Điều 4. Trước khi thực hiện
giao thầu hoặc sau khi trúng thầu (nếu thực hiện phương thức đấu thầu, các công
việc, công trình nói ở Điều 1, các chủ thể đều phải ký kết hợp đồng kinh tế bằng
hình thức văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu nói ở Điều 2 bản Quy chế
này.
Điều 5. Tên gọi các hợp đồng
kinh tế nói ở Điều 4 bản Quy chế này được đặt như sau:
"Hợp đồng giao, nhận thầu
(kèm theo tên công việc cụ thể nói ở Điều 1 bản Quy chế này)". Ví dụ:
"Hợp đồng giao, nhận thầu thiết kế xây dựng công trình A".
Điều 6. Bên giao thầu nói
trong bản Quy chế này là chủ đầu tư công trình ban quản lý công trình được
thành lập hợp pháp theo đúng quy định trong Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản; hoặc
các đơn vị tổng thầu; nhận thầu chính thiết kế, khảo sát và nhận thầu chính xây
lắp có công việc, công trình giao thầu lại cho các đơn vị nhận thầu phụ hoặc
cho đơn vị nhận thầu lại. Đại diện của các chủ đầu tư hoặc các ban quản lý công
trình ký hợp đồng kinh tế phải là những người có năng lực, trình độ và kinh
nghiệm trong công tác quản lý xây dựng cơ bản.
Bên nhận thầu nói trong bản quy
chế này là các tổ chức kinh tế quốc doanh hoạch toán độc lập, có tư cách pháp
nhân đầy đủ, có đăng ký kinh doanh và đăng ký hành nghề hợp pháp. Các đơn vị
ngoài quốc doanh được phép kinh doanh các công việc trong xây dựng cơ bản, phải
có vốn pháp định tối thiểu theo quy định. Khi nhận thầu một công việc, công
trình đó kèm theo xác nhận của ngân hàng nơi mở tài khoản về số vốn hiện có đến
thời điểm hợp đồng kinh tế, hoặc có giấy tờ hợp pháp xác nhận tài sản thế chấp.
Bên giao thầu chỉ được ký hợp đồng
kinh tế với bên nhận thầu các công việc, công trình đúng với quy mô, phạm vi,
loại công việc, công trình mà đơn vị nhận thầu được phép hành nghề và đăng ký
kinh doanh.
Nghiêm cấm việc giao thầu hoặc
giao thầu lại cho những đơn vị không đủ năng lực, trình độ và điều kiện thực hiện
công việc giao thầu và nghiêm cấm việc không ký hợp đồng khi giao thầu lại.
Điều 7: Hợp đồng kinh tế
về giao thầu, nhận thầu xây dựng phải tuân thủ các nguyên tắc ký kết hợp đồng
kinh tế đã được quy định trong Pháp lệnh hợp đồng kinh tế: về người đại diện
các bên, sự uỷ quyền trong ký kết hợp đồng kinh tế, nội dung bản hợp đồng kinh
tế, hiệu lực cũng như các quy định về thanh toán, thanh lý, thanh tra...
Điều 8: Hợp đồng kinh tế
trong xây dựng cơ bản gồm những loại sau đây:
8.1 Hợp đồng tổng thể dài hạn:
được ký kết giữa bên giao thầu (chủ đầu tư công trình, ban quản lý công trình)
với tổ chức tổng thầu hoặc tổ chức nhận thầu chính thiết kế, xây lắp. Đối tượng
của loại hợp đồng này là những công việc, công trình, liên hiệp công trình có
thời gian thực hiện nhiều năm. Trong trường hợp này các bên giao thầu và nhận
thầu phải ký hợp đồng cụ thể ngắn hạn cho những công việc, công trình thực hiện
trong từng năm.
8.2 Hợp đồng cụ thể ngắn hạn: được
ký trực tiếp giữa bên giao thầu với đơn vị nhận thầu. Đối tượng của loại hợp đồng
này là những công việc, công trình có đủ hồ sơ thiết kế, dự toán và có thời
gian thực hiện dưới một năm.
8.3 Việc ký kết hợp đồng kinh tế
giao nhận thầu xây dựng giữa tổ chức tổng thầu xây dựng hoặc các tổ chức nhận
thầu chính với các tổ chức nhận thầu phụ, nhận thầu cũng phải tuân theo các quy
định của Quy chế này.
