BỘ
CÔNG THƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1457/QĐ-BCT
|
Hà Nội,
ngày 03 tháng 6 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG NHẰM KHÔI PHỤC VÀ
THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, THƯƠNG MẠI TRONG GIAI ĐOẠN MỚI PHÒNG, CHỐNG DỊCH
COVID-19
BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP
ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và
cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày
29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ
khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm
trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19;
Căn cứ Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày
24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp
phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động
của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương
mại trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Chủ tịch Hội đồng
thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Tổng công ty, doanh
nghiệp thuộc Bộ, Giám đốc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều
3;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (b/c);
- BCĐQG phòng chống dịch;
- VPCP;
- Lãnh đạo Bộ;
- Website Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, KH (HienMT).
|
BỘ TRƯỞNG
Trần Tuấn Anh
|
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG
NHẰM KHÔI PHỤC VÀ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, THƯƠNG MẠI TRONG
GIAI ĐOẠN MỚI PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1457/QĐ-BCT ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Bộ
trưởng Bộ Công Thương)
A. BỐI CẢNH VÀ
TÌNH HÌNH
Dịch bệnh Covid-19 và những diễn biến
phức tạp trong tình hình chính trị - kinh tế thế giới, đặc biệt là xung đột gay
gắt giữa các nền kinh tế lớn đang tạo ra những thay đổi lớn trong trật tự
thương mại và đầu tư trên thế giới, làm thay đổi vai trò của nhiều quốc gia
trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Kinh tế toàn cầu được đánh giá là đã
bước vào giai đoạn suy thoái, diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế - thương mại
- đầu tư... Đặc biệt là sự đứt gãy các chuỗi cung ứng lớn, dẫn tới quá trình
tái cấu trúc lại hệ thống sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, tạo nên những
thay đổi căn bản trong cấu trúc của nền kinh tế thế giới.
Các xung đột vốn đã nghiêm trọng giữa
một số nền kinh tế lớn ngay từ trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 (như xung đột
thương mại Mỹ - Trung, đối đầu thương mại Mỹ - EU...), thì nay với tác động của
dịch Covid-19, càng trở nên gay gắt hơn. Ngoài ra, dịch bệnh lần này cũng có thể
là đòn giáng tiếp theo vào quá trình toàn cầu hóa vốn đang bị đe dọa bởi chủ
nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc bản địa thời gian qua đang có xu thế trỗi dậy
ở một số quốc gia, khu vực; Xu thế quay trở lại chính quốc gia của các doanh
nghiệp bắt nguồn từ chủ trương của chính quyền Tổng thống D.Trump ngày càng trở
nên rõ nét hơn, và không chỉ ở Mỹ, đã trở thành xu thế của nhiều quốc gia trên
thế giới.
Đối với Việt Nam, mặc dù khó khăn
thách thức trước mắt là rất lớn, song Việt Nam cũng có những yếu tố thuận lợi
và cơ hội tốt đê có thể bứt lên phát triển trong thời gian tới. Đó là: Việt Nam
tới nay đã cơ bản vượt qua dịch bệnh trước các nước. Thêm vào đó, uy tín, sự
tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, các đối tác, nhà đầu tư nước
ngoài đối với Việt Nam tăng lên... Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng để Việt
Nam có thể tận dụng được cơ hội, nhanh chóng tổ chức, khôi phục lại sản xuất
kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam chịu tác
động không nhỏ từ dịch Covid-19 trong trong những tháng đầu năm, song về cơ bản,
những nền tảng vĩ mô quan trọng để phục vụ cho tăng trưởng và phát triển được
giữ vững. Các yếu tố về tỷ giá, lãi suất, lạm phát được giữ ổn định và đang được
điều hành chặt chẽ, linh hoạt; nền tảng về thị trường (kể cả thị trường ngoài
nước và thị trường trong nước) được giữ vững và có nhiều điều kiện thuận lợi để
khai thác, mở rộng trong thời gian tới. Quá trình bội nhập của Việt Nam tiếp tục
diễn ra tích cực, đặc biệt là Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam với Liên minh châu
Âu dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV và đưa vào thực
thi sẽ tạo những động lực mới cho tăng trưởng của kinh tế đất nước.
