BỘ THƯƠNG MẠI
-----
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------
|
Số: 1253/QĐ-BTM
|
Hà Nội, ngày 31 tháng
7 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA HỘI ĐỒNG CÁC BAN CHUYÊN GIA - CHƯƠNG TRÌNH
THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA
BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
Căn cứ Nghị định số 29/2004/NĐ-CP ngày 16/01/2004
của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ
Thương mại;
Căn cứ Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2003 của Thủ tướng
Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển Thương hiệu Quốc gia
đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 259/2005/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2005 về việc thành
lập Hội đồng Tư vấn Quốc gia – Chương trình Thương hiệu Quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 250/2006/QĐ – TTg ngày 31 tháng 10 năm 2006 về việc sửa
đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm
2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển
Thương hiệu Quốc gia đến năm 2010 và Quyết định số 259/2005/QĐ-TTg ngày 21
tháng 10 năm 2005 về việc thành lập Hội đồng Tư vấn Quốc gia – Chương trình
Thương hiệu Quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 0119/QĐ-BTM ngày 25/1/2007 về việc ban hành Quy chế Tổ
chức và hoạt động của Hội đồng Thương hiệu Quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 0110/QĐ-BTM ngày 25/1/2007 về việc ban hành Hệ thống Tiêu
chí lựa chọn thương hiệu sản phẩm tham gia Chương trình Thương hiệu Quốc gia.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo quyết định này Quy chế làm việc của Hội đồng các Ban chuyên gia -
Chương trình Thương hiệu Quốc gia.
Điều 2. Các
thành viên Hội đồng Thương hiệu Quốc gia, các thành viên Ban Thư ký, Ban Tư vấn
chiến lược, Hội đồng các Ban chuyên gia và các doanh nghiệp tham gia chương
trình chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Điều 3. Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
-
Như điều 2;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Lưu: VT, XTTM.
|
BỘ TRƯỞNG
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG THQG
Trương Đình Tuyển
|
QUY CHẾ LÀM VIỆC
CỦA
HỘI ĐỒNG CÁC BAN CHUYÊN GIA - CHƯƠNG TRÌNH THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA
(Ban hành kèm theo
Quyết định số: 1253 /QĐ-BTM ngày 31 tháng 7 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Thương
mại, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia)
Chương 1.
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Đối tượng áp
dụng
Quy chế này được áp dụng cho Hội đồng các Ban
Chuyên gia, hướng dẫn chế độ làm việc của Hội đồng các Ban Chuyên gia và cách
thức đánh giá các thương hiệu sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ) đăng ký tham gia
chương trình Thương hiệu Quốc gia.
Điều 2. Phạm vi điều
chỉnh
Quy chế làm việc này quy định phương pháp đánh
giá, hướng dẫn đánh giá, trách nhiệm đánh giá và quan hệ công tác giữa các
thành viên Hội đồng các Ban Chuyên gia của Chương trình Thương hiệu Quốc gia
với Ban Thư ký và Hội đồng Thương hiệu Quốc gia.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
của Hội đồng các Ban Chuyên gia
Cơ cấu tổ chức của Hội đồng các Ban Chuyên gia
được quy định tại Điều 5 khoản 1 Quy chế Tổ chức và hoạt động
của Hội đồng Thương hiệu Quốc gia, được phê duyệt theo Quyết định số 0119/QĐ-BTM
ngày 25/1/2007 của Bộ trưởng Bộ Thương mại – Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu
Quốc gia.
Điều 4. Nhiệm vụ, quyền
hạn của Hội đồng các Ban Chuyên gia
Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng các Ban
Chuyên gia được quy định tại Điều 5 khoản 2 Quy chế Tổ chức và
hoạt động của Hội đồng Thương hiệu Quốc gia, được phê duyệt theo Quyết định số
0119/QĐ-BTM ngày 25/1/2007 của Bộ trưởng Bộ Thương mại – Chủ tịch Hội đồng
Thương hiệu Quốc gia.
