Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 89/2006/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai Người ký: Phạm Thế Dũng
Ngày ban hành: 31/10/2006 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 89/2006/QĐ-UBND

Pleiku, ngày 31 tháng 10 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2006 - 2010.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XIII;

Căn cứ Nghị quyết số 11/2006/NQ-HĐND tỉnh ngày 12/7/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh kỳ họp thứ bảy khóa IX về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2006-2010;

Căn cứ Nghị quyết số 25/2006/NQ-HĐND ngày 09/10/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc bổ sung quy hoạch diện tích cao su trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 từ 70.000 lên khoảng 120.000 ha;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 với những mục tiêu chủ yếu như sau:

1/ Về kinh tế:

Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, từng bước thu hẹp khoảng cách về GDP bình quân đầu người so với mức trung bình của cả nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

- Phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm 12,5% trong giai đoạn 2006-2010, trong đó: nông lâm nghiệp tăng 7,7%, công nghiệp - xây dựng tăng 19% và dịch vụ tăng 14,5%. Tăng đầu tư và phát triển mạnh hơn các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

- Đến năm 2010 GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành 11 triệu đồng, gấp 2,14 lần năm 2005, bằng 61% mức trung bình của cả nước; theo giá so sánh đạt 5.027 triệu đồng, gấp 1,6 lần năm 2005. Phấn đấu đạt mức tăng trưởng bình quân 12,5% trong giai đoạn 2010-2015, đến năm 2015 GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 24 triệu đồng, gấp 2,2 lần năm 2010, theo giá so sánh đạt 8,198 triệu đồng, gấp 1,63 lần năm 2010.

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng của công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, đến năm 2010: NLN: 38%; CN-XD: 31,5%; DV: 30,5%; dự kiến đến năm 2015: NLN: 30%, CN-XD: 37%, DV: 33%.

- Tỷ lệ huy động vào ngân sách bình quân giai đoạn 2006-2010 là 13%, tăng khả năng tự cân đối của ngân sách địa phương. Thực hiện tiết kiệm chi, tăng chi cho đầu tư phát triển.

- Tăng nhanh nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm 2006-2010 là 29.660 tỷ đồng, tập trung nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục mở rộng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt chú ý tới kết cấu hạ tầng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

- Mở rộng và nâng cao hiệu quả xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 26,8%, đạt 130 triệu USD vào năm 2010.

- Tạo môi trường thuận lợi và ổn định cho các thành phần kinh tế hợp tác cạnh tranh cùng phát triển trong khuôn khổ pháp luật.

2/ Về xã hội:

- Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1,5% vào năm 2010, quy mô dân số của tỉnh đến năm 2010 khoảng 1,276 triệu người, tốc độ tăng dân số thời kỳ 2006-2010 là 2,38%, dự kiến trong 5 năm nhận dân kinh tế mới 3.500 hộ với 17.500 khẩu; bằng mọi nguồn vốn và nhiều hình thức để giải quyết cơ bản về vấn đề việc làm cho người lao động, tạo thêm nhiều việc làm mới, phấn đấu hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 2 vạn lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 27 % năm 2010, đảm bảo nhu cầu lao động kỹ thuật cho phát triển kinh tế - xã hội.

- Cơ bản xóa hộ đói, giảm hộ nghèo xuống còn dưới 19% (theo tiêu chí mới) năm 2010; cải thiện đáng kể điều kiện sinh hoạt, học hành, chăm sóc sức khỏe và từng bước nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đặc biệt chú ý vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nâng cao dân trí, chất lượng giáo dục, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng nhân lực có trình độ cao, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề và đào tạo cán bộ cho nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, đến năm 2010 huy động gần 100% học sinh trong độ tuổi tiểu học đến lớp, 100% xã phường thị trấn phổ cập THCS; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể lực và tuổi thọ, giảm tỷ lệ mắc bệnh, khống chế dịch, phấn đấu trên 95% trẻ em được tiêm chủng mở rộng, 100% trung tâm cụm xã có phòng khám khu vực và 60% số xã có bác sĩ, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 25%; thực hiện Bảo hiểm Y tế toàn dân vào năm 2010; trên 90% số hộ dùng điện, 90% dân cư đô thị được dùng nước máy, 80% dân cư nông thôn được dùng nước sạch; mật độ điện thoại đạt 14 máy/100 dân vào năm 2010, gấp 2 lần năm 2005: 95% số hộ được xem truyền hình, 100% số làng với 95% số hộ đồng bào dân tộc được định canh định cư.

- Giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị từ 4% năm 2005 xuống dưới 3% năm 2010; tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên từ 80% năm 2005 lên 85% vào năm 2010. Hạn chế, tiến tới loại trừ các tai nạn và tệ nạn xã hội.

3/ Về phát triển khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường.

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và triển khai, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào các ngành kinh tế cơ bản là thế mạnh của tỉnh, các lĩnh vực thiết yếu của đời sống. Chú trọng ứng dụng công nghệ sản xuất mới, công nghệ thông tin trong quản lý, quản trị kinh doanh nhằm nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh. Hiện đại hóa công nghệ các ngành, lĩnh vực then chốt phù hợp với đặc thù của tỉnh để ngày càng có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh. Phấn đấu đến năm 2010, trình độ công nghệ của tỉnh đạt mức trung bình của cả nước. Hình thành đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, trước hết cho các lĩnh vực, các khâu then chốt, đội ngũ cán bộ tham mưu hoạch định chính sách và chuyển giao công nghệ.

- Tăng cường quản lý và khai thác hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên không tái sinh; nâng độ che phủ của rừng và cây lâu năm từ 58,9% năm 2005 lên khoảng 65% vào năm 2010; ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải, rác thải ở các đô thị, khu công nghiệp; xây dựng nếp sống vệ sinh ở nông thôn.

4/ Về an ninh quốc phòng:

- Không ngừng tăng cường sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân. Đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương đủ sức ứng phó trong mọi tình huống. Bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, đoàn kết các tầng lớp nhân dân; giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

5/ Về cải cách hành chính: Đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính, cải tiến bộ máy, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý, đào tạo và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu dân.

Điều 2. Căn cứ vào các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2006-2010, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Pleiku, thị xã An Khê và các huyện, các doanh nghiệp, các chủ đầu tư, chủ dự án xây dựng kế hoạch hàng năm của ngành, địa phương, đơn vị mình.

Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Kho bạc nhà nước; thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Pleiku, thị xã An Khê và các huyện, các doanh nghiệp, các chủ đầu tư, chủ dự án chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Thế Dũng

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2006 - 2010
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 89/2006/QĐ-UB ngày 31/10/2006 của UBND tỉnh Gia Lai)

PHẦN THỨ NHẤT

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 5 NĂM 2001-2005

A/ Đặc điểm chung:

Thực hiện kế hoạch 5 năm 2001-2005 của tỉnh diễn ra trong bối cảnh phải đối mặt với những khó khăn như: tình hình quốc tế, khu vực và trong nước có những diễn biến phức tạp. Đặc biệt đối với tỉnh đã xảy ra 2 lần bạo loạn chính trị, tác động xấu đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng; ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn; gây tâm lý lo lắng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thời tiết thất thường, giá cả một số mặt hàng nông sản biến động, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống còn nhiều yếu kém. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh cùng với sự nỗ lực của các cấp các ngành, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, chận đà giảm sút về kinh tế, tạo ra được sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; bước đầu giải quyết có hiệu quả một số vấn đề bức xúc về xã hội; quốc phòng an ninh được củng cố.

B/ Đánh giá thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2001-2005:

I/ Những thành tựu đã đạt được:

1/ Về kinh tế:

+ Nền kinh tế có sự tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng:

Nhịp độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 5 năm 2001-2005 đạt 11,55%/năm, bằng mức tăng trưởng giai đoạn 1996-2000. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) năm 2005 gấp 1,72 lần so với năm 2000. Trong đó, giá trị gia tăng công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá, ở mức 18,13% so với 10,5% của giai đoạn 1996-2000; giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản ở mức tăng 8,4% so với 12,5% của giai đoạn 1996-2000; giá trị tăng thêm ngành dịch vụ là 13,42%, cao hơn mức 9,8% của giai đoạn 1996-2000. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế- xã hội đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XII, góp phần tạo sự ổn định phát triển cho kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

+ Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng GDP ngành công nghiệp - xây dựng từ 18% năm 2000 tăng lên 23,9% năm 2005; tỷ trọng GDP ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 57,8% xuống còn 48,5%; ngành dịch vụ có tỷ trọng tăng tương ứng từ 24,2% lên 27,6% .

Trong nội bộ từng lĩnh vực, từng ngành cũng có sự chuyển dịch cơ cấu. Trong công nghiệp ngày càng thể hiện rõ sự đóng góp đáng kể của công nghiệp chế biến nông lâm sản và công nghiệp điện. Trong nông nghiệp, có sự chuyển đổi nhanh về cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nhất là hàng hóa tập trung cho xuất khẩu, tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nội bộ ngành nông nghiệp cũng đã tăng lên, dịch vụ phát triển nhanh và đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho phát triển kinh tế và phục vụ đời sống nhân dân.

+ Sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ngày càng phát triển, đã hình thành các vùng sản xuất tập trung các cây công nghiệp như: cà phê, cao su, điều, mía... và các vùng sản xuất cây lương thực như: ngô lai, sắn, lúa nước có quy mô ngày càng được mở rộng; hình thành ngày càng rõ nét hơn một số ngành sản xuất có lợi thế cạnh tranh và tạo thị phần trên thị trường cả nước.

Diện tích cây lương thực có hạt tăng từ 82.674 ha năm 2000 lên 120.463 ha năm 2005, sản lượng lương thực tăng nhanh nhờ tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; năm 2000 đạt 239.864 tấn và năm 2005 đạt 424.351 tấn, tăng hơn 18 vạn tấn so với năm 2000 (đã vượt xa mức Đại hội XII đề ra là 300.000 tấn). Diện tích lúa đông xuân tăng từ 14.166 ha năm 2000 lên 19.492 ha năm 2005 (đã vượt chỉ tiêu của Đại hội XII đề ra: 18.000 ha năm 2005). Năm 2005 lương thực bình quân đầu người đạt 374 kg/người. Giảm dần diện tích lúa rẫy, thay thế bằng các cây ngắn ngày như mía, ngô lai, bông vải... nên hiệu quả trên một đơn vị diện tích cây trồng tăng lên rõ rệt.

Cây công nghiệp dài ngày phát triển nhanh, vượt mục tiêu đề ra, từ 147.456 ha năm 2000 lên 155.210 ha năm 2005, trong đó cây cao su 58.300 ha, cây cà phê 75.910 ha, cây điều 19.720 ha và cây chè 1.280 ha.

Về chăn nuôi: Vẫn duy trì và phát triển, đặc biệt chương trình lai tạo đàn bò, nạc hóa đàn heo đã được quan tâm đầu tư, từng bước nâng cao chất lượng đàn gia súc. Tỷ lệ đàn bò lai trong tổng đàn từ 22% năm 2000 đã tăng lên 34% năm 2005, tỷ lệ heo lai cũng tăng tương ứng từ 53% lên 62%. Công tác thú y, phòng trừ dịch bệnh được triển khai rộng khắp, đã hạn chế tình trạng lây lan các dịch bệnh gia súc. Tuy vậy, so với trồng trọt, ngành chăn nuôi tăng chậm nên tỷ trọng của ngành chăn nuôi so với trồng trọt trong tổng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp vẫn chưa được cải thiện.

Nghề nuôi cá và đánh bắt trong những năm qua đang được chú trọng phát triển trở lại trên cơ sở tận dụng các sản phẩm nông nghiệp, ao hồ trong dân cư và các hồ chứa nước, các công trình thủy lợi, thủy điện nhằm không ngừng nâng cao mức sống và thu nhập cho người dân.

Về lâm nghiệp: Từng bước chuyển đổi các hình thức sản xuất lâm nghiệp đơn thuần sang sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao và đảm bảo ổn định lâu dài cho người sản xuất nhất là các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ổn định, định canh định cư. Tỉnh đã dành một phần kinh phí để nâng dần diện tích khoán quản lý bảo vệ rừng từ 77.680 ha năm 2000 lên 145.146 ha năm 2005. Những diện tích rừng được giao quản lý bảo vệ tốt, hạn chế được tình trạng khai thác trái phép, phát nương làm rẫy. Đã trồng được 13.369 ha rừng tập trung trong 5 năm 1996-2000 và 19.493 ha trong 5 năm 2001-2005, tăng 45,8% so với 5 năm trước.

Trong những năm gần đây việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ được chú trọng thông qua thực hiện các chương trình dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Tỉnh đã triển khai 6 dự án để thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, với tổng kinh phí đầu tư gần 100 tỷ đồng (bao gồm cả vốn ngân sách, vốn vay, vốn tự có của doanh nghiệp vả của dân) thực hiện trong nhiều năm.

Nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công tác nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi đã được đưa vào sản xuất, phổ cập sử dụng rộng rãi các giống mới, giống lai, giống nguyên chủng, giống cấp I, sử dụng giống ghép theo phương pháp cấy mô thực vật và giống giâm cành trong lĩnh vực trồng rừng, công tác đưa cơ giới hóa vào sản xuất và sau thu hoạch đã được tỉnh quan tâm và hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ vốn mua sắm máy móc thiết bị sản xuất, chế biến sau thu hoạch; công tác khuyến nông, khuyến lâm được quan tâm cùng với các dịch vụ cung cấp giống, vật tư nông nghiệp rộng khắp, kịp thời đã tạo điều kiện để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng nông thôn như thủy lợi, giao thông, khai hoang xây dựng đồng ruộng được quan tâm đầu tư ngày càng lớn, đã mở rộng diện tích, tăng vụ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

+ Ngành công nghiệp có mức tăng trưởng khá, giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 2005 là 1.376 tỷ đồng gấp 2,49 lần năm 2000, tăng bình quân 20,1% trong 5 năm 2001-2005. Trong đó: công nghiệp quốc doanh trung ương đạt 414 tỷ đồng, công nghiệp quốc doanh địa phương đạt 116 tỷ đồng, công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 764 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so năm 2000; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 82 tỷ đồng. Ngành công nghiệp đã đầu tư và tập trung khai thác lợi thế của tỉnh, hình thành một số ngành công nghiệp có ý nghĩa đột phá, mũi nhọn trong phát triển kinh tế chung của tỉnh như: công nghiệp chế biến nông lâm sản, công nghiệp điện, công nghiệp vật liệu xây dựng.

+ Thị trường hàng hóa ngày càng đa dạng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ngày một tăng, năm 2005 đạt 3.611,7 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với năm 2000. Thương nghiệp bảo đảm cung ứng các loại vật tư, hàng hóa trên thị trường toàn tỉnh, các mặt hàng thiết yếu cho đồng bào các dân tộc, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, gồm cả các mặt hàng theo cơ chế hỗ trợ, cấp không. Các thành phần kinh tế trong ngành thương mại đều phát triển khá mạnh, tăng nhanh về số lượng, quy mô hoạt động, góp phần tích cực vào việc giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế thị trường ở cả thành thị và vùng nông thôn.

