BỘ CÔNG THƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1230/QĐ-BCT
|
Hà Nội, ngày 13
tháng 5 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
ÁP
DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG LẨN TRÁNH BIỆN PHÁP PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14
ngày 12 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01
năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại
thương về các biện pháp phòng vệ thương mại;
Căn cứ Nghị định 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8
năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Bộ Công Thương;
Căn cứ Thông tư 06/2018/TT-BCT ngày 20 tháng 4
năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các
biện pháp phòng vệ thương mại;
Căn cứ Quyết định 3752/QĐ-BCT ngày 02 tháng 10
năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Cục Phòng vệ thương mại;
Căn cứ Quyết định 2622/QĐ-BCT ngày 26 tháng 7 năm
2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn
tránh biện pháp phòng vệ thương mại;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương
mại đối với các sản phẩm thép cuộn, thép dây có mã HS: 7213.91.90, 7217.10.10,
7217.10.29, 7229.90.99, 9839.10.00 nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh
thổ khác nhau với nội dung chi tiết nêu trong Thông báo gửi kèm theo Quyết định
này.
Điều 2. Trình tự thủ tục áp dụng biện pháp thực hiện theo pháp luật
về quản lý ngoại thương.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày
ký.
Điều 4. Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Chánh Văn phòng Bộ và Thủ
trưởng các đơn vị, các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: TC, NG, XD, TTTT;
- Các Thứ trưởng;
- Tổng cục Hải quan;
- Các website: Chính phủ; Bộ Công Thương;
- Các Vụ: AP, AM, ĐB, PC, KHCN;
- Các Cục: CN, XNK;
- Văn phòng BCĐLN HNQT về Kinh tế;
- Lưu: VT, PVTM (08).
|
BỘ TRƯỞNG
Trần Tuấn Anh
|
THÔNG BÁO
V/V
ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG LẨN TRÁNH BIỆN PHÁP PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI
(Kèm theo Quyết định số 1230/QĐ-BCT ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ
Công Thương)
Theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương số
05/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017 (“Luật Quản lý ngoại thương”); Nghị định
số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một
số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại
(“Nghị định 10/2018/NĐ-CP”); và Thông tư số 06/2018/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ
Công Thương ngày 20 tháng 4 năm 2018 quy định chi tiết một số nội dung về các
biện pháp phòng vệ thương mại ("Thông tư 06/2018/TT-BCT"), Bộ Công
Thương thông báo nội dung chi tiết về việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện
pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đối với các sản phẩm thép cuộn, thép dây có mã
HS: 7213.91.90, 7217.10.10, 7217.10.29, 7229.90.99, 9839.10.00 nhập khẩu vào Việt
Nam (mã số vụ việc AC01.SG04) như sau:
1. Thông tin cơ bản
Ngày 18 tháng 7 năm 2016, Bộ Công Thương ban hành
Quyết định số 2968/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản
phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Trên cơ sở Hồ sơ yêu cầu của Nguyên đơn, Bộ Công
Thương đã ban hành Quyết định số 2622/QĐ-BCT ngày 26 tháng 7 năm 2018 về việc
tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM đối với sản
phẩm thép cuộn, thép dây có mã HS: 7213.91.90, 7213.99.90, 7217.10.10,
7217.10.29, 7229.90.99, 9839.10.00, 9839.20.00 nhập khẩu vào Việt Nam.
Ngày 25 tháng 01 năm 2019, Bộ Công Thương đã ban
hành Quyết định số 171/QĐ-BCT về việc gia hạn lần thứ nhất thời gian điều tra
áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM đối với sản phẩm thép cuộn,
thép dây nhập khẩu vào Việt Nam.
Ngày 26 tháng 02 năm 2019, Bộ Công Thương đã ban
hành Quyết định 410/QĐ-BCT về việc gia hạn lần thứ hai thời gian điều tra áp dụng
biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM đối với sản phẩm thép cuộn, thép dây
nhập khẩu vào Việt Nam.
