Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 1402/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang Người ký: Đàm Văn Bông
Ngày ban hành: 17/07/2012 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1402/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 17 tháng 7 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP CÓ THẾ MẠNH VÀ HIỆU QUẢ CỦA TỈNH HÀ GIANG ĐẾN NĂM 2015

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/ 2003;

Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV; Chương trình làm việc toàn khoá của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015;

Xét đề nghị của Chánh Văn phòng UBND tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển sản xuất công nghiệp có thế mạnh và hiệu quả của tỉnh Hà Giang đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh Hà Giang. (Có Đề án chi tiết kèm theo)

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng quản lý và nhiệm vụ được phân công trong Đề án, xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các nội dung của Đề án. Định kỳ 6 tháng và một năm, các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố trong tỉnh báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh thông qua Sở Công Thương.

2. Sở Công Thương có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện, chủ động tham mưu, đề xuất các biện pháp để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đàm Văn Bông

 

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 92/ĐA-UBND

Hà Giang, ngày 17 tháng 7 năm 2012

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP CÓ THẾ MẠNH VÀ HIỆU QUẢ CỦA TỈNH HÀ GIANG ĐẾN NĂM 2015

Phần thứ nhất

HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Hoạt động sản xuất công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Cụ thể như sau:

+ Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định) năm 2006 đạt 318,87 tỷ đồng; đến năm 2009 đạt 439,4 tỷ đồng, so với năm 2006 đạt 137,7%; năm 2010 đạt 505 tỷ đồng, tăng 192,01% so với năm 2005 (505/263).

+ Giá trị sản xuất công nghiệp (giá thực tế) năm 2006 đạt 470,3 tỷ đồng; năm 2009 đạt 813,36 tỷ đồng, so với năm 2006 đạt 172,94%; năm 2010 đạt 1.001 tỷ đồng, tăng 270,54 % so với năm 2005 (1.001/370).

+ Năm 2005 toàn tỉnh có 3.227 cơ sở sản xuất công nghiệp, đến năm 2009 có 3852 cơ sở SXCN tăng 14,6 % so với năm 2005; trong đó có 8 doanh nghiệp khai thác chế biến khoáng sản sắt, 19 DN khai thác Mangan, 5 DN khai thác Angtimol và 05 DN khai thác chì, kẽm, 34 doanh nghiệp xây dựng thuỷ điện; 144 DN khai thác chế biến đá, vật liệu xây dựng và khai thác mỏ khác; 3.636 đơn vị thuộc lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, dệt may trang phục dân tộc...

+ Triển khai xây dựng 01 khu công nghiệp Bình Vàng diện tích 254 ha; 01 cụm công nghiệp Nam Quang diện tích 29 ha. Hoàn thiện quy hoạch cho 04 cụm công nghiệp Tùng Bá, Thuận Hoà, Minh Sơn 1, Minh Sơn 2.

- Quy mô sản xuất, hiệu quả kinh tế và năng xuất lao động của các cơ sở sản xuất công nghiệp ngày càng tăng. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo, thực hiện công tác quy hoạch công nghiệp làm tiền đề, căn cứ để triển khai xây dựng các dự án kêu gọi, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển lĩnh vực công nghiệp - thủ công nghiệp của tỉnh. Hoàn thành rà soát điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện Quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2010, có tính đến năm 2020. Tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư ngày càng nhiều vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp - thủ công nghiệp.

1. Hiện trạng ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, luyện kim

1.1. Tiềm năng về tài nguyên khoáng sản của tỉnh Hà Giang

Hà Giang là tỉnh có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản hết sức đa dạng và phong phú cả về kim loại và phi kim loại. Trong đó có những loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao là sắt, chì-kẽm, Mangan, Antimon…Theo tài liệu địa chất và khoáng sản, đến nay trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã xác định được 215 mỏ, điểm quặng, điểm khoáng sản với 28 loại khoáng sản khác nhau. Trong đó 4 loại khoáng sản trọng điểm là: Quặng sắt (21 mỏ, điểm mỏ); quặng chì, kẽm (16 mỏ, điểm mỏ); quặng Mangan (27 mỏ, điểm mỏ) và quặng Antimon. Ngoài ra, còn nhiều loại khoáng sản khác có tiềm năng về giá trị kinh tế như: Đới vàng sông Con; đới vàng ngòi Sảo và đới vàng, Arsen chứa thiếc - vàng Sông Lô; mỏ thiếc-Vonfram Hố Quáng Phìn (huyện Đồng Văn); mỏ Antimon Bó Mới (huyện Yên Minh)…..Kết quả đánh giá, thăm dò khoáng sản trên địa bàn tỉnh cho thấy có nhiều mỏ có trữ lượng hàng triệu tấn, chất lượng cao như mỏ Antimon Mậu Duệ (huyện Yên Minh) có trữ lượng 330.000 tấn, mỏ sắt Sàng Thần (huyện Bắc Mê) trữ lượng 31,86 triệu tấn, mỏ quặng sắt Tùng Bá trữ lượng 22,0 triệu tấn, mỏ chì - kẽm Na Sơn (huyện Vị Xuyên) trữ lượng 1,6 triệu tấn, mỏ chì - kẽm Tà Pan (huyện Bắc Mê) trữ lượng 1,2 triệu tấn; dải quặng Mangan: Đồng Tâm, Trung Thành, Ngọc Linh, Ngọc Minh có tổng trữ lượng tài nguyên hơn 4,0 triệu tấn và nhiều khoáng sản quý hiếm khác như thiếc, Vonfram, vàng sa khoáng, nguyên liệu dùng cho công nghệ gốm sứ cao cấp như Kaolin, Felspat…..

1.2. Hiện trạng hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang

* Kết quả đã đạt được

Trong thời gian qua, các hoạt động đầu tư vào khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang có sự tăng trưởng khá, không ngừng phát triển cả về quy mô và số lượng, với sự tham gia của các thành phần kinh tế vào hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Các dự án khai thác, chế biến khoáng sản đi vào hoạt động đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết được nhiều việc làm và thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng nâng cao dần tỷ trọng sản xuất công nghiệp và thương mại, dịch vụ.

Đến nay trên địa bàn tỉnh Hà Giang nhiều nhà đầu tư đã và đang đầu tư vào lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, đã hình thành các nhà máy luyện kim như: Nhà máy luyện Antimon của công ty cổ phần cơ khí và khoáng sản Hà Giang công suất 1.000 tấn/năm, nhà máy thiêu bột Antimon của công ty TNHH Bảo An công suất 600 tấn/năm và nhà máy luyện Antimon của HTX tiểu thủ công 3-2 Mèo Vạc công suất 70 tấn/năm, nhà máy luyện Antimon của Công ty cổ phần khoáng sản quốc tế VCC Hà Giang công suất 1.000 tấn/năm. Ngoài ra, tỉnh đã cho chủ trương xây dựng nhà máy luyện gang, thép công suất 500.000 tấn/năm, đang đầu tư xây dựng 02 nhà máy luyện Feromangan và Silicomangan tại khu công nghiệp Bình Vàng với tổng công suất luyện 40.000 tấn/năm….các dự án đã xây dựng hoàn thành hoặc có chủ trương xây dựng đều có nguồn nguyên liệu đảm bảo các nhà máy hoạt động với thời gian trên 20 năm.

Đến hết tháng 12/2010, toàn tỉnh có 54 dự án khai thác, chế biến khoáng sản với 5 loại khoáng sản: Mangan, chì - kẽm, sắt, Antimon, Mica. Số dự án khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư là 44 dự án, với tổng mức đầu tư là 1.788,52 tỷ đồng.

Tổng sản lượng nguyên khai và tinh quặng các loại khoáng sản kim loại do khai thác, chế biến được trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến hết năm 2010 là hơn 750.000 tấn. Tổng doanh thu trong năm 2010 (chỉ tính riêng đối với khoáng sản kim loại) đã đạt hơn 175 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 38 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương ở các vùng sâu, vùng xa.

* Những hạn chế, yếu kém

- Việc cấp phép khai thác, chế biến cho nhiều doanh nghiệp cùng khai thác, chế biến trên một đơn vị hành chính xã, thôn bản đã xảy ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, việc đầu tư trở nên nhỏ lẻ, manh mún, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động, ô nhiễm môi trường.

- Hầu hết các doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác khoáng sản chưa có đội ngũ cán bộ có trình độ, chuyên môn về lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản dẫn đến việc điều hành sản xuất không theo đúng quy trình, quy phạm, hoạt động của mỏ hiệu quả không cao. Nhiều doanh nghiệp phải tìm đến đối tác Trung Quốc để liên doanh, hợp tác.

- Do tài liệu địa chất không đầy đủ (các doanh nghiệp phần lớn ít quan tâm đầu tư cho công tác thăm dò khoáng sản) nên khi được cấp phép khai thác, còn lúng túng, không định hướng được việc đầu tư công nghệ, thiết bị phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng mỏ.

- Việc cấp giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản chưa gắn với yêu cầu sản xuất ra đến sản phẩm cuối cùng, do đó sản phẩm của các doanh nghiệp chủ yếu ở dạng nguyên liệu thô, giá trị sản phẩm không cao, không ổn định. Các doanh nghiệp chưa áp dụng được công nghệ tiên tiến vào khai thác, chế biến khoáng sản, do vậy trong quá trình hoạt động đã có những thời điểm ô nhiễm vượt quá mức độ cho phép.

- Các mỏ, điểm mỏ đều phân bố ở vùng sâu vùng xa, kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư, giao thông đi lại khó khăn đã ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản mỏ.

- Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản vẫn còn mang tính phân tán, chưa phát huy sức mạnh của hợp tác liên doanh, liên kết để nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

- Cơ chế chính sách tài chính về khoáng sản chưa tạo đòn bẩy phát triển ngành khai khoáng, chưa có cơ chế thu từ khai thác khoáng sản phù hợp. Nguồn thu của nhà nước từ hoạt động khoáng sản chưa tương xứng với kết quả đã khai thác; vùng có nhiều tài nguyên khoáng sản thì nhân dân bị mất đất canh tác, dẫn đến hiện tượng nghèo hoá, ô nhiễm môi trường tăng cao, đường giao thông hư hỏng nhanh, vv..

- Vấn đề đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành khai khoáng chưa được quan tâm đúng mức, đội ngũ cán bộ hiện nay còn nhiều bất cập, thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.

2. Hiện trạng ngành công nghiệp điện

Hà Giang là một tỉnh vùng cao núi đá, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông suối tạo nên độ dốc lớn. Lượng mưa trung bình trên toàn tỉnh tương đối cao trung bình từ 1612 mm đến 4899 mm. Trên địa bàn tỉnh Hà Giang có nhiều sông suối như: Sông Lô, sông Gâm và thượng nguồn của sông Chảy. Các phụ lưu của sông Lô gồm có sông Chừng (sông Con), sông Miện, Nậm Ngần… Phụ lưu của sông Gâm có sông Nho Quế, sông Nhiệm, sông Ma... Nhìn chung những sông suối ở khu vực tỉnh Hà Giang đều mang đặc điểm là có độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh. Từ những điều kiện về khí hậu, địa hình đã tạo cho Hà Giang những điều kiện rất thuận lợi cho việc phát triển xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ.

2.1. Hiện trạng về nguồn điện

a) Nguồn thủy điện phát điện vào lưới cao thế (110KV - 220KV)

Trên địa bàn toàn tỉnh có 3 nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ đang phát điện vào lưới điện cao thế, với tổng công suất 115 MW gồm: Nhà máy thủy điện Nậm Ngần 2 công suất 13,5MW, phát vào lưới điện 110KV, được đưa vào vận hành tháng 6 năm 2009. Nhà máy thủy điện Thái An công suất 82MW, phát vào lưới điện 220KV, được đưa vào vận hành tháng 1 năm 2011. Nhà máy thủy điện Sông Con 2 (Sông Chừng) công suất 19,5MW, phát vào lưới điện 110KV, được đưa vào vận hành tháng 5 năm 2011 (có Bảng 1-1 kèm theo).

b) Nguồn thủy điện phát điện vào lưới trung thế (35KV, 22KV, 10KV)

Tính đến tháng 12/2010 trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện có 9 nhà máy thủy điện phát điện vào lưới điện trung thế đang vận hành với tổng công suất đặt 22,93MW. Năm 2010, tổng sản lượng các thủy điện này cung cấp cho hệ thống là 88,45 triệu kWh với công suất phát cao nhất Pmax là 18MW (có Bảng 1-2 kèm theo).

c) Nguồn Dieszel

Hiện tại các tổ máy phát Diezel trên địa bàn tỉnh chủ yếu làm nhiệm vụ phát dự phòng. Hiện còn 1 tổ máy Diezel đặt tại Thành phố Hà Giang. Năm 2010 sản lượng phát của Diezel lên lưới điện là 9.739 kWh.

d) Nguồn điện mua từ Trung Quốc

Hệ thống điện Việt Nam mua điện từ Trung Quốc ở hai cấp điện áp:

- Cấp điện áp 110kV thông qua đường dây 110kV mạch kép từ cửa khẩu Thanh Thủy đến trạm 110kV Hà Giang, dây dẫn AC-240 dài 20,8km. Tổng công suất truyền tải trên đường dây mạch kép từ Thanh Thủy về trạm 110kV Hà Giang không được vượt quá 110MW.