Cà phê, gỗ tinh chế, cao su đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, góp phần quan trọng đến nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, trong đó do sự yếu kém của các doanh nghiệp nên trong 5 năm qua hoạt động xuất khẩu, giảm cả về số lượng mặt hàng lẫn giá trị kim ngạch, hiệu quả chưa cao. Đến năm 2005, kim ngạch xuất khẩu mới ở mức 39,64 triệu USD chỉ đạt 24,77% mục tiêu đề ra của kế hoạch 5 năm.

Hoạt động nhập khẩu đã góp phần đáp ứng những loại hàng hóa phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh, nhất là những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được hoặc chưa đáp ứng được.

+ Các ngành dịch vụ khác như: bưu chính viễn thông, vận tải, ngân hàng, bảo hiểm... phát triển nhanh tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu, hợp tác và phát triển kinh tế - xã hội của Gia Lai.

Dịch vụ vận tải đã cơ bản đáp ứng nhu cầu giao lưu hàng hóa và đi lại của nhân dân với nhiều loại hình vận tải đa dạng và phương thức vận tải được cải thiện, thuận lợi hơn nhiều. Khối lượng hàng hóa và hành khách luân chuyển năm 2005 đều tăng hơn 2 lần so với năm 2000.

Dịch vụ bưu chính viễn thông đã có bước phát triển nhanh và khá hiện đại. Đến nay, 100% xã phường có điện thoại với số máy điện thoại 700 máy trên 1 vạn dân (trong đó có 591 máy cố định, còn lại là máy di động). Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm,... có bước phát triển đáng kể, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Du lịch của Gia Lai những năm gần đây có tăng trưởng, song quy mô còn nhỏ bé, chiếm tỷ trọng không đáng kể trong cơ cấu kinh tế.

Các hoạt động dịch vụ sản xuất phát triển đa dạng như: thủy lợi, vận chuyển, cung ứng vật tư... đã góp phần phục vụ sản xuất tốt hơn. Hệ thống dịch vụ được hình thành với các hình thức phục vụ năng động, phù hợp với yêu cầu sản xuất và đời sống. Đặc biệt hoạt động cơ giới, chế biến gần đây phát triển mạnh ở nhiều địa phương, nhất là những khu vực sản xuất hàng hóa tập trung, đã áp dụng cơ giới hóa các khâu làm đất, tưới tiêu, vận chuyển sản phẩm, làm giảm dần lao động thủ công trong sản xuất nông nghiệp và sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch.

+ Đã quan tâm phát triển kinh tế các vùng động lực; vùng trọng điểm; kinh tế nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Kinh tế đô thị được chú trọng phát triển: thành phố Pleiku, cơ sở hạ tầng được chỉnh trang và nâng cấp, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Bộ mặt các thị trấn được quan tâm đầu tư và ngày càng khởi sắc, trở thành những hạt nhân phát triển của huyện. Thị trấn An Khê được nâng lên đô thị loại 4, thành thị xã - là hạt nhân phát triển vùng phía đông của tỉnh.

Đã và đang hình thành một số khu công nghiệp tập trung, như Khu công nghiệp Trà Đa, Nam Hàm Rồng của thành phố Pleiku, các cụm công nghiệp huyện Chư Sê, An Khê, Ayun Pa.

Một số vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung được hình thành như: cao su, cà phê ở Đức Cơ, Chư Sê, Đăk Đoa, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông; Chè ở Chư Prông, Chư Păh, Mang Yang; Điều ở Krông Pa, Kông Chro; tiêu ở Chư Sê, Chư Prông; sắn, mía ở Ayun Pa, Ia Pa, An Khê, Krông Pa.

Mạng lưới chợ, trung tâm dịch vụ, du lịch được hình thành ở Pleiku, các thị trấn và một số trung tâm cụm xã ở các huyện trong tỉnh.

Trong 5 năm qua tỉnh chủ trương vừa đầu tư cho vùng kinh tế động lực vừa quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn, nên từng bước đưa các vùng này phát triển nhằm xóa dần chênh lệch giữa các vùng và từng bước nâng cao đời sống nhân dân.

+ Đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, cơ cấu đầu tư có sự điều chỉnh lớn theo hướng tập trung khai thác có hiệu quả lợi thế so sánh của cả tỉnh và từng vùng.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội liên tục tăng qua các năm góp phần quyết định tăng trưởng kinh tế. Tổng vốn đầu tư phát triển 5 năm 1996-2000 là 8.270 tỷ đồng, trong 5 năm 2001-2005 là 13.265 tỷ đồng, tăng 60,4% so với cùng kỳ. Tỷ trọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản giữa các ngành kinh tế cũng có sự chuyển dịch theo hướng đầu tư vào công nghiệp và dịch vụ tăng lên (từ 49,1% và 22,1% năm 2000 tăng lên tương ứng 56,8% và 25,6%) còn tỷ trọng đầu tư cho nông lâm nghiệp giảm xuống (từ 27,4% năm 2000 xuống 11,2% năm 2005).

Nguồn vốn đầu tư ngày càng đa dạng và cơ cấu nguồn vốn đã có thay đổi lớn, trước đây vốn đầu tư phát triển chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, thì nay vốn tín dụng và vốn của dân đã tăng nhanh và chiếm tỷ lệ cao hơn trong cơ cấu vốn. Vốn ngân sách chiếm 23,5% năm 2001 xuống 21,2% năm 2005, vốn tín dụng từ 40% năm 2001 lên 53,1% năm 2005.

Nhờ đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, những năm qua nhiều công trình đã được đầu tư xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa được quan tâm đầu tư đáng kể, góp phần tăng năng lực sản xuất và làm thay đổi bộ mặt cả thành thị lẫn nông thôn, thông qua việc phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh - kinh tế như giao thông, thủy lợi, cấp điện, nước...

Nguồn vốn đầu tư đa dạng hơn, ngoài vốn trong và ngoài tỉnh còn có vốn đầu tư trực tiếp, vốn vay, vốn tài trợ của các nhà đầu tư nước ngoài; nguồn vốn trong nhân dân và các doanh nghiệp được thu hút nhiều hơn, tập trung chủ yếu cho phát triển công nghiệp thủy điện, chế biến nông lâm sản và thương mại dịch vụ; năng lực sản xuất mới và hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được tăng cường đáng kể, nhất là về thủy điện, thủy lợi, đường giao thông, thông tin liên lạc, chuẩn bị những tiền đề quan trọng cho các bước phát triển sau năm 2005. Đến nay, đã có 13/13 tuyến đường từ tỉnh xuống huyện đã được rải nhựa, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, đã đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ thị trấn huyện lỵ, thị xã và thành phố Pleiku, trên 52% dân số nông thôn được dùng nước sạch; bộ mặt thành phố Pleiku và các thị trấn huyện lỵ từng bước được thay đổi.

Môi trường đầu tư đã được cải thiện đáng kể, cùng với việc ban hành chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh và đã tiến hành xúc tiến đầu tư, xây dựng chương trình hợp tác đầu tư với thành phố Hồ Chí Minh. Tình hình thu hút vốn đầu tư bước đầu đạt được kết quả khả quan, một số nhà đầu tư đã đăng ký đầu tư vào một số lĩnh vực: thủy điện, trồng rừng, khai thác chế biến đá xuất khẩu, xây dựng khách sạn, chế biến nông sản, xây dựng các khu đô thị... một số dự án đã đi vào hoạt động. Khu công nghiệp Trà Đa đến cuối năm 2005 đã có 18 doanh nghiệp đi vào sản xuất, 5 doanh nghiệp đang trong quá trình xây dựng và 7 doanh nghiệp đang làm thủ tục đầu tư. Đã cho phép 11 đơn vị đầu tư xây dựng 29 thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất 183 MW, trong đó có 4 công trình đang thi công. Trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài tỉnh đã cấp 3 giấy phép đầu tư trong lĩnh vực khai thác đá, chăn nuôi bò và chế biến cà phê. Việc thu hút vốn ODA cũng đang có nhiều triển vọng sẽ có nhiều dự án tài trợ trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo.

+ Hoạt động tài chính ngân hàng có nhiều tiến bộ, phục vụ có hiệu quả hơn yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh:

Liên tục qua các năm từ 2001-2005, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đều tăng, với mức tăng bình quân khoảng 23,2%/năm, từ 278 tỷ đồng năm 2000 lên 789 tỷ đồng năm 2005. Tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách bình quân đạt 11,6%, vượt so với mức đề ra của Nghị quyết là 10%. Nguồn thu trên địa bàn từ chỗ chỉ đáp ứng được 41-42% nhu cầu chi cân đối ngân sách địa phương hàng năm, nay đã tăng lên 51%. Nhờ tăng thu trên địa bàn, cộng với sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, đặc biệt là các khoản đầu tư thực hiện Quyết định 168/2001/QĐ-TTg, nên nguồn lực tài chính của địa phương đã tăng lên đáng kể.

Chi ngân sách năm 2005 gấp 2,89 lần, so với năm 2000, tăng bình quân 23,65%/năm trong 5 năm 2001-2005, riêng chi đầu tư phát triển tăng trưởng bình quân hàng năm là 21,5%, đến năm 2005 chiếm 34% trong chi ngân sách địa phương. Việc tăng nhanh chi ngân sách đã góp phần quan trọng cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đáp ứng các nhu cầu chi thường xuyên, bảo đảm ổn định an ninh chính trị; tăng cường các nguồn lực để thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo và giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội. Đây cũng là yếu tố quan trọng để thu hút, huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, góp phần vào mức tăng trưởng chung của địa phương thông qua các biện pháp khuyến khích ưu đãi đầu tư và từng bước góp phần xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp như làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi, chợ, trường học.

Việc thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước từ năm 2004 đã tạo điều kiện mở rộng phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho ngân sách cấp dưới, qua đó đã tăng cường tính chủ động và nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, của các đơn vị dự toán trong công tác thu; tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc phân bổ, cấp phát, sử dụng ngân sách.

Mạng lưới các chi nhánh ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng tiếp tục mở rộng kể cả ở thành thị và nông thôn, hiệu quả và chất lượng hoạt động tín dụng, các dịch vụ tiện ích ngân hàng ngày được nâng cao. Vốn huy động tăng bình quân 21,3%, tổng dư nợ cho vay tăng bình quân hàng năm 23,7%; Hoạt động ngân hàng đã có đóng góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội.

+ Công tác sắp xếp đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước có nhiều tiến bộ. Việc tiến hành sắp xếp đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước đã diễn ra nhanh hơn, kiên quyết hơn, từ 83 doanh nghiệp của năm 2000 đến cuối năm 2005 chỉ còn 30 doanh nghiệp; trong số này chủ yếu là các nông lâm trường và các doanh nghiệp công ích. Các doanh nghiệp sau khi sắp xếp đã mở rộng quy mô, hoạt động thuận lợi hơn trước, các doanh nghiệp chuyển đổi thành Công ty cổ phần đã có sự đổi mới rõ rệt về tổ chức bộ máy, tiết kiệm chi phí nên hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp từng bước được nâng cao.

Trong 5 năm qua, cùng với việc triển khai Luật Doanh nghiệp, tỉnh đã có nhiều cơ chế thông thoáng, khuyến khích và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân trên địa bàn phát triển. Đến cuối năm 2005, đã có 869 doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp thành lập từ năm 2000 đến nay, tức là sau khi có Luật Doanh nghiệp (năm 2000) là 680 doanh nghiệp, nhiều gấp 4 lần số lượng doanh nghiệp thành lập trong 9 năm trước đó. Quy mô vốn bình quân của doanh nghiệp cũng tăng lên, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

Trong phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, số lượng hợp tác xã đã không ngừng tăng lên, đến nay đã có 134 HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp, trong đó có 54 HTX chuyển đổi và 80 HTX được thành lập mới. Hoạt động của các HTX từng bước được củng cố và tổ chức theo mô hình HTX kiểu mới, hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu có hiệu quả, đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất và đời sống của người lao động, đã giải quyết việc làm cho 20.420 lao động, trong số này đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 30%, với tổng vốn 45,517 tỷ đồng. Tuy nhiên do còn yếu kém về nội lực như quy mô nhỏ, tích lũy thấp, năng lực quản lý hạn chế, lợi ích mang lại cho xã viên còn ít nên chưa thu hút nhiều người tham gia.

2/ Về Văn hóa xã hội:

2.1/ Dân số và KHHGĐ:

Năm 2005 dân số trung bình của tỉnh là 1.134.476 người, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 44,5% dân số; thành thị chiếm 28%, mật độ dân số là 73,1 người/km2. Tỷ lệ tăng dân số bình quân hàng năm là 2,38%; trong đó tỷ lệ tăng tự nhiên là 1,88%/năm, giảm 0,49% so với năm 2000. Do thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ, trong 5 năm qua tỷ suất sinh hàng năm giảm khoảng 0,09-1,1%o. Tỷ lệ vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai là 70%. Việc tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm có ý nghĩa lớn đối với việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Dân số cơ học tăng nhanh đã bổ sung lực lượng lao động dồi dào cho tỉnh.

2.2/ Lao động và việc làm:

Số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động năm 2005 là 608.000 người, chiếm 53,6% dân số. Có 89.000 lao động được giải quyết việc làm trong 5 năm. Lao động tham gia trong nền kinh tế đạt tỷ lệ khá cao hơn 80%. Số lao động tăng nhanh, tạo ra nguồn lực dồi dào cho tỉnh, góp phần trong việc phát triển kinh tế-xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi còn nhiều đất đai và tiềm năng phát triển nông lâm nghiệp. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề từ 7,8% năm 2000 đã tăng lên 18% vào năm 2005.

Chất lượng và số lượng lao động tuy được nâng cao hơn so với năm 2000, nhưng so với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong 5 năm đã đưa đi xuất khẩu khoảng 340 lao động. Hội chợ lao động việc làm năm 2004 đã tuyển dụng 4.200 người vào làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, tỷ lệ đào tạo giữa công nhân kỹ thuật với trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học còn thấp, chưa hợp lý. Mặc khác, lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật chủ yếu tập trung ở cấp tỉnh, thành phố; cấp huyện và cấp xã còn quá ít, vì vậy năng suất lao động còn thấp và ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế.

2.3/ Giáo dục - Đào tạo:

Sự nghiệp giáo dục đào tạo tiếp tục phát triển, đạt được những kết quả rất quan trọng, đến cuối năm 2005 đã có 50% số xã, phường, thị trấn được công nhận phổ cập giáo dục trung học cơ sở; đến nay đã có hơn 2.540 học sinh phổ thông trên 1 vạn dân; tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường học tăng đều qua các năm, đến nay ở lứa tuổi mẫu giáo đạt 50%, lứa tuổi phổ thông tiểu học đạt trên 95%. Các trường cao đẳng, trung học dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục chính trị đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo nghề, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ và người lao động, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở, huyện, xã góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 18%. Cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên của hệ thống giáo dục và đào tạo được tăng cường đáng kể, từ nguồn vốn ngân sách và thông qua các chương trình, dự án.

Công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, đóng góp của các lực lượng xã hội; góp phần tăng nhanh tỷ lệ học sinh ra lớp, nâng cao chất lượng hệ thống trường lớp và đa dạng hóa các loại hình đạo tạo.

Chất lượng giáo dục nâng lên đã xóa dần khoảng cách, sự chênh lệch giữa các vùng khó khăn và các vùng thuận lợi thông qua các chương trình và các chính sách đối với giáo dục.

