BỘ
TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
20TC/KBNN
|
Hà
Nội, ngày 17 tháng 1 năm 1996
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ ĐẤU THẦU MUA SẮM ĐỒ DÙNG, TRANG THIẾT
BỊ, PHƯƠNG TIỆN LÀM VIỆC ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC - LỰC LƯỢNG VŨ TRANG -
ĐOÀN THỂ VÀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC.
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị định số 178/CP
ngày 28/10/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Tài
chính;
Căn cứ chỉ thị số 368/TTg ngày 22/6/1995 của Thủ tướng Chính phủ về thực hành
tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, đoàn
thể và doanh nghiệp Nhà nước và công văn số 7256/KTTH của Thủ tướng Chính phủ
ngày 18/12/1995 về việc quy định giá trị tài sản mua sắm trang thiết bị phải đấu
thầu;
Để tăng cường quản lý, sử dụng kinh phí Ngân sách Nhà nước trong việc mua sắm đồ
dùng, trang thiết bị, phương tiện làm việc đối với các cơ quan Nhà nước, lực lượng
vũ trang, đoàn thể và doanh nghiệp Nhà nước;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1:
Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế đấu thầu mua sắm
đồ dùng, trang thiết bị, phương tiện làm việc bằng nguồn kinh phí Ngân sách Nhà
nước đối với các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, đoàn thể và doanh nghiệp
Nhà nước.
Điều 2:
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3:
Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ
quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,
các cơ quan Đảng, đoàn thể, doanh nghiệp Nhà nước; Các đơn vị thuộc hệ thống
tài chính, Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm thực hiện quy chế này.
QUY CHẾ
ĐẤU THẦU MUA SẮM ĐỒ DÙNG, TRANG BỊ, PHƯƠNG TIỆN LÀM VIỆC ĐỐI
VỚI CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, LỰC LƯỢNG VŨ TRANG, ĐOÀN THỂ VÀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 20 TC/KBNN ngày 17 tháng 01 năm 1996 của Bộ
trưởng Bộ Tài chính)
Điều 1:
Các cơ quan Nhà nước, các cơ quan Đảng, đoàn thể, hội
quần chúng, lực lượng vũ trang thụ hưởng Ngân sách Nhà nước và các doanh nghiệp
Nhà nước sử dụng vốn ngân sách khi mua sắm đồ dùng, trang thiết bị, phương tiện
làm việc có giá trị hoặc tổng giá trị từ 100 triệu đồng trở lên phải thực hiện
theo phương thức đấu thầu công khai được quy định tại quy chế này.
Việc sửa chữa, cải tạo, mở rộng
trụ sở làm việc, nhà xưởng; mua các trang thiết bị gắn với xây dựng cơ bản
không thuộc phạm vi thực hiện của quy chế này và được áp dụng theo quy chế đấu
thầu xây dựng cơ bản hiện hành.
Điều 2:
Nguyên tắc đấu thầu:
2.1/ Bí mật về mọi thông tin đặt
thầu của các đơn vị đặt thầu.
2.2/ Tổ chức đấu thầu công khai,
bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các đơn vị đặt thầu.
2.3/ Đơn vị tổ chức đấu thầu và
đơn vị, cá nhân trúng thầu có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh những cam kết
về cung cấp hàng hoá, thanh toán tiền hàng theo kết quả trúng thầu.
Điều 3:
Đối tượng tham gia đấu thầu là: Các đơn vị, cá nhân thuộc
mọi lĩnh vực và thành phần kinh tế (kể cả các công ty nước ngoài hoặc liên
doanh với nước ngoài được phép thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam)
khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Có giấy phép kinh doanh do các
cơ quan có thẩm quyền cấp
+ Có khả năng cung cấp và bảo
hành hàng hoá đối với các chủng loại hàng hoá cần phải bảo hành.
+ Nộp tiền ký quỹ theo yêu cầu của
cơ quan tổ chức đấu thầu trước ngày mở thầu một ngày.
+ Sử dụng hoá đơn bán hàng hợp lệ
do Bộ Tài chính ban hành.
+ Chấp hành đầy đủ các thủ tục
và quy định của quy chế này.