8.4 Những đối tượng xây dựng chỉ
có một công việc, một công trình (một sản phẩm cụ thể) hoặc các công trình dưới
hạn ngạch thì bên giao thầu chỉ được ký hợp đồng kinh tế với một tổ chức nhận
thầu có đủ năng lực, điều kiện thực hiện toàn bộ công việc đó, không ký trực tiếp
với nhiều đơn vị nhận thầu.
Điều 9. Nội dung bản hợp
đồng kinh tế trong xây dựng cơ bản gồm các điều khoản chủ yếu sau đây:
9.1. Địa điểm, ngày tháng năm ký
hợp đồng.
9.2. Tên, địa chỉ của đơn vị, số
hiệu tài khoản và ngân hàng giao dịch của mỗi bên.
Số hiệu, ngày, tháng, năm văn bản
xác nhận vốn đầu tư của công việc, công trình của bên giao thầu (chủ đầu tư). Số
hiệu, ngày tháng năm văn bản xác nhận vốn lưu động, vốn cố định hoặc tài sản thế
chấp của bên nhận thầu có đến thời điểm ký hợp đồng kinh tế.
9.3 Họ, tên, chức vụ người đại
diện ký hợp đồng kinh tế của mỗi bên, nếu là người được uỷ quyền phải có giấy uỷ
quyền hợp pháp và phải đính kèm theo hợp đồng kinh tế.
9.4. Nội dung công việc giao thầu
và nhận thầu: nêu rõ tên công việc, công trình; quy cách tiêu chuẩn chất lượng,
số lượng của từng công việc, từng công trình. Những hợp đồng kinh tế bao gồm
nhiều công việc, nhiều hạng mục công trình thì phải ghi rõ thành phần, quy
cách, chất lượng, số lượng từng công việc, từng hạng mục công trình.
9.5. Các yêu cầu về kỹ thuật, chất
lượng sản phẩm; yêu cầu và trình tự, thủ tục thanh lý hợp đồng.
9.6. Điều kiện và thời hạn mà
bên giao thầu giao các tài liệu cần thiết cho việc tiến hành khảo sát, thiết kế,
lập luận chứng kinh tế kỹ thuật; cũng như thời hạn, điều kiện giao mặt bằng xây
dựng, hồ sơ thiết kế, dự toán, các loại vật tư, thiết bị phải lắp đặt do bên
giao thầu chịu trách nhiệm cung cấp cho bên nhận thầu.
9.7. Giá trị của hợp đồng: nêu
rõ căn cứ để xác định giá trị hợp đồng kinh tế và giá trị của toàn bộ hợp đồng.
9.8. Thời hạn thực hiện hợp đồng:
nêu rõ thời gian bắt đầu và kết thúc công việc, từng công trình và của toàn bộ
hợp đồng.
9.9. Các quy định về nghiệm thu,
bàn giao sản phẩm nêu rõ tiến độ, lịch trình nghiệm thu, bàn giao từng công việc,
từng công trình và của toàn bộ hợp đồng.
9.10. Phương thức thanh toán:
nêu điều kiện và phương thức thanh toán (tiền mặt, séc hoặc vật tư hàng hoá) đối
với các sản phẩm xây dựng theo quy định của Nhà nước.
Trong quá trình thanh toán cần
quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của mỗi bên khi không thực hiện đúng lịch
trình, điều kiện và phương thức thanh toán đã ghi trong hợp đồng hợp đồng.
9.11. Quy định về bảo hành sản
phẩm: nêu rõ trách nhiệm của từng bên trong việc bảo hành từng công việc, từng
công trình cũng như bảo hành toàn bộ sản phẩm sau khi bàn giao.
9.12. Quy định về thưởng, phạt
trong quá trình thực hiện hợp đồng kinh tế.
9.13. Những quy định về thanh lý
hợp đồng kinh tế.
9.14. Những thoả thuận khác về
các điều kiện đặc biệt khi thực hiện hợp đồng kinh tế.
Nội dung bản hợp đồng kinh tế
trong xây dựng cơ bản, không được trái với các nội dung đã quy định trong Pháp
lệnh hợp đồng kinh tế; đồng thời phải phù hợp với các quy định về quản lý chất
lượng, giá cả, thanh toán, bảo hành... các sản phẩm xây dựng do các cơ quan có
thẩm quyền ban hành.
Điều 10. Về nội dung, số
lượng, khối lượng công việc ghi trong hợp đồng phải thể hiện các đặc thù của sản
xuất, sản phẩm xây dựng.
