ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2117/QĐ-UBND
|
Lâm Đồng, ngày 29 tháng 9 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG DÂN TỘC
THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2017 - 2020 THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 2085/QĐ-TTG CỦA
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/06/2015;
Căn cứ Quyết định số 2085/QĐ-TTg
ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ
phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số
và miền núi giai đoạn 2017-2020;
Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-UBDT
ngày 22/5/2017 của Ủy ban Dân tộc về hướng dẫn thực hiện Quyết định số
2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc
thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc
thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020;
Căn cứ Quyết định số 582/QĐ-TTg
ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó
khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền
núi giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Văn bản số 1025/UBDT-CSDT
ngày 26/9/2017 của Ủy ban Dân tộc về việc góp ý dự thảo Đề án theo Quyết định
2085/QĐ-TTg tỉnh Lâm Đồng;
Xét đề nghị của Trưởng Ban Dân tộc
tại Tờ trình số 371/TTr-BDT ngày 29/9/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án hỗ
trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn
2017-2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh
Lâm Đồng.
Điều 2.
Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các Sở,
ban, ngành liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện Đề án; có trách nhiệm
xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hàng năm, hướng dẫn và kiểm tra việc thực
hiện Đề án, định kỳ báo cáo UBND tỉnh.
Điều 3.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Trưởng Ban Dân tộc;
Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh; Giám đốc Chi
nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành kể từ ngày
ký./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Ủy ban Dân tộc;
- Các Bộ: KH&ĐT, TC, TN&MT, NN&PTNT;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- LĐVP;
- Lưu VT, TH1.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm S
|
ĐỀ ÁN
HỖ
TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN
2017 - 2020 THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 2085/QĐ-TTG NGÀY 31/10/2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Kèm theo Quyết định số: 2117/QĐ-UBND ngày 29 tháng 9 năm 2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng)
Phần I
TÌNH HÌNH CHUNG
Lâm Đồng là tỉnh miền núi Nam Tây
Nguyên, tổng diện tích tự nhiên 9.783,34 km2; có 12 đơn vị hành
chính (gồm: 10 huyện; 02 thành phố: Đà Lạt và Bảo Lộc), 01 huyện (Đam Rông) thuộc
diện đầu tư hỗ trợ theo Nghị quyết 30a ngày 27/12/2008 của Chính phủ; 147 đơn vị
hành chính cấp xã (gồm: 117 xã; 18 phường; 12 thị trấn); 1.573 thôn, buôn, tổ
dân phố. Dân số (đến hết năm 2016) là 1.289.326 người, với 43 dân tộc sinh sống;
trong đó: đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) chiếm khoảng 24,1% (66.536 hộ với
309.636 người; riêng các dân tộc gốc Tây Nguyên chiếm khoảng 17% dân số); 66 xã
và 468 thôn có trên 20% ĐBDTTS. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2016 là 5,19
% (giảm 1,58 % so với năm trước), trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ĐBDTTS là 14,71% (giảm
4,34 % so với năm trước).
Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày
28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ số, tỉnh Lâm Đồng có: 77 xã khu vực I; 62 xã
khu vực II (có 116 thôn đặc biệt khó khăn - ĐBKK); 8
xã khu vực III (34 thôn ĐBKK).
Trong những năm qua, nền kinh tế của
tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng khá, GDP năm sau cao hơn năm trước; đầu tư toàn xã
hội tăng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đã từng bước khai thác
có hiệu quả các lợi thế so sánh của từng vùng, từng ngành để phục vụ cho sự
nghiệp phát triển; những vấn đề bức xúc trong xã hội được quan tâm giải quyết,
không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm nhanh.
Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng
Chính phủ: số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 về một số chính sách hỗ trợ đất sản
xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó
khăn; số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định
canh, định cư cho đồng bào DTTS giai đoạn 2007 - 2010; số 54/2012/QĐ-TTg ngày
04/12/2012 ban hành chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS
đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015; số 755/QĐ-TTg ngày 20/05/2013 phê duyệt
Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ ĐBDTTS nghèo và hộ
nghèo ở xã, thôn, bản ĐBKK và các quy định khác có liên quan, tỉnh Lâm Đồng đã
tổ chức triển khai thực hiện và đạt được những kết quả nhất định, góp phần giải
quyết những khó khăn, từng bước ổn định đời sống cho hộ ĐBDTTS nghèo và hộ
nghèo tại các xã, thôn ĐBKK trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư còn hạn
chế và do các nguyên nhân khách quan nên một số nội dung trong thực hiện chính
sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt, ĐCĐC và vay vốn phát
triển sản xuất cho hộ ĐBDTTS nghèo chưa đạt được kết quả như mong muốn, số hộ
ĐBDTTS nghèo thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và có nhu cầu vay vốn
phát triển sản xuất còn chiếm tỷ lệ cao cần được Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu
tư hỗ trợ bằng nhiều chương trình, dự án, chính sách khác.
