UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1059/QĐ-UBND
|
Bắc Kạn, ngày
11 tháng 7 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT RAU AN TOÀN
TỈNH BẮC KẠN GIAI ĐOẠN 2011- 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 92/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của
Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -
xã hội;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày
11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch
tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 2728/QĐ- UBND ký ngày
15/12/2010 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Đề cương và dự toán kinh phí
Dự án “Quy hoạch phát triển sản xuất rau an toàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn
2011-2015, định hướng đến năm 2020;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ
trình số 67/TTr-SNN ngày 28/5/2013; biên bản họp Hội đồng thẩm định dự án Quy
hoạch phát triển rau an toàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến
năm 2020 ngày 15/01/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển rau an toàn tỉnh Bắc Kạn giai
đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 với nội dung chủ yếu như sau:
1. Tên dự án: Quy
hoạch phát triển rau an toàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến
năm 2020.
2. Chủ đầu tư: Sở
Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn.
3. Quan điểm và mục tiêu
quy hoạch phát triển
3.1. Quan điểm
- Quy hoạch phát triển theo hướng ổn định, lâu
dài với quy mô lớn, tập trung, chuyên canh trên cơ sở khai thác các lợi thế về:
điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và thị trường trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
- Quy hoạch phải gắn với đầu tư
cho khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng
sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) khi tiêu thụ trên thị trường. Từ đó làm cơ
sở cho việc hình thành và mở rộng các vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh
Bắc Kạn.
- Quy hoạch phải gắn với tổ chức
quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau và rau an toàn theo nhiều hình thức
khác nhau (liên doanh, liên kết, hợp đồng bao tiêu sản phẩm…) để gắn kết giữa sản
xuất và thị trường.
3.2.
Mục tiêu phát triển
3.2.1. Mục tiêu chung
- Hình thành được các vùng sản xuất
rau, rau an toàn với quy mô ngày càng lớn, nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị
trường trong tỉnh, từng bước nâng cao chất lượng sản lượng, cung cấp cho thị
trường ngoài tỉnh và hướng tới xuất khẩu.
- Góp phần chuyển dịch cơ cấu cây
trồng theo hướng Công nghiệp hóa hiện đại hóa (CNH-HĐH) nông nghiệp, nông thôn,
từng bước đưa nghề sản xuất rau tại các vùng quy hoạch trở thành một nghề có thế
mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Kạn.
- Từng bước nâng cao giá trị kinh
tế trên đơn vị diện tích, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động,
góp phần bảo vệ sức khoẻ cho người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sinh
thái.
3.2.2. Mục tiêu cụ thể
a)
Giai đoạn 2012 - 2015:
- Mở rộng diện tích rau, an toàn,
rau bản địa trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2015 diện tích gieo trồng rau đạt
1.990 ha, sản lượng ước đạt 31.300 tấn. Trong đó:
+ Diện tích gieo trồng rau tại các
vườn gia đình 1.400 ha, năng suất 15 tấn/ha, sản lượng 21.000 tấn.
+ Diện tích gieo trồng rau tập
trung 300 ha, năng suất 19,5 tấn/ha, sản lượng 5.875 tấn.
+ Diện tích gieo trồng rau an toàn
240 ha, năng suất 18 tấn/ha, sản lượng 4.300 tấn.
+ Diện
tích gieo trồng rau bản địa 05 ha, năng suất 25 tấn/ha, sản lượng 125 tấn.
- Giá trị sản xuất đạt xấp xỉ 298
tỷ đồng/năm.
- Xây dựng được chuỗi liên kết sản
xuất, tiêu thụ rau an toàn được kiểm tra giám sát, đảm bảo chất lượng an toàn vệ
sinh thực phẩm.