B. MỤC TIÊU VÀ
YÊU CẦU
I. Mục tiêu:
1. Tiếp tục phòng, chống hiệu quả dịch
bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virút Corona (Covid-19) trong các
cơ quan, đơn vị thuộc ngành Công Thương trong giai đoạn mới.
2. Nhanh chóng khôi phục và thúc đẩy
phát triển các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mỗi. Bảo
đảm thực hiện ở mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng của năm 2020 và tạo nền tảng
tốt cho tăng trưởng ở những năm tiếp theo.
3. Tập trung quyết liệt và đẩy nhanh
quá trình tái cơ cấu các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư... trong phạm vi
quản lý của Bộ Công Thương để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với những bối cảnh
mới của đất nước, khu vực và toàn cầu, đóng góp cho việc bảo đảm thực hiện các
chỉ tiêu, mục tiêu tăng trưởng năm 2020 và xu thế phát triển bền vững của đất
nước giai đoạn 2021 - 2030.
II. Yêu cầu:
1. Các Đơn vị thuộc Bộ theo chức
năng, nhiệm vụ được giao bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để
triển khai thực hiện nhằm phòng, chống hiệu quả dịch bệnh và khôi phục, thúc đẩy
hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19.
2. Theo dõi sát diễn biến tình hình dịch
Covid-19 trong nước và trên thế giới, bám sát các chỉ đạo của Bộ để chủ động có
phương án, giải pháp xử lý kịp thời; phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành
đồng bộ các biện pháp, giải pháp, kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ để chỉ đạo xử lý
và đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chủ trương điều hành, xử lý
các vấn đề phát sinh từ diễn biến của tình hình thế giới và trong nước, nhanh
chóng phục hồi và thúc đẩy các hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trong
năm 2020 và những năm tiếp theo.
C. NỘI DUNG
I. Chỉ đạo, hướng
dẫn các đơn vị trong toàn ngành thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho các
cơ sở sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19
Bám sát nội dung các hướng dẫn phòng
chống Covid-19 của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh
Covid-19 để chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai triệt để trong toàn ngành, bảo
đảm an toàn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn mới phòng, chống
dịch Covid-19; rà soát, tiếp tục có hướng dẫn cụ thể cho một số ngành, lĩnh vực
nếu xét thấy có yêu cầu đặc thù để vừa đảm bảo khôi phục sản xuất kinh doanh, vừa
đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bảo đảm điều kiện
làm việc của người lao động.
II. Rà soát, điều
chỉnh, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật trong các lĩnh vực quản lý của
Bộ Công Thương, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện Chính phủ
điện tử nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động
đầu tư, sản xuất, kinh doanh
2.1. Các Đơn vị thuộc Bộ theo chức
năng nhiệm vụ và phạm vi quản lý được giao, tiến hành rà soát để tiếp tục cắt
giảm các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi hơn
nữa cho doanh nghiệp phát triển.
2.2. Tiến hành rà soát tổng thể thủ tục
hành chính của Bộ Công Thương và xây dựng Phương án đơn giản hóa thủ tục hành
chính năm 2020 để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân khi thực
hiện thủ tục hành chính của Bộ Công Thương.
2.3. Tăng cường phối hợp, thúc đẩy việc
triển khai dịch vụ công trực tuyến và chính phủ điện tử, đẩy mạnh liên kết, phối
hợp với chính phủ, các cơ quan ngang Bộ, địa phương Cụ thể hóa các yêu cầu, nhiệm
vụ cho giai đoạn mới của dịch bệnh Covid-19 để tăng cường hiệu quả và ý nghĩa thiết
thực cho doanh nghiệp, người dân, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
2.4. Nâng cấp Cổng dịch vụ công của Bộ
để bảo đảm kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin với Cổng dịch vụ công quốc gia;
nâng cấp, hoàn thiện các dịch vụ công trước khi đưa lên Cổng dịch vụ công quốc
gia và đẩy mạnh thanh toán điện tử.
2.5. Rà soát, cắt giảm tối thiểu 70%
kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của Bộ (trừ kinh phí thực
hiện Năm Chủ tịch ASEAN) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của
năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết.
III. Tái cơ cấu thị
trường xuất nhập khẩu, khai thác tốt thị trường ngoài nước trong tình hình mới
3.1. Rà soát, cập nhật để hoàn thiện
và trình ban hành Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2021 - 2030, trong
đó xác định lại vị trí, vai trò của các thị trường xuất nhập khẩu trong xu hướng
chuyển dịch mới gắn với từng mặt hàng, từng thị trường.