Chính vì vậy, việc triển khai xây dựng
Đề án theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về
chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi
giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước
để tiếp tục đầu tư để phát triển sản xuất, ổn định nơi ở
và cải thiện cuộc sống cho ĐBDTTS nghèo và hộ nghèo tại các xã, thôn ĐBKK gắn với
giữ vững an ninh quốc phòng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Phần II
KẾT QUẢ THỰC HIỆN
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG NHỮNG NĂM QUA
I. Kết quả thực
hiện:
1. Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản
xuất, nhà ở và nước sinh hoạt:
a) Thực hiện Quyết định số
134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ:
* Tổng kinh phí thực hiện:
108.880,7 triệu đồng; trong đó:
- Ngân sách Trung ương hỗ trợ:
100.127 triệu đồng;
- Ngân sách địa phương: 8.753,7 triệu
đồng.
* Các hạng mục đã thực hiện:
- Hỗ trợ đất ở: 1.850 hộ/diện tích
143,27 ha;
- Giải quyết đất sản xuất: 2.463 hộ/diện
tích 1.909,33 ha;
- Hỗ trợ chăn nuôi: 559 hộ/559 con
bò;
- Giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho
1.415 hộ/diện tích 30.276 ha;
- Đầu tư hệ thống nước sinh hoạt:
6.448 giếng đào, 1.019 bể chứa nước, 114 công trình giếng khoan, 17 công trình
hệ thống nước tự chảy.
b) Thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg
của Thủ tướng Chính phủ:
* Tổng số hộ đã thực hiện: 4.183 hộ, kinh phí 28.416 triệu đồng; trong đó:
- Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 26.460
triệu đồng;
- Ngân sách địa phương: 1.956 triệu đồng.
* Các hạng mục đã thực hiện:
- Khai hoang đất sản xuất cấp cho 125
hộ/diện tích 36 ha;
- Mua sắm nông cụ,
máy móc cho 995 hộ;
- Hỗ trợ trực tiếp nước sinh hoạt
phân tán cho 1.566 hộ; 14 công trình nước sinh hoạt tập trung/1.497 hộ thụ hưởng.
2. Chính sách hỗ trợ di dân thực
hiện định canh, định cư (ĐCĐC) theo Quyết định số
33/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 1342/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ:
Toàn tỉnh hiện có 21 dự án ĐCĐC để bố
trí cho 1.171 hộ/6.002 khẩu (08 dự án tập trung và 13 dự án xen ghép), với tổng nhu cầu vốn 149.714 triệu đồng, trong đó:
- Vốn thực hiện theo Quyết định số
33/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: 89.522 triệu đồng;
- Vốn lồng ghép: 60.192 triệu đồng.
Đến nay, đã đầu
tư cơ bản hoàn thành 08 dự án (01 dự án tập trung và 07 dự án xen ghép); giải
quyết được 562 hộ/2.885 khẩu, đạt 45,43% mục tiêu đề ra; kinh phí được bố trí
66.440 triệu đồng (vốn ĐCĐC: 55.037 triệu đồng; vốn lồng ghép: 11.403 triệu đồng)
đạt 44,38% kế hoạch.
Qua rà soát tình hình triển khai thực
hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay tỉnh Lâm Đồng
còn 07 dự án ĐCĐC tập trung và 04 điểm ĐCĐC xen ghép còn thiếu vốn, đang đầu tư
dở dang cần tiếp tục đầu tư để hoàn thiện trong giai đoạn 2017 - 2020.
