bệnh viện đa khoa tỉnh; xây dựng khóa y học cổ truyền ở các bệnh viện đa khoa, phòng khám đa khoa; xây dựng các bệnh viện chuyên khoa. Thành lập thêm phòng khám đa khoa khu vực trong các KCN.

Mạng lưới khám chữa bệnh cấp tỉnh: Nâng cấp bệnh viện đa khoa tỉnh thành bệnh viện loại I với 1.500 giường; trung tâm y tế dự phòng, trung tâm phòng chống các bệnh xã hội, chi cục dân số - kế hoạch hóa gia đình. Tiếp tục hoàn chỉnh giai đoạn 2 các bệnh viện chuyên khoa nhi, lao, tâm thần; cho phép mở một số bệnh viện theo hình thức xã hội hóa đầu tư phát triển y tế, đáp ứng nhu cầu nhân dân trong tỉnh, trong vùng và người nước ngoài...

Tuyến huyện, thị xã: Thành lập các trung tâm y tế đa khoa tuyến huyện. Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các trung tâm y tế TX. Thuận An, Trung tâm y tế huyện Tân Uyên, Trung tâm y tế huyện Bến Cát. Năm 2020 tất cả các huyện có 1 - 2 trung tâm y tế.

Tuyến khu vực: Xây dựng 5 phòng khám đa khoa khu vực và 18 phòng khám đa khoa trong các KCN.

Tuyến xã, phường: Đến 2020, đảm bảo tất cả các xã phường có 2 trạm y tế. Trang thiết bị y tế đạt tiêu chuẩn của Bộ y tế.

i) Phát triển văn hóa, thể dục thể thao:

Phát triển văn hóa: Hình thành 1-2 trung tâm văn hóa, thể thao mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế, là nơi quảng bá và giao lưu văn hóa, thể thao, tạo cơ hội để các nền văn hóa nhiều dân tộc cùng chia sẻ; đồng thời xứng tầm là một đô thị trực thuộc Trung ương, hiện đại, văn minh của cả nước, đậm đà bản sắc dân tộc. Đầu tư đồng bộ các cơ sở vật chất phục vụ phát triển văn hóa, thể thao. Giữ gìn và phát triển các bộ môn nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật sân khấu, âm nhạc. Phát triển hoạt động bảo tồn, bảo tàng, tôn tạo di tích danh lam thắng cảnh, nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Xây dựng tượng đài, bia và trùng tu các di tích lịch sử.

Thể dục - thể thao: Duy trì và phát triển phong trào thể dục - thể thao quần chúng cho mọi đối tượng. Phát triển các môn thể thao thành tích cao và phấn đấu đạt thành tích cao ở cấp quốc gia và quốc tế trong một số môn thể thao mà Bình Dương đã có truyền thống. Tổ chức đào tạo đội ngũ vận động viên, huấn luyện viên đồng bộ. Tăng cường trang thiết bị luyện tập. Xây dựng 1 công trình thể thao mang tầm cỡ quốc tế và khu vực.

k) Phát triển khoa học và công nghệ:

Từng bước tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại. Hỗ trợ phát triển các trung tâm “vườn ươm công nghệ”; hình thành các cơ sở nghiên cứu ứng dụng trong các trường đại học; trong các KCN tập trung. Phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ có chất lượng cao; có trình độ nghiên cứu ứng dụng đủ về số lượng, cân đối về ngành nghề; ưu tiên cho những ngành công nghệ sinh học, công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, ưu tiên công nghệ mới cho những sản phẩm xuất khẩu chủ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Triển khai có hiệu quả các đề án, chương trình, dự án khoa học công nghệ trọng điểm;đã được phê duyệt.

Hình thành và phát triển thị trường công nghệ; tổ chức tốt hoạt động tư vấn; dịch vụ chuyển giao công nghệ; tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, lựa chọn công nghệ mới tiên tiến, phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động khoa học công nghệ

l) Điều chỉnh, bổ sung phát triển đô thị:

Xây dựng đô thị Bình Dương theo hướng đô thị mới, văn minh, hiện đại, đô thị xanh. Là đô thị đi đầu trong quá trình phát triển, có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, mạnh để đô thị thực sự là động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH - HĐH cho các tiểu vùng khác.

Phát triển đô thị phải phù hợp với mức độ tăng dân số đô thị. Đến năm 2020, dân số đô thị có khoảng 2,0 triệu người; tỷ lệ dân số đô thị chiếm khoảng 80% tổng dấn số toàn Tỉnh, cao hơn trung bình vùng Đông Nam Bộ (ĐNB 75,0%). Dự báo năm 2025, dân số đô thị tỉnh Bình Dương có khoảng 2,5 triệu người, chiếm 83,3% tổng dân số toàn Tỉnh. Tốc độ tăng dân số đô thị giai đoạn 2016 - 2020 bình quân 6,9%/năm và giai đoạn 2021 - 2025 tăng bình quân 4,5%/năm.

Phát triển đô thị Bình Dương sẽ theo 3 khu vực đô thị: Đô thị trung tâm (TP.Thủ Dầu Một, đô thị Nam Tân Uyên, Nam Bến Cát); Đô thị phía Nam (TX. Thuận An, TX. Dĩ An) và Đô thị phía Bắc (Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Bến Cát, Bắc Tân Uyên).

m) Phát triển nông thôn:

Xây dựng vùng nông thôn Bình Dương có sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, đảm bảo cung ứng thực phẩm cho các thành phố, thị xã, thị trấn, KCN; cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, đồng thời sản xuất một phần lương thực cho nhu cầu. Tăng cường đầu tư cho nông thôn bằng cách thu hút đầu tư từ mọi nguồn lực; phát triển kinh tế tư nhân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, đưa khoa học - công nghệ mới vào sản xuất, giảm chi phí đầu vào, chi phí trung gian, nâng cao khả năng cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Xây dựng một cơ cấu kinh tế hợp lý ở vùng nông thôn. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống và các ngành dịch vụ phục vụ phát triển nông - lâm - ngư nghiệp, các loại hình thủ công ở khu vực nông thôn.

Hình thành các vùng chuyên canh ổn định, vùng rau thực phẩm ở Bến Cát, Tân Uyên; Dầu Tiếng; vùng cây cảnh ở Thuận An, Thủ Dầu Một; vùng cây cao su tập trung ở phía Bắc tỉnh (Dầu Tiếng, Bến Cát, Phú Giáo); vùng cây ăn trái (ở Tân Uyên, Bến Cát). Phát triển mạnh chăn nuôi, hình thành các hộ, trang trại chuyên chăn nuôi; vùng chuyên canh bò sữa (ở Bến Cát, Tân Uyên); vùng nuôi gà công nghiệp sạch (ở Dầu Tiếng, Tân Uyên, Bến Cát, Phú Giáo). Ngoài ra, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ truyền thống trong khu vực nông thôn, sản xuất các loại sản phẩm sử dụng lao động có tay nghề và cả sản phẩm có kỹ thuật trong mối quan hệ liên hoàn nông nghiệp - công nghiệp - đô thị.

Thực hiện tốt chương trình phát triển nông thôn mới, đảm bảo đủ tiêu chí và mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

n) Lộ trình phát triển tổ chức hành chính:

Đến cuối năm 2015 tỉnh Bình Dương sẽ có 10 đơn vị hành chính thuộc tỉnh (1 thành phố, 5 thị xã, 4 huyện); gồm 111 xã, phường, thị trấn (51 xã, 49 phường, 11 thị trấn).

Đến năm 2020: Tỉnh Bình Dương, có 10 đơn vị hành chính (1 thành phố, 5 thị xã, 4 huyện), gồm 113 xã, phường, thị trấn (40 xã, 60 phường, 13 thị trấn).

o) Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng:

Hệ thống giao thông: Giao thông phải đi trước một bước, tạo đà thúc đẩy sự phát triển. Đối với Bình Dương để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, phát triển hệ thống giao thông như là mũi đột phá quan trọng nhất từ nay đến 2020. Phát triển đồng bộ, hiện đại của một đô thị mới. Phát triển hệ thống giao thông hiện đại kết nối với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Long Thành; kết nối với cụm cảng biển Sài Gòn, cụm cảng nước sâu Thị Vải - Vũng Tàu và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác trong vùng ĐNB sẽ được ưu tiên hàng đầu từ nay đến 2020 và 2025 phù hợp với các quy hoạch ngành đã được phê duyệt. Liên kết với các trung tâm đô thị trong vùng ĐNB và vùng KTTĐPN: TP. Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Bà Rịa, Vũng Tàu, Đồng Xoài, Tây Ninh, Tân An, Mỹ Tho...với các trung tâm đô thị Bình Dương: Thủ Dầu Một, Nam Bến Cát, Nam Tân Uyên theo các trục hướng tâm và xuyên tâm.

Xây dựng hệ thống giao thông nội thị văn minh, hiện đại. Đầu tư các tuyến đường chính đô thị kết nối giữa các tuyến đối ngoại với trung tâm đô thị, với các KCN tập trung trên địa bàn. Phát triển hệ thống giao thông nông thôn, đến năm 2020 tỷ lệ nhựa hóa đạt 100,0%.

Phát triển các trục giao thông đối ngoại theo các hướng Bắc Nam, Đông Tây, tăng cường sự liên kết giữa các các đô thị trong tỉnh, trung tâm thành phố mới Bình Dương với vùng ĐNB và vùng KTTĐPN, xuyên ĐNA qua đường xuyên Á (qua Campuchia) nối vành đai vùng Đông Bắc Thái Lan - Campuchia qua cửa Mộc Bài (Tây Ninh) bằng đường bộ; qua cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước) bằng đường sắt và đường bộ.

Hệ thống đường bộ: Phát triển giao thông đường bộ trên địa bàn Bình Dương theo hướng đồng bộ, liên hoàn và kết nối chặt chẽ có hiệu quả các loại giao thông: Giữa hệ thống giao thông đường bộ do Trung ương quản lý với hệ thống giao thông đường bộ do tỉnh, huyện quản lý, đường nông thôn, đường đô thị một cách hài hòa nhằm thông suốt với các vùng không gian lãnh thổ nhanh nhất, tiện lợi và hiệu quả nhất.