Điều 5. Nhiệm vụ, quyền
hạn của Chủ tịch Hội đồng các ban Chuyên gia
1. Chịu trách nhiệm điều hành trực tiếp các
tiểu Ban chuyên gia trước Hội đồng THQG;
2. Chỉ đạo đánh giá thương hiệu sản phẩm tham
gia vào Chương trình THQG;
3. Chỉ đạo các thành viên Hội đồng các Ban
chuyên gia đề xuất ý kiến sửa đổi, bổ sung Hệ thống tiêu chí lựa chọn thương
hiệu sản phẩm tham gia Chương trình THQG, Quy chế dành cho doanh nghiệp có
thương hiệu sản phẩm tham gia Chương trình THQG và Quy chế làm việc của Hội đồng
các Ban chuyên gia - Chương trình THQG.
Điều 6. Nhiệm vụ, quyền
hạn của các Trưởng Ban Ban Chuyên gia
1. Trưởng Ban chuyên gia chịu trách nhiệm điều hành
các cuộc họp Ban Chuyên gia, trong trường hợp Trưởng ban chuyên gia đi vắng thì
ủy quyền cho Phó Trưởng Ban chuyên gia thay mặt điều hành cuộc họp;
2. Điều phối công việc đánh giá của Ban Chuyên
gia;
3. Trực tiếp thực hiện việc đánh giá thương
hiệu sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình THQG;
4. Tổng hợp kết quả đánh giá, xác nhận và
chuyển hồ sơ đánh giá cho Ban Thư ký tập hợp để trình Hội đồng THQG;
5. Đề xuất ý kiến sửa đổi, bổ sung Hệ thống
tiêu chí lựa chọn thương hiệu sản phẩm tham gia Chương trình THQG, Quy chế dành
cho doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm tham gia Chương trình THQG và Quy chế
làm việc của Hội đồng các Ban chuyên gia - Chương trình THQG;
6. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công
của Chủ tịch Hội đồng các Ban chuyên gia.
Điều 7. Nhiệm vụ và
quyền hạn của Phó Trưởng ban Ban Chuyên gia
1. Điều hành cuộc họp Ban chuyên gia nếu Trưởng
Ban Chuyên gia đi vắng,
2. Trực tiếp thực hiện việc đánh giá thương
hiệu sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình THQG;
3. Đề xuất ý kiến sửa đổi, bổ sung Hệ thống
tiêu chí lựa chọn thương hiệu sản phẩm tham gia Chương trình THQG, Quy chế dành
cho doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm tham gia Chương trình THQG và Quy chế
làm việc của Hội đồng các Ban chuyên gia - Chương trình THQG;
4. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công
của Chủ tịch Hội đồng các Ban chuyên gia.
Điều 8. Nhiệm vụ và
quyền hạn của Thành viên Ban Chuyên gia
1. Đánh giá và cho điểm hồ sơ và nội dung hồ sơ
các doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm đăng ký tham gia chương trình thương
hiệu quốc gia;
2. Thẩm định thực tế và xác minh tính chính
xác, chân thực của hồ sơ đăng ký tham gia;
3. Mỗi thành viên Ban Chuyên gia có thể tham
gia vào nhiều Ban Chuyên gia nhưng phải đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc
của Ban Chuyên gia do Trưởng Ban phân công;
4. Đề xuất ý kiến sửa đổi, bổ sung Hệ thống
tiêu chí lựa chọn thương hiệu sản phẩm tham gia Chương trình THQG, Quy chế dành
cho doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm tham gia Chương trình THQG và Quy chế
làm việc của Hội đồng các Ban chuyên gia - Chương trình THQG;
5. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân
công của Chủ tịch Hội đồng các Ban chuyên gia.
Chương 2.
