THÀNH
ỦY THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------
|
Số: 12-NQ/TU
|
TP.Hồ
Chí Minh, ngày 26 tháng 9 năm 2022
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN HUYỆN CẦN GIỜ ĐẾN NĂM 2030
I- QUAN ĐIỂM, MỤC
TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Quan điểm
- Xây dựng, phát triển huyện Cần Giờ
đặt trong tổng thể Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh
và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị,
với sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân thành phố, nhằm khai thác, phát
huy lợi thế, tiềm năng biển để Cần Giờ trở thành một trong những không gian mới,
động lực mới thúc đẩy phát triển thành phố Hồ Chí Minh.
- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển
kinh tế với bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, thực hiện tiến bộ, công bằng
xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh,
xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo đất
nước; bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển tự nhiên, chủ động ứng
phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
- Đa dạng hóa các nguồn lực phát triển
kinh tế - xã hội, trong đó nguồn lực Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, đi trước một
bước nhằm tạo đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng; nguồn lực doanh nghiệp đóng
vai trò quyết định; tăng cường hợp tác quốc tế về kinh tế biển, liên kết chặt
chẽ với các địa phương giáp ranh, bảo đảm cho Cần Giờ phát triển nhanh, hài
hòa, bền vững.
- Khơi dậy và phát huy truyền thống
cách mạng, ý chí tự lực tự cường, tinh thần năng động, sáng tạo, khát vọng vươn
lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị từ
huyện đến cơ sở trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ
cao, chuyên nghiệp, là nhân tố có ý nghĩa quyết định.
2. Mục tiêu và tầm nhìn
2.1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ
trở thành thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh,
thông minh, thân thiện môi trường, trong đó du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất
lượng cao là mũi nhọn, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát
triển nhanh, đời sống người dân nâng cao, bộ máy quản lý nhà nước tại địa
phương được tổ chức tinh gọn, hiệu quả.
2.2. Mục tiêu cụ thể
Đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản trở
thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh
tranh ở tầm khu vực. Tổng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021 - 2030 tăng
20,7%/năm; đến năm 2030, tỷ trọng dịch vụ chiếm 74,7% tổng giá trị sản xuất;
thu nhập bình quân đầu người đạt 182 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ đường đô thị
được chiếu sáng đạt 100%; tỷ lệ phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn sử
dụng năng lượng sạch đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý đạt 100%;
tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật đạt 40%; giảm hộ nghèo
theo chuẩn của thành phố còn dưới 3%.
II- MỘT SỐ NHIỆM VỤ,
GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Quản lý, bảo vệ,
phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ - Khu Dự trữ sinh quyển
thế giới
Triển khai hiệu quả Chiến lược phát
triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ giai đoạn 2021 -
2030, tầm nhìn 2030 - 2040, để Cần Giờ trở thành một hình mẫu về sự hài hòa giữa
bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên với nâng cao sinh kế và chất
lượng sống cộng đồng dân cư, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và tăng
trưởng kinh tế xanh, bền vững. Lập, triển khai kế hoạch đề cử vùng đất ngập nước
ven biển huyện Cần Giờ trở thành vùng ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu
Ramsar) trong bảo tồn hệ sinh thái biển, ven biển. Triển khai hiệu quả các
chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, chống xâm thực, xói lở bờ biển, ngập
lụt, xâm nhập mặn trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đặc biệt
là áp dụng các mô hình thông minh có khả năng thích ứng, chống chịu với thiên
tai.
Có cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ
các nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tham gia, đồng hành cùng
chính quyền địa phương trong quản lý, bảo tồn, phục hồi, phát triển diện tích rừng
ngập mặn, nhằm phát huy tốt nhất vai trò, giá trị Khu Dự trữ sinh quyển theo
tiêu chí của Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển (thuộc
UNESCO, viết tắt là MAB). Phát huy giá trị các di tích, di sản đã được xếp hạng,
làng nghề truyền thống trong Khu Dự trữ sinh quyển phục vụ nhu cầu nghiên cứu,
học tập, tham quan du lịch của du khách trong, ngoài nước. Quản lý, khai thác
hiệu quả các mô hình sinh kế bền vững từ các nguồn lợi tự nhiên trong Khu Dự trữ
sinh quyển.