Hệ thống giao thông đường bộ quốc gia: Trên địa bàn Bình Dương có 7 tuyến đường quốc gia quan trọng. Sẽ được tập trung nâng cấp và xây dựng một số tuyến cao tốc trên địa bàn kết nối với giao thông Tp. Hồ Chí Minh (theo Quyết định số 568/QĐ-CP, ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về Điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020) và các tỉnh khác vùng KTTĐPN.

Mạng lưới đường bộ do tỉnh quản lý: Hệ thống đường tỉnh kết nối với các trục giao thông hướng tâm và xuyên tâm, thông suốt tới các khu, cụm công nghiệp, đô thị, các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

Hệ thống đường đô thị: Xây dựng hệ thống đường đô thị đạt chuẩn và hiện đại. Khu vực phía Bắc sẽ được kết nối vào các đô thị trung tâm và ngoài vùng. Phát triển hệ thống đường cấp huyện, xã đồng bộ kết nối với các hệ thống đường đô thị và kết nối với đường đối ngoại, vành đai nhằm nâng cao hiệu quả hệ thống giao thông. Hệ thống công trình phục vụ vận tải đường bộ, như bến xe; hệ thống cảng cạn (ICD); trạm dừng nghỉ; điểm bãi đỗ xe công cộng...được xây dựng đồng bộ để nâng cao hiệu suất sử dụng của hệ thống giao thông,

Dự kiến xây dựng thêm một số cảng cạn: ICD Phú Hòa tại Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương; quy mô khoảng 250 nghìn m2. Cảng cạn ICD Vĩnh Tân tại KCN đô thị Tân Uyên, dự kiến 250 nghìn m2. Cảng ICD An Điền tại KCN An Tây (Bến Cát); dự kiến 300 nghìn m2. Cảng ICD Bàu Bàng tại KCN Bàu Bàng (Bến Cát), dự kiến khoảng 200 nghìn m2. Cảng ICD Thạnh Phước kết hợp xây dựng trong cảng Thạnh Phước, dự kiến 200 nghìn m2.

Hệ thống đường thủy: Hoàn thiện quy hoạch hệ thống cảng sông, bến thủy nội địa ở Bình Dương theo hướng có 11 cảng và cụm cảng gồm: Cảng Bình Dương; cảng Thạnh Phước; cảng Thường Tân; cảng An Sơn; cảng Rạch Bắp; cảng An Tây; cảng Bến Súc; cảng Thanh An; cảng Phú An; cảng Bà Lụa và cụm cảng Thái Hòa.

Hệ thống đường sắt: Hệ thống đường sắt quốc gia có tuyến đường sắt Bắc Nam; Tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh; Trong tương lai có tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ - Cà Mau. Cả ba tuyến này đi qua địa phận 6 đơn vị hành chính của tỉnh (trừ Dầu Tiếng).

Hệ thống đường sắt đô thị: Mục tiêu phát triển đường sắt đô thị là giải quyết được vận tải hành khách công cộng. Do đó, phải xây dựng các tuyến đường sắt đô thị theo hướng: Một là hướng tâm từ trung tâm đô thị Thủ Dâu Một - đô thị mới Bình Dương và tuyến đi Dầu Tiếng, với 6 tuyến trên cao và 1 tuyến mặt đất, như sau:

Tuyến số 1: Nối trung tâm đô thị mới với Ga Suối Tiên (ga cuối cùng của đường metro số 1 (ở TP. Hồ Chí Minh) từ Bến Thành đi Suối Tiên đang thi công và sẽ hoàn thành vào năm 2018). Tuyến số 1 của Bình Dương sẽ đi trên cao. Dự kiến ưu tiên xây dựng để hoàn thành trước năm 2020 nối với Suối Tiên thông suốt từ trung tâm đô thị mới qua các vùng phía Nam Bình Dương và đến TP. Hồ Chí Minh.

Tuyến số 2: Từ TP. Thủ Dầu Một đi TP. Hồ Chí Minh là tuyến tàu điện nhẹ (light metro). Tuyến sẽ đi trên cao dọc theo QL.13 qua Vĩnh Bình (Bình Dương) nối với tuyến metro số 3 (TP. Hồ Chí Minh) tại ngã tư Bình Phước. Tuyến này dài 24,2 km sẽ xây dựng sau năm 2020.

Tuyến số 3: Thành phố mới Thủ Dầu Một - Mỹ Phước - Bàu Bàng - Long Nguyên. Tuyến dài 32,3 km, kết nối trung tâm Đô thị mới với trung tâm Nam Bến Cát; chạy trên cao, xây dựng sau năm 2020.

Tuyến số 4: Bắt đầu từ ga trung tâm Thành phố mới - Uyên Hưng - Tân Thành. Toàn tuyến dài 22,3 km, kết nối từ trung tâm đến phía Đông, đi trên cao, sẽ xây dựng sau 2020.

Tuyến số 5: Chạy từ Vĩnh Phú (Thuận An) - Miễu ông Cù. Tuyến này nhằm vận chuyển công nhân trong các KCN và nối với metro số 4 vào TP. Hồ Chí Minh; sẽ chạy trên cao, xây dựng sau năm 2020.

Tuyến số 6: Từ Thành phố mới đi Vĩnh Phước. Tuyến dài 29,6 km, chạy trên cao, sẽ xây dựng sau năm 2020.

Tuyến số 7: Là tuyến từ Mỹ Phước đi Dầu Tiếng, dài 38,8 km, là tuyến chạy trên mặt đất, sẽ xây dựng sau năm 2020.

Cung cấp điện: Cung cấp điện năng đồng bộ nguồn, lưới và hệ thống phụ tải trên địa bàn. Tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện năng bình quân từ 13 - 15,0%/năm. Đến năm 2015 điện thương phẩm đạt 9.586 triệu kWH, đến năm 2020 đạt 16.679 triệu kWH.

Phát triển lưới phân phối: Đồng bộ với việc chuyển điện áp của 7 vùng phụ tải, theo hướng cải tạo, nâng cấp tiết diện; nối lưới điện trục chính và xây dựng mới các tuyến đường dây và trạm biến áp; đảm bảo đủ nhu cầu phụ tải hiện tại và tương lai của phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh theo phát triển các ngành, lĩnh vực và theo không gian.

Bên cạnh đó, phát triển thêm năng lượng tái tạo bổ sung cho nguồn điện lưới quốc gia: Thủy điện nhỏ, khí sinh học, năng lượng mặt trời.

Thông tin truyền thông: Hiện đại hóa hệ thống thông tin truyền thông ngang tầm với các tỉnh trong Vùng ĐNB và KTTĐPN. Tự động hóa, số hóa, di động hóa, công cộng hóa; đồng bộ hóa mạng lưới thông tin và đa dạng hóa các dịch vụ; nâng cao sức cạnh tranh, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tập trung đầu tư các dịch vụ mới; đa dạng hóa sản phẩm. Đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt; gắn với toàn ĐNB và vùng KTTĐPN.

Thời kỳ 2016 - 2025: Tỷ lệ thuê bao internet băng thông rộng cố định và di động từ 65 - 70 thuê bao/100 dân. Tỷ lệ người sử dụng internet từ 55,0 - 60,0% dân số. Phủ sóng thông tin di động đạt đến 100,0% dân số trên địa bàn. Hoàn thành chuyển đổi hệ thống truyền dẫn, phát sóng từ analog sang số hóa vào năm 2016.

Hệ thống cung cấp nước: Nhu cầu nước đến năm 2020 khoảng 1.011 m3/ngày; đến năm 2030 khoảng 1.445 nghìn m3/ngày. Hướng giải quyết là lấy nguồn nước đã được chuyển từ hồ Phước Hòa 15 m3/giây cung cấp cho đô thị và công nghiệp ở Bình Dương.

Hệ thống thoát nước thải và vệ sinh môi trường: Bình Dương đã có quy hoạch hệ thống thoát nước thải và vệ sinh môi trường đến năm 2020; theo đó, đã quy hoạch toàn bộ hệ thống các tuyến tiếp nhận nước thải từ các khu đô thị, các KCN tập trung đưa vào hệ thống cống chung và xử lý trước khi thải ra môi trường tự nhiên.

Chú trọng đến việc quy hoạch hệ thống quản lý chất thải rắn. Thu gom phân loại chất thải rắn không nguy hại có thể được tái chế; chất thải rắn nguy hại cần được xử lý theo quy định.

Hình thức xử lý chất thải trong thời kỳ đầu vẫn là chôn cất. Tuy nhiên, về lâu dài phải đưa vào các nhà máy xử lý. Đến 2020 Bình Dương cần phải có 6 khu thu gom vận chuyển được xây dựng mới; 3 khu cũ, và khoảng 100 xe rác. Xử lý chất thải rắn có 3 khu tập trung và có 1 lò đốt chất thải độc hại.

Hệ thống thủy lợi: Đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới các công trình phục vụ tưới tiêu, ngăn lũ, chống xâm nhập mặn. Xây dựng hệ thống tiêu thoát nước Dĩ An; Suối Giữa; Bưng Biệp - Suối Cát; hệ thống đê bao An Sơn - Lái Thiêu; đê bao Chánh Nghĩa - Phú Thọ.

5. Điều chỉnh những giải pháp thực hiện Quy hoạch:

a) Vốn đầu tư: Để phát triển nhanh và bền vững, vốn đầu tư là điều kiện quan trọng và cần thiết.

Nhu cầu đầu tư: Thời kỳ 2011 - 2015: Đầu tư vào công nghiệp vẫn là quan trọng nhất. Dự báo tổng nhu cầu vốn đầu tư 383.588 tỷ đồng; trong đó: KVII cần 268.512 tỷ đồng, chiếm 70,0% tổng vốn đầu tư. Khu vực III cần 95.897 tỷ đồng, chiếm 25,0% tổng vốn đầu tư. Khu vực I cần 19.179 tỷ đồng, chiếm 5,0% tổng vốn đầu tư.