2. Hàng hóa thuộc đối tượng
áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM
Đối tượng áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện
pháp PVTM là các sản phẩm thép cuộn, thép dây có mã HS: 7213.91.90, 7217.10.10,
7217.10.29, 7229.90.99, 9839.10.00 nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh
thổ khác nhau. Các sản phẩm thép cuộn, thép dây có một trong các đặc điểm sau
đây được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp
PVTM:
(i) Thép chứa một trong các
nguyên tố có hàm lượng phần trăm (%) theo khối lượng thuộc phạm vi sau: Các-bon
(C) > 0,37%; Si-líc (Si) > 0,60%; Crôm (Cr) > 0,60%; Ni-ken (Ni) >
0,60%; Đồng (Cu) > 0,60%.
(ii) Thép chứa đồng thời các nguyên tố có hàm lượng
phần trăm (%) theo khối lượng thuộc phạm vi sau: Măng-gan (Mn) từ 0,70% đến
1,15%; Lưu huỳnh (S) từ 0,24% đến 0,35%.
(iii) Thép có mặt cắt ngang hình tròn từ 14mm trở
lên.
(iv) Các sản phẩm thép trong nước chưa sản xuất được.
Đối với các tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm
thép thuộc mục (i), mục (ii), và mục (iii): để được loại trừ áp dụng biện pháp
chống lẩn tránh biện pháp PVTM, khi nhập khẩu hàng hóa cần nộp cho Chi cục Hải
quan nơi thực hiện thủ tục các giấy tờ để chứng minh hàng hóa nhập khẩu thỏa
mãn các tiêu chí được loại trừ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM
như trên.
Đối với các tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm
thép thuộc mục (iv): để được loại trừ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện
pháp PVTM, khi nhập khẩu hàng hóa cần nộp cho Chi cục Hải quan nơi thực hiện thủ
tục Quyết định miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM do Bộ Công Thương ban hành. Quy
trình, thủ tục miễn trừ thực hiện theo Nghị định 10/2018/NĐ-CP và Thông tư
06/2018/TT-BCT. Tổ chức/cá nhân nhập khẩu sản phẩm thép thuộc mục (iv) tham khảo
Quy trình thực hiện miễn trừ tại Phụ lục kèm theo Thông báo này.
3. Mức thuế chống lẩn tránh
biện pháp PVTM
Hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng biện pháp chống lẩn
tránh biện pháp PVTM theo quy định tại Mục 2 của Thông báo này sẽ bị áp dụng biện
pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung (thuế
PVTM) với mức thuế là 10,9% kể từ khi Quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn
tránh biện pháp PVTM đối với sản phẩm thép cuộn, thép dây có hiệu lực đến hết
ngày 21 tháng 3 năm 2020 (nếu biện pháp tự vệ ban đầu không gia hạn). Trong trường
hợp biện pháp tự vệ được gia hạn, Bộ Công Thương sẽ có thông báo cụ thể tiếp
theo.
Trình tự, thủ tục kê khai, thu, nộp, hoàn trả, miễn
thuế chống lẩn tránh biện pháp PVTM được thực hiện theo quy định tại Luật Thuế
xuất khẩu, Thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 06 tháng 4 năm 2016 và các quy
định hiện hành.
4. Khiếu nại
Trong trường hợp các tổ chức/cá nhân có căn cứ cho
thấy Quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM này vi phạm
các quy định của pháp luật hiện hành, tổ chức/cá nhân có quyền khiếu nại Quyết
định này theo Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13 ngày 11 tháng 11 năm 2011.
5. Thông tin liên hệ
Thông tin về Quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn
tránh biện pháp PVTM đối với sản phẩm thép cuộn, thép dây có thể truy cập tại
trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương (http://www.moit.gov.vn) và Cục PVTM
(http://www.pvtm.gov.vn).
Mọi câu hỏi, thắc mắc và ý kiến của các tổ chức/cá
nhân về việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM này đề nghị gửi về:
Phòng Điều tra thiệt hại và tự vệ - Cục Phòng vệ
thương mại (Cục PVTM), Bộ Công Thương
Địa chỉ: 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: (+84 24) 7303 7898 (Máy lẻ: 112) (Chị
Phan Mai Quỳnh); Email: [email protected]; [email protected].