2.4/ Khoa học - công nghệ, tài nguyên - môi trường:

Hoạt động khoa học & công nghệ được chú trọng và tăng cường đầu tư nhiều hơn, mức chi cho sự nghiệp khoa học công nghệ năm 2005 tăng 2,4 lần so với năm 2000, tăng bình quân 19,3% hàng năm; nhiều đề tài, dự án nghiên cứu đã được ứng dụng vào sản xuất, đời sống, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trình độ công nghệ của máy móc thiết bị được nâng lên từng bước, năng suất của cây trồng vật nuôi tăng khá, cơ giới hóa nông nghiệp phát triển nhanh. Hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ đã góp phần tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và người sản xuất. Nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò của khoa học công nghệ ngày càng tăng.

Khoa học công nghệ đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong 5 năm đã tổ chức nghiên cứu triển khai và ứng dụng 54 đề tài cấp tỉnh, tiến hành nghiệm thu 36 đề tài đưa vào ứng dụng trong sản xuất và đời sống. Ngoài ra khoa học công nghệ còn tham gia nghiên cứu các đề tài trong lĩnh vực xã hội như: địa chí Gia Lai, ngữ pháp Jrai-Bahnar, các lễ hội văn hóa truyền thống...Thị trường khoa học công nghệ bước đầu được tạo lập, đã tổ chức Hội chợ công nghệ thiết bị.

Việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được chú trọng đúng mức, nhất là quản lý tải nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng. Việc xử lý nước và chất thải ở các khu đô thị, rác thải ở các bệnh viện có nhiều tiến bộ.

2.5/ Y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân:

Hoạt động phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được quan tâm tốt hơn. Đến nay toàn tỉnh có 16 bệnh viện tỉnh và huyện, 16 phòng khám đa khoa khu vực, 100% xã có y tế hoạt động, số nhân viên y tế thôn bản tăng 12% so với năm 2000; các chương trình quốc gia về y tế được triển khai có kết quả; tình hình dịch bệnh giảm nhiều nhất là các bệnh sốt rét, phong, bướu cổ... tỷ 1ệ KSTSR/lam máu xét nghiệm từ 6,9% năm 2000 giảm xuống còn 3% năm 2005, tỷ lệ dân số mắc sốt rét cũng giảm tương ứng từ 1,72% xuống còn 0,5%; tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt 93%; tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi từ 43% năm 2000 giảm còn 32% năm 2005; tỷ lệ dân mắc bệnh bướu cổ từ 7,8% giảm tương ứng còn 4%, các cơ sở khám chữa bệnh được củng cố tăng cường cả về cơ sở vật chất và đội ngũ y bác sỹ, đến cuối năm 2005 đạt 3,6 bác sĩ/1 vạn dân và tỷ lệ xã có bác sĩ chiếm 30%; hoạt động bảo hiểm y tế được mở rộng; tỉnh đã có chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc gặp khó khăn khi vào điều trị tại bệnh viện tỉnh. Đã cấp 390.347 thẻ chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số, 37.200 thẻ khám chữa bệnh cho người kinh nghèo. Công bằng xã hội trong khám chữa bệnh ngày càng được thực hiện tốt.

2.6/ Văn hóa - thông tin, phát thanh - truyền hình, thể dục - thể thao:

Sự nghiệp văn hóa thông tin có những tiến bộ đáng kể, chương trình đưa văn hóa thông tin về cơ sở ngày càng được tăng cường. Công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm; Phong trào quần chúng tham gia các hoạt động và sáng tạo văn hóa nghệ thuật được duy trì, phát triển. Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh từng bước được cải thiện và đúng định hướng trong thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức và củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, động viên cổ vũ nhân dân phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh, mang lại kết quả thiết thực và có chuyển biến mới, đã công nhận 583 thôn làng văn hóa, 75.600 hộ được công nhận là gia đình văn hóa (chiếm 33% số hộ trong toàn tỉnh)

Hoạt động báo chí thông tin, phát thanh truyền hình, có những bước phát triển mới, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền phổ biến đường lối chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Đài Phát thanh truyền hình tỉnh đã đầu tư một số thiết bị truyền hình khá hiện đại, đã triển khai xây dựng Trạm phát sóng truyền hình Hàm Rồng. Đặc biệt đã đầu tư tăng thời lượng các chương trình phát thanh và truyền hình tiếng dân tộc Jrai và Bahnar. Đến nay tất cả các huyện đã được đầu tư trạm phát lại truyền hình màu có công suất từ 100-150W, máy phát thanh FM có công suất 100-250W. Tỷ lệ phủ sóng phát thanh đạt 100%, tỷ lệ phủ sóng truyền hình các khu dân cư: 100%, có hơn 50% số hộ gia đình có ti vi và radio, 80% hộ được xem truyền hình, 90% hộ được nghe đài phát thanh.

Phong trào thể dục thể thao có những chuyển biến tích cực, hàng năm qua Đại hội thể dục thể thao và các giải thể thao truyền thống đã thu hút hàng ngàn lượt người tham gia thi đấu. Số người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên chiếm 18% dân số toàn tỉnh, tăng 6% so với năm 2000. Có 21 môn thể dục thể thao được tập luyện phổ cập, nhiều môn phát triển khá đồng đều, các môn thể thao dân tộc được khôi phục, duy trì và phát triển. Thể thao thành tích cao giành được nhiều huy chương trong các giải cấp toàn quốc; Đội bóng đá đoạt ngôi vô địch giải chuyên nghiệp quốc gia năm 2003-2004. Cơ sở vật chất thể dục thể thao tuy đầu tư chưa nhiều nhưng đã phát huy tác dụng tốt, nhà thi đấu tỉnh đã thật sự trở thành nơi tổ chức các giải thi đấu lớn của tỉnh, của quốc gia và quốc tế, góp phần thúc đẩy phong trào thể dục thể thao trong tỉnh vươn lên mạnh mẽ.

2.7/ Công tác xóa đói - giảm nghèo:

Trong 5 năm, công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh thực hiện đạt kết quả khả quan. Năm 2001 có 42.540 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 22,4%. Năm 2005, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm còn dưới 10% với khoảng 23.000 hộ. (Theo tiêu chí mới tỷ lệ hộ nghèo năm 2005 là 29,82%). Phần lớn số hộ nghèo tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên tỷ lệ hộ đói nghèo trong vùng này vẫn còn cao, chiếm đến 82,53% trong tổng số hộ đói nghèo của tỉnh. Số hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện vận động định canh định cư (ĐCĐC) khoảng 90.231 hộ, 491.126 khẩu, trong giai đoạn 2001-2005 định canh định cư được 8.831 hộ, 37.975 khẩu, đưa số hộ ĐCĐC ổn định vững chắc toàn tỉnh đạt 80% số hộ và 83% số khẩu. Tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh, đời sống đồng bào được nâng lên.

- Chương trình XĐGN và việc làm trong 5 năm 2001-2005 đã đầu tư trên 55 tỷ đồng tập trung cho các xã đặc biệt khó khăn và xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, các chương trình, dự án tập trung vào các nhiệm vụ:

Hướng dẫn người nghèo làm khuyến nông xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phù hợp với đất đai và điều kiện tự nhiên của từng vùng; Dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề đã xây dựng các mô hình về bảo quản, chế biến nông-lâm sản và phát triển ngành nghề nông thôn; Đào tạo cán bộ xã nghèo, cán bộ giải quyết việc làm cho hơn 3000 lượt người; Nhận dân kinh tế mới, giãn dân tại chỗ gần 1.000 hộ, đồng thời ổn định hàng trăm hộ dân di cư tự do; cho vay giải quyết việc làm đạt trên 35 tỷ đồng, trong đó kinh phí trung ương bổ sung trong 5 năm là 12,5 tỷ đồng, hơn 10.000 lao động đã được giải quyết việc làm.

- Chương trình 135 qua 7 năm thực hiện đã đầu tư trên 280 tỷ đồng, xây dựng cơ sở hạ tầng cho 78 xã đặc biệt khó khăn, 19 Trung tâm cụm xã và 1/3 làng đặc biệt khó khăn với các hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, trường học, trạm xá, nước sinh hoạt, thủy lợi, điện, chợ, khai hoang. Đã xây dựng được 714,8 km đường giao thông liên thôn, xã , 844 cống thoát nước, 18 cầu bản bê tông; xây dựng phòng học, trường học tại các thôn, làng; nâng cấp, cải tạo và xây mới 3.028m2 trạm xá xã, phòng khám khu vực; đầu tư xây dựng 198,45 km đường dây điện về các thôn, buôn 432 trạm biến áp; kiên cố 26 công trình thủy lợi nhỏ, 5.055m kênh mương phục vụ tưới 392 ha lúa nước 2 vụ; khai hoang 374 ha diện tích đất sản xuất cho đồng bộ; đầu tư 2.600 m2 diện tích chợ nông thôn; xây dựng 565 giếng nước, 6 công trình hệ thống nước tập trung, 6 hệ cấp nước tự chảy.

Thực hiện Quyết định 132 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đến ngày 31/12/2004 về đất đã giải quyết được 3.973,22 ha/7098,73 ha đất thiếu, đạt 55,97%; về số hộ đã giải quyết cho 12.248 hộ/16.170 hộ thiếu đất, đạt 75,75% và tổng kinh phí được giải ngân 12.733,38 triệu đồng. Đã có 7 huyện hoàn thành việc giải quyết đất, đó là các huyện Chư Prông, Ia Grai, An Khê, Đăk Pơ, Chư Păh, Đức Cơ và Kông Chro.

Thực hiện việc làm nhà thí điểm theo Quyết định 154/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, trong 2 năm 2003 và 2004 Ngân hàng chính sách xã hội đã cho 518 hộ vay làm nhà trả chậm với kinh phí 3,626 tỷ đồng.

Năm 2005 thực hiện Quyết định số 134/CP của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết nhu cầu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, trong 2 năm 2005-2006, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn tại quyết định số 216/QĐ-CT ngày 24/02/2005.

+ Theo số liệu tổng hợp, toàn tỉnh có 8.896 hộ thiếu đất sản xuất và đất ở, trong đó: 3.830 hộ thiếu đất sản xuất, 3.137 hộ thiếu đất ở, 1.929 hộ thiếu đất sản xuất và đất ở; tổng số diện tích đất thiếu là 3.740,4 ha, trong đó đất sản xuất là 3.574,7 ha, đất ở 165,7 ha; tổng kinh phí hỗ trợ giải quyết cho các hộ thiếu đất là 39,29 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 32,20 tỷ đồng, ngân sách địa phương 4,79 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 2,300 tỷ đồng.

+ Về nhà ở, toàn tỉnh có 16.044 hộ cần hỗ trợ làm nhà ở (theo báo cáo của các huyện có 185 hộ thực hiện theo chương trình 154 chưa được bổ sung vào chương trình 134) chiếm 18,1% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số, tổng vốn hỗ trợ làm nhà ở là 96,264 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 80,22 tỷ đồng; Ngân sách địa phương là 16,044 tỷ đồng.

+ Toàn tỉnh có 29.406 hộ đồng bào dân tộc thiểu số cần hỗ trợ nước sinh hoạt với nguồn nước cần đầu tư là 5.861 công trình, kinh phí đầu tư 78,535 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 62,828 tỷ đồng; ngân sách địa phương 15,705 tỷ đồng.

Tổng kinh phí Chương trình 134 (đã được điều chỉnh lại) là 211,292 tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương 171,77 tỷ đồng, ngân sách địa phương 37,22 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 2,3 tỷ đồng). Kế hoạch năm 2005 đã bố trí 64,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 48 tỷ đồng, ngân sách địa phương 8,8 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 1 tỷ đồng, vốn lồng ghép Chương trình mục tiêu nước sạch 6,7 tỷ đồng.

- Đến 31/12/2005 tỉnh đã hỗ trợ cho dân làm được 6.350 căn nhà (trong đó có 518 hộ chương trình 154 chuyển sang hưởng lợi chương trình 134) đạt 41,4% số hộ cần hỗ trợ theo đề án. Mỗi căn nhà có diện tích từ 24-35m2, giá trị từ 7-11 triệu đồng, trong đó Trung ương và tỉnh hỗ trợ 6 triệu đồng, còn lại địa phương, cộng đồng và người hưởng lợi đóng góp. Các địa phương triển khai đạt kết quả cao là Ia Grai, Chư Păh, Chư Sê, KBang, Kông Chro và Mang Yang.

- Về nước sinh hoạt: Cùng với vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trong năm 2005 đã thực hiện được 1.147 công trình nước sinh hoạt, giải quyết nước cho 14.460 hộ, đạt 46,7% số hộ cần hỗ trợ.

- Về đất sản xuất, đất ở: Tính đến 31/12/2005 toàn tỉnh đã giải quyết được 2.289 hộ, số diện tích đã giải quyết 630,64 ha (đất sản xuất 1.206 hộ - 593,09 ha; đất ở 1.083 hộ - 37,35 ha. Các địa phương đã tích cực giải quyết đất cho dân là các huyện Ia Grai, Chư Sê, K'Bang và Kông Cho.

Như vậy tính đến cuối năm 2005 cả 2 chương trình đã giải quyết được 70,4% về số hộ và 71,4% số diện tích cần giải quyết cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất và đất ở.

- Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng biên giới được xây dựng đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt kết cấu hạ tầng nông thôn góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội và đời sống vùng đồng bào ở các xã ĐBKK. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội hỗ trợ theo Quyết định 168 và nguồn vốn ngân sách cũng đã ưu tiên đầu tư thông qua các kênh chương trình, dự án đóng góp đáng kể về giải quyết các vấn đề của xã hội, kết quả đạt được: Tín dụng đối với người nghèo dư nợ cho vay xóa đói giảm nghèo đạt 157,7 tỷ đồng, có 38.990 hộ nghèo vay; hỗ trợ cấp 847.548 tấm tole cho 30.378 hộ, bình quân mỗi hộ 30 tấm; Miễn giảm học phí và các khoản đóng góp học đường cho học sinh dân tộc 24.249 em miễn giảm; cấp sách giáo khoa (trong tủ sách dùng chung): có 57.246 học sinh cấp sách, vở; Thực hiện trợ cấp hàng chính sách cho không trong 5 năm hơn 120 tỷ đồng đối với 5 mặt hàng chính sách thiết yếu để hỗ trợ đồng bào nghèo; Chính sách hỗ trợ điện sinh hoạt cho đồng bào phát huy hiệu quả, 100% xã, trên 80% số hộ có điện, trong đó hộ đồng bào dân tộc là 5,5 vạn hộ.

Việc triển khai các chính sách, chương trình dự án nhìn chung có hiệu quả và có tác dụng to lớn đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số làm cho đồng bào càng tin tưởng vào chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

2.8/ Thực hiện các chính sách xã hội:

Ngoài việc thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua, Đảng bộ và chính quyền luôn quan tâm đến công tác chính sách đối với người có công cách mạng, các gia đình thương binh liệt sỹ, các đối tượng cô đơn, người già và trẻ em lang thang cơ nhỡ; nhiều chương trình dự án đã đầu tư, hỗ trợ cho các đối tượng xã hội, gặp khó khăn.