3.2. Tiếp tục rà soát, tính toán lại
kịch bản tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu năm 2020; Xây dựng kịch bản khai
thác, phát triển thị trường theo các nhóm ngành hàng mà ta có lợi thế, đặc biệt
là sang thị trường EU và các thị trường mà Việt Nam đã có FTA.
3.3. Nghiên cứu, nắm bắt thông tin về
các xu thế sản xuất, tiêu dùng, thương mại, dịch chuyển đầu tư mới xuất hiện do
ảnh hưởng của dịch Covid 19 tại các nước nhập khẩu cũng như đối thủ cạnh tranh,
đề ra các giải pháp khai thác hiệu quả các thị trường xuất nhập khẩu.
3.4. Rà soát nội dung cụ thể trong cơ
chế hợp tác thông qua các Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban Hỗn hợp, Ủy ban thực
thi FTA để khẩn trương triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, giải quyết
những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ thương mại với các thị trường nước
ngoài trong năm 2020 và các năm tiếp theo, trong đó có thể sử dụng hình thức tổ
chức trực tuyến phù hợp với tình hình dịch bệnh.
3.5. Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ
quan, đơn vị liên quan trao đổi, đàm phán ký kết các văn kiện nhằm xây dựng và
hoàn thiện hành lang pháp lý cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nâng cao hiệu
quả hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước.
3.6. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương thực hiện tốt việc tổ chức lại
khâu sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng
hóa xuất khẩu để duy trì và phát triển bền vững thị trường.
3.7. Tổ chức hoạt động kết nối cung cầu,
kết nối giữa vùng sản xuất nông sản, thủy sản tập trung với địa phương có cửa
khẩu xuất khẩu nhằm đẩy mạnh và mở rộng thị trường tiêu thụ ngoài nước.
3.8. Tiếp tục tập trung thực hiện tốt
công tác mở cửa thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng Việt Nam và
các thị trường có nhu cầu.
3.9. Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và
các Bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn địa phương trong việc thông quan hàng hóa
qua các cửa khẩu phụ trên toàn tuyển biên giới Việt Nam - Trung Quốc khi đã đáp
ứng đủ quy định tại Nghị định số 112/2014/NĐ-CP và bảo đảm tối đa công tác
phòng chống dịch bệnh.
3.10. Theo dõi sát nhu cầu nhập khẩu
nông sản của thị trường thế giới để kịp thời tận dụng cơ hội từ các thị trường
này. Phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương liên quan và Hiệp hội
Lương thực Việt Nam bảo đảm sản lượng gạo dự trữ, tiêu dùng trong nước, xuất khẩu
ở mức hợp lý; bình ổn giá lúa gạo nội địa, bảo đảm an ninh lương thực.
3.11. Triển khai các hoạt động hợp
tác kết nối chuỗi cung ứng và đa dạng hóa đối tác với các nước nhằm củng cố chuỗi
cung ứng cho sản xuất của Việt Nam, tránh phụ thuộc lớn vào một vài đầu mối
cung ứng.
3.12. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ
đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối bán lẻ, các kênh thương mại điện tử tại
thị trường nước ngoài; phối hợp tổ chức các chương trình tuần hàng Việt Nam ở
nước ngoài nhằm quảng bá thương hiệu “Made in Vietnam” (trước mắt tại các thị
trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Nam Á, v.v...).
3.13. Rà soát để điều chỉnh, bổ sung
Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia để triển khai thực hiện trong bối cảnh
mới.
3.14. Triển khai các hình thức xúc tiến
thương mại, đặc biệt là các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ
trực tuyến để duy trì thị trường, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt
Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường có khả năng phục hồi
sớm như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản; từng bước mở rộng sang các thị
trường khác theo diễn biến của tình hình dịch bệnh.
3.15. Xây dựng nội dung hướng dẫn cụ
thể cho doanh nghiệp về các loại chứng nhận cần thiết cho sản phẩm hàng hóa xuất
khẩu của Việt Nam sang các khu vực thị trường để khai thác tốt các cơ hội thị
trường, đặc biệt là từ các thị trường như EU, Hoa Kỳ...
