ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1144/QĐ-UBND
|
Lạng Sơn, ngày 06
tháng 07 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ ĐIỀU HÀNH, QUẢN LÝ THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM TẠM NHẬP
HÀNG HÓA THEO PHƯƠNG THỨC KINH DOANH TẠM NHẬP TÁI XUẤT QUA ĐIỂM THÔNG QUAN CO SA
THUỘC KHU VỰC CỬA KHẨU CHÍNH CHI MA, TỈNH LẠNG SƠN
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND
ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 187/2013/NĐ-CP
ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt
động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá
cảnh hàng hóa với nước ngoài;
Căn cứ Thông tư số 05/2014/TT-BCT ngày
27/01/2014 của Bộ Công Thương quy định về hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm
xuất, tái nhập, chuyển khẩu hàng hóa;
Căn cứ Công văn số 36/TTg-KTTH ngày
22/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm nhập, tái xuất hàng hóa;
Căn cứ Quyết định số 5100/QĐ-BCT ngày
26/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Quy chế thí điểm hoạt
động tạm nhập hàng hóa theo phương thức kinh doanh tạm nhập tái xuất qua Điểm
thông quan Co Sa, thuộc khu vực Cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương
tại Tờ trình số 70/TTr-SCT ngày 02/7/2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế điều hành,
quản lý thí điểm hoạt động tạm nhập hàng hóa theo phương thức kinh doanh tạm
nhập tái xuất qua Điểm thông quan Co Sa, thuộc khu vực cửa khẩu chính Chi Ma,
tỉnh Lạng Sơn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký
ban hành đến hết ngày 31/12/2015.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Cục trưởng Cục Hải quan
tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Giám đốc các Sở: Công
Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Thủ trưởng các cơ quan: Ban Quản lý Khu
KTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn, Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Kiểm dịch; Chủ tịch UBND
huyện Lộc Bình; các cơ quan liên quan và các doanh nghiệp được UBND tỉnh lựa
chọn thực hiện thí điểm tạm nhập hàng hóa qua Điểm thông quan Co Sa chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Công Thương; (b/c)
- Bộ Tư lệnh BĐBP; (b/c)
- Tổng cục Hải quan; (b/c)
- TT. Tỉnh ủy; (b/c)
- TT. HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- PVP UBND tỉnh, các phòng CV, TTTH-CB;
- Lưu: VT, KTTH (LC).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Bình
|
QUY CHẾ
ĐIỀU HÀNH, QUẢN LÝ THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM TẠM NHẬP HÀNG HÓA THEO PHƯƠNG THỨC
KINH DOANH TẠM NHẬP TÁI XUẤT QUA ĐIỂM THÔNG QUAN CO SA THUỘC KHU VỰC CỬA KHẨU
CHÍNH CHI MA, TỈNH LẠNG SƠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1144/QĐ-UBND ngày 06/7/2015 của Chủ tịch UBND
tỉnh Lạng Sơn)
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quy chế này điều chỉnh việc quản lý
điều hành, quản lý thí điểm hoạt động tạm nhập hàng hóa theo phương thức kinh
doanh tạm nhập tái xuất qua Điểm thông quan Co Sa, thuộc khu vực cửa khẩu Chi
Ma, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.
2. Quy chế này áp dụng đối với các doanh
nghiệp thực hiện thí điểm tạm nhập theo Quyết định số 820/QĐ-UBND ngày 27/5/2015
của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc lựa chọn doanh nghiệp thực hiện thí điểm tạm
nhập, tái xuất hàng hóa qua Điểm thông quan Co Sa thuộc khu vực cửa khẩu chính
Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn; Doanh nghiệp được giao làm đầu mối thực hiện hoạt động
nhập khẩu hàng hóa qua Điểm thông quan Co Sa theo Công văn số 451/UBND-KTTH
ngày 14/5/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý hàng hóa nhập khẩu và các cơ
quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Hàng hóa
thực hiện thí điểm
a) Thực hiện theo quy định tại Quyết định
số 5100/QĐ-BCT ngày 26/5/2015 của Bộ Công Thương, hàng hóa thí điểm tạm nhập
theo phương thức kinh doanh tạm nhập tái xuất qua Điểm thông quan Co Sa, bao
gồm: hợp kim các loại, quặng kim loại, hợp chất kim loại có hàm lượng cao.
