Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 679/1997/QĐ-TCBĐ Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tổng cục Bưu điện Người ký: Mai Liêm Trực
Ngày ban hành: 14/11/1997 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 679/1997/QĐ-TCBĐ

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH THỂ LỆ DỊCH VỤ INTERNET.

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN

Căn cứ Nghị định 109/1997/NĐ-CP ngày 12-11-1997 của Chính phủ về Bưu chính và Viễn thông;
Căn cứ Nghị định 12/CP ngày 11-3-1996 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Bưu điện;
Căn cứ Nghị định 21/CP ngày 5-3-1997 của Chính phủ ban hành Quy chế tạm thời quản lý, thiết lập, sử dụng mạng Internet ở Việt Nam;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 08/TTLT ngày 24-5-1997 của Tổng cục Bưu điện - Bộ Nội vụ - Bộ Văn hoá Thông tin hướng dẫn cấp phép việc kết nối, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet ở Việt Nam;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Chính sách Bưu điện.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này bản Thể lệ dịch vụ Internet.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3: Các ông (bà) Chánh văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị chức năng, các đơn vị trực thuộc Tổng cục, các doanh nghiệp bưu chính viễn thông và các chủ thể tham gia hoạt động Internet ở Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Mai Liêm Trực

(Đã Ký)

 

THỂ LỆ

DỊCH VỤ INTERNET
(Ban hành kèm theo Quyết định số 679/1997/QĐ-TCBĐ ngày 14-11-1997 của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện)

Hà Nội 11-1997

LỜI NÓI ĐẦU

Ngày 5-3-1997, Chính phủ đã ký Nghị định 21/CP ngày 5-3-1997 ban hành Quy chế tạm thời về quản lý, thiết lập, sử dụng mạng Internet ở Việt Nam;

Ngày 24-5-1997, Tổng cục Bưu điện, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hoá - Thông tin đã ký Thông tư liên tịch 08/TTLT hướng dẫn cấp phép việc kết nối, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet.

Để đảm bảo việc kết nối, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet một cách an toàn, có hiệu quả và phù hợp với điều kiện Việt Nam, Tổng cục Bưu điện ban hành Thể lệ dịch vụ Internet.

Thể lệ này được ban hành kèm theo Quyết định số: 679/1997/QĐ-TCBĐ ngày 14 tháng 11 năm 1997 của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi điều chỉnh

Thể lệ này được ban hành nhằm quy định việc quản lý nhà nước đối với mọi hoạt động kết nối truy nhập, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet tại Việt Nam.

Điều 2: Các thuật ngữ

Trong phạm vi của bản Thể lệ này các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

Internet là một hệ thống gồm các mạng thông tin máy tính được liên kết với nhau trên phạm vi toàn thế giới theo giao thức TCP/IP thông qua các hệ thống kênh viễn thông.

Giao thức TCP/IP (giao thức điều khiển truyền dẫn/giao thức liên mạng) là tập hợp các giao thức dùng để truyền tải và sửa lỗi các dữ liệu, cho phép chuyển dữ liệu giữa các máy tính trong mạng Internet, TCP/IP được sử dụng như một giao thức chuẩn trong Internet.

Máy tính chủ Internet là máy tính được liên kết trực tiếp với mạng Internet bằng giao thức TCP/IP, có khả năng cung cấp dịch vụ Internet.

Địa chỉ IP là địa chỉ được gán cho các máy tính thuộc mạng Internet để các máy tính này có thể liên lạc với nhau một cách thống nhất.

Dịch vụ Internet là các dịch vụ do mạng Internet cung cấp bao gồm: thư tín điện tử, truyền tệp dữ liệu, dịch vụ truy nhập từ xa, truy nhập các cơ sở dữ liệu theo các phương thức khác nhau.

Máy chủ quản lý tên miền (DNS) là máy tính làm nhiệm vụ dịch tên của các máy tính chủ sang địa chỉ IP và ngược lại.

Điều 3: Các chủ thể tham gia hoạt động Internet

Trong phạm vi của bản Thể lệ này, các chủ thể than gia hoạt động Internet được hiểu như sau:

Nhà cung cấp dịch vụ kết nối truy nhập Internet (IAP) là tổ chức, doanh nghiệp được phép tiến hành kết nối truy nhập mạng Internet cho tất cả các nhà cung cấp dịch vụ Internet. Nhà cung cấp dịch vụ kết nối truy nhập Internet quản lý toàn bộ mạng đường trục Internet quốc gia và các cửa đi quốc tế.

Nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) là tổ chức, doanh nghiệp được phép thiết lập mạng thông tin máy tính với một số địa chỉ IP và cung cấp các dịch vụ như thư tín điện tử, truyền tệp dữ liệu, truy nhập từ xa, truy nhập các cơ sở dữ liệu theo các phương thức khác nhau cho đơn vị và người sử dụng dịch vụ Internet.

Đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được phép thiết lập mạng thông tin máy tính để cung cấp dịch vụ Internet cho các thành viên trong nội bộ của đơn vị mình không nhằm mục đích kinh doanh.

Người sử dụng dịch vụ Internet là cá nhân sử dụng máy tính hoặc tổ chức sử dụng máy tính, mạng máy tính có kết nối với Internet thông qua hợp đồng thuê bao với các nhà cung cấp dịch vụ Internet.