10.1. Đối với công tác khảo sát
xây dựng: phải căn cứ vào phương án khảo sát được duyệt, quy trình công nghệ khảo
sát và mục đích khảo sát.
10.2. Đối với công tác thiết kế:
phải căn cứ vào năng lực, đặc trưng kỹ thuật xây dựng, công nghệ và địa điểm
xây dựng của công trình ghi trong luận chứng kinh tế - kỹ thuật (hoặc dự án đầu
tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt).
10.3. Đối với công tác xây lắp:
phải căn cứ vào tiên lượng, khối lượng của thiết kế bản vẽ thi công.
Trong trường hợp đang thực hiện
hợp đồng kinh tế đã ký, có những khối lượng phát sinh thì bên giao thầu phải
làm đủ thủ tục bổ sung khối lượng phát sinh để ghi vào hợp đồng kinh tế.
Điều 11. Về yêu cầu kỹ
thuật chất lượng của sản phẩm: phải phù hợp với các quy định về kỹ thuật xây dựng,
chất lượng của từng công việc, từng công trình.
11.1. Đối với công tác khảo sát
xây dựng: phải thực hiện đúng quy trình, quy phạm, đạt các thông số kỹ thuật đã
nêu trong yêu cầu, phương án khảo sát.
11.2. Đối với công tác thiết kế
xây dựng: phải theo đúng nội dung các bước thiết kế, đủ các hồ sơ thiết kế dự
toán của công trình, có các chỉ dẫn chi tiết bảo đảm cho người sử dụng đọc và
thực hiện đúng ý đồ của tác giả thiết kế.
11.3. Đối với công tác xây lắp:
phải thực hiện đúng theo thiết kế, đúng chủng loại vật tư, bảo đảm sự bền vững
và chính xác của các kết cấu xây dựng và thiết bị lắp đặt.
Điều 12. Về điều kiện và
thời hạn giao các tài liệu cần thiết cho công tác khảo sát, thiết kế cũng như
giao mặt bằng, hồ sơ thiết kế dự toán, vật tư và thiết bị cần lắp đặt cho bên
nhận thầu xây lắp.
12.1. Các yêu cầu và tài liệu cần
thiết cho công tác khảo sát, thiết kế, lập luận chứng kinh tế kỹ thuật... phải
được bên giao thầu đưa trước cho bên nhận thầu, bảo đảm bên nhận thầu đủ thời
gian nghiên cứu và thực hiện tốt các yêu cầu của bên giao thầu.
12.2. Điều kiện và thời gian
giao mặt bằng xây dựng: phải ghi rõ giao tổng thể 1 lần từ đầu hoặc giao từng đợt
theo tiến độ xây dựng công trình. Thời gian giao mặt bằng phải bảo đảm cho bên
nhận thầu đủ thời gian xây dựng khu phụ trợ, các cơ sở phục vụ thi công.
12.3. Điều kiện và thời gian
giao hồ sơ thiết kế, dự toán, phải phù hợp với tiến độ xây dựng công trình, bảo
đảm cho đơn vị thi công có đủ thời gian xem xét thiết kế, dự toán và lập biện
pháp thi công chi tiết ở công trình.
12.4. Việc cung cấp vật tư, thiết
bị lắp đặt: Phải đúng chủng loại, theo khối lượng của tiến độ xây dựng, bảo đảm
đủ thời gian dự trữ cần thiết, có thời gian để kiểm tra, bảo dưỡng hoặc tu chỉnh
lại các chi tiết hỏng, thiếu trước khi lắp đặt.
Điều 13. Tất cả các công
việc, công trình xây dựng đều phải xác định được giá thì mới tiến hành ký kết hợp
đồng kinh tế giao nhận thầu, trừ trường hợp đặc biệt được Chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng cho phép.
Điều khoản về giá trong hợp đồng
kinh tế phải tuân thủ các quy định sau:
13.1. Giá trị toàn bộ hợp đồng
kinh tế giao, nhận thầu công việc, công trình không được vượt quá tổng dự toán
được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
13.2. Tổng cộng giá trị các hợp
đồng cụ thể từng công việc ở công trình không được vượt quá tổng cộng giá trị dự
toán đã được phê duyệt ở công trình đó,
13.3. Giá trị các hợp đồng cụ thể
trong từng năm, từng quý phải phù hợp với kế hoạch tài chính đầu tư xây dựng cơ
bản, kế hoạch tiến độ từng công việc, công trình đã được phê duyệt.
