UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1813/QĐ-UBND
|
Yên Bái, ngày
18 tháng 11 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUI ĐỊNH VỀ ĐẤU THẦU MUA THUỐC TRONG
CÁC CƠ SỞ Y TẾ CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Dược ngày 14 tháng
6 năm 2005;
Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 29
tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản ngày 19 tháng 6 năm
2009;
Căn cứ Nghị định số
79/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành
một số điều của Luật Dược;
Căn cứ Nghị định số
85/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu
thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
10/2007/TTLT-BYT-BTC ngày 10 tháng 8 năm 2007 của liên tịch: Bộ Y tế - Bộ Tài
chính hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế công lập;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế
tại Tờ trình số 130/TTr-SYT ngày 09 tháng 10 năm 2009 và ý kiến của Sở Kế hoạch
và Đầu tư (Văn bản số 801/SKHĐT-THVX ngày 09/11/2009); của Sở Tài chính (Văn bản
số 1236/STC-CSN ngày 05/11/2009),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Qui định về đấu
thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay
thế Quyết định số 1470/QĐ-UBND ngày 18/9/2008 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh
Yên Bái.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc
các Sở: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh và các
đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Thị Thanh Trà
|
QUY ĐỊNH
VỀ ĐẤU THẦU MUA THUỐC TRONG CÁC CƠ SỞ Y TẾ
CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1813/QĐ-UBND ngày 18/11/2009 của Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân tỉnh Yên Bái)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy định này quy định về việc đấu thầu mua thuốc
phục vụ nhu cầu phòng bệnh, khám và chữa bệnh trong các cơ sở y tế công lập
trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Điều 2. Đối tượng áp dụng:
Các cơ sở y tế công lập có sử dụng nguồn kinh
phí từ ngân sách nhà nước bao gồm: Nguồn Ngân sách Nhà nước, nguồn thu viện phí
(bao gồm cả nguồn do cơ quan Bảo hiểm Xã hội thanh toán) và các nguồn thu hợp
pháp khác (gọi chung là nguồn ngân sách) để mua thuốc theo Quy định này và các
văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Điều 3. Quy định này không
điều chỉnh trong các trường hợp sau:
1. Nguồn vốn quay vòng thuốc thiết yếu ở các trạm
y tế xã, phường, thị trấn và mua thuốc để bán dịch vụ tại các đơn vị y tế
chuyên khoa tuyến tỉnh.
2. Các hoá chất xét nghiệm, các hoá chất dùng
cho hoạt động của các loại thiết bị, máy móc phục vụ cho chẩn đoán và điều trị;
các loại vắc xin và sinh phẩm y tế.
3. Các loại thuốc gây nghiện; thuốc hướng tâm thần
và tiền chất; thành phẩm thuốc do Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái sản xuất.
4. Máu, các chế phẩm máu được thực hiện theo quy
định tại Quyết định số 28/2007/QĐ-BYT ngày 10/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về
việc quy định giá tối đa của một số khối lượng máu toàn phần và chế phẩm máu đạt
tiêu chuẩn.
5. Mua bổ sung một số mặt hàng thuốc không nằm
trong danh mục của kế hoạch đấu thầu với số lượng nhỏ, có tổng trị giá dưới 100
triệu đồng/năm. Trường hợp này, Thủ trưởng cơ sở y tế công lập được quyền quyết
định mua sắm các mặt hàng thuốc sau khi đã được sự thống nhất của Hội đồng thuốc
và điều trị của đơn vị với điều kiện bảo đảm chất lượng và đơn giá mua thuốc
không vượt giá tối đa hiện hành của mặt hàng thuốc đó được công bố tại thời điểm
gần nhất của Bộ Y tế. Trong trường hợp, mặt hàng thuốc đó chưa được công bố giá
tối đa, thì đơn giá mua thuốc phải bảo đảm không được cao hơn giá mặt hàng thuốc
đó đã trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế công lập được Cục
Quản lý Dược Việt Nam cập nhật và thông báo trên trang thông tin điện tử của
ngành y tế (Website của Cục Quản lý Dược Việt Nam).
