BỘ CÔNG THƯƠNG
---------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1715/QĐ-BCT
|
Hà Nội, ngày 29
tháng 6 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
ĐIỀU TRA ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ ĐỐI VỚI MỘT SỐ SẢN PHẨM ĐƯỜNG
LỎNG CHIẾT XUẤT TỪ TINH BỘT NGÔ CÓ XUẤT XỨ TỪ CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA VÀ ĐẠI
HÀN DÂN QUỐC
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Luật Quản lý ngoại thương số
05/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 10/2018/NĐ-CP
ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật
Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại;
Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP
ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Thông tư số 37/2019/TT-BCT
ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số
nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại;
Căn cứ Quyết định số 3752/QĐ-BCT
ngày 02 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Phòng vệ thương mại;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục
Phòng vệ thương mại,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Điều tra áp dụng biện
pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột
ngô, thuộc các mã HS 1702.60.10, và 1702.60.20 có xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân
Trung Hoa và Đại Hàn Dân Quốc (mã vụ việc: AD11) với nội dung chi tiết nêu tại
Thông báo kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Trình tự, thủ tục điều
tra thực hiện theo quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam.
Điều 3. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Cục
trưởng Cục Phòng vệ thương mại và Thủ trưởng các đơn vị, các bên liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: TC, NG, TTTT;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng;
- Các website: Chính phủ, Bộ Công Thương;
- Tổng cục Hải quan (Cục TXNK, Cục GSQL);
- Các Cục: CN, XNK;
- Các Vụ: AP, KHCN, ĐB, PC;
- Văn phòng BCĐLNHNQT vè kinh tế;
- Lưu: VT, PVTM (8).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Quốc Khánh
|
THÔNG BÁO
ĐIỀU TRA ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ ĐỐI VỚI MỘT SỐ SẢN PHẨM ĐƯỜNG
LỎNG CHIẾT XUẤT TỪ TINH BỘT NGÔ CÓ XUẤT XỨ TỪ CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA VÀ ĐẠI
HÀN DÂN QUỐC
(Kèm theo Quyết định số 1715/QĐ-BCT ngày 29 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ
Công Thương)
1. Thông tin cơ bản
Ngày 21 tháng 5 năm
2020, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương (Cơ quan điều tra) nhận được Hồ
sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm
đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô có các mã HS 1702.60.10 và 1702.60.20
(Hàng hóa bị điều tra) có xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc)
và Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc). Bên yêu cầu là đại diện của ngành sản xuất đường
tinh luyện trong nước, gồm 06 công ty là Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, Công
ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Công nghiệp KCP Việt
Nam, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn MK Sugar Việt
Nam và Công ty Cổ phần Mía đường La Ngà.
Căn cứ Khoản 1 Điều
30 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định
chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương (Nghị định 10/2018/NĐ-CP),
ngày 02 tháng 6 năm 2020, Cơ quan điều tra có công văn số 422/PVTM-P1 xác nhận
Hồ sơ yêu cầu đã hợp lệ và đầy đủ các nội dung được quy định tại Điều 28 Nghị định
10/2018/NĐ-CP .
Căn cứ quy định tại
Điểm c Khoản 5 Điều 70 Luật Quản lý ngoại thương và Điều 5.5 Hiệp định chống
bán phá giá của WTO, ngày 08 tháng 6 năm 2020, Cơ quan điều tra đã có thư gửi Đại
sứ quán các nước Trung Quốc và Hàn Quốc tại Việt Nam thông báo về việc nhận được
hồ sơ đề nghị đầy đủ và hợp lệ.
Theo quy định tại Điều
79 Luật Quản lý ngoại thương về căn cứ tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống
bán phá giá, Cơ quan điều tra xác định rằng:
- Bên yêu cầu áp dụng
biện pháp chống bán phá giá đáp ứng yêu cầu về tính đại diện cho ngành sản xuất
trong nước; và
- Có bằng chứng rõ
ràng về việc hàng hóa nhập khẩu bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản
xuất trong nước.
Căn cứ Điều 70 Luật
Quản lý ngoại thương về trình tự, thủ tục điều tra vụ việc phòng vệ thương mại
và Điều 79 Luật Quản lý ngoại thương về căn cứ tiến hành điều tra áp dụng biện
pháp chống bán phá giá, Bộ Công Thương quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện
pháp CBPG đối với Hàng hóa bị điều tra có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc (mã
vụ việc AD11).
