Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 252/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 13/02/2014 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

S: 252/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 02 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ vào Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;

Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

I. VỊ TRÍ, VAI TRÒ

- Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang) là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước; là địa bàn có vai trò cầu nối với các khu vực đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây Nguyên; đi đầu trong hội nhập, mở rộng giao thương, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.

- Là vùng đi đầu phát triển trong một số ngành sản xuất và dịch vụ tiên tiến, nhất là các ngành sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất phần mềm, các dịch vụ thương mại, logistics, tài chính, viễn thông, du lịch góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh quốc tế, tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

- Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà hạt nhân là thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm dịch vụ tầm cỡ khu vực Đông Nam Á về tài chính, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế.

- Là trung tâm giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao các Vùng lân cận và cả nước; đồng thời là trung tâm chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

- Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; đảm bảo thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực. Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thành vùng động lực thúc đẩy phát triển với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước; là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại lớn của đất nước và khu vực.

- Phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong Vùng, nhất là lợi thế về sản xuất công nghiệp, dịch vụ. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; trong đó khu vực thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương là địa bàn trọng điểm, phát huy vai trò động lực và lan tỏa phát triển cho các địa phương khác trong vùng và cả nước.

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế Vùng theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, tập trung ưu tiên đầu tư các ngành có tiềm năng, lợi thế, có năng suất lao động và hàm lượng tri thức cao, gắn liền với việc đẩy mạnh liên kết giữa các ngành, thành phần kinh tế và giữa các địa phương.

- Tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế cho Vùng và cả nước. Nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo với cơ cấu ngành nghề và trình độ hợp lý theo nhiều hình thức.

- Phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo công bằng xã hội, giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các địa phương trong vùng, nhất là đồng bào nghèo, dân tộc thiểu số.

- Phát triển bền vững, hài hòa giữa các mục tiêu về phát triển kinh tế, phát triển xã hội và cải thiện môi trường sinh thái với việc bảo vệ và phát triển rừng; phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường đô thị, nguồn nước và không khí.

- Gắn phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu đến năm 2020:

- Mục tiêu tổng quát: Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thành vùng phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao và bền vững. Là vùng kinh tế động lực đầu tàu; là trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học chất lượng cao của cả nước và khu vực. Là vùng có cơ cấu kinh tế và không gian phát triển hài hòa; có hệ thống đô thị tổng hợp tầm quốc gia và khu vực, trong đó thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ ngang tầm với các quốc gia trong khu vực.

- Mục tiêu cụ thể:

+ Về phát triển kinh tế:

. Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011 - 2015 đạt 8,0 - 8,5%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 8,5 - 9,0%/năm. Đến năm 2020 các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 95 - 96% tổng GDP, trong đó tỷ trọng khu vực dịch vụ đạt khoảng 44%. GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 3.900 - 4.000 USD; đến năm 2020 đạt trên 5.000 USD.

. Tăng giá trị xuất khẩu bình quân đầu người lên 3.700 USD năm 2015 và 5.400 USD năm 2020. Đóng góp khoảng 55 - 60% thu ngân sách cả nước thời kỳ 2011 - 2020. Tốc độ đổi mới công nghệ đạt bình quân khoảng 20%/năm; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt khoảng 85%.

+ Về phát triển xã hội:

. Đến 2020 ổn định số dân khoảng 21-22 triệu người; tỷ lệ đô thị hóa đạt 65%. Giải quyết việc làm hàng năm cho khoảng 34 - 35 vạn lao động; tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân khoảng 2%/năm.

. Phấn đấu đạt 400 sinh viên có trình độ cao/1 vạn dân vào năm 2015 và 450 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2020. Thực hiện nâng cao một bước sức khoẻ của người dân, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 10% năm 2015 và 8% năm 2020.

+ Về bảo vệ môi trường:

. Tỷ lệ che phủ rừng và cây lâu năm đạt trên 45% đến năm 2020.

. Đến năm 2015: 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; 100% các khu công nghiệp hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 95% chất thải rắn được thu gom; xử lý trên 90% chất thải nguy hại và 100% chất thải y tế. Đến năm 2020: 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% chất thải rắn và chất thải nguy hại được xử lý.

. Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96% năm 2015 và 98% năm 2020; thành thị đạt 97% năm 2015 và 99% năm 2020.

+ Về an ninh, quốc phòng:

. Tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội tại cơ sở, phòng, chống các tệ nạn xã hội; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tiến tới xây dựng các địa bàn trong vùng trở thành địa bàn văn minh, lịch sự, có đời sống văn hóa xã hội lành mạnh.

. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục và vận động quần chúng chấp hành nghiêm chỉnh Luật pháp của Nhà nước nhằm hạn chế, đẩy lùi tai nạn giao thông.

. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội.

b) Định hướng đến năm 2030:

- Tầm nhìn tổng quát:

Đến năm 2030, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục là vùng kinh tế phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao và điển hình về phát triển bền vững, đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức; là vùng kinh tế động lực đầu tàu của cả nước, trung tâm kinh tế của khu vực và châu Á; là trung tâm thương mại tài chính, dịch vụ tầm quốc tế, trong đó trọng tâm phát triển Vũng Tàu trở thành Đô thị du lịch; trung tâm công nghiệp công nghệ cao với trình độ chuyên môn hóa cao; đồng thời là trung tâm văn hóa - đào tạo - y tế chất lượng cao, là vùng có cảnh quan và môi trường tốt. Có cơ cấu kinh tế hiện đại và cơ cấu không gian hợp lý, là chùm đô thị lớn với chức năng đô thị tổng hợp cấp quốc gia, trong đó thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ; có hệ thống các cơ sở văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế và thể dục thể thao ở trình độ cao so với khu vực và cả nước.

- Các lĩnh vực cụ thể:

+ Về kinh tế: Tốc độ tăng GDP bình quân khoảng 8,0 - 8,5%/năm thời kỳ 2021 - 2030. GDP năm 2030 gấp khoảng 2,2 lần so với năm 2020. GDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 12.200 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng bền vững, hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức. Tỷ trọng khu vực dịch vụ năm 2030 chiếm trên 50%. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu thời kỳ 2021 - 2030 đạt 8 - 10%/năm.

+ Về phát triển các lĩnh vực xã hội:

. Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 25 triệu người. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 75 - 80%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 90%. Lao động trong các khu vực dịch vụ và công nghiệp - xây dựng chiếm trên 90% tổng số lao động. Giải quyết việc làm trung bình hàng năm khoảng 20 - 22 vạn người thời kỳ 2021 - 2030. Duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức 3,5% năm 2030; nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian lao động khu vực nông thôn.

. Sức khỏe của nhân dân trong vùng được nâng cao và cải thiện đáng kể cả thể trạng, tầm vóc được cải thiện, tuổi thọ trung bình đạt 78 - 80 tuổi. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống dưới 3%.

. Văn hóa truyền thống, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn. Những công trình văn hóa lớn, tiêu biểu của vùng được kiến tạo và xây dựng hiện đại. Mạng lưới an sinh xã hội rộng khắp, đa dạng và hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo khoảng 2%, có trên 70% người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

+ Về kết cấu hạ tầng đô thị:

. Có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại. Hệ thống vận tải hành khách công cộng đa dạng, văn minh và an toàn kết nối thành phố Hồ Chí Minh với các đô thị vệ tinh, các huyện và với các đô thị ngoài vùng.

. Đảm bảo 100% người dân có nhà ở với tiện nghi sinh hoạt cần thiết phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội của từng tỉnh, thành phố trong vùng với diện tích nhà ở bình quân đầu người khu vực đô thị đạt từ 20 - 25 m2/người. Nhà ở, đất ở khu vực nông thôn được quy hoạch hợp lý, có môi trường sống tốt và điều kiện làm việc thuận tiện theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

. Hệ thống lưới điện được hiện đại hóa, đảm bảo vận hành hiệu quả, an toàn; có 100% hệ thống cáp điện, cáp thông tin ở các thành phố, thị xã được ngầm hóa; hệ thống chiếu sáng tại các đô thị được xây dựng theo tiêu chuẩn. Trên 70% dân số sử dụng Internet. 100% hộ dân cư được cung cấp nước sạch sinh hoạt. Tình trạng ngập úng ở khu vực đô thị cơ bản được giải quyết.

+ Về môi trường: Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý rác thải, chất thải, nước thải đạt chuẩn môi trường. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên và các không gian phát triển theo hướng bền vững.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC

1. Công nghiệp:

Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao và công nghiệp hỗ trợ. Phấn đấu tốc độ tăng ngành công nghiệp khoảng 8,5 - 9% giai đoạn 2011 - 2015 và 8,5 - 9% giai đoạn 2016 - 2020; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GDP khoảng 49% năm 2020.

- Ưu tiên phát triển nhanh các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và tạo nhiều giá trị gia tăng. Chuyển hướng mạnh mẽ từ phát triển công nghiệp theo chiều rộng sang phát triển công nghệ hiện đại với hàm lượng khoa học công nghệ cao. Ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin trở thành ngành mũi nhọn. Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao tính chủ động trong sản xuất và giá trị quốc gia trong sản phẩm như sản xuất linh kiện, phụ liệu sửa chữa, bảo dưỡng.

- Tiếp tục phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế như: dầu khí, thép, cơ khí, điện, phân bón, hóa chất, công nghiệp vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp thực phẩm; sản xuất hàng tiêu dùng, dệt may, giầy da, nhựa.