Nếu người sử dụng thuộc đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng thì phải có hợp đồng nguyên tắc với đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng đó.

Trung tâm thông tin về mạng của Việt Nam (VNNIC) là cơ quan quản lý địa chỉ tên miền. vn, tên miền mức dưới (Sub-Domain names); tổ chức và khai thác hệ thống máy chủ tên miền; làm đầu mối quốc tế, đăng ký các miền địa chỉ IP, quản lý và phân phối các địa chỉ này tại Việt Nam.

Điều 4: Đối tượng được phép cung cấp dịch vụ

Đối tượng được phép cung cấp dịch vụ kết nối truy nhập và dịch vụ Internet là tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện sau:

1. Là pháp nhân theo quy định của pháp luật;

2. Có thiết kế mạng thông tin máy tính đảm bảo chỉ tiêu, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp để có thể đấu nối với mạng viễn thông công cộng và phải có đầy đủ thiết bị phục vụ thuận tiện cho việc kiểm tra, kiểm soát bảo đảm an toàn, bí mật thông tin, bảo đảm an ninh quốc gia;

3. Có đội ngũ cán bộ kỹ thuật tương ứng với yêu cầu kỹ thuật của mạng.

Điều 5: Đối tượng được phép sử dụng dịch vụ Internet

Mọi tổ chức, cá nhân người Việt Nam và tổ chức, cá nhân người nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đều được phép sử dụng dịch vụ Internet.

Điều 6: Quản lý Nhà nước đối với các dịch vụ Internet

Chính phủ thống nhất quản lý và kiểm soát mạng và các dịch vụ Internet. Ban Điều phối quốc gia mạng Internet được thành lập theo Quyết định số 136/TTg ngày 5-3-1997 của Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm điều hoà, phối hợp việc quản lý, phát triển mạng và dịch vụ Internet ở Việt Nam.

Mọi hoạt động kết nối, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet đều phải tuân theo Quy chế tạm thời về quản lý, thiết lập, sử dụng mạng Internet ban hành kèm theo Nghị định 21/CP ngày 5-3-1997 của Chính phủ; Nghị định về Bưu chính và Viễn thông 109/1997/NĐ-CP ngày 12-11-1997 của Chính phủ; Thông tư liên tịch hướng dẫn cấp phép việc kết nối, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet số 08/TTLT ngày 24-5-1997 của Tổng cục Bưu điện - Bộ Nội vụ - Bộ Văn hoá Thông tin; Quy định tạm thời về việc cung cấp thông tin lên mạng Internet ban hành kèm theo Quyết định số 1110/BC ngày 21-5-1997 của Bộ Văn hoá Thông tin; Quy định về biện pháp và trang thiết bị kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh quốc gia trong hoạt động Internet ở Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 848/1997/QĐ-BNV(A11) ngày 23-10-1997 của Bộ Nội vụ và các quy định tại bản Thể lệ này.

Chương 2:

THỦ TỤC CẤP PHÉP CUNG CẤP DỊCH VỤ

MỤC 1: HỒ SƠ XIN CẤP PHÉP

Điều 7: Đối với nhà cung cấp dịch vụ kết nối truy nhập Internet (IAP)

Tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện ghi trong Điều 4 muốn được cấp phép để trở thành nhà cung cấp dịch vụ kết nối truy nhập Internet, phải làm đầy đủ thủ tục theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Công ty, Nghị định của Chính phủ về Bưu chính và Viễn thông và phải nộp hồ sơ xin cấp phép tại Tổng cục Bưu Điện.

Hồ sơ xin cấp phép gồm:

1. Đơn xin phép tổ chức mạng thông tin đường trục trong nước và các cửa đi quốc tế để cung cấp dịch vụ kết nối truy nhập gửi Tổng cục Bưu điện (theo mẫu);

2. Bản sao có công chứng Quyết định thành lập cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp;

3. Bản khai cấu trúc mạng thông tin đường trục, bao gồm các số liệu: dung lượng các đường truyền, số lượng và vị trí đặt các cổng đi quốc tế, số lượng và chức năng cung cấp dịch vụ của các máy chủ nối mạng; các biện pháp và thiết bị kiểm tra, kiểm soát bảo đảm an ninh thông tin tương xứng với quy mô hoạt động xin cấp phép (theo mẫu);

4. Đề án, kế hoạch chi tiết về việc cung cấp dịch vụ kết nối truy nhập và các loại hình dịch vụ;

5. Lý lịch tóm tắt của các thành viên Ban điều hành mạng có xác nhận của cơ quan chủ quản;

6. Bảng giá cước truy nhập Internet do Tổng cục Bưu điện quy định;

7. Mẫu hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ Internet;

8. Mẫu hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng.

Điều 8: Đối với nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP)

Tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng các điều kiện ghi rtong Điều 4, muốn được cấp phép để trở thành nhà cung cấp dịch vụ Internet, phải làm đầy đủ các thủ tục theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Công ty, Nghị định của Chính phủ về Bưu chính và Viễn thông và phải nộp hồ sơ xin cấp phép tại Tổng cục Bưu điện.