- Từng bước xây dựng được vùng sản
xuất rau chuyên canh, tập trung, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kết hợp đầu
tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
b)
Giai đoạn 2016 - 2020:
- Mở rộng diện tích rau, an toàn,
rau bản địa trên địa bàn tỉnh, đến năm 2020 diện tích gieo trồng rau đạt 2.500
ha, sản lượng ước đạt 43.100 tấn.Trong đó:
+ Diện tích gieo trồng rau tại
các vườn gia đình 1.750 ha, năng suất 16 tấn/ha, sản lượng 28.000 tấn. Trong đó
50% diện tích canh tác theo quy trình an toàn, 50% diện tích sản xuất theo hướng
an toàn.
+ Diện tích gieo trồng rau
an toàn 750 ha, năng suất trên 38 tấn/ha, sản lượng 28.900 tấn, chiếm 67,1%.
+ Diện tích gieo trồng rau bản
địa 08 ha, năng suất 25 tấn/ha, sản lượng 200 tấn, chiếm 0,4%.
- Giá trị sản xuất đạt xấp xỉ 500
tỷ đồng/năm.
4.1. Tiêu chí xác định vùng
quy hoạch sản xuất tập trung rau, rau an toàn và rau bản địa trên địa bàn tỉnh
Bắc Kạn
Vùng được lựa chọn quy hoạch phát
triển sản xuất tập trung rau, rau an toàn và rau bản địa phải đạt được các tiêu
chí về vị trí, điều kiện đất đai, nguồn nước theo quyết định số
59/2012/TT-BNNPTNT ký ngày 09 tháng 11 năm 2012. Ngoài ra, vùng quy hoạch phải
đạt được các yêu cầu sau:
- Quy mô diện tích vùng quy hoạch
phải tập trung từ 01 ha trở lên.
- Vùng quy hoạch phải có địa hình
tương đối bằng phẳng, nếu được đầu tư cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng sẽ thuận
tiện cho phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa
chuyên canh, tập trung.
- Diện tích đất vùng lựa chọn
không nằm trong quy hoạch cho các mục đích khác ít nhất là 10 năm.
4.2. Địa điểm, quy mô và đất quy hoạch sản xuất rau, RAT và rau bản địa
- Khai thác hợp lý quỹ đất có khả
năng quy hoạch của từng địa phương, trên cơ sở đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về
xây dựng hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho sản xuất rau, đảm bảo sản lượng rau đủ
đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cụ thể dự kiến quỹ đất dùng cho quy hoạch sản
xuất rau với tổng diện tích sản xuất là 905,0 ha, bao gồm:
+ Diện tích sản xuất rau trong các
vườn hộ gia đình: 700,0 ha
+ Diện tích sản xuất rau an toàn tập
trung: 297,0 ha
+ Diện tích sản xuất rau bản địa:
8,0 ha
- Phương án quy hoạch, chuyển đổi
đất sản xuất rau, RAT và rau bản địa:
+ Duy trì và cải tạo các vùng sản
xuất rau hiện có, hỗ trợ kỹ thuật để định hướng cho 700 ha rau sản xuất tại các
vườn hộ gia đình theo hướng an toàn.
+ Duy trì và cải tạo diện
tích đang sản xuất rau (157 ha) đảm bảo tiêu chí quy hoạch sang sản xuất rau an
toàn tập trung, đồng thời chuyển đổi 48 ha đất cây trồng khác sang sản xuất rau
an toàn, rau bản địa để nâng tổng diện tích sản xuất rau an toàn tập trung và
rau bản địa đạt 205 ha.
4.3. Phương án quy hoạch vùng rau và rau an toàn(RAT)
- Quy hoạch phát triển RAT theo
mức độ sử dụng đất: Căn cứ vào thực thế sản xuất, vị trí đất đai, điều kiện thực
tiễn vùng quy hoạch và khả năng đầu tư, cải tạo sử dụng cho sản xuất RAT mà
phương án quy hoạch chia ra làm 2 mức sử dụng như sau:
+ Mức một chuyên canh sản xuất
rau, rau an toàn (sản xuất quanh năm) với tổng diện tích sản xuất là 205ha từ
các nguồn: Duy trì diện tích 30ha chuyên canh sản xuất rau
tập trung hiện có; chuyển đổi 127
ha diện tích luân canh rau với cây
trồng khác và chuyển đổi 48ha đất trồng lúa, trồng mầu
sang đất chuyên trồng rau.