Các đối tượng là người có công được quan tâm và giải quyết kịp thời các phong trào ''đền ơn đáp nghĩa, lá lành đùm lá rách'' đã phát triển sâu rộng trong nhân dân. Trong 5 năm, đã giải quyết chế độ cho 22.283 đối tượng; xây dựng mới 130 ngôi nhà và sửa chữa 4.740 ngôi nhà tình nghĩa; Quỹ ''Đền ơn đáp nghĩa'' đã huy động được 2,9 tỷ đồng; quy tập an táng 808 mộ liệt sỹ, trong đó có 408 mộ liệt sĩ đưa về từ Campuchia; công nhận 130/187 xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sỹ. Hàng năm có khoảng 4.000 đối tượng là người tàn tật, trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa được hưởng trợ cấp cộng đồng, trên 100 người được nuôi dưỡng tập trung; trẻ lang thang cơ nhỡ được đưa vào trung tâm và được giúp đỡ cho tái hòa nhập cộng đồng. Tỉnh thực hiện tốt việc cứu trợ cho dân gặp thiên tai, hạn hán gây ra.

3/ Đánh giá tổng quát những thành tựu đạt được trong 5 năm qua:

Những kết quả đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII là rất quan trọng và có ý nghĩa chính trị xã hội lớn lao, trong điều kiện tỉnh ta phải đối mặt với những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá, gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo nhanh chóng ổn định tình hình an ninh chính trị, làm yên lòng dân, tăng cường nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhờ vậy kinh tế đạt được nhịp độ phát triển khá cao, chận được đà giảm sút. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, cơ cấu cây trồng, vật nuôi có sự chuyển dịch theo hướng tích cực; lợi thế của từng vùng, từng ngành được chú trọng khai thác. Đã đẩy mạnh khâu xúc tiến đầu tư và hợp tác kinh tế; kết cấu kinh tế xã hội tiếp tục được tăng cường sự nghiệp giáo dục, y tế tiếp tục phát triển, chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng dạy và học được nâng lên; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên một bước và đã giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc về xã hội.

II/ Khuyết điểm, yếu kém:

Nhịp độ phát triển kinh tế chưa vững chắc, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế chưa cao, còn khoảng cách khá xa so với mức bình quân chung của cả nước.

Một số chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt như: chỉ tiêu tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất khẩu; GDP bình quân đầu người tuy đạt nhưng còn thấp so với bình quân chung cả nước (Gia Lai 5,14 triệu/người so với cả nước là 9,8 triệu, bằng 52,5% mức bình quân cả nước). Một số ngành kinh tế chậm được đổi mới, năng suất lao động nhìn chung còn thấp, giá thành một số sản phẩm cao nên chưa có tính cạnh tranh trên thị trường, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển và hội nhập.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa đồng đều giữa các vùng, ngành. Trong nông nghiệp, chăn nuôi chưa trở thành ngành sản xuất chính và chiếm tỷ trong nhỏ trong giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp (5%), tỷ lệ lai tạo đạt thấp; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng trung GDP chưa đạt mục tiêu đề ra; công nghiệp cơ khí tăng chậm và chiếm tỷ lệ nhỏ; công nghiệp chế biến nông lâm sản chậm phát triển; một số ngành dịch vụ như khách sạn, du lịch, xuất khẩu...tăng trưởng chậm, chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có của địa phương.

Tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách nhà nước tuy đạt mục tiêu đề ra (11,6%) nhưng vẫn còn thấp so với nhu cầu chi của tỉnh.

Việc phát triển các thành phần kinh tế còn hạn chế về nhiều mặt, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới.

Trong sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, tuy đã có đề án và lộ trình nhưng tiến độ triển khai của một số doanh nghiệp vẫn còn chậm, một số doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, tài chính thiếu lành mạnh, đã ảnh hưởng đến tiến trình sắp xếp doanh nghiệp.

Việc xây dựng, phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác chưa được quan tâm đúng mức, còn gặp nhiều khó khăn về vốn và trình độ quản lý.

Kinh tế tư nhân tuy có phát triển nhưng quy mô nhỏ, trình độ quản lý yếu, hiệu quả sản xuất thấp; còn nặng tính tự phát và chưa phát triển đồng đều giữa các ngành, các vùng.

Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chưa thu hút được nhiều và thiếu định hướng dài hạn trong việc kêu gọi và thu hút đầu tư nước ngoài.

Môi trường đầu tư tuy đã được cải thiện bằng việc ban hành các chính sách ưu đãi, cải cách thủ tục hành chính, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư nhưng vẫn chưa thực sự hấp dẫn và thông thoáng; việc cụ thể hóa các chính sách để triển khai chưa đồng bộ và không kịp thời. Do vậy, việc huy động các nguồn lực còn hạn chế, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

Một số vấn đề bức xúc trên lĩnh vực văn hóa xã hội chậm được giải quyết. Dân số cơ học tăng nhanh, đặc biệt là di dân tự do làm tăng nhanh quy mô dân số, tăng áp lực về việc làm, thu nhập và trên các mặt đời sống xã hội.

Chất lượng, hiệu quả của giáo dục và đào tạo còn thấp, chuyển biến chậm và chưa đều giữa các vùng; tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao trình độ quản lý còn hạn chế, chưa đủ sức để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các khu vực kinh tế còn chậm, tỷ lệ lao động trong khu vực nông lâm nghiệp còn cao (76%), lao động trong khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm trên 7,2% và trong dịch vụ chiếm 16,7%. Cơ sở vật chất và đội ngũ y bác sỹ của ngành y tế, nhất là tuyến cơ sở một số vùng còn thiếu và yếu, chất lượng phục vụ và y đức của một bộ phận thầy thuốc còn kém; văn hóa truyền thống của một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị mai một; công tác xóa đói giảm nghèo chưa thật sự vững chắc, nguy cơ tái đói nghèo còn cao; phân hóa giàu nghèo tiếp tục gay gắt hơn; đời sống của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn. Các loại tội phạm và tệ nạn còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông có xu hướng gia tăng; nạn tham nhũng, lãng phí, thất thoát tài sản công chưa bị đẩy lùi; trật tự an toàn xã hội ở một số nơi còn phức tạp; tình trạng tranh chấp đất đai, thiếu đất sản xuất, đất ở, việc khiếu kiện vượt cấp vẫn còn xảy ra.

PHẦN THỨ HAI

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI 5 NĂM 2006-2010

I/ Những thuận lợi và khó khăn của nền kinh tế trong bước phát triển mới:

Xu hướng chung của thế giới ngày nay vẫn là hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển, nhưng dự kiến tình hình chính trị thế giới và khu vực trong 5 năm tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch tiếp tục tìm cách chống phá hòng gây mất ổn định chính trị - xã hội nước ta. Thị trường quốc tế sẽ sôi động hơn, các luồng đầu tư ODA, FDI sẽ được phục hồi dần, cạnh tranh ngày càng gay gắt, tình hình kinh tế các nước lớn và các đối tác quan trọng sẽ tác động mạnh đến kinh tế nước ta.

Đất nước sau 20 năm đổi mới đạt được những thành tựu to lớn rất quan trọng, hệ thống thể chế về kinh tế thị trường được hình thành rõ nét, nhiều cơ chế chính sách mới ban hành có tác động tích cực đối với kinh tế - xã hội, tạo ra thế và lực mới để nước ta bước vào thời kỳ phát triển mới, từng bước hội nhập với kinh tế thế giới. Nhưng những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, những yếu kém những thách thức to lớn. Cùng với những bước tiến của Việt Nam tham gia hội nhập vào kinh tế thế giới, sự hợp tác khu vực sẽ trở thành một vấn đề ngày càng quan trọng; xu hướng hình thành các tam giác tăng trưởng khu vực, chiến lược phát triển của các quốc gia liên kết, hội nhập kinh tế đã bước sang giai đoạn mới với nhiều cơ hội và thách thức. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực vẫn là thách thức to lớn và gay gắt do điểm xuất phát của nước ta quá thấp lại phải đi lên trong môi trường cạnh tranh quyết liệt.

Tỉnh ta sau nhiều năm cùng với cả nước tiến hành sự nghiệp đổi mới cũng đạt được những thành quả đáng khích lệ, kinh tế - xã hội có những bước phát triển mới, đời sống của nhân dân các dân tộc được cải thiện về nhiều mặt, cơ sở hạ tầng đã được tăng cường đáng kể, đội ngũ cán bộ cũng như các tầng lớp nhân dân đã có được những kiến thức và kinh nghiệm trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, nhạy bén và năng động hơn trong cơ chế thị trường. Tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, nhất là về đất đai, thủy điện còn có khả năng phát triển và mở rộng, hơn nữa lại nằm trong vùng có vị trí quan trọng cả về chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng của cả nước nên được trung ương quan tâm đầu tư. Đó là những thuận lợi và những tiền đề rất cơ bản cần được phát huy triệt để trong thời gian tới. Nhưng là một tỉnh nghèo, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với xuất phát điểm rất thấp, sau nhiều năm phấn đấu, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế - xã hội so với mức trung bình của cả nước vẫn chưa được thu hẹp, trong khi môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, trình độ dân trí còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực của đội ngũ cán bộ còn yếu, chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ mới, sức cạnh tranh và khả năng hội nhập của nền kinh tế còn kém. Đó là thách thức lớn của tỉnh trong thời kỳ phát triển mới, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh phải ra sức phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn trở ngại để tiến lên.

II/ Quan điểm phát triển:

1/ Tập trung sức phát triển nhanh và bền vững, trong sự phát triển chung của Tây Nguyên và cả nước:

- Kiên trì đẩy mạnh toàn diện và sâu sắc công cuộc đổi mới; phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với thị trường trong và ngoài nước, trước hết là thị trường các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải Miền Trung và Nam Bộ, đồng thời mở rộng hơn nữa mối quan hệ quốc tế tạo thị trường xuất khẩu ổn định; tăng cường hợp tác, kêu gọi đầu tư với các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy điện, chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, nhằm phát huy và sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng và nguồn lực của tỉnh vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

- Xây dựng cơ cấu kinh tế linh hoạt, đạt hiệu quả cao, phát triển bền vững nhằm rút ngắn khoảng cách, tiến tới bằng mức bình quân chung của cả nước về GDP/người, cải thiện và nâng cao rõ rệt đời sống của nhân dân. Từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở phát huy thế mạnh của mỗi vùng; thúc đẩy sự phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, nhanh chóng tạo ra các yếu tố bên trong bền vững để tranh thủ lợi thế bên ngoài thu hút vốn đầu tư và công nghệ mới.

- Gắn chỉ tiêu hiện đại (tăng trưởng kinh tế) với chỉ tiêu tiến bộ (công bằng xã hội) và môi trường; đầu tư có trọng điểm vào các vùng động lực, thành phố Pleiku, hành lang đường quốc lộ 19, 14 và vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung (cao su, cà phê, chè ...).

- Xây dựng hệ thống đô thị và hình thành các hành lang phát triển như: Pleiku - Mang Yang - An Khê; Pleiku - Chư Prông - Đức Cơ; Pleiku - Chư Sê-Ayun Pa - Krông Pa; Pleiku- Biển Hồ- Ya Ly, trở thành những hạt nhân lan tỏa và thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Phát triển kinh tế gắn với hình thành cụm dân cư, các cụm kinh tế, các thị trấn, thị tứ.

- Phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ nền văn hóa đa dạng của các dân tộc, với việc bảo vệ và tái tạo môi trường sinh thái trên toàn tỉnh và khu vực, bảo vệ gien động vật và thực vật quý hiếm.

- Phát triển kinh tế gắn chặt với an ninh quốc phòng, giữ vững trật tự và an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh trên toàn tuyến biên giới quốc gia.

2/ Phát huy tối đa nội lực, kết hợp với khai thác tốt các nguồn lực bên ngoài để tăng nhanh đầu tư phát triển toàn xã hội nhằm tăng năng lực sản xuất và cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, hỗ trợ đầu tư, tạo điều kiện cho các vùng kém phát triển có điều kiện phát triển nhanh hơn.

- Khai thác tối đa nội lực, nhất là tiềm năng đất đai, thủy điện, khoáng sản, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có, tranh thủ và sử dụng có hiệu quả ngoại lực, nhất là vốn, công nghệ và chất xám để phát triển nhanh kinh tế xã hội; tranh thủ các nguồn đầu tư của các Bộ, ngành trung ương, của các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các thành phố lớn ở phía Nam và miền Trung và thu hút đầu tư nước ngoài bằng các nguồn FDI, ODA và các nguồn viện trợ.

- Mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, tạo mọi điều kiện để tăng nhanh kim ngạch và hiệu quả xuất khẩu, chuẩn bị các điều kiện cùng với cả nước tham gia hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

- Quan tâm đúng mức công tác xóa đói giảm nghèo gắn với định canh định cư và hỗ trợ sự phát triển của các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm tạo việc làm, nâng cao mức sống và trình độ dân trí, hạn chế mức chênh lệch giữa các tầng lớp dân cư, giữa các vùng, giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

3/ Đầu tư có trọng điểm tạo khâu đột phá và có bước đi thích hợp để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

- Phát triển nông lâm nghiệp, nông thôn được ưu tiên hàng đầu, tạo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và nông sản hàng hóa xuất khẩu, đảm bảo sự ổn định cần thiết cho quá trình phát triển và nâng cao đời sống nhân dân.

- Từng bước tập trung sức phát triển công nghiệp với các ngành trọng tâm là công nghiệp chế biến nông lâm sản, thủy điện sản xuất vật liệu xây dựng.

- Đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, trước hết là mạng lưới giao thông, bưu chính viễn thông, dịch vụ thương mại - du lịch, mạng lưới điện, thủy lợi, cấp và thoát nước đô thị để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của nền kinh tế.

- Con người là nhân tố hàng đầu đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đầu tư cho con người để tạo ra nguồn lực có đủ năng lực, sức khỏe đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa trong điều kiện cơ chế thị trường, mở cửa, hợp tác và cạnh tranh quyết liệt .

III/ Một số mục tiêu chủ yếu của giai đoạn 2006-2010:

1/ Về kinh tế:

Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, từng bước thu hẹp khoảng cách về GDP bình quân đầu người so với mức trung bình của cả nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm 12,5% trong giai đoạn 2006-2010, trong đó: nông lâm nghiệp tăng 7,7%, công nghiệp- xây dựng tăng 19% và dịch vụ tăng 14,5%. Tăng đầu tư và phát triển mạnh hơn các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Đến năm 2010 GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành 11 triệu đồng, gấp 2,14 lần năm 2005, bằng 61% mức trung bình của cả nước; theo giá so sánh đạt 5.027 triệu đồng, gấp 1,6 lần năm 2005. Phấn đấu đạt mức tăng trưởng bình quân 12,5% trong giai đoạn 2010-2015, đến năm 2015 GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 24 triệu đồng, gấp 2,2 lần năm 2010, theo giá so sánh đạt 8,198 triệu đồng, gấp 1,63 lần năm 2010.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng của công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, đến năm 2010: NLN: 38%; CN-XD: 31,5%; DV: 30,5 %; dự kiến đến năm 2015: NLN: 30%, CN-XD: 37%, DV: 33%.

Tỷ lệ huy động vào ngân sách bình quân giai đoạn 2006-2010 là 13%, tăng khả năng tự cân đối của ngân sách địa phương. Thực hiện tiết kiệm chi, tăng chi cho đầu tư phát triển.

Tăng nhanh nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 29.660 tỷ đồng, tập trung nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Tiếp tục mở rộng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt chú ý tới kết cấu hạ tầng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Mở rộng và nâng cao hiệu quả xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 26,8%, đạt 130 triệu USD vào năm 2010.