Điều 4:
Hội đồng đấu thầu:
4.1/ Hội đồng đấu thầu do thủ
trưởng cơ quan quyết định thành lập, gồm từ 3 đến 5 người có các thành phần
sau: Thủ trưởng đơn vị (hoặc người uỷ quyền) là chủ tịch, kế toán trưởng đơn vị,
đại diện cơ quan tài chính cấp kinh phí (hoặc đại diện của cơ quan tài chính ở
địa phương) và một số chuyên gia kỹ thuật của đơn vị (hoặc chuyên gia kỹ thuật
được mời tham gia Hội đồng khi cần thiết).
4.2/ Các thành viên của Hội đồng
đấu thầu làm việc mang tính chất kiêm nhiệm. Sau khi thực hiện xong việc mua sắm,
Hội đồng đấu thầu sẽ tự giải thể. Tất cả các thành viên của Hội đồng đấu thầu
phải tuyệt đối giữ bí mật về các thông tin của đơn vị đặt thầu và các thông tin
nội bộ của đợt đấu thầu.
4.3/ Hội đồng đấu thầu có nhiệm
vụ:
+ Chuẩn bị và công bố các nội
dung liên quan đến đợt đấu thầu.
+ Hướng dẫn, kiểm tra các điều
kiện của đơn vị tham gia đặt thầu.
+ Tiếp nhận và kiểm tra tính hợp
lệ của các phiếu đặt thầu.
+ Quy định khung giá chỉ đạo
(khung giá trần) cho mỗi đợt mở thầu. Khung giá trần được xác định cho từng loại
tài sản cần mua sắm trên nguyên tắc căn cứ vào giá thị trường và các chi phí
khác (vận chuyển, lắp đặt...) nếu có theo từng phương thức mua.
+ Xây dựng thang điểm xét thầu
cho từng yếu tố gọi thầu.
+ Tổ chức mở thầu, xét kết quả
trúng thầu.
+ Công bố kết quả đấu thầu.
+ Giải quyết các đơn thư khiếu nại
có liên quan đến việc dặt thầu và mở thầu.
Điều 5:
Thông báo đấu thầu:
Trước mỗi đợt tổ chức đấu thầu từ
7-10 ngày, cơ quan tổ chức đấu thầu phải thông báo các nội dung đấu thầu cụ thể
như sau:
- Mặt hàng cần mua sắm: khối lượng,
số lượng, quy cách, chủng loại và chất lượng hàng hoá.
- Thời hạn giao hàng.
- Phương thức chuyển giao hàng
hoá và thanh toán tiền hàng.
- Yêu cầu về việc bảo hành hàng
hoá (nếu cần)
- Thời hạn và địa điểm đặt thầu
- Thời hạn và địa điểm tổ chức mở
thầu
- Số hiệu tài khoản ký quỹ tại
kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng.
Điều 6:
Tiền ký quỹ: là số tiền đơn vị đặt thầu phải ký gửi vào
tài khoản của đơn vị tổ chức đấu thầu mở tại Kho bạc Nhà nước (đối với các đơn
vị tổ chức đấu thầu là đơn vị sự nghiệp thụ hưởng Ngân sách Nhà nước) hoặc Ngân
hàng thương mại (đối với đơn vị đấu thầu là doanh nghiệp Nhà nước). Mức tiền ký
quỹ được quy định bằng 5% giá trị đặt thầu nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng
và không được hưởng lãi trong thời gian ký quỹ. Số tiền ký quỹ sẽ được hoàn trả
lại cho các đơn vị không trúng thầu ngay sau khi có kết quả đấu thầu; Đối với
các đơn vị trúng thầu, tiền ký quỹ sẽ được hoàn lại sau khi thực hiện xong hợp
đồng mua bán hàng hoá.
Trường hợp đơn vị trúng thầu tự
ý từ bỏ kết quả đấu thầu, không ký hợp đồng hoặc đã ký hợp đồng nhưng không thực
hiện cung cấp hàng hoá theo đúng tiến độ, đúng quy cách, phẩm chất buộc phải
thanh lý hợp đồng hoặc tự ý huỷ bỏ hợp đồng cung cấp hàng hoá thì số tiền ký quỹ
được dùng để bù đắp chi phí cho việc tổ chức đấu thầu, phần còn lại (nếu còn) nộp
Ngân sách Nhà nước.
Điều 7:
Đặt thầu:
7.1/ Các đơn vị đặt thầu phải có
phiếu đặt thầu và các hồ sơ tài liệu có liên quan gửi đến cơ quan tổ chức đấu
thầu trước ngày mở thầu 1 ngày làm việc.