- Đẩy mạnh đầu tư xây dựng các khu công nghiệp và khu chế xuất theo quy hoạch. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp gắn với xây dựng đồng bộ các điểm dân cư mới phù hợp quy hoạch phát triển đô thị của mỗi địa phương, đảm bảo điều kiện sống cho người lao động. Hình thành vành đai công nghiệp - đô thị của Vùng, hạn chế phát triển thêm các khu công nghiệp trong khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh; chuyển dần các cơ sở công nghiệp sang khu vực còn dư địa phát triển, nhất là các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Phước, Tiền Giang. Tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào để phát triển tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ và đô thị theo mô hình đô thị công nghệ cao tại Long Thành, thành phố mới Phú Mỹ, Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương.

2. Khu vực dịch vụ:

Phát triển các ngành dịch vụ với tốc độ nhanh, chất lượng cao và bền vững. Phấn đấu đạt mức tăng trưởng khu vực dịch vụ khoảng 10 - 10,5%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và 8,5 - 9% giai đoạn 2016 - 2020; nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP của vùng lên 49 - 50% vào năm 2020.

- Tập trung phát triển các ngành dịch vụ: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; Vận tải và kho vận quốc tế; Viễn thông, công nghệ thông tin; Du lịch; Y tế (đặc biệt dịch vụ y tế kỹ thuật cao); Giáo dục, đào tạo.

- Phát triển thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại, hiện đại, đồng bộ, hợp lý để phát triển dịch vụ phân phối, bao gồm mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, kho bãi..

- Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân, trở thành trung tâm dịch vụ tầm khu vực Đông Nam Á, phát triển đồng bộ các loại hình dịch vụ về tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế, viễn thông, vận tải biển. Phát triển thành phố Vũng Tàu là trung tâm du lịch, trung tâm dịch vụ khai thác dầu khí cấp quốc gia và quốc tế. Xây dựng đô thị Biên Hòa và Thủ Dầu Một, là trung tâm dịch vụ lớn về phát triển công nghiệp. Các thị xã, thành phố tỉnh lỵ như Tây Ninh, Đồng Xoài, Tân An, Mỹ Tho là các trung tâm dịch vụ và là đầu mối kết nối với các tỉnh vùng Tây Nguyên và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Xây dựng đồng bộ các khu kinh tế cửa khẩu ở Tây Ninh, Bình Phước và Long An bao gồm cả hệ thống kho ngoại quan, cụm kho lưu hàng tạm nhập tái xuất, bãi kiểm hóa... nhằm phát triển mạnh quan hệ buôn bán, xuất nhập khẩu với Campuchia và các nước khác trong khu vực.

- Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng. Thúc đẩy tăng trưởng du lịch theo hướng bền vững, tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng dịch vụ, xây dựng hình ảnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như một điểm đến an toàn, thân thiện với nhiều sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn. Phát triển du lịch đồng bộ, cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa, đảm bảo đạt hiệu quả cao về kinh tế, chính trị và xã hội; lấy phát triển du lịch quốc tế là hướng chiến lược lâu dài, du lịch nội địa là then chốt. Tập trung phát triển du lịch MICE gắn với văn hóa, lễ hội, giải trí; du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch giải trí cuối tuần, du lịch thể thao, du lịch mua sắm và du lịch gắn với cửa khẩu. Hoàn thành quy hoạch các khu, điểm du lịch quốc gia trên địa bàn Vùng. Mục tiêu đến năm 2015, vùng KTTĐ phía Nam đón khoảng 18 triệu lượt khách, trong đó có 4,5 triệu khách du lịch quốc tế; năm 2020 tương ứng sẽ là 21,5 triệu (trong đó khách quốc tế là 5,5 triệu); tổng thu từ du lịch năm 2015 là 3.200 triệu USD và năm 2020 đạt khoảng 5.300 triệu USD.

3. Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản:

- Phát triển nông nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam toàn diện, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa lớn với hình thức tổ chức sản xuất và kỹ thuật hiện đại. Chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích.

- Tạo chuyển biến mạnh mẽ cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa; phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cải thiện chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn, ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật trong các khâu sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Xây dựng vùng thành một trung tâm giống quốc gia với các cơ sở nghiên cứu thực nghiệm, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, đầu mối tiếp nhận, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng thương hiệu cho một số nông sản có thế mạnh và đặc trưng của vùng.

- Thiết lập lâm phần ổn định theo hướng phát triển rừng cùng với các loại cây công nghiệp dài ngày góp phần cải thiện môi trường sinh thái, phát triển bền vững; củng cố và bảo vệ hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn cho các hồ đập và thủy điện, rừng phòng hộ môi trường cho các khu công nghiệp, các thành phố lớn và phòng hộ ven biển. Bảo vệ các khu rừng để duy trì các hệ thực vật, động vật và đa dạng sinh học, các nguồn gen quí hiếm, đặc biệt là khu vực rừng đầu nguồn, rừng chắn gió chắn sóng ven biển, rừng ngập mặn.

- Mở rộng quy mô nuôi trồng theo phương thức thâm canh và bán thâm canh, đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, nâng cao hiệu quả trong khai thác, chế biến và nuôi trồng thủy, hải sản. Duy trì và nâng cấp đội tàu khai thác thủy, hải sản xa bờ trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

4. Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng:

a) Giao thông vận tải

- Đẩy nhanh xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc. Đến năm 2020 hoàn thành khoảng 580 km đường bộ cao tốc; 80% đường giao thông nông thôn được cứng hóa mặt. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm để giải quyết ùn tắc giao thông và phát triển đô thị.

- Hoàn thành nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Bắc - Nam và khu đầu mối thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng đường sắt kết nối với các cảng biển, khu kinh tế lớn; mở mới các tuyến đường sắt kết nối nội vùng và đồng bằng sông Cửu Long; nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào thời điểm thích hợp.

- Cải tạo, nâng cấp và hoàn thành đưa vào cấp kỹ thuật các luồng tuyến vận tải thủy nội địa; nâng cấp và đầu tư có chiều sâu các cảng sông. Chuyển đổi công năng một số cảng hàng hóa phù hợp với quy hoạch đô thị để phục vụ vận tải khách và du lịch.

- Nâng cấp các cảng hàng không hiện có để đáp ứng nhu cầu trong từng thời kỳ; hoàn thành xây dựng đưa vào khai thác giai đoạn I cảng hàng không quốc tế Long Thành.

b) Cấp điện và bưu chính viễn thông

- Tập trung triển khai xây dựng và hoàn thành các nhà máy điện, mạng lưới phân phối điện đồng bộ, phù hợp với Tổng sơ đồ phát triển Điện lực 7 và tiến độ vận hành các nhà máy điện. Nghiên cứu áp dụng lưới điện thông minh, công nghệ hiện đại trong việc kết nối và điều tiết, hòa mạng đồng bộ với hệ thống lưới điện quốc gia và khu vực.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại, đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị trung tâm. Phát triển ngành bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin theo hướng đa dạng hóa dịch vụ, mở rộng phạm vi và không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ. Phát triển bưu chính đạt trình độ hiện đại ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực. Ứng dụng rộng rãi và hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, các ngành kinh tế, các lĩnh vực xã hội, văn hóa và an ninh quốc phòng.

c) Cấp, thoát nước: Xây dựng hoàn thiện hệ thống cấp nước, đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt cho các đô thị, khu dân cư và khu công nghiệp. Tập trung giải quyết tiêu thoát nước cho các khu đô thị, chống ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là hạ lưu sông Đồng Nai - Sài Gòn. Giảm thiểu tổn thất lũ bão cho các vùng hạ du, ven biển. Từng bước giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại thành phố Hồ Chí Minh và tiêu thoát nước cho các khu đô thị.

d) Thủy lợi: Kiên cố hóa hệ thống các công trình thủy lợi trong vùng nhằm cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Xây dựng các công trình chuyển nước từ lưu vực sông Đồng Nai sang vùng đồng bằng sông Cửu Long vào mùa khô qua sông Vàm Cỏ phục vụ sản xuất về mùa khô; Tập trung giải quyết cấp nước sản xuất cho các vùng thiếu nước về mùa khô nhằm ngăn mặn xâm nhập sâu, nhất là vùng ven sông Sài Gòn. Kiên cố hóa hệ thống đê sông, đê biển nhằm phòng tránh có hiệu quả thiên tai và bảo đảm sản xuất của nhân dân.

5. Các lĩnh vực xã hội:

a) Đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm và an sinh xã hội:

- Đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng trên cả 3 mặt (trình độ chuyên môn cao, sức khỏe và phẩm chất đạo đức) và cơ cấu ngành hợp lý. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận công nghệ hiện đại.

- Tiếp tục đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỉ trọng và số lượng lao động trong nhóm ngành nông lâm ngư nghiệp, tăng qui mô và tỉ trọng lao động phi nông nghiệp phù hợp với quá trình phát triển kinh tế để tăng nhanh năng suất lao động xã hội. Chú trọng tạo việc làm gắn với nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống người lao động. Bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 34-35 vạn lao động.

- Phát triển đào tạo nguồn nhân lực gắn với phát triển của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Triển khai đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các Chương trình, dự án giảm nghèo; tạo cơ hội cho hộ nghèo tiếp cận các chính sách trợ giúp về đất đai, tín dụng, dạy nghề; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập để thoát nghèo bền vững.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Đảm bảo mọi người dân tiếp cận bình đẳng đối với các dịch vụ cơ bản và phúc lợi xã hội, được tạo điều kiện phát triển toàn diện và hòa nhập tốt với cộng đồng; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ các nhóm dân cư yếu thế.

