TỔNG
CỤC HẢI QUAN
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
1549/2001/QĐ-TCHQ
|
Hà
Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2001
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 1549/2001/QĐ-TCHQ
NGÀY 26 THÁNG 12 NĂM 2001 BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH (TẠM THỜI) QUẢN LÝ HẢI QUAN ĐỐI
VỚI HÀNG HOÁ BÁN TẠI CỬA HÀNG KINH DOANH HÀNG MIỄN THUẾ
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Luật Hải quan ngày
29/06/2001;
Căn cứ Quyết định 205/1998/QĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 1998 của Thủ tướng
Chính phủ ban hành Quy chế về Cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế;
Xét đề nghị của ông Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý về Hải quan.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1:
Ban hành kèm theo Quyết định này Bản quy định (tạm thời) quản lý hải quan đối với
hàng hoá bán tại cửa hàng kinh doanh miễn thuế.
Điều 2:
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2002. Bãi bỏ Thông
tư số 10/1998/TT-TCHQ ngày 19/11/1998 của Tổng cục Hải quan hướng dẫn thủ tục hải
quan đối với hoạt động cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế theo quy chế ban hành
kèm theo Quyết định 205/1998/QĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 1998.
Điều 3:
Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Tổng cục Hải quan; Cục trưởng Cục Hải quan các
tỉnh, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này.
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
QUẢN LÝ HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ BÁN TẠI CỬA HÀNG KINH
DOANH HÀNG MIỄN THUẾ
(Ban hành kèm theo QĐ 1549/2001/QĐ-TCHQ ngày 26 tháng 12 năm 2001 của Tổng Cục
trưởng Tổng cục Hải quan)
I. QUY ĐỊNH
CHUNG
1. Hàng hoá nhập khẩu bán tại cửa
hàng kinh doanh miễn thuế (sau đây gọi tắt là cửa hàng) được làm thủ tục hải
quan tại Chi cục Hải quan quản lý cửa hàng.
Thủ tục hải quan đối với hàng
hoá nhập khẩu để bán tại cửa hàng thực hiện như quy định đối với hàng kinh
doanh nhập khẩu. Riêng phần tính thuế chỉ phải thực hiện đối với trường hợp mặt
hàng nhập khẩu để bán cho người nhập cảnh có đơn giá vượt quá tiêu chuẩn hành
lý miễn thuế (tính thuế và thu thuế đối với phần vượt).
2. Hàng hoá nhập khẩu để bán tại
cửa hàng phải được dán tem "VIETNAM DUTY NOT PAID" dưới sự giám sát của
Hải quan trước khi thông quan.
3. Hàng Việt Nam sản xuất được
đưa vào bán tại cửa hàng như bán tại thị trường nội địa, Hải quan không quản lý
đối với loại hàng này.
4. Hải quan không niêm phong kho
hàng, cửa hàng, không trực tiếp giám sát, không trực tiếp làm thủ tục bán hàng.
Mỗi tháng một lần, Hải quan thực hiện kiểm tra chứng từ bán hàng của cửa hàng để
thanh khoản tờ khai nhập khẩu. Trong quá trình thanh khoản nếu xét thấy cần thì
Hải quan thực hiện việc kiểm tra lượng hàng tồn.
5. Trách nhiệm của cửa hàng:
5.1. Bán hàng đúng thủ tục, đúng
đối tượng, đúng định lượng quy định.
5.2. Lưu giữ hồ sơ chứng từ bán
hàng theo quy định tại Mục II dưới đây.
5.3. Mỗi tháng, cửa hàng phải
làm báo cáo bán hàng gửi Chi cục Hải quan quản lý cửa hàng (theo mẫu quy định của
Tổng cục Hải quan ban hành kèm theo Quyết định này) để Hải quan kiểm tra và
thanh khoản.
5.4. Cửa hàng phải có hệ thống
máy tính nối mạng với Chi cục Hải quan quản lý cửa hàng để truyền trực tiếp tới
cơ quan Hải quan:
- Số liệu bán hàng (tên người
mua hàng, số hộ chiếu hoặc số giấy thông hành, tên hàng, số lượng, trị giá...).
- Số liệu hàng tồn kho (tên
hàng, mã số, số lượng, trị giá...).
6. Hải quan quản lý cửa hàng phải
mở sổ theo dõi hàng nhập khẩu để bán tại cửa hàng và số liệu hàng bán, hàng tồn
do cửa hàng cung cấp theo quy định tại điểm 5.4 trên đây.