- Cấp điện áp 220kV qua đường dây 220kV mạch đơn từ cửa khẩu Thanh Thủy đến trạm cắt 220kV Hà Giang, dây dẫn 2xACSR-330 dài 20km. Theo thoả thuận mua bán điện giữa Việt Nam và Trung Quốc, tổng công suất truyền tải trên đường dây mạch đơn từ Thanh Thủy về trạm cắt 220kV Hà Giang không vượt quá 250MW.

- Tuy nhiên năm 2010, do hệ thống điện của Việt Nam thiếu điện nghiêm trọng nên công suất truyền tải trên các đường dây mua từ Trung Quốc có thời điểm lớn hơn công suất đã thoả thuận (đường dây 110kV lên đến 130MW - vượt 118%, đường dây 220kV lên đến 412MW - vượt 165%).

2.2. Tình hình quy hoạch thuỷ điện vừa và nhỏ tỉnh Hà Giang

Nhằm phát huy thế mạnh về tiềm năng thủy điện của tỉnh Hà Giang, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh đã có chủ trương cho lập Quy hoạch thuỷ điện vừa và nhỏ làm cơ sở để triển khai đầu tư xây dựng các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện có 71 dự án thuỷ điện được phê duyệt nằm trong quy hoạch thuỷ điện vừa và nhỏ cụ thể như sau:

a) Quy hoạch thuỷ điện vừa và nhỏ tỉnh Hà Giang giai đoạn I (2005 - 2010 có xét đến 2015) và các dự án bổ sung gồm có 25 dự án, có tổng công suất lắp máy 461,5 MW (có Bảng 1-3: Danh sách các dự án Quy hoạch giai đoạn 1 kèm theo).

b) Quy hoạch thuỷ điện vừa và nhỏ giai đoạn 2 (2006 - 2010 có xét đến năm 2015); bổ sung thêm 02 dự án là thủy điện Sông Miện 5A; Sông Miện 6 gồm 36 dự án, với tổng công suất lắp máy 92,2 MW (Bảng 1-4: Danh sách các dự án quy hoạch giai đoạn 2 kèm theo).

c) Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên sông Lô và sông Chảy thuộc quy hoạch thuỷ điện giai đoạn 2 tỉnh Hà Giang (2007 - 2010 có xét đến 2015) gồm 09 dự án, tổng công suất lắp máy 168,6 MW (Bảng 1-5: Danh sách các dự án quy hoạch trên sông Lô, sông Chảy kèm theo).

d) Quy hoạch thuỷ điện trên hệ thống Sông Gâm tại Quyết định số 2704/QĐ-BCN ngày 2/8/2007 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) v/v phê duyệt quy hoạch bậc thang thuỷ điện sông Gâm bổ sung thêm 01 dự án có công suất 45MW.

Bảng 1 - 6: Danh sách các dự án quy hoạch trên sông Gâm

TT

Công trình

Huyện

Công trình đặt trên

Nlm (MW)

1

Bắc Mê

Yên Phong

Bắc Mê

Sông Gâm

45,0

e) Một số dự án đã có chủ trương của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cho phép nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch thuỷ điện tỉnh Hà Giang gồm 2 dự án là: Dự án thủy điện Lùng Lý xã Xuân Minh, huyện Quang Bình giao cho Công ty TNHH Miền Tây nghiên cứu khảo sát; dự án thủy điện Suối Sửu 3, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên giao cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển năng lượng Á Châu nghiên cứu. Tuy nhiên đến nay Chủ đầu tư chưa triển khai các thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch.

2.3. Những khó khăn của ngành công nghiệp điện

- Các dự án thuỷ điện phần lớn là ở các khu vực có địa hình thi công phức tạp, núi cao, vực sâu đường giao thông đi lại hết sức khó khăn. Đặc biệt là các tuyến đường đi một số huyện của tỉnh như Quốc lộ 4C, QL34, đường Bắc Quang - Xín Mần hệ thống giao thông cầu nhỏ, đường hẹp, dốc đứng, các góc cua gấp. Làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận chuyển vật tư thiết bị hạng nặng tới công trình.

- Mặc dù đã có sự phối hợp của chính quyền cấp huyện, cấp xã trong các vấn đề liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng. Nhưng cá biệt vẫn còn một số dự án trong quá trình thực hiện vẫn gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng như: Dự án thuỷ điện Nậm Má 1, Sông Lô 2 đang chờ mặt bằng để khởi công công trình. Các doanh nghiệp rất cần sự giúp đỡ từ các cơ quan nhà nước trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng. Có như vậy mới có thể đáp ứng được tiến độ đề ra.

- Đây là lĩnh vực đầu tư cần huy động nguồn vốn lớn, một số dự án trong quá trình triển khai xây dựng do thiếu vốn đầu tư đã kêu gọi đầu tư, liên doanh, liên kết với nhiều nhà đầu tư. Thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và làm thay đổi cổ đông sáng lập của Công ty nhiều lần hoặc do không đủ năng lực về tài chính, không thu xếp được vốn dẫn đến chậm tiến độ như: Dự án thuỷ điện Phương Độ; thuỷ điện Bản Kiếng; Bắc Sum ....

- Do tình hình địa chất của Hà Giang phức tạp dẫn đến một số công trình phải nghiên cứu thay đổi vị trí đập hoặc vị trí nhà máy như: Dự án thuỷ điện Sông Miện (Bát Đại Sơn); thuỷ điện Sông Bạc; thuỷ điện Nho Quế 1 dẫn đến đã làm chậm tiến độ triển khai dự án từ 1 đến 2 năm và gây thiệt hại trực tiếp cho nhà đầu tư.

3. Hiện trạng công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm

3.1. Tiềm năng vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm

* Tiềm năng vùng nguyên liệu lâm sản

Nguyên liệu sợi ngắn (keo, mỡ... ), sợi dài (tre, vầu, nứa...) ở Hà Giang rất phong phú, thuận lợi cho việc phát triển nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản.

Theo kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng đã được phê duyệt tại Quyết định số 2104/QĐ-UBND, ngày 01/8/2007 của UBND tỉnh Hà Giang.

Tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh: 791.880,4 ha (theo niên giám thống kê 2010), trong đó: Đất nông lâm nghiệp: 689.742,7 ha (chiếm 69,5% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh); gồm:

- Đất rừng sản xuất: 283.622,3 ha.

- Đất rừng phòng hộ: 218.887,2 ha.

- Đất rừng đặc dụng: 49.524,4 ha.

Tổng diện tích đất các quy hoạch: 184.658,2 ha tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Xín Mần.

Trong đó:

- Quy hoạch vùng nguyên liệu giấy Nam Quang: 41.052,7 ha.

- Quy hoạch cao su: 17.523,7 ha.

- Quy hoạch vùng nguyên liệu giấy An Hoà: 118.712,1 ha.

- Các doanh nghiệp trồng rừng: 7.369,7 ha.

- Vùng nguyên liệu liệu cho nhà máy chế biến gỗ Vị Xuyên 20.000 ha trên địa bàn Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình (hiện nay đã quy hoạch được 10.000 ha trên địa bàn Vị Xuyên).

* Vùng nguyên liệu chè

- Sản phẩm chè của Hà Giang đã tạo nên thương hiệu trên thị trường trong nước và ngoài nước như chè San Tuyết ở Hoàng Su Phì vv...

- Sản lượng chè mấy năm gần đây luôn tăng, năm sau cao hơn năm trước. Sản xuất chè là một thế mạnh của các tỉnh miền núi và trung du, là thế mạnh của tỉnh Hà Giang. Thị trường tiêu thụ chè của Việt Nam đang mở rộng, chè có chất lượng tốt. Cây chè là cây công nghiệp mũi nhọn của Hà Giang từ nhiều năm nay. Về diện tích và thu nhập, cây chè chỉ đứng sau cây lúa và ngô, nhưng lại đứng đầu trong số các loại cây tạo sản phẩm xuất khẩu của tỉnh.

- Diện tích chè toàn tỉnh đến năm 2010 là 18.944,8 ha, trong đó diện tích chè cho thu hoạch 14.695,5 ha. Diện tích chè chủ yếu ở 5 huyện: Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang, Quang Bình (Bắc Quang 4.372 ha, Quang Bình 2.151,2 ha, Vị Xuyên 3.906,8 ha, Hoàng Su Phì 3.792,9 ha và Xín Mần 2.300,9 ha chiếm 87,2% diện tích toàn tỉnh) các huyện còn lại diện tích chè khoảng từ 200 đến 400 ha. Hiện đang quy hoạch cho diện tích trồng chè vào các năm tiếp theo.

Cơ cấu giống chè: Cơ cấu giống chè trồng trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu là 02 nhóm chè chính: Chè Shan tuyết và chè Trung Du, trong đó giống chè Shan tuyết chiếm tới 90% diện tích gồm 02 giống chè Shan tuyết lá to và Shan tuyết lá nhỏ.

Chè Shan tuyết lá nhỏ có diện tích ít khoảng 250 ha tập trung tại huyện Đồng Văn đây là giống chè mang hương vị đặc trưng riêng của vùng chè Hà Giang đang được ưu chuộng trên thị trường.

Các giống chè khác như chè Trung Du, chè Shan tuyết búp đỏ và một số giống khác với số lượng khoảng 10% diện tích chè toàn tỉnh.

- Sản lượng chè: Sản lượng chè tăng đều trong những năm qua nhưng chủ yếu tăng là do diện tích chè cho thu hoạch sản phẩm hàng năm tăng. Sản lượng chè búp tươi tăng qua các năm như sau:

Năm 2005 là 33.878 tấn, năm 2006 là 39.778 tấn, năm 2007 là 43 680,2 tấn, năm 2008 là 46.642 tấn, năm 2009 là 48.280,6 tấn, năm 2010 là 43.034,4 tấn.

* Vùng nguyên liệu cây ăn quả

- Hà Giang là tỉnh có thế mạnh về trồng cây ăn quả. Đất đai gò đồi bìa rừng rất phù hợp cho việc trồng cây ăn quả. Vì vậy, một trong những mục tiêu lớn của nông nghiệp Hà Giang là đẩy mạnh phát triển trồng cây ăn quả phù hợp với từng vùng sinh thái, tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn trên thị trường các tỉnh phía Bắc.

- Tiềm năng đất đai để mở rộng trồng cây ăn quả còn nhiều, nhân dân ngày càng nhận thức được việc trồng cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao và nếu có cơ sở chế biến tiêu thụ hết sản phẩm trái cây của nhân dân làm ra thì diện tích cây ăn quả sẽ phát triển mạnh hơn. Vùng trồng cam quýt lớn ở các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Đã hình thành vùng trồng cam tập trung chạy từ Bắc Quang lên thành phố Hà Giang. Các huyện khác trồng cam quýt và các cây ăn quả khác theo khả năng đất đai.

* Vùng nguyên liệu cây đậu tương

- Từ năm 2006 đến năm 2010, diện tích đậu tương toàn tỉnh hàng năm tăng đều và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao, qua 5 năm tăng khoảng 5.000 ha. Năm 2006 diện tích 15.893,6 ha, năm 2010 diện tích đạt 20.810,3 ha.

- Đặc biệt tại 7 huyện vùng sản xuất đậu tương truyền thống (Hoàng Su Phì, Xín Mần, Yên Minh, Đồng Văn, Quản Bạ, Bắc Mê), diện tích năm 2006 mới chỉ đạt 14.932 ha, đến năm 2010 đã đạt 20.007 ha, tăng trên 5.000 ha.

* Vùng nguyên liệu cây ngô

- Từ năm 2006 đến năm 2010, diện tích trồng sản lượng ngô hàng năm đều tăng. Năm 2006 diện tích 43.269,8 ha, sản lượng 90.689,6 tấn; năm 2010 diện tích đạt 47.559,4 ha, sản lượng 136.341,8 tấn

- Đặc biệt tại 5 huyện vùng sản xuất ngô có diện tích lớn (Xín Mần, Mèo Vạc, Yên Minh, Đồng Văn, Quản Bạ).

* Vùng nguyên liệu cây sắn

- Năm 2006 diện tích 2.479,9 ha, sản lượng 19.352,9 tấn; năm 2010 diện tích đạt 4.193,2 ha, sản lượng 34.161,4 tấn.