Thời kỳ 2016 - 2020: Tiếp tục đầu tư vào phát triển công nghiệp. Dự báo tổng nhu cầu vốn đầu tư cần 470.171 tỷ đồng; trong đó, CN - XD cần 305.611 tỷ đồng, chiếm 65,0% tổng vốn đầu tư; DV cần 138.701 tỷ đồng, chiếm 29,5% tổng vốn đầu tư. Khu vực NLN cần 25.859 tỷ đồng, chiếm 5,5% tổng vốn đầu tư.

Thời kỳ 2021 - 2025: Tổng nhu cầu vốn đầu tư cần 642.906 tỷ đồng trong đó CN-XD Cần 385.744 tỷ đồng, chiếm 60,0% tổng vốn đầu tư; Khu vực DV cần 216.016 tỷ đồng, chiếm 33,6% tổng vốn đầu tư. Khu vực NLN cần 41.146 tỷ đồng, chiếm 6,4% tổng vốn đầu tư.

Huy động vốn đầu tư: Huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước; trong tỉnh và ngoài tỉnh; mọi thành phần kinh tế tạo ra vốn đầu tư.

Ngân sách đầu tư: Dự tính ngân sách đầu tư thời kỳ 2011 - 2015 với khoảng 36.441 tỷ đồng, chiếm 9,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Thời kỳ 2016 - 2020: 37.210 tỷ đồng, chiếm 7,9% tổng vốn đầu tư; Thời kỳ 2021 - 2025: 38.574 tỷ đồng, chiếm 6,0% tổng vốn đầu tư.

Vốn tín dụng: Dự tính tín dụng đầu tư thời kỳ 2011 - 2015 với khoảng 41.428 tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Thời kỳ 2016 - 2020: 51.719 tỷ đồng, chiếm 11,0% tổng vốn đầu tư; Thời kỳ 2021 - 2025: 77.149 tỷ đồng, chiếm 12,0% tổng vốn đầu tư.

Vốn đầu tư của doanh nghiệp và dân doanh: Doanh nghiệp và dân doanh vẫn chiếm tỷ trọng cao. Dự tính vốn đầu tư thời kỳ 2011 - 2015 với khoảng 113.925 tỷ đồng, chiếm 29,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Thời kỳ 2016 - 2020: 155.560 tỷ đồng, chiếm 33,1% tổng vốn đầu tư; Thời kỳ 2021 - 2025: 237.875 tỷ đồng, chiếm 37,0% tổng vốn đầu tư.

Vốn đầu tư nước ngoài: vẫn là nguồn vốn quan trọng đóng góp vào tăng trưởng ở Bình Dương. Đến 2015, Hiệp định TPP sẽ có nhiều chính sách hợp tác đầu tư có triển vọng. Bình Dương chú trọng thu hút đầu tư để xây dựng các công trình quan trọng, quy mô lớn có tính đột phá. Thời kỳ 2011 - 2015 khoảng: 191.794 tỷ đồng, chiếm 50,0%; thời kỳ 2016 - 2020 khoảng: 225.682 tỷ đồng, chiếm 48,0% tổng vốn đầu tư; Thời kỳ 2021 - 2025 khoảng: 289.308 tỷ đồng, chiếm 45,0% vốn đầu tư toàn xã hội.

b) Chính sách phát triển nguồn nhân lực:

Phát triển giáo dục là một nhiệm vụ chiến lược để phát triển nguồn nhân lực. Do vậy, vận dụng chính sách phát triển giáo dục của quốc gia vào thực tế ở địa phương ở các cấp, từ nhà trẻ, mầm non đến các cấp học phổ thông. Phát triển nhanh nhiều trường dạy nghề, với nhiều hình thức khác nhau: Tại chức, ngắn hạn và dài hạn. Có chính sách ưu tiên cho những người sau khi đào tạo ở lại làm việc tại Bình Dương. Thực hiện kế hoạch đào tạo đội ngũ quản lý có trình độ cao trong nước và nước ngoài. Thực hiện tốt cơ chế xã hội hóa trong công tác đào tạo. Kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp sử dụng lao động với các tổ chức nhà nước trong công tác đào tạo nghề cho người lao động.

c) Chính sách phát triển khoa học công nghệ:

Thu hút cán bộ khoa học trên cơ sở chính sách ưu tiên cho đội ngũ khoa học về thu nhập, nhà ở và phương tiện làm việc. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho nghiên cứu ứng dụng sản phẩm có công nghệ cao; những sản phẩm từ nguyên liệu địa phương, trong nước; xây dựng những cơ sở nghiên cứu ứng dụng phù hợp với cơ chế quản lý và trình độ của đội ngũ quản lý, phù hợp với điều kiện của địa phương. Xây dựng đội ngũ quản lý khoa học - công nghệ giỏi, năng động, dễ dàng tiếp cận được và ứng dụng các mô hình quản lý khoa học - công nghệ tiên tiến vào thực tế ở Bình Dương.

d) Chính sách phát triển thị trường:

Phát triển thương mại điện tử để mở rộng khả năng giao dịch theo hướng: Đầu tư trang thiết bị; thành lập các trung tâm điện tử đủ tầm quốc gia và khu vực. Tăng cường quảng cáo trên mạng: Giới thiệu nhãn hiệu thương mại, giá cả, chất lượng, thời gian bảo hành, phương thức thanh toán trên mạng.

Tham gia các Hội chợ Thương mại Quốc tế để mở rộng thị trường và quảng bá hàng hóa, nhãn hiệu hàng hóa; từng bước tạo vị trí hàng hóa trên thị trường quốc tế.

đ) Cải tiến công tác quản lý Nhà nước ở địa phương có hiệu quả:

Quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước: Đối với thị trường ngoài nước: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại với các quốc gia trong khu vực; Nhà nước đóng vai trò chủ đạo hoạt động ngoại giao; hợp tác kinh tế song phương và đa phương, nâng cao hoạt động tư vấn cung cấp thông tin giá cả, môi giới với các đối tác trong nước với nước ngoài.

Thị trường trong nước: Nhà nước có vai trò quản lý toàn diện từ chức năng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của mỗi đơn vị trong từng lĩnh vực. Sắp xếp lại những đơn vị hoạt động kém hiệu quả. Đối với các đơn vị kinh tế ngoài quốc doanh: Nhà nước có vai trò tạo ra môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh thuận lợi đúng Pháp luật.

Quản lý kinh tế theo cơ chế thống nhất lãnh thổ: Chú trọng phân bố nguồn lực hợp lý để phát triển hài hòa và bền vững các vùng phía Nam và phía Bắc; đô thị và nông thôn. Hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh có điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng thị trường. Thực hiện tốt công tác nâng cao năng lực cộng đồng trong quản lý lãnh thổ, nâng cao trình độ quản lý lãnh thổ gắn chặt với quản lý ngành ở các cấp. Vận dụng đúng các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và của địa phương để nâng cao tính pháp lý, nhưng vẫn phù hợp với từng ngành, cấp trên địa bàn của từng địa phương.

Quản lý kinh tế theo cơ chế chủ động của cơ sở: Quản lý Nhà nước trong phát huy tính chủ động cơ sở doanh nghiệp là quản lý theo pháp luật, cơ chế và chính sách. Nâng cao vai trò của chính quyền các cấp; tiếp tục hoàn thiện và cải cách hành chính, năng lực chính quyền trong quản lý kinh tế; quản lý đô thị và quản lý xã hội. Chú trọng phát triển và khuyến khích đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong sản xuất kinh doanh và dịch vụ. Nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo việc làm tại chỗ cho người lao động.

Xây dựng chính quyền điện tử: Thực hiện nhanh và có hiệu quả chương trình đào tạo cán bộ, đầu tư trang thiết bị; triển khai đồng bộ các ngành, các cấp điều hành nhà nước bằng công nghệ điện tử.

Quản lý kinh tế theo cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp và sự hợp tác, liên doanh liên kết giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh có hiệu quả. Thường xuyên rà soát, cải thiện, nâng cao điểm số đánh giá và thứ hạng của tỉnh đối với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), chỉ số năng lực hội nhập kinh tế quốc tế, chỉ số cải cách hành chính.

6. Tổ chức giám sát và thực hiện quy hoạch:

a) Tổ chức công bố, phổ biến Quy hoạch:

Tổ chức công bố, phổ biến Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025 cho cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân trong Tỉnh trên cơ sở các nội dung, mục tiêu của Quy hoạch, tiến hành xây dựng chương trình hành động cụ thể để từng bước thực hiện đạt mục tiêu Quy hoạch.

b) Xây dựng chương trình hành động:

- Sau khi Điều chỉnh quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên cơ sở các nội dung, mục tiêu của Quy hoạch, Tỉnh cần xây dựng chương trình hành động để thực hiện Quy hoạch.

- Cụ thể hóa các mục tiêu Quy hoạch bằng các kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện Quy hoạch có hiệu quả. Hàng năm có đánh giá việc thực hiện Quy hoạch, trên cơ sở đó tiến hành rà soát, kiến nghị theo thẩm quyền việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong từng thời kỳ.

- Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy hoạch.

Điều 2. Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025 là cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch ngành (quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan), các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong Điều chỉnh Quy hoạch được phê duyệt; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện theo quy định các nội dung sau:

1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện; quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực để bảo đảm phát triển tổng thể, đồng bộ giữa kinh tế, xã hội với quốc phòng, an ninh.

2. Lập các kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm, các dự án cụ thể để tập trung đầu tư, ưu tiên bố trí nguồn vốn một cách hợp lý.

3. Nghiên cứu xây dựng, ban hành, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành (nếu vấn đề vượt quá thẩm quyền) một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của Tỉnh trong từng giai đoạn, nhằm thu hút, huy động các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch.

Điều 4. Các Bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

1. Hướng dẫn và giúp Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương trong quá trình thực hiện Quy hoạch; nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương trong, từng giai đoạn nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; khuyến khích, thu hút đầu tư theo mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nêu trong Quy hoạch.

2. Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương trong việc điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch ngành, lĩnh vực đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của Quy hoạch; xem xét, hỗ trợ Tỉnh trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để thực hiện Quy hoạch.

Điều 5. Quyết định này thay thế Quyết định số 81/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 06 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 6. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

DANH MỤC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Danh mục

Lộ trình thực hiện

Nguồn vốn

2015-2020

Sau 2020

Trung ương

Địa phương

I

HẠ TẦNG KINH TẾ:

 

 

 

 

A

Hạ tầng Giao thông:

 

 

 

 

1

Đường Hồ Chí Minh (đoạn Chơn Thành-Đức Hòa): đạt tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với quy mô 6-8 làn xe.

 

X

X

X

2

Cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (Đại lộ Bình Dương 2).

X

X

X

X

3

Dự án đường trên cao QL 13 kết nối vào hệ thống đường vành đai Bình Lợi - Tân Sơn Nhất (thành phố Hồ Chí Minh).

X

X

 

X

4

Các tuyến giao thông Vành đai III, Vành đai IV đoạn qua địa bàn tỉnh.

X

X

X

X

5

Các tuyến giao thông kết nối với hệ thống cảng sông Sài Gòn, Đồng Nai.

X

X

 

X

6

Đường giao thông Thủ Biên - Cổng Xanh.

 

X

 

X

7

Hệ thống cảng sông (Thường Tân, Thái Hòa, Rạch Bắp, An Tây) cảng cạn (ICD) Hòa Phú, Vĩnh Tân, An Điền, Bàu Bàng, Thạnh Phước.

X

 

 

X

8

Tuyến Metro từ thành phố Mới Bình Dương đi Suối Tiên đấu nối với tuyến Metro Suối Tiên Thành phố Hồ Chí Minh.

X

 

 

X

9

03 tuyến đường BOT trên địa bàn huyện Tân Uyên: ĐT742, ĐT746, ĐT747b.

X

 

 

X

10

Đường vào Trung tâm Chính trị - Hành chính tập trung tỉnh Bình Dương,

2014

 

 

X

11

Đường ven sông Sài Gòn từ Vĩnh Bình đến đến Cầu ông Cộ.

X

 

 

X

12

Đường Mười Muộn - Tân Thành; đường Hội Nghĩa - Cổng Xanh; đường Hội Nghĩa - An Tây từ sông Thị Tính đến ĐT748 (xây mới cầu Thới An qua sông Thị Tính); cầu nối cù lao Bạch Đằng qua huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai...

X

 

 

X

B

Hạ tầng công nghiệp:

 

 

 

X

13

Các dự án thuộc hạ tầng cấp điện đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

X

X

X

X

14

Các khu công nghiệp theo đề án phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Các khu công nghiệp được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

X

X

 

X

C

Hạ tầng dịch vụ thương mại:

 

 

 

 

15

Các công trình dịch vụ, tài chính, thương mại thuộc khu Đô thị mới Bình Dương.

X

 

 

X

D

Các dự án nông nghiệp:

 

 

 

 

16

Các khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (411,75ha), khu nông nghiệp công nghệ cao Hiếu Liêm (89,95 ha), khu nông nghiệp công nghệ cao Tân Hiệp và Phước Sang (471 ha), các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, các khu nông nghiệp công nghệ cao khác theo quy hoạch.

X

 

 

X

17

Dự án phát triển nông nghiệp đô thị vùng ven suối Cái (Tân Uyên)

X

 

 

X

18

Dự án phục hồi và phát triển vùng cây ăn quả đặc sản ven sông Sài Gòn (Thị xã Thuận An); Dự án phát triển vùng cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái xã Thanh Tuyền huyện Dầu Tiếng; Dự án phát triển vùng cây ăn quả có múi xã Bạch Đằng, Hiếu Liêm, Tân Định (huyện Tân Uyên).

X

 

 

X

19

Dự án an toàn dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; Dự án đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao; Chương trình xử lý môi trường trong chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap.

X

 

 

X

II

HẠ TẦNG XÃ HỘI:

 

 

 

 

A

Các dự án nhà ở xã hội:

 

 

 

 

19

Nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và và học sinh, sinh viên: Thành phố Thủ Dầu Một (05 dự án), Thị xã Thuận An (02 dự án), Thị xã Dĩ An (02 dự án), Nam Bến Cát (01 dự án), Nam Tân Uyên: 01

X

 

 

X

20

Nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp: Thành phố Thủ Dầu Một (10 dự án), Thị xã Thuận An (18 dự án), Thị xã Dĩ An (14 dự án), Nam Bến Cát (10 dự án), Nam Tân Uyên (09 dự án).

X

 

 

X

21

Nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị: Thành phố Thủ Dầu Một (05 dự án), Thị xã Thuận An (07 dự án), Thị xã Dĩ An (06 dự án), Nam Bến Cát (04 dự án), Nam Tân Uyên (04 dự án).

X

 

 

X

B

Giáo dục:

 

 

 

 

22

Các dự án trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề đạt chuẩn quốc gia, quốc tế như: Đại học Thủ Dầu Một, Đại học Việt Đức, Đại học Y Dược Tp.Hồ Chí Minh, Đại học Quốc tế miền Đông,...

X

 

 

X

23

Các trường trung học đạt chuẩn quốc tế (bằng tốt nghiệp tú tài được quốc tế công nhận).

X

X

 

X

C

Y tế:

 

 

 

 

24

Các bệnh viện đa khoa trên địa bàn tỉnh.

X

 

X

X

25

Các bệnh viện chuyên khoa Nhi, bệnh viện Lao và bệnh phổi, bệnh viện Tâm thần, bệnh viện Ung bướu, bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng,...

X

 

X

X

D

Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Các công trình văn hóa thể thao du lịch để đạt tiêu chí đô thị loại 1 thuộc Trung ương

 

 

 

X

26

Một số công trình văn hóa đạt chuẩn quốc gia, quốc tế như: Cung văn hóa thiếu nhi Nhà hát quy mô từ 2.000-2.500 chỗ, đạt chuẩn quốc tế. Rạp chiếu phim quy mô từ 500-1.000 chỗ có từ 2 đến 6 phòng chiếu; Trung tâm hội chợ triển lãm; Một số bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng khu vực hoặc quốc gia, bảo tàng tưởng niệm...

X

 

 

X

27

Trung tâm huấn luyện thể dục thể thao và cơ sở vật chất phục vụ thi đấu quốc gia, quốc tế...

X

 

 

X

28

Khu tưởng niệm chiến khu D; Khu trung tâm quần thể tượng đài thuộc di tích lịch sử địa đạo Tam Giác Sắt; Đề án phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù; Đề án tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch Bình Dương

X

 

 

X

E

Hệ thống thông tin - truyền thông:

 

 

 

 

29

Hạ tầng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, hệ thống cáp quang đến cấp xã.

X

 

 

X

30

Đài phát thanh truyền hình tỉnh Bình Dương; Khu thực nghiệm khoa học và công nghệ.

X

 

 

X

III

CẤP THOÁT NƯỚC VÀ MÔI TRƯỜNG:

 

 

 

 

31

Các dự án hệ thống cấp nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025.

X

 

X

X

32

Dự án thu gom và xử lý chất thải.

X

 

 

X

33

Dự án thoát nước và xử lý nước thải.

X

 

 

X

34

Dự án đảm bảo dòng chảy và cải thiện môi trường.

X

 

 

X

35

Các trục thoát nước, chống ngập úng cục bộ đô thị.

X

 

 

X

IV

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ QUỐC PHÒNG - AN NINH:

 

 

 

 

36

Các công trình dân quân chính đảng của tỉnh như: 14 dự án thuộc Trung tâm chính trị hành chính tập trung của tỉnh.

X

 

 

X

37

Các công trình dân quân chính đảng phục vụ đơn vị hành chính cấp huyện mới chia tách.

X

 

 

X

38

Các dự án hỗ trợ quốc phòng, quân sự địa phương và khối công an.

X

X

X

X

 

 

 

 

 

 

 



[1] Theo tiêu chí của Tỉnh thời kỳ 2011-2015.

THE PRIME MINISTER
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 893/QD-TTg

Hanoi, June 11, 2014

 

DECISION

APPROVING THE ADJUSTED MASTER PLAN ON SOCIO-ECONOMIC DEVELOPMENT OF BINH DUONG PROVINCE THROUGH 2020 AND SUPPLEMENTED MASTER PLAN THROUGH 2025 (*)

THE PRIME MINISTER

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;

Pursuant to the Government’s Decree No. 92/2006/ND-CP of September 7, 2006, on the formulation, approval and management of socio-economic development master plans; and the Government’s Decree No. 04/2008/ND-CP of January 11, 2008, amending and supplementing a number of articles of Decree No. 92/2006/ND-CP;

At the proposal of the People’s Committee of Binh Duong province,

DECIDES:

Article 1. To approve the adjusted master plan on socio-economic development of Binh Duong province through 2020 and supplemented master plan through 2025 with the following principal contents:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Overall viewpoints: To strive to achieve a high economic growth rate and sustainable development based on economic restructuring toward the fast growth of the service sector, faster urbanization and hi-tech development in association with the socio-economic infrastructure system of the southeastern region and the southern key economic region, and to maintain the political security, social order, defense and effective eco-environmental protection.

Viewpoint of sustainable development with breakthroughs:

- In the next 10-15 years, advantageous and high value-added sectors will be further developed to meet the domestic demand and promote export, and at the same time core enterprises’ capacity and competitiveness will be improved toward investment in other localities and foreign countries.

- To anticipate the Trans-Pacific Partnership (TPP) Agreement and the ASEAN Community in the coming time so as to adopt mechanisms and policies to effectively tap opportunities and advantages as soon as possible in the planning period.

- To continue the economic structuring toward higher proportions of industry and service and lower proportion of agriculture. To attach importance to agriculture’s role in the economy to serve the industrialization and urbanization with orientations to develop an urban hi-tech agriculture.

- To concentrate resources for development of a synchronous infrastructure system into an industrialized and modernized one to create a development breakthrough.

