ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1894/QĐ-UBND
|
Lào
Cai, ngày 20 tháng 06
năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP TỈNH LÀO
CAI, GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định 72/2010/QĐ-TTg
ngày 15/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xây dựng, quản
lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia;
Căn cứ Quyết định số
62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách khuyến
khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng
cánh đồng lớn;
Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/TU
ngày 27/11/2015 của Tỉnh ủy Lào Cai về 4 chương trình công
tác, 19 đề án trọng tâm của BCH Đảng bộ tỉnh khóa
XV nhiệm kỳ 2015 - 2020;
Căn cứ Đề án số 01-ĐA/TU, ngày
27/11/2015 của Tỉnh ủy Lào Cai về việc phê duyệt Đề
án tái cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và
PTNT tại Tờ trình số 137/TTr-SNN ngày 10/6/2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch xúc tiến
thương mại sản phẩm nông nghiệp tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016-2020.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp PTNT chủ trì, phối
hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Nông
nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ;
Chủ tịch UBND huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan căn cứ Quyết định
thi hành.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày
ký ban hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT.TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Ban Biên tập Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, TH, CT, NLN.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hữu Thể
|
KẾ HOẠCH
XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI,
GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Kèm theo Quyết định số: 1894/QĐ-UBND
ngày 20/6/2016 của
UBND tỉnh Lào Cai)
I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI
XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
Trong những năm qua, việc sản xuất và
tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh còn nhiều khó khăn, bất cập; khi chưa đến
vụ thu hoạch thì hàng hóa trở nên khan hiếm,
tăng đột biến về giá cả, nhưng khi vào vụ thu hoạch thì xuất hiện tình trạng dư
thừa sản phẩm cục bộ, dẫn đến giảm giá sản phẩm, gây thiệt hại cho người sản xuất,
đồng thời gây tác động tiêu cực đến thị trường. Đặc biệt một số sản phẩm phụ
thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài (Trung Quốc) như ngô hạt, chuối, dứa thị
trường tiêu thụ thường không ổn định. Trong khi thị trường trong nước, nhiều
nhà máy, xí nghiệp thiếu nguyên liệu đầu vào, nhưng không có nguồn cung ổn định mà phải nhập khẩu từ thị trường nước ngoài, giá thành cao, không
chủ động... Người tiêu dùng trong nước thiếu thông tin về nguồn gốc, chỉ dẫn địa
lý của sản phẩm; không có hệ thống bán,
giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp an toàn.
Nhằm tạo ra thị
trường tiêu thụ nông sản ổn định, bền vững, tăng thu nhập
cho người sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng phục vụ người tiêu dùng
và để thực hiện hiệu quả các chủ trương của tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp
thì việc xây dựng “Kế hoạch xúc tiến
thương mại sản phẩm nông nghiệp của tỉnh,
giai đoạn 2016-2020” là rất cần thiết, góp phần chủ động liên kết thị trường gắn
kết với kế hoạch sản xuất, cung cấp thông tin thị trường
cho Nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
II. CĂN CỨ PHÁP LÝ
Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày
15/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xây dựng, quản lý
và thực hiện Chương trình XTTM quốc gia;
Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng
nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày
25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách khuyến khích phát triển hợp
tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng
cánh đồng lớn;
Quyết định số 44/QĐ-UBND ngày 25/9/2015 của UBND tỉnh Lào Cai về
ban hành chính sách đặc thù khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh
Lào Cai, giai đoạn 2015 - 2020;
Quyết định số 2495/QĐ-UBND ngày
26/9/2012 của UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển nông
nghiệp tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Quyết định số 33/QĐ-UBND ngày 03/8/2012 của UBND tỉnh
Lào Cai ban hành chính sách khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ
trên địa bàn tỉnh Lào Cai;
Quyết định số 13/2012/QĐ-UBND về quy định quản lý Nhà nước về hoạt động
Sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Lào Cai;
Quyết định số 18/QĐ-UBND, ngày 24/4/2015 của UBND tỉnh Lào Cai Ban hành Quy chế về xây dựng,
quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh
Lào Cai;
Kế hoạch số 144/KH-UBND ngày 12/8/2013 của UBND tỉnh Lào Cai về Kế hoạch hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng
nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
III. MỤC ĐÍCH, YÊU
CẦU
1. Mục đích
- Để có định hướng dài hạn trong việc
triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nông sản, góp phần nâng cao hiệu
quả, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, nông dân trong tiêu thụ các sản phẩm
nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh và lợi thế sản phẩm nông nghiệp của
tỉnh.