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Hình thức tổ chức đấu
thầu mua thuốc:
Các cơ sở y tế công lập tự tổ chức đấu thầu mua
thuốc theo nhu cầu sử dụng thuốc của đơn vị. Đấu thầu mua thuốc được thực hiện
01 lần/năm. Trường hợp đột xuất phải mua bổ sung một số mặt hàng thuốc không nằm
trong danh mục của kế hoạch đấu thầu, có tổng trị giá trên 100 triệu đồng thì
Thủ trưởng cơ sở y tế công lập phải lập kế hoạch bổ sung trình Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân tỉnh Yên Bái xem xét, phê duyệt theo quy định.
Điều 5. Thẩm quyền trong đấu
thầu mua thuốc:
1. Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua
thuốc:
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái phê duyệt
kế hoạch đấu thầu mua thuốc hàng năm cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh
theo quy định hiện hành.
2. Thẩm quyền phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt
kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc.
Thủ trưởng các cơ sở y tế công lập phê duyệt hồ
sơ mời thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc của đơn vị theo
quy định hiện hành.
Điều 6. Kế hoạch đấu thầu
mua thuốc:
1. Căn cứ lập kế hoạch đấu thầu mua thuốc:
a) Dự toán chi ngân sách nhà nước năm kế hoạch
được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao và các nguồn kinh phí hợp pháp khác của
đơn vị.
b) Tình hình thực tế mua thuốc của năm trước.
c) Dự kiến nhu cầu mua thuốc năm kế hoạch.
Trường hợp đơn vị chưa được giao dự toán chi
Ngân sách Nhà nước năm kế hoạch thì căn cứ lập kế hoạch đấu thầu phải đảm bảo đủ
02 điều kiện của điểm b, điểm c quy định tại khoản này.
2. Nội dung của từng gói thầu trong kế hoạch đấu
thầu:
a) Tên gói thầu.
b) Kế hoạch số lượng, nồng độ, hàm lượng, đơn vị
tính, dạng bào chế của từng mặt hàng thuốc đấu thầu theo tên gốc (generic
name). Nếu là thuốc hỗn hợp nhiều thành phần, phải ghi đủ các thành phần của
thuốc theo tên gốc. Trong trường hợp mời thầu theo tên biệt dược phải ghi kèm
theo cụm từ “hoặc tương đương điều trị” trong kế hoạch đấu thầu (Tương đương điều
trị là tương đương về bào chế và sau khi được sử dụng cùng liều lượng thì tác dụng
của thuốc, cả về hiệu lực và an toàn là cơ bản như nhau). Danh mục mặt hàng thuốc
theo tên gốc, thuốc hỗn hợp nhiều thành phần, thuốc biệt dược do Sở Y tế quy định
trên cơ sở danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh
theo quy định của Bộ Y tế và đề nghị bằng văn bản của Thủ trưởng cơ sở y tế
công lập sau khi đã được Hội đồng thuốc và điều trị của đơn vị đó thống nhất.
Trong kế hoạch mặt hàng thuốc đấu thầu, thực hiện ưu tiên thuốc sản xuất trong
nuớc cùng chủng loại, chất lượng tương đương và giá không cao hơn thuốc nhập khẩu
tại thời điểm đấu thầu.
c) Giá gói thầu: Giá gói thầu trong kế hoạch đấu
thầu của các mặt hàng thuốc không được cao hơn giá tối đa của các mặt hàng thuốc
đó được công bố tại thời điểm gần nhất của Bộ Y tế. Trong trường hợp, những mặt
hàng thuốc chưa được công bố giá tối đa, khi xây dựng kế hoạch đấu thầu, các
đơn vị phải tham khảo giá những mặt hàng thuốc đã trúng thầu trong vòng 12
tháng trước của các cơ sở y tế công lập do Cục Quản lý Dược Việt Nam cập nhật
và thông báo trên trang thông tin điện tử của ngành y tế (Website của Cục Quản
lý Dược Việt Nam).
d) Nguồn vốn.
đ) Hình thức lựa chọn nhà thầu và phương thức đấu
thầu áp dụng đối với từng gói thầu.
e) Thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu cho từng
gói thầu.
g) Hình thức hợp đồng áp dụng.
h) Thời gian thực hiện hợp đồng.