Tạo môi trường thuận lợi và ổn định cho các thành phần kinh tế hợp tác cạnh tranh cùng phát triển trong khuôn khổ pháp luật.

2/ Về xã hội:

Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1,5% vào năm 2010, quy mô dân số của tỉnh đến năm 2010 khoảng 1,276 triệu người, tốc độ tăng dân số thời kỳ 2006-2010 là 2,38%, dự kiến trong 5 năm nhận dân kinh tế mới 3.500 hộ với 17.500 khẩu; bằng mọi nguồn vốn và nhiều hình thức để giải quyết cơ bản về vấn đề việc làm cho người lao động, tạo thêm nhiều việc làm mới, phấn đấu hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 2 vạn lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 27 % năm 2010, đảm bảo nhu cầu lao động kỹ thuật cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cơ bản xóa hộ đói, giảm hộ nghèo xuống còn dưới 19% (theo tiêu chí mới) năm 2010; cải thiện đáng kể điều kiện sinh hoạt, học hành, chăm sóc sức khỏe và từng bước nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đặc biệt chú ý vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng nhân lực có trình độ cao, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề và đào tạo cán bộ cho nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, đến năm 2010 huy động gần 100% học sinh trong độ tuổi tiểu học đến lớp, 100% xã phường thị trấn phổ cập THCS; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể lực và tuổi thọ, giảm tỷ lệ mắc bệnh, khống chế dịch, trên 95% trẻ em được tiêm chủng mở rộng, 100% trung tâm cụm xã có phòng khám khu vực và 60% số xã có bác sỹ, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 25%; thực hiện Bảo hiểm Y tế toàn dân vào năm 2010; trên 90% số hộ dùng điện, 90% dân cư đô thị được dùng nước máy, 80% dân cư nông thôn được dùng nước sạch; mật độ điện thoại đạt 14 máy/100 dân vào năm 2010, gấp 2 lần năm 2005; 95% số hộ được xem truyền hình, 100% số làng với 95% số hộ đồng bào dân tộc được định canh định cư.

Giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị từ 4% năm 2005 xuống dưới 3%; tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên từ 80% năm 2005 lên 85% vào năm 2010. Hạn chế, tiến tới loại trừ các tai nạn và tệ nạn xã hội.

3/ Về phát triển khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường:

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và triển khai, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào các ngành kinh tế cơ bản là thế mạnh của tỉnh, các lĩnh vực thiết yếu của đời sống; chú trọng ứng dụng công nghệ sản xuất mới, công nghệ thông tin trong quản lý, quản trị kinh doanh nhằm nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh; hiện đại hóa công nghệ các ngành, lĩnh vực then chốt phù hợp với đặc thù của tỉnh để ngày càng có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh. Phấn đấu đến năm 2010, trình độ công nghệ của tỉnh đạt mức trung bình của cả nước; hình thành đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, trước hết cho các lĩnh vực, các khâu then chốt, đội ngũ cán bộ tham mưu hoạch định chính sách và chuyển giao công nghệ.

Tăng cường quản lý và khai thác hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên không tái sinh; nâng độ che phủ của rừng và cây lâu năm từ 58,9% năm 2005 lên khoảng 65% vào năm 2010; ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải, rác thải ở các đô thị, khu công nghiệp; xây dựng nếp sống vệ sinh ở nông thôn.

4/ Về an ninh quốc phòng:

Không ngừng tăng cường sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân; đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương đủ sức ứng phó trong mọi tình huống; bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, đoàn kết các tầng lớp nhân dân; giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

5/ Đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính, cải tiến bộ máy, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý, đào tạo và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu dân.

IV/ Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế chủ yếu:

1/ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn:

Đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, với những nội dung cơ bản trong thời gian tới là:

- Phát triển nhanh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng CNH-HĐH, hình thành các vùng sản xuất tập trung, có cơ cấu hợp lý về cây trồng và vật nuôi trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế so sánh của từng vùng, gắn nông lâm nghiệp với công nghiệp chế biến, gắn sản xuất với thị trường trong nước và ngoài nước, nâng cao dần mức thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Có chính sách khuyến khích và ưu đãi để các thành phần kinh tế đầu tư vào nông lâm nghiệp, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho dân. Phấn đấu đạt nhịp độ tăng trưởng GDP nông lâm nghiệp bình quân hàng năm 7,7%.

Đến năm 2010, sản lượng lương thực khoảng 59,5 vạn tấn, lương thực bình quân đầu người 466 kg, đảm bảo an ninh lương thực kể cả trong vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; tăng diện tích lúa nước 2 vụ đạt trên 24.000 ha, đi đôi với khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi áp dụng các biện pháp thâm canh, sử dụng giống mới; xây dựng vùng lúa chất lượng cao, nâng tỷ lệ ngô lai lên trên 90%; tiếp tục trồng mới 5 vạn ha cao su để đến năm 2010 có khoảng 120.000 ha; phát triển ở các huyện còn quỹ đất và dọc biên giới, trồng cao su lấy mủ kết hợp với lấy gỗ để có thể mở rộng trên đất trồng rừng; cây cà phê, không trồng mới, ổn định diện tích 70.000 ha, chủ yếu thâm canh, hạ giá thành sản xuất trên diện tích đã có; đầu tư đủ sân phơi, cơ sở chế biến nhằm nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn và sức cạnh tranh của cà phê xuất khẩu; tiếp tục thực hiện chương trình cải tạo giống điều, đẩy mạnh trồng mới đưa diện tích điều lên khoảng 22.500 ha, chủ yếu bằng các giống điều ghép; hình thành vùng nguyên liệu ổn định để phục vụ cho nhà máy chế biến; cây tiêu 3.600 ha, cây chè 1.500 ha chủ yếu thâm canh và trồng mới thay thế diện tích chè cũ thanh lý bằng giống chè mới, có năng suất cao. Từng bước mở rộng diện tích bông đưa diện tích lên 8.000- 10.000 ha, gắn với đảm bảo nguồn tiêu thụ ổn định, có lợi cho nhân dân; ổn định diện tích mía 16.000 ha, tiếp tục đầu tư thâm canh, rải vụ đối với cây mía, có chính sách hướng dẫn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất mía ở Ayun Pa, An Khê, đầu tư kết cấu hạ tầng sản xuất, đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu với giá thành hạ cho các nhà máy chế biến. Khuyến khích phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày và ngắn ngày khác, cây thực phẩm, cây ăn quả vừa đáp ứng yêu cầu tăng dinh dưỡng tại chỗ, vừa đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tăng tổng đàn, thể trọng và chất lượng, bên cạnh chăn nuôi hộ gia đình, hình thành mô hình chăn nuôi trang trại và theo hướng công nghiệp tạo tiền đề từng bước phát triển công nghiệp chế biến súc sản, thuộc da. Tiếp tục thực hiện chương trình ''lai hóa đàn bò, nạc hóa đàn heo'', đến năm 2010, nâng tỷ lệ bò lai lên 40-45%, heo lai 75-80%, tỷ lệ ''nạc hóa'' 30-35%; từng bước phát triển nuôi trồng thủy sản, nâng diện tích nuôi cá lên 5500- 6000 ha; hướng dẫn và khuyến khích các loại hình chăn nuôi công nghiệp ở các vùng ven đô thị, chăn nuôi đặc sản như chăn nuôi ong, nuôi dê... đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của thị trường. Có chương trình chủ động phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm để ổn định và phát triển sản xuất.

- Lâm nghiệp: Tổ chức quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có. Đẩy mạnh khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng; trong 5 năm tới trồng rừng mới 30.000 ha, khoanh nuôi tái sinh khoảng 66.000 ha, đảm bảo vùng nguyên liệu cho nhà máy MDF; khai thác gỗ rừng tự nhiên ở mức 15.000-20.000 m3/năm; hoàn thành cơ bản việc giao đất khoán rừng cho hộ nông dân, sắp xếp lại các nông lâm trường quốc doanh; có chính sách giao đất, cho thuê đất cho các tổ chức, cá nhân bỏ vốn đầu tư trồng rừng để tạo thêm việc làm, nhất là cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; rà soát quỹ đất để đẩy mạnh thu hút đầu tư trồng rừng nguyên liệu gắn với chế biến. Tăng cường lực lượng kiểm lâm, kết hợp chặt chẽ giữa kiểm lâm với chính quyển địa phương vả nhân dân địa phương để đẩy lùi nạn lâm tặc.

- Cùng với phát triển nông lâm nghiệp, cần phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại, ngân hàng, dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống ở nông thôn để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn một cách hợp lý và đạt hiệu quả cao.

+ Ưu tiên nguồn vốn ngân sách, có chính sách ưu đãi hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, có cơ chế huy động sức dân, lồng ghép nhiều chương trình đầu tư để đẩy mạnh các chương trình thủy lợi hóa, điện khí hóa, cơ giới hóa và phát triển giao thông nông thôn.

+ Tăng cường công tác thông tin, dự báo thị trường nông lâm sản, chuyển tải kịp thời thông tin về thị trường tới người sản xuất, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm để hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nông dân lựa chọn phương án sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

2/ Phát triển công nghiệp để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa:

- Ưu tiên phát triển nhanh một số ngành công nghiệp có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh và còn nhiều tiềm năng phát triển như: công nghiệp điện năng (thủy điện), công nghiệp chế biến nông lâm sản, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các cơ sở công nghiệp mới; đồng thời phát triển mạnh công nghiệp vừa và nhỏ, các ngành nghề truyền thống ở nông thôn; đa dạng hóa loại hình sản xuất với nhiều quy mô và trình độ công nghệ khác nhau, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm 22,5%.

- Công nghiệp điện năng: Ngoài những công trình lớn của trung ương đầu tư trên địa bàn như Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4, An Khê- Ka Nak, sông Ba Hạ... cần tranh thủ thời gian, bằng nhiều nguồn vốn đầu tư và chính sách ưu đãi để xây dựng các công trình thủy điện nhỏ và vừa, nhanh chóng khai thác phần lớn tiềm năng thủy điện vừa và nhỏ, kết hợp phát triển thủy điện với các lĩnh vực khác như thủy lợi, du lịch và chú trọng đến bảo vệ môi trường.

- Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, hướng mạnh về xuất khẩu, ưu tiên phát triển những sản phẩm có ưu thế cạnh tranh và hiệu quả cao, trọng tâm là chế biến cao su, cà phê, chè, điều, mía, sắn, bông, gỗ, ván MDF..., kết hợp hài hòa nhiều loại quy mô, nhiều trình độ công nghệ thích hợp với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh, đảm bảo chế biến thô và nhanh chóng tiến tới chế biến tinh hết nguồn nguyên liệu để xuất khẩu.

Đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy hiện có phát huy hết công suất, nhất là các nhà máy đường, tinh bộ sắn, MDF..., phát triển mạnh các cụm sơ chế cà phê quy mô nhỏ phù hợp với hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình, kết hợp với sơ chế nông sản khác; các vùng tập trung có các nông trường quốc doanh cần xây dựng một số dây chuyền chế biến cà phê nguyên liệu có chất lượng cao và đa dạng hóa mặt hàng theo yêu cầu của thị trường; tìm kiếm đối tác đầu tư và thị trường để xây dựng nhà máy chế biến cà phê tinh xuất khẩu.

Xây dựng các nhà máy sơ chế cao su gắn với các nông trường quốc doanh, nghiên cứu xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm cao su gia dụng và y tế.

- Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: bên cạnh việc đầu tư chiều sâu cho các cơ sở đã có, đồng thời xây dựng mới các cơ sở sản xuất gạch tuynen ở An Khê, Ayun Pa, nhà máy gạch không nung, chuyển phần lớn sản xuất gạch thủ công từ đốt củi sang đốt than. Phát huy tốt năng lực chế biến đá gran nít, đá bazan hiện có và xây dựng thêm một số cơ sở mới; tăng cường quản lý chặt chẽ và khai thác tốt nguồn tài nguyên khoáng sản.

- Củng cố, mở rộng các cơ sở công nghiệp cơ khí hiện có, đủ năng lực tham gia trang bị, sửa chữa máy móc thiết bị, công cụ lao động cho các ngành kinh tế, nhất là trang bị các thiết bị chế biến nông lâm sản quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản.

- Xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp: ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng khu công nghiệp Trà Đa đủ sức thu hút các cơ sở công nghiệp quan trọng, có trình độ công nghệ cao; quy hoạch xây dựng khu công nghiệp Tây Pleiku, Nam Hàm Rồng, phát triển các cụm công nghiệp Trà Bá, Chư Păh, Chư Sê, An Khê, Ayun Pa.

3/ Phát triển các ngành dịch vụ:

Để đạt nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân các ngành dịch vụ 14,5% trong 5 năm 2006-2010, cần tập trung đẩy mạnh các loại hình dịch vụ sau:

a/ Về thương mại:

Phát triển hệ thống thương mại trên cơ sở đa dạng hóa các thành phần kinh tế và mở rộng các hình thức hợp tác, liên kết, liên doanh; thúc đẩy khâu lưu thông, tăng sức mua và mở rộng thị trường, nhất là thị trường nông thôn, tạo thế ổn định để phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân, cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng chính sách xã hội cho vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Phát triển trung tâm thương mại ở Pleiku có sức thu hút mạnh, có tác dụng chi phối trong phạm vi toàn tỉnh. Phát triển các loại hình thương mại - dịch vụ ở thị xã An Khê, thị trấn Ayun Pa, các thị trấn huyện lỵ; xây dựng chợ nông thôn, phát triển các điểm thương mại, ở các trung tâm cụm xã, khu vực dân cư tập trung. Tăng cường công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hội chợ trong và ngoài nước. Phấn đấu đưa tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên thị trường tăng bình quân 20%, đạt 9.000 tỷ đồng năm 2010.

Tăng cường công tác quản lý thị trường để hướng dẫn các thành phần kinh tế trong lĩnh vực thương mại hoạt động đúng pháp luật, chống gian lận thương mại, trốn lậu thuế.

Xuất nhập khẩu: Đặc biệt chú trọng xuất khẩu để đảm bảo đầu ra rộng lớn và ổn định cho sản xuất; nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và sức cạnh tranh của một số mặt hàng chủ lực của tỉnh trên thị trường trong nước và quốc tế như: cà phê, cao su, tinh bột sắn, bông, tiêu hạt, gỗ tinh chế, ván MDF... từng bước chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, nâng cao chất lượng, tăng tỷ lệ mặt hàng qua chế biến. Khuyến khích các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu, đồng thời xây dựng một số đơn vị có tiềm lực xuất khẩu mạnh đủ sức hội nhập có hiệu quả trên thị trường quốc tế, có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp hạn chế rủi ro, khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng mới vào các thị trường mới. Phấn đấu mức tăng trưởng xuất khẩu tăng bình quân hàng năm 26,8%, năm 2010 kim ngạch xuất khẩu đạt 130 triệu USD. Nhập khẩu chủ yếu là vật tư, thiết bị công nghệ cao trong nước chưa sản xuất được để phục vụ sản xuất.