b) Trong quá trình thực hiện, căn cứ vào
nhu cầu thực tế và khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất hạ tầng giao thông tại
địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn sẽ xem xét đề nghị Bộ Công Thương
điều chỉnh, bổ sung các mặt hàng thí điểm tạm nhập qua Điểm thông quan Co Sa.
Điều 3. Thủ tục
tạm nhập, tái xuất hàng hóa
1. Hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái
xuất hàng hóa thực hiện theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013
của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán
hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng
hóa với nước ngoài và Thông tư số 05/2014/TT-BCT ngày 27/01/2014 của Bộ Công
Thương quy định về hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển
khẩu hàng hóa.
2. Thủ tục tạm nhập, tái xuất và việc
giám sát hàng hóa từ khi tạm nhập đến khi hoàn tất việc tái xuất ra khỏi lãnh thổ
Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014
của Quốc hội; Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định
chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám
sát, kiểm soát hải quan; Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài
chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra giám sát hải quan; thuế xuất khẩu,
nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và các văn bản
quy phạm pháp luật hiện hành.
Điều 4. Trách nhiệm
của các doanh nghiệp được lựa chọn thí điểm
1. Thực hiện nghiêm Quy chế này và các
quy định hiện hành về tạm nhập, tái xuất hàng hóa tại Điểm thông quan Co Sa.
2. Tùy theo nhu cầu thực hiện các hợp
đồng với các đối tác nước ngoài, Doanh nghiệp được lựa chọn thí điểm phải có kế
hoạch tạm nhập và thực hiện thông qua Doanh nghiệp đầu mối. Trực tiếp thực hiện
các thủ tục thông quan hàng hóa nhập khẩu theo kế hoạch do doanh nghiệp đầu mối
bố trí. Sử dụng các loại hình dịch vụ cần thiết và thanh toán đầy đủ tiền chi phí
sử dụng dịch vụ khi tạm nhập tại Điểm thông quan Co Sa cho Doanh nghiệp đầu mối.
3. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng
tháng về kết quả hoạt động kinh doanh (trước ngày mùng 10 của tháng sau) và báo
cáo đột xuất khi có yêu cầu gửi về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh Lạng Sơn theo quy định. Đồng thời gửi cho Cục Hải quan, Bộ Chỉ
huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Ban quản lý Khu KTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn để theo
dõi.
Điều 5. Trách nhiệm
của Doanh nghiệp đầu mối
1. Làm đầu mối trong tổ chức kế hoạch
nhập khẩu hàng hóa theo kế hoạch nhập khẩu của các doanh nghiệp được lựa chọn thực
hiện tạm nhập qua Điểm thông quan Co Sa. Đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn,
đúng quy định của pháp luật hiện hành tại Điểm thông quan Co Sa.
2. Tổng hợp các kế hoạch tạm nhập hàng
hóa của các doanh nghiệp được lựa chọn thí điểm, xây dựng và thực hiện kế hoạch,
cung ứng các dịch vụ một cách hợp lý, thuận lợi đảm bảo đáp ứng phục vụ tốt nhu
cầu kinh doanh của các doanh nghiệp.
3. Thực hiện tốt công tác công khai, niêm
yết, thực hiện đúng bảng giá dịch vụ theo thông báo của Sở Tài chính về giá
dịch vụ cẩu, vận chuyển hàng hóa, kho tàng bến bãi tại Điểm thông quan Co Sa.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được lựa chọn thí điểm sử dụng các
dịch vụ cần thiết trong quá trình thực hiện tạm nhập hàng hóa qua Điểm thông
quan Co Sa.
4. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng
tháng về kết quả hoạt động kinh doanh (trước ngày mùng 10 của tháng sau) và báo
cáo đột xuất khi có yêu cầu gửi về Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu KTCK Đồng
Đăng - Lạng Sơn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn theo quy
định.
Điều 6. Trách nhiệm
của các Sở, ban, ngành liên quan
1. Sở Công Thương
a) Là cơ quan đầu mối giúp Ủy ban nhân
dân tỉnh trong công tác quản lý thí điểm tạm nhập, tái xuất theo Quy chế này.
b) Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên
quan tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh định kỳ hoặc đột xuất về tình hình
thực hiện thí điểm; tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung
những quy định không hợp lý, đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt
động kinh doanh của các thương nhân. Kết thúc thời gian thí điểm chủ trì phối
hợp với các cơ quan liên quan tham mưu sơ kết đánh giá kết quả thực hiện, đề
xuất hướng thực hiện điều hành trong thời gian tiếp theo.
2. Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu
Đồng Đăng - Lạng Sơn
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên
quan hướng dẫn, đôn đốc thực hiện, bảo đảm công tác quản lý, điều hành và tổ
chức hoạt động của các doanh nghiệp có hàng hóa nhập khẩu qua Điểm thông quan
Co Sa được thuận lợi, trật tự an toàn và an ninh biên giới. Đồng thời, chỉ đạo
Trung tâm quản lý cửa khẩu Chi Ma hỗ trợ Doanh nghiệp đầu mối, tiếp nhận và giải
quyết vướng mắc của các doanh nghiệp thực hiện thí điểm tạm nhập, tái xuất qua
Điểm thông quan Co Sa.
3. Cục Hải quan tỉnh
Chỉ đạo Chi cục hải quan Chi Ma phối hợp
với các lực lượng chức năng hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục hải quan, kiểm
tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hàng tạm nhập qua Điểm thông quan Co Sa theo
đúng quy định hiện hành, đảm bảo không để hàng hóa thẩm lậu vào nội địa.
4. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh
Chỉ đạo Đồn biên phòng Chi Ma phối hợp
với các lực lượng thực hiện thủ tục biên phòng và kiểm tra, kiểm soát, giám sát
hoạt động xuất nhập cảnh của người, phương tiện; phối hợp kiểm soát, giám sát
hàng tạm nhập qua Điểm thông quan Co Sa.
Điều 7. Trách nhiệm
của Ủy ban nhân dân huyện Lộc Bình
Chỉ đạo các Phòng, Ban chuyên môn tăng
cường công tác quản lý hành chính, quản lý nhà nước trên địa bàn, phối hợp với
các ngành chức năng trong công tác đấu tranh chống hàng hóa thẩm lậu vào thị
trường nội địa.
Điều 8. Tổ chức thực
hiện
1. Các Sở, Ban, ngành có liên quan, Ủy
ban nhân dân huyện Lộc Bình căn cứ chức năng nhiệm vụ, chỉ đạo các lực lượng chức
năng tổ chức thực hiện Quy chế này.
Định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất khi có
yêu cầu, các cơ quan liên quan (Cục Hải quan, BCH Bộ đội Biên Phòng, BQL Khu KTCK
Đồng Đăng - Lạng Sơn) báo cáo tình hình thực hiện Quy chế này gửi về Ủy ban
nhân dân tỉnh (thông qua Sở Công Thương để tổng hợp) theo quy định.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện
nếu có các khó khăn, vướng mắc phát sinh có ý kiến bằng văn bản gửi về Sở Công
Thương để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kịp thời xem xét, giải quyết.
Điều 9. Xử lý vi phạm
Các doanh nghiệp được lựa chọn thí điểm,
Doanh nghiệp đầu mối thực hiện thí điểm tạm nhập qua Điểm thông quan Co Sa vi
phạm các quy định tại Quy chế này và các quy định hiện hành về tạm nhập, tái
xuất hàng hóa sẽ bị đưa ra khỏi danh sách thương nhân được lựa chọn thực hiện
thí điểm và bị xử lý theo quy định của pháp luật./.