THỦ TƯỚNG
CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 827/QĐ-TTg
|
Hà Nội,
ngày 12 tháng 6 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ VINH, TỈNH NGHỆ AN
THÀNH TRUNG TÂM KINH TẾ, VĂN HÓA VÙNG BẮC TRUNG BỘ ĐẾN NĂM 2023 THEO TINH THẦN
NGHỊ QUYẾT SỐ 26-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ
chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30 tháng 7 năm 2013 của Bộ Chính
trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020;
Căn cứ Thông báo số 55-TB/TW ngày 20 tháng 4 năm 2019 của Bộ Chính
trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW
của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến
năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 2468/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung
tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số
26-NQ/TW của Bộ Chính trị;
Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ
An.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ đến năm 2023, định hướng đến
năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị (sau đây gọi tắt
là Đề án) với các nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN
1. Phát triển thành phố Vinh đặt trong mối quan
hệ tổng thể, đảm bảo gắn kết chặt chẽ với các huyện, thị trong tỉnh, các tỉnh
trong vùng Bắc Trung bộ và giữ vai trò đầu tàu trong các lĩnh vực kinh tế, văn
hóa, xã hội; phát triển thành phố Vinh bao gồm thị xã Cửa Lò và một số xã phụ cận
thuộc huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc trở thành thành phố hiện đại, văn minh và
giàu mạnh.
2. Nâng cấp, xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ
tầng đô thị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân
thành phố, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, từng bước
phát huy vai trò trung tâm kinh tế - xã hội của vùng Bắc Trung bộ trên một số
lĩnh vực theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW
của Bộ Chính trị.
3. Phát huy lợi thế so sánh về vị trí địa kinh tế,
lấy kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, kinh tế đối ngoại làm nền tảng để phát triển
thành phố Vinh trở thành đô thị hiện đại, văn minh, hội nhập quốc tế.
4. Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tái cơ cấu
kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng chính quyền đô thị, đảm bảo tiến
bộ, công bằng xã hội, tạo thêm nhiều công ăn việc làm góp phần tăng thu nhập,
giảm thiểu chênh lệch giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư trong tỉnh và vùng.
5. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân
lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của vùng.
6. Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường
và củng cố an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị, nền hành chính
trong sạch, vững mạnh.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Chức năng
- Đầu tàu tăng trưởng và giải quyết các nhiệm vụ
trọng yếu về phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung bộ.
- Trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch,
khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn
hóa, thể thao, giáo dục đào tạo của vùng Bắc Trung bộ.
- Đầu mối giao thông, cửa ngõ quan trọng của
vùng Bắc Trung bộ, cả nước và quốc tế.
2. Mục tiêu tổng quát:
Xây dựng thành phố Vinh trở thành thành phố văn
minh, hiện đại, là trung tâm vùng Bắc Trung bộ về các lĩnh vực tài chính,
thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp
công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo; có nền văn hóa tiên
tiến, đậm đà bản sắc xứ Nghệ, xã hội phát triển, đời sống vật chất tinh thần của
nhân dân ngày càng được nâng cao.
3. Mục tiêu cụ thể:
Mục tiêu đến năm 2023[1]:
a) Về phát triển kinh tế
- Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng (theo giá
so sánh 2010) bình quân đạt khoảng 10 - 11%/năm giai đoạn 2020 - 2023. Tổng giá
trị gia tăng (theo giá hiện hành) chiếm khoảng 25 - 30% tổng GDP của tỉnh; giá
trị gia tăng bình quân đầu người đạt khoảng 141,7 triệu đồng.
- Cơ cấu kinh tế (theo giá trị gia tăng): Ngành
công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 33 - 34%; dịch vụ khoảng 65 - 66%; nông
nghiệp và thủy sản khoảng 0,5 -1,0%.
- Giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình
quân khoảng 1,0 - 1,5%/năm.
b) Về phát triển xã hội
- Duy trì tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới
1,5%/năm; tỷ lệ dân số thành thị đạt khoảng 78%; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi
suy dinh dưỡng còn 7,5%; tỷ lệ trẻ em tử vong dưới 5 tuổi dưới 8‰; số bác, sỹ/vạn
dân đạt 47 bác sỹ.
- Tiếp tục giảm tỷ lệ nghèo (theo chuẩn mới)
bình quân khoảng 0,1 - 0,2 điểm%/năm; phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo
trên địa bàn giảm còn dưới 0,25% và giảm nghèo bền vững đối với những hộ cận
nghèo.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%, trong
đó qua đào tạo nghề đạt 46%.
- Xây dựng các trường điểm trọng điểm có chuẩn đầu
ra đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực, quốc tế.
- Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng các tiêu
chí xây dựng nông thôn mới tại các xã.
c) Bảo vệ môi trường
- Đảm bảo 100% dân cư thành thị, nông thôn được
sử dụng nước sạch; 100% các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn có hệ thống xử lý
nước thải tập trung; chất thải rắn, rác thải y tế được thu gom và xử lý.
- Khắc phục ô nhiễm môi trường, xử lý tốt rác thải
rắn, nước thải, đảm bảo nguồn nước sạch cho sinh hoạt, từng bước nâng cao chất
lượng môi trường. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
d) Quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội
- Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; xây dựng
thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với xây dựng tỉnh
Nghệ An thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới. Tập trung xây dựng
lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến
đấu. Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an
ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
- Đẩy mạnh công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội.
Tăng nhanh số xã phường trong sạch, vững mạnh, không có tệ nạn xã hội, tiến tới
xây dựng thành phố trở thành địa bàn văn minh, lịch sự, có đời sống văn hóa xã
hội trong sạch, lành mạnh.