Phát triển khu kinh tế cửa khẩu Đức Cơ theo hướng hình thành cửa khẩu quốc tế và là đô thị biên giới, hình thành đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng của các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, mở rộng hợp tác với các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar. Trước mắt, khẩn trương hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng và trạm kiểm soát liên hợp, có chính sách ưu đãi và thu hút đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu để thúc đẩy hợp tác trao đổi thương mại giữa ta với các tỉnh biên giới Campuchia.

b/ Về du lịch:

Phát triển mạnh các hoạt động du lịch, tạo ra các loại hình du lịch đa dạng, độc đáo như: du lịch lễ hội truyền thống, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, tham quan nghiên cứu...; phát triển du lịch sinh thái gắn với khai thác tiềm năng vườn quốc gia Kon Ka Kinh, khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và đường Đông Trường Sơn đi ngang qua Gia Lai; xây dựng một số kết cấu hạ tầng quan trọng đồng thời có chính sách ưu đãi và kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các điểm du lịch và kinh doanh du lịch; đầu tư xây dựng một số dự án phát triển du lịch ở Pleiku, Chư Sê, Đức Cơ, Ayun Pa. Tăng cường liên kết chặt chẽ giữa mạng lưới du lịch Gia Lai với hệ thống du lịch Tây nguyên, Duyên hải Miền Trung, Tp Hồ Chí Minh và với các tỉnh bạn Lào và Campuchia hình thành các tuyến, các tour du lịch trong tỉnh và ngoài nước. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; doanh thu du lịch tăng bình quân 18%/năm.

c/ Về các dịch vụ tổng hợp khác:

Tăng nhanh về khối lượng và nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn trong vận tải hành khách, hàng hóa; quy hoạch hệ thống bến xe và hệ thống điểm dừng đỗ, đón trả khách trên địa bàn tỉnh, xây dựng mới bến xe ở các huyện chưa có bến xe, mở thêm một số tuyến xe chất lượng cao liên tỉnh và nội tỉnh, tổ chức vận tải hành khách bằng xe buýt.

Đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ tổng hợp như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ thông tin, tư vấn, chuyển giao công nghệ... để đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng phát triển sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống của nhân dân. Hoạt động tài chính Nhà nước phải trên cơ sở kích thích sản xuất kinh doanh, bồi dưỡng nguồn thu, chống thất thu để nâng dần tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách Nhà nước lên 13% năm 2010, tăng tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển, đảm bảo các nhu cầu chi thường xuyên, nhất là chi cho giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng.

Hoạt động ngân hàng phải góp phần tích cực mở rộng thị trường vốn, phát triển các dịch vụ tiện ích ngân hàng hiện đại phục vụ kịp thời yêu cầu thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời phải đảm bảo lành mạnh hóa và nâng cao hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng.

Vốn huy động tại chỗ tăng bình quân 15%/năm, tổng dư nợ cho vay tăng bình quân 20%/năm, chuyển dịch cơ cấu vốn tín dụng theo hướng mở rộng đầu tư cho kinh tế dân doanh và nâng cao tỷ lệ đầu tư cho các ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm dư nợ quá hạn không quá 3%.

4/ Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội:

- Giao thông: Mở rộng, nâng cấp các quốc lộ 19, quốc lộ 25, đường Đông Trường Sơn; khôi phục cải tạo nâng cấp quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) xây dựng mới đoạn tuyến tránh qua thành phố Pleiku; mở rộng hoặc xây dựng đường tránh của các quốc lộ qua thị xã, thị trấn.

Tiếp tục nhựa hóa các tuyến tỉnh lộ, đến năm 2010, 100% tỉnh lộ được nhựa hóa, mở rộng một số đoạn có mật độ giao thông cao; nâng cấp nền rải mặt cấp phối các tuyến liên xã, nhựa hóa một số tuyến có mật độ giao thông cao, sửa chữa nâng cấp và mở mới các tuyến đường nội thành nội thị, phát triển giao thông nông thôn; tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa đường giao thông thôn bản và hẻm đô thị.

- Thủy lợi: khai thác có hiệu quả tài nguyên nước, nâng cấp và xây dựng các công trình thủy lợi nhất là ở những vùng thường khô hạn và có quỹ đất để mở rộng sản xuất. Đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành các công trình thủy lợi: Ia Mlah, Hồ Ia Dreh, hồ Tân Sơn... và đầu tư xây dựng mới một số công trình thủy lợi vừa và nhỏ ở vùng sâu, vùng xa. Kiến nghị với Trung ương xây dựng các công trình thủy lợi lớn như: Ia Tul, suối Lơ, Ia Mơ.

- Cấp điện: Mở rộng nâng cấp mạng lưới điện trung và hạ thế, đẩy mạnh chương trình điện khí hóa nông thôn để đến năm 2010 trên 90% số hộ được dùng điện. Những nơi không thể kéo điện lưới sẽ phát triển thủy điện nhỏ hoặc sử dụng pin mặt trời...

Cải tạo nâng cấp và xây dựng lưới điện các đô thị đảm bảo phụ tải cho từng thời kỳ phát triển mới của đô thị.

- Bưu chính viễn thông: Xây dựng và phát triển mạng theo hướng hiện đại, đồng bộ và rộng khắp, cung cấp đa dạng các dịch vụ chất lượng cao, tăng cường phát triển bưu cục, đại lý, điểm bưu điện để rút ngắn bán kính phục vụ, tiếp tục phát triển điểm bưu điện văn hóa xã.

- Cấp nước sinh hoạt: nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới một số hệ thống nước thị trấn, xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn để đến năm 2010: 90% dân cư đô thị được dùng nước máy, 80% dân cư nông thôn được dùng nước sạch

Tăng đầu tư cho kết cấu hạ tầng xã hội như: giáo dục, y tế, văn hóa thông tin, thể dục thể thao, khoa học công nghệ.

5/ Thực hiện chính sách phát triển các thành phần kinh tế:

Quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa chính sách pháp luật về phát triển kinh tế nhiều thành phần của Đảng, Nhà nước vào điều kiện cụ thể của tỉnh, thực hiện những giải pháp sau:

- Tiếp tục thực hiện sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện cơ chế cạnh tranh bình đẳng trên thương trường thực hiện tốt quy chế dân chủ trong doanh nghiệp, có cơ chế hợp lý về việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan Nhà nước và xã hội đối với doanh nghiệp.

- Khuyến khích và hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, củng cố và mở rộng phạm vi hoạt động của các hợp tác xã đang hoạt động theo Luật Hợp tác xã; phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã kinh doanh tổng hợp đa ngành nghề hoặc chuyên ngành trong một vài lĩnh vực để kinh doanh dịch vụ, sản xuất, chế biến, tiêu thụ, tín dụng. Khuyến khích phát triển các hình thức liên kết giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, kinh tế hộ.

- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn thuộc các thành phần kinh tế phát triển rộng rãi, không hạn chế về quy mô hoạt động trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

- Tạo môi trường hấp dẫn và điều kiện thuận lợi để kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển có hiệu quả, đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư; hướng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành sản xuất sản phẩm xuất khẩu, xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút công nghệ hiện đại tăng khả năng cạnh tranh, tạo thêm nhiều việc làm.

- Khuyến khích hỗ trợ kinh tế cá thể phát triển, thực hiện các chính sách giao đất giao rừng, hỗ trợ về vốn, hướng dẫn sản xuất tiêu thụ sản phẩm.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

6/ Đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế:

Kinh tế thị trường càng phát triển thì vai trò quản lý nhà nước về kinh tế, kể cả ở cấp địa phương càng quan trọng; cần nắm vững và thực hiện tốt những quan điểm của Đảng về đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế trong thời gian tới là: tiếp tục tạo lập đồng bộ các yếu tố của kinh tế thị trường để thúc đẩy sự hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện các loại thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới các công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước đối với nền kinh tế.

- Đổi mới công tác kế hoạch hóa ở địa phương theo hướng lồng ghép với chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng công tác xây dựng chiến lược, xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và dài hạn; tăng cường hiệu lực và hiệu quả của việc điều hành thực hiện kế hoạch hàng năm; gắn xây dựng quy hoạch, kế hoạch với việc vận dụng các chính sách chung của cả nước, xây dựng các chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút vốn vào tỉnh.

- Thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước về đổi mới các lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Tăng cường và chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra tài chính, bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong chi ngân sách Nhà nước các cấp ở địa phương, lành mạnh hóa tài chính ở các doanh nghiệp.

- Tiếp tục mở rộng phân cấp cho cấp huyện, ngành theo hướng: phân cấp mạnh đi đôi với tăng cường trách nhiệm của cơ quan chuyên môn và Ủy ban nhân dân cấp dưới, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý kịp thời và nghiêm minh những trường hợp sai phạm.

7/ Định hướng phát triển các vùng trong tỉnh:

- Vùng động lực: Bao gồm thành phố Pleiku, các thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa và Chư Sê, đây là các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đào tạo và là đầu mối giao lưu giữa các vùng trong tỉnh, giữa tỉnh với các tỉnh, thành trong cả nước và quốc tế; vùng này có ý nghĩa tạo tiền đề thúc đẩy, lôi kéo cả tỉnh, các vùng khác trong tỉnh cùng phát triển. Xây dựng cơ cấu kinh tế vùng này chủ yếu là công nghiệp - dịch vụ. Xây dựng thành phố Pleiku trở thành trung tâm chính trị, công nghiệp chế biến, dịch vụ thương mại của cả tỉnh.

Xây dựng Ayun Pa, Chư Sê trở thành các thị xã có ý nghĩa trung tâm của các huyện xung quanh.

- Vùng thị trấn trung tâm: bao gồm các thị trấn huyện lỵ, đó là những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, kỹ thuật và đào tạo của các huyện, là đầu mối giao lưu giữa huyện với các vùng trong tỉnh và với bên ngoài.

- Vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc. Đặc điểm nổi bật của vùng này là nền kinh tế hiện nay còn ở dạng tự nhiên, tự cung, tự cấp; địa hình vùng bị chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, giao lưu với các vùng khác trong tỉnh và bên ngoài rất hạn chế, trình độ dân trí thấp. Với những chủ trương, chính sách quan tâm của Đảng và Nhà nước từ trung ương đến địa phương các cấp, vùng này sẽ được phát triển khá hơn, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số sẽ được cải thiện rõ rệt hơn.

IV/ Các vấn đề văn hóa - xã hội:

Đi đôi với phát triển kinh tế, phải nắm vững và giải quyết tốt những vấn đề bức xúc trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, nhất là trong điều kiện của 1 tỉnh có nhiều dân tộc với trình độ phát triển kinh tế - xã hội rất khác nhau.

1/ Dân số, việc làm, xóa đói giảm nghèo:

- Tiếp tục thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về dân số và kế hoạch hóa gia đình, đẩy mạnh công tác truyền thông kết hợp phổ biến rộng rãi các hoạt động dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chú trọng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế mới đang có yếu tố tác động làm tăng nhanh dân số. Duy trì vững chắc xu thế giảm sinh để đạt mức sinh thay thế trước năm 2015; nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Tăng cường quản lý dân cư, nâng cao vai trò của gia đình, xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục bình đẳng giới.

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải tiến hành song song với chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm tỷ lệ lao động trong khu vực nông lâm nghiệp xuống dưới 60%, đưa tỷ lệ lao động khu vực công nghiệp - xây dựng lên 15%, khu vực dịch vụ lên 25%.

- Tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội thông qua việc khuyến khích mọi tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; tạo môi trường thuận lợi để người có sức lao động tự lo việc làm cho mình và có cơ hội tìm việc làm, phát triển dịch vụ việc làm. Tăng đầu tư từ ngân sách cho chương trình giải quyết việc làm, phấn đấu hàng năm giải quyết việc làm cho trên 1,9 - 2 vạn lao động. Mở rộng các chương trình đào tạo nghề, có chính sách thu hút lao động có trình độ kỹ thuật và tay nghề cao từ nơi khác đến; chuẩn bị nguồn nhân lực có kỹ thuật cho thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Thực hiện tốt chương trình xóa đói giảm nghèo, lồng ghép có hiệu quả các chương trình quốc gia cho các xã nghèo, tranh thủ các nguồn vốn của nước ngoài tài trợ cho xóa đói giảm nghèo; tạo ra những chuyển biến cơ bản về phát triển kinh tế- xã hội ở các xã khó khăn.

- Hoàn thành sự nghiệp định canh định cư cho đồng bào các dân tộc ít người, củng cố các điểm định canh định cư còn yếu và chống tái du canh du cư. Nội dung định canh định cư phải bảo đảm ổn định sản xuất lâu dài, gắn định canh định cư với sắp xếp lại dân cư, phân bố dân kinh tế mới, thực hiện xóa đói giảm nghèo.

- Thực hiện nhiệm vụ phân bố lại lao động và dân cư theo kế hoạch chung của cả nước, thực hiện giãn dân nội tỉnh, nhận dân kinh tế mới vào các vùng trọng điểm Chư Prông, Krông Pa; phối hợp chặt chẽ với các địa phương đưa dân đến đầu tư đồng bộ để ổn định sản xuất và đời sống của dân, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai; hạn chế tình trạng di dân bất hợp pháp dẫn tới phá rừng, mua bán tranh chấp đất đai làm mất ổn định trật tự xã hội.

2/ Giáo dục vào đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường:

- Đến năm 2010 bảo đảm 70-80% trẻ em 4-5 tuổi được hưởng chương trình giáo dục mầm non; hoàn thành chương trình phổ cập trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh; Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục chuyên sâu phải được coi trọng ở cả vùng thuận lợi cũng như ở vùng khó khăn. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục những giáo viên không đủ điều kiện đạt chuẩn, không đáp ứng được xu thế phát triển giáo dục. Thực hiện tốt các chính sách giáo dục với những giải pháp tích cực đối với con em trong diện chính sách của tỉnh.

- Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đáp ứng yêu cầu quy mô của hệ thống giáo dục; mở rộng quy mô các trường nội trú, trường bán trú theo Quyết định 168 của Chính phủ. Thành lập một phân hiệu đại học ở Gia Lai và phấn đấu đến năm 2010 ở Gia Lai có một trường đại học.

- Tập trung phát triển hệ thống dạy nghề ở cả 3 cấp học: cao đẳng nghề, trung học nghề và sơ cấp nghề. Nâng trường Dạy nghề tỉnh thành trường Cao đẳng nghề, thành lập trường dạy nghề dân tộc nội trú. Nâng cấp 2 trung tâm dạy nghề ở An Khê và Ayun Pa thành trường dạy nghề khu vực. Thành lập trung tâm hỗ trợ và dạy nghề cho người khuyết tật. Chú trọng đào tạo nghề ngắn hạn cho nông dân và lao động là người khuyết tật. Phát triển dạy nghề dưới nhiều hình thức để thanh niên đến tuổi lao động được đào tạo tốt một nghề. Coi trọng đào tạo lại và đào tạo mới các nhà doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nhất là đối với các ngành tham gia hợp tác đầu tư với nước ngoài.

- Tiếp tục đầu tư xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ của tỉnh đủ sức giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội đặt ra, tăng cường năng lực khoa học công nghệ từ tỉnh đến huyện. Đẩy mạnh và khuyến khích ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ sau thu hoạch. Mở rộng hợp tác với các cơ quan nghiên cứu triển khai trong và ngoài nước; có chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ phát triển phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Tăng mức đầu tư ngân sách cho khoa học công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho công tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Có chính sách nhất quán và lâu dài để trọng dụng, thu hút nhân tài về làm việc cho tỉnh dưới nhiều hình thức.

