ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
5441/QĐ-UBND.CN
|
Nghệ
An, ngày 09 tháng 11
năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM
2025, CÓ TÍNH ĐẾN NĂM 2030
CHỦ TỊCH UBND TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ
ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của
Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày
07/9/2006;
Căn cứ Quyết định số 620/QĐ-TTg ngày 12/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy
hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020;
Căn cứ Thông tư số 50/2015/TT-BCT
ngày 28/12/2015 của Bộ Công Thương quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm
định, phê duyệt, công bố, quản lý và giám sát thực hiện quy hoạch phát triển ngành công nghiệp và thương mại;
Xét đề nghị của Sở Công Thương tại
Tờ trình số 1727/TTr-SCT ngày 31/10/2017 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển
công nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2025, có tính đến năm 2030,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh
Nghệ An đến năm 2025, có tính đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm
phát triển
- Quán triệt và vận dụng sáng tạo đường
lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp; phát huy nội lực
kết hợp với nguồn lực bên ngoài để đẩy
nhanh phát triển công nghiệp toàn diện với tốc độ nhanh, bền vững và hiệu quả,
góp phần quan trọng đưa Nghệ An trở thành tỉnh công nghiệp hóa theo hướng hiện
đại, gắn với bảo vệ môi trường;
- Phát huy tối đa thế mạnh của tỉnh để
phát triển các mũi nhọn công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, như: Sản xuất xi
măng và vật liệu xây dựng; chế biến nông-lâm-thủy sản, thực phẩm gắn với nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình chuỗi
giá trị; công nghiệp cơ khí; sản xuất dược liệu; năng lượng; công nghiệp phục vụ
nông nghiệp, nông thôn;
- Thực hiện tái cơ cấu ngành và chuyển
đổi nhanh cơ cấu sản phẩm theo hướng hiện đại, đổi mới
nâng cấp dây chuyền thiết bị các cơ sở hiện có để nâng cao sức cạnh tranh bền vững
phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; Tiếp tục phát triển các
ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động để tạo việc làm và thu nhập ổn định
cho nhân dân;
- Phát triển có chọn lọc một số ngành
công nghiệp có hàm lượng khoa học, công nghệ và tỷ trọng giá trị gia tăng cao,
như: Sản xuất vật liệu mới, cơ khí chế tạo, điện tử, công nghệ thông tin, công
nghiệp phần mềm, hóa chất, công nghệ sinh học, năng lượng và năng lượng tái tạo
theo hướng xanh, không gây ô nhiễm môi trường. Khuyến
khích và ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ;
- Phân bố không
gian công nghiệp trên địa bàn tỉnh hợp lý, tạo thành các dải tăng trưởng nhằm
phát huy sức mạnh liên kết giữa các ngành, vùng, địa phương để tham gia sâu vào chuỗi giá trị;
- Tăng cường thu hút đầu tư, nhất là
nguồn vốn FDI; Huy động có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở
hạ tầng phục vụ công nghiệp phát triển. Xây dựng Khu kinh tế Đông Nam trở thành
khu kinh tế trọng điểm của miền Trung, sớm hoàn thiện và đưa khu công nghiệp
CNC vào hoạt động;
- Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất
lượng cao có kỹ năng, kỷ luật và năng lực sáng tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp
hóa, hiện đại hóa phục vụ cho nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài;
- Phát triển công nghiệp bền vững,
thân thiện với môi trường, gắn với đảm bảo quốc phòng và an ninh quốc gia.
2. Mục tiêu phát
triển
2.1. Mục tiêu tổng quát
- Tập trung các nguồn lực phát triển
nhằm thực hiện mục tiêu sớm đưa Nghệ An trở thành tỉnh công nghiệp, có nền tảng
kinh tế - văn hóa - xã hội và kết cấu hạ tầng tương đối đồng
bộ.
- Phấn đấu tỷ trọng ngành công nghiệp
- xây dựng trong tổng sản phẩm xã hội của tỉnh tăng từ
32,3% năm 2016 lên 40-41% năm 2020 và 47-48% vào năm 2025. Góp phần chuyển dịch
cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa có trình độ và chất lượng
cao.
- Đưa công nghiệp Nghệ An phát triển
theo hướng hiện đại, trên cơ sở ưu tiên lựa chọn những lĩnh vực có hàm lượng
công nghệ kỹ thuật cao, công nghiệp sạch gắn với phát triển bền vững, không gây ô nhiễm môi trường.
2.2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 2016 - 2020: Tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm
công nghiệp; Phát triển những ngành có lợi thế cạnh tranh như vật liệu xây dựng,
chế biến nông-lâm-thủy sản, thực phẩm, dệt may, điện. Hoàn thành tái cơ cấu
ngành công nghiệp, phát triển hợp lý giữa chiều rộng và
chiều sâu phù hợp với yêu cầu Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương.
- Phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp
(IIP) tăng bình quân 10,5-11%.
- Giá trị sản xuất công nghiệp (giá
so sánh 2010) đến năm 2020 đạt 77.991 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá
trị sản xuất đạt 17-18%.
- Giá trị gia tăng ngành công nghiệp
(VA công nghiệp) đến năm 2020 đạt khoảng 21.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 16,9%.
b) Giai đoạn 2021 - 2025: Phát triển công nghiệp theo chiều sâu phù hợp với xu thế hội nhập và hiện đại. Ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công
nghệ cao đối với các lĩnh vực: Vật liệu mới, dược liệu, cơ khí, năng lượng, điện
tử, công nghệ thông tin, hoá chất, các lĩnh vực cốt lõi về số hóa, công nghiệp
hỗ trợ.
- Chỉ số sản xuất
công nghiệp (IIP) tăng bình quân 9,5-10%.
- Giá trị sản xuất công nghiệp (giá
so sánh 2010) đến năm 2025 đạt 165.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất đạt 16,5-17%.
- Giá trị gia tăng công nghiệp đến
năm 2025 đạt 40.000 - 42.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân từ 13,5-
14,5%.
c) Tầm nhìn đến năm 2030, phát triển những dự án có tính chiến lược phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Sắp xếp và tổ chức lại sản xuất một số ngành, sản phẩm
công nghiệp, xử lý triệt để các vấn đề môi trường đảm bảo phát triển bền vững.
