QUY ĐỊNH
VỀ LIÊN KẾT CÁC
BÊN TRONG CHUỖI GIÁ TRỊ SẢN XUẤT CÁ TRA XUẤT KHẨU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 62/2009/QĐ-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2009 của
Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
1. Tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế
phải tuân thủ theo Quy định này và chịu sự
kiểm tra, giám sát của các sở, ngành chức năng có liên quan; chính quyền địa
phương.
2. Quy định
này quy định về quyền lợi và nghĩa vụ các bên bao gồm từ giai đoạn đầu tiên là
sản xuất giống đến các giai đoạn nuôi, chế biến,
tiêu thụ và dịch vụ thủy sản và trách nhiệm
của các cơ quan quản lý nhà nước
có liên quan trong việc quản lý các thành phần kinh tế.
Chương II
LIÊN KẾT CÁC BÊN TRONG CHUỖI GIÁ TRỊ
Điều 2. Mục tiêu
Tăng cường liên kết sản xuất, tạo thành một chuỗi
sản xuất thống nhất trong đó từng thành viên liên kết và hỗ trợ để cùng phát
triển cá tra theo hướng sản xuất hàng hóa xuất khẩu chủ đạo, ổn định và bền vững.
Tạo ra sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng
về an toàn vệ sinh thực phẩm (viết tắt là ATVSTP) đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe
người tiêu dùng và vượt qua những rào cản về kỹ thuật trong thương mại quốc tế.
Điều 3. Liên kết sản xuất
1. Liên
kết sản xuất giữa doanh nghiệp chế biến và người sản xuất theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg
ngày 24 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích
tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Hợp đồng tiêu thụ sản phẩm có thể
theo các hình thức sau:
- Ứng trước giống, vốn, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật,
công nghệ và mua lại sản phẩm;
- Bán vật tư mua lại sản phẩm;
- Trực tiếp tiêu thụ sản phẩm.
2. Liên kết sản
xuất: các hộ nuôi cá tra gần kề cần liên kết vào một
tổ chức theo hình thức hợp đồng để thuận tiện trong phát triển.
3. Doanh nghiệp thủy sản
cần liên kết với nhau để tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Doanh nghiệp và nông dân ký kết hợp đồng cùng nhau thỏa thuận xử lý các rủi ro do thiên tai, đột biến về giá cả
thị trường và các nguyên nhân bất khả kháng khác theo nguyên tắc cùng chia sẻ rủi ro và được Nhà nước xem xét hỗ trợ
một phần thiệt hại theo quy định của pháp luật.
4.
Dịch vụ thủy sản cần nâng cao chất lượng và gắn kết với các công đoạn của phát
triển thủy sản.
5. Hợp đồng tiêu thụ sản phẩm phải được Ủy ban
nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận.
Chương III
QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC CHỦ THỂ TRONG CHUỖI GIÁ
TRỊ
Điều 4. Các trung tâm và cơ sở sản xuất giống
thủy sản
1. Bảo đảm cung cấp đủ giống thủy sản đạt chất
lượng cao.
2. Giới thiệu
nguồn tiêu thụ giống cho các cơ sở giống thủy sản vệ tinh được chứng nhận
đạt tiêu chuẩn chất lượng.
3. Tổ chức thành các chi hội sản xuất giống thủy
sản để liên kết và hỗ trợ sản xuất.
Điều 5.
Người nuôi cá thương phẩm
1. Liên kết với các cơ
sở sản xuất giống thủy sản để có nguồn giống đạt chất lượng; nuôi cá theo quy
hoạch của thành phố, theo quy trình công nghệ; các hộ nuôi cá gắn kết với nhau
thành tổ chức nghề nghiệp.
2. Tăng cường mối liên
kết với các doanh nghiệp chế biến thủy sản bằng cách ký kết hợp đồng tiêu thụ sản
phẩm ngay từ đầu vụ sản xuất; đồng thời, sản xuất theo đúng nhu cầu kỹ thuật của
các nhà máy chế biến; liên kết với nhà
khoa học nhằm hỗ trợ kỹ thuật nuôi tốt hơn.
3. Thực hiện đúng các
quy định của pháp luật về hợp đồng:
a) Có trách nhiệm thực
hiện đúng cam kết trong hợp đồng, bên nào không thực hiện đúng nội dung đã ký
mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bị thiệt hại;
b) Chỉ được bán sản phẩm
sản xuất theo hợp đồng cho doanh nghiệp khác khi doanh nghiệp đã đầu tư hoặc ký
hợp đồng tiêu thụ từ chối không mua hoặc mua không hết sản phẩm của mình phải
có sự thỏa thuận của hai bên và bổ sung phụ lục hợp đồng.