Hồ sơ xin cấp phép gồm:

1. Đơn xin phép tổ chức mạng thông tin máy tính kết nối Internet và cung cấp dịch vụ Internet gửi Tổng cục Bưu điện (theo mẫu);

2. Bản sao có công chứng Quyết định thành lập cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp;

3. Bản khai cấu trúc mạng, bao gồm các số liệu: số lượng và chức năng cung cấp dịch vụ của các máy chủ nối mạng; các trang thiết bị kiểm tra, kiểm soát và biện pháp bảo đảm an ninh thông tin tương xứng với quy mô hoạt động xin cấp phép; kế hoạch phát triển và số lượng người sử dụng dự kiến (theo mẫu);

4. Đề án, kế hoạch chi tiết về việc cung cấp dịch vụ: loại hình, chất lượng, phạm vi cung cấp; đối tượng cung cấp dịch vụ;

5. Lý lịch tóm tắt của các thành viên Ban điều hành mạng có xác nhận của cơ quan chủ quản;

6. Bảng giá cước các dịch vụ phù hợp với khung giá cước do Tổng cục Bưu chính quy định;

7. Mẫu hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng;

8. Mẫu hợp đồng với người sử dụng dịch vụ Internet;

9. Mẫu hợp đồng với nhà cung cấp nội dung thông tin.

Điều 9: Đối với đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện ghi trong Điều 4, muốn cung cấp dịch vụ Internet với mục đích dùng riêng phải nộp hồ sơ xin cấp phép tại Tổng cục Bưu điện hoặc tại các Cục Bưu điện theo phân vùng.

A. Hồ sơ xin cấp phép của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam gồm:

1. Đơn xin phép tổ chức mạng thông tin máy tính kết nối Internet gửi Tổng cục Bưu điện (theo mẫu);

2. Bản sao có công chứng Quyết định thành lập cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp;

3. Bản khai cấu trúc mạng, bao gồm các số liệu: số lượng và chức năng của các máy chủ nối mạng; các trang thiết bị kiểm tra, kiểm soát và biện pháp bảo đảm an ninh thông tin tương xứng với quy mô hoạt động xin cấp phép; kế hoạch phát triển và số lượng người sử dụng dự kiến (theo mẫu);

4. Đề án, kế hoạch chi tiết về việc sử dụng dịch vụ: loại hình, chất lượng, phạm vi; đối tượng sử dụng dịch vụ;

5. Lý lịch tóm tắt của các thành viên Ban điều hành mạng có xác nhận của cơ quan chủ quản;

6. Mẫu hợp đồng nguyên tắc với người sử dụng của đơn vị mình.

B. Hồ sơ xin cấp phép của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam gồm:

1. Đơn xin phép tổ chức mạng thông tin máy tính kết nối Internet gửi Tổng cục Bưu điện (theo mẫu);

2. Bản sao có công chứng văn bản xác nhận tư cách pháp nhân của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp;

3. Bản khai cấu trúc mạng, bao gồm các số liệu: số lượng và chức năng của các máy chủ nối mạng; thiết bị bảo đảm an toàn thông tin; số lượng người sử dụng dự kiến (theo mẫu);

4. Đề án, kế hoạch chi tiết về việc sử dụng dịch vụ: loại hình, chất lượng, phạm vi, đối tượng sử dụng dịch vụ;

5. Mẫu hợp đồng nguyên tắc với người sử dụng của đơn vị mình.

MỤC 2: QUY TRÌNH CẤP PHÉP

Điều 10: Nơi tiếp nhận hồ sơ

Hồ sơ xin cấp phép của các nhà cung cấp dịch vụ kết nối truy nhập Internet, nhà cung cấp dịch vụ Internet làm thành ba bản nộp tại Tổng cục Bưu điện (Vụ Chính sách Bưu điện).

Hồ sơ xin cấp phép của đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng (ba bản) có thể nộp tại Cục Bưu điện khu vực 2 (Thành phố Hồ Chí Minh) hoặc Cục Bưu điện khu vực 3 (Đà Nẵng) theo phân vùng. Sau khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ, các Cục Bưu điện khu vực gửi hồ sơ về Tổng cục Bưu điện.

Điều 11: Xử lý hồ sơ

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Tổng cục Bưu điện phối hợp với các ngành liên quan tiến hành xét duyệt hồ sơ theo Nghị định 21/CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch 08/TTLT của Tổng cục Bưu điện - Bộ Nội vụ - Bộ Văn hoá Thông tin.

Điều 12: Trả lời kết quả

Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ, Tổng cục Bưu điện phải xem xét để cấp giấy phép cho chủ thể xin cấp phép. Trường hợp không chấp thuận, Tổng cục Bưu điện phải trả lời và nêu rõ lý do.

Điều 13: Thay đổi hoặc bổ sung giấy phép

Nếu chủ thể xin cấp giấy phép hoạt động Internet muốn thay đổi mục đích, nội dung hoạt động thì phải làm hồ sơ xin thay đổi hoặc bổ sung giấy phép. Hồ sơ và thủ tục tương tự như hồ sơ cấp phép mới.

Khi cấp giấy phép mới, Tổng cục Bưu điện thu hồi giấy phép cũ.