3. Nội dung quy
hoạch
3.1. Quy hoạch phát triển các
lĩnh vực công nghiệp chủ yếu (bao gồm cả công nghiệp hỗ trợ phát triển ngành)
3.1.1. Công nghiệp sản xuất vật
liên xây dựng
Phát triển công nghiệp sản xuất VLXD
trở thành ngành chủ lực của tỉnh dựa trên tiềm năng, lợi thế về nguồn nguyên liệu,
tài nguyên thiên nhiên, đa dạng hóa các loại vật liệu đáp ứng nhu cầu xây dựng
cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Đưa công nghệ mới và thiết bị hiện đại vào sản xuất vật
liệu xây dựng nhằm nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh
tranh trên thị trường. Phấn đấu giá trị sản xuất đến năm 2020 đạt 12.678 tỷ đồng,
tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 20,49%, chiếm tỷ trọng
16,25% toàn ngành. Năm 2025, giá trị sản xuất đạt 30.800 tỷ đồng, tốc độ tăng
trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 19,43%, chiếm tỷ trọng 18,66%.
- Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng
các Nhà máy xi măng Tân Thắng, xi măng Hoàng Mai II; thực hiện giai đoạn 2 nhà
máy xi măng Sông Lam. Đến năm 2020 công suất xi măng đạt
10 triệu tấn, năm 2025 đạt 12-14 triệu tấn.
- Thu hút các dự án sản xuất sản phẩm
kỹ thuật cao như: Gốm sứ cao cấp, gốm
sứ kỹ thuật điện, thủy tinh cao cấp... nghiên cứu các mặt hàng vật liệu mới, vật
liệu nhẹ, compozit và các sản phẩm gốm sứ tiêu dùng khác, đảm bảo phát triển bền vững, đặc biệt quan tâm đến giảm thiểu tác động
môi trường sinh thái. Phát triển sản phẩm kính đặc biệt trong KCN Hemaraj, KCN
Đô thị và Dịch vụ VSIP quy mô công suất từ 1-2 triệu m2/năm, đáp ứng
nhu cầu các công trình hiện đại.
- Xây dựng KCN, CCN sản xuất vật liệu
xây dựng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh để khai thác những tiềm năng về nguồn
nguyên liệu khoáng sản. Ưu tiên phát triển những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh
như: Đá ốp lát, phụ gia, vật liệu xây, vật liệu nhẹ. Bố trí
các nhà máy gần vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ phù hợp với đặc thù của
từng chủng loại VLXD.
- Kêu gọi đầu tư các dự án sản xuất
thiết bị vệ sinh, nhà tắm, bình nước nóng từ các thương hiệu nổi tiếng; sản xuất các loại vật liệu ốp lát nội thất có khả năng ngăn ngừa
sự ngưng tụ hơi nước, ngăn ngừa sự bám bẩn, có khả năng
hút mùi hôi; các loại vật liệu ốp lát ngoại thất có bề mặt chống thấm cao, chống
bám dính, có khả năng tự làm sạch, ngăn ngừa sự phát triển của rêu mốc; các loại
kính tiết kiệm năng lượng... đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu.
3.1.2. Công nghiệp chế biến nông,
lâm, thủy sản, thực phẩm
- Chú trọng đầu tư công nghệ tiên tiến
và thiết bị hiện đại gắn với nền nông nghiệp công nghệ cao. Chủ động quy hoạch
các vùng nguyên liệu nông sản, thủy sản chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn vệ
sinh an toàn thực phẩm nhằm tăng khả năng cạnh tranh để chủ
động hội nhập với khu vực và thế giới. Chú trọng xây dựng và phát triển thương
hiệu trên các thị trường trong nước và xuất khẩu.
- Quy hoạch xây dựng một số tổ hợp công-nông nghiệp, các cụm công nghiệp chuyên ngành, các cụm liên kết
ngành theo mô hình chuỗi sản xuất khép kín có cơ sở hạ tầng đồng bộ nhằm hạn chế
tối đa tác động đến môi trường.
- Đến năm 2020,
giá trị sản xuất ngành chế biến nông-lâm-thủy sản, thực phẩm đạt 24.696 tỷ đồng,
tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 14,39%, chiếm tỷ trọng 31,66%
trong tổng GTSX công nghiệp toàn tỉnh. Năm 2025, giá trị sản xuất đạt 43.615 tỷ
đồng, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 12,05%, chiếm tỷ trọng
26,43%.
a) Chế biến sản phẩm nông sản:
+ Đảm bảo vùng nguyên liệu để công
nghiệp mía đường phát triển ổn định, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng
cạnh tranh của đường. Thu hút đầu tư Nhà máy chế biến cồn tại Quỳ Hợp, Tân Kỳ,
Anh Sơn...
+ Khuyến khích các doanh nghiệp chè đầu
tư nâng cấp thiết bị, công nghệ chế biến gắn với phát triển vùng nguyên liệu ổn
định, đặc biệt trong chế biến chè xanh, chè đen. Tập trung xây dựng thương hiệu
chè Nghệ An để tăng năng lực cạnh tranh và giá trị xuất khẩu.
Thu hút đầu tư các nhà máy chế biến sản phẩm cao cấp từ chè như: Nước giải khát
đóng chai chè xanh, chè xanh hòa tan, tinh dầu chiết xuất
từ chè xanh...
+ Phát huy hiệu quả dự án chế biến nước
hoa quả Núi Tiên đạt công suất thiết kế tối đa 36.000 chai/giờ. Thu hút đầu tư
Nhà máy chế biến nước cam ép (tại Quỳ Hợp hoặc Nghĩa Đàn) đạt 80 - 90 ngàn tấn
quả/năm.
+ Chế biến cao su: Xây dựng các nhà
máy chế biến mủ cao su tại Tân Kỳ, Nghĩa Đàn công suất 300
tấn/ngày gắn với mở rộng diện tích trồng cây cao su.
b) Chế biến thực phẩm
+ Sản xuất đa dạng các loại bột ngọt,
bột nêm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước
Châu Á và EU. Tạo điều kiện thu hút đầu tư mới và mở rộng
các cơ sở sản xuất bánh kẹo.
+ Đầu tư các dây chuyền chế biến rau
quả với thiết bị và công nghệ hiện đại trong các CCN ở địa
bàn các khu vực trung du, miền núi gần vùng nguyên liệu như sản phẩm đóng hộp,
sản phẩm sấy khô, nước quả cô đặc, quả ngâm đường, mứt quả... gắn với phát triển
mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
+ Quy hoạch ngành chăn nuôi nhằm đáp ứng
nguyên liệu cho công nghiệp chế biến súc sản. Thu hút đầu
tư xây dựng nhà máy chế biến thịt và các sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm tại
các KCN công suất từ 10.000 tấn sản phẩm/năm.
+ Thu hút đầu tư mới nhà máy dầu ăn
tinh luyện tại trong KKT Đông Nam, nghiên cứu mở rộng công suất Nhà máy chế biến
Dầu thực vật Tường An.