- Thực hiện tốt chính sách xã hội, chăm sóc người có công với nước, chăm lo đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách; đẩy mạnh các hoạt động từ thiện, nhân đạo hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

b) Giáo dục, đào tạo:

- Phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và giáo dục toàn diện, tạo chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả và quy mô. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển vùng và cả nước, nhất là nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực mũi nhọn.

- Đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao có uy tín quốc tế. Ưu tiên đầu tư cho các trường đại học trọng điểm trong Vùng để nhanh chóng tiếp cận với trình độ đào tạo của khu vực trong một số lĩnh vực thế mạnh. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực vào phát triển giáo dục đào tạo, mở rộng hợp tác, liên kết trong và ngoài nước đi đôi với đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.

- Ưu tiên, tập trung đầu tư cho 8 trường dạy nghề chất lượng cao với các nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu về lao động chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề.

c) Y tế:

- Tập trung phát triển các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ y học đạt trình độ cao trong khu vực nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, tiếp nhận chuyển giao khoa học và nhu cầu khám chữa bệnh.

- Phát triển các trung tâm y tế và bệnh viện cấp vùng theo hướng hiện đại, kỹ thuật cao; Xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu tại thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng, nâng cấp các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp tỉnh đạt chuẩn bệnh viện hạng I nhằm đáp ứng cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

- Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế dự phòng theo hướng thu gọn đầu mối, tăng cường hiệu quả, đủ năng lực dự báo, phát hiện sớm, khống chế kịp thời dịch bệnh, kiểm soát các yếu tố nguy cơ phổ biến ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện và nâng cao năng lực mạng lưới y tế xã, phường để người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu có chất lượng ngay tại cộng đồng, bảo đảm 90% trạm y tế xã có bác sỹ và trên 80% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.

d) Văn hóa, thể dục thể thao:

- Phát triển đồng bộ hệ thống các công trình văn hóa cấp tỉnh, huyện và xã. Phấn đấu toàn vùng có 100% ấp, làng, khu phố có nhà văn hóa cộng đồng và khu hoạt động thể thao đạt quy định; 80% di tích cấp quốc gia và tỉnh, thành phố được tu bổ, tôn tạo. Phát triển hệ thống các công trình văn hóa, thể thao ven các khu công nghiệp.

- Hoàn thành xây dựng Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc thành phố Hồ Chí Minh và một số công trình văn hóa tiêu biểu mang đặc trưng Vùng.

- Đến năm 2020 có 30 - 35% dân số luyện tập thể dục thể thao thường xuyên. Tiếp tục duy trì, phát triển và nâng cao chất lượng các môn thể thao thành tích cao ở một số bộ môn như bóng đá, bóng chuyền, quần vợt...

6. Khoa học và công nghệ

- Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ trong vùng, tăng cường đầu tư cho các Viện nghiên cứu đầu ngành, trung tâm khoa học và công nghệ, các phòng thí nghiệm trọng điểm, các cơ sở ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Xúc tiến đầu tư vào Khu công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng thêm một số khu công nghệ cao tại các địa bàn có điều kiện.

- Phát huy vai trò đầu tàu trong phát triển khoa học công nghệ cả nước. Tăng cường đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ mới, công nghệ cao, hiện đại; ưu tiên công nghệ sạch, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa và công nghệ vật liệu mới, đẩy nhanh đầu tư phát triển khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển.

7. Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường:

- Sử dụng quỹ đất hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững. Khai thác, sử dụng đất phải đúng mục đích, quy mô và tuân thủ chặt chẽ tiêu chí, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đã quy định trong các quy hoạch chuyên ngành, phù hợp với quy hoạch tổng thể, kế hoạch sử dụng đất từng thời kỳ trên địa bàn tỉnh, thành phố và trên toàn vùng. Nâng cao giá trị của đất và hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích, tăng nguồn thu từ đất, tạo ra nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

- Bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Kiểm soát hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản; thiết lập hệ thống quan trắc chất lượng nước; xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước thải, hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn, nhất là chất thải nguy hại tại các đô thị, các khu công nghiệp.

8. Quốc phòng - an ninh:

- Tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc. Xây dựng các lực lượng vũ trang vững mạnh; đội quân thường trực chính quy - hiện đại, phát triển dân quân và tự vệ phù hợp với từng khu vực phòng thủ. Chú trọng xây dựng lực lượng tự vệ biển và tăng cường khả năng phòng thủ bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên các vùng biển đảo, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội các vùng biển đảo và ven biển.

- Xây dựng lực lượng tinh nhuệ, giỏi về nghiệp vụ, vững vàng về chính trị, đi đôi với tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị. Củng cố thế trận an ninh nhân dân, tăng cường lực lượng tuyến xã, đảm bảo không để xảy ra tình huống bất ngờ. Phối hợp các lực lượng nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm và bài trừ các tệ nạn xã hội.

IV. PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ VÀ TỔ CHỨC LÃNH THỔ VÙNG

1. Phát triển và phân bố hệ thống đô thị:

- Tạo sự liên kết mang tính hệ thống giữa các đô thị trong vùng. Hình thành cơ cấu đa trung tâm nhằm tạo động lực để phát triển các vùng xung quanh, đồng thời giảm áp lực cho khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.

- Phát triển các đô thị: Vũng Tàu, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh, đóng vai trò là các cực phát triển trong hệ thống đô thị của Vùng.

- Phát triển các đô thị vệ tinh: Nhơn Trạch, Long Thành, Tam Phước, Hiệp Phước, Củ Chi, Đức Hòa, Trảng Bom, An Lạc, Nhà Bè, Cần Giờ, Dĩ An -Thuận An, Tân An, Gò Công, Bến Lức, Cần Giuộc. Phát triển các hành lang đô thị từ thành phố Hồ Chí Minh gắn kết với các hành lang đô thị hóa như QL1A, QL51, QL22, QL13 và QL50. Phát triển các thị trấn huyện lỵ nằm ngoài ranh giới 50km từ trung tâm thành phố Hồ Chí Minh là các cực phát triển, tạo điều kiện để phát triển khu vực nông thôn.

2. Phát triển nông thôn và phân bố các điểm dân cư

- Tổ chức lại các điểm dân cư dọc các trục lộ giao thông đảm bảo mỹ quan, môi trường, an toàn giao thông. Quy hoạch cải tạo và xây dựng các làng nghề theo hướng phát triển bền vững.

- Hình thành các trung tâm dịch vụ nông thôn; xây dựng các tuyến, cụm dân cư nông thôn có cơ sở hạ tầng đồng bộ đạt tiêu chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

3. Phát triển các tiểu vùng:

- Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm dịch vụ, công nghiệp, khoa học và công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

- Tiểu vùng Đông Bắc gồm Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu: Là địa bàn phát triển năng động của Vùng, chú trọng nâng cao sức cạnh tranh về công nghiệp, phát triển dịch vụ đồng bộ phục vụ tốt cho các ngành công nghiệp chủ lực và mũi nhọn, gia tăng hàm lượng công nghệ, lao động kỹ thuật trong các ngành kinh tế.

Đẩy mạnh lĩnh vực dịch vụ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó phát triển cảng là nhiệm vụ trung tâm, đồng thời phát triển mạnh dịch vụ logistics. Xây dựng các loại hình, các sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao như: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch biển - đảo. Đầu tư phát triển Côn Đảo theo hướng xây dựng thành Khu kinh tế du lịch - dịch vụ chất lượng cao.

- Tiểu vùng Tây Bắc gồm Tây Ninh, Bình Phước: phát triển theo hướng đón đầu quá trình chuyển dịch công nghiệp từ các địa phương khác đồng thời khai thác lợi thế các khu kinh tế cửa khẩu, mở rộng hoạt động kinh tế, thương mại với Campuchia. Xây dựng các điểm, khu dân cư biên giới gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.

- Tiểu vùng Tây Nam gồm Long An và Tiền Giang: Phát huy vai trò cửa ngõ, cầu nối giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tiếp tục đầu tư để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và tham gia xuất khẩu. Hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả. Đẩy nhanh tiến độ triển khai và khai thác có hiệu quả các khu, cụm công nghiệp; khuyến khích phát triển các ngành dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất và đời sống.

- Phát triển kinh tế biển: Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, phát triển mạnh kinh tế biển, nâng cao đóng góp của kinh tế biển vào phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Xây dựng vùng ven biển trở thành “vùng kinh tế mở”, hướng mạnh ra bên ngoài. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

V. DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ: Có Phụ lục kèm theo.

VI. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Các lĩnh vực ưu tiên phát triển:

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế.

+ Hình thành, phát triển hệ thống sản phẩm chủ lực, nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại và hiệu ứng tổng hợp từ các mối liên kết sản xuất, kinh doanh.

+ Phát triển sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao như: Phần mềm, điện tử công nghiệp và dân dụng; các sản phẩm hóa dầu; vật liệu xây dựng cao cấp; cơ khí chế tạo, thiết bị, phụ tùng và sửa chữa.

+ Phát triển các loại dịch vụ chất lượng cao, tạo giá trị gia tăng lớn như dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng, viễn thông, vận tải; chuyển giao công nghệ; du lịch; thị trường bất động sản, thị trường vốn...

- Tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ và đi trước một bước. Ưu tiên hoàn thành các trục kết nối liên tỉnh, liên vùng, hệ thống đường cao tốc, đường bộ, sân bay và cảng biển theo hướng đồng bộ, hiện đại nhằm kết nối giữa các khu vực và giữa các phương thức vận tải. Tập trung giải quyết tốt vấn đề tắc nghẽn giao thông, ngập úng tại thành phố Hồ Chí Minh.

- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo với cơ cấu ngành nghề hợp lý hướng vào các ngành mũi nhọn như: tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải, phần mềm, điện tử, viễn thông; công nghệ cao như tự động hóa, sinh học, vật liệu mới,...