- Hình thành các chuỗi liên kết sản
xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua hợp đồng giữa doanh
nghiệp và nông dân, tạo ra các sản phẩm đủ tiêu chuẩn, chất lượng để chiêu
thương. Xây dựng các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xây dựng
thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao. Tích
cực quảng bá, xúc tiến thương mại nông sản trên sàn giao dịch thương mại điện tử
của tỉnh, cổng thông tin điện tử tỉnh và các trang website
của ngành nông nghiệp Việt Nam. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu
tư về tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần ổn định sản
xuất, phát triển thị trường nội địa, tăng cường xuất khẩu đối với các sản phẩm
nông nghiệp của tỉnh.
- Làm căn cứ để hàng năm xây dựng Kế
hoạch xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản tỉnh Lào Cai.
2. Yêu cầu
Triển khai đồng bộ từ các cấp, các ngành, các địa phương
đến các doanh nghiệp và nhân dân trong việc thực hiện Kế hoạch xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp của tỉnh giai
đoạn 2016-2020.
Phân bổ nguồn lực hỗ trợ hoạt động
xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp có trọng tâm, trọng điểm; tập trung tổ
chức xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng nông sản tiềm năng có thế mạnh của
tỉnh.
IV. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG
XTTM SẢN PHẨM NÔNG SẢN TỈNH LÀO CAI, GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
1. Công tác xây dựng thương hiệu: Đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 40 nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp
đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, tập trung
vào các sản phẩm gồm chè, rượu, cá hồi, tương ớt, mật ong, giống lúa lai, gạo,
mận, trứng vịt Sín Chéng và trâu Bảo Yên.
2. Công tác thông tin thương mại
phục vụ doanh nghiệp
Công tác thông tin phục vụ doanh nghiệp
được tỉnh quan tâm chú trọng, các đơn vị được tỉnh giao thực hiện gồm Sở Kế hoạch
và Đầu tư (Phòng Thông tin Hỗ trợ Doanh nghiệp) và Sở Công Thương (Trung tâm Xúc
tiến thương mại) đã xây dựng 01 trang Website hỗ trợ doanh nghiệp, 01 bản tin
thị trường. Sở Nông nghiệp và PTNT phát hành “Bản tin sản
xuất và Thị trường” mỗi tháng 04 số với 380 bản/số.
3. Công tác tổ chức, tham gia hội
chợ triển lãm trong nước
và nước ngoài
Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy
mạnh với nhiều hình thức trong đó nổi bật là các hoạt động: Hội chợ Nông nghiệp
và Thương mại Vùng Trung du miền núi phía Bắc năm 2012; Hội chợ Nông nghiệp và Du lịch vùng Đông Bắc năm 2013; Hội chợ Nông nghiệp Du lịch Thương mại vùng biên giới phía
Bắc; tham gia các hội chợ Nông nghiệp Việt Nam, hội chợ làng nghề Việt Nam, hội
chợ tại các tỉnh trong khu vực.
Tổ chức cho các doanh nghiệp, HTX giới
thiệu sản phẩm tại Trung tâm hội nghị tỉnh nhân dịp tổ chức các sự kiện kinh tế, văn hóa của tỉnh (Hội nghị xúc tiến
thương mại và phát triển du lịch năm 2016, hội nghị tổng kết công tác dân tộc
toàn quốc năm 2015...).
4. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn
nhân lực
Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kiến
thức về nghiệp vụ xúc tiến thương mại và nâng cao năng lực xuất, nhập khẩu cho
trên 100 lượt người.
5. Công tác ứng dụng và phát triển thương mại điện tử
Giai đoạn 2011-2015, tỉnh Lào Cai đã tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng
triển khai ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) cho gần 500 lượt học viên; in ấn
phát hành 16.000 tờ rơi tuyên truyền về TMĐT, hỗ trợ 5 doanh nghiệp xây dựng
trang website.
Các cơ quan quản lý nhà nước tích cực
triển khai thủ tục hành chính điện tử, các doanh nghiệp thường xuyên thực hiện
kê khai thuế điện tử, đăng ký tham gia thủ tục hải quan điện tử trên địa bàn của
tỉnh.