Điều 14: Thời hiệu của giấy phép

Tuỳ theo chủ thể và loại hình hoạt động Internet mà xác định thời hạn có hiệu lực của giấy phép, nhưng không quá 5 năm. Sau thời gian đó chủ thể tham gia hoạt động Internet muốn hoạt động tiếp thì phải làm thủ tục xin gia hạn giấy phép.

Điều 15: Gia hạn giấy phép

Trước khi giấy phép hết hiệu lực ba tháng, nếu chủ thể tham gia hoạt động Internet muốn gia hạn giấy phép thì phải làm đơn xin gia hạn và hồ sơ cấp phép gửi Tổng cục Bưu điện.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận hồ sơ, Tổng cục Bưu điện phải trả lời kết quả cho chủ thể xin gia hạn giấy phép biết. Trường hợp không chấp thuận, Tổng cục Bưu điện phải nêu rõ lý do.

Chương 3:

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC ĐẤU NỐI, CHẤT LƯỢNG VÀ DỊCH VỤ CƯỚC PHÍ

MỤC 1: QUY ĐỊNH VỀ ĐẤU NỐI VÀ CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ

Điều 16: Yêu cầu đối với thiết bị nối ghép

Chỉ có các thiết bị thoả mãn các tiêu chuẩn do Tổng cục Bưu điện ban hành mới được kết nối vào mạng viễn thông công cộng để truy nhập Internet.

Điều 17: Quy định về chất lượng dịch vụ

Các mạng cung cấp dịch vụ phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ do Tổng cục Bưu điện quy định.

Điều 18: Quan hệ giữa nhà cung cấp dịch vụ Internet, đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông

Nhà cung cấp dịch vụ Internet, đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cần thông báo cho nhau các thông số kỹ thuật của đường truyền và các thông số thiết bị kết nối được sử dụng.

MỤC 2: CƯỚC PHÍ

Điều 19: Cước phí đối với các dịch vụ Internet

Tổng cục Bưu điện quy định giá cước hoặc khung giá cước cho các dịch vụ Internet.

Các nhà cung cấp dịch vụ kết nối, truy nhập Internet (IAP), nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng và người sử dụng dịch vụ Internet có trách nhiệm thực hiện theo bảng giá cước đó.

Chương 4:

QUYỀN HẠN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NHÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ KẾT NỐI TRUY NHẬP INTERNET

MỤC 1: QUYỀN HẠN

Điều 20: Quyền thiết lập kênh viễn thông

Nhà cung cấp dịch vụ kết nối truy nhập Internet có quyền thiết lập kênh viễn thông quốc tế sau khi được phép của Tổng cục Bưu điện để đảm bảo mọi nhu cầu truy nhập Internet cho các nhà cung cấp dịch vụ và cho các đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng.

Điều 21: Quyền thu cước phí

Nhà cung cấp dịch vụ kết nối truy nhập Internet có quyền thu cước truy nhập Internet từ các nhà cung cấp dịch vụ Internet và đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng theo Bảng giá cước do Tổng cục Bưu điện ban hành.

Trong trường hợp chậm thanh toán cước phí, nhà cung cấp dịch vụ kết nối truy nhập Internet được quyền hưởng các khoản lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 22: Quyền tạm ngừng cung cấp dịch vụ

Nhà cung cấp dịch vụ kết nối truy nhập Internet có quyền tạm ngừng việc cung cấp dịch vụ cho các nhà cung cấp dịch vụ Internet hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng trong trường hợp nhà cung cấp dịch vụ Internet hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng vi phạm các văn bản pháp quy về Internet được nêu tại Điều 6, Chương I và các điều cấm được nêu tại Mục 1, Chương VIII của bản Thể lệ này hoặc không thanh toán cước phí trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo trả cước (căn cứ vào dấu bưu điện).

MỤC 2: NGHĨA VỤ

Điều 23: Đáp ứng nhu cầu truy nhập Internet

Nhà cung cấp dịch vụ kết nối truy nhập Internet có trách nhiệm tổ chức mạng thông tin đường trục để đáp ứng nhu cầu truy nhập Internet của các nhà cung cấp dịch vụ và đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng. Không được phép từ chối cung cấp dịch vụ kết nối truy nhập cho những nhà cung cấp dịch vụ Internet và từ đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng đã được Tổng cục Bưu điện cấp phép.

Điều 24: Nghĩa vụ thực hiện hợp đồng

Nhà cung cấp dịch vụ kết nối truy nhập Internet có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các điều khoản ghi trong hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ Internet và với các đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng.

Điều 25: Trang thiết bị và biện pháp bảo đảm an ninh thông tin

Mạng phải có đầy đủ các trang thiết bị kiểm tra, kiểm soát và biện pháp bảo đảm an ninh thông tin tương xứng với quy mô hoạt động xin cấp phép và nhà cung cấp dịch vụ kết nối truy nhập phải tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan có chức năng thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh thông tin cho các luồng thông tin đi qua cổng quốc tế.

Điều 26: Nghĩa vụ tuân thủ các tiêu chuẩn công nghệ và kỹ thuật

Nhà cung cấp dịch vụ kết nối truy nhập Internet có trách nhiệm tuân thủ các tiêu chuẩn công nghệ và kỹ thuật về mạng và dịch vụ Internet do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Tổng cục Bưu điện ban hành.