3.16. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống
văn bản pháp luật về phòng vệ thương mại, gồm cả văn bản thực thi các cam kết về
phòng vệ thương mại trong các Hiệp định FTA đã ký kết; triển khai các biện pháp
phòng vệ thương mại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trong
nước, tận dụng tốt các quy định quốc tế về chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ,
đăng ký bản quyền, thương hiệu để bảo vệ doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam.
3.17. Phối hợp với Bộ Tài chính triển
khai khẩn trương việc xây dựng và trình Chính phủ Nghị định về Biểu thuế xuất
khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực thi Hiệp định EVFTA theo
trình tự thủ tục rút gọn để kịp thời ban hành ngay khi Hiệp định có hiệu lực; xử
lý để thống nhất mã số HS hàng hóa xuất nhập khẩu (danh mục hàng hóa, mã hồ sơ)
phù hợp với các nước khác, nhất là khối EU để giảm bớt khó khăn khi áp mã thuế,
bảo đảm kiểm soát được việc kê khai thống nhất.
IV. Thúc đẩy phát
triển thị trường trong nước và thương mại điện tử trong tình hình mới
4.1. Thúc đẩy phát triển thị
trường trong nước
4.1.1. Rà soát, cập nhật để hoàn thiện
và trình ban hành Đề án Chiến lược phát triển thương mại nội địa giai đoạn đến
năm 2025, trong đó xác định các trọng tâm chiến lược để tập trung thu hút đầu
tư, củng cố hệ thống hạ tầng thương mại, đổi mới phương thức kinh doanh ở thị
trường trong nước.
4.1.2. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong việc
cân đối cung cầu một số mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá cả thị trường trong nước
và phục vụ xuất khẩu.
4.1.3. Theo dõi sát diễn biến của giá
dầu thế giới do tác động của dịch bệnh để tham mưu điều hành giá mặt hàng xăng
dầu phù hợp với kịch bản điều hành giá của Chính phủ.
4.1.4. Tổ chức kiểm soát giá bán của
chuỗi cung ứng lợn thịt và thịt lợn trên thị trường. Tăng cường kết nối giữa
các khâu trong hệ thống phân phối mặt hàng thịt lợn để giảm bớt các chi phí
trung gian không cần thiết.
4.1.5. Rà soát, lồng ghép ngay các hoạt
động hỗ trợ phát triển hàng hóa, sản phẩm vào các chương trình, hoạt động được
giao triển khai thực hiện như Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng
sâu, vùng xa và hải đảo, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP).
4.1.6. Phối hợp với các cơ quan, đơn
vị có liên quan để kết nối hàng hóa, sản phẩm vào các hệ thống phân phối hàng
hóa bán buôn, bán lẻ trên toàn quốc. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tuyên
truyền, kết nối tiêu thụ hàng Việt Nam tại thị trường trong nước nhằm hỗ trợ
người tiêu dùng Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam sau dịch Covid 19 thông qua
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" phù hợp với
chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo chống dịch Covid -19
Trung ương và địa phương.
4.1.7. Khẩn trương hoàn thiện nội
dung Đề án "Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản" để trình
Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành và tổ chức triển khai thực hiện.
4.1.8. Đề xuất cơ chế, chính sách để
thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thương mại, đặc biệt là các chợ đầu
mối, trung tâm logistics ở các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn và hệ thống
hạ tầng thương mại cho khu vực nông thôn.
4.1.9. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ
sung một số quy định về kinh doanh khí nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và tạo
điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời
thiết lập môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo lập thị trường kinh doanh phát
triển và bền vững.
4.1.10. Khẩn trương hoàn thiện và
trình ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/NĐ-CP về quản lý kinh
doanh xăng dầu.
4.1.11. Phát động các chương trình
kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh
nghiệp sản xuất kinh doanh.
4.2. Phát triển thương mại điện
tử và hệ sinh thái kinh tế số hỗ trợ hoạt động kinh doanh trên nền tảng công
nghệ số
4.2.1. Xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ
chức triển khai ngay Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia
giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
4.2.2. Rà soát, hoàn thiện hành lang
pháp lý, quy định pháp luật về thương mại điện tử để bao quát được những mô
hình hoạt động mới phát sinh; phát triển hệ thống quản lý, giám sát thực thi
thương mại điện tử hiện đại, hiệu quả, phù hợp với xu hướng phát triển của công
nghệ số trong lĩnh vực thương mại điện tử.
