UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 196/QĐ-UBND
|
Hưng Yên, ngày
21 tháng 01 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI BÁN BUÔN,
BÁN LẺ TỈNH HƯNG YÊN ĐẾN NĂM 2020
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày
07/9/2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của
Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày
07/9/2006;
Căn cứ Thông tư số 17/2010/TT-BTC ngày
05/5/2010 của Bộ Công Thương quy định về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm
định, phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thương mại;
Căn cứ Quyết định số 1225/QĐ-UBND ngày
17/6/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt đề cương và lập chi phí Dự
án Quy hoạch phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ; Quyết định số 66/QĐ-UBND
ngày 15/01/2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt bổ sung quy hoạch
phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ tỉnh Hưng Yên đến năm 2020;
Căn cứ kết luận của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân
tỉnh tại cuộc họp giao ban Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ngày
17/12/2012;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ
trình số 640/TTr-SCT ngày 28/9/2012;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy
hoạch phát triển mạng mạng lưới bán buôn, bán lẻ tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 gồm
những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Tên quy hoạch:
Quy hoạch phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ tỉnh Hưng Yên đến năm 2020.
2. Quan điểm phát triển:
- Phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa
bàn tỉnh nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và khuyến khích hàng hoá phát triển,
phù hợp với quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường có định hướng của
nhà nước; theo đó, quyền tự chủ, tự do kinh doanh và sự cạnh tranh lành mạnh giữa
các nhà bán buôn, bán lẻ phải được đảm bảo theo các cam kết khi gia nhập Tổ chức
Thương mại thế giới (WTO) và các cam kết song phương, đa phương mà Việt Nam đã
ký kết trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.
- Phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ phù hợp
với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành thương mại,
quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông và các quy hoạch khác của tỉnh trong thời
kỳ từ nay đến năm 2020.
3. Mục tiêu phát triển:
3.1. Mục tiêu tổng quát:
Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa
bàn tỉnh trong thời kỳ từ nay đến năm 2020 đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng,
dịch vụ và tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
nói chung và tăng trưởng của ngành thương mại nói riêng; làm căn cứ pháp lý để
tiếp nhận các dự án đầu tư nước ngoài vào ngành thương mại theo cam kết khi gia
nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của nước ta.
3.2. Mục tiêu cụ thể:
- Phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa
bàn tỉnh vừa đảm bảo phục vụ cho nhu cầu mua, bán của dân cư, vừa đảm bảo tính
liên kết của hệ thống phân phối với nhiều kênh phân phối, nhiều phương thức
kinh doanh, nhiều thành phần tham gia và ít khâu nấc; tạo điều kiện cho hoạt động
lưu thông hàng hoá được mở rộng và gắn kết với các tỉnh khác trong cả nước, với
thị trường khu vực và thế giới.
- Đảm bảo các điều kiện để hoạt động của các loại
hình bán buôn, bán lẻ phù hợp với yêu cầu tổ chức không gian kinh tế, không
gian đô thị, phục vụ thuận tiện với chất lượng dịch vụ cao cho người tiêu dùng,
cho thương nhân, đảm bảo an ninh trật tự, tăng cường quản lý nhà nước đối với
hoạt động thương mại.
- Đảm bảo vai trò của mạng lưới bán buôn, bán lẻ
trong việc điều phối liên kết giữa sản xuất với thương mại và tiêu dùng trên địa
bàn tỉnh.
4. Định hướng phát triển:
4.1. Định hướng phát triển các hệ thống thị
trường hàng hoá:
Căn cứ vào biến động của hệ thống phân phối hàng
hoá trên cơ sở của quá trình hình thành, phát triển của giao lưu hàng hoá, phát
triển sản xuất và tiêu dùng với đặc thù của mỗi vùng, địa phương, khu vực, sự
phân công hợp tác lao động trong vùng, của quá trình phát triển hệ thống giao
thông và những điều kiện cơ sở hạ tầng khác. Đồng thời, căn cứ vào quy hoạch
phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ đến năm 2020, định hướng phát triển
hệ thống thị trường hàng hoá trên địa bàn tỉnh như sau:
- Thị trường hàng công nghiệp tiêu dùng: được
phát triển theo địa bàn bao gồm địa bàn thành thị và địa bàn nông thôn.