3. Trình duyệt kế hoạch đấu thầu:
a) Thủ trưởng cơ sở y tế công lập có trách nhiệm
trình kế hoạch đấu thầu lên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt; đồng
thời gửi cho Sở Y tế để thẩm định báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái
(gửi kèm file dữ liệu).
b) Hồ sơ trình duyệt:
- Văn bản trình duyệt: Thực hiện theo quy định tại
điểm a, khoản 2, Điều 11, Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính
phủ. Cụ thể:
+ Phần công việc đã thực hiện liên quan tới chuẩn
bị kế hoạch mua thuốc sử dụng tại đơn vị;
+ Phần kế hoạch đấu thầu, bao gồm những công việc
hình thành các gói thầu và hình thức lựa chọn nhà thầu; cơ sở của việc chia kế
hoạch mua thuốc thành các gói thầu. Đối với từng gói thầu, phải bảo đảm có đủ
các nội dung theo quy định. Trường hợp không áp dụng đấu thầu rộng rãi thì phải
nêu rõ lý do.
- Tài liệu kèm theo văn bản trình duyệt: Khi
trình duyệt kế hoạch đấu thầu mua thuốc, Thủ trưởng cơ sở y tế công lập phải gửi
kèm theo bản chụp các tài liệu làm căn cứ lập kế hoạch đấu thầu mua thuốc quy định
tại khoản 1 và khoản 2 của Điều này.
4. Thẩm định kế hoạch đấu thầu:
a) Giao Sở Y tế chủ trì thẩm định kế hoạch đấu
thầu mua thuốc của các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh.
b) Nhiệm vụ của Sở Y tế:
- Có trách nhiệm tiến hành kiểm tra, đánh giá các
nội dung quy định tại các khoản 1, 2 và 3 của Điều này.
- Lập báo cáo kết quả thẩm định trên cơ sở tuân
thủ quy định của Luật Đấu thầu, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét,
phê duyệt.
5. Phê duyệt kế hoạch đấu thầu:
Trong thời hạn không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận
đủ hồ sơ trình duyệt kế hoạch đấu thầu mua thuốc của Thủ trưởng cơ sở y tế công
lập, báo cáo thẩm định của Sở Y tế và ý kiến của cơ quan liên quan khác (nếu cần
thiết), Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu thầu của cơ sở y tế
đó.
Điều 7. Hồ sơ mời thầu:
1. Lập hồ sơ mời thầu:
Thực hiện theo các qui định của Luật Đấu thầu,
Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ. Trong đó: Về điều kiện
giao hàng, thực hiện tại kho của cơ sở y tế; về tiêu chuẩn đánh giá kinh nghiệm,
được đánh giá thông qua các hợp đồng tương tự như hợp đồng đối với những mặt
hàng dự thầu của gói thầu mà nhà thầu đã và đang thực hiện với tư cách là nhà
thầu chính hoặc một thành viên của liên danh trong thời gian 3 năm gần đây với
trị giá bình quân tương ứng với trị giá mặt hàng dự thầu; về năng lực tài chính
của nhà thầu, được đánh giá thông qua doanh thu trung bình hàng năm trong 3 năm
gần đây của nhà thầu tuỳ thuộc trị giá mặt hàng trong gói thầu mà nhà thầu tham
dự; về đồng tiền dự thầu, là Việt Nam đồng; về giá trị bảo đảm dự thầu được
tính trên trị giá mặt hàng trong gói thầu mà nhà thầu tham dự; về giá trị bảo đảm
thực hiện hợp đồng được tính bằng 10% giá hợp đồng để phòng ngừa rủi ro (trường
hợp tính cao hơn phải báo cáo và được Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái cho phép).
Ngoài ra, cần bảo đảm các điều kiện, yêu cầu sau:
a) Số lượng, nồng độ, hàm lượng, đơn vị tính, dạng
bào chế của từng mặt hàng thuốc đã được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái
phê duyệt trong kế hoạch đấu thầu.
b) Yêu cầu về chất lượng thuốc:
- Bảo đảm theo tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký
với Cục Quản lý Dược Việt Nam.
- Hạn sử dụng: Tuân thủ các quy định về hạn sử dụng
thuốc theo các quy định hiện hành.
- Nhãn thuốc: Theo đúng quy chế nhãn, có tờ hướng
dẫn sử dụng thuốc bằng tiếng Việt Nam.
c) Yêu cầu về điều kiện của nhà thầu:
- Nhà thầu có thể tham gia một, nhiều hoặc tất cả
các mặt hàng thuốc trong một gói thầu mà nhà thầu có khả năng cung cấp.
- Cam kết cung ứng kịp thời, đủ thuốc nếu trúng
thầu.