(Chi tiết tại Phụ lục 01 kèm theo)
II. Đánh giá
chung:
1. Những mặt đạt được:
- Việc thực hiện Quyết định số
134/2004/QĐ-TTg, Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách
hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và mua sắm nông cụ đã giúp hộ ĐBDTTS
nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn ĐBKK có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên
thoát nghèo bền vững. Diện tích đất ở, đất sản xuất sau khi cấp cho hộ ĐBDTTS
nghèo đã đưa vào sản xuất, sử dụng hiệu quả, tâm lý chung của các hộ đều phấn
khởi và yên tâm sản xuất ổn định lâu dài.
- Đối với chính sách hỗ trợ di dân thực
hiện định canh, định cư theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg và Quyết định
1342/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Mặc dù vẫn còn tiêu chí chưa đạt,
song việc đầu tư các dự án ĐCĐC đã làm thay đổi cơ bản nhận
thức của ĐBDTTS về tập quán sinh hoạt, sản xuất từ du canh, du cư đến ĐCĐC; cuộc
sống của ĐBDTTS được hưởng lợi từ dự án đã dần đi vào ổn định;
điện lưới quốc gia kéo đến xã, mạng điện thoại di động, Internet được phủ sóng
trên diện rộng, nhiều hộ mua sắm được ti vi, xe máy phục vụ nhu cầu sản xuất và
sinh hoạt của gia đình; có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, học tập, giao
lưu văn hóa với các dân tộc khác và thực hiện xóa đói giảm nghèo - đây cũng là
tiền đề quan trọng góp phần tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trong
vùng; củng cố vững chắc lòng tin của người dân vào chủ trương, chính sách của Đảng
và Nhà nước; ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn
xã hội; đặc biệt là vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa, góp phần quan trọng bảo vệ
nguồn tài nguyên rừng, nhất là các khu vực rừng phòng hộ, phát triển kinh tế -
xã hội tại địa phương; nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách đối với vùng
DTTS của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
2. Những khó khăn, tồn tại:
a) Việc thực hiện Quyết định số
134/2004/QĐ-TTg và Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ:
- Đối tượng được hỗ trợ đất ở, đất sản
xuất, nhà ở và nước sinh hoạt chủ yếu là hộ ĐBDTTS nghèo, đời sống rất khó khăn nên ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, việc huy động
đóng góp thêm các nguồn vốn khác để thực hiện gặp rất nhiều
khó khăn.
- Một số đối tượng được hỗ trợ nhận
thức chưa cao, còn trông chờ, ỷ lại từ các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước.
- Hiện nay, quỹ đất ở và đất sản xuất
trên địa bàn tỉnh rất khó khăn, giá đất sang nhượng, bồi thường khi Nhà nước
thu hồi ngày càng gia tăng trong khi mức hỗ trợ của nhà nước quá thấp; việc
chuyển đổi từ đất lâm nghiệp sang đất
nông nghiệp để bố trí cho các hộ còn thiếu chưa được giải
quyết.
b) Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện
định canh, định cư theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ:
- Định mức hỗ trợ thấp, thiếu cân đối
giữa vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp; phân bố kinh phí thực hiện còn chậm,
chưa đồng bộ, tiến độ thực hiện một số dự án chưa đạt yêu cầu đề ra.
- Việc huy động nhân dân đóng góp
kinh phí để thực hiện chương trình còn hạn chế.
- Tiến độ thực hiện các dự án ổn định
dân DCTD tại một số huyện còn chậm, do chậm được bố trí vốn hoặc bố trí vốn dàn
trải, kéo dài.
Phần III
NỘI DUNG THỰC HIỆN
ĐỀ ÁN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG DTTS VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2017 -
2020
I. Căn cứ lập Đề
án:
- Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày
04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính
sách khác;
- Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007
của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định
cư cho ĐBDTTS giai đoạn 2007 - 2010;
- Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày
25/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch định canh, định cư cho
ĐBDTTS du canh, du cư đến năm 2012;
- Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg ngày
04/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ
di dân thực hiện định canh, định cư cho ĐBDTTS đến năm 2015;
- Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày
19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều
áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020;
- Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày
31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ
phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoan 2017 - 2020;
- Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày
28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó
khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn
2016 - 2020;
- Thông tư số
02/2017/TT-UBDT ngày 22/5/2017 của Ủy ban Dân tộc về việc hướng dẫn thực hiện
Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền
núi giai đoạn 2017 - 2020;
- Quyết định số 34/QĐ-HĐQT ngày
26/4/2014 của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội về nâng mức cho vay
tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh;
- Quyết định số 37/2014/QĐ-UBND ngày
19/9/2014 của UBND tỉnh Lâm Đồng quy định mức bình quân giao đất sản xuất nông
nghiệp cho hộ ĐBDTTS nghèo và hộ nghèo ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn trên địa
bàn tỉnh;
- Quyết định số 954/QĐ-UBND ngày 03/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt
kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 trên địa bàn tỉnh Lâm
Đồng;
- Kết quả rà soát về phạm vi, đối tượng
thực hiện chính sách theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng
Chính phủ trên địa bàn tỉnh và tình hình thực tế của địa phương;
- Các văn bản chỉ đạo của Ủy ban Dân
tộc và UBND tỉnh Lâm Đồng liên quan đến triển khai hoàn chỉnh Đề án hỗ trợ đất ở,
đất sản xuất và nước sinh hoạt theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng
Chính phủ;
- Văn bản số 1025/UBDT-CSDT ngày
26/9/2017 của Ủy ban Dân tộc về việc thẩm tra, góp ý dự thảo Đề án theo Quyết định
2085/QĐ-TTg tỉnh Lâm Đồng.