- To prioritize the development of a number of important works for human use in education, training and health care in order to create major changes in social security in the locality.

- To develop economy in synchrony with social development and defense-security in order to ensure stable and sustainable development.

2. Adjustment of development objectives:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Specific objectives:

a/ During 2011-2015: To implement the socio-economic development plan of Binh Duong province for the 2011 -2015 period (the 11-15 master plan).

Economic objectives:

The economic growth rate in the 2011-2015 period will be adjusted from 14.9%/year under the 2007 master plan to 13.5%/year under the 11-15 plan in which the industry-construction sector will be adjusted from 14.5%/year under the 2007 master plan to 9%/year under the 11-15 plan; the service sector will be adjusted from 16.5%/year to 22%/year; the agriculture-forestry sector will be adjusted from 3.4%/year to 2%.

The economic structure will continue to shift toward higher proportions of services, from 30% (under the 2007 master plan) to 38% (under the 11-15 plan). The industry-construction sector will be adjusted from 62.9% to 59%. The agriculture-forestry sector will be adjusted from 3.4% to 3%.

The total population will reach 2.043 million by 2015 (1.6 million under the 2007 master plan). The average population growth rate will be adjusted from 5.9%/year (under the 2007 master plan) to 4.8%/year (under the 11-15 plan).

Import-export turnover: To adjust export turnover from USD 14 billion (under the 2007 master plan) to USD 23.55 billion (under the 11 -15 plan). To adjust import turnover from USD 10 billion (under the 2007 master plan) to USD 16.05 billion (under the 11-15 plan).

To develop technical and social infrastructure to reach the standards of grade-I urban centers: To concentrate on the construction of radial, transversal and outbound arterial routes. To complete a number of axes connected with economic centers, deep-water ports and international airports in the southeastern region, southern key economic region and Ho Chi Minh City.

Social objectives:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

To adjust the per-capita GDP from VND 52 million (under the 2007 master plan) to VND 63.2 million (equivalent to USD 3,000).

The annual rate of poor households under the province’s criteria will down to below 1% by 20151.

The number of employed laborers will be 44,000.

The rate of trained laborers will make up 70% of the workforce.

The malnutrition rate among under-5 children (by weight) will be lower than 11%.

To reduce the mortality rate among under-1 children to below 8%0.

The rate of above-standard teachers at all levels will be 45%.

The rate of schools up to national standards will be 65%.

The rate of communes, wards and townships meeting the national criteria set for communal health will be over 90%.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

There will be 41 medical workers for every 10,000 people.

There will be eight medical doctors for every 10,000 people.

There will be 27 patient beds for every 10,000 people.

The rate of communes and wards, and districts and towns having cultural institutions will be 60% and 100%, respectively.

The rate of communes meeting the new countryside standards will be 40%.

The telephone subscription rate will be 35/100 people.

All communes, hamlets and street quarters will have access to the Internet and specialized data transmission lines for state agencies.

The rate of people doing regular physical exercises and sports will reach 33%.

The rate of households doing physical exercises and sports will reach 23.5%.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The rate of households having access to electricity will be 99.86%.

The rate of urban population having access to clean water will be 99%.

The rate of rural population having access to hygienic water will be 98%.

Environmental objectives:

The rate of green coverage, forest and perennial industrial trees will be 57%.

The rate of solid waste collected and treated will reach 90%.

All medical solid waste will be collected and treated.

All industrial parks and industrial clusters will have centralized wastewater treatment systems up to environmental standards.

b/ Binh Duong will become a centrally-run urban center in the 2016-2020 period.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The annual average economic growth rate will be maintained at 13% under the 2007 master plan but there will be adjustments in each economic sector with the industry-construction sector being reduced from 12.3%/year (under the 2007 master plan) to 10%/year; the service sector increased from 16.1%/year (under the 2007 master plan) to 16.63%/year; and the agriculture-forestry sector reduced from 3.6% (under the 2007 master plan) to 2.3%/year.

There will be adjustments in the industry-service-agriculture economic structure of the 2007 master plan. The proportions of the industry-construction sector will further decline from 59% (under the 2007 master plan) to 50.44%; the service sector will further increase from 42.2% (under the 2007 master plan) to 47.59%. The agriculture-forestry sector will be adjusted from 2.3%/year (under the 2007 master plan) to 1.97%.

The total population will be adjusted from 2 million (under the 2007 master plan) to 2.5 million. The average population growth rate will be adjusted from 4.6% (under the 2007 master plan) to 4.12%.

Import-export: To adjust export revenues from USD 25 billion (under the 2007 master plan) to USD 68.95 billion. To adjust import turnover from USD 10 billion (under the 2007 master plan) to USD 32.3 billion.

To basically complete the socio-economic infrastructure system up to the standards of centrally-run urban centers.

Social objectives:

To adjust the urbanization rate from 75% (of the 2007 master plan) to 80%.

To adjust the per-capita GDP from VND 89.6 million (under the 2007 master plan) to VND 135.8 million (equivalent to USD 6,170).

The annual rate of poor households under the province’s criteria will be below 0.8%.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The rate of trained laborers will make up 80% of the workforce.

The malnutrition rate among under-5 children (by weight) will be below 8%.

The rate of communes, wards and townships meeting the national criteria set of communal health will reach over 90%.

To cut the mortality rate among under-1 children to below 6%0.

There will be 52 medical workers for every 10,000 people by 2020.

There will be nine medical doctors for every 10,000 people.

There will be 30 patient beds for every 10,000 people.

The rate of above-standard teachers will reach 65%.

The rate of schools satisfying the national standards will be 75%.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The telephone subscription rate will be 55/100 people.

The rate of people doing regular physical exercises and sports will reach 40%.

The rate of households doing physical exercises and sports will reach 35%.

The per-capita average housing area will be 30 m2.

The rate of households having access to electricity will be 99.9%.

All urban population will have access to clean water.

The rate of rural population having access to hygienic water will be 99.5%.

Environmental objectives:

The rate of green coverage, forest and perennial trees will reach 60%.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

All industrial parks and industrial clusters will have centralized wastewater treatment systems up to the environmental standards.

c/ Planning supplementation for the 2021-2025 period: Binh Duong will be an urban center of developed industries and services and sustainable urban agriculture.

The annual average economic growth rate will be 13.7% in the 2006-2025 period, including an annual average of 13.6% in the 2021-2025 period. The industry-construction, service and agriculture-forestry sectors will record annual growth rate of 10.81 %, 15.61 % and 2.5%, respectively.

The industry-construction sector will make up 49.03%, service sector will represent 49% and agriculture-forestry sector will account for 1.97% of the economic restructure.

The province’s export turnover will reach USD 186 billion, and import turnover will reach USD 63 billion.

The total population will be 3 million.

The average per-capita GDP will reach VND 264 million (equivalent to USD 12,000).

The urbanization rate will reach 83-85%.

The province will have a synchronous and modern socio-economic infrastructure system, a civilized society, a modem and advance urban center and sustainable development rural area.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

To adjust the economic growth rate: A high economic growth rate to boost the economic scale and increase average income per capita constitutes one of the important conditions for improving living conditions and making reinvestment.

The 2016-2020 period: The growth rate under the selected plan will be similar to that of the 2007 master plan: 13%/year. However, that of each sector will be different from that of the 2007 master plan. In particular, the industry-construction sector will increase 10%/year (12.3%/year under the 2007 master plan); the agriculture-forestry sector, 2.3%/year (3.6%/year under the 2007 master plan); and the service sector, 16.1%/year (16.2%/year under the 2007 master plan).

The general growth rate of the 2021-2025 period will be higher than that of the 2016-2020 period with an annual increase of 13.6% in which the industry-construction sector will record an average annual increase of 10.56%; the service sector, 16%; and the agriculture-forestry sector, 2.5%.

To adjust the province’s economic scale: After 10 years, its economic scale by 2020 will increase around 2.4 times against 2010 and by 2025, around 2.5 times against 2015. To adjust the average per-capita GDP from VND 89.6 million (under the 2007 master plan) to VND 135.8 million (equivalent to USD 6,170) by 2020 and reach VND 264 million (equivalent to USD 12,000) by 2025.

To adjust the economic structure for sustainable development: By 2020, the industry-construction sector will be adjusted to make up 50.44% of the economy (55.5% under the 2007 master plan); the service sector, 47.59% (42.2% under the 2007 master plan); and the agriculture-forestry sector, 1.97% (2.3% under the 2007 master plan). By 2025, the proportion of the service sector (49%) will approximate to that of the industry-construction sector (49.03%).

The reduction in the proportion of the industry-construction sector and the increase in the proportion of the service sector reflect the stability and sustainability of the economic shifting process and after 2025, Binh Duong’s economy will shift to service-industry and agriculture in a more stable manner.

4. Adjustment of important orientation solutions to achieve objectives

a/ Industrial development:

By 2020, Binh Duong will become one of the major industrial centers in the region; its industrial production value will record an annual increase of 16.1% during 2016-2020 with an annual average growth rate of 20%. To strive to change utilities of a number of southern industrial parks and invest in hi-tech development in the north; to attach importance to developing technologies with a high localization rate; allied industries and processing export industries, thus gradually raising the competitiveness of industrially processed products on the international market. To associate the industrial development with the urbanization. To develop a modem, civilized and efficient urban industry-service network. To form and arrange industrial clusters closely associated with promotion of efficient operations of small- and medium-sized enterprises. To associate the industrial development with the environmental protection and security and defense assurance in the industrial sector. To attract high-quality laborers and minimize labor-intensive industries.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

To develop industrial parks and clusters: To strive to raise the proportions of allied, clean, electricity, electronic, processing and other industries of industrial parks and clusters to 30-32% of the province’s industrial production value. To complete the infrastructure system inside and outside industrial parks.

Industrial parks: By 2020, the province is expected to have 35 industrial parks covering around 13,764.8 ha. To attract enterprises to fill 16 industrial parks in Di An town, Thuan An town and Thu Dau Mot city. To continue building and completing infrastructure of, and attracting investment in, northern industrial parks.