Điều 27: Nghĩa vụ thông báo tạm ngừng hoạt động

Khi tạm ngừng hoạt động vì bất cứ lý do gì, nhà cung cấp dịch vụ kết nối truy nhập Internet phải thông báo bằng văn bản cho Tổng cục Bưu điện biết rõ lý do và thời gian tạm ngừng hoạt động, đồng thời thông báo cho các nhà cung cấp dịch vụ và đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng.

Khi hoạt động trở lại, cũng phải thông báo cho Tổng cục Bưu điện.

Điều 28: Nghĩa vụ báo cáo

Thực hiện báo cáo định kỳ ba tháng một lần về tình hình hoạt động truy nhập Internet; những thay đổi về các nội dung ghi trong hồ sơ xin cấp phép và gửi Tổng cục Bưu điện. Khi cần thiết, Tổng cục Bưu điện yêu cầu báo cáo đột xuất.

Chương 5:

QUYỀN HẠN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NHÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ INTERNET

MỤC I: QUYỀN HẠN

Điều 29: Quyền thuê kênh viễn thông

Nhà cung cấp dịch vụ Internet có quyền thuê kênh viễn thông trong nước để liên kết mạng máy tính của mình với cổng truy nhập Internet của nhà cung cấp dịch vụ kết nối truy nhập, với các nhà cung cấp dịch vụ Internet khác và giữa các máy chủ của mạng.

Điều 30: Quyền thu cước phí

Nhà cung cấp dịch vụ Internet có quyền thu cước truy nhập Internet từ người sử dụng dịch vụ theo bảng giá cước do Tổng cục Bưu điện ban hành.

Trong trường hợp chậm thanh toán cước phí, nhà cung cấp dịch vụ Internet được quyền hưởng các khoản lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 31: Quyền tạm ngừng cung cấp dịch vụ

Nhà cung cấp dịch vụ Internet có quyền tạm ngừng việc cung cấp dịch vụ cho những người sử dụng hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng trong trường hợp bên sử dụng dịch vụ vi phạm các văn bản pháp quy về Internet được nêu tại Điều 6, Chương I và các điều cấm được nêu tại Mục 1, Chương VIII của bản Thể lệ này hoặc không thanh toán cước phí trong vòng:

- 60 ngày đối với đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng,

- 30 ngày đối với người sử dụng

kể từ ngày bên sử dụng dịch vụ nhận được thông báo trả cước (căn cứ vào dấu bưu điện).

MỤC 2: NGHĨA VỤ

Điều 32: Nghĩa vụ cung cấp dịch vụ Internet đầy đủ

Nhà cung cấp dịch vụ Internet phải cung cấp dịch vụ Internet đầy đủ cho người sử dụng, gồm: thư tín điện tử, truyền tệp dữ liệu, truy nhập từ xa, truy nhập các cơ sở dữ liệu theo các phương thức khác nhau.

Điều 33: Nghĩa vụ thực hiện hợp đồng

Nhà cung cấp dịch vụ Internet có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các điều khoản ghi trong hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ kết nối truy nhập Internet, với đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng và với người sử dụng dịch vụ Internet.

Trong hợp đồng với người sử dụng phải có quy định:

1. Việc đảm bảo chất lượng dịch vụ;

2. Trách nhiệm của mỗi bên về việc bảo trì modem, máy tính trong cả hai trường hợp: modem, máy tính là của nhà cung cấp dịch vụ hoặc của người sử dụng;

3. Việc hướng dẫn, đào tạo người sử dụng dịch vụ Internet thực hiện đúng các quy trình khai thác, bảo quan thiết bị nối ghép, máy tính.

Trong hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng phải quy định rõ phạm vi trách nhiệm mỗi bên.

Điều 34: Tuân thủ quy định của VNNIC về địa chỉ tên miền

Nhà cung cấp dịch vụ Internet phải tuân thủ các quy định của Trung tâm thông tin về mạng của Việt Nam trong vấn đề thiết lập địa chỉ tên miền trong phạm vi mạng của mình (Sub-Domain names) và phân phố địa chỉ IP trong mạng của mình.

Điều 35: Trách nhiệm đối VNNIC

Nhà cung cấp dịch vụ Internet có trách nhiệm đóng góp kinh phí cho việc trả lệ phí xin địa chỉ IP từ các tổ chức quốc tế như INTERNIC cấp phép và gửi Tổng cục Bưu điện. Khi cần thiết, Tổng cục Bưu điện hoặc APNIC để đảm bảo hoạt động của Trung tâm thông tin về mạng của Việt Nam (VNNIC). Mức độ đóng góp tuỳ thuộc vào số lượng địa chỉ.

Điều 36: Trách nhiệm đối với nhà cung cấp nội dung thông tin

Nhà cung cấp dịch vụ Internet phải có hợp đồng về việc đưa thông tin lên mạng với nhà cung cấp nội dung thông tin, và chỉ thực hiện đưa nội dung thông tin lên mạng cho những nhà cung cấp nội dung thông tin đã có giấy phép của Bộ Văn hoá Thông tin.