- Thị trường tư liệu sản xuất: phát triển đa dạng
các loại hình bán buôn theo hướng khuyến khích đấu thầu mua sắm với sản phẩm chủ
yếu, khối lượng lớn và cung ứng hàng hoá trực tiếp để giảm chi phí.
- Thị trường hàng nông sản: bao gồm các loại
hình chợ truyền thống, trung tâm bán buôn, chợ đấu giá, hợp đồng thu mua nông sản,
thị trường giao sau, trung tâm xuất, nhập khẩu hàng nông sản.
4.2. Phát triển cơ cấu của mạng lưới bán buôn
, bán lẻ:
- Định hướng phát triển cơ cấu mạng lưới bán
buôn: định hướng phát triển bán buôn trên địa bàn các huyện, thành phố của tỉnh
Hưng Yên đến năm 2020 theo các loại hình chợ đầu mối bán buôn nông sản, trung
tâm thương mại bán buôn tổng hợp hàng công nghiệp tiêu dùng, trung tâm phân phối
bán buôn hàng vật tư sản xuất.
- Định hướng phát triển cơ cấu của mạng lưới bán
lẻ: định hướng phát triển bán lẻ theo các tiêu chuẩn cơ bản như: trung tâm mua
sắm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng bán đồ gia dụng,
vật liệu xây dựng, chợ bán lẻ.
- Định hướng phát triển cơ cấu mạng lưới thương
mại theo các mô hình tổ chức kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại: phát
triển các mô hình tổ chức kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại theo các
hình thức cửa hàng bán lẻ, công ty, chi nhánh - văn phòng đại diện, tổng đại lý
khu vực và đại lý, bán hàng trực tiếp từ kho chứa, kinh doanh theo hợp đồng nhượng
quyền thương mại, doanh nghiệp bán lẻ lớn, tập đoàn, công ty mẹ, công ty con.
- Định hướng phát triển cơ cấu mạng lưới thương
mại theo các thành phần kinh tế hoạt động thương mại, bao gồm: thương mại nhà
nước, thương mại tập thể, thương mại tư nhân, thương mại có vốn đầu tư nước
ngoài.
- Định hướng phát triển dịch vụ phụ trợ cho mạng
lưới thương mại: các dịch vụ phụ trợ liên quan đến quá trình phân phối hàng hoá
như: bảo quản, lưu kho hàng hoá, lắp ráp, sắp xếp và phân loại hàng hoá có khối
lượng lớn, bốc dỡ và phân phối lại đối với hàng hoá khối lượng nhỏ, dịch vụ
giao hàng, dịch vụ bảo quản lạnh, các dịch vụ khuyến mãi do những người bán
buôn thực hiện, các dịch vụ liên quan đến việc kinh doanh của người bán lẻ (chế
biến phục vụ cho bán hàng...), dịch vụ kho hàng và bãi đỗ xe.
4.3. Về vốn đầu tư phát triển mạng lưới bán
buôn, bán lẻ:
Vốn đầu tư phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ
thu hút từ các nguồn vốn xã hội hoá. Bên cạnh việc tăng cường quản lý hiệu quả các
nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước vào phát triển kết cấu hạ tầng
thương mại chủ yếu như chợ đầu mối, chợ dân sinh ở vùng khó khăn, trung tâm giới
thiệu sản phẩm ở nông thôn, trung tâm bán buôn tổng hợp và trung tâm kho vận,
trung tâm xúc tiến thương mại... cần thu hút các nguồn vốn ODA, FDI, các nguồn
vốn đầu tư của tư nhân và doanh nghiệp vào phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ,
đặc biệt là các loại hình hiện đại trên địa bàn thành phố.
4.4. Phát triển nguồn nhân lực cho dịch vụ
bán buôn, dịch vụ bán lẻ:
Phát triển nhân lực cho ngành thương mại theo hướng
chuyên nghiệp hoá, đáp ứng yêu cầu cung ứng dịch vụ bán buôn, bán lẻ hiện đại,
chất lượng cao. Có cơ chế ưu đãi thu hút đội ngũ quản trị cao cấp cho các doanh
nghiệp thương mại lớn; có biện pháp hỗ trợ đào tạo và bồi dưỡng các nhà bán
buôn, bán lẻ truyền thống để chuyển đổi và tham gia vào hệ thống phân phối hiện
đại. Quan tâm đào tạo lao động ở khu vực nông thôn để chuyển đổi sang ngành dịch
vụ bán buôn và bán lẻ.