2. Triển khai thực
hiện hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế biển, từng bước định hình và thúc đẩy
các ngành kinh tế chủ lực
Phát triển kinh tế Cần Giờ trên cơ sở
phát huy thế mạnh đặc thù của địa phương ven biển, trong đó chú trọng phát triển
các ngành dịch vụ, du lịch biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng, khai thác và chế
biến hải sản chất lượng cao. Có chính sách thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh
tế tham gia phát triển kinh tế, đặc biệt ưu tiên thu hút các nhà đầu tư lớn có
trình độ công nghệ và quản lý tiên tiến vào các lĩnh vực dịch vụ, du lịch sinh thái,
nông nghiệp công nghệ cao và các dự án phát triển đô thị phù hợp với quy hoạch.
2.1. Phát triển du lịch trở
thành ngành kinh tế mũi nhọn, hình thành các loại hình dịch vụ, dịch vụ phụ trợ
kinh tế biển
Phát triển du lịch Cần Giờ theo định
hướng trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia với những sản phẩm mang đặc
trưng của thành phố biển, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái rừng,
sinh thái nông nghiệp và sinh thái biển. Đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm,
các điểm đến thuộc nhiều loại hình đặc sắc của vùng đất Cần Giờ với các trụ cột
chính là du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng. Kết nối với các tuyến du lịch
quốc tế thông qua cảng hành khách quốc tế trên luồng Sài Gòn - Vũng Tàu. Hỗ trợ
triển khai thực hiện “Dự án đầu tư mở rộng Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ”
theo quy hoạch được phê duyệt. Phấn đấu tổng lượng khách du lịch đến Cần Giờ
giai đoạn 2021 - 2030 đạt 49 triệu lượt, tốc độ tăng bình quân 12,5%/năm.
Có cơ chế, chính sách thu hút, khuyến
khích doanh nghiệp, người dân tham gia đầu tư, kinh doanh, quảng bá dịch vụ du
lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Hình thành các doanh nghiệp, cơ sở kinh
doanh, hệ thống phân phối đa dạng, đủ năng lực, từng bước nâng cao chất lượng
các dịch vụ, khả năng cung ứng hàng hóa phục vụ phát triển du lịch.
2.2. Chuyển dịch cơ cấu nông
nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao
Thúc đẩy quá trình chuyển đổi các mô
hình phát triển nông nghiệp truyền thống sang ứng dụng khoa học, công nghệ cao;
đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp
tác xã. Triển khai hiệu quả dự án xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao ngành
thủy sản Cần Giờ; thu hút đầu tư xây dựng Khu trung tâm thủy sản thành phố tại
xã Bình Khánh.
Định hướng các hoạt động nuôi trồng,
khai thác hải sản bền vững gắn với bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản. Tổ chức
lại hoạt động khai thác theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác
các vùng biển xa bờ; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi
nghề cho ngư dân. Đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai
thác, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị
kinh tế cao mang đặc trưng của Cần Giờ, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tập
trung thúc đẩy và hỗ trợ các mô hình nuôi hiệu quả tại địa phương; xác định các
vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, chim yến phù hợp với mật độ chăn nuôi và tình
hình sử dụng đất, điều kiện thời tiết khí hậu. Nâng cao hiệu quả công tác quản
lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản. Xây dựng, triển khai
quy trình an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản. Quy hoạch, đầu tư phát
triển hạ tầng kỹ thuật, áp dụng khoa học tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng
sản phẩm muối; có chính sách hỗ trợ điểm dân trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm
chế biến từ muối.
2.3. Xây dựng mô hình nông thôn
mới kiểu mẫu trong thành phố xanh, du lịch sinh thái thân thiện môi trường; triển
khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội xã đảo Thạnh
An
Triển khai xây dựng 6 xã nông thôn mới
kiểu mẫu và mô hình xã nông thôn mới thương mại điện tử tại xã Bình Khánh, hoàn
thành bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn của Thành
phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025. Đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, tạo
môi trường thuận lợi thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại các xã
nông thôn mới. Triển khai kế hoạch xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Cần Giờ theo Đề
án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 -2025.
