ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 5117/QĐ-UBND
|
Thành
phố Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 12 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG HỘI CHỢ, TRIỂN LÃM THƯƠNG MẠI
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 14
tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn
kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm,
hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày
17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Quảng cáo ngày 21
tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Xuất bản ngày 20 tháng
11 năm 2012;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26
tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP
ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của
Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;
Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP
ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP
ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ ban hành quy định về quản lý bảo vệ kết
cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 9
năm 2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số
11/2010/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 185/2013/NĐ-CP
ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính
trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền
lợi người tiêu dùng; Nghị định số 124/2015/NĐ-CP
ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 185/2013/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 43/2017/NĐ-CP
ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng
hóa;
Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP
ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;
Căn cứ Nghị định số 81/2018/NĐ-CP
ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về
hoạt động xúc tiến thương mại;
Căn cứ Nghị định số 115/2018/NĐ-CP
ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về
an toàn thực phẩm;
Căn cứ Quyết định số
74/2008/QĐ-UBND ngày 23 tháng 10 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố ban
hành Quy định về quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố;
Xét đề nghị của Sở Công Thương tại
Tờ trình số 5952/TTr-SCT ngày 23 tháng 9 năm 2019, Tờ trình số 7159/TTr-SCT
ngày 08 tháng 11 năm 2019 và ý kiến của Sở Tư pháp tại Công văn số 6350/STP-VB
ngày 31 tháng 10 năm 2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này “Quy chế phối hợp quản lý hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại trên
địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban
nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Giao
thông vận tải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Giám đốc Sở Khoa học và Công
nghệ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc
Công an thành phố, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, Cục trưởng Cục
Quản lý thị trường thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Công Thương;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố;
- TTUB: CT, các PCT;
- VPUB:CPVP
- Trung tâm Công báo TP; TTTH (Cityweb);
- Các phòng CV, KT (2b);
- Lưu: VT, (KT/AT) MH.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Vĩnh Tuyến
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG HỘI CHỢ, TRIỂN LÃM THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5117/QĐ-UBND ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Quy chế này quy định trách nhiệm, nội
dung và phương thức phối hợp giữa các sở, ban, ngành; Cục Quản lý thị trường
thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện trong công tác quản lý nhà nước về
hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
1. Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở
Giao thông vận tải, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông
tin và Truyền thông, Sở Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế
hoạch và Đầu tư, Công an thành phố, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố;
2. Cục Quản lý thị trường thành phố;
3. Ủy ban nhân dân các quận, huyện.
Điều 3. Mục
đích, yêu cầu
1. Phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ
biến pháp luật cho thương nhân, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức và tham gia
hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn thành phố nhằm thực hiện nghiêm chỉnh
các quy định pháp luật.
2. Tăng cường phối hợp giám sát, kiểm
tra, thanh tra hội chợ, triển lãm thương mại nhằm phát hiện,
ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình tổ chức,
tham gia hội chợ, triển lãm thương mại.
3. Tăng cường quản lý nhà nước, đảm bảo
nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hoá, dịch vụ tham gia trưng bày tại hội chợ,
triển lãm thương mại; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện thuận
lợi để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh theo quy định pháp luật.
4. Phân định trách nhiệm rõ ràng,
nâng cao vai trò của các cơ quan: Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận
tải, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền
thông, Sở Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu
tư, Công an thành phố, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành
phố, Cục Quản lý thị trường thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện nhằm đảm
bảo sự đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt và kịp thời trong công tác quản lý nhà
nước về hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn thành phố.
Điều 4. Nguyên tắc
phối hợp
1. Tuân thủ các nguyên tắc phối hợp
quản lý ngành, lĩnh vực, địa phương, đảm bảo sự nhất quán, chủ động và trách
nhiệm để công tác quản lý nhà nước về hội chợ, triển lãm thương mại đạt hiệu quả
cao; tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính nhằm nâng cao chất
lượng tổ chức hội chợ, triển lãm.
2. Tuân thủ các quy định pháp luật hiện
hành và tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân tổ chức, tham gia hội chợ, triển
lãm thương mại.
3. Các cơ quan, đơn vị căn cứ vào chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định chủ động phối hợp, trao đổi thông tin
trong quá trình giải quyết công việc nhằm đảm bảo tính kịp thời, khách quan,
công khai và hiệu quả.
Điều 5. Nội dung
phối hợp
1. Cung cấp thông tin.
2. Tuyên truyền, phổ biến quy định
pháp luật, chính sách của nhà nước về hội chợ, triển lãm thương mại.