đ) Mở rộng không gian đô thị:
Khi có đủ điều kiện theo quy định, thực hiện mở
rộng không gian đô thị thành phố Vinh theo quy hoạch chung thành phố Vinh, tỉnh
Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại
Quyết định số 52/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm
2015, phạm vi bao gồm:
- Toàn bộ thành phố Vinh;
- Toàn bộ thị xã Cửa Lò;
- Huyện Nghi Lộc: Toàn bộ thị trấn Quán Hành;
toàn bộ các xã Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong, Nghi Thạch, Nghi Trường,
Nghi Trung, Nghi Thịnh, Nghi Long, Nghi Khánh, Nghi Hợp, Nghi Vạn, Nghi Diên,
Nghi Hoa, Nghi Thuận và một phần của xã Nghi Xá nằm phía Nam đường Nam Cấm - Cửa
Lò;
- Huyện Hưng Nguyên: Toàn bộ xã Hưng Tây; một phần
của thị trấn Hưng Nguyên, các xã Hưng Lợi, Hưng Mỹ nằm phía Bắc của quốc lộ 1
tránh thành phố Vinh, xã Hưng Đạo ở phía Bắc của quốc lộ 46 và quốc lộ 1 đoạn
tránh thành phố Vinh.
III. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ
PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC
1. Phát triển về tài chính, tín dụng, ngân hàng,
bảo hiểm
- Phát triển hệ thống tín dụng, ngân hàng theo
hướng đa dạng hoá các loại hình dịch vụ: Kiểm toán, bảo hiểm, cho thuê tài
chính, tư vấn tài chính, huy động vốn qua thị trường chứng khoán, giao dịch bất
động sản quy mô vùng; từng bước hình thành trung tâm tài chính vùng Bắc Trung bộ
tại thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò tạo đột phá cho sự phát triển và hoàn thiện
thị trường tài chính, tín dụng; từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất nâng cao
chất lượng cung cấp các dịch vụ.
- Thu hút các ngân hàng lớn trong và ngoài nước,
công ty tài chính, bảo hiểm, các công ty chứng khoán thành lập các chi nhánh tại
tỉnh. Phát triển hệ thống tổ chức tín dụng đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động
an toàn, hiệu quả, vững chắc với cấu trúc đa dạng về quy mô, loại hình.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường
kinh doanh thuận lợi minh bạch để thu hút nguồn lực, tạo tiền đề cho việc hình
thành thị trường một cách đầy đủ, từng bước đáp ứng nhu cầu vốn cho các hoạt động
sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân trong vùng.
2. Phát triển lĩnh vực thương mại
- Xây dựng thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò trở
thành trung tâm thương mại của vùng Bắc Trung bộ với chức năng đầu mối xuất, nhập
khẩu, tập kết, trung chuyển, phân phối, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ; là
trung tâm xúc tiến, giao dịch thương mại và các dịch vụ khác theo quy hoạch.
- Huy động tối đa nguồn lực tập trung đầu tư xây
dựng các công trình quan trọng, thiết yếu, trong đó chú trọng phát triển đồng bộ
hệ thống hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp; tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu
tư vào các dự án thương mại trọng điểm như: Trung tâm hội chợ triển lãm khu vực
Bắc Trung bộ; trung tâm logistics khu vực cảng Cửa Lò; tổng kho trung chuyển và
phân phối khu vực Bắc Trung bộ; các trung tâm thương mại lớn theo Quy hoạch đã
được phê duyệt; xây dựng và phát triển hệ thống siêu thị bán buôn bán lẻ. Thu
hút đầu tư, xã hội hóa chuyển đổi mô hình quản lý và kinh doanh chợ, nâng cấp
chợ truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại; phát triển các tuyến phố chuyên
doanh, xây dựng và quản lý hiệu quả các tuyến phố đêm, phố đi bộ và mô hình mới
để thu hút khách du lịch, thúc đẩy kinh doanh gắn với đầu tư xây dựng công
trình, chỉnh trang đô thị xanh, sạch, đẹp.
- Làm tốt công tác thông tin, nghiên cứu thị trường,
xây dựng và bảo vệ thương hiệu; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống
buôn lậu, làm hàng giả, gian lận thương mại, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm,
tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn hàng đầu
thế giới và Việt Nam về lĩnh vực thương mại.
3. Phát triển lĩnh vực du lịch
- Phát triển du lịch gắn với tiềm năng lợi thế của
thành phố trong mối quan hệ với vùng cũng như quốc gia và quốc tế; phấn đấu trở
thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện và an toàn; là trung tâm lưu trú và phân phối
khách du lịch của vùng Bắc Trung bộ.
- Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp,
hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng phát triển theo chiều sâu, đảm bảo
chất lượng và hiệu quả; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho phát
triển du lịch. Phát huy vai trò hạt nhân - trung tâm trong liên kết; phát triển
du lịch vùng và quốc tế đặc biệt là với nước bạn Lào, Thái Lan; tập trung xây dựng
các tuyến du lịch kết nối Vinh - Cửa Lò với các vùng trọng điểm du lịch trong tỉnh:
Nam Đàn, Con Cuông, cửa khẩu Thanh Thủy...; từng bước nâng cao chất lượng dịch
vụ du lịch, hình thành thương hiệu du lịch thành phố Vinh. Đẩy mạnh liên kết
đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng lao động trong
ngành thông qua các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành
trong và ngoài nước.
- Phát triển các cơ sở lưu trú tại các trung tâm
du lịch ở thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò, tạo điều kiện thuận lợi để hình
thành hệ thống khách sạn 05 sao bao gồm các khách sạn tại khu B Quang Trung, đường
95 m, xã Nghi Phú và tại phía Bắc cầu Bến Thủy... Thu hút, kêu gọi đầu tư các dự
án: Khu vui chơi giải trí tổng hợp, ẩm thực ở phía Nam, phía Tây Nam thành phố;
khu du lịch tâm linh kết hợp vui chơi giải trí tại khu Lâm viên Núi Quyết - Bến
Thủy; cụm du lịch phía Nam sông Vinh; công viên Nam Vinh, khu du lịch sinh thái
gắn với cảnh quan các núi Bắc sông Cấm; cải tạo cảng Bến Thủy thành cảng du lịch
phục vụ phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ven sông Lam, xã Hưng Hòa. Đầu
tư xây dựng các tuyến phố đi bộ, phố đêm đồng bộ, hiện đại, tạo điểm nhấn cho
thành phố và thu hút du khách du lịch.