CHẾ ĐỘ LÀM
VIỆC VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 9. Nguyên tắc làm
việc của Ban Chuyên gia
1. Trách nhiệm cá nhân: Ban Chuyên gia làm việc
theo nguyên tắc cá nhân chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá. Ban Chuyên gia
chịu trách nhiệm về kết quả tổng hợp và báo cáo kết quả tổng hợp;
2. Thái độ tích cực: các Thành viên Ban Chuyên gia
tham gia vào Ban với thái độ tích cực trong giải quyết, xử lý công việc và phối
hợp xử lý công việc;
3. Tôn trọng lẫn nhau: các Thành viên tôn trọng
lẫn nhau và tôn trọng quyền điều hành của Trưởng Ban chuyên gia;
4. Đối thoại thẳng thắn: Các vấn đề được thảo
luận hay xin ý kiến phải có nội dung cụ thể và rõ ràng, mỗi chuyên gia phải cho
ý kiến theo hướng đưa ra các phương án xử lý vấn đề cần giải quyết;
5. Đánh giá khoa học: mỗi tiêu chí đánh giá và cho
điểm phải được căn cứ trên các luận cứ chân thực và cụ thể có thể dễ dàng kiểm
chứng bởi một bên thứ 3 ngoài các thành viên Ban Chuyên gia;
6. Biểu quyết theo đa số: Trong trường hợp Ban
Chuyên gia cần biểu quyết đối với các nội dung thuộc chức năng nhiệm vụ của Ban
Chuyên gia thì Ban Chuyên gia tiến hành biểu quyết. Ý kiến được thông qua khi
có trên ½ số lượng thành viên Ban chuyên gia tán thành.
Điều 10. Phối
hợp với Ban Thư ký Chương trình THQG
1. Trên cơ sở tập hợp đầy đủ tài liệu đăng đăng
ký bao gồm cả các tài liệu đã được xét nghiệm hình thức, Ban Chuyên gia nhận Hồ
sơ của doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình THQG
từ Ban Thư ký;
2. Mỗi chuyên gia nhận được 01 bộ hồ sơ có nội
dung và giá trị pháp lý ngang nhau;
3. Hồ sơ được gửi trực tiếp cho chuyên gia phải
có Biên bản bàn giao tài liệu theo Mẫu 01 kèm theo Quy chế này;
4. Hồ sơ được gửi qua đường bưu điện bằng thư
đảm bảo cho Chuyên gia phải có ký nhận và xác nhận của Đơn vị chịu trách nhiệm
vận chuyển.
Điều 11. Đánh giá sơ bộ
hồ sơ đăng ký tham gia
1. Trên cơ sở hồ sơ và tài liệu nhận được từ
Ban Thư ký, các thành viên Ban chuyên gia căn cứ vào hướng dẫn tại Chương 3 Quy
chế này để tiến hành cho điểm độc lập đối với mỗi hồ sơ;
2. Mỗi chuyên gia đánh giá hồ sơ, tổng hợp kết
quả đánh giá theo Mẫu 02 và ghi chú các nội dung cần thẩm tra và/hoặc các nội
dung chưa thể đánh giá cho điểm;
3. Ban Chuyên gia và Ban Thư ký sắp xếp lịch
họp, tiến hành họp đánh giá hồ sơ và/hoặc ý kiến cần thống nhất và/hoặc quyết
định giải quyết đối với các nội dung chưa thể đánh giá cho điểm và/hoặc thống
nhất các nội dung và lịch trình thẩm tra thực địa tại doanh nghiệp.
Điều 12. Thẩm định và điều
tra thực tế tại doanh nghiệp
1. Ban Chuyên gia làm việc với Ban Thư ký sắp
xếp lịch trình thẩm tra tại doanh nghiệp;
2. Ban Thư ký chuẩn bị lịch trình, đi lại, ăn ở
và các công việc hậu cần khác cho Ban Chuyên gia;
3. Ban Chuyên gia tiến hành thẩm tra thực tế
tại doanh nghiệp các nội dung cần thẩm tra hay cần phải xác minh;
4. Ban Chuyên gia lập Biên bản thẩm tra thực tế
tại doanh nghiệp có xác nhận của doanh nghiệp.