4.5. Về tổ chức quản lý mạng lưới bán buôn,
bán lẻ:
Tổ chức quản lý mạng lưới bán buôn, bán lẻ theo
hướng chuyên nghiệp hoá, hiện đại hoá. Bộ máy quản lý chuyên nghiệp trên cơ sở
phân công, hợp tác theo mục tiêu phát triển của từng cơ cấu, đội ngũ quản lý
kinh doanh được đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu quản lý chiến lược và vận
hành phương thức kinh doanh văn minh, công nghệ quản trị hiện đại.
5. Phân bổ, cơ cấu mạng lưới
bán buôn, bán lẻ tỉnh Hưng Yên đến năm 2020:
5.1. Nguyên tắc phân bổ:
Việc bố trí quy hoạch theo không gian bán buôn,
bán lẻ phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản:
5.1.1. Vừa đảm bảo tính tập trung, vừa đảm bảo
tính phân bố đều trên phạm vi lãnh thổ tỉnh;
5.1.2. Tạo nên không gian phát triển mở rộng
ngay từ các trung tâm thành phố, huyện lỵ, các chợ đầu mối. Từ nay đến năm 2020
trên địa bàn tỉnh bố trí quy hoạch phát triển bán buôn, bán lẻ trong phạm vi
không gian theo ba cấp:
a) Cấp cơ sở: lấy các chợ xã làm hạt nhân phát
triển kết hợp với các cửa hàng, điểm bán (của mọi thành phần kinh tế) tạo thành
khu thương mại - dịch vụ tổng hợp phục vụ trực tiếp cho nhu cầu sản xuất và
tiêu dùng của các tầng lớp dân cư trong khu vực xã.
b) Cấp trung tâm huyện, thành phố: được xây dựng
tại các trung tâm kinh tế của huyện hoặc tại các thị trấn huyện theo mô hình kết
hợp khu vực bán buôn, bán lẻ và dịch vụ để tạo thành khu thương mại - dịch vụ tổng
hợp; trong đó có các trung tâm thương mại hạng II, III, trung tâm mua sắm, các
siêu thị hạng II, III, chợ và khu nhà ở thương mại; vừa phục vụ nhu cầu mua,
bán của dân cư trên địa bàn, vừa có sức thu hút và phát luồng hàng hoá trong
khu vực liên xã, liên huyện với thị trường các tỉnh lân cận và Thủ đô Hà Nội;
phù hợp theo loại sản phẩm hàng hoá được sản xuất ra trên địa bàn, năng lực tổ
chức thực hiện kinh doanh của các chủ thể kinh doanh và các điều kiện, cơ hội
liên kết với các thị trường ngoài tỉnh...
c) Cấp trung tâm tỉnh: được xây dựng tại trung
tâm kinh tế - xã hội của tỉnh theo định hướng phát triển các vùng kinh tế trong
quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội và quy hoạch tổng thể phát triển
hệ thống đô thị, khu dân cư nông thôn tỉnh Hưng Yên đến năm 2020. Theo đó, sẽ
hình thành các khu thương mại - dịch vụ tổng hợp có quy mô lớn tại thành phố
Hưng Yên và khu vực Mỹ Hào, có vai trò chủ đạo trong các hoạt động thương mại của
tỉnh.
5.2. Phân bổ mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên
địa bàn tỉnh:
5.2.1. Phát triển mạng lưới trung tâm thương mại,
trung tâm mua sắm, trung tâm bán buôn và siêu thị:
Trong thời kỳ đến năm 2020, dự kiến sẽ xây mới
02 trung tâm thương mại, 11 trung tâm mua sắm, 04 trung tâm bán buôn và 18 siêu
thị trên địa bàn toàn tỉnh.