6. Công tác xây dựng các mô hình
liên kết tiêu thụ nông sản
6.1. Mô hình liên kết sản xuất tiêu
thụ nông sản thực hiện dự án giảm nghèo, giai đoạn 2010-2015, cụ thể:
- Năm 2012 thực hiện các liên kết: Trồng
và tiêu thụ rau Thì là huyện Bát Xát. Quy mô trồng 5 ha, hỗ trợ 69 hộ dân tham
gia. Liên kết trồng và tiêu thụ hoa Địa lan huyện Sa Pa. Quy mô: 200 hộ, 19
nhóm sở thích (CIG) của 03 xã: Tả Phìn, Tả Van, Trung Chải,
đầu tư cho 3.000 chậu hoa Địa lan.
- Năm 2013 thực hiện các liên kết:
Liên kết đối tác trồng và tiêu thụ ngô vụ Xuân huyện Bát Xát: Quy mô thực hiện
trên diện tích 320 ha, hỗ trợ cho 1.286 hộ tham gia, triển khai trên địa bàn 11
xã. Liên kết đối tác trồng và tiêu thụ
lúa Sèng Cù huyện Mường Khương: Quy mô 42,8
ha với 29 nhóm sở thích (CIG) và 460 hộ tham gia; thực hiện trên địa bàn 04 xã.
Liên kết đối tác trồng và tiêu thụ sản phẩm Ớt đặc sản huyện Mường Khương năm
2013: Quy mô hỗ trợ 577 hộ dân, tổ chức thành 39 nhóm đồng
sở thích (CIG), với diện tích trồng trên 200 ha. Liên kết trồng cây dược liệu
Đương Quy huyện Bát Xát: Quy mô 155 hộ dân, trên địa bàn 3 xã: Nậm Chạc, Nậm
Pung, Pa Cheo tham gia vào liên kết đối tác sản xuất; tổ chức thành 13 nhóm đồng sở thích (CIG), thực hiện trên diện
tích 21,5 ha.
- Năm 2014 thực hiện các liên kết:
Liên kết trồng cây Dong riềng huyện Văn Bàn. Liên kết nuôi Lợn đen huyện Mường
Khương năm 2014. Liên kết đối tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngô Hè - Thu
huyện Bát Xát. Liên kết đối tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa Mỳ - huyện
Bát Xát năm 2014.
6.2. Các mô hình liên kết khác: Liên
kết tiêu thụ ngô tại các huyện Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng, Mường Khương, Si Ma
Cai do Sở Nông nghiệp và PTNT Lào Cai, Trung tâm khuyến nông Lào Cai, Công ty
Dekalb Việt Nam, Công ty CP giống Cây trồng miền Nam và Công ty TNHH MTV An
Nghiệp (doanh nghiệp thu mua) phối hợp tổ chức triển khai, quy mô thực hiện
104,7 ha, với 244 hộ nông dân tham gia. Kết quả, giá ngô bán cao hơn thị trường
từ 1-2 triệu đồng/tấn; Liên kết sản xuất tiêu thụ gạo Séng Cù tại xã Lùng Khấu
Nhin, huyện Mường Khương. Kết quả đã có
50 hộ tham gia thuộc 02 nhóm hộ, đã có 02 hợp đồng được ký kết giữa các nhóm hộ
và Công ty Thùy Dung. Dự kiến trong vụ lúa Hè Thu 2015, Công ty Thùy Dung sẽ
thu mua cho nhân dân khoảng 60 tấn lúa Séng Cù.
7. Đánh giá chung
a. Thuận lợi
- Hoạt động xúc tiến thương mại sản
phẩm nông nghiệp đang được sự quan tâm và triển khai đồng bộ từ các cấp các
ngành đến các doanh nghiệp và người dân.
- Công tác xây dựng thương hiệu, xây
dựng các mô hình sản xuất tiêu thụ thông qua hợp đồng, quảng bá sản phẩm, đào tạo,
bồi dưỡng nguồn nhân lực thị trường, thương mại điện tử được tỉnh hỗ trợ tích cực.
- Nhân dân đang từng bước tiếp thu và
ứng dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng,
tiêu chuẩn theo nhu cầu của thị trường.
- Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh,
tiêu thụ nông sản đang xây dựng hệ thống thu mua nông sản và các mô hình liên kết
sản xuất có hiệu quả.
- Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản
còn nhiều tiềm năng do ngành du lịch, công nghiệp của tỉnh đang phát triển, xuất
khẩu sang thị trường Trung Quốc và đặc biệt các sản phẩm bản địa còn có khả
năng mở rộng thị trường ở các tỉnh, thành phố trong nước.
b. Những tồn tại hạn chế, nguyên
nhân
- Công tác quản lý nhà nước về tiêu
thụ nông sản chưa được quan tâm thỏa đáng, công tác nghiên cứu thị trường, xúc
tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp còn chưa đồng bộ, hiệu quả mang lại
còn thấp.