II. Mục tiêu của Đề
án:
1. Mục tiêu tổng quát:
Tập trung các nguồn lực đầu tư, giải
quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc về đời sống, sản xuất; từng bước cải thiện
và nâng cao điều kiện sản xuất, đời sống cho hộ DTTS nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc
biệt khó khăn, góp phần giảm nghèo bền vững, giảm dần chênh lệch về các mặt
trong phát triển giữa người kinh và ĐBDTTS.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ DTTS nghèo
(theo chuẩn đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020) so với tổng số hộ DTTS
toàn tỉnh từ 2% đến 3%/năm;
- Chuyển đổi nghề cho trên 80% số hộ
ĐBDTTS nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất; cơ bản giải
quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ DTTS nghèo và
hộ nghèo sống phân tán ở vùng đặc biệt khó khăn;
- Hoàn thành các dự án ĐCĐC tập
trung, xen ghép theo kế hoạch được duyệt để tiếp tục bố trí sắp xếp dân cư nhằm
ổn định đời sống, phát triển sản xuất cho các hộ ĐBDTTS
theo Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 25/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ;
- Tạo điều kiện thuận lợi để hộ
ĐBDTTS nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn vay vốn tín dụng ưu đãi để
phát triển sản xuất.
III. Đối tượng và
phạm vi thực hiện:
Chính sách này áp dụng cho toàn bộ các
hộ ĐBDTTS (kể cả vợ hoặc chồng là người DTTS) ở các xã,
thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa
chiều (bao gồm cả dân tộc Kinh) ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn (theo
Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ) sinh sống bằng
nghề nông, lâm nghiệp thiếu đất ở, đất sản xuất theo hạn mức bình quân chung
(theo Quyết định số 37/2014/QĐ-UBND ngày 19/9/2014 của UBND tỉnh), thiếu nước
sinh hoạt; chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước
sinh hoạt phân tán.
Thời điểm xác định đối tượng thụ hưởng
chính sách: Thực hiện theo Quyết định số 954/QĐ-UBND ngày 03/5/2017 của UBND tỉnh
Lâm Đồng về việc phê duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm
2016 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
IV. Nguyên tắc:
1. Hỗ trợ
trực tiếp đến hộ ĐBDTTS nghèo; hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó
khăn đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, các hộ được hỗ trợ phải sử dụng
vốn đúng mục đích.
2. Giao
quyền chủ động cho các địa phương, tăng cường sự tham gia của người dân trong
quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách.
3. Bố trí
vốn theo các quy định của chính sách và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.
V. Thời gian thực
hiện: Giai đoạn 2017 -
2020.
Phần IV
NỘI DUNG ĐỀ ÁN HỖ
TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN
2017 - 2020
I. Nội dung của
Đề án:
Tổng số hộ thụ hưởng chính sách của Đề
án: 13.569 hộ, kinh phí 292.985 triệu đồng, trong đó:
- Ngân sách Trung ương: 72.087 triệu
đồng, chiếm tỷ lệ 24,61%.
- Ngân sách địa phương đối ứng (vốn
sự nghiệp): 15.593 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 5,32%.
- Vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội:
205.305 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 70,07%.