- Đặc biệt tại 5 huyện vùng sản xuất sắn có diện tích lớn (Bắc Mê, Xín Mần, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Bắc Quang).

3.1.1. Hiện trạng các cơ sở chế biến nông lâm sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh

* Cơ sở chế biến giấy và bột giấy:

- Các nhà máy đang hoạt động: Nhà máy giấy Hải Hà, cụm công nghiệp Nam Quang, công suất 12.000 tấn SP/năm; nhà máy giấy Long Giang, Yên Định - Bắc Mê, công suất 2.500 tấn SP/năm (các nhà máy hiện nay đang sử dụng nguyên liệu sợi dài).

- Các nhà máy đang đầu tư: Nhà máy khăn giấy vệ sinh cụm công nghiệp Nam Quang, công suất 10.000 tấn SP/năm.

* Cơ sở chế biến chè:

- Đến hết năm 2010, trên địa bàn tỉnh có khoảng 116 sơ sở và hộ gia đình, với công suất 15.240 tấn/năm. Trong đó Mèo Vạc 01, Bắc Mê 01, Đồng Văn 01, Hoàng Su Phì 20, Xín Mần 04, Vị Xuyên 05, Quang Bình 04, Bắc Quang 77 (64 hộ gia đình), thành phố Hà Giang 02, Yên Minh 01.

- Các nhà máy chế biến lớn, có quy mô công nghiệp:

+ Công ty TNHH Hùng Cường có 06 nhà máy chế biến chè trên địa bàn tỉnh Hà Giang, trong đó có các máy chè quy mô lớn như: Nhà máy chè CTC Hùng Vượng - Việt Lâm, đi vào sản xuất năm 2010, công suất 25 tấn chè tươi/ngày. Nhà máy chè Cao Bồ - Vị Xuyên, đang đầu tư xây dựng, công suất 22 tấn chè tươi/năm.

+ Nhà máy chè Long Trà - Hùng An, quy mô công suất của nhà máy chế biến chè xanh 70 tấn chè tươi/ngày và dây chuyên chè đen CTC 40 tấn chè tươi/ngày.

+ Nhà máy chè Hùng An - xã Hùng An, đầu tư nâng cấp mở rộng năm 2009; 02 dây chuyền sản xuất chè: Chè xanh 30 tấn/ngày, chè đen 40 tấn/ngày.

- Sản lượng trong chè khô năm 2010 đạt: 43.034,4 tấn, giá trị bình quân đạt 2 ÷2,5 USD/kg sản phẩm chè khô.

* Các cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm:

Đến hết năm 2010, trên địa bàn tỉnh có: 13 cơ sở sản xuất rượu, 02 cơ sở sản xuất miến dong, 02 cơ sở sản xuất thức ăn gia súc...

* 01 Nhà máy chế biến gỗ MDF + ghép thanh, Khu công nghiệp Bình Vàng, công suất 100.000 m3SP/năm, đang đầu tư xây dựng.

3.1.2. Những hạn chế yếu kém của ngành công nghiệp chế biến lâm sản

- Các đơn vị chế biến nông lâm sản, thực phẩm có quy mô nhỏ, sản xuất không tập trung, trình độ quản lý sản xuất, quản lý kinh tế, tay nghề của lực lượng lao động thấp dẫn đến chất lượng sản phẩm, mẫu mã hàng hoá không đa dạng, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ít. Làm cho sản phẩm kém khả năng cạnh tranh trên thị trường, giá bán thấp, bị các thương lái ép giá, tiêu thụ sản phẩm khó khăn.

- Chưa huy động được nhiều các nhà đầu tư có năng lực chuyên môn, vốn lớn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến lâm sản, thực phẩm các nhà đầu tư mới chỉ tập trung vào vào các lĩnh vực: Thủy điện, khoáng sản... chưa quan tâm đến lĩnh vực chế biến nông lâm sản.

- Việc khai thác tài nguyên về nông lâm sản trên địa bàn tỉnh, sử dụng lao động chưa ngang tầm với tiềm năng hiện có. Khả năng thu hút vốn đầu tư của các dự án trong lĩnh vực chế biến nông lâm sản, kế hoạch chậm so với quy hoạch đề ra.

- Bộ máy quản lý về công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm ở cấp tỉnh, huyện còn thiếu về số lượng, yếu về năng lực quản lý kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ làm giảm khả năng huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

- Trong quá trình triển khai thực hiện dự án nông lâm sản chủ đầu tư chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa thường xuyên, đầy đủ các nội dung trong Báo cáo tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa vận hành hệ thống xử lý môi trường thường xuyên, chưa trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động cho công nhân; chưa trang bị, lắp đặt đầy đủ đúng vị trí các phương tiện phòng cháy chữa cháy tại cơ sở sản xuất.

- Sự phối hợp giữa các ngành chức năng, UBND huyện, thành phố khi lập, thẩm định dự án, cấp phép đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng ... chưa chú ý đến Quy hoạch của ngành công nghiệp, quy hoạch vùng nguyên liệu... dẫn đến tình trạng bất cập trong quá trình triển khai thực hiện dự án dẫn đến việc buông lỏng trong quản lý. Nhiều cơ sở chế biến chè, sản xuất giấy và bột giấy đã không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng; đầu tư tràn lan không theo quy hoạch, không có hồ sơ dự án gửi các cơ quan chức năng, không có giấy phép xây dựng, không báo cáo định kỳ hoạt động sản xuất... Đặc biệt là các cơ sở chế biến chè, ván bóc mọc lên khắp nơi, nhiều đơn vị không có giấy phép đăng ký kinh doanh, tranh mua tranh bán, chất lượng sản phẩm kém, gây ô nhiễm môi trường, làm lũng loạn thị trường nông lâm sản Hà Giang các năm vừa qua.

4. Hiện trạng về phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề

4.1. Những kết quả đạt được

- Các ngành nghề thủ công nghiệp trong 5 năm qua được quan tâm phát triển, ngành đã đẩy mạnh thực hiện Nghị định 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp nông thôn, Sở Công Thương đã tham mưu cho tỉnh thành lập Trung tâm khuyến công - xúc tiến công thương, qua 5 năm hoạt động, trung tâm đã phát huy tốt là đầu mối tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, nhiều ngành nghề mới được hỗ trợ phát triển trên các lĩnh vực: có 10 đơn vị chế biến rượu các loại, 3 đơn vị thêu ren, 4 HTX may mặc trang phục dân tộc, 04 cơ sở mây tre đan xuất khẩu, các doanh nghiệp gia công cơ khí, chế biến gỗ mỹ nghệ, gỗ dân dụng, cơ sở sản xuất chè các loại, giá trị SXCN ngành thủ công nghiệp ngày càng chiếm vị trí đáng kể trong tổng giá trị SXCN toàn ngành.

- Năm 2010 tỉnh Hà Giang đã công nhận được 04 làng nghề

+ Làng nghề truyền thống: Nấu rượu thóc Nàng Đôn, địa chỉ: xã Nàng Đôn - huyện Hoàng Su Phì - tỉnh Hà Giang, số hộ tham gia: 20 hộ.

+ Làng nghề truyền thống: Dệt thổ cẩm dân tộc Tày, địa chỉ: Thôn Trung - xã Xuân Giang - huyện Quang Bình - tỉnh Hà Giang, số hộ tham gia: 30 hộ.

+ Làng nghề truyền thống: Dệt thổ cẩm dân tộc Pà Thẻn, địa chỉ: Thôn My Bắc - xã Tân Bắc - huyện Quang Bình - tỉnh Hà Giang, số hộ tham gia: 40 hộ.

+ Làng nghề thôn Lùng Tao, địa chỉ: thôn Lùng Tao - xã Cao Bồ - huyện Vị Xuyên - tỉnh Hà Giang, số hộ tham gia: 106 hộ.

- Các HTX, các cơ sở sản xuất thủ công nghiệp, các hộ gia đình trên địa bàn các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, thành phố Hà Giang phát triển mạnh sản xuất thủ công nghiệp, các ngành nghề truyền thống, các sản phẩm mới được hỗ trợ máy móc thiết bị và đào tạo nghề từ các chương trình khuyến công và các chương trình của Liên minh HTX tỉnh....đào đạo được nhiều lao động, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông nghiệp. Bước đầu hình thành tại các thôn, bản, xã có nghề thủ công nghiệp. Tạo cơ hội cấy nghề TCN mới, khôi phục phát huy được một số nghề thủ công truyền thống.

- Các nghề thủ công nghiệp như rèn, đúc, mộc, dệt may, sửa chữa ô tô, xe máy, điện dân dụng được khuyến khích phát triển. Đặc biệt từ năm 2005, nhiều cơ sở sản xuất hàng mây, tre đan được mở ra với nhiều hình thức liên doanh, liên kết, dạy nghề, cấy nghề giữa các doanh nghiệp tỉnh bạn với các HTX, tổ hợp tác và các hộ gia đình ở các địa phương trong tỉnh như thành phố Hà Giang, các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình... đã mở ra hướng phát triển mới tạo đà cho phát triển thủ công nghiệp trong nông thôn, thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy nhanh công cuộc CNH nông nghiệp, nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

4.2. Những hạn chế, yếu kém

- Hà Giang chưa có quy hoạch phát triển thủ công nghiệp, làng nghề nên các địa phương trong tỉnh còn lúng túng trong lựa chọn phát triển ngành nghề gắn với lợi thế của địa phương mình.

- Hoạt động của các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp vẫn còn mang tính tự phát, chưa áp dụng khoa học công nghệ, vốn, thị trường, năng lực tổ chức quản lý, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức để công nghiệp nông thôn miền núi phát triển tương xứng với tiềm năng.

- Hoạt động của các cơ sở tiểu thủ công nghiệp chưa phát huy được nét độc đáo của từng vùng, chưa góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo trên địa bàn nông thôn.

- Nhìn chung cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp quy mô còn nhỏ lẻ và sản xuất manh mún, các ngành nghề chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực bề nổi chưa thực sự đi vào khai thác chiều sâu để tận dụng hết tiềm năng thế mạnh hiện có: Nông lâm sản, vật liệu xây dựng, gia công cơ khí...

- Hầu hết các cơ sở sản xuất đều đóng trên địa bàn các huyện vùng sâu, vùng xa, thông tin liên lạc, đường giao thông đi lại còn nhiều khó khăn.

- Các làng nghề công nhận chưa được hỗ trợ kinh phí đầu tư theo Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/07/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

- Phần lớn đội ngũ cán bộ chưa qua đào tạo nên việc nhận thức và năng lực quản lý điều hành còn yếu, sản xuất kinh doanh thiếu linh hoạt, lúng túng trong hoạch định chiến lược phát triển trước áp lực kinh tế thị trường như hiện nay.

5. Công nghiệp khai thác vật liệu xây dựng (VLXD)

5.1. Tiềm năng về khoáng sản làm VLXD

Theo kết quả điều tra đánh giá về địa chất về khoáng sản thì Hà Giang có tiềm năng về khoáng sản làm VLXD trong đó có nguyên liệu phục vụ cho sản xuất xi măng, đá ốp lát phát hiện được 4 điểm đá vôi ốp lát phân bố chủ yếu tại huyện Vị Xuyên quy mô các điểm đá vôi rất lớn, chất lượng tốt, đạt các chỉ tiêu kỹ thuật với tổng TNDB khoảng 67,5 triệu m3, sét gạch ngói phát hiện được 7 mỏ và điểm mỏ với tổng trữ lượng và TNDB: C1+C2+P1= 20,24 triệu m3, cao lanh và felspat phân bố tập chung tại huyện Bắc Quang và Vị Xuyên với tổng trữ lượng và TNDB C2+P1+P2=306.277 tấn quặng (C2=90.230 tấn quặng), đá vôi trợ dung luyện kim...

5.2. Những kết quả đã đạt được

Ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã đóng góp tích cực vào tỷ trọng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đáp ứng ngày càng cao về nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn. Trong đó việc hình thành các nhà máy xí nghiệp hoạt động trong lĩnh vực VLXD ngày một tăng về số lượng và quy mô sản xuất.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay đã hình thành cơ sở sản xuất đá ốp lát đá xẻ do Công ty cổ phần Việt Long làm chủ đầu tư sản phẩm của doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, cơ sở sản xuất bột cao lanh tại huyện Bắc Quang do Công ty TNHH Phả Lại làm chủ đầu tư sản phẩm được tiêu thụ trong nước.

Các cơ sở khai thác đá làm VLXD thông thường hàng năm cung cấp cho thị trường trong tỉnh hàng trăm ngàn m3 đá các loại để phục vụ thi công các công trình cơ sở hạ tầng.