- Tập trung phát triển đại lộ Vinh - Cửa Lò toàn
diện theo quy hoạch được duyệt, tạo thành trục động lực phát triển kinh tế quan
trọng liên kết các tổ hợp hệ thống từ trung tâm hành chính, trung tâm tài
chính, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm giáo dục và đời sống,
trung tâm thể thao và trung tâm du lịch giải trí. Tạo thành trục đại lộ tầm cỡ,
có không gian trọng yếu kết nối trung tâm hành chính thành phố và trung tâm du
lịch biển, nâng tầm thành phố và thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư.
- Phát triển thị xã Cửa Lò thành đô thị du lịch
biển, dịch vụ tổng hợp bao gồm: Khu du lịch nghỉ dưỡng, điều dưỡng biển chất lượng
cao; khu dịch vụ tổng hợp logistics gắn kết với các điểm du lịch trong và ngoài
tỉnh; phát triển các khu du lịch gắn với sông Lam.
4. Phát triển khoa học - công nghệ
- Tiếp tục chuyển đổi mô hình hoạt động của các
tổ chức khoa học, công nghệ công lập hoạt động dựa chủ yếu vào ngân sách nhà nước
sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định. Đẩy mạnh ứng
dụng công nghệ 4.0 trong các ngành, lĩnh vực, xây dựng thành phố thông minh và
thương mại điện tử nhằm nhanh chóng đưa thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trở thành
thành phố, tỉnh ứng dụng công nghệ cao hiệu quả trong vùng và cả nước.
- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực
cho các trung tâm, đơn vị hoạt động khoa học công nghệ, các trường đại học, cao
đẳng trên địa bàn. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hình thành và phát
triển các doanh nghiệp khoa học công nghệ đến năm 2023, định hướng đến năm
2030, hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập tổ chức nghiên cứu và phát triển trực
thuộc; thu hút đầu tư xây dựng phát triển các cơ sở khoa học công nghệ chuyên
ngành, cơ sở đào tạo mới.
- Xây dựng mạng lưới thông tin khoa học công nghệ
trên địa bàn, trong đó tập trung vào các sàn giao dịch công nghệ quy mô vùng để
liên kết với chuỗi sàn giao dịch của các trung tâm khoa học công nghệ lớn quốc
gia nhằm trao đổi thông tin công nghệ và kết nối cung - cầu trên phạm vi toàn
quốc; có cơ chế nhằm khuyến khích, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ ứng dụng
kết quả vào thực tiễn sản xuất và đời sống.
- Gắn kết các cơ quan nghiên cứu với doanh nghiệp,
mở rộng quan hệ hợp tác về phát triển khoa học, công nghệ với các tổ chức, cá
nhân trong và ngoài nước; tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các nước, các tổ chức
quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, quản lý, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, đổi mới
công nghệ, đặc biệt là các địa phương có mối quan hệ hữu nghị với thành phố
như: Thành phố Namyangju - Hàn Quốc, thành phố Ulyanovsk - Liên bang Nga, thành
phố Tsukuba và Kasumigaura - Nhật Bản, thành phố New Haven - Anh,....
5. Phát triển công nghệ thông tin
- Nghiên cứu bổ sung thành phố Vinh vào danh mục
các đơn vị thực hiện thí điểm trong Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững
Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt
tại Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8
năm 2018. Ưu tiên xây dựng Vinh sớm trở thành thành phố thông minh theo tinh thần
Thông báo số 55-TB/TW ngày 20 tháng 4 năm
2019 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.
- Phát triển nhanh lĩnh vực công nghệ thông tin,
truyền thông đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại và an ninh, an toàn thông tin, đáp ứng
nhu cầu thông tin, liên lạc của cơ quan, doanh nghiệp và người dân; nghiên cứu,
ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông để phát triển các ngành kinh tế, từng
bước đưa thành phố Vinh trở thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ về công nghệ
thông tin và truyền thông vào năm 2023.
- Thu hút các ngành, lĩnh vực tạo ra giá trị gia
tăng lớn như: Sản xuất thiết bị phần cứng, phần mềm, dịch vụ phụ trợ của ngành
công nghiệp công nghệ thông tin, truyền thông; chú trọng hợp tác quốc tế trong
nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo, cung ứng nhân lực chất lượng cao.
Hình thành các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng giá trị gia tăng, hệ thống
quản lý dây chuyền cung ứng.
- Đến năm 2023, 80% thủ tục hành chính được triển
khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ
công trực tuyến mức độ 3,4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; ít nhất 90% hồ
sơ công việc tại Ủy ban nhân dân thành phố và 70% hồ sơ công việc tại xã, phường
được xử lý trên môi trường mạng; 100% lãnh đạo cấp xã, phường ứng dụng hiệu quả
chữ ký số trong công việc; đảm bảo 50 - 70% tổng số giao dịch của các ngành
kinh tế được thực hiện thông qua hệ thống giao dịch điện tử; 100% các doanh
nghiệp, đơn vị, tổ chức kinh doanh ứng dụng công nghệ thông tin một cách thường
xuyên trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông
tin trong giáo dục, y tế, du lịch,...