2. Nội dung điều
tra
Các nội dung điều tra
sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 80 Luật Quản lý ngoại thương và Điều
32 Nghị định 10/2018/NĐ-CP , cụ thể như sau:
2.1. Hàng hóa bị
điều tra
a) Mô tả hàng
hóa:
Tên sản phẩm: Đường lỏng
chiết xuất từ tinh bột ngô
Tên khoa học/ Tên tiếng
Anh: High-Fructose Corn Syrup
Tên thông thường: đường
bắp, đường lỏng, đường ngô, đường ngô lỏng, HFCS
Sản phẩm đường lỏng
chiết xuất từ tinh bột ngô được phân loại theo mã HS như sau:
Mã
số
|
Mô
tả hàng hóa
|
Thuế
thông thường
|
Thuế
ưu đãi (MFN)
|
Thuế
theo ACFTA
|
Thuế
theo VKFTA
|
Phần IV
|
Thực Phẩm Chế Biến; Đồ uống, Rượu
Mạnh Và Giấm; Thuốc Lá , Và Các Loại Nguyên Liệu Thay Thế Thuốc Lá Đã Chế Biến
|
Chương 17
|
Đường và các loại kẹo đường
|
1702
|
Đường khác, kể cả đường lactoza,
mantoza, glucoza và fructose, tinh khiết về mặt hóa học, ở thể rắn, xi-rô đường
chưa pha thêm hương liệu hoặc chất màu; mật ong nhân tạo, đã hoặc chưa pha trộn
với mật ong tự nhiên; đường caramen
|
|
- Lactoza và xi-rô lactoza:
|
1702.60
|
- Fructoza và xi-rô fructoza
khác, chứa làm lượng fructoza trên 50% tính theo trọng lượng ở thể khô, trừ
đường nghịch chuyển:
|
1702.60.10
|
- - Fructoza
|
22,5%
|
15%
|
9%
|
0%
|
1702.60.20
|
- - Xi-rô fructoza
|
22,5%
|
15%
|
9%
|
0%
|
Bộ Công Thương có thể
sửa đổi, bổ sung danh sách các mã HS của hàng hoá bị điều tra để phù hợp với mô
tả hàng hoá bị điều tra và các thay đổi khác (nếu có).
b) Xuất xứ của
hàng hóa bị điều tra: Trung Quốc và Hàn Quốc.
2.2. Tóm tắt thông
tin về cáo buộc hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước
a) Kết quả thẩm
định hồ sơ yêu cầu
(i) Về điều kiện nộp
hồ sơ:
Trong vụ việc này, sản
lượng của Bên yêu cầu và Bên ủng hộ vụ việc chiếm 54,94% tổng lượng hàng hóa
tương tự sản xuất trong nước và không có nhà sản xuất trong nước nào phản đối vụ
việc. Do đó Bên yêu cầu đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 79 Luật Quản
lý ngoại thương về việc:
+ Sản lượng của Bên
yêu cầu và Bên ủng hộ vụ việc chiếm ít nhất 25% tổng khối lượng hoặc số lượng
hàng hóa tương tự được sản xuất bởi ngành sản xuất trong nước; và
+ Sản lượng của Bên
yêu cầu và Bên ủng hộ vụ việc lớn hơn sản lượng của Bên phản đối vụ việc.
(ii) Về cáo buộc hành
vi bán phá giá: Bên yêu cầu cung cấp các cơ sở hợp lý để tính toán biên độ bán
phá giá của hàng hóa bị điều tra có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
(iii) Về cáo buộc thiệt
hại: Bên yêu cầu cung cấp được các thông tin hợp lý chứng minh dấu hiệu về thiệt
hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước, cụ thể như sau:
Lượng nhập khẩu từ
các nước bị điều tra tăng cả về tuyệt đối và tương đối.
- Có dấu hiệu về hiện
tượng chênh lệch giá, ép giá và kìm giá.
- Các chỉ số đánh giá
hoạt động của ngành sản xuất trong nước cho thấy sự suy giảm: doanh thu, lợi
nhuận, bán hàng, sản lượng.
(iv) Về mối quan hệ
nhân quả: Hồ sơ của Bên yêu cầu chứng minh có tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa
hàng hóa nhập khẩu bán phá giá và thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Do đó, Cơ quan điều
tra xác định Hồ sơ của Bên yêu cầu đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định
pháp luật chống bán phá giá và kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định tiến
hành khởi xướng điều tra.
b) Thời kỳ điều
tra (POI):1
- Thời kỳ điều tra
xác định hành vi bán phá giá: từ ngày 01 tháng 4 năm 2019 đến ngày 31 tháng 3
năm 2020.