5.2.2. Phát triển mạng lưới chợ:
Dự kiến đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 151 chợ,
gồm: 15 chợ loại I (chiếm 9,93%), 14 chợ loại II (chiếm 9,27%), 122 chợ loại
III (chiếm 80,79%). Trong đó: xây mới 54 chợ, di dời 08 chợ, cải tạo 77 chợ, giữ
nguyên 12 chợ.
5.2.3. Trung tâm hội chợ, triển lãm:
Trong giai đoạn đến năm 2015, xây dựng tại thành
phố Hưng Yên 01 trung tâm hội chợ - triển lãm - xúc tiến thương mại của tỉnh (
nằm trong khu quy hoạch của thương mại tại thành phố Hưng Yên).
5.2.4. Phát triển các đường phố thương mại:
Tuỳ theo đặc điểm của từng đô thị, quy hoạch một
số đường phố thương mại theo tuyến phố đi bộ, có các cửa hàng bán lẻ và các dịch
vụ ăn uống, giải trí, làm đẹp..., tạo thành nơi thu hút khách trong tỉnh và
khách du lịch, vãng lai. Trước mắt có thể phát triển các tuyến đường phố thương
mại ở thành phố Hưng Yên, khu vực Mỹ Hào và khu vực thị trấn Văn Giang.
5.2.5. Phát triển sàn, trung tâm giao dịch hàng
hoá:
Từng bước xây
dựng các sàn giao dịch hàng hoá, áp dụng các hình thức mua bán hiện đại như: đấu
giá, thanh toán điện tử...tại các chợ đầu mối nông sản.
5.3. Quy
hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ theo không gian đến năm 2020:
5.3.1. Thành phố Hưng Yên:
- Tổng số chợ đến năm 2020 là 12 chợ, trong đó:
02 chợ loại I, 01 chợ loại II và 09 chợ loại III. Trong thời kỳ quy hoạch sẽ
xây mới 03 chợ, cải tạo và nâng cấp 09 chợ.
- 01 trung tâm thương mại (Trung tâm Sơn Lam
Plaza), 01 trung tâm mua sắm, 01 trung tâm bán buôn, 11 siêu thị tổng hợp và
chuyên doanh quy mô hang II và hạng III. Trong đó hiện trạng đã có 04 siêu thị
và sẽ xây mới 07 siêu thị.
- Tổ chức một đường - tuyến phố thương mại như:
khu vực dọc đường Triệu Quang Phục, đường Nguyễn Văn Linh, đường Điện Biên và
tuyến đường dọc hai bên sông Điện Biên.
- Tổ chức một số khu thương mại - dịch vụ tổng hợp
ở trung tâm thành phố, dọc sông Điện Biên. Đồng thời, tổ chức các khu thương mại-dịch
vụ tại các khu dân cư có quy mô diện tích và dân số tập trung lớn của thành phố...
- 01 trung tâm hội chợ triển lãm thương mại của
tỉnh, quy mô diện tích khoảng từ 50.000 - 100.000m2.
5.3.2. Huyện Kim Động:
- Tổng số chợ
đến năm 2020 là 19 chợ (có 01 chợ chuyên doanh, 01 chợ và khu nhà ở thương mại),
gồm 01 chợ loại I, 01 chợ loại II và 17 chợ loại III. Trong thời kỳ quy hoạch,
xây mới 07 chợ, di dời 04 chợ, cải tạo và nâng cấp 08 chợ.
- Xây mới 01 trung tâm mua sắm tại trung tâm thị
trấn Lương Bằng.
- Quy hoạch 01 khu thương mại - dịch vụ tổng hợp
tại thị trấn Lương Bằng (lấy chợ và khu nhà ở thương mại làm hạt nhân), phát
triển các đường phố thương mại xung quanh.
5.3.3. Huyện Yên Mỹ:
- Tổng số chợ đến năm 2020 là 11 chợ (có 01 chợ
đầu mối lúa, gạo, 01 chợ và khu nhà ở thương mại), gồm 02 chợ loại I, 04 chợ loại
II và 05 chợ loại III. Trong thời kỳ quy hoạch, xây mới 06 chợ, cải tạo và nâng
cấp 04 chợ, giữ nguyên 01 chợ.
- Xây dựng 02 trung tâm mua sắm tại thị trấn Yên
Mỹ và khu vực xã Giai Phạm; xây mới 02 siêu thị hạng II hoặc hạng III tại hai
khu đô thị mới 180ha và 200ha, nâng tổng số lên 03 siêu thị.