+ Mức hai luân canh sản xuất rau với cây trồng khác có diện
tích quy hoạch là 700ha chủ yêú là đất sản xuất rau tại
các vườn hộ gia đình.
- Quy hoạch theo mức độ sử dụng
công nghệ cho tổng diện tích sản xuất tập trung của tỉnh 205 ha dự kiến như
sau:
+ Diện tích rau, rau an toàn được
áp dụng theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến là 10 ha vào năm 2015 và 12 ha
vào năm 2020.
+ Diện tích rau, rau an toàn sử
dụng các tiến bộ kỹ thuật dự kiến là 175 ha vào năm 2015 và 193 ha vào năm
2020.
5. Các nội
dung thực hiện phương án quy hoạch
5.1. Đầu tư xây dựng hệ
thống cơ sở hạ tầng các vùng rau an toàn
- Cải tạo và xây dựng hệ thống
thủy lợi cho vùng quy hoạch
- Cải tạo, nâng cấp hệ thống
giao thông nội đồng
- Cải tạo và xây dựng hệ thống
chuyển tải điện
- Xây dựng bể chứa vỏ bao bì
thuốc BVTV
- Xây dựng các hạng mục hạ tầng
cơ sở cần thiết cho sản xuất rau an toàn ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ
như: Xây dựng các loại hình nhà lưới, nhà vòm với quy mô thích hợp để phục vụ sản
xuất cây giống, rau mầm, rau trái vụ và rau quanh năm; xây dựng nhà sơ chế sản
phẩm, nhà điều hành, nhà kho bảo quản và đóng gói sản phẩm…
5.2. Đầu tư cho khoa học
công nghệ và khuyến nông, đào tạo, chuyển giao công nghệ
- Đầu tư xây dựng các mô hình ứng
dụng khoa học công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất rau, rau
an toàn và rau bản địa.
- Đầu tư đào tạo, tập huấn cho
cán bộ, nông dân về kỹ thuật sản xuất rau an toàn và tổ chức phát triển vùng sản
xuất rau chuyên canh tập trung.
5.3. Đầu tư cho xây dựng
thị trường và xúc tiến thương mại
- Đầu tư củng cố và xây dựng hệ
thống kênh tiêu thụ cho các vùng sản xuất rau
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống
thông tin, dự báo thị trường
- Đầu tư xây dựng thương hiệu
và xúc tiến thương mại về rau an toàn cho vùng quy hoạch
5.4. Đầu tư xây dựng hệ
thống quản lý chất lượng sản phẩm rau an toàn
- Cấp giấy chứng nhận đủ điều
kiện cho vùng sản xuất rau an toàn
- Quản lý và giám sát quá trình
sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn
- Xây dựng cơ sở kiểm định chất
lượng sản phẩm rau.
- Tổ chức thực hiện giám sát sản
xuất và kinh doanh rau an toàn.
6.1.
Nhóm giải pháp về đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng quy hoạch
6.1.1. Cải tạo và xây dựng hệ
thống thuỷ lợi cho vùng quy hoạch
Các hình thức đầu tư, xây dựng
hệ thống thuỷ lợi tại các vùng rau, rau an toàn và rau bản địa:
- Hình thức 1: Sử dụng nguồn nước
mặt với hệ thống trạm bơm và kênh dẫn tự chảy, kết hợp với xây dựng các bể chứa
nhỏ tại các vùng rau an toàn để cung cấp nước tưới chủ động cho quá trình sản
xuất.
- Hình thức 2: Sử dụng nguồn nước
ngầm cung cấp cho sản xuất rau an toàn. Hình thức này yêu cầu phải đầu tư xây mới
giếng khoan lớn, hệ thống bể lắng lọc và đường ống dẫn khép kín rất thuận lợi
cho việc áp dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất.
6.1.2. Nâng cấp và hoàn chỉnh
hệ thống giao thông nội đồng cho vùng quy hoạch sản xuất rau, rau an toàn tập
trung.