Điều 37: Trang thiết bị và biện pháp bảo đảm an ninh thông tin

Mạng phải có đầy đủ các trang thiết bị kiểm tra, kiểm soát và biện pháp bảo đảm an ninh thông tin tương xứng với quy mô hoạt động xin cấp phép và nhà cung cấp dịch vụ Internet phải tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh thông tin tham gia mạng của mình. Hướng dẫn và kiểm tra người sử dụng bảo vệ thông tin theo Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn thông tin, an ninh quốc gia.

Điều 38: Xây dựng và cập nhật danh bạ thuê bao Internet

Nhà cung cấp dịch vụ Internet có nghĩa vụ phải xây dựng và thường xuyên cập nhật danh bạ của toàn bộ các thuê bao Internet của mình.

Điều 39: Thông báo công khai tài liệu

Nhà cung cấp dịch vụ Internet phải thông báo công khai các tài liệu sau đây tại các cơ sở giao dịch của mình:

- Mẫu hợp đồng được sử dụng để ký kết giữa nhà cung cấp dịch vụ Internet với đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng và với người sử dụng dịch vụ Internet;

- Bảng giá cước chi tiết cho các dịch vụ Internet cụ thể.

Điều 40: Bình đẳng đối với người sử dụng

Nhà cung cấp dịch vụ Internet không được phân biệt đối xử đối với người sử dụng dịch vụ Internet của mình.

Điều 41: Giữ bí mật thông tin của người sử dụng

1. Nhà cung cấp dịch vụ Internet phải có trách nhiệm giữ bí mật toàn bộ nội dung thông tin số liệu của người sử dụng truyền đưa qua hệ thống mạng máy tính của mình, trừ các trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật;

2. Nhân viên làm việc trong hệ thống mạng máy tính của nhà cung cấp dịch vụ Internet, hoặc người có liên quan đến quá trình cung cấp dịch vụ Internet phải tuyệt đối giữ bí mật các nội dung thông tin số liệu của người sử dụng, kể cả mật khẩu (password), kể cả khi không còn làm việc nữa.

Điều 42: Nghĩa vụ báo cáo

Thực hiện báo cáo định kỳ ba tháng một lần về tình hình cung cấp dịch vụ Internet; những thay đổi về các nội dung ghi trong hồ sơ xin cấp phép; danh sách người sử dụng Internet gửi Tổng cục Bưu điện. Khi cần thiết, Tổng cục Bưu điện yêu cầu báo cáo đột xuất.

Chương 6:

QUYỀN HẠN VÀ NGHĨA VỤ CỦA ĐƠN VỊ CUNG CẤP DỊCH VỤ INTERNET DÙNG RIÊNG

MỤC 1: QUYỀN HẠN

Điều 43: Quyền thuê kênh viễn thông

Đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng có quyền thuê kênh viễn thông trong nước để liên kết mạng máy tính của mình với cổng truy nhập Internet của nhà cung cấp dịch vụ kết nối truy nhập hoặc nhà cung cấp dịch vụ Internet và giữa các máy chủ của mạng.

Điều 44: Quyền tạm cắt dịch vụ

Đơn vị cung cấp Internet dịch vụ Internet dùng riêng có quyền tạm cắt việc sử dụng dịch vụ đối với những người sử dụng vi phạm các văn bản pháp quy được nêu tại Điều 6, Chương I và các điều cấm được nêu tại Mục I, Chương VIII của bản Thể lệ này.

MỤC 2: NGHĨA VỤ

Điều 45: Nghĩa vụ thực hiện hợp đồng

Đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các điều khoản ghi trong hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ Internet và với người sử dụng dịch vụ Internet.

Trong hợp đồng nguyên tắc với người sử dụng phải quy định:

- Việc bảo đảm chất lượng dịch vụ;

- Trách nhiệm của mỗi bên về việc bảo trì thiết bị nối ghép, máy tính trong cả hai trường hợp: thiết bị nối ghép, máy tính là của nhà cung cấp dịch vụ hoặc của người sử dụng;

- Trách nhiệm hướng dẫn, đào tạo người sử dụng dịch vụ Internet thực hiện đúng các quy trình khai thác, bảo quản thiết bị nối ghép, máy tính.

Điều 46: Trang thiết bị và biện pháp bảo đảm an ninh thông tin

Mạng máy tính dùng riêng kết nối Internet phải có đầy đủ các trang thiết bị kiểm tra, kiểm soát và biện pháp bảo đảm an ninh thông tin tương xứng với quy mô hoạt động xin cấp phép và tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh thông tin tham gia mạng của mình. Hướng dẫn và kiểm tra người sử dụng bảo vệ thông tin theo Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước và chịu sự kiểm tra và kiểm soát của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn thông tin, an ninh quốc gia.

Điều 47: Tuân thủ quy định của VNIC về địa chỉ tên miền

Đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng phải tuân thủ các quy định của Trung tâm thông tin về mạng của Việt Nam trong vấn đề thiết lập địa chỉ tên miền trong phạm vi mạng của mình (Sub-Domain Names) và phân phối địa chỉ IP trong mạng của mình.