- Các doanh nghiệp tham gia tiêu thụ
nông sản chủ yếu doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn và lực lượng lao động ít, trình độ quản lý và phát triển thị trường còn
nhiều hạn chế nên hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhỏ, tính cạnh tranh không
cao, chưa mở rộng thị trường tiêu thụ, chưa tìm được các bạn hàng lớn, bền vững.
- Việc hỗ trợ doanh nghiệp các thủ tục
để được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, chính sách hỗ trợ của tỉnh, tiếp cận đất
đai, tín dụng của một số sở ngành, địa phương chưa tốt, chưa thực sự đưa các
chính sách vào cuộc sống (chủ yếu do vướng mắc về thủ tục hành chính).
- Hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa
khẩu của tỉnh chưa ổn định, phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của Trung Quốc.
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng nông sản có tính thời vụ, nguyên liệu thô,
giá trị gia tăng thấp (ví dụ: Ngô hạt, sắn, dứa, chuối xanh...).
- Người sản xuất chủ yếu là hộ gia
đình hoặc tổ, nhóm thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm, sản xuất theo phong trào, chưa thực hiện tốt
các quy hoạch sản xuất nông nghiệp trên địa bàn dễ dẫn đến cung vượt quá cầu.
- Nhiều mặt hàng nông sản chưa được
ký hợp đồng tiêu thụ giữa nông dân và
doanh nghiệp. Một số mặt hàng đã được ký hợp đồng
tiêu thụ, nhưng khi có trở ngại khách quan hoặc chủ quan thì doanh nghiệp thường
để nông dân tự xoay xở. Ngược lại, có lúc do lợi ích trước mắt mà nông dân tự ý
phá hợp đồng đem sản phẩm ra ngoài bán vì giá cao hơn, gây thiệt hại cho doanh
nghiệp.
- Phần lớn nông sản trong tỉnh hiện còn
xuất bán ở dạng thô, chưa qua chế biến, chất lượng không đồng đều nên giá thấp,
thiếu sức cạnh tranh, chưa tạo được thị trường bền vững. Công nghệ chế biến, bảo
quản nông sản sau thu hoạch chưa cao nên vào thời điểm thu hoạch chính vụ, hàng
nông sản không những bị thương nhân ép giá mà tỷ lệ hao hụt, biến chất còn cao
làm giảm chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.
- Sản phẩm có đủ tiêu chuẩn, chất lượng,
đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chưa nhiều khiến cho ranh giới giữa sản phẩm
sạch, chất lượng cao và sản phẩm không sạch, chất lượng thấp chưa được phân biệt
rõ khiến nông sản khó tiêu thụ.
V. KẾ HOẠCH XÚC TIẾN
THƯƠNG MẠI SẢN PHẨM NÔNG SẢN TỈNH LÀO CAI, GIAI ĐOẠN 2016-2020
1. Mục tiêu
- Thúc đẩy phát triển các mô hình
liên kết sản xuất tiêu thụ đối với các sản phẩm nông sản chủ lực, đến năm 2020
hoàn thành 12 mô hình để nhân rộng, đưa sản lượng tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng đối với chè tươi đạt 100%; sản phẩm
chuối, dứa, rau, hoa đạt trên 60%, các sản phẩm khác đạt trên 50%.
- Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm
nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Đến năm 2020 phấn đấu đạt 70% các sản phẩm nông
nghiệp đặc trưng và đặc hữu của các địa
phương trong tỉnh được đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu
trí tuệ.
- Tham gia các hoạt động quảng bá sản
phẩm nông sản tại các hội chợ hàng năm; xây dựng trang thông tin xúc tiến
thương mại cho các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh.
- Mỗi huyện, thành phố bố trí ít nhất
01 điểm quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
2. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực
tham gia xúc tiến thị trường
- Sản phẩm trồng trọt: gạo đặc sản chất
lượng cao, ngô hạt, chè, dược liệu, chuối, dứa, rau trái vụ, hoa ôn đới, quả ôn
đới (mận, đào).
- Sản phẩm chăn nuôi: Thịt lợn, thịt
trâu, thịt bò, gia cầm.
- Sản phẩm thủy sản: Cá hồi, cá tầm.
- Lâm sản: Gỗ rùng trồng, quế.