+ Đầu tư mới, nâng công suất các nhà
máy sữa TH, sữa Vinamilk đảm bảo đến năm 2020 đạt 450 triệu lít/năm, năm 2025 đạt
800 - 1.000 triệu lít/năm.
c) Sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc
Kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến
thức ăn chăn nuôi ở các địa phương đảm bảo yếu tố môi trường,
nhằm tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất thức ăn chăn nuôi phục vụ
nhu cầu tại chỗ. Phát triển các dòng sản phẩm đa dạng,
phong phú về chủng loại thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm và thủy sản có
hàm lượng dinh dưỡng phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của vật nuôi, đáp ứng
nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của người tiêu dùng.
d) Chế biến lâm sản
Nâng công suất giai đoạn II Nhà máy
chế biến gỗ Nghĩa Đàn - Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm đạt 400.000 m3/năm
ván MDF, 10.000 m3 sản phẩm/năm ván ghép thanh xuất khẩu vào năm
2020. Thu hút đầu tư các dự án sản xuất ván gỗ công nghiệp
tại Anh Sơn, Tân Kỳ, Con Cuông có quy mô phù hợp với quy hoạch nguồn nguyên liệu
rừng trồng và gỗ nhập khẩu. Đầu tư Nhà máy đồ gỗ nội thất, đồ gỗ văn
phòng công suất 10.000 m3/năm.
e) Chế biến thủy sản
Đa dạng hoá các sản phẩm chế biến, nhất
là sản phẩm xuất khẩu, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thủy sản trong tỉnh. Đầu
tư thêm cơ sở chế biến đông lạnh quy mô từ 5-10 nghìn tấn sản phẩm/năm và các
cơ sở chế biến thủy sản khô để xuất khẩu vào các thị trường các nước Châu Âu, Mỹ,
Nhật Bản và các nước Trung Đông, Brazil.
Phát triển các dự án chế biến thủy sản
chất lượng cao tại KCN Nam Cấm, Hoàng Mai hoặc CCN Quỳnh Nghĩa, công suất
10.000 tấn/năm. Mở rộng Nhà máy sản xuất cá hộp và hệ thống kho lạnh của Tập
đoàn Royal Foods lên 150 - 200 tấn nguyên liệu cá tươi/ngày tại KCN Nam Cấm. Tạo
điều kiện để Tập đoàn Massan Miền Bắc nâng công suất dây chuyền đạt 200 triệu
lít nước mắm/năm.
Đầu tư các cụm công nghiệp làng nghề
chế biến thủy sản và các cơ sở chế biến tiêu thụ nội địa trong CCN làng nghề ở một số địa phương: Quỳnh Nghĩa
(Quỳnh Lưu), Diễn Vạn (Diễn Châu), Quỳnh Dị, Quỳnh Phương (Hoàng Mai).
3.1.3. Công nghiệp cơ khí, luyện kim
- Ưu tiên phát triển công nghiệp cơ
khí trở thành một trong những ngành chủ lực của Nghệ An đạt tốc độ tăng trưởng
cao hơn bình quân chung của toàn ngành. Giá trị sản xuất đến năm 2020 đạt
12.243 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 27,22%/năm, chiếm tỷ trọng 15,70% toàn ngành. Đến năm 2025, giá trị sản xuất đạt 28.314 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng
bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 18,26%, chiếm tỷ trọng 17,16%.
- Đầu tư, xây dựng Nghệ An trở
thành trung tâm cơ khí lớn của khu vực Bắc Trung Bộ, đáp ứng nhu
cầu của địa phương và các tỉnh lân cận về cung cấp máy nông nghiệp, tôn mạ màu,
ống thép xây dựng, tàu thuyền cỡ vừa và nhỏ, thiết bị xây
dựng, kết cấu thép, và sửa chữa lớn các máy và thiết bị
tương ứng, phụ tùng xe ô tô, xe tải và phụ tùng xe tải, thiết bị phụ trợ sản xuất
xi măng và phụ tùng máy móc khai thác.
- Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí có sự chọn lọc về công nghệ, sản phẩm... phù hợp
với điều kiện phát triển từng thời kỳ, trong đó ưu tiên khuyến khích thu hút đầu
tư sản xuất sản phẩm có công nghệ chế tạo hiện đại, công nghệ cao ít ảnh hưởng
đến môi trường để phục vụ đắc lực cho các ngành kinh tế.
- Phân bố công nghiệp cơ khí theo mô
hình công nghệ phân tầng ở 2 khu vực: Khu vực I bao gồm
KKT Đông Nam, các KCN, CCN xung quanh Thành phố Vinh ưu tiên phân bố công nghiệp
cơ khí chế tạo ở trình độ công nghệ tầng cao, thân thiện với môi trường, phát
triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí; Khu vực II xây dựng các cụm cơ khí quy
mô vừa và nhỏ theo địa bàn các huyện, thị để thúc đẩy quá
trình công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn.
3.1.4. Công nghiệp sản xuất hàng dệt
may, da-giầy
Khuyến khích phát triển mạnh công
nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da-giầy để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Chủ động trong việc nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị,
phụ tùng chuyên ngành. Thu hút đầu tư các dự án sản xuất sợi, dệt, các nhà máy
sản xuất xơ sợi nhân tạo để từng bước chủ động đáp ứng nhu cầu của ngành dệt về
chủng loại, chất lượng, số lượng, nhằm mục tiêu tăng tỷ lệ
nội địa hóa theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm và ít gây ô nhiễm môi trường.
Hình thành các CCN sợi may trong
KCN Thọ Lộc và các địa phương Nam Đàn, Thái Hòa, Đô Lương..., phân bố các doanh nghiệp dệt may, da-giầy ở những khu vực có nguồn
lao động tại chỗ đảm bảo cho ngành phát triển bền vững để nâng cao hiệu quả sản xuất và tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm.
Phát triển các nhà máy sản xuất xơ sợi nhân tạo tại KCN Đông Hồi gắn với khu lọc
hóa dầu Nghi Sơn. Kêu gọi đầu tư Nhà máy sản xuất quần bò, dự án sản xuất giày
da xuất khẩu.
Hình thành trung tâm thiết kế thời
trang, trung tâm sản xuất mẫu mã, cung cấp dịch vụ, nguyên phụ liệu, công nghệ
dệt may tại Thành phố Vinh, KCN Đô thị và Dịch vụ VSIP Nghệ An, KCN Thọ Lộc.
Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất
ngành dệt may, da - giầy đạt 6.300 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai
đoạn 2016 - 2020 đạt 14,29%. Trong đó, riêng lĩnh vực dệt may tăng 18-20%, tăng
trưởng xuất khẩu đạt từ 18-20%/năm, thị trường nội địa từ 10-12%/năm. Năm 2025,
giá trị sản xuất đạt khoảng 13.200 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021 -
2025 đạt 15,94%; xây dựng được một số thương hiệu may mặc nổi tiếng trên địa
bàn tỉnh.
3.1.5. Công nghiệp hóa chất, dược
liệu
a) Giai đoạn 2016 - 2020: Phần đấu
giá trị sản xuất đến năm 2020 đạt 3.500 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân
là 25,55%/năm, chiếm 4,48% tổng GTSX toàn ngành công nghiệp. Tạo điều kiện để
thu hút đầu tư ở tất cả các nhóm sản
phẩm, trong đó tập trung ưu tiên 3 nhóm sản phẩm chính có
tiềm năng phát triển là phân bón, sản phẩm cao su và sản xuất dược liệu:
- Trên cơ sở các nhà máy sản xuất
phân bón vô cơ đang hoạt động, tổ chức sắp xếp lại theo hướng
đầu tư chiều sâu, đổi mới trang thiết bị, nâng cao chất lượng, nâng công suất đảm
bảo đáp ứng nhu cầu thị trường và hội nhập. Xem xét đầu tư các dự án phân bón
sunfat amon, phân lân nung chảy.
- Phát triển công nghiệp sản xuất dược
liệu trở thành ngành trụ cột gắn với vùng trồng nguyên liệu
tập trung (gấc, chanh leo, gừng, nghệ, hương nhu, sả, đinh lăng và các loại giống
cây dược liệu có giá trị khác) ở hầu hết các huyện miền núi và trung du, đảm bảo
đầu vào cho nhà máy chế biến dược phẩm, thực phẩm chức năng.... Đầu tư xây dựng
nhà máy chiết xuất hóa dược có nguồn gốc thiên nhiên và bán tổng hợp công suất
200 ÷ 300 tấn/năm, nhà máy sản xuất hóa dược và tá dược
thông thường công suất 300 ÷ 500 tấn/năm.
- Đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ,
nâng công suất các cơ sở sản xuất hiện có các sản phẩm nhựa Hoa Sen, Tiền Phong, Hòa Phát, hạt nhựa tái chế, sản xuất hạt nhựa và phụ gia nhựa công
nghiệp,....
b) Giai đoạn 2021 - 2025: Giá trị sản
xuất đến năm 2025 đạt 8.500 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình
quân 19,42%, chiếm tỷ trọng 5,15%. Chú trọng đầu tư các dự án, nhóm sản phẩm:
- Nhà máy sản xuất nhựa công nghiệp
công suất 50-100 ngàn tấn/năm; các dự án sản xuất cao su thành phẩm như săm, lốp,
băng chuyền, dây curoa, sản phẩm cao su kỹ thuật phục vụ ngành
lắp ráp, sản phẩm nhựa (bột nhựa, hạt nhựa, phụ gia, bao bì công nghiệp, nhựa kỹ
thuật, nhựa gia dụng và các sản phẩm tiêu dùng cao cấp khác...).
- Phát triển nhóm sản phẩm hóa chất
cơ bản đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và trong nước. Sản xuất các loại pin
Ion-Lithium, ắc quy cho ô tô, xe máy, xe đạp điện, đa dạng hóa sản phẩm khí công
nghiệp.
- Đầu tư các nhà máy sản xuất sơn tường,
sơn chống thấm, chống rỉ... ở các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh
với công nghệ hiện đại, chất lượng tốt phục vụ nhu cầu thị trường.
3.1.6. Công nghiệp điện - điện tử,
công nghệ thông tin
Phát triển công nghiệp điện - điện tử,
CNTT trở thành ngành mũi nhọn của tỉnh, có tốc độ tăng trưởng
cao. Đến năm 2020, giá trị sản xuất đạt 5.000 tỷ đồng, tốc
độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 19,14%/năm, chiếm tỷ trọng
6,41% tổng GTSXCN toàn ngành. Năm 2025 giá trị sản xuất đạt
12.800 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn
2021 -2025 đạt 20,68%, chiếm tỷ trọng 7,75%. Tập trung các sản phẩm sau:
- Phát triển phương thức lắp ráp các
thiết bị điện, các dự án sản xuất dây cáp điện. Ưu tiên thu hút đầu tư các dự
án sản xuất sản phẩm điện tử: Điện thoại di động; cáp quang và các loại cáp viễn
thông; máy tính và các thiết bị ngoại vi; hệ thống chứng
thực điện tử; phần mềm giá trị gia tăng trên mạng điện thoại di động và các hệ
thống băng rộng... đáp ứng nhu cầu sản phẩm điện, điện tử
trong nước và tham gia xuất khẩu.
- Thu hút các dự án sản xuất sản phẩm
công nghệ cao trong viễn thông, công nghệ thông tin như:
Phần mềm an toàn an ninh máy tính và mạng; phần mềm và thiết bị phiên dịch tự động;
Phần mềm và thiết bị để nhận biết âm thanh, các thiết bị công nghệ số.
- Xây dựng KCN công nghệ thông tin,
công viên phần mềm ở thành phố Vinh và trong khu công nghệ cao khu kinh tế Đông
Nam. Phấn đấu đến năm 2025, Nghệ An thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực
công nghiệp công nghệ thông tin, trở thành Trung tâm công nghệ thông tin vùng Bắc
Trung bộ[1].
- Ưu tiên các dự án công nghiệp hỗ trợ
ngành điện - điện tử và CNTT trong các KCN Đô thị và Dịch vụ VSIP, Nam Cấm,
Hemaraj: Linh kiện điện tử - quang điện tử cơ bản; linh kiện thạch anh; vi mạch
điện tử; vật liệu sản xuất linh kiện điện tử; nhựa, linh kiện cao su, chi tiết
cơ - điện tử, linh kiện kính; pin máy vi tính xách tay, pin điện thoại di động
phục vụ công nghiệp lắp ráp sản phẩm điện tử, CNTT; linh kiện điện - điện tử
ngành công nghiệp ô tô,....
3.1.7. Công nghiệp năng lượng, sản
xuất và phân phối nước
a) Quy hoạch nguồn cấp điện:
- Phát triển ngành điện trên địa bàn
tỉnh theo quy hoạch ngành cả nước, tổng sơ đồ VII (Quyết định số 1208/QĐ-TTg
ngày 21/7/2011) và Đề án hiệu chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai
đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 (Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày
18/3/2016). Đồng thời tính toán các phụ tải mới sẽ xuất hiện
trong giai đoạn quy hoạch, đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định
phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.