Industrial clusters: By 2025,18 industrial clusters covering around 1,190.2 ha, including around 830.6 ha in Tan Uyen, around 184.6 ha in Phu Giao, around 175 ha in Dau Tieng will be formed and commissioned. Around 647.2 ha will be built in the 2011 -2015 period; around 275 ha, in the 2016-2020 period; and around 268 ha, in the 2021-2025 period.

b/ Service development:

For immediate future, to focus on raising export turnover of industrial products; and at the same time to promote on-the-spot export based on raising the competitiveness of major exports, expanding export outlets and speeding up the allied industries for foreign companies’ export products and on-the-spot services for foreigners.

To develop transport and logistics services in line with the Prime Minister-Approved master plan to bring into play the strongly developed infrastructure system.

To develop the finance-banking services to satisfy development requirements.

To develop the human resource training services for the province and the southeastern and southern key economic regions, gradually training human resources for other regions and export.

To effectively tap four forms of housing services: luxury urban houses with villas, eco-cultural houses representing each nation; urban houses for high-income earners in big urban centers in Binh Duong with high-class houses; houses for middle- and low-income earners with high-rise condominiums and houses for lease; and social houses for low-income earners.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Trade services: To build an inter-regional trade center in Thu Dau Mot city and a regional-level trade center in the southern Binh Duong urban center in Thuan An and Di An towns. To build modem trade centers in the southern Ben Cat and southern Tan Uyen urban centers. To build district-level trade centers up to regional standards in Dau Tieng and Phu Giao. To develop supermarkets serving industrial parks and open more trading cooperatives in rural areas.

Import-export: The province’s import-export turnover growth rate will record a year-on-year rise of 20.7% in the 2016-2020 period, including an annual average increase of 24% in exports and 15% in imports. The growth rate is forecast to remain high in the 2021-2025 period but lower than the previous period.

The total import-export turnover will be adjusted to USD 39.6 billion by 2015, including USD 23.55 billion from exports and USD 16.05 billion from imports. The total import-export turnover will be adjusted to USD 101.25 billion by 2020, including USD 68.95 billion from exports and the USD 32.3 billion from imports. It is estimated to reach USD 249 billion by 2025, including USD 186 billion from exports and USD 123 billion from imports.

To promote export of industrial and handicraft products and industrially processed farm produce which will make up 80-85% of the export turnover. To step-by-step raise the proportion of on-the-spot exports in housing, healthcare, finance, banking and tourism services.

To develop tourist services: The tourist turnover will be adjusted to record an annual increase of 20% in the 2016-2020 period and is forecast to increase by 25%/year in the 2021-2025 period. To attach importance to exploiting its strengths and raising the efficiency of potentials with immediate need to preserve land areas for the province’s typial ecological tourism. To attract foreign investment in luxurious services.

The tourism sector must closely cooperate with tourism sector of the southeastern region and the southern key economic region and integrate into that of other Southeast Asian nations to create diverse tourist products up to international standards churning out high socio-economic efficiency.

To attract the participation of economic sectors, especially FDI capital, in tourism development. To train a civilized and courteous tourism staff with good cultural and historical understandings and foreign language skills.

Types of tourism: Tourism form of the combination of the meetings, incentives, conferences and exhibitions (MICE), shopping tourism, eco-tourism, high-class sport tourism, traditional cultural tourism.

To form typical tourism clusters in the south, comprising Thu Dau Mot city, Thuan An town, Di An town and part of southern Ben Cat with products like orchard tourism, craft village and entertainment tours, historical and cultural relic tours; in the northwest, including Cau mountain and Sai Gon river corridor (Ben Cat, Dau Tieng) and the east along the Dong Nai and Be rivers, including Tan Uyen and Phu Giao with eco-tourist products and historical relic tours.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

To promote investment by economic sectors in transport development. The private economic sector will increase investment in goods and passenger transportation. To reduce outdated and unsafe vehicles and replace them with safer new generation vehicles to prevent environmental pollution.

c/ Development of agriculture, forestry and fisheries:

To develop a sustainable and high-productivity agriculture. To apply biotechnology and transfer of high-yield and high-quality plant varieties and animal breeds. To invest in development of zones specialized in perennial industrial trees such as rubber, fruit trees, vegetables, ornamental trees, and cattle and poultry breeding. To develop forestry in the direction of forest zoning and protection; to plant scattered trees and conserve biodiversity. To develop fisheries in the direction of planning zones for aquaculture, closely combining culture, preservation, processing and environmental protection.

Agriculture: To restructure agriculture toward less cultivation and more husbandry and agricultural services. The proportion of cultivation will be reduced to 66%, 60% and 53% by 2015, 2020 and 2025 respectively. The proportion of husbandry will be 31.5%, 36% and 42% by 2015, 2020 and 2025 respectively. The proportion of agricultural services will rise to 2.5%, 4% and 5% of the agricultural production value by 2015, 2020 and 2025 respectively.

To restructure agriculture toward higher annual value of agricultural production per hectare, reaching VND 50-70 million/ha and VND 80-100 million/ha by 2015 and 2020 respectively, mainly from industrial trees, fruit trees, safe organic vegetables, flowers, ornamental trees, and pig, dairy cow and poultry farming.

To reorganize and rearrange cultivation, livestock and other forms of agricultural production in line with the socio-economic development master plan, under each sub-regional ecological conditions. To develop specialty fruit trees along Dong Nai and Sai Gon rivers for ecotourism. To develop concentrated orchards in the northern districts in combination with processing industry and in Thuan An for ecotourism. To further develop husbandly toward high technology, freedom from epidemics and environmental protection. To build synchronous and modem slaughterhouses and processing plants, ensuring food hygiene up to export standards. To form hi-tech agricultural processing establishments up to international standards with a view to creating a agricultural brand name of the province based on effective cooperation among scientists, farmers and enterprises.

d/ Protection of environment and natural resources:

To seriously implement the Program on Environmental Protection during 2011-2015 and through 2020. To attach importance to integrating environmental protection into development master plans, plans and projects in sectors, localities, industrial parks and clusters. To prioritize attraction of advanced and environment-friendly technologies, develop technical infrastructure associated with systems of waste and wastewater collection and treatment. To improve the environmental quality by thoroughly handling polluting establishments, gradually relocating these establishments from population quarters. To encourage transformation of these establishments into service-providing ones. To renovate and upgrade technical infrastructure of existing industrial clusters. To build new industrial clusters up to environmental standards. To accelerate the implementation of water drainage and wastewater treatment projects in urban centers, population quarters, industrial parks and centralized medical establishments in Di An, Thuan An, Tan Uyen, Ben Cat and Thu Dau Mot. To protect and develop forest resources and scattered trees in order to ensure green urban areas. To build entertainment and green parks for conservation of special biodiversity of each ecological zone.

To regularly ensure readiness to respond to climate change and sea level rise and to carry out natural disaster mitigation in the locality. To step up measures to prevent, combat and limit adverse impacts of high tides, flood, inundation and salt water infiltration due to sea level rise.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

To enhance the leadership of the Party and effectiveness of the management of the State and local administrations in the consolidation of national defense and security combined with socio-economic development; to associate socio-economic development with the tasks of maintenance of defense, political security and social order and safety, thereby creating a firm foundation for sustainable socio-economic development. To locate national defense and security works in line with the socio-economic development master plan and sectoral master plans. To regularly make adjustments and supplementation to socio-economic development master plans, plans and projects.

To improve awareness about and knowledge of national defense and security and socio-economic development among cadres and people through regular dissemination and education.

To regularly consolidate and strengthen the role of specialized agencies in charge of national defense and security advice for leaders.

e/ Adjustment of development of human resources:

To adjust the population and urban population: To adjust the population to 2,043,000, 2,500,000 and 3,000,000 by 2015, 2020 and 2025 respectively. The urban population will be 1,430,000 (instead of 800,000 under 2007 master plan and 1,226,000 under the 2015 plan), accounting for 70% of the total population, 2,000,000, accounting 80% and 2,500,000, accounting for 83.3% by 2015, 2020 and 2025 respectively.

Adjustment of the labor force: The labor supply and demand will be 1,281,000 and 1,264,000, 1,541,000 and 1,529,000, and 1,912,000 and 1,900,000 people by 2015, 2020 and 2025.

Employment: From now to 2015, jobs will be additionally created for around 17,000 every year; during 2020-2025, jobs will be additionally created for around 12,000 people.

Therefore, there must be first of all policies to prioritize the employment of on-the-spot laborers, employing those currently working in the province; (1) paying attention to job training for these laborers; (2) adopting priority policies to attract trained and highly-skilled workers to work in the province; (3) closely managing unskilled laborers from other localities who are professionally unqualified with administrative management measures.

Labor restructuring: In agriculture, the labor force will be adjusted to account for 10% (instead of 8% under the 2007 master plan) and 6.4% by 2020 and 2025 respectively. The labor force in industry will account for 56.9% (instead of 45% under the 2007 master plan) and 54.4% by 2020 and 2025 respectively. In service sector, the figures will be 35% (instead of 45%) and 39.2% by 2020 and 2025 respectively.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

To attach importance to development of high-quality human resources for the urban management in a modem and civilized manner so that the province will become a centrally run grade-I urban center by 2020.

g/ Development of education and training:

To develop education and training on the basis of stepping up the planning and elaboration of suitable roadmaps and plans to improve the network of pre-school and primary education up to the national standards and expand the network of continuing education establishments; to diversify types of school and allocate land for upgrading or building of tertiary education establishments.

To develop the education cause: To develop education to meet the requirements of people’s higher intellectual standards, training of human resources and fostering of talents.

To build a learning society and creating conditions for every citizen to study and improve his educational level and professional knowledge. To build physical foundations of schools to ensure that all schools will attain the national standards at different times. To ensure the proper realization of the program of action on education, training, science and technology. To ensure all newly built schools will be synchronously furnished with national-standard equipment.

To develop the training cause: To increase the scale of professional secondary training, expand collegial and university training in a rational manner in order to meet the demand for human resources for socio-economic development.

People trained at professional secondary, collegial and university levels will account for 31% and 45.1% of the total trained labor force by 2015 and 2020.