- Mẫu phiếu đặt thầu do Hội đồng
đấu thầu quy định, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
+ Số lượng, khối lượng, quy
cách, chất lượng hàng hoá cung cấp.
+ Phương thức chuyển giao hàng
hoá và thanh toán tiền hàng.
+ Giá cả theo lô hàng hoặc đơn
chiếc.
+ Điều kiện, thời hạn, địa điểm
bảo hành.
- Các hồ sơ tài liệu khác gồm:
+ Bản sao Quyết định thành lập
đơn vị.
+ Bản sao giấy phép kinh doanh
do cơ quan có thẩm quyền cấp.
+ Xác nhận của kho bạc nhà nước
hoặc ngân hàng thương mại về số tiền đã ký quỹ.
+ Các tài liệu khác có liên quan
do Hội đồng đấu thầu quy định.
7.2/ Các phiếu đặt thầu và hồ sơ
tài liệu được dán kín trong bì thư niêm phong và gửi trực tiếp cho cơ quan tổ
chức đấu thầu hoặc chuyển qua đường bưu điện. Không một phiếu đặt thầu nào được
rút lại hoặc sửa đổi sau khi đã được gửi cho cơ quan tổ chức đấu thầu.
Điều 8:
Các cơ quan, đơn vị có mua sắm vật tư hàng hoá theo
phương thức đấu thầu cần phải nghiên cứu kỹ tình hình giá cả thị trường, có dự
kiến khung giá chỉ đạo đấu thầu hợp lý để làm căn cứ xét mở thầu. Khung giá chỉ
đạo này cần được giữ bí mật tuyệt đối đến thời điểm mở thầu.
Điều 9:
Mở thầu:
9.1/ Đến ngày mở thầu, Hội đồng
đấu thầu tiến hành mở các phiếu đặt thầu; Các đơn vị tham gia đấu thầu có thể
được cơ quan đấu thầu mời tham dự mở thầu.
9.2/ Việc xét trúng thầu căn cứ
vào các yêu cầu đã nêu trong thông báo đặt thầu, khung giá chỉ đạo và điều kiện
của từng phiếu đặt thầu cụ thể như sau:
- Các phiếu đặt thầu có cùng điều
kiện phù hợp với yêu cầu đấu thầu thì kết quả trúng thầu là phiếu đặt thầu có mức
giá thấp nhất.
- Các phiếu đặt thầu không có
cùng điều kiện đặt thầu thì Hội đồng đấu thầu cần xem xét từng điều kiện cụ thể
theo thang điểm để xác định kết quả trúng thầu; Hoặc có thể áp dụng hình thức bỏ
phiếu. Nếu kết quả bỏ phiếu các loại ý kiến có số phiếu bằng nhau thì kết quả đấu
thầu do Chủ tịch Hội đồng đấu thầu quyết định.
- Trường hợp mức giá đặt thầu thấp
nhất vượt quá khung giá chỉ đạo, Hội đồng đấu thầu cần cân nhắc quyết định, bảo
đảm mức giá trúng thầu phù hợp với mức giá thị trường.
9.3/ Kết quả đấu thầu được ghi
trong biên bản mở thầu và được công bố công khai và gửi các cơ quan tài chính,
Kho bạc Nhà nước (hoặc Ngân hàng nếu các đơn vị tổ chức đấu thầu là doanh nghiệp
nhà nước).
Điều 10:
Các trường hợp có khiếu nại, tranh chấp về các vấn đề có
liên quan đến việc tổ chức đấu thầu, trong 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu
nại, cơ quan tổ chức đấu thầu phải có ý kiến trả lời cụ thể cho người khiếu nại.
Trường hợp người khiếu nại không thoả mãn có quyền khiếu nại lên các cơ quan có
thẩm quyền liên quan.
Trường hợp hợp đồng đấu thầu
không được thực hiện do lỗi của đơn vị trúng thầu hoặc của cơ quan tổ chức đấu
thầu thì xử lý như trường hợp vi phạm hợp đồng kinh tế.
Điều 11:
Các chi phí tổ chức đấu thầu như in tài liệu, sổ sách,
thông tin và chi phí bồi dưỡng cho các chuyên gia kỹ thuật mời bên ngoài (nếu
có) được tính vào chi phí thường xuyên của đơn vị (hoặc chi phí quản lý đối với
các doanh nghiệp nhà nước).
Điều 12:
Việc bổ sung, sửa đổi quy chế này do Bộ trưởng Bộ Tài
chính quyết định.