6. Phát triển công nghiệp công nghệ cao
- Phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao
theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh, cơ cấu lại sản xuất
công nghiệp, tăng hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm. Các lĩnh vực chủ
yếu: Tự động hóa, vật liệu mới, công nghệ thông tin, điện tử, công nghệ sinh học,
y tế, giáo dục đào tạo, đặc biệt là những lĩnh vực công nghệ cao phục vụ trực
tiếp cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hình thức
cụm, nhóm sản phẩm tạo thành các tổ hợp (cluster) công nghiệp quy mô lớn, hiệu
quả cao; hoàn thành việc xây dựng hạ tầng các khu công nghệ cao tại khu công
viên công nghệ thông tin và nghiên cứu triển khai xây dựng một số khu nghiên cứu
cải tiến kỹ thuật và đổi mới công nghệ. Đầu tư xây dựng Tổ hợp khu công nghiệp
- đô thị và dịch vụ Becamex Nghệ An, các cụm công nghiệp Nghi Kim, Cửa Lò. Tập
trung mời gọi đầu tư vào Khu công nghiệp nằm ở phía Nam hồ Điều hòa, Khu công
nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An.
- Khuyến khích các cơ quan, tổ chức và doanh
nghiệp tiến hành đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại nhất là đối với các
ngành, lĩnh vực có lợi thế như: Cơ khí chế tạo, điện tử, tin học, sản xuất lắp
ráp ôtô, dệt, may, chế biến nông, lâm thủy sản.
7. Phát triển y tế
- Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng y tế, mạng
lưới khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Xây mới các bệnh viện phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống y tế của tỉnh
như: Bệnh viện đa khoa Nghệ An giai đoạn 2 (khu B), bệnh viện Ung Bướu, bệnh viện
mắt, bệnh viện lão khoa, nâng cấp bệnh viện Sản Nhi, bệnh viện đa khoa thành phố
Vinh; thu hút đầu tư xây dựng bệnh viện ngoài công lập đạt tiêu chuẩn quốc tế;
một số trung tâm đạt tiêu chuẩn kiểm định của khu vực; thu hút đầu tư xây dựng
các nhà máy sản xuất các trang thiết bị y tế, thiết bị quang điện tử, thuốc chữa
bệnh; nâng cấp hệ thống y tế dự phòng, tăng cường đội ngũ chuyên gia cho Trung
tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh đảm bảo theo đúng quy định; xây dựng trường đại học
Y khoa Vinh trở thành trường đại học Y khoa cấp vùng có chức năng đào tạo đại học
và sau đại học cung cấp nguồn nhân lực cho các tỉnh Bắc Trung bộ.
- Tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính
đối với các cơ sở y tế công lập, tăng cường quản lý và sử dụng các nguồn tài
chính đầu tư cho y tế đảm bảo đúng mục đích, đạt hiệu quả cao. Nâng cao chất lượng
khám, chữa bệnh, chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn và y
đức của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế; đãi ngộ thu hút cán bộ y tế giỏi, cộng
tác, liên kết mời bác sỹ giỏi ở trung ương, các thành phố lớn tham gia công tác
khám chữa bệnh và đào tạo nhân lực cho thành phố; mở rộng liên kết hợp tác với
các bệnh viện lớn trong nước và trên thế giới, tạo điều kiện học tập về công
nghệ, kinh nghiệm, kỹ thuật, phương pháp chữa bệnh mới và tiên tiến.
8. Phát triển văn hóa
- Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch các di
tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố, kết hợp với du lịch tạo nên các sản
phẩm du lịch đặc thù của địa phương.
- Xây dựng các thiết chế công trình văn hóa,
trung tâm nghệ thuật biểu diễn đồng bộ, hiện đại, hệ thống các cơ quan thông
tin - báo chí, trung tâm văn hóa các dân tộc Bắc Trung bộ, bảo tàng văn hóa, bảo
tàng Dân tộc học chi nhánh Bắc Trung bộ, biểu tượng thành phố Vinh, cung văn
hóa Thanh Thiếu niên.
- Hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo các di tích
lịch sử văn hóa tiêu biểu, trọng điểm gắn kết với du lịch, nâng cao chất lượng
công tác bảo tồn di sản văn hóa. Tiếp tục thực hiện tôn tạo các di tích Phượng
Hoàng Trung Đô, Ngã ba Bến Thủy, Thành cổ Vinh. Định hướng đến năm 2023, 100%
các di tích cấp quốc gia và di tích cấp tỉnh được trùng tu tôn tạo, chống xuống
cấp, đảm bảo khai thác và phát huy giá trị các di tích.
- Huy động các nguồn lực để triển khai các dự
án: Công viên cây xanh thành cổ Vinh; công viên cây xanh hồ Điều hòa tại xã
Hưng Hòa; phục hồi Văn Miếu Vinh; Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca
Ví dặm Nghệ Tĩnh... Từ đó hình thành các điểm tham quan du lịch hấp dẫn, góp phần
thúc đẩy và phát triển kinh tế du lịch địa phương. Phát triển văn hóa thành phố
Vinh có bản sắc, văn minh, hiện đại đủ sức lan tỏa và ảnh hưởng đến các đô thị
khác trong khu vực.
9. Phát triển thể dục, thể thao
- Phát triển nhiều loại hình thể thao, chú trọng
những môn thể thao có thế mạnh. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ vận động viên thể
thao thành tích cao; phấn đấu đến năm 2023, thành phố Vinh nằm trong nhóm các tỉnh,
thành phố có phong trào thể thao mạnh của cả nước.
- Tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất,
trang thiết bị nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu ngày càng cao của người dân và vận động
viên tham gia luyện tập, thi đấu. Thu hút đầu tư xây dựng Khu liên hợp thể thao
và các trung tâm huấn luyện thể thao hiện đại của vùng Bắc Trung bộ đã được quy
hoạch tại đại lộ Vinh - Cửa Lò; tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất của
trung tâm thể dục, thể thao quy mô vùng Bắc Trung bộ và các khu vệ tinh tại
thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và huyện Nghi Lộc.
- Phấn đấu đến năm 2023, có khoảng trên 35% dân
số luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên; trên 70% số xã, phường, thị trấn
có thiết chế thể thao đạt tiêu chuẩn theo quy định.