II. QUY ĐỊNH
VỀ BÁN HÀNG
1. Trường hợp người mua hàng là
các cơ quan đại diện Ngoại giao, cơ quan Lãnh sự và cơ quan đại diện các tổ chức
quốc tế tại Việt Nam quy định tại Nghị định 73/CP ngày 30/07/1994 của Chính phủ:
1.1. Nhân viên bán hàng phải kiểm
tra các chứng từ sau:
a) Hộ chiếu, chứng minh thư ngoại
giao hoặc công hàm (nếu người mua là cơ quan).
b) Sổ định mức hàng miễn thuế.
c) Văn bản uỷ quyền mua hàng (đối
với trường hợp mua hàng theo uỷ quyền).
d) Giấy phép của Cục Hải quan tỉnh,
thành phố (đối với mặt hàng là ô tô, xe gắn máy).
1.2. Nhân viên bán hàng phải thu
và lưu các chứng từ sau:
a) Cắt ô tem tương ứng với mặt
hàng bán và dán vào hoá đơn bán hàng.
b) Hoá đơn bán hàng.
c) Các chứng từ c, d quy định tại
điểm 1.1 trên đây.
2. Trường hợp người xuất cảnh
mua hàng tại cửa hàng ở cửa khẩu xuất:
2.1. Nhân viên bán hàng phải kiểm
tra các chứng từ sau:
a) Hộ chiếu hoặc giấy thông hành
xuất nhập cảnh.
b) Chứng từ chứng minh nguồn gốc
ngoại tệ hợp pháp (trường hợp mua hàng với trị giá trên mức ngoại tệ quy định
phải khai báo Hải quan).
2.2. Nhân viên bán hàng phải thu
và lưu các chứng từ sau:
a) Hoá đơn bán hàng.
b) Bản sao
trang có ảnh và trang có dấu xác nhận xuất cảnh của hộ chiếu, giấy thông hành
xuất nhập cảnh.
3. Trường hợp người mua hàng là
khách nhập cảnh:
3.1. Nhân viên bán hàng phải kiểm
tra các chứng từ sau:
a) Hộ chiếu.
b) Tờ khai nhập xuất cảnh
(CHY2000).
c) Sau khi bán
hàng, nhân viên bán hàng phải ghi vào tờ khai nhập xuất cảnh: tên hàng, số lượng,
trị giá hàng đã bán.
3.2. Nhân viên bán hàng phải thu
và lưu các chứng từ sau:
a) Hoá đơn bán hàng.
b) Bản sao
trang có ảnh và trang có dấu xác nhận nhập cảnh của hộ chiếu.
c) Thu bản sao Tờ khai nhập xuất
cảnh (sau khi đã ghi theo quy định tại điểm 3.1.c trên đây).
4. Trường hợp người xuất cảnh
mua hàng tại cửa hàng nội địa:
4.1. Nhân viên bán hàng phải kiểm
tra các chứng từ sau:
a) Hộ chiếu.
b) Vé máy bay đã được đặt chỗ.
4.2. Nhân viên bánh hàng phải
thu và lưu các chứng từ sau:
a) Hoá đơn bán hàng (đã có xác
nhận thực xuất của Hải quan cửa khẩu xuất).
b) Bản sao
trang có ảnh và trang xác nhận nhập cảnh của hộ chiếu.
c) Bản sao của vé máy bay đã đặt
chỗ (trang đã đăng ký chuyến bay).
4.3. Thủ tục hải quan của Chi cục
Hải quan quản lý cửa hàng:
a) Kiểm tra, đối chiếu hàng hoá
đã bán với hoá đơn bán hàng.
b) Niêm phong hàng hoá đã bán để
cửa hàng chuyển tới cửa hàng cửa khẩu xuất.
4.4. Thủ tục hải quan tại cửa khẩu
xuất:
a) Kiểm tra niêm phong của Hải
quan quản lý cửa hàng.
b) Giám sát để đảm bảo hàng thực
xuất.
c) Xác nhận thực xuất vào từng
hoá đơn bán hàng.
5. Các trường hợp người mua là
chuyên gia nước ngoài thực hiện các chương trình, dự án ODA ở Việt Nam quy định
tại Quyết định số 211/1998/QĐ-TTg ngày 31/10/1998 của Thủ tướng Chính phủ, người
Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước làm việc theo lời mời của cơ quan Nhà nước
Việt Nam quy định tại Quyết định số 210/1999/QĐ-TTg ngày 27/10/1999 của Thủ tướng
Chính phủ:
5.1. Thủ tục trước khi bán hàng:
Cửa hàng phải mang văn bản quy định ở điểm 5.2.c dưới đây tới Chi cục Hải quan
quản lý cửa hàng để xác nhận và trừ lùi hàng hoá mua tại cửa hàng.
