ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1490/QĐ-UBND
|
Kiên Giang, ngày 20 tháng 6 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN
CÁC NGÀNH NGHỀ TRUYỀN THỐNG GẮN VỚI DU LỊCH TỈNH KIÊN GIANG GIAI ĐOẠN 2021 -
2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19
tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ
và Luật Tổ chức chính
quyền địa
phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm
2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch
trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
Căn cứ Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2017 của
Chính phủ ban hành Chương trình Hành động
của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
Căn cứ Quyết định số 1685/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm
2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng
yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn;
Căn cứ Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm
2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm
2030;
Căn cứ Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Tỉnh ủy
Kiên Giang về phát triển du lịch của tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần
XI, nhiệm kỳ 2020-2025;
Căn cứ Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 07 tháng 5 năm 2021 của UBND tỉnh Kiên
Giang về thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực
hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh,
nhiệm kỳ 2020-2025;
Căn cứ Quyết định số 2133/QĐ-UBND ngày 02 tháng 9 năm 2021
của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang về việc phê duyệt Đề cương Đề án “Phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với du lịch tỉnh Kiên Giang
giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Du lịch tại Tờ trình số
31/TTr-SDL ngày 02 tháng 6 năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển các ngành nghề truyền thống
gắn với du lịch tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” (đính
kèm Đề án) với những nội dung chủ yếu sau:
1. Tên đề án: Phát triển các ngành nghề truyền thống
gắn với du lịch tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
2. Quan điểm
a) Đảm bảo các nguyên tắc về xây dựng các đề án phát
triển du lịch được quy định trong Luật Du lịch;
b) Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế
- xã hội tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
c) Phát huy lợi thế về vị trí, tài nguyên, các sản phẩm
đặc thù của các ngành nghề truyền thống và các điều kiện khác của tỉnh Kiên
Giang trong phát triển du lịch.
3. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
Nghiên cứu và đề xuất giải pháp phát triển các sản phẩm
ngành nghề truyền thống có thế mạnh
trong tỉnh nhằm phục vụ phát triển du lịch và định hướng phát triển bền vững
ngành nghề truyền thống ở Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030.
b) Mục tiêu cụ thể
- Khảo sát, đánh giá thực trạng các sản phẩm ngành
nghề truyền thống đang được khai thác để phục vụ du lịch ở tỉnh Kiên Giang;
- Khảo sát, đánh giá các sản phẩm tiềm năng có thể
khai thác để phát triển thành sản phẩm du lịch ở tỉnh Kiên Giang;
- Đề xuất giải pháp nâng cấp các sản phẩm ngành nghề
truyền thống đang và sẽ khai thác trong du lịch để trở thành sản phẩm phục vụ
cho du lịch và định hướng phát triển bền vững ngành nghề truyền thống ở tỉnh
Kiên Giang.
c) Chỉ tiêu phấn đấu
Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 08 làng nghề truyền
thống được đưa vào khai thác du lịch, bao gồm: Nghề sản xuất nước mắm (Phú Quốc,
Kiên Hải); Nghề nuối cấy trai ngọc (Phú Quốc); Nghề sản xuất rượu sim (Phú Quốc);
Nghề truyền thống đan cỏ bàng (Giang Thành); Nghề trồng tiêu (Phú Quốc); Nghề
làm khô (Kiên Hải, Phú Quốc, Hà Tiên); Nghề đan lục bình (Gò Quao) và Nghề nuôi
cá bè, làng chài (Kiên Hải, Phú Quốc).
Định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh có 22 làng nghề
truyền thống được đưa vào khai thác du lịch.
4. Lộ trình thực hiện Đề án
Đề án được phân thành 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 2022 - 2025: Thích ứng với bối cảnh hậu
Covid-19
+ Lấy Phú Quốc - Hà Tiên làm trung tâm phát triển du
lịch làng nghề;
+ Hoàn thiện các tiêu chí chọn lựa sản phẩm nghề truyền
thống phục vụ du lịch;
+ Xây dựng kế hoạch mở cửa các làng nghề du lịch cho
khách tham quan một cách an toàn, bên cạnh việc thử nghiệm các chương trình du
lịch mới;
+ Đầu tư cải tiến các sản phẩm sẵn có;
+ Bồi dưỡng nhân lực du lịch (gồm đội ngũ hướng dẫn
viên và đội ngũ nghệ nhân trong làng nghề);
+ Xây dựng kế hoạch quảng bá và hỗ trợ các làng nghề
có tiềm năng cao trong việc quảng bá du lịch;
+ Kiểm tra, đánh giá lại tác động môi trường của sản
xuất làng nghề.