- Thời kỳ điều tra
xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước:
Năm 1: từ ngày 01
tháng 4 năm 2017 đến ngày 31 tháng 3 năm 2018;
Năm 2: từ ngày 01
tháng 4 năm 2018 đến ngày 31 tháng 3 năm 2019;
Năm 3: từ ngày 01
tháng 4 năm 2019 đến ngày 31 tháng 3 năm 2020.
c) Đề xuất về mức
thuế của Bên yêu cầu:2
Bên yêu cầu đề nghị
áp dụng thuế CBPG đối với hàng hóa bị điều tra ở mức như sau:
Quốc
gia/vùng lãnh thổ xuất xứ
|
Mức
thuế đề nghị
|
Trung Quốc
|
36,09%
|
Hàn Quốc
|
40,02%
|
3. Trình tự, thủ tục
điều tra
3.1. Đăng ký bên
liên quan
a) Căn cứ Điều 6
Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công
Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại
(Thông tư 37/2019/TT-BCT), tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 74 Luật Quản lý
ngoại thương có thể đăng ký làm bên liên quan trong vụ việc với Cơ quan điều
tra để tiếp cận thông tin lưu hành công khai trong quá trình điều tra, gửi các
ý kiến bình luận, thông tin và bằng chứng liên quan đến nội dung điều tra được
nêu tại Thông báo này.
b) Tổ chức, cá nhân
đăng ký bên liên quan theo mẫu Đơn đăng ký bên liên quan ban hành tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 37/2019/TT-BCT
và gửi tới Cơ quan điều tra theo địa chỉ nêu tại Thông báo này trong thời hạn
sáu mươi (60) ngày làm việc kể từ ngày có hiệu lực của quyết định điều tra bằng
cách gửi công văn chính thức kèm theo Đơn đăng ký bên liên quan theo một trong
hai phương thức sau: (i) bưu điện hoặc (ii) thư điện tử.
c) Để đảm bảo quyền
và lợi ích hợp pháp của mình, Cơ quan điều tra khuyến nghị các tổ chức, cá nhân
sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hàng hóa bị điều tra đăng ký làm bên liên quan để
thực hiện quyền tiếp cận thông tin, cung cấp thông tin và bày tỏ quan điểm
trong quá trình điều tra của vụ việc.
3.2. Bản câu hỏi
điều tra
Căn cứ Điều 35 Nghị định
10/2018/NĐ-CP:
Trong thời hạn mười
lăm (15) ngày kể từ ngày có quyết định điều tra, Cơ quan điều tra gửi bản câu hỏi
điều tra cho các đối tượng sau đây:
- Bên nộp hồ sơ yêu cầu
áp dụng biện pháp CBPG;
- Các nhà sản xuất
trong nước khác mà Cơ quan điều tra biết;
- Bên bị đề nghị điều
tra áp dụng biện pháp CBPG mà Cơ quan điều tra biết;
- Các nhà nhập khẩu
hàng hóa bị điều tra;
- Cơ quan đại diện
ngoại giao tại Việt Nam của quốc gia nơi xuất xứ của hàng hóa bị điều tra;
- Các bên có liên
quan khác.
3.3. Chọn mẫu điều
tra
Trong trường hợp số
lượng các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài, nhà nhập khẩu và nhà sản xuất
trong nước quá lớn hoặc chủng loại hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG
quá lớn, Cơ quan điều tra có thể giới hạn phạm vi điều tra. Việc giới hạn phạm
vi điều tra được thực hiện theo quy định tại Điều 36 Nghị định 10/2018/NĐ-CP .
3.4. Tiếng nói và
chữ viết
Căn cứ Điều 4 Thông
thư 37/2019/TT-BCT:
a) Tiếng nói và chữ
viết dùng trong quá trình điều tra là tiếng Việt. Bên liên quan có quyền dùng
tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trong trường hợp này phải có biên dịch
và phiên dịch.
b) Các thông tin, tài
liệu không phải bằng tiếng Việt do bên liên quan cung cấp phải được dịch ra tiếng
Việt. Bên liên quan phải đảm bảo tính trung thực, chính xác và chịu trách nhiệm
trước pháp luật về nội dung được dịch thuật.
3.5. Bảo mật thông
tin
Cơ quan điều tra thực
hiện việc bảo mật thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật Quản lý ngoại
thương và Điều 11 Nghị định 10/2018/NĐ-CP .