- Khai thác hợp lý tiềm năng thủy điện,
phát triển các dạng năng lượng khác để cung cấp điện tại
chỗ cho dân cư và khu vực chưa có điện lưới. Đồng thời tận dụng ưu thế cảng biển,
phát triển nhiệt điện than tại KCN Đông Hồi, thị xã Hoàng Mai. Từ nay đến năm
2025, phấn đấu hoàn thành đầu tư và đưa vào vận hành tất cả các dự án thủy điện
đi vào ổn định sản xuất đạt tổng công suất 582,9 MW vào mùa khô và 1.367 MW vào
mùa mưa. Hoàn thành và đưa vào vận hành hai nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và
Quỳnh Lập 2 tổng công suất 2.400 MW với công nghệ hiện đại.
Tận dụng nguồn xỉ tro để làm vật liệu xây dựng, san lấp,
lót nền đường.
- Nâng cao chất lượng và độ tin cậy của
mạng lưới điện; Đảm bảo tỷ lệ số hộ có điện dùng trên địa bàn là 98%, nhân dân
được mua điện với giá bằng hoặc thấp hơn giá trần quy định;
90% số hộ được bán điện tại nhà.
b) Sản xuất và phân phối nước:
- Khai thác hợp lý, có hiệu quả công
suất các nhà máy, trạm cấp nước hiện có và tăng cường đầu tư mở rộng, đầu tư mới
những nơi chưa có. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch ở
thành thị đạt 100%, ở nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%, trong đó 60%
từ các công trình cấp nước tập trung.
- Xây dựng một nhà máy cấp nước ở khu
vực phía Bắc công suất 17.000 m3 ngày và một nhà máy ở khu vực phía
Nam KKT Đông Nam công suất 26.000m3/ngày; Nâng công suất Nhà máy cấp nước Hoàng Mai giai đoạn II lên
80.000m3 vào cuối năm 2020; Xây dựng thêm 4 - 5
nhà máy nước có tổng công suất 100.000 - 150.000 m3/ngày, bố trí ở khu vực các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Thái
Hòa để phục vụ các KCN tập trung đã quy hoạch và các tổ
hợp công - nông - lâm nghiệp; Xây dựng các Nhà máy nước quy mô vừa
ở các CCN khi có nhu cầu.
3.1.8. Công nghiệp sản xuất đồ uống
(Rượu - Bia - NGK)
Mục tiêu đến năm 2020, giá trị sản xuất
ngành công nghiệp đồ uống đạt 3.700 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai
đoạn 2016 - 2020 đạt 21,25%, chiếm tỷ trọng 4,74% GTSX toàn ngành công nghiệp.
Đến năm 2025, giá trị sản xuất đạt 8.522 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 18,16%, cơ bản giữ vững tỷ trọng trong cơ cấu toàn ngành ở
mức 5,16%.
- Tiếp tục tạo điều kiện để thu hút
nhà đầu tư sản xuất bia, nước giải khát mới. Mở rộng nâng công suất các doanh
nghiệp lớn đóng trên địa bàn (Habeco, Sabeco, nước tinh khiết Núi Tiên) nhằm
đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Tập trung phát triển năng lực sản xuất
bia hơi, bia lon đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, đa dạng về chủng loại và mẫu
mã, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Phấn đấu đến năm 2020, công suất sản xuất
bia đạt 350 triệu lít, 20 triệu lít nước giải khát; năm 2025 đạt 450 triệu lít
bia, 25-30 triệu lít nước giải khát các loại.
- Đầu tư nhà máy sản xuất rượu công
nghiệp có quy mô phù hợp đảm bảo vệ sinh ATTP; nhà máy rượu vang từ các loại quả
tươi gắn với phát triển các vùng nguyên liệu ở các địa phương Thái Hòa, Nghĩa
Đàn hoặc Tân Kỳ công suất 2-3 triệu lít/năm. Kêu gọi đầu tư nhà máy sản xuất nước
ngọt, nước giải khát có ga công suất 2 triệu lít/năm.
3.1.9. Công nghiệp khai thác và chế
biến khoáng sản
Phát huy thế mạnh về tiềm năng khoáng
sản trên địa bàn như: Thiếc, đá bazan, đá trắng... để thu
hút đầu tư, trong đó ưu tiên các dự án chế biến sâu tạo giá trị gia tăng cao
cho sản phẩm. Đến năm 2020, giá trị sản xuất ngành đạt
2.550 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 15,91%,
chiếm tỷ trọng 3,27% trong cơ cấu GTSX toàn ngành. Năm 2025, giá trị sản xuất đạt
4.200 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021
- 2025 đạt 10,49%, chiếm tỷ trọng 2,54%.
Tạo điều kiện để các cơ sở chế biến
khoáng sản hiện có (tinh luyện thiếc, bột đá siêu mịn)
nâng công suất và đổi mới thiết bị hiện đại đảm bảo năng lực
tinh luyện thiếc đạt 3.000 tấn/năm, bột đá siêu mịn 1 triệu tấn/năm. Mở rộng
khai trường Tân Kỳ, Quế Phong để tạo nguồn. Tập trung vào vấn đề công nghệ kỹ thuật khai thác, an toàn lao động, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Phát triển mạnh các cơ sở sản xuất đá ốp lát đạt 1 triệu m2/năm, đá
mỹ nghệ 1 triệu SP/năm.
3.1.10. Quy hoạch phát triển các
KCN tập trung, CCN, xây dựng làng nghề
a) Phát triển khu công nghiệp
Từng bước nâng cấp các khu công nghiệp
hiện có theo hướng hình thành khu công nghiệp theo dạng chuỗi (cluster), đồng
thời hoàn thiện các công trình hạ tầng đảm bảo tiêu chuẩn hiện đại. Ưu tiên
phát triển khu công nghệ cao, khu công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, công
nghiệp chuyên ngành. Xây dựng khu dịch vụ, đô thị, chung
cư và các công trình phúc lợi xã hội cho người lao động.
- Từ nay đến năm 2020, huy động
mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng các KCN
trong KKT Đông Nam (KCN Nam Cấm mở rộng, Thọ Lộc, Hoàng
Mai I, Hoàng Mai II; Đông Hồi, KCN Đô thị và Dịch vụ VSIP, KCN Đô thị và Dịch vụ
Hemaraj) và các KCN: Sông Dinh, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Tri Lễ.