- Giai đoạn 2026 - 2030: Hình thành và ổn định hệ thống
làng nghề/ sản phẩm nghề truyền thống phục vụ
du lịch tỉnh Kiên Giang
+ Xây dựng bản đồ làng nghề theo mức độ tiềm năng
phát triển du lịch;
+ Tạo các sản phẩm nghề truyền thông có thương hiệu
và đáp ứng tốt thị hiếu
của các thị trường
khách khác nhau;
+ Đúc kết kinh nghiệm phát triển du lịch làng nghề tại
Phú Quốc và Hà Tiên trong giai đoạn trước;
+ Tập trung quảng bá và phát triển các chương trình
du lịch làng nghề gắn với du lịch sinh thái;
+ Xây dựng kế hoạch phối hợp giữa các sở, ban, ngành
về bảo tồn làng nghề/nghề truyền thống cho các giai đoạn tiếp theo.
5. Các nhóm giải pháp
a) Phát triển du lịch gắn với bảo tồn làng nghề, nghề
truyền thống và nghề nông thôn có tiềm năng du lịch cao trên quan điểm xem làng
nghề/nghề truyền thống là tài nguyên du lịch để xây dựng và phát triển các sản
phẩm du lịch làng nghề.
b) Đào tạo và củng cố đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch
làng nghề/nghề truyền thống; hỗ trợ các nghệ nhân gắn bó với nghề và đẩy mạnh
hoạt động truyền dạy nghề; liên kết với các cơ sở đào tạo của tỉnh để quảng bá,
chiêu sinh, mời các nghệ nhân làng nghề/ nghề truyền thống đến giảng dạy, hướng
dẫn; bồi dưỡng ngoại ngữ, đào tạo nghiệp vụ du lịch, hướng dẫn người dân tại
làng nghề/nghề truyền thống về tổ chức, kinh doanh du lịch, văn hóa du lịch, du
lịch cộng đồng và trở thành hướng dẫn viên tại điểm.
c) Hoàn thiện, cải tiến chất lượng các điểm du lịch
làng nghề/nghề truyền thống đã có hoạt động du lịch trước đây để quảng bá cho
du lịch làng nghề của tỉnh, đồng thời làm cơ sở cho việc đúc kết kinh nghiệm, xây dựng các chính sách, quy định,
hướng dẫn cụ thể cho du lịch làng nghề.
d) Xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm du lịch tham
quan làng nghề, nhằm tăng hiệu quả của sản xuất nghề truyền thống và hoạt động
du lịch.
đ) Xây dựng
thương hiệu chung cho các sản phẩm nghề truyền thống, thiết kế thành các mặt
hàng lưu niệm mang dấu ấn của địa phương nhưng thuận tiện hơn cho du khách
trong quá trình vận chuyển. Ứng
dụng công nghệ thông tin trong quảng bá và phát triển các sản phẩm du lịch mới
từ các làng nghề/nghề truyền thống.
e) Bảo vệ môi trường du lịch, hạn chế tối đa các tác
động đến môi trường trong quá trình sản xuất. Ngoài việc tạo một không gian
thích hợp cho việc tổ chức hoạt động tham quan, trải nghiệm, việc bảo vệ môi
trường du lịch còn góp phần đưa làng nghề phát triển theo định hướng bền vững:
bảo tồn văn hóa địa phương, góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển
kinh tế, đồng thời hạn chế tối đa tác động của hoạt động sản xuất cũng như hoạt
động du lịch đến môi trường.
g) Liên kết phát triển du lịch, kết nối tour, tuyến đến
các làng nghề, điểm sản xuất nghề truyền thống chưa có hoặc còn ít khách du lịch
đến tham quan.
h) Xác định thị trường khách mục tiêu, đánh giá các
xu hướng thay đổi trong nhu cầu của du khách. Xác định
địa bàn trọng điểm cho đầu tư phát triển du lịch làng nghề.
6. Kinh phí thực hiện
Tổng kinh phí: 38.350.000.000 đồng (Ba mươi
tám tỷ, ba trăm năm mươi triệu đồng chẵn).
Trong đó:
a) Kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) cấp:
32.300.000.000 đồng;
b) Kinh phí thu hút từ các nguồn xã hội hóa:
6.050.000.000 đồng.
Khái toán kinh phí triển khai thực hiện Đề án (chi
tiết đính kèm tại Phụ lục của Quyết định và Phụ lục 5 của Đề
án).