10. Phát triển giáo dục và đào tạo
- Quy hoạch phát triển các trường học trên địa
bàn thành phố đảm bảo phát triển phẩm chất, năng lực người học đáp ứng sự nghiệp
công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của tỉnh Nghệ An và các tỉnh
bạn. Đặc biệt thực hiện xây dựng thành công mô hình các trường trọng điểm có chất
lượng chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
- Xây dựng, nâng cấp các trường hoặc bổ sung các
mã ngành đào tạo nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu
phát triển, của các khu công nghiệp; mô hình nông nghiệp công nghệ cao; đáp ứng
cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
- Tăng cường các hoạt động hợp tác về giáo dục
và đào tạo với các trường học, tổ chức giáo dục và doanh nghiệp có uy tín trong
và ngoài nước để trao đổi, học tập hay liên kết chuyển giao công nghệ giáo dục
tiên tiến. Phát triển trường đại học Vinh đến năm 2023 đạt ngang tầm chất lượng
khu vực ASEAN; thu hút đầu tư xây dựng trường đại học Quốc tế tại khu vực đại lộ
Vinh - Cửa Lò.
- Xây dựng tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo,
hợp tác phát triển thông qua phát triển chương trình giáo dục địa phương.
- Phấn đấu đến năm 2023, hoàn thành phố cập giáo
dục trung học cơ sở, giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, giáo dục mầm non cho trẻ 5
tuổi; 95% trường công lập đạt chuẩn quốc gia; từ 1 - 2 trường đại học trở thành
trường trọng điểm quốc gia; đầu tư, xây dựng trường Phan Bội Châu, trường trung
học cơ sở Đặng Thai Mai thành trường trọng điểm chất lượng cao.
11. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
Tích cực huy động mọi nguồn lực trong và ngoài
nước, từ các thành phần kinh tế, vận động vốn vay ODA để đầu tư cho các công
trình trọng điểm, cấp bách có sức lan tỏa và tạo đột phá; đẩy nhanh tiến độ các
công trình dở dang để sớm đưa vào vận hành, khai thác; đa dạng hóa các nguồn vốn
ngoài ngân sách nhà nước nhằm nâng cấp, cải tạo các tuyến giao thông quan trọng.
- Đường bộ: Xây dựng theo quy hoạch đường bộ cao
tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn qua
thành phố Vinh; nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 535 (đường Vinh - Cửa Hội); nâng cấp,
mở rộng quốc lộ 46 (Vinh - Nam Đàn); các tuyến đường tỉnh, tuyến đường ven biển
Nghi Sơn - Cửa Lò, các đoạn tuyến đi qua phía Tây thị xã Cửa Lò thành đường
vành đai thị xã. Tập trung xây dựng các tuyến đường giao thông nội thị: Đường
Nguyễn Sỹ Sách kéo dài, đường Lê Mao kéo dài, đường Cao Xuân Huy, đường Trần
Hưng Đạo, đường Nguyễn Viết Xuân, đường Lý Thường Kiệt, đường bao phía Tây, đường
bao phía Đông...
- Đường sắt: Nghiên cứu nâng cấp đường sắt Bắc
Nam qua địa bàn; khôi phục tuyến đường sắt Quán Hành - Cửa Lò; xây dựng ga hàng
hóa ở Quán Hành.
- Đường thủy: Nghiên cứu lựa chọn hình thức đầu
tư phù hợp xây dựng cảng Cửa Lò thành cảng tổng hợp theo quy hoạch, phục vụ trực
tiếp khu kinh tế Đông Nam, tiếp chuyển hàng hóa quá cảnh cho Lào, Đông Bắc Thái
Lan, tiếp nhận cỡ tàu từ 10.000 - 30.000 ĐWT kết hợp bến du thuyền phục vụ phát
triển du lịch; xây dựng cảng Cửa Hội thành cảng cá của vùng, tiếp nhận cỡ tàu từ
400-1.000 DWT; xây dựng cảng hàng hóa ở hạ lưu cảng Bến Thủy; tổ chức các tuyến
giao thông thủy du lịch Bến Thủy - Cửa Hội ra đảo Mắt, đảo Ngư; xây dựng cầu Bến
Thủy 3 ở phía Đông cầu Bến Thủy hiện nay.
- Đường hàng không: Xây dựng nhà ga T2 - Cảng
hàng không quốc tế Vinh theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước,
xử lý nước thải và hạ ngầm hệ thống đường dây điện trên không các tuyến đường
chính; cải tạo hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng các tuyến đường chính, xây dựng
các bãi đậu xe, cầu đi bộ,...
IV. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU
TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ
Để sớm đạt được mục tiêu trở thành trung tâm
vùng Bắc Trung Bộ trên các lĩnh vực, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An và thành phố
Vinh cần huy động và tập trung các nguồn lực đầu tư vào một số công trình trọng
điểm trên các lĩnh vực: Khoa học công nghệ; giao thông, hạ tầng; văn hóa, thể
thao, du lịch; kinh tế; bất động sản; nông nghiệp và một số công trình chỉnh
trang đô thị.
(Danh mục các dự án tại phụ lục kèm theo)
V. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Về huy động các nguồn lực đầu tư
Để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đề ra,
thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An tập trung thực hiện một số giải pháp để huy động
nguồn lực như sau:
- Xây dựng và ban hành các chủ trương, chính
sách ưu tiên phát triển thành phố Vinh trên từng lĩnh vực. Đồng thời, xây dựng
và ban hành danh mục các chương trình dự án ưu tiên đầu tư, tạo động lực cho
phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, bao gồm các dự án sử dụng từ nguồn vốn
ngân sách và các dự án cần mời gọi đầu tư; trên cơ sở đó đẩy mạnh công tác quảng
bá, giới thiệu, xúc tiến đầu tư nhằm thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh
tế.