- Giai đoạn 2021 - 2025, nghiên cứu
và lựa chọn địa điểm thích hợp tại khu vực gần tuyến đường Hồ Chí Minh như:
Khai Sơn (Anh Sơn) hoặc Thanh Thủy (Thanh Chương), Tân Kỳ,
Nghĩa Đàn để quy hoạch phát triển thêm 1 - 2 khu liên hợp
nông-lâm-công nghiệp khép kín sản xuất dược phẩm, chế
biến sản phẩm nông, lâm sản, súc sản... Lựa chọn một trong các địa
điểm: Thái Hòa, Nghĩa Đàn hoặc Hòa Sơn (Đô Lương) để hình thành 01 khu liên hợp
Đô thị, công nghiệp, dịch vụ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
b) Phát triển cụm công nghiệp
- Từ nay đến năm 2020, huy động các nguồn lực xây dựng đồng bộ hạ tầng
cụm công nghiệp đã quy hoạch nhằm phát huy hiệu quả thu hút đầu
tư và đảm bảo môi trường. Nghiên cứu bổ sung quy hoạch các CCN: Phúc Cường (Nam
Đàn), Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu), CCN ở Cửa Lò và một CCN chuyên ngành chế tác đá
mỹ nghệ. Lựa chọn địa điểm thích hợp để quy hoạch một số cụm công nghiệp làng
nghề nhằm di dời các hộ sản xuất kinh doanh trong làng nghề gây ô nhiễm ra khu
vực sản xuất tập trung.
- Giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục triển
khai đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN đã quy hoạch của giai đoạn trước. Khảo sát
và lựa chọn một số địa điểm phù hợp ở
các địa phương: Diễn Châu, Hoàng Mai, Nghĩa Đàn, Nam Đàn, Thanh
Chương, Đô Lương, Tương Dương để quy hoạch phát triển thêm
các CCN làm vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn trong KKT, KCN.
c) Xây dựng làng nghề
- Mở rộng quy mô các làng nghề đã có
để đảm bảo làng nghề phát triển bền vững, không chạy theo số lượng mà coi trọng
chất lượng. Tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng bằng các nguồn hỗ trợ và xã hội hoá phát triển làng nghề.
- Tiếp tục ưu tiên chỉ đạo các nghề:
Chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm; đá mỹ nghệ, ươm tơ dệt lụa; thêu ren,
móc sợi, dệt thổ cẩm; mây giang xiên; sửa chữa cơ khí. Xây
dựng mô hình làng nghề ở các huyện miền núi gắn với tiềm
năng phát triển du lịch. Phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh công nhận 155 - 160
làng nghề và năm 2025 có 180 - 190 làng nghề. 100% làng nghề được công nhận đảm
bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn lao động.
- Lao động làng nghề đến năm 2020 đạt
60.000 người; năm 2025 là 90.000 người. Tổ chức đào tạo nghề
bình quân mỗi năm đạt 9.000 - 10.000 chỉ tiêu, đến 2025 lao động trong các làng
nghề được đào tạo đạt 80-85%.
3.2. Quy hoạch phát triển theo
không gian lãnh thổ
Dựa vào tiềm năng và khả năng thực tế,
định hướng quy hoạch phát triển theo không gian lãnh thổ được
bố trí gắn với các vùng sau:
a) Đối với Thành phố Vinh và vùng ven biển (Thị xã Cửa Lò, Thị xã Hoàng Mai và dải ven biển dọc theo Quốc lộ 1A thuộc các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu): Với lợi thế về hạ tầng giao thông, cảng biển,
hạ tầng KKT Đông Nam, các KCN tập trung và nguồn lao động có trình độ, cần tập
trung bố trí phát triển một số ngành nghề gồm:
- Sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng
công nghệ mới, các sản phẩm phục vụ sinh hoạt như thiết bị văn phòng, cơ điện lạnh,...
- Công nghiệp thực phẩm, đồ uống, sản
xuất hàng tiêu dùng (may mặc, giầy dép, đồ gia dụng).
- Công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ
trợ ngành cơ khí.
- Công nghiệp sản xuất thiết bị điện
- điện tử, công nghệ thông tin và công nghiệp hỗ trợ ngành điện - điện tử,
CNTT.
- Ngành công nghiệp sản xuất và phân
phối nước.
- Xây dựng trung tâm công nghiệp công
nghệ cao và hỗ trợ công nghệ cao.
- Công nghiệp chế biến thủy sản, đóng
tàu và sửa chữa tàu thuyền.
- Phát triển khu vực Nam Cấm - Thọ Lộc
và Hoàng Mai-Đông Hồi thành các dải công nghiệp tập trung có quy mô khu vực trên cơ sở ưu tiên thu hút đầu tư một số ngành công nghiệp
công nghệ cao, vật liệu mới, công nghiệp nặng ít ô nhiễm không ảnh hưởng đến tiềm
năng du lịch biển.
b) Đối với vùng đồng bằng và khu vực
bán sơn địa (Hưng
Nguyên, Nam Đàn, một phần các huyện Nghi Lộc, Diễn
Châu): Vùng này giao thông khá thuận lợi, địa hình
tương đối bằng phẳng, nguồn lao động dồi dào và có KCN Đô thị và Dịch vụ VSIP
Nghệ An diện tích 750 ha đang tích cực xây dựng hạ tầng rất thuận lợi để
thu hút đầu tư. Định hướng phát triển các ngành:
- Ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao
động: Dệt may, da giầy, sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất hàng gia dụng.
- Ngành công nghiệp hoá chất và công
nghiệp hỗ trợ ngành hóa chất, sản phẩm cao su cao cấp,
plastic, công nghệ sinh học.
- Công nghiệp sản xuất thực phẩm, đồ
uống.
- Ngành sản xuất điện-điện tử, CNTT
và công nghiệp hỗ trợ điện tử, CNTT.
- Sản xuất vật liệu xây dựng dân dụng,
vật liệu sử dụng công nghệ mới, các sản phẩm phục vụ sinh hoạt như thiết bị văn
phòng, cơ điện lạnh,...
- Một số ngành chế biến dựa vào
nguyên vật liệu nhập nhưng không thải ra nhiều chất thải và có nguy cơ gây ô
nhiễm thấp.
- Đối với KCN Đô thị và Dịch vụ VSIP
Nghệ An, KCN Hemaraj ưu tiên thu hút đầu tư các dự án công nghiệp công nghệ
cao, các lĩnh vực cốt lõi về số hóa và công nghiệp hỗ trợ.
c) Đối với các huyện miền núi dọc
tuyến đường Hồ Chí Minh và phụ cận (gồm các huyện
Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh
Chương và hai huyện phụ cận Đô Lương, Quỳ Hợp): Với lợi
thế về đất đai rộng lớn, nguồn tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng và nguyên
liệu tại chỗ dồi dào; chú trọng phát triển một số ngành
sau:
- Khai thác và chế biến khoáng sản
(chỉ ưu tiên chế biến sâu).