(Chi tiết tại Phụ lục 02 kèm theo)
1. Hỗ
trợ đất ở, hỗ trợ
đất sản xuất và nước sinh hoạt:
a) Hỗ trợ đất ở:
- Số hộ có nhu cầu hỗ trợ đất ở:
2.066 hộ, diện tích khoảng 41,13 ha.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
rà soát và tự cân đối quỹ đất tại địa phương để lập thủ tục ban hành quyết định
giao đất cho đối tượng thụ hưởng chính sách theo định mức bình quân 200m2/hộ.
b) Hỗ trợ đất sản xuất:
* Hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất:
Thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg của
Thủ tướng Chính phủ; sau khi rà soát thực tế tại các địa phương, trên địa
bàn tỉnh Lâm Đồng hiện còn 1.083 hộ thiếu đất sản xuất, với nhu cầu
diện tích 433 ha; tổng kinh phí để thực hiện 54.150 triệu đồng.
Hiện nay, Trung ương vẫn chưa có chủ
trương, văn bản cho phép tỉnh Lâm Đồng chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất lâm
nghiệp sang đất nông nghiệp để bố trí cho các hộ còn thiếu đất sản xuất (do thực
hiện Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 của Văn phòng Chính phủ về kết luận
của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục
rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi
khí hậu giai đoạn 2016 - 2020).
Trường hợp, Chính phủ không cho phép
chuyển đổi từ đất lâm nghiệp sang đất sản xuất nông nghiệp
để bố trí cho các hộ còn thiếu, tỉnh Lâm Đông đề nghị thực hiện các biện pháp hỗ
trợ khác đảm bảo phù hợp theo quy định của Nhà nước và tình hình thực tế của từng
địa phương, cụ thể:
- Số hộ có nhu cầu hỗ trợ: 1.083 hộ,
với tổng kinh phí 54.150 triệu đồng (trong đó: ngân sách Trung ương: 16.245 triệu
đồng; ngân sách địa phương đối ứng: 5.415 triệu đồng; vay từ ngân hàng Chính sách
xã hội: 32.490 triệu đồng).
(Chi tiết tại Phụ lục 03 kèm theo)
- Định mức hỗ trợ: 20 triệu đồng/hộ
(trong đó: ngân sách Trung ương 15 triệu đồng; ngân sách địa phương đối ứng 05
triệu) và được vay vốn tại ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Điều
6, Thông tư số 02/2017/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc.
- Đối tượng hỗ trợ: Áp dụng cho các hộ
chuyên canh cây rau màu hoặc lúa 02 vụ có diện tích đất thiếu từ 0,3ha trở lên;
các hộ trồng lúa một vụ hoặc trồng cây công nghiệp có diện tích đất thiếu từ
0,4ha trở lên.
* Hỗ trợ chuyển đổi nghề:
- Số hộ thiếu đất sản xuất đề nghị được
hỗ trợ chuyển đổi nghề (hình thức mua
sắm máy móc, công cụ sản xuất, dịch vụ nông nghiệp, trồng trọt, tiểu thủ công nghiệp, buôn bán...): 3.226 hộ, với tổng kinh phí 122.588
triệu đồng (trong đó: ngân sách Trung ương 16.130 triệu đồng; ngân sách địa
phương đối ứng - vốn sự nghiệp 9.678 triệu đồng; vay từ ngân hàng Chính sách xã
hội: 96.780 triệu đồng).
(Chi tiết tại Phụ lục 04 kèm theo)
- Định mức hỗ trợ: 08 triệu đồng/hộ
(trong đó: ngân sách Trung ương 05 triệu đồng; ngân sách địa phương đối ứng 03
triệu đồng) và được vay vốn từ ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Điều
6, Thông tư số 02/2017/TT- UBDT của Ủy ban Dân tộc.
- Đối tượng hỗ trợ: Áp dụng cho các hộ
thiếu đất còn lại.
c) Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán:
- Số hộ cần hỗ trợ: 3.513 hộ, với tổng
kinh phí: 5.270 triệu đồng từ ngân sách Trung ương;
(Chi tiết tại Phụ lục 05 kèm theo)
- Định mức hỗ trợ: Bình quân 1,5 triệu
đồng/hộ để tạo nguồn nước phục vụ sinh hoạt; kinh phí hỗ trợ được sử dụng linh
hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của từng thôn, xã và điều kiện sinh hoạt của
hộ gia đình như: đào giếng, mua vật dụng dẫn nước, trữ nước,...đảm bảo nguyên tắc
các hộ được hỗ trợ phải có nước sinh hoạt ổn định và được
bố trí ở khu vực thuận tiện cho sinh hoạt gia đình.