3. Thanh tra, kiểm tra.
4. Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 6. Phương thức
phối hợp
1. Trao đổi ý kiến bằng văn bản, thư
điện tử, điện thoại hoặc các phương thức phù hợp khác theo yêu cầu của cơ quan
chủ trì, cơ quan phối hợp.
2. Tổ chức họp hoặc gửi văn bản lấy ý
kiến các cơ quan phối hợp về các vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm tra,
thanh tra.
3. Tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành.
4. Tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực
hiện Quy chế này, qua đó kịp thời đề xuất bổ sung, sửa đổi những điểm chưa phù
hợp để việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị đạt hiệu quả cao.
Điều 7. Trách nhiệm
cơ quan chủ trì
1. Đề xuất nội dung cụ thể cần phối hợp,
thành phần và nhiệm vụ chi tiết của các cơ quan phối hợp.
2. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh
tra; trong đó xác định thời gian, địa điểm, nội dung kiểm tra, thanh tra và
trách nhiệm của từng cơ quan phối hợp; gửi kế hoạch kiểm tra, thanh tra cho cơ
quan phối hợp và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
3. Thủ trưởng cơ quan chủ trì ban
hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra; tổ chức
kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch đã
ban hành; thực hiện trách nhiệm và quyền hạn theo quy định.
4. Đề nghị cơ quan phối hợp cử công
chức đáp ứng yêu cầu tham gia công tác phối hợp; thông báo cho cơ quan phối hợp
về tình hình tham gia của công chức được cử tham gia phối hợp; duy trì mối liên
hệ với các cơ quan phối hợp và đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ phối hợp đã được
phân công.
5. Cung cấp thông tin, tài liệu cần
thiết theo đề nghị của cơ quan phối hợp và bảo đảm các điều kiện khác cho công
tác phối hợp.
6. Tập hợp đầy đủ và tổ chức nghiên cứu,
tiếp thu ý kiến của các cơ quan phối hợp; báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về
vấn đề còn ý kiến khác nhau.
7. Báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố
kết quả thực hiện nhiệm vụ và đề xuất phương án xử lý; chịu trách nhiệm về tiến
độ công tác kiểm tra, thanh tra và tính chính xác của báo cáo kiểm tra, thanh
tra.
Điều 8. Trách nhiệm
cơ quan phối hợp
1. Đề nghị cơ quan chủ trì cung cấp
tài liệu, thông tin cần thiết phục vụ cho công tác phối hợp.
2. Góp ý, tham gia các hoạt động phối
hợp theo kế hoạch; từ chối phối hợp nếu nội dung không liên quan đến chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan mình.
3. Phân công công chức làm đầu mối
liên lạc, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc thực hiện Quy chế này.
4. Cho ý kiến kịp thời về vấn đề mà
công chức được cử phối hợp báo cáo; được quyền bảo lưu ý kiến của cơ quan mình.
5. Tuân thủ thời hạn góp ý theo yêu cầu
của cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm về nội dung, tính
nhất quán của các ý kiến trong các hoạt động phối hợp của cơ quan mình.
6. Cung cấp và chịu trách nhiệm về
tính chính xác của thông tin, số liệu đã cung cấp.
7. Đề nghị cơ quan chủ trì điều chỉnh
thời gian phối hợp để bảo đảm chất lượng công tác phối hợp; nếu cơ quan chủ trì
không chấp thuận vì lý do bảo đảm tiến độ công việc chung thì các cơ quan phối
hợp phải tuân thủ tiến độ đó.
8. Báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố
khi cơ quan chủ trì không đề nghị tham gia các hoạt động phối hợp có liên quan
đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan mình.
Điều 9. Nhiệm vụ
của công chức được cử tham gia phối hợp
1. Được thủ trưởng cơ quan tạo điều
kiện về thời gian để hoàn thành các nhiệm vụ phối hợp.
2. Thực hiện các nhiệm vụ được phân
công; chấp hành kế hoạch công tác của cơ quan chủ trì.
3. Thường xuyên báo cáo thủ trưởng cơ
quan về công tác phối hợp; chủ động đề xuất ý kiến, xin ý kiến thủ trưởng cơ
quan khi cần thiết; tuân thủ chỉ đạo của Thủ trưởng cơ
quan trong việc trình bày ý kiến về những vấn đề thuộc chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan mình.
4. Được quyền bảo lưu ý kiến cá nhân.