4.2.3. Khẩn trương xây dựng Nghị định
sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện
tử, trong đó lưu ý các chế tài đối với các hành vi gian lận thương mại trên môi
trường internet.
4.2.4. Rà soát, xây dựng để hoàn thiện
các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển thương mại điện tử theo hướng tạo điều
kiện, khuyến khích các hoạt động ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số.
4.2.5. Chủ trì hoặc phối hợp với các
Bộ ngành đẩy mạnh phát triển các hạ tầng cho thương mại điện tử bao gồm hạ tầng
thanh toán điện tử trên nền tảng giao dịch đảm bảo; hạ tầng chứng từ, hợp đồng
điện tử trong thương mại; hạ tầng chuyển phát hiện đại; các giải pháp xác thực
thông tin giao dịch trực tuyến hỗ trợ giải quyết tranh chấp trên nền tảng
Internet và viễn thông; hạ tầng thẻ thông minh tích hợp đa dịch vụ; hạ tầng thiết
bị tại điểm bán (POS) dùng chung đa dịch vụ.
4.2.6. Tập trung nghiên cứu, xây dựng
và phát triển các giải pháp, mô hình mới ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số để
phát triển nền tảng cho các hoạt động của nền kinh tế số.
4.2.7. Tăng cường ứng dụng thương mại
điện tử hỗ trợ hoạt động sản xuất trong nước để mở rộng mạng lưới phân phối
trong nước và xuất khẩu. Thúc đẩy các mô hình dịch vụ, ứng dụng thương mại điện
tử xuyên biên giới, phù hợp với các yêu cầu thực tiễn và các cam kết hội nhập.
4.2.8. Tăng cường; hoạt động hợp tác
quốc tế về thương mại điện tử, phát huy vai trò Việt Nam là chủ tịch ASEAN
2020, đẩy mạnh các đề xuất, kiến nghị, thúc đẩy các mô hình ứng dụng công nghệ
mới trong khu vực nhằm hỗ trợ giao thương và phát triển thương mại điện tử
xuyên biên giới.
V. Cập nhật, điều
chỉnh nội dung và đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành công nghiệp, tận dụng cơ
hội thu hút đầu tư, xử lý tốt vấn đề M&A trong các lĩnh vực trọng yếu
5.1. Rà soát, cập nhật tình hình và
xây dựng Đề án tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại giai đoạn 2021
- 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt và tổ chức triển khai thực
hiện.
5.2. Cập nhật, đánh giá lại tình hình
tác động của dịch Covid-19 để điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ trong khuôn khổ
Đề án tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp theo Quyết định số 598/QĐ-TTg của
Thủ tướng Chính phủ để triển khai ngay trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
5.3. Khẩn trương tổ chức triển khai
có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ và của Bộ Công Thương để thực
hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách
phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
5.4. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính
phủ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ
thực hiện Nghị quyết số 55- NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/02/2020 về định hướng
chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 để tổ
chức triển khai thực hiện.
5.5. Hoàn thành Quy hoạch phát triển
điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 (Quy hoạch điện VIII) để báo cáo Chính phủ
trong quý IV năm 2020.
5.6. Đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ
sản xuất và sinh hoạt; bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng quốc gia và phục vụ
nhu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới. Hoàn thiện các cơ chế
chính sách trong lĩnh vực điện lực và năng lượng tái tạo, tạo điều kiện thuận lợi
cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án điện, qua đó góp
phần đảm bảo an ninh năng lượng và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội
của đất nước.
5.7. Xây dựng phương án cụ thể nhằm đảm
bảo cung cấp đủ than, khí cho sản xuất điện.
5.8. Thực hiện kiểm tra, giám sát các
đơn vị điện lực thực hiện đúng hướng dẫn về giảm giá điện, giảm tiền diện tại
Công văn số 2698/BCT-ĐTĐL ngày 16 tháng 4 năm 2020 của Bộ Công Thương; Chỉ đạo
các đơn vị chủ động giải quyết nhanh chóng, kịp thời tất cả các thắc mắc, khiếu
nại của khách hàng về chỉ số công tơ, hóa đơn tiền điện theo quy định, đảm bảo
minh bạch, công khai và không để xảy ra phát sinh bất kỳ thủ tục phiền toái nào
cho người dân và doanh nghiệp.