Tùy theo tình hình thực tế của từng địa
phương, có thể tiến hành hỗ trợ theo nhóm hộ trên cơ sở mức hỗ trợ bình quân
1,5 triệu đồng/hộ để xây dựng những công trình sử dụng
chung; nhóm hộ phải tự nguyện, cam kết bảo vệ và duy trì công trình, đảm bảo có
nguồn nước ổn định.
2. Hỗ trợ bố trí, sắp xếp ổn định
dân cư:
Các dự án ĐCĐC của tỉnh Lâm Đồng đã
được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày
05/3/2007 và Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 25/8/2009. Qua rà soát, thẩm tra, đến
nay có 11 dự án (678 hộ thụ hưởng) còn thiếu vốn, đang đầu tư dở dang và chưa
hoàn thiện, cụ thể:
a) Dự án ĐCĐC tập trung: 07 dự án, số
hộ thụ hưởng chính sách 476 hộ, với tổng kinh phí 27.043
triệu đồng, trong đó: vốn sự nghiệp 2.395 triệu đồng; vốn đầu tư phát triển
24.648 triệu đồng.
b) Điểm ĐCĐC xen ghép: 04 điểm, số hộ
thụ hưởng chính sách 202 hộ, với tổng kinh phí 7.400 triệu
đồng, trong đó: vốn sự nghiệp 800 triệu đồng; vốn đầu tư phát triển 6.600 triệu
đồng.
(Chi tiết tại Phụ lục 01 kèm theo)
3. Hỗ trợ vay tín dụng ưu đãi:
- Tổng số hộ DTTS nghèo tại thôn, xã
đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh có nhu cầu vay vốn tín
dụng ưu đãi là 5.069 hộ.
- Định mức đề nghị được vay ưu đãi:
15 triệu đồng/hộ.
- Tổng vốn vay
ưu đãi: 76.035 triệu đồng.
(Chi tiết tại Phụ lục 06 đính kèm)
4. Kinh phí quản lý (ngân sách địa phương):
a) Tổng kinh
phí: 500 triệu đồng, trong đó:
- Cơ quan thường trực cấp tỉnh: 200
triệu đồng (Năm 2018: 60 triệu đồng, năm 2019: 60 triệu đồng, năm 2020: 80 triệu
đồng);
- Cơ quan thường trực các huyện,
thành phố: 300 triệu đồng (10 đơn vị x 10 triệu đồng/đơn vị
x 3 năm thực hiện)
b) Nội dung: Chi phí quản lý, theo
dõi, chỉ đạo, kiểm tra hướng dẫn, sơ kết, tổng kết thực hiện chính sách hàng
năm, công tác phí, xăng xe, văn phòng phẩm, họp...).
II. Các giải
pháp thực hiện:
1. Công tác quản lý, chỉ đạo điều
hành chung:
- Tăng cường phát huy vai trò của cơ quan
thường trực và các thành viên Ban chỉ đạo trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc
các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện với tinh thần
khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ, tránh chồng chéo, sâu
sát và hiệu quả;
- Cơ quan làm công tác Dân tộc cấp
huyện chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan kịp thời tham mưu UBND
huyện, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện; kịp thời phát hiện, giải quyết
những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở; định kỳ tổ chức
đánh giá tình hình và kết quả thực hiện để đưa ra các biện pháp tiếp tục thực
hiện Đề án kịp thời, đạt hiệu quả.
- Cấp xã triển khai việc lồng ghép của
Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo xã để chỉ đạo triển khai
thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn. Chủ động
xây dựng kế hoạch, giải pháp tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu cụ thể
theo từng nội dung hỗ trợ (đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và vay vốn phát
triển sản xuất,...) cho hộ ĐBDTTS nghèo đảm bảo hoàn thành dứt điểm từ nay đến hết năm 2020; bố trí, phân công cán bộ có năng lực,
kinh nghiệm để quản lý, chỉ đạo, theo dõi tổng hợp.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận
động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, huy động sự đóng góp của các tổ chức,
cá nhân đóng chân trên địa bàn; huy động các nguồn lực của cộng đồng và các
dòng tộc để triển khai thực hiện chính sách đạt hiệu quả
cao.