- Tăng tỷ lệ và định mức phân bổ nguồn vốn đầu
tư từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh để đầu tư các công trình, dự án
trên địa bàn thành phố. Đồng thời có cơ chế khuyến khích khai thác quỹ đất,
tăng tỷ lệ điều tiết nguồn thu cho ngân sách thành phố và phường xã.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện
môi trường đầu tư, môi trường sản xuất, kinh doanh, tiếp tục cải cách thủ tục đầu
tư theo hướng tinh gọn, minh bạch, công khai; thực hiện tốt công tác giải phóng
mặt bằng, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng sẵn sàng tiếp nhận các nhà đầu tư; hướng
các nhà đầu tư triển khai các dự án vào các vùng đã quy hoạch; tích cực quảng
bá tạo niềm tin cho các nhà đầu tư để thu hút các dự án đầu tư trong nước và nước
ngoài. Rà soát đầy đủ, cụ thể các dự án không khả thi, vi phạm pháp luật về đất
đai để thu hồi, tạo nguồn lực cho tỉnh, thành phố và các nhà đầu tư khác thực
hiện khai thác, đầu tư.
- Mở rộng lĩnh vực, khuyến khích đầu tư theo
hình thức PPP và hình thức đầu tư khác để thu hút vốn cho phát triển kết cấu hạ
tầng; thu hút đầu tư nước ngoài, các nguồn vốn đầu tư ODA, FDI để đầu tư phát
triển.
- Đẩy mạnh xã hội hóa để thu hút đầu tư, nhất là
trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, phát
thanh, truyền hình, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và
phát triển các thị trường vốn, củng cố hệ thống quỹ tín dụng nhằm tăng khả năng
huy động vốn trong và ngoài địa bàn.
2. Về phát triển nhân lực
- Thực hiện tốt công tác thông tin và dự báo về
nhu cầu nhân lực theo từng ngành nghề, lĩnh vực, trình độ, từng giai đoạn để tiến
hành đào tạo nhằm chuẩn bị nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội, nhất
là các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong các khu công nghiệp, khu kinh tế.
- Thực hiện tốt công tác thu hút, trọng dụng
nhân tài, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm thu hút lao động di cư
từ các địa phương trong tỉnh và vùng.
- Tăng cường phân cấp, trao quyền, giao trách
nhiệm cho cơ sở đào tạo theo quy định của pháp luật, chú trọng quản lý chất lượng
đào tạo.
- Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo
nghề cho lực lượng lao động trong và ngoài doanh nghiệp. Đẩy mạnh các hình thức
liên kết đào tạo để mở rộng quy mô, hình thức và ngành nghề đào tạo. Chú trọng
đào tạo lực lượng công nhân lành nghề và cán bộ quản lý có trình độ cao.
- Đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực đào tạo, phát triển
mạnh loại hình trường dân lập, tư thục để thu hút mọi nguồn lực vào lĩnh vực
đào tạo nguồn nhân lực.
3. Về sử dụng đất
Nghiên cứu, xây dựng lộ trình sáp nhập thị xã Cửa
Lò, một phần huyện Hưng Nguyên và huyện Nghi Lộc vào thành phố Vinh, phù hợp với
quy hoạch chung thành phố Vinh và quy hoạch tỉnh được phê duyệt.
4. Về nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ
- Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về khoa học
và công nghệ. Hình thành và phát triển thị trường công nghệ, thành lập các
trung tâm tư vấn, dịch vụ chuyển giao công nghệ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp
lựa chọn những công nghệ phù hợp với điều kiện của địa phương.
- Đẩy mạnh phát huy sáng kiến, sáng chế cải tiến
kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, thực hiện đúng quy định quyền sở hữu công
nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vốn cho nghiên cứu đổi mới công
nghệ, cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động; hợp tác chặt chẽ với các
viện nghiên cứu, các trường đại học để thực hiện tốt việc nghiên cứu ứng dụng
vào sản xuất và đời sống.
- Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng
đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, nhất là đội ngũ chuyên gia giỏi, tiếp tục thực
hiện chính sách sử dụng và đãi ngộ nhân tài, tăng cường cơ sở vật chất cho các
hoạt động khoa học và công nghệ.
5. Về cải cách hành chính và phát triển hợp tác
kinh tế
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý
nhà nước của các cấp chính quyền, tập trung chỉ đạo đội ngũ cán bộ, công chức,
viên chức về yêu cầu nâng cao nhận thức, thực hiện nhiệm vụ cải cách hành
chính, hướng đến nền hành chính chuyên nghiệp tạo động lực khơi dậy các nguồn lực
trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài.
- Chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp khuyến
khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đăng ký doanh nghiệp qua
mạng điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí và minh bạch hóa thủ tục hành
chính trong khâu gia nhập thị trường.
- Tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, giám
sát và xử lý các hành vi vi phạm của doanh nghiệp. Tổ chức tốt công tác thông
tin tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận thông tin một cách minh bạch, dễ
dàng, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
- Thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác với các quốc
gia lân cận trong khu vực như Lào, Thái Lan; nâng cao năng lực cạnh tranh của
các doanh nghiệp, chuẩn bị sẵn các điều kiện đón đầu cơ hội tham gia vào Cộng đồng
kinh tế ASEAN-.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An:
- Nghiên cứu cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của
Đề án; rà soát các hạng mục, công trình đầu tư trong các chương trình, đề án,
quy hoạch ngành, sản phẩm, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo
phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực, thứ tự ưu tiên của Đề án. Trong quá
trình thực hiện phải thường xuyên cập nhật thông tin và kịp thời báo cáo với cấp
có thẩm quyền quyết định bổ sung, điều chỉnh Đề án nếu xét thấy cần thiết.