5.9. Hoàn thành Thông tư sửa đổi bổ
sung một số điều của Thông tư số 44/2015/TT-BCT ngày 09 tháng 12 năm 2015 của Bộ
trưởng Bộ Công Thương về phát triển dự án, Biểu giá chi phí tránh được và Hợp đồng
mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện sinh khối; Hoàn thành Thông tư về
phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.
5.10. Khẩn trương báo cáo Thủ tướng
Chính phủ xem xét, ban hành cơ chế Direct PPA (Hợp đồng mua bán điện trực tiếp
giữa nhà sản xuất và hộ tiêu thụ) với các dự án điện mặt trời.
5.11. Khôi phục và triển khai các hoạt
động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện lực và năng lượng tái tạo, đặc biệt là
nhóm các hoạt động phục vụ Hội nghị Quan chức cấp cao năng lượng ASEAN lần thứ
38, Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 38; Đối thoại an ninh năng lượng
Việt Nam - Hoa Kỳ...
5.12. Đẩy mạnh triển khai Chương
trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 -
2030. Xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành Chương trình hành động của Bộ Công
Thương triển khai Chỉ thị số 20/CT- TTg ngày 07 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng
Chính phủ về Tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025.
5.13. Tiếp tục rà soát, đề xuất các
giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các
doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp
bị ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19.
5.14. Khẩn trương xây dựng Dự thảo Chỉ
thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư
xây dựng các dự án năng lượng.
5.15. Xây dựng Báo cáo đánh giá tác động,
xu hướng chuyển dịch đầu tư và đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm thu hút có hiệu
quả luồng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời xử lý tốt vấn đề M&A
trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
5.16. Rà soát, xây dựng và triển khai
Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công
nghiệp chế tạo đến năm 2030.
5.17. Đề xuất các biện pháp nhằm đa dạng
hóa nguồn cung và thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng phương án, kịch bản để
chủ động, sẵn sàng ứng phó kịp thời với tình huống tương tự có thể xảy ra trong
tương lai để ổn định sản xuất, đặc biệt các ngành sử dụng nguồn nguyên liệu nhập
khẩu, sử dụng nhiều lao động như: dệt may, da dày, điện tử...
5.18. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế
hoạch hành động nhằm tăng cường áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, phương thức
quản lý sản xuất hiện đại vào sản xuất công nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu
của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; ứng
dụng vận hành nhà máy thông minh trong doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; tăng
cường ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ trực tuyến trong chỉ đạo điều hành
hoạt động sản xuất, kinh doanh.
5.19. Tổ chức triển khai thực hiện kịp
thời, có hiệu quả Chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Nghiên cứu, đề xuất chính sách, biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi
và tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ; Xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện
chuỗi giá trị các sản phẩm của các ngành công nghiệp trong nước nhằm nâng cao
giá trị gia tăng và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
5.20. Xây dựng, trình Chính phủ ban
hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP
ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ và xây
dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định này.
5.21. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu
tư và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Đề án về các giải pháp phát triển công
nghiệp hỗ trợ để đón đầu và tận dụng cơ hội từ làn sóng đầu tư sau đại dịch
Covid-19, phát triển hệ sinh thái đối với ngày sản xuất ô tô để báo cáo Thủ tướng
Chính phủ.
5.22. Phối hợp với Bộ Lao động,
Thương Binh và Xã hội và các Bộ ngành, địa phương, cơ quan liên quan rà soát,
thực hiện tốt việc cho phép các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp) nhà đầu
tư, lao động kỹ thuật cao là người nước ngoài làm việc trong các dự án đầu tư,
kinh doanh tại Việt Nam được nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì hoạt động sản xuất
kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
5.23. Phối hợp với Bộ tài chính xử lý
tốt các vấn đề về thuế, phí đối với đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước
theo chủ trương chung của Chính phủ.
5.24. Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế
hoạch và Đầu tư và các Bộ ngành, địa phương để thực hiện có hiệu quả các biện
pháp nhằm kiểm soát tốt hiện tượng chuyển giá, gian lận trong thương mại và đầu
tư quốc tế.