2. Giải pháp triển khai thực hiện
các nội dung:
a) Đối với đất ở:
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
có trách nhiệm cân đối quỹ đất để bố trí đất cho nhân dân, trên cơ sở quy hoạch,
bố trí dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới.
- Tuyên truyền, vận động trong nhân
dân, dòng họ có nhiều đất để chuyển
nhượng lại hoặc cho, tặng...
b) Hỗ trợ đất sản xuất:
- Đối với hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất:
Thực hiện phương án hỗ trợ trực tiếp
đất sản xuất cho các hộ còn thiếu nêu trên (sau khi Chính phủ, các Bộ, ngành
Trung ương cho phép chuyển đổi từ đất
lâm nghiệp sang đất nông nghiệp như đã đề nghị của UBND tỉnh Lâm Đồng). Trường
hợp, không có quỹ đất sản xuất để bố trí cho các hộ còn thiếu thì thực hiện các
biện pháp hỗ trợ khác đảm bảo phù hợp theo quy định của Nhà nước và tình hình
thực tế của từng địa phương.
- Đối với hỗ trợ chuyển đổi nghề:
+ Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
chỉ đạo cơ quan làm công tác Dân tộc hướng dẫn và tăng cường kiểm tra, giám sát
việc hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề
thay thế đất sản xuất (như mua sắm máy móc, công cụ sản xuất, dịch vụ nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, tiêu thủ công nghiệp,
buôn bán,...) nhằm mang lại hiệu quả và tạo thu nhập ổn
định, lâu dài thay thế thu nhập từ đất sản xuất; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn
tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đối với các
hộ vay vốn. Phối hợp, lồng ghép vốn tín dụng chính sách với các dự án khuyến
nông, khuyến lâm nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
+ Phòng giao dịch ngân hàng Chính
sách xã hội cấp huyện phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, hướng dẫn
các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, các Tổ tiết kiệm
và vay vốn thực hiện bình xét và cho vay vốn đúng đối tượng, sử dụng vốn vay
đúng mục đích để phát huy hiệu quả.
c) Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán:
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, cơ quan chuyên môn tổ chức khảo
sát nhu cầu của người dân và hướng dẫn cho người dân tự đào giếng; mua vật dụng
dẫn nước, trữ nước,... phù hợp để đảm bảo có nước sinh hoạt ổn định và được bố
trí ở khu vực thuận tiện cho sinh hoạt gia đình.
d) Hỗ trợ bố trí,
sắp xếp ổn định dân cư: cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường công tác
chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các
dự án khi được Trung ương bố trí đủ vốn (hoặc đã bố trí vốn đồng thời với việc
cân đối lồng ghép các nguồn vốn khác để có đủ nguồn vốn)
thực hiện đảm bảo hoàn thành các dự án ĐCĐC giai đoạn 2017 - 2020 nhằm tạo điều
kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, yên tâm sản xuất và ổn định cuộc sống.
Phần V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. Trách nhiệm của
các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh:
1. Ban Dân tộc:
a) Là cơ quan Thường trực của tỉnh trực
tiếp tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tổ chức
thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và nội dung của Đề
án này.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch
và Đầu tư, Sở Tài chính; các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổng
hợp nhu cầu dự toán kinh phí hàng năm và cho cả giai đoạn 2017 - 2020 để được bố
trí và triển khai thực hiện.
c) Hướng dẫn triển khai, theo dõi, kiểm
tra, đôn đốc, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh,
Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành Trung ương (hàng quý, năm) theo đúng quy định.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính,
Ban Dân tộc, các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan:
a) Tổng hợp nhu cầu, dự kiến vốn hàng
năm và cả giai đoạn của các địa phương, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Tham mưu việc lồng ghép nguồn vốn
thực hiện chính sách theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với
các chương trình, dự án, đề án, chính sách khác trên địa bàn.