Ngành công nghiệp sản xuất gạch ngói hình thành trên địa bàn tỉnh Hà Giang đó là nhà máy xản xuất gạch nung theo công nghệ lò tuynel công suất 20 triệu viên/năm, 01 cơ sở sản xuất nung theo công nghệ lò đứng liên tục có công suất 5 triệu viên/năm. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh đã hình thành các cơ sở sản xuất gạch không nung sử dụng cốt liệu và xi măng với nhiều thành phần kinh tế tham gia.

Ngành công nghiệp xi măng trong những năm qua sản xuất chỉ đáp ứng cho một phần thị trường xây dựng dân dụng trong tỉnh, chưa có khả năng cung cấp nguồn nguyên liệu xi măng để phục vụ cho công tác xây dựng các công trình mang tính bền vững như thủy điện. Các dự án sản xuất nâng cấp mở rộng, đầu tư mới không đảm bảo theo Nghị quyết đã đề ra.

5.3. Những hạn chế khó khăn của ngành công nghiệp sản xuất VLXD

Là một tỉnh có tiềm năng về nguồn tài nguyên trong lĩnh vực sản xuất VLXD, ngành công nghiệp sản xuất VLXD chưa phát huy tối đa được tiềm năng thế mạnh của tỉnh, chưa đạt được mục tiên theo Nghị quyết đã đề ra.

- Các cơ sở sản xuất VLXD có quy mô nhỏ, điều kiện làm việc không an toàn, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chưa định hướng được phát triển ngành công nghiệp sản xuất VLXD ổn định và bền vững.

- Các dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất VLXD gặp nhiều khó khăn về tài chính cùng với sự suy thoái của nền kinh tế trong nước. Do vậy các nhà máy đã định hướng được đầu tư không thể triển khai trong giai đoạn qua.

- Một số nhà máy phải dừng hoạt động kéo dài do nguyên vật liệu đầu vào, giá thành sản xuất cao, công nghệ sản xuất lạc hậu gây ô nhễm môi trường, chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu không có khả năng cạnh tranh.

- Quy hoạch vùng nguyên liệu chưa gắn liền với việc đầu tư xây dựng với các nhà máy, chưa thực hiện đổi mới nâng cấp các dây truyền công nghệ lạc hậu, để nâng cao chất lượng sản phẩm.

- Việc đánh giá vùng nguyên liệu với định hướng thị trường chưa thực sự sâu sát với tình hình thực tế của tỉnh (như xây dựng các nhà máy xi măng).

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ NGÀNH CÔNG NGHIỆP HÀ GIANG

1. Những mặt được

- Thực hiện chủ trương Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt các quy hoạch đã được phê duyệt; các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp trong những năm gần đây có nhiều khởi sắc. Việc đầu tư phát triển công nghiệp thuỷ điện, khoáng sản, nông lâm sản là phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước.

- Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của biến động kinh tế trong nước và ngoài nước, song nhìn chung tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua tương đối ổn định. Các ngành công nghiệp chế biến, khai thác mỏ, thuỷ điện có mức tăng trưởng khá.

- Công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã dần đi vào nề nếp, phân định trách nhiệm cụ thể giữa các ngành, các cấp tạo điều kiện thuận lợi từng bước phát triển nghành công nghiệp. Các cấp, các ngành đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư khi đến với tỉnh Hà Giang, các thủ tục hành chính được cải cách theo hướng nhanh, gọn, ít đầu mối, rút ngắn về thời gian.

- Việc khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên ngày càng được chú ý hơn; đã có một số dự án chế biến sâu, gắn kết giữa khai thác với chế biến; công nghệ khai thác và chế biến một số loại khoáng sản, nông lâm sản đã có bước tiến bộ đạt mức trung bình và tiên tiến. Việc bảo vệ tài nguyên chưa khai thác đã được quan tâm.

- Bên cạnh những khó khăn vướng mắc mà các doanh nghiệp đã gặp phải, nhiều Chủ đầu tư đã nỗ lực chủ động về nguồn vốn, dự trữ vật tư, vật liệu thực hiện đẩy nhanh tiến độ đảm bảo hoàn thành công trình đưa vào sử dụng theo đúng kế hoạch.

2. Hạn chế của công nghiệp Hà Giang

- Quy mô, trình độ, điểm xuất phát của sản xuất công nghiệp Hà Giang ở vị trí thấp so với mặt bằng khu vực. Các doanh nghiệp công nghiệp quy mô nhỏ bé, sản xuất không tập trung, công nghệ trang thiết bị sản xuất lạc hậu, không đồng bộ. Trình độ quản lý sản xuất, quản lý kinh tế, năng lực tay nghề của lực lượng lao động công nghiệp thấp dẫn đến chất lượng sản phẩm, mẫu mã hàng hoá không đa dạng. Làm cho sản phẩm kém khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước.

- Các dự án thuỷ điện, khai thác, chế biến còn chậm tiến độ dẫn đến giá trị sản xuất công nghiệp mặc dù tăng song chưa đạt hiệu quả như mong muốn; chưa có các sản phẩm công nghiệp có giá trị cao, chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

- Chưa có các cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng về vốn, năng lực đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm trên địa bàn.

- Tình trạng gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn lao động trong hoạt động sản xuất công nghiệp; đặc biệt là công nghiệp khai thác khoáng sản, chế biến nông lâm sản đã và đang xảy ra ở nhiều nơi. Phần lớn các doanh nghiệp thăm dò, khai thác khoáng sản, chế biến nông lâm sản có quy mô nhỏ, trung bình, chưa đủ sức chế biến sâu.

3. Nguyên nhân

- Công nghiệp Hà Giang đang hình thành và phát triển, các doanh nghiệp hầu hết là quy mô nhỏ, chủng loại sản phẩm đơn lẻ, công nghệ sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, khi có biến động về giá cả và sức mua sẽ tác động trực tiếp vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến giá trị sản xuất công nghiệp.

- Do yếu tố bất lợi về vị trí địa lý, nên việc thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn thách thức; đồng thời ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái của nền kinh tế thế giới đã làm ảnh hưởng xấu đến tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng của các dự án thủy điện, khoáng sản, nông lâm sản...

- Do ảnh hưởng của lạm phát và sự suy giảm nền kinh tế thế giới và Việt Nam nói chung, tỉnh Hà Giang nói riêng, tình hình biến động giá cả của vật tư vật liệu xây dựng đã làm ảnh hưởng hầu hết đến tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng của các dự án.

- Tiến độ triển khai quy hoạch chi tiết và xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn chậm. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhiều dự án chưa đáp ứng được tiến độ cho nhà đầu tư.

- Sợ phối hợp giữa các cơ quan quản lý cấp tỉnh, cấp huyện và các ngành liên quan với các doanh nghiệp có lúc chưa chặt chẽ, đồng bộ, dẫn đến việc triển khai các chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách bị hạn chế, chậm được triển khai trong thực tiễn, làm chậm quá trình đầu tư các dự án.

- Bộ máy quản lý về công nghiệp cả cấp tỉnh, huyện còn thiếu về số lượng, yếu về năng lực quản lý kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ. Lực lượng lao động quản lý doanh nghiệp, quản lý kỹ thuật, quản lý kinh tế, lao động có kỹ thuật chưa được chú trọng đào tạo cơ bản làm giảm khả năng huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp.

Phần thứ hai

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Việc phát công nghiệp có tiềm năng thế mạnh của tỉnh tập trung 04 lĩnh vực chủ yếu sau:

+ Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản;

+ Công nghiệp thủy điện;

+ Công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm;

+ Công nghiệp khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng ( VLXD).

- Đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp có thế mạnh và hiệu quả có các ngành nghề và quy mô phù hợp với tính chất và khả năng cung ứng của vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ tiên tiến, theo hướng hiện đại và thân thiện với môi trường; tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao, giá thành hợp lý, có sức cạnh tranh trên thị trường trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

- Phát triển sản xuất công nghiệp có thế mạnh và hiệu quả của tỉnh phải đặt trong sự phát triển nhanh và bền vững, giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng; công nghiệp phát triển nhanh và bền vững trở thành động lực chính thúc đẩy các ngành nông - lâm - ngư nghiệp, xây dựng, dịch vụ phát triển.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

- Phát triển ngành công nghiệp có thế mạnh và hiệu quả của tỉnh, bao gồm: Khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp thủy điện, công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm, khai thác sản xuất VLXD, đến năm 2015 ngành công nghiệp tỉnh Hà Giang phát triển mạnh và bền vững, với mục tiêu tạo ra sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

- Đầu tư cải tạo, mở rộng đối với các cơ sở sản xuất đang hoạt động theo quy hoạch được duyệt; đầu tư cải tạo công nghệ, thiết bị hoặc thay thế các cơ sở khai thác, chế biến đã lạc hậu, gây ô nhiễm lớn tới môi trường.

- Tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh để nhanh chóng đưa ngành công nghiệp khai khoáng - luyện kim, công nghiệp thủy điện, công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm, công nghiệp khai thác sản xuất VLXD gắn với phát triển hệ thống khu, cụm công nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng có vai trò quyết định đến sự phát triển kinh tế của tỉnh và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao tỷ trọng ngành công nghiệp công nghiệp có thế mạnh và hiệu quả của tỉnh trong GDP, phấn đấu đến năm 2015 cơ cấu GDP Công nghiệp - Xây dựng đạt tỷ trọng 34,1%, tốc độ tăng trưởng ngành Công nghiệp 19,5%; giá trị sản xuất công nghiệp (giá thực tế) 2.000 tỷ.

- Một số chỉ tiêu sản phẩm công nghiệp có thế mạnh và hiệu quả chủ yếu đến năm 2015:

+ Điện sản xuất                                                 2.000 Triệu KWh;

+ Chế biến chè                                                  60.000 tấn;

+ Giấy bột giấy                                                 15.000 tấn;

+ Gỗ ép nhân tạo                                              100.000 m3

+ Feromangan                                                   40.000 tấn;

+ Đioxit mangan tự nhiên                                   20.000 tấn;

+ Chì kẽm                                                         15.000 tấn;

+ Phôi thép                                                       500.000 tấn;

+ Antimon kim loại                                            3.200 tấn;

+ Sản xuất các loại gạch, ngói xây dựng            100 triệu viên.

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP CÓ THẾ MẠNH VÀ HIỆU QUẢ

1. Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, luyện kim

Kế thừa những kết quả đã đạt được công tác quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản đang trên đà hồi phục sau cơn bão kinh tế làm suy thoái trong thời gian qua, ngành công thương tiếp tục đôn đốc các chủ dự án khẩn trương và cho vào vận hành các dây chuyền tuyển quặng như sắt, chì kẽm, Mangan, Antimon, thiếc - Vonfram để tạo ra giá trị sản phẩm, tăng tỷ trọng công nghiệp khai khoáng lên một tầm cao mới xứng đáng là ngành sản xuất công nghiệp hiệu quả và có thế mạnh của tỉnh.

Khai thác tài nguyên khoáng sản phải gắn chặt với chế biến sâu, tạo ra sản phẩm cuối cùng trên địa bàn tỉnh. Phải tính đến nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài của đất nước, có tính đến xu hướng tiến bộ của khoa học công nghệ trong lĩnh vực sử dụng công nghệ mới và vật liệu thay thế.

1.1. Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản

1.1.1. Công nghiệp khai thác khoáng sản quặng sắt

Về sản phẩm quặng sắt: Công suất các dây truyền tuyển quặng sắt đạt 2,5 triệu tấn (thuộc các mỏ Lũng Rầy, Lũng Khòe, Sàng Thần, Tùng Bá, Suối Thâu, Thâm Thiu....).

- Đối với mỏ quặng sắt Tùng Bá - Vị xuyên

+ Quý IV/2011 đưa mỏ và nhà máy đi vào hoạt động đạt 40 - 60% công suất thiết kế.

+ Mở rộng quy mô khai thác mỏ quặng sắt Tùng Bá giai đoạn 2 đạt công suất thiết kế 1,5 triệu tấn nguyên khai vào năm 2015.

- Đối với mỏ quặng sắt Sàng Thần - Bắc Mê

+ Quý I+III/2012 mỏ đạt công suất thiết kế và nhà máy đi vào hoạt động ổn định.

+ Quý IV/2012 đạt công suất khai thác theo thiết kế và nhà máy tuyển đi vào hoạt động ổn định.

- Đối với các mỏ Thâm Thiu, Suối Thâu - Bắc Mê

+ Dự kiến Quý III/2012 tiến hành xong công tác xây dựng cơ bản mỏ và nhà máy tuyển quặng.

+ Quý IV/2012 đến Quý II/2013 đạt công suất theo thiết kế và nhà máy tuyển đi vào hoạt động ổn định

- Mỏ quặng sắt Lũng Rầy - Thuận Hòa

+ Quý IV/2011 tiến hành xong công tác xây dựng nhà máy tuyển quặng sắt tại cụm công nghiệp Thuận Hòa 1 và đưa vào hoạt động.