(Có
phụ biểu 01 chi tiết kèm theo)
3. Nhiệm vụ chủ yếu
3.1. Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản có thế mạnh Lào Cai
- Tập huấn về sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu
sản phẩm nông sản
Nội dung: Các quy định pháp luật về sở
hữu trí tuệ (bao gồm cả các Điều ước Quốc tế, Hiệp định song phương, đa phương có liên quan đến hoạt động sở hữu
trí tuệ). Quy trình xây dựng, đăng ký bảo hộ độc quyền sở hữu trí tuệ. Vấn đề bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Phát triển tài sản trí
tuệ. Tra cứu thông tin sở hữu trí tuệ.
Thành phần: Các cơ sở sản xuất, doanh
nghiệp được chọn tham gia chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản
trí tuệ sẽ được mời tham dự các lớp tập huấn chuyên đề về sở hữu trí tuệ dành
cho doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, cán bộ làm công tác quản lý tại
các huyện, thành phố.
Số lượng: Dự kiến 60 người thực hiện
trong 01 ngày/lớp.
Thời gian thực hiện: năm 2016-2019
Kinh phí thực hiện: 202 triệu đồng
Nguồn vốn hỗ trợ: Thực hiện theo Quyết
định 33/2012/QĐ-UBND ngày 03/8/2012 của UBND
tỉnh Lào Cai.
- Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các
sản phẩm nông nghiệp của tỉnh gồm 05 nhãn hiệu, 04 chứng nhận VietGap, 01 chứng
nhận đủ điều kiện ATTP, 02 chỉ dẫn địa lý.
(Chi
tiết theo Phụ lục số 02)
3.2. Thúc đẩy mô hình liên kết tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản
- Nội dung: Hỗ trợ tập huấn quy trình
sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn; Tổ chức hội nghị khách hàng; Tìm kiếm thị trường,
đối tác; Tổ chức hội nghị ký kết hợp đồng; Hỗ trợ chứng nhận
sản phẩm an toàn; Hỗ trợ bao bì nhãn mác sản phẩm cho Doanh nghiệp (hỗ trợ sau
đầu tư).
- Danh mục các mô hình sản phẩm liên
kết gồm:
1. Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ
chuỗi sản xuất rau an toàn ứng dụng CNC tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Thắng;
2. Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ
ngô tại Si Ma Cai, Mường Khương, Bắc Hà, Bảo Thắng;
3. Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ
gạo séng cù tại Bát Xát, Mường Khương;
4. Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ
gạo tại Chiềng Ken, Hòa Mạc, Văn Bàn;
5. Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ
dứa tại Bản Lầu, Mường Khương;
6. Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ
chuối tại Bản Lầu, Mường Khương;
7. Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ
lợn đen bản địa tại Mường Khương;
8. Mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ
lợn trắng tại huyện Bảo Thắng;
9. Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ
cá nước lạnh Sa Pa, Bát Xát;
10. Mô hình liên kết sản xuất, tiêu
thụ trứng vịt Sín Chéng, Si Ma Cai;
11. Mô hình liên
kết sản xuất tiêu thụ quế tại huyện Bắc Hà;
12. Mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ
gỗ rừng trồng tại huyện Bảo Thắng.
- Thời gian thực hiện: 2016-2020.
- Kinh phí: 2.606 triệu đồng
- Nguồn vốn: Ngân sách Trung ương,
ngân sách địa phương, vốn ODA và vốn khác.
3.3. Xây dựng hệ thống cửa hàng, kho bảo quản để
trưng bày, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chủ lực của
tỉnh Lào Cai
- Đối với quảng bá tiêu thụ sản phẩm
tại thành phố Lào Cai và huyện Sa Pa: Bố trí mặt bằng 02 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm tại Sa Pa và thành phố Lào Cai, mỗi
điểm có diện tích 1.000 m2. Đồng thời bố trí các gian hàng tại các
chợ trung tâm để cho các doanh nghiệp, HTX quảng bá, bán sản phẩm như: HTX Mai Anh (Sa Pa), Công ty Anh Nguyên (Bắc Hà) cung cấp rau quả,
HTX Quý Hiền (Bảo Thắng) cung cấp thịt gia súc gia cầm an
toàn.
- Đối với các huyện còn lại căn cứ
vào tình hình thực tế tại địa phương bố trí mặt bằng cho doanh nghiệp thuê, tự
xây dựng hoặc bố trí các điểm, gian hàng giới thiệu quảng bá sản phẩm nông nghiệp
trong khu vực chợ trung tâm của các huyện.