PHỤ
LỤC I
Quy trình miễn trừ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh
biện pháp phòng vệ thương mại
1. Đối tượng đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp
PVTM
Thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư
06/2018/TT-BCT.
2. Hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM
Thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư
06/2018/TT-BCT.
3. Quy trình miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM
Thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định
10/2018/NĐ-CP và Điều 13 Thông tư 06/2018/TT-BCT, cụ thể như sau:
Bước 1: Bộ Công Thương (Cục
PVTM) thông báo tiếp nhận Hồ sơ miễn trừ. Thông báo có thể được truy cập tại
trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương (http://www.moit.gov.vn) và Cục PVTM
(http://www.pvtm.gov.vn).
Bước 2: Đối tượng đề nghị miễn
trừ nộp Hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp (Hồ sơ) cho Cục PVTM theo một
trong các cách sau:
- Nộp qua dịch vụ công trực tuyến:
(https://dichvucong.moit.gov.vn/HomePage.aspx)
- Nộp trực tiếp tại Văn phòng Cục PVTM;
- Nộp theo đường bưu chính;
Bước 3: Cục PVTM thông báo về
tính đầy đủ và hợp lệ của Hồ sơ miễn trừ. Doanh nghiệp bổ sung hồ sơ trong trường
hợp cần thiết (thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định
10/2018/NĐ-CP và khoản 5 Điều 13 Thông tư 06/2018/TT-BCT).
Bước 4: Thẩm định Hồ sơ miễn
trừ và ban hành Quyết định miễn trừ (thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 7
Nghị định 10/2018/NĐ-CP và Điều 11, Điều 14 Thông tư 06/2018/TT-BCT).
- Cục PVTM chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên
quan thẩm định hồ sơ, báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét miễn trừ/không miễn trừ trong
vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được Hồ sơ miễn trừ đầy đủ, hợp lệ. Trong trường hợp
cần thiết, thời hạn xem xét quyết định miễn trừ có thể kéo dài nhưng trong mọi
trường hợp không quá thời hạn quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định 10/2018/NĐ-CP.
Trong trường hợp không miễn trừ, Cục PVTM thông báo về lý do không miễn trừ.
- Hoàn trả thuế PVTM: Trong trường hợp hàng hóa nhập
khẩu được miễn trừ, đối tượng được miễn trừ được hoàn trả thuế PVTM đã nộp đối
với những lô hàng nhập khẩu đăng ký tờ khai hải quan trong thời hạn miễn trừ của
quyết định miễn trừ.
Thủ tục hoàn trả thuế PVTM áp dụng theo các quy định
pháp luật hiện hành.
Bước 5: Báo cáo định kỳ: đối
tượng được miễn trừ phải nộp báo cáo định kỳ về tình hình nhập khẩu hàng hóa được
miễn trừ và việc tuân thủ điều kiện, nghĩa vụ được miễn trừ tới Cục PVTM (thực
hiện theo Điều 16 Thông tư 06/2018/TT-BCT).
Bước 6: Kiểm tra sau miễn trừ:
Cục PVTM có thể tiến hành kiểm tra sau miễn trừ nhằm mục đích thẩm định việc
tuân thủ của đối tượng được miễn trừ đối với các điều kiện, quy định pháp luật
về miễn trừ. Trường hợp đối tượng được miễn trừ không tuân thủ các quy định, điều
kiện hưởng miễn trừ, Bộ Công Thương có quyền thu hồi quyết định miễn trừ và
thông báo cho cơ quan hải quan xử lý theo quy định pháp luật.
PHỤ
LỤC II
Tóm tắt Kết luận điều tra
Khoản 3 Điều 73 Nghị định 10/2018/NĐ-CP và Khoản 4
Điều 81 Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định việc mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp
PVTM và điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM bao gồm các nội dung:
(i) Hàng hóa bị điều tra lẩn tránh có sự khác biệt
không đáng kể so với hàng hóa đang áp dụng biện pháp PVTM;
(ii) Khối lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra lẩn
tránh gia tăng đáng kể so với khối lượng nhập khẩu hàng hóa đang áp dụng biện
pháp PVTM. Việc nhập khẩu gia tăng đáng kể này diễn ra ngay trước hoặc kể từ
ngày có quyết định điều tra áp dụng biện pháp PVTM;
(iii) Thiệt hại của ngành sản xuất trong nước hoặc
sự giảm hiệu quả của biện pháp PVTM đang có hiệu lực.