- Xây dựng 01 trung tâm bán buôn kết hợp các dịch
vụ Logistics và kho bãi, diện tích tối thiểu 20 ha.
- Quy hoạch 01 khu thương mại - dịch vụ tổng hợp
(lấy chợ trung tâm hoặc khu vực chợ đầu mối lúa gạo làm hạt nhân).
5.3.4. Huyện Mỹ Hào:
- Tổng số chợ đến năm 2020 là 10 chợ (có 01 chợ
và khu nhà ở thương mại), gồm 01 chợ loại I, 01 chợ loại II và 08 chợ loại III.
Trong thời kỳ quy hoạch, xây mới 06 chợ, cải tạo và nâng cấp 04 chợ.
- 01 trung
tâm mua sắm, 01 trung tâm giới thiệu và bán buôn sản phẩm ở khu vực đô thị Phố
Nối và 01 siêu thị hạng III tại trung tâm huyện lỵ mới Bạch Sam.
- Quy hoạch 01 khu thương mại - dịch vụ tổng hợp
tại Phố Nối (lấy chợ và khu nhà ở thương mại làm hạt nhân).
5.3.5. Huyện Văn Lâm:
- Tổng số chợ đến năm 2020 là 19 chợ (có 01 chợ
và khu nhà ở thương mại), gồm 02 chợ loại I, 17 chợ loại II. Trong thời kỳ quy
hoạch, xây mới 06 chợ, cải tạo và nâng cấp 07 chợ và giữ nguyên 06 chợ.
- 01 trung tâm thương mại loại III tại thị trấn
Như Quỳnh, 02 trung tâm mua sắm, 01 trung tâm bán buôn và 04 siêu thị nâng tổng
số lên 5 siêu thị. Hiện nay, huyện đã quy hoạch hai khu vực dành cho phát triển
thương mại.
- Quy hoạch 01 khu thương mại - dịch vụ tổng hợp
(lấy chợ và khu nhà ở thương mại làm hạt nhân).
5.3.6. Huyện Tiên Lữ:
- Tổng số chợ đến năm 2020 là 20 chợ, trong đó
có 01 chợ loại I, 02 chợ loại II và 17 chợ loại III. Trong thời kỳ quy hoạch,
xây mới 09 chợ, di dời 04 chợ, cải tạo và nâng cấp 07 chợ.
- 01 trung tâm mua sắm thị trấn Vương, 01 siêu
thị hạng III tại khu vực thị trấn.
- Quy hoạch 01 khu thương mại - dịch vụ tổng hợp
trên địa bàn thị trấn Vương (lấy chợ thị trấn Vương làm hạt nhân).
5.3.7. Huyện Phù Cừ:
- Tổng số chợ đến năm 2020 là 17 chợ (có 01 chợ
đầu mối nông sản tổng hợp), gồm 01 chợ loại I, 16 chợ loại III. Trong thời kỳ
quy hoạch cải tạo và nâng cấp 17 chợ hiện có.
- 01 trung tâm mua sắm.
- Trong thời kỳ đến 2015 quy hoạch 01 khu thương
mại - dịch vụ tổng hợp (lấy chợ đầu mối nông sản làm hạt nhân).
5.3.8 Huyện Văn Giang:
- Tổng số chợ đến năm 2020 là 11 chợ (có 01 chợ
đầu mối nông sản, 01 chợ và khu nhà ở thương mại), gồm 02 chợ loại I, 01 chợ loại
II và 08 chợ loại III. Trong thời kỳ quy hoạch, xây mới 05 chợ, cải tạo và nâng
cấp 05 chợ và giữ nguyên 01 chợ.
- 01 trung tâm mua sắm ở khu đô thị mới thị trấn
Văn Giang.
- Quy hoạch
các khu thương mại - dịch vụ tổng hợp tại trung tâm thị trấn Văn Giang, khu vực
xung quanh chợ đầu mối nông sản tổng hợp và khu đô thị mới.
5.3.9. Huyện Ân Thi:
- Tổng số chợ đến năm 2020 là 16 chợ, trong đó
có 01 chợ loại I, 02 chợ loại II và 13 chợ loại III. Trong thời kỳ quy hoạch,
xây mới 05 chợ, cải tạo và nâng cấp 11 chợ.