- Thời gian thực hiện: năm 2016-2020
- Kinh phí thực hiện: 10.000 triệu đồng
- Nguồn vốn: Doanh nghiệp, HTX
3.4. Xúc tiến thương mại các sản
phẩm nông nghiệp
a. Quảng
bá nông sản trên các trang thông tin điện tử
- Nội dung: Quảng bá và cập nhật thường
xuyên thông tin thị trường các sản phẩm nông sản của tỉnh trên sàn giao dịch
thương mại điện tử, cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang Website của Sở Nông
nghiệp và PTNT, liên kết tạo đường link trang website trên các trang thông tin
của Hà Nội và các địa phương.
- Thời gian thực hiện: Năm 2016 -
2020
- Kinh phí thực hiện: 50 triệu đồng/năm
- Nguồn: Ngân sách tỉnh
b. Quảng bá sản phẩm nông sản
trong và ngoài tỉnh tại các hội chợ, diễn đàn thương mại xúc tiến đầu tư
Hàng năm tham gia gian trưng bày giới
thiệu sản phẩm tại các hội chợ bao gồm: Hội chợ Agroviet do Bộ Nông nghiệp PTNT
tổ chức; Hội chợ thương mại quốc tế Việt Trung tại Lào Cai và Hà Khẩu - Trung Quốc; Hội chợ tại 05 tỉnh trong khu vực.
* Tham gia hội chợ thương mại Quốc tế
Việt - Trung hàng năm
- Số lượng đơn vị tham gia hội chợ tối
thiểu 02 đơn vị/Hội chợ.
- Thời gian thực hiện: 2016 đến 2020
(05 năm)
- Kinh phí thực hiện: 500 triệu đồng
(100 triệu đồng/năm)
* Tham gia hội chợ AgroViet tổ chức tại
Hà Nội hàng năm do Bộ Nông nghiệp PTNT tổ chức.
- Số lượng đơn vị tham gia hội chợ tối
thiểu 10 đơn vị/Hội chợ.
- Thời gian thực hiện: từ năm 2016 -
2020 (05 năm).
- Kinh phí thực hiện: 300 triệu đồng
(60 triệu đồng/năm).
* Tham gia hội chợ nông nghiệp tại
các tỉnh trong khu vực hàng năm
- Số lượng đơn vị
tham gia hội chợ tối thiểu 05 đơn vị/Hội chợ.
- Thời gian thực hiện: từ năm 2016 -
2020.
- Kinh phí thực hiện: 150 triệu đồng
(5 hội chợ x 30 triệu đồng/hội chợ).
c. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao
năng lực và kỹ năng kinh doanh cho các doanh nghiệp
tiêu thụ nông sản
- Nội dung: Hợp tác, liên kết với các
trường, các viện nghiên cứu, các đơn vị chuyên ngành trong và ngoài nước mở các
khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho đội ngũ cán bộ của các cơ quan quản lý,
cán bộ chuyên trách của các Doanh nghiệp, HTX, các tổ chức, người sản xuất trong tỉnh nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp
vụ thương mại, Marketing sản phẩm, thông tin về thị trường nông sản trong điều
kiện hội nhập quốc tế.
Tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị
chuyên đề về xúc tiến thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh; kỹ
năng quản lý doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, sản phẩm...
- Số lượng: 01 lớp tập huấn/1 năm
- Thời gian thực hiện: năm 2016 -
2020
- Kinh phí thực hiện: 250 triệu đồng
(50 triệu đồng/lớp/năm)
- Nguồn vốn: Ngân sách tỉnh
d. Tổ chức hội thảo
- Nội dung: Đề xuất
các giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển xúc tiến chế biến, thương mại trên địa
bàn tỉnh Lào Cai; đánh giá kết quả các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại sản
phẩm nông sản; trao đổi kinh nghiệm và đề xuất các giải
pháp xây dựng và phát triển có hiệu quả.
- Thành phần: Các chuyên gia về
Marketing thương hiệu, Lãnh đạo các Sở: Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Tài
chính; cán bộ làm công tác quản lý thương mại ở các huyện, thành phố, các cơ sở
sản xuất, doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Số lượng: 03 cuộc, mỗi cuộc 50 người
thực hiện trong 02 ngày/cuộc.