Điều 13. Lập báo cáo
đánh giá
1. Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày
ký biên bản thẩm tra thực địa tại doanh nghiệp, Ban Chuyên gia hoàn thiện báo
cáo đánh giá và tổng hợp kết quả đánh giá theo Mẫu 03 và chuyển Ban Thư ký;
2. Báo cáo đánh giá và tổng hợp kết quả chuyển
Ban Thư ký phải được lập thành Biên bản bàn giao theo Mẫu 01.
Điều 14.
Quy tắc ứng xử và đạo đức chuyên gia đánh giá
1. Tuân thủ mọi quy định liên quan
của pháp luật;
2. Thực hành những tiêu chuẩn cao
nhất về đạo đức và trách nhiệm trong mọi quan hệ với doanh nghiệp và bảo vệ
danh tiếng của Chương trình THQG;
3. Làm việc thiện chí, có trách
nhiệm, với sự thận trọng hợp lý, xử lý công bằng với mọi hồ sơ/doanh nghiệp
đăng ký tham gia chương trình;
4. Không làm sai lệch số liệu và
kết quả đánh giá vì bất cứ lý do gì;
5. Không nhận bất cứ sự hỗ trợ, tài
trợ hoặc quyền lợi nào từ phía doanh nghiệp, bao gồm cả việc không tham dự các
cuộc chiêu đãi, quà tặng,… quá mức.
Điều 15.
Quy định về bảo mật
1. Trong và sau thời gian là thành
viên của Ban chuyên gia Chương trình THQG, các chuyên gia không được phép tiết
lộ dưới mọi hình thức thông tin của doanh nghiệp thu thập được trong quá trình
xem xét hồ sơ và thẩm tra thực địa; hoặc sử dụng các thông tin này cho các mục
đích khác mà chưa được phép của doanh nghiệp hay cấp có thẩm quyền hay do pháp luật
quy định;
2. Các chuyên gia phải chịu trách
nhiệm trước pháp luật nếu tiết lộ những thông tin trên.
Chương 3.
HƯỚNG DẪN
ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ ĐĂNG KÝ THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA
Điều 16. Xét nghiệm
hình thức
1. Việc xét nghiệm hình thức do Ban Thư ký thực
hiện;
2. Xét nghiệm hình thức căn cứ vào Điểm 3 - Tiêu chí sàng lọc, Mục E Hệ thống Tiêu chí lựa chọn thương
hiệu sản phẩm tham gia chương trình THQG ban hành kèm theo Quyết định số 0110/QĐ-BTM
ngày 25/1/2007của Bộ trưởng Bộ Thương mại – Chủ tịch Hội đồng THQG;
3. Ngoài những quy định được nêu tại khoản 2 Điều
này, xét nghiệm hình thức phải tính đến tính chất hợp lệ và tính chất đầy đủ
của các văn bản và hồ sơ gửi kèm theo tiêu chí:
a. Các tài liệu gửi Ban Thư ký phải do lãnh đạo
doanh nghiệp chịu trách nhiệm kí và có đóng dấu của doanh nghiệp;
b. Đối với các bản sao từ tài liệu gốc, doanh
nghiệp gửi bản sao có đóng dấu xác nhận sao y bản chính của doanh nghiệp hoặc
bản sao có công chứng nhà nước;
c. Danh mục các tài liệu gửi kèm theo quy định
phải đầy đủ theo quy định tại Quy chế dành cho doanh nghiệp có thương hiệu sản
phẩm tham gia Chương trình ban hành kèm Quyết định 0712/QĐ-BTM ngày 7/5/2007
của Bộ trưởng Bộ Thương mại – Chủ tịch Hội đồng THQG.