- 01 trung tâm mua sắm ở khu trung tâm thị trấn
Ân Thi, 01 siêu thị gần khu công nghiệp xã Tân Phúc.
- Quy hoạch 01 khu thương mại - dịch vụ tổng hợp
(lấy chợ trung tâm làm hạt nhân) tại đô thị thị trấn Ân Thi.
5.3.10. Huyện Khoái Châu:
- Tổng số chợ đến năm 2020 là 16 chợ (có 01 chợ
đầu mối nông sản, 01 chợ và khu nhà ở thương mại), gồm có 02 chợ loại I, 02 chợ
loại II và 12 chợ loại III. Trong thời kỳ quy hoạch, xây mới 07 chợ, cải tạo và
nâng cấp 05 chợ, giữ nguyên 04 chợ.
- 02 siêu thị tổng hợp quy mô hạng III tại thị
trấn Khoái Châu và khu vực ngã ba xã Hồng Tiến.
- Quy hoạch 01 khu thương mại - dịch vụ tổng hợp
tại xã Dân Tiến với quy mô 10.000m2.
6. Nhu cầu vốn đầu tư:
- Tổng số vốn đầu tư giai đoạn 2012 - 2020 là
3.750 tỷ đồng.
+ Giai đoạn 2012 - 2015 là 589 tỷ đồng.
+ Giai đoạn 2016 - 2020 là 3.161 tỷ đồng.
- Nguồn vốn: huy động từ các nguồn vốn tín dụng,
vốn liên doanh, vốn tự có của doanh nghiệp, vốn từ ngân sách nhà nước, hợp tác
đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, vốn đầu tư của các tổ chức
quốc tế.
7. Một số giải pháp chủ yếu:
7.1. Giải pháp về cơ chế thu hút vốn đầu tư
phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ:
- Thiết lập các định chế tổ chức, phát triển thị
trường vốn dài hạn, ngắn hạn, thị trường chứng khoán, hoàn thiện cơ chế tín dụng
tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều có thể tham
gia vào vòng luân chuyển vốn của xã hội. Huy động mọi tiềm năng về vốn trên thị
trường theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện tốt Luật Đầu tư nhằm thu hút và sử dụng
có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào ngành thương mại. Nâng
cao hiệu quả đầu tư phát triển thương mại của khu vực kinh tế tư nhân.
- Tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn viện trợ sử dụng
đầu tư phát triển các kết cấu hạ tầng thương mại trọng điểm của tỉnh, nhất là đối
với các công trình có khả năng chậm thu hồi vốn.
7.2. Giải
pháp phát triển nguồn nhân lực cho dịch vụ bán buôn, bán lẻ:
- Khuyến khích thu hút các nhà quản trị kinh
doanh trong và ngoài nước vào ngành thương mại;
- Tích cực đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong
ngành thương mại tỉnh.
7.3. Giải pháp tăng cường công tác quản lý
nhà nước đối với phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh:
- Khuyến khích phát triển các loại hình tổ chức
thương mại truyền thống và hiện đại. Tăng cường năng lực hoạt động của các
doanh nghiệp thương mại; chú trọng phát triển các hình thức lưu thông hiện đại,
nâng cao trình độ, hiện đại hoá của các doanh nghiệp thương mại.
- Tăng cường công tác chỉ đạo phát triển doanh
nghiệp thương mại vừa và nhỏ; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh
nghiệp trong việc tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; đổi mới khoa học kỹ
thuật và công nghệ kinh doanh; kiện toàn hệ thống dịch vụ để cung cấp dịch vụ
thông tin, bồi dưỡng nhân tài cho các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ.
- Thực hiện phân công trách nhiệm, quyền hạn rõ
ràng cho từng cấp quản lý; thường xuyên tổ chức nghiên cứu, học tập, trao đổi
kinh nghiệm với các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại của các tỉnh, thành
phố trong nước, các nước trong khu vực và thế giới.
- Có cơ chế lựa chọn, sử dụng nhân tài đúng đắn,
công khai, thúc đẩy tính năng động, sáng tạo của mỗi cán bộ; tranh thủ sự ủng hộ,
tham gia của đội ngũ chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước.