- Đẩy mạnh liên kết, tạo lập không gian kinh tế thống nhất trên toàn vùng, tăng cường sự phối hợp và hỗ trợ giữa các địa phương; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính ở tất cả các cấp và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức.

2. Huy động và sử dụng ngày càng hiệu quả hơn các nguồn vốn:

- Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn Nhà nước để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đầu tư từ ngân sách cho các công trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng nhưng khó thu hút nhà đầu tư bên ngoài; tăng cường thu hút kêu gọi đầu tư theo các hình thức BOT, BTO, PPP... đặc biệt trong lĩnh vực giao thông.

- Cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Làm tốt công tác thu hút, kêu gọi và định hướng đầu tư. Ban hành chính sách ưu đãi theo các nhóm ngành ưu tiên phát triển trên mỗi địa bàn dựa vào lợi thế, tiềm năng của từng địa phương. Đổi mới cơ chế, chính sách nhằm thu hút tối đa các nguồn lực tài chính từ các thành phần kinh tế, đặc biệt là huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư để phát triển sản xuất, kinh doanh.

- Tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI phù hợp với quá trình hội nhập. Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài theo hướng cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực mà vùng có lợi thế; hướng vào các đối tác giàu tiềm năng, nhất là các nước phát triển, đồng thời tiếp tục mở rộng đối với các đối tác đã đầu tư nhiều vào vùng.

3. Chuyển dịch cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh các ngành kinh tế, các sản phẩm chủ lực:

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Tập trung phát triển các ngành có lợi thế so sánh, tạo ra tỷ lệ giá trị gia tăng cao, từng bước giảm tỷ trọng các ngành khai thác tài nguyên, sơ chế và gia công. Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có chất lượng và mức độ chuyên môn hóa cao, tạo nhiều việc làm và thu nhập như tài chính - ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, du lịch, thương mại, logistics.

- Phát triển nguồn nhân lực:

+ Hoàn thành và sớm triển khai quy hoạch phát triển nhân lực các địa phương, gắn định hướng phát triển nhân lực với phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu thị trường lao động. Tăng tỷ lệ gắn liền với tăng chất lượng lao động qua đào tạo, tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành tạo ra sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là sản phẩm dịch vụ xuất khẩu, tỷ lệ lao động làm việc trong các lĩnh vực công nghệ cao.

+ Tạo cơ chế khuyến khích các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài tham vấn về những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của cả vùng.

- Thúc đẩy, nâng cao chất lượng nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ: Xây dựng các nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trước mắt cần tập trung đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ có khả năng làm chủ các công nghệ mới để ứng dụng vào thực tiễn, đồng thời thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài để ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ tiên tiến.

- Phát triển các thành phần kinh tế: Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin, thâm nhập và mở rộng thị trường. Tranh thủ sự giúp đỡ của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về thông tin thị trường và giới thiệu đối tác nước ngoài trong quá trình liên doanh liên kết; cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm hạn chế các tác động tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình hội nhập. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại; khuyến khích doanh nghiệp trong nước xây dựng và phát triển thương hiệu.

- Cải cách hành chính và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức: Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công; công khai quy trình thủ tục, thời gian giải quyết... dưới các hình thức để người dân và doanh nghiệp theo dõi và đánh giá. Tiếp tục triển khai, nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết công việc của tổ chức và công dân. Mở rộng thực hiện cơ chế một cửa liên thông giữa các sở - ngành, giữa sở - ngành với UBND các quận - huyện, phường - xã trong giải quyết thủ tục hành chính, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính.

4. Đẩy mạnh sự phối hợp gắn kết giữa các địa phương trong và ngoài vùng trong quá trình xúc tiến đầu tư, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đào tạo, thu hút và tạo việc làm; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng các chương trình, tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng; cung cấp thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu kinh tế - xã hội cho vùng phục vụ cho công tác dự báo và phối hợp phát triển bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

5. Xây dựng cơ chế liên kết:

- Củng cố kiện toàn Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm để nâng cao chất lượng của hoạt động điều phối; đặc biệt là tăng cường hiệu quả hoạt động của Tổ thường trực Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm.

- Nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành và các địa phương trong Vùng; xây dựng chương trình hành động cụ thể và phân công trách nhiệm rõ ràng đi kèm với đánh giá mức độ phối hợp của các cơ quan trong quá trình phối hợp thực hiện quy hoạch.

- Tổ chức định kỳ hàng năm Diễn đàn Doanh nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhằm tăng cường giao lưu và đối thoại trực tiếp giữa các nhà đầu tư với chính quyền các tỉnh, thành phố trong vùng.

- Nghiên cứu ban hành cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù đối với thành phố Hồ Chí Minh, tạo nguồn lực để thành phố Hồ Chí Minh đầu tư phát triển hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Điều 2. Tổ chức, giám sát thực hiện Quy hoạch

1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở cho việc lập điều chỉnh, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong Vùng.

2. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trong vùng có trách nhiệm:

- Tổ chức công bố, công khai Quy hoạch, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế tham gia thực hiện Quy hoạch.

- Chủ trì theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch Vùng, giám sát thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm có quy mô, tính chất vùng.

- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp, chính sách liên kết, điều phối giữa các địa phương trong Vùng. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kêu gọi đầu tư đối với các dự án trọng điểm của Vùng.

3. Các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm:

Lập điều chỉnh, trình phê duyệt các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trên địa bàn vùng phù hợp với những mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển được phê duyệt tại Điều 1 Quyết định này.

Nghiên cứu, xây dựng và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra trong Quy hoạch.

Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc triển khai và giám sát thực hiện quy hoạch, giám sát thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm có quy mô, tính chất vùng theo thứ tự ưu tiên thuộc lĩnh vực quản lý.

Các nhiệm vụ cụ thể đối với các Bộ, ngành như sau:

a) Bộ Giao thông vận tải:

- Chỉ đạo xây dựng, hoàn thành các công trình giao thông quan trọng trên địa bàn Vùng.

- Đề xuất cơ chế huy động vốn cho các dự án phát triển giao thông vận tải quy mô lớn trên địa bàn Vùng.

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Xây dựng, trình phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch hạ tầng phục vụ sản xuất, các sản phẩm nông nghiệp, các lĩnh vực do Bộ quản lý trên địa bàn Vùng.

- Đề xuất cơ chế, chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng... khuyến khích đầu tư công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực của Vùng.

c) Bộ Giáo dục và Đào tạo:

- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp sử dụng nhân lực sau đào tạo; tạo điều kiện để các trường đại học trong Vùng hiện đại hóa cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giảng viên và chương trình đào tạo ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và thành phố Hồ Chí Minh trong việc xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả Vùng. Tạo điều kiện để xây dựng trường đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao ngang tầm quốc tế.

d) Bộ Công Thương: Chỉ đạo xây dựng đúng tiến độ và quy hoạch các trung tâm điện lực và mạng lưới cấp điện trên địa bàn vùng. Chỉ đạo, phối hợp với các địa phương liên quan trong việc xây dựng mạng lưới chợ đầu mối, các trung tâm thương mại quy mô vùng.

đ) Bộ Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì và phối hợp với các địa phương liên quan trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên, kiểm soát và khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường gắn với tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học; bảo vệ và khai thác nguồn nước hợp lý; bảo vệ các Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương trong vùng lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để chuẩn bị quỹ đất phục vụ các chương trình, dự án liên quan thực hiện quy hoạch.

e) Bộ Xây dựng: Chủ trì lập quy hoạch, kiểm tra, giám sát xây dựng các khu xử lý chất thải nguy hại, nghĩa trang, hệ thống cấp nước quy mô vùng; phối hợp với các địa phương trong việc xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, từng bước giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại các đô thị.

g) Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch: Chủ trì phối hợp với các địa phương, Bộ, ngành có liên quan hoàn thiện: Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, thể dục thể thao và du lịch; quy hoạch tổng thể phát triển Khu và điểm du lịch Quốc gia trên địa bàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong Vùng:

- Phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước và các thành phần kinh tế tham gia thực hiện quy hoạch.

- Các tỉnh, thành phố trong Vùng chủ động rà soát quy hoạch chi tiết, các chương trình, dự án đầu tư; có kế hoạch lồng ghép quy hoạch vào các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hàng năm phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ được phê duyệt tại Quyết định này.

- Tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển trên địa bàn theo chức năng được phân công, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP, cổng TTĐT, các Vụ, Cục, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (3).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ VÙNG KTTĐ PHÍA NAM ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

TÊN CHƯƠNG TRÌNH DỰ ÁN

I

Hạ tầng giao thông

1

Đường bộ:

-

Đường vành đai 2 TP. Hồ Chí Minh.

-

Đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.

-

Đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh.

-

05 Tuyến đường trên cao TP. Hồ Chí Minh.

-

Các cầu lớn, hầm vượt sông: Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Vải, Nhà Bè, Lòng Tàu.

-

Các tuyến quc l:

 

QL1A: Mở rộng, nâng cấp, xây tuyến tránh.

 

QL 51: Mở rộng, nâng cấp.

 

QL 56: Đồng Nai - thị xã Bà Rịa.

 

QL22: TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài.

 

QL22B: Nâng cấp đường Gò Dầu - Cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh).

 

QL 13 từ TP. Hồ Chí Minh - Cửa khẩu Hoa Lư.

 

QL20: Dầu Giây (Đồng Nai) - Đà Lạt (Lâm Đồng).

-

Các trục cao tốc qua vùng:

 

TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

 

TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu 1 - Chơn Thành.