Điều 17. Xét nghiệm nội
dung
Xét nghiệm nội dung là việc xem xét tính phù
hợp của nội dung tài liệu đăng ký với quy định tại hệ thống tiêu chí và cho điểm
đánh giá đối với mỗi tiêu chí;
Cách thức xác định mức điểm số đối với mỗi tiêu
chí được hướng dẫn tại Bảng hướng dẫn chấm điểm thương hiệu sản phẩm tham gia
chương trình Thương hiệu quốc gia ban hành kèm theo Quy chế này.
Điều 18. Quy định về
phương pháp tính điểm
1. Trọng số là hệ số quan trọng dành cho mỗi
tiêu chí được quy định tại Bảng hướng dẫn chấm điểm thương hiệu sản phẩm tham
gia chương trình Thương hiệu quốc gia ban hành kèm Quy chế này;
2. Bước nhảy của điểm là 1;
3. Khi tính điểm tổng hợp từ Ban Chuyên gia
phần lẻ dưới một đơn vị bị loại bỏ và không được làm tròn số;
4. Phương pháp tính điểm cho 1 tiêu chí:
Mỗi tiêu chí được quy định tại phần
F – Hệ thống các tiêu chí kèm theo Quyết định 0110/QĐ-BTM ngày 25/1/2007
được đánh giá theo kiểu bậc thang gồm 5 bậc, bậc cao bao trùm điểm của bậc
thấp, với bậc thấp nhất (bậc 1) là 1 điểm và bậc cao nhất (bậc 5) là 5 điểm.
Mỗi tiêu chí chỉ được đánh giá bằng 1 bậc điểm. Nếu hồ sơ doanh nghiệp không có
thông tin cho việc tính điểm tại một tiêu chí nhất định, thì điểm số cho tiêu
chí đó là 0 điểm. Điểm cuối cùng cho mỗi tiêu chí được tính bằng điểm được
chuyên gia đánh giá nhân với trọng số của tiêu chí đó quy định tại Bảng hướng
dẫn chấm điểm thương hiệu sản phẩm tham gia chương trình Thương hiệu quốc gia
ban hành kèm Quy chế này;
5. Phương pháp tổng hợp điểm của 1 chuyên gia: điểm
tổng hợp của mỗi chuyên gia là điểm tổng cộng của tất cả các điểm cuối cùng cho
mỗi tiêu chí;
Phương pháp tổng hợp điểm của 1 tiêu chí cho
một Ban chuyên gia: Điểm tổng hợp cho mỗi tiêu chí là điểm trung bình cộng của
5 chuyên gia cho tiêu chí đó.
6. Phương pháp tổng hợp toàn bộ điểm của Ban
Chuyên gia cho 1 thương hiệu sản phẩm đăng ký tham gia: Điểm tổng hợp cho mỗi
thương hiệu sản phẩm đăng ký tham gia là điểm trung bình cộng của 5 chuyên gia
trong Ban chuyên gia.
Điểm cuối cùng được tính theo công thức sau:
Trong đó: a là số lượng
chuyên gia j là thứ tự chuyên gia
ci
là điểm của tiêu chí thứ i mi là trọng số của
tiêu chí thứ i
n là
số lượng tiêu chí i là thứ tự tiêu chí
7. Doanh nghiệp có số điểm
đánh giá tổng hợp cuối cùng của Ban Chuyên gia lớn hơn hoặc bằng 550 điểm sẽ
được đưa vào Danh sách các thương hiệu được lựa chọn tham gia Chương trình THQG
trình Hội đồng THQG ra quyết định chấp thuận tham gia Chương trình.
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Điều 19. Điều
khoản thi hành
1. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày công bố;
2. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Chủ
tịch Hội đồng THQG – Bộ trưởng Bộ Thương mại quyết định;
3. Các Thành viên Hội đồng Thương hiệu Quốc
gia, Ban Thư ký, Hội đồng các Ban chuyên gia, Ban Tư vấn Chiến lược, các doanh
nghiệp tham gia chương trình và những bên liên quan có trách nhiệm thực hiện
theo các quy định của Quy chế này.