6.1.3. Cải tạo và xây dựng hệ
thống truyền tải điện cho vùng quy hoạch sản xuất rau, rau an toàn tập trung.
6.1.4. Xây dựng bể chứa vỏ
bao bì thuốc BVTV cho vùng quy hoạch.
6.1.5. Đầu tư xây dựng các hạng
mục cơ sở hạ tầng cần thiết để phát triển vùng quy hoạch theo hướng ứng dụng
công nghệ tiên tiến
- Xây dựng các loại hình nhà lưới,
nhà vòm với quy mô thích hợp để phục vụ sản xuất cây giống rau, rau mầm, rau an
toàn trái vụ và quanh năm.
- Xây dựng nhà sơ chế, bảo quản
đóng gói sản phẩm, kho lạnh và nhà giao dịch tiêu thụ sản phẩm.
- Xây dựng nhà xưởng và sân
phơi để sản xuất giá thể cung cấp cho sản xuất cây con giống và rau mầm.
6.2. Đầu tư cho khoa học
công nghệ và khuyến nông
6.2.1. Đầu tư xây dựng các
mô hình ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất
rau, rau an toàn.
- Các hình thức thử nghiệm tiến
bộ kỹ thuật trong sản xuất rau, RAT như sản xuất cây con giống theo quy mô công
nghiệp; ứng dụng công nghệ nhà lưới và kỹ thuật vòm che sản xuất rau nguồn gốc
ôn đới trong mùa hè (trái vụ); ứng dụng 30 quy trình sản xuất rau an toàn để sản
xuất rau tự nhiên ngoài đồng ruộng, nhằm cải thiện
độ phì đất, nâng cao năng suất chất lượng rau, đảm bảo tiêu chuẩn rau an toàn…
- Các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ
thuật mới trong sản xuất rau, RAT
+ Xây dựng mô hình sản xuất cây
con giống rau:
+ Xây dựng mô hình sản xuất rau
mầm, rau non cao cấp:
+ Xây dựng mô hình sản xuất
rau, rau an toàn hàng hóa chuyên canh:
6.2.2. Đầu tư đào tạo, tập
huấn cho cán bộ, nông dân về sản xuất rau, RAT
Mở các lớp đào tạo, tập huấn về
Kỹ thuật sản xuất rau an toàn và Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt
cho rau quả tươi an toàn tại Việt Nam (VietGAP) cho đối tượng là cán bộ quản
lý, cán bộ kỹ thuật, nông dân trực tiếp sản xuất…và tổ chức thăm quan học tập
trong và ngoài tỉnh về các mô hình sản xuất rau, rau an toán.
6.3. Giải pháp về thị trường
tiêu thụ và xúc tiến thương mại
6.3.1. Các giải pháp về thị
trường tiêu thụ
- Xác định các thị trường tiêu
thụ chủ yếu của rau, rau an toàn, từng bước xây dựng chiến lược khai thác và mở
rộng thị trường tiêu thụ.
- Nâng cao khả năng đáp ứng các
yêu cầu của thị trường về: giá cả, chất lượng, số lượng và sự đa dạng về
chủng loại rau, rau an toàn của vùng quy hoạch.
- Hỗ trợ các mô hình kinh tế hợp
tác, liên kết 4 nhà theo các hình thức khác nhau để tạo mối liên kết chặt chẽ
giữa người sản xuất và người tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho rau an toàn trên
địa bàn vùng quy hoạch.
- Hỗ trợ thành lập các HTX,
phát huy vai trò của các HTX trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
cho các hộ nông dân.
- Củng cố và xây dựng các chợ đầu
mối để tiêu thụ sản phẩm rau, RAT của vùng quy hoạch.
- Xây dựng mạng lưới tiêu thụ
rau trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thông qua các siêu thị, cửa hàng hoặc quầy hàng
chuyên kinh doanh rau quả.
6.3.2. Xây dựng thương hiệu
và xúc tiến thương mại về rau an toàn cho các vùng quy hoạch.