5.25. Đánh giá các vấn đề phát sinh đối
với ngành công nghiệp khai khoáng, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp
doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
5.26. Xây dựng và tổ chức triển khai
thực hiện Chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp
giai đoạn 2021 - 2025.
5.27. Hoàn thiện các văn bản quy phạm
pháp luật về quản lý hóa chất, về an toàn, bảo vệ môi trường công nghiệp.
VI. Nâng cao hiệu
quả công tác hội nhập quốc tế về kinh tế
6.1. Tích cực trao đổi cùng Ban thư
ký ASEAN, Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, Bộ Ngoại giao và và các đơn vị liên quan
để đưa ra phương án tổ chức và xây dựng nội dung thảo luận đối với Hội nghị Bộ
trưởng Kinh tế ASEAN đặc biệt và Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN +3 đặc biệt về
ứng phó dịch Covid-19, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển
khai.
6.2. Thúc đẩy việc thực hiện các
Tuyên bố chung về phục hồi kinh tế để ứng phó với tác động của dịch Covid-19
trong khuôn khổ hợp tác với các tổ chức WTO, ASEAN, APEC, G20 và các tổ chức đa
phương khác mà ta là thành viên. Cụ thể, trên tinh thần các Tuyên bố ta đã tham
gia, tích cực thảo luận và đóng góp ý kiến đối với các chương trình hỗ trợ, kế
hoạch hành động nhằm phục hồi kinh tế để ứng phó với tác động của dịch
Covid-19.
6.3. Phối hợp với Bộ Ngoại giao và
các Bộ ngành, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất các giải pháp nhằm giữ vững và
phát triển các quan hệ đối ngoại, có kế hoạch, phương án cụ thể, phù hợp để thực
hiện tốt nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020 và phát huy, củng cố vai trò của Việt Nam
trên trường quốc tế.
6.4. Thúc đẩy việc thực thi hiệu quả các
FTA đã có hiệu lực, nhất là các FTA thế hệ mới; Rà soát, cập nhật bổ sung, hoàn
thiện để thông qua và khẩn trương triển khai kịp thời các hiệp định thương mại
tự do và các khung khổ hội nhập, đặc biệt là Hiệp định CPTPP và Chương trình
hành động thực hiện EVFTA.
6.5. Triển khai các hoạt động thúc đẩy
hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước nhằm tận dụng lợi ích của
các FTA Việt Nam đã ký kết (EVFTA, CPTPP, VKFTA, VJEPA, AKFTA, AJEPA)
6.6. Triển khai các hoạt động nhằm
tăng cường nhận thức, nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại cho các Hiệp hội,
doanh nghiệp Việt Nam.
VII. Bảo đảm trật
tự thị trường, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp và bảo đảm
quyền lợi của người tiêu dùng
7.1. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm
soát thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kinh
doanh thực phẩm không rỗ nguồn gốc; hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện
tử; các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các mặt hàng thiết
yếu trên thị trường như: dược phẩm, thuốc chữa bệnh, vật tư, thiết bị y tế,
xăng dầu...
7.2. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
thị trường nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, gian lận thương mại, vận
chuyển, kinh doanh thịt lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch nhằm ngăn chặn
lây lan dịch bệnh trong nước.
7.3. Tập trung rà soát, phát hiện và
xác định dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt
là trong một số ngành, lĩnh vực, sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cao, các mặt
hàng thiết yếu phục vụ phòng chống dịch Covid-19 đề kịp thời điều tra, xử lý.
7.4. Tăng cường hoạt động giám sát thị
trường, hoàn thiện các công cụ tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu
dùng; phối hợp thực hiện các đợt giám sát chuyên đề, phát hiện và xử lý các
hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.
7.5. Khẩn trương phối hợp với các cơ
quan chức năng để thúc đẩy việc thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia và tổ chức
triển khai hoạt động thực thi Luật Cạnh tranh, phục vụ cho phát triển bền vững
thị trường gắn với bảo vệ hữu hiệu quyền lợi người tiêu dùng.
7.6. Tập trung hoàn thiện khung khổ
pháp luật về phòng chống gian lận thương mại, sớm xây dựng và trình ban hành
văn bản pháp lý quy định về hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
7.7. Triển khai Chương trình “Doanh
nghiệp hành động vì Người tiêu dùng” trên môi trường trực tuyến.