- Mỏ quặng sắt Lũng Khỏe - Thuận Hòa

+ Quý IV/2011 đến Quý III/2012 tiến hành xong công tác xây dựng cơ bản mỏ và nhà máy tuyển quặng.

+ Quý IV/2012 đến Quý II/2013 mỏ đạt công suất thiết kế và nhà đi vào hoạt động ổn định.

Các mỏ khác như Nam Lương, Bản Đén

Sau khi tiến hành công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng sẽ đưa vào khai thác năm 2012 và năm 2013.

1.1.2. Đối với công nghiệp khai thác chế biến quặng mangan

- Tổng công suất khai thác tại các mỏ quặng mangan là 553.403 tấn quặng nguyên khai/năm, cho ra sản phẩm tinh quặng với các dây truyền tuyển là 282.645 tấn/năm.

- Tất cả các mỏ quặng mangan đã được cấp phép được tiến hành theo đúng dự án đã án được phê duyệt và thực hiện theo đúng cam kết lộ trình. Đến hết quý III/2012 phải đồng bộ đưa các mỏ này vào hoạt động để phục vụ cho các nhà máy luyện kim của tỉnh.

- Huy động nguồn nguyên liệu quặng mangan từ các mỏ thuộc Trung ương quản lý để phục vụ cho các nhà máy luyện feromangan, nhà máy luyện mangan kim loại điện giải, đioxit mangan tự nhiên của tỉnh, sau khi đã kết thúc công tác thăm dò và được nhà nước phê duyệt trữ lượng .

1.1.3. Đối với công nghiệp khai thác quặng chì kẽm

- Đẩy nhanh tiến độ khai thác các mỏ quặng chì kẽm đã và đang hoạt động để đạt công suất thiết kế vào quý III/2012.

- Các mỏ đã được cấp phép chưa tiến hành đầu tư phải được tiến hành xây dựng cơ bản và lắp đặt xong xưởng tuyển vào quý IV/2011 và đạt công suất thiết kế vào quý IV/2012 để phục vụ nguyên liệu cho nhà máy luyện chì của tỉnh.

1.1.4. Đối với công nghiệp khai thác quặng Antimon

- Đối với mỏ quặng Antimon Pó Ma

+ Sau khi thăm dò nâng cấp trữ lượng sẽ đưa mỏ vào hoạt động và đạt công suất thiết kế quý IV/2012.

- Đối với mỏ Antimon Mậu Duệ, Bó Mới

+ Đạt công suất suất khai thác 10.000 tấn quặng nguyên khai/năm vào năm 2012 theo dự án đã được phê duyệt.

+ Hoàn thiện công tác thăm dò trữ lượng mỏ Antimon Bó Mới, trình Hội đồng đánh giá trữ lượng Quốc gia phê duyệt trong năm 2012. Tiến hành lập dự án và đưa mỏ hoạt động vào quý IV/2012 để phục vụ nguyên liệu cho nhà máy luyện Antimon kim loại tại Mậu Duệ.

- Đối với mỏ Antimon Lẻo A

Cùng với việc tổ chức khai thác đạt công suất thiết kế, tiếp tục tiến hành thăm dò nâng cấp trữ lượng để nâng cao năng lực sản xuất cho mỏ phục vụ tốt nguyên liệu cho nhà máy và đạt công suất thiết kế vào quý III/2012.

- Công tác đánh giá bổ sung nguồn nguyên liệu

- Tiếp tục nguyên cứu tìm kiếm thăm dò mở rộng các vùng mỏ đã được cấp phép theo quy hoạch của Trung ương và của tỉnh làm cơ sở nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy luyện antimon kim loại của tỉnh. Đồng thời tìm kiếm nguồn nguyên liệu quặng antimon ngoài tỉnh và có thể nhập khẩu quặng antimon có chất lượng cao để phục vụ cho công tác luyện antimon kim loại khi có nhu cầu.

1.1.5. Các loại khoáng sản khác

- Khai thác chế biến quặng thiếc - Vonfram Hố Quáng Phìn được tiến hành vào Quý IV/2011.

- Các dự án khai thác khoáng sản phi kim loại đã được cấp phép được tiến hành khai thác vào năm 2012 - 2013.

1.2. Công nghiệp luyện kim

Trên cơ sở các quy hoạch của Trung ương và của địa phương đã được phê duyệt như Sắt, Chì Kẽm, Anitmon, Mangan, ngành công nghiệp Hà Giang đã định hướng để phát triển ngành công nghiệp luyện kim của tỉnh dựa trên 4 loại khoáng sản chính như sau:

1.2.1. Đối với dự án luyện thép

Căn cứ kết quả thăm dò tại mỏ quặng sắt Tùng Bá, sắt Sàng Thần, sắt Thầu Lũng, Suối Thâu, Thâm Thiu và đánh giá khoáng sản ở các điểm mỏ quặng sắt khác còn lại trên địa bàn tỉnh.

Dự kiến quý III/2012 nhà máy luyện thép trên địa bàn tỉnh Hà Giang được khởi công xây dựng.

- Đến quý III/2015 kết thúc giai đoạn đầu tư xây dựng nhà máy.

- Nhà máy được đặt tại khu công nghiệp Bình Vàng sử dụng công nghiệp phi coker hoặc công nghệ lò cao truyền thống.

1.2.2. Đối với dự án luyện Feromangan, mangan điện giải, đioxit mangan tự nhiên

- Nhà máy luyện Feromangan do Công ty TNHH Bai Mai làm chủ đầu tư với công suất 10.000 tấn sản phẩm Feromangan/năm với công nghệ lò điện hồ quang kiểu bán kín với công suất lò 6300 KVA tại khu công nghiệp Bình Vàng, quý III/ 2012 đi vào hoạt động và cho ra sản phẩm.

- Nhà máy luyện Feromangan do Công ty cổ phần mangan Việt Bắc làm chủ đầu tư với công suất giai đoạn I là 21.600 tấn sản phẩm Feromangan /năm với công nghệ lò điện hồ quang kiểu bán kín với công suất lò 12.500 KVA tại khu công nghiệp Bình Vàng, quý IV/ 2012 đi vào vận hành và cho ra sản phẩm.

- Dự kiến mở rộng dây truyền sản xuất mangan kim loại điện giải có công suất 20.000 tấn sản phẩm /năm tại khu công nghiệp Bình Vàng vào năm 2012.

- Dự kiến đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất đioxit mangan tự nhiên với công suất từ 10.000 - 15.000 tấn/ năm được đầu tư tại cụm công nghiệp Nam Quang vào năm 2012, để phục vụ cho các nhà máy sản xuất pin khô trong nước, cung cấp cho các nhà máy sản xuất sơn..., sử dụng nguồn nguyên liệu từ các mỏ mangan có hàm lượng nghèo không đạt tiêu chuẩn để phục vụ cho khai thác luyện, tận thu nguồn nguyên liệu tại các bãi thải tuyển của các mỏ trong tỉnh.

1.2.3. Đối với dự án luyện chì thỏi

- Căn cứ Quyết định số 176/2006/QĐ-TTg ngày 01/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng chì, kẽm giai đoạn 2006 - 2015, có xét đến năm 2020. Trên địa bàn Hà Giang có quy hoạch xây dựng nhà máy luyện kim loại chì điện phân tách bạc công suất 5.000 - 10.000 tấn/năm.

- Dự kiến nhà máy luyện chì thỏi tách bạc sẽ được khởi công vào Quý IV/2012.

1.2.4. Đối với các dự án luyện Antimon

Hoạt động khai thác và chế biến sâu quặng Antimon đã đảm bảo đồng bộ từ khâu khai thác đến khâu sản xuất ra đến sản phẩm cuối cùng.

Dự kiến sẽ mở rộng và nâng cấp nhà máy luyện Antimon Mậu Duệ lên 2.000 tấn/năm vào năm 2015.

- Quý III/2012 nhà máy Antimon Khâu Vai tiếp tục đi vào vận hành khi đã xác định được nguồn nguyên liệu và hiệu chỉnh đồng bộ thiết bị để phù hợp với tính chất quặng Antimon Pó Ma.

- Đối với nhà máy luyện Antimon Lẻo A dự kiến quý I/2013, sẽ tiến hành khởi công dây truyền luyện antimon kim loại giai đoạn II của dự án, sau khi đã xác định rõ được nguồn nguyên liệu.

2. Định hướng phát triển ngành công nghiệp thủy điện giai đoạn từ 2011 -2015

Tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch của một số dự án để khai thác tối đa năng lượng dòng chảy tự nhiên tạo ra nguồn năng lượng điện. Phát huy mạnh mẽ nội lực, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, tiếp tục kêu gọi đầu tư, tạo môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư đăng ký đầu tư đối với các dự án hiện chưa có chủ đầu tư, kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn (có Bảng 2-1 Định hướng phát triển ngành công nghiệp thủy điện giai đoạn từ 2011 - 2015 kèm theo).

3. Định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm

3.1. Công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm

- Đối với cây chè:

+ Trong năm 2011 thực hiện xong việc quy hoạch vùng chè của các huyện, các xã trên cơ sở đó tập trung vào đầu tư phát triển.

+ Phấn đấu trồng mới 800 ha trong năm 2011, đưa tổng diện tích chè toàn tỉnh đạt trên 19.700 ha vào năm 2011, trong đó có trên 15.300 ha chè kinh doanh. Thiết lập vùng chè tập trung gắn với đầu tư các cơ sở chế biến sản phẩm xuất khẩu tại các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Quang Bình. Kết hợp phát triển vùng chè đặc sản như chè Ngam La, chè Lũng Phìn và một số nơi có điều kiện.

+ Đẩy mạnh đầu tư thâm canh: Phấn đấu đưa năng suất bình quân của tỉnh đến hết năm 2015 đạt 50 - 60 tạ/ha. Sản lượng chè búp tươi phấn đấu đạt 12 vạn tấn.

+ Khuyến khích đầu tư công nghệ chế biến theo tiêu chuẩn ISO; thực hiện sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn chè an toàn, chè sạch. Đây là mục tiêu chiến lược nhằm làm tăng sản lượng sản phẩm xuất khẩu và giá trị sản phẩm chè Hà Giang.

+ Một số chè đặc sản như Shan tuyết cổ thụ được ưa chuộng và có giá trị thương mại cao. Vì vậy, tỉnh cần tăng cường đầu tư thâm canh, chọn giống chè có chất lượng cao, vận động nhân dân trồng chè không dùng phân hóa học hoặc thuốc trừ sâu để sản phẩm đạt tiêu chuẩn chè sạch, phục vụ khách du lịch cũng như tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu.

+ Tiếp tục phát triển mạnh cây chè, coi trồng chè là một mũi nhọn của ngành nông nghiệp, trồng mới chè chất lượng cao (chủ yếu là chè Shan), cải tạo thâm canh cây chè để đạt năng suất 5 tấn búp tươi/ha, trồng mới 600 ha chè.

+ Đầu tư công nghệ hiện đại để chế biến chè sạch, chè đặc sản chất lượng cao.

+ Tập trung nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm đồng đều và uy tín của chè Hà Giang. Năm 2015 đạt sản lượng chè khô 50.000 tấn/năm. Trong đó có 30.000 tấn xuất khẩu trực tiếp, phấn đấu có giá trị bình quân 3 ÷ 5 USD/kg/ sản phẩm chè khô.

+ Kiểm tra, rà soát lại các cơ sở chế biến chè trên địa bàn tỉnh Hà Giang về công nghệ, thiết bị, thực hiện các thủ tục hồ sơ pháp lý theo quy định. Tiếp tục hỗ trợ đầu tư mới, đổi mới công nghệ và đóng cửa các cơ sở sản xuất không đủ thủ tục pháp lý theo quy định, các cơ sở có công nghệ sản xuất lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.

- Quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm quy mô, công nghệ phù hợp: Chế biến cam, thảo quả, đậu tương, chế biến thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc...

- Đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến đậu tương trên địa bàn các huyện gắn với vùng nguyên liệu, thúc đẩy phát triển cây đậu tương hàng hóa tập trung tỉnh Hà Giang giai đoạn năm 2011 - 2015.

- Xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc tại khu công nghiệp Bình Vàng, có công suất 10.000 - 20.000 tấn/năm.

- Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông lâm sản: Chế biến thức ăn gia súc, chế biến thực phẩm, chế biến hoa quả...

(Có Bảng 2-2 Danh sách các dự án đầu tư vào ngành CN chế biến nông sản, thực phẩm giai đoạn 2012-2015 kèm theo).

3.2. Chế biến lâm sản

- Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm ít ảnh hưởng đến môi trường, bao gồm các các sản phẩm ván nhân tạo: Ván MDF, ván ghép thanh, ván dán, ván sàn, dăm công nghiệp; không đầu tư mới các cơ sở chế biến bột giấy trên địa bàn.

- Quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến lâm sản: Nhà máy sản xuất dăm công nghiệp, nhà máy ván MDF + ván ghép thanh, nhà máy sản xuất ván nhân tạo...

- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy Nhà máy khăn giấy vệ sinh cụm công nghiệp Nam Quang, công suất 10.000 tấn SP/năm; Nhà máy chế biến gỗ MDF + ghép thanh, Khu công nghiệp Bình Vàng, công suất 100.000 m3SP/năm (02 nhà máy hiện đang đầu tư xây dựng).

- Đầu tư nhà máy sản xuất ván nhân tạo, công suất 20.000 tấn/năm, tại cụm công nghiệp Khô Khê - Việt Vinh.

- Đầu tư nhà máy sản xuất ván nhân tạo, công suất 20.000 tấn/năm, tại cụm công nghiệp Yên Định (để sử dụng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng trên địa bàn hyện Bắc Mê..).

(có Bảng 2-3 Danh sách các dự án chế biến lâm sản giai đoạn 2011 - 2015 kèm theo).

4. Định hướng công nghiệp khai thác, chế biến VLXD

- Khoanh vùng quy hoạch tập trung cho việc khai thác khoáng sản VLXD đảm bảo phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2015 đạt 100 triệu viên gạch các loại. Trong đó sản phẩm từ gạch nung từ 30 %, sản phẩm gạch không nung (Công nghệ đất hóa đá + gạch bê tông) đạt 40% - 60%.

- Hoàn thiện công tác đầu tư xây dựng các nhà máy gạch tuynel sử dụng công nghệ tiên tiến đảm bảo hạn chế tác động đến môi trường, cho ra sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh, đồng thời xuất bán ra thị trường ngoài tỉnh. Các dự án này được thực hiện tại các huyện phía nam của tỉnh như Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình.

- Đến năm 2015 xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch thủ công sản lượng thấp, không theo quy hoạch gây ô nhiễm môi trường. Các cơ sở này đang tồn tại thuộc địa bàn các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang.

- Triển khai đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung sử dụng công nghệ đất hóa đá, đưa sản phẩm gạch không nung vào xây dựng các công trình công sở đạt tỷ lệ hóa 30% theo định hướng của Chính phủ. Dự án này được đầu tư xây dựng tại khu công nghiệp Bình Vàng.

- Đối với 04 huyện vùng cao núi đá nằm trong hệ thống cao nguyên địa chất Đồng Văn việc khai thác VLXD để giải quyết nhu cầu nguyên liệu tại chỗ. Mặt khác phải xây dựng quy hoạch phân vùng khai thác VLXD tập trung không để tình trạng khai thác đá làm VLXD tràn lan như hiện nay, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan của cao nguyên địa chất Đồng Văn, xóa bỏ dần các cơ sở sản xuất VLXD nhỏ lẻ phân tán gây mất an toàn lao động.

- Tiếp tục mở rộng dây truyền sản xuất đá xẻ tại huyện Vị Xuyên để phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Hoàn thiện công tác điều tra vùng nguyên liệu đá trắng tại khu vực xã Đồng Tâm, huyện Bắc Quang là cơ sở cho việc lập và xây dựng dự án khai thác đá trắng tại đây.

- Khôi phục nhà máy sản xuất bột cao lanh, felspat huyện Bắc Quang sử dụng công nghệ tiên tiến để tận thu tối đa tài nguyên và nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ cho các nhà máy gốm sứ, sản xuất sơn trong nước.

- Nâng cấp cải tiến công nghệ sản xuất xi măng của nhà máy xi măng Hà Giang đạt công suất 1.000 tấn claker/ngày đảm bảo chất lượng, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường đáp ứng được nhu cầu xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh tại xã Ngọc Đường.

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

Thực hiện Đề án phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có tiềm năng thế mạnh của tỉnh giai đoạn 2012 - 2015 tập trung vào 8 nhóm giải pháp; trong đó xác định các giải pháp tạo đột phá là: Giải pháp về đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng thu hút đầu tư, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, cụ thể:

1. Giải pháp về công tác quy hoạch

- Tập trung đẩy nhanh công tác quy hoạch đối với từng lĩnh vực cụ thể làm tiền đề cho việc định hướng sản xuất công nghiệp trong những năm tới trong đó quy hoạch các loại khoáng sản, quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến nông lâm sản, quy hoạch các khu cụm công nghiệp, quy hoạch nguồn nhân lực.

- Ưu tiên bố trí kinh phí thực hiệc quy hoạch cho từng lĩnh vực trong thời gian tới.

- Phấn đấu đến hết năm 2015 lấp đầy khu công nghiệp Bình Vàng và các cụm công nghiệp đã được quy hoạch và đầu tư xây dựng.

2. Giải pháp về vốn

- Lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, quyết tâm cao bỏ vốn đầu tư san lấp, xây dựng kết cấu hạ tầng bên trong khu, cụm công nghiệp. Tranh thủ các nguồn vốn Trung ương và ngân sách tỉnh ưu tiên hàng năm hỗ trợ nguồn vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và hỗ trợ đền bù, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có tiềm năng thế mạnh của tỉnh .

- Tăng nguồn kinh phí khuyến công địa phương hàng năm, để hỗ trợ các cơ sở chế biến nông lâm sản, thực phẩm trên địa bàn: Đổi mới công nghệ, đào tạo nghề, xử lý môi trường...

- Kêu gọi vốn ODA đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nhằm thu hút các nhà đầu tư phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có tiềm năng thế mạnh của tỉnh.

- Thực hiện tốt các quy định và chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của nhà nước, của tỉnh. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đa dạng hoá nguồn vốn và hình thức đầu tư vào phát triển công nghiệp. Đảm bảo các điều kiện pháp lý bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư.

- Thực hiện đầu tư tập trung, có trọng điểm; chủ động tìm nhiều giải pháp huy động vốn, đặc biệt nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Xây dựng được môi trường sản xuất kinh doanh ít độc quyền, công khai, minh bạch.

- Xây dựng danh mục các dự án gọi vốn đầu tư, cung cấp các thông tin chi tiết về từng dự án và các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh cho các nhà đầu tư kịp thời, công khai và minh bạch.

3. Giải pháp về xây dựng hạ tầng và tạo mặt bằng thu hút nhà đầu tư

- Tập trung làm tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng để mời gọi, thu hút nhà đầu tư. Huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội trong đó có phát triển hạ tầng giao thông.

- Đặc biệt bố trí ngân sách địa phương xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào (điện, giao thông, cấp thoát nước...) kịp thời, đồng bộ với tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng trong hàng rào các khu, cụm công nghiệp.

- Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng bên trong khu, cụm công nghiệp.

4. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực

- Nhanh chóng đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân lành nghề, từng bước làm chủ việc thăm dò và khai thác, chế biến khoáng sản, xây dựng và vận hành các dự án thủy điện.

- Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực dưới nhiều hình thức để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp. Chú trọng đào tạo lao động cung ứng cho các ngành nghề mới; đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp.

- Kết hợp đào tạo nghề dài hạn để có đội ngũ công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ lành nghề với việc đào tạo nghề ngắn hạn nhằm cung cấp kịp thời lao động cho sản xuất công nghiệp.

- Chú trọng đào tạo nghề cho lao động ở các khu vực có đất bị thu hồi chuyển thành các khu, cụm công nghiệp.

- Quy hoạch hệ thống đào tạo - dạy nghề. Củng cố và nâng cao các trường dạy nghề trọng điểm của tỉnh. Thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo nghề, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động có cơ hội học nghề, tìm kiếm việc làm.

5. Giải pháp về thị trường

- Tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia giới thiệu quảng bá sản phẩm của mình tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh. Thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh phát triển thị trường cho các sản phẩm công nghiệp của tỉnh.

- Tăng cường hoạt động nghiên cứu, dự báo của các cơ quan chức năng cung cấp công khai các thông tin kinh tế, thị trường đến doanh nghiệp, tư vấn thị trường tiêu thụ sản phẩm giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng xây dựng và điều hành chiến lược đầu tư, sản xuất kinh doanh.

- Từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm công nghiệp đủ mạnh ở cấp độ khu vực và quốc tế, xây dựng hệ thống tiêu thụ và phân phối sản phẩm nhằm phát triển và giữ vững thị phần trong nước và quốc tế.

6. Giải pháp phát triển khoa học công nghệ

- Ưu tiên lựa chọn thiết bị, công nghệ mới theo hướng sản xuất sạch với các tiêu chí năng suất cao, ít tiêu hao nguyên, nhiên liệu, năng lượng, bảo đảm an toàn và thân thiện với môi trường sinh thái. Coi trọng và đẩy mạnh việc áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn trong sản xuất để vừa nâng cao hiệu quả sản xuất vừa cải thiện và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị, nâng cao năng lực quản lý.

- Lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp với quy mô và tính chất của nguyên liệu đối với các dự án đầu tư mới. Đảm bảo yêu cầu xử lý tốt chất thải của các các dự án, đảm bảo môi trường sinh thái, phát triển bền vững và tuân thủ theo quy định của pháp luật.

- Đảm bảo vốn đầu tư cho khoa học - công nghệ từ các nguồn (ngân sách nhà nước, vốn của các doanh nghiệp, vốn của các tổ chức tài chính, tài trợ của các tổ chức quốc tế và nước ngoài).

- Đối với các dự án đầu tư mới cần áp dụng công nghệ phù hợp với từng giai đoạn phát triển, không nhập khẩu công nghệ và thiết bị đã lạc hậu.

- Kinh phí sự nghiệp KHCN của tỉnh hỗ trợ hàng năm cho phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin của tỉnh phục vụ nghiên cứu khoa học - công nghệ, quản lý vĩ mô và hoạt động kinh doanh.

- Đưa công tác thẩm định công nghệ vào nề nếp, đảm bảo quyền lợi của bên bán công nghệ và các doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ, thực hiện tốt các cơ chế chính sách của Chính phủ về chuyển giao công nghệ.

7. Giải pháp bảo vệ môi trường

- Triển khai thực hiện tốt chính sách di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp vào trong các khu, cụm công nghiệp để thuận lợi cho việc kiểm soát và khắc phục tình trạng ô nhiễm.

- Tiến hành đánh giá cụ thể hiện trạng môi trường đối với các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất đang hoạt động để có phương án xử lý chung trên địa bàn cũng như từng khu vực. Định kỳ quan trắc, phân tích thành phần các chất thải độc hại.

- Quy hoạch thoát nước cho khu, cụm công nghiệp phải tính đến nguồn tiêu nước cụ thể. Áp dụng 02 hệ thống xử lý nước thải: Hệ thống xử lý nước tại chỗ cho từng nhà máy và Hệ thống xử lý chung của khu, cụm công nghiệp.

8. Giải pháp nâng cao năng lực quản lý ngành công nghiệp

- Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính mà trước hết là cải cách thủ tục hành chính. Thống nhất một đầu mối quản lý nhà nước là Sở Công thương. Nâng cao năng lực quản lý điều hành của cán bộ quản lý nhà nước.

- Thực hiện tốt công tác rà soát quy hoạch, xử lý chồng lấn giữa các quy hoạch. Quy hoạch ngành công nghiệp cần được chú trọng, cập nhật thường xuyên, quán triệt, tổ chức thực hiện thống nhất từ tỉnh đến các doanh nghiệp.

- Tiếp tục phân cấp giữa tỉnh, ngành và huyện, thành phố trên cơ sở gắn trách nhiệm với quyền hạn, nghĩa vụ với quyền lợi. Tăng cường chế độ giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, cơ chế đã ban hành.

- Hoàn thiện các quy hoạch trong các lĩnh vực công nghiệp làm cơ sở để thu hút đầu tư, tăng cường quản lý và triển khai có hiệu quả các quy hoạch đã được phê duyệt.

- Ban hành các cơ chế chính sách đủ mạnh để thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng về vốn, kỹ thuật công nghệ, năng lực đầu tư phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có tiềm năng thế mạnh của tỉnh.

- Công bố công khai và tổ chức thực hiện các kế hoạch phát triển ngành công nghiệp; tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành chức năng và các doanh nghiệp; nâng cao vai trò tham mưu tư vấn và trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành chức năng.

- Thường xuyên kiểm tra đôn đốc và giải quyết kịp thời những vướng mắc khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án phát triển công nghiệp đảm bảo có hiệu quả, đúng pháp luật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính trong triển khai thủ tục đầu tư, hồ sơ đầu tư. Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào địa bàn. Xây dựng cơ chế, chính sách để các cấp, các ngành có trách nhiệm và điều kiện tham gia xúc tiến đầu tư ngành công nghiệp tạo niềm tin và môi trường đầu tư lành mạnh đối với các nhà đầu tư vào tỉnh.