Đẩy mạnh các hoạt động tổng kết thực tiễn, điều tra cơ bản nhằm phục vụ tốt cho việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ và khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên, xây dựng chủ trương, chính sách quản lý đúng đắn. Chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường và giữ gìn các cảnh quan thiên nhiên để bảo đảm phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững.

3/ Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng:

Tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân; thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, đảm bảo trên 95% trẻ em được tiêm chủng mở rộng, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống còn dưới 25% năm 2010, giảm tỷ lệ mắc bệnh và chết do các bệnh sốt rét, lao, viêm phổi trẻ em, thanh toán bệnh phong, bại liệt, uốn ván trẻ sơ sinh, nhanh chóng dập tắt các ổ dịch, phòng chống bệnh dại, tăng cường công tác vệ sinh phòng bệnh trong nhân dân, truyền thông giáo dục sức khỏe. Chống nghiện hút, mại dâm, ngăn chặn hiểm họa HIV/AIDS, SARS.

Phát triển các dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của y tế Nhà nước, mở rộng mạng lưới y tế dân lập; củng cố mạng lưới y tế cơ sở, quản lý tốt các cơ sở y tế tư nhân và việc khám chữa bệnh ngoài giờ. Củng cố và tăng cường hoạt động của các trung tâm thuộc hệ dự phòng. Phấn đấu đến năm 2010 có 60% số trạm xá y tế cơ sở có bác sỹ.

Tăng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực y tế, đồng thời đẩy mạnh thực hiện chương trình xã hội hóa các hoạt động y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc, người nghèo, gia đình chính sách khi vào bệnh viện khám chữa bệnh; thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2010. Chấn chỉnh và nâng cao y đức cho cán bộ ngành y tế.

4/ Văn hóa- thông tin, phát thanh- truyền hình, Thể dục thể thao:

Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin đại chúng, tăng cường các phương tiện vui chơi giải trí, chú trọng các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh truyền hình địa phương, tiếp sóng đài trung ương, tăng thời lượng phát sóng bằng tiếng dân tộc địa phương. Năm 2010 phấn đấu để có khoảng 95% số hộ được xem truyền hình, 100% số hộ được nghe đài phát thanh. Đẩy mạnh phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, trong đó chú trọng xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, xây dựng làng văn hóa, coi trọng các hoạt động bảo tồn, bảo tàng. Tôn tạo các di tích lịch sử, các di sản văn hóa dân tộc. Mở rộng các hoạt động báo chí, phát thanh truyền hình đáp ứng nhu cầu thị hiếu lành mạnh của nhân dân; ngăn chặn có hiệu quả các luồng văn hóa phản động, đồi trụy; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ trong hưởng thụ văn hóa nghệ thuật, nhất là trong thanh thiếu niên.

Tiếp tục phát triển thể dục thể thao, chú trọng phát triển phong trào thể dục, thể thao quần chúng và mạng lưới thể dục thể thao cơ sở rộng khắp; nâng số người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên lên 25%. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ vận động viên thể thao thành tích cao, đạt trình độ để tham gia các giải khu vực, toàn quốc và quốc tế có hiệu quả.

Tăng đầu tư ngân sách cho văn hóa, thông tin thể dục thể thao, xây dựng mới một số trung tâm văn hóa, thể dục thể thao; nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống phát thanh truyền hình; quản lý và khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có. Có cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, đầu tư và bảo trợ các hoạt động văn hóa, thể thao.

5/ Những chính sách xã hội khác:

Thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc là nhiệm vụ to lớn của Đảng bộ, đòi hỏi các cấp ủy đảng và chính quyền phải quán triệt sâu sắc và thường xuyên chăm lo, nhất là đối với các vùng căn cứ kháng chiến cũ. Tập trung giải quyết đồng bộ các vấn đề chủ yếu như:

+ Tăng cường đầu tư, tổ chức lồng ghép nhiều chương trình quốc gia, chương trình mục tiêu để củng cố và hoàn thành công tác định canh định cư, thực hiện xóa đói giảm nghèo, khuyến nông, khuyến lâm, giao đất, giao rừng, ưu tiên đất tốt cho đồng bào dân tộc để nhanh chóng nâng cao mức sản xuất của các hộ gia đình đồng bào dân tộc. Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị quân đội làm kinh tế thu hút sử dụng lực lượng lao động là thanh niên dân tộc, đầu tư hướng dẫn các hộ gia đình đồng bào dân tộc phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tổ chức tốt cuộc sống cộng đồng thôn bản.

+ Giải quyết tốt tình trạng mua bán, tranh chấp đất đai trái phép, ngăn chặn tình trạng một bộ phận đồng bào dân tộc do mua bán đất đai nên không còn đủ đất sản xuất.

+ Chú trọng đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ là người dân tộc, tăng cường lực lượng cán bộ dân tộc trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể các cấp.

+ Kiên quyết, kịp thời ngăn chặn các âm mưu và hành động lợi dụng tôn giáo gây chia rẽ đoàn kết dân tộc.

+ Chú trọng nâng cao dân trí, tiếp tục xóa mù và chống tái mù, tăng cường trợ cấp cho học sinh dân tộc ở các trường nội trú.

- Thực hiện tốt chính sách đối với người có công với nước, mở rộng phong trào ''uống nước nhớ nguồn'', ''đền ơn đáp nghĩa'', "phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng'', xây dựng ''nhà tình nghĩa''... để chăm lo, giúp đỡ các đối tượng chính sách.

- Đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, từ thiện; thực hiện các chính sách bảo trợ trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ, người già neo đơn, nạn nhân chiến tranh, người tàn tật; xây dựng các quỹ tình thương trích từ ngân sách một phần và động viên nhân dân tham gia đóng góp.

V/ Dự báo một số cân đối lớn:

1/ Thu chi ngân sách:

Tổng sản phẩm trong tỉnh 5 năm 2006-2010 tính theo giá hiện hành là 51.240 tỷ đồng, với tỷ lệ tăng thu bình quân 18,5% hằng năm, đến năm 2010 sẽ có số thu là 1840 tỷ đồng, tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách bình quân 13%.

Tổng chi ngân sách 5 năm (2006-2010) dự kiến là 13.742 tỷ đồng, trong đó chi cho đầu tư phát triển dự kiến 5.300 tỷ đồng, chiếm 38,5%.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống nhân dân đòi hỏi phải tăng nhanh mức chi ngân sách, song do mức thu còn hạn chế nên hàng năm phải dựa vào nguồn trợ cấp của ngân sách Trung ương để cân đối. Phấn đấu giảm dần tỷ lệ trợ cấp và tiến tới tự cân đối ngân sách vào giai đoạn sau.

Quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách, đảm bảo các nhu cầu chi cần thiết, giải quyết tốt hơn các nhu cầu bức thiết về văn hóa xã hội, tăng chi cho đầu tư phát triển. Triệt để thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong chi ngân sách.

2/ Dự báo nhu cầu đầu tư và khả năng huy động các nguồn vốn:

2.1/ Nhu cầu đầu tư:

Trong 5 năm tới để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bình quân 12,5% cần huy động lượng vốn đầu tư 29.660 tỷ đồng, trong đó vốn cho đầu tư phát triển là 29.000 tỷ, an ninh quốc phòng 660 tỷ, gấp 2,2 lần so với 5 năm 2001-2005, bình quân mỗi năm 5.932 tỷ đồng.

2.2/ Dự báo khả năng huy động các nguồn đầu tư:

a/ Đầu tư phát triển từ ngân sách: Khoảng 9.036 tỷ đồng, tập trung cho xây dựng các cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội như: thủy lợi vừa và nhỏ, kiên cố hóa kênh mương, lâm nghiệp, khuyến nông, giao thông, cấp điện, cấp nước, bệnh viện, trường học, TDTT, Phát thanh truyền hình, các công trình văn hóa, công cộng, trụ sở nhà ở, an ninh quốc phòng và dành vốn đối ứng cho các dự án ODA...

b/ Đầu tư từ tín dụng Nhà nước và Trái phiếu Chính phủ: Khoảng 1.367 tỷ đồng, chủ yếu cho các công trình thủy điện vừa và nhỏ, các công trình thủy lợi, trồng chăm sóc cây công nghiệp dài ngày, xây dựng mở rộng các cơ sở công nghiệp như chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, đầu tư xây dựng các cơ sở phục vụ du lịch, dịch vụ.

c/ Đầu tư từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước: Khoảng 12.405 tỷ đồng từ nguồn vốn khấu hao và tự có, tích lũy của doanh nghiệp, cùng với nguồn vay tín dụng, chủ yếu cho các công trình thuỷ điện lớn và vừa, trồng chăm sóc cây công nghiệp và mở rộng cấp nước.

d/ Đầu tư từ khu vực dân cư và doanh nghiệp tư nhân: Dự kiến sẽ huy động cao hơn giai đoạn 2001-2005, khoảng 5.908 tỷ đồng, chủ yếu tập trung cho trồng chăm sóc cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi, du lịch, đầu tư phát triển các khu đô thị, cao ốc văn phòng và các dự án khác của các doanh nghiệp tư nhân trên các lĩnh vực.

Với mức huy động nêu trên, các nguồn vốn trong tỉnh và đầu tư của Bộ ngành Trung ương mới cơ bản đảm bảo tổng nhu cầu, ngoài ra phải tìm biện pháp thu hút từ bên ngoài... tiếp tục gọi vốn ODA, FDI, vốn viện trợ của các chính phủ, tổ chức phi chính phủ và thu hút đầu tư ngoài tỉnh. Về vốn ODA tiếp tục thực hiện các dự án chuyển tiếp như: dự án đa dạng hóa nông nghiệp, các dự án về giáo dục y tế, dự án xóa đói giảm nghèo IFAD... và cần có biện pháp để thu hút nguồn FDI, các nguồn viện trợ khoảng 944 tỷ đồng thì mới đảm bảo được nhu cầu đầu tư đã nêu.

PHẦN THỨ BA

CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 5 NĂM 2006 - 2010

Trên cơ sở những quy định của Nhà nước, của trung ương, cần có những cơ chế và chính sách đặc thù, thoáng mở áp dụng đối với tỉnh, nhằm:

- Động viên cao nhất mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh, phát huy tối đa nội lực, khai thác tốt tiềm năng lợi thế của tỉnh.

- Phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế, khơi dậy và khai thông các nguồn vốn còn tiềm tàng trong dân, phát huy tính năng động sáng tạo của các đơn vị kinh tế cơ sở và chủ động của các địa phương.

I/ Giải pháp về huy động vốn đầu tư:

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm huy động tối đa nguồn vốn trong tỉnh, trong nước và tranh thủ thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.

- Khả năng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương cho tỉnh trong những năm tới tăng không đáng kể và phải ưu tiên đầu tư cho các công trình hạ tầng quan trọng, các công trình trọng điểm như giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp nước và công trình phúc lợi, y tế, văn hóa, giáo dục như bệnh viện, trường học, trung tâm thể dục thể thao... Vì vậy các ngành, các địa phương phải huy động mọi tiềm lực về vốn, lao động của ngành, địa phương và nhân dân, đầu tư sản xuất, cùng với Nhà nước, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông nông thôn, thủy lợi nhỏ, lưới điện hạ thế, các công trình văn hóa phúc lợi với phương châm ''Nhà nước và nhân dân cùng làm''.

Tăng tỷ lệ vốn đầu tư cho nông lâm nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn là khu vực có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà song tỷ lệ đầu tư còn thấp. Thực hiện các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, cấp điện, cấp nước, phát triển công nghiệp dịch vụ ở nông thôn.

Thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, để sử dụng có hiệu quả và tăng tỷ lệ tích lũy đầu tư từ ngân sách của tỉnh. Lồng ghép các chương trình mục tiêu và chương trình quốc gia trên từng địa bàn để sử dụng có hiệu quả, chống lãng phí, thất thoát, ưu tiên vốn các chương trình này cho các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Vốn tín dụng đầu tư dài hạn, vốn tín dụng từ quỹ hỗ trợ phát triển sẽ tập trung cho một số đối tượng ưu tiên theo tinh thần Nghị định 106 của Chính phủ, các doanh nghiệp phải vay vốn trung và dài hạn, huy động vốn tự có, vốn cổ phần các hình thức liên doanh liên kết... để tạo nguồn cho đầu tư phát triển.

Nghiên cứu và sớm ban hành chính sách khuyến khích để các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, đưa một phần lợi nhuận sau thuế vào đầu tư phát triển.

Tăng cường hoạt động tín dụng nông thôn với những chính sách cụ thể, chú trọng cho các hộ nghèo vay với lãi suất ưu đãi; hình thành và đưa vào hoạt động Quỹ Hỗ trợ đầu tư của tỉnh.

* Đối với khu vực đầu tư tư nhân và dân cư: Cập nhật và bổ sung Quy định về khuyến khích đầu tư vào địa bàn của QĐ 451 của Ủy ban Nhân dân tỉnh với những nội dung đổi mới hấp dẫn và thông thoáng hơn, cụ thể hóa và mở rộng hơn các hình thức đầu tư và đối tượng được hưởng ưu đãi.

Khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào công nghiệp, thương mại dịch vụ, tạo ra nhiều việc làm, nhất là ở các vùng nông thôn bằng cách tạo thuận lợi trong việc đăng ký kinh doanh, giao đất, cho thuê đất, mặt bằng, miễn giảm thuế.

Bằng nhiều cách phù hợp, huy động được các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng như: phát hành tín phiếu, trái phiếu, cổ phiếu, thực hiện cổ phần hóa ngay từ khi quyết định đầu tư xây dựng mới các cơ sở công nghiệp... Chú trọng huy động lao động công ích, coi đó như một nguồn lực quan trọng cho phát triển.

Tiếp tục quan tâm hướng dẫn và chỉ đạo công tác xã hội hóa các lĩnh vực xã hội, trước hết sớm có chương trình cụ thể và kế hoạch triển khai xã hội hóa giáo dục, y tế ở những nơi có điều kiện.

- Tiếp tục củng cố công tác quản lý đầu tư và xây dựng đảm bảo theo đúng những quy định của Chính phủ, các văn bản của Nhà nước và nhũng quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, quyết tâm đầu tư dứt điểm, đúng tiến độ, tránh dàn trải, kéo dài, để sớm đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả.

- Tiếp tục thu hút và gọi vốn đầu tư nước ngoài trên tất cả các nguồn: FDI, ODA, nguồn viện trợ; có chính sách hấp dẫn ưu đãi để đẩy mạnh đầu tư FDI vào các lĩnh vực ưu tiên như: trồng rừng, chế biến nông lâm sản... dành một tỷ trọng vốn đối ứng từ ngân sách và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn ODA. Đồng thời cũng có thể sử dụng nguồn ODA vào việc đào tạo nhân lực, phát triển khoa học và chuyển giao công nghệ, song phải được tính toán sử dụng có hiệu quả, nếu vậy thì phải có khả năng trả nợ. Xây dựng thêm một số dự án với nội dung cụ thể, có đầy đủ các thông tin để các nhà đầu tư thấy rõ cơ hội và điều kiện đầu tư, tạo môi trường thuận lợi thông thoáng, đơn giản thủ tục hành chính.