 

TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (mở rộng).

 

Biên Hòa - Vũng Tàu.

 

Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành.

-

Các trục đường chức năng:

 

Đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải (cả cầu Phước An).

 

 

Đường liên cảng Đồng Nai.

 

 

Đường Gò Găng - Long Sơn.

 

 

Đường Mỹ Phước - Tân Vạn.

 

2

Đường st

 

-

Nâng cấp cải tạo đường sắt đầu mối hiện có

 

 

Đường sắt đầu mối TP. Hồ Chí Minh

 

 

Biên Hòa - Vũng Tàu.

 

 

Bình Triệu - Hòa Hưng - Tân Kiên.

 

-

Đường sắt nội đô TP. Hồ Chí Minh

 

3

Đường biển

 

-

Các bến cảng khách tại TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu.

 

4

Đường thủy nội địa

 

-

Tuyến Sài Gòn - Kiến Lương (qua kênh Sa Đéc - Lấp Vò).

 

 

Tuyến Sài Gòn - Kiên Lương (qua Kênh Tháp Mười).

 

-

Kênh Chợ Gạo.

 

-

Tuyến Sài Gòn - Cà Mau (qua kênh Xà No).

 

5

Cảng hàng không

 

-

Nâng cấp CHKQT Tân Sơn Nhất- TP. Hồ Chí Minh.

 

-

Xây dựng CHKQT Long Thành - Đồng Nai.

 

-

Cải tạo, nâng cấp CHK Côn Sơn - Bà Rịa Vũng Tàu.

 

II

Các khu công nghệ cao

 

1

Khu Công nghệ cao II tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

2

Trung tâm Công nghệ sinh học tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

3

Khu đô thị công nghệ cao Long Thành.

 

4

Khu nông nghiệp công nghệ cao tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

III

Thương mại, kho bãi, vận tải

 

1

Trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

2

Trung tâm giao dịch, triển lãm nông sản tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

3

Các kho trữ nông sản tại tỉnh, thành phố trong Vùng.

 

IV

Xử lý chất thải

 

1

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn công nghiệp độc hại tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

2

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại các tỉnh, thành phố

 

V

Thủy lợi

 

1

Dự án 5 kênh Bắc Quốc lộ 1.

 

2

Dự án nâng cấp đê biển và ngọt hóa Gò Công.

 

3

Dự án cải tạo hệ thống kênh chính Cái Cỏ - Long Khốt.

 

4

Dự án thủy lợi Phước Hòa Long An (giai đoạn 2).

 

5

Dự án thủy lợi Dầu Tiếng Tây Ninh.

 

VI

Du lịch, đô thị

 

1

Khu du lịch di tích cách mạng Côn Đảo.

 

2

Phát triển khu du lịch núi Bà Đen Tây Ninh.

 

3

Phát triển khu đô thị Mộc bài Tây Ninh.

 

VII

Y tế

 

1

Trung tâm xét nghiệm y khoa thành phố Hồ Chí Minh.

 

2

Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh.

 

3

Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh.

 

4

Bệnh viện Đông y thành phố Hồ Chí Minh.

 

5

Bệnh viện Đa khoa các tỉnh, thành phố trong Vùng.

 

6

Các bệnh viện chuyên khoa các tỉnh, thành phố (bệnh viện sản nhi, bệnh viện lao, bệnh viện tâm thần...).

 

Ghi chú: Về vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng và tổng mức đầu tư của các công trình, dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư cho từng thời kỳ.

THE PRIME MINISTER
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
IndependenceFreedom – Happiness

---------------

No. 252/QD-TTg

Hanoi, February 13, 2014

 

DECISION

APPROVING THE MASTER PLAN ON SOCIO-ECONOMIC DEVELOPMENT OF THE SOUTHERN KEY ECONOMIC REGION THROUGH 2020, WITH ORIENTATIONS TOWARD 2030 (*)

THE PRIME MINISTER

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;

Pursuant to the Government’s Decree No. 92/2006/ND-CP of September 7, 2006, on the formulation, approval and management of socio-economic development master plans; and the Government’s Decree No. 04/2008/ND-CP of January 11, 2008, amending and supplementing a number of articles of Decree No. 92/2006/ND-CP of September 7, 2006;

At the proposal of the Ministry of Planning and Investment,

DECIDES:

Article 1. To approve the master plan on socio-economic development of the southern key economic region through 2020, with orientations toward 2030, with the following principal contents:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- The southern key economic region (embracing Ho Chi Minh City and the provinces of Binh Phuoc, Tay Ninh, Binh Duong, Dong Nai, Ba Ria - Vung Tau, "Long An and Tien Giang) is a region of dynamic economic development with a high and sustainable economic growth, taking the lead in the national industrialization and modernization, is the locomotive of economic development of the whole country; assumes the role of linking with the Mekong delta and the Central Highlands; and takes the lead in the integration into, expansion of trade and effective economic cooperation with other countries in Southeast Asia and around the world.

- The southern key economic region takes the lead in the development of a number of advanced manufacturing industries and services, especially the manufacture of electronic components, software production and trade, logistics, financial, telecommunications and tourist services, contributing to raising the quality, effectiveness and international competitiveness, creating a momentum for the process of national socio-economic development.

- The southern key economic region, with Ho Chi Minh City being its core, is a service center of Southeast Asian caliber for finance, trade, tourism and international exchange.

- The southern key economic region is a center of education and training of human resources, particularly high-quality human resources for the neighboring regions and the whole country; and at the same time a leading center for science and technology transfer and application in the country.

II. DEVELOPMENT VIEWPOINTS AND OBJECTIVES

1. Development viewpoints

- The master plan on socio-economic development of the southern key economic region through 2020 must be in conformity with the national socio-economic development strategy and in consistency with sectoral master plans. The southern key economic region will develop into a development-driving region with a socio-economic development rate higher than the national average level and become a major economic, financial and commercial hub of the whole country and the outer region.

- To make the most of the potential and advantages of localities in the region, especially the advantages in industrial manufacture and service. The southern key economic region must take the lead in the cause of national industrialization and modernization, with Ho Chi Minh City and Dong Nai, Ba Ria - Vung Tau and Binh Duong provinces being the key localities playing the role of driving and spreading development to other localities in the region and around the country.

- To restructure the region’s economy toward higher effectiveness and competitiveness, concentrate investment on industries with potential, advantages, and high productivity and knowledge content, along with V stepping up association among economic branches and sectors and among localities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To combine economic development with assurance of social equality and effective settlement of pressing social issues, improvement of the people’s material and spiritual lives and narrowing of the living-standard gap between different localities in the region, especially for the poor and ethnic minority inhabitants.

- Development must be sustainable and harmonious in terms of economic development, social development, eco-environment improvement and forest protection and development; industrial development must be linked with protection of urban environment, water sources and air.

- Socio-economic development must be linked with strengthening the defense and security potential and ensuring political stability and social order and safety.

2. Development objectives

a/ Objectives through 2020:

- Overall objective: To develop the southern key economic region into a region of dynamic development with high quality and sustainable growth, which will be a locomotive of economic development; a high-quality economic, commercial, cultural, training, health and scientific research center of the whole country and the outer region; and will have a harmonious economic structure and development space; an integrated urban system of national and regional levels, with Ho Chi Minh City being an integrated and multi-function economic center with a modem and synchronous technical infrastructure system on a par with those of regional countries.

- Specific objectives:

+ Economic development:

. The GDP growth rate will be 8 - 8.5% in the 2011-2015 period and 8.5 - 9% in the 2016-2020 period. By 2020, industry, construction and services will account for 95 - 96% of GDP, with the share of services reaching about 44%. The average per-capita GDP will reach USD 3,900 - 4,000 by 2015, and more than USD 5,000 by 2020.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

+ Social development:

. By 2020, the population will be stable at 21 - 22 million; the urbanization rate will be 65%. To generate jobs for 340,000 - 350,000 people per year; to keep the urban unemployment rate at below 4%. To reduce the rate of poor households by around 2% on average per year.

. To strive to have 400 and 450 students with high qualifications per 10,000 people by 2015 and 2020, respectively. To improve one step the people’s health, and reduce the rate of underweight under-five children to below 10% by 2015, and 8% by 2020.

+ Environmental protection:

. The coverage of forests and perennial frees will reach over 45% by 2020.

. By 2015: 100% of newly built production facilities will apply clean technology or be furnished with less polluting equipment satisfying environmental standards; 100% of operating industrial parks will have centralized wastewater treatment systems; 95% of solid waste will be collected, and over 90% of hazardous waste and 100% of hospital waste will be treated. By 2020, 100% of production and business facilities will satisfy environmental standards; and 100% of solid waste and hazardous waste will be treated.

. The rates of rural population and urban population having access to hygienic water will reach 96% and 97% by 2015, and 98% and 99% by 2020, respectively.

+ Security and defense:

. To strengthen political security and social order at grassroots level, prevent and combat social evils; to build the all people to protect national security movement, and strive to build localities in the region into civilized and polite areas with healthy cultural and social lives.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

. To firmly maintain political stability and social order and safety in the region, and strengthen the defense and security potential in combination with socio-economic development.

b/ Orientations toward 2030:

- Overall vision:

By 2030, the southern key economic region will continue to be an region of dynamic economic development with high growth quality and a typical model of sustainable development, taking the lead in the development of the knowledge economy; a locomotive of economic development of the whole country and an economic center of the outer region and Asia; an international-level commercial, financial and service center, with a focus on developing Vung Tau into a tourist city; a hi-tech industrial hub with high specialization level, and at the same time a high-quality cultural, training and health center and a locality with good landscape and environment. The region will have a modem economic structure and reasonable spatial structure, be a cluster of large urban centers with national-level integrated urban functions, in which Ho Chi Minh City will be an integrated multi-function economic center with a modem and synchronous infrastructure system and a system of high-level cultural, education and training, science and technology, health and physical training and sports facilities compared to those of the outer region and the country.