- Chế biến nông sản-lâm sản, thực phẩm
gắn với phát triển vùng nguyên liệu cây, con để hình thành
các chuỗi giá trị tương đối đầy đủ bao gồm công nghiệp sản
xuất đầu vào cho nông nghiệp (phân bón, vật tư, máy móc
nông cụ, chế biến gỗ, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy,
chè, cao su, cà phê, thức ăn chăn nuôi gia súc, chế biến súc sản...).
- Công nghiệp sản xuất thực phẩm, đồ
uống (sữa, nước trái cây).
- Công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, sản
xuất máy nông nghiệp.
- Sản xuất nguyên phụ liệu dệt may,
gia công may mặc, sản xuất giầy dép.
- Khai thác và sản xuất vật liệu xây
(gạch, ngói, đá xây dựng...).
- Phát triển các ngành gắn với các
KCN: Nghĩa Đàn, Sông Dinh, Tân Kỳ.
d) Đối với khu vực miền núi cao: Tùy vào tiềm năng hiện có, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án sản
xuất công nghiệp với yêu cầu đảm bảo nghiêm ngặt về môi trường. Rà soát các dự
án thủy điện trong quy hoạch để xem xét tính hiệu quả trước khi quyết định đầu
tư. Ưu tiên thu hút các dự án chế biến nông sản, chế biến gỗ, dược phẩm, giết mổ và chế biến súc sản, sản xuất thức ăn chăn nuôi
gia súc,... đảm bảo tiêu thụ nông sản, lâm sản ổn định cho nông dân. Chú trọng
phát triển TTCN, xây dựng làng nghề gắn với tiềm năng du lịch. Phát triển hệ thống
doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX TTCN.
4. Nhu cầu vốn thực
hiện quy hoạch và cơ cấu nguồn vốn đầu tư
- Nhu cầu vốn cho phát triển công
nghiệp đến năm 2025 khoảng 356.710 tỷ đồng, tương đương 17,8 tỷ USD. Trong đó:
Giai đoạn 2017 - 2020, nhu cầu vốn đầu tư là 119.910 tỷ đồng, tương đương 5,99
tỷ USD. Giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu vốn đầu tư là 236.800 tỷ đồng, tương
đương 11,84 tỷ USD.
- Về cơ cấu nguồn vốn: Trong tổng số
vốn đầu tư đến năm 2025, vốn huy động từ ngân sách Nhà nước khoảng 20 - 30%.
Nguồn vốn này tập trung chủ yếu xây dựng hạ tầng (các công
trình giao thông, cấp điện, cấp nước, hạ tầng KCN, CCN, làng nghề), một phần vốn
dành cho phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu đổi mới
khoa học công nghệ. Nguồn vốn vay trong nước dự kiến cần vay khoảng 15 - 16% tổng
số vốn đầu tư cả thời kỳ. Nguồn vốn tự có của các doanh nghiệp và huy động
trong dân dự kiến thu hút khoảng 18 - 20%. Vốn FDI dự kiến
thu hút khoảng 33 - 34%.
5. Các giải pháp
thực hiện
5.1. Huy động và sử dụng có hiệu
quả các nguồn vốn: Tranh thủ các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA, vốn viện trợ để xây dựng các
công trình kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng Khu kinh tế,
Khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư công trình
kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp theo hình thức công - tư (PPP);
Khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng
KKT Đông Nam, các KCN, CCN.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
thông thoáng và tổ chức tốt công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư để thu hút
nguồn vốn của các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành công nghiệp nhất là công nghiệp công nghệ cao, công
nghiệp hỗ trợ.
Tạo vốn thông qua tín dụng ngân hàng,
đẩy mạnh cho vay theo hình thức bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tăng cường tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, quay nhanh vòng vốn để nâng cao hiệu
quả sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp.
5.2. Đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật: Trước mắt
ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình trọng điểm:
KCN Đô thị và Dịch vụ VSIP, KCN Hemaraj; xây dựng đường vào
Nhà máy xi măng Tân Thắng, Đường nối QL1A-Thái Hòa - Nghĩa Đàn, Đường nối N5 KKT Đông Nam đến Hòa Sơn, Đô Lương, hệ thống cảng biển Đông Hồi,
Cửa Lò,... Tranh thủ giúp đỡ từ Trung ương và hợp tác quốc tế để hình thành và xây dựng khu công nghệ cao.
Xây dựng đồng bộ hạ tầng các KCN, CCN
nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung, đầu tư các tuyến
đường vào vùng nguyên liệu, tạo nền tảng cho phát triển công nghiệp.
Đầu tư mạng lưới điện đảm bảo cung cấp
đủ điện cho sản xuất, đặc biệt là hệ thống lưới điện và trạm
biến áp để sẵn sàng phục vụ nhu cầu đối
với các cơ sở sản xuất công nghiệp quan trọng, các khu, cụm
công nghiệp.
5.3. Hoàn thiện hệ thống cơ chế
chính sách phát triển công nghiệp: Tiếp tục nghiên cứu rà soát, xây dựng bổ sung chính sách ưu đãi, hỗ trợ
đầu tư; chính sách quản lý, phát triển các KCN; chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng
hạ tầng CCN; chính sách khuyến khích phát triển TTCN, làng nghề trên địa bàn tỉnh
phù hợp với tình hình mới. Thực hiện cơ chế ưu đãi tốt nhất đối với KKT Đông
Nam và các KCN ở khu vực miền núi Nghệ An. Nghiên cứu đề xuất ban hành cơ chế
chính sách đặc thù đối với ngành công nghiệp trọng yếu, công nghiệp công nghệ
cao, công nghiệp hỗ trợ.
5.4. Giải pháp về xúc tiến và
thu hút đầu tư
- Ưu tiên nguồn kinh phí cho hoạt động
xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp, tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư tại
các trung tâm kinh tế lớn, các quốc gia. Quảng bá, tuyên truyền, phát hành các ấn
phẩm giới thiệu hình ảnh, cơ hội đầu tư, tổ chức hội nghị, hội thảo đầu tư, gặp
gỡ giao thương giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
- Thu hút có chọn lọc các nhà đầu tư
mới theo hướng ưu tiên các dự án sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ kỹ
thuật cao, công nghiệp hỗ trợ. Tiếp tục tăng cường cải cách thủ tục hành chính đảm bảo nhanh gọn và thuận lợi.