- Tiếp tục thực hiện các dự án ODA đã ký kết. Tăng cường tìm kiếm nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, các Chính phủ và tổ chức phi Chính phủ để có những khoản viện trợ không hoàn lại cho phát triển nông thôn, khuyến nông, phát triển lâm nghiệp xã hội, phát triển giáo dục, y tế cải thiện đời sống đồng bào dân tộc, nhất là vùng sâu, vùng xa.

II/ Chính sách khoa học- kỹ thuật- công nghệ:

Phát triển công nghệ kết hợp nhiều trình độ, sử dụng triệt để những thành tựu công nghệ trong nước, công nghệ truyền thống, song song với ứng dụng những công nghệ tiên tiến của nước ngoài phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Đánh giá thực trạng trình độ công nghệ của tỉnh để có kế hoạch và giải pháp chuyển đổi công nghệ cho những năm tiếp theo; xác định lộ trình công nghệ cho từng sản phẩm, nhất là các sản phẩm công nghiệp và xuất khẩu. Có chính sách ưu đãi để các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư thay thế các thiết bị lạc hậu bằng những thiết bị tiên tiến, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Bảo hộ và ưu đãi riêng cho các nhà đầu tư có chuyển giao công nghệ cao: được miễn giảm thuế một thời gian, được ưu đãi chọn lựa địa điểm đầu tư xây dựng...; hỗ trợ nâng cao năng lực ngành cơ khí lắp ráp, cơ khí sửa chữa.

Ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất công nghiệp gây ra; các khu cụm công nghiệp các xí nghiệp có nhiều chất thải, khói bụi nhất thiết phải có giải pháp xử lý chất thải tránh gây ô nhiễm môi trường.

Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, chú trọng đầu tư áp dụng các tiến bộ mới như giống cây trồng lai ghép, trái vụ, vật nuôi lai tạo, đặc biệt các giống cây công nghiệp tạo hàng hóa lớn có tính ưu việt về năng suất, chất lượng, ít bị sâu bệnh, thích nghi với điều kiện của địa phương. Nghiên cứu thực hiện các mô hình đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, hàng hóa có sức cạnh tranh cao hơn.

Hỗ trợ nâng cao trình độ cơ giới trong nông nghiệp, hỗ trợ phát triển công nghệ sau thu hoạch.

Điều tra, thu thập và nghiên cứu để kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa và tinh thần, phát huy truyền thống tốt đẹp và lòng tự hào dân tộc; đấu tranh chống sự xâm nhập của văn hóa độc hại, xây dựng con người mới XHCN, đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh nhà.

III/ Chính sách phát triển nguồn nhân lực:

Cùng với khoa học - công nghệ, giáo dục- đào tạo là quốc sách hàng đầu; nên phải đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ khoa học - kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ hiện có và đào tạo mới. Phải có chính sách về tài chính, tiền lương phù hợp thu hút nguồn nhân lực, thu hút chất xám... Các trường đào tạo của tỉnh phải đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo có trọng điểm, có địa chỉ, từng bước đào tạo nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ hiện có, nâng cao tay nghề cho lực lượng công nhân trong mọi lĩnh vực để đủ khả năng vươn lên làm chủ công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại. Quan tâm đào tạo đội ngũ công nhân công nghiệp là người dân tộc và người làm nòng cốt cho phát triển công nghiệp ở các làng, xã, cụm xã, đào tạo lao động trẻ. Thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo lao động cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sử dụng lao động là đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ.

Có chính sách ưu đãi cán bộ, chuyên gia đầu đàn công tác lâu năm, đồng thời ''thu hút chất xám'', thu hút cán bộ giỏi từ các nơi đến làm việc ở tỉnh. Phối hợp và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu các trường đại học, tranh thủ sự đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia, lực lượng khoa học của các ngành Trung ương, học tập kinh nghiệm các tỉnh bạn để triển khai thực hiện và giải quyết các vấn đề thực tế ở tỉnh. Coi trọng nâng cao dân trí, sử dụng người có tài, nhất là vùng đồng bào dân tộc, nhằm tạo nguồn nhân lực trong những năm tới và cho cả lâu dài.

IV/ Phát triển đa dạng các thành phần kinh tế:

Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới quan hệ sản xuất, phát huy mọi nguồn 1ực của các thành phần kinh tế để phát triển nhanh kinh tế - xã hội. Khu vực kinh tế nhà nước được phát triển, nắm giữ những khâu trọng yếu, then chốt đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân cũng như có vai trò quan trọng quyết định đối với những lĩnh vực thiết yếu của đời sống nhân dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn mà các thành phần kinh tế khác không chịu đầu tư phát triển.

- Tiếp tục thực hiện sắp xếp đổi mới các doanh nghiệp nhà nước theo đề án đã có, đẩy mạnh cổ phần hóa và đa dạng hóa sở hữu đối với phần lớn DNNN do địa phương quản lý. Tạo điều kiện phát triển cho những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ làm ăn có hiệu quả.

- Phát triển mạnh các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp & nông thôn; tiếp tục phát huy vai trò tự chủ của kinh tế hộ, kể cả kinh tế tiểu chủ, đồng thời tạo điều kiện và khuyến khích phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, chủ yếu là trên các khâu dịch vụ cho sản xuất ở ''đầu vào'' như vốn, vật tư, thủy lợi, làm đất, giống, bảo vệ thực vật, dịch vụ thú y và ở ''đầu ra'' như chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Hướng dẫn vả tổ chức tốt quá trình chuyển biến các hợp tác xã, hỗ trợ quá trình hình thành các hợp tác xã theo luật hợp tác xã kiểu mới sớm vươn lên đúng vai trò chủ chốt trong việc cung cấp các dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ở nông thôn. Củng cố và mở rộng phạm vi hoạt động của các HTX đang hoạt động theo luật HTX. Xây dựng một số mô hình hợp tác xã điển hình để nhân ra diện rộng, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ hợp tác xã, nhất là về kỹ năng quản lý từng loại hình hợp tác xã trong cơ chế thị trường.

Đẩy nhanh việc đo đạc và cấp quyền sử dụng đất để tăng cường biện pháp quản lý đất đai và để người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Phát triển và quản lý có hiệu quả các loại hình doanh nghiệp thuộc kinh tế hợp tác xã, kinh tế tư bản Nhà nước, kinh tế cá thể tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân, không hạn chế quy mô hoạt động trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Mọi loại hình doanh nghiệp có lợi cho quốc kế dân sinh, mọi doanh nhân và nhà quản lý doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với ngân sách, tuân thủ luật lao động và đối xử tốt với người lao động đều được Nhà nước và xã hội tôn vinh, được bảo hộ quyền sở hữu và thu nhập hợp pháp, được hưởng chính sách ưu đãi trong những lĩnh vực được khuyến khích.

Đổi mới thủ tục về đăng ký kinh doanh và hoạt động kinh doanh; quy định rõ chế độ thanh tra kiểm soát nhất là phạm vi, trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan Nhà nước đối với việc tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, ngăn chặn việc kiểm tra tùy tiện gây phiền hà, sách nhiễu. Đưa chế độ kế toán kiểm toán vào nền nếp, hoàn thiện các chế tài và xử lý nghiêm minh các hoạt động kinh doanh trái pháp luật. Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Tạo những điều kiện cơ bản cần thiết cho đầu tư phát triển của doanh nghiệp và nhân dân.

- Mở rộng thị trường vốn, dành vốn tín dụng, vốn từ quỹ đầu tư quốc gia... cho các ngành nghề lĩnh vực cần ưu tiên, để tạo tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

- Thành lập các trung tâm thông tin, nghiên cứu thị trường quy định trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước để có thể cung cấp những thông tin nhạy bén kịp thời cho các nhà doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nhằm nâng cao hiệu quả, giảm thua thiệt.

- Tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất của các loại hình doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh việc đào tạo dạy nghề, hướng nghiệp cho người lao động, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đào tạo ngành nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp.

- Có chủ trương đào tạo bồi dưỡng năng lực quản trị kinh doanh cho các nhà doanh nghiệp khuyến khích khen thưởng các nhà kinh doanh giỏi.

* Phát triển các hình thức hợp tác, liên kết giữa các hình thức sở hữu.

- Cùng với việc khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác đẩy mạnh quá trình chuyển đổi hợp tác xã trong nông nghiệp, cần triển khai thực hiện luật hợp tác xã trong các lĩnh vực hoạt động khác như trung tâm công nghiệp, thương mại, vận tải, xây dựng... vận động và giúp đỡ tiểu thương, tiểu chủ tự nguyện xây dựng các cơ sở kinh tế hợp tác đa dạng từ thấp đến cao, phù hợp với tính chất của từng loại hoạt động và đáp ứng lợi ích thiết thực của những người tham gia.

- Phát triển nhiều hình thức hợp tác liên kết giữa kinh tế Nhà nước với các thành phần kinh tế khác trên nguyên tắc bình đẳng và đảm bảo ích lợi hợp pháp của mỗi chủ thể kinh tế. Thúc đẩy các hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp Nhà nước với doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hộ gia đình, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm... Các doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, thị trường nhất là thị trường xuất khẩu, các hợp tác xã, hộ nông dân có thể trở thành những đại lý, vệ tinh tích cực cho các doanh nghiệp.

- Khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, nhất là trang trại gia đình.

+ Có chính sách cho vay vốn ưu đãi các nguồn tín dụng trung và dài hạn, số lượng vốn vay căn cứ theo dự án, không khống chế mức vay bình quân.

+ Cần có những quy định về thuê mướn lao động trong trang trại, người sử dụng lao động phải ký hợp đồng theo luật lao động, thực hiện các chế độ bảo hộ lao động.

V/ Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường chống buôn lậu, chống tham nhũng, triệt để thực hành tiết kiệm chống lãng phí:

1/ Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính:

Tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính, bảo đảm duy trì và nâng cao hiệu quả của cơ chế 1 cửa. Thường xuyên bồi dưỡng đào tạo để nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cải tiến phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước. Thực hiện pháp lệnh cán bộ công chức để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ năng lực, đủ sức đảm đương nhiệm vụ trong thời kỳ phát triển mới.

Phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước về kinh tế, trước hết là phân cấp thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính về kinh doanh, phân cấp quản lý cũng như quyết định đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, phân cấp ngân sách theo Luật Ngân sách.

2/ Tăng cường chống tham nhũng, chống buôn lậu:

Đấu tranh chống tham nhũng là những việc làm thường xuyên, liên tục, trong những năm tới cần hướng vào trọng tâm là: chống tham ô, xâm phạm tài sản Nhà nước và xã hội, đưa hối lộ... trước mắt tập trung vào một số khâu: quản lý bảo vệ tài nguyên rừng, quản lý đất đai, nhà ở, cấp phát sử dụng vốn ngân sách, xây dựng cơ bản, ngân hàng, thuế xuất nhập khẩu, quản lý tài sản công, thực hiện chính sách xã hội, đấu tranh chống tội phạm kinh tế, quản lý trật tự giao thông v.v...

Tăng cường hoạt động của các ngành công an, hải quan, quản lý thị trường và các đoàn thể nhân dân trên mặt trận chống buôn lậu, nhất là qua cửa khẩu và các huyện biên giới, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

3/ Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:

Thực hiện triệt để Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng, sản xuất và tiêu dùng để tăng tích lũy trong cả 3 khu vực Nhà nước, doanh nghiệp và dân cư.

- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý sử dụng ngân sách nhà nước, bao gồm: thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án, quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước; trong mua sắm, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc; trong quản lý sử dụng ngân sách nhà nước cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức vả trong quản lý, sử dụng chương trình mục tiêu, chương trình quốc gia, kinh phí nghiên cứu khoa học, công nghệ trong chi tiêu ngân sách Nhà nước và sử dụng công sản.

- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng các dự án có sử dụng ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc ngân sách nhà nước, trong quản lý sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ cơ quan và các công trình phúc lợi công cộng.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bao gồm đất đai, khoáng sản, nguồn nước, rừng và các loại tài nguyên khác.

- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đào tạo, quản lý sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước.

- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

VI/ Mở rộng thị trường, nhất là thị trường tiêu thụ nông sản, đồng thời tăng sức mua của thị trường nông thôn

Chú trọng phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa cả trong và ngoài nước, đây là vấn đề quan trọng, đóng vai trò quyết định, tác động trở lại đối với sản xuất và đời sống nông dân. Để khai thác lợi thế so sánh của tỉnh, thực hiện chiến lược kinh tế hướng về xuất khẩu đòi hỏi phải nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng thị trường; nghiên cứu mở rộng thị trường, tích cực tìm thị trường mới để giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, nhất là các nông sản chủ lực của tỉnh như: cà phê, cao su, tiêu, hạt điều, tinh bột sắn, mía đường, sắn lát, ngô lai...; nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản xuất khẩu, nhất là khâu sơ chế, chế biến các sản phẩm như cà phê, cao su (chủ yếu sơ chế ra cà phê nhân và cao su cốm) sản xuất sản phẩm gỗ tinh chế xuất khẩu... nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh trên thị trường quốc tế. Tổ chức tốt việc thu thập và cung cấp các thông tin kinh tế, các thông tin thương mại cần thiết trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp, các đơn vi trong tỉnh. Phát triển các tổ chức làm dịch vụ thăm dò, nghiên cứu, giới thiệu thị trường và bạn hàng, mở rộng các hình thức thông tin kinh tế để tăng khả năng tiếp thị của các hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho lưu thông hàng hóa giữa các vùng.

- Mở rộng thị trường nông thôn, củng cố sắp xếp mạng lưới thương nghiệp quốc doanh trên địa bàn các huyện, các vùng nông thôn, mở rộng mạng lưới đại lý của thương nghiệp quốc doanh, coi trọng việc liên kết giữa thương nghiệp quốc doanh với các hợp tác xã và nông dân, khuyến khích các cơ sở kinh doanh thương nghiệp của tư nhân, phát triển mạng lưới chợ nông thôn... để mua những gì nông dân cần bán, bán những gì nông dân cần mua. Song có biện pháp thông tin thị trường giá cả, khắc phục tình trạng thả nổi thị trường nông thôn để hạn chế tranh mua, tranh bán, ép cấp, ép giá, gây thiệt hại đến lợi ích của nông dân.

- Tham gia xây dựng quỹ bảo trợ nông nghiệp, bảo hiểm sản xuất: Giá cả các mặt hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản thường phụ thuộc vào cung cầu của thị trường thế giới nên việc xây dựng các quỹ trên có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện cho nông dân quan tâm sản xuất, để nông dân không phải bán sản phẩm vào các thời điểm bất lợi về giá, không phát triển ồ ạt khi giá lên và chặt phá khi giá xuống.

Phát triển các loại hình kinh doanh theo hướng kết hợp giữa nông nghiệp - công nghiệp - xuất khẩu hoặc giữa nhà máy chế biến với các hộ nông dân, thông qua các hợp đồng kinh tế về bán nguyên liệu, cung cấp dịch vụ, ứng vốn.

VII/ Đẩy mạnh công tác xã hội hóa các ngành giáo dục - đào tạo, văn hóa - thông tin, thể dục - thể thao, y tế để huy động có hiệu quả các nguồn lực nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đề ra./.

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 89/2006/QĐ-UBND ngày 31/10/2006 Phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 do tỉnh Gia Lai ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.939

DMCA.com Protection Status
IP: 3.147.27.154
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!