- Specific fields:

+ Economy: The average GDP growth rate will be 8 - 8.5% per year in the 2021 -2030 period. The GDP by 2030 will be around 2.2 times that of 2020. The average per-capita GDP will reach some USD 12,200 by 2030. The economic structure will be shifted toward sustainability, forming and developing the knowledge economy. The share of services will be over 50% by 2030. The export value growth rate will reach 8 - 10%/year during the 2020 - 2030 period.

+ Social development:

. The population will be around 25 million by 2030. The urbanization rate will be 75 - 80%. The rate of trained labor will be about 90%. The workforce in the service and industry-construction sectors will account over 90% of total workforce. To generate 200,000 - 220,000 jobs on average per year during the 2021 - 2030 period. To keep the urban unemployment rate at 3.5% by 2030; to increase the use effectiveness of working time in rural areas.

. The people’s health in the region will be considerably improved in both physical status and stature with the average life expectancy reaching 78-80 years. The malnutrition rate among under-five children will fall to below 3%.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

+ Urban infrastructure:

. The region will have a synchronous and modem transport infrastructure system, a diversified, civilized and safe mass transit system linking Ho Chi Minh City and satellite urban centers, rural districts and urban centers outside the region.

. 100% of people will have houses with necessary amenities suitable to the socio­economic development level of each province and city in the region, with the per- capita housing area in urban areas reaching 20 - 25 square meters. Housing and land in rural areas will be rationally planned with good living environment and convenient working conditions according to the criteria for building a new countryside.

. To modernize the power network system to ensure efficient and safe operation; to put underground 100% of electric and communication cables in cities and towns; to build lighting systems in urban centers up to standards. More than 70% of the population will use the Internet. 100% of households will be supplied with clean water. To basically tackle inundation in urban areas.

+ Environment: To build complete garbage, waste and wastewater treatment systems meeting environmental standards. To rationally and efficiently use natural resources, landscapes and development space in a sustainable manner.

III. ORIENTATIONS FOR SECTORAL DEVELOPMENT

1. Industry:

To strongly develop industries that create high added-value products and supporting industries. To strive to increase the industrial growth rate to 8.5 - 9% in the 2011 - 2015 period and 8.5 - 9% in the 2016 - 2020 period; to increase the proportion of industry and construction in the GDP to about 49% by 2020.

- To give priority to quickly developing hi-tech and clean industries that save materials and energy and create high added value. To vigorously shift from extensive industrial development to development of modem industries with high scientific and technological content. To give priority to developing electronics and information industries into spearhead industries. To vigorously develop supporting industries in order to raise the proactiveness in production and the national value in products, such as manufacture of parts and accessories for repair and maintenance.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To promote investment in the construction of industrial parks and export processing zones according to planning. To complete infrastructure facilities inside and outside industrial parks in connection with synchronously building new residential points in conformity with the urban development master plan of each locality in order to ensure living conditions for workers. To form an industrial and urban belt of the region, and restrict development of more industrial parks in the center of Ho Chi Minh City; to gradually relocate industrial facilities to localities with development potential, particularly Tay Ninh, Long An, Binh Phuoc and Tien Giang provinces. To create favorable conditions on land and external infrastructure facilities for development of large-scale industrial, service and urban center complexes after the hi-tech city model in Long Thanh, Phu My new city and Binh Duong industrial, service and urban complex.

2. Services:

To develop services with a high rate, high quality and sustainability. To strive to increase the service sector’s growth rate to 10 - 10.5% per year in the 2011 - 2015 period, and 8.5 - 9% in the 2016 - 2020 period; to increase the share of the service sector in the region’s GDP to 49 - 50% by 2020.

- To concentrate on developing the services: Finance, banking, insurance; international transport and forwarding; telecommunications and information technology; tourism; health (especially hi-tech health services); education and training.

- To develop the real estate, capital and securities markets. To set up modem, synchronous and reasonable trade infrastructure facilities in order to develop distribution services, including marketplaces, supermarkets, trade centers, storehouses, etc.

- To build Ho Chi Minh City as the core to become a service center of Southeast Asian caliber, develop synchronously financial, banking, trade, tourism, international exchange, telecommunications and ocean shipping services. To develop Vung Tau city into a national- and international-level tourist center and an oil and gas exploitation service center. To build Bien Hoa and Thu Dau Mot into large industrial development centers. The towns and provincial cities of Tay Ninh, Dong Xoai, Tan An and My Tho will become service centers connected with the provinces of the Central Highlands and Mekong delta. To synchronously build border-gate economic zones in Tay Ninh, Binh Phuoc and Long An, consisting of bonded warehouse systems, clusters of storehouses for goods temporarily imported for re-export, cargo inspection yards, etc., in order to boost trade and import and export relations with Cambodia and other regional countries.

- To develop tourism into an important industry, making active contributions to the process of restructuring the regional economy. To forge ahead the sustainable growth of tourism, create substantive improvement in service quality, and build the image for the southern key economic region to be a safe and friendly destination with many diverse and attractive tourist products. To synchronously develop tourism, both domestic and international tourism, ensuring high economic, political and social benefits; to take development of international tourism as a long-term strategic direction and domestic tourism as the key. To concentrate on developing MICE tourism linked with culture, festivals and recreation; seaside tourism, weekend recreation tourism, sports and shopping tourism and border gate-linked tourism. To complete the planning of national tourist zones and sites in the region. By 2015 the southern key economic region will receive around 18 million tourist arrivals, including 4.5 million international tourists, and these figures will be 21.5 million and 5.5 million by 2020, respectively. Total earnings from tourism will reach USD 3.2 billion and about USD 5.3 billion by 2015 and 2020, respectively.

3. Agriculture, forestry and fisheries:

- To develop a comprehensive and sustainable agriculture in the southern key economic region toward large-scale commodity production with modem production organization models and techniques. To attach importance to developing ecological and environment-friendly agriculture and increasing product quality. To speed up the restructuring of agriculture and rural areas toward industrialization and modernization and higher economic effectiveness per unit of acreage.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To establish stable forest estates along the line of developing forests together with long-term industrial trees, contributing to improving the eco-environment and ensuring sustainable development; to consolidate and protect the system of riverhead protection forests for hydropower reservoirs and plants, and environmental protection forests for industrial parks and major cities and coastal protection. To protect forests to conserve the flora and fauna systems, biodiversity, and rare and precious gene sources, especially riverhead forests, coastal wind- and tide-shielding forests and mangrove forests.

- To expand aquaculture using intensive and semi-intensive farming methods. To diversify the product structure and increase effectiveness in the fishing, processing and rearing aquatic and marine resources. To maintain and upgrade the offshore fishing fleets on the basis of protecting the eco-environment and regenerating aquatic resources.

4. Synchronous development of the infrastructure system:

a/ Transport:

- To speed up the construction of expressways. To complete by 2020 around 580 km of expressways; and harden the surface of 80% rural roads. To speed up the construction of key works in order to tackle traffic congestion and develop urban centers.

- To complete the upgrading and renovation of the North-South railway and the terminal in Ho Chi Minh City; to build railways linking large seaports and economic zones; to open new railway lines to connect the inner areas of the region and the Mekong delta; to study the building of a North-South high-speed railway line at an appropriate time.

- To renovate, upgrade and complete up to technical standards inland waterway channels and routes; to upgrade and make intensive investment in river ports. To transform a number of cargo ports in line with urban planning to serve passenger transport and tourism.

- To upgrade existing airports to meet demands in each period; to complete and put into operation at the first stage Long Thanh international airport.

b/ Power supply and post and telecommunications:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To build modem telecommunications infrastructure, particularly in Ho Chi Minh City and central urban areas. To develop post, telecommunications and information technology toward diversifying services, expanding the scope and constantly increasing service quality. To develop modem post services on a par with those of advanced countries in the region. To widely and effectively apply information technology in state management, economic sectors, socio-cultural fields and security and defense.

c/ Water supply and drainage: To build a complete water supply system to fully meet daily-life needs of urban centers, residential areas and industrial parks. To concentrate on water drainage for urban enters and control pollution of water sources, especially in the Dong Nai - Sai Gon river downstream. To minimize damage caused by floods and storms in lowland and coastal areas. To step by step tackle inundation in Ho Chi Minh City and drain water for urban centers.

d/ Irrigation: To reinforce the system of irrigation works in the region in order to supply sufficient water for agricultural production and aquaculture. To build facilities to conduct water from the Dong Nai river basin to the Mekong delta in the dry season via Vam Co river to serve production in the dry season. To concentrate on the supply of production water for areas short of water in the dry season in order to prevent deep salinity intrusion, especially in the Sai Gon river bank areas. To reinforce river and sea dykes in order to effectively prevent natural disasters and ensure people’s production.

5. Social fields:

a/ Human resource training, employment generation and social security:

- To train human resources with assured quality in all three aspects (high professional qualification, health and morality) and a reasonable structure of trained disciplines. To attach importance to training high-quality human resources to meet the requirement of receipt of modem technology.

- To continue to push up the process of labor restructuring toward reducing the rate and number of workers in agriculture, forestry and fishery, and increasing the rate and number of non-agricultural workers in step with the process of economic development in order to increase social productivity. To attach importance to generating employment associated with income increase to stabilize laborers’ life. To create 340,000 - 350,000 jobs a year on average.