3.6. Hợp tác trong
quá trình điều tra
Căn cứ Điều 10 Nghị định
10/2018/NĐ-CP:
a) Bất kỳ bên liên
quan nào từ chối tham gia vụ việc hoặc không cung cấp chứng cứ cần thiết hoặc
gây cản trở đáng kể tới việc hoàn thành việc điều tra thì kết luận điều tra đối
với bên liên quan đó sẽ dựa trên các cơ sở thông tin sẵn có.
b) Bất kỳ bên liên
quan nào cung cấp các chứng cứ không chính xác hoặc gây nhầm lẫn thì các chứng
cứ đó sẽ không được xem xét và kết luận điều tra đối với bên liên quan đó sẽ dựa
trên cơ sở các thông tin sẵn có.
c) Cơ quan điều tra
khuyến nghị các bên liên quan tham gia hợp tác đầy đủ trong quá trình vụ việc để
đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
4. Các biện pháp tạm
thời
4.1. Quản lý nhập
khẩu đối với hàng hóa bị điều tra
Kể từ khi có quyết định
điều tra cho đến khi kết thúc quá trình điều tra áp dụng biện pháp CBPG, Cơ
quan điều tra có thể thực hiện chế độ yêu cầu khai báo nhập khẩu đối với hàng
hóa bị điều tra áp dụng biện pháp CBPG để phục vụ công tác điều tra. Việc khai
báo nhập khẩu không hạn chế về số lượng, khối lượng hoặc trị giá hàng hóa nhập
khẩu.
Trình tự thủ tục thực
hiện quản lý nhập khẩu đối với hàng hóa bị điều tra được thực hiện theo quy định
hiện hành. Bộ Công Thương sẽ có thông báo chi tiết trong trường hợp áp dụng biện
pháp này.
4.2. Áp dụng thuế
CBPG tạm thời
Căn cứ kết luận điều
tra sơ bộ, Cơ quan điều tra có thể kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định
việc áp dụng thuế CBPG tạm thời theo quy định tại Khoản 1 Điều 81 Luật Quản lý
ngoại thương và Điều 37 Nghị định 10/2018/NĐ-CP. Mức thuế CBPG tạm thời không
được vượt quá biên độ bán phá giá trong kết luận điều tra sơ bộ.
5. Tham vấn
Các bên liên quan có
quyền yêu cầu tham vấn riêng với Cơ quan điều tra theo quy định tại khoản 1 Điều
13 Nghị định 10/2018/NĐ-CP với điều kiện việc tham vấn này không ảnh hưởng tới
thời hạn điều tra vụ việc.
Trước khi kết thúc điều
tra, Cơ quan điều tra tổ chức phiên tham vấn công khai với các bên liên quan.
Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo về việc tổ chức tham vấn cho các bên
liên quan chậm nhất ba mươi (30) ngày trước ngày tổ chức tham vấn. Việc tổ chức
phiên tham vấn công khai được thực hiện theo thủ tục quy định tại các Khoản 2,
3, 4 và 5 Điều 13 Nghị định 10/2018/NĐ-CP .
6. Áp dụng thuế
CBPG có hiệu lực trở về trước
Căn cứ khoản 4 Điều
81 Luật Quản lý ngoại thương:
a) Trong trường hợp kết
luận cuối cùng của Cơ quan điều tra xác định có thiệt hại đáng kể hoặc có đe dọa
gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, Bộ trưởng Bộ Công
Thương có thể quyết định áp dụng thuế CBPG có hiệu lực trở về trước;
b) Thuế CBPG được áp
dụng có hiệu lực trở về trước đối với hàng hóa nhập khẩu trong thời hạn chín
mươi (90) ngày trước khi áp dụng thuế CBPG tạm thời nếu hàng hóa nhập khẩu được
xác định bị bán phá giá; khối lượng hoặc số lượng hàng hóa bị bán phá giá nhập
khẩu vào Việt Nam tăng nhanh đột biến trong giai đoạn từ khi tiến hành điều tra
đến khi áp dụng thuế CBPG tạm thời và gây ra thiệt hại khó có khả năng khắc phục
cho ngành sản xuất trong nước.
7. Thông tin liên
hệ
Cục Phòng vệ thương mại
- Bộ Công Thương
Địa chỉ: 25 Ngô Quyền,
Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại:
+84.24.2220.5304
Thư điện tử:
maitrh@moit.gov.vn (Chị Trần Hoàng Mai)
Quyết định và Thông
báo về vụ việc có thể truy cập và tải xuống tại trang thông tin điện tử của Bộ
Công Thương: www.moit.gov.vn: hoặc Cục Phòng vệ thương mại: www.trav.gov.vn hoặc
www.pvtm.gov.vn.
1 Đây là thời kỳ Cơ quan điều tra thu thập
các thông tin, số liệu để xác định sự tồn tại của
hành vi bán phá giá, sự tồn tại của thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại hoặc sự
ngăn cản một cách đáng kể sự hình
thành của ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả giữa hành
vi và thiệt hại nêu trên.
2 Mức thuế này là cáo buộc của Bên yêu
cầu, không phải là kết luận của Cơ quan điều tra.