4. Thực hiện tốt các
chương trình kiểm soát dư lượng kháng sinh, hóa chất cấm, hạn chế sử dụng do cơ
quan quản lý quy định.
Điều 6.
Doanh nghiệp, cơ sở cung cấp các dịch vụ đầu vào liên quan đến nuôi cá
1. Đảm bảo sản xuất và cung ứng các sản phẩm phục
vụ cho hộ nuôi cá tra đạt chất lượng cao, giá cả ổn định.
2. Sản xuất thức ăn theo đúng tiêu chuẩn chất lượng
đã công bố.
3. Sản xuất và cung ứng các loại thuốc theo đúng
quy định của nhà nước.
Điều 7.
Doanh nghiệp chế biến thủy sản
1.
Tổ chức gắn kết hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy chế thỏa thuận, thống
nhất. Ký kết hợp đồng với các hộ nuôi thủy sản
ngay từ đầu vụ sản xuất theo các hình thức được nêu ở Điều 3 của Quy định
này, nội dung và hình thức của hợp đồng phải theo
đúng quy định của pháp luật.
2. Thực hiện đúng các
quy định pháp luật về hợp đồng:
Không được tranh mua sản
phẩm của nông dân mà doanh nghiệp khác đã đầu tư phát triển sản xuất. Không được
ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm mà người sản xuất đã ký hợp đồng với doanh nghiệp
khác.
3. Cung cấp thông tin
về thị trường, giá cả để điều tiết sản xuất, tránh biến động về giá cả, góp phần
làm hoạt động sản xuất được bền vững.
4. Các doanh nghiệp
liên kết sản xuất hoặc liên doanh với hộ nuôi, hộ sản xuất giống để kiểm soát chất lượng sản phẩm ngay từ
khâu đầu tiên của chuỗi sản xuất; đồng thời, chấp thuận kết quả phân tích dư lượng
kháng sinh, hóa chất cấm, hạn chế sử dụng của Trung tâm chất lượng Nông, lâm,
thủy sản vùng 6 trên những hộ tham gia kiểm soát dư lượng.
Điều
8. Hiệp hội Thủy sản
1. Nâng cao năng lực bằng
cách đề ra các biện pháp hỗ trợ thiết thực cũng như các biện pháp chế tài với
các thành viên không tuân thủ theo quy định chung.
2.
Hỗ trợ tìm đầu ra cho các thành viên, đại diện đàm phán và ký kết hợp đồng tiêu
thụ với các đối tác.
3.
Hỗ trợ nguồn vốn bằng cách tổ chức vay vốn theo nhóm trong đó tất cả các thành
viên chịu trách nhiệm trả nợ phần của mình đã
vay.
4.
Phối hợp với cơ quan chức năng trong việc tổ chức và tạo điều kiện để doanh
nghiệp và người nuôi cá ký kết hợp đồng, cũng như giải quyết khi xảy ra tranh
chấp hợp đồng bằng thương lượng, hòa giải.
Điều
9. Ngân hàng, tín dụng
1.
Các Ngân hàng đảm bảo nhu cầu vay vốn cho người sản xuất và doanh nghiệp đã
tham gia ký kết hợp đồng theo cơ chế tín dụng thông thường, lãi suất thỏa thuận
và thủ tục thuận lợi.
2. Các doanh nghiệp ký
kết hợp đồng tiêu thụ cá tra xuất khẩu, có dự án sản xuất kinh doanh hàng xuất
khẩu được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ xuất khẩu theo quy định tại Nghị định số
106/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ bổ sung một số điều của Nghị định số
151/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và Quyết
định số 131/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về
hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh
doanh.
Điều
10. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1.
Quy hoạch vùng nuôi thủy sản dựa trên điều kiện thổ nhưỡng, tính toán tương
quan giữa cung và cầu trên thị trường.
2. Tăng cường các lớp
tập huấn kỹ thuật nuôi cá thương phẩm, kỹ thuật sản xuất cá giống và các tiêu
chuẩn chất lượng liên quan đến vùng nuôi.
3.
Chỉ đạo đơn vị trực thuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế của các tổ
chức, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm chuyên ngành thủy sản;
phối hợp với Hiệp hội Thủy sản trong thực hiện nhiệm vụ phát triển thủy sản.
Điều 11. Ủy ban nhân
dân quận, huyện
1. Chỉ đạo địa phương
tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về phương thức sản xuất theo hợp đồng,
tăng cường giáo dục về pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho doanh
nghiệp và nông dân để đồng tình hưởng ứng phương thức làm ăn mới trong cơ chế
thị trường.