- To develop the training of human resources in association with the development of production, trading and service units. To synchronously, comprehensively and effectively implement poverty reduction programs and projects; to create opportunities for poor households to access land, credit and vocational training support policies; to support and create conditions for poor households to develop production and increase income for sustainable escape from poverty.

- To synchronously implement appropriate solutions to ensuring social security, increasing income and improving living standards for people in each period of development. To ensure that all people have equal access to basic services and social welfare and be provided with conditions for all-sided development and smooth integration into the community. To effectively implement support policies for disadvantaged groups.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ Education and training:

- To develop education toward standardization, modernization and all-sided education, to make substantive improvements in quality, effectiveness and scale. To concentrate on training human resources to meet development needs of the region and the whole country, especially human resources in the spearhead fields.

- To invest in building Ho Chi Minh City National University into a high-quality training center with international prestige. To prioritize investment in the region’s key universities in order to quickly approach the regional training level in some advantaged fields. To step up socialization to mobilize every resource for education and training development, expand cooperation and partnership within and outside the country in parallel with ensuring and continuously increasing training quality.

- To prioritize and concentrate investment on 8 high-quality vocational schools with key occupations reaching regional and international standards so as to meet the requirement for a high-quality workforce for the region’s socio-economic development. To push up socialization of vocational training activities.

c/ Health:

- To concentrate on developing medical training and research and medical technology application institutions reaching the advanced level in the region, aiming to meet the requirements of training and receipt of transferred technologies, as well as healthcare needs.

- To develop regional-level modem and hi-tech health centers and hospitals. To build specialized health centers in Ho Chi Minh City; to build and upgrade provincial-level general and specialized hospitals to reach level I and meet people’s healthcare needs.

- To consolidate and improve the preventive medicine network toward streamlining, higher effectiveness and competence to forecast, early detect and promptly control epidemics, control common risky factors affecting community health, and improve people’s health. To further strengthen, complete and raise the capacity of the commune and ward health network for the people to access quality primary health care services right in their communities, ensuring 90% of commune health stations have physicians and over 80% of communes reach national standards of commune health.

d/ Culture, sports and physical training:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To complete the construction of Rach Chiec sports complex in Ho Chi Minh City and a number of cultural facilities typical of the region.

- By 2020,30 - 35% of the people will regularly do physical exercise and play sports. To continue to maintain, develop and raise the quality of high-achievement sports like soccer, volleyball, tennis, etc.

6. Science and technology:

- To develop the science and technology potential in the region, increase investment in leading research institutes and key science and technology centers and laboratories, and technology application and transfer establishments. To promote investment in Ho Chi Minh City technology zone, and build more hi-tech parks in localities where conditions permit.

- To bring into play the leading role in the country’s science and technology development. To promote technology renovation toward using new, high and modem technologies; to prioritize clean technology, information technology, bio-technology, automation technology and new material technology, and accelerate investment in science and technology to serve the development of marine economy.

7. Management of natural resources and environmental protection:

- To use land funds in a reasonable, economical, effective and sustainable manner. To exploit and use land according to proper purposes and areas as well as criteria and economic and technical targets set out in specialized master plans and in conformity with land use master plans and plans for each period in each province or city and the whole region. To raise the value of land and economic efficiency per unit of acreage, increase revenues from land, creating resources for socio-economic development. To enhance inspection and supervision of the implementation of land use master plans and plans.

- To protect the mangrove forest, riverhead and protection forest eco-systems. To control agricultural production and aquaculture activities; to establish a water quality observation system; to build synchronously systems of wastewater drainage and systems of collection and treatment of solid waste, particularly hazardous waste in urban centers and industrial parks.

8. Defense and security:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To build elite forces that are professionally competent and politically firm along with strengthening physical foundations and equipment. To consolidate the people’s security posture and strengthen commune-level forces to prevent the occurrence of any unexpected circumstances. To coordinate various forces to effectively implement national programs against crimes and social evils.

IV. URBAN DEVELOPMENT AND ORGANIZATION OF REGIONAL TERRITORY

1. Development and distribution of urban systems

- To establish systematic linkage between urban centers in the region. To form a multi-center structure to create a motive force for development of surrounding areas, and concurrently reduce pressure on the central area of Ho Chi Minh City.

- To develop Vung Tau, Bien Hoa, Thu Dau Mot and My Tho urban centers into grade-I provincial cities which will play the role as development poles in the region’s urban system.

- To develop the satellite urban centers of Nhon Trach, Long Thanh, Tam Phuoc, Hiep Phuoc, Cu Chi, Due Hoa, Trang Bom, An Lac, Nha Be, Can Gio, Di An - Thuan An, Tan An, Go Cong, Ben Luc and Can Giuoc. To develop urban corridors from Ho Chi Minh City to link with such urbanized corridors as national highways 1A, 51, 22, 13 and 50. To develop district townships lying over 50 kilometers far from the center of Ho Chi Minh City as development poles to facilitate rural development.

2. Rural development and distribution of residential areas

- To reorganize residential areas along axial roads to ensure beauty, environment and traffic safety. To plan the renovation and construction of craft villages for sustainable development.

- To form rural service centers; to build rural residential lines and clusters with synchronous infrastructure facilities meeting the set of national new-countryside criteria.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To build Ho Chi Minh City into a service, industrial, science and technology center of Southeast Asia.

- The northeastern sub-region consisting of Dong Nai, Binh Duong and Ba Ria - Vung Tau: This sub-region will be an area of dynamic development of the region, with importance attached to raising the competitiveness of industries and developing services synchronously to properly serve the key and spearhead industries and increase technological content and technical labor in the economic sectors.

To strongly develop the service sector in Ba Ria - Vung Tau province, with port development as the central task, while strongly developing logistics services. To create varied types and products of tourism that are highly competitive like convalescence tourism, eco-tourism and sea-island tourism. To invest in developing Con Dao into a high-quality tourist-service economic zone.

- The northwestern sub-region embracing Tay Ninh and Binh Phuoc: To develop this sub-region in response to the process of industrial restructuring in other localities while tapping the advantages of border-gate economic zones and expanding economic and trade activities with Cambodia. To build border residential points and areas in combination with ensuring defense and security.

- The southwestern sub-region covering Long An and Tien Giang: To bring into play the role of this sub-region as the gateway and bridge linking the Mekong delta and southern key economic region. To make continued investment to ensure firm food security and export. To form zones specialized in fruit trees. To speed up the construction and effective operation of industrial parks and clusters; to encourage development of various services, particularly services supporting production development and life.

- Development of marine economy: To effectively implement Vietnam’s marine strategy through 2020, strongly develop marine economy and increase its contribution to the region’s socio-economic development. To build coastal areas into “open economic zones” looking outward. To closely combine development of marine economy with assurance of security and defense and protection of national sovereignty over the sea.

V. LIST OF PROGRAMS AND PROJECTS PRIORITIZED FOR INVESTMENT STUDY: See the enclosed Appendix.

VI. MAJOR SOLUTIONS FOR MASTER PLAN IMPLEMENTATION

1. Fields prioritized for development

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

+ To form and develop a system of key products with higher competitiveness based on modem technology and combined effect of production and business links.

+ To develop industrial products with high added value, such as software, industrial and civil electronics; petrochemical products; high-grade construction materials; mechanical engineering, equipment, spare parts and repair.

+ To strongly develop high-quality services generating large added value, such as trade, financial, banking, telecommunications and transport; technology transfer; tourism- real estate market, capital market, etc.

- To increase focused and prioritized investment to construct, upgrade and complete the system of socio-economic infrastructure facilities in a synchronous manner and one step ahead. To prioritize the completion of inter-provincial and inter-regional axes, expressways, roads, airports and seaports that are synchronous and modem in order to connect different regions and different modes of transport. To concentrate on tackling traffic congestion and inundation in Ho Chi Minh City.

- To develop high-quality human resources; to increase the quality and expand the scope of training with a rational structure of disciplines directed at spearhead professions such as finance, banking, transport, software, electronics, telecommunications; and high technologies like automation, biology, new materials, etc.

- To step up linkage to form a unified economic space in the entire region, increase coordination and support among localities; to continue to effectively carry out administrative reform at all levels and raise the quality of cadres and civil servants.

2. Mobilization and more effective use of investment capital

- To mobilize and effectively use state capital to develop socio-economic infrastructure, human resources, science and technology, and environmental protection, and implement national target programs. To invest budget funds in important infrastructure development works and projects that are difficult to attract investors from the outside; to step up attraction of investment capital in BOT, BTO, PPP and other forms, especially in the transport sector.

- To improve the business environment and facilitate the participation of all economic sectors in the socio-economic development. To properly implement investment attraction and direction. To introduce incentive policies for sectors prioritized for development in each area based on each locality’s advantages and potential. To renovate mechanisms and policies to attract to the utmost financial resources from all economic sectors, especially mobilize idle capital in the population, for production and business development.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Restructuring and raising the competitiveness of economic sectors and key products

- Stepping up economic restructuring: To focus on developing industries with comparative advantages and high added value, incrementally drive down the proportion of mining, preliminary processing and contracted processing. To prioritize development of quality and highly specialized services that create more jobs and higher income such as finance-banking, telecommunications, information technology, tourism, trade and logistics.

- Developing human resources:

+ To complete and implement soon master plans on human resource development in localities, and align human resources development orientations with socio-economic development orientations and labor market requirements. To increase the rate as well as quality of trained workers and raise the proportion of workforce in sectors that manufacture export products, especially service products, and in hi-tech industries.

+ To create mechanisms to encourage foreign experts and scientists and overseas Vietnamese to give advice on socio-economic development issues in each locality and the whole region.