- Cam kết thu hồi thuốc trong trường hợp thuốc
đã giao nhưng không bảo đảm chất lượng hoặc có thông báo thu hồi của cơ quan có
thẩm quyền mà nguyên nhân không do lỗi của bên mời thầu.
- Cam kết bảo đảm khả năng cung cấp thuốc theo
yêu cầu về chất lượng thuốc theo đúng giá trúng thầu (kể cả trường hợp cung cấp
thuốc theo nhiều đợt trong năm).
d) Đánh giá hồ sơ dự thầu:
Bên mời thầu đánh giá hồ sơ dự thầu theo từng mặt
hàng trong mỗi gói thầu.
2. Thẩm định hồ sơ mời thầu:
a) Tổ chức chủ trì thẩm định hồ sơ mời thầu do
thủ trưởng cơ sở y tế đó quyết định.
b) Nhiệm vụ của tổ chức chủ trì thẩm định hồ sơ
mời thầu:
- Có trách nhiệm tiến hành kiểm tra, đánh giá
các nội dung theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 72, Nghị định số
85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ và quy định tại khoản 1 của Điều
này;
- Phải lập báo cáo kết quả thẩm định trên cơ sở
tuân thủ quy định tại Điều 65 của Luật Đấu thầu trình Thủ trưởng đơn vị phê duyệt
hồ sơ mời thầu. Nội dung báo cáo kết quả thẩm định theo quy định tại điểm b,
khoản 1, Điều 72, Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ.
3. Phê duyệt hồ sơ mời thầu:
Thủ trưởng cơ sở y tế công lập có trách nhiệm
phê duyệt hồ sơ mời thầu của đơn vị mình trên cơ sở báo cáo thẩm định của tổ chức
chủ trì thẩm định.
Điều 8. Kết quả lựa chọn nhà
thầu:
1. Trình duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu:
a) Tổ chuyên gia đấu thầu có đủ năng lực và kinh
nghiệm theo quy định tại Điều 9 của Luật Đấu thầu được Thủ trưởng cơ sở y tế
công lập giao để tổ chức đấu thầu theo các quy định của pháp luật về đấu thầu
có trách nhiệm trình duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
b) Hồ sơ trình duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu
thực hiện theo quy định tại Điều 71, Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009
của Chính phủ.
2. Thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu:
a) Tổ chức chủ trì thẩm định kết quả lựa chọn
nhà thầu do Thủ trưởng đơn vị quyết định.
b) Nhiệm vụ của tổ chức chủ trì thẩm định:
- Tiến hành kiểm tra, đánh giá các nội dung thẩm
định quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 72, Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày
15/10/2009 của Chính phủ.
- Lập báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu
trên cơ sở báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu của tổ chức chuyên môn xét thầu
trình Thủ trưởng đơn vị quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Báo cáo
thẩm định bao gồm các nội dung quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 72, Nghị định
số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ.
3. Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu: Thủ trưởng
cơ sở y tế công lập có trách nhiệm phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy
định tại khoản 2 và khoản 3, Điều 40 Luật Đấu thầu.
4. Thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu: Ngay sau
khi nhận được quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu, bên mời thầu phải gửi văn
bản thông báo kết quả đấu thầu cho các nhà thầu tham dự thầu, riêng đối với nhà
thầu trúng thầu còn phải gửi kế hoạch thương thảo, hoàn thiện hợp đồng. Trong
thông báo kết quả đấu thầu không phải giải thích lý do đối với nhà thầu không
trúng thầu.
5. Giá thuốc trúng thầu: Giá thuốc trúng thầu
không được cao hơn giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu và không vượt quá giá tối
đa hiện hành của từng mặt hàng thuốc đó được công bố tại thời điểm gần nhất của
Bộ Y tế.
6. Báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu: Trong vòng
15 ngày sau khi kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt, Thủ trưởng đơn vị có
trách nhiệm báo cáo bằng văn bản kết quả lựa chọn nhà thầu về Sở Y tế kèm theo
các tài liệu sau:
a) Báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu.
b) Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
Điều 9. Xử lý tình huống
trong đấu thầu mua thuốc:
Ngoài việc xử lý các tình huống theo quy định tại
Điều 70, Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ, sau khi mở
thầu và tiến hành đánh giá sơ bộ về hồ sơ dự thầu chọn được các hồ sơ dự thầu đảm
bảo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, Thủ trưởng cơ sở y tế công lập có trách nhiệm
kiểm tra xác định ngay những mặt hàng thuốc trong gói thầu mà không có nhà thầu
dự thầu (lập thành biên bản), đồng thời được phép áp dụng hình thức chào hàng cạnh
tranh đối với những mặt hàng thuốc trên theo quy định tại Điều 43, Nghị định số
85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ. Trường hợp cần điều chỉnh giá mặt
hàng thuốc trong kế hoạch đấu thầu mua thuốc đã được duyệt, thì Thủ trưởng cơ sở
y tế công lập phải lập kế hoạch điều chỉnh trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh
xem xét, phê duyệt.
Điều 10. Chi phí trong đấu
thầu:
Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thực
hiện đấu thầu mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan
nhà nước bằng vốn nhà nước (hiện tại thực hiện theo qui định tại mục VII, phần
II, Thông tư số 63/2007/TT-BTC ngày 15/6/2007 của Bộ Tài chính).
Chương III
KIỂM TRA, THANH TRA VÀ XỬ
LÝ VI PHẠM
Điều 11. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thường
xuyên theo kế hoạch hoặc đột xuất (khi có vướng mắc, kiến nghị) theo Quyết định
của cấp có thẩm quyền tiến hành kiểm tra về đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y
tế công lập trên địa bàn tỉnh.
Nội dung kiểm tra, báo cáo kết quả kiểm tra đấu
thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế công lập thực hiện theo qui định của Luật Đấu
thầu và Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ.
Điều 12. Thanh tra các Sở: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính thực
hiện thanh tra việc đấu thầu mua thuốc của các cơ sở y tế công lập trên địa bàn
theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật. Nội
dung thanh tra được thực hiện theo quy định tại Điều 71 của Luật Đấu thầu.
Điều 13. Xử lý vi phạm: Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, nếu
phát hiện vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà xử lý theo
quy định tại Điều 75 của Luật Đấu thầu, tại các Điều 63, 64 và 65 của Nghị định
số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ và theo quy định của Luật Thanh
tra.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Giám đốc các Sở: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư theo
chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở y tế công lập
trong tỉnh thực hiện công tác đấu thầu mua thuốc theo Quy định này.
Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế công lập trong
toàn tỉnh thực hiện đấu thầu mua thuốc theo đúng Quy định này ngay trong kế hoạch
năm 2010; chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch đấu thầu mua thuốc nhằm hạn chế đến mức
thấp nhất lượng thuốc phải mua bổ sung trong năm không nằm trong danh mục của kế
hoạch đấu thầu mua thuốc; cung cấp file dữ liệu kế hoạch đấu thầu và hồ sơ mời
thầu mẫu cho các cơ sở y tế công lập. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật
của cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương liên quan đến đấu thầu mua thuốc có điều
chỉnh, thay đổi, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan tham
mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định hình thức áp dụng phù hợp.
Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch và tổ chức
các lớp đào tạo, cấp chứng chỉ về đấu thầu cho cán bộ có liên quan của các cơ sở
y tế công lập.
Điều 15. Thủ trưởng các cơ sở y tế công lập trong tỉnh có trách nhiệm
xây dựng kế hoạch sử dụng thuốc và tổ chức đấu thầu mua thuốc theo đúng Quy định
này, bảo đảm cung cấp đủ và kịp thời thuốc phục vụ nhu cầu khám và điều trị cho
người bệnh; dự kiến chính xác, hạn chế đến mức thấp nhất lượng thuốc phải mua bổ
sung trong năm không nằm trong danh mục của kế hoạch đấu thầu mua thuốc.
Điều 16. Chế độ báo cáo: Định kỳ hàng năm, các cơ sở y tế công lập
trên địa bàn tỉnh báo cáo bằng văn bản tình hình thực hiện công tác đấu thầu
mua thuốc (trong đó, báo cáo cụ thể về danh mục, trị giá thuốc mua bổ sung
không thông qua đấu thầu) của đơn vị mình gửi Sở Y tế trước ngày 20/12.
Sở Y tế tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện
công tác đấu thầu mua thuốc của các cơ sở y tế công lập trên địa bàn trình Uỷ
ban nhân dân tỉnh báo cáo các Bộ, ngành Trung ương theo quy định./.