Chương II
TRÁCH NHIỆM CỦA
CÁC CƠ QUAN TRONG CÔNG TÁC PHỐI HỢP
Điều 10. Phối hợp
trong công tác cung cấp thông tin
1. Sở Công Thương:
a) Định kỳ tuần cuối hàng tháng, cung
cấp qua hộp thư điện tử thông tin về hội chợ, triển lãm thương mại đã được Sở
Công Thương xác nhận hoặc không xác nhận đăng ký tổ chức trong tháng tiếp theo
cho các cơ quan nêu tại Điều 2 Quy chế này để làm căn cứ triển khai các hoạt động
phối hợp cụ thể.
b) Sau khi xử lý vi phạm hành chính đối
với hoạt động tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại, Thanh tra Sở
Công Thương gửi quyết định xử lý vi phạm hành chính cho các cơ quan có liên
quan (trong phạm vi Điều 2 Quy chế này) để phối hợp.
c) Chủ động trao đổi thông tin thường
xuyên với các cơ quan liên quan để đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa
đổi, bổ sung kịp thời quy định về hội chợ, triển lãm thương mại không còn phù hợp
thực tiễn.
2. Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở
Thông tin và Truyền thông, Sở Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an thành phố, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành
phố, Cục Quản lý thị trường thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện có
trách nhiệm gửi Quyết định Xử lý vi phạm hành chính hoặc
văn bản liên quan đến hoạt động hội chợ, triển lãm thương
mại cho Sở Công Thương và các cơ quan có liên quan để phối hợp quản lý nhà nước.
Điều 11. Phối hợp
tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật, chính sách của nhà nước về hội chợ,
triển lãm thương mại
1. Sở Công Thương chịu trách nhiệm chủ
trì, phối hợp các cơ quan liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến quy định
pháp luật, chính sách của nhà nước về hội chợ, triển lãm thương mại.
2. Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp
với Sở Công Thương và các cơ quan liên quan hướng dẫn, phổ biến các quy định
pháp luật về hội chợ, triển lãm thương mại và các quy định chuyên ngành về sản
phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng theo kế hoạch tổ chức hội chợ, triển lãm
thương mại đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua.
3. Sở Thông tin và Truyền thông có
trách nhiệm phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan
liên quan hướng dẫn, phổ biến các quy định pháp luật về hội chợ, triển lãm
thương mại và các quy định chuyên ngành về thông tin, truyền thông cho thương
nhân trong hoạt động tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại; chỉ đạo các cơ quan báo đài thành phố tuyên truyền,
phổ biến với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp đến nhân dân.
4. Sở Khoa học và Công nghệ có trách
nhiệm phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan có liên quan hướng dẫn, phổ biến
các quy định pháp luật về hội chợ, triển lãm thương mại và kiến thức, quy định
chuyên ngành về tiêu chuẩn, năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho
thương nhân trong hoạt động tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại.
5. Sở Giao thông vận tải, Sở Văn hóa
và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và
Đầu tư, Công an thành phố, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, Cục Quản lý
thị trường thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan
liên quan trong việc hướng dẫn, phổ biến các quy định pháp luật về hội chợ, triển
lãm thương mại và các quy định chuyên ngành thuộc thẩm quyền quản lý của mình
cho thương nhân trong hoạt động tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại.
6. Ủy ban nhân dân các quận, huyện có
trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp Sở Công Thương và các cơ
quan liên quan triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về
hội chợ, triển lãm thương mại và các quy định pháp luật khác có liên quan cho
thương nhân trong hoạt động tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại.
Điều 12. Phối hợp
kiểm tra, thanh tra
1. Cục Quản lý thị trường thành phố
chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch
kiểm tra và ban hành Quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành (khi cần thiết)
nhằm kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với thương nhân trong hoạt động tổ
chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại.
2. Sở Công Thương chịu trách nhiệm chủ
trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên
ngành và ban hành quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành (khi cần thiết)
nhằm thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành đối với thương nhân trong
hoạt động tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại.
3. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm phối
hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát đối với việc treo phướn, băng
rôn, pano quảng bá trên các trụ đèn chiếu sáng công cộng xung quanh khu vực tổ
chức hội chợ, triển lãm thương mại và các tuyến đường.
4. Sở Giao thông vận tải chịu trách
nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát về địa điểm tổ chức
hội chợ, triển lãm thương mại tại các tuyến đường.
5. Sở Văn hóa và Thể thao chịu trách
nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát về thực hiện quảng
cáo ngoài trời và các hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ của thương nhân
trong hoạt động tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại.