- Promoting and improving the quality of scientific and technological research and application: To develop scientific and technological tasks in line with socio-economic development targets with immediate focus on investment in and training of human resources in science and technology who are able to master new technologies for practical application, and concurrently attract high-quality human resources from abroad for the application of scientific achievements and development of advanced technologies.

- Developing economic sectors: To continue to improve the business environment toward openness and fair competitiveness among different economic sectors. To support businesses in information access and market penetration and expansion. To take advantage of the assistance of overseas Vietnamese representative offices in acquiring market information and seeking foreign partners in the cooperation process; to provide information to assist businesses in order to minimize possible negative impacts in the integration process. To promote market research and trade promotion work; to encourage domestic enterprises to build and develop trademarks.

- Carrying out administrative reform and improving quality of cadres and civil servants: To improve the quality of public administrative services; to publicize procedures and time of handling, etc., in various forms for people and businesses to monitor and assess. To continue to implement, and improve the quality of, the one-stop-shop mechanism in settling affairs for organizations and citizens. To expand the implementation of the one-stop- shop mechanism between provincial departments-sectors, between provincial departments-sectors and People’s Committees of districts, wards and communes in settling administrative procedures. To widely apply information technology and modernize administration.

4. To promote coordination and linkage among localities in and outside the region in the course of investment promotion, resources mobilization and distribution, and socio­economic infrastructure construction; vocational training and job generation; scientific research and technology transfer; development of inter-provincial and -regional tourist programs and routes; information provision and building of socio-economic database for the region to serve forecast work and coordination in environmental protection and response to climate change.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To consolidate the Steering Committee for the Development of Key Economic Regions and its office in order to raise the quality of coordination work, especially increase the effectiveness of its standing team.

- To raise the quality of coordination among ministries, sectors and localities in the region; to draw up concrete action programs and assign clear responsibilities together with assessing coordination efforts of agencies in implementing the master plan.

- To annually organize the southern key economic region business forum to boost direct exchange and dialogues between investors and provincial and municipal administrations in the region.

- To study and adopt specific financial and budgetary mechanisms for Ho Chi Minh City to create resources for investment in its infrastructure development with a view to promoting the socio-economic development of the city and the whole region.

Article 2. Organization and supervision of the master plan implementation

1. After approved by the Prime Minister, the master plan on socio-economic development of the southern key economic region through 2020 and orientations toward 2030, will serve as the basis for formulating, adjusting, submitting for approval and implementing the region’s sectoral master plans and master plans on socio-economic development of localities in the region.

2. To assign the Ministry of Planning and Investment to assume the prime responsibility for, and coordinate with ministries, sectors and localities in the region in:

- Making public the master plan and organizing investment promotion activities and conducting public information work to draw domestic and foreign investors and all economic sectors in the implementation of the master plan.

- Monitoring, urging, supervising and examining the implementation of the master plan; supervising the implementation of regional key investment programs and projects.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Related ministries and sectors shall:

Formulate, adjust and submit for approval master plans on development of sectors and fields in the region in line with the objectives, tasks and development orientations that are approved in Article 1 of this Decision.

Study, develop and submit to competent state agencies for promulgation specific mechanisms and policies so as to successfully implement the objectives and tasks set out in the master plan.

Coordinate with the Ministry of Planning and Investment in implementing, and supervising the implementation of, the master plan, and supervising the implementation of regional key investment programs and projects in priority order under their respective management.

Below are specific tasks of ministries and sectors:

a/ The Ministry of Transport:

- To direct the construction and completion of important transport works in the region;

- To propose mechanisms for raising capital for large-scale transport development projects in the region.

b / The Ministry of Agriculture and Rural Development:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To propose mechanisms and policies on land, finance, credit, etc., to promote investment of high technologies in the production of key agricultural, forest and aquatic products in the region.

c/ The Ministry of Education and Training:

- To study and propose mechanisms and policies to promote linkage among training institutions and enterprises that use trained workforce; to create conditions for universities in the region to modernize their physical foundations and develop their lecturing staffs and training programs on a par with those of advanced countries in the region.

- To assume the prime responsibility for, and coordinate with related ministries and sectors and Ho Chi Minh City in, building the city into a high-quality training center for the whole region. To facilitate the building of Ho Chi Minh City National University into a high-quality training center of international level.

d/ The Ministry of Industry and Trade: To direct the construction on schedule and according to planning electricity centers and power grids in the region. To direct and coordinate with related localities in building networks of regional-level wholesale marketplaces and trade centers.

dd/ The Ministry of Natural Resources and Environment: To assume the prime responsibility for, and coordinate with related localities in, responding to climate change and sea level rise; protecting and using natural resources, controlling and reducing pollution and improving the environment in association with green growth and biodiversity conservation; protecting and reasonably using water sources; and protecting national parks and nature reserves. To guide and direct localities in the region to formulate land use master plans and plans to prepare land funds for relevant programs and projects to implement the master plan.

e/ The Ministry of Construction: To assume the prime responsibility for planning, examining and supervising the construction of regional-level hazardous waste treatment zones, cemeteries and water supply systems; to coordinate with localities in building water drainage and wastewater treatment systems so as to step by step thoroughly tackle inundation in urban centers.

g/ The Ministry of Culture, Sports and Tourism: To assume the prime responsibility for, and coordinate with related localities, ministries and sectors in, completing the master plan on development of culture, physical training, sports and tourism; and master plans on the development of national tourist zones and sites in the southern key economic region.

4. The People’s Committees of the provinces and centrally run city in the region:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- The provinces and city in the region shall actively review detailed master plans, investment programs and projects; to integrate this master plan in their five-year and annual socio-economic development plans in conformity with the objectives and tasks approved in this Decision.

- To supervise and examine the implementation of development investment projects in their localities according to their assigned functions and report implementation results to the Prime Minister.

Article 3. This Decision takes effect on the date of its signing.

Article 4. The chairpersons of the People’s Committees of the provinces and centrally run city in the southern key economic region; ministers, heads of ministerial-level agencies and heads of government-attached agencies shall implement this Decision.

 

 

PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

 

APPENDIX

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

No.

TITLE OF PROGRAM OR PROJECT

I

Transport infrastructure

1

Roads

 

- Ho Chi Minh City belt road 2

- Ho Chi Minh City belt road 3

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- 5 overhead roads in Ho Chi Minh City;

- Major bridges and tunnels spanning Dong Nai, Sai Gon, Thi Vai, Nha Be and Long Tau rivers

- Highway routes:

National highway 1A: Expansion, upgrading, construction of bypasses

National highway 51: Expansion and upgrading

National highway 56: Dong Nai - Bai Ria town

National highway 22: Ho Chi Minh City - Moc Bai

National highway 22B: Upgrading of Go Dau - Xa Mat border gate road (Tay Ninh)

National highway 13: Ho Chi Minh City - Hoa Lu border gate

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Cross-region expressways:

Ho Chi Minh City - Long Thanh - Dau Giay

Ho Chi Minh City - Thu Dau Mot - Chon Thanh

Ho Chi Minh City - Trung Luong (expanded)

Bien Hoa - Vung Tau

Ben Luc - Nhon Trach - Long Thanh

- Functional roads:

Cai Mep - Thi Vai inter-port road (including Phuoc An bridge)

Dong Nai inter-port road

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

My Phuoc - Tan Van road

2

Railways

 

- To upgrade and renovate existing main railways

Ho Chi Minh City main railway

Bien Hoa - Vung Tau

Binh Trieu - Hoa Hung - Tan Kien

- Ho Chi Minh City inner-city railway

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Seaways

 

Passenger terminals in Ho Chi Minh City and Vung Tau

4

Inland waterways

 

Sai Gon - Kien Luong route (via Sa Dec - Lap Vo canal)

 

Sai Gon - Kien Luong route (via Thap Muoi canal)

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Cho Gao canal

 

Sai Gon – Ca Mau route (via Xa No canal)

5

Airports

 

To upgrade Tan Son Nhat international airport - Ho Chi Minh City

 

To build Long Thanh international airport - Dong Nai

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

To renovate and upgrade Con Son airport - Ba Ria Vung Tau

II

Hi-tech parks

1

Hi-tech park II in Ho Chi Minh City

2

Bio-technology center in Ho Chi Minh City

3

Long Thanh hi-tech urban center

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Hi-tech agricultural zone in Ho Chi Minh City

III

Trade, storage, transport

1

International fair and exhibition center in Ho Chi Minh City

2

Agricultural product trading and exhibition center in Ho Chi Minh City

3

Agricultural product storage depots in the provinces and city in the region

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Waste treatment

1

Hazardous industrial solid waste treatment complex in Ho Chi Minh City

2

Solid waste treatment complexes in the provinces and city in the region

V

Irrigation

1

Project on 5 canals north of national highway 1

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Project to upgrade coastal dykes and desalinize Go Cong

3

Project to renovate the system of Cai Co - Long Khot main canals

4

Phuoc Hoa Long An irrigation project (phase 2)

5

Dau Tieng irrigation project (Tay Ninh)

VI

Tourism, urban centers

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Con Dao revolutionary relic tourist site

2

Development of Ba Den tourist zone, Tay Ninh

3

Development of Moc Bai urban center, Tay Ninh

VII

Health

1

Ho Chi Minh City medical test center

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Ho Chi Minh City children hospital

3

Ho Chi Minh City tumor hospital

4

Ho Chi Minh City traditional medicine hospital

5

General hospitals of the provinces and city in the region

6

Specialized hospitals in the provinces and city in the region (obstetrics-pediatrics hospitals, tuberculosis hospitals, psychiatry hospitals, etc.)

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(*) Công Báo Nos 233-234 (28/02/2014)

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 252/QĐ-TTg ngày 13/02/2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


15.878

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.58.141
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!