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Du lịch: Là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành, địa phương, đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện các nội
dung của Đề án. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh
ban hành quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, ưu đãi đầu tư đảm bảo tiết
kiệm, hiệu quả, phù hợp với Đề án này và quy định hiện hành. Hỗ trợ quảng bá, kết
nối làng nghề với các doanh nghiệp du lịch và du khách.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với Sở Du lịch và
các sở, ngành liên quan, tham mưu cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển
du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; lồng ghép các nội dung phát
triển du lịch với chương trình phát triển nông thôn mới, phát triển ngành nghề
nông thôn; tăng cường xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp sạch gắn với
phát triển du lịch nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi và hướng dẫn các nhà đầu
tư về thủ tục, hồ sơ thuộc ngành quản lý.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính,
Sở Du lịch cân đối bố trí ngân sách, lồng
ghép các nguồn vốn để thực hiện Đề án theo phân kỳ hàng năm đạt hiệu quả; phối
hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư,
ưu đãi thu hút đầu tư phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với du lịch đã
được xác định trong Đề án.
5. Sở Tài chính: Sở Tài chính phối hợp với Sở Du lịch
tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí kinh phí sự nghiệp theo quy định của Luật
Ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan trong khả năng ngân sách hàng
năm
6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Xây dựng kế hoạch đào tạo
nghề cho lao động nông thôn, lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp và
khu du lịch; lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; lao động
trong các ngành, nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh; tư vấn, giới thiệu việc
làm cho người học hoàn tất chương trình đào tạo các ngành, nghề truyền thống gắn
với du lịch.
7. Sở Công Thương: Hỗ trợ các cơ sở nghề truyền thống
giới thiệu sản phẩm, đa dạng hóa các kênh bán hàng, tìm đầu ra giúp người làm
nghề sản xuất và có thu nhập ổn định; hướng dẫn, hỗ trợ các nghệ nhân xây dựng
thương hiệu, đăng ký thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý...; hỗ trợ việc cải tiến
các quy trình sản xuất tiện lợi hơn, hạn chế tối đa các ảnh hưởng đến môi trường,
tìm các nguồn nguyên liệu thay thế...
8. Sở Văn hóa và Thể thao: Sưu tầm, tập hợp các tư liệu về
làng nghề và nghề truyền thống của tỉnh, biên tập thành các tài liệu đầy đủ,
chính xác về làng nghề, có thể sử dụng trong công tác thuyết minh, giới thiệu cho du khách. Bên
cạnh đó nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể gắn với
ngành nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Kiên Giang thông qua các biện pháp
như thống kê, sưu tầm, quảng bá, truyền dạy, có hình thức phù hợp để tôn vinh
các nghệ nhân....
9. Sở Tài nguyên và Môi trường: Có kế hoạch giám sát định kỳ
các vấn đề môi trường tại điểm sản xuất nghề. Hỗ trợ các hộ làm nghề có những cải
tiến trong quy trình sản xuất và tổ chức không gian làng nghề để đảm bảo điều
kiện vệ sinh môi trường; hỗ trợ, tư vấn việc thu gom, xử lý rác, nước thải cho
các làng nghề có quy mô sản xuất lớn. Theo dõi, đánh giá việc khai thác các nguồn
tài nguyên tự nhiên để làm nguyên liệu sản xuất nghề truyền thống; đánh giá định
kỳ và có các hình thức biểu dương các hộ có biện pháp tốt bảo vệ môi trường hoặc
bảo vệ, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên. Đề xuất các tiêu chí “sản phẩm
xanh” cho các sản phẩm truyền thống.
10. Sở Khoa học và Công nghệ: Hỗ trợ về khoa học, công nghệ cho
việc phát triển làng nghề và nghề; cấp giấy chứng nhận cho nghề và làng nghề.
11. Hiệp hội Du lịch: Phối hợp với Sở Du lịch xây dựng kế
hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các ngành nghề truyền thống. Hỗ trợ
xây dựng liên kết các ngành nghề - doanh nghiệp - chính quyền. Hỗ trợ nghiên cứu
về các thị trường khách, đóng góp cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch làng nghề phù hợp với
các đối tượng khách khác nhau.
Điều 3. Điều khoản thi hành
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc (Thủ
trưởng) các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- Như
Điều 3 của QĐ;
- TT. Tỉnh ủy; TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT. UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- Sở Du lịch (05b);
- UBND các huyện, thành phố;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Phòng: KGVX, KT, TH;
- Lưu: VT, lttram (01b).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Lưu Trung
|