3. Sở Tài chính:
a) Phối hợp với các Sở, ban, ngành
liên quan hướng dẫn việc quản lý, cấp, thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện
Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi
giai đoạn 2017 - 2020.
b) Tham mưu UBND tỉnh cân đối kinh
phí đối ứng thực hiện Đề án từ nguồn ngân sách tỉnh; cấp kinh phí cho các đơn vị,
địa phương để triển khai thực hiện.
c) Cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách
tỉnh cho kinh phí quản lý Đề án nhằm hỗ trợ hoạt động của cơ quan chủ trì cấp tỉnh
và cấp huyện.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn: Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc, các Sở,
ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương thực hiện việc rà
soát, tạo quỹ đất sản xuất để hỗ trợ cho các hộ còn thiếu,
phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề
chăn nuôi theo đúng quy định để ổn định sản xuất, tạo thu
nhập ổn định lâu dài.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Hướng dẫn, kiểm tra, phối hợp với
các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố trong việc khảo sát,
quy hoạch, lập hồ sơ chuyển mục đích
sử dụng đất, giao đất nhằm đảm bảo thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản
xuất cho hộ DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn
theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
b) Rà soát, hướng dẫn các thủ tục
liên quan đến đất đai như: Chuyển nhượng, cho tặng, khai
hoang phục hóa, thu hồi từ các nông, lâm trường, các doanh nghiệp, đo đạc, cấp
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... cho ĐBDTTS nghèo theo Quyết định số
2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
c) Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn rà soát toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh
bị lấn chiếm đang canh tác (đặc biệt là người DTTS), đề xuất UBND tỉnh hướng giải
quyết đối với diện tích đất này.
6. Chi nhánh Ngân hành Chính sách
xã hội tỉnh: Hướng dẫn quy trình, thủ tục cho vay theo
quy định đảm bảo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện; căn cứ vào nhu cầu vốn đã được
phê duyệt, xây dựng kế hoạch cho vay hằng năm và cả giai đoạn; định kỳ 6 tháng,
hằng năm thông báo kết quả thực hiện gửi UBND tỉnh (qua Ban Dân tộc) để tổng hợp chung.
7. Các Sở, ngành liên quan: Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp hướng
dẫn, đôn đốc, kiểm tra, hỗ trợ các địa phương thực hiện có hiệu quả các chính sách
có liên quan đến Đề án.
8. Đề nghị
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể cấp tỉnh chỉ đạo,
phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên các cấp và toàn dân hưởng ứng,
tham gia thực hiện có hiệu quả chính sách này.
II. UBND các huyện,
thành phố:
1. Chịu
trách nhiệm trước UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện
chính sách trên địa bàn huyện, thành phố; chỉ đạo các phòng, cơ quan chuyên
môn, chính quyền cấp xã thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện Đề
án này trên địa bàn đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng, không để xảy ra chồng
chéo, tiêu cực; kịp thời phát hiện và giải quyết các khó khăn, vướng mắc ở cơ sở
hoặc báo cáo UBND tỉnh (qua Ban Dân tộc) và các Sở, ngành liên quan.
2. Phê
duyệt danh sách chi tiết hộ gia đình được hưởng chính sách hỗ trợ và đăng ký
vay vốn theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các quy định
khác có liên quan làm cơ sở để tổ chức thực hiện chính
sách.
3. Rà
soát, lập hoặc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất theo thẩm quyền để tạo quỹ đất dành cho hộ DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn đặc
biệt khó khăn thiếu đất ở và đất sản xuất. Hàng năm, thẩm định, phê duyệt danh
sách đối tượng được hỗ trợ, cấp phát, kiểm tra, giám sát, thanh quyết toán kinh
phí; báo cáo UBND tỉnh và các ngành liên quan theo quy định.
4. Chỉ đạo
rà soát, lựa chọn đối tượng thụ hưởng chính sách theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg
của Thủ tướng Chính phủ đúng với quy định; trong đó, ưu tiên những hộ, địa bàn
khó khăn hơn thực hiện trước, đảm bảo tính chính xác của số liệu, tính khả thi.
5. Giao
cho cơ quan làm công tác Dân tộc của huyện, thành phố trực tiếp tham mưu giúp
UBND huyện, thành phố chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg của
Thủ tướng Chính phủ.
6. Ưu
tiên lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án, đề án khác để thực hiện chính sách trên địa bàn.
7. Chỉ đạo
các phòng, ban chuyên môn, phối hợp với Phòng giao dịch ngân hàng Chính sách xã
hội tại địa phương triển khai thực hiện việc cho vay đến đối tượng thụ hưởng đảm
bảo kịp thời, đúng quy định.
8. Định kỳ
hàng quý, năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh tình hình và kết quả thực hiện (qua
Ban Dân tộc) và các Sở, ngành liên quan.
Trên đây là Đề án thực hiện Quyết định
số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc
thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng./.