- Thời gian thực hiện: 2016, 2018 và
2020 (03 năm)
- Kinh phí: 300 triệu đồng (100 triệu
đồng/hội thảo)
- Nguồn: Ngân sách tỉnh
e. Sản xuất bản tin xúc tiến
thương mại nông nghiệp
- Nội dung: Thông tin về các chính
sách khuyến khích sản xuất, thương mại nông nghiệp; Thông tin về giá cả thị trường nông sản trong tỉnh; Thị trường
xuất khẩu; Dự báo thị trường nông sản;
Thông tin về sản lượng sản phẩm các địa
phương trong tỉnh...
- Số lượng: 1.000 cuốn/số; phát hành
1 số/quý
- Kinh phí: 930 triệu đồng
- Năm thực hiện: 2016-2020
- Nguồn vốn: Ngân sách tỉnh
(Chi
tiết theo phụ lục 03)
4. Nhu cầu vốn và phân kỳ đầu tư
4.1. Tổng vốn đầu tư: 16.671 triệu đồng, bao gồm:
- Xây dựng thương hiệu: 1.382 triệu đồng.
- Thúc đẩy mô hình liên kết tổ chức sản
xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản: 2.606 triệu đồng.
- Xây dựng hệ thống cửa hàng, kho bảo
quản để trưng bày, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh: 10.000 triệu đồng.
- Xúc tiến thương mại các mặt hàng
nông sản: 2.683 triệu đồng.
4.2. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư
- Ngân sách ngân sách: 6.671 triệu đồng
- Vốn đầu tư của các doanh nghiệp:
10.000 triệu đồng.
(Chi
tiết theo phụ lục 04 đính kèm)
VI. GIẢI PHÁP THỰC
HIỆN
1. Giải pháp về thị trường
- Thành lập các hiệp hội xuất khẩu
nông sản tỉnh Lào Cai có cơ chế hoạt động cụ thể để tránh hiện tượng cạnh tranh
không lành mạnh làm thiệt hại chung cho doanh nghiệp và nông dân.
- Tổ chức các hội nghị xúc tiến
thương mại sản phẩm nông sản trong và ngoài nước, kêu gọi các doanh nghiệp đầu
tư vào nông nghiệp nông thôn nói chung và các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản
hàng hóa nói riêng. Đặc biệt tổ chức hội nghị với phía Trung Quốc tạo ra hành
lang pháp lý, xúc tiến thương mại đối với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản của
tỉnh và của Trung Quốc nhằm tháo gỡ những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
- Tham gia hoạt động quảng bá, giới
thiệu sản phẩm tại hội chợ do tỉnh và các Bộ, ngành trung ương tổ chức.
- Xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất
giữa nông dân - HTX - Doanh nghiệp.
- Xây dựng hệ thống thông tin thị trường
tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh.
- Xây dựng quỹ bảo hiểm nông nghiệp cho
các mặt hàng chủ lực, có chính sách cho nông dân, doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất và kịp thời
tiêu thụ khi đầu ra chưa đảm bảo.
2. Giải pháp về nguồn nhân lực
- Tổ
chức đào tạo, tập huấn bồi dưỡng về thị trường, xây dựng thương hiệu cho
các doanh nghiệp, địa phương.
- Đào tạo, xây dựng đội ngũ làm công
tác xúc tiến thương mại nông sản của tỉnh.
- Thực hiện hợp tác, liên kết giữa
các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, gắn đào tạo với sử dụng lao động tại chỗ.
- Triển khai có hiệu quả công tác đào
tạo ngành nghề nông nghiệp theo Quyết định số 1956/2009/QĐ-TTg gắn với nhu cầu
của địa phương, chú trọng kiến thức về phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản
cho các Doanh nghiệp, HTX.
3. Giải pháp về vốn thực hiện chương trình
- Ngân sách hỗ trợ các hoạt động xây
dựng thương hiệu, tuyên truyền tập huấn, xây dựng mô hình liên kết, quảng bá
xúc tiến, tham gia hội chợ, xây dựng hệ thống thông tin quảng
bá thông qua các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn khuyến nông,
khuyến công, vốn phát triển tiểu thủ công nghiệp tỉnh, vốn sự nghiệp khoa học
công nghệ, vốn sự nghiệp nông nghiệp thuộc ngân sách địa phương, chương trình
đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển thương mại - dịch vụ, các dự án phát triển, vốn
ODA và các nguồn vốn khác trên địa bàn tỉnh.
- Vốn từ doanh nghiệp đầu tư xây dựng
cơ sở hạ tầng các điểm trưng bày sản phẩm, kho bảo quản.