7.4. Giải pháp tăng cường công tác đảm bảo vệ
sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với mạng lưới bán buôn, bán lẻ:
- Lựa chọn vị trí, địa điểm và thiết kế xây dựng
mạng lưới bán buôn, bán lẻ ngay từ khâu quy hoạch phải thuận tiện cho việc chữa
cháy và đảm bảo vệ sinh môi trường.
- Hệ thống cấp thoát nước bên trong và bên ngoài
chợ, hệ thống thu gom, xử lý rác thải, hệ thống xử lý nước thải... khi tiến
hành xây dựng chợ, trung tâm thương mại, siêu thị hoặc cải tạo nâng cấp chợ cũ,
cần phải thực hiện các giải pháp kỹ thuật về vệ sinh môi trường theo đúng các
tiêu chuẩn thiết kế và các quy định hiện hành.
- Phân công trách nhiệm, phối hợp quản lý giữa
các ban, ngành, tổ chức tại địa phương trong việc chỉ đạo, giám sát các hoạt động
bảo vệ môi trường và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về môi
trường. Hoàn thiện các quy định và cơ chế có liên quan đến bảo vệ môi trường đối
với hệ thống bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020.
- Giáo dục và
tuyên truyền về bảo vệ môi trường đối với mạng lưới bán buôn, bán lẻ trong nhân
dân trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khuyến khích người bán và người
mua sử dụng bao bì và bao gói thân thiện với môi trường.
7.5. Đẩy mạnh quá trình liên kết giữa thị trường
Hưng Yên với các thị trường trong và ngoài nước:
- Thúc đẩy và
nâng cao hiệu quả liên kết giữa thị trường Hưng Yên với thị trường các địa
phương khác trong nước, tổ chức nghiên cứu thị trường và hoạt động xúc tiến
thương mại với các thị trường trọng điểm, thị trường các tỉnh lân cận.
- Nghiên cứu để có cơ chế ưu đãi đối với các địa
phương có mối quan hệ liên kết thương mại với tỉnh Hưng Yên, tiến hành trao đổi,
ký kết các thoả thuận cấp tỉnh giữa Hưng Yên và các địa phương về mua bán sản
phẩm hàng hoá.
- Có chiến lược thúc đẩy liên kết giữa thị trường
Hưng Yên với các thị trường ngoài nước, tăng cường liên kết và xúc tiến hoạt động
hợp tác khu vực Asean để hình thành tập đoàn thương mại đa quốc gia của khu vực.
- Chú trọng đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu trên
địa bàn tỉnh, có cơ chế khuyến khích các hoạt động môi giới, trợ giúp tiếp cận
thị trường mới. Khuyến khích khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các
tập đoàn phân phối lớn của nước ngoài liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp
trong tỉnh.
- Đối với các
doanh nghiệp thương mại trên địa bàn tỉnh: cần chú trọng tìm kiếm, khai thác thị
trường, xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh quốc tế; coi trọng chữ tín,
liên kết giữa các doanh nghiệp, thiết lập các văn phòng đại diện, chi nhánh ở
nước ngoài trong việc tìm kiếm và thâm nhập thị trường.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
và quản lý quy hoạch
1. Giao Sở Công Thương:
chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan công bố quy hoạch; rà soát, đề xuất,
bổ sung quy hoạch khi cần thiết. Xây dựng kế hoạch triển khai các đề án chi tiết,
các dự án đầu tư cụ thể để đưa vào kế hoạch thực hiện cho từng giai đoạn 2012 -
2015 và 2016 - 2020.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
cân đối, bố trí kế hoạch vốn đầu tư; nghiên cứu, đề xuất những cơ chế thu hút đầu
tư nước ngoài và khuyến khích đầu tư từ khu vực dân doanh vào ngành thương mại;
tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư vào những ngành hàng xuất khẩu chủ lực và
vào ngành thương mại của tỉnh.