5.2. Nhân viên bán hàng phải kiểm
tra các chứng từ sau:
a) Hộ chiếu
b) Tờ khai nhập xuất cảnh.
c) Văn bản xác nhận của Bộ Kế hoạch
và Đầu tư (nếu là chuyên gia ODA) hoặc của Bộ, ngành mời người Việt Nam định cư
ở nước ngoài về nước làm việc (nếu là Việt Nam định cư ở nước ngoài).
5.3. Nhân viên bán hàng phải thu
và lưu các chứng từ sau:
a) Hoá đơn bán hàng.
b) Bản sao
trang có ảnh và trang có dấu xác nhận nhập cảnh của hộ chiếu.
c) Đối với văn bản quy định tại
điểm 5.2.c trên đây:
- Thu bản sao văn bản đã có xác
nhận trừ lùi của Hải quan, nếu người mua chưa mua hết lượng hàng được miễn thuế.
- Thu bản chính, nếu người mua
đã mua hết lượng hàng được miễn thuế.
III. QUY ĐỊNH
VỀ THANH KHOẢN
1. Hồ sơ thanh khoản gồm:
a) Chứng từ bán hàng cho từng đối
tượng theo quy định tại mục II trên đây.
b) Báo cáo bán hàng trong tháng
của cửa hàng.
c) Các chứng từ khác (nếu có).
Việc thanh khoản được tiến hành
định kỳ theo từng tháng. Định kỳ hàng năm Chi cục Hải quan quản lý cửa hàng thực
hiện việc kiểm tra hàng tồn kho.
Cửa hàng chịu trách nhiệm lưu giữ
hồ sơ chứng từ bán hàng (theo từng loại đối tượng mua hàng quy định tại mục II
trên đây) để xuất trình khi Hải quan kiểm tra, thanh khoản.
2. Thủ tục thanh khoản:
- Mỗi tháng, Chi cục Hải quan quản
lý cửa hàng thực hiện thanh khoản hàng hoá đã bán trong tháng một lần vào tuần
đầu tiên của tháng. Khi Hải quan kiểm tra, thanh khoản, cửa hàng phải xuất
trình hồ sơ nói tại điểm 1 trên đây và các sổ sách, chứng từ liên quan khác
(khi Hải quan yêu cầu).
- Trong quá trình thanh khoản, nếu
xét thấy cần thiết thì Hải quan thực hiện kiểm tra hàng tồn.
- Sau khi thanh khoản, cửa hàng
phải lưu giữ hồ sơ bán hàng trong thời gian quy định của Pháp luật.
3. Thanh khoản đối với trường hợp
hàng đổ vỡ, tiêu huỷ:
3.1. Đối với
hàng đổ vỡ trong quá trình vận chuyển thì cửa hàng phải nộp chứng thư giám định
và có văn bản giải trình.
3.2. Đối với hàng tiêu huỷ do
quá hạn sử dụng, hàng bị mất phẩm chất thì cửa hàng phải nộp chứng thư giám định
và có văn bản giải trình.
3.3. Thủ tục tiêu huỷ: Thực hiện
theo quy định của Pháp luật.
IV. QUY ĐỊNH
VỀ HÀNG HOÁ CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG
1. Hàng tái xuất:
a) Khi làm thủ tục tái xuất, cửa
hàng phải nộp các chứng từ sau:
- Văn bản đề nghị xin tái xuất.
- Giấy phép của Bộ Thương mại (nếu
khi nhập khẩu có giấy phép của Bộ Thương mại).
b) Thủ tục hải quan tái xuất:
- Thủ tục hải quan tái xuất thực
hiện như quy định đối với lô hàng tái xuất khẩu.
- Chi cục Hải quan quản lý cửa
hàng làm thủ tục tái xuất.
2. Hàng chuyển váo bán nội địa:
Khi muốn chuyển hàng nhập khẩu
bán tại cửa hàng vào tiêu thụ nội địa, cửa hàng phải nộp;
a) Văn bản đề nghị.
b) Giấy phép của Bộ Thương mại
(đối với hàng nhập khẩu có điều kiện).
Thủ tục hải quan để chuyển hàng
vào tiêu thụ nội địa được thực hiện như quy định đối với hàng kinh doanh nhập
khẩu.