To this end, it is necessary to synchronously develop the network of job framing. During 2011-2015: By 2015, there will be 67 vocational training establishments up to prescribed standards, including 9 colleges, 13 professional secondary schools and 45 primary vocational training and professional retraining schools, of which 2 vocational training schools will attain international standards, 10 schools will attain high-quality standards, and other vocational training schools will attain standards. During 2016-2020, the whole province will have 82 vocational training establishments, including 12 colleges (5 non-public colleges), 20 professional secondary schools (10 non-public schools) and 50 primary vocational training and professional refraining establishments (40 non-public establishments), of which 3 vocational framing schools will attain international standards and 20 schools will attain high-quality standards. To concentrate on developing high-quality universities such as Thu Dau Mot University, Viet-Duc University and Mien Dong International University;

- To improve the infrastructure system of Cong Xanh university urban area to attract investment from prestigious domestic and foreign universities;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

h/ Development of health care:

To consolidate preventive health establishments with simplified administrative procedures and compact units. To step by step integrate provincial-level centers and units performing the preventive health function for establishing an epidemic control agency and provincial hospitals on the basis of merging provincial-level units having the same function of preventive health after 2016.

To expand existing hospitals and build new hospitals to meet the province’s demand. To establish a modem international hospital to meet the regional demand.

To develop medicine and health care on the basis of synchronous development of the system of health infrastructure at all levels, in industrial parks, new urban centers, and renovate and upgrade the existing health infrastructure facilities. To upgrade the province’s general hospital; to build the traditional medicine department in general hospitals and clinics; to build specialized hospitals. To establish more regional general clinics in industrial parks.

The provincial-level medical examination and treatment network: To upgrade the province’s general hospital into a grade-I hospital with 1,500 patient beds; preventive health centers, social disease prevention and control centers and population and family planning sub-departments. To complete the second phase of building pediatrics, tuberculosis and mental disease hospitals. To permit the opening of a number hospitals with social resources to meet the demand of local people, regional population and foreigners.

District- and commune-level health care: To establish district-level general medical centers. To renovate and upgrade medical centers and build new ones in Thuan An town, Tan Uyen and Ben Cat districts. By 2020, every district will have 1-2 medical centers.

Regional health care: To build 5 regional general clinics and 18 general clinics in industrial parks.

Commune and ward health care: By 2020, every communes or ward will have 2 health stations with medical equipment up to standards of the Ministry of Health.

i/ Development of culture, physical training and sports:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

To invest in complete physical facilities for development of culture and sports. To conserve and promote traditional arts, dramatic and music arts. To promote conservation and museum activities and embellish relics and scenic places with a view to maintain and promote the national cultural identity. To build monuments and renovate historical relics.

Physical training and sports: To maintain and develop the mass physical framing and sports movement. To develop high-achievement sports and strive for high achievements at the national and international level in some sports in which the province has advantages. To organize the complete training of athletes and coaches. To supply more training equipment and build one sports facility up to the international and regional standards.

k/ Development of science and technology:

To step by step apply new, advanced and modem sciences and technologies. To support the development of “technological incubators”; to form research and development institutions in universities and industrial parks. To develop high-quality scientific and technological human resources qualified for research and application in all sectors; to give priority to biotechnology, clean technologies and environment-friendly technologies. To promote investment in technological renewal and application of new technologies to the manufacture of major export products in order to improve their competitiveness in the global value chain.

To effectively implement approved key science and technology schemes, programs and projects.

To form and develop a science and technology market; to organize consultancy and technology transfer services; to create conditions for enterprises to select advanced technologies suitable to their development. To step up the mobilization of social resources for scientific and technological activities.

l/ Adjustment and supplementation of urban development planning:

To build Binh Duong into a civilized, modem and green city, taking the lead in the process of development, recording a high growth rate and vigorous economic restructuring and serving as a driving force for economic restructuring toward industrialization and modernization for other sub-regions.

Urban development must suit the urban population growth rate. By 2020, the urban population will reach some 2 million, accounting for 80% of the total population of the province (higher than the average of the southeastern region of 75%). By 2025, the province’s urban population will reach 2.5 million, accounting for 83.3% of the total population of the province. The urban population growth rate will be 6.9% and 4.5% during 2016-2020 and 2021-2025 respectively.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

m/ Rural development:

To build rural areas of Binh Duong province into those with sustainable agricultural production, ensuring sufficient supply of food for the city, towns, townships and industrial parks; to supply raw materials for processing industry and export, and at the same time produce food to meet part of the demand. To step up investment in rural areas from all sources; to development the private economy, rationally restructure the economy, apply science and technology to production, reduce input costs and intermediary costs, and raise competitiveness of agricultural products.

To build a rational economic structure in rural areas. To attach importance to development of processing industry, handicraft and cottage industries, traditional trades and services for development of agriculture, forestry and fisheries and handicraft products in rural areas.

To form stable specialized farming zones and food vegetable zones in Ben Cat, Tan Uyen and Dau Tieng; zones of ornamental trees in Thuan An and Thu Dau Mot; rubber tree zones in the north of the province (Dau Tieng, Ben Cat and Phu Giao); fruit tree zone in Tan Uyen and Ben Cat. To strongly develop husbandry, form husbandry households and farms, dairy cow farms in Ben Cat and Tan Uyen, industrial clean chicken farms in Dau Tieng, Tan Uyen, Ben Cat and Phu Giao. In addition, to develop handicraft and cottage industries and traditional services in rural areas, produce products with high skilled labor and technical products, in the agricultural-industrial-urban relations.

To properly implement the program on development of new countryside, meeting all new countryside criteria and objectives.

n/ Roadmap of development of administrative organizations:

By the end of 2015, the province will have 10 provincial administrative units (1 city, 5 towns and 4 districts), covering 51 communes, 49 wards and 11 townships.

By 2020, the province will have 10 administrative units (1 city, 5 towns and 4 districts), covering 40 communes, 60 wards and 13 townships.

o/ Infrastructure development:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

To build a civilized and modem transport system within urban centers. To invest in urban thoroughfares linking outbound routes with urban centers and industrial parks in the locality. To develop the rural transport system and asphalt all roads.

To develop outbound North-South and East-West transport axes, enhance the connection between urban centers in the province and new Binh Duong city’s downtown and the southeastern region and southern key economic region and trans-southeastem Asian route (through Cambodia) linking the belt road in the northeastern region of Thailand and Cambodia through Moc Bai border gate on roads and Hoa Lu border gate (Binh Phuoc) on roads and railways.

The road system: To develop the road transport in the province toward synchrony, interconnection and effective combination of different transport modes: Between the centrally managed road system and the provincial road system managed by the province and districts, and between rural roads and urban roads to reach all territorial spaces in a quick, convenient and effective manner.

The national road system: The province will have 7 important national road routes. To concentrate on upgrading and building a number of expressways in the locality connected with Ho Chi Minh City (under the Prime Minister’s Decision No. 568/QD-TTg of April 8,2013, on adjustment of the master plan on transport development of Ho Chi Minh City through 2020 with a vision afterward) and other provinces in the southern key economic region.

The road system managed by the province: The system of provincial road connected with the radial and transversal transport axes leading to industrial parks and clusters, urban centers and concentrated agricultural production zones.

The urban road system: To build an urban road system up to modem standards. In the north, roads will be connected with the central and adjacent urban centers. To develop the complete system of district-and commune-level roads connected with the urban road system as well as outbound and belt roads in order to improve the efficiency of the transport system. The system of works to serve road transport, such as terminals, inland cargo depots, stopovers and public parking lots will be built in a synchronous manner in order to improve the performance of the transport system.

To build some new inland cargo depots: Phu Hoa in Binh Duong industrial-service-urban complex on an area of around 250,000 m2, Vinh Tan in Tan Uyen industrial park and urban center on an area of around 250,000 m2, An Dien in An Tay industrial park (Ben Cat) on an area of around 300,000 m2, Bau Bang in Bau Bang industrial park (Ben Cat) on an area of around 200,000 m2, and Thanh Phuoc in Thanh Phuoc port on an area of around 200,000 m2.

Waterway system: To finalize the master plan on the system of river ports and inland landing stages in the province to have 11 ports and port clusters, including Binh Duong, Thanh Phuoc, Thuong Tan, An Son, Rach Bap, An Tay, Ben Sue, Thanh An, Phu An, Ba Lua and Thai Hoa.

Railway system: The province has a north-south section of the national railway system and Di An - Loc Ninh railway. In the future, there will be also Ho Chi Minh City - My Tho - Can Tho - Ca Mau railway. All these railways will run through 6 administrative units of the province (except Dau Tieng).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Route 1: Connecting the new urban center with Suoi Tien station (the final station of the metro route No. 1 in Ho Chi Minh City) from Ben Thanh to Suoi Tien under construction and expected to be completed by 2018. Route No. 1 of Binh Duong will be overhead one. This route will be completed before 2020 to connect with Suoi Tien from the new urban center and running through the areas in the south of the province and heading to Ho Chi Minh City.

Route 2: From Thu Dau Mot city to Ho Chi Minh City, which is a light metro. This route will be built overhead along national highway 13 through Vinh Binh (Binh Duong) and connect with metro route No. 3 (Ho Chi Minh City) at Binh Phuoc intersections. This route will be 24.2 km long and built after 2020.

Route 3: Thu Dau Mot new city - My Phuoc - Bau Bang - Long Nguyen. This route will be 32.3 km long, built overhead after 2020 to connect the new urban center with the southern Ben Cat center.

Route 4: From the central station in the new city - Uyen Hung - Tan Thanh. The route will be 22.3 km long, built overhead after 2020 to connect the center to the east.

Route 5: From Vinh Phu (Thuan An) - Ong Cu temple. This route will be used to transport workers in industrial parks and connect with metro No. 4 in Ho Chi Minh City, and built overhead after 2020.

Route 6: From the new city to Vinh Phuoc. This route will be 29.6 km long and built overhead after 2020.

Route 7: From My Phuoc to Dau Tieng. This route will be 38.8 km long and built overhead after 2020.