5.5. Đào tạo và nâng cao chất
lượng nguồn nhân lực
Xây dựng cơ chế đặc biệt để thu hút
nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là chính sách tiền lương, môi trường
làm việc và hỗ trợ về nhà ở, có nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần
và các điều kiện liên quan. Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao nhất các
ngành công nghệ thông tin, thiết kế, cơ khí, tự động hóa trên cơ sở phối hợp giữa doanh nghiệp với các trường đại học đóng trên địa bàn. Hình thành hệ thống các phòng thí nghiệm,
xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển các lĩnh vực
CNTT, truyền thông, công nghệ sinh học,
vật liệu mới... đủ năng lực nghiên cứu phát triển sản phẩm mới để thu hút nhân
tài.
5.6. Giải pháp về khoa học công
nghệ
Đẩy nhanh tiến độ thành lập khu công
nghệ cao để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, nhằm nghiên cứu - phát triển
và ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân lực
công nghệ cao và sản xuất kinh doanh sản phẩm công nghệ cao; đồng thời tác động
tích cực nâng cao mặt bằng công nghệ trong tỉnh. Tăng cường
hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, áp dụng công
nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ xanh vào sản xuất.
5.7. Giải pháp về thị trường và
nâng cao năng lực cạnh tranh
- Thực hiện có hiệu quả chương trình
xúc tiến thương mại hàng năm, chú trọng xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường
ngoài nước, khuyến khích các doanh nghiệp thâm nhập thị trường mới. Tạo điều kiện
cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia hội chợ, các hoạt động kết nối thị trường,
trong đó chú trọng đến các hội chợ quốc tế chuyên ngành. Liên kết các tỉnh
trong vùng hợp tác tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư,
tham gia các hoạt động phát triển thị trường thuộc Chương trình xúc tiến thương
mại Quốc gia.
- Tập trung chuyển đổi cơ cấu ngành hợp
lý, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Ưu tiên phát
triển các ngành có hàm lượng công nghệ cao, từng bước giảm
tỷ trọng các ngành gia công, sơ chế và thâm dụng khai thác tài nguyên. Hỗ trợ
doanh nghiệp trên địa bàn đổi mới công nghệ, thiết bị, nhằm
nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp.
5.8. Đảm bảo ổn định nguyên liệu
dầu vào phục vụ sản xuất
- Phát triển các vùng nguyên liệu tập
trung phục vụ cho công nghiệp chế biến, thực hiện chính sách dồn điền, đổi thửa
để tạo vùng nguyên liệu quy mô đủ lớn. Tạo điều kiện cho công nghiệp hỗ trợ
phát triển để cởi “nút thắt” về nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da-giầy,
cơ khí, điện tử... Đẩy mạnh công tác khuyến công, hỗ trợ
phát triển các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp nông thôn làm vệ
tinh cho các doanh nghiệp lớn.
5.9. Tăng cường công tác bảo vệ
môi trường
- Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý
thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các tiêu
chuẩn kỹ thuật về sản xuất sạch hơn, nâng cao hiệu quả sử
dụng nguyên nhiên liệu. Ưu tiên phát triển công nghiệp
công nghệ cao, công nghiệp xanh; hạn chế và từng bước thay thế công nghệ thiết
bị lạc hậu, những lĩnh vực gây ô nhiễm.
- Tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống xử
lý nước thải tập trung trong các KCN, CCN, đảm bảo đến năm 2020 các khu, cụm
công nghiệp hoạt động đều có hệ thống xử lý đạt quy chuẩn môi trường theo quy định. Tăng cường quản lý chất thải rắn. Thực hiện lộ trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm
môi trường nằm xen kẽ các khu dân cư vào khu, cụm công nghiệp.
- Quy định về mức chi tối thiểu bắt
buộc đối với doanh nghiệp cho công trình môi trường và không hạn chế mức chi tối
đa để doanh nghiệp chủ động thực hiện. Nâng cao năng lực thẩm định môi trường
cho đội ngũ cán bộ chuyên ngành. Lắp đặt hệ thống quan trắc tự động ở các KCN,
CCN, nhà máy nguy cơ ô nhiễm cao.
5.10. Đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản lý
- Đẩy nhanh quá
trình thực hiện Đề án chính quyền điện tử, ứng dụng rộng rãi
công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ, cung cấp thông tin, dịch vụ công trực
tuyến mức độ cao. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, xoá bỏ dần các tầng nấc trung gian, đầu mối chồng chéo nhau. Thực hiện tốt
chính sách một cửa liên thông trong thành lập và đăng ký doanh nghiệp, cấp phép
đầu tư. Xây dựng và kiện toàn đội ngũ công chức, từng bước thực hiện tiêu chuẩn
hóa theo chức danh.
- Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa
các cơ quan, ban ngành trong kiểm tra và giám sát có hiệu quả việc tổ chức triển
khai quy hoạch công nghiệp, công tác giám sát sau cấp phép đầu tư đối với các dự
án.
Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch
1. Sở Công Thương: Có trách nhiệm tổ chức công bố nội dung quy hoạch, đầu mối triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch. Kịp thời
đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp về điều hành đảm bảo quy hoạch thực
hiện có hiệu quả. Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chức năng
quản lý nhà nước ngành công nghiệp và các cơ chế chính
sách, giải pháp phát triển chuyên ngành.
2. Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam
Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên
quan, tăng cường thu hút đầu tư các dự án phát triển công nghiệp vào KKT, KCN
phù hợp với định hướng quy hoạch được duyệt. Nghiên cứu bổ sung, sửa đổi cơ chế
ưu đãi đầu tư vào KKT, KCN; tham mưu ban hành cơ chế đặc thù đối với các dự án
công nghiệp công nghệ cao.
3. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh: Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động thực hiện các công việc
liên quan đến quy hoạch phát triển công nghiệp thuộc trách nhiệm của đơn vị
mình. Phối hợp với Sở Công Thương để xử lý các vấn đề liên
quan.
4. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố, thị xã:
- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn
các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn địa phương mình quản lý để có định hướng
và kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp với mục tiêu, định hướng quy
hoạch. Đưa các nội dung quy hoạch này vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
hàng năm, kế hoạch 5 năm của từng địa phương.
- Phối hợp với Sở Công Thương, các
ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Quy hoạch được phê
duyệt.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc
các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường,
Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp, Giao thông Vận tải; Trưởng Ban Quản
lý Khu Kinh tế Đông Nam; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng
các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Các PCT UBND tỉnh;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND;
- Các PVP UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo;
- Lưu: VT, CNXD (H).
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Xuân Đường
|