7.8. Tập trung triển khai Quyết định
824/QĐ-TTg ngày 04/7/2019 cứa Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường
quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận
xuất xứ” và Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ về một số biện
pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ,
chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
7.9. Xem xét xây dựng cơ chế khai báo
xuất khẩu đối với những mặt hàng có nguy cơ lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương
mại, gian lận xuất xứ.
VIII. Rà soát, cập
nhật và tổ chức triển khai Kế hoạch chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp
4.0 trong ngành Công Thương
8.1. Chủ động rà soát, thường xuyên cập
nhật để xây dựng các kịch bản thích ứng với những ảnh hưởng, tác động từ đại dịch
COVID-19 hoặc các tác động tương tự trong quá trình xây dựng, tổ chức triển
khai thực hiện các Chiến lược khoa học và công nghệ ngành Công Thương và các
Chương trình, đề án khoa học và công nghệ giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch hành
động của ngành Công Thương về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó tập trung giải quyết một số vấn
đề mới phát sinh từ đại dịch Covid 19 liên quan đến khoa học và công nghệ như
chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm mới; một số
công nghệ của CMCN 4.0 và công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học phân
tử lưỡng dụng cho y tế và công nghiệp...
8.2. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số
của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; sớm hoàn
thành việc xây dựng để triển khai thực hiện “Đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng
công nghệ 4.0 và phát triển sản xuất thông minh giai đoạn 2021-2030”. Trong đó,
tập trung hỗ trợ trực tiếp hoạt động nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ từ
cuộc CMCN 4.0 cho các doanh nghiệp ngành Công Thương, hỗ trợ gián tiếp thông
qua các đơn vị tư vấn, cung cấp thông tin cho để doanh nghiệp từng bước quá
trình chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh tập trong các ngành, lĩnh
vực ưu tiên của công nghiệp chế biến, chế tạo.
8.3. Chủ động hỗ trợ nâng cao năng lực
về khoa học và công nghệ, chất lượng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp
ngành Công Thương đáp ứng quy định về hàng rào kỹ thuật của các thị trường xuất
khẩu mục tiêu trong giai đoạn tới.
IX. Thực hiện tốt
công tác thông tin, tuyên truyền
9.1. Tiếp tục bám sát tình hình thông
tin dịch bệnh Covid-19, thông tin về thị trường trong và ngoài nước, bám sát
các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống
dịch và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ để kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí về
công tác chỉ đạo điều hành của Bộ, các phương án, giải pháp phục hồi và thúc đẩy
các hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại năm 2020 và những năm tiếp theo.
9.2. Tiếp nhận thông tin phản hồi,
góp ý của cơ quan truyền thông, báo chí, người dân để xử lý, cung cấp thông tin
kịp thời.
9.3. Thực hiện tốt các Chương trình
truyền thông phổ biến pháp luật trong các lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương.
C. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Các đồng chí Lãnh đạo Bộ, theo
lĩnh vực phụ trách, bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các mục tiêu, yêu
cầu và nhiệm vụ, biện pháp, giải pháp cụ thể tại Chương trình hành động này,
thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các Đơn vị chức năng thuộc Bộ triển khai thực hiện;
bám sát cơ sở, tăng cường làm việc với các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và
các đơn vị có liên quan để kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống phát sinh.
2. Thủ trưởng các Đơn vị tập trung chỉ
đạo, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, thường xuyên, liên tục; Các doanh
nghiệp thuộc Bộ, các Thương vụ, các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương căn cứ nhiệm vụ và yêu cầu công tác đề ra trong Kế hoạch hành động
này, kết hợp với nhiệm vụ của đơn vị mình xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp.
Các Đơn vị thực hiện chế độ báo cáo
hàng quý về tình hình và kết quả triển khai thực hiện; trước ngày 25 các tháng
cuối quý, gửi bộ phận thường trực của Bộ (đặt tại Vụ Kế hoạch theo địa chỉ hộp
thư điện tử [email protected]; [email protected]) để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo
Bộ; đồng thời phải chủ động triển khai thực hiện hoặc đề xuất kịp thời với Lãnh
đạo Bộ xem xét, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp mới nhằm thực hiện
có hiệu quả mục tiêu, yêu cầu của Kế hoạch hành động này./.