Tổ chức thực hiện Quyết định số
530/QĐ/TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận
xã Thạnh An huyện Cần Giờ là xã đảo, triển khai có hiệu quả Dự án phát triển
kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh xã đảo Thạnh An đến năm
2025, tầm nhìn đến năm 2030, tạo sự đột phá về phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ
tầng xã hội, kết hợp phát triển với Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, đưa Thạnh
An trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu và là xã đảo xanh, sạch, thân thiện môi
trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
3. Nâng cao hiệu
lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai, đô thị
Đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh quy
hoạch vùng huyện theo kết quả thi tuyến quốc tế “Ý tưởng quy hoạch phân khu tỷ
lệ 1/5000 huyện Cần Giờ”; theo hướng hiện đại, sát thực tiễn làm cơ sở lập quy
hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng đáp ứng nhu cầu đầu tư
phát triển; xây dựng khu đô thị vệ tinh tại xã Bình Khánh theo hướng phát triển
thành đô thị triển lãm; xây dựng một phần khu vực ấp An Nghĩa, xã An Thới Đông
(Khu B) với chức năng chính là du lịch sinh thái, sản xuất nông sản, thủy hải sản
phục vụ du lịch; hình thành Khu du lịch sinh thái thân thiện môi trường khu vực
thị trấn cần Thạnh và xã Long Hòa.
Quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý,
hiệu quả, bền vững nguồn lực đất đai, trong đó có tính đến quỹ đất bãi bồi, đất
mặt nước, ven sông, ven biển, đất sông, ngòi, kênh, rạch nhằm phát triển kinh tế
- xã hội của huyện. Nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý quy hoạch, thiết
kế đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc, đô thị gắn với các tiêu chí đô thị loại
I. Kịp thời cập nhật, bổ sung quy hoạch cảng biển, đường ven biển vào các quy
hoạch phân khu.
4. Đầu tư xây dựng
hệ thống hạ tầng đồng bộ, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội
Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung
ương và các địa phương liên quan nghiên cứu, đầu tư phát triển hệ thống giao
thông kết nối giữa các cực phát triển của huyện, giữa huyện với trung tâm thành
phố và các tỉnh lân cận theo quy hoạch được duyệt như: cầu Cần Giờ, đường Rừng
Sác, đường trục chính ở Khu A, Khu C; nâng cấp các tuyến đường nhánh nối trung
tâm các xã Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông, Lý Nhơn với đường Rừng Sác; đường vành
đai kết nối 4 xã phía Bắc; nút giao thông kết nối đường Rừng Sác với tuyến cao
tốc Bến Lức - Long Thành. Chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa
phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách du lịch đường thủy. Tổ chức đánh
giá hiệu quả đầu tư các tuyến đường giao thông nông thôn thuộc Đề án xây dựng
nông thôn mới.
Thu hút đầu tư xây dựng, đưa vào khai
thác cảng biển tổng hợp, chuyên dùng, cảng hành khách quốc tế, cảng container
trung chuyển quốc tế, gắn với các dịch vụ hỗ trợ tại các vị trí tiếp giáp sông
Lòng Tàu, luồng Sài Gòn - Vũng tàu, luồng Cái Mép - Thị Vải nhằm hình thành hạ
tầng logistics kết nối liên thông các địa phương trong nước và quốc tế. Mở rộng,
nâng cao công suất các tuyến phà hiện hữu như phà Cần Giờ - Vũng Tàu, phà Cần
Giờ - Cần Giuộc. Quy hoạch, khai thác đồng bộ các tuyến phà kết nối xã Long
Hòa, xã Lý Nhơn với thị trấn Vàm Láng và xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh
Tiền Giang. Nghiên cứu phát triển đường trên cao dọc tuyến đường Rừng Sác vào
Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, bảo đảm phát triển giao thông với bảo vệ rừng,
bảo vệ cảnh quan, môi trường khu vực.