13.4. Giá cả phải được xác định
theo các định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá xây dựng cơ bản, tỷ lệ chi phí
khác, do các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Trường hợp một số công việc chưa
có định mức, đơn giá được cấp có thẩm quyền ban hành, thì hai bên giao thầu và
nhận thầu căn cứ vào những quy định hiện hành để thoả thuận đơn giá tạm tính để
ghi vào hợp đồng kinh tế. Đơn giá được cấp có thẩm quyền duyệt mới là căn cứ
chính thức để thanh toán và thanh lý hợp đồng kinh tế. Khi có phát sinh về giá
cả, bên giao thầu phải làm thủ tục xin duyệt bổ sung dự toán thì mới được điều
chỉnh, bổ sung giá trị của hợp đồng kinh tế.
Điều 14. Điều khoản về thời
gian thực hiện hợp đồng:
14.1. Đối với hợp đồng tổng thể
cho toàn bộ công trình phải phù hợp với tổng tiến độ xây dựng công trình đã nêu
trong luận chứng kinh tế - kỹ thuật.
14.2. Đối với các hợp đồng cụ thể
từng công việc (khảo sát, thiết kế, xây lắp...) hoặc những hợp đồng ký kết
trong năm ở từng công trình vừa phải bảo đảm tổng tiến độ vừa phải bảo đảm đúng
các bước của trình tự xây dựng cơ bản.
Điều 15. Việc thanh toán
sản phẩm vừa hoàn thành: phải theo đúng các quy định về thanh toán sản phẩm xây
dựng cơ bản hoàn thành theo từng loại công tác.
15.1. Đối với công tác khảo sát,
thiết kế xây dựng được thực hiện tương ứng với khối lượng khảo sát, hồ sơ thiết
kế của bên nhận thầu đã hoàn thành được bên giao thầu nghiệm thu.
15.2. Đối với công tác xây lắp:
thanh toán theo giá trị thực hiện trong tháng (nếu thực hiện theo phương thức
giao thầu hoặc khoán gọn); hoặc thanh toán theo quy định trong quy chế đầu thầu.
15.3. Đối với thiết bị công nghệ:
căn cứ vào hợp đồng mua, bán thiết bị và chứng từ thanh toán tiền của bên bán.
Các công việc, khối lượng hoàn thành, phải có biên bản nghiệm thu, phiếu giá
theo đúng quy định của Nhà nước. Nếu chưa có hoặc không có thì nhất thiết không
được thanh toán.
Điều 16. Các điều khoản về
bảo hành công trình, sản phẩm xây dựng phải tuân thủ các quy định của Nhà nước.
16.1. Đối với công tác khảo sát,
thiết kế thì chủ nhiệm đồ án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng
công việc của mình. Mọi hư hỏng, lãng phí do công tác khảo sát, thiết kế gây ra
thì chủ nhiệm đồ án phải chịu trách nhiệm.
16.2. Các tổ chức xây lắp chịu
trách nhiệm toàn bộ về chất lượng xây dựng công trình theo đúng đồ án thiết kế.
16.3. Các cán bộ giám sát kỹ thuật,
chất lượng (của Nhà nước , của chủ đầu tư) chịu trách nhiệm trước pháp luật những
ý kiến kết luận của mình về chất lượng công trình, sản phẩm.
Điều 17. Trong những trường
hợp cần thiết, các bên ký kết hợp đồng giao, nhận thầu xây dựng cơ bản có thể bổ
sung các điều khoản vào bản hợp đồng kinh tế về những biện pháp nhằm bảo đảm thực
hiện hợp đồng như: thế chấp, cầm cố tài sản, đặt tiền ký giữ của bên nhận thầu.
Điều 18. Các bên ký kết hợp
đồng kinh tế có thể ký kèm theo bản hợp đồng kinh tế các bản phụ lục bổ sung hợp
đồng để chi tiết hoá các điều khoản về nội dung công việc, yêu cầu về chất lượng,
kỹ thuật xây dựng, thời hạn thực hiện, thưởng phạt, bảo hành, thanh toán, thanh
lý... hợp đồng kinh tế. Bản phụ lục bổ sung hợp đồng là một bộ phận không tách
khỏi hợp đồng và có giá trị pháp lý như bản hợp đồng kinh tế hai bên đã ký kết.