VII. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Nông
nghiệp và PTNT
- Chủ trì tổng hợp, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các ngành liên quan
xây dựng dự toán chi tiết hàng năm gửi Sở Tài chính thẩm định và tổ chức triển
khai thực hiện.
- Tổ chức thực hiện quy hoạch sản xuất
gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản.
- Giao cho Chi cục Quản lý chất lượng
Nông lâm sản và Thủy sản chủ trì, phối hợp
với các sở, ngành và UBND các huyện,
thành phố tổ chức thực hiện các nội dung: Tổ chức tập huấn; Hướng dẫn thẩm định
giám sát và cấp chứng nhận VietGap, chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm; Xây
dựng mô hình liên kết tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; Kêu gọi đầu
tư xây dựng điểm giới thiệu bán sản phẩm tại TP Lào Cai, Sa Pa; Tổ chức các hoạt
động xúc tiến thương mại các mặt hàng nông sản. Kiểm
tra, giám sát và báo cáo tiến độ kết quả
thực hiện về UBND tỉnh và các ngành liên
quan.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Cân đối, bố trí lồng ghép các nguồn vốn
đầu tư phát triển hàng năm thuộc lĩnh vực quản lý hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp
tiêu thụ nông sản.
3. Sở
Tài chính
- Thẩm định dự toán chi tiết kinh phí
hàng năm thực hiện kế hoạch và tham mưu bố trí vốn hàng năm trình UBND tỉnh phê duyệt, làm căn cứ cho Sở Nông
nghiệp và PTNT tổ chức thực hiện.
- Chủ trì ban hành văn bản hướng dẫn,
tổ chức thực hiện các chính sách về tài chính có liên quan đến hỗ trợ nông dân,
doanh nghiệp tiêu thụ nông sản theo quy định hiện hành.
4. Sở Xây
dựng: Quy hoạch, bố trí, giới thiệu địa điểm đất cho
các dự án xây dựng điểm quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ nông sản.
5. Sở
Công Thương
- Phối hợp với UBND các huyện, thành
phố bố trí hệ thống cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm chủ lực trên địa bàn các
huyện, thành phố.
- Cung cấp thông tin, dự báo về thị
trường, tình hình tiêu thụ nông sản hàng hóa cho người sản xuất, kinh doanh; Đẩy
mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ những mặt hàng
nông sản chủ lực của tỉnh.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT
triển khai các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản theo hợp đồng; Phát triển các
loại hình dịch vụ tư vấn, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện cho các
doanh nghiệp và nông dân liên kết tiêu thụ nông sản.
6. Sở Khoa
học và Công nghệ
Tổ chức tập huấn, hướng dẫn, cung cấp
tài liệu, tiếp nhận hồ sơ, hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình đăng ký thương hiệu;
Chuyển giao khoa học công nghệ về sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản sau
thu hoạch.
Tổ chức hướng dẫn các tổ chức, cá
nhân xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh gồm các nhãn hiệu dứa,
chuối, địa lan Sa Pa, địa lan Bắc Hà, vịt Nghĩa Đô và các
chỉ dẫn địa lý cá hồi Sa Pa, cá tầm Sa Pa...
7. Sở Thông
tin truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan truyền thông liên
quan tổ chức tuyên truyền, quảng bá các mặt
hàng nông sản của tỉnh; hỗ trợ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng các
website quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
8. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lào Cai
Tổ chức tuyên truyền các chủ trương,
chính sách của Trung ương và của tỉnh về tiêu thụ nông sản; hỗ trợ quảng bá giới
thiệu sản phẩm nông sản trên các phương tiện thông tin đại chúng.
9. Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố
Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT phối
hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện kế hoạch theo phân cấp quản
lý; Giám sát việc ký kết hợp đồng giữa các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản với
người sản xuất, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những vi phạm hợp đồng giữa các bên.
Bố trí các gian hàng giới thiệu và
bán sản phẩm nông nghiệp tại các chợ trung tâm huyện, thành phố; Phối hợp xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản
phẩm an toàn.
Tiếp tục phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ
chức sản xuất, làm tốt chức năng cầu nối với các
doanh nghiệp để mở rộng phương thức tiêu thụ nông sản.
Rà soát quy hoạch sử dụng đất đai,
quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch chung của tỉnh; Bố trí cơ cấu sản
xuất theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có chất lượng
cao gắn với các cơ sở chế biến và thị trường tiêu thụ; Phối hợp với các doanh
nghiệp, đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng nguyên liệu
trên cơ sở tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng./.