HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 42/NQ-HĐND
|
Bình Dương, ngày
10 tháng 12 năm 2021
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
KHÓA X - KỲ HỌP THỨ BA
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Sau khi xem xét Báo cáo số
317/BC-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh; báo cáo của các
cơ quan hữu quan; báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến
thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội
đồng nhân dân tỉnh tán thành nội dung đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu
kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ và các chỉ
tiêu chủ yếu năm 2022 nêu trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời quyết
nghị:
I. VỀ THỰC
HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2021
Năm 2021, trong bối cảnh tình
hình trong nước nói chung và Bình Dương nói riêng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng
của dịch Covid-19, kinh tế đối mặt với nhiều thách thức nhưng với sự nỗ lực của
cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tình
hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa
bàn tỉnh đang dần trở lại trạng thái “bình thường mới”. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng
nề của dịch bệnh, nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn có
những điểm sáng trên một số lĩnh vực. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng
2,62% so với năm 2020; tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông
- lâm nghiệp - thủy sản và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm trong cơ cấu kinh
tế tương ứng ước đạt 67,91% - 21,31% - 3,1% - 7,67%; GRDP bình quân đầu người ước
đạt 152,25 triệu đồng/năm.
Sản xuất công nghiệp tuy gặp
nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt được mức tăng trưởng khá so với các tỉnh thành lân
cận; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 4,5% so với năm 2020. Tổng mức
bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 3,4%; kim ngạch xuất khẩu
ước tăng 13,5%; kim ngạch nhập khẩu ước tăng 14,7%.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn
xã hội ước giảm 4,3%; ước tổng thu ngân sách năm 2021 đạt 61.200 tỷ đồng, trong
đó thu nội địa ước đạt 42.700 tỷ đồng, thu từ lĩnh vực xuất nhập khẩu ước đạt
18.500 tỷ đồng; tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 32.201 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt trên 2 tỷ đô la Mỹ.
An sinh, phúc lợi xã hội và các
lĩnh vực xã hội khác được đảm bảo, đời sống người dân được ổn định. Giải quyết
việc làm cho 17.697 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 80,5%; số bác
sĩ và giường bệnh trên vạn dân lần lượt đạt 7,5 bác sĩ và 20,3 giường bệnh, tỷ
lệ người tham gia bảo hiểm y tế ước đạt trên 90%; đã thực hiện rà soát các chế
độ, chính sách về an sinh xã hội, hoàn thành công tác điều tra hộ nghèo, hộ cận
nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa
chiều dưới 1%. Diện tích nhà ở bình quân đầu người ước đạt 30,3m2/người.
Thực hiện tốt các nhiệm vụ phát
triển giáo dục - đào tạo, tổng kết năm học 2020 - 2021, chất lượng dạy và học ở
các cấp tăng hơn so với năm học trước; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia
ước đạt 79,08%. Công tác y tế dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm đã được quản
lý hiệu quả hơn; các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao,... có nhiều
tiến bộ, chất lượng được nâng cao; công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu
nại, tố cáo và đấu tranh phòng chống tham nhũng được chú trọng; quốc phòng, an
ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được,
tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, tồn tại: tăng trưởng
kinh tế và phát triển các ngành, lĩnh vực, nhất là khu vực công nghiệp, dịch vụ,
gặp rất nhiều rào cản, khó khăn, đạt mức tăng trưởng thấp hơn so với năm 2020,
cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; ngành nông nghiệp gặp khó khăn về giá vật tư
tăng trong khi giá bán nông sản giảm ; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm, thực
hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt th ấp so với kế hoạch; công tác lập các
quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm tiến độ, chưa được khắc phục
hiệu quả; hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng cũng như năng lực điều trị bộc lộ
nhiều hạn chế, nhân lực y tế chịu nhiều áp lực, thách thức trong điều trị các
ca nhiễm Covid-19; một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là trong công tác
phòng, chống dịch; công tác cải cách thủ tục hành chính tuy có nhiều tiến bộ
song vẫn chưa có nhiều đổi mới để nâng cao hiệu quả và cải thiện môi trường đầu
tư.
II. KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022
1. Mục
tiêu tổng quát
Tập trung mọi nguồn lực để
phòng chống dịch Covid-19, duy trì trạng thái “bình thường mới” đảm bảo an
toàn, hiệu quả. Phục hồi tăng trưởng kinh tế và tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch
cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ; chú trọng nâng cao chất
lượng tăng trưởng trên nền tảng chuyển đổi số, kinh tế số. Tiếp tục đầu tư hoàn
thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị - dịch vụ làm tiền đề
để xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn
minh, hiện đại; góp phần hoàn thành mục tiêu cải thiện và nâng cao đời sống
nhân dân, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Tiếp tục phát triển giáo dục
và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành
chính, nâng cao tính minh bạch và năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi
thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Nâng cao trình độ và năng lực
quản lý của đội ngũ công chức; tăng cường quốc phòng - an ninh, ổn định chính
trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và chủ động
hội nhập quốc tế.
2. Chỉ tiêu
phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022
a) Chỉ tiêu về kinh tế
- Tổng sản phẩm trong tỉnh
(GRDP) tăng 8 - 8,3% so với năm 2021;
- Tỷ trọng các ngành công nghiệp
- xây dựng, dịch vụ, nông - lâm nghiệp - thủy sản và thuế sản phẩm trừ trợ cấp
sản phẩm trong cơ cấu kinh tế tương ứng đạt 67,41% - 21,87% - 3,04% - 7,68%;
- Chỉ số sản xuất công nghiệp
(IIP) tăng 8,9%;
- GRDP bình quân đầu người khoảng
169,8 triệu đồng/năm;
- Kim ngạch xuất khẩu tăng
14,5%;
- Kim ngạch nhập khẩu tăng 17%;
- Tổng thu ngân sách nhà nước
trên địa bàn đạt 60.000 tỷ đồng;
- Tổng chi cân đối ngân sách địa
phương đạt 20.682 tỷ đồng;
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và
doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16%;
- Thu hút vốn đầu tư trực tiếp
nước ngoài đạt 1,8 tỷ đô la Mỹ;
- Tổng vốn đầu tư phát triển
toàn xã hội tăng 10%;
- Tỷ lệ hộ dân trên địa bàn được
sử dụng điện đạt 99,99%.
b) Chỉ tiêu về xã hội
- Tạo việc làm cho 35.000 lao động;
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt
82%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 32%;
- Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt
tiêu chí quốc gia về y tế xã đạt 100%;
- Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn
nghèo tiếp cận đa chiều của tỉnh đạt 2,61%;
- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm
y tế đạt trên 91,75%;
- Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn
quốc gia đạt 82,03%;
- Số bác sĩ/vạn dân đạt 8,5 bác
sĩ;
- Số giường bệnh/vạn dân đạt
23,4 giường bệnh;
- Diện tích nhà ở bình quân đầu
người đạt 30,6 m2/người;
- Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt
83%;
- Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn
mới nâng cao đạt 35,7%;
c) Chỉ tiêu về môi trường
- Tỷ lệ dân cư đô thị sử dụng
nước sạch, hợp vệ sinh đạt 99,63%;
- Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng
nước hợp vệ sinh đạt 100%;
- Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt
được thu gom, xử lý đạt 98,4%;
- Tỷ lệ chất thải rắn y tế được
thu gom, xử lý đạt 100%;
- Tỷ lệ độ che phủ cây lâm nghiệp
và cây lâu năm đạt 57,5%;
d) Chỉ tiêu về phát triển đô thị
- Tỷ lệ lượng thông tin cung cấp
công khai cho người dân có cơ chế phản hồi thông tin đạt 70%;
- Tỷ lệ dân cư có bệnh án điện
tử đạt 20%;
- Tỷ lệ cơ sở y tế cấp tỉnh, cấp
huyện cho phép đăng ký khám chữa bệnh thông qua các ứng dụng công nghệ thông
tin và truyền thông (ICT) đạt 15%;
- Tỷ lệ các điểm công cộng được
lắp đặt hệ thống giám sát an ninh đạt 25%;
- Tỷ lệ các sở ngành xây dựng
danh mục tài nguyên thông tin và thực hiện chia sẻ đạt 25%;
- Tỷ lệ trường THPT, THCS có sử
dụng sổ liên lạc điện tử đạt 100%.