Điều 48: Trách nhiệm đối với VNNIC

Đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng có trách nhiệm đóng góp kinh phí cho việc trả lệ phí xin địa chỉ IP từ các tổ chức quốc tế như INTERNIC hoặc APNIC để bảo đảm hoạt động của Trung tâm thông tin về mạng của Việt Nam (VNNIC). Mức độ đóng góp tuỳ thuộc vào số lượng địa chỉ.

Điều 49: Nghĩa vụ báo cáo

Thực hiện báo cáo định kỳ ba tháng một lần về tình hình sử dụng dịch vụ Internet, những thay đổi về các nội dung ghi trong hồ sơ xin cấp phép; danh sách người sử dụng dịch vụ Internet gửi Tổng cục Bưu điện. Khi cần thiết, Tổng cục Bưu điện yêu cầu báo cáo đột xuất.

Chương 7:

QUYỀN HẠN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG DỊCH VỤ INTERNET

MỤC 1: ĐĂNG KÝ SỬ DỤNG DỊCH VỤ

Điều 50: Thủ tục đăng ký sử dụng dịch vụ Internet

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ Internet đều phải thực hiện đầy đủ các thủ tục sau đây:

1. Gửi đơn đăng ký sử dụng dịch vụ Internet theo mẫu quy định tới nhà cung cấp dịch vụ Internet;

2. Trong vòng 15 ngày kể từ khi nộp đơn đăng ký sử dụng dịch vụ Internet, người nộp đơn sẽ nhận được thông báo từ nhà cung cấp dịch vụ Internet trả lời đồng ý hoặc từ chối cung cấp dịch vụ với lý do từ chối.

Trong trường hợp người sử dụng yêu cầu kênh riêng thì thời hạn là 30 ngày;

3. Thực hiện ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ.

Đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng cần có quy định cụ thể tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của đơn vị mình.

MỤC 2: QUYỀN HẠN

Điều 51: Quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ Internet

Các đối tượng được phép sử dụng dịch vụ Internet có quyền tuỳ ý lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ Internet để đăng ký và ký hợp đồng sử dụng.

Điều 52: Đối với các thiết bị nối ghép, máy tính

Người sử dụng có quyền sử dụng thiết bị nối ghép, máy tính của riêng mình hoặc thuê các thiết bị này từ nhà cung cấp dịch vụ Internet. Trong mọi trường hợp, thiết bị nối ghép phải thoả mãn các tiêu chuẩn kỹ thuật do Tổng cục Bưu điện ban hành.

Điều 53: Quyền khiếu nại

Người sử dụng có quyền khiếu nại nhà cung cấp dịch vụ Internet, nếu nhà cung cấp dịch vụ vi phạm các điều khoản ghi trong hợp đồng cung cấp dịch vụ đã đăng ký giữa hai bên.

MỤC 3: NGHĨA VỤ

Điều 54: Nghĩa vụ thực hiện hợp đồng

Người sử dụng dịch vụ Internet có trách nhiệm thực hiện các điều khoản cụ thể trong hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ Internet hoặc hợp đồng nguyên tắc với đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng.

Điều 55: Tạo điều kiện cho việc kiểm tra

Người sử dụng dịch vụ Internet phải chịu sự kiểm tra của nhà cung cấp dịch vụ Internet hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng; của các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước về các vấn đề liên quan đến việc sử dụng dịch vụ Internet.

Người sử dụng dịch vụ Internet phải luôn tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng thực hiện biện pháp bảo đảm an ninh thông tin và tuân thủ Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước.

Người sử dụng dịch vụ Internet phải giữ bí mật mật khẩu của mình, không tuỳ tiện cho người khác sử dụng để truy nhập mạng. Người sử dụng dịch vụ Internet cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để cho địa chỉ và quyền truy nhập mạng của mình bị người khác lợi dụng để thực hiện các hành động phạm pháp.

Điều 56: Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin

Người sử dụng dịch vụ Internet phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin được đưa vào, truyền đi và nhận đến hệ thống của mình.

Khi phát hiện có các nguồn thông tin xấu thâm nhập vào Việt Nam, hoặc phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong việc sử dụng dịch vụ Internet thì người sử dụng phải báo cáo ngay cho cơ quan cung cấp dịch vụ Internet để có các biện pháp xử lý kịp thời.

Điều 57: Thanh toán cước phí

Người sử dụng chịu trách nhiệm thanh toán cước phí đầy đủ, đúng thời hạn cho nhà cung cấp dịch vụ Internet theo bảng cước phí đã được Tổng cục Bưu điện ban hành.

MỤC 4: QUYỀN HẠN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜISỬ DỤNG THUỘC ĐƠN VỊ CUNG CẤP DỊCH VỤ
INTERNET DÙNG RIÊNG

Điều 58: Đối với người sử dụng thuộc đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng

Người sử dụng dịch vụ Internet thuộc đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng thực hiện các nghĩa vụ ghi tại các Điều 54, 55 và 56 thuộc Mục 3. Các quyền hạn và nghĩa vụ khác do đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng quy định.

Chương 8:

CÁC ĐIỀU CẤM, THANH TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

MỤC 1: NGHIÊM CẤM

Điều 59: Cấm tự ý kinh doanh và sử dụng

Nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hoặc cá nhân tự ý lắp đặt, khai thác các hệ thống mạng máy tính liên kết với Internet và cung cấp dịch vụ Internet cho công cộng.