- Phát triển các mô hình liên kết,
hợp tác như sau: Mô hình hợp tác xã sản xuất và dịch vụ thương mại của các xã,
phường trên địa bàn vùng quy hoạch; Thành lập các hiệp hội sản xuất rau an toàn
của từng vùng quy hoạch hoặc của toàn huyện và toàn tỉnh; Tạo điều kiện cho các
doanh nghiệp, công ty có mong muốn tham gia vào việc liên kết giữa sản xuất,
tiêu thụ và công bố chất lượng sản phẩm.
- Các hoạt động xúc tiến thương
mại bao gồm:
+ Tuyên truyền, quảng cáo trên
các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, internet..) về tình hình sản xuất
và tác dụng của tiêu dùng sản phẩm rau an toàn, góp phần thúc đẩy tiêu thụ phát
triển.
+ Tham gia các tổ chức hội chợ,
triển lãm thương mại về rau an toàn trong và ngoài tỉnh để tạo cơ hội cho các
cơ sở sản xuất, kinh doanh giới thiệu về các sản phẩm của mình với người tiêu
dùng, đồng thời là cầu nối giúp người sản xuất và người kinh doanh có cơ hội gặp
nhau.
+ Hội thảo, hội nghị khách hàng
để tạo cơ hội trao đổi giữa người sản xuất, người kinh doanh và các nhà quản
lý, học tập kinh nghiệm phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn.
6.4. Giải pháp quản lý chất
lượng sản phẩm rau an toàn
- Ban hành các văn bản, quản lý
sản xuất và kinh doanh rau an toàn trên địa bàn tỉnh: cấp giấy chứng nhận đủ điều
kiện và chứng nhận VietGAP cho sản xuất, chế biến và kinh doanh RAT (do Sở Nông
nghiệp &PTNT thực hiện); cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện chế biến
RAT (do Sở Y tế thực hiện); cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh RAT (do
Sở Công thương thực hiện).
- Đầu tư cho kiểm tra, giám
sát, cấp giấy chứng nhận sản phẩm RAT để tăng cường công tác quản lý nhà nước về
chất lượng sản phẩm rau khi sản xuất ra phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của
nhân dân.
6.5. Giải pháp về cơ chế,
chính sách
6.5.1. Chính sách hỗ trợ sản
xuất, sơ chế và kinh doanh rau an toàn
- Ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng quy hoạch sản
xuất rau an toàn bao gồm:
+ Đầu tư 50% kinh phí cho hệ thống
thuỷ lợi (tưới, tiêu tại các vùng RAT); hệ thống đường điện; đường giao thông nội
đồng; bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV.
+ Hỗ trợ 50% cho xây dựng nhà
lưới; nhà sơ chế và giới thiệu sản phẩm và các công trình phụ trợ theo quy hoạch
được duyệt.
- Hỗ trợ các mô hình sản xuất
và chuyển giao TBKT mới bao gồm:
+ Hỗ trợ 100% chi phí lập dự án
chi tiết, 100% chi phí phân tích đất, nước và chất lượng sản phẩm.
+ Hỗ trợ 100% kinh phí thuê tư
vấn, chuyển giao KHKT, công cán bộ cơ sở chỉ đạo mô hình
+ Hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng,
cải tạo hạ tầng cơ sở cho sản xuất
+ Hỗ trợ 100% cho công tác tập
huấn, hội nghị, hội thảo, hội nghị đầu bờ và công chuyển giao tiến bộ kỹ thuật,
công tác giám sát, kiểm tra...
- Hỗ trợ xây dựng thị trường và
xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm rau an toàn.
+ Chính sách hỗ trợ xây dựng
thương hiệu và xúc tiến thương mại: Hỗ trợ 100% kinh phí cho cơ sở đăng ký, cấp
mới về tiêu chuẩn vùng sản xuất rau an toàn trong lần đầu, 50% kinh phí cho cấp
lại; hỗ trợ 100% kinh phí đăng ký mã số, mã vạch và kinh phí quảng bá, xây dựng
thương hiệu; hỗ trợ 100% kinh phí cho các hoạt động xúc tiến thương mại: Tuyên
truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, in ấn tờ rơi, tài liệu tuyên truyền;
hội thảo, tham quan, hội nghị khách hàng, hội thi sản xuất giỏi.