Power supply: To supply power with complete sources, grid and load system in the locality. The average annual power demand growth rate will be 13-15%. The commercial power output will reach 9,586 million kWh and 16,679 million kWh by 2015 and 2020.

To develop the distribution network: To distribute power in synchrony with the transformation of voltage for 7 load areas toward larger cross-section of transmission lines; to hook to the main-axe power grid and new transmission lines and transformer stations; to ensure sufficient supply of power to meet the existing and future load demand for socio-economic development in the province.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Information and communications: To modernize the information and communications system to the level of the provinces in the southeastern region and southern key economic region. To automate, digitalize, mobilize, publicize and synchronize the information network and diversify services; to improve the competitiveness and mobilize and efficiently use resources; to invest in new services and diversify products. To ensure uninterrupted information and communication connected with the whole southeastern region and southern key economic region.

During 2016-2025: The rate of fixed and mobile broadband Internet subscribers will reach 65-70 per 100 people. The rate of Internet users will be 55-60% of population. The mobile service coverage will serve 100% of the local population. To complete the transformation of the transmission and broadcasting system from analog to digital mode by 2016.

Water supply system: The water demand will be around 1,011 m3/day and 1,445 m3/day by 2020 and 2030. To meet this demand, water will be taken from Phuoc Hoa reservoir in a flow of 15m3/second to be supplied to the urban centers and industrial parks in the province.

Wastewater drainage and environmental sanitation system: The province has had a master plan on the wastewater drainage and environmental sanitation system through 2020. Accordingly, the whole system of wastewater sewers from urban centers and industrial parks has been planned within the common sewer system for treatment of wastewater before discharged into the environment.

To attach importance to the planning of the solid waste management system. To collect and sort recyclable non-hazardous solid waste and hazardous solid waste which must be recycled.

The form of solid waste treatment in the initial period will still be burial. However, for the long term, solid waste must be treated in plants. By 2020, the province will need 6 new facilities for collection and treatment in addition to 3 existing facilities and some 100 dumping vehicles. Solid waste will be treated in 3 concentrated facilities and 1 hazardous waste incinerator.

Irrigation system: To invest in upgrading and repairing works for irrigation, drainage, flood and salt water infiltration combat and building new ones. To build water drainage systems in Di An, Suoi Giua, Bung Hiep-Suoi Cat, An Son-Lai Thieu and Chanh Nghia-Phu Tho dikes.

5. Adjustment of solutions to realize the master plan:

a/ Investment capital: Investment capital constitutes an important conditions for fast and sustainable development.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

During 2016-2020: To continue investing in industrial development. The estimated total investment capital is VND 470,171 billion, in which agriculture, forestry and fisheries need VND 25,859 billion, accounting for 5.5%, industry and construction need VND 305,611 billion, accounting for 65%, and services need VND 138,701 billion, accounting for 29.5%.

During 2021-2025: The estimated total investment capital will be VND 642,906 billion, in which agriculture, forestry and fisheries will need VND 41,146 billion, accounting for 6.4%, industry and construction will need VND 385,744 billion, accounting for 60%, and services will need VND 216,016 billion, accounting for 33.6%.

Mobilization of investment capital: To mobilize all resources at home and abroad, inside and outside the province and from all economic sectors.

Investment from the state budget: Estimated investment from the state budget during 2011-2015 is VND 36,441 billion, accounting for 9.5% of total social investment; during 2016-2020, VND 37,210 billion, accounting for 7.9%, and during 2021-2025, VND 38,574 billion, accounting for 6% of the total investment.

Loan capital: Estimated loan investment for 2011-2015 is VND 41,428 billion, accounting for 10.8% of total social investment; for 2016-2020, VND 51,719 billion, accounting for 11% of total; and for 2021-2025, VND 77,149 billion, accounting for 12% of the total.

Investment of enterprises and people: Investment of enterprises and people will still account for large proportion. Estimated investment capital for 2011-2015 is VND 113,925 billion, accounting for 29.7% of total social investment; for 2016-2020, VND 155,560 billion, accounting for 33.1 %; and for 2021 -2025, VND 237,875 billion, accounting for 37% of the total investment.

Foreign investment: Foreign investment will still an important source contributing to the province’s growth. By 2015, there will be many prospective investment cooperation policies under the TPP Agreement. The province will attach importance to attraction of investment in construction of important and large-sized works of breakthrough nature. During 2011-2015, around VND 191,794 billion, accounting for 50%; during 2016-2020, around VND 225,682 billion, accounting for 48%; and during 2021-2025, around VND 289,308 billion, accounting for 45% of the total social investment.

b/ Development of human resources:

Educational development is a strategic task to develop human resources. Therefore, the national policies on educational development must be applied in the locality at all educational levels, from kindergarten, pre-school and general education. To develop vocational training schools in large numbers and different forms: In-job, short-term and long-term training. To adopt priority policies toward trained persons who stay to work in the province. To implement plans on domestic and overseas training of a contingent of qualified managerial officers. To properly realize the mechanism for mobilization of social resources in framing. To closely coordinate with employing enterprises and state organizations in providing job training to laborers.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

To attract scientists by providing them with income, housing and working condition incentives. To prioritize investment in physical foundations for research and application of hi-tech products, products made of local and domestic materials; to build research and development establishments suitable to the management mechanism and qualifications of the managerial officers and local conditions. To build a contingent of capable and dynamic science and technology managers with easy access to advanced science and technology management models for practical application in the province.

d/ Market development:

To develop e-commerce in order to facilitate e-transactions by investing in equipment, and establish e-commerce centers up to national and regional standards. To facilitate online advertising of trade marks, prices, quality, warranty duration and e-payment methods.

To participate in international trade fairs with a view to expanding markets and promoting local goods and brands; to step by step find a niche for local goods in the world market.

dd/ Improvement of effectiveness of state management in the locality:

To perform the economic management under the market mechanism with state management. For overseas markets: To step up trade promotion in regional countries, with the State playing the leading role in diplomatic, bilateral and multilateral economic cooperation activities, intensify consultancy, provision of price information, and brokerage with domestic and foreign partners.

Domestic market: The State comprehensively manages functions and efficiency of business operation of each unit in each sector. To reorganize units with inefficient operation. For non-public economic units, the State shall create a favorable legal environment for their business operations.

Economic management under the mechanism of territorial unity: To attach importance to rational distribution of resources for harmonious and sustainable development of the southern and northern areas, urban and rural areas. To form and develop specialized production zones with conditions for application of advanced sciences and techniques for creating quality products. To improve the public capacity for territorial management, raise the level of territorial management in association with sectoral management at all levels. To properly implement legal documents of the central government and local administration in each sector and level.

Economic management under the mechanism of grassroots autonomy: To promote autonomy of local enterprises in the state management in accordance with law and applicable mechanisms and policies. To raise the role of administrations at all levels, further reform administrative procedures and improve the capacity of administrations for economic, urban and social management. To attach importance to promoting investment of small- and medium-sized enterprises in production, business and service provision. To improve operation effectiveness and create on-the-spot jobs for laborers.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

To perform the effective economic management under the mechanism of coordination among sectors and levels and cooperation and association among localities inside and outside the province. To regularly review and improve the province’s score and rank in provincial competition index (PCI), public administration performance index (PAPI), international economic integration capacity index and administration reform index.

6. Organization of supervision and implementation of the master plan:

a/ Announcement and dissemination of the master plan:

To organize the announcement and dissemination of the adjusted and supplemented master plan among Party Committees, administrations, sectors, mass organizations, enterprises and local people on the basis of its contents and objectives, and formulate specific programs of action to step by step achieve its objectives.

b/ Formulation of programs of action:

- After the adjusted master plan is approved by the Prime Minister, based on its contents and objectives, the province shall formulate programs of action to implement it.

- The province shall incorporate the objectives of the master plan in five-year and annual plans for effective implementation of the master plan. Annually, it shall evaluate the implementation of the master plan, thereby reviewing and proposing adjustments and supplements to the master plan to suit the practical socio-economic development of the province in each period.

- Administrations at all levels, sectors, political and social organizations and people shall supervise the implementation of the master plan.

Article 2. The adjusted and supplemented master plan serves as a basis for elaboration, approval and implementation of sectoral master plans (construction master plans, land use master plans and plans and other relevant master plans), and investment projects in the province.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. District-level socio-economic development master plans; construction master plans; land use master plans and plans; and development master plans of sectors and fields, in order to ensure systematic and synchronous socio-economic development and maintenance of national defense and security.

2. Long-, medium- and short-term plans, key socio-economic development programs and specific projects for intensive investment and prioritized and rational allocation of capital sources.

3. Elaboration and promulgation or submission to competent state agencies for promulgation of mechanisms and policies to meet development requirements of the province in each period, with a view to attracting and mobilizing resources for the implementation of the master plan.

Article 4. Within the ambit of their functions, tasks and powers, related ministries and sectors shall:

1. Guide and help the People’s Committee of Binh Duong province in implementing the master plan; formulate and promulgate or submit to competent authorities for promulgation a number of mechanisms and policies to meet socio-economic development requirements of the province in each period, with a view to efficiently utilizing resources and attracting investment according to the province’s socio-economic development objectives and tasks set forth in the master plan.

2. Coordinate with the People’s Committee of Binh Duong province in adjusting or supplementing sectoral master plans to make them conformable with the master plan; consider to support Binh Duong province in mobilizing domestic and overseas capital sources for implementation of the master plan.

Article 5. This Decision replaces the Prime Minister’s Decision No. 81/2007/QD-TTg of June 5, 2007, approving the master plan on socio-economic development of Binh Duong province through 2020. This Decision takes effect on the date of its signing.

Article 6. The chairperson of the People’s Committee of Binh Duong province, ministers, heads of ministerial-level agencies and heads of government-attached agencies shall implement this Decision.

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

 

(*) Công Báo Nos 619-620 (25/6/2014)

1 Under the province’s criteria for the 2011-2015 period

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 893/QĐ-TTg ngày 11/06/2014 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


16.455

DMCA.com Protection Status
IP: 18.116.42.208
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!