- Phối hợp với các bộ, ngành trung ương nghiên cứu,
đề xuất với cấp có thẩm quyền quyết định ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp
với điều kiện của thành phố Vinh nhằm thu hút các thành phần kinh tế đầu tư
phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, chủ động hội nhập kinh tế
quốc tế.
- Chỉ đạo đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để
nhanh chóng mang lại hiệu quả thiết thực, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
kỹ thuật phục vụ sản xuất và hạ tầng xã hội, tạo động lực phát triển các ngành
và các lĩnh vực trên địa bàn thành phố. Thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép
các nguồn vốn, các chương trình dự án trên địa bàn.
- Theo dõi, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình
hình và xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc, không để xảy ra tiêu cực, tham
nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện Đề án.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ
Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh
Nghệ An để trình cấp có thẩm quyền xem xét cân đối vốn đầu tư công trung hạn
giai đoạn 2021 - 2025 nguồn ngân sách trung ương để bố trí cho các công trình,
dự án ban hành kèm theo Quyết định này.
3. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng
và các bộ, ngành liên quan và tỉnh Nghệ An nghiên cứu, xây dựng Đề án sáp nhập
thị xã Cửa Lò, một phần các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên về thành phố Vinh, báo
cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội chủ trì phối hợp với tỉnh Nghệ An tiến hành rà soát, bổ sung Quy
hoạch hệ thống các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố đến năm 2023
nhằm khuyến khích thành lập các cơ sở nghiên cứu kết hợp với đào tạo hướng vào
giải quyết các nhu cầu của người dân trong vùng.
5. Bộ Tài chính căn cứ khả năng cân đối của ngân
sách nhà nước, tham mưu điều chỉnh tăng mức chi sự nghiệp thị chính và môi trường
cho địa phương để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, cây xanh, điện chiếu
sáng, chống ngập úng...
6. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban
nhân dân tỉnh Nghệ An cụ thể hóa Đề án bằng các chương trình, dự án đầu tư phát
triển trên địa bàn thành phố Vinh theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30 tháng 7 năm
2013 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và Thông
báo số 55-TB/TW ngày 20 tháng 4 năm 2019 của
Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.
7. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chậm nhất ngày 30 tháng 6 hàng năm báo cáo
Chính phủ kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Điều 3.
1. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày ký ban hành, thay thế Quyết định số 2468/QĐ-TTg ngày 29
tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thành phố
Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ đến năm
2020 theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân tỉnh
Nghệ An chịu trách nhiệm về tính chính xác, thông tin, số liệu và các nội dung
của Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Điều 4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, các Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Thủ trưởng các cơ quan liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban cùa Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, QHĐP (2) Thuy
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN 2020 - 2023
(Kèm theo Quyết định số 827/QĐ-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng
Chính phủ)
TT
|
TÊN CÔNG
TRÌNH, DỰ ÁN
|
NGUỒN VỐN DỰ
KIẾN
|
TRÁCH NHIỆM
CỦA BỘ, ĐỊA PHƯƠNG
|
A
|
CÁC DỰ ÁN SỬ DỤNG
NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
|
I
|
LĨNH VỰC KHOA HỌC
CÔNG NGHỆ
|
1
|
Dự án xây dựng đô thị thông minh
|
Ngân sách trung ương; ngân sách tỉnh Nghệ An
|
Đối với nguồn vốn ngân sách trung ương: Sau
khi Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về nguyên tắc, tiêu chí
và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 -
2025 (Nghị quyết) được ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp
với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng và
các bộ liên quan xác định các dự án thành phần thuộc đối tượng sử dụng vốn
ngân sách trung ương, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương: Ủy ban
nhân dân tỉnh Nghệ An rà soát danh mục dự án, kết hợp cân đối ngân sách địa
phương và các nguồn hợp pháp khác, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An xem
xét theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công và pháp luật có liên
quan.
|
II
|
GIAO THÔNG - HẠ TẦNG
- CHỈNH TRANG ĐÔ THỊ
|
1
|
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 46 (đoạn Vinh
- Kim Liên, Nam Đàn)
|
Ngân sách trung ương (Bộ Giao thông vận tải
làm chủ đầu tư)
|
Sau khi Nghị quyết của UBTVQH được ban hành, Bộ
Giao thông vận tải phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tổng hợp đề xuất
dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 phần vốn
ngân sách trung ương của Bộ Giao thông vận tải.
|
2
|
Dự án nâng cấp giai đoạn 2 tỉnh lộ 535 (đường
Vinh - Cửa Hội)
|
Ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh Nghệ An
và huy động hợp pháp khác
|
Đối với nguồn vốn ngân sách trung ương: Sau
khi Nghị quyết của UBTVQH được ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An rà
soát, tổng hợp dự án trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn
giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho tỉnh, gửi
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ liên quan tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền
xem xét, quyết định.
Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương: Ủy ban
nhân dân tỉnh Nghệ An chủ động sắp xếp, kết hợp cân đối nguồn lực ngân sách địa
phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác trong giai đoạn 2021 - 2023,
báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An xem xét, quyết định theo quy định của
pháp luật về đầu tư và đầu tư công.
|
3
|
Dự án xây dựng hoàn chỉnh và đồng bộ tuyến đường
từ sân bay Vinh đến vòng xuyến khách sạn Mường Thanh Phương Đông và xung
quanh quảng trường Hồ Chí Minh
|
Ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh Nghệ An
và huy động hợp pháp khác
|
Đối với nguồn vốn ngân sách trung ương: Sau
khi Nghị quyết của UBTVQH được ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An rà
soát, tổng hợp dự án trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn
giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho tỉnh, gửi
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ liên quan tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền
xem xét, quyết định.
Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương: Ủy ban
nhân dân tỉnh Nghệ An chủ động sắp xếp, kết hợp cân đối nguồn lực ngân sách địa
phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác trong giai đoạn 2021 - 2023,
báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An xem xét, quyết định theo quy định của
pháp luật về đầu tư và đầu tư công.
|
III
|
VĂN HÓA, THỂ THAO,
DU LỊCH
|
1
|
Dự án phục hồi Văn Miếu Vinh
|
Ngân sách trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh
Nghệ An, ngân sách thành phố Vinh và huy động hợp pháp khác
|
Đối với nguồn vốn ngân sách trung ương: Sau
khi Nghị quyết của UBTVQH được ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An rà
soát, tổng hợp dự án trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn
giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho tỉnh, gửi
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ liên quan tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền
xem xét, quyết định.
Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương: Ủy ban
nhân dân tỉnh Nghệ An chủ động sắp xếp, kết hợp cân đối nguồn lực ngân sách địa
phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác trong giai đoạn 2021 - 2023,
báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An xem xét, quyết định theo quy định của
pháp luật về đầu tư và đầu tư công.
|
B
|
CÁC DỰ ÁN MỜI GỌI ĐẦU
TƯ
|
|
Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp
với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ quản lý ngành của các dự án
như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và
các bộ liên quan để tìm kiếm, hợp tác với các nhà đầu tư trong nước, các đối
tác nước ngoài đủ năng lực, kinh nghiệm để chuẩn bị đầu tư các dự án theo quy
định của pháp luật và đảm bảo hiệu quả đầu tư.
|
I
|
GIAO THÔNG - HẠ TẦNG
- CHỈNH TRANG ĐÔ THỊ
|
1
|
Dự án hạ ngầm hệ thống đường dây trên không
các tuyến đường chính thành phố Vinh
|
Xã hội hóa
|
|
2
|
Dự án cải tạo hệ thống cây xanh các tuyến đường
chính thành phố Vinh
|
Xã hội hóa
|
|
3
|
Dự án cải tạo nâng cấp hệ thống chiếu sáng
công cộng thành phố Vinh
|
Đối tác công tư PPP
|
|
4
|
Dự án xây dựng hệ thống chiếu sáng cảnh quan,
chiếu sáng nghệ thuật thành phố Vinh
|
Xã hội hóa
|
|
5
|
Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt thông nút giao
giữa quốc lộ 1A (Mai Hắc Đế - Nguyễn Trãi) và đường 72 m
|
Nguồn vốn ODA
|
|
6
|
Dự án đầu tư xây dựng các tuyến giao thông
công cộng kết nối Vinh - Quán Hành - Cửa Lò
|
Nguồn vốn ODA
|
|
7
|
Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng
với biến đổi khí hậu thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
|
Nguồn vốn ODA
|
|
8
|
Dự án xây dựng tuyến đường vành đai phía Đông
thành phố Vinh
|
Đối tác công tư PPP
|
|
9
|
Dự án xây dựng đường Trần Hưng Đạo kéo dài
|
Đối tác công tư PPP
|
|
10
|
Dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường Hải Thượng
Lãn Ông kéo dài
|
Đối tác công tư PPP
|
|
II
|
VĂN HÓA, THỂ THAO,
DU LỊCH
|
|
Lĩnh vực văn hóa
|
|
|
1
|
Dự án Công viên thành cổ Vinh
|
100% vốn nhà đầu tư
|
|
|
Lĩnh vực thể thao
|
|
|
1
|
Dự án Khu Trung tâm thể dục thể thao cấp vùng
|
100% vốn nhà đầu tư
|
|
2
|
Dự án Công viên vui chơi giải trí - thể dục thể
thao tại xã Hưng Hòa
|
100% vốn nhà đầu tư
|
|
|
Lĩnh vực du lịch
|
|
|
1
|
Dự án khu du lịch lâm viên núi Quyết
|
100% vốn nhà đầu tư
|
|
2
|
Dự án du lịch ven sông Lam
|
100% vốn nhà đầu tư
|
|
3
|
Dự án Công viên vui chơi giải trí hồ điều hòa
tại xã Hưng Lộc, Hưng Hòa
|
100% vốn nhà đầu tư
|
|
III
|
LĨNH VỰC KINH TẾ
|
1
|
Dự án xây dựng, kinh doanh và quản lý chợ
Vinh, phường Hồng Sơn
|
100% vốn nhà đầu tư
|
|
2
|
Dự án xây dựng Khu công nghệ cao tại xã Hưng
Hòa
|
100% vốn nhà đầu tư
|
|
3
|
Nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế
|
100% vốn nhà đầu tư
|
|
4
|
Nhà máy sản xuất thiết bị bay, thiết bị quang
điện tử
|
100% vốn nhà đầu tư
|
|
5
|
Nhà máy sản xuất thuốc chữa bệnh
|
100% vốn nhà đầu tư
|
|
6
|
Nhà máy chế biến phân vi sinh từ rác thải sinh
hoạt
|
100% vốn nhà đầu tư
|
|
IV
|
LĨNH VỰC BẤT ĐỘNG SẢN
|
1
|
Dự án xây dựng khu đô thị mới tại xã Nghi Đức,
Nghi Ân
|
100% vốn nhà đầu tư
|
|
2
|
Dự án xây dựng khu đô thị mới tại phường Hưng
Dũng và xã Hưng Hòa
|
100% vốn nhà đầu tư
|
|
3
|
Dự án xây dựng khu đô thị mới tại xã Nghi Phú,
Nghi Ân, Nghi Đức
|
100% vốn nhà đầu tư
|
|
4
|
Dự án xây dựng khu đô thị mới tại xã Hưng Lộc
|
100% vốn nhà đầu tư
|
|
V
|
LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP
|
1
|
Dự án vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tổng hợp
xã Nghi Kim
|
100% vốn nhà đầu tư
|
|
2
|
Dự án vùng sản xuất rau an toàn xã Nghi Liên
|
100% vốn nhà đầu tư
|
|
[1]
Số liệu tính cho diện tích thành phố Vinh hiện hữu, chưa mở rộng không gian đô
thị thành phố Vinh.