+ Ngân sách nhà nước hỗ trợ 50%
kinh phí cho: xây dựng hệ thống tiêu thụ rau an toàn (thuê gian hàng, cửa hàng
bán rau an toàn tại các chợ, khu dân cư ở các địa phương) và tham gia hội chợ.
6.5.2. Chính sách về chuyển
dịch cơ cấu cây trồng sang sản xuất rau, rau an toàn
- Khuyến khích các hộ nông dân
dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng (trên cơ sở tự nguyện) để phát
triển thành vùng sản xuất rau, rau an toàn tập trung, chuyên canh trên phạm vi
vùng quy hoạch.
- Chính sách hỗ trợ, khuyến
khích các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất rau, rau an toàn
trên địa bàn tỉnh: bằng cách tạo điều kiện về đất đai (trên phạm vi vùng quy hoạch)
và được hưởng các ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh rau an toàn theo
quy định của quy hoạch.
6.6. Giải pháp về vốn đầu tư thực
hiện quy hoạch
Nguồn vốn này được huy động từ
các chương trình, dự án sử dụng ngân sách Trung ương; ngân sách trong tỉnh (từ
các Sở, ngành có liên quan) và ngân sách của địa phương (huyện, xã...) tập
trung, lồng ghép đầu tư phát triển sản xuất RAT trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được
huy động như sau:
6.6.1. Nguồn vốn ngân sách
trung ương
- Nguồn vốn được khai
thác từ các chương trình, dự án của trung ương đầu tư phát triển sản xuất rau,
rau an toàn trên địa bàn tỉnh như:
+ Chương trình khuyến
nông; chương trình nông thôn miền núi; chương trình phát triển khoa học công
nghệ... của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Khoa học Công Nghệ. Triển khai thực hiện
các chương trình ứng dụng khoa học công nghệ mới về phát triển rau an toàn trên
địa bàn tỉnh.
+ Vốn vay ODA của chính
phủ phục vụ cho phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó tập trung cho xây dựng
cơ sở hạ tầng của vùng quy hoạch...
6.6.2. Nguồn vốn ngân sách
trong tỉnh:
- Tập
trung đầu tư cho công tác cải tạo và hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn vùng
quy hoạch.
- Đầu tư hỗ trợ công tác tuyên
truyền và hỗ trợ người sản xuất thực hiện phát triển rau an toàn trên địa bàn tỉnh.
6.6.3. Nguồn vốn huy động khác:
Vốn khác được huy động từ nguồn vốn
tự có của người nông dân và các doanh nghiệp trong và ngoài nước có điều kiện,
mong muốn đầu tư vào sản xuất và rau an toàn.
7. Hiệu quả của dự án
7.1. Về kinh tế
Tổng diện tích gieo trồng rau, rau
an toàn và rau bản địa tỉnh Bắc Kạn đến năm 2015 là 1.955 ha, sản lượng ước đạt
31.450, giá trị đạt trên 252 tỷ đồng/năm; đến năm 2020 diện tích gieo trồng rau
ổn định là 2.462 ha, sản lượng ước đạt 42.125tấn, giá trị 337 tỷ đồng/năm. Đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng của ngành trồng
trọt đối với việc phát triển kinh tế nông nghiệp ở Bắc Kạn trong điều kiện đất
nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, hiệu quả trồng trọt không cao và luôn gặp nhiều
rủi ro, cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm rau xanh ngày càng cao hơn
- đa dạng hơn và chất lượng hơn.
7.2. Về xã hội
- Tạo điều kiện để phát triển một
nghề ở nông thôn (sản xuất hàng hóa) có khả năng thu hút tạo thêm hàng ngàn lao
động ở nông thôn đã góp phần tạo công ăn việc làm ổn định, giảm bớt áp lực di
chuyển lao động thất nghiệp từ nông thôn ra thành thị.