- Các nhà máy đang sản xuất gây ô nhiễm môi trường, gây tổn thất tài nguyên, chất lượng sản phẩm không đủ tính cạnh tranh... phải thực hiện đổi mới, nâng cấp dây truyền công nghệ kết thúc vào năm 2012. Sau năm 2012 các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp không thực hiện việc nâng cấp đổi mới dây truyền công nghệ tỉnh sẽ đình chỉ hoạt động của nhà máy này.

- Các dự án đã được tỉnh chủ trương đầu tư và đủ điều kiện để khởi công xây dựng nhưng chủ dự án triển khai chậm so với tiến độ hoặc không triển khai xây dựng. Sau 06 tháng tỉnh sẽ thu hồi các chủ trương hoặc giấy chứng nhận đầu tư (nếu có).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương

- Chịu trách nhiệm làm đầu mối theo dõi việc thực hiện Đề án này, hàng quý, 06 tháng, năm báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện. Đồng thời chịu trách nhiệm tổng hợp các ý kiến đóng góp, phản hồi từ các sở ngành, cộng đồng doanh nghiệp tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung Đề án cho phù hợp với thực tế.

- Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh vào các cụm công nghiệp. Huy động các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp sản xuất vào cụm công nghiệp nhằm tăng sức thu hút vào khu vực nông thôn, tạo điều kiện phát triển đồng đều giữa các vùng.

- Sử dụng có hiệu quả kinh phí khuyến công từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương hỗ trợ cho phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có tiềm năng thế mạnh của tỉnh.

- Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có tiềm năng thế mạnh của tỉnh trong việc giới thiệu, quảng bá, khảo sát thị trường và tham gia hội chợ - triển lãm các sản phẩm lợi thế của tỉnh theo kế hoạch xúc tiến thương mại được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt hàng năm.

- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tạo mối liên kết với các Viện, các trường đại học nghiên cứu chuyển giao ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ - thiết bị đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có tiềm năng thế mạnh của tỉnh.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Xây dựng trong việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu cho cung cấp cho các nhà máy chế biến sâu khoáng sản; trong công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, bồi thường GPMB để thực hiện các dự án phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Xây dựng

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát và điều chỉnh quy hoạch khai thác, chế biến VLXD trên địa bàn tỉnh phù hợp với định hướng của Đề án này.

- Phối hợp các sở ngành liên quan các nhà đầu tư đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng các dự án thuộc lĩnh vực VLXD, ứng dụng công nghệ tiên tiến đảm bảo ít gây ô nhiễm môi trường.....

- Nghiên cứu xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành các định mức sản xuất, tiêu chuẩn sản phẩm gạch xây không nung và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh thực hiện.

- Nghiên cứu áp dụng công nghệ vào chế biến đá xay thành cát nhân tạo thay thế cát vàng trong kết cấu bê tông.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh các chính sách đã có và bổ sung các chính sách mới để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có tiềm năng thế mạnh của tỉnh.

- Phối hợp với các địa phương và sở, ngành liên quan, các doanh nghiệp đầu tư các ngành nghề, lĩnh vực sản phẩm lợi thế của tỉnh để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thông qua các đơn vị đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nông thôn, trong đó ưu tiên mời gọi, lựa chọn những tập đoàn mạnh, nhà đầu tư có năng lực tham gia đầu tư những dự án không sử dụng nguyên liệu địa phương nhưng đáp ứng yêu cầu thị trường, giải quyết lao động.

- Tranh thủ nguồn vốn Trung ương và ưu tiên các nguồn vốn địa phương để đầu tư xây dựng, mở rộng các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp như: Trục giao thông chính, công trình cấp thoát nước sản xuất phục vụ cho các khu, cụm công nghiệp…

5. Sở Tài chính

Hàng năm cân đối ngân sách ưu tiên để tham mưu cho UBND tỉnh bố trí vốn cho các hoạt động phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Ưu tiên phân bổ nguồn vốn cho các dự án công trình ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp tập trung (đường giao thông, cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải). Phối hợp cùng Sở Công Thương và các sở ngành liên quan xây dựng và triển khai các chính sách di dời, hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp.

6. Sở Lao động Thương binh và Xã hội

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn lao động cung ứng cho các ngành nghề mới, kết hợp đào tạo nghề trung và dài hạn để có đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, kết hợp với việc đào tạo nghề ngắn hạn nhằm cung cấp kịp thời lao động cho phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Chú trọng đào tạo nghề cho lao động ở các khu vực có đất bị thu hồi chuyển thành các khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp nông thôn.

- Triển khai thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 một cách có hiệu quả.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên môi trường, các sở ngành và địa phương liên quan rà soát, đưa ra quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Giang thời kỳ 2011 - 2020 sang sử dụng vào mục đích phục vụ phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có tiềm năng thế mạnh của tỉnh.

- Quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm quy mô, công nghệ phù hợp: Nhà máy ván MDF + ván ghép thanh, chè, giấy, chế biến thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc...

8. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện quy hoạch, giải phóng mặt bằng tại các nhà máy và cụm công nghiệp, phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có tiềm năng thế mạnh của tỉnh.

Trong quá trình thực hiện Đề án, các vấn đề phát sinh cần điều chỉnh, bổ sung, yều cầu các ngành, các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan kịp thời báo cáo (thông qua Sở Công Thương) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh./.

 

DANH MỤC

CÁC DỰ ÁN THUỶ ĐIỆN PHÁT ĐIỆN VÀO LƯỚI TRUNG THẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG
(Kèm theo Đề án số 92/ĐA-UBND, ngày 17 tháng 7 năm 2012 của UBND tỉnh Hà Giang)

Bảng 1-2:

TT

Công trình

Địa điểm

Điện áp
(kV)

Công suất phát (MW)

Sản lượng 2010 (kWh)

Năm vận hành

1

TĐ Nậm Mu

Bắc Quang

35/0,4

12

62.601.880

2004

2

TĐ Nậm Má

Vị Xuyên

22/0,4

3,2

6.646.236

1989

3

TĐ Hạ Thành (302)

TP Hà Giang

22/0,4

0,5

1.161.704

1968

4

TĐ Suối Sửu 2

Vị Xuyên

35/0,4

2,4

3.860.808

2010

5

TĐ Thác Thúy

(Việt Long 1)

Bắc Quang

22/0,4

2,68

8.655.485

1986

6

TĐ Việt Lâm

(Việt Long 2)

Vị Xuyên

35/0,4

0,9

3.540.589

1986

7

TĐ Nậm Sửu (304)

Vị Xuyên

22/0,4

0,5

971.249

1968

8

TĐ Pó Củng

Bắc Mê

10/0,4

0,25

332.634

1990

9

TĐ Séo Hồ

Đồng Văn

10/0,4

0,5

680.286

1996

10

TĐ Nậm Ngần 2

Vị Xuyên

10/110

13,5

680.286

1996

Bảng 1-3: Danh sách các dự án Quy hoạch giai đoạn 1

TT

Công trình

Huyện

Công trình đặt trên

Nlm (MW)

1

Nậm Ngần 2

Quảng Ngần

Vị Xuyên

Nậm Am

13,5

2

Suối Sửu 2

Phương Tiến

Vị Xuyên

Suối Sửu

2,4

3

Sông Miện 1(Thái An)

Thái An

Quản Bạ

Sông Miện

82,0

4

Thanh thuỷ 2

Thanh Đức - Thanh Thuỷ

Vị Xuyên

Thanh Thuỷ

8,0

5

Sông Con 2

Yên Bình

Quang Bình

Sông Con

19,5

6

Sông Miện (Bát Đại Sơn)

Bát Đại Sơn

Quản Bạ

Sông Miện

6,0

7

Suối Sửu 1

Phương Tiến

Vị Xuyên

Suối Sửu

3,2

8

Nậm Li 1

Quảng Nguyên

Xín Mần

Nậm Li

5,1

9

Nho Quế 3

Lũng Pú

Mèo Vạc

Nho Quế

110,0

10

Nho Quế 1

Sín Cái

Mèo Vạc

Nho Quế

36,0

11

Nho Quế 2

Lũng Pú

Mèo Vạc

Nho Quế

48,0

12

Nậm Má

Cao Bồ

Vị Xuyên

Nậm Má

2,7

13

Pắc Xum

Minh Tân

Vị Xuyên

Pắc Xum

1,7

14

Sông Bạc

Tân Trịnh

Quang Bình

Sông Bạc

42,0

15

Nậm Li 2

Quảng Nguyên

Xín Mần

Nậm Li

3,0

16

Sông Nhiệm 3

Niêm Sơn

Mèo Vạc

Sông Nhiệm

10,0

17

Bản Kiếng

Tùng Bá

Vị Xuyên

Là Mạ

3,6

18

Nậm Mu 1

Tân Thành

Bắc Quang

Nậm An

6,0

19

Thanh Thuỷ 1

Xín Chải – Thanh Đức

Vị Xuyên

Thanh Thuỷ

10,0

20

Phương Độ

Phương Độ

Vị Xuyên

Sông Lô

23,5

21

Nậm Khiêu

Thượng Sơn

Vị Xuyên

Nậm Khiêu

2,7

22

Nậm Yên

Chế Là

Xín Mần

Nấm Dẩn

3,8

23

Nậm Ngần 1

Thượng Sơn

Vị Xuyên

Nậm Ngần

3,60

24

Sông Miện 4

Thuận Hoà

Vị Xuyên

Sông Miện

13,5

25

Sông Nhiệm 1

Mậu Duệ

Yên Minh

Sông Nhiệm

1,7

 

Cộng

 

 

 

461,50

 

Bảng 1-4: Danh sách các dự án quy hoạch giai đoạn 2

TT

Công trình

Huyện

Công trình đặt trên

Nlm (MW)

1

Sông Miện 5

Thuận Hoà

Vị Xuyên

Sông Miện

16,50

2

Bản Rịa

Bản Rịa

Quang Bình

Nghĩa Đô

 2,00

3

Sông Chảy 2

Ngàm Đăng Vài

H.Su Phì

Sông Chảy

5,2

4

Nậm Khoà

Thông Nguyên

Hoàng Su Phì

Nậm Khoá

3,00

5

Suối Xảo 1

Bạch Ngọc

Vị Xuyên

Suối Xảo

1,60

6

Suối Xảo 2

Bạch Ngọc

Vị Xuyên

Suối Xảo

1,70

7

Suối Xảo 3

Đồng Tâm

Bắc Quang

Suối Xảo

1,80

8

Ngòi Quang

Tân Lập

Bắc Quang

Ngòi Quang

2,00

9

Sông Miện 2

Đông Hà

Quản Bạ

Sông Miện

5,50

10

Sông Con 3

Tiên Kiều

Bắc Quang

Sông Con

6,00

11

Lũng Phìn

Bạch Đích

Yên Minh

Lũng Phìn

1,20

12

Thanh Thuỷ 1a

Lao Chải

Vị Xuyên

Thanh Thuỷ

1,20

13

Thanh Thuỷ 2b

Lao Chải

Vị Xuyên

Thanh Thuỷ

2,80

14

He Ha

Nam Sơn

Hoàng Su Phì

Sông Chảy

1,00

15

Cốc Rế

Ngán Chiên

Xín Mần

Ta Lai

1,50

16

Sông Con 1

Nà Trì

Xín Mần

Sông Con

1,00

17

Ngòi Thản

Bằng Hành

Bắc Quang

Ngòi Thản

0,60

18

Ngòi Hít

Bằng Hành

Bắc Quang

Ngòi Hít

0,60

19

Nậm Mu 1A

Tân Lập

Bắc Quang

Nậm Mu

6,70

20

Suối Nghệ

Yên Hà

Quang Bình

Suối Nghệ

0,90

21

Nậm Hóp

Tiên Nguyên

Quang Bình

Nậm Hóp

4,80

22

Mận Thắng

Tân Nam

Quang Bình

Nậm Thê

1,70

23

Suối Chùng

Tân Trinh

Quang Bình

Suối Chùng

1,60

24

Nậm Lang

Ngọc Long

Yên Minh

Nậm Lang

1,50

25

Nậm Mạ 1

Tùng Bá

Vị Xuyên

Nậm Mạ

1,00

26

Nậm Mạ 2

Yên Định

Bắc Mê

Nậm Mạ

1,60

27

Suối Vầy

Minh Sơn

Bắc Mê

Suối Vầy

1,00

28

Nà Ngoòng

Minh Sơn

Bắc Mê

Nà Ngoòng

1,00

29

Nậm Tinh

Giáp Trung

Bắc Mê

Nậm Tinh

1,00

30

Nà Phia

Yên Phú

Bắc Mê

Nà Phia

0,90

31

Nà Luông

Yên Phú

Bắc Mê

Nà Luông

1,00

32

Nậm Mia

Yên Cường

Bắc Mê

Nậm Mia

1,00

33

Nậm Vàng

Đường Âm

Bắc Mê

Nậm Vàng

0,80

34

Bản Đúng

Đường Hồng

Bắc Mê

Bản Đúng

0,90

35

Sông Miện 5A

Thuận Hoà

Vị Xuyên

Sông Miện

5,00

36

Sông Miện 6

Quang Trung

TP Hà Giang

Sông Miện

4,60

 