Đầu tư hệ thống đê điều, bờ kè chắn
sóng hiện đại góp phần tạo cảnh quan, chống biển xâm thực, xói lở, xâm nhập mặn.
Triển khai di dời, tái định cư đối với các hộ dân sống trong khu vực nguy hiểm,
có nguy cơ sạt lở cao, khu vực ven sông, ven biển và trũng thấp. Tăng cường kiểm
soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, lưu
vực sông, các khu vực tập trung đông dân cư. Đầu tư các dự án đầu tư lò đốt rác
sinh hoạt trên địa bàn xã An Thói Đông và xã Thạnh An (theo hướng hiện đại), đẩy
nhanh tiến độ lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 nghĩa trang Bình Khánh để kêu
gọi đầu tư xã hội hóa.
5. Thúc đẩy phát
triển văn hóa xã hội, bảo đảm kết hợp hài hòa giũa phát triển kinh tế với văn
hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng sống của người
dân
Phát triển kinh tế gắn với việc bảo tồn
và phát huy bản sắc, giá trị lịch sử và văn hóa dân tộc, tri thức tốt đẹp trong
ứng xử với biển. Chú trọng phát triển các thiết chế văn hóa cho cộng đồng dân
cư biển, ven biển. Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, thực hiện tiến bộ,
công bằng xã hội, nâng cao đời sống dân cư biển, đảo; quan tâm chăm lo gia đình
chính sách, người có công, tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt nhất
với các dịch vụ xã hội cơ bản, phát triển sản xuất, kinh doanh và thoát nghèo.
Xây dựng, phát triển ngành giáo dục -
đào tạo huyện có chất lượng, sớm tiệm cận chất lượng giáo dục chung của thành
phố; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
trong giảng dạy và học tập; phấn đấu đến năm 2030, có 86,36% trường đạt chuẩn
quốc gia, 100% trường triển khai thực hiện tiêu chí trường học thông minh.
Nghiên cứu quy hoạch và phát triển Khu đô thị giáo dục, đại học, dạy nghề tại
khu vực xã Bình Khánh. Đề xuất cơ chế hỗ trợ, nâng cao chất lượng đào tạo, phát
triển mạng lưới cơ sở đào tạo nguồn nhân lực biển; thực hiện có hiệu quả công
tác đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu lao động của các ngành kinh tế biển; phấn đấu
đến năm 2030, tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo đạt 85%; tỷ lệ lao động
phi nông nghiệp đạt 80% và tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên 96%.
Đầu tư phát triển ngành y tế của huyện
đi đối với thúc đẩy xã hội hóa công tác y tế, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc, bảo
vệ sức khỏe Nhân dân, phòng ngừa dịch bệnh. Đến năm 2030, tỷ lệ người dân tham
gia bảo hiểm y tế trên 97%.
Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Bảo
tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ; dự
án Trung tâm Văn hóa - Thể thao đa năng Thành phố Hồ Chí Minh tại huyện Cần Giờ,
Quảng trường văn hóa, thể dục thể thao Cần Giờ... Đầu tư nâng cấp, bảo tồn và
phát huy giá trị các di tích văn hóa lịch sử như: Di tích lịch sử Căn cứ cách mạng
Rừng Sác, Di chi khảo cổ học Giồng Cá Vồ, Di tích kiến trúc nghệ thuật Lăng Ông
Thủy Tướng Cần Thạnh, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án phát triển công nghiệp
văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030.
Đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa trên
các lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao; đa dạng hóa các hoạt động và sản phẩm văn
hóa phục vụ nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, đi đôi với phát triển văn hóa
thể thao quần chúng gắn với đặc thù vùng biển và đầu tư có trọng điểm thể thao
thành tích cao.
6. Kết hợp chặt
chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững
chủ quyền biển đảo, an ninh biên giới
Tăng cường củng cố thế trận quốc
phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân khu vực biển; đẩy mạnh tuyên
truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân đối với chủ
quyền, toàn vẹn lãnh thổ biển, đảo; chăm lo xây dựng tiềm lực chính trị trong
khu vực phòng thủ và xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo, dự bị động
viên, dân quân, tự vệ biển vững mạnh, ngày càng hiện đại, góp phần bảo vệ vững
chắc chủ quyền biển đảo và bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư vùng biển, người
lao động trên biển. Đấu tranh, triệt xóa các đường dây vận chuyển ma túy, các
hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên biển; trấn áp các loại tội phạm,
nhất là tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp và tệ nạn xã hội; giải quyết tốt các
tranh chấp, khiếu kiện.
Đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số,
các giải pháp công nghệ số hiện đại đồng bộ với thành phố để triển khai ứng dụng
kết nối số thông minh đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
7. Xây dựng Đảng
bộ huyện trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của
Đảng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền gắn
với xây dựng chính quyền đô thị
Tăng cường lãnh đạo công tác xây dựng
Đảng, hệ thống chính trị gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa
XI, khóa XII, khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Kết luận số 01-KL/TW
ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số
05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra,
giám sát, kỷ luật Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chăm lo
xây dựng tổ chức cơ sở đảng và hệ thống chính trị cơ sở.
Kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiện
đại gắn với xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; đẩy mạnh cải cách
hành chính, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số; nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ
công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân,
doanh nghiệp.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức,
viên chức trong hệ thống chính trị có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo
đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Phấn đấu
đến năm 2030, có 100% cán bộ lãnh đạo cấp phòng và tương đương, 50% cán bộ,
công chức và 30% viên chức có trình độ thạc sĩ trở lên; 100% công chức cấp xã,
thị trấn có trình độ từ đại học trở lên, lý luận chính trị từ trung cấp trở
lên.
8. Nâng cao chất
lượng công tác dân vận, thực hiện nghiêm quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường mối
quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân
Phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn
kết toàn dân tộc, xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị
xã hội vững mạnh; thực hiện tốt công tác dân vận của hệ thống chính trị và quy
chế dân chủ cơ sở. Tăng cường sự phối hợp kiểm tra, giám sát của Đảng, giám sát
phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và giám sát của
Nhân dân trong xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông
thôn mới, xây dựng đô thị văn minh theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân
làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp
pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Đẩy mạnh các cuộc vận động,
các phong trào thi đua yêu nước.
III- TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Các cấp,
các ngành, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, nhất là Đảng bộ, chính quyền và
nhân dân huyện Cần Giờ quán triệt sâu sắc Nghị quyết; chủ động phối hợp, xây dựng
các chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết.
2. Ban
cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí
Minh chỉ đạo các Sở, ban, ngành thành phố:
- Chủ động phối hợp, kịp thời tháo gỡ
những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để huyện Cần Giờ thực hiện đạt
kết quả Nghị quyết này.
- Nghiên cứu, tham mưu chủ trương
theo hướng tăng cường để lại nguồn thu, tạo điều kiện cho huyện Cần Giờ chủ động
nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, bảo vệ môi trường và chăm lo cho đời sống
người dân. Trường hợp thuộc thẩm quyền của Trung ương, Ủy ban nhân dân thành phố
chủ động trình Trung ương theo quy định.
Triển khai thực hiện công tác lập quy
hoạch vùng huyện trên cơ sở xác định rõ vai trò, chức năng, mối liên hệ về
không gian giữa huyện Cần Giờ với các khu vực chức năng khác của thành phố theo
quy định; nghiên cứu xây dựng đồ án quy hoạch vùng huyện theo phương án quy hoạch
hài hòa giữa “Ý tưởng quy hoạch phân khu 1/5000 huyện Cần Giờ” và tình hình thực
tế tại địa phương. Phối hợp với huyện Cần Giờ thực hiện quy hoạch vùng huyện để
có cơ sở điều chỉnh quy hoạch cục bộ, Quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông
thôn, quy hoạch cục bộ xã Thạnh An.
- Trong quá trình điều chỉnh quy hoạch,
xác định các dự án có tính cấp bách để ưu tiên triển khai thực hiện, nhất là Dự
án cầu Cần Giờ; tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực
hiện Dự án đầu tư mở rộng Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ theo chủ trương
đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Quyết định số 826/QĐ-TTg ngày 12
tháng 6 năm 2020.