- Phát triển kinh tế nông nghiệp
thông qua sản xuất rau, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho nông hộ
và chủ động sản xuất nguồn rau xanh tại chỗ, giảm bớt sự phụ thuộc mua từ tỉnh
ngoài đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho sức khoẻ của cộng đồng.
7.3. Về môi trường
- Các vùng trồng rau, rau an toàn
tập trung được quy hoạch và đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng đảm bảo cho sản xuất
bền vững.
- Sản xuất rau an toàn được kiểm
soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đảm bảo sức khoẻ cho cộng đồng
và toàn xã hội.
- Nhận thức về bảo vệ môi trường của
người sản xuất và tất cả người dân được tăng cường thông qua tuyên truyền, kiểm
tra và áp dụng các chế tài xử lý vi phạm phù hợp.
8. Vốn đầu
tư
Tổng nhu cầu vốn đầu tư thực hiện
dự án quy hoạch 90,00 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2011-2015: 56,040 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2016-2020: 33,960 tỷ đồng.
Nguồn vốn: Nguồn vốn ngân sách, vốn
đầu tư của các tổ chức, cá nhân, vốn đóng góp của dân, vốn khác.
9.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng,
Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan
công bố quy hoạch, theo dõi, đôn đốc thực hiện quy hoạch; tổ chức đánh giá định
kỳ việc thực hiện quy hoạch và chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị
có liên quan trình UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp cần
thiết.
- Xây dựng các đề án, kế hoạch triển
khai thực hiện mục tiêu và các nội dung của quy hoạch. Chịu trách nhiệm làm đầu
mối, chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan trong việc quản lý,
hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cán nhân đầu tư, mở rộng, phát triển
chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với quy hoạch, đúng quy định của
pháp luật.
9.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở
Tài chính:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và
PTNT cân đối, bố trí vốn từ Ngân sách nhà nước, các nguồn vốn khác và hoàn thiện
các chính sách về đầu tư, thuế để thực hiện có hiệu quả những nội dung của quy
hoạch.
9.3. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp
và PTNT, UBND các huyện, thị xã hướng dẫn các chính sách về đất đai cho các tổ
chức, cá nhân thuê phát triển chăn nuôi, xây dựng cơ sở giết mổ, bảo quản, chế
biến công nghiệp và kiểm soát tình hình ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
9.4. Sở Y tế:
Chủ trì, phối hợp với các ngành
liên quan xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện
công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong chăn nuôi và chế biến thực phẩm;
xây dựng, thực hiện chương trình thông tin - truyền thông - giáo dục VSATTP; kiểm
tra, thanh tra về VSATTP; kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư hóa chất
trong thực phẩm lưu thông trên thị trường.
9.5. Sở Công thương:
Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông
nghiệp và PTNT và các ngành có liên quan kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh
doanh thực phẩm trên thị trường, nhất là các nhóm thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm
cao; kiểm soát nhãn thực phẩm, thực phẩm giả, sản phẩm chăn nuôi tại các chợ,
các cơ sở giết mổ tập trung và triển khai áp dụng tiêu chuẩn GMP, HACCP tại các
cơ sở giết mổ quy mô công nghiệp.
9.6. UBND các huyện, thị xã:
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và
PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng kiểm tra, hướng dẫn, giám sát các
tổ chức, cá nhân đầu tư, mở rộng, phát triển sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh
bảo đảm theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
- Chỉ đạo chính quyền các xã, phường,
thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật
về chăn nuôi tại cơ sở. Xử lý nghiêm minh, đúng quy định các vi phạm pháp luật
về chăn nuôi theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm tại địa
phương.
Điều 2. Sở Nông nghiệp và PTNT
có trách nhiệm phối hợp với UBND các huyện, thị xã trong vùng quy hoạch và các
ngành có liên quan tổ chức thực hiện theo đúng nội dung quy hoạch được duyệt và
các quy định hiện hành của nhà nước.
Điều 3. Các ông, bà, Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh,
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- LĐVP;
- Lưu VT, KTTH-NLN.
|
TM.UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nông Văn Chí
|