2. Tạo điều kiện thuận
lợi để nông dân thực hiện đúng pháp luật các quyền sử dụng đất, sử dụng giá trị
quyền sử dụng đất để góp vốn, cổ phần hoặc liên doanh, liên kết với các doanh
nghiệp chế biến, kinh doanh xuất khẩu thủy sản; chỉ đạo việc xây dựng và hoàn
chỉnh quy hoạch các vùng nuôi thủy sản tập trung, tạo điều kiện cho người nuôi
và doanh nghiệp tổ chức sản xuất, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
3. Quyết định việc sử
dụng ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng cho người sản xuất
phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ và
hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Điều 12. Các sở,
ban, ngành và tổ chức có liên quan
1. Sở Công Thương có
trách nhiệm hướng dẫn hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị
trường tiêu thụ.
2. Sở Tài chính hướng
dẫn các chính sách về tài chính có liên quan theo quy định.
3. Cục Thuế hướng dẫn
các chính sách về thuế có liên quan theo quy định.
4. Ngân hàng
Nhà nước Chi nhánh Cần Thơ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Cần
Thơ hướng dẫn, tổ chức, chỉ đạo việc cho các doanh nghiệp, người sản xuất vay vốn
theo quy định.
Chương IV
KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM, KHIẾU NẠI TỐ
CÁO
Điều 13. Khen thưởng
Tổ chức, cá nhân có
thành tích trong việc thực hiện Quy định này được khen thưởng theo quy định hiện
hành.
Điều 14. Xử lý vi phạm
1. Khi thanh
tra, kiểm tra nếu phát hiện những vi phạm cơ sở kinh doanh giống thủy sản sẽ xử
lý theo quy định của pháp luật hiện hành; mọi chi phí cho quá trình xử lý tổ chức,
cá nhân sản xuất kinh doanh phải chịu trách nhiệm.
2. Đối với tổ chức, cá
nhân thuộc cơ quan quản lý nhà nước vi phạm các quy định của pháp luật trong quản lý giống thủy sản, gây
thiệt hại cho sản xuất thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý
theo các quy định của pháp luật hiện hành.
3. Trong quá trình thực
hiện hợp đồng tiêu thụ, nếu doanh nghiệp vi phạm một trong các nội dung: không
mua hết sản phẩm, mua không đúng thời gian, không đúng địa điểm như đã cam kết trong hợp đồng; gian lận thương mại
trong việc định tiêu chuẩn chất lượng, số
lượng sản phẩm, lợi dụng tính độc quyền của hợp đồng tiêu thụ để mua dưới giá
đã ký kết trong hợp đồng hoặc có hành
vi khác gây thiệt hại cho người sản xuất thì tùy theo tính chất và mức độ
của hành vi vi phạm mà phải chịu các biện pháp xử lý như sau:
a) Bồi thường thiệt hại
vật chất do hành vi vi phạm gây ra theo quy định của pháp luật về hợp đồng;
b) Cơ quan có thẩm quyền
đình chỉ hoặc tạm thời đình chỉ quyền kinh doanh đối với mặt hàng thủy sản mà
doanh nghiệp vi phạm và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về hành
vi vi phạm hợp đồng của doanh nghiệp.
4.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu người nuôi nhận tiền vốn, vật tư ứng
trước của doanh nghiệp đã ký hợp đồng mà cố ý
không bán sản phẩm hoặc bán sản phẩm cho doanh
nghiệp khác không ký hợp đồng tiêu thụ; bán thiếu số lượng, không đảm bảo tiêu
chuẩn chất lượng sản phẩm quy định trong hợp đồng; không thanh toán đúng
thời hạn hoặc có hành vi vi phạm khác thì tùy theo tính chất mức độ của hành vi
vi phạm mà phải chịu các hình thức xử lý như sau:
a) Phải thanh toán lại
cho doanh nghiệp các khoản nợ: vật tư, vốn (bao gồm cả lãi suất vốn vay ngân
hàng trong thời gian tạm ứng) đã nhận tạm ứng;
b) Phải bồi thường thiệt
hại đã gây ra cho doanh nghiệp theo quy định pháp luật về hợp đồng.
Điều 15. Khiếu nại,
tố cáo
Tổ chức, cá nhân có
quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những hành vi vi
phạm pháp luật trong hoạt động quản lý và trong sản xuất, kinh doanh thủy sản và
trong lĩnh vực thương mại theo quy định của pháp luật về khiếu nại tố cáo và
các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần
kinh tế có trách nhiệm thực hiện đúng Quy định này và các quy định hiện
hành có liên quan, mọi hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật hiện
hành.
Điều 17. Trong quá trình thực hiện Quy định, nếu có điều gì
chưa phù hợp cần sửa đổi bổ sung, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem
xét, quyết định./.