3. Sở Xây dựng:
chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương xác định vị trí, quy mô và các loại hình
thương mại ở từng khu vực trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Tài chính:
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan đề xuất Uỷ ban
nhân dân tỉnh bố trí kinh phí cho các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, đầu
tư và hỗ trợ cho các doanh nghiệp thương mại của tỉnh; ban hành và kiểm soát
các quy định về phí và lệ phí về cho thuê mặt bằng kinh doanh thương mại ở các
chợ, khu thương mại trung tâm; tổ chức kiểm soát giá cả hàng hoá lưu thông trên
thị trường; phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan liên quan trong việc sử
dụng các công cụ tài chính, thuế để ổn định thị trường nhằm khuyến khích, hỗ trợ
phát triển thương mại của tỉnh.
5. Sở Giao thông vận tải:
có kế hoạch triển khai hoặc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch giao thông của tỉnh
nhằm tạo điều kiện cho việc lưu chuyển hàng hoá trên thị trường cũng như phát
triển mạng lưới kinh doanh thương mại. Phối hợp với Công an tỉnh hoàn thiện quản
lý hệ thống giao thông để hoạt động thương mại ở các khu vực và việc cung ứng,
xuất, nhập khẩu hàng hoá vào mạng lưới thương mại trên địa bàn tỉnh được thuận
lợi.
6. Sở Tài nguyên và Môi
trường: điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất để ưu tiên
dành quỹ đất cho phát triển kết cấu hạ tầng thương mại; xác định địa giới cho
các loại hình thương mại đã được quy hoạch. Phối hợp với Sở Công Thương và các
sở, ngành liên quan xây dựng và ban hành cơ chế sử dụng đất cho phát triển
thương mại của tỉnh.
7. Sở Khoa học và Công nghệ:
phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng xây dựng và thực hiện
chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thương mại của tỉnh áp dụng công nghệ kinh doanh
và quản lý hiện đại.
8. Sở Văn hoá, Thể thao và
Du lịch: xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển du lịch trên
địa bàn tỉnh; chủ trì các chương trình xúc tiến du lịch của tỉnh; phối hợp với
Sở Công Thương xây dựng, thực hiện đề án về phát triển thương mại và các dịch vụ
tổng hợp khác tại các khu du lịch của tỉnh.
9. Sở Giáo dục và Đào tạo:
phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan lập đề
án xây dựng một số trung tâm và chương trình đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của
doanh nghiệp về sản xuất hàng xuất khẩu. Phối hợp với Sở Công Thương xây dựng dự
án thành lập trung tâm đào tạo, bồi dưỡng tại chức của ngành thương mại tỉnh.
10. Đài Phát thanh và Truyền
hình tỉnh: tăng cường nội dung thông tin về thị trường, hàng hoá
và xúc tiến thương mại; tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng
về lợi ích của việc sử dụng các dịch vụ phân phối hiện đại, về tự bảo vệ lợi
ích của người tiêu dùng; tuyên truyền, phổ biến những kinh nghiệm thành công và
mô hình phân phối hiện đại của các doanh nghiệp thương mại, việc áp dụng công
nghệ, phương thức kinh doanh và quản lý hiện đại trong ngành thương mại; tuyên
truyền và định hướng chính sách phát triển cũng như các dự án đầu tư lớn trong
ngành thương mại của tỉnh.
11. Uỷ ban nhân dân các huyện,
thành phố: phối hợp liên ngành và liên vùng nhằm triển khai các
giải pháp, chương trình, kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển ngành thương
mại của tỉnh. Đảm bảo bố trí, sử dụng cán bộ có năng lực, trình độ chuyên nghiệp
về quản lý thương mại trên địa bàn.
12. Các Hiệp Hội:
phát huy vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước; đóng góp ý
kiến xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển xuất khẩu; chủ trì tham gia
một số hoạt động xúc tiến xuất khẩu của tỉnh; là hạt nhân tập hợp các doanh
nghiệp nhằm tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm hàng hoá của Hưng Yên trên thị trường
trong và ngoài nước.
13. Đối với các doanh nghiệp:
chủ động nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược kinh doanh, xuất khẩu, chủ
động đào tạo cán bộ, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và quảng bá thương
hiệu, thực hiện xúc tiến thương mại.
Điều 3. Quyết định này
có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám
đốc các sở, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; các hiệp hội,
doanh nghiệp; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức,
cá nhân có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.
|
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đặng Minh Ngọc
|