Cộng

 

 

 

92,20

 

Bảng 1-5: Danh sách các dự án quy hoạch trên sông Lô, sông Chảy

TT

Công trình

Huyện

Công trình đặt trên

Nlm (MW)

1

Sông Lô 2

Đạo Đức

Vị Xuyên

Sông Lô

27,00

2

Sông Lô 3

Ngọc Linh

Vị Xuyên

Sông Lô

24,00

3

Sông Lô 4

Trung Thành

Vị Xuyên

Sông Lô

16,50

4

Sông Lô 5

Kim Ngọc

Bắc Quang

Sông Lô

21,00

5

Sông Lô 6

Vĩnh Hảo

Bắc Quang

Sông Lô

44,00

6

Sông Chảy 3

Tụ Nhân

Hoàng Su Phì

Sông Chảy

6,30

7

Sông Chảy 4

Chiến Phố

Hoàng Su Phì

Sông Chảy

6,30

8

Sông Chảy 5

Bản Díu

Xín Mần

Sông Chảy

12,00

9

Sông Chảy 6

Thèn Phàng

Xín Mần

Sông Chảy

11,50

 

Cộng

 

 

 

 168,6

 

DANH MỤC

CÁC DỰ ÁN THUỶ ĐIỆN ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP THỦY ĐIỆN GIAI ĐOẠN TỪ 2011 - 2015
(Kèm theo Đề án số 92/ĐA-UBND tỉnh Hà Giang, ngày 17 tháng 7 năm 2012 của UBND tỉnh Hà Giang)

2.1.1. Tổng sản lượng các nhà máy đã đi vào vận hành ổn định tính đến tháng 12/2010 là 145,7 triệu kwh/năm

TT

Công trình

 Xã

 Huyện

Nlm (MW)

Điện phát ra (Trkwh)

 

Cộng:

 

 

118,4

145,7

1

Thác Thuý

Việt Quang

Bắc Quang

2,7

10,7

2

Séo Hồ

Ma Lộ

Đồng Văn

0,5

2,0

3

Việt Lâm

Việt Lâm

Vị Xuyên

0,9

3,6

4

Nậm Má

Cao Bồ

Vị Xuyên

3,2

12,8

5

Nậm Mu

Tân Thành

Bắc Quang

12,0

48,0

6

Thuỷ điện 302

Phương Độ

TP. Hà Giang

0,5

2,0

7

Thuỷ điện 304

Phương Độ

TP. Hà Giang

0,5

2,0

8

Pó Củng

 

Bắc Mê

0,3

1,0

9

Nậm Ngần 2

Quảng Ngần

Vị Xuyên

13,5

54,0

10

Suối Sửu 2

Phương Tiến

Vị Xuyên

2,4

9,6

2.1.2. Năm 2011

Tiếp tục đôn đốc để đưa 4 dự án vào hoạt động trong năm 2011 là: Tổng công suất lắp máy là: 115,5 MW, điện năng phát ra là: 462 triệu kWh.

TT

Công trình

 Xã

 Huyện

Nlm (MW)

Điện phát ra (Trkwh)

1

Thanh Thuỷ 2

Thanh Đức - Thanh Thuỷ

Vị Xuyên

8,0

32,0

2

Sông Miện 1(Thái An)

Thái An

Quản Bạ

82,0

328,0

3

Sông Con 2

Yên Bình

Quang Bình

19,5

78,0

4

Sông Miện (Bát Đại Sơn)

Bát Đại Sơn

Quản Bạ

6,0

24

2.1.3. Năm 2012

Đưa thêm 6 dự án vào hoạt động, với tổng công suất lắp máy là: 156,2 MW, điện năng phát ra là: 624,8 triệu kWh.

TT

Công trình

Huyện

Nlm (MW)

Điện phát ra (Trkwh)

1

Nậm Mu 1

Tân Thành

Bắc Quang

8,5

 34,0

2

Sông Miện 5

Thuận Hoà

Vị Xuyên

16,50

 66,0

3

Sông Chảy 5

Bản Díu

Xín Mần

16,00

 64,0

4

Suối Sửu 1

Phương Tiến

Vị Xuyên

3,2

 12,8

5

Nho Quế 3

Lũng Pù

Mèo Vạc

110,0

 44,0

6

Bản Rịa

Bản Rịa

Quang Bình

2,00

 8,0

2.1.4. Năm 2013

Tiếp tục đưa 2 dự án vào hoạt động, với tổng công suất lắp máy là: 47,1 MW, điện năng phát ra là: 188,4 triệu kWh.

TT

công trình

Huyện

Nlm (MW)

Điện phát ra (Trkwh)

1

Nậm Li 1

Quảng Nguyên

Xín Mần

5,1

20,4

2

Sông Bạc

Tân Trịnh

Quang Bình

42,0

68,0

2.1.5. Năm 2014

Tiếp tục đưa 4 dự án vào hoạt động, với tổng công suất lắp máy là: 26,3 MW, điện năng phát ra là: 105,2 triệu kWh.

TT

Công trình

Huyện

Nlm (MW)

Điện phát ra (Trkwh)

1

Bản Kiếng

Tùng Bá

Vị Xuyên

3,6

14,4

2

Thanh Thuỷ 1

Xín Chải - Thanh Đức

Vị Xuyên

 10,0

40,0

3

Nậm Má

Cao Bồ

Vị Xuyên

 2,7

10,8

4

Sông Nhiệm 3

Niêm Sơn

Mèo Vạc

 10,0

40,0

2.1.6. Năm 2015

Tiếp tục đưa 8 dự án vào hoạt động, với tổng công suất lắp máy là: 196,5 MW, điện năng phát ra khoảng: 786 triệu kWh.

TT

Công trình

Huyện

Nlm (MW)

Điện phát ra (Trkwh)

1

Nho Quế 2

Lũng Pú

Mèo Vạc

48,0

192,0

2

Sông Lô 3

Ngọc Linh

Vị Xuyên

24,00

96,0

3

Bắc Mê

Yên Phong

Bắc Mê

45,00

180,0

4

Sông Chảy 6

Thèn Phàng

Xín Mần

12,50

50,0

5

Sông Lô 2

Đạo Đức

Vị Xuyên

27,00

108,0

6

Nậm Li 2

Quảng Nguyên

Xín Mần

3,0

12,0

7

Sông Miện 4

Thuận Hoà

Vị Xuyên

13,5

54,0

8

Phương Độ

Phương Độ

Vị Xuyên

23,5

94,0

2.1.7. Sau năm 2015

Các dự án đã đăng ký đầu tư xây dựng giai đoạn 2011 - 2015 nhưng không có khả năng hoàn thành nên được chuyển sang giai đoạn 2015.

TT

Công trình

Huyện

Nlm (MW)

Điện phát ra (Trkwh)

1

Sông Lô 5

Kim Ngọc

Bắc Quang

31,50

126.,0

2

Sông Chảy 3

Tụ Nhân

Hoàng Su Phì

7,20

288

3

Sông Lô 4

Trung Thành

Vị Xuyên

16,50

66,0

4

Sông Lô 6

Vĩnh Hảo

Bắc Quang

44,00

176,0

5

Nho Quế 1

Xín Cái

Mèo Vạc

36,0

144,0

6

Nậm Yên

Chế Là

Xín Mần

3,8

15,2

7

Sông Con 3

Tiên Kiều

Bắc Quang

6,00

24,0

8

Nậm Hóp

Tiên Nguyên

Quang Bình

4,80

19,2

9

Sông Miện 2

Đông Hà

Quản Bạ

5,50

22,0

10

Sông Chảy 4

Chiến Phố

Hoàng Su Phì

10,50

42,0

2.1.8. Còn lại 28 dự án hầu hết là công suất nhỏ (Tổng công suất lắp máy là : 51,5MW) sẽ đưa vào hoạt động sau năm 2015.

 

DANH MỤC

CÁC DỰ ÁN CHẾ BIẾN NÔNG SẢN, THỰC PHẨM GIAI ĐOẠN 2012 - 2015
( Kèm theo đề án số 92/ĐA-UBND tỉnh Hà Giang, ngày 17 tháng 7 năm 2012 của UBND tỉnh Hà Giang)

TT

Tên dự án

Địa điểm

Công suất

Vốn ĐT (tỷ đồng)

Thời gian

1

Đầu tư nhà máy chè tinh chế chất lượng cao xuất khẩu, Công ty TNHH Hùng Cường.

Thị trấn Việt Lâm, Vị Xuyên

5.000 tấn sp/năm

30

2011-2013

2

Đầu tư nhà máy chè sạch xuất khẩu, Công ty TNHH Hùng Cường.

Xã Cao Bồ, Vị Xuyên

5.000 tấn sp/năm

30

2011-2013

3

Đầu tư mở rộng, đổi mới công nghệ các cơ sở sản xuất chè.

Công ty chè Hùng An.

 

20.000 tấn sp/năm

50

2011-2013

4

Đầu tư mở rộng, đổi mới công nghệ các cơ sở sản xuất chè trên địa bàn.

Cty TNHH Hoàng Long

5.000 tấn sp/năm

30

2011-2013

5

 Đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc

- Khu công nghiệp Bình Vàng

- Cụm công nghiệp Nam Quang

có công suất 10.000 - 15.000 tấn/ năm

50

2011-2013

6

Đầu tư các cơ sở chế biến thực phẩm (thịt bò, lợn, gà..)

- Mèo Vạc

- Đồng Văn

- Quản Bạ.

- 5.000 tấn/năm

- 5.000 tấn/năm

- 2.000 tấn/năm

10

2012-2015

7

Đầu tư các cơ sở chế biến dược liệu

- Vị Xuyên

- Bắc Quang

- Quang Bình

- 1.000 tấn/năm

- 1.000 tấn/năm

- 1.000 tấn/năm

50

2012-2015

8

Đầu tư nhà máy chế biến hoa quả

Cụm công nghiệp Nam Quang

20.000 tấn/năm

50

2012

9

Đầu tư xây dựng cơ sở chế biến đậu tương.

- Hoàng Su Phì

- Xín Mần.

- Yên Minh.

- Quản Bạ.

- Bắc Mê.

- Mèo Vạc

- 6.000 tấn/năm

- 5.000 tấn/nă

- 5.000 tấn/năm

- 2.000 tấn/năm

- 5.000 tấn/năm

- 3.000 tấn/năm

40

2012- 2013

 

DANH MỤC

CÁC DỰ ÁN CHẾ BIẾN LÂM SẢN MỞ RỘNG VÀ ĐẦU TƯ MỚI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
( Kèm theo Đề án số 92/ĐA-UBND tỉnh Hà Giang, ngày 17 tháng 7 năm 2012 của UBND tỉnh Hà Giang)

STT

Tên Dự án

Chủ đầu tư, Địa chỉ

Địa điểm đầu tư xây dựng nhà máy

Dự kiến thời gian đầu tư

Quy mô đầu tư

(tấn/năm)

Dự kiến vốn đầu tư

(Tr. đồng)

1

Nhà máy chế biến gỗ MDF, ghép thanh

Công ty cổ phần công nghiệp và xuất nhập khẩu Hà Giang

Khu công nghiệp Bình Vàng

2011-2013

100.000 m3/năm

420.000

2

Đầu tư nhà máy khăn giấy vệ sinh vào hoạt động sản xuất năm 2011

Công ty TNHH XNK thương mại dịch vụ Phúc Hưng

Cụm Công nghiệp Nam Quang

2011

10.000 tấn /năm

10.000

3

Nhà máy sản xuất ván nhân tạo

 

Cụm công nghiệp Ngô Khê

2012-2014

20.000 tấn/năm

100.000

4

Nhà máy sản xuất ván nhân tạo

 

Cụm công nghiệp Yên Định - Bắc Mê

2013

20.000 tấn/năm

100.000

5

Các cơ sở sản xuất dăm công nghiệp

 

- Bắc Quang - Bắc Mê

- Quang Bình

2012-2014

50.000 tấn/năm

20.000

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1402/QĐ-UBND ngày 17/07/2012 phê duyệt Đề án Phát triển sản xuất công nghiệp có thế mạnh và hiệu quả của tỉnh Hà Giang đến năm 2015

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.976

DMCA.com Protection Status
IP: 3.15.229.113
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!