6. Sở Khoa học và Công nghệ chịu
trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, giám sát việc công
bố hợp chuẩn, công bố hợp quy đối với sản phẩm tham gia
trưng bày tại hội chợ, triển lãm thương mại.
7. Sở Thông tin và Truyền thông chịu
trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát về tài liệu
in ấn, quảng bá và các ấn phẩm khác của thương nhân phát hành trong hoạt động tổ
chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại.
8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát
trong lĩnh vực chuyên ngành của mình đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp trong hoạt động tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại (công tác bảo vệ thực vật, thú y; hướng dẫn và tổ chức thực hiện kiểm dịch nội địa về động vật,
thực vật trên địa bàn thành phố theo quy định).
9. Sở Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư
chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát trong
lĩnh vực chuyên ngành của cơ quan mình đối với thương nhân trong hoạt động tổ
chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại.
10. Ban Quản lý An toàn thực phẩm
thành phố chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám
sát về công tác an toàn thực phẩm tại hội chợ, triển lãm thương mại.
11. Công an thành phố chịu trách nhiệm
phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự và
an toàn giao thông khu vực diễn ra hội chợ, triển lãm thương mại.
12. Ủy ban nhân dân các quận, huyện
chịu trách nhiệm phối hợp Sở Công Thương và các cơ quan liên quan thực hiện việc
kiểm tra, thanh tra đối với thương nhân trong hoạt động tổ chức, tham gia hội
chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn quận, huyện trong việc chấp hành quy định
pháp luật.
Điều 13. Phối hợp
xử lý vi phạm hành chính
1. Cục Quản lý thị trường thành phố
chủ động hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan (khi được đề nghị) trong việc
xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với vi phạm pháp luật trong hoạt động
tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại.
2. Sở Công Thương chỉ đạo Thanh tra Sở
Công Thương chủ động hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan (khi được đề nghị)
trong việc xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với vi phạm pháp luật
trong hoạt động tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại.
3. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm phối
hợp với các cơ quan liên quan xử lý vi phạm hành chính về quản lý chất lượng sản
phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng theo quy định và các nội dung khác trong phạm
vi được giao quản lý.
3. Sở Văn hóa và Thể thao chịu trách
nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý vi phạm hành chính về thực hiện
quảng cáo ngoài trời và các hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ của thương
nhân trong hoạt động tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại.
4. Sở Khoa học và Công nghệ chịu
trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý vi phạm hành chính về công
bố hợp chuẩn, công bố hợp quy đối với sản phẩm tham gia trưng bày tại hội chợ,
triển lãm thương mại.
5. Sở Thông tin và Truyền thông chịu
trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý vi phạm hành chính về tài
liệu in ấn, quảng bá và các ấn phẩm khác của thương nhân trong quá trình tổ chức,
tham gia hội chợ, triển lãm thương mại.
6. Sở Giao thông vận tải, Sở Du lịch,
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an thành phố,
Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ
quan liên quan xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chuyên ngành của cơ quan
mình đối với thương nhân trong hoạt động tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm
thương mại.
7. Ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu
trách nhiệm chỉ đạo đơn vị trực thuộc chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc đề
nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật
trong hoạt động tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm thương mại trên địa bàn quận,
huyện.
Điều 14. Chế độ
họp, báo cáo
1. Căn cứ tình hình thực tế, Sở Công
Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan tại Điều 2 Quy chế này tổ chức họp để
đánh giá, rút kinh nghiệm về nội dung phối hợp; hoặc để giải quyết những vụ việc
cụ thể.
2. Định kỳ 06 (sáu) tháng, các cơ
quan có tên tại Điều 2 Quy chế này gửi báo cáo kết quả thực hiện Quy chế, kết
quả xử lý vi phạm hành chính đối với hoạt động tổ chức, tham gia hội chợ, triển
lãm thương mại thuộc thẩm quyền cơ quan mình về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Triển
khai thực hiện
1. Sở Công Thương chịu trách nhiệm chủ
trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị theo dõi, hướng dẫn và đôn đốc triển khai thực
hiện Quy chế này.
2. Sở Xây dựng,
Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông,
Sở Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố, Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, Cục
Quản lý thị trường thành phố và Ủy ban nhân dân các quận,
huyện có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Quy chế này.
3. Trong quá trình
thực hiện Quy chế, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc cần điều chỉnh, bổ sung thì các cơ quan, đơn vị liên quan có ý kiến bằng văn bản gửi
về Sở Công Thương để nghiên cứu, tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.