Trên cơ sở phân tích về hàng hóa bị điều tra lẩn
tránh biện pháp PVTM, dòng chảy thương mại, tình hình sản xuất kinh doanh của
các doanh nghiệp sản xuất thép cuộn, thép dây trong nước, Bộ Công Thương (Cục
PVTM - Cơ quan điều tra) kết luận như sau:
1. Về hàng hóa bị điều tra lẩn tránh biện
pháp PVTM
- Hàng hóa nhập khẩu bao gồm các mã HS: 7213.91.90,
7217.10.10, 7217.10.29, 7229.90.99, 9839.10.00 là thép cuộn, thép dây bị điều
tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM có sự khác biệt không đáng
kể so với hàng hóa là thép cuộn, thép dây đang bị áp dụng biện pháp PVTM (biện
pháp tự vệ).
- Đối với mã HS 7213.99.90, 9839.20.00: Cơ quan điều
tra kết luận hàng hóa nhập khẩu có mô tả thuộc mã HS này có đặc tính kỹ thuật
khác biệt với hàng hóa đang áp dụng biện pháp tự vệ và hàng hóa sản xuất trong
nước do các sản phẩm thép này có đường kính mặt cắt ngang hình tròn từ 14mm trở
lên. Vì vậy, Bộ Công Thương quyết định loại mã HS này khỏi phạm vi áp dụng biện
pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM.
Cơ quan điều tra kết luận thép cuộn, thép dây bị điều
tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM là hàng hóa tương tự và cạnh
tranh trực tiếp với thép cuộn, thép dây được sản xuất trong nước. Tuy nhiên, Cơ
quan điều tra xác định trong số hàng hóa nhập khẩu bị điều tra lẩn tránh biện
pháp PVTM có một số sản phẩm hiện nay trong nước chưa sản xuất được (bao gồm
nhưng không giới hạn ở các loại thép kết cấu chất lượng cao, thép cán kéo phục
vụ công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô-tô, xe máy) và do đó cần được loại trừ khỏi
phạm vi áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM. Chi tiết về việc loại
trừ được nêu tại Mục 2 của Thông báo này.
2. Về việc nhập khẩu gia tăng đáng kể
Lượng nhập khẩu thép cuộn, thép dây bị điều tra lẩn
tránh biện pháp PVTM đã gia tăng đáng kể so với lượng nhập khẩu thép cuộn, thép
dây đang bị áp dụng biện pháp tự vệ. Việc nhập khẩu gia tăng đáng kể này chỉ diễn
ra sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ
đối với thép cuộn, thép dây nhập khẩu vào Việt Nam (vụ việc SG04). Đặc biệt, việc
gia tăng nhập khẩu là đột biến và rõ ràng ngay sau khi biện pháp tự vệ được áp
dụng đối với sản phẩm thép cuộn và thép dây. Vì vậy, Cơ quan điều tra kết luận
có hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM đối với một số sản phẩm thép cuộn, thép dây
thông qua việc thay đổi không đáng kể hàng hóa đang bị áp dụng biện PVTM.
3. Về tác động của hành vi lẩn tránh biện
pháp PVTM
Để đánh giá tác động của hành vi lẩn tránh biện
pháp tự vệ nói trên đến ngành sản xuất thép cuộn, thép dây trong nước, Cơ quan
điều tra đã gửi bản câu hỏi đến các doanh nghiệp sản xuất thép cuộn, thép dây tại
Việt Nam. Kết quả điều tra cho thấy trong giai đoạn 2016-2018, hàng hóa nhập khẩu
bị điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM đã làm suy giảm hiệu quả của biện pháp tự
vệ (về giá và về lượng) đang được áp dụng.
Kết luận điều tra (bản công khai) được Cơ quan điều
tra gửi cho các Bên liên quan trong vụ việc.