Điều 60: Cấm tự ý đấu nối máy tính vào mạng viễn thông công cộng

Nghiêm cấm việc tự ý đấu nối máy tính, mạng máy tính qua mạng viễn thông công cộng để truy nhập và sử dụng dịch vụ Internet thông qua một máy tính chủ ở nước ngoài.

Điều 61: Về nội dung thông tin

Nghiêm cấm việc tìm kiếm, nhân bản và truyền đưa các thông tin số liệu có nội dung: kích động chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; truyền bá tư tưởng, văn hoá phản động, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục;

Không được tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, bí mật đời tư của công dân và bí mật khác do pháp luật quy định;

Không được thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của công dân.

Điều 62: Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng mạng Internet

1. Nghiêm cấm các hoạt động gây nguy hại đến an toàn của các hệ thống và mạng thông tin khác, nghiêm cấm các hành vi ăn cắp, phá hoại hoặc xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của người khác dưới mọi hình thức và thủ đoạn thông qua việc sử dụng dịch vụ Internet và mạng Internet.

2. Nghiêm cấm việc lợi dụng các dịch vụ Internet và mạng Internet để tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật, chống phá chế độ, gây nguy hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Điều 63: Cấm đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng kinh doanh.

Nghiêm cấm các đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng sử dụng mạng thông tin máy tính chuyên dùng liên kết với Internet của mình để kinh doanh dịch vụ Internet dưới bất kỳ hình thức nào.

MỤC 2: THANH TRA

Điều 64: Chức năng thanh tra chuyên ngành của Thanh tra bưu điện

Thanh tra Bưu điện thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong các hoạt động kết nối, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và các hoạt động liên quan đến loại hình dịch vụ này.

Điều 65: Quyền của đoàn thanh tra

Khi tiến hành thanh tra, đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên có quyền kiểm tra và xử lý các vi phạm thể lệ này hoặc kiến nghị lên cơ quan cấp trên có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 66: Tạo điều kiện cho thanh tra

Mọi chủ thể tham gia các hoạt động Internet phải tạo điều kiện cho đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thi hành nhiệm vụ, chấp hành các quyết định của đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên.

MỤC 3: XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 67: Xử lý vi phạm

Mọi chủ thể tham gia hoạt động Internet vi phạm các quy định của bản Thể lệ này tuỳ mức độ nặng nhẹ đều bị xử lý theo Nghị định 79/CP ngày 19/6/1997 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về bưu chính - viễn thông và tần số vô tuyến điện hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương 9:

KHIẾU NẠI VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI

Điều 68: Quy định chung

1. Người sử dụng có quyền khiếu nại về những sai sót của nhà cung cấp dịch vụ về chất lượng dịch vụ, thanh toán cước phí.

Người sử dụng có thể khiếu nại bằng cách đến trực tiếp, gửi thư điện tử hoặc thư bưu chính;

2. Những khiếu nại đã được đăng trên báo, phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc do các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan quản lý cấp trên gửi đến đều được điều tra, giải quyết như khiếu nại trực tiếp;

3. Đơn vị nhận được đơn khiếu nại phải thông báo cho người khiếu nại biết việc nhận được đơn khiếu nại chậm nhất là 02 ngày làm việc từ khi nhận đơn khiếu nại;

4. Nếu người khiếu nại không thoả mãn với việc giải quyết khiếu nại thì có thể khiếu nại lên các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 69: Khi bị từ chối cung cấp dịch vụ

Trong trường hợp người sử dụng dịch vụ bị nhà cung cấp dịch vụ Internet từ chối không cung cấp dịch vụ theo yêu cầu, nếu người sử dụng không thoả mãn với các lý do nêu trong thông báo từ chối của nhà cung cấp dịch vụ Internet thì có quyền khiếu nại tới cơ quan cấp trên phù hợp với các quy định tại Thể lệ này.

Điều 70: Thời hiệu khiếu nại

1. Đối với những khiếu nại về cước phí, thời hiệu khiếu nại là 60 ngày kể từ khi nhận được thông báo trả cước;

2. Đối với những khiếu nại khác thời hiệu khiếu nại được xác định theo quy định của pháp luật.

Điều 71: Xử lý khiếu nại

1. Người sử dụng khiếu nại tới đâu thì nơi đó có trách nhiệm điều tra, kết luận, xử lý;

2. Nhà cung cấp dịch vụ giải quyết khiếu nại theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật;

3. Mọi khiếu nại phải được giải quyết, trả lời người khiếu nại chậm nhất 30 ngày kể từ khi nhận đơn khiếu nại.

Chương 10:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 72: Phạm vi áp dụng và hiệu lực

1. Bản thể lệ này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký;

2. Các điều khoản của thể lệ này được áp dụng cho tất cả các đối tượng kết nối, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet trên toàn bộ lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 73: Trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành

Các ông (bà) Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị chức năng, các đơn vị trực thuộc Tổng cục chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành bản Thể lệ này.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 679/1997/QĐ-TCBĐ ngày 14/11/1997 về thể lệ dịch vụ Internet do Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.163

DMCA.com Protection Status
IP: 18.119.166.141
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!