- Rà soát, xác định diện tích đất rừng,
cắm mốc quản lý đất rừng; sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức hoạt động, Quy chế
quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ. Xem xét, xây dựng phương án kết hợp nghiên cứu,
phát triển với khai thác du lịch sinh thái nhằm phát huy giá trị hệ sinh thái rừng
ngập mặn Cần Giờ - Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
- Nghiên cứu, tìm nguồn vốn đầu tư
các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội quan trọng như: đường Rừng
Sác, điểm giao thông kết nối đường Rừng Sác với tuyến cao tốc Bến Lức - Long
Thành; đường liên xã Bình Khánh - An Thới Đông - Lý Nhơn - Long Hòa, đường vành
đai kết nối các xã phía Bắc và các dự án xử lý chất thải rắn và xử lý nước thải
tập trung.
- Nghiên cứu xây dựng tuyến phà kết nối
xã Long Hòa và xã Lý Nhơn với thị trấn Vàm Láng và xã Gia Thuận, huyện Gò Công
Đông, tỉnh Tiền Giang. Nghiên cứu đầu tư xây dựng bến, cảng biển Quy hoạch tổng
thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm
2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg , hình thành
hạ tầng cung cấp các loại hình dịch vụ logistics theo “Ý tưởng quy hoạch phân
khu tỷ lệ 1/5000 huyện Cần Giờ”.
- Xây dựng cơ chế chính sách thu hút
các thành phần kinh tế tham gia phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại theo hướng
tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, con chất
lượng cao; hình thành trung tâm sản xuất giống nông nghiệp, góp phần tạo ra các
sản phẩm đặc trưng.
- Xem xét phân cấp, ủy quyền cho huyện
Cần Giờ trong lĩnh vực du lịch; có các cơ chế, chính sách đặc thù tạo điều kiện
cho huyện thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch.
3. Ban Chấp
hành Đảng bộ huyện Cần Giờ căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ
XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, Nghị quyết số 36-NQ/TW của
Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển
Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để xây dựng các chương trình, kế
hoạch hành động nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết này.
- Chỉ đạo rà soát các nội dung, lĩnh
vực mà huyện Cần Giờ có thể thực hiện, chủ động làm việc với các Sở, ban, ngành
thành phố trước khi đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố phân cấp, ủy quyền.
- Rà soát các khó khăn, vướng mắc, chủ
động đề xuất các ban Thành ủy, các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố phối hợp làm việc để kịp thời
tháo gỡ.
4. Các
ban Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Văn phòng Thành ủy theo chức năng, nhiệm
vụ cụ thể hóa nội dung của Nghị quyết thành kế hoạch thực hiện; tổ chức tuyên
truyền, phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và
Nhân dân nhằm thống nhất nhận thức và hành động, huy động sức mạnh tổng hợp của
cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, các tôn giáo, dân tộc, nhân sỹ,
trí thức, doanh nhân, kiều bào cùng chung tay xây dựng và phát triển Cần Giờ; đồng
thời quan tâm hỗ trợ huyện Cần Giờ trong quá trình triển khai thực hiện Nghị
quyết và lãnh đạo xây dựng kế hoạch, chương trình giám sát việc thực hiện Nghị
quyết.
5. Văn
phòng Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi, đôn đốc, rút kinh nghiệm
hàng năm, tham mưu tổ chức sơ kết việc thực hiện vào năm 2025 và tổng kết việc
triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định.
Nơi nhận:
- Thường trực Ban Bí thư
(để báo cáo),
- Văn phòng Trung ương Đảng (để báo cáo),
- Các đồng chí Thành ủy viên,
- Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố,
- Các ban Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy,
- Các đảng đoàn, ban cán sự đảng, Ban Thường vụ Thành Đoàn,
- Thành ủy Thủ Đức, các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc
Thành ủy,
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố,
- Văn phòng Thành ủy (Lãnh đạo, Phòng TH/Hag),
- Lưu Văn phòng Thành ủy.
|
T/M
BAN THƯỜNG VỤ
BÍ THƯ
Nguyễn Văn Nên
|