3. Một số
nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất
với phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo báo cáo của
Ủy ban nhân dân tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng
thời nhấn mạnh một số giải pháp sau:
a) Các cơ quan, ban, ngành,
đoàn thể thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện
“mục tiêu kép”: vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; vừa quyết liệt
phòng, chống dịch bệnh. Tập trung xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các mục
tiêu phát triển kinh tế - xã hội 05 năm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần
thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề ra,
trong đó tập trung thực hiện nghiêm túc 4 Chương trình đột phá chiến lược và 9
nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Thực hiện dự toán ngân sách nhà
nước năm 2022 theo đúng chế độ, chính sách hiện hành; sử dụng hiệu quả nguồn lực
nhà nước, huy động tối đa các nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội
của tỉnh, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng văn hóa - xã hội. Xây dựng
các giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn nữa để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đầu
tư công năm 2022, tạo bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Quan tâm thực
hiện các giải pháp nhằm thu hút mọi nguồn lực cùng với ngân sách nhà nước tham
gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chú trọng các công
trình trọng điểm, tạo sự kết nối và sức lan tỏa lớn.
b) Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ
sung các giải pháp cụ thể tạo chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường đầu
tư, kinh doanh, tận dụng tối đa cơ hội thu hút đầu tư trong bối cảnh làn sóng dịch
chuyển vốn và công nghệ trong khu vực và trên thế giới đang diễn ra mạnh mẽ. Tiếp
tục thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số,
chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng tạo thuận lợi tối
đa, giảm thời gian và chi phí không chính thức cho người dân và doanh nghiệp,
nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ khởi nghiệp
sáng tạo, từng bước phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng
của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
c) Tập trung xây dựng quy hoạch
tỉnh đảm bảo tiến độ, chất lượng. Tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý về tài
nguyên và môi trường; sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, đáp ứng nhu cầu phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy nhanh công tác lập, thực hiện kế hoạch sử dụng đất
hàng năm. Tăng cường quản lý về trật tự xây dựng và phát triển thị trường bất động
sản; kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả việc phân lô bán nền trên địa bàn tỉnh; xây dựng
lộ trình kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở, đảm bảo chất
lượng cho người lao động.
d) Đẩy mạnh xây dựng nền hành
chính hiệu lực, hiệu quả bao gồm thực hiện các tiêu chuẩn như kỷ luật, kỷ
cương, công khai, minh bạch. Nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, thực
hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế,
nâng cao hơn nữa chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, kiểm
soát hoạt động tư pháp. Xử lý hiệu quả các vấn đề xã hội nổi cộm, bức xúc; bảo
đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.
đ) Tăng cường quan hệ đối ngoại,
hợp tác quốc tế, tranh thủ khai thác có hiệu quả các nguồn lực từ tất cả các
thành phần kinh tế nhằm phục vụ phát triển kinh tế nhanh, bền vững và xây dựng
thành phố thông minh Bình Dương; triển khai các giải pháp đồng bộ, nâng cao hiệu
lực và hiệu quả hoạt động đối ngoại nhằm thu hút mạnh vốn đầu tư vào các ngành
công nghiệp mũi nhọn, kỹ thuật cao, công nghiệp phụ trợ và các ngành dịch vụ đô
thị, chất lượng cao.
e) Tăng cường quản lý nhà nước
về công tác báo chí, truyền thông. Tập trung tuyên truyền vận động nhân dân xây
dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị. Chủ động cung cấp thông tin kịp thời,
chính xác về tình hình kinh tế - xã hội, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, góp phần tạo đồng thuận
cao trong xã hội.
g) Tiếp tục tập trung thực hiện
nhiệm vụ tăng cường công tác quốc phòng, an ninh. Nâng cao chất lượng nền quốc
phòng toàn dân và an ninh nhân dân; xây dựng các lực lượng vũ trang vững mạnh
toàn diện, chính quy; chủ động xử lý mọi tình huống xảy ra, giữ vững môi trường
ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.
Điều 2. Trên
cơ sở các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
năm 2022, giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các kế hoạch, chương trình cụ thể thực hiện
thắng lợi Nghị quyết này.
Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm
sát nhân dân tỉnh theo chức năng của mình tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao
Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Điều 3. Thường
trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và đại
biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm giám sát việc triển khai thực hiện
Nghị quyết này.
Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên giám sát và phối hợp
vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu
Nghị quyết đã đề ra.
Nghị quyết này được Hội đồng
nhân dân tỉnh Bình Dương khoá X, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 08 tháng 12 năm
2021 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022./.
Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
- Văn phòng: Quốc hội, Chính phủ;
- Ban Công tác đại biểu - UBTVQH;
- Các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính;
- Thường trực Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND cấp huyện;
- LĐVP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh;
- TT Công báo, Website, Báo, Đài PT-TH Bình Dương;
- Các phòng thuộc Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh, App;
- Lưu: VT, Tuấn.
|
CHỦ TỊCH
Phạm Văn Chánh
|